CON ĐƯỜNG NHỎ

Hầu hết trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe nói về Thánh Têrêxa Hài Đồng, nhà thần nghiệm người Pháp qua đời năm 1897 ở tuổi 24 và có lẽ đây là vị thánh nổi tiếng nhất trong hai thế kỷ qua.  Thánh Têrêxa nổi tiếng vì nhiều chuyện, nhất là về con đường tâm linh được gọi là “con đường nhỏ” của ngài.  “Con đường nhỏ” là gì?

Suy nghĩ chung thường nhìn Thánh Têrêxa và “con đường nhỏ” của ngài là lòng mộ đạo đơn sơ không phải là công lý so với chiều sâu con người hay tâm linh của ngài.  Thường thường “con đường nhỏ” được đơn giản hiểu là, vì danh Chúa Giêsu, chúng ta làm những việc bác ái nhỏ bé, ẩn giấu, khiêm nhường cho người khác mà không mong đợi được đáp trả lại.  Trong cách giải thích phổ biến này, chúng ta đã gọt rửa, tẩy sạch các vết nhơ và tươi cười với những người khó chịu để làm vui lòng Chúa.  Chắc chắn ở một vài khía cạnh, điều này là đúng; nhưng “con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa cần được hiểu sâu rộng hơn.

Đúng, “con đường nhỏ” khuyên chúng ta nên làm những việc nhỏ, dễ thương với nhau nhân danh Chúa Giêsu, nhưng con đường này có những chiều kích sâu đậm hơn.  “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa dẫn đến sự thánh thiện dựa trên ba chuyện: nhỏ bé, ẩn danh và có động lực riêng.

Nhỏ bé: Đối với Thánh Têrêxa, “nhỏ bé” trước hết không phải là nhỏ bé trong các hành động chúng ta làm, rửa chén, gọt khoai hay tươi cười với người khó chịu.  Nhỏ bé trước hết là nói đến tình trạng thấp hèn của chính mình, tình trạng khó nghèo tận cùng của mình trước mặt Chúa.  Đứng trước Thiên Chúa, chúng ta nhỏ bé.  Chấp nhận mình nhỏ bé, hành động trong tinh thần nhỏ bé là khiêm nhường.  Chúng ta đến với người khác, đến với Chúa trên “con đường nhỏ” khi chúng ta làm các việc bác ái nhỏ cho người khác, chứ không bằng sức mạnh và đức tính mà chúng ta cảm nhận lúc đó, nhưng đúng hơn là qua cảm nhận mình khó nghèo, mình bất lực, mình trống rỗng để ân sủng Chúa làm việc qua chúng ta, để những gì chúng ta đang làm sẽ lôi kéo người khác đến với Chúa chứ không phải đến với mình.

Hơn nữa sự thấp bé của chúng ta làm cho chúng ta nghĩ, đa số chúng ta, chúng ta không làm chuyện gì lớn để thay đổi lịch sử nhân loại.  Nhưng chúng ta có thể thay đổi thế giới qua các việc thấp bé của mình, chúng ta gieo đây đó hạt mầm ẩn giấu, như một loại kháng sinh tiềm ẩn cho sức khỏe tâm hồn, phân chia nguyên tử tình yêu trong chính con người mình.  Và như thế, “con đường nhỏ” là làm những chuyện khiêm tốn, ẩn giấu.

Ẩn danh: “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa là con đường ẩn giấu, để những gì Cha thấy trong ẩn giấu sẽ được đền đáp trong ẩn giấu.  Và những gì ẩn giấu không phải là việc làm bác ái của chúng ta, nhưng là chính chúng ta, những người đang làm việc này.  Trong “con đường nhỏ”, các hành động bác ái nhỏ của chúng ta đa phần không được chú ý, dường như không có một tác động nào thực sự trên lịch sử nhân loại và nó cũng không mang lại cho chúng ta một lòng biết ơn nào.  Nó vẫn ẩn giấu, không ai biết nhưng bên trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, những gì ẩn giấu, không vụ lợi, không ai biết, những gì bị xóa mờ, những gì không đáng kể, không quan trọng chính là chiếc xe quan trọng nhất của tất cả để ân sủng ở một mức độ sâu đậm nhất.  Giống như Chúa Giêsu, Chúa không cứu chúng ta bằng các phép lạ giật gân và các hành động đáng kể, nhưng Ngài cứu chúng ta qua sự vâng phục không điều kiện với Chúa Cha, và qua sự tử đạo thầm lặng, các việc làm của chúng ta cũng vẫn là những việc làm không ai biết, để cái chết và tinh thần chúng ta để lại mới làm cho chúng ta thực sự nên ơn ích.

Động lực riêng: Cuối cùng, “con đường nhỏ” dựa trên một động lực đặc biệt.  Chúng ta được mời gọi để hành động khởi đi từ sự thấp bé và ẩn danh của mình, làm các hành động yêu thương nhỏ, phục vụ người khác vì một lý do đặc biệt, theo nghĩa bóng, đó là lau gương mặt đang đau khổ của Chúa Kitô.  Bằng cách nào?

Thánh Têrêxa Lisiơ là người cực kỳ được ân phúc và có biệt tài.  Dù từ đầu đời, ngài đã trải qua nhiều đau khổ, nhưng như ngài công nhận và theo chứng từ của nhiều người, Thánh Têrêxa được yêu thương một cách thuần khiết, sâu đậm và tuyệt vời đến nỗi làm cho nhiều người phải ao ước.  Ngài cũng là em bé rất dễ thương, được bao quanh bởi yêu thương và an toàn của một đại gia đình mà mỗi nụ cười, mỗi giọt nước mắt đều được chú ý, đều được yêu mến (và thường được chụp hình).  Nhưng khi ngài lớn lên, ngài nhanh chóng nhận ra, những gì có thật trong đời sống của mình không phải ai cũng có.  Nụ cười và nước mắt của họ không ai chú ý và cũng không được ai yêu mến.  Như thế “con đường nhỏ” của ngài xây dựng trên một động lực đặc biệt.  Và đây là lời của Thánh Têrêxa:

“Một ngày chúa nhật nọ, khi nhìn hình Chúa Giêsu trên thập giá, hình ảnh máu chảy ra từ bàn tay cực thánh của Ngài đã làm cho tôi xúc động mãnh liệt.  Tôi cảm thấy đau đớn tột cùng khi nghĩ, giọt máu này rơi xuống đất mà không ai vội đến thấm.  Tôi quyết tâm giữ tinh thần mình luôn ở dưới chân thập giá và nhận sương rơi của Ngài…  Ôi, tôi không muốn giọt máu này bị mất.  Tôi sẽ dành cả đời để lau thấm nó vì lợi ích cho các linh hồn.  Sống cho tình yêu, đó là lau khô khuôn mặt của bạn.”

Sống “con đường nhỏ” là để ý và yêu mến các giọt nước mắt không ai chú ý rơi từ khuôn mặt của những người đau khổ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐỨC TIN KIÊN TRUNG

Hành trình Đức tin là một hành trình liên lỉ, suốt đời.  Tin vào Chúa là chọn Ngài làm lý tưởng tối thượng của cuộc đời.  Đức tin không giống như ghi danh vào một tổ chức xã hội, khi thích thì tuân thủ, khi không hài lòng thì bất mãn tiêu cực.  Gia nhập Giáo Hội không giống như xin việc ở một công ty, chỉ nhất thời tạm bợ và đòi hỏi quyền lợi.  Tin vào Chúa cũng là sự chọn lựa ưu tiên cho cả cuộc đời.  Chính vì vậy mà cần phải có lòng kiên trung, trong mọi biến cố hoàn cảnh.

Thánh Phaolô khuyên nhủ người môn sinh của ngài là Timôthê, hãy “khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa” Đặc sủng này, ông Timôthê đã đón nhận qua nghi thức đặt tay (tức là Bí tích Truyền chức thánh).  Đặc sủng, tức là ơn đặc biệt do Chúa ban.  Ơn này vẫn hiện hữu trong con người được lĩnh nhận các Bí tích, nhưng cần phải được khơi lại, vì nhiều khi đặc sủng này bị lớp bụi thời gian bao phủ.  “Khơi dậy đặc sủng”, tức là tái nhận ra quyền năng của Thiên Chúa hiện hữu nơi chúng ta, giúp chúng ta ý thức bổn phận của mình trong cộng đoàn Giáo Hội.  Thánh Phaolô lúc đó đang bị cầm tù.  Ông khuyên nhủ dặn dò người môn đệ của mình hãy vững tâm và hãy trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng, đồng thời sống mẫu mực, để những lời giảng dạy có sức thuyết phục đối với người nghe.  Vị Tông đồ minh chứng về lòng trung thành của mình đối với Chúa, ngay cả trong tù ngục xiềng xích.

Trong bài Tin Mừng, một ngày nọ, các môn đệ xin Chúa ban thêm Đức tin, nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu xem ra không ăn nhập với câu hỏi của các ông.  Theo giáo huấn của Chúa, điều quan trọng không hệ tại ở việc chúng ta có nhiều Đức tin hay ít, nhưng là ở ý thức về Đức tin nơi chúng ta.  Đối với người tín hữu, Đức tin luôn hiện hữu từ ngày được thanh tẩy.  Qua Bí tích Thanh tẩy, Chúa ban cho chúng ta Đức tin, như một món quà vô giá.  Món quà ấy, luôn hiện diện trong tâm hồn chúng ta và để lại dấu ấn không thể xoá nhoà.  Có những người để cho lớp thời gian che phủ, đến nỗi Đức tin bị bóp nghẹt.  Như thế, theo Chúa Giêsu, mỗi người tín hữu phải khơi lên ngọn lửa Đức tin nơi cuộc đời mình, để ngọn lửa ấy soi sáng mọi hành động, sưởi ấm con tim và tăng cường sức mạnh nơi họ.

Đức tin Chúa ban là món quà quý giá đem lại niềm vui, đồng thời cũng là nguồn sức mạnh để chúng ta vươn lên giữa dòng đời.  Xã hội thời Đức Giêsu là chế độ nô lệ.  Vì thế, trong giáo huấn của Người, chúng ta vẫn thấy những hình ảnh ông chủ và người nô lệ hoặc người đầy tớ.  Chúa đã dùng những hình ảnh và quan niệm thời bấy giờ, để diễn tả nội dung giáo huấn của Người.  Những người đầy tớ, đương nhiên phải làm bổn phận của người đầy tớ.  Người đầy tớ không có quyền đòi hỏi nơi ông chủ.  Ông Chủ tối cao chính là Thiên Chúa.  Ngài dựng nên con người và cho họ hiện hữu trên trái đất này.  Của cải vật chất mà mỗi người đang sở hữu, thực ra cũng chỉ là tài sản Chúa trao cho quản lý và sinh lợi.  Có những người quản lý trung tín, nhưng cũng có những người quản lý bất trung.  Trong Tin Mừng thánh Luca, nhiều lần Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án những người giàu có mà cậy tiền cậy của để khinh thường người khác, nhất là ích kỷ độc đoán và dửng dưng với người nghèo khổ.  Người quản lý trung tín vừa biết chăm lo để tài sản được sinh lợi, vừa biết phân phát để giúp đỡ người khác.  Con Thiên Chúa làm người đã trở nên đầy tớ (tức là người phục vụ) của mọi người.  Nhờ mầu nhiệm Nhập thể và Cứu cuộc, con người, vốn thấp hèn và tội lỗi, lại trở nên thánh thiện cao sang.

“Khi anh em đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng.  Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”  Lời dạy của Chúa có thể gây sốc đối với chúng ta!  Nhưng Chúa Giêsu muốn khẳng định, ở đời này, mỗi khi làm được việc gì, suy cho cùng, đó cũng làm những việc bổn phận mình mà thôi.  Người dạy ta khiêm tốn khi thành công, kiên trì khi thất bại, và nhất là đừng cậy mình ỷ thế, vênh vang tự đắc khi làm được những việc lớn lao.

Như trên đã nói, hành trình Đức tin là hành trình liên lỷ suốt đời.  Hành trình Đức tin cũng nhiều nỗi gian truân.  Ngôn sứ Kha-ba-khúc hoạt động dưới thời Giơ-hô-gia-kim.  Đây là giai đoạn đen tối của lịch sử Do Thái: luân lý suy đồi, tôn giáo pha tạp, vua quan lầm lạc và đi ngược lại với giáo huấn của Chúa.  Sách mang tên Kha-ba-cúc được viết khoảng từ năm 612 đến 597 trước Công nguyên.  Tác giả than vãn với Chúa, vì dân tộc suy đồi.  Ông phàn nàn vì cầu nguyện mãi mà Chúa không đáp lời.  Chính trong bối cảnh đó, Chúa đã trả lời ông.  Ngài hứa với ông, người công chính sẽ được Chúa bù đắp, kẻ gian ác sẽ phải diệt vong.  Ngài phán: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình.”  Lời hứa này đã tiếp sức cho vị ngôn sứ, để ông can đảm thực thi sứ vụ của mình, vì ông biết ông luôn có Chúa ở cùng.

Trong bối cảnh hiện tại, người tín hữu đôi khi bị cám dỗ chán nản, vì những người tin vào Chúa là một thiểu số quá ít.  Hơn nữa, những khuynh hướng và quan điểm tục hoá đang làm cho Đức tin phai nhạt.  Rồi bạo lực tràn lan trong xã hội.  Khi chứng kiến những bất công, hoặc khi phải đối diện với những khó khăn thử thách, nhiều khi chúng ta cũng thốt lên như ngôn sứ Kha-ba-cúc: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: “Bạo tàn!” mà Ngài không cứu vớt?”  Từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, Chúa vẫn đang ngỏ lời với chúng ta.  Ngài khuyên chúng ta hãy kiên trung trước mọi thử thách.  Những ai sống công chính sẽ không bao giờ bị bỏ rơi.  Lịch sử cứu độ và lịch sử cá nhân mỗi người đã chứng minh điều đó.

Khi gia nhập Giáo Hội qua Bí tích Thanh tẩy, mỗi chúng ta, dù còn nhỏ, đã tuyên xưng Đức tin và hứa từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những hành vi ám muội xấu xa để sống xứng đáng là con cái ánh sáng.  Nhiều người tín hữu không ý thức lời hứa ấy, thậm chí họ không biết là cha mẹ và người đỡ đầu đã thay họ để tuyên xưng những điều này.  Chính vì thiếu hiểu biết, nên đời sống Đức tin của họ mờ nhạt.  Lời thề hứa từ bỏ ma quỷ, từ bỏ tội lỗi vì thế mà không được tôn trọng giữ gìn.

Cũng có người quan niệm lệch lạc, cho rằng tuyên xưng Đức tin trong kinh Tin Kính là đủ.  Đức tin kiên trung thể hiện qua việc tuyên xưng Đức tin trong Phụng vụ và việc sống Đức tin trong cuộc đời.  Phụng vụ giúp ta tăng trưởng Đức tin.  Đời sống cụ thể là nơi chúng ta làm chứng cho Đức tin.  Đức tin tuyên xưng, phải đi đôi với Đức tin thực hành.  Tinh thần Đức tin phải thấm nhập cuộc sống gia đình cũng như mọi lĩnh vực của đời sống.  Một cách cụ thể, người tin Chúa phải tránh nói dối, tránh xúc phạm đến danh dự, tài sản và thân thể người khác.  Người tin Chúa phải luôn xác định rằng, mọi hành vi và tư tưởng của tôi, Chúa đều thấu hiểu.  Ngài biết rõ và Ngài sẽ xét xử tôi về những hành vi đó.  Nếu luôn tâm niệm như thế, người Kitô hữu sẽ cảm nhận được giá trị của cuộc sống và trân trọng từng phút giây cuộc đời.   Bởi lẽ mỗi phút giây ấy là cơ hội để chúng ta gặp Chúa và thực thi giáo huấn của Người.

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. Người phán: các ngươi chớ cứng lòng.”  Lời Thánh vịnh nhắc nhở chúng ta về giây phút hiện tại của cuộc sống trần gian.  Hãy nghe tiếng Chúa.  Không bao giờ là muộn, vì Chúa bao dung và rộng lượng thứ tha.  Hãy xác tín nơi Ngài, dù tội lỗi đến đâu chăng nữa.  Tin vào Ngài sẽ không bao giờ thất vọng, vì Chúa là Đấng tín trung.

TGM Vũ Văn Thiên

TỔNG LÃNH THIÊN THẦN CỦA THIÊN CHÚA

Trong bức tranh vẽ trên trần nhà, tường vách thánh đường kính các Thiên Thần ở Palermo có hình cùng tên và chức vị của bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần:

  1. Michael – Victoriosus – Người chiến thắng
  2. Gabriel – Nuntius – Sứ giả
  3. Raphael – Medicus – Thầy thuốc
  4. Uriel – Fortis Socius – Người đồng hành mạnh mẽ
  5. Jehudiel – Remunerator – Người làm ơn
  6. Barachiel – Adjutor – Người trợ giúp
  7. Sealthiel – Oarator – Người bầu cử

Tổng lãnh Thiên Thần Michael

Đứng đầu bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa.  Tiên Tri Daniel đã diễn tả Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng về phía Thiên Chúa: “Thời đó, Michael là đấng vẫn thường che chở dân người.” ( Daniel 12,1).

Tổng lãnh Thiên Thần Michael được xưng tụng với danh xưng bằng tiếng Latinh: Quis ut Deus? – Ai bằng Thiên Chúa?

Theo tương truyền:

Thiên Thần Michael được liệt vào hàng Thiên Thần quân đội chiến đấu đã đánh thắng Thiên Thần quỉ dữ Lucifer.

Thiên Thần Michael đã vâng lệnh Thiên Chúa cầm gươm đuổi Ông Bà nguyên tổ Adong-Evà ra khỏi vườn địa đàng, sau khi Ông bà phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa.

Thiên Thần Michael cũng là vị Thiên Thần thổi kèn Posaune đánh thức gọi những người đã qua đời sống lại ra khỏi mồ.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael là vị Thiên Thần có sức mạnh khả năng đi đến quyết định dứt khoát mang lại chiến thắng cho Thiên Chúa, khi giết chết con rồng mãng xà ma quỷ, như sách Kinh Thánh thuật lại: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà.  Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến.  Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa.  Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.” Khải Huyền 12, 7-9).

Tổng lãnh Thiên Thần Michael, theo vâng mệnh Thiên Chúa, đã quyết định lằn ranh giữa Trời và hỏa ngục.  Vì thế , Vị Tổng lãnh Thiên Thần Michael được chọn là quan thầy bầu cử cho những người trong giờ phút cơn hấp hối.

Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel

Tên Gabri-El có ý nghĩa “sức mạnh của Thiên Chúa.”  Là Vị sứ giả của Thiên Chúa được sai đến báo tin cho thiếu nữ Maria ở làng Nazaret, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa sẽ đầu thai làm người trong cung lòng Maria: “Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng sẽ phủ rợp bóng trên chị…” ( Lc 1,26/38).

Khi hiện ra với Ngôn sứ Dacharia trong đền thờ, vị Tổng lãnh Thiên Thần đã nói: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.” ( Lc 1,19).

Hằng ngày trong đời sống đức tin của Hội Thánh, vào lúc 12.00 giờ trưa chuông thánh đường đổ hồi, kinh tuyền tin được xướng đọc lên.  Như vào mỗi ngày Chúa Nhật lúc 12.00 giờ trưa, Đức Thánh Cha từ trên cửa sổ văn phòng làm việc cùng đọc kinh truyền tin với mọi người Giáo dân đứng tụ tập ở quảng trường Thánh Pherô bên Vatican.

Tiếng chuông lúc 12.00 trưa và Kinh Truyền tin nhắc nhớ đến Tổng lãnh Thiên Thần Gabri-El, là Sứ Giả của Thiên Chúa mang loan báo tin vui Chúa Giêsu Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người.

Tổng lãnh Thiên Thần Rafael

Tên Rafa-El mang ý nghĩa “Thiên Chúa chữa lành.”  Trong Kinh Thánh sách Tobia thuật lại Thiên Thần Rafael vâng mệnh Thiên Chúa chữa lành bệnh mắt cho Tobia:

“Ngay lúc ấy, lời cầu xin của hai người là Tô-bít và Xa-ra đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa.  Và thiên sứ Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai.  Ông Tô-bít thì được khỏi các vết sẹo trắng ở mắt, để ông được ngắm nhìn tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa.” (Tobia 3, 16)

Thiên Thần Rafael luôn hằng đồng hành che chở Tobia trên đường đi.  (Tobia 6, 10)

Tổng lãnh Thiên Thần Rafael trở thành bổn mạng phù hộ cho con người đi xa du lịch

Ông Bà Cha Mẹ nào ngay từ lúc con cháu còn nhỏ thơ bé cũng đều to nhỏ âm thầm cầu xin với các Thiên Thần phù hộ cho đời sống thể xác lẫn tinh thần của chúng.  Bằng an hồn xác là nhu cầu căn bản rất cần thiết cho đời sống.

Sống lòng bác ái giúp đỡ nhau, kính trọng sự sống, điều chân thật lẽ phải luôn là nhu cầu làm nên khung nền kiến tạo đường đời sống tình liên đới con người với nhau trong xã hội.

Sống thể hiện một đời sống trong tương quan tình liên đới với Đấng là nguồn đời sống, nguồn tình yêu và ơn tha thứ, luôn là nhu cầu khát vọng của tinh thần con người ở đời.

Nhu cầu tinh thần này không chỉ là nhu cầu thiêng liêng đạo giáo, nhưng đó là nhu cầu đời sống văn hóa của con người ở vào mọi thời đại.  Nhu cầu tinh thần văn hóa này cùng với những nhu cầu khác cho sự sống thể xác giúp đời sống có đầy đủ ý nghĩa, triển nở cùng mang đến niềm vui hạnh phúc.

Các Thiên Thần của Thiên Chúa là Sứ giả được Thiên Chúa gửi sai đến cùng đồng hành trợ giúp con người trong mọi hoàn cảnh đời sống thể hiện tình lòng thương xót bác ái vị tha.

Với người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa là Đấng của sự chân thật, sự tốt lành thiện hảo, là Thiên Chúa của lòng khoan dung tha thứ qua Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô.

Lòng tin vào Thiên Thần vượt quá khỏi sự suy hiểu cùng thắc mắc của trí khôn con người, thắc mắc thuộc về đời sống con người, và thắc mắc giúp con người tỉnh thức thêm ra.

Lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa, 29.09.

Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

ĐỪNG CHỈ LÀ NGƯỜI TỬ TẾ!

“Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm!”

Charles Hodge nói, “Một thế giới của những người tử tế, vốn hài lòng với sự tốt đẹp của chính họ, không nhìn xa hơn, quay lưng lại với Chúa… sẽ rất cần sự cứu rỗi như một thế giới khốn khổ – và thậm chí có thể khó cứu hơn!”

Kính thưa Anh Chị em,

Ai cũng mong làm người tử tế!  Nhưng thật bất ngờ, cùng với Charles Hodge, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay yêu cầu chúng ta nhiều hơn, ‘đừng chỉ là người tử tế!’  Vì nếu chỉ là người tử tế, với Chúa Giêsu, xem ra vẫn không đủ!  Ngài sẽ tiết lộ sự thật này qua dụ ngôn người phú hộ giàu có và Lazarô nghèo khó, mà giữa họ là ‘một vực thẳm!’

Người phú hộ trong Tin Mừng được Amos, bài đọc thứ nhất, phác thảo là những con người chỉ biết có mình, họ sống an nhàn mà quên đi những người khốn khổ bên cạnh.  Thiên Chúa của Cựu Ước và của Tân Ước cũng chỉ là một, “Ngài là Vua các vua, Chúa các chúa” như Phaolô nhắn nhủ qua thư Timôthê, bài đọc hai; rồi đây, Ngài sẽ đứng ra hạch tội những kẻ vị kỷ.  Cũng chính Ngài sẽ nâng cao và phục hồi phẩm giá cho kẻ cô thế cô thân.  Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”, “Đấng trả lại quyền lợi cho người bị áp bức.”

Trở lại bài Tin Mừng, ai cũng biết người phú hộ trong dụ ngôn là người “tử tế”; ít là ông không ác tâm, không hại ai.  Kết thúc cuộc đời, ông cam phận cách hiền lành; ông không yêu cầu được rời khỏi địa ngục, nhưng chỉ xin một giọt nước để làm dịu cơn khát đang cháy bỏng.  Và khi không được đáp ứng ‘nhiều’ đến thế, ông xin một người đưa tin về gia đình, với hy vọng những người anh em của mình không chịu chung một số phận.  Ông, ít nhất, đã nghĩ đến phúc lợi của người khác.  Tuy nhiên, tất cả những điều tử tế đó vẫn không cứu được ông khỏi hình phạt đời đời.  Tôi có bao giờ suy nghĩ rằng, chỉ cần trở thành một người “tử tế”, tôi sẽ đạt thấu thiên đàng?  Có thể tôi đang sử dụng tiêu chí riêng của mình để đánh giá sự xứng đáng của bản thân, thay vì sử dụng những tiêu chuẩn của Chúa?

Người phú hộ dường như không bao giờ bận tâm đến sự có mặt của Lazarô.  Ông không đuổi, cũng không nhờ người khác đuổi; thay vào đó, ông ‘không thấy’ Lazarô.  Và đó là sai lầm của ông; tội của ông là tội thiếu sót.  Ông mất linh hồn không vì những gì ông đã làm, mà vì những gì ông đã không làm!  Tuy nhiên, dù đang bị lên án, ông lại tỏ ra quan tâm đến năm anh em còn ở nhà.  Có lẽ, họ đang sống một cuộc sống “tử tế” như ông trước đó; và rồi đây, chắc cũng có chung số phận với người anh em ruột thịt đi trước của mình.  Mối quan tâm của người phú hộ là đúng đắn, nhưng thời gian của ông đã quá muộn.  Giá mà ông thể hiện sự quan tâm đến linh hồn những người cật ruột khi ông còn sống, thì có thể ông đã tạo ra một sự khác biệt.

Anh Chị em,

“Giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm!”  Bỏ qua một người nghèo là tạo thêm một vực thẳm, phớt lờ người nghèo là coi khinh Chúa!  Nhiều người thường giả vờ như không nhìn thấy người nghèo!  Với họ, người nghèo không tồn tại.  Vậy mà, không một sứ giả nào, không một sứ điệp nào có thể thay thế những người nghèo mà chúng ta gặp trên hành trình cuộc đời; bởi chính trong họ, Chúa Giêsu đến gặp chúng ta!  Người phú hộ xem ra không có lỗi gì, ông chỉ quá bận tâm về mình; và hầu như cuộc đời ông chỉ biết tìm thoả mãn bản thân mà quên mất giới răn trọng nhất, “kính mến Chúa, yêu thương người!”  Bạn và tôi đừng quên, Lazarô có thể là người ở bên ngoài cánh cổng; nhưng Lazarô cũng có thể chính là người nhà trong gia đình chúng ta.  Hãy sống làm sao để đừng hối tiếc vì đã không làm nhiều hơn cho họ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa muốn con ‘đừng chỉ là người tử tế!’; đừng để con tạo thêm cho mình một vực thẳm giữa Chúa và con ngay hôm nay, điều sẽ khiến con bẽ bàng và vỡ vụn mai ngày!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

HAI CUỘC ĐỜI – HAI SỐ PHẬN

Cũng như Chúa nhật trước, Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về chủ đề tiền bạc.  Tiền bạc rất cần thiết cho con người.  Tiền bạc cũng là lý do xung đột và gây nhiều thảm họa.  Hai cuộc đời, hai số phận được Chúa Giêsu dùng trong câu chuyện dụ ngôn để gửi gắm một giáo huấn quan trọng.  Người khuyên các thính giả, hãy mở lòng quảng đại và hãy nghĩ đến đời sau khi còn đang sống.  Người cũng lên án những ai coi của cải thế gian là lý tưởng và cùng đích của cuộc đời.  Những người này sẽ phải ân hận.  Hai nhân vật chính trong dụ ngôn hoàn toàn khác nhau khi họ sống trên đời cũng như khi họ đã chết.

Hai cuộc đời: ông nhà giàu và Lagiarô là hai thái cực của cuộc sống vật chất.  Một người giàu sang, một người nghèo khó.  Sự giàu sang cũng như sự giàu có đều được diễn tả ở mức cao nhất.  Người giàu lắm bạn bè thăm hỏi; Lagiarô chỉ có con chó làm bạn.  Người giàu quần là áo lượt; Lagiarô chỉ có lở loét toàn thân.

Hai số phận: có điểm giống nhau giữa hai nhân vật, đó là cả hai người đều chết.  Dụ ngôn không nói rõ, nhưng chắc chắn Lagiarô chết trong âm thầm; còn ông nhà giàu chắc phải có đám tang rất linh đình, như chúng ta thường thấy trong xã hội mọi thời.  Cả hai đều chết, nhưng hậu phận lại khác nhau.  Người xưa kia giàu, nay trở thành khốn khó; Lagiarô xưa kia nghèo, nay hạnh phúc thảnh thơi.  Cả sự khốn khó và hạnh phúc của hai nhân vật này cũng được diễn tả ở mức cao nhất.  Trước đây Lagiarô mong ước đồ ăn thừa, mà chẳng có ai cho; bây giờ ông nhà giàu chỉ mong được chấm một giọt nước vào lưỡi cho giảm nhiệt do bị thiêu đốt, cũng không được.

Người phân xử ở đây không phải là Thiên Chúa, mà là ông Abraham.  Ông là Tổ phụ của dân Do Thái.  Lề luật mà ông Abraham nại đến, đó là ông Môisen.  Ông được tôn kính trong truyền thống dân tộc và là nhân vật biểu tượng cho lề luật.  Như thế, sống ở đời là tự chọn cho mình sự phán xét.  Hạnh phúc hay khốn khó, nhiều khi tự mình chọn cho mình.  Trả lời cho đề nghị xin cử Lagiarô về để cảnh báo người thân, Tổ phụ trả lời: Ai có số phận người ấy.  Đã có giáo huấn của ông Môisen và các ngôn sứ.

Trong tin mừng thánh Luca, dụ ngôn này được xếp liền với một chuỗi giáo huấn của Chúa Giêsu về cách sử dụng của cải. Qua hình ảnh hai nhân vật trong dụ ngôn, Chúa muốn răn dạy mọi người, hãy khôn ngoan và thận trọng khi sử dụng của cải.  Ông nhà giàu đáng trách không phải vì ông ta lắm của.  Giàu có không phải là một tội, cũng như nghèo nàn không phải là điều xấu.  Tội của ông nhà giàu là sự dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ của người nghèo nằm ngay trước cổng nhà mình.  Khoảng cách từ bàn ăn đến cánh cổng chẳng bao xa, mà ông chẳng bao giờ vượt qua, vì ông thực sự không muốn.  Theo giáo huấn của Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng cảm thương và bênh vực những người nghèo khó và bé mọn.  Nếu người đời hắt hủi họ, thì Thiên Chúa lại ôm họ vào lòng.  Ông Abraham chính là hình ảnh của Thiên Chúa.  Ngài luôn giàu lòng xót thương những người đau khổ, và bảo vệ những người bị ức hiếp.

Lời phê phán của Tổ phụ Abraham đối với ông nhà giàu cũng là lời ngôn sứ Amos (khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên) lên án những người giàu mà bóc lột người nghèo (Bài đọc I).  Nếu sống ở thời đại chúng ta, ngôn sứ Amos sẽ lên án những quan tham gian lận của công, những con sâu mọt làm nghèo đất nước.  Một vị lãnh đạo của Việt Nam đã nói: “họ (bọn tham quan) ăn không từ thứ gì.”  Lưới trời lồng lộng, những kẻ tham nhũng có thể qua mắt người đời, nhưng không thể qua được mắt Thiên Chúa.  Ngôn sứ Amos đã tiên báo: giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa.”  Không những phải chấm dứt tiệc tùng xa hoa, mà tên tuổi của họ còn bị người đời lên án phỉ nhổ.  Lời của ngôn sứ Amos làm chúng ta liên tưởng đến những vụ đại án hiện nay tại Việt Nam, khi một số quan chức có địa vị cao trong xã hội lần lượt ra tòa.

Mối quan tâm hàng đầu của người tín hữu là gì?  Thánh Phaolô trả lời: hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành.  Đây chính là sự giàu sang thiêng liêng, không bị mối mọt với thời gian, nhưng bền vững và xứng đáng được Thiên Chúa ban thưởng.  Thánh Tông đồ khuyên Timôthê: hãy chiêm ngắm và noi gương Đức Giêsu.  Người vốn là Thiên Chúa cao sang, là Vua các Vua, Chúa các chúa, mà đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu sang.

Sống ở đời, ai cũng cần phải có tiền bạc.  Tuy vậy, không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho chúng ta hạnh phúc.  “Nhiều tiền mà làm gì?” trong khi gia đình tan vỡ, vợ chồng xung đột.  Trong cuộc sống của chúng ta, có cả ngàn câu chuyện buồn mà tiền bạc là nguyên nhân.  Xin Chúa cho chúng ta có một cuộc sống vật chất ổn định vừa đủ, đồng thời biết sử dụng của cải để sinh lợi thiêng liêng cho mình và những người xung quanh.

TGM Vũ Văn Thiên

KHÔNG THỂ GIÁP MẶT

Họ không thể giáp mặt Ngài, vì dân chúng quá đông.”

 Một nhà tu đức nói, “Ngài là Vua các vua, chói lọi vinh quang, Chúa vũ trụ vô tận, huyền ảo; toàn tri, toàn năng, toàn trị; thánh khiết không thể tả, không thể chạm tới, không thể giáp mặt, không thể đổi thay…  Ấy thế, Ngài được bao bọc trong thân xác một con người thấp hèn, sinh ra như một con cái Giuđa bị khinh dể, trong một hang lừa bẩn thỉu, từ lòng một phụ nữ giản dị và không phô trương. Đấng ‘không thể giáp mặt’ nên rốt hèn, để mọi người ‘có thể giáp mặt!’”

Kính thưa Anh Chị em,

“Đấng ‘không thể giáp mặt’ nên rốt hèn, để mọi người ‘có thể giáp mặt!’” Ngày xưa cũng như ngày nay, không ít người trong nhân loại khát khao giáp mặt Chúa Giêsu, một con người rất dễ gặp trên mọi nẻo đường cuộc sống của mỗi người; thế nhưng, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều xem ra ngược lại.  Nhiều lúc, gặp Chúa Giêsu không phải luôn luôn dễ!  Luca cho biết, “Mẹ và anh em Ngài đến tìm Ngài, nhưng họ ‘không thể giáp mặt Ngài, vì dân chúng quá đông.”

Mỗi người có lý do riêng của mình để tìm đến Chúa Giêsu!  Một số người cần được chữa lành, như Bartimêanh mù thành Giêricô, la hét cho đến khi được Ngài xót thương; một số vì tò mò, như Giakêu, người đã leo lên cây để xem cho được Ngài; một số muốn nghe Ngài, như đám đông chen lấn bên hồ Gênêzareth; một số muốn chăm sóc Ngài, như Mẹ Maria, chị em Matta Maria.  Bạn và tôi, chúng ta có muốn gặp Chúa Giêsu không; tại sao tôi muốn gặp Ngài; điều gì đang ngăn cản khiến tôi ‘không thể giáp mặt Ngài?

Rõ ràng, nhiều lúc, thật không dễ dàng để chinh phục Chúa Giêsu; thậm chí cũng không dễ gặp Ngài.  Mặc dù chúng ta có thể tìm kiếm Ngài với ý định thuần khiết nhất, nhưng không phải lúc nào cũng toại nguyện.  Chắc chắn sẽ có những trở ngại, và chúng ta phải chuẩn bị!  Satan luôn tìm cách đẩy chúng ta ra xa Thiên Chúa qua tội lỗi, thậm chí đặt ra nỗi sợ, để cản ngăn chúng ta đến với phép Giải Tội, khiến chúng ta không nhận được ơn thứ tha và chữa lành.  Thế giới ra sức lôi kéo chúng ta càng xa Thiên Chúa càng tốt; nó cung cấp hàng ngàn sự xao nhãng và thú vui khiến chúng ta rời bỏ việc cầu nguyện, hồi tâm và hoán cải.  Bản thân chúng ta cũng rất ít có khuynh hướng thiên về điều lành, phục vụ tha nhân và sống các nhân đức.  Ngay cả lười biếng và ươn ế cũng có thể dập tắt những gì tốt nhất nơi chúng ta.  Vì thế, bạn và tôi, cần để Chúa Giêsu biết chúng ta đang tìm Ngài; nói cho Ngài lý do chúng ta ‘không thể giáp mặt Ngài.

 Anh Chị em,

Họ không thể giáp mặt Ngài.”  Tại sao bạn và tôi ‘không thể giáp mặt’ Ngài?  Đó là một câu hỏi quan trọng!  Vậy mà, với Chúa Giêsu, thật thú vị, được nhìn Ngài hay gặp Ngài vẫn không quan trọng!  Quan trọng là làm sao ‘được Ngài chạm’ hay ‘chạm được Ngài’; nhờ đó, được chữa lành và biến đổi.  Tuyệt vời thay!  Tin Mừng hôm nay tiết lộ, có một cách khác để có thể thường xuyên ‘được Ngài chạm’ hay ‘chạm được Ngài’, đó là khi chúng ta trở nên những con người biết “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”  Bấy giờ, như Mẹ Maria, chúng ta sẽ sống mối tương quan với Chúa Giêsu đến một mức độ thân thiết còn hơn cả quan hệ huyết tộc.  Đây chính là vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta đạt đến phẩm giá và sự thân mật ngày càng cao hơn với Ngài.  Càng yêu mến Chúa, chúng ta càng yêu thương anh chị em mình.  Sách Châm Ngôn hôm nay nói, “Thực hành công bình và bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy lễ.”  Quý biết bao khi chúng ta sống Lời Chúa như Ngài mong ước; Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, xin đẩy xa mọi áp lực của ma quỷ và sự uể oải thiêng liêng nơi con; vì nó, con ‘không thể giáp mặt’ Ngài.  Xin chạm vào con, cho con chạm được Ngài; để con được biến đổi!”  Amen.

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

NGHI THỨC HOÀN HẢO

Đôi khi, cần người ngoài cuộc để giúp chúng ta thấy được vẻ đẹp và chiều sâu của một cái gì mà chúng ta chưa hề cảm kích trọn vẹn.  Tôi cho rằng câu này đúng với nhiều người chúng ta, kể cả bản thân tôi, về việc cử hành Phép Thánh Thể trong nhà thờ.

Giáo sư David P. Gushee, thuộc Phái Phúc Âm gần đây đã xuất bản quyển sách có tựa đề Hậu Phúc Âm hóa (After Evangelicalism), mô tả cuộc đấu tranh hàng chục năm trời của ông để hòa hợp với một vài vấn đề trong giáo hội của ông.  Ông vẫn ở lại giáo hội của ông dù hiện nay, ông cũng đi lễ ngày chúa nhật với vợ (vợ ông theo đạo công giáo La Mã).  Và ông mô tả những gì ông chứng kiến như sau:

“Tôi thấy thánh lễ công giáo như một viên ngọc được đánh bóng, tinh tế hơn qua thời gian đến mức độ tuyệt mỹ – nếu như chúng ta hiểu những gì mình đang xem…  Động tác thánh lễ đạt được rất nhiều điều trong vòng một giờ – một nghi thức rước với thánh giá giương cao, lời chào hỏi nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, lời thú nhận tội lỗi trước, ngắn gọn mà quá hay, một bài Cựu Ước do giáo dân đọc, hát Thánh vịnh, một bài thánh thư do giáo dân đọc, Phúc Âm do linh mục đọc cùng những nghi thức cử hành quanh bài đọc, bài giảng ngắn gọn, nghi thức hướng nội của Kinh Tin Kính và lời nguyện giáo dân.  Phần dâng lễ và âm nhạc.  Rồi đến phần Dâng lễ – giáo dân mang lễ vật dâng lên Chúa, rồi cũng những lễ vật này về lại giáo dân trong Mình và Máu Chúa Kitô, khiêm nhường quỳ gối, Kinh Lạy Cha, và chúc bình an cho nhau trước khi nhận của ăn, lại quỳ gối là lúc nhìn người khác lên rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện cho họ hoặc bình tâm thinh lặng trước Chúa, lời chúc lành nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và đoàn rước khi kết thúc thánh lễ.”

Thật là một mô tả thấu suốt về nghi lễ mà chúng ta cử hành Phép Thánh Thể!  Đôi khi, là người trong cuộc, chúng ta không thấy rõ như người ngoài cuộc.

Tôi xin được phép mô tả thêm hai yếu tố nêu bật nghi thức cử hành Phép Thánh Thể theo cách mà chúng thường không nghĩ đến, cũng không thường gặp trong thần học và giáo lý thường lệ.

Trước hết, là lời của một người ngoài công giáo thuộc giáo phái Mêthôđista đã chia sẻ: “Tôi không phải là người công giáo La Mã, nhưng thỉnh thoảng, tôi đi lễ ở nhà thờ công giáo La Mã chỉ để được tham gia vào nghi lễ.  Tôi không chắc họ có biết chính xác mình đang làm gì không, nhưng họ đang cử hành một điều đầy uy lực.  Ví dụ như thánh lễ ngày thường.  Không như thánh lễ Chúa Nhật, họ cử hành thánh lễ ngày thường đơn giản hơn, với nghi thức giảm hơn. Những gì tôi thấy, về căn bản, là cái gì đó tương tự như một buổi hội của “Hội Cai nghiện Ẩn danh.”  Vì sao ông lại có liên kết như vậy?

Tôi xin trích nguyên văn của ông. “Những người đi lễ ngày thường, họ không đi để trải nghiệm một chuyện gì đó mới lạ hay thú vị.  Nó lúc nào cũng như nhau, và vấn đề là thế.  Như những người đến Hội Cai nghiện Ẩn danh, họ đến đó để nhận sự nâng đỡ họ cần để vững vàng trong cuộc sống, và sự vững vàng đó đến qua nghi lễ.  Hẳn mỗi người đang thầm nói lên rằng, ‘Tôi tên là A. B. C, và đời tôi mong manh lắm.  Tôi biết là nếu tôi không dự nghi lễ này một cách đều đặn, đời tôi sẽ bắt đầu rối lên.  Tôi cần nghi lễ này để sống.’  Nghi thức cử hành Phép Thánh Thể cũng hoạt động như các buổi hội ‘12 bước’.”

Quan điểm còn lại là của thần học gia người Anh Ronald Knox.  Ông cho rằng chúng ta chưa hề thật sự trung tín với Chúa Giêsu.  Chân thành mà nói, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không yêu kẻ thù mình, không đưa má kia cho người ta đánh, không chúc phúc những ai nguyền rủa mình, không tha thứ cho kẻ giết người thân yêu của mình, không đến với người nghèo cho đủ, và không yêu thương người xấu và người tốt như nhau.  Đúng hơn, chúng ta làm một cách kén chọn các giáo huấn của Chúa Giêsu.  Nhưng, ông Knox nói rằng, chúng ta đã trung tín theo một cách rất quan trọng, là qua nghi thức Phép Thánh Thể.  Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tiếp tục cử hành nghi thức này cho đến khi Ngài trở lại, và 2000 năm sau, chúng ta vẫn cử hành như thế.  Nghi thức Phép Thánh Thể là một trong những hành động trung tín lớn lao của chúng ta, và thật mừng là nghi thức này xét tận cùng là đủ rồi.

Chúa Giêsu để lại cho chúng ta hai điều: Lời Ngài và Phép Thánh Thể.  Các giáo hội khác nhau ưu tiên một trong hai điều này mỗi cách khác nhau.  Một số giáo hội, như công giáo La Mã, Tân giáo, Anh giáo, ưu tiên Phép Thánh Thể như là nền tảng để xây dựng và giữ vững cộng đoàn.  Các giáo hội khác, hầu hết các cộng đoàn tin lành và giáo phái Phúc âm, thì ngược lại, ưu tiên Lời Chúa là nền tảng để xây dựng và giữ vững cộng đoàn.  Lời Chúa và Phép Thánh Thể hợp nhau như thế nào?

Chúng ta nhớ lại, trên đường Ê-mau, khi hai môn đệ không thể nhận ra Chúa Giêsu dù cho Ngài đã đi cùng họ cả quãng đường, thì Chúa Giêsu khơi dậy lòng họ bằng Lời của Ngài, đủ để họ nài nỉ Ngài ở lại với họ.  Rồi Ngài ngồi lại với họ để cử hành Phép Thánh Thể, và đó là lúc họ nhận ra Ngài.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

KHÓ NGHÈO ĐÍCH THỰC

Những lời lên án gay gắt của ngôn sứ Amốt rất hợp với xã hội hôm nay, bởi trong bối cảnh “nền kinh tế thị trường,” người ta có khuynh hướng biến mọi sự thành hàng hóa trao đổi.  Hậu quả là ngày càng có nhiều những nhà đầu tư chỉ lo kiếm sao cho có nhiều lợi nhuận; những cha mẹ chỉ lo làm giàu mà quên trách nhiệm với gia đình; những tín hữu vì lợi lộc vật chất không ngần ngại vi phạm luật Chúa; những người bạn bè hay họ hàng thân thuộc vì tiền mà coi nhau như kẻ thù.  Vì lợi lộc vật chất, người ta không trừ một thủ đoạn nào.  Ngôn sứ A-mốt nêu ra những thủ đoạn gian lận như làm cho chiếc đấu nhỏ lại, quả cân nặng thêm, pha trộn thóc tốt với thóc mục để bán cho người nghèo…  Những thủ đoạn ấy vẫn đang tồn tại trong xã hội hôm nay, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Lợi lộc vật chất khiến cho lương tâm ra tối tăm.  Đó cũng là lý do khiến con người coi thường đạo lý và tiếng nói của lương tâm.  Người tín hữu được mời gọi biết dùng của cải cho hợp lý.  Lời Chúa giúp cho chúng ta “nghèo mà không hèn,” “giàu mà không sang.”

Một hiện tượng xã hội khá phổ biến hiện nay là sự lãng phí.  Người giàu lãng phí, mà người nghèo cũng lãng phí.  Người ta lãng phí thời gian, lãng phí vật chất và lãng phí cả sức khỏe và mạng sống.  Tại các quốc gia phát triển, mỗi ngày đều có một khối lượng lớn thực phẩm bị đem đi hủy vì hết hạn sử dụng, trong khi ở các nước nghèo, biết bao người lớn và trẻ em không đủ chất dinh dưỡng để có một cuộc sống bình thường.  Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng của người nghèo, đã khẳng định: “Lương thực để lãng phí là lương thực ăn cắp của người nghèo” (Huấn từ nhân Ngày Quốc tế về môi trường, 5-6-2013).  Có thể chúng ta lập luận: “Của cải tôi làm ra, hoặc tôi mất tiền để mua sắm, tôi có quyền lãng phí!”  Nói như thế, là chúng ta quên rằng, người sở hữu đích thực mọi của cải là Thiên Chúa, chúng ta chỉ là người được Chúa trao cho quản lý.  Người quản lý trong lãnh vực nào cũng phải trung thành và tận tâm lo cho việc sử dụng của cải đúng mục đích, tiết kiệm, có ý nghĩa và sinh ích lợi cho mọi người.

Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người hãy sống khó nghèo.  Khái niệm “khó nghèo” thường hay bị hiểu sai.  Vị Đáng kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giải thích với chúng ta: “Khó nghèo không phải là không có của: đó là khốn khổ, thiếu thốn.  Khó nghèo trước tiên là tập trung của cho đúng.  Một cốc cà phê, một cốc bia!  Nhưng cũng là một cốc mồ hôi, một cốc nước mắt, một cốc máu đổi lấy nó.  Một khói thuốc, nhưng cũng là một hơi thở hổn hển của người lao động vô danh” (Đường Hy Vọng 412).  Như thế, khó nghèo là sự trân trọng với tất cả những gì chúng ta đang có, đang sử dụng và cố gắng để đừng lãng phí chúng.  Đức Hồng Y kết luận: “Không có của mà tham lam vẫn chưa phải là thanh bần; có của mà không dính bén vẫn có thể ‘có lòng khó khăn’ thực sự” (ĐHV 411).

Khó nghèo đích thực còn là khả năng và thiện chí dùng của cải của mình để xây tình liên đới và nối tình đệ huynh, góp phần xây dựng một xã hội an bình.  Nhân vật người quản lý trong Tin Mừng hôm nay được chính Chúa Giêsu gán cho một tính từ là “bất lương.”  Như thế, anh không thể làm mẫu mực cho chúng ta trong việc quản trị tài sản được.  Chúng ta không thể hiểu đúng giáo huấn của Chúa, khi chỉ trích dẫn một câu hay một đoạn Tin Mừng, nhưng cần liên kết với toàn thể để tìm ra ý nghĩa sứ điệp mà câu chuyện muốn diễn tả.  Chắc chắn Chúa không muốn chúng ta mưu mẹo gian lận như người quản lý bất lương này.  Điều Chúa dạy ta là hãy dùng những của cải mình có mà giúp đỡ anh em, bởi lẽ sự giàu nghèo chỉ nhất thời, tình huynh đệ mới tồn tại mãi mãi.  Giúp người khác khi mình thịnh vượng chính là của để dành phòng khi mình sa cơ lỡ vận thì có người giúp đỡ lại mình.   Khi nhắm mắt xuôi tay, để lại của cải chẳng giá trị bằng để lại tình thân nghĩa.  Bởi lẽ của cải chỉ một ít người được hưởng, còn tình thân nghĩa thì lưu danh rộng khắp và lâu dài.

Thiên Chúa là Đấng Cứu độ chúng ta.  Ngài cũng là Chủ tể của lịch sử và là Đấng sáng tạo muôn loài.  Những quyền hành nơi trần gian bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải phục quyền Ngài, vì Ngài là Đấng tối cao.  Vì vậy, từ bậc vua chúa đến những người bình dân, ai nấy đều phải sống thánh thiện ngay thẳng.  Như thế, họ sẽ đẹp lòng Chúa và được Ngài ban ơn (Bài đọc II).

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ.”  Thiên Chúa là đấng độc tôn, có nghĩa là ta chỉ được thờ một mình Ngài.  Không được phép đặt Thiên Chúa ngang hàng với của cải vật chất hay bất cứ thần linh nào.  Sự trung tín trong việc phụng thờ Chúa là nét riêng của Do Thái giáo và cũng là của Kitô giáo chúng ta.  Sự khó nghèo đích thực còn là tâm tình cậy trông và phó thác nơi Chúa, luôn luôn cảm thấy cần có sự che chở của Ngài.  Nếu một giây phút ta bị Thiên Chúa lãng quên, thì ta sẽ không còn hiện hữu trên cõi đời.  Nhờ sự hiện diện của Chúa, ta thấy cuộc đời có ý nghĩa và ta được đong đầy niềm vui.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THÁNH GIOAN KIM KHẨU

  1. Đôi Dòng Lịch Sử

Thánh nhân sinh tại nước Thổ nhĩ Kỳ vào năm 334 tại Antiokia.  Người ta gọi Ngài là Gioan thành Antiokia.  Ngài được mệnh danh là Kim Khẩu: “Chrysostome” bởi vì miệng ngài khi giảng thì luôn luôn tuôn ra những lời quí như vàng.  Thánh nhân có tài hùng biện và trí khôn ngoan minh mẫn hiếm có.  Gioan thành Antiokia ngay từ khi còn nhỏ đã được mẹ Ngài giáo dục với một lòng nhân ái bao la, truyền đạt cho ngài một đức tin sắt đá và lòng hy sinh hào hiệp.  Năm 373, thánh nhân được tuyển vào chức đọc sách, nhưng tài lợi khẩu, hoạt bát của Ngài đã làm say mê bao người, từ đó danh tiếng Ngài vang dội khắp nơi.

Vì danh tiếng lẫy lừng nổi bật do lòng đạo đức thánh thiện và tài hùng biện có sức thuyết phục nhiều người trở về với Chúa, người ta nhất loạt tôn thánh nhân lên chức giám mục, nhưng Ngài khiêm tốn khước từ và chỉ thích ẩn mình, ăn chay và cầu nguyện.  Nhưng ý Chúa lạ lùng không ai hiểu thấu, sau bốn năm sống khắc khổ, ngài lâm bệnh dạ dày nặng, buộc ngài phải trở về Antiokia.  Năm 386, thánh nhân lãnh nhận sứ vụ linh mục và trong cương vị linh mục, suốt 12 năm, thánh nhân đã làm say mê dân thành Antiokia nhờ lòng sốt sắng, tài ăn nói thuyết phục, miệng tuôn trào những lời quí như vàng và đưa rất nhiều người quay về với Chúa do lời giảng dạy của ngài.  Thánh nhân đả phá những cổ tục mê tín, cuộc sống hào phóng, xa hoa, trụy lạc của những người giàu và kêu gọi mọi người lưu tâm đến những người nghèo.  Chính thánh nhân nêu gương sáng sống khó nghèo và giúp đỡ người nghèo tận tình.  Năm 397, Ngài được bầu làm giám mục thành Constantinople.  Thánh nhân lưu tâm nghiên cứu về thánh Phaolô tông đồ, cải tổ hàng giáo sĩ, thiết lập một số qui chế để thánh hóa bản thân, hủy bỏ tận căn mọi tập tục xa xỉ gây tốn phí tiền bạc, của cải, vật chất.  Ngài chống đối kịch liệt các bè rối Ariô, Novatio v.v…

Năm 403, Ngài bị Nữ hoàng Eudoxie kết án lưu đày vì thánh nhân dám lên tiếng phản đối Eudoxie đã chiếm đoạt tài sản của một bà goá ở Callitrope.  Thánh nhân đã phải chịu biết bao nhiêu đau khổ, cay đắng, chông gai và thử thách vì Chúa.  Mọi người sẽ mãi mãi thán phục lòng bác ái, tài giảng thuyết và các sách vở giá trị ngài đã để lại cho hậu thế.

Cuộc đời của ngài có thể ví như một bông hoa đẹp giữa những bông hoa khác muôn màu, muôn sắc, muôn hương.  Bông hoa thơm là chính ngài bị cầm tù, bị tra khảo, đánh đập, nhưng hương thơm mãi mãi tỏa ra thơm ngát làm say mê mọi người.

Thánh nhân qua đời vào ngày 14/7/407.  Chúa thưởng công Ngài bằng vô số phép lạ sau khi Ngài chết.  Ðức Thánh cha Piô X đã nâng Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh và đặt Ngài làm bổn mạng của những nhà giảng thuyết.

  1. Những Sự Nghiệp Đặc Biệt.

Trước hết, ta thấy thánh nhân là một con người thật can đảm, không hề lùi bước trước những thế lực xấu.

Sự kiện Gioan Kim Khẩu bị lưu đày cho thấy vào lúc ấy quyền lực thế tục đang khống chế Giáo Hội Đông Phương, cũng như hé lộ những tranh chấp giữa Constantinople và Alexandria nhằm giành quyền kiểm soát Giáo Hội.  Trong khi ấy, từ thế kỷ thứ tư, ưu thế vượt trội của Rôma là vấn đề không còn gì để tranh cãi.  Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mặc dù ảnh hưởng ngày càng phát triển của Giáo Hoàng, sự kiện những lời phản kháng của Đức Giáo Hoàng Innocent không được chấp thuận, cho thấy sức mạnh thế tục của Giám Mục thành Rôma không có mấy tác dụng tại Phương Đông vào thời kỳ ấy.

Tiếp đến ai cũng phải nhận ngài là “một nhà thuyết giáo vĩ đại nhất trong thời kỳ Hội Thánh đầu tiên.”  Những bài giảng của Gioan có ảnh hưởng to lớn và lâu dài.  Số lượng các bài giảng của ngài rất lớn, bao gồm hàng trăm bài giảng theo cách giải nghĩa Kinh Thánh trong Tân Ước (đặc biệt là những thư tín của thánh Phaolô và Cựu Ước.  Trong số các bài luận giải Kinh Thánh của Gioan, có tới 67 bài giảng về Sáng thế ký, 59 bài về Thi Thiên (Thánh vịnh), 90 bài về Tin mừng Mathêô, 88 bài về Tin Mừng Gioan, và 55 bài về sách Công Vụ Các Tông Đồ.

Được ghi lại, sao chép và lưu hành, những bài giảng này thể hiện phong cách của Gioan, rất thẳng thắn và cũng rất gần gũi:

“Nếu quý vị hỏi (các tín hữu Kitô) xem Amos hoặc Obadiah là ai, hoặc có bao nhiêu vị sứ đồ và các nhà tiên tri, họ sẽ đứng yên câm lặng; nhưng nếu quý vị hỏi họ về các con ngựa đua hoặc các nài ngựa, họ sẽ trả lời cách hào hứng và trang nghiêm còn hơn các nhà thông thái hoặc các nhà hùng biện.”

Một trong những điểm đặc trưng được tìm thấy trong các bài thuyết giáo của Gioan Kim Khẩu là việc nhấn mạnh đến bổn phận chăm sóc những người nghèo khó.  Được soi dẫn từ những giáo huấn chép trong Tin Mừng Mátthêô, ông kêu gọi người giàu từ bỏ những tham vọng vật chất mà quan tâm nhiều hơn đến người nghèo.  Gioan thường sử dụng các kỹ năng hùng biện để phô bày sự hợm hĩnh của những người giàu vô cảm:

Anh em có muốn tôn vinh thân thể Chúa Kitô?  Chớ xa lánh Chúa khi ngài đang trần truồng.  Chớ tôn kính Chúa khi ngài mặc trang phục lụa là trong đền thờ, mà xa lánh Chúa khi ngài đang rách rưới, đói lạnh bên ngoài.  Đấng đã nói: “Nầy là thân thể ta” cũng chính là đấng đã bảo “Vì ta đã đói, các ngươi không cho ta ăn”, và “hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy”…  Có ích gì khi đến trước bàn Tiệc thánh đầy những chén thánh mạ vàng trong khi anh em chúng ta đang chết vì đói ngoài kia?  Hãy đi ra mà chăm sóc những người đói khát, rồi vào mà dự lễ trước bàn thờ.”

Lạy thánh Gioan Kim Khẩu, xin ban cho chúng con biết dùng miệng lưỡi để ca tụng và cảm tạ tri ân Thiên Chúa.

Xin cho chúng con lòng can đảm dám nói lên sự thật, dù sự thật làm người khác mất lòng.

Xin ban cho mọi người Kitô hữu biết sống khó nghèo như Chúa.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG, MỘT CÁCH NGHIÊM TÚC?

Một đoạn trích từ cuốn Hướng Dẫn để Cầu Nguyện Dành cho Người Bận Rộn.
Bởi: DEACON GREG KANDRA

Khi tôi còn là một thiếu niên, tôi đã dành mùa hè để đi rửa chén bát và dọn bàn tại tiệm kem Gifford ở Silver Spring, Maryland.  Tôi vẫn có thể nhớ mùi khó chịu giữa kem tan chảy hòa quyện với mùi hương xà phòng của nước rửa chén.  Thật là kinh dị.

Thú thật, cả mùa hè năm đó tôi không tài nào ăn nổi một chút kem.  Nghĩ đến nó tôi đã buồn nôn.  Chiều tối nào tôi cũng ăn đầy miệng các loại kem trái cây với sôcôla, phô mai chảy, quả xơri (đã lấy hạt) và những vụn cốm đủ màu ỉu xìu.  May thay, tôi đã lấy lại được phong độ.   Kem không còn là vấn đề đối với tôi nữa (dù bác sĩ của tôi và vợ tôi có thể không đồng tình với tôi).

Dù sao, tôi đã có lý do để nhớ vào mùa hè đó khi tôi nhặt được một bản sao Việc thực hành về sự hiện diện của Thiên Chúa của một tu sĩ dòng Camêlô (Cát Minh) ít ai biết, tên là Nicolas Herman, anh được biết đến nhiều hơn với tên gọi Anh Lawrence.

Nhiều thế kỷ trước, anh Lawrence đã tạo ra một hình thức tâm linh đơn giản nhưng sâu sắc làm say mê các thế hệ tín hữu.  Tôi nghĩ rằng nó cung cấp cho chúng ta một mô hình để thực hiện việc cầu nguyện không chỉ là một phần trong cuộc sống của chúng ta mà còn thực sự là phần tuyệt vời nhất.  Thực hành sự hiện diện của Thiên Chúa biến đổi chính hành động sống thành một lời cầu nguyện bền bỉ, liên tục, một cách cầu nguyện không ngừng.

Một Khởi Đầu Không Cảm Hứng.  Nicolas Herman sinh ra ở Pháp vào năm 1614.  Anh bị thương trong nghĩa vụ quân sự và trong khi hồi phục, ông quyết định muốn trở thành một thầy tu.  Khi hai mươi sáu tuổi, anh gia nhập Dòng Carmel (Cát Minh) đi chân đất (khổ hạnh) ở Paris với tư cách là anh em giáo dân và lấy tên trong dòng là Lawrence.

Đó không phải là điều mà bất cứ ai cũng có thể coi là hấp dẫn.  Lawrence làm việc trong nhà bếp tu viện, nấu các bữa ăn cho các anh em tu sĩ.  Trong những năm sau đó, anh chuyển sang làm sandal.  Đó là khoảng thời gian thú vị như cuộc sống của anh.

Nhưng thật là bận rộn, tẻ nhạt,… không cảm hứng.

Anh Lawrence nhận thấy cuộc sống trong một tu viện gần như không thăng hoa như anh mong đợi.  Anh cầu nguyện, suy gẫm và dành hàng giờ trong thinh lặng.  Và không gì trong số đó thực sự lấp đầy được anh.  Thay vào đó, anh ta đã phát triển hình thức tâm linh độc đáo của riêng mình bằng cách rèn luyện bản thân để thực hành sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Và nó đã xảy ra chỉ bằng cách rửa chén đĩa.  Như anh đã viết: Tôi đã từ bỏ tất cả những hình thức đạo đức và những lời cầu nguyện không cần thiết và tôi tận hiến chính mình cách độc chiếm để luôn luôn ở trong sự hiện diện linh thiêng của Chúa . Tôi giữ mình trước sự hiện diện của Chúa bằng sự chăm chú đơn giản và nhận thức yêu thương chung về Thiên Chúa mà tôi gọi là “sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa” hay tốt hơn, một cuộc trò chuyện thầm lặng và bí mật của linh hồn với Chúa đang kéo dài.

Anh Lawrence đã chết trong lặng lẽ ở tuổi bảy mươi bảy, và cuốn sách mỏng manh anh để lại là một kho báu nhỏ nhưng cao đẹp.  Nó tương đương với “quy tắc” của riêng anh, một sự hướng dẫn cho tất cả những ai muốn biến cuộc sống hàng ngày thành một lời cầu nguyện không ngừng (liên lỉ).

Khả Năng Thích Ứng của Việc Cầu Nguyện.  Về cuộc sống trong bếp, Anh Lawrence viết: “Thời gian hoạt động hoàn toàn không khác với những giờ cầu nguyện, vì tôi có Chúa cách bình an trong sự hỗn loạn của nhà bếp, nơi mọi người thường hỏi tôi về những điều khác nhau cùng một lúc, tôi làm như khi tôi quỳ trước Bí tích Thánh Thể vậy.”

Cho đến ngày nay, Anh Lawrence vẫn là một nhân chứng quan trọng cho một điều mà nhiều người trong chúng ta bỏ bê hoặc bỏ qua: cầu nguyện thì vô cùng sáng tạo và thích nghi.  Nó có thể và nên liên quan đến tất cả những gì chúng ta là.  Chúng ta cầu nguyện với Chúa như sự sáng tạo của Người, như những con vật đang vất vả, vật lộn, vui mừng, và, vâng, đang làm việc.  Bạn muốn “cầu nguyện không ngừng?”  Hãy bắt đầu bằng cách biến mọi hành động, mọi cử chỉ, mọi nhiệm vụ thành một hình thức cầu nguyện.  Hãy dâng tất cả cho Thiên Chúa.  Hãy cầu nguyện tại bồn rửa, trong nhà để xe, trên xe buýt, trong vườn, trong phòng ngủ nhỏ phía sau một đống giấy tờ đang chờ nộp.

Bất kỳ công việc nào, được dâng lên với tình yêu dành cho Chúa, có thể là một lời cầu nguyện nếu chúng ta muốn.  Có thật không.  Trả lời điện thoại, chăm sóc khu vườn, đánh máy một tờ giấy về thời hạn, cân bằng sổ séc, thay tã, băng bó vết thương – tất cả những điều này và hơn thế nữa là một phần của thế giới vô cùng kỳ diệu và không hoàn hảo của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể làm nhiều hơn là chỉ thực hiện các nhiệm vụ này.  Chúng ta có thể cầu nguyện với chúng.

Khi tôi lớn lên, mẹ tôi có một tấm bảng cầu nguyện nhỏ treo trên bồn rửa trong nhà bếp của chúng tôi.  “Lời cầu nguyện trong nhà Bếp” nói về sự tận tâm của Anh Lawrence và lòng đạo đức hàng ngày mà rất nhiều người trong chúng ta cố gắng sống.

Klara Munkres, một giáo viên đã nghỉ hưu từ Savannah, Missouri, đã viết lời cầu nguyện.  Chị chết năm 1971 và mặc dù hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe nói về chị, nhưng vô số người biết những lời của chị, được trích ra dưới đây.

Lạy Chúa của tất cả mọi sự.
Vì con không có thời gian để trở thành
một vị thánh bằng cách làm những điều đáng yêu hoặc
thức khuya với Chúa; hay mơ màng dưới ánh bình minh hoặc
gõ Cổng thiên đàng.  Xin Chúa hãy làm cho con thành một vị thánh
qua việc nấu những  bữa ăn và rửa chén đĩa.

Klara Munkres đã tiếp tục với một thứ gì đó – chị có được sự thanh thản có thể đến từ việc làm bất cứ điều gì và mọi thứ cho Chúa.

Hãy Hiến Dâng Chính Mình cho Chúa.  Anh Lawrence, năm thế kỷ trước đó, hiểu rằng cầu nguyện không ngừng không khó như nó có vẻ.  Anh nắm vững thần học về sự hiện diện, ân huệ về sự hiện diện với Thiên Chúa và biến nhận thức sâu sắc đó thành một thực hành từng phút giây trong cuộc đời mình.

Bí mật của anh Lawrence? “Tôi chuyên tâm không làm gì và không nghĩ gì có thể làm mất lòng Chúa. Tôi hy vọng rằng khi tôi đã làm những gì tôi có thể, Chúa sẽ làm với tôi những gì Người muốn.”

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thách đố rất lớn.  Đó là công việc của một người trọn cả cuộc đời, khi tôi còn là một thiếu niên, đó là cách tôi cảm nhận về việc rửa chén bát tại một tiệm kem.

Nhưng những lợi ích của kiểu cầu nguyện trọn đời được mô tả bởi Anh Lawrence kéo dài lâu hơn.  Và mùi hương thì vô cùng ngọt ngào.

Phó tế Greg Kandra là phó tế vĩnh viễn cho Giáo phận Brooklyn.  Ông viết blog tại patheos.com và phục vụ như là biên tập viên đa phương tiện cho Hiệp hội phúc lợi Công giáo Cận Đông.

Cuốn sách mới của ông, Hướng Dẫn Cầu Nguyện cho Người Bận Rộn có sẵn tại wau.org và amazon.com.

Theo The Word Among Us
July/August 2019 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương