CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Từ ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,27).  Như thế, khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng ta mầm mống của sự thánh thiện.  Bởi lẽ nếu Thiên Chúa là Đấng chí thánh, thì hình ảnh của Ngài chắc chắn phản ánh sự thánh thiện.  Con người được tạo dựng trong sự thánh thiện và với mục đích trở thành thánh nhân.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện – Từ nguồn gốc, con người vốn tốt lành.”  Quan niệm Á đông cũng giống như quan niệm Kinh Thánh.  Ban đầu, bản chất con người là tốt lành thiện hảo.  Tội lỗi gian tham làm cho con người không còn tốt lành thiện hảo như trước nữa.

Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong Bí tích Thánh tẩy nhờ đức tin, các môn đệ Đức Kitô đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào thần tính, và do đó, thật sự đã trở nên thánh” (Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 40).  Đối với Kitô hữu, ngay lúc họ lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, họ đã được gọi là “thánh,” vì Bí tích này làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.

Nếu Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài từ ban đầu trong cuộc sáng tạo, thì đối với cuộc sáng tạo mới trong Đức Kitô Giêsu, Thiên Chúa lại làm cho con người trở nên giống như Đức Giêsu Con của Ngài.  Đây là một bước tiến mới khẳng định phẩm giá của con người mới được cứu chuộc nhờ Đức Giêsu.

Như thế, từ nguyên thuỷ, con người đã là thánh, vì mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa.  Nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người được mặc lấy phẩm giá của con Thiên Chúa, trở nên hoàn hảo hơn, đến mức trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa.

Như đã nói ở trên, tội lỗi xuất hiện làm cho hình ảnh Thiên Chúa bị phai nhạt nơi con người.  Hình ảnh ấy, do tội lỗi đã trở nên biến dạng.  Nên thánh chính là cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ để tái phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi cuộc đời, và hơn thế nữa, làm cho con người nên giống như Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người và đang hiện diện huyền nhiệm giữa chúng ta.  Công đồng Vatican II viết tiếp: “Vì thế, nhờ ơn Chúa họ (tức là Kitô hữu) phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình sự thánh hoá mà họ đã lãnh nhận” (cùng số 40 đã trích dẫn).  Như vậy, nên thánh là cố gắng gìn giữ và duy trì tình trạng tốt lành Chúa ban khi tạo dựng nên chúng ta, và tình trạng thánh thiện nhờ Bí tích Thánh tẩy.

Tất cả Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo.  Theo quan niệm thông thường, “nên thánh” là một khái niệm xa vời đối với người tín hữu.  Dường như lời mời gọi này chỉ nhắm tới nhà tu và một số người cao niên hoặc trí thức.  Đó là một quan niệm lệch lạc.  Ơn gọi nên thánh là ơn gọi của mỗi chúng ta.  Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng ta sự thánh thiện của Ngài.  Nên thánh là cố gắng làm cho ơn của Bí tích Thánh tẩy sinh hoa kết trái trong cuộc đời cá nhân của mình.  Đó không phải là ơn gọi vượt tầm với của chúng ta, nhưng phù hợp với mọi người, bất kể họ ở bậc sống nào.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến “những vị thánh ở bên ta”, tức là những người sống một cuộc đời bình dị, như người phu quét rác, người mẹ nội trợ, người thợ xây cần mẫn, người nông phu trên cánh đồng (x. Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 6 và số 7).  Những người ấy cũng có thể nên thánh, nếu họ biết sử dụng những vốn liếng Chúa ban để sinh lợi thiêng liêng và biết chu toàn bổn phận của mình cách khiêm nhường cần mẫn.

Một cách cụ thể hơn, nên thánh chính là thực thi những mối phúc mà Chúa Giêsu đã nêu trong Bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12).  Bài giảng này có thể được hiểu cách cụ thể hơn như sau:

–  Sống nghèo khó trong tâm hồn, đó chính là sự thánh thiện
–  Hành động với trái tim khiêm nhường, đó chính là sự thánh thiện
–  Than khóc cảm thông với những người xung quanh, đó chính là sự thánh thiện
–  Khao khát tìm kiếm sự công chính, đó chính là sự thánh thiện
–  Hành động với lòng nhân từ, đó chính là sự thánh thiện
–  Giữ tâm hồn trong sạch và tránh mọi nhơ uế, đó chính là sự thánh thiện
–  Gieo rắc và xây dựng hoà bình, đó chính là sự thánh thiện
–  Hằng ngày đón nhận con đường của Tin Mừng, kể cả khi gặp những bất lợi, đó chính là sự thánh thiện.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org

NHỮNG CON QUỶ THẬT SỰ CỦA CHÚNG TA

Trong hình ảnh có gì?  Hình ảnh có thể ghi dấu không phai vào ý thức của chúng ta để chúng ta không thể hình dung một vật gì đó theo cách nào khác.  Ví dụ như bức tranh Bữa tiệc ly của Leonardo da Vinci.  Ngày nay, nếu bạn nhắm mắt lại và cố hình dung Bữa tiệc ly, thì hình ảnh đó sẽ tự nhiên hiện lên, dù các học giả khẳng định trong bữa tiệc đó, Chúa Giêsu và các môn đệ không ngồi như thế.  Nghệ thuật mạnh đến như vậy đấy.

Đáng buồn là, điều này cũng đúng về cách chúng ta tự nhiên hình dung về ma quỷ và việc trừ quỷ.  Các bộ phim về quỷ ám, như Rosemary’s Baby đã ghi khắc những hình ảnh nhất định trong chúng ta, nên chúng ta hình dung người bị quỷ ám là người có gương mặt đầy thù hận, méo mó, điên dại, bay lơ lửng lên trần, miệng phun ra những thứ nước tanh tưởi, ở trong một căn phòng đầy mùi khí độc.  Và hình ảnh về việc trừ quỷ là một linh mục trông rất khổ hạnh, mặc toàn đồ đen, mang dây các phép, kêu danh cực thánh Chúa Giêsu khi rảy nước thánh, rồi quỷ hét lớn và tháo lui.  Đó là những hình dung của chúng ta về quỷ ám và trừ quỷ.  Nghệ thuật mạnh đến như vậy đấy!

Nhưng thường thì quỷ ám và trừ quỷ lại không giống như vậy.  Thật sự hình dung ma quỷ và việc trừ quỷ theo cách đó là lợi bất cập hại, vì ma quỷ thì tinh vi và việc trừ quỷ không chỉ có những việc như trên phim mà lâu nay chúng ta vẫn tin.

Vậy đúng ra ma quỷ trong chúng ta sẽ như thế nào?  Một hình ảnh về gương mặt méo mó, phun ra khí độc và những lời lẽ thù hận, có lẽ cũng hữu ích cho chúng ta hình dung.  Đó là một hình ảnh ẩn dụ tốt.  Tuy nhiên, trong đời thực, gương mặt méo mó và đầy thù hận quá lại thường xuất hiện trên mặt chúng ta, và chất độc phun ra chính là lời nói thù hằn mà chúng ta nhắm vào nhau khi chửi rủa nhau vì đối địch về hệ tư tưởng, chính trị, đạo đức và tôn giáo.  Cũng vậy, việc trừ quỷ không chỉ cần hành động rảy nước thánh theo nghĩa đen, mà còn cần đến Thần Khí.

Ma quỷ thật sự trông thế nào?

Có một con quỷ tên là hoang tưởng, nó rất mạnh và kéo theo các bầy đàn quỷ khác, như bất tín, nghi ngờ, đề phòng, và sợ hãi.  Khi chúng ta bị hoang tưởng chiếm lấy, là chúng ta trở nên nghi ngờ và bất tín.  Chúng ta nhìn ai cũng thấy họ là mối đe dọa, là kẻ địch, và mọi bản năng tự nhiên bắt đầu thúc ép chúng ta đề phòng, thủ thế và từ đó bắt đầu làm cho gương mặt chúng ta méo mó và phun ra điều bất tín.  Đây có thể là con quỷ khó trừ nhất, vì nó khắc sâu trong lòng chúng ta.  Không phải tình cờ mà từ sám hối [metanoia] là tổng kết thách thức mà Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta lại chính là phản đề của hoang tưởng [paranoia].

Rồi còn có một con quỷ khác tên là kiêu ngạo, nó làm chúng ta luôn mãi ý thức về sự đặc biệt của mình, làm chúng ta thích đặc biệt hơn là thích hạnh phúc.  Con quỷ này kéo theo một bạn đồng hành xấu xa là ghen tị, làm tê liệt khả năng ngưỡng mộ người khác, chúc phúc cho họ và không thấy bị đe dọa bởi thành công của họ.

Tiếp theo, là con quỷ ham ăn và con quỷ tham lam.  Hầu như chúng không còn dụ dỗ chúng ta ăn uống cho thật nhiều và tích trữ của cải mãi nữa.  Thay vào đó, những con quỷ này truyền cho chúng ta sự tham lam muốn trải nghiệm, ám ảnh muốn tận hưởng mọi thứ, ám ảnh muốn kết nối xã hội 24/24 và 7/7.  Hơn nữa, chúng còn kéo theo con quỷ dâm dục, con quỷ làm cho chúng ta xem người khác là đối tượng dục vọng của mình và làm chúng ta không tôn trọng họ nữa.

Chúng là những con quỷ thật sự làm cho gương mặt chúng ta méo mó, và dù không có con quỷ nào có hình dạng như đứa bé trong phim Rosemary’s Baby, nhưng tất cả chúng đều làm chúng ta phun ra sự bất tín và thù hận thay vì tin tưởng và thông hiểu.

Làm sao để trừ chúng đây?  Chúng không phải là những con quỷ dễ phản ứng trước nước thánh.  Để tẩy trừ chúng, chúng ta phải cần đến Chúa Thánh Thần.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Thần Khí “soi sáng mọi sự.”  Kinh Thánh còn nói rằng Thần Khí không phải là một sức mạnh mơ hồ mà chúng ta không thể nhận biết.  Trong thư gửi tín hữu Galat, thánh Phaolô nói rõ Thần Khí là gì.  Ngài bắt đầu bằng phép loại trừ, nói rằng Thần Khí không phải là gì, và không bao giờ được nhầm lẫn Thần Khí với những con quỷ, cụ thể là hoang tưởng, bất tín, nghi ngờ, thủ thế, sợ hãi, kiêu ngạo, ghen tị, tham lam, ham ăn, và dâm dục.  Thần Khí là phản đề với tất cả những thứ đó.  Ngược lại, Thần Khí là khí thiêng của lòng nhân, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng, trung tín, hiền lành và khiết tịnh.

Hai cái đối lập không thể cùng tồn tại trong một chủ thể, và đó chính là cách hoạt động của việc trừ quỷ.  Càng nắm lấy lòng nhân, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng, trung tín, hiền lành và khiết tịnh, thì chúng ta càng diệt trừ hoang tưởng, bất tín, nghi ngờ, thủ thế, sợ hãi, kiêu ngạo, ghen tị, tham lam, ham ăn, và dâm dục, cũng như bớt phun ra những thứ quỷ ám thù hận.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐÓN CHÚA ĐẾN NHÀ

Thánh Luca là tác giả duy nhất thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu.  Giakêu là ai?  Tác giả cho biết, ông là người thu thuế và là người giàu có.  Thông thường, người thu thuế thời Chúa Giêsu đều là người giàu có, vì của cải họ kiếm được thường là do gian lận.  Họ bị người dân căm ghét, vì tiền thu thuế phải nộp cho ngoại bang là đế quốc Rôma.  Rất nhiều trường hợp trong Tin Mừng cho thấy sự khinh bỉ của người dân đối với những người hành nghề thu thuế.  Những người này cũng được đồng hoá với các tội nhân, như lời xầm xì của dân chúng: “nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ.”  Thánh Luca không nói rõ Chúa Giêsu lưu lại ở nhà ông Giakêu bao lâu, nhưng vào thời đi lại khó khăn, chắc hẳn thời gian Chúa viếng thăm không chỉ trong chốc lát.  Ông Giakêu, một người thấp bé về vóc dáng, nhưng lại thông minh về trí tuệ.  Ông muốn gặp Chúa.  Vì vóc dáng khiêm tốn của mình, ông đã trèo lên một cây sung để nhìn Chúa cho rõ.

Một chi tiết rất đặc biệt được Thánh Luca nhấn mạnh: Đức Giêsu là Thiên Chúa đã “nhìn lên” để gặp gỡ ông Giakêu.  Thiên Chúa đã hạ mình xuống để đi tìm kiếm con người.  Ánh mắt của Chúa Giêsu và ánh mắt của ông Giakêu đã gặp nhau.  Ánh mắt ấy đã thuyết phục ông.  Đáp lại, ông “vội vàng tụt xuống” và mừng rỡ đón rước Người.  Chúng ta tưởng tượng thấy một Giakêu rất vui vì được Chúa chủ động đề nghị đến thăm nhà ông.  Ông vốn mặc cảm trước ánh mắt của người đời, chỉ mong lén nhìn thấy Chúa, thì nay, ánh mắt của Thiên Chúa lại tìm kiếm ông.  Lòng thương xót của Thiên Chúa đã xoá đi mọi khoảng cách.  Đối với Chúa Giêsu, trước mặt Người không còn là thu thuế hay biệt phái, không còn là người giàu hay nghèo, mà là con cháu tổ phụ Abraham.  Con cháu Abraham tức là dòng dõi những kẻ tin.  Nhờ lòng tin mà ông được cứu rỗi.

Cuộc gặp gỡ và đón tiếp Chúa Giêsu đã làm cho cuộc đời ông Giakêu sang trang.  Trước những dị nghị của đám người đang ghen tức và bình phẩm, ông quả quyết tuyên bố sẽ canh tân bản thân.  Ông nhận ra những lỗi lầm do việc gian lận, và nay ông hứa, ông sẽ đền gấp bốn.  Ông cũng sẵn sàng chia sẻ phần nửa tài sản cho người nghèo.  Cuộc đời của ông Giakêu đã hoàn toàn đổi mới.  Ông tìm thấy niềm vui và bình an khi sám hối và chia sẻ.

Nhân vật ông Giakêu vừa diễn tả thiện chí tìm kiếm Chúa của con người, vừa chứng minh lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.  Nếu trước mặt những người đương thời, ông Giakêu bị coi là tội lỗi và bị quần chúng xa lánh, thì đối với Chúa Giêsu, tâm hồn ông vẫn luôn là mảnh đất thuận tiện để Lời Chúa gieo vào và sinh hoa kết trái.  Tác giả sách Khôn ngoan (Bài đọc I) như một lời cầu nguyện và lời chúc tụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.”  Trước mặt Chúa không có gì là “đổ bỏ đi”, dù phàm hèn và bất xứng đến đâu chăng nữa.

Nếu Thiên Chúa muốn cứu mọi người và muốn cho mọi người được sống, thì những con người – là chúng ta – lại muốn điều ngược lại.  Những thành kiến, ghen tương là nguyên nhân làm thương tổn danh dự và phẩm giá của người khác.  Ngày nay, mạng lưới thông tin trên Internet như một vũ khí nguy hiểm.  Người ta dễ dàng bình luận, phê phán và kết án người khác mà không cần kiểm chứng những thông tin.  Phương tiện thông tin, tưởng như đơn giản, lại trở thành một thứ độc dược giết người.  Khá nhiều nạn nhân đã bị dồn đến chân tường, do áp lực của hệ thống thông tin trên mạng.  Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa năm 2022, đã cảnh báo những nguy hiểm từ những thông tin nguỵ tạo thất thiệt, gây chia rẽ và nhằm mưu đồ loại trừ người khác.

Đối với Kitô hữu, mối ưu tư đầu tiên là nên giống Chúa Giêsu.  Thánh Phaolô (Bài đọc II), khuyên chúng ta nên kiên vững trước những lời đồn thổi và trước những trào lưu mệnh danh là “mạc khải.”  Lời của vị thánh Tông đồ vẫn mang tính thời sự đối với chúng ta hôm nay.  Xuất phát từ những quan điểm lệch lạc hoặc do bất mãn, một số người đã nhân danh Thiên Chúa, nhân danh mạc khải để tuyên truyền những điều trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội, trong đó có một số giáo sĩ và tu sĩ.  Họ tự cho mình được Chúa soi sáng, sẵn sàng ly khai khỏi Giáo Hội và lôi kéo người khác theo mình, ngấm ngầm chống lại các vị Bản quyền.  Thực sự những hiện tượng này không phải là mới mẻ.  Trong lịch sử, thời nào cũng có những kẻ giả danh.  Những gì không đến từ Thiên Chúa, tự nó sẽ tan rã, như lời ông Gamalien khẳng định trong Thượng Hội đồng Do Thái (x. Cv 5,34-39).

Mỗi lần cử hành Thánh Thể là chúng ta được gặp gỡ Chúa Giêsu.  Chúng ta được đón Chúa vào trong tâm hồn qua nghi thức rước Thánh Thể.  Hãy như ông Giakêu, thiện chí biến đổi cuộc đời, để trở nên con người mới, nên giống Chúa Giêsu ngay trong cuộc đời này.  Hãy có ánh mắt như ánh mắt của Chúa Giêsu, để nhận ra những người xung quanh mình đều là anh chị em.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TỪNG CHÚT MỘT

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men!”

Calvin Miller nói, “Niềm tin muộn màng là điều không thể tránh khỏi!  Việc chấp nhận con tàu là điều rất khó khi trời chỉ mới đổ mưa.  Cái chết là một cơn bão tức thì ập xuống, đến nỗi khi bạn với tay cầm lấy chiếc ô, thì biết rằng, mình cần một đôi cánh có thể bay trong nước!  Vì thế, từng bước một, ‘từng chút một’, bạn hãy biến đổi tâm hồn để có thể đến gần con tàu và yêu lấy nó!”

Kính thưa Anh Chị em,

“‘Từng chút một’, bạn hãy biến đổi tâm hồn để có thể đến gần con tàu và yêu lấy nó!”  Ý tưởng của Calvin Miller được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giêsu không nói đến một điều gì to tát, nhưng nói đến cái nhỏ bé đến nỗi gần như không trông thấy; đó là một chút men.  Ấy thế, như men trong bột, men ân sủng của Thánh Thần cũng biến đổi một linh hồn ‘từng chút một!’

Men là một thứ luôn hấp dẫn; nó thật nhỏ bé nhưng lại tác dụng mạnh mẽ đối với bột.  Men hoạt động chậm nhưng hiệu quả; với men, bột sẽ dậy lên ‘từng chút một’ và biến đổi.  Đây luôn là điều hấp dẫn đối với trẻ em; bạn sẽ chứng kiến những đôi mắt tròn xoe khi các trẻ có mặt tại lò bánh mì.  Và đây cũng là cách thức Tin Mừng hoạt động.  Việc biến đổi một trái tim hiếm khi diễn ra hiệu quả trong một ngày hay trong một khoảnh khắc; đành rằng, mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc đều quan trọng, nhưng hẳn có những khoảnh khắc chuyển đổi mạnh mẽ mà mỗi người có thể chỉ ra.  Như chút men âm thầm làm cho thúng bột dậy lên, việc biến đổi trái tim cũng là một điều gì đó thường diễn ra ‘từng chút một!’  Nhưng nếu bạn và tôi cho phép Chúa Thánh Thần điều khiển cuộc sống mình một cách liên tục và bền bỉ, chúng ta sẽ trưởng thành sâu sắc hơn trong sự thánh thiện như bột trồi lên một cách chậm rãi nhưng chắc chắn nhờ sự nồng nàn của men.

Đôi khi, sự chán nản của thế giới, cùng với bao hoạt động trong cuộc sống ngăn cản chúng ta dừng lại để xem cách Thiên Chúa đang vận hành lịch sử.  Tuy nhiên, Tin Mừng bảo đảm rằng, Ngài đang hoạt động như men âm ỉ đang âm thầm hoạt động; và, ‘từng chút một’, ‘thúng bột thế giới’ dậy lên.   Chút men của những việc lành nơi chúng ta tuy nhỏ bé, nhưng nó phát xuất từ Thiên Chúa cho dẫu tất cả xảy ra trong khiêm nhu, tiềm ẩn, và thường là vô hình.

Trong thư Êphêsô hôm nay, khi suy gẫm đời sống hôn nhân Kitô giáo, Phaolô nói, “Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.”  Phaolô hẳn đã nghĩ đến Thánh Thần vốn là men tác động giữa người nam và người nữ ‘từng chút một.’  Chính Thánh Thần kết hợp hai người trong Chúa, làm cho họ nên vợ, nên chồng.  Cũng trong Thánh Thần, Chúa Kitô và Hội Thánh làm nên gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi giữa lòng ‘thúng bột thế giới.’  Đó là một gia đình kính sợ Chúa như Thánh Vịnh đáp ca lưu ý, “Hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa!”

Anh Chị em,

“Cho đến khi tất cả bột dậy men.”  Viên men đầu tiên Thiên Chúa vùi vào ‘thúng bột nhân loại’ là Giêsu; không chỉ vùi vào lòng nhân loại, men Giêsu còn vùi vào đất.  Thế nhưng, ‘từng chút một’, ‘từng con người một’, ‘từng mảnh đất một’, đã thấm nhuần men yêu thương của Ngài.  Cũng thế, như bao người khác, chúng ta mang lấy xác thể; nhưng trong xác thể quá đỗi bình thường này, Thiên Chúa đã đặt trong đó một chút men thần linh ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy.  Vì thế, bạn và tôi không còn là “bột” thường, nhưng là “bột men.”  Quả thế, Chúa đang vùi chúng ta vào lòng công sở, trường học, đồng áng… mọi ngõ ngách của thế giới.  Ngài ước men Tin Mừng trong chúng ta ‘từng chút một’, ‘từng bước một’, với khả năng và hoàn cảnh rất riêng của mình, đem những con người chúng ta gặp gỡ trên đường đời ‘đến gần con tàu và yêu lấy nó’; “Con Tàu Giêsu”,“Con Tàu Giáo Hội’, để cả họ, cũng được Thánh Thần biến đổi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con ‘từng chút một’ để con có thể ‘yêu lấy con tàu Giêsu’ ngày một hơn; cho con luôn là men nồng nàn nâng dậy môi trường Chúa đã đặt con!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

HÃY THẢ LƯỚI BÊN PHẢI THUYỀN (Lc 5,1-11)

Các Tông đồ đã đánh cá vất vả suốt đêm mà không được con cá nào.  Nay Chúa Giêsu bảo các ngài phải ra khơi một lần nữa.  Chắc các ngài phải ngần ngại lắm.  Ngần ngại vì vừa qua một đêm vất vả, thân thể mỏi nhừ vì suốt đêm phải vật lộn với biển cả, với sóng gió, với chài lưới.  Ngần ngại vì đang buồn ngủ.  Mắt chĩu nặng vì suốt đêm không ngủ, đang cần một giấc ngủ để hồi phục sinh lực.  Ngần ngại vì vừa bị thất bại ê chề, đã mất hết ý chí phấn đấu.  Thế nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa, ra khơi, thả lưới.  Và kết quả thật là bất ngờ.  Lưới đầy cá chất đầy hai thuyền đến gần chìm.

Qua bài Tin Mừng này Chúa muốn dạy tôi những bài học về việc truyền giáo.

Bài học thứ nhất: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi vất vả.  Phải lao động đêm ngày.  Như các Tông đồ đã chài lưới suốt đêm thâu trong sương đêm giá lạnh, trong sóng gió biển khơi, trong vất vả cực nhọc.  Suốt đêm đã lênh đênh trên biển cả, sáng sớm vừa mới về tới đất liền, tưởng được nghỉ ngơi, không ngờ lại phải ra khơi ngay tức khắc.  Ra khơi cả lúc đang mệt mỏi cần nghỉ ngơi.  Người muốn truyền giáo cũng phải noi gương các tông đồ.  Làm việc không nghỉ.  Phải đầu tư sức lực và trí tuệ.  Phải phấn đấu không ngừng.  Làm cho hết việc chứ không làm cho hết giờ.  Và phải chấp nhận tất cả những mỏi mệt, những thử thách.

Bài học thứ hai: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi kiên trì.  Vì việc truyền giáo có nhiều thất bại hơn thành công, có nhiều mệt nhọc hơn vui thích, nên việc truyền giáo đòi hỏi rất nhiều kiên trì.  Kiên trì khi đã gặp thất bại.  Kiên trì khi đã chán nản, mệt mỏi rã rời.  Kiên trì khi gặp những trắc trở.  Như lời thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy rao giảng Lời Chúa.  Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tim 4,2).  Các Tông đồ thật kiên trì, mặc dù đã thất bại sau suốt một đêm vất vả, các ngài vẫn tiếp tục ra khơi theo lệnh Chúa truyền.  Trong quá khứ, ta đã gặp nhiều thất bại trong việc truyền giáo.  Hôm nay Chúa lại mời gọi ta hãy ra khơi, hãy lên đường truyền giáo.  Ta hãy mau mắn đáp lời Chúa mời gọi, kiên nhẫn làm việc trên cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi thất bại, bất chấp mọi chán nản.

Bài học thứ ba: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi thanh luyện bản thân.  Truyền giáo là công việc thánh thiện nên người truyền giáo phải thánh thiện.  Sự thánh thiện khởi đi từ nhận thức thân phận yếu hèn tội lỗi.  Và từ đó nảy sinh nhu cầu được thanh luyện.  Như Phêrô cảm thấy mình tội lỗi không xứng đáng ở gần Chúa.  Như Phaolô ngã ngựa cảm thấy mình lầm lạc.  Như Isaia cảm thấy môi miệng mình ô uế.  Sau khi được thanh luyện các ngài đã trở thành những nhà truyền giáo gương mẫu.  Thánh hoá bản thân là một điều kiện quan trọng để truyền giáo thành công.

Bài học thứ tư: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi lắng nghe Lời Chúa.  Vì truyền giáo là một công việc thiêng liêng.  Nên ta không thể cậy dựa vào sức lực phàm nhân, phương tiện phàm trần.  Các tông đồ là những ngư phủ chuyên nghiệp.  Các ngài biết rõ biển hồ Galilê như lòng bàn tay.  Thế mà các ngài đánh cá suốt đêm chẳng được con nào.  Đó là bài học dạy ta biết rằng, nếu cậy dựa vào tài sức riêng, việc truyền giáo sẽ không có kết quả.  Việc các tông đồ vâng lời Chúa ra khơi và vâng lời Chúa thả lưới bên phải mạn thuyền cho ta thấy một thái độ khiêm nhường lắng nghe.  Dù Chúa Giêsu không phải là ngư phủ chính gốc.  Dù Chúa Giêsu không hiểu biết biển hồ, nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa.  Chính nhờ thế, các ngài đã thành công.  Người làm việc truyền giáo phải noi gương các tông đồ biết khiêm nhường nhận biết sự bé nhỏ nghèo hèn của bản thân để thao thức lắng nghe Lời Chúa.  Chỉ làm theo Lời Chúa, làm theo ý Chúa, làm vì Chúa việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta một nghị lực mạnh mẽ để sẵn sàng chấp nhận những vất vả khổ cực trong việc truyền giáo.  Xin cho chúng ta biết chấp nhận cả những thất bại mà vẫn kiên trì lên đường truyền giáo.  Và nhất là xin cho mọi người chúng ta được Chúa dạy bảo, để biết làm theo ý Chúa.  Chỉ có như thế, việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu, xin kêu gọi chúng con lên đường truyền giáo.  Lạy Chúa Giêsu, xin thanh luyện chúng con để xứng đáng làm việc truyền giáo.  Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết cách làm việc truyền giáo.  Amen!

TGM. Ngô Quang Kiệt

KHIÊM TỐN TRONG CẦU NGUYỆN

Ông Alexin Carnel, người lãnh giải Nobel về Y khoa năm 1978, đã chia sẻ kinh nghiệm về đức tin khi ông phát biểu: “Cầu nguyện là một hoạt động không thể thiếu để phát triển con người toàn diện.  Càng cầu nguyện, chúng ta càng trở nên con người hơn.”  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa dạy chúng ta cầu nguyện với sự khiêm hạ chân thành.  Càng khiêm tốn, chúng ta càng trở nên vĩ đại, vì được thông dự vào sự cao cả và quyền năng của Thiên Chúa.  Điều đó cũng tương hợp với tư tưởng của Pascal khi ông nói: “Con người rất nhỏ bé và tầm thường, nhưng chúng ta sẽ trở nên vĩ đại và phi thường nếu biết cầu nguyện.”

Cầu nguyện: Từ thái độ kiên trì đến tâm tình khiêm tốn

Tuần trước, lời Chúa khuyên mời chúng ta kiên trì trong việc cầu nguyện qua hình ảnh của Moise đứng giang tay trên núi cầu khẩn khi đoàn quân của ông giao chiến với đội quân Amalếch, hoặc qua thái độ kiên nhẫn của một bà góa đứng kiện cáo nơi cửa công.  Tuần này, Chúa cũng vay mượn hình ảnh khiêm hạ của một người thu thuế, đối nghịch với thái độ cao ngạo của ông Pharisiêu khi lên đền thờ cầu nguyện, để dạy chúng ta phải có thái độ khiêm tốn mỗi lần đến với Chúa.  Chúng ta đã nghe khá nhiều về việc cầu nguyện.  Nhưng sự khiêm hạ Chúa nói hôm nay đòi hỏi nơi chúng ta điều gì và chúng ta đã thực hành như thế nào?

Trước hết, chúng ta nghe lại bài đọc 1 trong sách Huấn ca được đọc lên trong phụng vụ hôm nay.  Tác giả viết: “Đức Chúa là Đấng xét xử, người chẳng thiên vị ai.  Người không vị nể mà hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức, lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa.”  Ba hạn từ nêu trên, nói về những người nghèo khổ, cô thế cô thân trong xã hội Do thái thời xưa.  Kẻ mồ côi, kẻ bị áp bức, người góa bụa, là những người thấp kém và bị mọi người coi khinh.  Họ là đại biểu của giai tầng thấp nhất trong xã hội, nhưng lời cầu nguyện của họ luôn được Thiên Chúa lắng nghe.  Trong bài giảng trên núi, Chúa công bố bản Hiến chương Nước Trời với 8 mối phúc dành cho những ai ‘nghèo khó, hiền lành, khóc lóc, bị áp bức…’, tức là những con người luôn biết sống khiêm hạ, không vênh váo và tự mãn về cái tôi của mình như những người quyền quý hay cao sang.  Sự khiêm hạ đó một lần nữa được Chúa nói tới qua hình ảnh người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, đối kháng với sự kiêu căng tự mãn của người Pharisiêu.  Vào thời Chúa Giêsu, dân chúng luôn dị ứng và tẩy chay những người hành nghề thu thuế.  Họ được xếp ngang với bọn đĩ điếm và phường tội lỗi.  Dân chúng ghét họ vì 3 lý do.  Thứ nhất, họ làm tay sai cho đế quốc Rôma.  Thứ hai, họ phản bội tổ quốc và đồng bào ruột thịt.  Thứ ba, khi đụng đến tiền bạc, chắc chắn họ dễ rơi vào tham nhũng hay hối lộ.  Những người thu thuế thường hay thu quén tiền bạc cách bất chính trên xương máu và mồ hôi nước mắt của người khác.  Đế quốc Rôma ra chỉ tiêu về tiền thuế phải nộp, còn họ sẽ bày ra phương cách để có thật nhiều tiền.  Vì vậy, dân Do Thái luôn khinh ghét họ và xếp họ chung với phường tội lỗi.

Người thu thuế ra về được nên công chính, còn người kia thì không (c.14)

Sự công chính nơi người thu thuế khởi đầu từ việc ông nhận ra lỗi lầm của mình và thực tình sám hối.  Sám hối, theo nguyên ngữ Hy Lạp ‘Metanoia’, có nghĩa là ‘trở về.’  Sám hối không phải chỉ là đấm ngực mình cách máy móc như nhiều khi chúng ta vẫn hay làm khi đọc kinh ‘tôi thú nhận.’  Hành vi đấm ngực, cúi gầm mặt xuống vì xấu hổ nơi người thu thuế là bước khởi đầu của cuộc hành trình trở về.  Thánh Luca trong chương 15 kể dụ ngôn đứa con đi hoang để nói về cách sám hối chúng ta cần biểu tỏ.  Chàng thanh niên can đảm đứng lên, giã từ quá khứ để trở về nhà trong vòng tay yêu thương của Cha.  Sự công chính chúng ta có được không phải do nỗ lực cá nhân, nhưng trước hết là do ơn sủng nhưng không, đến từ Thiên Chúa.  Trong thơ Rôma, Thánh Phaolô đã cắt nghĩa rất rõ: “Ân sủng Đức Kitô làm cho chúng ta nên công chính, vì ở đâu tội lỗi càng nhiều, ơn sủng càng chan chứa gấp bội (Rm 5, 20-21).  Đức Giêsu đã khiêm nhường, tự hạ chấp nhận cái chết và máu của Ngài làm cho chúng ta được công chính hóa.  Vì vậy điều kiện tiên quyết để được tha thứ và chữa lành, chính là thái độ khiêm tốn nội tâm.

Muốn sống khiêm tốn phải biết mình

Người thu thuế biết rõ về chính mình, về những bất xứng và tội lỗi anh ta đã gây ra.  Từ chỗ biết mình, anh đã can đảm đi ra khỏi cái tôi để quy hướng về Thiên Chúa.  Ngược lại, người biệt phái quá kiêu ngạo, tưởng rằng biết rõ về bản thân, nhưng thực sự thì không.  Ông chỉ biết quy về mình.  Ông trưng ra những thành tích đạo đức để khoe mẽ mà không biết rằng những việc tốt mà ông có thể làm, tất cả là do ơn của Chúa chứ không phải do công lao của ông.  Ông đến đền thờ cầu nguyện tựa như đi tham dự một hội nghị biểu dương ‘Người tốt việc tốt’, giống như xã hội hôm nay vẫn hay tổ chức.  Một người đứng lên giữa đám đông kể ra những ‘thành tích xuất sắc’ của mình để nhận bằng khen hay giấy khen, nhiều khi rất lố bịch và giả tạo.  Nhiều người đi tham dự hội nghị còn đeo đầy huy chương để khoe cho mọi người biết tôi là người có công với đất nước.  Người Pharisiêu trong dụ ngôn hôm nay cũng thế.   Ông ta trưng ra những thành tích đạo đức để mong Chúa ban cho ông một tấm bằng khen.  Chúa biết rõ tâm hồn mỗi người, từ những gì sâu kín nhất tận bên trong.  Điều Chúa mong muốn nhất, chính là sự khiêm hạ và thành tâm sám hối.  Khi chúng ta đến trình diện trước mặt Chúa, Chúa không thích ngắm những bộ huy chương chúng ta đeo trên ngực hay nhìn những bằng khen chúng ta trưng ra để khoe khoang.  Ngài chỉ thích mân mê sờ nắn những vết sẹo nơi tâm hồn chúng ta, là dấu chứng tội lỗi chúng ta phạm nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương và chữa lành.  Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay khẳng quyết điều ấy.

Kết luận

Bắt chước người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy đến với Chúa với tâm tình sám hối và khiêm hạ, đặc biệt khi chúng ta giơ tay đấm ngực mỗi lần dâng Thánh lễ.  Nhiều khi chúng ta đấm ngực mình một cách rất máy móc để rồi khi về đến nhà, lại giơ tay đấm nhầm qua ngực người khác, bằng cách kết án hết người này đến người nọ.  Chúng ta mượn lại tâm tình của Thánh Charles de Faucauld để thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, dù con xấu xa hay tội lỗi đến mấy, Chúa cũng không bao giờ kết án và luận phạt.  Chúa cho con tự do để làm mọi sự, nhưng Chúa luôn cấm con không được thất vọng trước sự khốn nạn do tội lỗi con gây ra.  Lạy Chúa, xin xót thương con.”

Lm. GB. Trần Văn Hào

THÁNH SỬ LUCA, TÁC GIẢ TIN MỪNG

Theo các nhà Kinh Thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta hai tác phẩm: một là cuốn Tin Mừng thứ ba và hai là sách Tông Đồ Công Vụ.

Qua các tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc.  Ngài đã hết lòng ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa.  Qua những truyện như: Người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành… chúng ta thấy được phần nào chủ ý của thánh nhân khi ngài muốn trình bày cho chúng ta thấy một cách cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa.

Tin Mừng thánh Luca cũng là Tin Mừng về đời sống cầu nguyện.  Ngài đặt trước mắt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Chúa chịu phép rửa, trước khi chọn môn đệ, trước khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn Giệtsimani và cả trên thánh giá.

Tin Mừng của ngài là Tin Mừng cho những người bị áp bức.  Không Tin Mừng nào làm cho chúng ta có thể thấy được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Tin Mừng thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn…  Không một Tin Mừng nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.

Tin mừng của thánh Luca là Tin Mừng của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàng bạc trong Tin Mừng của ngài, có rất nhiều chỗ nói về niềm vui như loan báo tin vui cho Zacharia, truyền tin cho Maria.  Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh…  Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui hân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem.  Ðúng như Harnack đã nói: “Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót.”

Tin Mừng của thánh Luca còn được gọi là Tin Mừng của những người phụ nữ bởi vì không Tin Mừng nào vai trò của người phụ nữ được nhắc tới với một lòng kính trọng như Tin Mừng của thánh Luca.  Những câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt như những chị em phụ nữ đi theo phục vụ Chúa Giêsu và tông đồ đoàn chỉ có thể tìm thấy trong Tin Mừng của thánh Luca.

Sau hết, khi trình bày, thánh Luca như cố ý cho chúng ta thấy những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa cũng như để được gia nhập Nước Trời.  Những điều kiện đó là đức tin, lòng khiêm nhường, thống hối, dám chấp nhận những khó khăn, biết sống bác ái và kiên trung trong đau khổ.

Cũng như Tin Mừng, cuốn Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống truyền giáo của các tông đồ và đời sống của Giáo Hội lúc sơ khai.  Đây cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội.  Đọc sách Công vụ chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động được bùng phát lên từ sự nhận biết Thiên Chúa của các tín hữu đầu tiên, và rồi kết quả sau đó là một cuộc sống được định hướng bằng tình bác ái chân thực, bằng tinh thần hy sinh xả kỷ, cũng như bằng bầu khí cầu nguyện, bằng sự hiệp nhất cao độ, lòng hợp lòng, với một đức tin, và một tình yêu duy nhất để hình thành nên những cộng đoàn thánh thiện giữa các tông đồ và những người tin Chúa của Giáo hội sơ khai.

Mặc dầu lịch sử không cho chúng ta những tài liệu chính xác về gia thế và đời sống của thánh Luca, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng: thánh Luca thuộc gia đình nề nếp và giàu sang tại Antiokia.  Khi còn bé, Ngài được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp.  Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề lương y.  Từ buổi đầu, thánh Luca vẫn chưa biết Chúa.  Cho đến một ngày kia thánh Phaolô đến Troa giảng đạo Chúa Giêsu.  Luca vào nghe và sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và nhận thấy giáo thuyết thánh Phaolô giảng rất thâm trầm hợp lý, Ngài liền tin theo.  Ngài chịu phép rửa tội và theo làm môn đệ thánh Phaolô, ngày đêm học hỏi Kinh Thánh và làm thư ký cho thánh Tông đồ.  Quãng năm 49, nghĩa là khi khởi sự truyền giáo lần thứ hai, thánh Phaolô cùng mang thánh Luca đi theo.  Nhưng rồi hai thầy trò lại chia lìa nhau một thời gian.  Có lẽ kỳ này thánh Luca trở về sinh quán làm nghề lương y.  Đến sau hai thầy trò lại gặp nhau tại Philipphê.  Từ đây thánh Luca cùng đi giảng đạo với thánh Phaolô.  Nhưng đến khi thánh Phaolô bị người La Mã bắt cầm tù, thì thánh Luca cũng từ giã đế đô, và chúng ta không biết gì về quãng cuối đời của Ngài nữa.

Đọc Tin Mừng thứ ba và Công vụ tông đồ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp.  Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ.  Thánh nhân tỏ ra rất nghệ thuật trong việc bố cục câu chuyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình, chẳng hạn dụ ngôn người con phung phá, và câu chuyện hai người du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy.

Hơn thế, thánh Luca còn là một người rất sành tâm lý.  Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Tin Mừng cũng như trong các dụ ngôn những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với địa vị riêng của họ.  Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chữ trọn hảo địa vị Cứu thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi.  Chúa tự hiến mình trên thập giá để tẩy xóa mọi tội trần và thông ban ơn sủng đời sống mới cho các tâm hồn.

Với một sự hiểu biết sâu xa về sứ mệnh Cứu thế của Chúa như vậy, hẳn thánh Luca đã nhiệt thành với nhiệm vụ phổ biến Tin Mừng cứu thế không kém gì thánh Phaolô.  Nhưng Ngài giảng đạo tại đâu và chết như thế nào thì theo một tài liệu tìm thấy ở Constantinople, thánh Luca đã giảng đạo tại Achaie và Beotie.  Và sau cùng làm giám mục thành Thèbes.  Trong bài thực hành cuốn chú giải Tin Mừng thánh Matthêô, Thánh Hiêrônimô nói rõ thánh Luca đã viết Tin Mừng thứ ba tại Achaie và Beotie, sau cùng thánh Gaudence de Brescia quả quyết thánh Luca cùng chịu tử đạo với thánh Andrê tại Patras một tỉnh nhỏ thuộc vùng Achaie.

Ngày nay thánh Luca là quan thầy của các lương y và bác sĩ.  Ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung Đức Mẹ đầu tiên mà nay chúng ta quen gọi là ảnh “Đức Mẹ hằng cứu giúp.”

Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính lễ thánh Luca vào ngày 18.10 mỗi năm.

Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng ta được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như người để chúng ta đem tin lành cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

3 BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA CHO NGƯỜI KITÔ HỮU HIỆN ĐẠI

Thánh Têrêsa là một nhà cải cách và một người lãnh đạo vĩ đại.  Cuộc sống và các tác phẩm của thánh nhân chứa đựng sự khôn ngoan lớn lao cho những người đi theo Chúa Kitô trong suốt nhiều thế kỷ.

Có rất nhiều vị thánh đáng kính mang tên là Têrêsa – Mẹ Têrêsa Calcutta, Têrêsa thành Lisieux, Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá – đến nỗi vị thánh Têrêsa đầu tiên rất dễ bị bỏ qua.  Nhưng thánh Têrêsa Avila được gọi là “Têrêsa cả” vì lý do: Người nữ vĩ đại này đã sống đời thánh thiện và niềm xác tín mạnh mẽ mà những điều đó ghi dấu sáng ngời trong những trang lịch sử.  Cuộc đời phi thường của ngài mang lại nhiều bài học cho chúng ta hôm hay; dưới đây chỉ là một số ít trong đó.

Hãy Cầu Nguyện Trước Rồi Mới Hành Động

Khi còn là một thiếu nữ, thánh Têrêsa đã bắt đầu cầu nguyện trong cuộc đối thoại suy niệm và chiêm niệm với Thiên Chúa, thường được gọi là “tâm nguyện”, và tình bạn của thánh nhân với Đức Kitô, cùng tình yêu sâu đậm dành cho Người đã theo đó mà triển nở.  Tuy nhiên, sau một lần bệnh nặng, thánh nhân đã ngưng cầu nguyện theo phương cách ấy, mà chỉ tham dự những giờ đọc kinh cộng đoàn trong hơn một năm, vì theo như tự truyện của mình, ngài đã thuyết phục bản thân rằng“kiềm chế cầu nguyện là một dấu hiệu của sự khiêm nhường lớn lao hơn.”

Không ngạc nhiên gì, quyết định ngưng nguyện gẫm mang đến cho ngài sự đau khổ trong cảm xúc và tâm hồn.  Sau này, ngài đã gọi khoảng thời gian đó là “cám dỗ lớn nhất mà tôi gặp phải” và nói rằng“nó gần như hủy hoại tôi.”

May mắn thay, thánh nhân đã tìm gặp được một linh mục dòng Đaminh thánh thiện và uyên bác làm cha giải tội cho mình, và vị linh mục ấy đã nhanh chóng giúp ngài trở lại.  Ngài đã không bao giờ rời bỏ tâm nguyện một lần nữa, và thúc giục mọi người thực hành tâm nguyện như một thói quen thường xuyên. “Những ơn lành mà một người thực hành cầu nguyện nhận được – ý tôi là tâm nguyện – đã được ghi nhận bởi nhiều vị thánh và người đạo đức… Và vì tình yêu của Thiên Chúa, tôi cầu xin bất cứ ai chưa bắt đầu cầu nguyện thì đừng bỏ lỡ một ân phúc lớn lao như vậy.”

Những diễn giải của ngài về tâm nguyện đã trở nên những định nghĩa kinh điển cho việc thực hành thiêng liêng này.  Thánh nhân viết rằng tâm nguyện “không là gì khác ngoài sự giao tiếp thân tình, và thường xuyên trò chuyện cách riêng tư, với Đấng mà ta biết Ngài yêu thương ta.”  Tình bạn này là nguồn mạch của sự tốt lành vô hạn trong đời sống của một người và mang lại hoa trái thiêng liêng to lớn.  Ngài cam đoan với chúng ta: “Không ai xem Thiên Chúa là bạn mà không được thưởng.”

Thánh Têrêsa đã để lại ảnh hưởng to lớn thông qua những cải cách thiêng liêng, những việc tốt lành và những tác phẩm, thậm chí ngài còn trở thành nữ tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên.  Tất cả những điều đó phát xuất từ cội nguồn sâu thẳm của tình bạn sâu sắc và mật thiết với Thiên Chúa.  Giống như rất nhiều vị thánh vĩ đại khác, cuộc đời của ngài cho thấy rằng những cố gắng trong việc tông đồ luôn phải bắt đầu và cắm rễ sâu trong cầu nguyện.  Hãy đặt cầu nguyện và chiêm niệm lên hàng đầu, và ơn gọi cũng như sứ vụ của bạn sẽ tự nhiên tuôn trào từ cội nguồn đó.

Hãy Sống Giữa Những Người Bạn Và Người Hướng Dẫn Tốt

Một đề tài mà thánh Têrêsa đã lặp đi lặp lại trong tự truyện của mình là tầm quan trọng của việc gìn giữ những mối tương quan tốt lành và thánh thiện.  Thánh nhân nói về những người bạn và cả những cha giải tội đã đi vào cuộc đời của ngài tại những thời điểm khác nhau và dẫn ngài đến gần hoặc xa Thiên Chúa hơn.  Như một bài học có được qua những kinh nghiệm khó khăn, ngài viết:“Tôi đã học được ích lợi to lớn đến từ tình bạn tốt lành.”

Thánh nhân đã nhận thức một cách sâu sắc sự tác động mà những người bạn có thể ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của một người, đến nỗi ngài khuyến khích những người đang theo đuổi sự thánh thiện hãy cố gắng tìm kiếm những người bạn thánh thiện để cùng đi với họ trên cuộc hành trình đó – những người mà ngày nay chúng ta gọi là “người bạn cùng tiến.”

Ngài viết: “Tôi muốn khuyên những người thực hành cầu nguyện, đặc biệt là lúc khởi đầu, hãy vun đắp tình bạn và mối tương giao với những người khác cùng ý hướng với mình.  Đây là điều quan trọng nhất, không chỉ bởi chúng ta có thể giúp nhau bằng những buổi cầu nguyện chung, mà còn bởi nó mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích khác nữa.”

Thánh nhân đã thấy sự ảnh hưởng của bạn bè như một yếu tố quan trọng đến nỗi trong tự truyện của mình, ngài dừng lại để gửi những lời khuyên đến các bậc cha mẹ của những thanh thiếu niên: “Nếu tôi phải khuyên nhủ các bậc cha mẹ, tôi sẽ bảo họ phải hết sức quan tâm đến những người mà con cái họ kết giao ở độ tuổi đó.  Nhiều điều tai hại có thể là kết quả từ mối quan hệ xấu và chúng ta tự bản tính có khuynh hướng làm theo những gì xấu xa, hơn là những điều tốt lành.”

Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với áp lực từ bạn bè, bởi vì nhu cầu để được xã hội chấp nhận của họ ngày càng lớn, nhưng nguyên tắc trên vẫn đúng ở mọi lứa tuổi.

Hãy Làm Cho Cuộc Sống Và Chính Bản Thân Bạn Trở Nên Nhẹ Nhàng

Người ta nói rằng“các thiên thần bay vì họ khiến bản thân trở nên nhẹ nhàng.  Cho dẫu tuyên bố này có thể bị nghi ngờ về mặt thần học, nhưng thực tế đúng là việc làm cho bản thân trở nên nhẹ nhàng là một dấu hiệu của sự thánh thiện, vì nó đòi hỏi sự khiêm nhường thật sự.

Thánh Têrêsa rất có khiếu hài hước, nhất là khi nhận xét về bản thân và những ý tưởng điên rồ của mình: Thánh nhân thường đề cập đến chuyện đùa vui về điều này hay điều khác, và có lúc ngài viết: “Đôi khi tôi cười chính bản thân và nhận ra mình là một thụ tạo đáng thương.”  Sự khiêm nhường của ngài được thể hiện rõ khi ngài kể lại những hành động thiếu suy nghĩ của mình, hay khi liệt kê những lỗi lầm ngài phạm phải qua nhiều năm trong sự thật thà và không hề có ý tự cho mình là công chính.

Làm cho bản thân trở nên nhẹ nhàng sẽ không giúp bạn bay được, nhưng chắc hẳn sẽ làm bạn cảm thấy vui vẻ và dễ chịu.  Quan trọng hơn, đó là một thái độ bắt nguồn từ sự hiền lành thánh thiện, và như Đức Kitô nói với những kẻ theo Ngài: “Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa là gia nghiệp.” (Mt 5,4)

Sự hiền lành có thể không phải là điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến khi nhắc tới một nhà cải cách kiên cường như thánh Têrêsa Avila, nhưng hiền lành thật sự không có nghĩa là rụt rè hay chịu khuất phục.  Đúng hơn, nó ám chỉ sự tự chủ giữa nghịch cảnh, một phẩm chất mà thánh Têrêsa thể hiện xuất sắc khi ngài đã đương đầu với nhiều thử thách trong cuộc đời.

Những bài học trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng khi nói về sự khôn ngoan vượt thời gian trong những tác phẩm của thánh Têrêsa cả.  Để biết thêm, hãy xem 7 câu nói truyền cảm hứng cho cuộc sống từ các tác phẩm của ngài.

“Chỉ tình yêu mới mang lại giá trị cho tất cả mọi thứ.”

“Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng chúng ta sẽ vào thiên đàng mà không vào trong chính mình.”

“Bạn ngợi khen Thiên Chúa bằng việc cầu xin những điều tuyệt vời nơi Người.”

“Điều quan trọng không phải là nghĩ nhiều mà là yêu nhiều, và vì vậy, hãy làm điều khơi dậy tối đa tình yêu của bạn.

“Vì cầu nguyện không gì khác hơn việc ở trong tương quan tình bạn với Thiên Chúa.”

“Dưới ánh sáng của thiên đàng, thì sự đau khổ tồi tệ nhất trên trái đất cũng chỉ được xem là không nghiêm trọng hơn việc phải trải qua một đêm trong khách sạn thiếu tiện nghi.”

“Tình yêu biến công việc thành sự nghỉ ngơi.”

Tác giả: Theresa Civantos Barber
Chuyển ngữ: Ngọc Quí

KHÔNG NẢN CHÍ

Ngày 14-10-2010 là ngày vui đối với người dân Chilê.  Ba mươi ba người thợ mỏ bị sụp hầm sâu gần 700 m, được giải cứu.  Mười bẩy ngày đầu họ sống trong bóng tối, cạn kiệt lương thực.  Họ còn phải sống gần hai tháng nữa mới được cứu lên khỏi mặt đất.  “Tôi ở giữa Thiên Chúa và quỷ sứ.  Tôi bị giằng co giữa hai bên.  Tôi nắm chặt lấy bàn tay Chúa, và Chúa đã cứu tôi.”  Đó là câu nói của anh Mario Sepulveda, người thợ mỏ thứ hai được đưa lên khỏi “địa ngục.”  Khi còn ở dưới hầm, Jimmy Sanchez, anh thợ trẻ nhất nhóm đã viết lên: “Ở đây chúng tôi có 34 người, vì Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi chúng tôi.”

Dù người ta nhắc đến khoa học như chìa khóa cho thành công, nhưng chính việc cầu nguyện đã cho họ sức mạnh để đứng vững.

“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.”  Đó là điều Đức Giêsu nhắn nhủ chúng ta qua dụ ngôn bà góa quấy rầy.  Bà là người không còn chỗ dựa vững chãi của người chồng.  Bà lại còn là nạn nhân đáng thương của một sự bất công chèn ép.  Nhất quyết không để mình bị bóc lột, bà đã nhiều lần đến gặp quan tòa để xin ông minh xét cho (c. 3).  Tiếc thay ông này lại là một vị quan tòa bất chính (c. 6), nên vụ kiện bị ngâm trong một thời gian khá lâu.  Nhưng bà không hề nản chí, và cuối cùng bà đã thắng.  Ông quan tòa đã phải đem ra xử vụ kiện, chỉ vì bị bà quấy rầy liên tục.

Đức Giêsu đã táo bạo khi kể dụ ngôn trên.  Ngài dám so sánh Thiên Chúa với ông quan tòa bất chính.  Dĩ nhiên, Thiên Chúa thì tốt lành và chăm lo cho con người, ngược hẳn với ông quan tòa chẳng coi ai ra gì (c. 2).  Nhưng cả hai lại có một nét chung.  Nhiều khi chúng ta có kinh nghiệm về một Thiên Chúa như hững hờ, như không muốn đáp lại tiếng kêu của những người chịu bất công áp bức.  Có biết bao tiếng kêu như thế vang vọng từ khắp địa cầu.  Có biết bao người chịu bách hại mà không thể lên tiếng.  “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho” (c. 3).  Đó vẫn là lời kêu nài muôn thuở của những người thấp cổ bé miệng.  Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Thiên Chúa không lên tiếng bênh vực, không hành động gì để giải cứu, giải oan.

Đức Giêsu mong chúng ta đừng thất vọng trước sự bất công trên thế giới, đừng nản lòng khi lời cầu nguyện của chúng ta có vẻ rơi vào quên lãng.  Hãy tiếp tục cầu nguyện, vì Thiên Chúa tốt hơn ông quan tòa nhiều.  Nếu quan tòa cuối cùng còn xử kiện cho bà góa chỉ vì tránh bị quấy rầy, thì huống hồ là Thiên Chúa, Đấng sẽ làm rõ trắng đen vì lòng cảm thương.  Lẽ nào Người bắt những kẻ Người tuyển chọn, những kẻ ngày đêm kêu cứu với Người phải chờ đợi mãi? (c. 7).  Lòng tin của chúng ta vẫn bị thách đố ngày nào còn bất công trên thế giới.  Chỉ mong ta vẫn giữ được lòng tin như người thợ mỏ ở trong hầm tối.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Lạy Cha, con phó mặc con cho Cha, xin dùng con tùy sở thích Cha.  Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.  Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.  Miễn là ý Cha thực hiện nơi con và nơi mọi loài Cha tạo dựng, thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.  Con trao linh hồn con về tay Cha.  Con dâng linh hồn con cho Cha, lạy Chúa Trời của con, với tất cả tình yêu của lòng con, Vì con yêu mến Cha, vì lòng yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha, thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha, không so đo, với một lòng tin cậy vô biên, vì Cha là Cha của con.

Chân phước Charles de Foucauld

7 ĐIỀU THÚ VỊ VỀ ĐỨC MẸ FATIMA NHƯNG ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN

Năm 2017 đánh dấu 100 năm kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ chăn cừu làng Fatima (Bồ Đào Nha) là Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto.

Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần từ ngày 13/5 tới ngày 13/10/1917.

Hẳn chúng ta đã biết về Phép lạ Mặt trời trong lần Đức Mẹ hiện ra ngày 13/10 với sự chứng kiến của ít nhất 70.000 người.  Chúng ta cũng biết Đức Maria đã nhận mình là Đức Mẹ Mân Côi, và kêu gọi mọi người cầu nguyện với kinh Mân Côi cho hòa bình thế giới.

Tuy nhiên có những điều thú vị về Đức Mẹ Fatima nhưng ít được biết đến hoặc bị lãng quên, giống như 7 sự kiện dưới đây (Bản gốc tiếng Anh có 10 sự kiện nhưng chúng tôi xin phép được chọn và dịch các sự kiện dưới đây).

Điều 1Trong lần hiện ra thứ hai vào ngày 13/6/1917, Đức Mẹ đã ra một chỉ thị cho riêng Lucia: “Ta muốn con đến đây vào ngày 13 của tháng tới, để đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, và để học cách đọc. Sau đó, ta sẽ nói cho con những gì ta muốn.”

Đề nghị đó có vẻ bất thường bởi ở tầm 10 tuổi, các bé gái ở đây không được học đọc. Trong quyển sách, “Fatima cho ngày nay” (Fatima for Today), cha Andrew Apostoli giải thích. Sứ mệnh của Lucia là truyền bá thông điệp Fatima cho toàn thế giới, việc “Lucia phải học cách đọc và viết là quan trọng nhất.”

Các tác phẩm của sơ Lucia gồm Calls from the Message of Fatima (Tiếng gọi từ Fatima), Fatima in Lucia’s Own Words I, Fatima in Lucia’s Own Words II (Fatima theo lời của Lucia – phần II).

Điều 2. Hai em họ của Lucia – Francisco Marto 8 tuổi và Jacinta Marto 7 tuổi – thì không cần học đọc. Bởi bà đã xin Đức Mẹ cho hai người em này sớm hưởng thiên đàng.

Đức Mẹ nói với Lucia, “Ta sẽ sớm đưa Jacinta và Francisco đi, nhưng con phải ở lại một thời gian. Vì Chúa Giêsu muốn con làm cho ta được biết đến và yêu mến trên thế giới” với lòng sùng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Francisco qua đời năm 1919, ở tuổi 11. Em ra đi an bình dù rất đau đớn bởi mắc dịch cúm vào năm 1918.

Điều 3. Jacinta cũng mắc cùng bệnh cúm với Francisco. Dù chỉ 9 tuổi, cô bé sẵn sàng chịu rất nhiều đau khổ. Tại sao?

Lucia kể lại trong quyển “First Memoir”, Đức Trinh Nữ đã hiện ra. Jacinta nói: “Mẹ hỏi tôi rằng tôi có muốn nhiều tội nhân được hoán cải không. Tôi nói có. Mẹ nói rằng tôi sẽ được chuyển đến một bệnh viện, nơi tôi phải chịu nhiều đau khổ để cho các tội nhân được hoán cải, để đền bù cho tội phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, và đến tình yêu của Chúa Giêsu.”

Điều đó đã xảy ra ở tất cả các chi tiết Đức Mẹ của chúng tôi tiết lộ cho cô. Jacinta qua đời ngày 20/2/1920 tại bệnh viện ở Lisbon, chỉ vài tuần sau ngày sinh nhật thứ 10 của cô.

Điều 4. Xác của Jacinta không bị phân hủy. Thi thể của cô đã được rắc vôi khi chôn, vì luật pháp thời đó quy định bất cứ ai chết vì đại dịch cúm chủng Tây Ban Nha, đều phải làm như vậy.

Tuy nhiên, khi ngôi mộ của cô được khai quật ngày 13/9/1935, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy xác không bị phân hủy. Cô đã được cải táng để chôn bên cạnh người anh trai là Francisco ở nghĩa trang Fatima.

Điều 5. Trong lần hiện ra thứ ba ngày 13/7, Đức Mẹ đã cho các trẻ nhỏ xem thị kiến về hỏa ngục. Đức Mẹ nói: “Chiến tranh sẽ kết thúc; nhưng nếu con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ nổ ra dưới triều đại giáo hoàng của Đức Piô XI.”

Chúng ta biết Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc ngày 11/11/1918, một năm sau khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Cuộc chiến “tồi tệ hơn” mà Đức Mẹ ám chỉ đó là Chiến tranh thế giới lần II.

Đó là lời tiên tri, bởi năm Mẹ hiện ra là 1917, khi ấy Đức Benedict XV là giáo hoàng.

Đến 5 năm sau, ngày 6/2/1922, mới có Đức Giáo hoàng lấy danh xưng Piô XI. Ngài trị vì cho đến khi qua đời 10/2/1939. Chiến tranh thế giới lần hai cũng nổ ra vào năm 1939.

Đức Piô XI đã không sợ hãi và lên tiếng chống lại chủ nghĩa phát xít, phát xít Đức quốc xã trong thông điệp Mit Brennender Sorge .

Điều 6. Francisco và Jacinta nằm trong số những Chân Phước trẻ nhất, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Fatima và tuyên chân phước cho họ ngày 13/5/2000.

Điều 7. Đức Mẹ nói sẽ trở lại 7 lần trong lần đầu hiện ra ngày 13/5. Mẹ nói: “Ta muốn các con trở về đây vào ngày 13 mỗi tháng trong 6 tháng tới, vào cùng một giờ. Sau đó ta sẽ nói cho các con biết ta là ai. Và ta sẽ trở lại đây 7 lần.”

Có nhiều tranh cãi về lần trở lại thứ 7. “Một số người nghĩ đó có thể là có một phép lạ khác.”

Trong quyển tiểu sử A Pathway under the Gaze of Mary (2013) [Con đường nhỏ dưới ánh nhìn Mẹ Maria], do một nữ tu Cát Minh Coimbra từng sống với sơ Lucia nhiều năm, viết lại.

Đó là ngày 15/6/1921, khi Lucia chuẩn bị rời khỏi Fatima để đến một nơi mà giám mục muốn gửi bà đi. Biết rằng có thể mình sẽ không bao giờ được nhìn lại nơi này hay gặp gia đình, Lucia đã đến cây sồi nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1917, quỳ xuống và cầu nguyện trong nỗi đau đớn khủng khiếp.

Quyển tiểu sử viết “Một lần nữa Mẹ lại đến Trái đất; và con lại cảm nhận được bàn tay giúp đỡ cùng tình mẫu tử của mẹ trên vai. Con ngước lên và thấy Mẹ, chính là Mẹ Diễm phúc đang nắm tay và chỉ con thấy con đường. Đôi môi Mẹ nói những lời dịu ngọt, ánh sáng và an bình phục hồi trong tâm hồn con. ‘Ta đã ở đây với con lần thứ bảy. Đi đi, hãy đi theo con đường mà vị Giám Mục muốn con đi, đây là ý muốn của Thiên Chúa.’”

Đức Thiện lược dịch từ National Catholic Register