PHÓ MÌNH TRONG TAY CHÚA CHA

Trình thuật về cuộc thương khó của Chúa, giúp chúng ta theo Chúa Giêsu từ phòng tiệc ly đến chân thánh giá.  Trong biến cố này, có sự phản bội của Giuđa, sự hận thù ghen ghét của các kỳ mục Do Thái, sự thay lòng đổi dạ của quần chúng đám đông.  Nhưng trên hết, đó là sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý của Chúa Cha.  “Người đã yêu thương đến cùng,” Thánh Gioan nói với chúng ta như vậy (Ga 13,1).  Ðức Giêsu như một người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa được loan báo trong ngôn sứ Isaia.  Người mang trên đôi vai mình tội lỗi của nhân loại.  Người không dùng bạo lực đối lại với bạo lực, không dùng lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa.  Người là con chiên vượt qua mà người Do Thái vẫn giết trong Ðền thờ vào dịp lễ để kỷ niệm cuộc xuất hành khỏi Ai Cập.  Máu của Người đổ ra là hy lễ xá tội muôn dân.

Trước biến cố thập giá, Chúa Giêsu luôn phó thác nơi cánh tay Chúa Cha.  Người sẵn sàng đón nhận cái chết để làm chứng cho lời mình rao giảng.  Người đến trần gian để thực hành thánh ý của Chúa Cha.  Người chấp nhận mọi sự, miễn là ý của Chúa Cha được thành tựu.  Lời cầu nguyện: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” đã diễn tả niềm tín thác kỳ diệu ấy.  Trong sa mạc, đã có lần ma quỷ thách thức Người gieo mình từ trên nóc Ðền thờ xuống.  Nếu khi ấy, Người đã không gieo mình xuống theo thách thức của tên cám dỗ, thì giờ đây, Người lại hoàn toàn phó thác mà gieo mình vào lòng Chúa Cha.  Người không tính toán, không băn khoăn, nhưng một niềm tin tưởng nơi Chúa Cha.

Thập giá là trung tâm điểm của nghi thức phụng vụ Tuần Thánh.  Hai mươi thế kỷ đã qua, các tín hữu được mời gọi nhìn lên thập giá để cảm nhận lòng xót thương của Thiên Chúa.  Thập giá là một mầu nhiệm mà trí khôn loài người không thể suy thấu.  Quả thật, làm sao có thể lý giải được việc Thiên Chúa chịu đau khổ và chịu chết?  Làm thế nào để hiểu sự kiện một Thiên Chúa quyền năng lại chấp nhận chịu bắt bớ, hy sinh và cuối cùng phải chết một cách nhục nhã trên cây thập giá?

Quyền năng Thiên Chúa ở đâu nơi thập giá?  Có một câu trả lời duy nhất và ngắn gọn, đó là tình thương.  Cũng như chỉ có tình thương mới giúp người mẹ hy sinh khuya sớm để chăm sóc đứa con bệnh tật lâu năm mà không một lời phàn nàn oán trách, chỉ có tình thương mới dẫn đưa Ðức Giêsu đến việc chấp nhận khổ đau và chết trên thập giá.  Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để tất cả những ai tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Vụ án Chúa Giêsu không chỉ là câu chuyện của quá khứ, nhưng là của ngày hôm nay.  Tại một số nước, vẫn có các Kitô hữu bị thảm sát, là nạn nhân của mối thù hận.  Ðây đó trên thế giới, vẫn còn những người vô tội bị giết.  Bóng thập giá vẫn phủ ngang qua mọi mảnh đời bất hạnh, phá vỡ hạnh phúc, xói mòn niềm tin.  Ðấng Cứu thế vẫn đang bị hành hình nơi những người nghèo khổ, người di dân lánh nạn và người cô thế cô thân.  Thập giá là tiếng kêu hãy ngưng bạo lực và đối xử với nhau cho xứng tình người.  Một điều lạ lùng là, chính khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá là lúc mọi người nhận ra Người là Con Thiên Chúa, trong khi trước đó họ nhạo báng Người.  Viên đại đội trưởng là đại diện cho dân ngoại, và dân chúng có mặt lúc bấy giờ đều đấm ngực ăn năn.  Họ đã nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Công chính.  Khi chiêm ngưỡng và suy ngắm mầu nhiệm thập giá, chúng ta cũng hãy nhận ra nơi con người chịu treo trên thập giá là Ðấng Cứu độ trần gian.  Thập giá cũng mời gọi chúng ta noi gương Chúa Giêsu, phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu, để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống trần gian.  Ðó là niềm tín thác trọn vẹn của người con nơi cha mình, biết rằng bao giờ cha cũng muốn những điều tốt lành cho con và làm mọi sự để con được sống vui và hạnh phúc.

Bài Thương Khó kết thúc trong bầu khí trầm lắng suy tư.  Mỗi người chúng ta có thể nhận ra mình là một nhân vật trong “vở kịch thương khó” mà thánh sử đã thuật lại.  Dù chúng ta là nhân vật nào đi nữa, lời mời gọi nhận ra tình thương vô bờ của Thiên Chúa vẫn đang thôi thúc.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TRUNG THÀNH MÀ CHỐI, CHỐI MÀ VẪN TRUNG THÀNH

Phêrô chối Thầy, một sự kiện khó quên.  Khó quên đối với chính ông và cũng khó quên đối với nhân loại.  Dù xảy ra đã khá lâu, nhưng đó vẫn luôn là đề tài lý thú. “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.”[1]  Lời thề hứa mạnh mẽ bao nhiêu, sự phản bội đau đớn bấy nhiêu.  Hình ảnh “Phêrô chối Chúa” từ lâu đã trở thành điển tích.  Hình ảnh ấy lưu lại một thất bại thê thảm trong cuộc đời Phêrô.  Phêrô đã hối cải, nhưng sự hối cải không thể thay đổi tính chất của việc đã xảy ra.  Người đời vẫn nhắc đến ông như một Tông đồ đã từng phản bội.

Tuy nhiên, lần lại từng chi tiết trong Kinh Thánh, có nhiều điều thú vị xoay quanh sự kiện đáng buồn ấy.  Tại vườn cây dầu, khi nghe Đức Giêsu nói đến cuộc khổ nạn và các môn đệ sẽ bỏ Người, Phêrô dõng dạc tuyên bố: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấy ngã” – lời tuyên bố hùng hồn từ trái tim đầy nhiệt huyết và trung thành.  Ngay thời khắc ấy, Phêrô không hề dối lòng.  Đức Giêsu nói thêm để cảnh tỉnh: “Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.”[2]  Điều Chúa nói rồi sẽ diễn ra, nhưng đó cũng là điều mà chính Phêrô không thể chấp nhận được.  Ông thề: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” [3] – lời tuyên bố của người môn đệ quyết tình trung tín, chứ không phải của kẻ lấp liếm gian ngoa.  Đây là điều mà không phải ai cũng có được.  Chuyện vấp ngã xét sau, nhưng nhiệt tâm nồng cháy mãnh liệt dù có xuất phát từ con tim yếu đuối vẫn đáng trân trọng hơn là chẳng có chút gì nhiệt tâm để thể hiện.

Đâu phải chỉ riêng Phêrô thề với Chúa, “tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy”[4].  Mọi người, ai ai cũng muốn thể hiện lòng trung tín với Thầy.  Ngay sau đó, khi giờ đã điểm, Giuđa dẫn quân binh đến bắt Đức Giêsu thì “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết”[5].  Nhiệt tâm là thế, ý muốn là thế, nhưng đối diện với nỗi sợ hãi, với khổ đau, với sự chết thì không hề đơn giản.  Nỗi sợ hãi bắt đầu trong vườn Êđen khi nguyên tổ phạm tội và trải dài xuyên suốt phận người.  Hăng hái thề thốt rồi yếu đuối vấp ngã đâu chỉ có mình Phêrô.  Mọi người khẩn cấp thoát thân.  Có người buông cả áo quần chạy trần truồng.  Chỉ một kẻ ở lại vì Thầy, đó là Phêrô.  Ông tuốt gươm và chiến đấu[6].  Phêrô yếu đuối, phải, ông yêu đuối thật.  Nhưng nếu đặt mình trong hoàn cảnh ấy, có ai dám bảo mình mạnh mẽ hơn ông?

Đức Giêsu chịu bị bắt và giải đi.  Trong đêm hoảng loạn kinh khiếp đó, còn môn đệ nào theo Người?  Chỉ có Phêrô.  Ông theo Chúa vào tận bên trong dinh thượng tế.  Nơi đây, ông đã chối Thầy.  Người ta thường nhớ đến sự kiện này qua hai chữ “chối Thầy.”  Mấy ai nghĩ rằng Phêrô mang theo sự yếu đuối khốn cùng của bản thân nhưng vẫn quyết tình theo Chúa.  Phêrô chối Chúa ba lần.  Ba lần đớn đau.  Ba lần không vượt qua được bản thân để làm chứng cho Thầy.  Nhưng lạ lùng thay, hoảng loạn, khiếp run và sợ hãi nhưng Phêrô không trốn chạy.  Trong vườn cây Dầu ông đã có thể thoát thân.  Sau lần chối thứ nhất, ông cũng có thể bỏ trốn.  Sau lần thứ hai, lần thứ ba cũng thế…

Nếu chỉ nghĩ cho bản thân và giữ gìn mạng sống, Phêrô không dại gì ở lại để chịu thêm rắc rối.  Không, ông vẫn lầm lũi theo Thầy, ông mang vác cả thân phận yếu hèn của mình để theo.  Ông không thể chối bỏ nó.  Nhưng hơn cả, ông không thể để Thầy ở lại một mình.  Phêrô vấp ngã, nhưng ai thấy được tình yêu ông dành cho Thầy tha thiết đến chừng nào.  Có người sẽ trở ngược vấn đề: tại sao yêu Thầy như thế, ông lại chối Thầy?  Lẽ nào chúng ta tự cho mình quyền đòi hỏi một con người hơn khả năng họ có thể.  Chúng ta có quyền đòi hỏi ai đó hơn những gì Thiên Chúa đòi hỏi họ sao?

Sợ.  Rất sợ.
Chối.  Đã chối.
Bỏ.  Không bỏ.
Theo.  Vẫn theo.
Và yêu Thầy đến chết.

Phải, chỉ mình Phêrô chối Thầy.  Mọi người không ai chối.  Có theo Thầy đâu mà chối.  Họ đã bỏ Thầy từ lâu rồi.  Hành trình khổ đau của Thầy đâu có dấu chân họ.  Họ trốn biệt.  Chỉ còn lại Phêrô.  Phêrô nhiệt tâm lắm.  Phêrô thề thốt lắm.  Phêrô yếu đuối lắm.  Phêrô cũng yêu Thầy nhiều lắm.  Phêrô mạnh miệng.  Phêrô chiến đấu.  Phêrô vấp ngã.  Phêrô chối Thầy, nhưng Phêrô vẫn theo Thầy.  Phêrô tiếp tục yếu đuối vì hoảng sợ, Phêrô lại chối Thầy nhưng ông không bỏ Thầy.  Lần thứ ba cũng thế.  Phêrô yêu Thầy hơn tất cả, tình yêu được ấp ủi bằng con tim yếu đuối nhưng vẫn yêu.  Tình yêu ấy có thể chẳng là gì so với người khác, nhưng đủ mạnh để giúp ông vượt thắng cả tội lỗi chính bản thân và hạ mình xuống vực thẳm cậy trông mà sám hối.  Yếu đuối làm ông ngã quỵ, nhưng tội lỗi không hạ gục được ông.

Gà cất tiếng gáy.  Chúa nhìn Phêrô.  Ánh mắt trách móc, ánh mắt phản tỉnh hay ánh mắt thất vọng?  Không, Chúa biết ông yếu đuối đến ngần nào.  Chúa biết ông sẽ vấp ngã ra sao.  Và Chúa cũng biết, trong khoảnh khắc lịch sử có một không hai ấy, chỉ còn mỗi Phêrô là trung tín.  Ánh mắt Người xuyên thấu tâm can ông.  Ánh mắt ấy vực dậy người môn đệ từ trong nỗi hãi hùng khiếp sợ.  Ánh mắt nâng đỡ một tình yêu đang quằn quại giữa muôn vàn yếu đuối.  Ánh mắt khai thông sự bế tắc đang dằn vặt tâm hồn.  Ánh mắt trìu mến nhắc ông về tình yêu lớn lao làm tâm hồn ông vỡ òa thống hối và yêu mến nhiều hơn.  Ánh mắt in dấu ấn chứng nhận cho tình yêu không thể thốt nên lời.  Người môn đệ tín trung lúc này lặng lẽ theo Thầy.  Ông là môn đệ trung kiên, để rồi đây ông sẽ được diễm phúc chết giống như Thầy.  Một tình yêu ngời sáng rực rỡ qua cuộc đời đầy yếu đuối.  Ông thề không bỏ Thầy và đã không bỏ Thầy.

Phêrô ba lần chối Chúa – ba lần vấp ngã – ba lần khoét vào tâm hồn những vết thương muôn đời không thể xóa nhòa.  Hay đó cũng là ba lần thích vào trái tim đang quằn quại đau đớn những ấn tích của tình yêu.  Có yêu mới vì nhau ở lại.  Có yêu mới phải quay quắt dằn vặt với từng yếu đuối.  Có thật sự yêu và đau đớn bởi tình yêu mới dám nói với Thầy: “Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.”[7]  Có ai như Phêrô dám nhìn thẳng Thầy mà nói như thế, dù trước đó không lâu đã chối Thầy.  Phải, ông tin Thầy biết mọi sự.  Thầy thấu tỏ lòng ông.

Đêm ấy còn đây:

Kẻ muôn thu chịu tiếng “chối Thầy” – nhưng vẫn theo đến cùng.

Còn những người khác không ai chối Thầy –  đơn giản vì họ không theo.

VẬY AI THẬT SỰ CHỐI THẦY?

TMT – Học Viện Đa Minh

[1] Lc 22,33
[2] Mt 26,34; Mc 14,30; Lc 22,34
[3] Mt 26,35; Mc 14,29-31; Lc 22,33
[4] Mt 26,35; Mc 14,31
[5] Mt 26,56; Mc 14,50
[6] Mt 26,51; Mc 14,47; Lc 22,49-51; Ga 18,10
[7] Ga 21,15-17

SUY TƯ VỀ GIUĐA ÍTCARIỐT

Theo truyền thống, Thứ Tư Tuần Thánh được gọi là “Spy Wednesday,” (Thứ Tư Do Thám) vì đó là ngày tông đồ Giuđa phản bội Thầy Giêsu.  Đó là lời nhắc nhở chúng ta đã ít nghĩ về Giuđa… có lẽ vì chúng ta không thích những gì chúng ta biết.  Đây là 8 điều đáng để chúng ta suy tư:

1. Giuđa Thuộc Nhóm Mười Hai
Nói chung, đó là điểm rõ ràng và không thú vị.  Nhưng đó là điều thực sự đáng cân nhắc.  Điều đó cho thấy rằng Giuđa là một trong số mười hai môn đệ đầu tiên được Đức Kitô truyền chức thánh trong Giáo Hội – được chính Chúa Giêsu tuyển chọn, Ga 6:70-71.  Điều đó gợi nhiều ẩn ý.

Vào lúc nào đó, Giuđa đã bỏ mọi sự để theo Đức Kitô (Mc 10:28) Các câu chuyện như vậy thật rắc rối.  Tôi nhớ rằng Charles Templeton là người đi loan báo Tin Mừng cùng với Billy Graham, nhưng rồi từ bỏ Kitô giáo và theo thuyết bất khả ngộ hoặc vô thần.  Có lẽ nhiều người cho rằng không thể có chuyện như vậy, thế nhưng sự thật vẫn mãi là sự thật.  Thánh Phaolô biết lịch sử Israel, cho biết rằng nhiều người được Thiên Chúa cứu khỏi Ai Cập nhưng rồi lại từ bỏ Ngài và chết.  Thánh Phaolô nói: “Ai tưởng mình đang đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã.” (1 Cr 10:12).  Giuđa nhắc chúng ta nhớ tới điều tương tự.  Nếu Giuđa có thể bỏ mọi sự và dành nhiều thời gian cho Đức Kitô, thậm chí là thân thiết với Ngài, mà vẫn sa ngã, bạn và tôi không nên tự phụ.  Nhưng nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta tiến bước.

2. Giuđa Không Kỳ Cục
Không có lý do gì để tin rằng Giuđa là trường hợp duy nhất.  Nghĩa là dễ rơi vào cái bẫy suy nghĩ của Giuđa là trường hợp duy nhất trong lịch sử sa đọa đến nỗi ông có thể phản bội Chúa Giêsu như thế.  Dĩ nhiên điều đó không thật.  Ông không là Kitô hữu duy nhất, cũng chẳng là giáo sĩ duy nhất.  Chúng ta có gợi ý về điều này trong những lần thất bại của các môn đệ khác – chẳng hạn, Phêrô chối Thầy, hoặc các môn đệ khác bỏ của chạy lấy người khi Chúa Giêsu bị bắt.  Nhưng chúng ta có gợi ý về điều này trong Giáo Hội về các vụ bê bối ngày nay.

3. Giuđa Che Giấu Cuộc Chiến Nội Tâm
Vấn đề của Giuđa không bắt đầu trong Tuần Thánh.  Đã có vẻ như Giuđa không là môn đệ trung thành, và rồi ông đã phản bội Chúa Giêsu không biết vì lý do gì.  Không phải vậy, có một đường dài dần dần ông chuyển từ ánh sáng sang bóng tối.  Trong Ga 6:70-71, Chúa Giêsu cho biết rằng Giuđa thoái hóa, khi đó Ngài nói về Thánh Thể.  Sau khi Ngài nói rằng thịt và máu Ngài là của ăn và của uống thật, nhiều môn đệ đã xầm xì với nhau: “Lời này chướng tai quá!  Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60) Phêrô nói thay cho cả Nhóm Mười Hai, xác tín vào Chúa Giêsu, nhưng lúc đó Ngài ám chỉ việc phản bội của Giuđa.  Có điều gì đó có vẻ buồn cho Giuđa.  Thánh sử Gioan cho chúng ta biết rằng Giuđa ăn cắp tiền (Ga 12:6).  Nếu bạn phạm tội trọng, đó là tội lăng nhăng ngoài hôn nhân hoặc tội gì đó, có cơ hội tốt để tội đó không là điểm khởi đầu.  Một loạt các hành vi xấu xa dẫn tới hậu quả rất tồi tệ.  Thánh Phanxicô Salê mô tả quá trình đó là “sự cám dỗ, sự ham muốn, và sự ưng thuận.”

Một người vợ yêu dấu của người chồng, có người gởi tin nhắn cám dỗ người vợ này không chung thủy.  Thứ nhất, tin nhắn đó là đề nghị của người đàn ông kia.  Thứ hai, người vợ có thể chấp nhận hoặc từ chối.  Thứ ba, cô ta có thể bằng lòng hoặc khước từ.  Mặc dù vậy, khi Satan, thế gian, và xác thịt nhìn vào linh hồn gắn liền với Con Thiên Chúa, chúng đặt ra những chước cám dỗ và lời đề nghị với linh hồn đó, do đó –

[1] Tội lỗi được đề nghị với linh hồn đó;
[2] Lời đề nghị có thể làm vui hoặc không vui đối với linh hồn đó;
[3] Linh hồn đó có thể bằng lòng hoặc từ chối. 

Nói cách khác, có bộ ba là “sự cám dỗ, sự ham muốn, và sự ưng thuận.”  Mặc dù bộ ba này có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ nhận ra, mà chúng theo dấu trong các tội trọng.

Thánh Giacôbê nói rằng có hệ lụy tất yếu: “Một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi thì sinh ra cái chết.” (Gc 1:15) Vấn đề ở đây không phải là Giuđa chiến đấu với cơn cám dỗ – tất cả chúng ta cũng vậy.  Mà vấn đề là Giuđa có vẻ chiến đấu một mình, cứ để chúng cắn rứt cho tới lúc dám phản bội Thầy.  Thánh Gioan nói: “Đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.” (Ga 3:19) Ma quỷ phát triển trong bóng tối, thế nên nếu bạn chiến đấu về điều gì đó về tâm linh, hãy chia sẻ điều đó với một người mà bạn tin tưởng – một linh mục, một người uy tín, một người thân, một người bạn,… Và bạn sẽ ngạc nhiên thấy chước cám dỗ phải teo dần trong ánh sáng.

4. Giuđa Không Quan Tâm Thần Học
Là Kitô hữu, chúng ta thuộc về “Israel Mới.”  Nhưng điều đó có ý nghĩa gì?  Đáng nhớ tên gọi này có từ đâu.  Tổ phụ Giacóp được đổi tên thành Israel sau khi vật lộn suốt đêm với thiên thần.  Cuối cùng, thiên thần nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng” (St 32:29).  Nói cách khác, chúng ta có một Thiên Chúa là Đấng trở thành sự cố gắng.  Và Giuđa có vẻ phiền vì sứ điệp của Chúa Giêsu, nhưng ông không quan tâm hoặc không muốn cố gắng.

Một điều nổi bật về Giuđa là, qua các Phúc Âm, chúng ta không thấy ông nói về chính mình và tiền bạc.  Có lẽ những gì ông nói là tự thêu dệt hoặc kêu gọi về tài chính.  Trong Tuần Thánh, tại nhà ông Simon Cùi, cô Maria ở Bêtania xức dầu thơm hảo hạng lên chân Chúa Giêsu, Giuđa đã phản đối: “Phí dầu thơm như thế để làm gì?  Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo” (Mc 14:4-5) Chúa Giêsu nói: “Cứ để cho cô làm.  Sao lại muốn gây chuyện?  Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa.  Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được!  Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!  Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.  Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô” (Mc 14:6-9).

Câu trả lời của Chúa Giêsu là thần học.  Khó có thể tưởng tượng rằng điều đó lại vô nghĩa đối với Giuđa, bởi vì ông không có ánh mắt cần thiết (ít là ngay lúc đó) để biết tại sao điều đó tốt đẹp đối với Thiên Chúa.  Lý luận của Giuđa là sự lạnh nhạt của thời hiện đại – những thứ tốt đẹp và mắc tiền như nước hoa phải bán đi để lấy tiền mua lương thực cho người nghèo, hoặc ít ra là để dằn túi của những người như Giuđa và những người có thói quan liêu.

Nói cách khác, đó là lần duy nhất chúng ta nghe Giuđa yêu cầu điều gần gũi với vấn đề tôn giáo, điều thuần túy là “Phúc Âm công bình xã hội” không có chỗ cho sự siêu việt, vẻ đẹp, Thập Giá, hoặc Thiên Chúa.  Bức tranh về Giuđa nổi bật trong Tân Ước là con người không thể nắm bắt chiều kích “thẳng đứng” của Kitô giáo, nhưng là con người chỉ nghĩ theo chiều ngang.  Sự tập trung của ông có vẻ ít tập trung vào Thiên Chúa, mà tập trung vào con người – và cuối cùng là tập trung vào chính mình.

5. Giuđa Không Tôn Kính Thánh Thể
Trước tiên, Giuđa có vẻ bắt đầu tách khỏi Đức Kitô sau khi nghe giáo huấn về Thánh Thể trong Ga 6, có vấn đề là không biết Giuđa có được thúc đẩy bởi các lý lẽ thần học hay không (không thích điều Chúa Giêsu nói), hoặc những điều cá nhân (không thích khi thấy Chúa Giêsu bị người ta bỏ rơi).  Nhưng điều này lên cao điểm trong việc phản bội vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh.  Đáng chú ý cách phản bội của Giuđa được mô tả là có liên quan Thánh Thể.

Thánh Luca kể: Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em.  Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”  Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.  Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy.  Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người” (Lc 22:19-22).

Chúa Giêsu tố cáo sự trơ tráo của Giuđa khi tham dự Thánh Lễ đầu tiên mà lại mưu tính phản bội.  Các môn đệ cũng lầm lẫn về ý nghĩa của lời nói gở của Chúa Giêsu, và họ bắt đầu hỏi nhau xem Chúa Giêsu ám chỉ ai.  Thánh Gioan kể lại những gì tiếp tục xảy ra:

Chúa Giêsu nói: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy.”  Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt.  Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y.  Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!”  Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Ngài nói với y như thế.  Vì Giuđa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giêsu nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ,” hoặc bảo y bố thí cho người nghèo.  Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra.  Lúc đó, trời đã tối. (Ga 13:26-30)

Giuđa nhận miếng bánh một cách bất xứng – rước lễ bất xứng, Gioan mô tả việc lãnh nhận bất xứng đó là lúc Satan nhập vào Giuđa.  Sau đó, Giuđa đứng dậy và bỏ đi – dĩ nhiên mang theo cả túi tiền.  Như vậy, Giuđa coi thường việc tham dự nghi lễ tôn giáo – dạ tiệc mừng Lễ Vượt Qua, Thánh Lễ đầu tiên, chỉ vội đi lo chuyện xấu xa.  Điều đó cũng giống như khi chúng ta rước lễ xong rồi ra ngoài ngay, không ở lại cho đến hết lễ – và không tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở trong lòng mình.

6. Giuđa Hợp Tác Với Satan
Điều kinh khủng về Giuđa không chỉ là một Kitô hữu phản bội Đức Kitô, mà còn là một trong Nhóm Mười Hai lại liên minh với ma quỷ – nghĩa là Giuđa biết mình đang tuân lệnh của Satan, còn hơn là sự yếu đuối bình thường của nhân loại.  Điều ranh mãnh siêu nhiên là chỗ đó.  Nếu chúng ta rời ánh mắt khỏi những điều thuộc về Trời, chúng ta sẽ chỉ chú ý vào những gì thuộc thế gian.  Lúc đó, chúng ta nửa hướng mắt nhìn lên, nửa hướng mắt nhìn xuống những gì ở bên dưới chúng ta.

Đừng bao giờ tự mãn, hãy luôn bám chặt vào Đức Kitô, đặc biệt là kết hiệp với Ngài qua bí tích Thánh Thể.  Một người cai rượu nói: “Nếu tôi uống lại, vấn đề sẽ tồi tệ hơn trước.”  Đó là vấn đề quan trọng đối với bạn và tôi.  Sự cám dỗ trở thành sự thích thú, sự thích thú trở thành tội lỗi.  Đào vi thượng sách, tránh voi chẳng xấu mặt.  Tội nhỏ trở thành tội lớn, nếu chúng ta không đưa nó ra ánh sáng.  Đó là bài học đắt giá chúng ta học được từ Giuđa.

Joe Heschmeyer
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ ShamelessPopery.com)