MỘT CON NGƯỜI HAI TƯ TƯỞNG

Tin mừng hôm nay cho ta thấy ông thánh Phêrô tuy một nhưng hai tính cách: một Phêrô Kitô hữumột Phêrô Satan.  Một Phêrô nói Thầy là Đấng Mêsia mà dân Israel đã cưu mang từng bao đời.  Một Kitô hữu Phêrô rất đẹp nhưng bên cạnh đó có một con quỷ Satan đội lốt Phêrô để can dặn Chúa Giêsu chớ có dại dột mà lên Giêrusalem, Chúa Giêsu quay lại mắng một lời rất nặng mà ít thấy trong Tin mừng.  Vâng, Phêrô cũng là hình ảnh của mỗi một người chúng ta đây và tất cả những ai mang danh Kitô hữu có một tính cách rất tốt mà cũng có những tính cách rất Satan.

Thử hỏi hôm nay có người Công giáo nào dám vỗ ngực và bảo rằng tôi đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu và không có một Satan nào trong tôi cả.  Nhưng mỗi một con người đều pha lẫn ánh sáng và bóng tối, vừa pha lẫn tính chất Kitô hữu và lại có tính cách của quỷ Satan ở đấy.  Cho nên, trong bài đọc hai, Thánh Giacôbê nói: “Có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15).

Vậy thì, vấn đề ta phải suy nghĩ với nhau đó là cái gì mà làm cho ta là Kitô hữu mà lại mang tính chất Satan đó?  Có thể là nhiều lý do nhưng mình có thể dựa vào Tin mừng hôm nay đó là chúng ta quen tính toán suy nghĩ và chọn lựa đường lối của loài người mà mình quên mất những suy nghĩ vào đường lối của Thiên Chúa.  Không có ai và không có cộng đoàn nào mà không đi tìm cho mình sự sống thật và con đường nào dẫn đến sự sống thật?  Nhiều khi mình đi tìm sự sống nhưng là một sự sống giả và là con đường tính toán với thế gian.  Chẳng hạn, khi hoàng đế Nêron muốn làm thơ về thành Turoa cho nên ông đốt cả thành Rôma, rồi ông đổ tội cho người Công giáo, thế là một cuộc bách hại tàn sát rất dã man đổ lên trên đầu Hội thánh Công giáo.  Phêrô tìm cách thoát ra khỏi thành Rôma.  Bởi vì Ngài sợ rằng nếu bây giờ mà vị lãnh đạo Giáo hội bị đế quốc Rôma giết chết thì còn ai lãnh đạo, và cả đoàn chiên của Chúa mất đầu, sẽ tan tác hết cho nên Ngài phải thoát ra khỏi thành để duy trì sự sống cho Hội thánh.  Nhưng không ngờ rằng trên đường đi ra khỏi thành lại gặp Chúa Giêsu đi ngược lại, và khi Phêrô lên tiếng hỏi Thầy đi đâu, Chúa Giêsu trả lời Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh thêm một lần nữa.  Phêrô hiểu và quay trở lại Rôma.  Ngài hiểu ngay việc Ngài thoát ra khỏi thành Rôma là sự khôn ngoan, nhưng nó lại là sự khôn ngoan của loài người chứ không phải sự khôn ngoan của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Chúa muốn cho con người được hạnh phúc.  Chính vì muốn con người được hạnh phúc mà Chúa đã phải xuống trần gian để cứu chuộc con người bằng cái chết trên thập giá và sống lại vinh quang.  Nhưng thứ hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho con người không phải là thứ hạnh phúc giả tạo dễ dàng, và mau qua theo kiểu thế gian hay Satan.  Chúa muốn cho con người được hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc đích thật, hạnh phúc không bao giờ tàn úa.  Muốn được hạnh phúc đó, con người phải kinh qua những vất vả, đau đớn.  Đau đớn nhất là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình.  Đó là yêu thương, tha thứ nhất là từ bỏ xu hướng của Satan ham muốn xác thịt… để chỉ sống thanh cao phần tinh thần.

Đúng thế, người Kitô hữu qua lời nói, qua việc làm và nhất là qua cuộc sống của mình phải là một câu hỏi cho những người chung quanh.  Dù âm thầm nhỏ bé đến đâu chăng nữa, thì đời sống của người Kitô hữu phải làm cho những người chung quanh nhìn ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô.  Vì vậy, là Kitô hữu luôn mang một tính cách của Chúa là: chứng nhân giữa một xã hội đầy giành giật và bon chen, đầy bạo lực và bất công; thực thi tinh thần nghèo khó, chấp nhận thua thiệt mất mát hơn là bán đứng lương tâm của mình để chạy theo những lợi lộc bất chính, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù địch, và bước theo Chúa cho đến cùng, biết sống lạc quan, tin tưởng vào một Đấng có tình yêu thương trải dài trong suốt lịch sử con người, và sống tử tế, cư xử tốt đẹp với mọi người.  Vì vậy, kết thúc thông điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới”, Đức Thánh Cha Gioan 23, đã viết như sau: “Mỗi người Kitô hữu trong thế giới là một mảnh sao băng, một tụ điểm của tình yêu, một thứ men sống động giữa những người anh em của mình.  Người Kitô hữu sẽ đóng trọn vai trò ấy hơn khi họ còn sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.”

Xin cho Lời Chúa hôm nay luôn thanh tẩy tư tưởng Satan trong trí lòng chúng ta để chỉ còn tư tưởng và đường lối của Chúa trong cung cách sống đạo của chúng ta hôm nay. Amen.

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

MẸ MARIA LÀ EVÀ MỚI

Sự sống là điều quý giá mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.  Việc tổ chức mừng sinh nhật cho chính mình cũng như cho người khác là dịp nhắc nhở ta về sự quý giá đó để tạ ơn Thiên Chúa qua sự hiện hữu của mình hay của người khác.

Hôm nay, cùng với toàn thể nhân loại, chúng ta mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria.  Ngài là Mẹ Đấng Cứu Chuộc và qua thiên chức cao cả đó, Mẹ cũng là mẹ các chi thể của Đức Kitô là chính chúng ta.  Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hiệp cùng Giáo Hội ca tụng, tung hô Mẹ: “Lạy Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, nhờ việc Mẹ sinh ra mà thế gian được tràn ngập hoan lạc và khích lệ, vì bởi lòng Mẹ, mặt trời công chính là Đức Giêsu đã đến trong thế gian, chính Người sẽ kéo chúng con ra khỏi sự chết và đưa vào đời sống vĩnh cửu.”  Và cùng với chính Mẹ, chúng ta ca tụng Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!  Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 49-50).

Thật vậy, ngày Mẹ sinh ra, cả Triều Thần Thiên Quốc và mọi loài mọi vật dưới đất hân hoan, vui mừng, hy vọng.  Bởi vì Mẹ sinh ra báo hiệu thời cứu rỗi đã đến, là Rạng Đông đi trước Mặt Trời Công Chính là Đức Kitô.  Mẹ chính là Sao Mai soi sáng và dẫn đưa nhân loại đến với Đức Kitô.  Mẹ đến để phục hồi vai trò làm Mẹ Chúng Sinh mà Evà đã đánh mất do tội bất tuân.  Mẹ chính là Evà mới, nghĩa là sự sống và là Mẹ của các người sống.  Bởi vì như Evà đầu tiên đã được rút ra từ cạnh sườn của Ađam, để trở nên một con người sống động thế nào, thì cũng vậy, Đức Maria, với tất cả rạng ngời của sự sống và vô nhiễm nguyên tội, Mẹ bước ra từ trái tim của Ngôi Lời vĩnh cửu là chính Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch sự sống.

Mẹ Maria chính là ưu phẩm; là bảo vật mà Thiên Chúa đã giấu kín từ lâu; là hình ảnh đã được tiên báo trong Tiền Tin Mừng.  Mẹ cũng là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.  Nơi Mẹ, Mẹ vừa là Nữ Tỳ của Thiên Chúa, vừa là Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, và Mẹ của toàn thể chúng sinh.  Việc tuyển chọn Mẹ để trở thành Mẹ Thiên Chúa là một mầu nhiệm cao cả, bởi vì liên hệ trực tiếp đến công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.  Chính trong vai trò này, mà Mẹ đã góp phần của mình nhằm hoàn tất vai trò cứu độ loài người của chính Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta tôn kính Mẹ bởi vì Mẹ đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua lời “xin vâng.  Khi Mẹ đón nhận thánh ý Chúa như thế, Ngôi Hai Thiên Chúa đã Nhập Thể trong cung lòng Mẹ.  Đây chính là một vai trò trọng yếu trong công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi nhiệm cục cứu độ của Người.

Nhưng khi tôn kính những ơn huệ của Mẹ không thôi thì chưa đủ, mà còn noi gương những nhân đức của Mẹ mới là những người con thảo hiếu của Mẹ trên trời.

Quả thật, Công đồng Vaticanô II đã nói: “Lòng sùng kính chân chính… phát sinh từ một đức tin chân thật.  Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Noi theo mẫu gương của Mẹ, chính là bắt chước những gương sáng của Mẹ để lại.  Những mẫu gương nổi trội nơi Mẹ chính là: đức tin, đức ái, lòng khiêm nhường, tinh thần ngoan ngùy với Thiên Chúa trong vai trò là Nữ Tỳ của Người.

Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Đức Giêsu Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay, ngày sinh nhật của Thánh Mẫu Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho chúng con hưởng bình an.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.  Amen! 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

CHÚNG TA CẦN BÌNH AN LÚC NÀY

Qua người bạn tôi nghe được câu chuyện thật buồn: khi biết mình nhiễm Covid-19, em đã chọn cách tự tự để thoát khỏi nỗi sợ này. Rồi hung tin ấy lan đến quê em, nhiều người nơi ấy cũng mất bình an và thêm phần lo lắng. Mợ tôi cũng đã nhiễm virus với rất nhiều hoang mang lúc ban đầu. Mợ chia sẻ: “Khi được đưa vào khu cách ly, mợ cảm giác khó thở vì sợ hãi đã xảy ra. Mợ đã cố lấy lại bình tĩnh và cầu nguyện để biết mình cần làm gì lúc này. Sau đó, nỗi sợ cũng qua và sức khỏe cũng dần dần tốt lên từng ngày.” Tiếc rằng nỗi sợ, bất an là thực tế mà không ít người mắc phải. Chút chia sẻ dưới đây hy vọng mỗi người tìm lại chút bình an trong những ngày khó khăn này.

Bạn thân mến,

Con người luôn có tính xã hội và thường bị ảnh hưởng của đám đông. Đó là điều rất tự nhiên mà chúng ta thấy khi đại dịch xuất hiện, ngày càng có nhiều người hoang mang. Nhất là khi gia đình có người là nạn nhân của con virus này, sự buồn bã và lo âu chắc tăng lên gấp bội. Làm sao để cho tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là điều không dễ chút nào. Ai cũng thuộc lòng câu: “Dù ai nói ngả nói nghiêng… Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”, nhưng mấy ai làm được?

Chắc hẳn ai cũng có cách để thích nghi với dịch bệnh. Khi ở nhà, mỗi người đã có những sáng kiến để giữ cho bầu không khí gia đình được bình an. Khi ở khu cách ly, mỗi người cũng cố gắng đón nhận hoàn cảnh và làm theo những hướng dẫn của bác sĩ y khoa. Thậm chí trên giường bệnh, nhiều người cũng cố gắng lạc quan để cộng tác với bác sĩ trong tiến trình chữa trị. Dù virus có đảo lộn mọi thứ, tác động khủng khiếp đến mọi khía cạnh của đời sống, nhưng chúng ta cần trấn an, nâng đỡ và cầu nguyện cho nhau, để mong cùng nhau vượt qua thách đố này trong an bình. Bình an là khao khát muôn thuở của con người, nhất là những lúc khó khăn. Không chỉ trong đại dịch lần này, nhưng mọi bôn ba của kiếp người chẳng phải để tìm được bình an đó sao?

Chắc ai cũng hiểu bình an là sự yên ổn, êm đềm của cuộc sống, là khỏe mạnh và thoát khỏi dịch bệnh. Ở đó không có hận thù, sợ hãi và hoang mang. Bình an trong tiếng Do Thái còn có nghĩa là an lạc, hạnh phúc. Người Do Thái thường chào nhau với hai chữ: Bình an (Sa–lom). Chào như thế vì họ không chỉ thể hiện tương quan với nhau, nhưng quan trọng hơn, họ có chung một Thiên Chúa là nguồn bình an cho con người.

Chúng ta thấy khung cảnh lúc Đức Giêsu chết cũng không khác nhiều bối cảnh lúc này. Các môn đệ hoang mang cực độ. Nơi các ông ở lúc đó đều cửa đóng then cài. Phần vì các ông buồn bã trước cảnh tượng người ta giết thầy Giêsu, phần vì sợ người ta có thể ám hại cả các ông nữa. Tính mạng của các ông không mấy an toàn lúc này, nếu ở những nơi công cộng. Các ông buộc phải cách ly trong hoang mang! Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các ông.

Chúng ta sẽ ngạc nhiên với câu nói đầu tiên của Đức Giêsu phục sinh: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19) Đó không chỉ là lời chào thăm, nhưng còn là nguồn động viên, “xốc” lại tinh thần của các ông. Đức Giêsu biết lúc này các ông thực sự cần bình an. Dù ngoại cảnh có nhiều nguy hiểm, nhưng một khi tâm hồn được bình an, người ta có thể đón nhận được mọi thứ trong thanh thản. Kết quả là các ông đã mở toang cửa để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho toàn dân. Các ông đến nơi đâu, cũng nói về câu chuyện Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại. Chính Tin Mừng ấy trao rất nhiều bình an cho thính giả thời bấy giờ. Bởi thế mà Giáo hội sơ khai tuy chịu nhiều bách bớ, nhưng người con của Chúa luôn cảm thấy bình an để làm chứng cho Tin Mừng này.

Thật đẹp khi trong cảnh khốn cùng này, ước sao nhiều người thốt lên với Đức Giêsu Phục Sinh: “Lạy Chúa xin ban bình an cho chúng con và toàn thế giới.” Thiên Chúa là nguồn của mọi bình an (Ep 2,14). Bình an của Thiên Chúa không như thế gian ban tặng. Đó là bình an của tâm hồn, của niềm vui nội tâm và của tình yêu giữa thụ tạo với Đấng Tạo Thành. Đó là quà tặng của Thiên Chúa cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta được một niềm vui sâu xa, một sự bình an bên trong và tự do. Đừng quên bình an nội tâm là nền tảng của sự bình an trong gia đình, trong xã hội và trên thế giới.

Chắc hẳn khi ở nhà quá lâu, sống trong cảnh dịch bệnh kéo dài, nguy cơ mất bình an là có thật. Bởi đó, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều lời hướng dẫn hữu ích để tạo cho mình được bình an. Là người Công giáo, chúng ta may mắn có Thiên Chúa luôn trao bình an cho mỗi người. Dĩ nhiên bình an ấy không dành cho những ai lười biếng ngồi chờ sung rụng. Thiên Chúa đòi con người cộng tác một chút, Ngài hứa sẽ ban bình an thật nhiều. Bằng cách nào?

Trong câu hỏi trên, tôi tin ai cũng có câu trả lời cho riêng mình. Giáo hội mời gọi con cái mình cầu nguyện, hướng đến đời sống nội tâm nhiều hơn lúc này. Mỗi ngày dành cho Thiên Chúa chút không gian và thời gian, để cùng với Chúa vun đắp bình an cho tâm hồn mình. Thực ra bất kỳ ai liên kết với Thiên Chúa, người ấy đều có được bình an đích thực. Khi có bình an, người ta sẽ biết mình nên làm gì và cần phải làm gì trong thời gian đại dịch. Hãy để sự bình an của Chúa cư ngụ trong tâm hồn mình và để Ngài cất bỏ những lo âu phiền muộn. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Hẳn là chúng ta được an ủi trước câu hỏi này: “ Thiên Chúa có định cho con người phải đau khổ và phải chết không?” An ủi vì: “Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ và phải chết. Từ khởi thủy Thiên Chúa đã muốn cho con người sống nơi Địa Đàng, được sống mãi mãi, bình an giữa Thiên Chúa, mọi người, và vạn vật chung quanh. Bình an giữa nam và nữ.” (Youcat số 66). Tiếc là khi rời Vườn Địa Đàng, người ta luôn có nguy cơ mất sự bình an này.

Với chủ đề trên đây, hy vọng mỗi người nhắc mình cần bình an lúc này. Thực tế là nhiều người quên mất mình đang sống trong bất an. Cảm giác ấy khó chịu vô cùng! Hãy dừng lại đôi chút để đọc xem điều gì đang diễn ra trong tâm hồn mình lúc này? Nhiều nhà thiêng liêng chỉ cho chúng ta cách để tìm lại được bình an: “Hãy giữ tâm hồn bạn bình an. Hãy để Thiên Chúa hành động trong bạn. Hãy đón nhận mọi tư tưởng nâng tâm hồn bạn lên tới Chúa. Hãy mở rộng cửa tâm hồn bạn.” (Thánh Inhaxiô Loyola). Nếu bạn đang thực sự bình an, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục vui sống với hồng ân của Chúa. Nếu lòng bạn đang biến động giữa xáo trộn vì Covid–19, thử áp dụng vài phương cách như thế cùng với Chúa xem sao?

Chúng ta cùng cầu chúc cho nhau để mỗi người đón nhận được lời chúc lành của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em! Hy vọng bình an nội tâm sẽ là sức mạnh để mỗi người, cùng với Chúa và với nhau, vượt qua những khó khăn, bức xúc và phức tạp của hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta cần bình an lúc này và ở đây!!!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: https://dongten.net

CÂM ĐIẾC TÂM LINH

Một phụ nữ kia có người bạn bị điếc.  Ngày nọ bà ta hỏi người bạn muốn được tặng gì vào ngày sinh nhật.  Người bạn ấy đáp lại thật bất ngờ: Xin bạn hãy vui lòng viết thư cho Ann Landers yêu cầu bà ta in lại bảng kinh cầu nguyện cho người điếc.  Bà ấy đã từng in nó trước đây vào mục của bà trong một tờ báo, nhưng tôi đã đánh mất bản sao mục đó rồi!”  Thế là người phụ nữ đã viết thư cho Ann Landers.  Và vào ngày 1.6 ngày sinh nhật của cô bạn, bà Ann đã in lại lời cầu nguyện đó trong cột báo của mình.  Một đoạn trong lời cầu đó như sau:

“Lạy Chúa, nỗi đau khổ mà người điếc phải gánh chịu là đa số thiên hạ xem họ như những người chuyên làm phiền người khác.  Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc.  Kết quả là người điếc thường phải trốn lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín” (William Barclay).

 Lời kinh trên cho chúng ta thấy một nỗi niềm, một uẩn khúc nào đó của người điếc mà chúng ta thường ít người nhận ra được.  Đa số chúng ta đều cho rằng mù thì tệ hại hơn điếc.  Thế nhưng Helen Keller vừa bị mù lẫn điếc thì cho rằng bị điếc không nghe được, thì quả là phần lớn những cánh cửa trong cuộc đời ta đã bị khép chặt lại, chẳng hạn: mở radio thì chả hiểu gì, xem truyền hình cũng chả thú vị gì mà còn phát chán, và hầu như không thể trò chuyện với ai được cả.  Vì thế, sau một thời gian chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi.

***************************************

Câu chuyện về người điếc nói trên giúp ta hiểu rõ hơn bài Phúc Âm hôm nay.  Nó giúp ta hiểu được người câm điếc vui sướng như thế nào sau khi được Chúa Giêsu chữa lành. Lần đầu tiên trong cuộc đời anh ta cảm nếm được một phần nào vui thú của cuộc sống.

Điều này dẫn chúng ta đến một vài câu hỏi:

–    Tại sao Chúa Giêsu đã chữa lành người câm điếc ấy?

–    Tại sao Ngài đã khai thông lỗ tai người ấy?

–    Tại sao Ngài đã phục hồi miệng lưỡi người ấy?

Câu trả lời nằm trong bài đọc thứ nhất ngày hôm nay.  Trong lời mô tả vài dấu chỉ sẽ xảy ra khi Đấng Mêsia đến, tiên tri Isaia đã nói: “Kẻ điếc sẽ được nghe, ai không nói được sẽ mừng rỡ reo lên…”  Qua việc chữa lành người câm điếc trên, Chúa Giêsu đã hoàn tất hai dấu chỉ mà tiên tri Isaia đã nói để giúp dân chúng nhận ra Đấng Mêsia.  Vậy, một trong những mục đích của việc chữa lành ngày hôm nay là xác nhận rõ hơn Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.

Tuy nhiên, việc chữa lành ngườì câm điếc kia còn tỏ lộ một điều ẩn kín nào đó nơi bản thân Đức Giêsu.  Nó cho ta thấy Đức Giêsu là một mẫu người giàu lòng thương xót.  Điều này đặc biệt biểu lộ qua cung cách Ngài tách biệt anh chàng câm điếc ra khỏi đám đông.  Như ta biết, người điếc thường hay mặc cảm nên lúng túng trước tình cảnh của mình.  Họ không hiểu ất giáp gì cả khi nghe người ta hỏi, nên họ luôn cảm thấy mình như ở ngoài rìa.  Vì thế khi dẫn anh chàng câm điếc ra khỏi đám đông, Chúa Giêsu đã biểu lộ lòng xót thương thực sự của Ngài đối với anh, Ngài rất nhạy cảm đối với tình cảnh đáng thương của anh.  Như thế ngoài việc tỏ cho ta biết Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, việc chữa lành người câm điếc còn cho ta thấy rõ lòng thương xót của Đức Giêsu.

Cuối cùng, việc Đức Giêsu chữa lành cho người câm điếc đã tạo nên nguồn hy vọng cho chúng ta là những kẻ đang sống ở thời đại ngày nay.

Trạng thái của người câm điếc không giống trạng thái của riêng chúng ta.  Nhiều người trong chúng ta không điếc về thể lý nhưng lại điếc về tâm linh.  Chúng tôi muốn ám chỉ gì đây? Hãy dùng một ví dụ để làm sáng tỏ.

Mới đây một bà mẹ và ông bố đến thăm đứa con gái của họ đang lâm trọng bệnh ở nhà thương.  Ngay khi họ lái xe rời bệnh viện, bà mẹ bắt đầu vừa khóc vừa nói; Anh Ron ơi, em chả biết rõ điều gì đang xảy đến cho em, lẽ ra 10 năm trước em có thể cầu nguyện với tất cả tấm lòng cho con gái chúng ta.  Lẽ ra em có thể trình bày với Chúa về nó, và lẽ ra em có thể nghe lời Chúa dặn dò em “Đừng lo.”  Thế nhưng em không còn làm điều ấy được nữa.  Em không còn cầu nguyện được nữa, em không thể nói chuyện với Chúa như em đã thường làm.  Hình như về mặt thiêng liêng em đã trở nên như câm như điếc.”

Câu chuyện trên mô tả tình trạng của nhiều người trong chúng ta.  Chúng ta đôi lúc cũng cảm thấy khó cầu nguyện khác với chúng ta ngày xưa.  Chúng ta cũng cảm thấy khó đối thoại với Chúa và chúng ta cũng cảm thấy khó khăn trong việc nghe Chúa nói với chúng ta.  Vậy trong trường hợp này, chúng ta phải làm gì?  Câu trả lời đã nằm sẵn trong bài Phúc Âm hôm nay.  Chúng ta có thể bắt chước người câm điếc trên, nghĩa là tìm kiếm Chúa Giêsu, cùng Ngài bước ra khỏi đám đông và tận hưởng đôi chút thời gian bên sự hiện diện có khả năng chữa lành của Ngài.

Bài Phúc Âm hôm nay khuyên chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho Chúa Giêsu để Ngài mở miệng lưỡi chúng ta về mặt thiêng liêng, để Ngài đặt ngón tay của Ngài khai mở đôi tai điếc của chúng ta.  Nói cụ thể hơn, Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm lại những gì chúng ta đã từng có thói quen hay làm, tức là bỏ ra ít phút mỗi ngày để cầu nguyện, để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta điều Ngài đã làm cho người câm điếc ấy, nghĩa là bài Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu chữa lành bệnh câm điếc của chúng ta.

Như thế, câu chuyện người câm điếc trên nói với chúng ta 3 điều:

–  Thứ nhất, nó mặc khải cho chúng ta Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia của Israel đã được mong đợi từ lâu.  Đức Giêsu đã thực hiện điều mà Isaia tiên báo Đấng Mêsia sẽ làm, tức là cho người điếc được nghe và người câm nói được.

–  Thứ hai, câu chuyện người câm điếc mặc khải cho ta biết Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng xót thương.  Ngài đưa người điếc ra khỏi đám đông để chữa lành cho người ấy.  Ngài không biến người ấy thành trò cười cho thiên hạ mà muốn tiếp xúc thân mật riêng tư với người ấy.

–   Cuối cùng, bài Phúc Âm mặc khải cho chúng ta phương pháp giải quyết các vấn nạn mà nhiều người trong chúng ta đang gặp phải ngày hôm nay. Đó là chúng ta không còn cầu nguyện được nữa, không còn thưa chuyện với Chúa, lắng nghe lời Ngài nói trong tâm hồn chúng ta được nữa. Về mặt thiêng liêng quả thực chúng ta đang bị câm điếc.

Để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề khổ tâm này, chúng ta hãy bắt chước người câm điếc, là tìm kiếm Chúa Giêsu và xin Ngài chữa lành chúng ta.  Cụ thể hơn, chúng ta hãy để riêng vài phút mỗi ngày tiếp xúc với Chúa Giêsu ngõ hầu Ngài sẽ chữa lành và làm cho chúng ta hoàn toàn khoẻ mạnh trở lại.

Cha Mark Link, S.J.

***************************************

Lạy Chúa Giêsu, nỗi bất hạnh của người điếc là nghe mà không hiểu và từ từ họ cảm thấy bị tách biệt xa lạ với thế giới bên ngoài.  Còn nỗi bất hạnh của con là theo Chúa nhưng không hiểu Chúa muốn nói gì, không biết Chúa muốn gì nơi con, nhưng bất hạnh hơn là con không biết mình đang bị câm điếc tâm linh để xin Chúa chữa lành.  Lạy Đấng giàu lòng xót thương, xin cho con nhận thức căn bịnh tâm linh thời đại mà con đang mang và xin chữa lành tâm hồn con.  Xin cho con biết sống thân mật với Chúa hơn, biết bỏ ra vài phút mỗi ngày để tiếp xúc với Chúa, để nghe mà hiểu Chúa muốn nói gì, để dễ dàng nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống con.  Amen!