CẦU NGUYỆN ĐI TÌM MỘT CHIỀU SÂU

Bài thứ nhất trong loạt bốn bài mùa Vọng về cầu nguyện

Trong những phút giây chiêm nghiệm sâu đậm, chúng ta cảm nhận tầm quan trọng của cầu nguyện; thế nhưng chúng ta lại gắng gỗ chật vật để cầu nguyện.  Cầu nguyện sâu đậm, bền bỉ chẳng dễ dàng đến với chúng ta.  Tại sao vậy?

Trước hết, chúng ta gắng gỗ chật vật để sắp xếp thì giờ cầu nguyện.  Buổi cầu nguyện chẳng tựu thành được điều gì thực tế cho chúng ta, đó là phí phạm thì giờ xét về mặt phải xoay xở giữa những áp lực và nhiệm vụ của đời sống hàng ngày, và vì thế chúng ta ngại đi tới đó.  Thêm vào đó, chúng ta thấy khó mà tin tưởng được buổi cầu kinh thật sự có tác dụng và đưa lại điều gì đó thực tế trong đời sống chúng ta.  Ngoài chuyện đó ra, chúng ta chật vật để tập trung cho được khi cố gắng cầu nguyện.  Một khi thu xếp ngồi xuống cầu nguyện, thì chẳng mấy chốc chúng ta thấy mình tràn ngập trong những mơ mộng hão huyền, những cuộc chuyện trò lỡ dở, những giai điệu nhớ nhớ quên quên, những vụ đau tim, lịch trình công việc, và những nhiệm vụ đang treo lơ lửng sẽ ùa đến ngay khi chúng ta đứng dậy khỏi nơi cầu nguyện.  Cuối cùng, chúng ta chật vật cầu nguyện bởi vì thật sự không biết nên cầu nguyện như thế nào.  Có thể chúng ta quen thuộc với nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau, từ những buổi cầu kinh sùng đạo cho đến những kiểu thiền định khác nhau, nhưng thông thường chúng ta thiếu tự tin nên không nghĩ rằng cái cách cầu nguyện cụ thể của chính mình, với tất cả những điều làm phân tâm, sao nhãng và sơ suất trong đó, chính là kiểu cầu nguyện một cách sâu đậm.

Một trong những nơi chúng ta có thể nhờ cậy là Phúc âm thánh Luca.  Hơn bất cứ Phúc âm nào, Phúc âm thánh Luca là Phúc âm về cầu nguyện.  Trong Phúc âm này có nhiều nơi mô tả Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều hơn ở tất cả các sách Phúc âm khác cộng lại.  Thánh Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện trong gần như tất cả trạng huống: Người cầu nguyện khi tràn đầy niềm vui, Người cầu nguyện khi đang trong cơn thống khổ; Người cầu nguyện với những người ở bên cạnh, và Người cầu nguyện khi một mình giữa đêm vắng, xa khỏi mọi mối liên hệ với con người.  Người cầu nguyện trên núi, ở nơi thiêng liêng, ở bình địa, nơi cuộc sống bình thường diễn ra.  Trong Phúc âm của thánh Luca, Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều.  Và các môn đồ của người hiểu rõ bài học này.  Họ cảm nhận rằng chiều sâu và sức mạnh thật sự của Chúa Giêsu được khởi từ cầu nguyện của Người.  Họ biết rằng điều khiến Người đặc biệt như vậy, hết sức khác những nhân vật tôn giáo khác như vậy, là vì Người được kết nối ở một nơi sâu sắc nào đó với một quyền năng nằm ngoài thế giới này.  Và họ cũng muốn họ được như vậy.  Đó là lý do tại sao họ đến gặp Chúa Giêsu và xin: “Xin Chúa dạy cho chúng con cầu nguyện!”

Nhưng chúng ta cần cẩn thận để không bị hiểu sai điều gì đã thu hút họ như vậy, và họ mong mỏi gì khi xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện.  Họ cảm nhận cái mà Chúa Giêsu lấy được từ chiều sâu cầu nguyện của mình trước hết không phải là quyền năng để làm phép lạ hay để làm câm bặt các kẻ thù của mình bằng một kiểu trí thông minh siêu việt nào đó.  Điều khiến họ cảm động và điều họ cũng muốn cho cuộc sống của chính mình là chiều sâu và lòng khoan dung độ lượng của tâm hồn Người.

Sức mạnh mà họ khâm phục và mong muốn là sức mạnh của chúa Chúa Giêsu trong yêu thương và tha thứ kẻ thù thay vì làm bẽ mặt và chà đạp họ.  Điều họ mong muốn là sức mạnh của Chúa Giêsu để chuyển hóa một không gian, không phải bằng một hành động phép lạ nào đó, mà bằng sự trong trắng và tính chất dễ bị tổn thương như thể khiến mọi người đều hạ vũ khí, cũng như sự có mặt của một đứa bé khiến cho mọi người quan tâm để ý đến cách cư xử và lời nói của mình.  Điều họ muốn là sức mạnh từ bỏ cuộc đời trong sự tự hy sinh, kể cả khi có được khả năng đáng ghen tị là tận hưởng những niềm vui thú của cuộc đời mà không bị tội lỗi.  Điều họ muốn là sức mạnh tấm lòng quảng đại của Chúa Giêsu, để thương yêu vượt ra bên ngoài dòng tộc mình, và thương yêu người giàu lẫn người nghèo, thương yêu từ trong lòng nhân từ, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, tốt lành, chịu đựng, trung tín, nhẹ nhàng, và trinh bạch, bất chấp mọi thứ trong đời ngăn cản những đức hạnh này.  Điều họ mong muốn là từ chiều sâu và lòng bao dung độ lượng trong tâm hồn Chúa Giêsu.

Và họ nhận ra rằng cái sức mạnh này không phải đến từ bên trong Người, mà từ một nguồn cội bên ngoài Người.  Họ thấy Người kết nối với một nguồn cội sâu xa thông qua cầu nguyện, thông qua việc liên tục nâng cao lên đến với Chúa vốn ở trong tâm trí Người.  Họ thấy điều đó và họ cũng muốn mối-liên-hệ-chiều-sâu đó cho chính mình.  Vì vậy họ xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện.

Rốt cùng, chúng ta cũng muốn có được chiều sâu và lòng khoan dung độ lượng của Chúa Giêsu trong đời sống của chính mình.  Giống như các môn đồ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng biết rằng chúng ta chỉ có thể đạt được điều này thông qua cầu nguyện, thông qua tiếp cận một sức mạnh nằm ở bên trong chiều sâu sâu thẳm nhất của tâm hồn mình và vượt ra khỏi tâm hồn mình.  Chúng ta cũng biết rằng con đường dẫn đến chiều sâu đó nằm ở cuộc hành trình vào nội tâm, trong im lặng, thông qua cả nỗi đau đớn lẫn thầm lặng, hỗn loạn và bình an, con đường sẽ hiện ra với chúng ta khi ta lắng mình để cầu nguyện.

Trong những giây phút chiêm nghiệm sâu xa, và những phút giây tuyệt vọng, chúng ta đều cảm thấy cần phải cầu nguyện và cố gắng đi đến chỗ sâu xa đó.  Nhưng, vì chúng ta thiếu lòng tin tưởng và thiếu thực hành, nên chúng ta gắng gỗ chật vật để tới đó.  Chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào hay làm sao để duy trì việc cầu nguyện bền bỉ.

Nhưng như vậy chúng ta đang song hành với các môn đồ của Chúa Giêsu.  Và thế là, một khởi đầu tốt sẽ là nhận ra chúng ta cần cái gì và tìm ra nó ở đâu.  Chúng ta cần bắt đầu với một lời nài xin khẩn thiết: Xin Chúa dạy cho chúng con cầu nguyện!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

MÙA VỌNG – ĐỌC DẤU CHỈ CỦA NIỀM HY VỌNG

Trong thời gian đại dịch Covid, không ít “ngôn sứ giả” đã lên tiếng nói về ngày tận thế.  Hầu hết các ngôn sứ này đều loan báo những tin gây hoang mang và gieo lo sợ cho người khác.  Chưa kể đến việc những ai nhận được các tin ấy, phải có trách nhiệm loan tin đến với người khác nữa.  Thế là số lượt thích (lượt like) các tin giả và giật gân được tăng lên mỗi ngày, tỉ lệ thuận với sự lo lắng và hoảng sợ lan tỏa trong cộng đồng.  Nếu để ý một chút, chúng ta có thể nhận ra các điều này dường như đi ngược lại cái nhìn của Ki-tô giáo.  Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không dùng những sự kiện kinh thiên động địa của vũ trụ để hù dọa con người.  Ngược lại, những điều ấy xảy ra, người Ki-tô hữu được mời gọi nhìn ra sự hữu hạn và bấp bênh của thế giới này, đặt niềm tin vào những điều bền vững hơn.  Nói một cách khác, người Ki-tô hữu được mời gọi đọc ra những dấu chỉ của niềm hy vọng.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng [1], chúng ta thấy Đức Giê-su dùng những ngôn từ mang tính ngôn sứ để nói về những điều sẽ xảy đến trong tương lai và ý nghĩa của chúng [2]. Ngài nói về sự hỗn loạn của các tinh tú trên trời và sự đảo lộn các vật thể dưới đất.  Trong tình cảnh ấy, mọi người sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.  Họ sẽ sợ đến hồn xiêu phách lạc [3], chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.  Có thể nói, đây là những phản ứng rất tự nhiên và bình thường của con người.  Nhưng điều gây ngạc nhiên cho chúng ta là góc nhìn và cách giải thích ý nghĩa của Đức Giê-su.  Ngài khẳng định: khi thấy những điều ấy xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên.

Chúng ta hiểu điều này thế nào đây?  Khi có ai đó nói rằng sự hỗn loạn của vũ trụ xảy ra như là những dấu chỉ của niềm hy vọng, chứ không phải là thời của sự hủy diệt vĩnh viễn.  Những lời này thật là tuyệt vời, khi chúng ta đang phải chung sống với đại dịch Covid.  Nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn dập tắt được nỗi nghi ngờ, phải chăng mình đang ảo tưởng?

Với những suy luận của lý trí, chúng ta thấy khó hiểu câu nói của Đức Giê-su: “Khi những điều này bắt đầu xảy ra, hãy nhìn lên và ngẩng đầu lên, vì sự cứu chuộc [4] đã gần đến” (c. 28).  Chưa kể là những lời này có vẻ xa lạ đối với chúng ta.  Các nhà chú giải Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên hiểu những lời này theo các sự kiện cụ thể, nhưng thay vào đó, chúng ta cần hiểu rằng đây là lời hứa của Thiên Chúa.  Ngài sẽ can thiệp một cách dứt khoát vào lịch sử của con người.  Cho nên, đây không phải là một lời đe dọa, mà là một lời hứa!

Sau khi dạy cách đọc và giải thích ý nghĩa, cũng như mục đích của các dấu chỉ thời đại, bây giờ Đức Giê-su cảnh báo chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.  Ví như người đi đón chàng rể (Mt 25,1-13).  Thời gian chờ đợi là lúc quyết định.  Phần thưởng chỉ dành cho những ai đã chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức.  Câu hỏi được đặt ra: Ai có thể tỉnh thức, khi sự chờ đợi thường rất buồn tẻ?  Và nếu không tỉnh thức, thì sao?

Đức Giê-su căn dặn các môn đệ: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.”  Có thể diễn tả lại những lời này bằng ngôn ngữ tích cực hơn: Anh em hãy sử dụng các năng lượng sống một cách tích cực; đừng sử dụng những tài năng Chúa ban một cách vô ích.

Trong ngôn từ của Kinh Thánh, đừng chè chén say sưa [5], có thể hiểu là hãy cố gắng tận dụng tối đa các nguồn lực Chúa ban, để đem lại ích lợi cho chính mình và cho người khác.  Nói một cách khác, hãy trở nên người quản lý khôn ngoan và tài giỏi những ơn lành Chúa ban.  Vì việc sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách vô ích, cũng giống như tình trạng của người say xỉn.  Họ lãng phí thời gian, tiền bạc và sức khỏe… vào các thú vui mau qua – chúng đem đến những cảm giác sung sướng hạnh phúc lâng lâng, nhưng sau đó là sự hụt hẫng và cô đơn vì thiếu vắng hy vọng.

Nếu việc chè chén say sưa trái ngược với sự quản lý tài giỏi, thì sự lo lắng [6] đi ngược lại với đời sống đức tin lành mạnh.  Giống như việc chè chén say sưa, sự lo lắng tiêu hao hết năng lượng sống của chúng ta, mà không sinh ra bất cứ điều hữu ích gì.  Sự lo lắng có thể kéo theo cảm giác mệt mỏi và khiến chúng ta tăng huyết áp.  Sự lo lắng còn làm tê liệt cuộc sống, khiến chúng ta không phản ứng kịp với các nguy hiểm đang đến gần.

Nhìn vào trong cộng đoàn, chúng ta thấy mỗi người có những khó khăn riêng.  Có người trở nên nặng nề vì say xỉn; nhiều người khác lại gặp vấn đề với những lo lắng thái quá của cuộc sống hằng ngày.  Cả hai đều có hại.  Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe thấy rằng lo lắng cũng gây ra tác hại như việc chè chén say sưa.  Vì nếu đưa lên bàn cân để đong đếm, thì có lẽ sự lo lắng có vẻ là một lỗi nhẹ hơn nhiều.  Nhưng thực ra sự lo lắng lại bóp nghẹt tinh thần sống và làm xơ cứng đời sống đức tin.  Không quá lời, nếu nói sự lo lắng gây hại đến đời sống đạo của chúng ta hơn.  Ở đoạn Tin Mừng khác, Đức Giê-su mời gọi tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai. Ngày mai, cứ để ngày mai lo.” [7] 

Vậy điều chúng ta nên làm là gì?  Đức Giê-su mời gọi: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.  Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tránh được sự nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng thái quá.  Lời cầu nguyện còn giúp chúng ta mở lòng ra để nhận được các ơn lành của Thiên Chúa và sử dụng các năng lượng một cách tích cực và khôn ngoan.  Hãy tỉnh thức, là mời gọi hãy dành thời gian để duyệt xét lại lối sống hiện tại và loại bỏ đi những thú vui thiếu niềm hy vọng.  Đừng chạy theo những bình an và hạnh phúc mau tàn chóng qua, thay vào đó đi tìm và xây dựng niềm an vui đích thực.  Trong mùa Vọng này, xin cho chúng con sẵn sàng và luôn sẵn sàng, để nhận ra và mở lòng đón nhận Ơn Cứu Chuộc đang đến gần.

Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng Năm C (Lc 21, 25-28, 34-36).
[2] Như lời của ngôn sứ I-sai-a: “Quả vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn toả sáng.” (Is 13, 10). Xem thêm (Is 34, 4; Ge 2,10; 3,4; 4,15).
[3] Từ Hy-lạp ἀποψυχόντων (apopsuchonton) = sợ kinh hãi hoặc sợ chết. Ở đây còn có nghĩa là bị đóng băng, bị tê liệt.
[4] Từ Hy Lạp ἀπολύτρωσις (apolytrosis) = sự cứu rỗi, tiền chuộc… Ở đây được hiểu là ơn cứu độ.
[5] Từ Hy-lạp κρεπάλῃ (kraipale) = chóng mặt; và μέθῃ (methe) = say rượu. Trong tiếng Hy Lạp, từ kraipale thường được dùng để chỉ cảm giác buồn nôn hoặc lú lẫn do say rượu. Ngoài ra, từ này còn dùng để nói về những thú vui chơi tiêu khiển nữa. Nó ám chỉ đến những ham mê, thú vui quá độ hoặc phóng đãng…. Tuy nhiên, điểm chung là đều quy về tình trạng say rượu.
[6]  Từ Hy-lạp μερίμναις βιωτικαῖς (merimnais biotikais) = quan tâm, lo lắng những thứ cần thiết hàng ngày của cuộc sống mưu sinh.
[7] Tin tưởng vào Chúa quan phòng (Mt 6, 25-34).

VÀ Ở CÙNG CHÚNG TA!

Mùa Vọng đã về.  Mùa Vọng là mùa Phụng vụ đầu tiên của năm Phụng vụ mới.  Mùa Vọng nhắc chúng ta nhớ lại một lịch sử dài trải qua nhiều thế hệ.  Đó là lịch sử của niềm mong đợi Đấng Cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa.  Niềm mong đợi Đấng Cứu thế đã nuôi dưỡng đức tin của dân tộc Do Thái trong mọi biến cố thăng trầm, nhất là trong những năm tháng bi đát của lịch sử, như thời lưu đày.  Mùa Vọng cũng nhắc cho chúng ta sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa: đó là sự kiện Ngôi Lời giáng sinh làm người và ở cùng chúng ta.  Thiên Chúa ở cùng con người.  Ngài không còn chỉ là Đấng ngự trên chín tầng mây xanh cao thẳm.  Ngài cũng không còn ngỏ lời với con người qua những trung gian như thời Cựu ước.  Thiên Chúa đã trực tiếp nói với chúng ta bằng chính Con của Ngài.  Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa.  Người đến trần gian để ở với chúng ta, để chung chia vui buồn với mỗi con người đang lang thang phận người trên cõi dương gian.

Nội dung Bài đọc I và Bài Tin Mừng hướng chúng ta tới một tương lai, khi Thiên Chúa thực hiện lời Ngài đã hứa.  Lúc đó, Đấng Công chính sẽ xuất hiện, mạnh mẽ như Đavít.  Người sẽ đem lại cảnh an hòa cho vũ trụ, và dân tộc Israen sẽ được cứu thoát.  Xin lưu ý, Giêrêmia là một vị ngôn sứ sống trong giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn của Israen, tức là thời khủng hoảng chia rẽ trước cuộc lưu đày ở Babylon.  Vị ngôn sứ đã loan báo niềm hy vọng, để mời gọi dân mình cậy trông vào lời hứa Thiên sai, vì Chúa là Đấng trung thành.  Ngài sẽ thực hiện những gì Ngài đã phán.

Lời hứa ban Đấng Thiên sai đã được thực hiện, khi Chúa Cha sai Con Một của Ngài làm Đấng Cứu độ trần gian.  Đức Giêsu đã đến trong lịch sử.  Người là trung gian của lịch sử.  Vì vậy, những gì xảy ra trước khi Người sinh hạ được gọi là “trước Công nguyên” và ngược lại.  Mùa Vọng vừa kỷ niệm ngày Chúa Giêsu đến trần gian, vừa nhắc nhớ cho chúng ta, Người sẽ lại đến trong vinh quang, vào lúc tận cùng của thời gian.  Tuy vậy, nếu chúng ta xác tín vào việc Người sẽ đến vào ngày tận thế, thì chúng ta cũng tin chắc rằng Chúa sẽ đến gặp mỗi người chúng ta, khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay kết thúc cuộc đời.  Vì vậy, trong khi chờ đợi Chúa Giêsu đến vào lúc chúng ta kết thúc cuộc đời, Lời Chúa nhắc bảo chúng ta: hãy tỉnh thức.  Không ai sinh ra rồi sống mãi trên đời.  Cuộc sống con người có ngày khởi đầu thì cũng sẽ có ngày kết thúc.  Vì vậy, người tin Chúa cần tỉnh thức cầu nguyện, để luôn trong tình trạng sẵn sàng khi Chúa đến.  Tỉnh thức là tình trạng thánh thiện, đạo đức.  Đó cũng là một cuộc sống an bình thanh thản, không hờn giận bon chen, không mưu mô tính toán, với niềm tín thác nơi vị Thẩm phán công minh là chính Đức Giêsu, Đấng Cứu độ con người.  Tỉnh thức còn là sự trân trọng đối với những người sống xung quanh chúng ta.  Đức tin khẳng định, họ cùng là anh chị em với chúng ta, và cùng là con của Cha trên trời.  “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (Bài đọc II).  Tình yêu thương là nền tảng của mọi cộng đoàn Đức tin, là điều kiện cốt lõi để công cuộc truyền giáo có hiệu quả.

Hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ấn định: Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay, cũng là ngày khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI ở cấp Giáo phận.  Đức Thánh Cha đã quyết định triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới và ngài chọn chủ đề cho Thượng Hội đồng là “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham dự và sứ vụ.”  Chủ đề này nhấn mạnh tới sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội.  Quả vậy, nhờ Bí tích Thanh tẩy, mỗi Kitô hữu đều được gọi tham gia phần mình, tùy khả năng Chúa ban, vào việc xây dựng Giáo Hội, cụ thể là nơi cộng đoàn đức tin mình đang sống.  Mỗi Kitô hữu đều là chi thể của Giáo Hội, với ba chức năng Chúa ban: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế.  Trước khi cử hành chính thức Thượng Hội đồng vào tháng 10/2023, Đức Thánh Cha muốn lắng nghe ý kiến từ các Giáo Hội địa phương, sau đó ngài sẽ đưa ra một định hướng mục vụ phù hợp với bối cảnh thế giới và nguyện vọng của Dân Chúa. Để cụ thể tinh thần của Thượng Hội đồng, đây là dịp để mỗi người tín hữu chúng ta ý thức vinh dự và sứ mạng của mình, đồng thời góp phần làm cho sức sống nơi cộng đoàn đức tin mình đang sống được phát triển.

Nếu Thiên Chúa nhập thể làm người để đồng hành với phận người nơi trần thế, thì Giáo Hội cũng phải đồng hành với con người trong bối cảnh cụ thể của mọi quốc gia và mọi nền văn hoá.  Một hạn từ nổi bật trong chủ đề của Thượng Hội đồng là “hiệp hành.”  Hiệp hành có nghĩa là “đi cùng nhau”, là “liên kết”, là gắn bó với nhau để làm việc chung.  Khi liên kết với nhau trong tinh thần đức tin và đức mến, chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh phi thường.  Sự hiệp thông liên kết cũng làm nên vẻ đẹp kỳ diệu của Giáo Hội, qua đó chúng ta diễn tả một Giáo Hội của Chúa với bốn đặc tính: Duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

“Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta.”  “Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta.”  Đây là những danh xưng diễn tả nguồn gốc thiên linh và sứ mạng của Đấng Thiên Sai.  Những danh xưng này cũng nói lên sự gần gũi thân thương giữa Thiên Chúa và con người.  Vâng, Chúa Giêsu là sự Công chính của chúng ta, và Người vẫn đang ở với chúng ta cho đến ngày tận thế.  Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để đón Người.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HÃY CÓ TÂM TÌNH TẠ ƠN

Văn hóa biết ơn của Việt nam rất hay.  Từ thuở bé, tôi vẫn thường nghe dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”  “Uống nước nhớ nguồn.” “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại.”

Thật vậy, lời “cám ơn” rất đơn sơ bé nhỏ, nhưng đem lại cho người làm ơn một sự vui thỏa, ấm áp.  Đó là phép lịch sự, tế nhị tối thiểu, bình thường, và phải cư xử như vậy mới là người biết điều.  Việt Nam cũng có những câu nói diễn tả người vô ơn: “Ăn cháo đá bát.” “Vắt chanh bỏ vỏ.” “Có trăng phụ đèn.”  “Ăn mật trả gừng, ăn sung trả ngải.”  Kẻ muốn được ơn thì nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít.  Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có tỷ số là một phần mười mà thôi.

Cám ơn Thiên Chúa là dâng trả ân huệ về cho Ngài, là nhìn nhận Ngài là nguồn mạch tuôn trào ra ân huệ chúng ta đã lãnh nhận.  Cám ơn là đi vào mối tương giao tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta và trở lại với Ngài.  Người vô ơn là người chặn đứng luồng tương giao này lại, không cho nó trở về với nguồn mạch, và sẽ làm cạn khô tương giao đang có.  Công trình cứu độ của Đức Giêsu chỉ thực sự sinh hiệu quả nếu chính chúng ta cởi mở để cho mọi sự quay trở lại với Người.

“Cám ơn” là tỏ lòng biết ơn với người đã làm điều tốt cho mình.  Mỗi khi ta nhận được một ơn huệ gì, thì ta phải biết tạ ơn Chúa và cám ơn những người làm ơn cho ta.  “Cám ơn” ấy là hai từ mà ta vẫn nói hàng ngày.  “Cám ơn,” lời nói cửa miệng tưởng như có thể nói với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, nhưng nhiều khi ta không biết nói lời cám ơn.

Trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca nhắc cho ta nhớ lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành mười người phong hủi, tất cả đều được khỏi bệnh.  Nhưng chỉ có một người đến tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa.  Chúa Giêsu không khỏi buồn lòng trước sự vô ơn của con người, nên Ngài đã thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17-18).

Bi đát thay trong mười người hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người ngoại đạo.  Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.  Sở dĩ Ngài xem trọng lòng biết ơn cũng vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi.  Người Samari trở lại tạ ơn Chúa vì đã nhận ơn phần xác, thì Ngài lại ban thêm cho ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh.  Ngài nói: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”  Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Ta thấy Chúa Giêsu thường tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha.  Nhưng khi biểu lộ tâm tình tạ ơn thì Ngài lại thực hiện công khai trước mặt mọi người.  Chúa muốn dạy mọi người bài học về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.

Trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho mọi người (Ga 6, 11).  Vào bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ (Lc 22, 19).  Đứng trước nấm mồ Lazarô, trước khi làm cho anh ta sống lại, Chúa Giêsu đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa (Ga 11, 41).

Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một lễ tạ ơn liên lỉ.  Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống làm hy tế dâng lên Đức Chúa Cha.  Vì thế, ngày hôm nay, khi dâng lễ tạ ơn mỗi ngày, chúng ta cử hành mầu nhiệm cuộc đời Chúa, chúng ta sống lại tâm tình tạ ơn của Chúa, là tâm tình của Người Con dâng lên Chúa Cha.

Cuộc đời của Chúa là bài ca tạ ơn luôn vang lên những giai điệu vui tươi trong những giây phút hân hoan và trong cả những giờ khắc bi thảm.  Bài ca tạ ơn đó đã ngân lên từ môi miệng của Mẹ Maria (Magnificat), ông Zacaria (Benedictus) và vẫn tiếp tục ngân vang trong tâm hồn những người tín hữu hôm nay.

Trong các thư của Thánh Phaolô, thánh nhân cũng nhấn mạnh đến lời tạ ơn.  Hơn nữa, ngài luôn sống trong tâm tình tạ ơn.  Ngài nói: “Tôi luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa” (Plm 1, 4).  Ngài còn nhắc nhở mọi người “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.  Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn” (1 Tx 5, 18).

Thánh Phaolô luôn dâng lời tạ ơn lên Chúa: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Ngài đã ban cho anh em nơi Đức Kitô.”  Ngài cám ơn tất cả những ai giúp ngài trong công việc mục vụ: “Quà anh em tặng cho tôi đó, chúng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài chấp nhận.”  Như vậy, câu ngạn ngữ của người Anh nói rất chí lý: “Cho người có lòng biết ơn chính là cho vay.”

Nhìn vào xã hội ngày nay, con số những người biết ơn Chúa, tôn thờ Chúa, vẫn còn là một con số rất khiêm tốn.  Còn những kẻ vô ơn thì nhiều vô kể.  Chúa luôn ban ơn cho người lành cũng như kẻ dữ, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương.  Thế mà con người ngày càng kiêu ngạo, vô ơn đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Hỏi rằng trong chúng ta có mấy người biết cảm tạ Chúa và cám ơn anh em?  Biết bao nhiêu lần chúng ta than vãn, kêu la, trách móc hết việc này đến việc khác, hết người này đến người kia, Hơn thế nữa, nhiều người còn oán trách cả Thiên Chúa.  Vậy, Lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta hãy biết nói lời cám ơn từ những chuyện nhỏ nhất, bởi vì chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban cho ta qua vũ trụ vạn vật, qua mọi người trên trái đất này và nhất là qua những người thân cận, những người xung quanh ta.

Lòng biết ơn biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự.  Biết ơn là một trong những đức tính tốt đẹp của con người đối với Đấng Tạo Hoá.  Vì Ngài đã ban muôn vàn phúc lộc cho chúng ta: từ không khí để ta hít thở, mặt trời để soi sáng ta, cho nước để ta uống, cho muôn loài muôn vật để ta sử dụng và làm thức ăn.  Ngài luôn quan phòng, giữ gìn ta trong mọi nơi, mọi lúc… Thiên Chúa còn ban cho ta biết bao điều cao cả qua cha mẹ, qua anh chị, qua thầy cô, qua bạn hữu, qua tất cả những người đã giúp đỡ và làm ơn cho ta…  Thể hiện lòng biết ơn là một nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống con người.

Xin Chúa cho ta luôn biết sống có tình có nghĩa, luôn thể hiện lòng biết ơn, luôn quý trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban, và những gì anh chị em đã làm cho ta.  Xin Chúa cho ta luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Chúa như thánh Phaolô đã khuyên bảo giáo dân Côlôsê: “Anh em hãy luôn sống trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn Chúa.”  Đồng thời, ta cũng phải luôn biết cám ơn mọi người, vì có thể nói, tất cả những người có liên hệ xa gần với ta, đều là những ân nhân của ta.

Huệ Minh

SỰ CHẾT – MỘT BẢN ÁN CÔNG KHAI

Người ta vui mừng khi được thoát chết.  Có khi ăn mừng liên hoan nữa.  “Sắp chết thì lo âu, nhưng được lành bệnh thì vui mừng” là tâm tình chung của con người mà ngôn sứ Isaia đã nói trong chương 38.

Phải chết là một nỗi đau khổ của con người vì là án phạt công khai nặng nề của Thiên Chúa sau khi nguyên tổ sa ngã phạm tội (St 3).  Con người phải cúi mặt đau khổ và chấp nhận thân phận của mình từ nay về sau.  Sẽ mãi vẫn là thân phận thụ tạo thôi dù họ có địa vị cao sang hay tri thức cao vời đến mấy đi nữa.  Không có hình ảnh nào diễn tả đúng nghĩa nhất thân phận nào cho bằng hình ảnh bụi đất.”  Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19b).  Bụi đất của hôm nay và bụi đất của ngày mai chính là sự mỏng giòn và giới hạn rõ rệt của con người đã bị sự chết chi phối.

Như vậy ta đã rõ, bản án chỉ dành cho tội nhân.  Tất cả chúng ta đều sinh ra trong môi trường tội lỗi và chủ động phạm tội chẳng lẽ không lãnh bản án sao?  Sự chết là một thực tại minh chứng cho điều này.

Trong đời sống con người, sự chết bao hàm một bí ẩn rất lớn về mỗi cá nhân, về cõi vô hình, về tình thương xót của Thiên Chúa.  Điều mà đôi khi người ta quên lãng trong thực tế thì cần phải có một biến cố nào đó nhắc nhở cho.  Biến cố ấy phải có một sức mạnh lớn nhất, ghê sợ nhất và người ta vô phương chống chọi.  Đấy là một bản án kết tội phải chết.  Bản án chọc thẳng vào sự nghiệp và những sự đầu tư tốn kém nhất của con người.  Thật là tiếc xót và đau buốt lắm chứ.  Những vụ tịch thu tài sản vì tham nhũng, hối lộ, buôn lậu và kết án tử hình giống như thế đó. Thường thì những vụ án này người ta đưa ra xét xử công khai để tội phạm lãnh một bản án cụ thể.

Tuy nhiên, dưới cái nhìn của Kitô giáo, chúng ta không hoàn toàn bi quan trước bản án của sự chết do Thiên Chúa muốn.  Vì “Thiên Chúa đánh phạt rồi lại xót thương, Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống.”  Dù bản án sự chết thuộc về kẻ bất lương nhất, tội lỗi nhất thì chúng ta cũng không được phép đứng về phía quan tòa xét xử, vì Thiên Chúa không đặt chúng ta làm quan án xét đoán anh em, mà phải luôn mặc lấy tâm tình của Thánh Phaolô trong “bài ca đức mến”:

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
Không nóng giận, không nuôi hận thù,
Không mừng khi thấy sự gian ác,
Nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
Hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.
Đức mến không bao giờ mất được
” (1 Cr 13,4-8).

Bình thường đấy không phải là tâm tình tự nhiên của tất cả mọi người.  Bản chất con người đã mang theo sự chết nên cũng thích hùa theo, thích nuôi dưỡng trong mình những sự chết chóc đủ loại.  Một thực tại đau lòng Thiên Chúa ngay cả khi chưa có bản án sự chết của Ngài.  Thực tế này lại được tái diễn nhiều lần trong lịch sử nhân loại và đỉnh cao là cái chết của Đức Giêsu mà bản án do con người chúng ta ký cho Ngài!

Vậy dưới cái nhìn của người Do thái, Đức Giê-su phải lãnh bản án sự chết một cách công khai là hợp lý, vì tội Ngài chồng chất (Mc 14,53–15,1-20).  Thánh sử Máccô ghi rõ: “Bản án xử tội Người viết rằng: “Vua người Do thái” (Mc 15,26).  Họ hoàn toàn hãnh diện và thỏa mãn về việc mình kết tội cho Đức Giêsu phải chết.  Xem ra bản án của họ đã được vua quan cho đến các vị tôn giáo ký thì ngay cả Thiên Chúa cũng thua!  Ông tổng trấn Philatô đã không hề thay đổi ý định của mình: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19,22).

Xem ra những quan niện và lý luận của người Do Thái về tội lỗi theo mạc khải Kinh Thánh đúng lắm.  Nên không lạ gì Đức Giêsu bị kết án.  Có tội thì phải chết, nhất là tội xúc phạm đến Thiên Chúa thì không thể tha được.  Đức Giêsu là một điển hình.  Một nhân vật có tiền án tiền sự trong dân và được ghi vào sổ bìa đen trong hàng ngũ tôn giáo, chính trị!

Nếu có cùng quan niện và suy nghĩ như người Do Thái về tội lỗi thì thật là dễ hiểu về bản án sự chết.  Kẻ dữ phải chết là đúng.  Nhưng còn kẻ công chính thì sao?  Kẻ vô tội thì sao?

Danh mục người công chính thì đông lắm.  Kẻ vô tội thì kể được một vài thôi.  Nhưng tất cả vẫn chịu chung một bản án.  Thật là khó hiểu.  Thật là mầu nhiệm lạ lùng.  Không thể chấp nhận được.

Trong chương trình của Thiên Chúa thì cái chết của Đức Giêsu cũng là một bản án công khai, nhưng không phải là bản án kết tội Ngài, vì ngài là Đấng vô tội, mà là một bản án công khai kết tội con người chúng ta.  Vì thế mà Ngài đã bị liệt vào hàng tội nhân (x. Is 53,12).  Không những thế mà tất cả mọi sự xấu xa và tội lỗi của nhân loại trút lên con người Ngài, nên Ngài là: “Con chiên gánh tội thiên hạ.”  Thiên Chúa đánh phạt Đức Giêsu: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).  Chén đắng, thập tự của Ngài do Thiên Chúa trao như một bản án kết tội từ từ mà Ngài không được xin tha, không được từ chối: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,2).  “Thánh giá Đức Giêsu vừa là sự mạc khải về sự rộng lớn bao la và tính nặng nề của tội lỗi của toàn thể nhân loại, vừa tỏ bày sự bao la của tình yêu Thiên Chúa” (Nol Quesson).

Cái chết của Đức Giêsu là một lời giải thích về tội lỗi, về cái chết của những người công chính, người vô tội. “Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc 23,31).  Cái chết của Đức Giêsu vừa tố cáo vừa dung tha cho những sai lầm của con người: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34); vừa thông cảm với nỗi oan nghiệt, nỗi bất công bao người đang gánh chịu hôm nay.

Người Kitô hữu đón nhận cái chết trong chương trình của Thiên Chúa để mở rộng tầm nhìn và tăng thêm niềm xác tín vào ơn cứu độ của Đức Giêsu, đồng thời nhìn cái chết của tha nhân (trong đó có cả kẻ ác, kẻ thù của mình) cũng có một giá trị nào đó với mình theo tương quan của ơn cứu rỗi.  Đó là chiều kích cộng đồng cơ bản trong nhân loại, nơi ấy có hình ảnh của Giáo Hội khải hoàn, Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội đang thanh luyện.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

ÔNG CÓ PHẢI LÀ VUA KHÔNG?

Ông có phải là vua không?  Đó là câu hỏi Philatô đặt ra cho Chúa Giêsu trong một phiên toà xét xử.  Ông là Tổng Trấn đại diện cho chính quyền Rôma.  Trong vụ việc này, ông là Thẩm phán và Chúa Giêsu là “bị can.”  Câu trả lời không dễ.  Nếu Đức Giêsu không phải là vua, thì Người cũng chỉ như mọi vĩ nhân đã từng hiện hữu trong lịch sử và đã qua đi.  Nếu còn lại thì chỉ là những giáo huấn như di sản cho hậu thế.  Nhưng, nếu Người là Vua thì sao?  Chấp nhận Người là Vua sẽ làm đảo lộn cả thế giới.  Tuyên xưng Người là Vua sẽ làm cho lòng người day dứt khôn nguôi.  Bởi lẽ vị Vua ấy sẽ xét xử mỗi người chúng ta, không chỉ vào lúc tận cùng của thời gian, nhưng mỗi giây mỗi phút của cuộc đời.

Để trả lời câu hỏi này của Philatô, Chúa lại đặt một câu hỏi khác: Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?  Trong các Tin Mừng, ta thấy có những lần Chúa áp dụng hình thức này.  Người không khẳng định mà cũng không phủ nhận nội dung câu hỏi được nêu ra, nhưng Người đáp lại bằng một câu hỏi khác.  Khi một chàng thanh niên hỏi Chúa: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được cuộc sống đời đời làm gia nghiệp, Chúa hỏi lại: Sao anh gọi tôi là nhân lành.  Khi Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”  Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? (Lc 12, 41- 42).  Phải chăng Chúa thấy rõ Philatô không thể hiểu đúng chức vị vua của Người, nên Người chỉ tỏ cho ông ta thấy sứ mạng của Người hơn là danh tính hay chức vị.  Chúa đã giải thích: Người đến từ thế giới trên cao.  Người không làm vua theo nghĩa trần tục, nhưng Người là Vua Chân lý.  Điều này, Philatô không thể hiểu.  Ông đặt một câu hỏi khác có vẻ không đúng lúc: Chân lý là gì?  Vì vậy mà Chúa im lặng không trả lời.  Chân lý không thể tóm gọn trong một câu định nghĩa.  Chân lý chỉ được đón nhận với một con tim rộng mở và với một tấm lòng hướng thiện chân thành, để rồi, mọi ngôn hành của con người đều nhằm sống theo Chân lý mà mình khám phá và tôn nhận.  Sống theo Chân lý tức là nỗ lực cố gắng suốt cả cuộc đời.

Ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, người tín hữu cùng với Giáo hội tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, Đấng Giải phóng và là Vua.  Chúa là Vua không theo cách hiểu của người đời.  Vương quốc của Người là vương quốc vĩnh cửu.  Vương quốc ấy không giới hạn bằng ranh giới biên cương, nhưng tất cả những ai sống theo Sự thật thì là công dân của vương quốc này.  Luật của vương quốc này chỉ vỏn vẹn hai chữ: Yêu Thương, vì khi yêu thương thì đã chu toàn lề luật (Rm 13,10).

Khi nhắc lại câu hỏi của Philatô: Ông có phải là vua không?  Người tín hữu khẳng định niềm xác tín của mình và tuyên xưng Người là Vua vũ trụ.  Một khi tôn vinh Người là Vua, thì Bí tích Thanh tẩy đã làm cho người tín hữu trở thành công dân của vương quốc có Chúa Giêsu cai trị.  Người công dân có bổn phận phải lắng nghe và tuân giữ những chỉ thị của vua mình, hầu kiến tạo sự hoà bình và làm cho vương quốc ấy thăng tiến.

Chúa Giêsu đến trần gian để loan báo Nước Trời: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã gần đến.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).  Người cũng dạy chúng ta cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến.”  Vương quốc của Đức Giêsu đã được khai mở ở trần gian này rồi, nhưng vẫn chưa được thành toàn.  Sự thành toàn của vương quốc Thiên Chúa sẽ được thực hiện trong tương lai, lúc ấy, Con Người sẽ từ mây trời ngự đến, thống trị vinh quang mãi mãi (Bài đọc I).  Tác giả sách Khải Huyền (Bài đọc II) nhắc chúng ta: chính Chúa Giêsu, vị Chứng Nhân trung thành, sẽ đến trong vinh quang vào ngày tận thế để xét xử con người.  Như thế, hình ảnh “Con Người” mà ngôn sứ Đanien đã được chiêm ngưỡng, đã được các Kitô hữu từ thuở ban đầu áp dụng cho Chúa Giêsu.  Người là Vua vũ trụ và là Đấng thống trị lòng người bằng tình yêu.

“Ông có phải là Vua không?”  Nhân loại hôm nay đang đặt ra câu hỏi ấy.  Là Kitô hữu, chúng ta hãy trả lời và khẳng định: Phải, Chúa là Vua.  Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được Chúa Cha ban cho Người.  Người vẫn đang hiện diện giữa chúng ta để yêu thương và dẫn dắt chúng ta trên mỗi bước đường của cuộc sống, nhờ đó mà chúng ta vững một niềm tin, sẽ đạt tới bến bờ của hạnh phúc.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN

Nói đến sức mạnh, chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ đến những chàng trai võ sĩ thân hình lực lưỡng, cân đối rắn chắc, với những bắp thịt vạm vỡ, với những quả đấm thôi sơn ngàn cân.  Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng nghĩ đến những trận cuồng phong, những cơn lũ lụt phá đổ cây cối nhà cửa làng mạc, đê điều, đường sá, cầu cống.  Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng thường nghĩ tới những đám cháy lớn thiêu rụi cả một khu rừng, thiêu huỷ các tầng lầu.

Nói đến sức mạnh, chúng ta nghĩ đến những trận động đất san bằng nhiều thành phố, giết hại hàng triệu người trong vài giây đồng hồ.  Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng liên tưởng đến những cuộc chiến tranh đã giết hại bao sinh mạng, tàn phá bình địa nhiều thành phố làng mạc nhà cửa dinh thự đền đài.

Nhưng còn có một sức mạnh vạn năng khác, mãnh liệt hơn cả, quyết thắng tất cả mà lại luôn luôn ở trong tầm tay con người.  Đó chính là sức mạnh niềm tin tôn giáo.

Niềm tin tôn giáo không bao giờ bị bóp nghẹt do bất cứ quyền lực nào.  Không có quyền lực nào có thể xoá bỏ được niềm tin tôn giáo.  Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh xác tín đó.

1. Sức mạnh đức tin vượt thắng những thách đố.

Trong chuyến hành hương Rôma, tôi có dịp đi viếng những hang toại đạo.  Đi trong hang như là tìm về cội nguồn đức tin.  Nơi đây biểu lộ sức mạnh đức tin của bao thế hệ tiền nhân.  Giáo hội giữ vững niềm tin trên nền tảng tử đạo của biết bao con người nằm dưới hang này trong 300 năm đầu bị bách hại.  Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma. Những hang hầm dài nhiều cây số.  Không phải chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất.  Không khí trong hang rất lạnh lẽo.  Mùi tử khí vẫn còn thoang thoảng đâu đây.  Đi trong hầm mộ lạnh lùng, hoang vắng, lối ngõ ngoằn ngoèo, tôi cảm nghiệm được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.  Sự chết luôn luôn đe dọa rình rập cướp lấy mạng sống con người.  Bước đi trong lòng tin và lòng cảm phục nên người hành hương lại cảm nhận sự ấm áp, thân tình gần gũi với các thế hệ tiền bối.  Gia sản của Giáo Hội là đây.  Tại nơi này, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong ba thế kỷ.  Sức mạnh đức tin thật là kỳ diệu.

Suốt ba trăm năm bắt Đạo, trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn trăm ngàn Vị Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách.  Trong số này, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân.

Trải qua ba trăm năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã chịu bách hại và đã biểu lộ hào hùng sức mạnh đức tin qua dọc dài lịch sử.

Các Thánh Tử Đạo đã chịu đủ mọi cực hình: bị xiềng xích, lao tù, bị tra tấn, bị bỏ đói, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị bá đao, phanh thây, bị kìm kẹp, bị voi dày, bị thiêu sống, bị buộc đá thả trôi sông, bị tống cổ ra khỏi nhà cửa, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước độc.  Các ngài đã bị chết đói, chết khát, chết bịnh và bị dã thú ăn thịt…  Với sức mạnh đức tin, các ngài đã chiến thắng mọi thứ cực hình dã man.  Cho dù là gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói, voi giầy, trói ném xuống sông, đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, chặt đầu, thắt cổ, thiêu sống, phân thây ra từng mảnh… các ngài chấp nhận tất cả nhờ đức tin mạnh mẽ.  Trong 117 Thánh Tử Đạo được tuyên phong, có 79 vị bị trảm quyết (bị chặt đầu); 18 vị bị xử giảo (bị thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 bị thiêu sinh; 4 bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

Người ta nghĩ ra mọi thứ hình phạt tàn ác để buộc các tín hữu chối bỏ đức tin.

– Thật kinh hoàng sởn tóc gáy khi nghe kể về cái chết của Cha Cố Du theo kiểu bị xử bá đao: “Ngày 30.11.1835, họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử ngài.  Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình.  Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.  Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt.  Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội.  Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ.  Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết.  Họ cột chân tay ngài vào cây cột.  Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn.  Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa.  Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất, một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông, rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30.11.1835.  Cha Du chết rồi bọn lính còn chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi.  Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích.”

– Thánh Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc.  Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lệnh quan án sát.  Vừa nghe lệnh, hai lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu.  Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.

– Cha Điểm và Cha Khoa bị trói chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ.  Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.

Dù chịu mọi cực hình tàn bạo, bị hành hạ tra tấn khủng bố, các ngài vẫn không chối bỏ đức tin.  Vua chúa, quan quyền, binh lính phải sững sờ kinh ngạc và kính phục lòng tin sắt son của các ngài.

Thánh Hồ Đình Hy làm quan lớn trong triều đình.  Quan Án Phạm Trọng Khảm.  Nhờ sức mạnh đức tin, các ngài chấp nhận mất chức quyền, mất danh vọng thế gian và sẵn sàng hiến dâng mạng sống.

Thánh Lê Thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhờ sức mạnh đức tin nên ngài đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô.

Thánh Tôma Thiện, Phaolô Bột, đầu xanh tuổi trẻ, tương lai còn dài, nhiều hứa hẹn.  Các ngài đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Chúa nhờ sức mạnh đức tin.

Các Thánh Tử Đạo vui lòng đón chịu mọi cực hình đau đớn, chấp nhận mọi thua thiệt, vui lòng mất hết địa vị bổng bộc và hiên ngang tiến ra pháp trường đón nhận cái chết như một mối phúc, minh chứng lòng trung thành của mình đối với Đức Kitô.  Cái chết của các ngài làm sáng lên sức mạnh đức tin.

2. Những thách đố Đức Tin thời nay.

Làm sao chúng ta có thể sống đức tin mạnh mẽ như các Thánh Tử Đạo.  Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời xưa.

Nhưng ngày nay có rất nhiều thách đố đức tin với tín hữu Việt Nam.

– Vô thần duy vật

Thách đố trước hết đối với Đức Tin chính là môi trường mà chúng ta đang sống và “hít thở”, đó là một xã hội vô thần duy vật.  Đây là một xã hội tự bản chất chối bỏ Thiên Chúa, đề cao vật chất và quyền lực.  Sự chối bỏ Thiên Chúa sẽ là nguyên nhân đưa tới sự sa đọa của con người và xã hội.  Khi một xã hội vắng bóng Thiên Chúa, người ta sẽ tạo ra những “thiên chúa khác” nơi một con người hoặc nơi vật chất như người Do Thái trong Cựu Ước đã đúc ‘bò vàng” để thờ như thờ Thiên Chúa.  Xã hội chạy theo sức hấp dẫn của đồng tiền.  Của cải và quyền lực lên ngôi.  Thang giá trị đạo đức bị đảo lộn.  Người ta tìm mọi cách kiếm tiền để có quyền.  Khi có chức quyền thì càng kiếm được nhiều tiền.  Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người.  Ai cũng muốn có nhiều tiền.  Để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng giả, buôn bán ma túy, tham nhũng, hối lộ…  Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất con người.  Trong xã hội đó, nhiều người Công Giáo cũng bị cuốn hút vào ma lực của đồng tiền, nên dễ đánh mất Niềm Tin, xa rời Giáo Hội.

– Gian dối và lừa lọc lên ngôi

Thách đố thứ hai của Đức Tin, đó là xã hội Việt Nam đang báo động bởi đầy dẫy những bất công, lạm quyền và giả dối lan tràn.  Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm. Mấy câu thơ sau đây có thể tóm tắt thực trạng xã hội:

“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi,
Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi,
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực,
Chân lý chân giò một giá thôi.”

Sống trong môi trường như thế, nhiều người lập luận: người ta gian dối mà mình trung thực là mình thua thiệt!  Có những người Công Giáo cũng hành xử như người không tin, cũng lừa lọc, gian lận đủ cách để làm sao mình có lợi.

– Sự đề cao hưởng thụ cá nhân

Chúng ta đang phải đối diện với một nền văn hóa bị thống trị bởi lối sống hưởng thụ ích kỷ.  Trong đó, con người chạy theo lối sống hưởng thụ cá nhân, biến người khác thành một món hàng để chiếm đoạt và mua bán.  Tương quan yêu thương và nhân bản bị xếp sau tương quan trao đổi và lợi ích kinh tế.  Xã hội này đã sinh ra những đứa con “quái thai” trong cách sống: bằng mọi cách để kiếm tiền và hì hục hưởng thụ!  Khi sống theo lối sống này, con người trở nên ích kỷ, quy ngã, hời hợt, và ít quan tâm đến người khác, thiếu khả năng liên vị, không biết tôn trọng và yêu thương người khác.  Quan sát cách hành xử của người Việt Nam ở nơi công cộng và nhất là khi tham gia giao thông, sẽ thấy người ta tranh giành nhau, chụp giật và manh mún theo kiểu mạnh ai người ấy thắng, cá lớn nuốt cá bé.  Cách sống nói lên não trạng và tâm tính con người.  Đó là một tình trạng đáng buồn cho xã hội Việt Nam hôm nay!

– Chủ trương duy tương đối

Còn có một thách đố lớn hơn đối với Đức Tin mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn cảnh báo, đó là chủ trương duy tương đối.  Chủ trương này khiến cho con người hôm nay không còn muốn chấp nhận các chân lý tuyệt đối nữa, không quy chiếu và sống theo một chuẩn mực luân lý hay giá trị đạo đức khách quan nào nữa.  Tất cả là tương đối và mỗi người có thể thay đổi các chân lý và sống theo những chọn lựa và chuẩn mực cá nhân.  Đây là sai lầm căn bản dẫn đến những sai lầm khác của con người hôm nay. (x. Những thách đố đối với Đức Tin trong xã hội hôm nay; lamhong.org).

Những lối sống và não trạng trên đã và đang len lỏi vào các ngõ xóm, các xứ đạo của chúng ta.

3. Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô

Năm Đức Tin là thời gian và cơ hội quý báu giúp mọi Kitô hữu “tái khám phá hành trình Đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của việc gặp gỡ Đức Kitô” đồng thời, “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” (Tự sắc Porta Fidei, số 2 và 9).

Đức Giáo Hoàng Biển Đức dạy: “Năm Đức Tin sẽ là một cơ hội thuận tiện để tăng cường việc cử hành Đức Tin.”  Cử hành đức tin là tuyên xưng, sống và làm chứng cho Đức Tin.  Tuyên xưng Đức Tin như Kinh Tin Kính dạy và như Hội Thánh công bố.  Tuyên xưng Đức Tin trong mọi hoàn cảnh sống khi an vui, hạnh phúc và thành công, cũng như khi đau khổ, bệnh tật, thất bại hay khủng hoảng.  Cử hành Đức Tin bằng việc nhiệt thành dấn thân thực hiện công cuộc truyền giáo với cách thức mới mẻ và hiệu năng hơn.  Cử hành Đức Tin bằng sự chuyên cần cử hành và lãnh nhận các bí tích.  Cử hành các bí tích là cử hành mầu nhiệm các đức tin, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải.

Đức Tin là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng.  Đức Tin là “cửa” mở ra, đưa chúng ta đi vào đời sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và bước vào Hội Thánh của Người.  Đức Tin là bảo chứng mang lại ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.

Đức Tin bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng.  Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam là dịp để học hỏi nơi cuộc đời chứng nhân của các ngài.  Chúng ta được tiếp thêm sức mạnh Đức Tin để sống đạo giữa biết bao thách đố của thời đại hôm nay.  “Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô, xây dựng trên nền tảng Đức Kitô và được củng cố trong đức tin” (Cl 2, 7), chúng ta sẽ được tràn đầy sức mạnh Đức Tin.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC

“Đức Giêsu đáp: ‘Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.  Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.  Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy.  Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.  Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy.  Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.  

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.  Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.  Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.  Anh em đã nghe Thầy bảo: Thầy ra đi và đến cùng anh em.  Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.  Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.’” (Ga 14, 23-29)

**************************************

Đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan trên đây rất sâu sắc và phong phú.  Để hiểu rõ đoạn Phúc Âm đó, thiết tưởng nên nhờ vào nguồn mạch minh triết của Thánh Tôma Aquinô.

Thiên Chúa ở trong hỏa ngục?

Thánh Tôma Aquinô trong sách “Summa Contra Gentiles” (“Tổng Luận Về Việc Đối Phó Với Dân Ngoại”) đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở khắp nơi không?”  Rồi tiếp theo đường lối luận lý khúc chiết như thường lệ, ngài đã hỏi thêm: “Thiên Chúa có ở trong hỏa ngục không?”  Và thánh nhân hỏi tiếp: “Thiên Chúa làm gì ở trong hỏa ngục?”  Sau cùng ngài tự trả lời: “Thiên Chúa ở trong hỏa ngục để yêu thương những kẻ bị đọa đày.

Những người bị đọa đày ở trong hỏa ngục có thể từ chối việc yêu mến Thiên Chúa nhưng họ không thể làm gì để ngăn chặn Thiên Chúa yêu thương họ, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa và “Thiên Chúa là tình yêu.”  Giờ đây, nếu chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi tiến trình suy luận đó có liên hệ gì đến đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan trên đây không?  Câu trả lời là có.

Thánh Tôma chỉ làm chứng về sự kiện Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và yêu thương mãi mãi, bất kể chúng ta là ai hay chúng ta làm gì, và cho dù chúng ta sống trên đời nầy, lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục.

Thánh Grêgôriô Nyssa sống vào cuối thế kỷ thứ tư ở miền Trung nước Thổ-Nhĩ-Kỳ, đã đặt câu hỏi như sau: “Các bạn có muốn biết sự khác biệt giữa sự cứu rỗi và kiếp đọa đày, giữa thiên đàng và hỏa ngục không?

Và đây là thí dụ mà Thánh Grêgôriô đã trưng dẫn: Bạn hãy nghĩ tới một ngày đẹp trời nào đó, với ánh nắng rực rỡ.  Khi bạn đi ra ngoài đường, dưới ánh nắng chói lọi, bạn sẽ có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời như là cái gì dễ chịu, thích thú, kỳ diệu, hứng khởi.

Rồi ngài nói tiếp: Giờ đây bạn thử tưởng tượng một người nào đó bị đau mắt nặng và cũng đi ra ngoài nắng như vậy.  Vì con mắt bị bệnh, người đó lại có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời một cách khác hẳn: ánh nắng mặt trời như là cái gì khó chịu, nhức nhối, tai hại, làm cho lòa mắt… và họ không thể chịu đựng được, chỉ muốn đi xa hẳn ánh nắng mặt trời.

Và Thánh Grêgôriô kết luận: Đó, thiên đàng và hỏa ngục cũng hoàn toàn giống như thế đó.  Thiên đàng và hỏa ngục cũng là một.  Cả hai hoàn toàn giống nhau.  Sự khác biệt giữa hai thực thể đó là có người muốn thiên đàng và có người không muốn.

Nếu bạn muốn thiên đàng, bạn sẽ run lên vì cảm động.  Nếu bạn không muốn thiên đàng – và điều đó thật tai hại – bạn vẫn sẽ được Thiên Chúa âu yếm nhưng trái với ý muốn của bạn, bởi vì bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa yêu thương bạn được.  Thiên Chúa là tình yêu.  Bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu.  Hỏa ngục chỉ có đối với Satan vì Satan được Thiên Chúa âu yếm trái với ý muốn của nó.”

Ân sủng 

Chúng ta có một cụm từ đặc biệt để diễn tả tình yêu Thiên Chúa.  Đó là cụm từ “ân sủng” (“grace”).  Cụm từ đó xuất phát bởi tiếng La-tinh ‘gratis‘ có nghĩa là “cho không” (free).  Ân sủng là một tặng phẩm “nhưng không” của Thiên Chúa.  Chúng ta không thể làm gì để được hưởng hay đáng được ân sủng.  Người ta bảo mọi sự là ân sủng của Thiên Chúa.  Người ta nói ân sủng của Thiên Chúa ở khắp nơi.  Chúng ta không thể xa rời ân sủng được.

Và người ta cũng thường nói là mọi sự hiện hữu được bởi vì Thiên Chúa yêu thương.  Tình yêu Thiên Chúa là lý do mà chúng ta tồn tại.  Cái ghế mà chúng ta đang ngồi trên đó cũng là ân sủng của Thiên Chúa.  Nếu Thiên Chúa không còn yêu thương cái ghế đó nữa tức thì sự hiện hữu của nó bị chấm dứt ngay.

Thực phẩm chúng ta ăn vào, những người chúng ta yêu thương… là những ân sủng của Thiên Chúa.   Mỗi một sinh vật hay sự vật đều được Thiên Chúa sáng tạo và Ngài yêu thương hết mọi tạo vật của Ngài, bởi vì Thiên Chúa đã cấu trúc toàn bộ hệ thống đó!

Khi đề cập như trên, một vấn nạn được đặt ra, có tính cách siêu hình.  Chúng ta là chúa tể về việc lãng quên những thực tại kỳ diệu ở chung quanh chúng ta.  Chúng ta thật đáng trách vì thường xuyên quên bẵng những hồng ân Thiên Chúa ở trong đời sống chúng ta.

Cái nháy mắt và nhịp tim đập

Khi chúng ta khởi đầu đọc bài suy niệm nầy, mắt chúng ta đã chớp liên hồi.  Và cho đến giây phút nầy đây, chúng ta đã không đếm số lần mắt mình đập là bao nhiêu, trừ khi chúng ta cảm thấy bài viết nầy vô vị, nhàm chán.  Nhưng biết đâu có người sẽ nói: “Tôi đã đếm được con số 5,666 cái chớp mắt!!!”  Đúng hay sai, chúng ta không rõ.

Vấn đề là khi chúng ta chớp mắt – cho dẫu chúng ta đã làm việc đó thường xuyên – chúng ta đã không nhận ra điều đó.  Chúng ta đã chớp mắt một cách tự động.  Chúng ta không nhận thấy mắt chớp, cho tới khi chúng ta không thể chớp mắt được nữa.  Chính khi chúng ta không thể chớp mắt được thì sự chớp mắt trở nên quan trọng.  Nếu chúng ta bị bệnh tê liệt Bell thì chúng ta không thể chớp mắt được.

Cũng thế, con tim chúng ta đập không ngừng.  Nhưng chúng ta không bao giờ nhận ra nhịp đập của con tim cho tới khi tim đập nhanh lên, hay chậm lại, hoặc ngừng đập.  Nếu tim ngưng hẳn, chúng ta cũng không nhận ra nhịp tim đập nữa.  Đã quá trễ rồi!  Nhưng người khác sẽ nhận ra điều đó khi chúng ta ngã quỵ trên sàn nhà.

Đối với dưỡng khí cũng thế.  Không ai để ý cho tới khi dưỡng khí đã cạn kiệt và không còn khí thở nữa.  Chúng ta không để ý tới những gì luôn luôn có mặt ở đó, nơi bản thân chúng ta hay bên cạnh chúng ta.

Thời gian linh thánh

Có những thời gian được chúng ta gọi là “thời gian linh thánh.”  Dĩ nhiên, mọi thời gian là linh thánh hết.  Và nếu thế, tại sao có một số thời gian được chúng ta gọi là “thánh.”  Chúng ta gọi Chúa nhật là thánh.  Chúng ta có những ngày nghỉ lễ (“holidays = “ngày thánh”) bắt buộc.  Chúng ta có Thứ Năm tuần Thánh, Thứ Sáu tuần Thánh và Thứ Bảy tuần Thánh.  Chúng ta có mùa Chay Thánh.  Ý nghĩa như thế nào khi chúng ta nói Bốn Mươi Ngày Chay Thánh là mùa thánh?

Chắc chắn điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện trong bốn mươi ngày mùa Chay nhiều hơn trong ba trăm hai mươi lăm ngày kia còn lại trong năm.  Tuy nhiên, chúng ta vẫn gọi Chúa nhật là ngày thánh.  Chúng ta gọi ngày đó là “ngày của Chúa.  Nhưng chúng ta không nói thứ năm là ngày của Chúa.  Chúng ta không nói Chúa tới văn phòng Chúa nhật mà không tới ngày thứ năm.  Nhiều người tưởng Chúa vắng mặt ở văn phòng từ thứ hai đến thứ bảy và Chúa chỉ xuất hiện vào Chúa nhật.  Thiên Chúa ở trong văn phòng chúng ta mỗi ngày bởi vì mỗi ngày là ngày của Chúa, và mỗi mùa là mùa thánh.

Nhưng chúng ta không thấy sự thật như vậy.  Đó là vấn đề của chúng ta và chúng ta phải chấp nhận điều đó.  Chúng ta không chú ý đến điều đang xảy ra với chúng ta và điều đó vẫn luôn luôn là vậy.  Vì lý do đó, chúng ta đã để Chúa nhật riêng ra ngõ hầu chúng ta là những thành phần của cộng đồng dân Chúa có thể quan tâm đến sự kiện kỳ diệu là mỗi ngày và mỗi mùa là những hồng ân của Thiên Chúa.

Đó cũng là lý do tại sao chúng ta tề tựu ở trong nhà thờ để tạ ơn Chúa và gọi thánh đường là một nơi thánh.  Nhưng đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện ở trong nhà thờ nhiều hơn và Ngài hiện diện ít hơn ở bãi đậu xe, trên xa lộ, trong siêu thị, nơi quán rượu, ở phòng khách và tất cả những chỗ khác mà chúng ta thường lui tới?  Không, điều đó không hợp với sự hiểu biết về linh đạo Kitô giáo.

Không gian thánh 

Những địa điểm nói trên cũng là những nơi thánh, bởi vì hồng ân của Chúa ban phát khắp nơi.  Dĩ nhiên, chúng ta cần thánh hiến một nơi chốn riêng biệt, không phải vì Chúa ở nơi đó mà thôi, nhưng đúng hơn và kỳ diệu thay, Thiên Chúa ở khắp nơi trên quả địa cầu, trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục.  Đó là điểm tuyệt hảo đối với lối suy tư và linh đạo Kitô giáo.  Đó là tư duy và linh đạo nhằm nhào nắn chúng ta trở thành cộng đồng dân Chúa mà chúng ta được mời gọi.

Elizabeth Barrett Browning đã đặt câu hỏi: “Nếu trái đất bừng cháy bởi ngọn lửa của Thiên Chúa, tại sao chúng ta ngồi đó đây để nhặt những quả dâu chín?”  Nữ sĩ muốn hỏi tại sao chúng ta đã mất ý niệm về ân sủng, ý niệm về thế giới là thánh, về mọi sự là thánh và mọi sự là một bí nhiệm?  Đó là những vấn nạn lớn lao.

Chúng ta rất cần một nhãn quan và một linh đạo gây cảm hứng cho chúng ta để sống một cuộc sống cao quí hơn.  Chúng ta cần tề tựu ở một nơi riêng biệt được gọi là thánh đường hay nhà thờ, từ Chúa nhật nầy sang Chúa nhật khác, để chúng ta có thể tán tụng hết mọi hồng ân Thiên Chúa và đặc biệt thay, chỗ độc nhất của Ngài là ở trong đời sống chúng ta và trong tạo vật của Ngài là chính chúng ta.

LM Vincent Travers, OP, Nguyên Tác IN STEP WITH GOD
Hương Vĩnh chuyển ngữ

TƯƠNG LAI CUỘC ĐỜI

Sống trên đời, ai cũng mong có một tương lai tốt lành.  Tương lai mà người tín hữu kỳ vọng không giống như mọi người không có đức tin mong đợi.  Bởi lẽ, theo quan niệm trần gian, tương lai là những kỳ vọng thành đạt trong sự nghiệp hay học vấn, hoặc giàu có sung sướng về vật chất.  Người Kitô hữu cũng cố gắng để có được một điều kiện sống hạnh phúc phong lưu.  Tuy vậy, tương lai và hạnh phúc vĩnh cửu của họ là Nước Trời.  Giữa cuộc sống này phủ đầy bóng tối, nhiều thử thách gian nan và dối gian lừa lọc, nhưng những tối tăm gian khổ ấy cũng có lúc kết thúc.  Vương quốc mà chúng ta chờ đợi, đó là hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.  Hướng về tương lai vĩnh cửu, đó là mối ưu tiên hàng đầu của người tin Chúa.

Với lối hành văn theo thể loại được gọi là “Khải huyền”, tác giả sách Đanien đã diễn tả lúc tận cùng của thời gian, chúng ta vẫn gọi là ngày tận thế.  Lúc ấy, Thiên Chúa sẽ can thiệp và làm cho những người đã chết được sống lại.  Sự can thiệp của Tổng lãnh Thiên Thần Micae như một cuộc tổng điều tra dân số.  Những ai được ghi trong “Sổ hằng sống” sẽ được hưởng hạnh phúc ngàn thu, những ai không có tên trong đó sẽ phải trầm luân muôn kiếp.

Giống như tác giả sách Đanien, thánh sử Mác-cô đã sử dụng lối văn Khải huyền để diễn tả ngày cánh chung.  Vào thời đó, các thiên thể tinh tú sẽ mất hết khả năng chiếu sáng và sẽ rơi xuống đất.  Mặt trời, mặt trăng và các tinh tú được các dân xung quanh thờ như những vị thần.  Vào thời Thiên Chúa xuất hiện, các vị thần ấy sẽ bị đánh bại.

Có thể những tiên báo trên đây bị người thời nay coi là chuyện tầm phào.  Người ta nói rằng, từ xưa đến nay, rất nhiều lần có lời đồn thổi về ngày tận thế, nhưng rốt cuộc thì ngày tận thế không đến.  Lời Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta khi quả quyết: thế gian này chẳng thể tồn tại mãi.  Sẽ có ngày cuộc đời này kết thúc, dù chúng ta không biết khi nào và như thế nào.  Những hình ảnh được nêu trong sách Đanien, và Tin mừng Thánh Mác-cô chỉ là những biểu tượng để giúp cho các độc giả cách chúng ta mấy ngàn năm dễ hiểu.

Nếu người ta có thể phủ nhận ngày tận thế, thì không ai có thể phủ nhận sự chết.  Dù sang hay hèn, dù văn minh hay lạc hậu, ai cũng phải đến ngày kết thúc cuộc đời.  Biết bao lần chúng ta đã chia tay những người thân, qua đó chúng ta càng cảm nhận sự mỏng giòn của thân phận con người.  Giáo lý Công giáo dạy chúng ta: giờ chết là tận thế đối với cá nhân mỗi người.  Lúc đó họ sẽ phải trả lời Chúa về những việc mình đã làm khi còn sống trên dương gian.  Chúa dựng nên con người có hồn và xác.  Thân xác có thể bị mục nát trong lòng đất, nhưng linh hồn bất tử.  Mỗi người phải mang trách nhiệm về những gì mình đã làm.  Thời gian, sức khoẻ, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và những ưu đãi khác đều là những “vốn” Chúa ban để sinh lợi.  Trên trần gian, có người tốt kẻ xấu, lúc tận thế, cũng có người hưởng vinh quang, kẻ bị trầm luân muôn kiếp.  Ngôn sứ Đanien đã nhìn thấy “những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.”  Niềm tin vào đời sau chính là tôn vinh phẩm giá con người.  Niềm tin này cũng khích lệ chúng ta, như một lời hứa hẹn rằng, nếu chúng ta sống tốt ở đời này thì sẽ được hưởng vinh quang bất diệt đời sau.

Tin vào đời sau, đó không phải là sự ru ngủ như có người thiếu thành kiến với Giáo Hội đã suy diễn.  Chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta: ai tin vào Người thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai tin vào Người sẽ được sống muôn đời.  Tác giả thư Hípri nói với chúng ta: nếu chúng ta có hy vọng được hưởng sự sống đời đời là nhờ hy tế của Đức Giêsu dâng trên thập giá.  Người là Thượng tế, đã dâng chính máu mình để chuộc tội cho nhân loại.  Những ai tin vào Người sẽ được tha thứ tội lỗi và được hưởng hạnh phúc vô biên.

Vào lúc năm cùng tháng tận, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ về lúc kết thúc của cuộc đời.  Hai chữ “tận thế” gợi cho chúng ta nỗi sợ hãi và bi quan chán nản, nhưng hai chữ “tương lai” lại giúp chúng ta bừng lên niềm hy vọng.  Người vô thần cho rằng mỗi ngày sống là đang tiến dần tới nấm mộ; người tin Chúa lại cho rằng mỗi ngày sống là một nấc thang đưa họ đến với Đấng Tối cao.  Quả vậy, khi đối diện với sự chết, người Kitô hữu nhìn nhận, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa.  Đó cũng là sự biến đổi từ thân phận phải chết sang cuộc sống đời đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN?

Tháng 11, Giáo Hội dùng cả tháng để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đẳng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11.  Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.

Tại sao chúng ta cần cầu nguyện cho các linh hồn?  Khi họ còn sống, họ đã làm gì mà khi chết đi chúng ta phải cầu nguyện cho họ?

Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, Con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng; Được lên Thiêng Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Hình (Luyện Ngục).

Thiên Đàng, khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài.  Thiêng Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ vì công trạng và sự mong ước khi họ còn sống.  Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, các Thiên Thần, và các Thánh.

Hỏa Ngục, là những người khi còn sống, đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa.  Những người ta biết tỏ tường điều tốt xấu nhưng vẫn phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân để chọn điều xấu.  Hoả Ngục là những người biết được lòng yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng vẫn khước từ và không bao giờ hoán cải.

Luyện Ngục, đó là những người sau khi chết, được Chúa hứa ban Thiên Đàng nhưng vẫn phải cần một thời gian thanh luyện vì có những tội lỗi họ đã phạm khi còn sống.  Giáo Lý Công Giáo định nghĩa Luyện Ngục là “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).

Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải hoàn toàn nhờ vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.

Khi một người đã qua đời, chúng ta cũng không thể biết được chính xác linh hồn đó sẽ lên Thiên Đàng, hay xuống hoả ngục, hay sẽ vào chốn Luyện hình vì có những công trạng hay tội lỗi mà chỉ có mình Thiên Chúa và linh hồn đó biết mà thôi, vì vậy việc cầu nguyện cho người qua đời là hết sức cần thiết.

Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung.  Trong Thánh Lễ, tất cả các Kinh Tạ Ơn đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn. Kinh Tạ Ơn II ghi rằng: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa.  Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.”  Cũng vậy, trong Phụng Vụ các Giờ Kinh dành cho các tu sĩ và giáo sĩ đọc hàng ngày, đều có lời cầu nguyện dành cho người qua đời đặc biệt là phần Kinh Chiều.  Kinh Chiều Chúa Nhật I ghi rằng: “Vì lòng từ bi cao cả Chúa, xin thương đến những người đã qua đời,và cho họ được vào an nghỉ trong Nước Chúa.”

Tuy nhiên bổn phận của chúng ta là những người Kitô Hữu chúng ta cũng phải đọc kinh cầu nguyện cho các Linh Hồn, tại sao?

Lửa Luyện Tội là có thật: Ở Roma, tại Nhà Thờ Thánh Tâm có một viện bảo tàng trưng những chứng tích các linh hồn hiện về xin cầu nguyện cho họ.  Các chứng tích cho thấy trên các sách kinh, khăn bàn thờ, hay trên mặt bàn bị cháy nám in hình bàn tay hay các ngón tay.  Họ hiện về xin cầu nguyện cho họ để mau thoát lửa luyện tội và để lại các chứng tích như một bằng chứng.  Các Thánh hiện về cũng cho biết, lửa Luyện tội cũng không khác mấy so với lửa Hoả Ngục.

Họ là người thân yêu của chúng ta: Những người qua đời, chắc chắn trong số là những người thân yêu của chúng ta, ông bà cha mẹ anh chị em bạn hữu của chúng ta.  Họ đã là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của chúng ta, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, chúng ta phải biết cầu nguyện cho họ.  Mặc dù nếu chúng ta không có bà con bạn bè thân thuộc, chúng ta cũng phải cầu nguyện cho các linh hồn, vì qua bí tích Rửa Tội, tất cả đều là anh chị em của chúng ta.

ĐGH Phanxicô đã nói trong một buổi trưa đọc Kinh Truyền Tin: “Truyền thống Giáo hội luôn thúc giục chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, đặc biệt là dâng lễ cầu cho họ.  Đó là cách giúp đỡ tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho các linh hồn, nhất là các linh hồn bị bỏ rơi.  Nền tảng của việc cầu nguyện cho các linh hồn là tình hiệp thông trong Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô.

Thân phận chúng ta: Cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện hình cũng là một cách để nhớ đến thân phận của chúng ta.  Có thể khi nhắm mắt lìa đời chúng ta cũng sẽ vào Luyện Hình để chịu sự thanh luyện của Thiên Chúa.  Vì vậy khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi để sống tốt hơn và thánh thiện hơn đời sống Kitô hữu của chúng ta để ước mong khi chết chúng ta được Chúa cho hưởng phúc Thiên Đàng.

Tập cho con cái biết cầu nguyện: Cầu Nguyện cho các linh hồn và tập cho con cái cầu nguyện cầu nguyện cho các linh hồn là điều hết sức cần thiết cho con cái sau này.  Nếu chúng ta không cầu nguyện cho các linh hồn và không tập cho con cái cầu nguyện cho các linh hồn thì khi chúng ta nằm xuống, ai sẽ cầu nguyện cho chúng ta?

Sinh Ơn Ích cho chính chúng ta: Cầu nguyện cho các linh hồn không những giúp các linh hồn mau hưởng phúc Thiên Đàng nhưng còn sinh ơn ích cho chúng ta.  Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta không những trở nên những người gần gũi với Thiên Chúa, là những người biết nghĩ đến và yêu thương người khác, là người sống vị tha và không ích kỷ.  Những việc làm này đều được Thiên Chúa ghi nhận và chúc phúc cho đời sống của chúng ta.

Niềm Vui cứu rỗi: Cầu nguyện cho các linh hồn thật sự mang rất nhiều hiệu quả thiết thực.  Chắc chắc các linh hồn trong luyện ngục sẽ được “rút ngắn” thời gian thanh luyện vì lời nguyện của chúng ta.  Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó chúng ta được gặp anh chị em của chúng ta trên Thiêng Đàng và biết rằng chính những lời nguyện và hy sinh của chúng ta đã giải thoát họ sớm chốn Luyện Hình.  Khi chúng ta vào Thiêng Đàng rất nhiều linh hồn đến cảm ơn chúng ta vì những lời nguyện và hy sinh nhỏ chúng ta đã làm cho họ.

Rất dễ làm: Cầu nguyện cho các linh hồn không những rất dễ và lại còn có nhiều cách khác nhau.  Đọc kinh Vực Sâu, một vài kinh Kính Mừng hay một vài kinh Lạy Cha, ngắn hơn thì đọc kinh cầu các Linh Hồn (Chúng con cậy vì danh Chúa….) trước khi ngủ hay trong lúc đi bộ.  Sốt sáng hơn thì đọc một chuỗi mân côi cầu nguyện cho các Linh Hồn.  Chúng ta có thể xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn và cùng hiệp thông với Linh mục trong Thánh Lễ đó.  Hy sinh, hãm minh và làm việc bác ái để cầu cho họ là những điều rất cần thiết.  Thăm viếng Nghĩa Trang và phần Mộ của người thân yêu đặc biệt là trong tháng 11, Mùng 2 Tết và ngày Giỗ của họ là những điều rất ý nghĩa và thiết thực.

Các Linh Hồn luôn mong chờ những lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé của chúng ta.

Lạy Nữ Vương Cát Minh, Xin cứu các linh hồn nơi chốn luyện tội.

Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O. Carm.