LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG

Lịch sử cứu độ là lịch sử của những cuộc viếng thăm.  Đó là những cuộc viếng thăm giữa Thiên Chúa và dân Người.  Thật vậy, sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng luôn viếng thăm để ban ơn và có khi để khiển trách, trừng phạt con người.  Khi Adong Evà phạm tội, Ngài viếng thăm để ra hình phạt đồng thời để hứa ban Đấng Cứu Độ (x. St 3,1-24).  Rồi, Ngài viếng thăm dân Ngài qua các ngôn sứ và các vị lãnh đạo dân Do Thái: Ngài viếng thăm và thi ân giáng phúc cho ông Ab-ra-ham và hứa sẽ làm cho dòng dõi ông nên đông đúc như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển (x. St 22,17); Ngài viếng thăm Mô-sê qua bụi gai bốc cháy để truyền lệnh cho ông giải thoát dân Is-ra-el ra khỏi đất Ai-cập (x. Xh 3, 1-12); Ngài ở với ngôn sứ Giê-rê-mi-a để cứu sống và giải thoát (x. Gr 15,20), và Ngài luôn đồng hành với các ngôn sứ để truyền cho họ nói Lời của Ngài cho dân chúng; Cuối cùng, chính Ngài đã viếng thăm nhân loại qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Qua đoạn Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã viếng thăm gia đình ông Gia-ca-ri-a qua trung gian Đức Maria.  Cuộc viếng thăm này có hai chiều kích đặc biệt: chiều kích thứ nhất là chiều kích chia sẻ.  Mẹ Maria mang Chúa đến để chia sẻ với bà chị họ.  Nhờ đó, Thánh Gioan Tẩy Giả được khỏi Tội Nguyên Tổ ngay từ trong lòng Bà Ê-li-sa-bét.  Chính bà Ê-li-sa-bét đã vui mừng thốt lên rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?  Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.  Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 43-45).  Chiều kích thứ hai là chiếu kích phục vụ.  Tin mừng cho biết, Mẹ Maria “ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1,56).  Khi Mẹ đến thăm thì bà Ê-li-sa-bét thì bà đã cưu mang Gioan được sáu tháng.  Mẹ ở lại đó ba tháng, tức là những tháng cuối cùng trước khi bà Ê-li-sa-bét hạ sinh.  Đây là những ngày tháng khó nhọc vất vả nhất của người phụ nữ mang thai.  Mẹ biết được như vậy, nên Mẹ đã tự nguyện ở lại đó để chăm sóc, phục vụ, giúp đỡ bà chị họ.  Điều đó thể hiện tinh thần thăm viếng mang chiều kích phục vụ của Mẹ.

Về phần Đức Giêsu, sau thời gian sống ẩn dật tại làng quê Na-za-rét, Ngài bắt đầu hành trình truyền giáo là bắt đầu những cuộc viếng thăm: Ngài đi khắp mọi nơi và gặp gỡ mọi người để biến đổi và chữa lành họ; Ngài viếng thăm ông Gia-kêu khi ông đang ngồi trên cây sung; Ngài viếng thăm ông Lê-vi tại bàn thu thuế; Ngài viếng thăm gia đình La-za-rô và cho ông đã chết Bốn ngày được sống lại; Ngài viếng thăm và chữa lành cho mẹ vợ của ông Phê-rô…  Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma qủi kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người (x. Cv 10, 36-38).  Tin mừng còn cho biết: Nhờ Ngài mà kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe, kẻ mù được xem thấy, kẻ câm nói được, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo khó được nghe Tin mừng.  Chắc chắn Mẹ Maria cũng đồng hành với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường truyền giáo để thăm viếng, an ủi tất cả mọi hạng người trong xã hội.  Đặc biệt, Mẹ có mặt tại tiệc cưới Cana để khẩn cầu Đức Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon giúp cho gia chủ trong lúc bế tắc.  Mẹ hiện diện dưới chân Thánh giá để lãnh nhận sứ mạng làm Mẹ loài người.  Sau khi về trời, Mẹ còn thăm viếng loài người bằng những lần hiện ra nơi này nơi khác như ở Lộ Đức, ở Fatima, ở Lavang…  Còn Đức Giêsu, sau khi Phục Sinh, Ngài còn hiện ra nhiều lần nhiều nơi để viếng thăm và cũng cố đức tin cho các Tông đồ và các Kitô hữu đầu tiên.  Có thể nói, những cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, của Đức Giêsu và của Đức Maria là mẫu mực cho các cuộc viếng thăm giữa con người với nhau qua mọi thời đại.  Đó là những cuộc viếng thăm đem lại niềm vui, tình thương và ơn cứu độ.

Các Tông đồ lãnh nhận sứ mạng Đức Giêsu trao phó, tiếp tục ra đi đến với muôn dân.  Sách Công vụ Tông đồ kể lại các sinh hoạt của Giáo hội sơ khai cho chúng ta thấy điều đó.  Các Ngài ra đi khắp mọi nơi để thăm viếng, rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu đã chết và sống lại.  Riêng Thánh Phaolô, sau khi trở lại, Ngài đã thực hiện nhiều cuộc hành trình truyền giáo đến với dân ngoại.  Nhờ đó, nhiều cộng đoàn Kitô hữu được thiết lập.  Từ đó tới nay, Giáo hội không ngừng ra đi để thăm viếng muôn dân: Đó chính là sự “ra đi” của các nhà truyền giáo, các giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân.  Đặc biệt, từ thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho tới nay, các Đức Giáo Hoàng thường thực hiện những cuộc thăm viếng mang tính quốc tế: Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã có 129 cuộc viếng thăm ngoài thành Rôma.  Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến viếng thăm một ngôi đền Hồi giáo ở Syria; viếng thăm vùng Thánh Địa Giêrusalem…  Các cuộc viếng thăm của Ngài ảnh hưởng đến việc hòa giải các dân tộc và tôn giáo.  Đức Giáo hoàng Benedictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục ra đi.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường quan tâm đặc biệt đến các vùng ngoại vi.  Ngài đã đến với những người tị nạn tại đảo Lampedusa, trại tù Casal del Marmo…  Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy “ra đi” để đem Tin mừng đến với những người bần cùng nhất, những người sầu khổ, những người còn trong bóng tối tội lỗi.  Chính vì thế, các cuộc viếng thăm của Ngài không những đem lại sự hòa hợp các dân tộc mà còn đem lại niềm vui và sự an ủi cho những người thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Viếng thăm cũng là bổn phận của mỗi người chúng ta hôm nay: Viếng thăm để thực hiện bổn phận truyền giáo; Viếng thăm để thực hiện bổn phận liên đới giữa chúng ta với các mối tương quan như ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn hữu.  Chúng ta hãy bắt chước gương viếng thăm của Thiên Chúa, của Đức Giêsu và Đức Maria.  Hãy có những cuộc viếng thăm tha nhân một cách vô vị lợi.  Hãy viếng thăm tha nhân khi vui cũng như lúc buồn như lời Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).  Hãy viếng thăm tha nhân trong sự thành thật không giả hình, viếng thăm trong tình yêu thương huynh đệ: “Đức ái không được giả hình: Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành.  Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ.  Hãy nhân nhượng tôn kính nhau” (Rm 12, 9-11); “Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà” (Rm 12, 13).  Đặc biệt, chúng ta hãy siêng năng viếng thăm những người nghèo đói, bệnh tật, cô thế cô thân, những kè tù đày… để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho họ.  Vì khi chúng ta thăm viếng họ là chúng ta đang thăm viếng Chúa.  Tin mừng theo Thánh Mathêu, chương 25, Đức Giêsu đã đồng hóa Ngài với những kẻ bé mọn: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”  Ngài nói thêm: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Ước mong rằng, ngày lễ Mẹ Thăm Viếng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn biết ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, đem niềm vui có Chúa và tinh thần phục vụ cho họ như gương mẫu của Đức Maria. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

NIỀM HY VỌNG NƯỚC TRỜI

Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất.  Nhưng không phải thế.  Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta.

