SÁU TRỰC GIÁC CỦA THÁNH GIOAN BOSCO

Thánh Gioan Bosco, linh mục người Ý xuất thân trong một gia đình khiêm tốn hai trăm năm trước và được phong thánh năm 1934, ngài là nhà giáo đầu tiên của trẻ em đường phố.  Ngài đã biến giấc mơ tuổi trẻ của mình thành hiện thực để giúp các trẻ em kém may mắn.  Ngày hôm nay chúng ta vẫn còn học hỏi ở ngài rất nhiều điều.

  1. Ngăn ngừa, không trấn áp

Ở giữa thế kỷ 19, thời của tác phẩm Những kẻ khốn cùng (Les Misérables) của văn hào Victor Hugo với nhân vật Jean Valjean, giáo dục dựa trên “cây roi” và các trẻ em không ‘thẳng thớm’ được sửa trị ngay.

Năm 1850, linh mục người Ý 35 tuổi đã can đảm lên án cách giáo dục trấn áp truyền thống đối với các em “bụi đời,” ngài chống lại lối giáo dục xưa cổ “vâng lời trước, thương yêu sau.”

Linh mục Jean-Marie Petitclerc dòng Salê giải thích: “Đây là sai lầm của lối giáo dục Pháp, đã đào tạo các cô thầy trấn áp thay vì yêu thương học sinh.  Thánh Gioan Bosco đã tái lập thương yêu, ngài giải thích, đơn giản là phải học cách quản lý nó.”

Thánh Gioan Bosco chiến đấu để những người chung quanh mình tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em, làm cho các em tin tưởng và giao trách nhiệm cho các em.

Ngài nói, “vì sao chúng ta lại muốn thay thế bác ái bằng sự lạnh lùng của luật lệ.”  Theo ngài, phải có tình thương thật sự với những người mà mình nhìn họ như đi ngược với mình.  Ngài tin ở một “phương pháp phòng ngừa, linh động và được hỗ trợ bởi một tình yêu nhân từ.”  Năm 1844 ngài nhanh chóng thành lập Nhà nguyện Valdocco, một khu phố nghèo ở thành phố Turin.  Ngài có trực giác, các em bé nổi loạn này không nên ở với nhau mà nên hòa chung với các em bé khác.

Linh mục Petitclerc giải thích: “Thánh Gioan Bosco nuôi các học sinh miền quê đã nhận một giáo dục tốt trong môi trường gia đình của các em,” như thế ngài đã có sáng kiến một xã hội hòa trộn trước thời.

  1. Đội ngũ làm nên sức mạnh

Dựa trên sức mạnh của riêng mình để tạo đường hướng gần gũi và khuyến khích các em gặp khó khăn là chuyện không tưởng.

Sẽ là nguy hiểm!

Ở Valdocco, Thánh Gioan Bosco cho các em nhà ở, giải trí, đào tạo các em nổi loạn ở ngoại ô thành phố Turin, ngài nhanh chóng thành lập nhóm với các em trẻ ngài đã huấn luyện.  Các em có trách nhiệm, đến lượt các em, các em đào tạo lại các em khác.  Điều này làm chúng ta nhớ lời của Cha Phêrô: “Bạn không giúp tôi một tay để tôi giúp các người trẻ này sao?” 

  1. Dịu dàng và kiên nghị

Thánh Gioan Bosco không tình cờ chọn dòng “Salê”: ngài vinh danh Thánh Phanxicô Salê, nổi tiếng về đức tính dịu dàng và bác ái.  Nhưng vì sao ngài không gọi đó là những “người Bosco?”

Linh mục Petitclerc cho biết: “Đó là dấu hiệu khiêm tốn của ngài.  Ngài giao công việc của mình cho Thánh Phanxicô Salê, để nhớ vị thánh lớn ở thời đối thoại khi có căng thẳng những người công giáo và tin lành năm 1595.”

Nhà dòng Ý nhanh chóng gọi đây là “bầu khí salê.”  Một liên kết giữa tình yêu và lý trí, giữa dịu dàng và kiên nghị.  Ở đây có tình gia đình thân yêu, các em có được “an toàn nhưng không khép kín,” các em cũng có các “hụt hẫng nhưng không bị bỏ rơi trước các lo âu của mình.”

“Bầu khí salê” là làm vui lòng nhau, chứng tỏ qua việc chia sẻ trong khi chơi cũng như khi gặp khó khăn.  Như Thánh Gioan Bosco nói: “Đó là loại bỏ hàng rào nghi kỵ chết người.”

Chính trong bầu khí này, Thánh Gioan Bosco vun trồng bằng cách “nói nhỏ vào tai” mỗi em và “lời nói vào buổi tối” này giúp các em xem lại ngày sống của mình, khuyến khích các em, vừa từng em, vừa cả nhóm. 

  1. Mọi người cùng hòa mình với nhau!

Khái niệm mới trong tương quan giữa nhà giáo và học sinh là không còn khoảng cách giữa thầy giáo “trên cao” và học sinh “không biết gì.”

Khái niệm này mở đầu cho một sư phạm liên minh, nơi mọi người có một khoảng cách phù hợp.  Nhà giáo phải ở giữa học sinh của mình: Ai muốn được yêu thì phải chứng tỏ mình yêu thương.

“Phải yêu thương người trẻ trong những gì các em thích,” có nghĩa là phải quan tâm đến sở thích của các em.  Phải nhất quán giữa lời nói và việc làm: “Chúng ta không thể cự lại sự hội tụ của đức tin và việc làm,” Linh mục nhà giáo cho các trẻ em đường phố Guy Gilbert cũng đã nói như vậy.

Nó áp đặt sự tôn trọng đi đôi với thẩm quyền trên các trẻ em đã mất phương hướng.  Đối với Thánh Gioan Bosco, thẩm quyền cũng như tình yêu: một quan hệ không thể làm bằng chỉ huy. 

  1. Ước mơ điều tốt nhất

Điều Thánh Gioan Bosco dạy chúng ta còn tinh tế hơn, người có tầm nhìn không phải là người mơ mộng dịu dàng.  Hơn mọi thánh khác, Thánh Gioan Bốt-cô “dựa trên các trực giác lớn của mình qua các giấc mộng ban đêm mà Đức Giáo hoàng Piô  IX đã xin ngài ghi lại, các giấc mộng này là động lực hành động của ngài.

Như mục sư Martin Luther King đã tuyên bố: “Tôi có một giấc mơ…”, Linh mục Petitclerc giải thích, Thánh Gioan Bosco đã đi theo giấc mơ của mình và làm cho các giấc mơ thành công việc cụ thể.”

Thánh Gioan Bosco đã đi tới đàng trước qua các giấc mơ liên tiếp từ năm 9 tuổi, chúng ta tự hỏi ngài có tự cao hay hoang đường không.  Nhưng nhìn kết quả thì chúng ta thấy giấc mơ đã được thực hiện.

Linh mục Petitclerc giải thích, khi Thánh Gioan Bosco nói: “Tôi mơ” thì điều này không thể bàn cãi.  Chính Đức Giáo hoàng cũng đã chú tâm nghe ngài…  Toàn bộ “hệ thống” giáo dục mà chúng ta mơ ước có được hiệu quả của nó là do ngài đã xem trọng các giấc mơ ban đêm của mình.

  1. Mở ra với thế giới

Sức mạnh – ngày nay vẫn còn – của Thánh Gioan Bosco là ngài mang lại sự đảo ngược này trong tâm trí của thời bài-giáo sĩ mà toàn bộ xã hội đã bị ngả ngiêng từ thôn quê đến đô thị kỹ nghệ hóa.

Giai đoạn đột biến mất phương hướng này nhắc lại thời buổi chúng ta, thời buổi người trẻ khó hướng về tương lai.  Thánh Gioan Bosco đã xoay sở và làm được, ngài thoát ra khỏi khuôn khổ nghiêm ngặt của tôn giáo để làm cho các chính trị gia “thế tục” hiểu được.

Là linh mục, ngài đã in dấu ấn của mình trong việc phòng ngừa nạn phạm pháp nơi các em vị thành niên, và đã làm cho các chính trị gia rất bài tôn giáo thời đó ngạc nhiên.

Năm 1857, bộ trưởng Ý Urbano Rattazzi khuyên ngài thành lập một dòng của các “tu sĩ theo con mắt của Giáo hội và các công dân tự do theo con mắt của Quốc gia.”

Văn hào chống giáo sĩ Victor Hugo, chính ông cũng ngạc nhiên về Thánh Gioan Bốt-cô và ông đã gặp ngài nhiều lần.

Lời khuyên cuối cùng của Thánh Gioan Bosco: nhà giáo sẽ thành công khi đưa ra một nền giáo dục toàn bộ, giảng dạy mở ra với người khác và với thế giới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

NOI GƯƠNG CÁC VỊ THÁNH NHƯ THÁNH THOMAS AQUINAS

Có rất nhiều vị thánh – đủ mọi độ tuổi – đáng để chúng ta noi gương.

Thật là một lợi ích tuyệt vời mà tất cả chúng ta có được trong đại gia đình trên trời, sự hiệp thông vinh quang của các thánh mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, qua việc họ sẵn sàng hiến thân cho Ngài.  Với đức tính anh hùng lấy Đức Kitô làm trung tâm, các thánh có thể truyền cảm hứng và dạy dỗ tất cả chúng ta.  Sự tự kỷ luật đáng kinh ngạc mà rất nhiều vị thánh đã thể hiện và những thử thách bên ngoài mà họ phải chịu đựng sẽ đặt vào góc nhìn thích hợp về những sự bất tiện và sự thiếu thốn nho nhỏ mà chúng ta phải trải qua để theo đuổi việc học hỏi.

Trong số những người cao quý nhất và thánh thiện nhất mà chúng ta nên cố gắng noi gương là Thánh Tôma Aquinô về cách noi gương Chúa Kitô.  Thánh Tôma đã hết lòng thi hành tài năng tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho.  Ngài là tu sĩ linh mục thuộc Dòng Thuyết Giáo của Thánh Đa Minh, dòng này có phương châm Veritas (chân lý, sự thật), được duy trì bằng việc nghiên cứu như một trong bốn trụ cột (các thứ khác là cầu nguyện, cộng đồng và rao giảng).  Đặc sủng Đa Minh, với xu hướng trí tuệ, đã gần gũi nhất với trái tim và khối óc của tôi từ khi tôi được các Nữ tu Đa Minh dạy dỗ ở trường học.

Tuy nhiên, tôi tạ ơn Chúa vì những đặc sủng và món quà tuyệt vời của tất cả các dòng tu thánh thiện và các thánh mà các dòng đã sản sinh.  Khó mà không được thôi thúc bởi cuộc sống vinh quang và những việc làm yêu thương của Thánh Biển Đức và các tu sĩ dòng Biển Đức, Thánh Phanxicô và các tu sĩ dòng Phanxicô, Thánh Inhaxiô và các tu sĩ Dòng Tên, và rất nhiều dòng khác được hình thành tại nhiều quốc gia qua nhiều thế kỷ.

Dĩ nhiên, các vị thánh vĩ đại không chỉ là thành viên của các dòng tu.  Trên thực tế, có những vị thánh vĩ đại từ mọi thời đại kể từ khi Đức Kitô thiết lập Giáo Hội, từ hầu hết mọi quốc gia, cả nam và nữ, và từ hầu hết mọi nghề nghiệp và địa vị trong cuộc sống.  Hơn nữa, có những vị thánh đã chịu đựng và chiến thắng hầu như mọi khó khăn, đau khổ, bệnh tật, hoặc rối loạn mà bạn và tôi có thể phải đối mặt.

Có những lý do rất đúng để chúng ta có thể tìm một vị thánh bảo trợ cho hầu hết mọi thứ.  Theo Thánh Tôma, điều quan trọng nhất là chúng ta phải theo dõi họ, tìm ra những bài học và nguồn cảm hứng mà họ giữ cho chúng ta.  Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều điều từ các vị thánh mà chúng ta có thể xác định gần gũi và đôi khi là những người có vẻ rất khác với chúng ta.

Nếu tôi có thể đưa ra một ví dụ cá nhân, tôi thường say mê nghiên cứu các bài viết của Thánh Albertô Cả và Thánh Tôma Aquinô, hai trong các bộ óc uyên thâm nhất trong lịch sử.  Vài năm trước, khi tôi được yêu cầu thuyết trình về Thánh Martin de Porres (1579–1639) cho một nhóm tu sĩ Đa Minh.  Tôi biết vị thánh này sống ở Peru, và tôi biết rằng trong khi Thánh Albertô và Thánh Tôma thường được mô tả cầm một quả địa cầu hoặc một nhà thờ, hoặc một cuốn sách đồ sộ trên tay, thì Thánh Martin thường được mô tả cầm một cây chổi.  Tôi không chắc mình sẽ mong đợi điều gì khi tìm hiểu sâu về cuộc đời của vị thánh này, nhưng những gì tôi khám phá ra vượt quá những ước mơ mạnh mẽ nhất của tôi.  Vị thánh vĩ đại có chủng tộc hỗn hợp này là nhà vô địch trong việc thu hút người giàu, người nghèo, người trung lưu, nô lệ Phi châu, các nhà cai trị Tây Ban Nha và các dân tộc bản địa của Peru.  Lòng yêu động vật của ngài đem lại niềm vui cho bất kỳ vị thánh nào thuộc dòng Phanxicô hoặc người Ai-len.  Trong khi vui vẻ quét nhà, ngài cũng rất thành thạo với con dao mổ của bác sĩ phẫu thuật mà các tổng giám mục đã mời ngài tới khi ốm đau.

Có lẽ điều ngạc nhiên lớn nhất của tôi về Thánh Martin vì ngài khiêm tốn, yêu thương, cũng yêu mến Thánh Tôma, và rất thông thạo các bài trong bộ Tổng Luận Thần Học, đôi khi cung cấp các trích dẫn hoặc giải thích cho các sinh viên chủng viện khi ngài thảo luận về sự bối rối của họ trong lúc ngài vẫn dọn dẹp hoặc quét các tầng lầu.

Cũng như Thánh Martin về một số phương diện, một vị thánh khác mà tôi yêu mến là Thánh Têrêsa Lisieux (1873–1897), Bông Hoa Nhỏ khiêm nhường và yêu thương.  Đáng chú ý là nữ tu này qua đời khi còn quá trẻ mà được tôn vinh giống như Thánh Albertô và Thánh Tôma, trong số vài chục tiến sĩ hoặc những người thầy vĩ đại của Giáo Hội.  Thánh Catarina Siena (1347–1380) cũng vậy, mặc dù bà không được giáo dục chính thức và thậm chí mãi tới lúc 12 tuổi mới học đọc, học viết.

Quả thật, các thánh là sự giúp đỡ lớn cho Thánh Tôma, theo những cách nổi bật nhất.  Người bạn Reginald, và là thư ký của Thánh Tôma, đã báo cáo rằng có lần Tôma cảm thấy bối rối suốt nhiều ngày về việc giải thích một đoạn văn trong sách Isaia khi viết bình luận về sách đó.  Một đêm nọ, khi thức ở trong phòng để cầu nguyện, Reginald nghe thấy Tôma nói lớn như đang nói với mình, với những người khác trong phòng, mặc dù Tôma không phát ra tiếng nói.

Ngay sau khi tiếng nói ngừng lại, Tôma gọi: “Reginald, hãy đứng dậy và mang cho tôi ánh sáng với lời bình luận về Isaia; tôi muốn anh viết cho tôi.”  Reginald đứng dậy và bắt đầu viết theo lời Tôma đọc, lời lẽ rõ ràng đến mức như thể đang nhìn vào sách mà đọc vậy.

Khi Reginald liên tục hỏi Tôma về những giọng nói đã nghe thấy, Tôma trả lời: “Thánh Phêrô và Thánh Phaolô được cử đến gặp tôi và nói với tôi tất cả những gì tôi muốn biết.”

Dĩ nhiên, lý do chính mà chúng ta nên noi gương các thánh là tất cả họ đều trở nên thánh thiện nhờ noi gương Đức Kitô.  Trước hết, chính là Đức Kitô , Đấng mà họ giúp chúng ta noi gương, bằng cách cho thấy một cuộc sống tập trung vào Đức Kitô có thể thực hiện được như thế nào ở mọi nơi trên thế giới vào bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Thánh Phêrô đã trả lời khi Đức Kitô hỏi ông có bỏ Ngài không, ông nói: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68)  Thánh Phaolô đã tuyên bố: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá.  Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:19-20)  Bạn sẽ nhớ lại rằng chính Đức Kitô là Đấng mà Thánh Tôma gọi là người vĩ đại nhất trong tất cả những người thầy, người dạy dỗ qua lời nói và việc làm.  Tất cả chúng ta đều được mời gọi noi gương Ngài trước hết.

Trong tuyệt phẩm Summa Theologica – Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma cẩn trọng cân nhắc các lời tuyên bố của nhiều vị thánh vĩ đại ở Tây phương và Đông phương, từ Thánh Augustinô đến Thánh Giêrônimô, Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đến Thánh Gioan Chrysostom, Thánh Athanasiô, Thánh Grêgôriô Nazianzen, và nhiều vị thánh khác.  Hơn nữa, ngài tìm kiếm sự thật và những viên ngọc của sự khôn ngoan trong các bài viết của những người mà ngài biết không có đầy đủ chân lý của Giáo Hội Công giáo.  Những người này bao gồm các nhà tư tưởng như người ngoại giáo Aristotle của Hy Lạp, người ngoại giáo Cicero và Seneca của La Mã, và nhiều người khác nữa; Maimonides của Do Thái; Averroes và Avicenna của Hồi giáo Ả Rập.  Thánh Tôma trân trọng những sự thật ở bất cứ nơi nào chúng có thể được tìm thấy, và thực sự đây là một dấu ấn của Giáo Hội Công giáo.  Sự mặc khải sợ hãi không có sự thật của lý trí, vì chỉ có một sự thật.

Gần với thời đại của chúng ta, Thánh Gioan Phaolô II đã nêu ra ý chính trong châm ngôn của Thánh Tôma một cách trang nhã nhất:

“Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn cho thấy rằng ngay cả trong tư duy triết học của những người đã giúp thúc đẩy niềm tin và lý trí xa nhau hơn, đôi khi người ta vẫn tìm thấy những hiểu biết quý giá và tinh tế, nếu được theo đuổi và phát triển với tâm trí và con tim được điều chỉnh đúng cách, có thể dẫn đến việc khám phá ra con đường sự thật.

Một số thần học gia thời Thánh Tôma đã phê phán việc sử dụng triết học của ngài nói chung, và của Aristotle nói riêng, để phục vụ thần học.  Họ cho rằng ngài đang pha loãng rượu của tri thức thần thánh với nước của tri thức nhân loại.

Tuy nhiên, Thánh Tôma biết rằng chỉ có một sự thật và sự thật của đức tin không bao giờ có thể mâu thuẫn với lý trí, nhưng lý trí có thể giúp lôi kéo một số người đến với đức tin và giúp làm sáng tỏ các nguyên tắc thần học cho các tín hữu.  Ngài không tin rằng triết lý cao quý của những người cao quý đã làm loãng đức tin, nhưng đúng hơn, những ai sử dụng các học thuyết triết học trong Kinh Thánh để phục vụ đức tin thì không được pha nước với rượu, nhưng thay nước bằng rượu.”

Cầu mong chúng ta, giống như Thánh Tôma, khát nước trong veo và lấp lánh của lý trí, làm cho rượu của tri thức thần thánh và rượu trên các loại rượu trở thành chính Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể!

Đây là hai điều để các vị thánh có thể đi vào linh hồn bạn:

  1. PHẢN ÁNH

Bạn có một dòng tu yêu thích mà đặc sủng của họ kêu gọi bạn?  Nếu có, bạn đã xem xét việc tham gia với tư cách là hội viên?  Bạn có một số vị thánh yêu thích?  Nếu có, gần đây bạn đã làm gì để noi gương họ, đặc biệt là đối với việc họ theo đuổi chân lý?  Nếu không, bạn có thể cân nhắc tìm kiếm một số vị thánh mới để học hỏi và cầu xin sự chuyển cầu của họ?  Thế giới của chúng ta đang rất cần các vị anh hùng thánh thiện.

2. ĐỌC SÁCH

Gần đây, bạn có dành thời gian để đọc tiểu sử của một vị thánh không quen thuộc với bạn hoặc một cuốn sách mới về một vị thánh bạn yêu thích?  Có rất nhiều tiểu sử để lựa chọn.  Nếu bạn có xu hướng về tiểu thuyết, tôi nhận thấy các tác phẩm của Louis de Wohl cũng khai sáng và truyền cảm hứng cũng như mang tính giải trí.  (Sách yêu thích của tôi?  Chắc bạn có thể đoán, đó là cuốn The Quiet Light (Ánh Sáng Tĩnh Lặng, nói về Thánh Tôma Aquinô.)  Gần đây, bạn có đọc các tác phẩm của chính các vị thánh – chẳng hạn Thánh Tôma, hoặc tất cả thế giới của những người khác?  Gần đây bạn có đọc Phúc Âm hoặc sách hay về Chúa Giêsu Kitô?

Nếu bạn muốn noi gương Chúa Kitô, một trong các tác phẩm kinh điển về tâm linh nhất thế giới là cuốn Imitation of Christ (Gương Chúa Giêsu) của tác giả Thomas à Kempis. Sách đã được tái bản rất nhiều lần qua nhiều thế kỷ, mới đây có phiên bản được bổ sung và sống động hơn với các tập được nghiên cứu kỹ lưỡng và viết kỹ về cuộc đời của Thomas à Kempis, với các tình tiết xung quanh việc tạo ra cuốn sách sùng kính đơn giản nhưng sâu sắc này.  Tác phẩm mới này của Timothy E. Moore.

Tiến Sĩ Kevin Vost
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Kính mừng Thánh Tiến Sĩ Tôma Aquinô – 2021

LÒNG TÍN TRUNG

Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ bốn thường niên thường được gọi là “Tám mối phúc thật.”  Đây là phần mở đầu của “Bài giảng trên núi”, theo Tin Mừng thánh Matthêu.  Có thể nói, bài giảng này tóm lược những nét chính trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu.  Bài giảng này cũng phác họa chân dung của Chúa, như mẫu mực để mọi tín hữu noi theo, nhờ đó mà đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.

Trước hết, bài giảng “Tám mối phúc thật” phác họa chân dung của Chúa Giêsu.  Đức Giêsu không chỉ giảng dạy bằng những công thức hoặc lý thuyết, nhưng bằng chính cuộc đời của Người.  Tám mối phúc cũng là tám nét diễn tả cuộc đời và sứ mạng của Chúa: Chúa trở nên khó nghèo cho chúng ta được giàu sang; Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng; Chúa rơi lệ trước nỗi thống khổ của nhân gian; Chúa khao khát sự công chính cho loài người; Chúa là Đấng diễn tả lòng thương xót của Chúa Cha; Chúa là Đấng có trái tim trong sạch; Chúa đến để thiết lập vương quốc hoà bình; Chúa bị bách hại và chấp nhận khổ hình thập giá để làm chứng cho Chân lý.

Tất cả những gì Chúa Giêsu làm và gánh chịu, đều vì nhân loại.  “Vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.”  Đó chính là ý nghĩa và mục đích của những công việc Chúa Giêsu đã làm trong cuộc đời dương thế.  Mở đầu “Bài giảng trên núi,” Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người, thì phải thực hiện những mối phúc mà Người rao giảng.  Những mối phúc này cũng phác họa chân dung của người môn đệ đích thực.  Không ai có thể mang danh Đức Kitô (Kitô hữu), mà lại khước từ những đề nghị của Người.

Chấp nhận làm môn đệ Đức Giêsu, đôi khi bị coi là điên dại dưới cái nhìn của người trần thế.  Thánh Phaolô đã quảng diễn cho chúng ta thấy, sự “điên dại” của Thiên Chúa, đúng hơn là sự điên dại theo cái nhìn của loài người, lại khôn ngoan gấp trăm lần sự khôn ngoan theo lẽ thế gian.  Quả vậy, thập giá đối với người Do Thái là sự hèn hạ, đáng khinh bỉ, nhưng đối với các Kitô hữu thì đó lại là trường dạy sự khôn ngoan và là niềm tự hào.  Chính Chúa Kitô là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.  Ai trung tín theo Người thì sẽ trở nên những người khôn ngoan.  Bởi lẽ trong Người mà chúng ta được vinh quang.  Người là niềm tự hào của chúng ta.

Hành trình đức tin là một hành trình dài.  Đó cũng là một hành trình có nhiều gian nan khốn khó.  Vì vậy, những ai theo Chúa, phải trung thành bền bỉ.  Chúa Giêsu không phải là một “hiện tượng” hay một “nhân vật của công chúng” nổi lên nhất thời, và được các “fan” hâm mộ tung hô, sau đó rơi vào quên lãng.  Người là Đấng đang sống và là nguồn nghị lực cho mọi thời đại, mọi nền văn hoá và cho tất cả những ai thiện chí muốn nên hoàn thiện.

“Phúc cho những ai…”  Người Do Thái quan niệm rằng ơn Cứu độ chỉ dành cho dân tộc mình, tức là dân được tuyển lựa.  Với lời tuyên bố của Chúa Giêsu, những ranh giới giữa các dân tộc không còn nữa.  Quả vậy, mọi người bất kỳ thuộc nền văn hóa hay nguồn gốc nào, nếu thành tâm thực hiện những gì Chúa dạy trong bài giảng trên núi, thì sẽ được hạnh phúc.  Hạnh phúc Chúa hứa không chỉ là ở tương lai đời sau, mà ngay ở đời này.  Những phần thưởng Chúa ban là được Chúa ủi an; được Chúa cho thoả lòng; được Chúa xót thương; được nhìn thấy Thiên Chúa; được gọi là con Thiên Chúa và nhất là được Nước Trời làm gia nghiệp.  Như thế, những ai nỗ lực cố gắng thực hiện các mối phúc, thì sẽ được những ơn lành Chúa ban ngay ở đời này, và sẽ được phần thưởng đời sau nơi Thiên quốc.

Theo quan niệm thông thường, những ai bé nhỏ nghèo hèn dễ bị khinh bỉ, thậm chí bị bạc đãi.  Dưới cái nhìn của ngôn sứ Sôphônia, những người bé nhỏ nghèo hèn sẽ là “số sót lại” của Israel.  Thành ngữ “số sót lại” trong truyền thống Kinh Thánh nhằm diễn tả những người trung thành với Chúa trong gian nan thử thách.  Những kẻ bất trung sẽ nhanh chóng bỏ Chúa khi gặp khó khăn.  Những ai trung thành với Ngài sẽ bền bỉ trong mọi hoàn cảnh.  Như thế, người bé nhỏ nghèo hèn không chỉ là những người nghèo về vật chất.  Họ cũng không phải là những người có địa vị hèn kém trong xã hội.  Đó là những người tin tưởng và phó thác cuộc đời mình trong cánh tay quan phòng yêu thương của Chúa, với niềm xác tín rằng, Thiên Chúa là Đấng Tín trung.  Hãy trung thành với Chúa, đó là lời mời gọi được gửi đến mỗi người chúng ta.

