LỄ ĐÊM

Theo truyền thống từ rất lâu đời, lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm.  Việc cử hành lễ Giáng sinh vào lúc nửa đêm không nhằm diễn tả ý nghĩa lịch sử cho bằng ý nghĩa thiêng liêng.

Trong quan niệm thông thường, đêm là thời điểm chuyển giao giữa một ngày cũ và một ngày mới.  Đó là lúc ngày cũ qua đi và nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu.

Đêm cũng là thời điểm hoạt động của những hành vi ám muội, của phường trộm cắp hoặc những người làm điều xấu xa.  Vì vậy, đêm đen là tượng trưng cho tội lỗi hay một lối sống lầm lạc.

Đêm còn là hình bóng của sự chết, vì trong bóng đêm, người ta không nhìn thấy ánh sáng, như sống trong một nấm mồ.

Vì thế, lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm mang ý nghĩa thiêng liêng:

Như nửa đêm là thời điểm chuyển giao giữa một ngày cũ vừa kết thúc với một ngày mới vừa khởi đầu, Chúa Giêsu đến khai mở một kỷ nguyên mới.  Cuộc giáng sinh của Người đánh dấu một giai đoạn mới của lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ.  Vì vậy, những gì xảy ra trước Chúa Giáng sinh, chúng ta gọi là trước Công nguyên, và những gì xảy ra sau ngày Chúa Giáng sinh, chúng ta gọi là sau Công nguyên.  Tại một số quốc gia, nhất là Châu Âu và Châu Mỹ, người ta còn nói rõ: sự kiện xảy ra trước Chúa Giêsu hay sau Chúa Giêsu (sinh ra).

Sứ mạng của Chúa Giêsu là loan báo Nước Trời.  Đó là vương quốc của công chính, yêu thương và an bình.  Giáo huấn của Người nhằm đẩy lui ảnh hưởng của tội lỗi, mời gọi con người trở về với Chúa, sống trong sự thánh thiện và trong tình yêu thương đồng loại.

Nếu đêm dài là tượng trưng cho sự chết, thì Chúa Giêsu đến trần gian để giải phóng con người khỏi sự chết.  Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại.  Chính Người đã sống lại vinh quang, chiến thắng thần chết, chiến thắng tối tăm.  Đức Giêsu Phục sinh là niềm hy vọng của nhân loại.  Qua đó, Chúa khẳng định với chúng ta, nấm mồ không phải là điểm dừng vĩnh viễn của thân phận người, vì con người được tạo dựng để sống và hưởng tôn nhan Thiên Chúa.

Chúng ta hãy trở về với Lời Chúa của Thánh lễ đêm nay.  Ngôn sứ Isaia (sống ở thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên) đã diễn tả nhân loại đang bước đi trong u tối, đã thấy một ánh sáng bừng lên.  Bóng tối tượng trưng cho sự chết.  Ánh sáng bừng lên đem lại cho con người sự sống, hạnh phúc và niềm vui.  Vị ngôn sứ cũng diễn tả ngày Chúa đến là ngày chiến thắng đối với những ai trung thành và khiêm nhu.  Những kẻ kiêu ngạo sẽ bị diệt trừ.  Trẻ thơ sinh ra sẽ là một vị Cố vấn kỳ diệu và là Hoàng tử bình an.

Ánh sáng đã đến để chiếu soi thế gian.  Ánh sáng ấy khởi đi từ đồng quê Belem, trong một khung cảnh đơn sơ khiêm nhường.  Tác giả Luca đã kể lại việc Chúa Giêsu giáng sinh: Giuse và Maria là Cha và Mẹ của Hài Nhi, vì không tìm được quán trọ, nên phải tạm trú trong một chiếc hang đá giữa đêm đông giá lạnh.  Vị Thiên tử đã sinh ra trong cảnh nghèo nàn, như một thông điệp gửi đến cho nhân loại: Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận trở nên một người nghèo giữa mọi người nghèo, để nâng đỡ và giúp họ bước đi, vượt qua những chông gai của cuộc sống.

Hài Nhi Giêsu sinh ra là niềm vui cho cả nhân loại.  Đó là lời Sứ thần loan báo với các mục đồng tại Belem. “Này đây tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho cả thế giới: Đấng Cứu độ đã sinh ra trong thành của vua Đavít.  Người là Đức Kitô, là Đức Chúa.”  Hôm nay, Giáo Hội cũng loan báo cho cả thế giới tin mừng trọng đại này, đồng thời khẳng định: Thiên Chúa yêu thương con người.  Ngài muốn cho con người được hạnh phúc, bình an và được cứu rỗi.

Chúa Giêsu là Hoàng tử của hòa bình.  Người đến trần gian để mời gọi con người hãy sống trong hòa bình với Thiên Chúa Cha, là Thượng Đế và là Tạo Hóa.  Người cũng thiết lập vương quốc hòa bình và mời gọi mọi người cùng chung tay xây dựng hòa bình dưới thế.  Người chúc phúc cho những ai sống hòa bình và nhiệt thành nối kết bình an thân thiện, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.  Thông điệp mà ngày lễ Giáng sinh muốn gửi đến cho chúng ta, đó chính là thông điệp của hòa bình.  Hòa bình là niềm khát khao của con người mọi thời đại.  Hòa bình là lý tưởng phấn đấu của mỗi chúng ta.  Tuy vậy, hòa bình phải được khởi đi từ tâm hồn và đời sống cá nhân mỗi người.  Trong bài đọc II của Thánh lễ Đêm, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy can đảm từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục để xứng đáng đón nhận Chúa Giêsu đến trong đời.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Lễ Giáng sinh là lời mời gọi mọi người hãy cùng nắm tay nhau xây dựng hòa bình, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, văn hóa.  Cũng như trái tim, hòa bình không mang một sắc màu riêng biệt cho từng quốc gia hay một ý thức hệ chính trị nào, nhưng bao gồm mọi gương mặt, mọi cuộc đời, với mục đích đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Hãy sống với trái tim tốt lành để gặp Chúa Giêsu, Hoàng tử hòa bình, để đón nhận những lời khuyên, để sống tha thứ, bao dung, chân thành, quảng đại, trung thực, thân thiện và yêu thương.  Một khi đạt được tâm hồn hòa bình, chúng ta sẽ sống thân thiện với tha nhân và thân thiện với môi trường xã hội.

Nguyện xin sự bình an từ Hang đá Máng cỏ tuôn chảy đến mọi nẻo đường của cuộc sống, để những mơ ước của chúng ta được thực hiện.  Xin Chúa Giêsu là Vua hoà bình chúc lành cho chúng ta.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Ý NGHĨA CỦA GIÁNG SINH, MỐI DÂY GIỮA MÁNG CỎ VÀ THẬP GIÁ

Trình thuật Tin mừng về việc Chúa Giêsu ra đời, không phải chỉ là kể lại những chuyện xảy ra ở Bê-lem.  Trong các bình luận về việc Chúa Giêsu ra đời, học giả kinh thánh lừng danh Raymond Brown, đã nhấn mạnh rằng các trình thuật này được viết rất lâu sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và trỗi dậy từ cõi chết, do đó các trình thuật Giáng sinh cũng mang sắc thái của cái chết và sự phục sinh.  Có thể nói, những trình thuật kể về việc Chúa Giêsu hạ sinh cũng giống như các trình thuật kể về cuộc thương khó và cái chết của Chúa vậy.  Khi các tác giả Tin mừng nhìn lại sự ra đời của Chúa Giêsu qua lăng kính phục sinh, họ nhìn thấy trong sự ra đời của Ngài đã có mẫu hình cho cuộc đời sứ mệnh, cho cái chết và sự phục sinh của Ngài rồi.  Thiên Chúa đến với thế gian và một số người tin và đón nhận Ngài, số khác thì thù ghét và loại trừ Ngài.  Với một số người, Ngài đem lại ý nghĩa, còn với số khác thì Ngài gây hoang mang và giận dữ.  Có một thông điệp trưởng thành về Chúa Kitô trong Giáng Sinh và về việc hiểu ý nghĩa của Giáng Sinh qua thập giá, cũng hệt như qua máng cỏ vậy.  Và còn cả những ánh đèn, những bài hoan ca, máng cỏ và ông già Noel nữa.

Cả chúng cũng có chỗ của mình.  Karl Rahner, không ngây thơ về những nhận định của Raymond Brown, đã lập luận rằng, Giáng Sinh vẫn mang ý nghĩa là hạnh phúc, và niềm vui đơn sơ của trẻ con thì diễn tả ý nghĩa Giáng Sinh chính xác hơn tính yếm thế của người lớn.  Rahner cho rằng, vào lễ Giáng Sinh, Chúa cho chúng ta một ưng thuận đặc biệt để hạnh phúc.  “Đừng sợ hạnh phúc, tiêu chuẩn của cuộc sống là niềm vui, hơn là lo âu và đau buồn của những con người không có hy vọng.…  Ta không xa rời thế gian, dù cho lúc này con không thấy Ta.…  Ta ở đó.  Giáng Sinh.  Hãy thắp lên những ngọn nến.  Ngọn nến đáng tồn tại hơn toàn bộ bóng đêm.  Giáng Sinh.  Giáng Sinh tồn tại mãi.”  Trong Giáng Sinh, máng cỏ thắng thập giá, dù cho thập giá không hoàn toàn biến mất.

Làm sao mà thập giá và máng cỏ hợp với nhau được?  Núi Sọ có phủ bóng muôn đời trên Bê-lem?  Giáng Sinh có khiến chúng ta phiền lòng hơn là an ủi chúng ta?  Liệu niềm vui đơn thuần của chúng ta trong Giáng Sinh có nhầm hay không?

Không.  Vui mừng là ý nghĩa của Giáng Sinh.  Những bài hoan ca đáng được cất lên.  Trong Giáng Sinh, Thiên Chúa cho chúng ta một ưng thuận đặc biệt để hạnh phúc, dù cho phải hiểu thật cẩn thận điều này.  Không có mâu thuẫn bẩm tại nào giữa niềm vui và đau khổ, giữa hạnh phúc và trải qua mọi nỗi đau cuộc đời đem lại.  Niềm vui không phải là khoái lạc không có đau khổ trong đời.  Niềm vui đích thực là một sự trường tồn luôn mãi, ở trong chúng ta qua suốt mọi cảm nghiệm trong đời, kể cả đau đớn và thống khổ.  Chúa Giêsu hứa với chúng ta “một niềm vui không ai lấy mất được.”  Rõ ràng điều này nghĩa là một sự gì đó không biến mất vì chúng ta đau bệnh, vì người thân yêu qua đời, vì bị bạn đời phản bội, vì mất việc làm, vì bị bạn bè loại trừ, vì bị đau đớn thân xác, hay vì buồn sầu.  Không một ai trong chúng ta thoát được đau đớn và khốn khổ.  Niềm vui có thể cộng sinh với chúng.  Thật vậy, niềm vui nghĩa là lớn lên sâu sắc hơn qua các cảm nghiệm đau đớn và đau khổ.  Chúng ta được định là những con người của vui mừng, dù sống trong đau đớn.  Đây là một lớp nghĩa, mà các tác giả Tin mừng, lấy từ nhận thức về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, để đưa vào trình thuật Giáng Sinh.

Nhưng, tất nhiên, trẻ em không thấy được điều này khi chúng hòa trong bầu khí phấn khích của Giáng Sinh, và khi chúng nhìn vào Chúa Kitô Hài Đồng trong máng cỏ.  Niềm vui của trẻ em vẫn còn vô tội, được bảo vệ bởi sự ngây thơ, vẫn đang chờ một sự vỡ mộng, nhưng đó là niềm vui thật.  Niềm vui ngây thơ của một đứa trẻ, là thật, và thật sai lầm khi muốn viết lại chúng bằng sự vỡ mộng khi trưởng thành.  Những gì thật, là thật.  Những ký ức tươi đẹp chúng ta có khi chờ đợi và mừng Giáng Sinh lúc còn là đứa trẻ, vẫn không mất chút gì giá trị khi chúng ta biết là ông già Noel không có thực.  Giáng Sinh mời gọi chúng ta hãy vẫn “lao đầu vào chiếc bánh ngọt.”  Và bất chấp mọi vỡ mộng trong đời sống trưởng thành, Giáng Sinh vẫn cho chúng ta, những người trưởng thành bị khủng hoảng, một lời mời tuyệt diệu.

Ngay cả khi chúng ta không còn tin có ông già Noel, và khi tất cả các máng cỏ, đèn chớp, hoan ca, thiệp chúc, những tấm giấy gói sặc sỡ và các món quà Giáng Sinh không còn cho chúng ta những xúc động như xưa, thì lời mời đó vẫn còn.  Giáng Sinh mời chúng ta hãy hạnh phúc, và đòi chúng ta phải kiêng bớt thói yếm thế của người lớn, mà theo một niềm vui có thể nắm bắt được cả thập giá lẫn máng cỏ để chúng ta có thể sống trong một niềm vui mà không một ai, không một bi kịch nào có thể lấy của chúng ta được.  Điều này sẽ cho chúng ta, trong dịp Giáng Sinh, được như những đứa trẻ, đâm đầu vào chiếc bánh ngọt.

Giáng Sinh, đem lại cho cả trẻ thơ lẫn người lớn, một ưng thuận để hạnh phúc.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

BỨC THƯ VỀ ÔNG GIÀ NOEL SAU HƠN MỘT THẾ KỶ

Năm 1897, một cô bé 8 tuổi gửi thư lên tờ The New York Sun hỏi “Ông già Noel có thực không.”   Không ngờ bức thư phúc đáp trở nên nổi tiếng, hơn 100 năm qua được kể lại mỗi mùa Giáng sinh.  Những ngày cận kề Giáng sinh , cư dân mạng tiếp tục lan truyền bài xã luận Yes, Virginia, there is a Santa Claus, đăng ngày 21/9/1897 trên tờ The New York Sun.

Hầu hết mọi đứa trẻ đến mùa Giáng sinh đều hoài nghi liệu Ông già Noel có thực không.  Gần 120 năm trước, cô bé Virginia O’Hanlon, 8 tuổi ở Manhattan (New York, Mỹ) cũng có câu hỏi tương tự với bố mình.  Thay vì trả lời, bố Virginia đã gợi ý con gửi thư cho tờ The Sun, tờ báo nổi tiếng ở New York vào thời điểm đó.

Cô bé viết:  “Xin chào quý báo.  Cháu 8 tuổi.  Một số bạn của cháu nói rằng Ông già Noel không có thực.  Bố cháu thì bảo nên hỏi The Sun.  Xin hãy cho cháu biết sự thật: Có Ông già Noel không?”  Biên tập viên Francis Pharcellus đã viết một bức thư trả lời cô bé, đồng thời đăng câu chuyện này lên số báo ngày 21/9/1897.  Nội dung bức thư trả lời: “Virginia, các bạn cháu nói không đúng.  Những người như họ luôn hoài nghi mọi thứ.  Họ chỉ tin vào những gì họ tận mắt nhìn thấy và hiểu được, mặc dù trí óc của họ nhỏ bé biết bao.  Virginia à, trí tuệ của con người, dù là người lớn hay trẻ em, tất cả đều nhỏ bé.  Trong vũ trụ vĩ đại mà chúng ta đang sống, nếu ta hình dung chân lý rộng lớn như là một không gian bao la thì kiến thức của con người chỉ nhỏ nhoi bằng một con kiến mà thôi.

Đúng thế, Virginia, ông già Noel có thực.  Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc.  Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao.  Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào?  Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn.  Con người chỉ là những cỗ máy khô khan.  Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.

Nếu không tin có ông già Noel, cháu cũng sẽ chẳng tin vào những chuyện thần tiên.  Cháu có thể nói với bố nhờ người canh cửa trong đêm Giáng sinh để bắt gặp bằng được ông già Noel, nhưng ngay cả nếu như không gặp được ông đi chăng nữa thì cũng đâu chứng minh được điều gì?  Chưa ai tận mắt gặp ông già Noel bằng xương bằng thịt cả nhưng điều đó không có nghĩa là ông già Noel không có thực.  Những điều chân thực nhất trong thế giới chúng ta là những điều mà trẻ em và người lớn đều không thể thấy được.  Cháu có bao giờ nhìn thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa?  Dĩ nhiên có thể là chưa nhưng đó đâu phải là bằng chứng để cho rằng không có chuyện đó.

Không ai có thể hiểu và tưởng tượng được những điều kỳ diệu mà họ chưa từng thấy và không thể thấy được trong thế giới của chúng ta.  Cháu có thể dễ dàng đập vỡ một cái lúc lắc để tìm xem cái gì kêu lách cách bên trong, nhưng trên đời này có một thế giới kỳ diệu được bao phủ bởi một bức màn kiên cố mà không một sức mạnh nào của thế gian có thể xuyên qua được.  Chỉ có bằng niềm tin và tình yêu chúng ta mới vén được bức màn và cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy huy hoàng bên trong.  Những chuyện đó có thực không?  Virginia à, đó là điều chân thực nhất trên thế gian này.

Ông già Noel không có thực ư?  Nhờ Chúa, ông vẫn sống và sẽ sống mãi.  Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này.  Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc.”

Bức thư của biên tập viên Francis Pharcellus Church là hành trang theo suốt cuộc đời Virginia.  Trọn đời bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ em tật nguyền.

Những thông điệp từ bài báo đã tác động đến hàng triệu người đọc.  Hơn một thế kỷ sau nó vẫn được giữ nguyên, được đăng tải trên các tờ báo, sách vở ra hàng chục ngôn ngữ, phim ảnh, tem, áp phích…

Tại thành phố New York, một đài truyền hình đã kể lại những câu chuyện mỗi dịp Giáng sinh trong suốt 30 năm qua.  Tờ The Sun đã đăng tải câu chuyện mỗi mùa Giáng sinh suốt từ năm ra đời đến khi tờ báo đình bản năm 1950.  Ngày 21/9/1997, kỷ niệm 100 năm thành lập, báo The New York Times đã xuất bản một bài viết phân tích về sức hấp dẫn lâu dài của bức thư “Yes, there is a Santa Claus.”

Biên tập viên Francis Pharcellus Church là một cây bút bình luận kỳ cựu của báo.  Ông viết bức thư này khi 57 tuổi và qua đời năm 1906, ở tuổi 66.  Còn Virginia O’Hanlon đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ tật nguyền.  Bà mất năm 1971, ở tuổi 81 và đã mang lá thư phúc đáp của ông Church suốt cuộc đời mình.

Phan Dương (theo The New York Sun)

MARANATHA!  LẠY CHÚA, XIN NGỰ ĐẾN!

Trong thời gian sống mùa vọng, chúng ta có cơ hội để ôn lại câu chuyện tình của Thiên Chúa và dân Người trong lịch sử cứu độ của nhân loại.

Lịch sử cứu độ là một lịch sử của tình yêu.  Lịch sử ấy bắt đầu với một dân được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn và chăn dắt.  Tương quan giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn là tương quan yêu thương.  Thiên Chúa chọn dân ấy làm dân riêng, và dân ấy chọn Thiên Chúa là Chúa duy nhất mà họ kính yêu tôn thờ.

Tuy nhiên, đó cũng là lịch sử của những sai lầm lỗi phạm từ phía con người.  Càng sống, con người càng đi xa đường lối của Thiên Chúa và đi ngược lại với những cam kết của mình.  Con người chọn tôn thờ nhiều thứ khác, nhiều thần khác và sống buông thả trong tội lỗi.  Lìa xa Thiên Chúa, con người đã phải đối mặt với biết bao là thăng trầm sóng gió và ê chề nhục nhã.  Họ bị lưu đày, bị đàn áp, bị khinh khi ruồng rẫy.  Về phần mình, Thiên Chúa không làm ngơ trước những thống khổ của dân, Ngài hứa ban cho họ một Đấng Cứu Độ vĩ đại, là Đấng sẽ giải phóng dân khỏi mọi đau khổ.  Hướng đến lời hứa ấy, dân Thiên Chúa sống trong nỗi niềm mong ngóng đợi chờ.  Họ không biết làm gì để Đấng Cứu Độ mau đến ngoài việc tha thiết cầu xin.

Phần lớn những kinh nguyện trong mùa Vọng, chúng ta mượn lại lời khẩn nguyện tha thiết của dân Thiên Chúa.  Đó là lời kinh toát ra từ nỗi đau của những người bị lưu đày viễn xứ, bị mất nước, mất đất, nhất là mất phẩm vị được làm Con Thiên Chúa.  Đó là lời kinh sám hối của một dân đã sai lầm lỗi phạm, đã không sống xứng đáng với những ân huệ mà mình được lãnh nhận, đã xa lìa bội ước với Thiên Chúa.  Đó là lời kinh tha thiết của những tâm hồn hoài nhớ cố hương, hoài nhớ những tháng ngày được sống vui trong điện đền nhà Chúa, trong tương quan tình yêu ngọt ngào với Thiên Chúa.  Đó là lời khấn xin được phục hồi được quay về với Thiên Chúa.

Chuyện của Thiên Chúa và dân Người cũng là chuyện của Thiên Chúa và nhân loại ngày nay, đồng thời cũng là chuyện của Thiên Chúa và của mỗi người chúng ta.  Chúng ta là những người được tuyển chọn và yêu thương.  Lịch sử sống tương quan với Chúa từng ngày là lịch sử của tình yêu.  Thế nhưng, đó cũng là lịch sử của nhiều sai lầm và lỗi phạm từ phía chúng ta.

Mùa Vọng, chúng ta được mời gọi chuẩn bị đón Chúa bằng việc sửa mình mỗi ngày.  Trong tâm tình của một người con thảo chúng ta dâng lên Chúa lời kinh sám hối, dâng lên Chúa nỗi lòng tha thiết chờ mong, dâng lên Chúa niềm hy vọng và tin tưởng sắt son vào tình yêu vững bền của Thiên Chúa.  Hợp lòng với dân Thiên Chúa, chúng ta cùng cất cao lời khẩn nguyện: MARANATHA!  LẠY CHÚA, XIN NGỰ ĐẾN!

Lạy Chúa là Vua Tình Yêu, xin ngự đến!
trong tâm hồn hơn sáu tỉ con người
giữa lòng hơn 190 quốc gia trên thế giới.
xin ngự đến nơi những người bị tước đoạt tự do và nhân phẩm
những người bị tù tội khốn quẫn, bị ruồng rẫy khinh miệt
xin ngự đến nơi những thương tích mà con người đã gây ra cho nhau.
Xin tình yêu Chúa tỏa lan và thấm đậm vào giữa lòng thế giới của chúng con
để chúng con được phục hồi và chữa lành, được bình an và hạnh phúc. 

Lạy Chúa là Vua hòa bình, xin ngự đến!
nơi những đất nước đang còn tang tóc chiến tranh
nơi những cuộc chạy đua vũ trang không tưởng
nơi những tham vọng cuồng điên của con người
nơi những tâm hồn còn mang nặng óc kỳ thị, hận thù và bạo lực.
Xin thanh tẩy và luyện lọc lòng trí con người
để chúng con biết yêu chuộng hòa bình
và chung tay dựng xây một thế giới của yêu thương huynh đệ. 

Lạy Chúa là ánh quang chân lý, xin ngự đến!
nơi tâm hồn của những con người
đang lao đao tìm một hướng đi, đang vật vã tìm một lẽ sống.
Xin ngự đến trong con tim của những nhà lãnh đạo quốc gia
để họ phục vụ dân Chúa trong công bằng và sự thật.
Xin ngự đến nơi những góc tối mịt mùng của dối gian và sai trái
nơi những hố sâu thăm thẳm của tội lỗi và sa đọa
xin ngự đến cả nơi tâm hồn của những người đang còn từ khước Chúa.
Xin đưa dẫn những bước chân lầm đường lạc lối
tìm về với Chúa là cội nguồn sự thật và sự sống. 

Lạy Chúa là mục tử giàu lòng thương xót, xin ngự đến!
nơi những mảnh đời lầm than vất vưởng
nơi những người cửa mất nhà tan vì thiên tai loạn lạc
nơi những người già cả neo đơn và không nơi nương tựa,
nơi những trẻ em côi cút bất hạnh trên đường phố
nơi những người bị dạt ra bên lề xã hội
xin ngự đến và nâng dậy những con người yếu đuối
xin vỗ về và an ủi những cảnh đời truân chuyên.

Lạy Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con hằng mong đợi
xin ngự đến với những cuộc đời đã vỡ nát vì sai lầm lỗi phạm,
với những cảnh đời cơ nhỡ vì sa chân lỡ bước.
xin ngự đến và thanh tẩy chúng con khỏi vết nhơ tội tình
xin ngự đến và chữa lành chúng con khỏi thương tật đau đớn
xin chuộc chúng con về từ nơi chúng con đã lạc mất
xin dẫn chúng con đi trên đường nẻo quang minh.

Lạy Chúa là Vua của mọi loài
xin ngự đến và phục hồi chúng con
để chúng con lại được sống xứng đáng là con cái Chúa.  Amen! 

https://dongten.net

HÃY ĐỂ CHÚA BƯỚC VÀO ĐỜI TA

Ông bà ta thường nói “nhập gia tuỳ tục, nhập giang tùy khúc,” nghĩa đen: “Vào nhà tùy theo tục nhà, vào sông tùy theo khúc sông,” còn nghĩa bóng: “Đến nơi nào phải theo phong tục của nơi đấy.”  Cụ thể, khi một vị khách vào nhà của ai, người khách đó phải làm theo những lề thói mà gia chủ đang có, điều đó nói lên thái độ lịch sự và tôn trọng của người khách đối với chủ nhà.  Đó cũng là điều thường tình mà chúng ta vẫn đã và đang làm trong cuộc sống văn hóa Á đông của chúng ta.

Nhưng, qua Trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có một người bước vào căn nhà cuộc đời của Đức Maria, Thánh Giuse và tất cả chúng ta nhưng lại không làm theo ý hay tục lệ chúng ta đã sắp xếp.  Người đó chính là Thiên Chúa.  Vâng, Thiên Chúa bước vào cuộc đời của Đức Maria và thánh Giuse và Ngài làm thay đổi hết những dự tính của các ngài.  Chúa dắt các Ngài bước đi theo một con đường hoàn toàn mới mẻ và xa lạ, nằm ngoài những dự tính ban đầu của các Ngài.  Có thể nói, Chúa đã làm xáo trộn kế hoạch rất tốt đẹp và thánh thiện nơi cuộc đời của Đức Maria và thánh Giuse.  Ý định của Đức Mẹ ban đầu là dâng mình tận hiến cho Thiên Chúa, Thánh Giuse là người công chính định tâm bỏ Đức Mẹ cách kín đáo khi biết Đức Mẹ có thai mà chưa đính hôn với mình.  Rõ ràng, trong Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Thiên Chúa đã bước vào đời của Đức Mẹ và Thánh Giuse, và các Ngài cũng đã để Chúa bước vào cuộc đời của mình, vì thế, chúng ta thấy cuối đoạn Phúc âm, Thánh Mátthêu viết: “khi tỉnh giấc, Ông Giuse đón vợ về nhà.”  Tới đây, tưởng chừng như bình an và hạnh phúc đến với gia đình trẻ này, nhưng rồi Thiên Chúa “không để yên” cho các Ngài.  Thiên Chúa giao cho các Ngài một sứ mạng xem ra kỳ cục và nghịch lý lắm; xem ra Chúa muốn phá vỡ hạnh phúc của các Ngài, nhưng đó là cách thức Chúa hành động trên những người Ngài yêu thương cách riêng.

Quả thế, Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn, Người Nữ Thánh Thiện được làm Mẹ Đấng Cứu Thế và qua trung gian Mẹ Maria, Thiên Chúa đã trao ban Đấng Cứu Độ cho loài người.  Vì Mẹ Maria sống khiêm nhường nên Mẹ sẵn sàng thưa hai tiếng xin vâng làm theo ý Chúa trong ngày truyền tin cho đến tận đồi Can-vê.  Vì Mẹ sống khiêm nhường nên Mẹ đã để Thiên Chúa bước vào đời Mẹ, và Mẹ đã gặp được Thiên Chúa và được Chúa đến ngụ trong tâm hồn Mẹ.  Vì thế, Mẹ đã luôn phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa, luôn sống và làm theo những gì Thiên Chúa muốn nơi cuộc đời của Mẹ với niềm hy vọng và tin tưởng trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời: Lúc vui, lúc buồn, lúc bối rối, lúc lo sợ, lúc an bình……  Nhờ việc hạ mình sống theo ý và Lời Chúa mà Mẹ Maria được gọi là người có phúc hơn mọi người phụ nữ.  Còn Thánh Giuse, chàng trai cưới vợ nhưng chưa chung sống thì vợ mình đã có thai, Giuse phải đau khổ lắm!  Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình” (Mt 1,20).  Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về” (Mt 1,24).

Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Ai Cập sống kiếp lưu đày.  Trước mắt là gian truân vất vả, nhưng thánh Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).  Rồi khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng, một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.  Thật mau mắn trước Thiên ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21).  Ấy vậy, bất cứ hoàn cảnh nào, dù gặp những thử thách gian truân, Thánh Giuse vẫn can đảm kiên cường vượt qua, một niềm tin tưởng, phó thác vào bàn tay dìu dắt của Chúa.  Ngài luôn nhạy bén khi đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù gặp nhiều sự dữ hơn sự lành và luôn kiên định xin vâng trước Thiên ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.

Hai tiếng “xin vâng” tự nguyện của Đức Maria, một thái độ sẵn sàng của thánh Giuse đã làm cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn và tốt đẹp.  Các ngài đã để cho Thiên Chúa tự do hành động trên cuộc đời của mình, dù có những lúc các Ngài cảm thấy mình đang bước đi trên những nẻo đường không chút hy vọng.  Dù các ngài là những con người được Thiên Chúa chọn cách riêng để làm theo chương trình của Chúa, nhưng các ngài đã chấp nhận biết bao khổ cực và cay đắng, chịu đựng biết bao những hy sinh và mất mát.  Và nhờ thái độ tin tưởng và phó thác đến cùng đã làm cho các Ngài trở thành những con người được “muôn đời ca tụng.”

Dù Thiên Chúa làm chủ cuộc đời của chúng ta, có quyền bước vào căn nhà cuộc đời của chúng ta và hành động cách “nhập gia không tuỳ tục,” nhưng Thiên Chúa vẫn chờ đợi thái độ đáp trả của chúng ta vốn chỉ là những người quản lý cuộc đời của mình trong tự do và trách nhiệm mà Thiên Chúa ban cho mà thôi.  Thiên Chúa đang bước vào cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhưng chúng ta có đón tiếp Chúa không hay chúng ta muốn tự mình lãnh đạo cuộc đời của mình vì sợ Chúa đến làm xáo trộn chương trình của mình, hoặc chúng ta nghi ngờ lòng thương xót của Chúa, sợ Chúa dẫn mình đi trên con đường xem ra không giống ai.  Chúng ta nên biết rằng nếu chúng ta tự định liệu số phận cho mình, cuộc đời của chúng ta sẽ là những con người đáng thương nhất bởi lẽ, chúng ta có khó nhọc, có tất bật chạy ngược, chạy xuôi thì cũng hoài công vô ích mà thôi, vì chúng ta đang xây dựng đời mình trên cát và thiếu viên đá gốc tường là Chúa Giêsu vì Lời Chúa nói: “Được lời cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì.”  Hãy để Thiên Chúa giúp ta xây dựng cuộc đời của chúng ta, và chúng ta hãy tích cực cộng tác với Chúa và ngoan ngoãn bước theo Chúa, làm theo những gì Chúa đang thiết kế cho đời ta.  Đó là thái độ của những con người khôn ngoan và đó cũng chính là thái độ của Đức Maria và Thánh Giuse ngày xưa, nhờ thái độ đó mà Thiên Chúa đã làm cho các ngài và cả chúng ta thành những con người có phúc và bình an ngay hôm nay và mai sau.  Amen!

Lm. Joseph Quang Nguyễn

LINH ĐẠO THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Mọi thụ tạo đều là hư không đối với Thiên Chúa và không có gì có giá trị ngoài Thiên Chúa ra: kết quả là để đạt tới tình yêu toàn thiện của Thiên Chúa, mọi tình yêu khác phải phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.  Đó là lý do sự cần thiết phải thanh tẩy và dốc đổ nội tâm để được biến đổi trong Thiên Chúa.  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 16-2-2011 trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một vị thánh thần bí khác, sống đồng thời với thánh nữ Terêxa thành Avila và là bạn tinh thần với chị: đó là thánh Gioan Thánh Giá, được Đức Giáo Hoàng Pio XI tuyên bố là Tiến sĩ Giáo hội năm 1926, và được gọi là “Tiến sĩ thần bí.”  Đức Thánh Cha nói về tiểu sử thánh nhân như sau:

Gioan Thánh Giá sinh năm 1542 trong ngôi làng nhỏ Fontiveros gần thành phố Avila, tại Vecchia Castiglia, là con ông Gonzalo de Yepes và bà Catalina Alvarez.  Gia đình rất nghèo, vì thân phụ tuy là gốc thượng lưu, nhưng bị đuổi khỏi nhà và bị truất hữu hết tài sản vì đã lập gia đình với Catalina, là một thiếu nữ khiêm tốn làm nghề dệt tơ lụa.  Mồ côi cha khi lên 9 tuổi, Gioan cùng mẹ và em trai là Franxicô di cư về Medina del Campo, gần thành phố thương mại và văn hóa Valladolid.  Tại đây Gioan theo học trường los Doctrinos và làm vài việc lặt vặt khiêm tốn cho các nữ tu của nhà thờ tu viện thánh nữ Madalena.  Sau đó vì các đức tính nhân bản và kết quả việc học hành, Gioan được thu nhận như là y tá trong nhà thương Concezione, rồi năm 18 tuổi gia nhập trường các cha dòng Tên, mới được thành lập tại Medina del Campo, và theo học các khoa nhân văn 3 năm gồm hùng biện và ngôn ngữ cổ điển.  Sau thời gian đào tạo, Gioan nhận ra ơn gọi tu trì của mình và chọn dòng Camelô.

Năm 1563 thầy Gioan bắt đầu vào tập viện dòng Cát Minh và lấy tên dòng là Matthia.  Năm sau đó thầy được gửi học 3 năm triết và nghệ thuật tại đại học Salamanca.  Năm 1567 Gioan Thánh Giá thụ phong linh mục, và trở về Medina del Campo để cử thành thánh lễ mở tay trong tình thương mến của gia đình.

Chính tại đây cha gặp thánh nữ Têrêxa Chúa Giêsu lần đầu tiên.  Cuộc gặp gỡ trở thành định đoạt cho cả hai người.  Chị Terexa Avila chia sẻ với vị linh mục trẻ chương trình canh tân dòng Cát Minh và đề nghị cha yểm trợ “để sáng danh Chúa.”  Cha Gioan Thánh Giá bị thu hút bởi lý tưởng đó và trở thành người nâng đỡ chị Têrêxa.  Hai vị làm việc với nhau trong vài tháng trời, chia sẻ các lý tưởng và đề nghị để khai sinh ngôi nhà đầu tiên cho các Nam tu sĩ Cát Minh Nhặt phép ngày 28 tháng 12 năm 1568, tại Duruelo một nơi hẻo lánh trong tỉnh Avila.  Gioan cùng 3 tu sĩ khác sống trong tu viện này. Khi canh tân lời khấn sống theo Luật đầu tiên dòng Cát Minh, bốn tu sĩ đổi tên; Gioan ấy tên là Gioan Thánh Giá.  Cuối năm 1572 chị Têrêxa Avila xin cha Gioan Thánh Giá làm cha giải tội cho các nữ tu trong tu viện Nhập Thể Avila, nơi chị làm Bề Trên.  Đó là các năm cộng tác và sống tình bạn tinh thần sâu xa làm giàu cho cả hai bên.  Đây cũng là thời gian chị Têrêxa bắt đầu viết các tác phẩm quan trọng và cha Gioan Thánh Giá viết các tác phẩm đầu tiên của mình.

Việc chấp nhận cuộc cải cách đã gây ra nhiều đau khổ cho cha Gioan Thánh Giá.  Năm 1577 cha bị cáo gian, bị bắt cóc và bị giam tù trong tu viện Cát Minh Toledo.  Trong nhiều tháng trời cha chịu thiếu thốn và bị áp lực thể lý cũng như luân lý.  Trong thời gian này cha sáng tác Thánh Thi Tinh Thần và nhiều bài thơ khác.  Đêm 16 rạng ngày 17 năm 1578 cha trốn thoát được và ẩn nấp trong tu viện của các nữ tu Cát Minh Nhặt phép của thành phố.

Thánh nữ Têrêxa Avila và các nữ tu rất vui mừng vì cuộc giải thoát này.  Sau khi nghỉ dưỡng sức một thời gian, cha Gioan Thánh Giá được chỉ định tới làm việc trong vùng Andalusa trong 10 năm trời tại nhiều tu viện khác nhau, nhất là tu viện Granada.  Cha cũng giữ nhiều trách vụ quan trọng trong dòng cho tới lúc trở thành Phó Giám tỉnh.  Cha tiếp tục sáng tác, rồi trở về quê nhà trong chức vụ thành viên của Ban Tổng Quản gia đình Cát Minh Têrêxa được độc lập.  Cha sống trong tu viện Cát Minh Segovia và trở thành Bề trên cộng đoàn này.  Năm 1591 cha được chỉ định sang sống trong tỉnh dòng Mehicô.  Nhưng trong khi cùng với 10 tu sĩ khác chuẩn bị cho chuyến đi xa này, cha bị bệnh nặng và qua đời đêm 13 rạng ngày 14 tháng 12 năm 1591.  Xác cha được đưa về Segovia sau đó.  Năm 1675 Đức Giáo Hoàng Clemente X chủ sự lễ phong Chân Phước cho cha và năm 1726 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII tôn phong cha lên hàng Hiển Thánh.

Thánh Gioan Thánh Giá được coi như là một trong những thi sĩ trữ tình quan trọng nhất của nền văn chương Tây ban nha.  Các tác phẩm lớn của thánh nhân gồm các cuốn: Lên Núi Camêlô, Đêm Tối, Thánh Thi Tinh Thần và Lửa Sống Động Của Tình Yêu.

Trong “Thánh Thi Tinh Thần” thánh Gioan trình bày con đường thanh tẩy linh hồn, nghĩa là việc chiếm hữu Thiên Chúa từ từ và tươi vui, cho tới khi linh hồn đến chỗ cảm nhận được rằng nó mến yêu Thiên Chúa với chính tình yêu nó được yêu mến.

Tác phẩm “Lửa Sống Yêu Thương” tiếp tục viễn tượng này, bằng cách miêu tả chi tiết hơn tình trạng kết hiệp biến đổi với Thiên Chúa.  Thánh Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh ngọn lửa để so sánh: giống như lửa cháy và thiêu đốt củi đến độ củi trở thành ngọn lửa, Chúa Thánh Thần cũng thiêu đốt và thanh tẩy linh hồn như thế trong đêm đen; với thời gian Người soi sáng và sưởi nóng nó như một ngọn lửa.  Cuộc sống của linh hồn là một ngày lễ liên lỉ của Chúa Thánh Thần, là Đấng hé mở cho chúng ta thấy vinh quang của sự kết hiệp với Thiên Chúa trong sự vĩnh cửu.

Tác phẩm “Lên Núi Camêlô” giới thiệu lộ trình thiêng liêng, từ quan điểm của sự thanh tẩy linh hồn từ từ, cần thiết để leo lên đỉnh của sự hoàn thiện Kitô được biểu tượng bằng đỉnh núi Camêlô.  Sự thanh tẩy đó được đề nghị như một con đường phải đi, cộng tác với hoạt động của Thiên Chúa.  Để đạt tới sự kết hiệp tình yêu với Thiên Chúa, sự thanh tẩy đó phải hoàn toàn bắt đầu với các giác quan, rồi tiếp tục với ba nhân đức đối thần tin cậy mến, thanh tẩy ý hướng, ký ức và ý chí con người.

Tác phẩm “Đêm Tối” miêu tả khía cạnh “thụ động” hay sự can thiệp của Thiên Chúa trong tiến trình thanh tẩy linh hồn.  Mục đích tất cả các tác phẩm là miêu tả con đường dẫn đưa tới sự thánh thiện, là tình trạng toàn thiện mà Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người chúng ta.  Đối với Thánh Gioan Thánh Giá, mọi sự do Thiên Chúa tạo thành đều tốt lành.  Qua các thụ tạo chúng ta có thể khám phá ra Đấng đã để lại dấu vết của Người nơi chúng.  Nhưng đức tin là suối nguồn duy nhất được ban cho con người để hiểu biết Thiên Chúa như Người là, như Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi.  Tất cả những gì Thiên Chúa muốn thông truyền cho loài người Ngài đã làm qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể.  Chúa Giêsu là con đường duy nhất và định đoạt dẫn đưa tới Chúa Cha (x. Ga 14,6).

Đề cập tới nét chính yếu trong tư tưởng của thánh Gioan Thánh Giá, Đức Thánh Cha nói:

Bất cứ điều gì được tạo dựng nên đều là hư vô trước Thiên Chúa và không có gì có giá trị ngoài Thiên Chúa ra.  Vì thế, kết quả là để đạt tới tình yêu toàn thiện của Thiên Chúa, mọi tình yêu khác phải phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.  Từ đây bắt nguồn sự nhấn mạnh của thánh Gioan Thánh Giá trên sự cần thiết của việc thanh tẩy và dốc đổ nội tâm để được biến đổi trong Thiên Chúa, là mục đích duy nhất của sự hoàn thiện.

Sự thanh tẩy đó không hệ tại nơi việc thiếu thốn thể lý các sự vật hay việc sử dụng chúng; điều khiến cho linh hồn được trong trắng và tự do, trái lại, là loại bỏ mọi sự tùy thuộc sự vật một cách vô trật tự.  Tất cả đều được đặt để trong Thiên Chúa như trung tâm và cứu cánh của cuộc sống.  Tiến trình thanh tẩy mệt nhọc dĩ nhiên đòi hỏi cố gắng cá nhân, nhưng tác nhân chính là Thiên Chúa: tất cả những gì mà con người có thể làm là ”sẵn sàng,” là rộng mở cho hoạt động của Thiên Chúa và không gây chướng ngại cho hoạt động đó.  Khi sống các nhân đức đối thần, con người tự nâng mình lên cao và trao ban giá trị cho dấn thân của mình.

Sau cùng, chúng ta tự hỏi vị thánh thần bí cao siêu này, với con đường gian khó hướng tới đỉnh trọn lành, còn có gì để nói với Kitô hữu bình thường sống trong các hoàn cảnh hằng ngày như chúng ta; hay người chỉ là gương mẫu cho một số linh hồn ưu tuyển có thể bước theo con đường thanh tẩy đó?  Thật ra, cuộc sống của thánh Gioan Thánh Giá đã không phải là chuyện “bay trên mây trên gió,” nhưng là cuộc sống rất khó khăn gian khổ, thực tế và cụ thể, trong việc cải cách dòng với biết bao nhiêu khó khăn chống đối, cũng như trong nhiệm vụ Bề trên tỉnh dòng, hay bị các tu sĩ khác giam tù, bị sỉ vả và hành hạ.  Nhưng chính trong những lúc khổ đau khốn khó đó thánh nhân đã viết ra các tác phẩm đẹp nhất.  Lộ trình với Chúa Giêsu cũng thế.  “Con Đường” không phải là cái gì khó khăn thêm vào gánh nặng cuộc sống thường ngày của chúng ta khiến cho nó nặng nề hơn, nhưng là một ánh sáng, một sức mạnh giúp chúng ta vác gánh nặng đó.  Nếu một người có tình yêu trong chính mình, thì tình yêu sẽ cho họ đôi cánh giúp bay cao, và chịu đựng được một cách dễ dàng mọi khốn khó của đời sống, bởi vì nó đem theo một ánh sáng lớn: đó là đức tin, tin rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong Đức Kitô Giêsu.  Để cho Thiên Chúa yêu thương là ánh sáng giúp chúng ta vác gánh nặng mỗi ngày.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau rồi cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Nguồn:  vietvatican

ĐỨC MẸ GUADALUPE

Một ngày đẹp trời 12-12-1531, Juan Diego – một trong những người gia nhập đạo Công giáo sớm nhất ở Mexico – không thể mơ có một ngày ông lại có thể được đặt trên bàn thờ cho Giáo hội hoàn vũ tôn kính.

Juan Diego trên đường tới nhà thờ sáng sớm hôm đó thì ông lại nghe tiếng nói ngọt ngào của một Phụ Nữ Đẹp hiện ra trước mắt mình tại chân đồi Tepeyac ở ngoại ô thành phố Mexico vào 2 ngày trước.

Phụ Nữ Đẹp ấy lặp lại ước muốn của Bà là có một teocali (nhà nguyện) được xây nơi Bà hiện ra.  Juan Diego nói với Phụ Nữ Đẹp rằng Đức Giám Mục Juan Zumarraga đòi bằng chứng xác thực về yêu cầu này.  Theo hướng dẫn của Đức Mẹ, Juan Diego lấy một bó hoa hồng Castilian mà Đức Mẹ xếp trên tilma (khăn choàng) của Người.  Ông sẽ đưa bó hoa hồng đó cho Đức Giám Mục.  Những đóa hồng Castilian lạ lùng nở vào mùa Đông!  Juan Diego vội vã đến gặp Đức Giám Mục.  Đức Giám Mục và mọi người có mặt đều sửng sốt trước những đóa hồng thơm ngát khi Juan Diego mở khăn choàng ra và có hình vẽ một Phụ Nữ Đẹp cao 143 cm với nước da hơi sẫm.

Đó là câu chuyện hay về Đức Mẹ Guadalupe.  Hình ảnh Đức Mẹ được bao quanh bằng những tia nắng, dưới chân Đức Mẹ có vầng trăng lưỡi liềm và một thiên thần nâng Đức Mẹ lên.  Đức Mẹ mặc áo choàng màu xanh có những ánh sao vàng, bên trong là áo dài hồng kết những nụ hồng viền vàng.  Chiếc đai lưng màu đỏ tía thắt quanh eo như các thai phụ Aztec vẫn sử dụng.

Đức Mẹ yêu cầu Juan Diego gọi Đức Mẹ là coatloxopeuh (theo tiếng Aztec Ấn độ ở vùng Nahuatl nghĩa là “người đạp rắn”).  Về lịch sử, đó là một phần văn hóa Aztec thời đó, hàng năm có ít nhất 20.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em làm vật hy sinh tế thần.  Nhờ Đức Mẹ Guadalupe hiện ra với Juan Diego, hàng triệu người đã trở lại Kitô giáo, như vậy việc đạp con rắn là sự sùng bái thần tượng (idolatry).  Khăn choàng đầu của Juan Diego được làm bằng sợi thô, không hoàn toàn thích hợp để vẽ.  Nghiên cứu khoa học đã tìm hiểu khăn choàng đó từ năm 1666 với các họa sĩ, bác sĩ và khoa học gia.  Các phát hiện của họ cho thấy như sau: Các đặc điểm lạ lùng của hình ảnh đó vượt ngoài tầm hiểu biết của khoa học; hình ảnh đó không thể do con người vẽ; màu sắc “kết hợp chặt chẽ” vào thớ vải; chất màu được dùng không rõ nguồn gốc.  Hơn nữa, tấm khăn choàng đó làm bằng sợi đặc biệt, chỉ có loại đó còn sau 476 năm.

Renzo Allegri, trong bài viết Messenger of Saint Anthony (Sứ giả của Thánh Antôn), cho biết rằng hiện tượng gây ngạc nhiên nhất đã gợi sự tò mò khoa học quan tâm hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe, quan tâm cái gì đã được phát hiện trong đồng tử mắt của Đức Mẹ.  Năm 1929, Alfonso Gonzales, nhiếp ảnh gia của Đền thờ Guadalupe, sau khi nghiên cứu âm bản phim, thấy rằng hình ảnh có vẻ rõ nét nhất là một người đàn ông có râu phản ánh ở mắt bên phải.  Sau hơn 20 năm, một nhiếp ảnh gia khác của Đền thờ Guadalupe là Carlos Chavez đã tuyên bố rằng ông thấy một hình người trong mắt bên trái và mắt bên phải của Đức Mẹ Guadalupe.  Từ năm 1956 tới 1958, Rafael Torija Lavoigner thực hiện 5 cuộc nghiên cứu, dùng các loại kính lúp và kính soi đáy mắt (ophthalmoscopes), ông xác nhận có hình người trong hai mắt của Đức Mẹ.

Hiện tượng lạ như vậy trở nên “giật gân” hơn khi mắt Đức Mẹ được nghiên cứu bởi các kỹ thuật tinh vi hơn có nối kết với máy vi tính.

Năm 1979, tiến sĩ Jose Aste Tousman, một kỹ sư giỏi chuyên ngành vi tính ở Hoa Kỳ, đã đến Mexico.  Ông là một trong các nhà nghiên cứu hàng đầu về mắt của Đức Mẹ Guadalupe.  Allegri viết rằng công việc của tiến sĩ Tousman làm trong 23 năm là điều khác thường; ông đã dùng các thiết bị cập nhật hóa và tinh vi nhất, các loại mà NASA vẫn dùng để giải mã hình ảnh chụp qua vệ tinh.  Tiến sĩ Tousman phóng to hình ảnh mắt của Đức Mẹ Guadalupe tới 2.500 lần, dùng 25.000 màu để minh họa cho mỗi mm vuông.

Sau khi chọn lọc và xử lý hình ảnh kỹ thuật số, tiến sĩ Tousman phát hiện toàn cảnh được “chụp” trong mắt của Đức Mẹ Guadalupe.  Trong đó có khoảng 11 người.  Có một người Mexico ngồi xếp hai chân và tóc dài được tết thành đuôi sam.  Kế ông là một người đàn ông lớn tuổi, hói đầu, râu trắng, mũi thẳng, lông mày rậm và dài xuống hai má.  Đặc điểm này được xác định là Đức Giám Mục Juan Zumarraga.  Bên trái là người phiên dịch, tức là Juan Gonzales.  Có một ông già có râu và ria, mũi to kiểu người La Mã, gò má cao, mắt sâu và môi nửa khép nửa mở – rõ ràng là người Ấn Độ bản xứ – đang mở khăn choàng khi ông quay mặt về phía ông già.  Rõ ràng là Juan Diego, đem những đóa hồng trong khăn choàng cho Đức Giám Mục. Cũng có những người khác không xác định gồm cha mẹ, ông bà, và 3 đứa trẻ.

Mắt Đức Mẹ đã “chụp” lại tất cả, vì Đức Mẹ biết sự hạn chế của khoa học kỹ thuật thời đó.  Đức Mẹ biết điều này sẽ được phát hiện vài trăm năm sau, khi con người có thể sáng chế các thiết bị tiến bộ.

Sứ điệp của Đức Mẹ Guadalupe là gì qua các phát hiện khoa học kỹ thuật?  Tiến sĩ Aste Tousman có phản ánh này.  Sự hiện diện của những người không xác định kia có thể là sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của gia đình và các giá trị gia đình.  Hai người đàn ông da trắng và những người Ấn Độ là sự hiện diện của các dân tộc, có thể đó là việc cảnh báo về việc chống phân biệt chủng tộc và là lời kêu gọi tình huynh đệ.  Phát hiện này là lời mời gọi dùng kỹ thuật để phát triển Lời của Đức Kitô.

Juan Diego đã được chân phước Gioan Phaolô II phong thánh tại Mexico.  Con người Ấn Độ khiêm nhường và giản dị này không thể nghĩ rằng người Phụ Nữ Đẹp Guadalupe mà ông đã nói chuyện ở đồi Tepayac sẽ có nhiều bí mật khác được phát hiện như ngày nay, dự trữ cho các thế hệ tương lai.  Trong cách nghĩ đơn giản của ông, ông không thể hiểu thấu điều này.  Đủ để nói rằng ông đã vâng lời và yêu mến Đức Mẹ, Đức Mẹ cũng yêu ông vì ông có tâm hồn giản dị và thanh khiết.

Điều này có thể lạ đối với một khoa học gia, nhưng với tôi, bức ảnh gốc thật kỳ lạ.  Nghiên cứu hình ảnh là công việc thú vị của đời tôi.  Càng nghiên cứu tôi càng có cảm giác lạ như khi nghiên cứu Khăn liệm Turin.  Tôi tin cách giải thích hợp lý tới một mức nào đó.  Nhưng không có cách giải thích hợp lý đối với cuộc sống.  Người ta có thể chia sự sống thành các nguyên tử, nhưng sau đó thì sao?  Ngay cả bác học Einstein cũng chân nhận là CÓ THIÊN CHÚA.

Giáo sư Philip Callahan (Giáo sư Philip Callahan là khoa học gia xuất chúng, Đại Học Florida)
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)

“VUI MỪNG VÀ KIÊN NHẪN”

Một ý tưởng nổi bật dễ nhận thấy khi nghe các Bài đọc Lời Chúa trong Phụng vụ Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, đó là niềm vui.  Cùng với ngôn sứ Isaia, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui lên.  Đây là niềm vui của ngày chiến thắng, niềm vui của người nông dân trong ngày gặt lúa, niềm vui của người được trở về quê cha đất tổ sau bao năm xa cách, niềm vui của cô dâu chú rể và khách dự tiệc cưới.  Quan trọng hơn cả, đó là niềm vui vì có Chúa hiện diện giữa dân Người.

Thiên Chúa hiện diện.  Còn niềm vui nào lớn lao hơn.  Chúa từ trên cao, Đấng ngự trên chín tầng trời, nay hạ cố xuống trần gian để gặp gỡ con người, tâm sự với họ bằng tình thương yêu trìu mến.  Những lời ngôn sứ Isaia được tuyên bố vào lúc người Do Thái còn đang bị lưu đày ở Babylon.  Niềm hy vọng được giải phóng đã thôi thúc họ.  Phải đặt mình vào bối cảnh cụ thể của thời lưu đày mới thấy được niềm vui của họ lớn lao như thế nào.  Thiên Chúa sẽ giải phóng dân Người.  Không chỉ là niềm vui của người lưu đày được trở về cố hương, mà đó còn là niềm vui của thời Thiên Sai: mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được, người què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò.  Từng câu chữ trong lời ngôn sứ đều diễn tả niềm vui tròn đầy.

Phụng vụ Chúa nhật thứ ba của Mùa Vọng mượn lời ngôn sứ Isaia để kêu mời chúng ta hãy vui mừng, vì Đấng Thiên Sai đã đến trong lịch sử và Người đang hiện diện giữa chúng ta.  Ngày 25-3-2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký và cho công bố Tông huấn gửi người trẻ với tựa đề “Chúa Kitô đang sống – Christus vivit.”  Ngài mở đầu Tông huấn như sau: “Chúa Kitô đang sống!  Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này.  Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống” (số 1).  Sự hiện diện của Đức Giêsu đem lại cho chúng ta niềm vui.  Người không giống như các vĩ nhân khác của lịch sử, bởi họ là những nhân vật đã đi vào dĩ vãng, dù giáo huấn và tư tưởng của họ có giá trị cho mọi thời đại.  Đức Kitô không phải là một nhân vật của quá khứ, nhưng Người đang sống giữa chúng ta.  Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh nhắc cho chúng ta chân lý quan trọng này.

Giáo Hội Kitô khẳng định Đức Kitô đang sống.  Tuy vậy, dường như những dấu hiệu của thời Thiên Sai vẫn chưa đến.  Nhân loại hôm nay bị xâu xé bởi bạo lực và xung đột.  Cuộc sống còn đầy những gian dối mưu mô hòng hủy diệt và loại trừ lẫn nhau.  Đâu là cuộc sống hài hòa phong phú đến mức “chảy sữa và mật” như Giáo Hội vẫn loan báo?  Không ít người hoang mang và lạc hướng khi chứng kiến sự dữ tồn tại trên thế gian này.  Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta: hãy kiên nhẫn.  Thánh Phaolô dùng hình ảnh của một người nông phu để diễn tả sự kiên nhẫn này.  Người nông phu gieo hạt, kiên nhẫn chờ đợi.  Ông kiên nhẫn vì ông biết chắc hạt giống sẽ nảy mầm.  Ông cũng tin rằng không thể “đốt cháy giai đoạn” được, nhưng phải dần dần từng bước.  Qua hình ảnh này, vị Tông đồ dân ngoại mời gọi các tín hữu: “đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử.  Kìa vị Thẩm phán đang đứng ngoài cửa.”  Nếu thời điểm phán xét chung trong ngày tận thế còn xa vời, thì giờ phút phán xét riêng mỗi người lại rất gần kề.  Quả thật, cái chết không chờ đợi người ta đến tuổi già, mà nó đến bất thình lình.  Xung quanh chúng ta, có những người còn ít tuổi, mà đã kết thúc cuộc đời một cách rất đột ngột.  Bất kể xã hội lạc hậu hay văn minh, cuộc sống vẫn mong manh và vô thường.

“Hãy kiên nhẫn và giữ mình để khỏi vấp phạm.” Đó là thông điệp Chúa Giêsu muốn gửi cho ông Gioan Tẩy giả và gửi đến chúng ta hôm nay.  Đọc bài Phúc âm hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng: Gioan Tẩy giả là người mạnh mẽ và xác tín đến thế, mà cũng có lúc bị dao động.  Nếu Đức Giêsu đích thực là Đấng Thiên sai, sao ông phải giam tù đau khổ như thế?  Ông can đảm phê phán lối sống vô đạo đức của vua Hêrôđê, sao bây giờ phải cô đơn và dường như bị quên lãng trong ngục tối?  Đức Giêsu nhắn gửi Gioan Tẩy giả: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”  Không phải vì tâm trạng dao động mà Gioan Tẩy giả trở nên tầm thường.  Chúa Giêsu đã công khai khen ngợi ông, và gọi ông là người cao trọng nhất trong số những phàm nhân đã lọt lòng mẹ.  Ông cao cả vì ông là người khiêm tốn dọn đường cho Chúa đến.  Ông cũng cao cả vì ông chấp nhận những khó khăn về mình, miễn là Đấng Thiên Sai được biết và được yêu mến.

Lời kêu gọi vui mừng của Mùa Vọng không phải là một ảo tưởng.  Đó cũng không phải là lời ru ngủ chúng ta để quên đi những bất công khó nhọc của cuộc sống.  Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta, như lời khẳng định của Người: “Này đây, Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).  Đó là câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ.  Đó cũng là cốt lõi Đức tin Kitô giáo, tồn tại vững bền từ hai mươi thế kỷ.

Hãy vui mừng vì có Chúa hiện diện giữa chúng ta.  Hãy kiên nhẫn dẫu cuộc đời còn nhiều thử thách gian nan.  Giữa những chông gai thử thách này, ai trung thành, sẽ được Chúa ban thưởng.  “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”  Đó cũng là lời Chúa Giêsu đang nhắn gửi chúng ta hôm nay.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CON ĐANG Ở ĐÂU?

“Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông, ‘Con đang ở đâu?’”

Rollo May nói, “Một thói quen mỉa mai cũ rích của con người, là chúng ta thường chạy nhanh mỗi khi lạc đường!”  Đúng thế, mỗi khi phạm tội, con người thường chạy nhanh hơn để lẩn trốn Thiên Chúa; và Ngài lại phải la lên, “Con đang ở đâu?”

Kính thưa Anh Chị em,

Nhận định của Rollo May thật sâu sắc!  Sau khi ăn trái cấm, xem ra Ađam đã chạy nhanh hơn khỏi Thiên Chúa; vì thế, tiếng của Ngài hẳn đã vang vọng khắp cả một góc vườn Êđen, “Con đang ở đâu?”  Đó cũng là những gì chúng ta đọc thấy ở những dòng đầu tiên của  sách Sáng Thế hôm nay nhân ngày kính Đức Trinh Nữ Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Và sẽ rất thú vị khi chúng ta dám đoan chắc rằng, Thiên Chúa không cần phải hỏi Đức Mẹ, “Con đang ở đâu?”  Bao giờ!  Tại sao?

Bởi lẽ, Đức Mẹ luôn ở đó, trong sự hiện diện của Thiên Chúa; Mẹ sẵn sàng đáp lại mọi ý muốn của Ngài trong toàn bộ cuộc sống của Mẹ.  Niềm tin và lòng yêu mến Mẹ dành cho Chúa, cũng như chính mối quan hệ độc nhất vô nhị của Mẹ với Đấng Mẹ sẽ cưu mang làm cho Mẹ trở thành một vị thánh vĩ đại nhất trong tất cả các vị thánh, những con người đã cho phép ánh sáng Thiên Chúa chiếu rọi qua mình một cách trọn vẹn.  Trong một bài thơ về Đức Trinh Nữ Maria, thi sĩ Dòng Tên, Hopkins, viết, “Đây là công việc duy nhất phải làm.  Hãy để mọi vinh quang Thiên Chúa chiếu qua!  Vinh quang Thiên Chúa đi qua Mẹ, từ dòng chảy của Mẹ; và không thể nào khác hơn!”  Ánh sáng Thiên Chúa đã chiếu qua Mẹ một cách trọn vẹn hơn bất kỳ vị thánh nào; bởi lẽ, không gì trong Mẹ có thể ngăn cản dòng ánh sáng đó.  Trong Mẹ, không có dấu vết của bất cứ một chút bóng tối tội lỗi nào; vì thế, không bao giờ Thiên Chúa cần lên tiếng với Mẹ, “Con đang ở đâu?”

Trong tình yêu, Thiên Chúa muốn chúng ta vui sống trước thánh nhan Ngài như một đứa trẻ nô đùa hồn nhiên trước cha mẹ, và thi thoảng nhìn về phía họ; ngược lại, cha mẹ đôi lúc cũng liếc nhìn sang đứa con của mình.  Một khi không nhìn thấy chúng ta, như đã không thấy Ađam, Ngài sẽ lên tiếng, “Con đang ở đâu?”  Khác với Ađam; rõ ràng, Mẹ Maria đã hoàn toàn cởi mở với ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời Mẹ.  Mẹ đã nói với sứ thần Gabriel rằng, “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”; nghĩa là, ‘Hãy để những gì ngài nói được thực hiện!  Hãy cứ để vinh quang Thiên Chúa chảy qua, chiếu qua!’  Ý muốn và vinh quang Chúa được thực hiện và chiếu qua Mẹ khi Mẹ phó mình hoàn toàn cho thánh ý Ngài.  Từ đó, Mẹ trở thành đấng cưu mang chính Con của Ngài.  Thật thú vị, không ai chọn cho mình một người mẹ để được sinh ra!  Với Chúa Giêsu thì có!  Ngài là người duy nhất đã từng ‘chọn mẹ cho mình’, và người phụ nữ ấy thật hoàn hảo!

Ý nghĩa biết bao với lời Kinh Cầu, “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy!”  Hòm Bia Thiên Chúa là chiếc hòm được trang hoàng lộng lẫy, chứa những vật thiêng thánh nhất của người Do Thái; Mẹ Maria là Hòm Bia, không phải là một chiếc hòm nạm vàng, chứa các vật thánh, nhưng còn hơn thế nhiều!  Mẹ cưu mang Đấng Thánh, Chúa Giêsu Kitô.  Ngày lễ hôm nay kỷ niệm sự thụ thai không chút bợn nhơ của Mẹ như là một  sự chuẩn bị từ xa của Thiên Chúa để hình thành một dinh thự hoàn hảo cho Con của Ngài, Đấng mà bất cứ một vết tích tội lỗi nào, dù nhỏ nhất cũng thật gớm ghiếc; cũng là Đấng mà Mẹ đã hưởng trước công nghiệp cứu độ của Con Thiên Chúa do cái chết và sự phục sinh của Ngài sau này!  Mẹ quả thật đúng với sự “thánh thiện và tinh tuyền trước nhan Thiên Chúa” như thánh Phaolô nói trong thư Êphêsô hôm nay.

Anh Chị em,

Đừng bao giờ chạy nhanh để lẩn trốn Thiên Chúa mỗi khi sa ngã!  Hãy dừng lại, thống hối trước Ngài.  Tốt nhất hãy học như Đức Mẹ, hãy để cho dòng chảy ý muốn và vinh quang của Ngài đi qua đời mình; và đó là công việc duy nhất phải làm!  Được như thế, chúng ta sẽ luôn làm điều đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ và điều kỳ diệu cũng sẽ xảy ra.  Và cùng Mẹ, chúng ta sẽ cất lên tâm tình Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.”  Như thế, Thiên Chúa sẽ không bao giờ cần phải nói với chúng ta, “Con đang ở đâu?”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin giữ gìn con, xin giúp con luôn làm điều đẹp lòng Chúa như Mẹ; nhờ đó, Chúa cũng sẽ không bao giờ cần lên tiếng tìm con, “Con đang ở đâu?”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NGOÀI RÌA THÀNH PHỐ

Có vẻ Thiên Chúa ưu ái người không có quyền lực, người không được chú ý, trẻ em, người ngoài rìa, người tị nạn không nơi nương tựa không có gì để bám víu.

Vì thế Chúa Giêsu mới sinh ra bên ngoài thành phố, trong hang lừa, không ai chú ý, xa những gì phô trương ầm ĩ, xa truyền thông và xa những con người cũng như sự kiện được cho là quan trọng vào thời đó, một Chúa Giêsu khiêm hạ và vô danh.  Thiên Chúa làm việc như thế.  Tại sao?

Trong vở rock opera Siêu sao Giêsu Kitô (Jesus Christ Superstar), câu hỏi đó đã được đặt ra cho Chúa Giêsu.  Tại sao Ngài lại chọn một thời xa xưa, ở một vùng đất xa lạ như thế?  Nếu Ngài đến hôm nay, Ngài có thể vươn đến cả một quốc gia.  Israel vào năm 4, làm gì có truyền thông đại chúng.

Kinh Thánh trả lời bằng cách bảo chúng ta rằng cách thức của Thiên Chúa không như chúng ta, và cách thức của chúng ta không phải của Thiên Chúa.  Đúng là thế.  Chúng ta có khuynh hướng hiểu sức mạnh qua cách nó tác động trên thế giới.  Sức mạnh có nơi tầm đại chúng, nơi truyền thông đại chúng, nơi đặc quyền có từ xưa, nơi thế lực tài chính, nơi giáo dục cao, nơi tài năng cá nhân, và thậm chí là nơi sự hung hăng, tham lam, và lãnh đạm trước nhu cầu của tha nhân và tự nhiên.

Nhưng chỉ cần lướt qua Kinh thánh, là đủ thấy đấy không phải cách làm của Thiên Chúa.  Thiên Chúa mà Chúa Giêsu thể hiện không hoành tráng đi vào thế giới, không sinh ra trong hoàng tộc với biết bao kỳ vọng và được công bố khắp nơi, không cùng cha mẹ xuất hiện trên khắp các mặt báo, không được cả thế giới trông chờ một tương lai vĩ đại và đầy ảnh hưởng, không có đặc quyền học cao và nằm trong nhóm những người quyền lực và uy thế.

Rõ ràng, quá rõ ràng, Chúa Giêsu không sinh ra như thế, và cuộc đời của Ngài cũng không như thế.  Như Kinh thánh chỉ rõ, Thiên Chúa hành động một cách vô danh hơn là nổi bật trên những trang nhất, Thiên Chúa hoạt động qua người nghèo hơn là người quyền thế, và qua những người ngoài rìa hơn là nhóm quyền lực.  Khi nhìn vào cách Thiên Chúa hành động, chúng ta thấy được, không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu sinh ra ở bên ngoài thành phố, và sau khi chịu tử nạn Ngài cũng được chôn bên ngoài thành phố.

Việc Thiên Chúa làm trong thế giới chúng ta thường không lên trang nhất các mặt báo.  Thiên Chúa không bao giờ đi vào thế giới hay đi vào lương tâm của chúng ta với kiểu hoành tráng đầy uy thế.  Thiên Chúa hành động kín đáo hơn, âm thầm chạm đến linh hồn, đến lương tâm, chạm đến những gì sâu trong lòng chúng ta đã từng được Ngài chạm đến từ rất xa xưa, nơi chúng ta vẫn vô thức lưu giữ một ký ức mơ hồ về việc mình được Thiên Chúa sáng tạo, chạm đến, nâng niu và yêu thương.  Vì thế mà Chúa Kitô sinh ra trong thế giới này trong hình hài một đứa trẻ chứ không phải một siêu sao, Ngài sinh ra với một sức mạnh duy nhất là chạm đến và làm êm dịu những tâm hồn quanh Ngài.  Trẻ em không mạnh hơn ai về mặt thể lý hay tri thức.  Trẻ em chỉ nằm đó, không có quyền lực, khóc để được yêu thương chăm sóc.  Thế mà, ngược đời thay, xét cho cùng, trẻ em lại mạnh hơn tất cả.  Không một sức mạnh thể lý hay trí thức nào, có thể chạm đến lương tâm con người cho bằng một em bé, một nét vô lực ngây thơ cũng phần nào có nơi một chú chim bị thương, một chú mèo bị bỏ rơi, một đứa trẻ đứng một mình khóc.  Bản tính thiện trong chúng ta được thổi bùng lên trước sự vô lực và ngây thơ.

Đấy chính là cách Thiên Chúa đến với chúng ta, thật nhẹ nhàng không huyên náo.  Không có kiểu hoành tráng.  Và đấy cũng là lý do Thiên Chúa thường bỏ qua những nhóm người quyền thế để ưu ái những người bị bỏ rơi và dễ bị tổn thương.  Chẳng hạn trong Tin Mừng, thánh Luca đã kể lại ơn Chúa đến với Gioan Tẩy giả thế nào.  Thánh Luca liệt kê tên mọi lãnh đạo nhà nước và tôn giáo thời đó (các quan lại La Mã, các vua Palestina và các thượng tế) rồi nói rõ rằng Lời Chúa bỏ qua họ mà đến với Gioan đang sống đơn độc trong hoang địa.  (Lc 3, 1-3) Theo Tin Mừng, hoang địa là nơi dễ tìm thấy và cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa nhất, bởi Thiên Chúa thường bỏ qua các trung tâm quyền lực để tìm một nơi trong lòng những người không nằm trong các nhóm quyền thế đó.

Các bạn cũng có thể thấy điều này qua nhiều lần Đức Mẹ hiện ra, những lần đã được Giáo hội công nhận.  Có điểm chung nào giữa những lần hiện ra đó?  Đức Mẹ không bao giờ hiện ra cho một tổng thống, giáo hoàng, một lãnh đạo tôn giáo, một ông chủ ngân hàng ở Wall Street, người điều hành các công ty lớn, hay thậm chí là một nhà thần học.  Không một ai như thế.  Đức Mẹ hiện ra cho các trẻ em, cho một phụ nữ chẳng có quyền thế gì, cho một nông dân mù chữ, và cho nhiều người khác chẳng có địa vị nào.

Chúng ta có khuynh hướng xem sức mạnh nằm ở nơi tiềm lực tài chính, uy thế chính trị, tài năng lỗi lạc, ảnh hưởng truyền thông, sức mạnh thể chất, năng lực siêu phàm, nơi nhan sắc, sức khỏe, trí khôn và quyến rũ.  Nhìn qua thì thấy như vậy có vẻ đúng, và thật sự là những điều đó chẳng có gì là xấu.  Nhưng nhìn sâu hơn, như khi xem lại việc Chúa Kitô sinh hạ, chúng ta thấy được Lời Chúa bỏ qua những người quyền thế mà đến với tâm hồn của những người ngoài rìa thành phố.

Rev. Ron Rolheiser, OMI