NGHE MỘT NGÔI VỊ

“Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn!”

Henry Scougal nói, “Đã từ lâu, Thiên Chúa đấu tranh với một thế giới cứng đầu; Ngài ban cho nó muôn phúc lộc, nhưng những món quà này không chiếm được trái tim nó.  Cuối cùng, Ngài ban chính Ngài như một quà tặng!  Lắng nghe Ngài là lắng ‘nghe một Ngôi Vị!’”  Ngôi Vị ấy đang sống, đang hoạt động và đang điều khiển lịch sử nhân loại và lịch sử mỗi người chúng ta.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một; qua Người Con ấy, nhân loại được nghe Lời Ngài. Tin Mừng hôm nay làm sáng tỏ điều Scougal nói, ai nghe Người Con, là ‘nghe một Ngôi Vị’; họ là người “có phúc.”  Cụ thể, với Chúa Giêsu, đó là những ai làm hai điều: “nghe”, và “vâng giữ Lời!” Mặc dù điều này có vẻ khá rõ ràng khi đọc, nhưng thực tế, nó khó hơn tưởng tượng.

Để một cuộc sống được gọi là “có phúc”, trước hết, con người phải biết lắng nghe Đấng tác thành nên nó.  “Nghe” bao hàm nhiều điều hơn là chỉ quen thuộc với các Tin Mừng.  “Nghe” không chỉ là tôi nhận thức tất cả những gì Chúa Giêsu bày tỏ, nhưng còn là tôi đã thực sự nội tâm hóa Lời đã nghe, hiểu những gì Lời đòi hỏi; nói cách khác, tôi biết rõ mục đích đời tôi trong chương trình của Chúa và ra sức thi hành.  Điều quan trọng là hiểu rằng, Tin Mừng luôn sống động và luôn mời gọi.  Nói khác đi, đón nhận Lời không chỉ là đón nhận một số bài học từ các sách cổ; đúng hơn, nghe Lời, có nghĩa là ‘nghe một Ngôi Vị!’

Thứ đến, “vâng giữ Lời.”  Giêsu, Con Thiên Chúa đang nói với chúng ta; Lời Ngài hướng dẫn chúng ta từng bước trong cuộc sống; Lời đang nói trong mọi khoảnh khắc, truyền cảm hứng để chúng ta làm điều này, tránh điều kia.  Và như thế, việc nghe Lời được hoàn thành nhờ thói quen hiệp thông, cầu nguyện suốt ngày và suốt đời; đồng thời, đem áp dụng Lời vào cuộc sống.

Một khi ý thức “nghe Lời Chúa” là nghe chính Chúa Giêsu, Đấng còn có tên là “Ngôi Lời”, thì nhất thiết chúng ta phải thấu hiểu tất cả những gì Ngài muốn nói.  Trên thực tế, nếu không vâng giữ những gợi ý yêu thương liên tục và nhẹ nhàng của Ngài, chúng ta không thể nghe được tiếng Ngài.  Chúng ta trở nên rối bời và dễ dàng bị chi phối, hoặc định hướng bởi những tiếng nói khác trong thế giới, những tiếng nói vốn làm cho chúng ta không còn phân biệt con đường nào là con đường ngắn nhất để nên thánh, con đường nào là con đường vinh quang Chúa chọn cho mình.  Một khi biết nghe và vâng giữ Lời, chúng ta trở nên thiết thân với Chúa Giêsu, nên người nhà của Ngài, sống với Ngài trong mối tương quan còn hơn cả tương quan huyết tộc; đồng thời, trở nên anh chị em với nhau.  Đây cũng là điều mà Phaolô nói đến trong thư Galata hôm nay, “Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa.”

Anh Chị em,

“Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn!”  Maria, kiểu mẫu trong việc nghe và vâng giữ Lời.  Người phụ nữ trong Tin Mừng thốt lên, “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!”  Cô có một cái nhìn sâu sắc; cô sâu sắc, bởi cô đã cảm nhận được sự vĩ đại của Chúa Giêsu; từ sự vĩ đại đó, cô suy ra sự vĩ đại của Mẹ Ngài.  Với cô, rõ ràng, ai đã sản sinh ra kiệt tác của nhân loại này, phải là một kiệt tác của nhân loại; Maria là “kiệt tác của một Kiệt Tác.”  Và cô ấy đúng!  Lời Chúa mời gọi bạn và tôi gẫm xem, chúng ta có gặp khó khăn nào trong việc nghe và quan sát Lời?  Hãy nói với Chúa, chúng ta đã quá chú ý đến nhiều tiếng nói khác từ khôn ngoan thế gian, đang khi với Giêsu, chúng ta ngoảnh mặt và từ chối.  Phúc lộc dành cho bạn và tôi, là những người đang nghe Lời, ‘nghe một Ngôi Vị’; nhưng, chúng ta chỉ thật sự hưởng lấy phúc lộc đó, khi dám nuốt lấy Lời và để cho Lời trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, Thầy Dạy đức tin, xin giáo dục con như đã giáo dục Giêsu trong việc nghe và giữ Lời; nhờ đó, con cũng có thể trở nên ‘một kiệt tác’, dẫu là một ‘kiệt tác quèn!’”, Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

LÒNG BIẾT ƠN

Có một thời, người ta có khuynh hướng bỏ hẳn lời cám ơn trong mối tương quan hằng ngày.  Trong thời bao cấp, những nghi thức giao tế bị coi là những hủ tục và tàn dư của thời phong kiến.  Người ta chủ trương cuộc sống sòng phẳng, không ai mắc nợ ai, cho nên không ai phải cám ơn ai.  Hậu quả là những gương mặt khô như ngói ở những văn phòng hành chính, những cái nhìn lạnh nhạt ở nơi công cộng, và những lời nói trống không trong giao tiếp với những người lớn tuổi hơn mình.  Cuộc sống thiếu lời cám ơn sẽ trở nên khô khan, đơn điệu, giống như vườn thiếu cây xanh.  Lược bỏ phép lịch sự sẽ biến cuộc sống này thành sa mạc hoang dã.  Có lẽ vì đã nhận ra hậu quả đáng tiếc của quan niệm này nên gần đây, một số cơ quan mở những lớp dạy cười, dạy nói lời cám ơn, và chào hỏi cho nhân viên của mình.

Biết nói lời cám ơn nhau, con người cũng cần thể hiện lòng biết ơn đối với Thượng Đế.  Đó là một trong những mục đích quan trọng của các tôn giáo.  Đó cũng là nội dung của lời cầu nguyện Kitô giáo.  Thông thường, chúng ta đến với Chúa chỉ để xin ơn.  Ít khi chúng ta bày tỏ lòng khâm phục, tri ân và mến mộ đối với Chúa và các thánh.  Chúa Giêsu hôm nay khiển trách những người cùi đã được ơn mà không biết cảm tạ Thiên Chúa.  Trong mười người cùi được ơn chữa lành, duy nhất có một người quay lại tạ ơn Chúa Giêsu mà người đó lại là người ngoại.  Khi ghi lại lời phàn nàn của Chúa, chắc hẳn Thánh Luca cũng nhằm phê phán những người Do Thái luôn cậy mình là dân riêng của Chúa nhưng lại không sống đúng với danh dự cao quý đó.  Không những thế, họ lại coi thường những người ngoại.  Dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, một người ngoại lại mang một tâm hồn đạo đức và biết tạ ơn Chúa.  Và như thế, người ấy không còn phải là “người ngoại” nữa, vì đã biết dâng lời tạ ơn Chúa và nhận ra quyền năng của Ngài.  Ý tưởng này, chúng ta cũng thấy trong sách Các Vua quyển thứ hai, với trường hợp ông Naaman, một vị tướng của Syria.  Sau khi được chữa khỏi, dù là người ngoại, ông đã trở thành một “tín hữu” vì ông tuyên xưng Thiên Chúa của người Israel là Thiên Chúa thật: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel.”  Việc xin một khối lượng đất đủ hai con la chở được để đem về quê hương đã chứng minh niềm tin chân thành ấy.

Nhờ biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta luôn nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc đời.  Việc tạ ơn Chúa cũng giúp chúng ta nhìn cuộc sống lạc quan hơn, bởi vì vũ trụ và cuộc sống này là do Chúa tạo dựng.  Ngài kêu gọi chúng ta bằng khả năng của mình, cộng tác với Ngài để tô điểm cho trần gian thêm tươi đẹp.  Nếu cuộc sống trần gian còn nhiều khiếm khuyết là do con người chưa thiện chí cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài.  Thậm chí có người còn đi ngược với chương trình sáng tạo của Chúa, phá vỡ sự hài hòa của môi trường cuộc sống và gây tai họa cho đồng loại cũng như cho thiên nhiên.  Một khi sống tâm tình tạ ơn và tôn thờ Chúa, chúng ta sẽ được Chúa ban những ơn cần thiết phần hồn phần xác.  Thiên Chúa như người cha yêu thương con cái.  Ngài biết chúng ta cần thiết những gì.  Ngài cũng biết rõ những gì đem lại ích lợi đích thực và lâu dài cho chúng ta.  Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn lành, theo ý của Ngài và nhằm đến những điều tốt đẹp cho mỗi chúng ta.  Cách đây vài ngày (ngày 4-10), chúng ta vừa mừng kính thánh Phanxicô thành Assisi, cũng gọi là thánh Phanxicô khó khăn.  Thánh nhân là người yêu thiên nhiên vũ trụ, vì qua thiên nhiên, ngài khám phá ra sự hiện diện quyền năng của Chúa.  Nếu những loài cỏ cây, những bông hoa vô danh nhỏ bé mà còn được Chúa trang điểm yêu thương săn sóc như thế, huống chi con người chẳng lẽ Chúa không thương.  Dưới cái nhìn của vị thánh nghèo, mọi vật mọi loài đều luôn cất tiếng ca tụng Chúa, làm thành một bản giao hưởng bất tận tuyệt vời.

Lòng biết ơn đối với Chúa không chỉ dừng lại ở ngôn từ nơi môi miệng, nhưng phải thể hiện qua việc tuân giữ giáo huấn của Người.  Cũng như trong mối tương quan trong gia đình, con cái không thể chỉ biết ơn cha mẹ bằng những lời khuôn sáo, mà lòng biết ơn và yêu mến cha mẹ cần phải được chứng tỏ bằng những việc làm đích thực.  Tuân giữ Lời Chúa là cách thể hiện lòng biết ơn tốt đẹp nhất.  Một khi chú tâm tuân giữ Lời Chúa, chúng ta mới có khả năng thông truyền Lời Chúa cho anh chị em mình.

Tin vào lòng thương của Chúa giúp chúng ta kiên vững trong gian nan đau khổ.  Thánh Phaolô, một tù nhân vì Chúa Giêsu, đã khích lệ con thiêng liêng của mình là Timôthê.  Ngài khẳng định: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa luôn trung thành.

“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi.”  Lời cầu xin thống thiết kèm theo sự xác tín của những người cùi đã được Chúa nhận lời.  Họ đã được lành bệnh sau khi đi trình diện với các tư tế theo Luật ông Môisen đã quy định.  Người tín hữu khi đến với các linh mục là những tư tế của Tân Ước để thú nhận mọi tội lỗi nơi tòa giải tội cũng được Chúa tha thứ và chữa lành.  Qua hành động trung gian của các linh mục, chính Chúa Giêsu chúc lành và nâng đỡ chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể trở lại hòa nhập với đời sống cộng đoàn, nhất là chúng ta được nối kết trong mối tình thân thiêng liêng với Chúa, nhờ lòng yêu mến thiết tha mà chúng ta bày tỏ với Người.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

7 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ THÁNH FAUSTINA VÀ THỊ KIẾN CỦA THÁNH NỮ VỀ HOẢ NGỤC

Trong khi người Công giáo trên khắp thế giới đã quen thuộc với Thánh Faustina Kowalska và mối liên hệ của thánh nữ với Lòng Chúa Thương Xót, thì có thể nhiều người lại không biết về cách mà Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ về ơn gọi, hoả ngục và sứ mệnh của ngài trong việc rao truyền lòng thương xót của Thiên Chúa.  Dưới đây là bảy sự kiện quan trọng cần biết về vị thánh nổi tiếng này:

1. Tên thánh của thánh nữ là Helena.  Thánh Maria Faustina Kowalska Thánh Thể sinh ra tại Ba Lan với tên gọi Helena Kowalska vào ngày 25 tháng 8 năm 1905.  Thánh nữ qua đời vào ngày 05 tháng 10 năm 1938, sau khi được Chúa Giêsu và Mẹ Maria chọn để trở thành tông đồ đầy bất ngờ về Lòng Chúa Thương Xót.  Thánh nữ đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên thánh vào ngày 30 tháng 4 năm 2000.  Ngày lễ của thánh nữ là ngày 05 tháng 10.

2. Thánh nữ vốn không định trở thành một nữ tu.  Cô gái trẻ Helena không có ý định bước vào đời sống tu trì, nhưng ở tuổi 19, trong khi tham dự một buổi khiêu vũ với chị gái Natalia ở Lodz, thánh nữ đã có được một thị kiến về Chúa Giêsu đau khổ, Người đã hỏi thánh nữ: “Ta sẽ chịu đựng con trong bao lâu nữa và con sẽ lảng tránh Ta trong bao lâu nữa đây?”  Sau khi cầu nguyện tại Nhà thờ Chánh toà, thánh nữ đã khởi hành đi Warsaw, nơi thánh nữ gia nhập Dòng các Nữ tu của Đức Mẹ Từ Bi (Congregation of the Sisters of Our Lady of Mercy).  Vào ngày 30 tháng 4 năm 1926, ở tuổi 20, thánh nữ được nhận tu phục và tên dòng của mình.

3. Chúa Giêsu đã mô tả cho thánh nữ bức hình Lòng Chúa Thương Xót của Người. Thánh Faustina đã viết rằng vào đêm Chúa Nhật, ngày 22 tháng 2 năm 1931, khi đang ở trong phòng riêng của mình ở Plock, Ba Lan, sau khi chưa hoàn toàn bình phục từ căn bệnh lao phổi, Chúa Giêsu đã hiện ra trong một trang phục màu trắng với những tia sáng đỏ và xanh nhạt phát ra từ trái tim của Người.  Theo nhật ký của thánh nữ, Chúa Giêsu bảo thánh nữ “Hãy vẽ một bức hình theo mẫu mà con nhìn thấy, với hàng chữ: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa’ [bằng tiếng Ba Lan: ‘Jezu, ufam Tobie.’]  Ta ước mong hình ảnh này được tôn kính, trước tiên là trong nhà nguyện của các con, và sau đó là trên toàn thế giới.  Ta hứa rằng linh hồn nào tôn kính bức hình này sẽ không bị hư mất.”

4. Thánh nữ đã nhìn thấy một thị kiến về hoả ngục.  Vào tháng 10 năm 1936, trong một cuộc tĩnh tâm kéo dài 8 ngày, thánh nữ đã được một thiên thần dẫn đến nơi mà ngài gọi là “những vực sâu hoả ngục”, nơi mà thánh nữ đã mô tả trong nhật ký của mình rằng đó là một nơi của những “hình khổ cùng cực” và “lửa sẽ xuyên qua linh hồn mà không hủy diệt nó – một sự đau khổ khủng khiếp.”  Hoả ngục này vốn tràn ngập bóng tối, và mặc cho bóng tối đó, “ma quỷ và các linh hồn bị đày đọa đều nhìn thấy nhau và nhìn thấy tất cả những điều tội lỗi, cả của người khác và của chính họ.”

5. Thánh nữ đã được cho thấy những mức độ khác nhau của hoả ngục.  Theo Paul Kengor, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Grove City và là một cộng tác viên của hãng tin National Catholic Register, thánh Faustina “đã quan sát thấy những tầng địa ngục giống như của Dante vốn dành riêng cho những đau đớn cụ thể đáng phải gánh chịu từ cái thế giới sa đọa này.”  Thánh Faustina cũng đã ghi lại trong nhật ký của mình rằng: “Có những hang hốc và hố sâu cực hình, ở đó hình thức đau khổ này khác với hình thức đau khổ kia.”  “Còn có những hình khổ đặc biệt dành riêng cho từng linh hồn.  Đây là những hình khổ về giác quan.  Từng linh hồn phải chịu những hình khổ kinh khủng không sao tả được, liên quan đến cách mà họ đã phạm tội.”

6. Hầu hết những linh hồn trong hoả ngục vốn đã không tin vào hoả ngục. Thánh Faustina đã nói rằng những gì mình đang chia sẻ chỉ là “một cái bóng mờ nhạt so với những gì tôi đã nhìn thấy.  Nhưng tôi xin lưu ý một điều: hầu hết các linh hồn trong hỏa ngục là những linh hồn đã không tin có hỏa ngục.”  Thánh nữ đã chứng thực trong nhật ký của mình rằng: “Tôi, nữ tu Faustina, theo lệnh của Thiên Chúa, đã xuống những vực thẳm hỏa ngục để có thể nói cho các linh hồn biết về hỏa ngục và chứng minh sự hiện hữu của nó.”

7. Thị kiến của thánh nữ là nhằm để cứu vớt các linh hồn.  Kengor nói rằng, “Những thị kiến đáng sợ này cũng vang vọng một tính cấp bách rõ ràng đối với lòng thương xót.  Thông qua những thị kiến này cùng với các sứ giả của chúng, Thiên Chúa đang cho chúng ta thêm một cơ hội nữa.  Chúng ta đang được cảnh báo rằng phải chỉnh đốn bản thân, phải ngừng việc phạm tội và phải cố gắng ăn năn đền tội, trước khi quá muộn.”

Alejandro Bermudez – Nguồn: Catholic News Agency (05/10/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên