THÂN CÁT BỤI

Mỗi dịp Mùa Chay, chúng ta lại có dịp chiêm ngắm mầu nhiệm về con người.  Con người được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Ngài, và với tình yêu nên con người mang nơi mình sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa, nghĩa là con người biết yêu thương và biết đáp trả tình yêu một cách ý thức và tự do.  Tuy nhiên, khi đặt mình vào sự bao la và mênh mông của vũ trụ, con người chỉ nhỏ nhoi như một hạt bụi.  Nghĩ cho cùng, tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh.  Vì là thân cát bụi, chúng ta sẽ trở về cát bụi.

Tại sao con người lại được ví là bụi đất?  Bụi đất là một cái gì vô giá trị!  Thậm chí nó còn tượng trưng cho cái gì dơ bẩn, là biểu hiệu của cái gì hoang tàn và chết chóc.  Nó không có hình thù cụ thể, không có khuôn mặt; thường bị người ta chà đạp dưới chân.  Nó không tự làm chủ mình, nó bay theo mọi cơn gió; nó bay khắp nơi, đâu đâu cũng là chỗ của nó nhưng nó lại không có một chỗ cư ngụ ổn định.  Bụi đất là thế, nhưng con người thì đẹp đẽ, cao quý đến thế tại sao lại được ví như bụi đất.

Thực ra, hình ảnh tro bụi xuất hiện trong Kinh Thánh nhiều lần.  Trong sách Sáng Thế, Abraham đã nhận mình là thân tro bụi, ông đã thân thưa với Chúa rằng: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa…”  Còn các Thánh Vịnh gia, khi ý thức được sự yếu hèn của phận người, đã thốt lên rằng: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn người nhớ: ta chỉ là tro bụi.”

Vì mang thân phận tro bụi, con người yếu hèn và mong manh về mọi phương diện: Yếu đuối về thể lý, tâm lý cũng như tâm linh.  Chỉ cần một cơn gió nhẹ, cũng đủ để làm con người gục ngã.  Con người cũng dễ dàng bị chao đảo, dễ dàng sa vào vòng tội lỗi và hậu quả của tội là sự chết.  Mỗi ngày chúng ta sống nhưng cũng đồng thời chúng ta đang tiến gần đến sự chết.  Dường như cái chết chính là cùng đích của con người.

Tuy ý thức về thân phận bụi đất như thế, nhưng con người không bi quan về thân phận của mình.  Đối với chúng ta là những người Công Giáo, chúng ta tin rằng, chúng ta là hạt bụi, nhưng chúng ta được hóa thân nhờ tình yêu của Thiên Chúa, và theo giống hình ảnh của Ngài nên chúng ta cũng mang nơi mình sự vĩ đại của Ngài.  Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mặc dù không phải là người Công Giáo, nhưng khi gẫm suy thân phận của con người, ông đã không ngại ngùng để ca ngợi thân phận bụi tro của mình.  “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi…  Ôi, cát bụi tuyệt vời.”  Nó vẫn tuyệt vời ngay khi “lá úa trên cao rụng đầy,” chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi.

Vâng, dường như con người nhận ra thân phận bụi tro của mình, nhưng con người cũng cảm nhận được niềm hy vọng nơi mình.  Vì chính Ngôi hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, và chấp nhận sự yếu đuối của phận người, nghĩa là Người đã chấp nhận mang lấy thân phận bụi đất của chúng ta, để rồi nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài, bụi đất của ta sẽ được lãnh nhận hơi thở sự sống của Thiên Chúa.  Như thế, bụi tro không còn là cùng đích của chúng ta, dẫu rằng chúng ta vẫn phải trở về bụi tro nhưng tro bụi không còn là điểm tới, nhưng là khởi điểm để đưa con người vào cuộc sống vinh quang bất diệt.

Lạy Chúa,
Trong Mùa Chay này,
Xin cho chúng con nhận ra
Sự nhỏ bé của chúng con.
Chúng con là thân cát bụi
Nhưng là cát bụi tốt lành,
Là cát bụi vô tri,
Nhưng được sống động nhờ sự sống của Chúa,
Là hạt bụi nhơ nhớp,
Nhưng lại được Chúa yêu,
Xin cho chúng con biết chết đi mỗi ngày,
Dám để cho mình được tan biến,
Để cùng được sống lại trong tình yêu vinh hiển của Ngài.

LM Nguyễn Minh Triệu, SJ

HỒI TÂM

Hồi tâm là một hành vi tâm lý, nhìn lại quá khứ để nhận ra những việc mình đã làm.  Có thể đó là những việc tốt, nhưng cũng có thể đó là những việc chưa tốt.  Việc hồi tâm đòi hỏi lòng can đảm và trung thực, vì có nhiều người rất sợ đối diện với lương tâm của chính mình.  Đó là lý do tại sao có những người, sau khi làm điều ác, uống rượu hoặc hút chích ma túy để quên đi quá khứ, để gạt bỏ lời khiển trách của lương tâm.  Hồi tâm giúp chúng ta nhận ra những lầm lỗi của mình, để rồi sửa chữa, uốn nắn và canh tân cuộc đời.

Lời mời gọi “Hãy trở về” cũng có nghĩa là “Hãy hồi tâm.”  Hồi tâm là một trong những thực hành quan trọng của Mùa Chay.  Việc hồi tâm phải được thực hiện trước mặt Chúa, trong tâm tình cầu nguyện và với thiện chí chừa cải.

Hồi tâm cũng là ôn lại lịch sử đã qua.  Ông Môisen đã chỉ thị cho các tư tế Do Thái, mỗi khi dâng của lễ đầu mùa, phải nhắc lại quá khứ của dân tộc mình.  Quá khứ này vừa kể lại thuở hàn vi nghèo khổ, vừa ghi đậm dấu ấn quyền năng vô biên của Thiên Chúa.  Người Do Thái nhớ lại cha ông mình ngày xưa chịu cảnh lang thang phiêu bạt, nhờ quyền năng của Chúa, họ được định cư và phát triển đông đúc “như sao trên trời và như cát dưới biển.”  Quá khứ đã qua của dân riêng Thiên Chúa vừa huy hoàng, vừa đau khổ.  Lời cầu nguyện của tư tế cũng nhắc tới thời kỳ đen tối, dưới ách nô lệ của người Ai Cập.  Lại một lần nữa, Chúa giang cánh tay uy quyền để giải thoát họ, đưa họ về miền đất hứa.  Đó là lý do để người Do Thái, từ thế hệ này đến thế hệ khác, phải dâng của lễ để tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa (Bài đọc I).

Việc hồi tâm cũng giúp chúng ta lượng giá cuộc sống hiện tại, để nhờ đó, chúng ta luôn khôn ngoan thận trọng trước những cạm bẫy giăng đầy xung quanh.  Thánh Luca đã thuật lại việc Chúa Giêsu vào hoang địa.  Ở đó, Chúa cầu nguyện, ăn chay và chịu cám dỗ.  Tên cám dỗ là ma quỷ.  Nội dung cám dỗ là lời mời gọi ở ba khía cạnh: bánh ăn trong lúc đói; bổng lộc vinh hoa để quên sứ mạng thiên sai; làm những điều ngoạn mục (gieo mình từ nóc Đền thờ) để vui chơi giải trí.  Như chúng ta thấy trong trình thuật của Luca, Chúa Giêsu đã dùng Lời Chúa để đánh bại ma quỷ.

Ba cơn cám dỗ Chúa Giêsu đã trải qua cũng luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta.  Quả vậy, bất kể thời nào, lứa tuổi và bậc sống nào, chúng ta cũng bị cám dỗ về ăn uống, về vinh hoa, và thử thách Thiên Chúa.  Hồi tâm chính là nhận ra những cơn cám dỗ ấy, để khôn ngoan can đảm khước từ những lời mời gọi ngọt ngào nhưng chứa nọc độc.  Cám dỗ giống như những viên thuốc độc bọc đường, bên ngoài thì đẹp đẽ, nhưng dễ dàng đầu độc và giết chết chúng ta.

Sau khi thất bại, quỷ rút lui và chờ đợi thời cơ – Thánh Luca kết thúc trình thuật như thế.  Kể cả lúc chúng ta chiến thắng cám dỗ của ma quỷ, chúng ta vẫn phải luôn thận trọng.  Tâm tình cầu nguyện, gắn bó với Lời Chúa sẽ giúp chúng ta sức mạnh để chiến thắng những tấn công của Satan.  “Lời Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng.”  Sức mạnh của chúng ta đến từ Lời Chúa và vào lòng trông cậy vững vàng nơi Ngài.  “Tất cả những ai kêu cầu Danh Chúa sẽ được cứu thoát” (Bài đọc II).

“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 15).  Giữa biển đời sóng gió phong ba, Chúa Giêsu biết chúng ta sẽ trải qua nhiều cám dỗ.  Người cầu xin Đức Chúa Cha, để Ngài gìn giữ các môn đệ và những ai tin vào Chúa Giêsu.  Người tín hữu không tách rời khỏi thế gian, nhưng sống giữa thế gian với sức mạnh diệu kỳ của Thiên Chúa, để rồi họ chiến thắng nhờ sức mạnh ấy.  Sống tinh thần Mùa Chay là sống tinh thần hoang địa.  Ở đó, giữa thinh lặng và trong tinh thần chay tịnh, chúng ta sẽ gặp Chúa và được đón nhận từ Ngài sức mạnh siêu nhiên, giúp chúng ta thắng cám dỗ đang vây bọc tư bề.

Sau cùng, hồi tâm giúp chúng ta hướng về tương lai, với lạc quan hy vọng.  Chúng ta tin vào tình thương của Chúa và vào lòng nhân hậu của Ngài.  Thiên Chúa là Đấng “không nỡ bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói” (Is 42,2), có lẽ nào Ngài bỏ rơi chúng ta, khi chúng ta cậy trông phó thác nơi Ngài?

“Điều gì tốt anh em phải đạt cho bằng được, hãy chiến đấu nếu cần.  Vậy, anh em đừng sợ cám dỗ, nhưng hãy vui mừng, bởi vì chúng đưa đến thành tựu.  Thiên Chúa phù giúp và bảo vệ anh em” (Thánh Barsanuphius)

“Thiên Chúa như một người mẹ ẵm con trên tay bên bờ một vực thẳm.  Trong khi bà mẹ tìm cách giữ con cho khỏi nguy hiểm, thì đứa nhỏ lại cố sức để nhào xuống đó.

Xin Chúa giúp chúng ta sức mạnh để chiến thắng cám dỗ đang bao bọc vây quanh chúng ta, để sống giữa trần gian, mà lương tâm chúng ta vẫn thanh thoát, tâm hồn chúng ta vẫn gắn bó với Chúa trọn đời.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TRỞ VỀ

zzNgười cha không đi tìm đứa con út như tìm chiên lạc.

Nó đã dùng tự do để quyết định ra đi, và người cha tôn trọng quyết định đó.  Nhưng ông vẫn ngong ngóng chờ con.

Niềm hy vọng vẫn không ngừng nhen nhúm.

Người cha thấy con trước khi nó kịp thấy cha.  Con ốm yếu, hôi hám, bội bạc, chẳng làm cha xa tránh.

Tình thương trào dâng khiến bước chân cha vội vã.  Vòng tay cha lớn quá, nụ hôn cha nồng nàn.

Áo đẹp, dép mới, nhẫn đeo tay, ca nhạc, tiệc tùng, múa nhảy: tất cả chỉ để thông báo cho mọi người biết rằng đây là con tôi, vẫn là con vì chưa bao giờ không là con.

Nhưng người cha không chỉ thương con út.  Con cả mới là đích nhắm của câu chuyện này.

Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục cha từng li từng tí.  Anh không đi hoang, không ăn chơi, chỉ chăm lo đồng áng.  Ai cũng thấy anh là người con mẫu mực.

Nhưng biến cố đứa em trở về đã làm lộ con người thật của anh.

Tuy luôn ở trong nhà cha, nhưng anh lại ở ngoài tim cha.  Anh không hiểu được tại sao cha lại nhu nhược đến thế, bao dung đến độ bất công với anh.  Đãi tiệc với thịt bê béo để mừng đứa con hoang đàng, còn anh, một con dê để lai rai với bạn bè cũng không có. Anh không thể vui với cha, càng không thể vui với em.  Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm.  Rốt cuộc anh không chịu vào nhà!

Hoá ra cả hai người con vừa khác, lại vừa rất giống nhau.  Cả hai đều ở ngoài nhà cha, chấp nhận chịu đói.

Con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi.  Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào.

Sám hối là trở về với tình cha.  Cả hai người con đều cần trở về, trở vào.

Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống.

Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.

Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường.  Người anh cả cần dẹp bỏ tự ái để vui vẻ vào nhà. Người em út cần khiêm tốn mới gặp cha và gia nhân trong tình trạng thân tàn ma dại.

Để trở về cần đứng lên hay bỏ chỗ mình đang đứng.

Từ bỏ thì đớn đau nhưng hạnh phúc thật tuyệt vời.

Hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất, mà là khám phá ra mình có chỗ trong trái tim cha. Cha yêu mình dù mình hư hỏng, bất trung.  Cha yêu mình không phải vì mình ngoan ngoãn, được việc. Cha yêu mình chỉ vì mình là con.  Cha không muốn mất một đứa con nào.

Trở về với Cha đòi ta giang tay đón lấy người em.  Đó không phải là “thằng con của cha”, nhưng là “em của con”.

Trở về với Cha, với tha nhân cũng là trở về với mình.  Tôi chợt nhận ra mình quá ư giàu có.

***************************************

Lạy Cha, người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.  Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ, khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con.  Chúng con thèm được tự do bay nhảy ngoài vòng tay của Cha; nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.  Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.  Như người con thứ, chúng con bỗng thấy mình tay trắng, rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe doạ.

Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.  Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.  Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.  Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. – Trích trong ‘Manna’