CHÚA GIÊSU HIỆN RA BÊN BỜ HỒ TIBÊRIA

Nếu người ta muốn chế ra Sự Phục Sinh, thì tất cả sự nhấn mạnh sẽ phải nhắm vào tính xác thực hoàn toàn của thân xác, vào thực tế là người ta có thể nhận ra Ngài ngay lập tức và, ngoài ra, có lẽ người ta cần phải tưởng tượng ra một quyền năng riêng như một dấu chỉ đặc trưng của Đấng Phục sinh…

Đây là một tin mừng có mùi hương tươi mát của buổi sáng!  Hồ Tiberia rộng lớn, nơi nước hòa vào đường chân trời với bầu trời xanh ngắt, trở thành hình ảnh của tương lai rộng mở của Giáo hội, nơi Trời và Đất gặp nhau.  Đúng vậy, tin mừng tuyệt vời này mang lại cho chúng ta sự can đảm trong những thời điểm khó khăn này: chúng ta có thể mạo hiểm trên biển khơi trong thời gian sắp tới, bởi vì Chúa Giêsu thực sự hiện diện trên bờ biển, và vì lời của Ngài đồng hành với cuộc vượt biển của chúng ta.

Mở đầu câu chuyện, có một sự tương phản nhất định giữa các môn đệ và Chúa Giêsu: Các môn đệ ở dưới biển, trái lại, Chúa Giêsu ở trên đất liền.  Các môn đệ lao động suốt đêm, thay vào đó Chúa Giêsu hiện ra trong ánh ban mai vui tươi.  Các môn đệ đang đói và không có gì để ăn, trái lại, Chúa Giêsu vốn no lòng lại dọn sẵn một bữa ăn cho họ.

Điều đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu không được nhận ra ngay lập tức.  Đây cũng là trường hợp của tất cả các câu chuyện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra.  Và bây giờ chúng ta có thể tự hỏi mình, tại sao họ không nhận ra Ngài?  Bởi vì việc kinh nghiệm Chúa Giêsu Phục sinh rõ ràng không phải là việc gặp lại một người bạn cũ không ai còn thấy!

Đức Bênêđíctô đã viết “[có] một phép biện chứng đáng kinh ngạc giữa căn tính và sự khác biệt, giữa tính thực của thân xác và sự tự do không bị ràng buộc bởi thân xác…  Cả hai điều này đều đúng: Ngài vẫn thế – một người bằng xương bằng thịt – và Ngài là cũng là Người Mới, người đã bước vào một dạng tồn tại khác… Nếu người ta muốn chế ra Sự Phục Sinh, thì tất cả sự nhấn mạnh sẽ phải nhắm vào tính xác thực hoàn toàn của thân xác, vào thực tế là có thể nhận ra Ngài ngay lập tức và, ngoài ra, có lẽ người ta cần phải tưởng tượng ra một quyền năng riêng như một dấu chỉ đặc trưng của Đấng Phục Sinh… Nhưng không phải thế, những cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh là một điều gì đó khác với những sự kiện nội tâm hoặc những kinh nghiệm thần bí – chúng là những cuộc gặp gỡ thực sự với Đấng Đang Sống, theo một cách mới mẻ, có một cơ thể và vẫn còn vật chất.

Tóm lại, để nhận ra Chúa Giêsu, người ta phải mở ra cho mình một hình thức hiện diện mới, không kém phần hiện thực nhưng thuộc một trật tự khác.  Như vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh không kém phần có thực, chỉ kém phần hiện thực bằng mắt thường mà thôi.

Bạn đã nghe rồi, không phải các môn đệ, đang hoang mang vì mệt mỏi và vì màn đêm, là những người nhìn thấy Chúa Giêsu trên bờ.  Trái lại, sáng kiến ​​đến từ Chúa Giêsu, Ngài gọi họ!  Ngài cho họ thấy!  Ngài tham gia cùng họ sau một đêm tối, trong nỗi vất vả của họ, trong nỗi lo lắng của họ, trong cơn đói của họ.  Tương tự như vậy đối với chúng ta ngày nay, thường là khi chúng ta phải vất vả suốt đêm, chẳng làm được gì, thì Thiên Chúa dễ nhìn thấy, và dễ nghe thấy hơn!

Chắc chắn Chúa không tự trao ban nhiều hơn cho chúng ta trong cuộc chiến ban đêm.  Tuy nhiên, khi chúng ta vẫn còn đủ mạnh mẽ để có thể tự mình giải quyết mọi chuyện  thì việc lắng nghe Chúa và nhìn nhận Ngài sẽ khó hơn.

Nghịch lý thay, việc lắng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu lại dễ dàng hơn khi chúng ta đã tự mình cảm nghiệm sự cằn cỗi của mình!  Đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu Phục sinh trở nên cụ thể hơn khi chúng ta không bắt được gì, khi chúng ta mệt mỏi, khi chúng ta đói.  Nói cách khác, khi bằng chứng về sự yếu đuối của chúng ta được biểu lộ, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh hơn.

Bây giờ một điều gì đó khác xẩy ra: Khi các môn đệ trở lại với Chúa Giêsu, lưới đầy cá, một điều kỳ lạ xảy ra: Chúa Giêsu không cần cá của họ!  Ngài đã chuẩn bị bữa ăn rồi… và hơn nữa, Ngài đang đợi họ đến ăn cùng.

Một dấu ngoặc đơn ngắn gọn: Thánh Luca luôn nói đến ba yếu tố đặc trưng cho sự hiện diện của Đấng Phục Sinh giữa các ngài: Ngài hiện ra với họ, nói chuyện với họ và chia sẻ bữa ăn với họ.  Hiện ra – nói – có mặt tại bàn ăn là ba biểu hiện của Đấng Phục sinh, qua đó Ngài tự tỏ mình là Đấng Hằng Sống.

Hãy nghe xem, điều đó thật đẹp tuyệt vời: Ngài là người thết tiệc… và Ngài cho họ thức ăn.  Kết  quả kỳ diệu của mẻ lưới của họ không phải là bữa tối trong ngày, mà là vì họ!  Chúa Giêsu không cần kết quả kỳ diệu đó.  Nói cách khác: Chúa Giêsu không cần 153 con cá của họ, vì chính Chúa Giêsu là của ăn!  Thứ Ngài muốn cho không phải là cá và bánh mì, thứ mà Ngài muốn là cho đi chính mình!

Trong đức tin của chúng ta, Ngài là Bánh Sự Sống, Ngài là Đấng ban lương thực, Ngài là hạt lúa mì chết đi để sinh hoa trái dồi dào cho nhiều người.

Tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm về điều đó: những gì là vật chất không làm được gì ngoài chuyện suy giảm đi khi nó được chia sẻ.  Ngược lại, tình yêu càng phát triển khi nó càng tự trao ban nhiều hơn.  Tình yêu lớn lên và nhân lên khi nó được cho đi.

Ngoài ra, bữa sáng này do Chúa Giêsu cung cấp, bên lề thời gian và vĩnh cửu, là một ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu là bánh, nhưng Ngài cũng là cá, một con cá đắm mình trong dòng nước của sự chết, để tìm kiếm chúng ta nơi chúng ta bị lạc… và tìm kiếm chúng ta.

Tóm lại, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy đến và ăn!”  Vì vậy, Ngài khiến chúng ta vượt qua biên giới của thời gian và cái chết.

****************************

Cảm tạ Chúa, vì Chúa đến tham gia cùng chúng con vào buổi sáng, khi đêm tối đã hoàn thành công việc của nó, khi chúng con mệt mỏi và nản lòng.
Lạy Chúa, sự hiện diện của Chúa giúp chúng con nhận ra những gì chúng con còn thiếu, những gì chỉ mình Chúa mới có, những gì Chúa muốn trao ban cho mọi người, một cách cá nhân.
Lạy Chúa, không có Chúa thì mọi thứ đều vô sinh, không có Chúa thì con không thể làm gì được, hoặc khi ấy thì con chỉ có thể làm chuyện không đâu.
Lạy Chúa, Chúa không muốn lấy thành quả lao động của con, con cá của con,
Chúa chỉ muốn cho đi chính mình, vì bản chất của tình yêu là cho đi một cách nhưng không, không vì lý do gì khác hơn là cho đi.
Xin Chúa giúp con nhận ra con trên bờ.
Xin Chúa giúp con nhận ra Chúa trong Bí tích Thánh Thể.
Để nếm trải Chúa trong Bánh Sự sống,
nơi Chúa thực sự trao ban chính mình!
Vì vậy, cùng với Phêrô, với tâm hồn tràn đầy niềm vui, con có thể nói trong Thánh lễ: “Đó là Chúa!”  Amen!

Phêrô Phạm Văn Trung
chuyển ngữ, 
theo LM Jerome Jean, cath.ch/blogsf.

CHỨNG NHÂN PHỤC SINH

Sách Tông đồ Công vụ thường được gọi là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.  Nội dung sách này kể lại đời sống Đức tin của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, nhất là chứng từ của các tông đồ và nỗ lực truyền giáo của các ngài.  Vào thời sơ khai ấy, nội dung lời giảng dạy của các tông đồ rất đơn giản, chỉ là sự quả quyết Đức Giêsu đã chết nhưng đã sống lại theo như lời Thánh Kinh, và Người đang hiện diện giữa các tín hữu.  Bài đọc I cho thấy, vị Thượng tế và các thành viên Thượng Hội đồng rất đỗi ngạc nhiên, vì thấy Phêrô và các tông đồ là những người dân chài ít học quê mùa, nhưng lời chứng của các ông rất rõ ràng, xác quyết.  Các ông còn sẵn sàng chấp nhận đau khổ để chứng minh sự sống lại của Đức Giêsu.  Hơn nữa, Phêrô còn tỏ ra rất uyên bác và khôn ngoan, khi tuyên bố trước các thành viên của Thượng Hội đồng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”  Ông còn diễn giải sự phục sinh của Đức Giêsu là do quyền năng của Thiên Chúa.  Ông sẵn sàng làm chứng, cùng với Thánh Thần “Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”  Lời chứng của các ông mạnh mẽ đến nỗi, những thành viên Thượng Hội đồng là những người học thức, phải im lặng.  Họ không làm gì được các ông, và chỉ còn gỡ thể diện bằng cách cho đánh đòn rồi thả các ông ra.

Không chỉ Phêrô và các tông đồ, cộng đoàn tín hữu tiên khởi cũng xác tín vào sự hiện diện của Đấng Phục sinh.  Chính Đấng Phục sinh đã làm cho lời giảng của các tông đồ mang tính thuyết phục.  Chính Đấng Phục sinh đã quy tụ các tín hữu, để làm nên một thân thể và một tâm hồn, liên kết với nhau trong tình hiệp thông.  Vì thế mà số người tin theo Chúa Giêsu qua lời giảng của các tông đồ tăng lên nhanh chóng.

Thực ra, ban đầu các môn đệ cũng rất hoang mang trước cái chết của Chúa.  Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus là một ví dụ.  Dường như các ông chưa hiểu được sứ mạng của mình sau sự kiện Phục sinh.  Việc ông Phêrô đi đánh cá, và các môn đệ cùng đi với ông trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các ông đã muốn trở lại với nghề nghiệp cũ, tức là nghề đánh cá, là công việc các ông vẫn làm trước khi theo Chúa Giêsu.  Bởi lẽ khi nghe Chúa gọi, các ông đã bỏ thuyền, bỏ chài lưới và bỏ gia đình, cha mẹ mà đi theo Người.  Qua việc các ông đi đánh cá, dường như việc theo Chúa đã kết thúc.  Hơn ai hết, các ông hiểu thời điểm và vị trí nào thuận tiện để mẻ lưới có kết quả.  Tuy vậy, các ông vất vả suốt đêm mà không được con cá nào.  Chỉ đến lúc Đức Giêsu hiện ra và bảo các ông thả lưới bên phải mạn thuyền, lúc bấy giờ, các ông mới thu hoạch được mẻ lưới kỳ diệu.

Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu hiện diện giữa các môn đệ với một phong thái khác.  Chính các ông cũng không nhận ra Người, mặc dù trước đó các ông ở với Người, cùng ăn uống với Người.  Chỉ khi trực tiếp chứng kiến mẻ cá lạ, mắt các ông mới mở ra, và nhận ra Thày mình.  Sự hiện diện của Đấng Phục sinh mang tính huyền nhiệm linh thiêng, không còn như trước, bởi Người đã từ cõi chết sống lại.  Nếu Chúa hiện diện vô hình và huyền nhiệm, thì hiệu năng của sự hiện diện ấy lại vô cùng mãnh liệt.  Thánh sử Gioan ghi rõ số cá thu được từ mẻ lưới lạ là 153 con.  Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, con số 153 là số loài cá dưới đại dương mà những nhà nghiên cứu chuyên môn thời bấy giờ thống kê được.  Như thế, 153 con cá có nghĩa là tất cả các loài cá dưới đại dương.  Ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu Kitô mang tính hoàn vũ.  Tất cả mọi người dưới gầm trời này, nếu đến với Đức Giêsu và đón nhận giáo huấn của Người, thì đều được cứu rỗi.  Đó cũng là điều tác giả sách Khải Huyền đã thấy trong thị kiến, ở Bài đọc II của Chúa nhật này.  Tác giả viết: “Tôi nghe thấy mọi loài thụ tạo trên trời dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả cùng tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời.”  Con Chiên chính là hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã chịu sát tế làm của lễ dâng lên Chúa Cha, giống như con chiên mà người Do Thái giết trong dịp lễ Vượt qua để tưởng niệm việc Chúa cứu Dân Ngài ra khỏi Ai Cập.  Như máu chiên bôi trên khung cửa nhà người Do Thái để tránh cho các con đầu lòng bị tàn sát, máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá tẩy rửa tội lỗi, giải phóng và ban ơn cứu độ cho loài người.

Cuộc gặp gỡ giữa các môn đệ với Đức Kitô Phục sinh, vừa củng cố Đức tin của các ông, đồng thời cũng là dịp Chúa trao trách nhiệm trông coi đàn chiên, mà người đứng đầu là Phêrô.  Trách nhiệm này chỉ được trao phó khi Phêrô thành tín tuyên xưng tình yêu mến và lòng trung thành.  Lời tuyên xưng ấy, Phêrô đã giữ suốt đời, cho đến lúc chết để làm chứng cho Thày mình.  Tác giả cuốn tiểu thuyết nối tiếng “Quo Vadis” của nhà văn người Ba Lan, Henryk Sienkievich, đã diễn tả Phêrô như một ông cụ già nua, khả kính, luôn hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu trong lúc cuộc bách hại của hoàng đế Nêrô ở thời điểm khốc liệt nhất.  Trong cuộc hành hình các tín hữu ở Hý trường Rôma, Phêrô vẫn hiện diện giữa đám khán giả, để chúc lành cho các tín hữu đang bị làm mồi cho sư tử.  Sự hiện diện của vị Tông đồ trưởng đã tiếp thêm sức mạnh để các tín hữu can đảm và trung thành tuyên xưng Đức tin cho đến hơi thở cuối cùng.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Phêrô cảm thấy buồn, vì Thày hỏi đến ba lần về lòng yêu mến.  Thực ra, những cử chỉ và lời nói yêu thương cần phải được lặp đi lặp suốt cả cuộc đời, như đôi lứa đang yêu tâm sự cùng nhau, như mẹ cha nói với con cái và như con cái tỏ bày với cha mẹ.  Phêrô đã trung thành với lời hứa ấy.  Chúa đã quên quá khứ của ông.  Người không còn nhớ đến lỗi lầm của Phêrô cũng không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng ta.

Cũng như Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên, Người cũng đang mời gọi chúng ta làm chứng cho Người giữa thế gian.  Làm chứng cho Chúa Phục sinh là sứ mạng nhiều khó khăn gian khổ.  Chúa đã nói với tông đồ Phêrô về một tương lai sắp tới: “Anh sẽ phải giang tay cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”  Thánh sử Gioan đã nhận thấy đây là một lời tiên tri, ám chỉ Phêrô sẽ phải trải qua đau khổ và phải chết.  Những chứng nhân của Chúa, thời nào cũng trải qua thập giá.  Bởi lẽ, chúng ta rao giảng một Đức Giêsu chịu khổ hình và chịu đóng đinh.  Muốn là người môn đệ đích thực, Kitô hữu phải đi trên con đường Thày mình đã đi.  Đó là con đường thập giá.  Nhưng thập giá không phải là đích điểm của hành trình Kitô hữu.  Đó chỉ là một chặng đường tiến tới Phục sinh.  Chúng ta đang đi trên con đường ấy, với lòng kiên nhẫn và trung thành, có Đấng Phục sinh luôn hiện diện và đỡ nâng chúng ta.  Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã ghi lại một điều bất ngờ: khi Thượng tế và các thành viên Thượng Hội đồng ra lệnh đánh đòn ông Phêrô và các tông đồ, có ý đe dọa và làm các ông xấu hổ, các ông lại vui mừng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu.  Tuyên xưng Đức tin vào Chúa Giêsu không phải là một điều xấu hổ hay thẹn thùng, nhưng một vinh dự mang lại niềm vui.  Tuy vậy, để có thể tuyên xưng Đức Giêsu Phục sinh, chúng ta phải kết nối với Người, tức là gặp gỡ Chúa, qua lời cầu nguyện và niềm tín thác cậy trông.

Người tín hữu mừng lễ Phục sinh không giống như một lễ hội thế tục.  Các nghi lễ Phụng vụ giúp cho chúng ta gặp gỡ Đấng Phục sinh, để xác tín vào sự hiện diện của Người, đồng thời có khả năng giới thiệu Chúa cho những người xung quanh mình.

Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa giữa đời, để rồi nếu người thời nay không nhìn thấy Đấng Phục sinh, thì họ nhận ra Người đang sống và đang hiện diện qua những môn đệ của Người là chính chúng ta.  Amen!

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

SINH LẠI BỞI TRÊN

“Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”

Tại một buổi thuyết trình, Paul Brand nói về chủ đề “Toả sáng Chúa Kitô.”  Trước bục, ông đặt một ngọn đèn, bấc cháy từ đĩa dầu.  Bỗng đèn hết dầu, bấc cháy khô và khói làm ông ho.  Brand tận dụng cơ hội, “Một số trong chúng ta khác nào ngọn bấc này, tỏa sáng Chúa Kitô; nhưng bỗng nhiên, chúng ta bốc mùi khét lẹt.  Điều này xảy ra khi chúng ta lấy mình làm nhiên liệu thay vì Chúa Thánh Thần!  Bấc có thể tồn tại vô thời hạn, cháy sáng và dễ chịu, nếu nhiên liệu Thánh Thần được cung cấp liên tục.  Tôi muốn nói đến việc ‘sinh lại bởi Thánh Thần’, ‘sinh lại bởi trên!’”

Kính thưa Anh Chị em,

Chủ đề của Paul Brand được Tin Mừng hôm nay lặp lại.  Lần đầu tiên, Chúa Giêsu nói đến việc ‘sinh lại bởi Thánh Thần’, ‘sinh lại bởi trên.’  Thật thú vị, Chúa Giêsu cũng nói khích!  Tuy nhiên, Ngài nói khích không để chê bai, nhưng để khích lệ một sự hiểu biết về một phương thế cứu rỗi.  Ngài khích Nicôđêmô, “Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”

Nicôđêmô, một trong những thầy dạy hàng đầu của Israel, nhưng ông lại âm thầm đến thụ giáo với Chúa Giêsu; bởi lẽ, nơi Chúa Giêsu có một điều gì đó quan trọng mà ông không có.  Quả thế, ông thông thạo các quy tắc và lề luật; nhưng trong kiến ​​thức của ông, vẫn còn một lỗ hổng!  Ông không biết Chúa Thánh Thần, không biết ‘một sự tồn tại mới’ mà một người sẽ lãnh nhận khi được sinh ra bởi “nước và thần khí.”  Một cách nào đó, ông không có lỗi, vì Chúa Giêsu chưa tiết lộ điều này!  Tuy nhiên, qua đó, chúng ta thấy, để trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần đáng tin cậy, kiến ​​thức tâm linh của một người thật quan trọng biết bao!  Là những người Công Giáo dấn thân, chúng ta cần dẫn dắt người khác đến với đức tin sâu sắc hơn; nhưng liệu chúng ta có làm như vậy với mức độ xác tín cao về đức tin và đang sống đức tin đó trong lòng không?

Thật cần thiết để được ‘sinh ra bởi trên!’  Ấy thế, không ít lần, như những người duy vật thực dụng, chúng ta bị cuốn vào cơn lốc của cuộc sống hàng ngày, đến nỗi, không mảy may quan tâm đến thế giới tinh thần, một điều gì đó lớn hơn vô cùng so với thế giới vật chất, vốn tiêu tốn tất cả sự chú ý của chúng ta.  Qua phép Rửa, chúng ta được đánh dấu cho những gì thuộc về trên trời; in trong tâm hồn chúng ta một dấu ấn không thể xoá nhoà, một dấu ấn tuyên bố với vũ trụ rằng, chúng ta là con Thiên Chúa, mang hình ảnh Ngài.  Mỗi khi hít thở thần khí, nhìn lên trời, chúng ta ‘làm mới sự sinh lại’ trong Thánh Thần; qua đó, Thiên Chúa tuyên bố chúng ta là của Ngài.  Vì thế, đừng bao giờ dành quá một phút để sống như một người duy vật thực dụng!

Khi nói, “Chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy”, Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành nhân chứng về “những thực tại trên trời” cho thế giới.  Bằng chứng lớn nhất là hạnh phúc và lòng bác ái!  Vui vẻ, bác ái, bình an là phong thái rất riêng, là dấu cho thấy đức tin của chúng ta là đích thực.  Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay dẫn chứng điều đó, “Các tín hữu thời bấy giờ chỉ một lòng một ý”, “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn”; qua đó, Thiên Chúa được ngợi khen; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc thiên oai tựa cẩm bào!”

Anh Chị em,

“Ông là bậc thầy trong Israel mà lại không biết những chuyện ấy?”  Chuyện gì?  Chuyện ‘sinh lại bởi trên.’  Chúng ta được một lần sinh ra trong thể xác và một lần sinh ra trong Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa Tội.  Như thể xác cần được nuôi dưỡng bởi cơm bánh và khí trời; linh hồn cũng được hít thở bằng Thánh Thần, nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thịt Máu Ngài.  Ân sủng của Thiên Chúa tựa hồ một đĩa dầu không bao giờ vơi, một giếng nước không bao giờ cạn.  Từ đĩa dầu này, giếng nước này, chúng ta thường xuyên được nuôi dưỡng và được đổi mới để sống đúng phẩm giá mà chúng ta được kêu gọi để sống; nhờ nguồn thánh sủng đó, chúng ta vui sống như những con trai, con gái của Cha trên trời.  Hãy cảm tạ Chúa về những ân huệ Thánh Thần, ân huệ Thánh Thể, và các Bí tích như nhiên liệu để “bấc có thể tồn tại vô thời hạn, cháy sáng và dễ chịu.”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa, con được ‘sinh lại bởi trên’, xin hướng lòng con lên những thực tại trên cao.  Xin đừng bao giờ để con sống như một người duy vật thực dụng, dù chỉ một phút!” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

CẢM NHẬN VÀ LÀM CHỨNG CHO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được gọi là Tông đồ của Lòng Chúa thương xót.  Ngài đã cổ võ lòng sùng kính Lòng Chúa thương xót và đã có sáng kiến thiết lập ngày lễ kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa nhật II Phục sinh hằng năm.  Trong một bài giảng về Lòng Chúa thương xót, vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã tuyên bố như sau: “Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về Tình Yêu của Ngài, Tình Yêu ấy mạnh hơn sự chết và tội lỗi.  Tình Yêu ấy được mạc khải và được thực hành là Lòng Thương Xót, thúc giục mỗi người đáp lại tình yêu với Đấng bị đóng đinh…  Với những tâm tình đó, chúng ta cử hành Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh từ Năm Toàn Xá (năm 2000).  Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh được gọi là Chúa nhật Lòng Thương Xót (Divine Mercy Sunday).”

Thực ra, giáo huấn về Lòng Chúa thương xót không phải là một khám phá mới của Thánh Gioan Phaolô II.  Lòng Chúa thương xót được thể hiện trên từng trang của Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước.  Lịch sử Thánh, hay lịch sử Cứu độ ghi lại một chuỗi liên hoàn những phản bội của con người và lòng bao dung của Thiên Chúa.  “Ngài là Đấng chỉ nổi giận trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời” (Tv 29, 6).  Hôm nay cũng vậy, con người lãng quên Thiên Chúa, thậm chí muốn gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc đời, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, vì yêu thương là bản chất của Ngài.  Thánh Gioan Phaolô đã có công khơi gợi lại hình ảnh của Lòng Chúa thương xót, dựa vào nền tảng Kinh Thánh và những mạc khải tư Chúa tỏ cho thánh nữ Faustina, người đồng hương với Ngài, và cũng là người tông đồ được Chúa chọn làm sứ giả của Lòng Chúa thương xót.

Một ngày nọ, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót của Chúa” (Nhật Ký, 300).  Bối cảnh xã hội hiện tại cho thấy nhiều lo âu: Đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt, thì lại nổ ra cuộc chiến tranh tàn khốc tại Ucraina.  Trong thời đại vẫn được mệnh danh là thời hoà bình, mà cuộc chiến sát nhân vẫn xảy ra.  Mặc dù biết bao lời kêu gọi, phê phán và lên án, cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trái lại còn đang nguy cơ leo thang và lan rộng.  Tôn vinh Lòng Chúa thương xót và thiết tha cầu nguyện sẽ giúp cho thế giới tìm lại hoà bình.  Chúa đã hứa với chúng ta như vậy, qua thánh nữ Faustina.

Thánh Gioan Phaolô II đã gọi Lòng Chúa thương xót là tặng phẩm Phục Sinh.  Trong Mùa Chay và Tuần Thánh, chúng ta đã cử hành và suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Thập giá diễn tả một cách hoàn hảo Lòng Chúa thương xót.  Hình ảnh người Tôi tớ đau khổ của Đức Giavê được mô tả trong sách Ngôn sứ Isaia đã thực hiện nơi Đức Giêsu: Người không còn hình dạng cho chúng ta nhìn ngắm.  Người mang lấy trên thân mình tất cả tội lỗi nhân gian.  Thiên Chúa đã “đánh phạt” Người (x. Is 52,13-53,12).  Quả vậy, trên cây thập giá, Đức Giêsu như một tội nhân khốn khổ và như một người nghèo khó tới mức tột cùng.  Dường như Thiên Chúa cũng bỏ rơi Người: “Lạy Thiên Chúa!  Lạy Thiên Chúa!  sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).

Khi tôn vinh Lòng Chúa thương xót, chúng ta hãy nhận ra Người đang hiện diện giữa chúng ta.  Đức Giêsu Phục sinh không phải một câu chuyện huyền thoại, cũng không phải một câu chuyện của thời xa xưa.  Trái lại, Đấng Phục sinh đang sống và hiện diện giữa chúng ta.  Ngỏ lời với người trẻ trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Chúng ta cần luôn tự nhắc mình là Chúa Kitô đang sống, bởi vì chúng ta có nguy cơ coi Chúa Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Đấng đã cứu chúng ta cách nay hai ngàn năm.  Điều này không ích gì cho chúng ta, vì nó sẽ để chúng ta cũ kỹ y như trước, nó sẽ không giải thoát chúng ta.  Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta là Đấng đang sống.  Người là Đức Kitô Phục Sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn.  Vì thế Thánh Phaolô đã nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền” (1 Cr 15,17) (số 124).

Tông đồ Tôma đại diện cho trường phái hoài nghi, chỉ tin vào những gì cảm nghiệm bằng giác quan và sẵn sàng thách thức những điều kiện để tin.  Cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh đã cho ông một kinh nghiệm: Không phải chỉ những gì động chạm được bằng chân tay hay nhìn thấy tận mắt, thì mới đáng tin.  Hơn nữa, “phúc cho những ai không thấy mà có lòng tin.”  Cuộc gặp gỡ này giúp ông tin mà không cần “thấy dấu đinh ở tay Người, xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Người.”  Đứng trước Đấng Phục sinh, những thách thức này trở nên vô nghĩa.

Cùng với Tôma, chúng ta hãy tôn thờ Đấng Phục sinh và tuyên xưng Đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Câu tuyên xưng này cũng đồng nghĩa với lời kinh chúng ta vẫn đọc khi tôn vinh Lòng Chúa thương xót: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”  Hãy để Đấng Phục sinh đi vào cuộc đời chúng ta, để Người thay đổi tận căn trái tim và hành động của chúng ta.  Nhờ được thấm nhuần Lòng Chúa thương xót, người Kitô hữu trở nên chứng nhân của Lòng Chúa xót thương.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TÔMA VÀ CON MẮT THỨ BA

 

Cách xử sự của Tôma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người.  Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì mà người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay, những gì cân, đo, đong, đếm… được. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có.  Khi tôi hỏi bạn bè: Tại sao bạn không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau?  Họ trả lời thật đơn giản: “Có thấy đâu mà tin!”

Thế nhưng, có nhiều điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu.  Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học (bởi vì tình yêu, ý chí, trí tuệ… là những thực tại vô hình, không màu sắc, không trọng lượng, không khối lượng)… nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.

Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.”

Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi.  Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy.  Nhà văn Saint-Exupéry đã khám phá ra điều nầy, ông viết: “L’essentiel est invisible pour les yeux” (Thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được).  Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu.  Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý…

Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi.  Nhờ con mắt nầy, nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy vi trùng và những siêu vi cực nhỏ…  Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng…  Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát…  Chúng giúp các nhà quân sự nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.

Trong Phật giáo, con mắt thứ ba của nhà tu hành đạt đạo là “huệ nhãn,” giúp người ta thấy được những thực tại tâm linh siêu hình.  Đối với Đức Giêsu, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ Ngài phải có là Đức Tin.  Nhờ “Con Mắt Đức Tin,” nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng hoả ngục…

Tông đồ Tôma chưa có con mắt thứ ba.  Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần.  Anh chủ trương chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay… mới là điều có thực.  Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo anh: “Nầy Tôma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi,” Tôma cho là chuyện đùa.

Cho dù Tôma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh đã tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giêsu hiện về.  Anh đòi phải kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn… thì anh mới tin!  Chúa Giêsu không hài lòng với quan điểm đó.  Ngài nói: “Tôma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin.  Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.”

Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, “Con Mắt Đức Tin” để nhận ra Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tuyên dương những ai có Đức Tin vì đó là con mắt tối cần giúp thấy được những thực tại siêu nhiên và đạt tới ơn cứu độ.  Chúa luôn khiển trách các môn đệ khi các ông yếu lòng tin.  Chúa buồn phiền vì dân chúng thiếu lòng tin.  Chúa khiển trách Tôma là kẻ cứng lòng tin.  Xin khai mở cho chúng con con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin, để chúng con nhận biết Thiên Chúa Cha là Cha yêu thương, nhận biết Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại, và nhận biết Thánh Thần Chúa là Đấng thánh hoá mọi người, cùng nhận biết mọi người là anh em thật của chúng con trong Chúa Kitô.  Amen!

Lm. Trần Ngà

ĐỨC GIÊSU VẪN SỐNG

Sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi đến thăm mồ Đức Giêsu, chị Maria Magdala phát hiện không có xác Đức Giêsu trong đó.  Chị cho rằng có ai đã lấy xác Đức Giêsu và quăng đi đâu đó, vì có lẽ chị không biết mồ nơi chôn táng Đức Giêsu là tài sản của ông Giuse Arimathia.  Chị chạy về báo tin cho các tông đồ, cụ thể là cho Phêrô và Gioan.  Hai môn đệ này tới, và cũng nhận thấy xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa.  Tin mừng Gioan cho thấy “người môn đệ đến trước”, đã thấy và đã tin (Ga.20, 8); tuy nhiên tin mừng lại không cho thấy ông tin điều gì.  Theo tin mừng Maccô, không có tông đồ nào tin Đức Giêsu Phục Sinh khi các chị phụ nữ báo tin Đức Giêsu đã phục sinh (Mc.16, 9-14).

Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, khi các ông gặp gỡ Ngài.  Trong lần hiện ra đầu tiên cho các tông đồ, Thomas không ở đó nên không thấy, nên ông đã không tin Đức Giêsu phục sinh cho dù các tông đồ khác và các chị phụ nữ loan tin cho ông.  Tám ngày sau, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ông, ông mới tin.  Phục Sinh, là điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người, nên các tông đồ không tin Đức Giêsu Phục Sinh, cũng là điều dễ hiểu.  Đã đành các tông đồ có kinh nghiệm người chết sống lại như trường hợp con trai bà góa thành Naim, con gái ông Giairô, Lazarô em của Matta và Maria, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh khác với những người khác sống lại.  Ngài vẫn sống nhưng người ta không giữ Ngài lại được.  Ngài hiện ra và biến đi, không gì ngăn cản được Ngài.

Những người được Đức Giêsu phục sinh như Lazarô, con trai bà góa thành Naim, ai muốn gặp có thể tới để gặp họ.  Đức Giêsu Phục Sinh thì không như vậy.  Chỉ người nào Ngài muốn, người đó mới được gặp Ngài mà thôi.  Trong khoảng 40 ngày, các tông đồ còn có thể gặp Ngài (Cv.1, 3); nhưng sau thời điểm này, không ai được diễm phúc gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh nữa.  Ai tin Ngài, là ngang qua những chứng nhân để tin vào Ngài.  Đức Giêsu phục sinh là một biến cố mà người ta phải tin để biết.  “Phúc cho những ai không thấy mà tin.”  Bao nhiêu người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, đều là những người được ơn đức tin.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân lớn lao.  “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không nhờ Thần Khí” (1Cor.12, 3).

Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một hành vi tự do.  Những lý chứng cho thấy Đức Giêsu phục sinh, không đạt được tính buộc người ta phải chấp nhận như luận chứng toán học 2+2=4.  Người ta vẫn tự do để tin Đức Giêsu phục sinh hay không.  Tin cũng là biết.  Hai anh chị yêu nhau, người này nói yêu người kia, và người kia cần tin.  Tin vào người khác, là một cách biết người đó.  Tin ai đó, cho rằng những điều người đó nói hay làm chứng là đúng, và nếu không tin thì không thể biết được vậy.

Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, sau khi các ngài đã được thấy Đức Giêsu Phục Sinh.  Sau đó những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đều phải tin qua lời chứng của các tông đồ.  Các tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng rằng những gì các ngài nói là sự thật.  Từ ngữ tử đạo (martureô) có nghĩa là làm chứng.  Lời chứng đáng tin nhất, là lời chứng của người dám dùng chính mạng sống mình để bảo đảm rằng điều mình khẳng quyết là sự thật.  Tất cả các tông đồ đều tử đạo trừ tông đồ Gioan.

Không tin Đức Giêsu Phục Sinh, đây là điều bình thường.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một ơn vô cùng lớn.  Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Giêsu Phục Sinh.  Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người đó hạnh phúc hơn.  Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của Kitô hữu.  Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta.  Muốn ai tin Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó.  Không phải vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được.  Đó là hồng ân của Thánh Thần.

Để có thể đón nhận đức tin, để có thể biết như người của Thiên Chúa, người đó phải có đời sống có thể đón nhận đức tin.  Nếu một người có đời sống bất lương, nếu người đó chỉ tin vào mình, thì cũng khó có thể tin Đức Giêsu Phục Sinh.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, đòi người đó phải đổi đời, phải có đời sống mới, phải sống lương thiện.  Không sẵn sàng đổi đời để thành người lương thiện, người đó sẽ tìm mọi cách để biện luận từ khước tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Kitô hữu không là những người mê tín, nhưng là những người ý thức mình được ơn đặc biệt.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân vô cùng lớn.  Niềm tin này làm Kitô hữu có cái nhìn mới về thế giới, về Thiên Chúa, và về con người.  Tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng.  Và một khi biết Thiên Chúa yêu thương mình, mình có thể phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa, Đấng yêu thương mình vô cùng, Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi sự để được mình.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

ĐẤNG CHIẾN THẮNG

Một chi tiết nhỏ trong trình thuật thương khó của Thánh sử Gioan đáng chúng ta lưu ý: ngôi mộ Chúa Giêsu được an táng là một ngôi mộ mượn của người khác.  Tác giả viết như sau: “Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.”  Thánh sử rất cẩn thận và chi tiết, khi nói đến một ngôi mộ mới, lại còn nhắc thêm: “chưa chôn cất ai.”  Sự kiện Chúa Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn của người khác diễn tả sự nghèo khó đến tột cùng của Con Thiên Chúa làm người.  Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa không có đến một mảnh vải che thân.  Hơn thế nữa, những kỳ lão, biệt phái và người dân thành Giêrusalem đi qua còn buông lời chế diễu Người.  Trên thập giá, Người trở nên người nghèo hơn hết trong số những người nghèo.  Không chỉ nghèo về vật chất, khái niệm “nghèo” còn được thể hiện qua sự tín trung và phó thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Việc Chúa Giêsu được an táng trong một ngôi mộ mượn, cũng cho chúng ta thấy một góc cạnh khác của mạc khải.  Thông thường, khi ta mượn của ai cái gì, ta chỉ dùng tạm, sau đó trả lại cho người có quyền sở hữu.  Đức Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn, và Người cũng chỉ ở đó một thời gian ngắn.  Đến ngày thứ ba, Người đã phục sinh, vinh quang sáng láng bước ra khỏi mồ.  Ngôi mộ này chỉ là mượn.  Điều này làm chúng ta liên tưởng tới con lừa Chúa cưỡi khi tiến vào thành Giêrusalem, cũng là con lừa đi mượn (x Lc 19,28-34).  Phòng tiệc ly nơi Chúa mừng lễ Vượt Qua cũng là phòng đi mượn (x. Lc 22,7-13).  Thân xác của Người không nằm yên trong mồ tối và chịu hư nát do tác động của thời gian.  Ngôi mộ mượn ấy chỉ là điểm tạm dừng, chỉ là thời gian lắng đọng để giúp chúng ta suy tư về sự chết và sự sống nơi Thiên Chúa cũng như nơi con người.  Đức Giêsu phục sinh đã chứng minh với chúng ta quyền năng Thiên Chúa nơi kiếp sống nhân sinh.  Giây phút Chúa sống lại là một thời khắc quan trọng của lịch sử.  Đó cũng là một điều phi thường của đức tin.

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự sống đã chiến thắng sự chết.  Khi bị bắt ở vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với những người lính Do Thái: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,53).  Những gì xảy ra liên tiếp sau đó, cho thấy có vẻ như quyền lực tối tăm đã chiến thắng.  Những kinh sư và người biệt phái, thậm chí cả thày Thượng tế, đều hả hê trước cái chết của Chúa Giêsu, vì họ đã diệt được một đối thủ.  Đối thủ này dám lên án họ với những lời lẽ gay gắt.  Sự phục sinh của Chúa đã đảo ngược tình thế.  Sự sống đã chiến thắng sự chết.  Đức Giêsu đã sống lại như Người đã nói trước đó.  Cái chết và quyền lực của tối tăm đã thất bại.  Sau này, thánh Phaolô đã mạnh dạn thách thức: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?  Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15,55).

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự thiện đã chiến thắng sự ác.  Trước những lời vu khống của một số kỳ lão Do Thái, trước sự hành hạ phỉ nhổ của quân lính Rôma, Chúa Giêsu vẫn khiêm nhường đón nhận.  Người không dùng bạo lực để đối lại với bạo lực.  Người như con chiên hiền lành bị đem đi xén lông.  Chúa Giêsu là nạn nhân của bạo lực, của ghen ghét và hận thù.  Cái chết trên thập giá và nhất là lời Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình chính là sự chiến thắng của sự thiện trên sự ác.  Qua cái chết trên thập giá, Chúa nói với chúng ta: ở đời này, không phải lúc nào sự chết cũng là một thất bại, và không phải lúc nào kẻ mạnh hơn cũng là người chiến thắng.  Đem hận thù đối lại với hận thù, chỉ làm cho hận thù càng chồng chất.  Đem tình yêu vào nơi oán thù, sẽ làm cho hận thù tiêu tan.  Đời sống cụ thể của chúng ta đã hơn một lần chứng minh điều ấy.

Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, niềm hy vọng chiến thắng sự thất vọng.  Kể từ khi Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, cây gỗ gồm một thanh ngang và một thanh dọc đã trở thành biểu tượng của hy vọng đối với các Kitô hữu.  Đây không phải là sự ru ngủ, mua chuộc hay mị dân.  Trái lại, niềm hy vọng đến từ quyền năng của Thiên Chúa.  Hãy nhìn xem hai người trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu: một người khước từ tin vào Chúa và thậm chí phê phán thách thức Người; trái lại, người kia lại cầu xin với lòng thành tín cậy trông.  Người “trộm lành” đã được Chúa hứa ban thiên đàng ngay ngày hôm đó.  Sự kiện này nhắc nhở chúng ta: dù tội lỗi đến đâu cũng không mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến gặp những ai đang mang gánh nặng cuộc đời, Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến nâng đỡ những ai đang kiếm tìm chân lý và ý nghĩa cuộc đời, nhất là các bạn trẻ.  Người khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.  Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,16).

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến đổi mới tâm hồn những ai tin vào Người, với niềm xác tín “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16.16).

Ngày hôm nay, thế giới Kitô giáo đứng trước ngôi mộ trống và mang tâm trạng như tông đồ Gioan: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Ngôi mộ mượn của người khác chỉ là một điểm dừng chân của Chúa Giêsu.  Người đã sống lại.  Người đã chiến thắng tử thần và lòng hận thù ghen ghét.  Người cũng đem lại niềm hy vọng cho những ai đang đau khổ chán chường do sức ép của gánh nặng cuộc đời.  Ngôi mộ của người tín hữu cũng chỉ là nơi ở tạm, đợi ngày thân xác được phục sinh trong ngày tận thế.  Mỗi chúng ta, khi mừng lễ Phục Sinh, hãy cùng với Chúa chiến thắng những tội lỗi bủa vây xung quanh chúng ta.  Như thế chúng ta sẽ trở thành những người tự do, nhờ ân sủng của Đấng Phục sinh.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

THẬP GIÁ CỦA CHÚA – THẬP GIÁ CỦA TÔI

Lễ nghi chiều thứ Sáu Tuần Thánh được đề nghị cử hành vào lúc 3 giờ chiều (đối với những nơi phù hợp), vì theo truyền thống, Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên cây thập giá vào lúc giờ thứ chín (x. Mt 27,45-46). Phụng vụ hôm nay mang màu sắc đau thương, nhưng không hoàn toàn bi thảm, vì thập giá của Đức Giêsu vừa là dụng cụ khổ hình, vừa là cờ hiệu chiến thắng.

Chúa Giêsu đã tự vác thập giá, từ dinh quan Philatô đến núi Canvê. Theo những khám phá từ tấm khăn liệm thành Turinô và những nghiên cứu sử học, thì người bị kết án tử hình phải vác cây gỗ ngang, còn cây gỗ dọc thì đóng sẵn trên đồi. Việc vác cây gỗ ngang nhằm tránh tử tội trốn thoát, đồng thời cũng là một nhục hình để trừng phạt. Truyền thống Giáo Hội diễn tả con đường thập giá của Chúa Giêsu qua 14 hình ảnh được gọi là “Mười bốn chặng đàng Thánh Giá”. Trên con đường này, nhiều biến cố đã xảy đến với Chúa Giêsu. Từ cuộc gặp gỡ với Đức Mẹ đến cuộc gặp gỡ với những người dân thành Giêrusalem. Từ  những người ghen ghét chê bai nhạo cười đến những người cảm thương và giúp đỡ. Ông Simon và bà Vêrônica là hai người  xa lạ và có địa vị thấp kém trong xã hội, lại là những người giúp Chúa, một người vác đỡ thập giá, một người lau mặt Chúa đang đầm đìa mồ hôi và máu. Trong hành trình thập giá, Chúa ngã ba lần, nhưng Người lại gượng dạy bước đi. Có lẽ, lời nguyện cùng Chúa Cha trong vườn Cây Dầu luôn vang lên trong tâm trí Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đó là một cuộc giằng co khốc liệt giữa sự yếu đuối của con người và sự mạnh mẽ của Ngôi Hai nhập thể. Chúa Giêsu đã dứt khoát thi hành ý Chúa Cha, chấp nhận mọi nhục hình và gian nan khốn khó. Thập giá chính là bằng chứng của sự tuân phục và hy sinh của Người.

Khi chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang nhìn tôi với cái nhìn đầy yêu thương. Trong thinh lặng, Chúa nói với tôi: “Ta tha thứ mọi tội lỗi cho con”. Vì thế, chiêm ngắm Chúa trên thập giá đem lại cho tôi hạnh phúc vì thấy mình được yêu thương. Trong giáo huấn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy hãy tha thứ cho kẻ thù. Giờ đây, trên thập giá, Chúa dạy tôi bài học tha thứ. Lúc này, Người thực hiện lời giáo huấn ấy khi xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ hành hạ mình. Biết bao lần tôi cố chấp muốn tự khẳng định vị thế của mình trong gia đình và trong xã hội. Sự cố chấp làm tôi mù quáng, không nhìn ra đâu lẽ phải, không nhận ra ai là anh em. Chúa Giêsu đã tha thứ trong lúc trái tim rướm máu. Điều đó cho thấy, để có thể tha thứ, phải chấp nhận hy sinh. Khi tha thứ, nhiều khi tôi phải chịu tiếng là hèn nhát, có khi tôi phải hạ mình và mất thanh danh. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, khi tôi tha thứ, chắc chắn tôi tìm được sự an bình thanh thản trong tâm hồn.

Khi chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá, tôi nhận ra Người là Con Thiên Chúa. Viên bách quan đội trưởng là người đã tham gia vào vụ hành hình Chúa. Vậy mà vào lúc Chúa tắt thở, ông ta lại nhận ra thân thế đích thật của Người và hô lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Một Thiên Chúa trần trụi, bị khinh khi, khổ nhục và chịu chết vì yêu thương con người. Thập giá dạy tôi một cách nhìn nhận mới về đau khổ: Thiên Chúa đau khổ cho con người hạnh phúc. Người chết cho con người được sống. Như vậy, nếu muốn đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh, tôi không thể trốn tránh đau khổ. Muốn yêu Chúa Giêsu, tôi không được khước từ thập giá. Thập giá không có Chúa Giêsu chỉ là một cây gỗ vô hồn; Chúa Giêsu không có thập giá không phải là Chúa Giêsu của Đức Tin.

Khi tôi chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh, tôi thấy những anh chị em Kitô hữu của tôi ở nhiều nơi đang bị bách hại. Chúa nhật Lễ Lá vừa qua (29-3-2015), tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu trên toàn thế giới hãy cầu nguyện cho những tín hữu bị giết tại một số quốc gia trên thế giới. Họ là những thừa sai, những linh mục, tu sĩ và có nhiều tín hữu giáo dân. Họ đã chết chỉ vì một lý do đơn giản: họ là Kitô hữu. Qua Đấng chịu đóng đinh, tôi cũng nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, những người nghèo nàn, bệnh tật, đau khổ. Họ quằn quại trong nỗi đau của kiếp người mà chưa có lối thoát. Chúa Giêsu vẫn đang chịu đóng đinh nơi những người bất hạnh này. Thập giá là lời kêu gọi hãy ngưng bạo lực, hãy xử với nhau cho đúng phẩm giá con người và hãy liên đới nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, tôi thấy Người mời gọi tôi hãy vươn cao, hãy sống cao thượng, hãy hướng về trời. Dù tôi yếu đuối và tội lỗi, tôi vẫn có thể vươn cao, vì Chúa lôi kéo tôi bằng sự trợ giúp thiêng liêng. Tuy vậy, vươn cao để gặp Chúa đòi hỏi nhiều hy sinh. Phải can đảm dứt bỏ những gì đang ràng buộc. “Ai theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Theo Chúa Giêsu là đi trên con đường hy sinh của thập giá. Như thế, thập giá không phải một kỷ niệm vô hồn của quá khứ xa vời, nhưng là chính cuộc sống hằng ngày của tôi. Mỗi ngày sống, tôi đều có cơ hội tiếp cận thập giá, điều quan trọng là thái độ của tôi thế nào trước cây gỗ mà trên đó Con Thiên Chúa đã chịu đau đớn và đã chịu chết vì yêu tôi.

Lễ nghi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh nhắc bảo tôi: Thập giá của Chúa cũng là thập giá của tôi. Khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, thứ bốn của Năm Sự Thương, tôi cầu nguyện: xin cho tôi được vác thánh giá theo chân Chúa. Vâng,“Đây là gỗ thánh giá, nơi treo Đấng Cứu chuộc trần gian!” Tôi đến để tôn kính và thờ lạy. Tôi tin chắc Đấng đóng đinh sẽ ở bên tôi. Niềm xác tín ấy giúp tôi tìm thấy thư thái và an bình.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

YÊU THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG

Tin mừng theo thánh Gioan không tường thuật việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể, nhưng lại tường thuật việc Chúa rửa chân.  Điều đó cho thấy việc rửa chân có một tầm vóc rất quan trọng.  Theo thánh Gioan việc rửa chân nói lên tình yêu đến tận cùng của Chúa Giêsu.  Chiêm ngắm việc Chúa rửa chân cho các Tông đồ, ta có thể thấy có 3 cuộc thanh tẩy.

Thanh tẩy thể lý.  Rửa chân là việc mỗi người phải làm hằng ngày.  Bàn chân là vị trí thấp nhất trong cơ thể nên dễ bị nhiễm bẩn và vì thế cần được rửa ráy nhiều nhất.  Nhưng cũng vì thế mà rửa chân là công việc tầm thường nhất, đây là công việc của người đầy tớ.  Hôm nay Chúa Giêsu tự nguyện đảm nhiệm công việc của đầy tớ.  Chúa bắt đầu bằng cởi áo choàng.  Áo choàng tượng trưng cho địa vị cao cả, cho phẩm giá con người.  Khi cởi áo choàng, Chúa cởi bỏ địa vị làm Chủ, làm Thầy, làm Chúa để làm đầy tớ cho các môn đệ.  Chúa lấy khăn thắt lưng.  Thắt lưng là thái độ của người lao động, buộc áo cho gọn gàng để việc phục vụ nhanh nhẹn hữu hiệu hơn.  Chúa bưng chậu nước.  Đây là thái độ của người đầy tớ phục vụ.  Và đến rửa chân cho từng môn đệ.  Rửa chân nói lên cử chỉ chăm sóc yêu thương.  Vì yêu thương nên khiêm nhường hạ mình chăm sóc phần thấp hèn nhất của cơ thể.

Tuy việc rửa chân có ý nghĩa yêu thương phục vụ, nhưng với Chúa Giêsu và trong bữa Tiệc Ly, việc rửa chân còn mang ý nghĩa cao sâu hơn vì nhằm thanh tẩy tâm hồn.

Thanh tẩy tâm hồn.  Khi nói với Phêrô: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu”, Chúa Giêsu có ý nói đến việc thanh tẩy tâm hồn các tông đồ khi rửa chân cho các ngài.  Bữa Tiệc ly là bữa tiệc Vượt Qua mới.  Để tham dự bữa tiệc Vượt Qua cũ, người Do Thái buộc phải tẩy rửa thân xác cho thanh sạch, dù trong tiệc Vượt Qua cũ, người Do Thái chỉ tưởng niệm một biến cố đã qua và ăn thịt con chiên một tuổi vô tì tích.  Vì thế khi tham dự tiệc Vượt Qua mới, ta càng cần thanh tẩy tâm hồn cho thanh sạch vì ta được gặp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể và được lãnh nhận Con Chiên Thiên Chúa vô cùng thánh thiện, vô cùng tinh tuyền.

Nhưng đi xa hơn nữa, Chúa còn muốn qua cuộc rửa chân này, thanh tẩy toàn diện cuộc đời các tông đồ.

Thanh tẩy cuộc sống.  Bữa Tiệc Ly tiên báo cái chết của Chúa.  Phép Thánh Thể là lễ hi sinh trên thánh giá.  Việc cởi áo tiên báo Chúa Giêsu sẽ bị lột áo.  Việc thắt lưng tiên báo Chúa bị bắt và bị giết.  Nước rửa tiên báo nước và máu từ cạnh sườn Chúa đổ xuống.  Thật vậy chẳng có nước nào thanh tẩy được con người nếu không phải là nước và máu tuôn ra từ Trái Tim của Chúa.  Cái chết của Chúa chính là phép rửa mà Chúa đã nói trước : “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12, 50).  Như thế, Chúa Giêsu dùng chính cái chết của mình để rửa chân cho các tông đồ, để thanh tẩy các tông đồ và để biến đổi đời sống của các ông.  Đây quả là một tình yêu cho đến tận cùng, yêu thương nên phục vụ đến hiến cả mạng sống.

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi các ông: Như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em cũng hãy rửa chân cho nhau.  Để rửa chân, phải quì xuống.  Thế giới hôm nay tràn đầy sự kiêu hãnh, hợm mình và muốn chèn ép người khác để nâng mình lên.  Người môn đệ hãy noi gương Chúa từ bỏ chính mình, tự hạ mình, quì gối khiêm nhường phục vụ.  Để rửa chân, phải cởi bỏ áo ngoài.  Thế giới hôm nay muốn tô điểm mình bằng đủ mọi thứ hình thức vỏ bọc bên ngoài.  Người môn đệ phải theo gương Chúa cởi bỏ áo choàng, cởi bỏ hết những gì giả tạo bên ngoài, khiêm nhường sống với con người thực của mình.  Để rửa chân phải lấy khăn thắt lưng.  Thế giới hôm nay thường muốn trói buộc người khác và tự buông thả chính mình.  Người môn đệ Chúa hãy biết thắt lưng, tự chế bản thân.  Để chân sạch, phải lau sau khi rửa.  Thế giới hôm nay thường đổ lỗi cho người khác.  Người môn đệ hãy biết noi gương Chúa, lau sạch lỗi lầm của anh em, nhận lấy lỗi lầm của anh em và đeo vào thắt lưng, đảm nhận những yếu đuối của anh em.

Khi rửa chân, Chúa nói với thánh Phê rô : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”  Lời này làm ta nhớ lại khi hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên tả và bên hữu, Chúa đã hỏi: “Các con có thể uống chén ta sắp uống và chịu phép rửa ta sắp chịu không?” (Mc 10, 38).  Hôm nay Chúa muốn rửa chân cho các tông đồ để các ngài được “chung phần với Chúa.”   Chung phần cao nhất là cùng uống chén Chúa sắp uống và chịu phép rửa Chúa sắp chịu nghĩa là cùng chết với Chúa, chết cho con người tội lỗi, chết cho đời sống xác thịt, chết cho trần gian, để sống một đời sống mới của con người mới thánh thiện, theo thần khí trong cuộc sống cho Nước Trời.

Chung phần như thế là một vinh dự lớn lao.  Chung phần như thế là được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ thế giới.

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

NÓI CHUYỆN VỚI SIMON KYRÊNÊ: NGƯỜI VÁC ĐỠ THÁNH GIÁ CHÚA

Trên đường từ Jerusalem trở về quê nhà Galilê, bước đi trên con đường mòn ngang qua làng quê xứ Kyrênê, tôi tình cờ gặp lại Simon khi anh đi ra đồng làm việc.

 Tôi thán phục lòng can đảm của Simon, anh không biết Giêsu, chưa một lần gặp gỡ Giêsu, chỉ nghe người ta nói về Giêsu, vậy mà anh không một chút sợ hãi, anh chạy lại vác đỡ thập giá cho thầy Giêsu của tôi, anh đi bên Giêsu, giúp Giêsu vác thập giá bước đi đến đỉnh đồi Golgotha (Ga.23:26).

Tôi chạy lại hỏi thăm anh, cầm tay anh tôi nói:

 – Simon, anh có khoẻ không?  Cám ơn anh đã vác đỡ thập giá cho thầy Giêsu của tôi.  Sao anh can đảm thế?  Anh không sợ hãi tí nào sao?

– Tôi sợ hãi nhiều lắm chứ.  Hôm ấy tôi tình cờ đi làm về ngang qua đó, lính nhìn thấy tôi, chúng bắt tôi vác đỡ thập giá cho Giêsu thì tôi vác, can đảm gì đâu anh!  Không nghe lời chúng, chúng đánh chết chứ giỡn chơi sao!  Nhưng có một điều tôi phải nói với anh:

“Khi vác đỡ thập giá cho Giêsu, tôi đi bên cạnh Ngài, Ngài ở bên cạnh tôi, Ngài nhìn tôi, tôi nhìn Ngài, bốn mắt nhìn nhau, ánh mắt ấy đã cảm hóa lòng tôi, cái nhìn ấy đã biến đổi đời tôi…  Tôi không còn sợ hãi như trước nữa.  Tôi nhận ra rằng: “Vác đỡ thập giá cho Giêsu là niềm vui, là vinh dự và là hãnh diện cho cuộc đời mình…  Vì tôi được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Simon Kyrênê ơi!  Cám ơn anh về cuộc gặp gỡ thân thương hôm nay.  Cám ơn tâm tình chia sẻ của anh đã nói với tôi, đã làm tôi phải suy đi nghĩ lại về mối liên hệ của tôi với Giêsu, về mối tình của tôi với Ngài.

*******************************

Bạn thân mến!  Tâm tình chia sẻ của Simon Kyrênê đã đánh động lòng tôi.  Lời nói của Simon cứ vang vọng trong tôi luôn mãi:

1)- “Ở bên cạnh Giêsu, Ngài đã cảm hóa lòng tôi, Ngài đã biến đổi đời tôi.  Đó là tâm tình của Simon với Giêsu.  Còn tâm tình của tôi với Ngài thì ra sao?

Giêsu ơi!  Phải chăng được cảm hóa và biến đổi là dấu chỉ Ngài hiện diện bên con?  Vậy mỗi khi con không được biến đổi để yêu thương nhiều hơn, con không được cảm hóa để tha thứ nhiều hơn…  Thì đó cũng là dấu chỉ con không có Ngài ở ngay bên, con không có Ngài hiện diện trong lòng con.

Nếu con không được Ngài cảm hóa và biến đổi, thì cho dù con có tham dự thánh lễ hằng ngày, con có rước lễ thường xuyên, Giêsu và con vẫn nghìn trùng xa cách.  Con và Giêsu vẫn là hai thế giới cách xa và riêng biệt. 

Thật nguy hiểm biết bao nếu con không nhận biết mình đang sống xa Ngài.  Thật buồn biết mấy nếu con không nhận ra con người thật, khuôn mặt thật của chính mình.  Những đẩy đưa cám dỗ và khen tặng, những tự cao và tự mãn nổi lên trong lòng, những hình thức rộn ràng bề ngoài…  Tất cả đã làm con lầm tưởng rằng con đang có Giêsu, con đang có Ngài ngay bên, nhưng thật sự là con đang xa Ngài.  Lòng con không có chỗ trống để Ngài đến cư ngụ.  Tim con khép lại, không chấp nhận, không để cho Ngài đi vào để cảm hóa và biến đổi.

2)- “Vác đỡ thập giá cho Giêsu là niềm vui, là vinh dự và hãnh diện.  Simon tâm sự như vậy đó.  Vác thập giá của chính mình đã khó khăn vất vả.  Vác thập giá cho người không quen không biết, như Simon vác đỡ cho Giêsu, thì lại càng vất vả khó khăn hơn.  Làm sao lại coi đó là niềm vui, nìềm vinh dự được?  Phải chăng chỉ có tình yêu mới giúp tôi coi đó là niềm vui: Tình Yêu càng lớn thì niềm vui càng nhiều…. Và phải chăng lòng tôn kính đặt để nơi người quyền cao chức trọng, mới giúp tôi coi đó là niềm vinh dự hãnh diện: Niềm tôn kính càng cao thì niềm vinh dự hãnh diện càng lớn.

Giêsu ơi!  Tình yêu nào con dành cho Ngài hôm nay?  Lòng tôn kính nào con đặt vào Giêsu trong lúc này?  Vì Giêsu, thập giá nào con chấp nhận để vác trên vai con hôm nay?

Phải chăng những chê trách hiểu lầm, những ghen ghét đố kỵ con gặp phải trong đời sống phục vụ…  Đó chính là thập giá mà Ngài mời gọi con ôm lấy và vác đi?

Phải chăng những khó khăn vất vả trong cuộc sống, những bệnh tật yếu đau, những đam mê yếu đuối con người mà con đang chiến đấu để vượt qua…  Cũng chính là thập giá mà Ngài mời gọi con vác đi trên đường đời? 

3)- “Vác đỡ thập giá cho Giêsu là được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.”  Đó là lời tâm tình chia sẻ của Simon Kyrêné.  Giêsu đến trong thế gian để thực thi “công trình cứu chuộc” của Thiên Chúa.  Ngài đến để mang tình yêu thương tha thứ cho muôn người.  Ngài đến để cứu chuộc nhân trần, để chết thay cho người mình yêu, để mang người mình yêu trở về với Nguồn Cội, trở về với Đấng Yêu Thương Ngàn Đời.

Giêsu ơi!  Mỗi khi con sống yêu thương tha thứ hôm nay, cũng là lúc con làm vơi bớt những đau thương tủi nhục của Ngài trên đường thánh giá năm xưa.  Phải chăng đó cũng là lúc con được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa?

Mỗi khi con mang được người thân quen bạn bè về với Giêsu, mỗi khi con giúp họ đi vào trong tình thân mật với Ngài, cũng là lúc con lau khô những giọt máu đào Ngài đã đổ ra trên thập giá năm xưa.  Phải chăng đó cũng chính là lúc con được tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa?

Giêsu ơi, giống như Simon Kyrênê năm xưa….  Xin cảm hóa và biến đổi lòng con, để con luôn có Ngài ngay bên, vì Ngài là hạnh phúc và là cùng đích của đời con.  Amen!

Linh Xuân Thôn