Việc Chúa Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài trái đất còn có trời.  Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la.  Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu.

Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta.  Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người.  Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy.”

Chúa Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người.  Người là đầu.  Chúng ta là chi thể.  Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy.

Chúa Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.  Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ.  Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.

Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian.  Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người.  Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Cha đối với mọi người.

Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta.  Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người.  Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người.

Với niềm hy vọng đó, người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao.  Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi.  Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh.  Niềm hy vọng đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng.  Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó.  Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.

Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn nhiệm vụ ở trần gian để sau này con được về trời với Chúa. Amen.

TGM Ngô Quang Kiệt

VỊ KHÁCH NGỌT NGÀO CỦA LINH HỒN

“Thầy sẽ sai Ngài đến với các con!”

Dwight Morrow, cha của Anne Morrow Lindbergh, sau này là một nhà văn rất nổi tiếng, từng tổ chức một bữa tiệc tối mà Calvin Coolidge được mời.  Sau khi Coolidge rời đi, Morrow nói với những khách còn lại, “Coolidge sẽ trở thành một tổng thống tốt.”  Những người khác không đồng ý; họ bảo, Coolidge quá trầm lặng và thiếu cá tính.  Anne, lúc đó sáu tuổi, lên tiếng, “Cháu thích ông ấy.”  Sau đó, cô bé đưa một ngón tay lên với một miếng băng nhỏ chung quanh.  “Ông ấy là người duy nhất trong bữa tiệc hỏi về ngón tay bị đau của cháu”; “Đó là lý do tại sao ông ấy sẽ là một tổng thống tốt.”  Anne nói thêm, “Với cháu, ông ấy là vị khách ngọt ngào của linh hồn!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Ông ấy là vị khách ngọt ngào của linh hồn!”  Một sự trùng hợp thú vị khi Lời Chúa hôm nay cũng nói đến một vị khách mà lắm lúc chúng ta bỏ lỡ trong cuộc sống!  Đây không phải là một vị khách bình thường, hoặc như Coolidge, sau này là tổng thống thứ 30 của Mỹ, nhưng là “Vị Khách” Chúa Phục Sinh sai đến; đó là Chúa Thánh Thần, ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn!’

Chưa bao giờ có ai trong chúng ta được đặc ân thấy Chúa Giêsu theo cách các tông đồ thấy; nhưng như các ngài, chúng ta có Chúa Giêsu luôn ở bên mình; đồng thời, có cùng một đặc ân khác nữa, là nhận được dẫy đầy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.  Điều này thật là tốt; rất tốt.  Nhưng đó là một điều tốt mà chúng ta thường bỏ lỡ; ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn’ xem ra chưa có một nơi cư ngụ xứng đáng trong mỗi người chúng ta.  Bằng chứng là cuộc sống của chúng ta chưa được Ngài biến đổi; và dường như Ngài vẫn còn xa lạ với linh hồn.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến Đấng Bảo Trợ mà Ngài sẽ sai đến với các tông đồ.   Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta thông phần một tình bạn mật thiết với Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, hầu mỗi người trở nên một tạo vật mới; ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức để trở nên một dũng sĩ mới.  Chúa Thánh Thần là người thợ tạo nên sự thánh khiết nơi chúng ta; là Thầy Dạy và là Đấng ủi an nhất là khi chúng ta gặp gian truân.  Chính Ngài, ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn’ sẽ là bạn đồng hành với chúng ta suốt cả cuộc đời; đặc biệt trong những lúc tăm tối.

Câu chuyện của bài đọc thứ nhất hôm nay là một bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài.  Sau một trận đòn chí mạng, Phaolô và Sila bị giam vào ngục sâu nhất, nhưng “Vào quãng nửa đêm, hai ông hát thánh ca, cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát.”  Bỗng, động đất xảy ra, xiềng xích vỡ tung.  Viên cai ngục chạy vào, toan tự vẫn vì tưởng hai ông đã trốn thoát; nhưng Phaolô và Sila kịp trấn an.  Câu chuyện kết thúc một cách thần diệu với việc viên cai ngục và gia đình ông đáp lại lời giảng của Phaolô!  Ông đưa hai ngài lên nhà, dọn bữa; ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.  Như thế, rõ ràng, Chúa Phục Sinh và ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn’ đã viếng thăm những kẻ Ngài yêu thương ngay trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất của họ.  Từ đó, Phaolô và Sila có thể tiếp tục tán tụng Chúa như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tay hữu Chúa khiến con được sống an lành!”

Anh Chị em,

“Thầy sẽ sai Ngài đến với các con!”  Còn chưa đầy hai tuần nữa, chúng ta sẽ cử hành trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.  Đây là lễ kỷ niệm hàng năm về việc Chúa Giêsu thực hiện lời hứa của Ngài.  Hôm nay và những ngày sắp tới, hướng về ngày lễ Chúa Thánh Thần, ước gì chúng ta biết dành thời giờ nhiều hơn để suy gẫm và tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Thánh Thần.  Hãy khiêm tốn thừa nhận, bạn đang rất cần Ngài; Ngài phải trở nên sống động hơn trong cuộc sống bạn.  Hãy xác tín, Chúa Giêsu muốn bạn tiếp nhận Chúa Thánh Thần trong sự sung mãn của Ngài; đừng ngần ngại để sự kết hợp này diễn ra.  Được như thế, chắc chắn ‘Vị Khách Ngọt Ngào Của Linh Hồn’ sẽ biến đổi bạn, Ngài sẽ tạo nên một sự khác biệt cho linh hồn bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!  Xin thổi bùng ngọn lửa yêu mến trong con; đốt cháy những gì là bợn nhơ, hầu linh hồn con trở nên thánh khiết, xứng đáng làm nơi Ngài ngự!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

LÒNG QUẢNG ĐẠI

Có một quả tim bao la, một lòng quảng đại nghĩa là gì?

Một lần trong một trận bóng chày ở trường trung học, một trọng tài đã xử bất công cho đội chúng tôi.  Cả đội tức tối, chúng tôi hét lên giận dữ chống ông, thóa mạ ông, kêu tên ông ra chửi, lớn tiếng trút cơn giận của mình.  Nhưng một trong các bạn trong đội không làm theo.  Thay vì la hét trọng tài, anh cố gắng chận chúng tôi đừng la hét.  “Bỏ qua đi!”  Anh cứ lặp đi lặp lại với chúng tôi: “Bỏ qua đi! Chúng ta lớn hơn thế!”  Lớn hơn gì cơ chứ?  Anh không nói đến sự non nớt của trọng tài, nhưng đến sự non nớt của chúng tôi.  Và chúng tôi “không lớn hơn thế” ít nhất là trong lúc này.  Chắc chắn tôi không thể nuốt được bất công.  Tôi chưa đủ lớn.

Nhưng có cái gì đã ở lại trong lòng tôi sau sự cố này.  Thách thức phải “lớn hơn” bên trong sự việc đã làm chúng ta yếu đi.  Tôi vẫn không làm được, không phải luôn luôn, nhưng tôi là người tốt hơn, quảng đại hơn khi tôi làm, cũng như tôi sẽ là người thấp hơn, nhỏ nhen hơn khi tôi không làm được.

Nhưng cũng như các bạn đồng đội của chúng tôi đã thách thức chúng tôi trong những năm qua, chúng tôi phải tiếp tục “lớn hơn” giây phút nhỏ nhen lúc đó.  Lời mời gọi này nằm ở trọng tâm thách thức đạo đức của Chúa Giêsu trong Các Mối Phúc.  Ngài mời gọi chúng ta có một “đức tính sâu đậm hơn các người biệt phái và các luật sĩ.”  Và có nhiều điều ẩn giấu trong đó hơn là những gặp gỡ đầu tiên với những nhà luật sĩ và người biệt phái, vì những người này rất đạo đức.  Họ cố gắng trung thành với lề luật đức tin, họ là những người có lòng tin và giữ công lý nghiêm ngặt.  Họ không bất công như các trọng tài!  Nhưng bên trong lòng tốt này thiếu một cái gì mà Các Mối Phúc mời gọi chúng ta, một lòng quảng đại nào đó để có quả tim và tinh thần khá lớn, để vươn lên, để không bị yếu, để lớn hơn trong một khoảnh khắc nhất định.

Cho phép tôi đưa ra một chuyện về điều này: Đức Gioan-Phaolô II là giáo hoàng đầu tiên chống án tử hình.  Điều quan trọng cần lưu ý là ngài không nói án tử hình là sai.  Kinh thánh nói chúng ta có quyền thi hành án tử hình.  Đức Gioan-Phaolô II cũng thừa nhận.  Tuy nhiên, và đây là bài học, ngài nói, khi chúng ta có thể thực thi công lý bằng bản án tử hình, nhưng chúng ta không nên làm điều đó vì Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta làm một cái gì cao hơn, cụ thể là tha thứ cho kẻ có tội và không xử tử họ.  Đó là lòng quảng đại, là lớn hơn ở thời điểm chúng ta nắm bắt nó.

Thánh Tôma Aquinô, trong sự khôn ngoan về đạo đức của ngài, ngài đã làm một phân biệt mà chúng ta ít nghe thấy, cả ngoài đời lẫn trong giảng dạy của nhà thờ.  Ngài nói, có một vài chuyện có thể là tội đối với người này, mà không là tội đối với người kia.  Về thực chất, một cái gì đó có thể là tội cho một người có trái tim quảng đại, ngay cả khi nó không phải là tội đối với người thấp bé và có trái tim nhỏ.  Đây là ví dụ: trong một bình luận đầy thách thức cực kỳ khó, Thánh Tôma Aquinô đã viết, thật là tội lỗi khi từ chối khen một người thực sự xứng đáng, vì khi làm như vậy chúng ta từ chối một phần thức ăn mà người đó cần để sống.  Trong việc giảng dạy điều này, Thánh Tôma rõ ràng cho rằng, chỉ là tội đối với một người có lòng quảng đại, rộng lượng và có một mức độ trưởng thành nhất định.  Một người chưa trưởng thành, ích kỷ và nhỏ mọn thì không có cùng mức độ đạo đức và thiêng liêng.

Làm thế nào có thể, tội không còn là tội, dù đó là người như thế nào?  Không phải lúc nào cũng vậy.  Có một cái gì là tội hay không là tội tùy thuộc vào chiều sâu và mức độ trưởng thành trong mối quan hệ.  Chúng ta hình dung chuyện này: một người đàn ông và vợ mình có mối quan hệ sâu sắc, nhạy cảm, quan tâm, tôn trọng và thân mật đến mức các biểu hiện nhỏ nhất của tình cảm hoặc coi thường là đủ để cho họ hiểu.  Chẳng hạn, buổi sáng khi họ chia tay nhau đi làm, khi nào họ cũng có một biểu lộ tình cảm, như một nghi thức chia tay.  Bây giờ, nếu một trong hai bỏ biểu lộ này vào một buổi sáng bình thường, khi không có lý do gì đặc biệt, thì đó không phải là chuyện nhỏ, chuyện vô tình.  Có một cái gì lớn ở đây.  Ngược lại, nếu một cặp vợ chồng khác có mối quan hệ ít gần gũi, ít quan tâm, ít tình cảm, ít tôn trọng và không có thói quen thể hiện tình cảm khi chia tay.  Quên như vậy sẽ không có nghĩa gì.  Không nhẹ, không có ý định, không có hại, không có lỗi, chỉ là thiếu quan tâm như bình thường.  Đúng, một số điều có thể là tội cho người này mà không tội cho người kia.

Chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi để những gì tốt nhất trong chúng ta trở nên đủ lớn, để có trái tim và tâm trí, để biết là có tội nếu không khen, để biết dù Kinh Thánh cho phép chúng ta thi hành án tử hình, nhưng chúng ta vẫn không nên làm, và để biết rằng chúng ta là những người tốt hơn khi chúng ta lớn hơn bất kỳ chuyện gì nhỏ bé mà chúng ta trải qua trong một thời điểm nhất định.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

DI NGÔN CỦA THÀY

Di ngôn của Chúa không phức tạp dài dòng, chỉ vỏn vẹn mấy câu cốt lõi: Hãy giữ lời Thày.  Hãy yêu mến nhau.  Hãy an tâm, đừng xao xuyến.  Những lời này đã đem lại sức mạnh và nghị lực thiêng liêng cho các môn đệ vào thời Giáo Hội sơ khai, cho các tín hữu suốt bề dày hai mươi thế kỷ và cho chúng ta hôm nay.

Chuẩn bị mừng lễ Thăng Thiên, Phụng vụ cho chúng ta nghe những lời tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ vào cuối bữa tiệc ly.  Đây là những di ngôn của một người Thày đối với các môn sinh, là những người từng bao năm gắn bó và chia sẻ ngọt bùi.  Những lời này đã làm nên tôn chỉ cốt lõi của cộng đoàn tín hữu sau này.  Di ngôn của Chúa không phức tạp dài dòng, chỉ vỏn vẹn mấy câu cốt lõi: Hãy giữ lời Thày.  Hãy yêu mến nhau.  Hãy an tâm, đừng xao xuyến.  Những lời này đã đem lại sức mạnh và nghị lực thiêng liêng cho các môn đệ vào thời Giáo Hội sơ khai, cho các tín hữu suốt bề dày hai mươi thế kỷ và cho chúng ta hôm nay.