Chúng ta đang sống trong những ngày đầu xuân Quý Mão.  Trong những ngày này, khi gặp gỡ nhau, chúng ta thường có thói quen cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp về sức khoẻ, học vấn, gia đình và sự nghiệp.  Lời chúc của Chúa Giêsu có phần khác với những lời cầu chúc của chúng ta, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ được muôn điều tốt đẹp khi cố gắng thực hiện những lời cầu chúc ấy.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH HÓA LAO ĐỘNG

Ngày mồng ba Tết, chúng ta cầu nguyện cho việc làm ăn trong năm mới được thịnh đạt, đồng thời cũng xin Chúa thánh hóa chúng ta qua cuộc sống lao động hằng ngày.

Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyện cho việc làm ăn?

Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều người tưởng rằng mình đã chiếm được chỗ đứng của Thiên Chúa.  Có một thời chúng ta thường nghe thấy người ta nói: “Thằng trời xếp lại một bên, để cho nông hội tiến lên làm Trời!  Hoặc những câu như biến sỏi đá thành cơm gạo, thay trời làm mưa.

Thế nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy nếu Chúa không cho thì chúng ta chẳng làm được gì. Cơn động đất và sóng thần cũng như dịch cúm gà vừa qua là bài học rất quí giá cho chúng ta.  Chính vì thế mà người xưa đã có câu: mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.  Người nông dân ý thức được thân phận của mình nên đã cầu xin: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơmlấy rơm đun bếp.

Về vấn đề này thánh Phaolô viết rất hay: “Phaolô trồng, Apolô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên. Vì thế ngày mồng ba tết chúng ta cầu nguyện cho việc cày cấy làm ăn là phải lẽ, vì không có Thiên Chúa thì: “người lính canh đêm cũng hoài công.

Một vị linh mục nọ qua đời, và được đưa đến trước mặt thánh Phêrô để làm một thẩm tra.

Thánh Phêrô hỏi:

– Ở dưới thế cha làm được điều gì?

Vị linh mục nhanh nhẹn và tự hào trả lời:

– Thưa thánh Phêrô, con xây được một ngôi thánh đường lớn.

Thánh nhân lấy bút ghi trên giấy: Một điểm.

– Cha còn làm được gì nữa?

– Dạ, con còn xây một trường học cho một ngàn học sinh.

Thánh Phêrô ghi tiếp: một điểm.

– Và gì nữa?

Vị linh mục bắt đầu suy nghĩ, rồi trả lời:

– Dạ, con công tác nhiều vào các công việc xã hội, từ thiện.

Thánh Phêrô ghi thêm: một điểm.

– Còn gì nữa? Thánh Phêrô hỏi tiếp.

Lần này vị linh mục lo lắng hỏi thánh Phêrô:

– Dạ thưa thánh cả Phêrô, được bao nhiêu điểm thì vào thiên đàng?

Thánh Phêrô vui vẻ trả lời: một ngàn điểm.

Nghe nói thế, vị linh mục bỗng chột dạ, nghĩ thầm: “Chết mình rồi, làm sao có được chừng ấy điểm đây?”  Nếu có moi óc kể tất cả các sự việc mình làm ở dưới thế e cũng không đủ…”

Và vị linh mục bắt đầu lo sợ, rồi thất vọng, không còn tự tin.

Trong lúc đó, thánh Phêrô nhắc lại:

– Cha còn làm được điều gì nữa, cứ kể hết đi!

Với giọng nói nhuốm màu sắc khiêm tốn và lo sợ, vị linh mục nói:

– Thưa thánh cả, NHỜ ƠN CHÚA con cũng làm được đôi ba việc nhỏ.

Nghe vậy, thánh Phêrô lấy bút ghi ngay: một ngàn điểm.

Ngài nói:

– Thế là cha được một ngàn lẻ ba điểm rồi đấy. Cha đã dư được ba điểm.  Mời cha vào!

Phải! Tất cả là nhờ ơn Chúa.

Những giá trị của lao động.

Chúa Giêsu đã nói: Cha Ta hằng làm việc, và Ta cũng vậy.  Khi quả quyết như thế Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng: lao động làm việc là qui luật của tình yêu và cũng là qui luật của sinh tồn.

  •  Làm việc là qui luật của Tình yêu

Thiên Chúa đã không dựng nên một vũ trụ hoàn hảo mà Người đã chỉ dựng nên một vũ trụ còn dang dở.  Người muốn con người cộng tác với Người để làm cho công trình của Người càng ngày càng hoàn hảo hơn.  Trong bài đọc (sách sáng thế), tác giả nói: “Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt nó trong vườn địa đàng, không phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để canh tác giữ vườn.”  Như thế làm việc là sứ mạng cao cả Thiên Chúa đã giao cho con người ngay từ khi mới tạo dựng nên nó, và khi làm việc là con người thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

Nếu con người không làm việc thì quả họ đã không chu toàn được sứ mạng của mình.  Điều này chính mỗi người phải quyết định cho mình.  Nếu không muốn làm việc thì con người có muôn vàn cái cớ để thoái thác.  Nhưng nếu đã muốn làm việc thì họ chẳng sợ bất cứ một trở ngại nào.

Một ông chủ kia giao cho bảy người thợ cưa, mỗi người phải cưa một khúc cây.

Người thứ nhất nói: khúc cây của tôi còn tươi quá, không khéo lưỡi cưa sẽ mắc trong đó.  Tôi chờ cho đến khi khúc cây đó khô rồi tôi mới cưa, thế là anh ta nghỉ.

Người thứ hai: lưỡi cưa của tôi cùn quá, tôi chờ ông chủ đổi cho tôi lưỡi cưa khác bén hơn rồi tôi mới cưa.  Và anh ta cũng nghỉ.

Người thứ ba: khúc cây này cong bên này cong bên kia.  Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi khúc cây khác thẳng hơn.  Anh cũng đi nghỉ.

Người thứ bốn: khúc cây của tôi quá cứng, cứng gấp hai lần khúc cây thường.  Tôi chờ có khúc khác mềm hơn.  Anh ta cũng nghỉ.

Người thứ năm: hôn nay trời nóng quá, đợi ngày nào mát trời hãy cưa.  Anh ta cũng nghỉ.

Người thứ sáu: hôm nay tôi nhức đầu đợi tới khi nào khỏi tôi mới cưa.  Và anh ta cũng nghỉ.

Người thứ bảy cũng nhận một khúc cây còn tươi, nó cũng cong bên này cong bên kia, thịt nó cũng rất cứng, lưỡi cưa của anh cũng cùn, trời hôm đó cũng nóng và anh đó cũng nhức đầu.  Nhưng anh đi mài lưỡi cưa và bắt tay vào việc.  Nhờ lưỡi cưa đã được mài, khúc cây đã được cưa xong, do trời nóng và do làm việc, anh ta đổ mồ hôi ra và hết nhức đầu.  Anh sung sướng vì hoàn thành công tác được giao.  Hôm sau anh xin ông chủ cho anh một khúc cây khác để cưa. (A.R Wells)

Vâng!  Dù ở vườn địa đàng, Ađam cũng vẫn phải “canh tác.  Cuộc sống ở địa đàng rất hạnh phúc, nhưng cái hạnh phúc ấy con người phải “canh tác, nghĩa là phải ra tay kiến tạo.  Chính trong lúc làm việc con người mới cảm thấy hạnh phúc.  Ngôi vườn hạnh phúc con người phải “giữ gìn” bằng việc làm của mình.

  • Đàng khác làm việc còn là qui luật của sinh tồn

Lao động ngoài mục đích giúp ta thánh hóa cuộc sống, nó còn có mục đích giúp bảo tồn cuộc sống của chúng ta.

Trong Kho tàng những câu chuyện ngụ ngôn người ta đọc được câu chuyện này: Một người nông dân nọ có một con lừa già.  Một hôm con lừa bị rơi xuống giếng và đau đớn kêu la thống thiết.  Sau khi cẩn thận đánh giá tình hình, dù rất thương cảm cho con lừa, nhưng người nông dân cũng phải quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn.  Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa với ông.

Lúc đầu con lừa bị kích động vì những gì người ta đang làm đối với nó.  Nhưng khi từng xuổng từng xuổng đất tiếp theo nhau rơi trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên:

Cứ mỗi lần xuổng đất rơi xuống đè lên vai, mình sẽ lắc cho đất rơi xuống và bước lên trên.

Và nó đã làm như vậy, từng chút từng chút một. Hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên – con lừa lặp đi lặp lại để tự cổ vũ mình.

Mặc cho sự đau đớn phải chịu sau mỗi xuổng đất.  Mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống đang gánh chịu, con lừa liên tục chiến đấu chống lại sự hoang mang, hoảng sợ, và tiếp tục theo đúng phương châm “hất nó xuống và bước lên trên.”

Không mất nhiều thời gian, cuối cùng con lừa già, dù bị bầm dập và kiệt sức, đã hoan hỉ và đắc thắng bước ra khỏi cái giếng.  Những gì tưởng như sẽ đè bẹp và chôn sống nó, trên thực tế đã cứu sống nó… đều là nhờ cái cách mà con lừa đối diện với nghịch cảnh của mình.

