NGÔI NHÀ NGỌT NGÀO

“Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình!”

Nhà tâm thần học Turnbull nói, “Trong những ngôi nhà vắng bóng người cha, thái độ của người mẹ đối với đứa con, và mức độ bảo vệ của cô đối với nó, dường như là chìa khoá cho sự phát triển của một cậu bé.  Thời điểm quan trọng nhất là từ 30 tháng tuổi đến 5 tuổi, và giai đoạn đầu tuổi vị thành niên.  Đó là ‘ngôi nhà ngọt ngào’ nhất của một đời người!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Đó là ‘ngôi nhà ngọt ngào’ nhất của một đời người!” Thế nhưng, không chỉ ấu thời, mà ở đâu có mẹ, ở đó có sự ngọt ngào!  Ngôi nhà có mẹ, là ‘ngôi nhà ngọt ngào.’  Tin Mừng ngày lễ “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh” hôm nay nói đến sự ngọt ngào ấy.  Từ chân thập giá, Gioan đón Mẹ Chúa Giêsu về; Gioan viết, “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình!”

Năm 2018, khi Đức Phanxicô thiết lập lễ này, Hồng Y Robert Sarah, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự, nói, “Việc cử hành lễ này giúp chúng ta nhớ rằng, sự trưởng thành trong đời sống Kitô hữu phải gắn liền ‘với mầu nhiệm Thập Giá’, ‘với sự tôn sùng Chúa Kitô trong Tiệc Thánh Thể,’ và ‘với Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, cũng là Mẹ của Chúa Cứu Thế’, Đức Trinh Nữ Maria, người đã làm nên ‘Lễ Dâng’ của mình mà dâng lên Thiên Chúa!”.

“Hãy thả neo vào Thánh Giá, thả neo vào Thánh Thể và thả neo vào cả Thánh Mẫu”, người vừa là “Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, cũng là Mẹ của Chúa Cứu Thế!”  Thật sâu sắc và đầy cảm hứng khi chúng ta đọc lại tư tưởng của Robert Sarah, vị Hồng Y tốt lành!  Tin Mừng ngày lễ hôm nay vẽ lại hình ảnh thánh thiện của Đức Mẹ trước thập giá của Con.  Khi đứng đó, Mẹ Maria đã nghe Chúa Giêsu nói những lời sau cùng, “Tôi khát!”; người ta cho Ngài một ít giấm trên một miếng bọt biển, và sau đó, Ngài tuyên bố, “Mọi sự đã hoàn tất!” Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc, đã đứng đó như một nhân chứng khi thập giá Con của Mẹ trở nên nguồn cội của sự cứu chuộc thế giới!  Sau khi nếm chút giấm lần cuối, Chúa Giêsu đã hoàn thành việc thiết lập lễ Vượt Qua Mới, Hy Lễ Mới và Giao Ước Mới; Giao Ước Vĩnh Cửu, Bí Tích Thánh Thể!

Ngoài ra, ngay trước khi Chúa Giêsu “tắt thở”, tuyệt vời thay, các cố ngày xưa không gọi là “tắt thở” nhưng gọi là “sinh thì”, “Chúa Giêsu sinh thì”, nghĩa là trước thời khắc mà “Ngài được sinh lại trong Chúa Cha”, trong sự sống mới… Ngài đã tuyên bố với Mẹ của Ngài rằng, giờ đây Mẹ sẽ là “Mẹ của Đấng Cứu Chuộc”, tức là Mẹ của mỗi thành viên trong Hội Thánh. Món quà này, Mẹ Chúa Giêsu, được tặng trao cho Hội Thánh qua lời của Ngài , “Đây là con của Mẹ”; “Này là Mẹ của con!”. Không thể ngọt ngào hơn! Và “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình!”. Nhà người môn đệ ấy là hình ảnh ngôi nhà Hội Thánh, từ đó, trở nên một ‘ngôi nhà ngọt ngào!’

Sự ngọt ngào của ngôi nhà Hội Thánh đưa chúng ta về với sự ngọt ngào của Vườn Địa Đàng, mà ở đó, cũng có một bà mẹ như bài đọc Sáng Thế hôm nay gợi nhớ.  Thế nhưng, đó là một sự ngọt ngào bị đánh mất khi nguyên tổ phạm tội.  Mẹ Maria, người mà lời hứa ám chỉ ngay từ giây phút đó; giờ đây, như một Evà mới, trả lại sự ngọt ngào cho gia đình nhân loại, gia đình Hội Thánh, một gia đình được Chúa Con cứu chuộc.  Gia đình đó nay là Giêrusalem mới, thành đô mới, rất ngọt ngào của Thiên Chúa; một thành được Ngài chúc phúc như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành!”

Anh Chị em,

“Hãy thả neo vào Thánh Giá, thả neo vào Thánh Thể và Thánh Mẫu!”  Mừng kính “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh”, chúng ta hãy suy gẫm về mối quan hệ của mình với Thánh Giá, Thánh Thể và Thánh Mẫu!  Nếu chúng ta sẵn sàng đứng bên Thánh Giá, ngắm nhìn nó với Mẹ mình, chứng kiến ​​Chúa Giêsu đổ máu châu báu của Ngài, ít nữa mỗi ngày trong Tiệc Thánh Thể, để cứu rỗi thế giới, thì bạn cũng được đặc ân nghe Chúa Giêsu nói với mình, “Này là Mẹ của con!”  Được ở trong ‘ngôi nhà ngọt ngào’ với Mẹ Chúa Thiên Đàng, bạn hãy tìm kiếm sự chăm sóc và bảo vệ của Mẹ và để lời cầu của Mẹ lôi kéo bạn đến gần Con của ngài hơn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, để linh hồn con luôn là ‘ngôi nhà ngọt ngào’, xin Thánh Mẫu ở lại với con!  Cho con biết ôm lấy Thánh Giá đời con nhờ sức mạnh của Thánh Thể mỗi ngày!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

TỘI LỖI CÓ THỂ LÀM ĐỘNG LỰC CHO TÌNH YÊU THÊM SÂU ĐẬM

“Con có yêu mến Thầy không?”

Joséphine, một phụ nữ xinh đẹp mà Napoléon say đắm.  Năm 1795, hai người phải lòng nhau; tháng 3 năm sau, họ thành hôn!  Napoléon đắm đuối trong cuộc tình; nhưng xem ra, Joséphine chẳng mấy rung cảm với vị tướng trẻ hơn mình 6 tuổi.  Phải chăng, chỉ vì quyền lực và địa vị!  Ngay sau đám cưới, Napoléon viễn chinh Italy; Joséphine gần như công khai cặp bồ với các tình nhân; nổi tiếng, là Trung Uý Hippolyte Charles.  Vậy mà năm 1804, tức 9 năm sau, Napoléon trở thành Đại Đế, Joséphine được triệu vào cung, được phong tước “Hoàng Hậu.”  Câu hỏi đặt ra, tại sao một phụ nữ phản bội đến thế lại được đón nhận như chưa từng có chuyện gì xảy ra?  Một học giả chuyên về Napoléon nói, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Napoléon quên hết quá khứ của Joséphine, Chúa Giêsu cũng quên hết quá khứ của Phêrô.  Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài hỏi Phêrô, “Con có yêu mến Thầy không?”  Ngài hỏi đến ba lần!  Hẳn Chúa Giêsu không cần Phêrô xin lỗi ba lần, nhưng Phêrô cần bày tỏ tình yêu ba lần.  Như vậy, thông điệp Lời Chúa thật rõ ràng, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”

“Ba” cũng là con số của sự hoàn hảo.  Ví dụ, khi tuyên xưng Thiên Chúa là “Thánh, Thánh, Thánh,” biểu thức ba lần này nói lên rằng, Thiên Chúa là Đấng Thánh Khiết nhất.  Vì thế, khi trả lời Chúa Giêsu ba lần, “Con yêu mến Thầy,” Phêrô có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình theo những cách sâu xa nhất; ba lần bày tỏ tình yêu thay cho ba lần từ chối tình yêu!  Điều này tiết lộ một nhu cầu của chúng ta là phải yêu mến Thiên Chúa và tìm kiếm lòng thương xót của Ngài theo cách “gấp ba lần.”  Hãy để Chúa Giêsu hỏi chúng ta ‘ba lần với một câu hỏi;’ và biết rằng, Ngài không hài lòng với câu trả lời giản đơn, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa.”  Ngài muốn nghe nó một lần, hai lần, và một lần nữa!  Ngài muốn chúng ta bày tỏ tình yêu một cách sâu sắc nhất, “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa!”  Đây phải là câu trả lời cuối cùng!

‘Ba lần với một câu hỏi’ cho chúng ta cơ hội biểu lộ lòng khát khao cháy bỏng của mình đối với lòng thương xót của Thiên Chúa.  Tất cả chúng ta đều phạm tội; đều phủ nhận Thiên Chúa cách này, cách khác.  Nhưng điều đáng mừng là Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta biết rằng, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”  Ngài không ngồi và giận dỗi; Ngài không bĩu môi, cũng không viết tội của chúng ta trên trán mỗi người.  Nhưng Ngài đòi chúng ta phải có một sự đau buồn chân thành và một sự hoán cải hoàn toàn từ trong trái tim, Ngài muốn chúng ta từ bỏ tội lỗi đến mức tối đa.  Vì lẽ, chính Ngài đã hiến thân chịu chết để rửa sạch muôn vàn tội lỗi; tội lỗi và sự chết không có quyền trên Ngài; Ngài đã sống lại và vẫn sống!  Trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, tù nhân Phaolô đã xác tín điều đó.  Phestô nói với vua Agrippa, “Họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống!”

Anh Chị em,

“Con có yêu mến Thầy không?”  Hãy dành thời giờ, lặp đi lặp lại câu hỏi này không chỉ một lần, ba lần, nhưng nhiều lần!  Chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ cho chúng ta thấy được chiều sâu tình yêu của chính chúng ta đối với Chúa Giêsu và cách chúng ta bày tỏ tình yêu với Ngài.  Hãy bày tỏ tình yêu của bạn đối với Thiên Chúa theo cách gấp ba lần.  Hãy để nó trở nên sâu sắc, chân thành và không đổi thay.  Chúa Giêsu sẽ đón nhận hành động chân thành này và trả lại cho bạn không chỉ gấp ba, nhưng gấp trăm lần.  Đừng sợ vì sự bất xứng của mình.  Trước Thiên Chúa nào ai xứng đáng!  Hãy đến với Chúa dù chúng ta có thế nào đi nữa, hãy đến kín múc ân sủng thứ tha của Ngài.  Hãy nói với Ngài, không chỉ một lần, ba lần nhưng nhiều lần, với hết tâm hồn; rằng, bạn yêu mến Ngài.  Bởi lẽ, “Tội lỗi có thể làm động lực cho tình yêu thêm sâu đậm!”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa; và Chúa cũng biết con yếu đuối thế nào.  Xin biến đổi con, hầu con có thể dâng Chúa tình yêu và ước muốn hoán cải đến mức tối đa!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

ĐẤNG BAN SỨC MẠNH

Hình ảnh các tông đồ tề tựu ở một nơi, trên lầu cao, làm chúng ta liên tưởng tới tình trạng cách ly tập trung trong thời đại dịch Covid-19.  Lúc đó, các tông đồ hoang mang lo lắng, một phần vì không biết tương lai sẽ thế nào, phần khác vì sợ người Do Thái hành hung gây sự.  Trong bối cảnh đó, các ông không biết làm gì hơn là cầu nguyện.  Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu cùng hiện diện với các ông.

Thánh Gioan trong bài Tin Mừng cũng nói với chúng ta về một tình trạng “cách ly” khác.  Sau khi chứng kiến Thầy mình chịu chết đau đớn trên thập giá, các tông đồ sợ hãi, tập trung trong một ngôi nhà đóng kín cửa.  Tác giả nói rõ lý do: vì sợ người Do Thái.

Đại dịch Covid-19 đã gây biết bao hệ luỵ và làm cho con người hoang mang.  Cách ly tập trung là một trong những phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh.  Trong số những người phải cách ly, có đủ mọi thành phần: quân đội, Việt kiều, bác sĩ, sinh viên, linh mục, tu sĩ…  Đương nhiên việc phải đi cách ly tập trung là việc chẳng đặng đừng.  Tuy vậy, sau thời gian cách ly, một số người có những trải nghiệm thú vị.  Họ cảm thấy có thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, để “sống chậm” hơn.  Họ quan tâm đến người khác hơn và cũng cảm nhận được sự quan tâm của nhiều người đối với mình, trong đó có những người thân và cũng có cả những người không hề quen biết, nhưng đã cùng chung sức chung lòng động viên khích lệ những người đang phải sống cách ly.  Nhiều người đã thay đổi cái nhìn về cuộc sống sau hai tuần cách ly.  Trong xã hội, dịch bệnh cũng làm cho mọi người sống có trách nhiệm hơn với công ích và với tha nhân.  Khi nghiệm ra cuộc đời thật ngắn ngủi, chóng qua và vô thường, người ta cố gắng sống tốt hơn.

Trở lại với các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần.  Chính trong lúc các ông đang “cách ly tập trung,” Chúa Thánh Thần ngự đến.  Thời gian “cách ly” là lúc các ông nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy.  Người hứa sẽ xin Chúa Cha ban cho các ông một đấng Phù trợ.  Đấng này là Sức mạnh, là sự Khôn ngoan, là Sự thật.  Những giây phút cầu nguyện đã giúp các ông dọn mình chuẩn bị đón Ngôi Ba Thiên Chúa.  Ơn đầu tiên mà Chúa Thánh Thần ban cho các ông “là ơn ngôn ngữ.”  Các ông nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, tuỳ theo ơn Chúa Thánh Thần ban cho.  Một điều thật kỳ diệu: Chúa Thánh Thần vừa soi sáng cho các tông đồ để các ông rao giảng về Chúa Giêsu, vừa mở lòng soi trí cho những người đang nghe các ông rao giảng, để họ nhận biết và tin theo.

Cũng vậy, chính trong tình trạng “cách ly” mà các tông đồ được gặp gỡ Đấng Phục sinh.  Với lời chào bình an, Chúa Giêsu trao ban cho các ông Thánh Thần.  Được gặp gỡ Đấng Phục sinh, các ông hết hoang mang lo lắng.  Thay thế vào đó là niềm vui mừng khôn tả, vì được thấy Chúa.

Thực ra, Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong cuộc đời.  Ngài là nguyên lý hoạt động của cỗ máy vũ trụ.  Nhờ Ngài mà thế giới hiện hữu và vũ trụ tuần hoàn, bốn mùa xuân hạ thu đông thay nhau đắp đổi. Tác giả Thánh vịnh đã khẳng định: “Ngài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.  Ngài gửi sinh khí tới, là chúng được dựng nên và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 103, 29-30).  Nếu một ngày nào đó, không có ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Giáo Hội sẽ trở thành xác không hồn.  Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội của Chúa Kitô lan tỏa một vẻ đẹp diệu kỳ.  Vẻ đẹp ấy thể hiện qua tình hiệp nhất giữa các tín hữu, qua sức mạnh của đức tin, qua tính linh thiêng của những nghi thức phụng vụ.  Chúa Thánh Thần còn làm cho vẻ đẹp Giáo Hội rạng ngời nơi khuôn mặt và cuộc đời các tín hữu, giúp họ dấn thân hy sinh, kiên vững trung thành sống chết vì Chúa.

Sách Giáo lý của Giáo Hội công giáo đã liệt kê những biểu tượng chỉ Chúa Thánh Thần như: nước, sự xức dầu, lửa, áng mây và ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu.  Tất cả những biểu tượng trên diễn tả những nhu cầu cần thiết để con người có thể sống và đạt được hạnh phúc trên trần gian.  Thế gian sẽ vắng bóng sự sống nếu không có Chúa Thánh Thần.  Cuộc sống con người sẽ mất định hướng nếu không có Chúa Thánh Thần.  Thánh Phaolô khẳng định: dù có nhiều hoạt động khác nhau trong Giáo Hội, nhưng chỉ có một Thánh Thần là động lực duy nhất, thúc đẩy và soi sáng cho con người, vì ích chung (Bài đọc II).

Nếu Chúa Thánh Thần vẫn đang hiện diện và hoạt động, thì ngày lễ Hiện Xuống có ý nghĩa gì?  Thưa: ngày lễ này trước hết là lời tuyên xưng Đức tin vào sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa.  Ngài là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống (Kinh Tin kính).  Đây là dịp nhắc nhở cho các tín hữu về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời, trong Giáo Hội và trong tâm hồn người tín hữu.  Khi cử hành lễ Hiện Xuống, Giáo Hội cũng kêu cầu Chúa Thánh Thần tiếp tục đổ muôn ơn của Ngài xuống trên Giáo Hội, canh tân cuộc đời, canh tân Giáo Hội và đổi mới lòng con người.  Trong một xã hội còn nhiều gian dối, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý; trong một xã hội bị tổn thương do bạo lực và suy đồi luân lý, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần là Đấng chữa lành; Vào lúc Giáo Hội đang bị tấn công tứ phía, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần là Đấng Trợ lực.  Giáo Hội tin vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, như linh hồn của Giáo Hội.  Nhờ sự hướng dẫn khôn ngoan của Ngài, Giáo Hội không sợ bị lầm lạc.

Đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến bao giờ?  Không ai có thể trả lời.  Nhiều người đã nói đến việc sống chung với Covid.  Dẫu thế nào đi nữa, đây cũng là dịp để chúng ta sống tình liên đới, lưu tâm đến người khác và trân trọng những giá trị sống mà chúng ta đang được hưởng.  Hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần từ nơi sâu thẳm của tâm hồn.  Xin Ngài giúp chúng ta. Amen!

TGM Giuse Vũ Văn Thiên