LÁ THƯ NGỎ GỬI BÀ GÓA NGHÈO

Bà Đại Tâm kính mến!

Tôi là dân Galilê về thủ đô dự lễ.  Tình cờ tôi thấy Thầy Giêsu ca tụng tấm lòng to lớn của bà.  Vì thế tôi mạn phép đặt tên cho bà là Đại Tâm.  Bà hiểu tôi rồi chứ.  Bây giờ xin mời bà nghe tôi kể chuyện.

Ở ngoài Bắc, dân chúng say mê thầy Giêsu như một siêu sao.  Người đi đến đâu, thì dân đeo theo tới đó.  Người ta chen lấn nhau, để được Người đặt tay trị bệnh.  Lắm lúc Người không còn thời giờ ăn uống và nghỉ ngơi.  Có khi vừa ăn vừa giảng.  Giảng mải mê đến mức độ ổ bánh mì cầm ở tay, mà lâu lắm mới cắn được một miếng.  Khi nào đuối sức quá, thì Người phải trốn sang bên kia sông Giođan, hoặc lên tận miền cực Đông Bắc, vùng núi Hermon để nghỉ ngơi đôi chút.

Vừa về tới thủ đô, tôi vội vã đi tìm Thầy Giêsu.  Tìm mãi chả thấy.  Bỗng thấy Người ngồi trên bậc thềm.  Rất đăm chiêu.  Thấy người nghiêm nghị quá, tôi không dám lại gần, chỉ đứng xa xa mà chiêm ngưỡng.  Người quan sát thiện nam tín nữ bỏ tiền vào thùng công đức.  Dường như Ngài hiểu hết tâm tư của người dâng tiền.

Có những người Do Thái kiều từ nước ngoài trở về.  Quanh năm họ sống trên mảnh đất của người ngoại.  Hằng ngày họ giao tế với người không cắt bì.  Họ giàu lắm, nhưng lương tâm họ không lúc nào mà không cắn rứt.  Họ mang mặc cảm tội lỗi đầy mình.  Hôm nay về quê hương, họ bỏ tiền vào thùng công đức thật nhiều, vừa có ý đền tội, vừa có ý khoe: khoe đạo đức; khoe giàu sang.  Thầy Giêsu nhìn họ bằng nét mặt vô tư.

Có những bà mệnh phụ giàu sang: vòng vàng đeo rủng rỉnh; lại có vài cô hầu đi theo.  Họ đứng bên thùng tiền, nói chuyện với nhau thật rôm rả, moi tiền trong bóp ra một cách chậm rãi, bỏ tiền vào thùng một cách trang trọng và nhiều lần.  Khách bàng quan nhìn họ bằng cặp mắt thèm thuồng và kính trọng.  Nét mặt của Thầy Giêsu cứ vô tư.

Có những chàng thanh niên tay này cầm ổ bánh mì, miệng nhai nhóp nhép; tay kia cầm đồng tiền bỏ vội vào thùng, rồi quay ngoắt một cái.  Vừa chạy đi vừa cười toe toét, y như một trò chơi vô duyên.  Không ai nói gì, vì đấy là chuyện bình thường.  Thầy Giêsu cúi đầu, cắn môi tỏ vẻ buồn phiền.

Có một ông trung niên, khăn áo chỉnh tề, dõng dạc đi tới trước thùng tiền.  Mọi người lui ra để nhường chỗ.  Ông moi từ hầu bao ra bảy đồng tiền bóng láng, xếp một hàng ngay ngắn trên mặt thùng, rồi nhón từng đồng, nhẹ nhàng bỏ vào thùng.  Bỏ xong đồng tiền thứ bảy, ông dang tay cầu nguyện một lúc lâu, rồi trang trọng lui gót.  Mọi người cúi đầu chào.  Ông mỉm cười, giơ tay vẫy chào.  Thầy Giêsu xòe hai bàn tay bưng vội lấy mặt.  Dường như Ngài thổn thức…

Có một người đàn bà rụt rè đi tới.  Khăn áo lùng bùng, cũ kỹ, nhưng không tồi tàn.  Bà cầm giữa hai ngón tay một đồng xu mỏng dính, nhét vào kẽ thùng công đức, rồi thẹn thùng rút lui.  Thầy Giêsu đứng bật dậy, tập trung lập tức mười hai đệ tử đang đứng xớ rớ xung quanh đó.  Người dang tay chỉ về phía người đàn bà đang lủi vào đám đông, phấn khởi tuyên bố: “Đó là người dâng cúng nhiều nhất.  Người giàu có bỏ vào thùng nhiều tiền lắm, nhưng dù nhiều thì cũng chỉ là tiền lẻ trong sinh hoạt của gia đình thôi.  Còn bà góa ấy tuy chỉ bỏ vào thùng một đồng xu thôi, nhưng đồng xu ấy là tất cả những giọt mồ hôi của một ngày tất bật lao động, là nồi cơm mỏi mắt trông chờ của một gia đình.”

Mười hai đệ tử kiễng chân và rướn người để tìm người đàn bà ấy.  Còn tôi thì ba chân bốn cẳng, rượt theo người đàn bà ấy.  Người đàn bà ấy chính là bà đấy…

Tôi lặng lẽ và lẽo đẽo theo bà cho tới tận xóm ổ chuột.  Bà chui vào căn chòi tồi tàn.  Còn tôi thì đi từ đầu đến cuối xóm.  Nhà nào tôi cũng vào, để điều tra lý lịch của bà.  Tôi phải hiểu thật nhiều về bà, để hiểu thật nhiều về Thầy Giêsu của tôi.

Bà Đại Tâm kính mến!

Bây giờ bà đang lúi húi bên bếp lửa, trong cái chòi tồi tàn ở xóm ổ chuột.  Còn tôi thì đang ngồi xếp bằng trên giường nệm của một nhà trọ.  Tôi không muốn ăn, vì không thấy đói.  Tôi không muốn ngủ, vì lòng trí tôi không chịu ngưng đọng.  Tôi muốn nghĩ thật nhiều: nghĩ về Thầy Giêsu trong bối cảnh đại lễ tại thủ đô; nghĩ về bà, một người “Bần cư trung thị, vô nhân vấn” (người nghèo ở giữa chợ, chẳng ai thèm hỏi), thế mà lại được sư phụ Giêsu tôn vinh như một hoa hậu, như một siêu sao.

Ở ngoài Bắc dân chúng đeo theo Thầy Giêsu trùng trùng điệp điệp.  Thế mà hôm nay về thủ đô tôi thấy Ngài ngồi thơ thẩn một mình.  Ngài rảnh rỗi đến độ ngồi xem người ta bỏ tiền vào thùng.  Quần chúng đi lại nườm nượp, đi qua ngay trước mặt Ngài, mà cứ phớt lờ như không biết.  Tức quá, tôi mở ngay một cuộc điều tra.  Ra ngoài phố, gặp ai tôi cũng hỏi.  Hỏi từ ông kinh sư, đi đứng đàng hoàng như ông thiên triều, cho tới người hành khất ngồi co ro, dúm dó như con khỉ già sắp chết.  Chừng đó tôi mới hiểu.

Sau sự cố Thầy Giêsu cho ông Ladarô chui ra từ hầm mộ, nơi ông được an táng đã bốn ngày, thì uy tín của Thầy bao trùm trên mọi tâm tư của toàn thể dân cư ở thủ đô Giêrusalem.  Uy tín của Ngài lên cao bao nhiêu, thì uy quyền của thượng tế Caipha và Công nghị xuống thấp bấy nhiêu.  Bị dồn vào chân tường, Caipha ra vạ tuyệt thông cho bất cứ ai tin theo Thầy Giêsu.  Bị vạ tuyệt thông đồng nghĩa với bị truất quyền tín đồ và công dân Do Thái.  Một nỗi sợ bao trùm.  Mọi lương tâm áy náy.  Thương Thầy Giêsu quá, nhưng lại sợ vạ tuyệt thông quá thể.  Đành cắn răng, cúi mặt làm thinh.

Thầy Giêsu cô đơn giữa một rừng người hâm mộ.  Chuyện ngược đời.  Nhưng đời là thế và vẫn thế.  Tức quá, tôi đi tìm Thầy Giêsu và phỏng vấn Ngài.  Ngài không buồn không tủi, trả lời một cách bình thản: “Chúa Cha đã an bài hết rồi.  Tôi sẽ bị bắt, bị hành hạ, bị giết.  Nhưng ngày thứ ba tôi sẽ sống lại.”  Tôi nghe Thầy tâm sự mà như vịt nghe sấm.  Không dám hỏi, vì không muốn tỏ ra là mình dốt.  Tôi để đấy, để ngẫm nghĩ từ từ.  Sau chừng mười giây im lặng, tôi chuyển đề tài phỏng vấn sang hướng khác.

Tôi hỏi: “Tại sao một người đàn bà nghèo mạt chỉ bỏ vào thùng công đức một đồng xu quèn, mà Thầy hứng chí và ca tụng rùm beng làm chi vậy?”  Thầy âu yếm nhìn tôi và tâm sự rất lâu.  Giọng nói ôn tồn và ánh mắt trìu mến của Thầy làm tôi xúc động đến ứa lệ.

Bây giờ tôi mới biết Thầy yêu người nghèo da diết.  Thầy sống nghèo như người nghèo và với người nghèo để chia sẻ kiếp sống lầm than của họ.  Thầy tự đồng hóa với họ để dạy loài người một bài học: yêu người nghèo là yêu Chúa, khinh dể người nghèo là xúc phạm đến Chúa.  Ngài quyết tâm nâng đạo yêu người lên ngang tầm với đạo yêu Chúa.  Ngài kể lại cho tôi nghe dụ ngôn “Ngày thẩm phán cuối cùng.”

Con Người ngự trên ngai phán với người lương thiện rằng: “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc…”  Mọi người lương thiện đều trợn mắt lên tỏ vẻ bỡ ngỡ cực kỳ: “Chúa ơi, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, thấy Chúa khát mà cho uống đâu…”  Đức Vua từ trên ngai vui sướng dang tay, niềm nở giải thích ngay tức thời: “Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, thì là làm cho chính Ta.”  Người lành kéo nhau vào thiên đàng vừa đi vừa bỡ ngỡ nhìn nhau.

Sau đó Đức Vua dòm sang bên trái, gay gắt phán với bọn ác nhân rằng: “Hỡi quân bị nguyền rủa, hãy cút đi mà vào lò lửa đời đời dành sẵn cho Ác Quỷ.  Ngày xưa Ta đói mà không cho ăn; Ta khát mà không cho uống…” Hàng ngàn cánh tay vung lên phản đối ầm ĩ: “Chúng tôi có thấy Chúa bao giờ đâu mà Chúa bảo chúng tôi không cho Chúa ăn, không cho Chúa uống…?” Chúa nghiêm nghị trả lời: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những kẻ nhỏ nhất đây, thì là đã không làm cho Ta…”  Bọn ác nhân khóc òa lên một cách tuyệt vọng.

Bà Đại Tâm ơi, sau khi Thầy Giêsu ngỏ bày hết nỗi lòng của Ngài đối với người nghèo, Ngài xúc động nhắc đến bà, quý mến bà như cục vàng trong hũ, như ngàn hoa trên rừng Xuân.  Chỉ vì cái tấm lòng của bà: cao quý quá, chân thành quá.  Đối với Thầy Giêsu, cái tâm ấy là tuyệt vời.  Cái tâm ấy mà ẩn chứa trong thân phận nghèo khổ như bà, thì là trên tuyệt vời.

Bà Đại Tâm ơi! Mừng cho bà!

Lm Piô Ngô Phúc Hậu

NIỀM VUI KHI TRAO TẶNG

Thời nào cũng thế, người ta có thói quen nhận xét và đánh giá một người ở sự giàu có phong lưu, thể hiện qua phong cách chưng diện và đồ dùng.  Cũng vậy, trong thời đại hôm nay, khi mà nhiều người lấy kim ngân làm thước đo cho mọi giá trị, những nhận định về một người lại càng lầm lẫn hơn.  Người ta chú trọng đến sự giàu có bề ngoài mà ít để ý đến giá trị đích thực của một con người.  Lời Chúa hôm nay muốn giúp chúng ta nhìn rõ hơn, để rồi trong mối tương quan thường ngày, chúng ta trân trọng những giá trị cao cả, mà lại ở dưới một vỏ bọc xem ra là rất bình dị đơn sơ.

Lời Chúa hôm nay nói đến hai người phụ nữ góa bụa.  Một người ở thành Sarepta thời ngôn sứ Elia, một người thời Chúa Giêsu.  Mỗi người một cách, cả hai đều quảng đại và chân thành.  Trong truyền thống Do Thái thời xưa, người phụ nữ góa bụa bị coi như đồ bị chúc dữ (x. Tb 3,7-9).  Họ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi trong đời sống hằng ngày và trong những sinh hoạt cộng đồng.  Góa bụa đã là điều đau khổ và bất hạnh, người đàn bà góa trong Tin Mừng còn được diễn tả là người nghèo.  Cái nghèo của bà được thể hiện qua cách bà len lén đến gần hòm tiền công đức của Đền Thờ.  Cái nghèo cũng thể hiện qua số tiền mà bà đã bỏ vào đó, chỉ có hai đồng tiền kẽm, trị giá bằng một phần tư đồng xu Rôma.  Tuy vậy, theo cái nhìn của Chúa Giêsu, số tiền nhỏ mọn bà này dâng, lại là số tiền có giá trị lớn hơn cả.  Chúa Giêsu đã giải thích: vì bà này đã rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào hòm tiền công đức tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.  Chúng ta chú ý tới câu nhấn mạnh của Chúa ở chữ “tất cả” mà chúng ta vừa nghe.  Người đời vẫn nói: của cho không bằng cách cho.  Với hai đồng kẽm, người đàn bà góa nghèo đã dâng vào Đền thờ cả tấm lòng, kèm theo đức thờ phượng và tâm tình yêu mến.

Các nhân vật được nêu trong Bài đọc I và bài Tin Mừng thuộc hai thái cực đối lập, khi xét theo địa vị xã hội.  Một bên là những người biệt phái và những kinh sư, bên kia là những người đàn bà góa bụa nghèo khổ.  Biệt phái và kinh sư là những người uyên bác về trí tuệ, hoàn hảo trong tư cách thể hiện; những bà góa mang thân phận hẩm hiu, vừa nghèo về tiền bạc, lại không có chỗ trong các buổi hội họp và sinh hoạt cộng đồng.  Ấy vậy mà những người uyên bác lại bị Chúa trách mắng nghiêm khắc, và những người góa bụa bị mọi người quên lãng thì lại được Chúa khen.  Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước đều diễn tả Thiên Chúa là Đấng yêu thương bênh vực những người góa bụa, cô nhi và kẻ cô thân cô thế.  Ngài là chỗ dựa cho họ.  Các ngôn sứ và các tác giả thánh vịnh còn khẳng định rõ: ai đối xử bất công với những người thiệt thòi này sẽ bị Thiên Chúa báo oán.  Người phụ nữ quê ở Sarépta đã quảng đại với ngôn sứ Elia, đến nỗi chỉ còn một chút bột cuối cùng cũng dành cho vị ngôn sứ.  Lòng quảng đại của bà đã được Chúa thưởng công tức khắc.  Khi nhắc lại cách công đức của bà góa nghèo, Chúa Giêsu khẳng định: cùng với tặng vật, người cho cần có một tấm lòng.  Người muốn chúng ta nhìn nhận một người không dựa vào những gì là bề ngoài, nhưng nơi tấm lòng của họ.  Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng thế, có những trái tim nhân hậu, những tấm lòng quả cảm và những nhân cách cao thượng được ẩn giấu nơi những bề ngoài đơn sơ chất phác và khiêm tốn bình dân.  Mọi người đều đáng tôn trọng quý mến, vì trước mặt Chúa, hết thảy đều bình đẳng.  Mọi người đều được dựng nên giống hình ảnh của Chúa.  Ai cũng được mời gọi sống thánh thiện, và sống thánh thiện tức là nên giống Chúa, vì Chúa là Đấng Chí thánh và là nguồn mạch của sự thánh thiện.

Lời Chúa hôm nay vừa lưu ý chúng ta hãy thay đổi cách nhận định về một con người hay một sự việc, vừa nhắc bảo chúng ta, nghĩa cử chia sẻ luôn có giá trị trước mặt Chúa và giúp bản thân chúng ta nên hoàn thiện.  Chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh.  Chúa dạy chúng ta: cho thì có phúc hơn nhận.  Những gì chúng ta giúp đỡ người bất hạnh, sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an thanh thản trong tâm hồn.  Nghĩa cử chia sẻ của chúng ta giống như lửa, càng cho đi, càng lan rộng mà không hề mất đi.  Niềm vui của những tấm lòng rộng rãi sẽ luôn tồn tại và được nhân lên mãi.

Tác giả thư Do Thái mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đức Giêsu Thượng tế.  Người đã hy sinh vì tội lỗi nhân loại.  Người đã mang trên thân mình tất cả những đau khổ đáng lẽ chúng ta phải chịu, để nhờ đau khổ của Người mà chúng ta được hạnh phúc và bình an.  Noi gương Chúa, chúng ta hãy hy sinh, chia sẻ, cho đi chính sức lực, thời gian, tinh thần, vật chất, để đem lại cho cuộc sống này nhiều niềm vui.

Kính thưa anh chị em, chúng ta đã bước sang tháng Mười một dương lịch, là tháng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.  Thiên Chúa là Đấng Chí thánh.  Con người muốn đến gần Chúa thì phải được thanh tẩy khỏi những gì bất xứng.  Những ai khi kết thúc cuộc đời trần thế, mà còn vương vấn tội nhơ, thì cần được thanh tẩy.  Luyện ngục cũng là bằng chứng về lòng thương xót của Chúa.  Ngài không nỡ trừng phạt các tội nhân, nhưng thanh tẩy họ để họ nên tinh tuyền, xứng đáng vào hưởng hạnh phúc vinh quang của Ngài.  Cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra sự mong manh của kiếp người.  Dù sang trọng giàu có hay nghèo hèn lận đận, cuộc sống cũng chỉ như một hơi thở thoáng qua, như một đoá hoa vô thường.  Con người chỉ sống một lần.  Nếu cuộc sống là một cuộc hành trình, thì hành trình nào cũng có đích điểm, tức là có hồi kết thúc.  Cầu nguyện và suy tư bên mộ những người thân, mỗi chúng ta hãy lắng nghe lời nhắn nhủ của những người đã khuất bóng.  Cuộc đời của họ có biết bao điều muốn nói với chúng ta.  Tiền nhân đã dạy: “Hổ chết để lại da, người ta chết để lại tiếng.”  Có những người sau cuộc sống trần gian, tên tuổi của họ được lưu mãi đến thiên thu.  Có những người khi sống độc ác gian hùng, tên họ cũng được nhắc lại, nhưng như một nỗi kinh hoàng ám ảnh.  Người tín hữu Công giáo tin rằng, những ai sống ngay chính thánh thiện, danh thơm của họ không chỉ lưu lại cho hậu thế, mà còn được Thiên Chúa khắc ghi vào sổ Sự Sống.  Tháng Mười một vừa là tháng thể hiện lòng hiếu thảo tri ân, cũng là lúc chúng ta suy tư về ý nghĩa cuộc đời.  Thông điệp của những nấm mộ, là lời mời gọi sống thánh thiện chân thành, trân quý mọi giá trị của cuộc sống và luôn sẵn sàng cho cuộc lên đường về với Vĩnh Cửu.

Một tác giả đã viết:  Khi một người chết đi, anh ta nắm trong tay chỉ những gì mình đã cho đi khi còn sống.  When a man dies he clutches in his hands only that which he has given away during his life time (Sưu tầm).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ: kiếp sống con người chỉ như làn gió thoảng qua.  Duy chỉ những đức hạnh và những việc thiện hảo là vĩnh cửu vững bền.  Xin cho chúng con luôn biết cậy dựa vào Chúa là lý tưởng và cùng đích của cuộc đời, để chúng con chiến thắng những cám dỗ, vượt qua mọi rào cản và trọn đời theo Chúa.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NGUỒN NƯỚC MẮT

Trí nhớ của tôi lưu giữ nhiều hình ảnh.  Trong số đó, có một thứ hình ảnh rất thầm lặng, nhưng thường gây trong tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ.  Thứ hình ảnh đó là các nghĩa trang.

Tôi đã viếng nhiều nghĩa trang.  Tại Việt Nam, tại Ý, tại Đức, tại Pháp, tại Nga, tại Vaticăng.

Tôi đến viếng các nghĩa trang, chủ ý để suy gẫm, cầu nguyện, và cũng để tìm cảm nghiệm.  Có thứ cảm nghiệm chỉ tìm được ở nghĩa trang.  Tôi đã nghĩ như vậy và đã làm như vậy, khi tôi viết luận án: “Đau khổ của tình yêu.”

Đã có những cảm nghiệm độc đáo in rất sâu vào lòng tôi từ các nghĩa trang.  Đặc biệt là từ những dòng nước mắt ở nghĩa trang.

Có những nước mắt của tình yêu dạt dào.
Có những nước mắt của nỗi buồn, nhung nhớ.
Có những nước mắt của lòng hối hận khôn nguôi.
Có những nước mắt của tấm lòng tha thứ muộn màng.
Có những nước mắt của ân tình, hiếu nghĩa.
Có những nước mắt của niềm tin sâu sắc mong chờ.

Khi đi sâu hơn một chút giữa các dòng nước mắt, tôi có thể cảm nghiệm được một số khám phá quan trọng:

Khám phá ra những chân lý nhân sinh.
Khám phá ra những hy vọng ứu độ.
Khám phá ra chính mình.

Khám phá ra chân lý

Những nước mắt ở nghĩa trang là những tiễn biệt thân thiết.  Tiễn biệt người đã chết, người vĩnh viễn ra đi.  Sự chết là một sự thật không cần bàn tới.  Nhưng đó lại là một chân lý cực kỳ quan trọng.

Bất cứ ai, rồi cũng phải chết.  Cái chết đáng sợ.  Nhưng đáng sợ hơn lại là cái gì đàng sau cái chết. Đáng sợ, vì nó quá bất ngờ.  Biết đâu, trong số mồ mả, cũng có những hồn vì thế mà đang khóc ròng rã đêm ngày.

Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn Phúc Âm: “Có một ông nhà giàu nọ, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu đó.  Anh thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho đỡ đói.  Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

Thế rồi, người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Apraham.

Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.  Dưới địa ngục, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Apraham ở trên đàng xa, và thấy Ladarô trong lòng tổ phụ.  Bấy giờ ông ta kêu lên: Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, xin sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm.

Ông Apraham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi.  Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.  Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.  Hơn nữa, giữa chúng ta đây và con đã có một vực thẳm quá lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16,19-26).

Với dụ ngôn trên, Chúa dạy ta những chân lý quan trọng.  Ai cũng phải chết.  Nhưng sự Chúa đánh giá từng người sau khi chết thường vượt quá sự con người suy nghĩ.  Người phú hộ đó sống đời này được đầy đủ, sung sướng, an nhàn, xét mình chẳng thấy gì là xúc phạm Chúa, chẳng thấy gì là làm hại ai.  Nhưng người phú hộ đó đã bị rơi vào hoả ngục.  Chỉ vì sống thiếu thương cảm, thiếu liên đới, thiếu chia sẻ, thiếu xót thương.  Trái lại, người ăn mày kia đã được lên thiên đàng.  Vì dù bị chìm trong cảnh khổ, anh đã sống nêu gương về đức khiêm nhường, hiền lành và chân thật.  Không được người dư dật chia sẻ, anh phải sống đói khổ, nhưng anh vẫn chia sẻ với mấy con chó đói ăn.

Nhờ ơn Chúa, những sự thực như trên đã được nhiều người nhận ra một cách sâu sắc trong những dòng nước mắt tại nghĩa trang.  Những chân lý đó đã thay đổi đời họ.

Ngoài ra, biết bao người nằm trong nghĩa trang và khóc tại nghĩa trang cũng đã tìm được hy vọng cuộc đời qua một ngả khác.

Khám phá ra hy vọng

Không thiếu trường hợp, tôi đã chứng kiến những cuộc trở về.  Họ đã trở về từ những dòng nước mắt của một người nào đó.  Người đó cầu nguyện cho họ.  Người đó khóc với họ thay vì nói với họ.

Một lúc bất ngờ, lời Chúa Giêsu phán xưa trở thành chuyện đời họ.  Chúa an ủi họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc.  Người đau ốm mới cần.  Hãy về học biết ý nghĩa của câu này: Cha muốn lòng nhân, chứ đâu cần của lễ.  Vì Cha đến, không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12-13).

Những lời dịu dàng đó đã đi sâu vào lòng họ.  Cõi lòng vốn đóng kín, khoá chặt, chất chứa những u uất, thất vọng, nay mở ra để hy vọng tràn vào.

Họ cảm thấy mình được xót thương, được yêu thương.  Họ sám hối.  Họ cảm thấy mình được tha thứ.  Và chính họ cũng dễ dàng tha thứ.  Một sự bình an lạ lùng trùm phủ tâm hồn họ.  Họ ra đi bình an trong sự tin tưởng phó thác tuyệt đối ở Chúa giàu lòng thương xót.  Họ khóc vì xúc động, đây là những dòng nước mắt đầy tình cảm tạ.

Những người chứng kiến cũng không cầm được nước mắt.  Những dòng nước mắt ấy không nói nên lời, nhưng ngọt ngào niềm hy vọng cứu độ.

Khám phá ra chính mình

Tại những nghĩa trang, thấy người ta khóc, nhất là khi chính mình khóc, tôi như nghe được tiếng Chúa Giêsu nói: Cha thương con, Cha thương mọi người.  Cùng với lời Chúa trao ban tình yêu, tôi khám phá ra chính mình tôi, với những vết thương, với những tang tóc đau buồn.  Khám phá ra chính mình trong sự thực trần trụi.

Khám phá để giúp trút bỏ những cái nhìn ảo.  Nhìn ảo về mình.  Nhìn ảo về những công việc của mình.  Nhìn ảo về người khác.  Nhìn ảo về cuộc đời.

Để cũng nhận ra rằng: dù với những yếu đuối, tội lỗi, mong manh, tôi vẫn được Chúa gọi với tình xót thương:

Gọi hãy cảm thương.
Gọi hãy chia sẻ.
Gọi hãy trở về.
Gọi hãy hiến dâng.
Gọi hãy cầu nguyện và đền tạ.
Gọi hãy sám hối và tín thác.
Gọi hãy vượt qua sự chết và mọi nghĩa trang, để bay vào cõi phúc đời đời.

Ơn gọi đó sẽ thực hiện được, miễn là tôi biết nhờ ơn Chúa, ở lại trong tình Chúa yêu thương.  Như lời Chúa kêu gọi: “Hãy ở lại trong Cha, như Cha ở lại trong các con” (Ga 15,4).

ĐGM Gioan B. Bùi Tuần