NHÀ

Nhà không chỉ là một ngôi nhà hay một nơi chốn trên bản đồ.  Nó là một nơi trong lòng người, nơi mà đến tận cùng chúng ta muốn tìm về nhất.  Ý niệm ẩn dụ về nhà có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều điều, thậm chí cả cách mà tình dục liên hệ với tình yêu.

Tình dục không bao giờ đơn giản là chuyện qua đường, chỉ phục vụ cho mục đích giải trí, một thứ không liên quan đến linh hồn.  Tình dục luôn chạm đến linh hồn, dù tốt hay xấu.  Hoặc tốt đẹp hoặc gây hại.  Hoặc củng cố hoặc phá nát linh hồn.  Khi đúng đắn, nó làm chúng ta tốt đẹp lên, và khi sai trái, nó làm chúng ta bớt nhân cách.  Nói một cách ẩn dụ, khi đúng đắn, nó đưa chúng ta về nhà, khi không đúng đắn, nó đẩy chúng ta xa cách nhà.  Tình dục do Thiên Chúa tạo nên và theo lẽ tự nhiên là để đưa chúng ta về nhà.  Thật sự là, nó được định để làm nhà cho chúng ta.  Nếu chúng ta về nhà sau khi làm tình, thì có một cái gì đó sai trái rồi.  Trước hết, tôi nói thế không phải là để phán xét về đạo đức, nhưng đây là một nhận định nhân học thay mặt linh hồn.

Như chúng ta biết, linh hồn không phải là một vài tế bào tâm linh vô hình trôi nổi trong cơ thể chúng ta.  Không thể họa nên linh hồn theo tưởng tượng, nhưng có thể hiểu được nó như một nguyên tắc.  Khi nhìn vào những diễn tả thấu suốt của các triết gia như Aristotle và Tôma Aquinô, linh hồn là một nguyên tắc kép trong chúng ta.  Nó là nguyên tắc của sự sống (của mọi sinh lực trong chúng ta) và là nguyên tắc của sự tích hợp (những gì giữ chúng ta trọn vẹn).  Điều này có vẻ mơ hồ, nhưng không phải thế.  Nếu bạn từng ở bên người hấp hối, bạn biết chính xác lúc nào hồn lìa khỏi xác.  Không phải vì bạn thấy một linh hồn bay khỏi thể xác, nhưng vì mới đây cơ thể còn sống, còn là một tổ chức, ngay sau đó nó trơ ra, vô hồn, đã chết và bắt đầu phân rữa.  Linh hồn giữ chúng ta sống và linh hồn giữ chúng ta cố kết với nhau.

Nếu đúng là thế, và là thế thật, thì bất kỳ việc làm có ý nghĩa nào của chúng ta, bất kỳ điều gì chạm đến tâm can chúng ta, tác động trên linh hồn chúng ta, động đến cả chất lửa và chất keo của linh hồn, thì nó sẽ làm suy yếu hoặc tăng cường.  Tình dục cũng vậy.  Thật sự, đó là một ví dụ rõ nhất.  Tình dục rất mạnh và chính vì thế nó không bao giờ là chuyện vặt vãnh.  Nó xây dựng hoặc phá nát linh hồn.

Ba mươi năm trước, khi dạy một lớp đêm ở đại học, tôi đã đưa cho lớp đọc quyển nghị luận của Christopher de Vinck, Chỉ Những Trái Tim Mới Biết Cách Tìm Ra Nhau – Ký Ức Quý Báu Về Thời Gian Không Có Đức Tin (Only the Heart Knows How to Find Them – Precious Memories for a Faithless Time).  Những bài luận này là các suy ngẫm của tác giả về cuộc đời của mình trong tư cách người chồng, người cha.  Những câu chuyện ấm áp, không lãng mạn vô cớ, đầy tính nghệ thuật và không có chỗ cho những thứ đa cảm.  Chúng là tiếng nói ủng hộ cho hôn nhân, không phải bằng những lập luận biện giải, mà đơn giản bằng cách chia sẻ làm thế nào mà hôn nhân có thể đem lại một nhà, một nơi thanh bình của sự cô tịch chung, có thể đưa chúng ta vượt lên những cuộc tìm kiếm miệt mài bủa vây chúng ta ở tuổi dậy thì, và đẩy chúng ta ra khỏi nhà cha mẹ để đi tìm nhà của mình.  Hôn nhân và chiếc giường hôn nhân có thể đưa chúng ta về lại nhà.

Đến cuối học kỳ, một nữ sinh viên gần 30 tuổi, đến văn phòng tôi nộp bài.  Cô cầm theo quyển sách của Vinck và chia sẻ thế này: “Đây là quyển sách hay nhất em từng đọc.  Em lớn lên mà không có nhiều hướng dẫn về tôn giáo hay đạo đức, và em đã ngủ lang khắp nửa nước Canada, nhưng bây giờ em biết mình thật sự muốn gì rồi.  Em muốn cái mà tác giả này có!  Em muốn chiếc giường hôn nhân.  Em muốn tình dục đưa em về nhà, trở nên ngôi nhà của em.”  Thấu suốt của cô xứng đáng được nhắc lại, không phải chỉ vì trong văn hóa thời nay, tình dục thường bị tách biệt khỏi hôn nhân và nhà.

Khi đi dạy và làm mục vụ, có những thời gian tôi làm việc nhiều với thanh niên, những người đang cố xác định ý nghĩa của tình yêu, quyết định kết hôn với ai và cố sống cả đời với ai, có một câu hỏi thường xuất hiện trong đầu tôi: Làm sao để nhận ra loại tình yêu nào có thể làm nền tảng để xây dựng hôn nhân?  Đây là câu hỏi tối quan trọng, vì tình yêu không phải là thứ dễ hiểu hay dễ đánh giá.  Chúng ta có thể phải lòng với đủ loại người, thường là nhầm người, những người chúng ta có thể tán tỉnh hoặc có thời gian mặn nồng ngắn ngủi nhưng lại không thể sống đến trọn đời.

Loại tình yêu nào có thể làm nền tảng để xây dựng hôn nhân?  Cần có loại tình yêu đưa chúng ta về nhà.  Chúng ta cần nhận thức rõ ràng, chẳng hạn với người này, chúng ta được ở trong nhà, vì hôn nhân rất khác với trăng mật.  Đi trăng mật xong, là chúng ta về nhà.  Trong hôn nhân, chúng ta ở trong chính căn nhà của mình.

Cả tình dục cũng thế.  Nó phải là thứ đưa chúng ta về nhà và là nhà của chúng ta, chứ không phải một thứ mà khi xong việc, chúng ta lại đi về nhà.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NGUỒN TRỢ LỰC SIÊU NHIÊN

Lời Chúa trong sách Các Vua kể với chúng ta việc ông Êlia chạy trốn vua Akáp.  Là người thực thi sứ mạng Chúa trao, ngôn sứ Êlia đã nhiệt thành can đảm, dám đương đầu với 450 tiên tri của thần Baal.  Kết quả là 450 tiên tri này đã bị giết chết.  Sự thua cuộc bẽ bàng đã khiến cho hoàng hậu Zerabel nổi giận và thề giết cho được Êlia.  Nghe tin dữ đó, Êlia đã chạy trốn.  Trong tâm trạng buồn chán, ông xin Chúa cho mình được chết đi.  Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai dấn thân phụng sự Ngài.  Chính vào lúc Êlia đang buồn chán thì Chúa can thiệp.  Ngài đã sai sứ thần đem đến cho Êlia bánh và nước.  Nhờ bánh và nước này mà vị ngôn sứ của chúng ta có đủ sức trong 40 ngày trên đường tiến về núi Horeb.  Bánh và nước đã cho ông sức mạnh để tìm về núi Hôreb, là núi của Thiên Chúa, để tìm ở đó nguồn sức mạnh siêu nhiên.

Nếu ngôn sứ Êlia được Chúa nuôi dưỡng trên đường lên núi Horeb ngày xưa, thì hôm nay Chúa cũng đang nuôi dưỡng chúng ta trong hành trình trần thế.  Cuộc sống của con người, theo nhãn quan Kitô giáo, cũng là một hành trình vượt sa mạc để lên núi của Thiên Chúa.  Cuộc hành trình và lên núi này đòi hỏi chúng ta phải có đủ sức mạnh thể lý và tinh thần, vì đây là hành trình đầy gian nan và cám dỗ.  Lương thực mà Chúa ban cho chúng ta chính là Thánh Thể và Lời Chúa.  Nhờ nguồn trợ lực siêu nhiên này mà chúng ta có thể tiến bước trong bình an và hạnh phúc.

Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về đề tài Bánh trường sinh.  Chúa Giêsu nhấn mạnh tới khía cạnh thần linh của bánh mà Người sẽ ban.  Người Do Thái chỉ nhận ra nơi Chúa Giêsu là con ông Giuse thợ mộc, nên họ khó nhận ra bánh mà Đức Giêsu nói tới.  Đây là bánh từ trời, cũng như Đức Giêsu từ trời xuống, vì thế, bánh này là lương thực thiêng liêng Chúa ban.  Nếu ngày xưa, Thiên Chúa nuôi dân trong hành trình sa mạc bằng Manna, thì nay, Chúa Giêsu là Manna từ trời xuống.  Cũng như bánh cần thiết cho sự sống thân xác, bánh thiêng liêng là chính Chúa Giêsu cần thiết cho sự sống thần linh nơi chúng ta.  “Bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”  Nếu chúng ta có mặt lúc bấy giờ, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên như những người Do Thái, khi nghe Chúa Giêsu nói về thịt của Người.  Nếu mầu nhiệm nhập thể dẫn tới việc “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt” (Ga 1,14), thì nay, “xác thịt đã trở thành Bánh” (Ga 6,51).  Khi nghe Chúa Giêsu nói, Người sẽ lấy thịt mình cho họ ăn, người Do Thái coi đây là sự mạo phạm.  Liên hệ với cuộc khổ nạn và được soi sáng bởi mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, người Kitô hữu nhận ra nơi Thánh Thể chính là thịt và máu Chúa Giêsu, Đấng Cứu nhân độ thế.  Đây là lương thực thiêng liêng, là lương thực giúp chúng ta được tăng trưởng mỗi ngày trong hành trình lên núi của Thiên Chúa về quê trời.

Cơn đói bánh là nỗi lo của con người mọi thời đại.  Những xung đột và chiến tranh xảy ra cũng nhằm để giải quyết cơn đói này.  Đâu là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nhắn gửi nhân loại, khi hiến trao thân mình Người cho chúng ta?  Đó là sứ điệp của sự sẻ chia, dấn thân phục vụ.  Thánh Thể là bài học yêu thương.  Như Đức Giêsu đã trao ban chính bản thân mình, người tín hữu được mời gọi bắt chước Chúa, dấn thân phục vụ, để trở nên những cánh tay nối dài của Người giữa trần gian.  Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự và trao phó cho con người quản lý.  Nếu biết phân phối công bằng, thì của cải trên thế giới đủ để nuôi sống tất cả mọi người.  Nghèo đói, bất công là con người ích kỷ, chỉ biết chiếm hữu cho mình mà quên tha nhân.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Sự phân phối bất công của cải vẫn tồn tại, tạo nên tình trạng tội lỗi mang tính xã hội, tình trạng ấy kêu thấu trời xanh và làm cho quá nhiều anh chị em chúng ta không có khả năng đạt được một cuộc sống đầy đủ hơn.”  Nghĩa cử quảng đại chia sẻ sẽ đem cho chúng ta hạnh phúc, vì “Chỉ khi nào biết xả thân cho người khác, chúng ta mới thành công trong đời sống và mới cảm nghiệm được nỗi vui mừng của Thiên Chúa (Michel Quoist).

Được nuôi dưỡng nhờ Thánh Thể, cuộc đời người Kitô hữu phải được canh tân.  Thánh Phaolô nói với giáo dân Êphêsô: “Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác.  Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.”  Vị Tông đồ dân ngoại cũng khuyên các tín hữu hãy chia sẻ quảng đại theo gương Đức Giêsu: “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.” (Bài đọc II).

Trong những ngày này, qua các phương tiện thông tin, chúng ta được biết có hàng ngàn hàng vạn người dân nghèo vội vã rời bỏ các đô thị có dịch để trở về quê, tránh đại dịch Covid-19.  Nhiều cảnh đời rất đáng thương, vạ vật bên đường.  Không chỉ những người trên đường về quê, có nhiều nơi đang phải cách ly, phong toả và giãn cách.  Họ đang cần lắm những “sứ thần” mang đến cho họ sự giúp đỡ.  Nếu không có khả năng giúp đỡ vật chất, chúng ta đều có thể cầu nguyện cho họ, xin Chúa cho những người nghèo khó và đau khổ được ơn nâng đỡ nhờ nguồn trợ lực siêu nhiên.  Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng, Chúa có thể làm những điều kỳ diệu để nâng đỡ chúng ta.  Ngài chính là nghuồn trợ lực siêu nhiên đối với những ai tin tưởng trông cậy nơi Ngài, như tác giả Thánh vịnh chia sẻ với chúng ta: “Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người.  Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.”

TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org

THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY VÀ TÒA GIẢI TỘI

Có thể nói rằng: phép lạ vĩ đại của cha Thánh Gioan Maria Vianney là tòa giải tội, nơi tội nhân được ơn hoán cải.  Mỗi ngày, ngài ngồi giải tội từ 11 giờ đến 12 giờ vào mùa Đông, và thậm chí là 16 đến 18 giờ vào mùa Hè.  Khi hành hương đến xứ Ars, trước tiên tôi tìm đến tòa giải tội nơi thánh nhân ngồi mấy mươi năm, quỳ gối cầu nguyện và xin ngài chúc lành cho sứ vụ hòa giải trong đời linh mục của mình.

Công việc mục vụ ngồi tòa, giải tội là sứ vụ đức ái mục tử đẹp nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.

Thời trẻ, Gioan có một tâm nguyện: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm Linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa.”  Khi làm Linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy.  Tòa giải tội là nơi ngài đưa các linh hồn về cho Chúa nhiều nhất.  Tòa giải tội đã thu hút biết bao hối nhân tìm đến với xứ Ars.  Tòa giải tội là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của thánh nhân.  Đức Giáo Hoàng Piô XII viết về cha thánh Gioan Maria Vianney một câu thật ngắn gọn: “Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân.”

1. Thời gian ở tòa giải tội

 Một phần lớn cuộc đời Linh mục của cha Vianney trôi qua trong tòa giải tội.  Trong 30 năm dài, một làn sóng người hành hương không ngừng đổ về ngôi nhà thờ cũ kỹ của họ Ars.  Mùa đông rét buốt, số người đến đây không ít hơn các mùa ấm áp.

Tứ tháng 11 đến tháng 3, cha sở phải ngồi tòa trung bình không dưới 12-13 giờ mỗi ngày.  Người ta đứng thành hàng dài, từ trong nhà thờ ra bên ngoài, nối đuôi nhau không ngớt chờ đợi tới phiên mình.  Trong năm 1845, có ngày số người hành hương đến Ars lên tới ba hay bốn trăm.  Tại nhà ga lớn nhất của Lyon, người ta mở một văn phòng hoạt động 24/24 để bán vé tàu cho khách đi Ars, vé có giá trị tám ngày, đó là thời gian trung bình người ta phải đợi cho đến phiên mình vào tòa xưng tội với vị Linh mục thánh thiện nổi tiếng.

Vào mười năm cuối đời, thánh Vianney phải giải tội từ mười sáu đến mười tám tiếng một ngày!  Còn khách hành hương nói chung phải đợi ba mươi, năm mươi, bảy mươi giờ trước khi được lãnh nhận bí tích hòa giải.  Cũng có khi người ta mua lại chỗ đứng của người nghèo.  Ai muốn đi ra ngoài phải thỏa thuận với người bên cạnh hoặc với người bảo vệ nhà thờ.  Đêm thì sao?  Khi cửa nhà thờ đóng lại, người ta đánh số chỗ của mình. (x. Linh mục, người loan báo Tin Mừng, Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

2. Ai đến với tòa giải tội?

Họ gồm đủ mọi thành phần và lứa tuổi: có giáo dân, tu sĩ, linh mục và đôi khi cả giám mục nữa; họ là quý tộc và bình dân, kẻ vô chủ nghĩa và người học thức, người thành thị và người thôn quê…  Có khi nguyên một gia đình ngồi trên xe ngựa đến từ những tỉnh xa xôi.  Từ những vùng lân cận, người ta tuôn về đây bằng đôi chân hay bằng xe, theo đường bộ hay đường thủy.  Năm cuối cùng của cuộc đời cha Vianney (1858-1859), số khách hành hương lên tới tám mươi ngàn, chỉ tính riêng số người dùng các phương tiện chuyên chở công cộng; còn tính chung có lẽ là khoảng một trăm ngàn đến một trăm hai mươi ngàn.

Đám đông này rất trật tự và nghiêm trang.  Họ đến là để nhìn một vị thánh, để xưng tội, để cầu nguyện hay để hoàn thành một lời khấn với thánh nữ Philomêna.  Có những người vào làng Ars như vào một đền thánh; vừa nhìn thấy tháp chuông nhà thờ, họ liền cất nón mũ xuống và làm dấu thánh giá.  Một nhân chứng kể lại quang cảnh họ nhìn thấy vào tháng ba năm 1859: đông đảo những người ngoài họ Ars đứng trong nghĩa trang cũ, và đến tận trong những con đường nhỏ kế cận chờ đến phiên vào tòa giải tội.

Buổi sáng vào khoảng chín giờ, cha Vianney dành một số thời gian cho các tu sĩ và linh mục.  Ngài giải tội cho họ ở một tòa đặt sau bàn thờ chính.  Có lần Đức Giám mục địa phận nhà cũng ngồi chờ phiên mình.  Cha giải tội cũng dành một số ngoại lệ cho giáo dân con chiên cha, người bệnh, người tàn tật, và những hối nhân không thể chờ đợi.  Đối với trường hợp cuối cùng này, ngài thường dùng ơn “nhìn thấy trong tâm hồn” để nhận ra từ trong dòng người chờ đợi, rồi ưu tiên cho họ.  (sđd, trang 62-63).

3. Cha Vianney khuyên bảo các hối nhân như thế nào?

Nói chung, ngài mạnh mẽ thẳng thắn, nhân từ nhưng không yếu đuối.  Ngài biết cần phải “đánh” điểm nào cho trúng đích.  Đọc một số lời khuyên còn ghi lại, tôi thấy ngài thường ngắn gọn, đầy tâm tình chứ không máy móc lạnh lùng.

Để lay tỉnh những “đại tội nhân”, khá nhiều khi ngài tung ra một câu đanh thép: “này con, con bị luận phạt đời đời.”  Phát ra từ môi miệng một vị thánh mà người ta tin là ngài đọc được tương lai, câu đó giống như một lời phán quyết khủng khiếp.  Nhưng thật ra ngài chỉ muốn nói: “nếu con không xa lánh dịp tội ấy, nếu con cứ duy trì cái thói quen tội lỗi ấy, nếu con không nghe theo lời khuyên dạy thì con sẽ bị luận phạt.”

Đối với những người đạo đức, ngài không cần nhiều lời.  Nhưng ngay cả với trường hợp này, vẫn là những mũi tên nóng bỏng đâm thấu tận con tim: “xin Đức Cha yêu thương các Linh mục của ngài!”  Đó là lời duy nhất ngài nói với Đức cha De Langalerie, Giám mục địa phận Belly đang quỳ gối trước mặt ngài.  Một cộng sự viên gần gũi của ngài xưng thú: “con đã lười biếng làm điều này nhưng tận đáy lòng, con vẫn thiện chí,” cha giải tội đáp lại duy nhất một câu “Ồ! thiện chí, thiện chí… hỏa ngục cũng lót toàn thiện chí.”  Linh mục Monnin kể: “tôi đã xưng tội với ngài hai lần.  Lần nào cũng thế, sau mỗi tội tôi xưng ra dù là tội nhẹ nhất, ngài đều nói: ‘đáng tiếc quá.’  Từ một người khác, đó có thể là một cách nói thông thường, nhưng từ môi miệng của Cha Sở họ Ars, linh mục Monnin coi như là tiếng kêu của lòng tin, lòng thương xót và sự ghê tởm đối với tội lỗi; ngài thêm: “Nhất là giọng nói đầy âu yếm đã đánh động tôi” (sđd, trang 64).

4. Cha Vianney yêu thương tội nhân

Cha Vianney ghê tởm tội lỗi bao nhiêu thì yêu mến người tội lỗi bấy nhiêu.  Ngài có một lòng cảm thương vô bờ đối với hối nhân.  Tình yêu ấy được biểu lộ qua những nhân đức sau đây.

a. Cầu nguyện cho tội nhân

 Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết…  Những người có tội thật đáng thương.  Ước gì con có thể thú tội thay cho họ.”  Một người thân tín nói với ngài: “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không?  Thấy cha vất vả đau khổ quá!  Ngài trả lời: “Biết sao được.  Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”  Lần khác ngài tâm sự: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi.”

b. Đền tội thay cho họ

 Ngài ăn chay hãm mình để đền bù tội lỗi và mong cho tội nhân hối cải.  Trong những năm cuối đời, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân.  Ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay.”  Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình.  Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy.  Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ.  Cha Vianney nhiều khi còn khóc trong tòa giải tội nữa.  Ngài khóc vì người ta xúc phạm tới Chúa, ngài cũng khóc vì thương các linh hồn…  Chính sự thánh thiện của ngài mang lại cho lời khuyên răn và nước mắt của ngài có sức mạnh và hiệu lực.  Có người hỏi: “sao cha khóc thế?” ngài đáp ngắn gọn: “tôi khóc vì các ông các bà không khóc cho đủ.”

c. Yêu thương tội nhân

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối như gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt.  Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm.  Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc: “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà.”  Mặc kệ.  Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú.  Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ.  Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn?” ngài trả lời ngay, không lưỡng lự: “Hơn 700.”  Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!

d. Luôn nhẫn nại

 Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không.  Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại.  Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài.  Một linh mục đã nhận xét: Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy.  Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ!  Bất nhẫn thì được cái gì?” Ngài cũng nói với một cha bạn: “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa.”

e. Hiền hòa, kính trọng hối nhân

Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội.  Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không.  Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã.  Đầu tôi nặng trĩu.  Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào.”

Suốt ngày bị công việc mục vụ dồn ép như thế, ngồi nghe hối nhân hàng giờ như thế mà ngài vẫn không mất kiên nhẫn, không la lối nạt nộ ai bao giờ, thật là lạ lùng.

Ngài luôn hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai.  Có Linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng.  Lời khuyên dành cho Đức Giám Mục Giáo Phận đến xưng tội với ngài là: xin Đức cha hãy yêu thương các Linh mục của Đức cha.

Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình.  Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời.  Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó.  (x. Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các Linh mục, Lm Micae Trần Đình Quảng; simonhoadalat.com).

Nhân ngày lễ kính thánh Gioan Maria Vianney (ngày 4 tháng 8), đọc lại nét tiêu biểu cuộc đời thánh nhân nơi tòa giải tội.  Như người ta đã nói: phép lạ lớn nhất của cha Vianney thánh thiện là tòa giải tội của ngài bị bao vây suốt ngày đêm.  Cũng có thể nói cách khác: phép lạ tiêu biểu của ngài là sự hoán cải của những người tội lỗi.  Các linh mục noi gương cha thánh thực thi sứ vụ khó khăn và cao đẹp này.  Mỗi lần ban ơn xá giải là linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An