Cuộc sống là như vậy đó.  Nếu chúng ta đối mặt với những vấn đề của mình một cách tích cực, khước từ sự hoảng loạn, sự cay đắng và sự thương hại…, những nghịch cảnh tưởng như chôn vùi chúng ta sẽ tiềm ẩn trong chính nó những phần thưởng không ngờ tới.  Hãy “Hất nó xuống và bước lên trên,” để bước ra khỏi cái giếng mà bạn đang gặp phải.  (Nước Biếc)

Cuộc đời đâu phải là thiên đàng.  Đâu có phải lúc nào cuộc đời cũng trải thảm đỏ để chào đón chúng ta.  Cuộc đời là một bãi chiến trường.  Nó đang chờ đợi chúng ta bước tới với tinh thần chiến đấu.  Hãy can đảm đối đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống đừng lẩn tránh.  Thái độ lẩn tránh chẳng khác gì thái độ đầu hàng.  Khi nói về việc Giêsu vác Thánh Giá lên đỉnh đồi Golgotha, một nhà văn hào của Pháp đã nói: Đồi Calvê ở đầu đường và vinh quang cũng xuất hiện ở đó.”  Hãy hất xuống và bước lên trên cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn.  Amen!

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

MỞ RỘNG TẦM NHÌN

“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”; “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”

“Tiền thường xen vào giữa Chúa và người.  Chỉ cần giữ hai xu nhỏ trước mắt, bạn sẽ không nhìn thấy những ngọn núi.  Cũng không cần một số tiền quá lớn xen vào giữa chúng ta với Chúa; chỉ một chút, đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn, và chúng ta không bao giờ thấy Ngài.  Hãy ‘mở rộng tầm nhìn’, đừng che khuất nó!”  Đó là nhận định thú vị của Cedric Gowler!

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ một chút, đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn!”  Hôm nay, đầu Năm Mới, Lời Chúa mời gọi chúng ta “‘mở rộng tầm nhìn’, đừng che khuất nó!”  Nghe lời Chúa Giêsu, “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”; đừng lo lắng theo cách thế gian, “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”

“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”  Điều Chúa Giêsu dạy được thánh Ignatiô gọi là ‘dửng dưng’ đối với vật chất.  Rõ ràng, một số vật chất như bánh ăn, áo mặc và chỗ ở là cần thiết; nhưng thái độ ‘dửng dưng’ đối với chúng không phải là người đó không quan tâm, trái lại, đó là một người rất quan tâm!  Họ quan tâm có nhiều thứ và chỉ sử dụng chúng trong chừng mực cần thiết để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa, phục vụ tha nhân vì lợi ích của Ngài.

Lo lắng về của ăn vì giờ này tôi đang đói, rất khác, so với việc liệu tôi sẽ có thức ăn vào tháng tới hay không; lo lắng về những gì đang xảy ra khi sức khoẻ tôi được chăm sóc tử tế, rất khác, so với việc tự hỏi sức khoẻ của tôi sẽ giữ được bao lâu trong những năm tới; băn khoăn vì không có tiền nhà để trả cho chủ tháng này, rất khác, so với việc tự hỏi, liệu khi nào tôi giàu!

Cũng thế, lo lắng và bận tâm về tương lai là lãng phí thời gian và năng lượng; ấy thế, chúng ta lại ‘say mê’ chúng!  Bởi lẽ, lo lắng không bao giờ rút bớt được nỗi buồn của ngày mai, nó chỉ đào huyệt chôn vùi niềm vui của ngày hôm nay.  Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời chúng ta ngước nhìn chim trời và những bông hoa đồng nội.  Chúng không làm gì ngoài việc trở nên chính mình, những con chim hồn nhiên bay lượn, những bông hoa xinh tươi trước Đấng chăm sóc chúng.  Những con chim thanh thoát và những cánh hoa ngu ngơ đẹp làm sao!  Khi thời gian của chúng đến, chúng qua đi, vậy thôi!  Đừng quên, Đấng chăm bẵm chúng là Đấng dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó như bài đọc Sáng Thế hôm nay nhắc nhở.

Vậy mà, chúng ta thường quá bận lòng để hối tiếc quá khứ hoặc trăn trở tương lai.  Thật phi lý!  Niềm vui và hạnh phúc chỉ có trong hiện tại.  Không ở đâu khác!  Nếu cứ nhìn về phía trước hay ngoái nhìn phía sau, sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc; vì lẽ, hạnh phúc đang ở đây, trong tầm tay vào mọi thời điểm.  Cha Mello nói, “Bạn có mọi thứ bạn cần ngay bây giờ để hạnh phúc!”  Cuộc sống sẽ thay đổi ra sao nếu chúng ta thực sự tin vào những gì chưa tới hay những gì đã qua!  Vì hạnh phúc chỉ có thể có trong giây phút hiện tại.  Hạnh phúc hôm qua không còn nữa; hạnh phúc ngày mai chưa tồn tại; nếu bây giờ bạn không hạnh phúc, bạn sẽ không bao giờ…!

Anh Chị em,

“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”  Ngày đầu năm, Giáo Hội muốn con cái định hướng cụ thể cho những tháng ngày sắp tới.   Chúng ta tìm gì? Hẳn ai cũng tìm điều cao quý nhất, vĩnh hằng nhất.  Nhưng tất cả “gì” của thế gian này đều ngắn ngủi, bèo bọt so với Nước Thiên Chúa.  Bởi lẽ tìm kiếm và sở hữu Nước Thiên Chúa là chính Chúa; có Chúa, có tất cả, không chỉ đời này mà cả thiên đàng đời sau.  365 ngày đang mở ra, chắc chắn vui và buồn, hạnh phúc và khổ đau sẽ đan xen.  Nhưng nếu biết ‘mở rộng tầm nhìn’ vào Cha trên trời như Chúa Giêsu đề nghị, chúng ta tin tưởng, an tâm vững bước.  “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho”, đó là một tầm nhìn và cách nhìn đúng đắn nhất.  Phaolô thật chí lý qua thư Philipphê hôm nay, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.  Tôi nhắc lại, vui lên anh em!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ‘mở rộng tầm nhìn’ của con, hầu con có thể tự tin đi vào Năm Mới với đôi tay rộng mở để nhận và để trao!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

THÁNH LỄ GIAO THỪA (Mt 5, 1-10)

Thế là 365 ngày đã qua đi.  Đêm nay trời và đất như giao hòa, kết duyên.  Giây phút mà thi sĩ Hàn Mạc Tử đã nói: “Giây phút thiêng liêng đã khởi đầu.”  Giờ này, nhân loại, con người đối diện với Thiên Chúa, Đấng là chủ thời gian, là Chúa của vũ trụ, của nhân loại, của con người.  Vào phút giây huyền diệu này, thời gian cũ như ngừng lại, bàn giao cho một thời gian mới, một năm mới.  Con người chỉ còn biết dâng lên Thiên chúa, vua mùa xuân lời cảm tạ sâu xa và tha thiết xin Chúa giáng phúc lành cho năm mới được phúc lộc miên trường.

Giây Phút Linh Thiêng

Con người trong đêm thiêng liêng của sự giao hòa đất trời, luôn cảm nghiệm có một cái gì đó rất đời thường nhưng cũng vô cùng linh thiêng.  Cái giờ phút những ngày cũ của một năm cũ đã qua đi.  Thời gian như đi mãi, đi hoài và hầu như không dừng lại.  Nhưng giữa cái mốc điểm của đêm giao thừa huyền nhiệm: đêm đẩy lùi quá khứ hướng về tương lai, đêm linh thánh báo hiệu những ngày mới của một năm mới đã ló rạng.  Đêm mà con người đối diện với Thiên Chúa, Chúa của mùa xuân, Chúa của lịch sử, Chúa của loài người, đêm giao thừa, con người chỉ có thể khẩn cầu Thiên Chúa như thánh vịnh 133, 3 đã viết: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” và như ca nhập lễ đêm giao thừa đã thốt lên: “trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa.  Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh.”  Đêm hôm nay, trong cõi u tịch của sự bàn giao thời gian, con người chỉ có thể hiểu được: Vũ Trụ, Xuân, Hạ, Thu, Đông luôn vần xoay, xoay chuyển và con người có là gì đều do Thiên Chúa.  Nên, tâm tình đầu tiên trong giây phút linh thánh của đêm giao thừa là sám hối, tạ ơn.  Sám hối để luôn đón nhận Chúa và tạ ơn để hiểu mọi sự đều bởi Chúa.  Sách dân số 6, 22-27 đã viết: “Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em!  Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!  Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!”  Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của Danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.  Đêm giao thừa trong giây phút thiêng liêng nhất: phút giây trời đất giao hòa, con người hãy hướng cả tâm hồn của mình lên Thiên Chúa, Chúa của mùa xuân vĩnh cửu để tạ ơn và xin Chúa chúc lành: “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em, gìn giữ mọi người”(Dân số 6, 22-27).

Hãy Tạ Ơn Và Cầu Nguyện Không Ngừng 

Thánh Phaolô đã viết:” Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng.  Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”(1thes. 5, 16).  Con người và nhân loại trong giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa hãy tạ ơn Chúa, kết hiệp mật thiết với Chúa bằng lời cầu nguyện liên lỉ.  Những ngày tháng năm cũ, chắc chắn có lúc ta gặp những điều thuận lợi, nhưng có nhiều lúc ta gặp những sự bất trắc, thử thách khó khăn.  Tất cả những điều đó là những thánh đố của mỗi người.  Con người dù có thêm tuổi, dù gánh nặng chồng chất trên vai, dù có sự thay đổi của tuổi tác, của trí tuệ, của khả năng, của sức khỏe.

Nhưng, tất cả đều là ân huệ của Chúa.  Tất cả đều làm vinh quang cho Ngài.  Và rồi, con người chỉ có thể đứng vững khi họ biết bước trên từng nấc thang của tám mối phúc thật.  Và như thế, con người sẽ vĩnh viễn ở trước mặt Chúa cho dù thời gian có đi qua.  Con người không chỉ sống đơn độc một mình, họ còn có một mái ấm gia đình.  Giờ phút linh thiêng của một năm mới đã khởi đầu: xin Chúa thánh hóa các gia đình và để các gia đình có thể gần gũi Chúa, phương thế các gia đình phải thực hiện là lần chuỗi mân côi.  Xin cho từng người và mọi người, mọi gia đình biết tạ ơn Chúa không ngừng và cầu nguyện liên lỉ để ý Chúa được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.  Có như thế, thời gian sẽ trở thành vĩnh cửu và xuân sẽ là cái mốc cho con người càng lúc càng gần Thiên Chúa.

Lạy Chúa là Chúa xuân vĩnh cửu: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?  Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120,1.).

Xin Chúa ban cho chúng con biết biến giây phút linh thiêng đêm giao thừa này trở nên lời ca ngợi tình thương vô biên của Chúa.

Lạy Chúa, xin nhìn đến lòng tin của chúng con mà luôn luôn che chở giữ gìn, hầu suốt cả năm nay chúng con được sống trong tình thương của Chúa (lời nguyện hiệp lễ, lễ giao thừa).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi 

**********************

Lạy Chúa, đêm giao thừa đã gần kề,
trong một năm dường như mới
cách đây không lâu.

Lạy Chúa, năm cũ đã trôi qua,
và con đã sống như thế nào,
con đã sử dụng mười hai tháng qua như thế nào?

Con nhớ những lần
Chúa và con, chúng ta cùng đi dạo và nói chuyện với nhau.

Và con nhớ những lần,
một cách nào đó, con quên mất rằng
Chúa đang ở ngay bên cạnh con.

Con nghĩ đến những lần Chúa vui mừng trong con
và những lần con đã không thực hành lời Chúa
trong những gì con nói và những việc con làm

Vậy mà Chúa chưa bao giờ hết yêu thương con,
Chúa không bao giờ thôi tha thứ và xá tội cho con, lạy Chúa:
ân sủng của Chúa quá tinh khiết và luôn luôn trao ban cho con cách tự do.

Và đáp lại, con đến cùng Chúa với hai bàn tay trắng:
Con không có gì nhiều để dâng Chúa và tất cả những gì con có
trên hết đều là món quà của Chúa ban cho con.

Nhưng bây giờ một năm mới đang đến
và cùng với năm mới là lời cầu nguyện của con
để con được xứng đáng hơn với tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, trong năm mới này,
xin hãy làm cho con mạnh mẽ hơn trong đức tin
và tin tưởng hơn vào sự trợ giúp của Chúa.

Xin hãy nuôi dưỡng trong tâm hồn con một sự khao khát sự thật,
khát khao sự thánh thiện, khao khát sự khôn ngoan.

Lạy Chúa, xin hãy giúp con ổn định mọi sự
để không có gì mà không xuất phát từ trái tim của Chúa,
để hàn gắn và chữa lành vết thương của riêng con.

Đêm Giao Thừa đã gần kề,
trong một năm dường như mới
cách đây không lâu.

Lạy Chúa, xin hãy đánh thức trái tim con cho năm mới này,
và cho tất cả ân sủng và quà tặng của Chúa:
xin hãy ban cho con bình minh một ngày mới trong bình an. Amen!

Lời cầu nguyện này là một tuyển chọn từ Chào buổi sáng, Thiên Chúa tốt lành! Bởi cha Austin Fleming (The Word Among Us Press, 2015).
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

CẦU XIN CHẮC CHẮN ĐƯỢC NHẬN LỜI

Có nhiều đoạn trong Phúc Âm, Đức Giê-su bảo đảm với chúng ta rằng, nếu chúng ta xin điều gì đó nhân danh Người, chúng ta sẽ được nhận lời.  Chẳng hạn, trong Phúc Âm thánh Mát-thêu, Người nói: Hãy xin thì sẽ được, bởi vì ai xin thì đều sẽ được.  Trong Phúc Âm thánh Gio-an người hứa với chúng ta rằng, nếu chúng ta xin bất cứ điều gì nhân danh Người, Chúa Cha sẽ ban cho điều đó.

Tại sao không lúc nào nó được ứng nghiệm?  Đôi khi chúng ta cầu xin một điều gì đó nhân danh Đức Giê-su, và lời cầu xin không được nhận lời.  Đôi khi đúng là chúng ta đã kêu lên tới trời bằng lời cầu xin của mình và dường như tất cả đều không được đáp lại.  Phải chăng Đức Giê-su đã hứa vu vơ khi Người xác quyết với chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta xin, nhân danh Người?

Các tác giả thiêng liêng và các nhà biện giải đã đưa ra nhiều câu trả lời cho câu hỏi này: Có thể những lời cầu xin của chúng ta không được nhận lời vì chúng ta đã xin không đúng.  Một người mẹ yêu con sẽ không đưa dao cho con mình chơi, phải không?  Cũng có thể lời cầu xin của chúng ta được nhận lời, nhưng ở một tầng mức sâu đậm hơn và khi đến lúc chết chúng ta mới hiểu được câu trả lời.  C.S. Lewis từng nói rằng chúng ta sẽ dùng hầu hết đời sống vĩnh cửu của mình để cám ơn Thiên Chúa đã không đáp lại lời cầu xin của mình!

Các câu trả lời này đều có giá trị, dù không phải là những câu trả lời của Đức Giê-su.  Quả thật, khi Người hứa lời cầu xin của chúng ta sẽ được nhận lời, Người không nói thêm với điều kiện chúng ta chỉ xin những điều đúng.  Người mời gọi chúng ta xin bất cứ điều gì nhân danh Người.  Người không chỉ định đó phải là điều đúng.  Vậy thì tại sao những lời cầu xin của chúng ta không lúc nào được nhận lời?

Linh mục Jerome Murphy-O’Connor, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng, gợi ý rằng, trong Phúc Âm thánh Mát-thêu, cũng như trong phần lớn Tân Ước, lời cầu xin luôn dính liền với các hoạt động bác ái cụ thể trong cộng đồng.  Vì vậy để thật sự cầu xin cho người nào thì phải cụ thể mở lòng ra để giúp người đó.  Để thật sự cầu xin cho hòa bình và công lý thì phải làm việc tích cực cho hòa bình và công lý.  Khi chúng ta cầu xin “qua Đức Ki-tô,” chúng ta không chỉ cầu xin qua Đức Ki-tô đã sống lại trên trời nhưng còn qua “Nhiệm Thể của Đức Ki-tô” trên mặt đất này, là chính chúng ta.  Chúng ta cần phải tự mình giúp cho lời cầu xin của chính mình.  Vì vậy khi lời cầu xin của chúng ta dường như không được nhận lời, thì có thể chúng ta, Nhiệm Thể của Đức Ki-tô trên mặt đất này, chưa dành hết tâm trí để cố gắng trả lời cho lời cầu xin của chính mình, chúng ta chưa thật sự cầu xin “qua Đức Ki-tô.”

Nhà thần học Karl Rahner, khi bình giải về lời hứa của Đức Giê-su trong Phúc Âm thánh Gio-an rằng bất cứ điều gì chúng ta xin Đức Giê-su nhân danh Người chúng ta sẽ nhận được, đã đưa ra suy tư này:

Cầu xin một điều gì đó nhân danh Đức Giê-su không có nghĩa xin bằng miệng mà tâm hồn thì rối bời, quả tim chia rẽ, thèm muốn cơn mê khốn cùng của chúng ta về mọi sự làm chúng ta khao khát.  Không, cầu xin nhân danh Đức Giê-su có nghĩa là đi vào trong Người, sống với Người, nên một với Người trong tình yêu và Đức tin.  Nếu Người ở trong chúng ta qua Đức tin, tình yêu, ân sủng, Thần Khí, thì khi đó sự cầu xin của chúng ta mới nảy sinh từ tâm điểm của sự sống, đó chính là bản thân Đức Giê-su, và chỉ khi tất cả lời cầu xin và ao ước của chúng ta hợp nhất nơi Người và Thần Khí của Người, thì khi đó Chúa Cha mới nghe lời cầu xin của chúng ta.  Khi đó lời cầu xin trở nên giản dị và thành thật, hài hòa, đúng mực, và khiêm tốn.  Khi đó những gì thánh Phao-lô nói trong thư gởi tín hữu Rô-ma có thể áp dụng cho chúng ta: Chúng ta không biết cách cầu xin theo cách chúng ta phải làm, nhưng chính Thần Khí của Đức Giê-su đã cầu bàu cho chúng ta, chỉ một lời cầu xin, “Áp-ba! Cha ơi!” Người khát khao điều đó từ khởi nguồn: Người khát khao Thiên Chúa, Người xin Thiên Chúa vì Thiên Chúa, Người cầu xin Thiên Chúa thay cho chúng ta.  Mọi sự đều bao gồm và chứa đựng trong lời cầu xin này.…  [Nếu chúng ta cầu xin theo cách này] chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa đang thật sự đáp lại lời cầu xin của chúng ta, bằng cách này hay cách khác.  Khi đó chúng ta sẽ không còn cảm thấy “cách này hay cách khác” là lời xin lỗi mong manh của  người ngoan đạo, và Phúc Âm là lời cầu xin không được đáp lại.  Không.  Lời cầu xin của chúng ta được nhận lời, nhưng chính vì đó là lời cầu xin nhân danh Đức Giê-su; và những gì cuối cùng chúng ta cầu xin cùng Thiên Chúa là để làm cho đời sống chúng ta được lớn lên, để lấp đầy đời sống chúng ta với Người, để chiến thắng, để cuộc đời phân rẽ của chúng ta được hợp lại thành một, để ngàn lẻ một ước muốn của chúng ta nên một với Người…  Cầu xin nhân danh Đức Giê-su là lời cầu được nhận lời, là đón nhận Thiên Chúa và ơn phúc của Ngài, và khi đó, dù trong nước mắt, đau đớn, khốn cùng, khi dường như chúng ta vẫn chưa được nhận lời, tâm hồn chúng ta đã được nghỉ ngơi trong Thiên Chúa dù chúng ta đang hành trình, dù chưa có niềm vui trọn vẹn của Thiên Chúa.

Nếu chúng ta chưa cầu nguyện như thế, thì Đức Giê-su vẫn còn nói với chúng ta: “Cho đến lúc này, con vẫn chưa cầu xin điều gì nhân danh Ta.  Con có thể đã cố gắng, con có thể có ý như vậy, nhưng con chưa làm cho Ta có sức mạnh và sức nặng trong lời cầu xin của con.”

Rev. Ron Rolheiser, OMI

MARTIN LUTHER KING – MỘT GIẤC MƠ CÒN XANH

Martin Luther King sinh ngày 15-1-1929 trong một gia đình có truyền thống làm mục sư cho nhà thờ Tin lành tại Atlanta.

Năm 1954, ông trở thành mục sư dòng Baptist của Nhà thờ Tin lành Dexter Avenue ở Montgomery, Alabama.  Một năm sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Thần học.  Ông cưới Coretta Scott tại Boston và lần lượt chào đón bốn thành viên trong gia đình.

Mục sư Martin Luther King đi vào lịch sử với nhiều thành tựu nổi bật.  Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến bài diễn văn “Tôi có một ước mơ” được đọc ở Washington vào ngày 28-8-1963.

Một giấc mơ mà ở đó “những đứa trẻ da đen và những đứa trẻ da trắng cùng nắm tay nhau như anh em một nhà.”

Bài diễn văn lịch sử của Martin Luther King góp phần gây áp lực cho Quốc hội Mỹ thông qua Đạo Luật Dân quyền năm 1964, quy định phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính là bất hợp pháp tại nước Mỹ.

Trong quá trình làm mục sư ở Montgomery, Martin Luther King lãnh đạo phong trào tẩy chay xe buýt sau khi một phụ nữ gốc Phi tên Rosa Park bị bắt vì từ chối không nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng trên xe buýt theo quy định của luật Jim Crow, đạo luật cho phép kỳ thị, chống lại người Mỹ gốc Phi.

Trong suốt gần một năm của phong trào, Martin Luther King bị bắt giam và chỉ được thả khi Pháp viện tối cao Hoa Kỳ cho rằng quy định phân biệt chủng tộc trên tuyến xe buýt trong tiểu bang là vi hiến.  Sự kiện này cũng là sự kiện đặt nền móng cho những hoạt động chống phân biệt sắc tộc sau này của ông.

Chủ trương chính yếu mà Martin Luther King áp dụng trong các phong trào đấu tranh là bất bạo động, noi theo gương của lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi.  Trong khoảng từ năm 1957 đến năm 1968, ông đã đi nhiều hơn, thực hiện hàng ngàn bài diễn thuyết, xuất bản nhiều bài báo và năm cuốn sách.

Sau nhiều tác động đáng kể mà mang lại cho xã hội, năm 1964, Martin Luther King trở thành người trẻ nhất được nhận giải Nobel Hòa Bình, qua đó gián tiếp khẳng định chiến lược phản đối phi bạo lực mà ông theo đuổi là con đường tốt nhất để đi đến hòa bình.

Một trong những đóng góp lớn khác của Martin Luther King là sự xóa bỏ các luật phân biệt chủng tộc Jim Crow.  Ông dẫn đầu một chiến dịch tẩy chay các doanh nghiệp địa phương tại Birmingham để gây áp lực buộc họ phải chấm dứt phân biệt chủng tộc.

Chiến dịch sau đó chuyển thành biểu tình ngồi và tuần hành kéo dài, có những nơi được ghi nhận xảy ra bạo lực.  Tuy nhiên, thành công đã mỉm cười với Martin Luther King khi trước sức ép quá lớn, các doanh nghiệp và nhà hàng công cộng đã mở cửa để phục vụ khách hàng người Mỹ gốc Phi.

Thiên tài thường bạc mệnh, tối ngày 4-4-1968, Martin Luther King bị ám sát bằng súng khi đứng trên ban công tầng hai Khách sạn Lorraine tại Memphis, Tennessee.  Trong thời gian này, ông đang lãnh đạo một cuộc tuần hành ủng hộ liên đoàn công nhân vệ sinh của người da màu tại Memphis.

Martin Luther King đã không thể qua khỏi và từ trần khi chỉ mới 39 tuổi.

Sự ra đi của Martin Luther King dẫn đến hàng loạt cuộc bạo động trên khắp nước Mỹ.  Ngày 7-4-1968, Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson tuyên bố để quốc tang cho ông.  Lễ tang của Martin Luther King ở Atlanta đã thu hút hàng trăm ngàn người đến dự.

Tuy cuộc đời kéo dài vỏn vẹn 39 năm, mục sư Martin Luther King đã kịp để lại cho hậu thế nhiều giá trị đáng trân quý về dân quyền.

Dù cho sau này, nước Mỹ vẫn còn đó những bất công, nhưng nước Mỹ từ ngày có Martin Luther King đã không còn là nước Mỹ của trước đó, mà là một nước Mỹ hướng đến dân quyền, tự do, bình đẳng.

Nguồn: https://tuoitre.vn

ĐẤNG THIÊN CHÚA TUYỂN CHỌN

Chúng ta đã bước vào mùa Thường niên, cũng gọi là mùa Quanh năm.  Chúa nhật đầu của mùa Thường niên này, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta dung mạo Chúa Giêsu ở nhiều khía cạnh rất phong phú.  Việc giới thiệu này giúp chúng ta hiểu biết Chúa Giêsu và nhờ đó, chúng ta kiên tâm trung tín trong ơn gọi đi theo Người.

Chúa Giêsu là Ánh sáng muôn dân.  Bài đọc I trích sách ngôn sứ Isaia, ở chương 49, còn được gọi là “ngôn sứ Isaia đệ nhị.”  Phần này cũng được gọi là “Sách an ủi” đối với người Do Thái đang sống trong cảnh lưu đày.  Vị ngôn sứ góp phần nuôi dưỡng đức tin của người lưu đày, hướng tâm hồn họ về lời hứa của Chúa trong tương lai.  Chúa sẽ can thiệp và giải phóng dân riêng của Ngài.  Những lời của vị ngôn sứ vừa nói với dân tộc Israel, vừa như với một cá nhân.  Nhân vật ngôn sứ loan báo Đấng Thiên sai sẽ đến trong tương lai.  Thiên Chúa sẽ đặt Người làm ánh sáng muôn dân, để chiếu soi mọi dân nước.  Đấng Thiên sai cũng là Đấng Cứu độ nhân loại.  Người sẽ làm cho tình thương của Chúa dạt dào như nước đại dương, và quy tụ muôn dân thành gia đình của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa.  Những gì ngôn sứ Isaia loan báo, theo nhãn quan Kitô giáo, đã được thực hiện cách viên mãn nơi Đức Giêsu.  Ông Gioan Tẩy giả xuất hiện và tiếp nối giáo huấn của các ngôn sứ thuở xưa.  Ông giới thiệu Đức Giêsu với các môn đệ của mình.  Tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” gợi lại cho người Do Thái việc Thiên Chúa giải phóng dân tộc họ.  Tước hiệu này cũng tiên báo cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.  Máu Người sẽ đổ ra, như máu chiên vượt qua, nhờ đó nhân loại được cứu thoát khỏi án phạt muôn đời.

Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn.  Đây là lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả.  Đây cũng là lời chứng của ngôn sứ Isaia.  Khái niệm “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn” cũng giống như “Đấng được Thiên Chúa sai đi”, hay “Đấng Thiên sai.”  Trong Tin Mừng, nhiều lần Đức Giêsu khẳng định Người được Chúa Cha sai đến trần gian.  Việc tuyển chọn này được chính Chúa Cha xác nhận, khi Đức Giêsu được ông Gioan thanh tẩy trong dòng sông Giordan.  Việc Chúa Cha sai Con của Ngài đến trần gian là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, như lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).  Như thế, sứ mạng của Chúa Giêsu là đến trần gian để quảng diễn tình yêu của Chúa Cha, đồng thời mời gọi mọi người nhận ra tình yêu ấy để sống tốt, đền đáp tình yêu thương của Chúa Cha.

Chúa Giêsu là Chúa của muôn người.  Thánh Phaolô đã khẳng định điều này trong thư gửi giáo dân Corintô (Bài đọc II).  Những ai tin vào Người sẽ được hiến thánh nhờ bí tích Thanh Tẩy.  Đây là huyền nhiệm của tình thương, do quyền năng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người và muốn cho mọi người được cứu rỗi.  Như thế, người tín hữu được vinh dự lớn lao nhờ tin vào Chúa Giêsu.

Được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong bí tích Thanh Tẩy, người tín hữu cũng trở nên những “người được Chúa Cha tuyển chọn.”  Ơn gọi và bổn phận của người tín hữu là giới thiệu Chúa Giêsu với mọi người, đồng thời phản ánh hình ảnh của Người qua chính cuộc đời thánh thiện công chính của mình, để rồi trong lời nói, tư tưởng cũng như việc làm, đều làm cho hình ảnh của Đức Giêsu hiển hiện.  Đó cũng là sứ mạng làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Trong những ngày này, chúng ta đang chuẩn bị đón xuân Quý Mão.  Năm cùng tháng tận là dịp chúng ta suy nghĩ về quỹ thời gian Chúa ban cho chúng ta.  Thời gian là vốn quý giá, mỗi người phải sử dụng nó một cách hữu ích cho bản thân và cho xã hội.  Đầu xuân là dịp chúng ta dâng lên Chúa những ước nguyện tốt lành.  Xin Ngài soi sáng và giúp chúng ta thực hiện được những dự tính trong năm mới.  Xin Chúa chúc lành và ban ơn bình an cho chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CÁC CÔNG THỨC TRONG KINH THÁNH VỀ THA THỨ

Không có gì quan trọng cho bằng tha thứ.  Tha thứ là chìa khóa mở ra cho hạnh phúc và là mệnh lệnh thiêng liêng quan trọng nhất cuộc đời chúng ta.  Chúng ta cần tha thứ, cần làm hòa với những tổn thương và bất công mình đã chịu để khỏi phải chết trong giận dữ và cay đắng.  Trước khi chết, chúng ta cần tha thứ, tha thứ cho người khác, cho bản thân, cho Chúa, vì mọi sự xảy ra trong cuộc đời chúng ta.

Nhưng không dễ để tha thứ, thật sự nhiều lúc không thể tha thứ nổi.  Cần phải nói rõ như thế, vì ngày nay, nhiều tác phẩm đủ thể loại, với ý định tốt, đem lại ấn tượng tha thứ chỉ là vấn đề có sẵn sàng và có bỏ qua hay không.  Cứ buông bỏ và đi tiếp!

Nhưng chúng ta đều biết, đâu có dễ như vậy!  Những vết thương hằn lên tâm hồn thì cần thời gian, có khi là một thời gian rất dài để chữa lành, và tiến trình đó vô cùng chậm rãi, một việc mà chúng ta không thể đi nhanh được.  Thật sự, chấn thương từ vết thương cảm xúc thường tác động lên sức khỏe thể xác chúng ta.  Chữa lành cần có thời gian.

Khi nhìn vào vấn đề chữa lành và tha thứ, chúng ta có một thấu suốt đầy giá trị nhưng lại lãng quên từ lâu linh đạo về ngày sa-bát trong Do Thái giáo và Kitô giáo.  Giữ ngày sa-bát không phải chỉ tôn vinh một ngày nhất định trong tuần, đó là một công thức của tha thứ.  Cách nó tiến hành như sau.

Thần học và linh đạo về ngày sa-bát dạy chúng ta, Thiên Chúa tạo dựng thế giới trong sáu ngày và ngày thứ bảy là ngày sa-bát, ngày Ngài nghỉ ngơi.  Hơn nữa, không chỉ Thiên Chúa nghỉ ngơi ngày sa-bát mà Ngài còn tuyên bố đó là ngày nghỉ ngơi cho tất cả mọi người đến muôn đời, và như thế, Thiên Chúa tạo một nhịp điệu nhất định cho cuộc sống chúng ta.  Nhịp điệu đó phải như thế này:

  • Làm việc sáu ngày, nghỉ một ngày.
  • Làm việc 49 (bảy lần bảy) năm, thì có năm đại xá, cả thế giới trải qua kỳ sa-bát.
  • Làm việc bảy năm, nghỉ một năm (kỳ nghỉ sa-bát).
  • Làm việc cả đời, rồi nghỉ kỳ sá-bat vĩnh hằng.

Nhịp điệu đó cũng nên áp dụng cho cách chúng ta tha thứ:

  • Chúng ta có thể giữ ác cảm nhỏ trong bảy ngày, nhưng rồi chúng ta phải buông bỏ nó.
  • Chúng ta có thể giữ ác cảm lớn trong bảy năm, nhưng rồi chúng ta cần buông bỏ nó. (Mức hạn định dựa trên điều này).
  • Chúng ta có thể giữ một vết thương khủng khiếp khắc sâu vào tâm hồn trong 49 năm, nhưng rồi chúng ta cần buông bỏ nó.
  • Chúng ta có thể giữ một vết thương làm cho tâm hồn chúng ta tan vỡ cho đến chết, nhưng rồi chúng ta cần buông bỏ nó.

Điều này nêu bật một chuyện vốn thường không xuất hiện trong giới tâm linh và trị liệu thời nay, đó là: chúng ta cần thời gian để có thể tha thứ, và thời gian đó tùy thuộc vào mức độ của vết thương.  Ví dụ như:

  • Khi bị đồng nghiệp xem thường trong cuộc họp, chúng ta cần chút thời gian để bực mình cho sự bất công này, nhưng thường thì một vài ngày là đủ để chúng ta hướng về phía trước và có thể buông bỏ nó.
  • Khi chúng ta bị đuổi việc một cách lạnh lùng bất công thì bảy ngày hay bảy tuần thường không đủ để chúng ta buông bỏ và tha thứ chuyện này. Có lẽ bảy năm thì thực tế hơn. (Xin lưu ý “mức hạn định” phỏng theo thấu suốt Kinh Thánh này).
  • Có những chấn thương chúng ta chịu đựng để lại vết thương sâu sắc hơn cả do bị đuổi việc bất công.

Có những vết thương chúng ta chịu do bị lạm dụng, thờ ơ, do nhiều năm cam chịu bất công, và chúng cần hơn bảy năm để chữa lành.  Có thể phải mất đến 49 năm, nửa thế kỷ, để làm hòa với những chuyện chúng ta bị bắt nạt khi còn nhỏ, hoặc bị lạm dụng về cảm xúc, tình dục khi còn niên thiếu.

  • Có những vết thương quá sâu sắc đễn nỗi phải đến giờ hấp hối, chúng ta mới chỉ có thể làm hòa với sự thật là chúng đã xảy ra với mình, buông bỏ chúng và tha thứ cho người hoặc nhiều người đã gây ra chúng.
  • Cuối cùng, có những vết thương quá sức sâu đậm, quá sức hủy hoại, quá sức đau đớn đễn nỗi chúng ta không thể xử lý trong đời này. Với chúng, may thay, chúng ta còn có cái ôm chữa lành nhân từ của Thiên Chúa sau khi chết.

Năng lực tha thứ dựa vào ân sủng hơn là ý chí.  Phạm lỗi lầm là thuộc tính con người, nhưng tha thứ là thuộc tính thần thánh.  Câu đơn giản này chứa đựng một sự thật thâm sâu hơn những gì chúng ta nắm bắt thoáng qua.  Điều làm cho tha thứ trở nên khó khăn và nhiều lúc bất khả thi, không phải chủ yếu do cái tôi của chúng ta bị bầm dập và tổn thương quá đỗi.  Đúng hơn, khó khăn thực sự chính là việc một vết thương của tâm hồn cũng như vết thương của thể xác, nó làm chúng ta suy yếu.

Điều này đặc biệt đúng với những chấn thương in sâu vào tâm hồn và làm tan nát tâm hồn, cần đến 49 năm hay cả đời để chữa lành, hoặc có lúc không thể chữa lành trong đời này.  Những vết thương như thế làm chúng ta cạn kiệt sức mạnh, nhất là khi đối diện với người đã gây cho chúng ta, làm chúng ta rất khó để tha thứ.

Chúng ta cần một linh đạo sa-bát để giúp đỡ cho mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI