THIÊN CHÚA CHỜ MONG

Chuyện kể rằng, có cậu bé hư hỏng, bỏ nhà đi hoang, nay muốn hối lỗi trở về, nhưng lại sợ bố mẹ không chấp nhận.  Trước khi về, cậu viết thư cho cha mẹ, với lời xin nếu cha mẹ sẵn sàng đón nhận, thì hãy treo trên cành cây trước cửa nhà một đồ chơi là chiếc xe tăng mà cậu bé rất thích.  Cậu sẽ trở về nếu nhận được tín hiệu vui.  Nhận được thư này, cha mẹ cậu bé treo trên cành cây, không chỉ là chiếc xe tăng, mà còn cả quần áo, đồ dùng và đồ chơi của cậu bé.  Khi lén đi ngang qua nhà và nhìn thấy, cậu bé cảm động và bước vào nhà, lao vào vòng tay âu yếm bao dung của cha mẹ.

Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trong Tin Mừng thánh Luca thường được đọc trong Mùa Chay, với lời mời gọi hãy trở về với Chúa, vì Ngài giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương.  Quả vậy, nếu chúng ta có thể tự tin trỗi dậy từ tình trạng tội lỗi để trở về với Chúa, là vì chúng ta tin vào lòng bao dung của Ngài, bởi “Người nổi giận, giận trong giây látnhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 29, 6).

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.  Ngài luôn chờ đợi chúng ta.  Người cha trong dụ ngôn, kể từ khi người con thứ bỏ nhà ra đi, luôn chờ mong con trở về.  Trong khi người con đi hoang, với ảo tưởng có thể vươn cao vươn xa trong cuộc đời, thì người cha lại vẫn trông chờ và hy vọng nó sẽ trở về.  Bằng chứng là ông vẫn vỗ béo con bê, để khi người con thứ trở về, thì đã có sẵn thực phẩm để đãi bạn bè láng giềng.  Tình Cha thật cao siêu vời vợi.  Sự chờ mong này cũng thể hiện ở chi tiết, khi người con thứ còn ở đàng xa, người cha đã nhận ra và chạy ra đón cậu.  Tình thương vô bờ được thể hiện ở chỗ, ông không để cho cậu nói hết câu cậu định nói, mà gọi gia nhân mang đồ ra cho cậu mặc, nhẫn cho cậu đeo và giày cho cậu đi.  Người cha muốn thay đổi thân phận của người con trở về, từ một người chăn heo thành một người con được yêu thương chiều chuộng.

Lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả trong suốt bề dày của lịch sử.  Tác giả sách Xuất Hành kể với chúng ta: khi Thiên Chúa giận dữ vì tội lỗi của dân Do Thái trong sa mạc, Ngài quyết định sẽ tru diệt họ, vì họ đã phản bội Ngài và tôn thờ con bê vàng.  Ông Môisen đã năn nỉ với Chúa.  Lời xin của ông đã làm Chúa nguôi cơn giận, và Ngài không trừng phạt dân.  Nếu đọc sách Xuất Hành, chúng ta còn thấy nhiều trường hợp như vậy.  Mỗi lần dân phản loạn, Thiên Chúa muốn trừng phạt, nhưng rồi Ngài lại thứ tha.  Chúa nghiêm khắc đối với dân Do Thái, giống như một người cha trong gia đình.  Sự nghiêm khắc ấy xuất phát từ tình thương và thiện ý muốn cho con nên người.

Lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể.  Phụng vụ Chúa nhật này nối kết ba dụ ngôn: người chăn chiên bỏ 99 con chiên ngoài đồng hoang để tìm cho kỳ được một con chiên lạc; người phụ nữ vất vả kỳ công để tìm cho được một đồng bạc đã mất.  Cả hai dụ ngôn này cũng diễn tả sự chờ mong của Thiên Chúa.  Ngài vừa chờ đợi tội nhân trở về, vừa đi tìm kiếm những gì đã mất.  Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người để đi tìm kiếm những tội nhân.  Trong câu chuyện ông Giakêu, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).  Dụ ngôn người chăn chiên và người phụ nữ, là những minh chứng cho điều Chúa đã khẳng định, đồng thời nêu lên sứ mạng của Người.  “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi” (Bài đọc II).

Nếu Thiên Chúa thương xót con người, thì con người lại không thương yêu đồng loại.  Người con cả trong dụ ngôn là đại diện cho những người cố chấp, ghen tương và thù hận.  Anh đã từ chối mối tương quan huyết nhục khi tuyên bố với cha mình: “Thằng con của cha kia…” (câu 30).  Hình ảnh người con cả cũng phổ biến trong xã hội của chúng ta hôm nay.  Ghen tương thù hận đã dẫn tới tranh giành và xung đột huynh đệ tương tàn.  Hậu quả là bạo lực, chém giết rồi tù tội.  Thái độ người anh cả cũng là thái độ của những người hay kỳ thị coi thường những người đã một thời lầm lỗi, làm cho họ khó hoàn lương hội nhập cuộc sống bình thường.

Mỗi khi khởi đầu Thánh lễ, chúng ta thưa với Chúa ba lần: Xin thương xót chúng con!”  Lời van xin này thể hiện tâm tình sám hối của chúng ta trước nhan Chúa.  Thánh Phaolô nhận mình là kẻ tội lỗi đầu tiên được Chúa cứu.  Kinh nghiệm của ông trên đường đi Đa-mát vẫn sống động và ghi dấu ấn suốt cuộc đời ông.  Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu giúp ông cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa.  Ngài chờ đợi ông trên đường đi Đa-mát, để cải hoá và làm cho ông trở thành Tông đồ.  Điểm đến hành trình của ông vẫn là thành Đa-mát, nhưng mục đích đã thay đổi.  Ông đã là con người mới.

Ước chi kinh nghiệm của thánh Phaolô cũng là kinh nghiệm của mỗi chúng ta.  Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta.  Ngài luôn phát đi tín hiệu gọi mời chúng ta trở về.  Bạn và tôi, chúng ta có ý thức được điều đó không?

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

KHUÔN MẪU CỦA GIÁO HỘI

“Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện”; “Ngài đi xuống cùng với các ông.”

John Bunyan nói, “Ai không lên ‘núi thánh’ của Thiên Chúa vào buổi sáng, sẽ hiếm khi tìm thấy Ngài dưới ‘đồng bằng’ suốt thời gian còn lại!”

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng thú vị của John Bunyan được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay; ở đó, chúng ta khám phá ra hình ảnh của người Kitô hữu, của Giáo Hội, một Giáo Hội lên ‘núi thánh’ và xuống ‘đồng bằng’; một Giáo Hội cầu nguyện và hoạt động như Chúa Giêsu, ‘khuôn mẫu của Giáo Hội!’

Trước hết, Luca nói, “Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Ngài cầu nguyện cùng Thiên Chúa.”  Hơn các thánh sử khác, Luca miêu tả Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện!  Cũng thế, Giáo Hội của Chúa Kitô là một Giáo Hội cầu nguyện, liên lỉ cầu nguyện.  Mỗi ngày Giáo Hội không ngừng lên những ‘núi thánh’ là các bàn thờ của mình để cùng Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện.  Giáo Hội cầu nguyện với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu; và tuyệt vời nhất, Giáo Hội được Chúa Giêsu cầu nguyện cho trước nhan thánh Cha Trên Trời!

Luca ghi nhận, “Sáng ngày, Ngài gọi các môn đệ, chọn mười hai vị mà Ngài gọi là tông đồ.”  Suốt hai ngàn năm, Giáo Hội đang tiếp tục công việc của Chúa Giêsu.  Chính nhờ Ngài, với Ngài, và trong Ngài; nhất là với Thánh Thần của Ngài, Giáo Hội tiếp tục ‘xuống núi’, chọn gọi, và sai con cái của mình ra đi.  Đúng thế, từ khắp năm châu, các thừa tác viên có chức thánh hoặc không có chức thánh, bao tâm hồn tận hiến không ngừng được chọn, gọi, và được sai đi.

Luca mô tả, “Ngài đi xuống…, có nhóm môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp các xứ… đến nghe Ngài giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật.”  Quyền giáo huấn là đặc quyền các Tông Đồ, tức các Giám Mục nhận từ Chúa Giêsu; và như thế, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là rao giảng Chúa Kitô, rao giảng Nước Thiên Chúa và mở rộng Vương Quốc Ngài.  Bên cạnh đó, như Chúa Giêsu, ‘khuôn mẫu của Giáo Hội’, Giáo Hội không ngừng tiếp tục chữa lành hồn xác cho con cái mình và tất cả những ai đến với mình.  Quả vậy, cùng Chúa Kitô và ân sủng Thánh Thần, qua các Bí Tích, Giáo Hội đang tiếp tục tìm kiếm, chữa lành, băng bó những con chiên lạc, những ai yếu nhược hẩm hiu khắp cùng thế giới.

Như vậy, ‘núi thánh’ và ‘đồng bằng’ hình thành khuôn mẫu cuộc sống của Chúa Giêsu; cũng là ‘khuôn mẫu của Giáo Hội’, của các cộng đoàn.  Thật xót xa, cộng đoàn Côrintô trong bài đọc hôm nay xem ra thiếu ‘lên núi’, họ kiện tụng nhau ngoài toà đời, khiến Phaolô phải lên tiếng.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện;” “Ngài đi xuống cùng với các ông.”  Đó không chỉ là khuôn mẫu của Chúa Giêsu, của Giáo Hội, nhưng còn là khuôn mẫu của mỗi người chúng ta; vì lẽ, Giáo Hội là bạn và tôi!  Giáo Hội không ở đâu xa tận Rôma, nhưng “Giáo Hội là tôi!”  Nhịp sống của Chúa Giêsu, của Giáo Hội, nhất định là nhịp sống của bạn và tôi.  Buổi sáng, chúng ta lên núi gặp Chúa, ở lại với Ngài; để thời gian còn lại, chúng ta tìm gặp khuôn mặt trìu mến của Ngài nơi những người thân yêu trong gia đình, thân ái trong công sở, thân thiết trong học đường.  Nhờ việc lên ‘núi thánh’, chúng ta vui lòng đón nhận những biến cố mừng vui, và cả nước mắt, lao nhọc của bản thân, của tha nhân và của cả thế giới.  Mô hình của hai nhịp sống này là đặc điểm của từng ngày sống và cả cuộc sống của người Kitô hữu.  Chúng ta lên ‘núi thánh’ qua Bí Tích Thánh Thể mà chóp đỉnh là Thánh Lễ, hay các hình thức cầu nguyện công khai khác; hoặc cầu nguyện thầm lặng và cá nhân hơn; sau đó, chúng ta xuống ‘đồng bằng’, đến với tha nhân, mang theo một điều gì đó từ ‘núi thánh’ Chúa; một nhịp sống tốt lành như thế, hẳn sẽ chứng tỏ điều Thánh Vịnh đáp ca nói đến, “Chúa yêu thương dân Ngài!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, ‘khuôn mẫu của Giáo Hội’, của mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình và mỗi người chúng con.  Xin ban cho con một trái tim khát khao Chúa, cũng là trái tim khát khao Chúa cho anh chị em con!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NHÀ PHẪU THUẬT KHÔNG CẦN DAO (có youtube)

Em gái tôi bị bướu lớn ở chân.  Bác sĩ ở Việt Nam bảo phải mổ ngay.  Chiến tranh vừa kết thúc.  Gia đình tôi nghèo.  Không đủ ăn, làm sao có tiền để mổ.  Hơn nữa, nếu mổ có khi gặp những rủi ro, có khi tàn tật.  Vậy là xong một đời con gái.  Mẹ tôi lo lắng, đưa em đến khấn Đức Mẹ núi Giang Sơn, xa xôi mãi tận ở Ban Mê Thuột.  Giang là sông, Sơn là núi.  Không biết ai đã đặt một cái tên thật nên thơ cho miền đất này là Giang Sơn.  Nghe bà con giáo dân bảo Đức Mẹ ở núi này rất linh thiêng.

Đền Thánh Đức Mẹ đứng giữa núi và sông.  Đẹp và thơ mộng lắm!  Trong một dịp ghé thăm Giang Sơn, Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã muốn có một đài Đức Mẹ trên núi cao.  Sau khi hoàn tất năm 1963, giáo dân tấp nập đến viếng.  Sau thời chiến tranh, đồi núi trở nên âm u không một bóng người qua.  Mẹ đứng một mình trong tĩnh lặng giữa núi đồi.  Rồi một ngày, như có ai thôi thúc, giáo dân tìm lại lối xưa, và từng đoàn người lần lượt tuôn đến.  Mẹ và em tôi đến nơi đây, khấn xin cho em được lành chân.  Mấy tuần sau, bướu chân của em biến mất.  Em vui, mẹ cũng vui.  Cả gia đình đều vui.  Kể từ đó, Đức Mẹ đã đi vào gia đình tôi như một người Mẹ yêu thương và như một Nữ Vương uy quyền.  Biến cố ấy đã trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng và kinh nghiệm đức tin cho gia đình tôi.

Đường đi lên đền thánh Đức Mẹ Giang Sơn khá ngoằn ngoèo và có nhiều dốc quanh.  Cũng có thể ví như những khúc quanh của cuộc đời, chẳng bao giờ thẳng  lối.  Giữa cái ngoằn ngoèo ấy, đôi chân vẫn bước đi xen lẫn những giọt mồ hôi ướt đẫm.  Có lúc lòng hân hoan, có lúc trầm lặng.  Dường như khúc quanh nào cũng có những âm u của nó.

Rồi từ kinh nghiệm được chữa lành ở đền thánh Đức Mẹ Giang Sơn, khúc quanh cuộc đời của gia đình tôi và của người em gái bớt đi những âm u.  Mẹ hiện diện giữa chúng tôi như một người thầy thuốc và ban chút ánh sáng.  Mẹ cho chúng tôi niềm vui và ơn chữa lành.  Ơn chữa lành thể xác và ơn nâng đỡ tâm linh.

Kể từ đó tôi hiểu thêm rằng, Đức Maria thật sự hiện diện trong thế giới nhiều đau khổ này.  Mẹ không chỉ hiện diện qua lời kinh cầu, hay qua ảnh tượng, nhưng Mẹ hiện diện thật trong từng gia đình và trong mỗi một cuộc đời.  Kinh nghiệm ấy cho tôi lòng ước mong được hiểu nhiều hơn về vai trò của Mẹ trong mầu nhiệm nhập thể và trong tình liên đới với thế giới, với Giáo Hội, và với mỗi một con người.  Từ đó tôi bắt bắt đầu nhen nhúm một ước mơ.

Qua mấy thập niên cố gắng tìm kiếm và học hỏi, tôi ghi lại những gì mình đã khám phá, suy tư, và cảm nghiệm về sự hiện diện của Đức Mẹ, một người nữ duy nhất đã có tác động trên cả nền văn minh Tây Phương và của thế giới qua nhiều thế kỷ.  Đức Mẹ ảnh hưởng đến cả đời sống chính trị, xã hội, tôn giáo trên khắp năm châu.

Mẹ đụng chạm đến hàng triệu trái tim trong đó có muôn vàn vị Thánh.  Mẹ đụng chạm đến các triều đại Giáo Hoàng và của cả toàn thể Giáo Hội.  Điều kỳ diệu là chúng ta không biết nhiều về Đức Maria khi còn sống, vì Kinh Thánh không nói nhiều về người tâm linh này.  Thế nhưng chúng ta lại biết quá nhiều qua sự hiện diện và hoạt động của Đức Mẹ trong thế giới suốt hơn 2000 năm qua.  Sự hiện diện và hoạt động của Đức Mẹ còn phong phú hơn cả những gì Thánh Kinh đã viết về người Mẹ thầm lặng này.  Mời các bạn đi vào một cuộc khám phá kỳ diệu trong tuyển tập “Maria Nữ Vương Vượt Thời Gian” với hơn 40 đề tài hữu ích trong cuộc sống.

Nguyễn Thảo Nam
https://www.thaonambooks.com/