Hãy giữ lời Thày!  Đây không phải là lần đầu tiên Chúa nói câu này.  Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là lời mời gọi thường xuyên trong giáo huấn của Chúa Giêsu.  Chúa đã so sánh ai nghe và tuân giữ Lời Chúa giống như xây nhà trên đá, luôn vững bền trước mọi phong ba bão táp của cuộc đời.  Nhờ xây dựng đời mình trên Lời Chúa, mà các thánh đạt tới mức hoàn thiện ngay khi còn sống ở đời này.  Lời Chúa vừa ngọt ngào ban niềm vui, nhưng Lời Chúa cũng như “thuốc đắng dã tật,” sửa phạt khi chúng ta lầm lỗi.  Lời Chúa không để cho chúng ta ngủ yên trong vỏ bọc ích kỷ của cái tôi tầm thường nhỏ mọn, nhưng mở rộng tâm hồn để đến với tha nhân.  Đức Maria là một mẫu gương cho chúng ta về việc tuân giữ Lời Chúa.  Thánh Luca ghi lại, khi Mẹ chứng kiến vui buồn xảy đến với Đức Giêsu, Mẹ ghi nhớ và suy niệm trong lòng (x. Lc 2051).  Giữ lời Thày là bằng chứng hùng hồn của tình yêu dành cho Thày.

Hãy yêu mến nhau!  Yêu mến là cốt lõi giáo huấn Kitô giáo.  Đây cũng là lời mời gọi thường xuyên của Chúa Giêsu.  Có thể nói lời mời gọi yêu thương trải dài trên từng trang của Tin Mừng.  Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi suông, mà chính Người làm gương cho các môn đệ.  Người đã rửa chân cho các ông vào cuối bữa tiệc ly.  Đây vừa là cử chỉ yêu thương đối với các ông, vừa là một gương mẫu sống động để qua đó, Người khẳng định với các ông: yêu thương và phục vụ đi đôi với nhau.  Ngay từ khi Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam chúng ta, những người lương dân chưa biết danh xưng của tôn giáo mới có nhiều người theo.  Họ căn cứ vào những gì người Công giáo làm hằng ngày mà gọi Đạo Công giáo là “Đạo Yêu Thương.”  Tiếc rằng trong cuộc sống hôm nay, hai từ yêu thương có nguy cơ trở thành câu khẩu hiệu và lý thuyết vô hồn.  Đây đó tại một số nơi, trong các bài phát biểu, các bài viết, người ta nói đến yêu thương như một công thức, còn trong thực tế thì ngược lại.  Tình trạng xung đột, chia rẽ và khép kín của một số cộng đoàn đã làm biến dạng hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô.

Hãy an tâm, đừng xao xuyến!  Giữa bối cảnh xã hội đầy bất an hôm nay, lời khuyên hãy an tâm dễ bị hiểu như một sự trấn an giả tạo nhằm ru ngủ người nghe.  Tuy vậy, nếu chúng ta có niềm xác tín nơi tình yêu của Chúa, tin Ngài là Đấng dẫn dắt cuộc đời chúng ta, thì làm sao chúng ta còn lo lắng buồn phiền.  Bởi lẽ, lo lắng cũng không làm cho cuộc sống của chúng ta kéo dài thêm, dù chỉ một gang tay (x. Mt 6, 27).  Nếu chúng ta có thể an tâm, là vì chúng ta có ơn Chúa Thánh Thần.  Ngài luôn hoạt động trong Giáo Hội để hướng dẫn Giáo Hội trong cuộc lữ hành trần gian.  Bài đọc I kể lại một biến cố quan trọng trong lịch sử, đó là Công đồng đầu tiên của Kitô giáo, được tổ chức tại Giêrusalem vào khoảng năm 46 sau Công nguyên.  Các tông đồ đã ý thức trách nhiệm của mình trước những ý kiến dư luận trái ngược nhau về những thực hành trong Đạo Do Thái như cắt bì, ăn thịt cúng, tuân giữ Luật ông Môisen… “Văn kiện” đúc kết của Công đồng rất đơn sơ, nhưng nêu rõ “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”  Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần hướng dẫn suốt bề dày của lịch sử, giữa những thăng trầm thử thách.  Cũng trong những di ngôn, Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”  Chúa Thánh Thần vừa bảo trợ Giáo Hội, vừa soi sáng cho Giáo Hội nhớ lại giáo huấn của Chúa Giêsu, để luôn thực hành những gì Chúa đã chỉ dạy.

Hãy giữ lời Thày. Hãy yêu mến nhau. Hãy an tâm, đừng xao xuyến.  Khi thực hiện những lời khuyên này, chúng ta cảm nhận sâu xa sự hiện diện của Chúa Giêsu, mặc dù Người đã về trời.  Xác tín vào sự hiện diện và tình yêu thương của Chúa, tuy còn sống ở trần gian, chúng ta đã được hưởng hạnh phúc tương lai.  Trong một thị kiến, Thánh Gioan tông đồ đã thấy những hình ảnh về Giêrusalem (Bài đọc II).  Đây là một cách diễn tả hạnh phúc thiên đàng, ở đó, tình yêu, an bình và chân lý sẽ ngự trị.  Không còn gian dối và mưu mô.  Không còn những toan tính vụ lợi trần tục, nhưng tất cả đều được vinh quang Thiên Chúa bao trùm trong một nghi lễ phụng vụ thiên quốc, tràn đầy hạnh phúc và niềm vui.

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”  Hãy nghe những lời tâm huyết của Chúa.  Đó là di ngôn của người sắp đi xa.  Yêu mến Thày là cội nguồn của bình an và là bảo đảm của hạnh phúc hôm nay cũng như suốt đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

ĐỨC GIÁO HOÀNG CHỈ CÁCH PHÂN BIỆT ĐƯỢC CHÚA HAY SATAN ĐANG NÓI 

WGPSG /Aleteia — Đức Giáo Hoàng Phanxicô cung cấp một số cách phân định những tiếng nói mà chúng ta nghe thấy trong lương tâm của chúng ta.

Phân biệt được tiếng nói của Chúa với tiếng nói của Satan là một yếu tố cho thấy rất rõ sự trưởng thành tâm linh.  Vào trưa Chủ nhật, trước khi đọc kinh ‘Lạy Nữ Vương Thiên Đàng’, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một bài học nhỏ về sự phân định này:

Chúa nhật thứ tư Mùa Phục sinh hôm nay, chúng ta hướng lòng về Chúa Giêsu Mục tử nhân lành.  Tin Mừng nói rằng: “Chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.” (Ga 10: 3).  Chúa gọi tên ta, Ngài gọi ta vì Ngài yêu thương ta.  Nhưng Tin Mừng sau đó cho chúng ta biết, có những tiếng nói khác, không được chiên nghe theo: đó là tiếng của những người lạ, của kẻ trộm và những kẻ có ý làm hại con chiên.

Những tiếng nói khác nhau này cộng hưởng trong chúng ta.  Có tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng nói lời tốt lành trong lương tâm, và cũng có tiếng nói cám dỗ dẫn đến cái ác.

Làm thế nào chúng ta có thể nhận biết tiếng nói của mục tử nhân lành hơn là tiếng của kẻ trộm, làm thế nào chúng ta có thể phân biệt lời linh hứng của Thiên Chúa với những gợi ý của ma quỷ?

Người ta có thể học cách nhận ra hai giọng nói này: đó là hai ngôn ngữ khác nhau, với những cách đối nghịch gõ vào cửa trái tim chúng ta.  Hai ngôn ngữ khác nhau: Cũng giống như khi ta phân biệt được ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác, ta cũng có thể phân biệt tiếng nói của Chúa với tiếng nói của ma quỷ.

1. Tôi Có Tự Do Không? 

Tiếng nói của Thiên Chúa không bao giờ ép buộc chúng ta: Thiên Chúa đề xuất chính Ngài, Ngài không áp đặt chính Ngài.  Ngược lại, giọng nói ma quỷ thì quyến rũ, tấn công, áp đặt: nó khơi dậy những ảo ảnh rực rỡ, những cảm xúc đầy cám dỗ nhưng chóng qua.

2. Tôi Đang Bị Tâng Bốc? 

Lúc đầu, nó tâng bốc, nó làm cho chúng ta tin rằng chúng ta toàn năng, nhưng sau đó nó khiến chúng ta trống rỗng bên trong và buộc tội chúng ta: Bạn không có giá trị gì cả.  Trái lại, tiếng nói của Chúa sửa chữa chúng ta, với sự kiên nhẫn tuyệt vời, nhưng luôn khuyến khích chúng ta, an ủi chúng ta: nó luôn nuôi dưỡng hy vọng.

3. Tôi Có Đang Nhìn Về Phía Trước? 

Tiếng nói của Chúa là tiếng nói có một chân trời, trong khi giọng nói của ác quỷ dẫn bạn đến một bức tường, nó đẩy bạn vào góc tường.

4. Tôi Có Sống Trong Hiện Tại Không? 

Có một sự khác biệt nữa.  Tiếng nói của ma quỷ làm chúng ta xao lãng khỏi hiện tại và muốn chúng ta tập trung vào nỗi sợ hãi về tương lai, hay nỗi buồn về quá khứ – ma quỷ không muốn hiện tại – nó mang đến sự cay đắng, những ký ức về những sai lầm gây đau đớn, những người đã làm tổn thương chúng ta, và nhiều kỷ niệm xấu.  Ngược lại, tiếng nói của Chúa nói về hiện tại: “Bây giờ con có thể làm tốt, bây giờ con có thể thực hiện được sự sáng tạo của tình yêu, bây giờ con có thể từ bỏ những hối tiếc và hối hận khiến trái tim con bị giam cầm.”  Tiếng nói đó truyền cảm hứng, dẫn ta đi tới, và nói ngay trong hiện tại: ngay bây giờ.

5. Nó Có Nói Về ‘Cái Tôi’? 

Xin nhắc lại một lần nữa: hai tiếng nói đặt ra những câu hỏi khác nhau trong chúng ta.  Tiếng nói từ Thiên Chúa sẽ là: “Điều gì tốt cho tôi?”  Ngược lại, tiếng ma quỷ nhấn mạnh vào một câu hỏi khác: “Tôi cảm thấy như thế nào?”  Điều tôi cảm thấy là: tiếng ma quỷ xoay quanh ‘cái tôi’, thôi thúc, đòi hỏi: mọi sự phải có ngay.  Nó giống như cơn thịnh nộ của một đứa trẻ: mọi thứ phải có ngay bây giờ.  Ngược lại, tiếng Chúa không bao giờ hứa hẹn niềm vui thấp hèn, nhưng mời gọi ta vượt lên trên ‘cái tôi’ của mình để tìm thấy sự tốt lành và bình an thực sự.

6. Nó Để Lại Dư Vị Nào? 

Chúng ta hãy nhớ rằng: cái ác không bao giờ mang lại cho chúng ta sự bình an, nó gây ra sự điên cuồng trước tiên và để lại sự cay đắng sau đó.  Đây là phong cách của cái ác.

7. Tôi Tìm Kiếm Ánh Sáng Hay Bóng Tối? 

Tiếng nói của Chúa và của ma quỷ, cuối cùng, phát ra trong các ‘môi trường’ khác nhau: Ma quỷ thích bóng tối, giả dối và buôn chuyện; Chúa yêu ánh sáng mặt trời, sự thật và sự minh bạch chân thành.

8. Tôi Có Hướng Đến Niềm Tin Tưởng? 

Ma quỷ sẽ nói với ta: “Hãy tự khép mình lại, không ai hiểu và lắng nghe bạn đâu, đừng tin ai cả!”  Ngược lại, Thiên Chúa mời gọi chúng ta mở lòng ra, để hiểu rõ và tin tưởng vào Thiên Chúa cũng như tin tưởng vào người khác.

Anh chị em thân mến, trong thời gian này quá nhiều suy nghĩ và lo lắng khiến chúng ta phải hướng nội vào chính mình.  Chúng ta hãy chú ý đến những tiếng nói đến với trái tim của chúng ta.  Hãy tự hỏi chúng đến từ đâu.  Hãy xin ơn nhận biết và đi theo tiếng nói của Mục Tử nhân lành, Đấng đưa chúng ta ra khỏi vòng vây của sự ích kỷ và dẫn chúng ta đến đồng cỏ của tự do thực sự.

Xin Mẹ Maria, vị Tư vấn tốt lành, hướng dẫn và đồng hành với những phân định của chúng con. 

Kathleen N. Hattrup (Aleteia) / Mạnh Tú chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

THÁNH MATHIA TÔNG ĐỒ

Thánh Mathia là người con út trong số 12 Thánh Tông đồ.  Ngài được chọn để thế chỗ cho Giuđa Iscariô, được 11 tông đồ và cộng đoàn sơ khai bầu chọn.  Cuộc bầu chọn được sách công vụ ghi lại một cách cụ thể như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay (x. Cv 1,15-17.20-26).

1. Việc bầu chọn Thánh Mathia làm Tông đồ

Cuộc bầu chọn có những bước quan trọng sau đây:

Bước thứ nhất, Thánh Phêrô đưa ra điều kiện: Ngài nói:  “Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta,  kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời.  Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” (Cv 1, 21-22).  Chúng ta thấy, điều kiện mà Thánh Phêrô đưa ra rất rõ ràng . Người được bầu chọn phải là người đã từng theo Đức Giêsu từ khi chịu phép rửa cho tới khi Ngài lên trời.  Nghĩa là phải hiểu về Giáo huấn và chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu làm trong suốt ba năm cuộc đời công khai.  Đặc biệt, phải chứng kiến cuộc khổ nạn, sự phục sinh và lên trời của Ngài.  Bởi vì người Tông đồ cần làm chứng về những điều đó.

Bước thứ hai, cộng đoàn đề cử: Sau khi lĩnh hội được ý của Thánh Phêrô, cộng đoàn đề cử 2 người là ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a.

Bước thứ ba, cầu nguyện: Cộng đoàn cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng.  Đây là bước hết sức quan trọng làm cho cuộc bầu chọn này khác với các cuộc bầu chọn thông thường khác.  Cuộc bầu chọn này mang tính thần linh.  Có Chúa Thánh Thần can thiệp.  Chính Chúa Giêsu trước khi chọn các Tông đồ, Ngài cũng đã làm như vậy.  Kinh Thánh kể, Ngài đã cầu nguyện suốt đêm (Mt 10, 1-4; Mc 3,13 -19; Lc 6,12-16).

Bước thứ tư cũng là bước cuối cùng để chọn ra người Tông đồ, đó là rút thăm.  Trong thực tế hôm nay, có nhiều cách để bầu chọn người lãnh đạo.  Cách đơn giản là giơ tay.  Cách thông thường là bỏ phiếu.  Nhưng dù sử dụng cách nào đi chăng nữa vẫn có yếu tố con người trong đó.  Còn việc bầu chọn Thánh Mathia làm Tông đồ, mặc dầu bằng cách đơn giản nhất là rút thăm, nhưng luôn luôn vẫn có yếu tố thần linh, đó là việc của Chúa chứ không phải việc của con người.  Chúng ta liên kết bước thứ tư với ba bước trên sẽ thấy rõ điều đó.

Bài học mà chúng ta rút ra hôm nay: Luôn làm mọi việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt khi chọn lựa những người làm việc cho Chúa và Giáo Hội phải xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng.  Những lúc đó phải nói được như các Tông đồ: “Thánh thần và chúng tôi quyết định” (x. Cv 15, 28).

2. Mọi người đều được Chúa mời gọi làm Tông Đồ

Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Không phải các con chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 9,16).  Thật vậy, trong ba năm cuộc đời công khai, chính Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ.  Có khi Ngài chọn cách trực tiếp: Như khi Ngài gặp ông Philipphê và mời gọi ông “Hãy theo Ta” (x. Ga 1,43); Hay khi Ngài gặp ông Lêvi và mời gọi ông “Anh hãy theo Ta” (x. Mc 2,14).  Nhưng cũng có khi Ngài mời gọi các Tông đồ đi theo Ngài qua một trung gian nào đó: Ngài mời gọi Nathanael qua trung gian ông Philipphê (x. Ga 1, 45-51); Ngài mời gọi ông Anrê qua trung gian ông Gioan (Ga 1, 35-37); Ngài mời gọi ông Simon Phêrô qua trung gian ông Anrê (x. Ga 1, 40-42).  Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mọi người làm việc tông đồ qua nhiều trung gian khác nhau, có thể qua gia đình, qua thầy cô giáo, qua bạn bè, đặc biệt là Ngài mời gọi chúng ta qua trung gian Giáo Hội.

Để đón nhận, Giáo hội cũng đưa ra những điều kiện phù hợp với từng ơn gọi, nhất là ơn gọi làm linh mục và tu sĩ.  Điều kiện chung của Giáo luật.  Điều kiện riêng của các Giáo Phận hay của các dòng tu.  Vì vậy, không phải ai cũng đủ điều kiện để làm tông đồ trong ơn gọi linh mục hay tu sĩ (con số này rất ít).  Nhưng mọi người đều được mời gọi chu toàn bổn phận ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội.  Đa số được mời gọi làm tông đồ trong ơn gọi hôn nhân: Có người được mời gọi làm tông đồ trong vai trò ban hành giáo, giáo lý viên; Có người được mời gọi làm tông đồ trong vai trò bác sỹ, nhà giáo, công nhân; Có khi chúng ta được mời gọi làm tông đồ ở gia đình, ở nhà thờ nhưng cũng có khi chúng ta được mời gọi làm tông đồ nơi chính mình làm việc, nơi trường học, chợ búa….  Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi nơi, hãy luôn cố gắng toả sáng việc tông đồ để “sinh hoa trái” cho phù hợp với ơn gọi của mình: Hoa trái của đức công bằng; hoa trái của đức yêu thương, bác ái; hoa trái của sự tha thứ… Để làm được những việc đó, đòi hỏi người tông đồ phải hy sinh, thậm chí có khi phải chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình để làm chứng cho Chúa thì cũng phải sẵn sàng.

Sau khi được bầu chọn làm Tông đồ, Kinh Thánh không nói gì về Thánh Mathia.  Nhưng chắc chắn Ngài đã hết lòng chu toàn bổn phận mà Giáo Hội trao phó, đó là bổn phận loan báo Tin Mừng và đặc biệt Ngài đã hy sinh tính mạng mình để làm chứng cho sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.  Xin Ngài luôn đồng hành và hướng dẫn công việc tông đồ của mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa, Thánh Mathia dầu được chọn sau hết nhưng Ngài đã chu toàn bổn phận như mười một Tông đồ khác, đó là hăng say loan báo Tin mừng và làm chứng cho Chúa bằng cái chết.  Mọi người chúng con cũng được kêu gọi tiếp tục sứ điệp của Thánh Mathia.  Xin cho chúng con, dù trong hoàn cảnh và địa vị nào cũng biết chu toàn bổn phận tông đồ để làm sáng danh Chúa.  Amen!

Lm  Anthony Trung Thành

THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH

Chỉ trong vỏn vẹn có hai câu trong đoạn Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu sử dụng năm lần chữ “tôn vinh/vinh hiển.”  Dựa vào Lời Chúa tiên báo: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”, Thánh sử Gioan muốn diễn tả giờ phút Chúa chịu khổ hình thập giá cũng là giờ phút Chúa được tôn vinh.  Đó cũng là giờ phút người ta nhận ra Người là Thiên Chúa đích thực.  Nếu Chúa Con đã vâng lời cho đến chết để tôn vinh Chúa Cha, thì qua cuộc phục sinh huyền diệu, chính Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, để rồi vinh quang của Chúa lan tỏa trong vũ trụ, nơi con người cũng như nơi vạn vật.  Sự tôn vinh như một dòng chảy giữa Chúa Cha và Chúa Con, và chúng ta, những tạo vật thấp hèn, cũng được chia sẻ vinh quang với Đấng đã chết và sống lại.  Hơn thế nữa, chúng ta được hòa vào dòng chảy hiệp thông và vinh quang của Chúa Ba Ngôi.  Chính vì vậy, càng nỗ lực rao truyền Danh Chúa bao nhiêu, chúng ta càng được thông phần vinh quang của Ngài bấy nhiêu.

Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Thiên Chúa đang được tôn vinh qua những cộng tác của chúng ta để loan báo Tin Mừng.  Sách Tông đồ Công vụ kể lại sức sống mãnh liệt và sự phát triển không ngừng của Cộng đoàn Kitô hữu sơ khai.  Mọi tín hữu, nhất là các tông đồ đều dấn thân đến mọi môi trường xã hội để loan báo Chúa Giêsu phục sinh.  Bài đọc hôm nay kể lại những hoạt động của Phaolô và Barnabê.  Một số địa danh được tác giả nhắc tới cho thấy nỗ lực và lòng nhiệt thành của các ông.  Các ông luôn rảo khắp mọi nơi để thiết lập những cộng đoàn mới.  Đến bất kỳ nơi nào, hai ông “tập hợp Hội Thánh”, tức là quy tụ mọi người thiện chí và kể lại cho họ những gì Thiên Chúa đã làm.  Đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh đã vượt qua ranh giới những người Do Thái để đến với các dân ngoại, vì vậy, số người tin Chúa ngày một tăng thêm.  Vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi các cộng đoàn và nơi cá nhân mỗi người tín hữu, nhờ đó cộng đoàn đầy tràn sức sống và niềm vui.

Thiên Chúa được tôn vinh khi chúng ta sống hòa thuận yêu thương nhau.  Thánh Irênê đã viết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống vui.”  Khi khẳng định điều này, vị Giáo phụ Hy Lạp muốn diễn tả: mỗi khi con người sống hạnh phúc và yêu thương nhau, thì vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện.  Cũng vậy, mỗi khi con người nỗ lực thực hiện tình yêu thương và sống hạnh phúc, là họ loan truyền vinh quang Thiên Chúa.  Sau khi nói đến việc Chúa Cha tôn vinh mình, Chúa Giêsu nhắc lại lời mời gọi sống yêu thương.  Giới răn yêu thương còn được nhắc lại trong phần tiếp theo của Tin Mừng (x. Ga 15,17).  Đức Giêsu cũng khẳng định: một khi các tín hữu sống yêu thương nhau, họ sẽ làm cho vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện, và những người khác sẽ nhận ra các tín hữu là môn đệ của Chúa.  Thiên Chúa là Đấng vô hình, người ta có thể nhận ra hình ảnh của Ngài nơi đời sống của người tín hữu, ở mức độ cá nhân cũng như tập thể.

Vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện một cách hoàn hảo vào lúc tận cùng thời gian, tức là ngày cánh chung.  Thánh Gioan trong thị kiến đã thấy trời mới đất mới.  Lúc đó, mọi đau khổ và nước mắt sẽ không còn.  Thiên Chúa không còn là Đấng vô hình nữa, nhưng Ngài sẽ hiện diện giữa dân Ngài một cách hữu hình cụ thể (Bài đọc II).  Đó là tương lai mà chúng ta đang hướng tới.  Đó cũng là đích điểm của đời sống Kitô hữu.

Sứ mạng cốt lõi của Chúa Giêsu khi Người được sai đến trần gian là để tôn vinh Thiên Chúa.  Việc rao giảng Tin Mừng và những phép lạ Chúa đã thực hiện là nhằm mục đích thể hiện quyền năng của Chúa Cha và lòng thương xót của Ngài.  Chúa Giêsu đã trung tín thực hiện sứ mệnh được trao, dù phải trải qua thập giá.  Tôn vinh Thiên Chúa cũng là ơn gọi của người Kitô hữu.  Điều này nghe có vẻ khó khăn, nhưng trong thực tế lại đơn giản.  Quả vậy, tôn vinh Thiên Chúa chỉ là đơn giản là cuộc sống đạo đức yêu thương và nhiệt thành tông đồ.  Điều này mọi Kitô hữu đều có thể làm được, nhờ nỗ lực của cá nhân, cộng với ơn phù trợ của Chúa, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CON CỦA SỰ KHÍCH LỆ

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời.”

William Arthur Ward nói, “Hãy tâng bốc tôi, và tôi có thể không tin bạn!  Hãy chỉ trích tôi, và tôi có thể không thích bạn!  Hãy quên bẵng tôi, và tôi có thể không tha thứ cho bạn!  Và hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”  Thú vị thay!  Các nhân vật của Lời Chúa hôm nay là những con người mà Hội Thánh và thế giới sẽ không bao giờ quên.  Đó là Barnaba, một người được mệnh danh là ‘Con của sự khích lệ’ và Giêsu, một ‘Thiên Chúa của sự khích lệ!’

Barnaba, xuất hiện trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất của Tân Ước.  Barnaba theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Con của sự khích lệ.”  Barnaba có tiếng là đã khích lệ mọi người ông gặp gỡ; điều này được thể hiện rất rõ qua trình thuật hôm nay.  Một điều gì đó vừa xảy ra trong thành Antiôkia, khi những người ngoại giáo tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu.  Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống để xem xét sự việc.  Ông vui mừng với những gì mắt thấy và đã dành cho các anh em tân tòng một sự khích lệ lớn lao, giục giã họ tin yêu Chúa.  Sau đó, Barnaba lập tức đến Taxô tìm Phaolô, một người mới tin Chúa; Barnaba khuyến khích Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này.  Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột hàng đầu của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu.”  Hội Thánh được khích lệ, mừng vui; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”  Thật không sai, Barnaba được gọi là ‘Con của sự khích lệ!’

Với bài Tin Mừng, chúng ta, đoàn chiên Chúa gặp được một sự khích lệ lớn lao nơi Giêsu Mục Tử, “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong; không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi.”  Thật an ủi khi biết Chúa Giêsu hết lòng vì chúng ta; Ngài quan tâm đặc biệt đến hạnh phúc tối thượng là “sự sống đời đời” của chúng ta.  Tuy nhiên, chúng ta không chỉ là những con chiên thụ động vì “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi”; nghĩa là, chúng ta vẫn có một vai trò nhất định trong mối quan hệ của mình với Thiên Chúa!  Chúa sẽ làm tất cả những gì có thể để gìn giữ chúng ta, nhưng mỗi người cũng có phần của mình trong ‘cuộc chơi!’  Chúng ta phải im ắng đủ để lắng nghe Ngài, qua Phúc Âm, toàn bộ Thánh Kinh, qua từng biến cố, qua từng con người.  Bởi lẽ, ngày nay, có nhiều tiếng nói đang cạnh tranh sự chú ý của chúng ta, chúng ta phải nghe cho được sự khích lệ của Ngài, hầu làm theo Ngài, với niềm tin rằng, sự khích lệ tận tâm của Ngài cho hạnh phúc của chúng ta là vô điều kiện.

Anh Chị em,

Noi gương Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta sống một phần của ơn gọi của mình như những người con ‘được gọi để khích lệ.’  Chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau phát triển trong mối tương quan với Chúa, giúp nhau trung thành với ơn gọi làm con Chúa.  Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau… cùng nhau hiệp hành trên con đường mang tên Giêsu mà tiến về nhà Cha!  Ước gì chúng ta có một trái tim lặng thinh đủ để nghe rõ ‘tiếng của lòng’ Thiên Chúa và ‘tiếng của lòng’ con người!  Từ đó, dám hy sinh, dám dấn thân, trở nên những người ‘con của sự khích lệ’ cho những ai đang bủn rủn, và đầu gối rã rời!  Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò quan trọng, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Hội Thánh trưởng thành và thế giới hiện đại ngày nay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho lửa yêu mến Chúa luôn nung đốt lòng con; để ai gặp con, họ gặp được sự khích lệ… để “không bao giờ quên” Chúa, nhưng muốn đến gần Ngài!” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CON ĐẺ, CON NUÔI

Nó chạy như bay sang nhà cô Bảy:

– Anh Hoan là con nuôi của Mẹ con sao? Ai nói với cô vậy?
– Vì cô là người đỡ đẻ nên cô biết!
– Cô nói dối! Nhà con đông anh chị em sao lại phải nhận con nuôi?  Cô không được nói bậy, anh con mà biết là con sẽ không tha thứ cho cô đâu, nghe rõ không?

Nó vùng vằng bỏ đi, dáng vẻ thật tội nghiệp, cái đầu nghiêng nghiêng và cứ lắc lắc liên tục.  Chắc có lẽ Nó muốn rũ bỏ những câu nói của cô Bảy hàng xóm và cũng có lẽ…  Nó muốn có một câu trả lời từ Mẹ, nhưng Mẹ Nó đang phải nằm viện vì bệnh cũ tái phát.  Còn Ba, Nó không biết là ông đã rời xa anh chị em Nó từ lúc nào, lớn lên Nó chỉ biết Ba bỏ đi khỏi nhà khi thằng Út Ьị mù đôi mắt mà thôi.

Mẹ Nó là một người phụ nữ xinh đẹp và đôn hậu.  Bà lấy chồng sớm lắm, mới 19 tuổi đã làm Mẹ.  Anh Hai nó tên Hoàng 26 tuổi đang làm việc ở văn phòng trong tòa cao ốc, Mẹ Nó mới gần 50 tuổi, nhìn qua người ta cứ tưởng là chị em cơ đấy.  Chị Ba tên Liên 21 tuổi, xinh đẹp như Mẹ, da trắng tóc dài, đang học năm cuối Đại học Kinh tế.  Anh Tư tên Hoan 18 tuổi, da hơi ngăm ngăm và có khuôn mặt thật đẹp, vuông và trán cao đang học lớp 12, chuẩn bị thi vào Đại học.  Nó tên Hùng,15 tuổi và thằng Út tên Dūng 13 tuổi.

À, Nó hiểu rồi, vì mấy anh chị em nhà Nó da đều trắng, chỉ có anh Tư Hoan là da ngăm đen, cái cô Bảy này nói đùa thôi, thế mà cũng bực mình.  Nó cười… đi vào bệnh viện với Mẹ, thay cho anh Hai về để chở Út đi học ở trường dành cho trẻ em khuyết tật rồi anh đi làm luôn thể!

Đến cửa, Nó nghe Mẹ đang nói chuyện với một người đàn bà lạ, Nó chưa gặp bao giờ.  Nó dừng chân vì nghe Mẹ nói:

– Khi chị bỏ con chị không nghĩ sẽ có ngày này sao? Chị có biết nếu tôi không đến kịp thì thằng Tư đã bị kiến cắn nát người rồi còn đâu.   Máu lạnh, cáс người thật là nhẫn tâm!

Mẹ vò tay lên ngực thở dốc.  Nó chạy vào không để người đàn bà đó chạm tay vào người Mẹ Nó.  Thật đáng ghét mà!!!

Khi tỉnh trí, Nó thấy Mẹ bối rối:

– Con đến lâu chưa, người ta nhờ Mẹ tìm kiếм con bị thất lạc, con à!

Nó nói dối là Nó vừa tới, nhưng Nó lại lộ rõ khuôn mặt thảng thốt, Mẹ quay đi lau giọt nước mắt đang trào ra.  Mẹ cầm tay nó như cầm lấy tay của người đàn ông thực thụ:

– Con đừng bao giờ nói với anh Tư chuyện này nghe chưa con, Mẹ xin con đấy. Tội nghiệp anh nghe con!

Nó gật đầu chắc chắn…

Rồi Mẹ kể cho Nó nghe chuyện anh Tư của Nó:

– Lúc đó Mẹ và cô Bảy cùng làm hộ lý cho Bệnh viện Phụ sản. Mẹ và Ba đã có hai người con là anh hai, chị ba, Ba đi làm ăn xa tận Campuchia.  Mẹ vừa đi làm vừa nuôi con một mình.  Một ngày nọ, khi tan giờ làm Mẹ về gần tới nhà đã 12 giờ khuya, thì có người gọi: có đứa trẻ bị bỏ rơi, kiến bu đầy người!  Theo phản xạ Mẹ chạy đến và quấn chặt đứa bé rồi chạy ngược vào Bệnh viện…  Мay mà kịp!  Rồi thương yêu và Mẹ nhận nuôi thằng bé, đó là anh Tư con.  Đã gần 20 năm sao người ta lại còn trở về đòi nhận con!

– Mẹ nuôi anh Tư bị bà con hàng xóm dị nghị: Mẹ không chính chuyên! Ba cũng nghe lời người ta ruồng rẫy Mẹ, đay nghiến Mẹ…  Ba đã không cho Mẹ, cô Bảy và cơ quan Mẹ giải thích.  Cũng được thôi!  Khi đã không còn tình cảm với nhau thì cố níu kéo cũng vô ích.  Con hiểu điều đó, đúng không con?

– Bù lại , anh Tư con thật kháu khỉnh và thật thông minh, Mẹ và anh chị con vui lòng vì điều đó!

Bất chợt như nghĩ ra điều gì, Nó hỏi:

– Rồi Ba lại về rồi mới đẻ ra con và Út hả Mẹ?

Mẹ cười thật hiền.  Ngừng lại thật lâu, thật lâu như đang nghỉ ngơi cho lại sức.  Mẹ nhìn ra phía xa xăm rồi cầm lấy hai bàn tay Nó, nhìn vào đôi mắt Nó… Mẹ nói:

– Ờ! Nhưng mà là con người kháс đẻ ra.  Con và em Dũng là con của Ba và một người kháс mang về để Mẹ nuôi, người đàn bà đó cũng bỏ đi… khi thấy em vừa sinh ra đời đã bị mù đôi mắt con ạ.  Ba đành ôm hai con về cho Mẹ nhờ Mẹ chăm sóc nuôi dưỡng.  Vậy là gia đình mình có 5 anh chị em đó.  Ba cũng mất rồi, mọi chuyện đối với Mẹ là Ông Trời đã thương và cho Mẹ những đứa con tuyệt vời.  Con hiểu không con?

Trời ơi!  Vậy là…  Nó ngồi lặng đi…  Nó bây giờ mới biết được MÌNH LÀ AI???

Nhưng Mẹ Nó… một người Mẹ không có ai trên đời có thể thay thế được cả.  Nó ôm chặt lấy Mẹ và … khóc!!!

Sưu tầm