THƯƠNG TIẾC NGƯỜI ĐÃ RA ĐI

Gần như chúng ta đều biết câu chuyện Zorba người Hy Lạp qua quyển sách nổi tiếng của tác giả Nikos Kazantzakis hoặc qua phim ảnh.  Và Zorba không phải là nhân vật hư cấu.  Alexix Zorba là người thật việc thật, có tính cách phóng khoáng và tinh thần hoạt bát đến nỗi khi ông qua đời, Kazantzakis không thể chấp nổi chuyện đó, tự vấn rằng một người với sức sống mãnh liệt thế kia mà có thể chết sao.

Khi biết tin Zorba qua đời, phản ứng của Kazantzakis là thế này: “Tôi nhắm mắt lại và cảm thấy nước mắt từ từ lăn xuống âm ấm trên gò má.  Ông ấy chết rồi, chết thật rồi.  Zorba đã ra đi, đi mãi không về.  Tiếng cười đã chết, bài ca im bặt, cây đàn santir vỡ tan, điệu nhảy trên bãi đá bờ biển đã dừng, cái miệng ham muốn đặt câu hỏi không ngừng giờ đã đầy bùn đất. …  Những linh hồn như thế sẽ không chết.  Đất, nước, lửa, liệu có thể tạo ra một Zorba nữa không? …  Như thể tôi tin ông ấy sẽ bất tử vậy.”

Đôi khi thật khó để tin là một người nào đó có thể chết, vì cuộc sống và sức sống của họ quá tuyệt diệu.  Đơn giản là chúng ta chẳng hình dung nổi một sức sống như thế lại nằm yên, lại chết và mãi mãi xa rời trần thế này.  Có những người dường như không thể chết vì chúng ta không hình dung nổi một sức sống, sự khoáng đạt, phong phú và tốt lành như thế lại chết.  Làm sao một sức sống diệu kỳ như thế mà chết được chứ?

Tôi đã nhiều lần cảm nhận chuyện này, gần nhất là mới tuần trước, khi hai đồng nghiệp cũ của tôi, những người khoáng đạt, sắc sảo, phong phú và cực kỳ tâm linh, đã chết.  Kazantzakis cố chấp nhận cái chết của Zorba, đồng thời tìm cách cố đương đầu với cái chết này.  Ông quyết định nỗ lực “phục sinh” Zorba, bằng cách kể những câu chuyện của Zorba cho cả thế giới sao để biến cuộc đời ông thành huyền thoại, thành vũ khúc, thành tôn giáo.

Kazantzakis tin rằng đây chính là việc Maria Mađalêna đã làm khi thương tiếc cái chết của Chúa Giêsu, khi bà rời mộ Ngài và trở lại với đời.  Bà đã “phục sinh” Chúa Giêsu bằng cách kể chuyện của Ngài, tạo nên một huyền thoại, một vũ khúc, một tôn giáo.  Nên khi thương tiếc cái chết của Zorba, Kazantzakis tự nhủ: “Hãy cho ông máu của chúng ta để ông có thể sống lại, chúng ta hãy làm những gì có thể để kéo dài thêm sinh mệnh cho con người mê ăn, mê uống, mê làm việc, mê đàn bà, mê lang bạt, người vũ công và chiến binh, linh hồn khoáng đạt nhất, thân thể rắn chắc nhất, tiếng hét tự do nhất mà tôi từng biết”.

Ông đã rất nỗ lực!  Và nỗ lực đó tạo nên một câu chuyện tuyệt vời, một thần thoại thú vị, nhưng nó không bao giờ tạo nên một tôn giáo hay một vũ khúc bất diệt, bởi nó không như những gì bà Maria Mađalêna đã làm cho Chúa Giêsu.  Dù thế, vẫn có gì đó đáng để chúng ta học hỏi về cách đương đầu với những ra đi quá lớn làm cho thế giới bỗng chốc hoang lạnh đi hẳn.  Chúng ta không được để sức sống diệu kỳ đó biến mất, chúng ta phải giữ cho nó sống.  Tuy nhiên, là tín hữu Kitô, chúng ta làm theo một cách khác.

Chúng ta đọc câu chuyện của Maria Mađalêna theo một cách rất khác.  Bà Maria đến mộ Chúa Giêsu, thấy mộ trống, và đi ra ngoài khóc, nhưng… trước khi đi kể chuyện này cho người khác, bà đã được gặp Chúa Giêsu, được Ngài nói cho cách để tìm được sức sống, sự phong phú, tình yêu thương và con người của Ngài, trong một phương thức hoàn toàn mới là trong tinh thần của Ngài.  Phương thức đó bao hàm cả bí mật về cách chúng ta trao sự sống cho những người thân yêu sau khi họ đã mất.

Làm sao để giữ những người thân yêu và sức sống kỳ diệu mà họ đã đem lại cho đời, vẫn tiếp tục sống sau khi họ đã mất?  Trước hết, là bằng cách nhận ra rằng sức sống của họ không mất đi cùng với thân thể, rằng sức sống đó không rời trần thế này.  Sức sống của họ vẫn còn sống, vẫn còn ở bên cạnh chúng ta, nhưng bây giờ là ở trong chúng ta, qua tinh thần họ để lại (cũng như Chúa Giêsu đã để lại tinh thần của Ngài).  Hơn nữa, sức sống của họ truyền cho chúng ta mỗi khi chúng ta đi vào “Galilê” của họ, cụ thể là, vào những nơi mà tinh thần của họ phát triển và truyền đi dưỡng khí sinh sôi.

Thế nghĩa là sao?  “Galilê” của ai đó, nghĩa là gì?  “Galilê” của ai đó là sức sống đặc biệt, dưỡng khí đặc biệt mà người đó phát ra.  Với Zorba, thì đó là sự táo bạo và ham mê sống, với cha tôi là tinh thần ngoan cường, với mẹ tôi thì là lòng quảng đại.  Trong sức sống đó, họ phát ra một điều gì đó của Thiên Chúa.  Bất kỳ lúc nào chúng ta đến những điểm mà tinh thần của họ phát ra sức sống của Thiên Chúa, thì chúng ta hít vào dưỡng khí của họ, vũ điệu của họ và sự sống của họ.

Như tất cả các bạn, tôi cũng có những lúc choáng váng, buồn đau và hoài nghi về cái chết của một người nào đó.  Làm sao sức sống đặc biệt đó lại chết được?  Đôi khi sức sống đặc biệt đó được thể hiện nơi vẻ đẹp thể lý, sự duyên dáng, bạo dạn, hăng say, phong phú, kiên cường, cảm thương, nhân ái, nồng hậu, khéo léo hay dí dỏm.  Có thể rất khó chấp nhận rằng vẻ đẹp và dưỡng khí đem lại sự sống đó, có thể rời bỏ trần thế này.

Xét cho cùng, chẳng gì mất đi cả.  Đôi khi, trong thời gian của Thiên Chúa, khi đúng thời đúng điểm, tảng đá sẽ lăn ra, và như Maria Mađalêna đã từ mộ đi về, chúng ta sẽ biết rằng nếu đến “Galilê”, mình có thể hít thở sức sống diệu kỳ đó lần nữa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH MONICA VÀ THÁNH AUGUSTINÔ

Chắc hẳn chẳng ai xa lạ gì với hai vị thánh là mẹ con, đó là thánh mẹ Monica và thánh con Augustinô – Giám mục Tiến sĩ.  Hằng năm, ngày 27-8 là lễ kính nhớ người mẹ, và ngày 28-8 là lễ kính nhớ người con.

Thánh Monica (331-387) là bổn mạng của những cha mẹ chịu đựng đau khổ vì gánh nặng gia đình, đặc biệt là những người mẹ Công giáo.  Bà được mệnh danh là “Người Bạn của Thánh Giá.”

Thánh Monica sinh năm 332 tại Tagaste, Bắc Phi (nay là Souk Ahras, thuộc Algeria).  Bà sống các nhân đức Kitô giáo nổi bật, nhất là chịu đựng sự ngoại tình của người chồng, bà khóc hằng đêm vì thương “cậu ấm” Augustinô, chuyên cần cầu nguyện cho con hoán cải, điều mà chính thánh Augustinô đã viết trong cuốn Tự Thuật (Confession).

Dù bà là một Kitô hữu, cha mẹ vẫn bắt bà sớm kết hôn với một người ngoại giáo tên là Patrixiô, dân thành phố Tagaste, một người chồng có tính nóng như lửa, nghiện rượu, ngoại tình, phóng đãng, luôn khó chịu vì vợ hay làm việc từ thiện và cầu nguyện.

Thánh Monica có 3 người con: Augustinô là con trai trưởng, Navigius là con trai thứ hai, và Perpetua là con gái út.  Thánh Augustinô bướng bỉnh, lười biếng, và được gởi vào học tại trường Madaurus.  Thánh Monica bị coi là một người vợ hay bị cằn nhằn, là con dâu đau khổ và là người mẹ thất vọng, nhưng bà không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh.  Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng cực kỳ khó tính.  Nhưng lời cầu nguyện và gương lành của thánh Monica đã khiến chồng và mẹ chồng trở lại Công giáo.  Patrixiô mất năm 371, sau khi đã được rửa tội một năm, lúc này Augustinô 17 tuổi.  Thánh Monica ở vậy nuôi dạy các con.  Augustinô tiếp tục theo học tại trường Carthage, và tại đây chàng Augustinô bắt đầu ăn chơi trác táng.

Tại Carthage, biết Augustinô theo tà thuyết Manichean (*), thánh Monica đã thẳng thắn đuổi Augustinô đi chỗ khác, không được ăn uống và không được ngủ trong nhà.  Đêm đó, thánh Monica đã có thị kiến lạ là “đứa con trời đánh” sẽ trở lại, thế nên bà giải hòa với con.  Từ đó, bà luôn theo sát con mọi nơi mọi lúc, đêm ngày cầu nguyện và ăn chay vì con.

Rồi bà đã gặp một giám mục thánh thiện là thánh Ambrôsiô, giám mục này khuyên bà và nói tiên tri: “Đứa con của nước mắt sẽ không hư mất. Thánh Monica bí mật theo con đi khắp nơi để tìm cách cứu con ra khỏi vũng lầy tội lỗi.  Tại Manila (Ý), thánh monica đã gặp thánh Ambrôsiô và được chứng kiến con trai Augustinô trở lại sau nhiều năm ròng rã.

Lúc 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy khoa hùng biện.  Thánh Monica cũng quyết định đi theo con.  Một đêm nọ, Augustinô nói với mẹ là sắp đi tạm biệt một người bạn.  Nhưng không, Augustinô lại lên tàu đi Rôma.  Thánh Monica rất đau khổ khi biết con lừa dối mình, nhưng bà vẫn âm thầm đi theo.  Bà vừa đến Rôma thì biết tin con trai “trời đánh” Augustinô đã đi Milan.  Dù việc đi lại khó khăn, thánh Monica vẫn theo con tới Milan và bất cứ nơi nào khác.

Tại Milan, Augustinô chịu ảnh hưởng thánh giám mục Ambrôsiô, đồng thời là linh hướng của thánh Monica.  Bà nghe lời khuyên của thánh Ambrôsiô và khiêm nhường từ bỏ mọi sự.  Thánh Monica trở thành trưởng nhóm của các phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi bà ở Tagaste.  Bà vẫn tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô.

Lễ Phục Sinh năm 387, thánh Ambrôsiô đã rửa tội cho Augustinô và vài người bạn của Augustinô tại Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Milan (Ý quốc).  Ngay sau đó, nhóm của Augustinô đi Phi châu.  Biết mình không còn sống bao lâu nữa, thánh Monica nói với Augustinô: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui.  Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện.  Sau đó bà lâm bệnh, và sau 9 ngày bệnh nặng thì bà qua đời.  Hầu như những gì chúng ta biết về thánh Monica là nhờ các tác phẩm của thánh Augustinô, đặc biệt là cuốn Tự Thuật.

Thánh Augustinô được rửa tội lúc 33 tuổi, rồi làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi.  Ngài là một tội nhân trở thành thánh nhân.  Đó là nhờ nước mắt và sự kiên trì cầu nguyện của người mẹ là thánh Monica, sự hướng dẫn của thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu.

Trong những năm đầu đời, thánh Augustinô đắm chìm trong kiêu ngạo, hoang đàng và tội lỗi, nhưng ngài đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ thời đó – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý.  Chính kinh nghiệm “xương máu” của đời mình mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ, chẳng hạn: “Ngài có đó khi ta tưởng mình đơn côi, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ; hoặc:“Hát hay là cầu nguyện hai lần; hoặc:“Chúa dựng nên con thì Ngài không cần đến con, nhưng để cứu độ con thì Ngài cần đến con.

Thánh Augustinô không thể im lặng, như ngôn sứ Giêrêmia xưa đã phải thú nhận: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.  Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt.  Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9).

Thánh Augustinô viết về người mẹ của mình: “Trong chiếc rổ đầy trái cây, mẹ tôi biết đem cả một trái tim đầy ắp lời cầu xin thuần khiết tới nhà thờ Các Thánh Tử Đạo, và trao hết cho người nghèo – để việc rước Mình Thánh Chúa được cử hành ở đúng vị trí.  Noi gương Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, các thánh Tử Đạo đã hy sinh và đã nhận triều thiên” (Tự Thuật 6.2.2).

Khi con trai Augustinô trở lại, hai mẹ con sống bên nhau sáu tháng an bình tại Rus Cassiciacum (ngày nay là Cassago Brianza).  Thánh Monica qua đời ở tuổi 55.  Sau khi an nghỉ trong Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa, thánh Monica được an táng tại Ostia, và hầu như chẳng còn ai nhớ đến bà.

Thế kỷ XIII, lòng sùng kính thánh Monica bắt đầu lan rộng.  Lúc đó, lễ thánh Monica vào ngày 4-5.  Năm 1430, dưới thời Đức Giáo Hoàng Martin V, hài cốt thánh Monica được dời tới Nhà thờ thánh Augustinô ở Rôma, đặt ngay bên phải bàn thờ.  Nhà thờ này do Đức Hồng Y Estouteville của Tổng Giáo Phận Rouen đã cho xây dựng.  Nhiều phép lạ đã xảy ra trong tháng Năm.  Mãi đến thế kỷ XVI, lễ thánh Monica mới được ấn định trong Lịch Phụng Vụ.

Thành phố Santa Monica ở California (Hoa Kỳ) là đặt theo tên thánh Monica.  Tương truyền rằng, hồi thế kỷ XVIII, linh mục Juan Crespí đặt tên cho một dòng suối là Las Lagrimas de Santa Monica (Nước mắt của thánh Monica), ngày nay gọi là Serra Springs, gợi nhớ những giọt nước mắt mà thánh Monica đã nhiều năm ròng rã khóc vì nghịch tử Augustinô.  Tượng thánh Monica được dựng tại Santa Monica’s Palisades Park (Công viên Hàng rào Thánh Monica), tượng do điêu khắc gia Eugene Morahan hoàn tất vào năm 1934.

Lạy Thánh Monica và Thánh Augustinô, xin cầu thay nguyện giúp.  Amen!

Trầm Thiên Thu

(*) Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác.  Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

CANH TÂN TÂM HỒN

Có người nhìn đời mà ngao ngán bảo rằng: sao Thiên Chúa không tạo dựng “thế thật” mà lại tạo dựng “thế gian?”  Thế gian nên lắm gian tà.  Thế gian nên con người hay sống gian dối, lừa lọc với nhau và thiếu hẳn lối sống đơn sơ, chân thành.  Thực ra thế gian ở đây không phải là thế giới gian tà mà là trần thế, dương gian.  Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sư đều tốt đẹp.  Sự xấu do ma qủy gieo vào thế gian qua tâm hồn con người.  Trước tiên nó gieo vào trong con người sự ngờ vực Thiên Chúa.  “Cứ ăn đi chẳng chết chóc gì đâu!  Cứ ăn đi ngươi sẽ bằng Thiên Chúa.”  Con người đã để cho hạt giống ước muốn phản bội Thiên Chúa lấn chiếm vị trí số một trong tâm hồn.  Thay vì bình an vô tư sống trong sự che chở của Thiên Chúa, con người lại nuôi dưỡng sự ngờ vực và ấp ủ những toan tính bất trung, phản bội.  Hậu quả là sự xấu đã đi vào trần gian.  Sự xấu chìm sâu trong bản tính con người.  Sự xấu có thể bộc phát và thống lĩnh con người, nếu con người buông mình theo thói đam mê dục vọng và sống lười biếng ươn hèn.  Quyền lực của sự dữ đã thống trị con người đến nỗi con người dễ làm điều xấu hơn điều thiện.  Từ ngày nguyên tổ nghi ngờ Thiên Chúa cho đến hôm nay con nguời vẫn luôn nghi ngờ lẫn nhau.  Từ nghi ngờ đến lối sống “bằng mặt nhưng không bằng lòng,” và tệ hại nhất là sống giả hình với nhau.

Một thế giới “vàng thau lẫn lộn” nên khó phân biệt đâu là thiệt đâu là giả.  Và càng khó phân biệt ai là người tốt ai là người xấu.  Thế giới hôm qua cũng như hôm nay luôn có những ngừơi sống giả dối, sống hai mặt: “Đi với Chùa mặc áo Cà sa – Đi với ma mặc áo giấy.”  Vẻ bên ngoài thường nguỵ trang cho những ý đồ đen tối đầy bất chính và gian tà bên trong.

Lời Chúa hôm nay cảnh cáo lối sống giả hình của nhóm biệt phái và luật sĩ năm xưa.  Họ chú trọng đến việc canh tân hình thức bên ngoài mà quên đi việc canh tân tâm hồn.  Họ nhạy cảm với sự dơ bẩn bên ngoài như đồ ăn, thức uống và vật dụng mà quên đi điều quan yếu của lề luật là gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn.  Lề luật không nhằm bảo đảm cho con người được sạch sẽ thân thể, được bảo đảm an toàn thực phẩm mà nhằm gìn giữ nét đẹp của phẩm giá con người và bảo vệ con người khỏi những sự ô uế của tâm hồn.  Thế nên, gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn quan trọng hơn là sự sạch sẽ bên ngoài.  Thanh tẩy tâm hồn khỏi những bợn nhơ tội lỗi cần thiết hơn là những nghi lễ bên ngoài.  Philatô đã từng rửa tay nhưng liệu rằng tâm hồn ông có thanh thản bình an khi dối mình “vô can trong cái chết của người công chính?”  Biết bao người đã dùng bàn tay để làm sự ác như giết người, cướp của… và họ cũng đã từng rửa tay cho sạch, nhưng làm sao họ rửa được tội ác mà họ đã gây nên?  Bàn tay chỉ là dụng cụ. Bàn tay không làm nên tội.  Bàn tay bị sai khiển bởi tâm địa gian ác và lưu manh của con người.

Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.  Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.  Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”  Thế nên, điều cần rửa là rửa tâm hồn sạch mọi những toan tính bất chính, cần phải loại bỏ những ý đồ dơ bẩn, và tránh xa những cám dỗ tội lỗi của ma qủy luôn dẫn dụ con người đi ngược lại với giáo huấn của Chúa.

Con người ngày nay dường như cũng chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài.  Người ta trau truốt vẻ đẹp bên ngoài bằng biết bao mỹ phẩm.  Chấp nhận tiêu hao tiền của nơi các thẩm mỹ viện để chăm sóc sắc đẹp, nhưng ít ai nghĩ đến phải trau dồi nhân đức cho xứng với phẩm giá con người.  Người ta có thể hy sinh, khổ luyện hàng tháng, hàng năm để gìn giữ vẻ đẹp thân xác, nhưng có mấy ai chịu khổ chế để gìn giữ vẻ đẹp tâm hồn.  Ngày xưa người ta chú trọng đến cái nết, vì “cái nết đánh chết cái đẹp,” nhưng hôm nay “cái đẹp đang đánh dẹp cái nết.”

Con người ngày hôm nay quá chú trọng đến vẻ đẹp bên ngoài mà lãng quên phẩm chất đạo đức nên con người đã đánh mất hướng đi của mình.  Hậu quả là cả một trào lưu ăn chơi truỵ lạc, thoái hoá đạo đức đang làm băng hoại xã hội, đánh mất đi những thuần phong mỹ tục nơi gia đình và xã hội.  Tội lỗi ngày một gia tăng.  Sự ác ngày một lan tràn.

Vâng, vẻ đẹp bên ngoài là cần thiết nhưng điều quan yếu mà chúng ta phải phấn đấu là sống sao cho nên người.  Thiết tưởng lời dạy của tiền nhân năm xưa: “đói cho sạch, rách cho thơm.”  “Làm người phải có lòng nhân” phải là lời dạy cho con người hôm nay.  Đẹp thể xác và đẹp cả tâm hồn mới có ích cho xã hội, bằng không chỉ là hoa, là cỏ, là vật vô tri vô giác, có khi còn có hại cho gia đình và xã hội.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết thanh luyện tâm hồn của mình khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những toan tính bất chính và đam mê thấp hèn, để tâm hồn luôn thanh khiết vẹn toàn.  Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết trân trọng, yêu quý phẩm giá cao quý của con người là hình ảnh Thiên Chúa để biết sống cao thượng, sống đúng với luân thường đạo lý và nhất là biết sống theo lề luật của Chúa để bình an của Chúa luôn cư ngụ mãi trong cuộc đời chúng ta.  Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

“ĐI HẾT CUỘC ĐỜI, TA CÒN LẠI GÌ?”

Chia sẻ của một nữ tu tình nguyện:

Đã quá nửa đêm, chị em chúng tôi đang lau dọn sàn nhà, một chị điều dưỡng chạy tới giọng hối hả: “Các Sơ ơi, có người mới qua đời.  Các Sơ vào cầu nguyện cho ông đi!”

Hai chị em bỏ dở công việc, chạy vội vào góc phòng.  Các điều dưỡng đang gỡ máy móc, dây ống ra khỏi cơ thể đã bất động.  Tôi nhìn gương mặt ông tím tái rồi nhạt dần.  Vị bác sĩ trẻ vẫn chưa rời khỏi, cô lộ rõ nét buồn vì không giữ được sự sống cho ông sau một hồi cấp cứu.  Cô đưa tay vuốt mắt cho ông rồi lặng lẽ quay đi.  Các điều dưỡng nhanh chóng bọc ông cụ vào bao đựng tử thi rồi điện thoại cho nhân viên nhà xác mang xác đi.  Tất cả diễn ra trong tích tắc khi chị em chúng tôi còn chưa đọc xong những lời kinh phó linh hồn.

Từ lúc vào giúp ở khoa ICU này, ngày nào cũng thế.  Cảnh tượng ấy dần rồi quen thuộc.  Lúc đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là hơi sốc.  Ở gia đình, trong nhà dòng, tôi đã quen với việc nhìn thấy phút lâm chung của một người có biết bao người thân vây quanh.  Người mất được tắm xác, mặc quần áo chỉnh tề, được tẩn liệm với bao nhiêu nghi thức, bao nhiêu hương hoa, nhang nến, khăn tang, tiếng khóc thương đưa tiễn…  Còn đây là những cơn hấp hối và cái chết hoàn toàn trong cô đơn, lặng lẽ, chẳng có gì.  Thật sự là không còn gì!  Chẳng qua, chỉ vì trong trận đại dịch, trong hoàn cảnh lây nhiễm nên nhiều người phải từ giã cõi đời trong cái đau thương ấy!  Nếu như tôi không ở đây, không tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chắc tôi sẽ không có được cảm nghiệm sâu sắc về sự mong manh của phận người.  Những ngày qua, tôi cứ suy nghĩ mãi: “Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?”

Những bệnh nhân trong khoa ICU này phần lớn đã hôn mê.  Ngày nào tôi cũng đi từng phòng thăm và cầu nguyện cho họ.  Họ là những người dân của Thành phố này.  Nam có, nữ có, già có, trẻ có, mập có, ốm có… có đủ tất cả.  Con virus này chẳng chừa ai.  Chúng tấn công đủ mọi thành phần trong xã hội: có những người da dẻ trắng trẻo, mịn màng, trên người còn đeo nhiều trang sức, và cũng có những người da nhăn nheo, khắc khổ; có những người giàu có, địa vị, tài giỏi, cũng có những người dân nghèo, bình dị, kém cỏi…  Thế mà giờ đây, trong phòng Hồi sức Cấp cứu này, tất cả đều bình đẳng, tất cả những sự phân biệt đều quay về con số 0…  Mọi người dù là ai đi nữa, chỉ còn là một sự trần trụi trên giường bệnh với nhưng hơi thở khó khăn, thoi thóp.  Và cái chết tinh thần đôi khi còn đến trước cái chết thể lý.  Đó chính là sự cô đơn, sợ hãi khi không có lấy một người thân bên cạnh.  Đi hết cuộc đời, làm bao nhiêu việc, tìm kiếm bao điều, bao mối tương quan… giờ chỉ còn một mình đối diện với cái chết cận kề.  Cảm giác ấy thật không dễ dàng gì đón nhận!

Có lẽ nhiều người trong số các bệnh nhân đã cảm nhận được thân phận bụi tro của mình nên ra đi trong bình an.  Nhưng tôi cũng thấy có người vẫn vùng vẫy trong hơi thở cuối cùng như còn điều gì chưa thỏa.  Như hôm, tôi chứng kiến cơn hấp hối của một cô độ 60 tuổi: Khi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, cô mở mắt ra lần cuối, đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người thân nào đó vì mới hôm trước, tôi nghe cô tâm sự: cả nhà đều bị nhiễm, mỗi người cách ly một nơi, cô rất lo vì mất liên lạc với mọi người.  Thế nhưng xung quanh cô, giờ đây chỉ là những bức tường trắng xóa, những gương mặt xa lạ trong bộ đồ bảo hộ.  Tôi thấy rõ ánh mắt đầy thất vọng và đượm buồn của cô.  Máy thở đã không còn tín hiệu, cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức.  Thật không thể diễn tả được bao nỗi xót xa đau đớn.  Mong manh quá, một kiếp người!

Nơi đây, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một cái nháy mắt.  Có người hôm nay còn thấy ngày mai đã không còn nữa.  Tất cả đều ra đi với đôi tay trắng như khi vào đời.  Một cuộc đời còn lại gì?  Không kèn trống, hương hoa, không một người thân đưa tiễn.  Tất cả những bon chen giành giật, tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền bạc, sắc đẹp… không một điều gì có thể theo chúng ta vào cõi vĩnh hằng.

Lời Chúa vang lên soi sáng cho tôi: “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời…” (Mt 6,20).

Quả thật, khi cánh cửa thời gian khép lại, nguồn hy vọng duy nhất đời tôi chỉ còn là Lòng Thương Xót Chúa.  Mọi sự thế gian đều phải bỏ lại thế gian.  Chỉ có những công việc bác ái mà hàng ngày tôi tích góp mới trở nên kho tàng đích thực cho tôi, là người bạn duy nhất theo tôi đến trước tòa Chúa.  “Đi hết cuộc đời còn lại gì?”  Bài học này thật quý giá cho tôi, để ngay lúc này, khi tôi còn hơi thở, tôi kịp thời chọn cho mình kho tàng không bao giờ hư mất.

Đồng Hồ Cát
Nguồn: Nguyen Dao

LẮNG NGHE SỰ THINH LẶNG TRONG NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH

Thưa thầy, làm sao con chứng nghiệm được rằng con với vạn vật là một?”  Minh Sư đáp: “Bằng cách lắng nghe.”
Và con phải lắng nghe như thế nào?
Con hãy lắng tai để nghe ngóng mỗi lời thì thầm của vũ trụ.  Khi con nghe thấy chính tiếng nói của con thì con hãy thôi nghe.”

Trò chuyện thiêng liêng:

Trước khi dịch bệnh, mọi lãnh vực đều đang phát triển, người người mơ về một thế giới tốt đẹp hơn. Ròng rã gần hai năm dịch bệnh, cả thế giới vỡ mộng.  Mọi thứ đảo lộn bởi một con virus cực nhỏ.  Có lẽ lúc này ai cũng có câu trả lời cho riêng mình là: con người có liên hệ cực kỳ mật thiết với nhau.  Nhìn vào đường truyền lây lan theo cấp số nhân từ người sang người, chúng ta nhận thấy con người có tương quan xã hội.  Nói cách khác, chúng ta cần đến nhau để chống lại con virus này.  Một cá nhân, gia đình, một đất nước cũng không thể chống dịch nhanh chóng, nhưng là cả thế giới.

Lúc đang giãn cách xã hội, chúng ta nghe lại câu chuyện trên đây của cha Anthony de Mello.  Đành rằng mỗi người là một cá thể độc lập và vô giá trước mặt Thiên Chúa, nhưng mỗi người không thể sống tách rời với vũ trụ.  Chúng ta cần không khí, cần thức ăn, nước uống và môi trường sống lành mạnh.  Vạn vật vũ trụ từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đặt trong đó sự hài hòa.  Tiếc là vì lý do nào đó, con người đã, đang làm tổn thương ngôi nhà chung của chúng ta.  Phải chăng đó cũng là lý do nảy sinh con virus Corona khủng khiếp này?  Chúng ta không cần truy tìm nguồn gốc của virus.  Thay vào đó, cùng lắng nghe điều gì đang diễn ra trong môi trường sống hiện nay.

Nhịp sống Sài Gòn (Hà Nội cũng thế) lúc này thay đổi hoàn toàn.  Đường xá vắng người, cửa đóng then cài, phố phường chỉ còn xe cứu thương ngược xuôi.  Bệnh viện mỗi lúc một đông người, khu cách ly cũng tăng, số người F0, F1 cũng lan rộng.  Thử tưởng tượng đứng trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn lúc này, tôi nghe được thứ âm thanh gì?  Ngước lên tượng Đức Mẹ Hòa Bình trước quảng trường, tôi có nghe được lời thì thầm của thành phố phồn vinh ngày nào?  Thử rảo bộ vài con đường phong tỏa, tôi thấy những gì?  Dừng lại bên công viên, còn đâu cảnh người người thể dục, buôn thúng bán bưng, người người xuôi ngược.  Thành phố Sài Gòn đang ngủ, một giấc ngủ trong đói khát, lo lắng và hồi hộp.

Đã có lúc người ta sợ thinh lặng.  Nhất là người trẻ, thinh lặng là chỗ chúng ta phải đối diện với chính mình, với vạn vật và với Thiên Chúa.  Những nhà tâm lý, giáo dục đã cảnh báo về một cuộc sống vội vàng, bạo phát, bạo tàn.  Vì Covid-19, người người phải thu mình vào khung cảnh gia đình.  Thiết tưởng đây là thời gian vàng để mỗi người thử lắng nghe lòng mình.  Chúa đang muốn nói gì với con trong lúc này?  Thử để lòng mình lắng xuống, một mình với Thiên Chúa, với bối cảnh trầm lắng hiện nay, chắc lúc đó: “Con nghe thấy chính tiếng nói của con.”

Theo truyền thống tu đức, lắng nghe thường là hoạt động của con tim, tâm hồn.  Khi đôi tai thanh thản với âm thanh vắng lặng ở bên ngoài, cũng là lúc âm thanh trong tâm hồn lên tiếng.  Đó là chỗ của Chúa Thánh Thần hoạt động.  Ước sao mỗi người quý trọng thời khắc thánh thiêng này với hai lý do:

1. Về mặt tâm lý, chúng ta được thanh thản, thoải mái với tâm hồn bình an. Không để cho chuyện đời vây bủa.  Tạm gác lại những lo lắng cơm áo gạo tiền, tâm lý tự nhiên cảm thấy khoan khoái, thong dong và nhẹ nhàng.  Từ đó, thể lý cũng được dịp nghỉ ngơi và lấy lại sức.  An nhiên tự tại để tạo trạng thái tâm hồn tĩnh lặng và vô ưu; đóng bớt những thông tin gây hoang mang, buồn phiền, buông bỏ trước những lắng lo về tương lai.  Dĩ nhiên mình phải lo khi kinh tế đang xuống, gia đình bị khó khăn, nhưng bạn lo sầu thì chưa chắc giải quyết được gì hoặc cũng không làm cho người thân hết bệnh…  Ngược lại bạn cần bình tâm để thanh thản và tu dưỡng tâm thân, thư thái thay vì ám ảnh trước những cảnh rắc rối quanh mình.

2. Về mặt thiêng liêng, chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa trong cầu nguyện. Nếu ngày thường không có nhiều giờ để tâm đến Chúa, thì ở nhà lúc này lại là cơ hội để nối kết lại với Chúa.  Có khi không cần nói với ai về ước mong gặp gỡ Chúa, nhưng sau khi thinh lặng với Chúa, bạn sẽ tương quan với người khác bằng rất nhiều tình yêu.  Lúc này, ngôi nhà của bạn sẽ có Chúa đồng hành, sẽ được nguồn an ủi thiêng liêng mà chỉ có Thiên Chúa ban tặng. (1) Xác định bậc thang giá trị trong đời / quay lại với những điều cốt yếu. (2) Khám phá ra những điều thú vị trong người khác, bản thân (hoạt động nghệ thuật, dành giờ cho những sở thích lành mạnh), cuộc sống… mà trước giờ mình bận rộn quá nên quên lãng hoặc chưa làm được.

Với hai hoa trái của thinh lặng trên đây, bạn và gia đình sẽ vượt qua lần giãn cách này với nhiều bình an.  Xin đừng sợ thinh lặng, vì trong gia đình, có lúc chuyện trò, vui chơi, ăn uống nghỉ ngơi, thì cũng cần khoảng lặng trong ngày sống.  Thinh lặng không phải là ngủ li bì, nhưng là tỉnh thức trong tĩnh lặng với mình và với Chúa.  Thiên Chúa của chúng ta “không bao giờ ngủ,” bởi “Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!” (Tv 121,4).  Nhờ đó cuộc sống mới quân bình, như lời Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta chia sẻ: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là niềm tin, hoa trái của niềm tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an.”  Chúng ta cần bình an và sức khỏe lúc này.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: dongten.net

CHỌN LỰA VÀ TRUNG THÀNH  

Hôm nay là lần thứ năm, Phụng vụ Lời Chúa hướng chúng ta về một đề tài duy nhất, đó là: Bánh hằng sống.  Thánh Gioan ghi lại diễn từ “Bánh hằng sống” như một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái.  Thực ra, đây là một khảo luận, một bài giáo lý về Bí tích Thánh thể được sử dụng thời Giáo Hội sơ khai.  Thánh Gioan và cộng đoàn tín hữu thời bấy giờ đã tổng hợp các lời giảng dạy của Chúa Giêsu về đề tài Bánh hằng sống để chứng minh sự hiện diện của Người trong Bí tích này.  Đây cũng là giải thích của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi với những người Do Thái về Bí tích Thánh Thể.

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết thúc của diễn từ về Bánh hằng sống.  Xem ra đây không phải là một cái kết tích cực.  Bởi lẽ, khi nghe Chúa Giêsu khẳng định bánh Người sẽ ban là Thịt của Người, thì ngay một số môn đệ cũng cho điều đó là khó nghe và khó tin. Kết quả là một số trong họ đã bỏ Chúa.

Tuy vậy, cái kết của câu chuyện không hoàn toàn bi quan bế tắc.  Chúa đặt câu hỏi với các môn đệ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”  Ai trong chúng ta nghe câu hỏi này mà không thấy nặng trĩu trong lòng.  May mắn thay, Phêrô đã trả lời Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai?  Thày mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa.  Lời nói của Phêrô là một lời tuyên xưng Đức tin.  Đó cũng là lời thề hứa trung thành.  Trong Phúc âm, Phêrô thường xuất hiện và phát ngôn vào thời điểm tế nhị khó khăn.  Đó là lúc Chúa Giêsu đặt câu hỏi với các môn đệ về bản thân Người (x Mt 16, 13-20). Sau này, trong bầu khí nặng nề buồn thảm của bữa tiệc ly, Phêrô khẳng khái tuyên bố: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng!” (Lc 22,34).  Lời phát ngôn của ông cũng là lời nói đại diện cho những môn đệ trung thành, đồng thời diễn tả niềm xác tín.

Tin là chọn lựa.  Đức tin không phải là hùa theo đám đông một cách mù quáng.  Đức tin cũng không phải là một thứ mốt thời trang.  Đức tin là gặp gỡ Chúa và kết quả của cuộc gặp gỡ ấy là chọn lựa Ngài, đồng thời trung thành với sự chọn lựa ấy.

Dân Do Thái đã trải qua bốn mươi năm hành trình sa mạc và đã định cư ở đất hứa.  Thế hệ định cư là những người không được chứng kiến những phép lạ Thiên Chúa đã làm khi dẫn đưa dân ra khỏi Ai Cập.  Những người này bị cám dỗ theo những thói tục và thần linh của dân bản địa.  Tại Sikhem, ông Giôsuê, người kế vị ông Môisen để đưa dân Israen vào Đất hứa, đã triệu tập và kêu gọi một cuộc thanh tẩy toàn dân, để dứt bỏ quá khứ, bước sang một trang sử mới.  Vị thủ lãnh mời gọi dân hãy chọn lựa Chúa và sống theo giới luật Ngài đã truyền ban cho các bậc tổ tiên.  Lời tuyên xưng của dân chúng thật mạnh mẽ quyết liệt, thể hiện sự gắn bó trung thành với Đấng đã cứu họ khỏi Ai Cập và dẫn đưa họ vào Đất hứa.

Đức tin đi đôi với lòng trung thành.  Không phải vô cớ mà Phụng vụ cho chúng ta nghe thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo dân Êphêsô, đoạn nói về bổn phận vợ chồng trong gia đình.  Thánh nhân đã kết thúc bằng câu: “Mầu nhiệm này thật là cao cả.  Tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo Hội.”  Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, hình ảnh hôn nhân đã được dùng để so sánh với mối liên kết giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người.  Không có Chúa Giêsu, Giáo Hội sẽ chỉ còn như một tổ chức xã hội.  Chúa Giêsu là đầu của Giáo Hội.  Người yêu thương Giáo Hội và đổ máu vì Giáo Hội.  Lòng trung thành cần thiết và làm nên vẻ đẹp của cuộc sống vợ chồng thế nào, thì lòng trung thành của người tín hữu với Chúa cũng làm nên vẻ đẹp của Giáo Hội như vậy.  Thánh Phêrô đã có lúc băn khoăn về việc đi theo Chúa Giêsu, nên ông đã hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.  Vậy chúng con sẽ được gì?”  Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.  Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp (Mt 19,27-29).  Để tiến tới lời tuyên xưng trung thành, Phêrô đã chọn lựa, đã suy tư và đã đem cả cuộc đời mình để “đặt cược” cho tương lai của mình.

Thánh Thể là mối dây liên kết các tín hữu và là biểu tượng của tình hiệp thông trong Giáo Hội.  Tuy vậy, trong lịch sử, do sự ích kỷ của con người, nên đã có những ý kiến bất đồng về Thánh Thể và làm cho Bí tích này trở nên một trong những nguyên nhân gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các Kitô hữu.  Phải chăng vấn đề bất đồng ý kiến này đã có từ thời ban đầu do việc có những người khước từ giáo huấn của Chúa Giêsu về Bánh hằng sống?  Trong thực tế, vẫn còn đó những người tin và những người không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu nơi Bí tích này.

Năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm vua Clovis của nước Pháp được rửa tội, thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã đến Pháp để chủ sự thánh lễ tạ ơn.  Trước hằng triệu người tham dự, vị Giáo Hoàng người Balan đã hỏi: “Hỡi nước Pháp, ái nữ của Giáo Hội, ngươi có trung thành với lời hứa của bí tích Thanh tẩy không?” Tiếng thưa “Có” vang dậy đã làm nên một hình ảnh sống động về Giáo Hội luôn trung thành chọn lựa Đức Giêsu Kitô.

Có thể vào những lúc đen tối của cuộc đời, Chúa hỏi chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”  Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phêrô: “Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.  Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

ĐÊM TỐI LINH HỒN

Chủ nghĩa vô thần là ký sinh trên một tôn giáo xấu.  Đó là lý do vì sao, xét cho cùng, những phê phán của chủ nghĩa vô thần lại là bạn của chúng ta.  Những lời đó giữ chúng ta cảnh giác.

Chẳng hạn như, Friedrich Nietzsche, Ludwig Feuerbach, và Karl Marx, họ cho rằng mọi cảm nghiệm tôn giáo xét cho cùng chỉ là phóng chiếu tâm lý.  Với họ, Thiên Chúa chúng ta tin và nền tảng cho Giáo hội của chúng ta, xét cho cùng, chỉ đơn thuần là một tưởng tượng mà chúng ta tạo ra để phục vụ nhu cầu của mình.  Họ nói rằng chúng ta tạo ra Thiên Chúa như thuốc phiện êm dịu và cho mình sự phê chuẩn thần thánh để làm điều mình muốn.

Họ đúng, nhưng lại sai, và điểm sai của họ là về nền tảng của tôn giáo đích thực.  Phải thừa nhận, họ đúng khi nói rằng nhiều cảm nghiệm tôn giáo và đời sống trong đời sống chúng ta rõ ràng là không, rất không nguyên tuyền.  Thật khó để thừa nhận rằng chúng ta luôn mãi đem những tham vọng và khí lực của mình trộn lẫn với điều mà chúng ta gọi là cảm nghiệm tôn giáo.  Đó là lý do vì sao chúng ta quá thường xuyên là những con người mộ đạo, nhưng lại hoàn toàn chẳng hướng về Thiên Chúa.  Chúng ta ngông cuồng khi đáng ra phải khiêm nhượng, phán xét khi phải tha thứ, thù hận khi phải yêu thương, ích kỷ khi phải vị tha, và hằn học xấu xa khi phải thông hiểu cùng thương xót.  Cuộc sống và giáo hội của chúng ta thường không chiếu tỏa Chúa Giêsu.  Chủ nghĩa vô thần là một thách thức cần thiết, bởi chúng ta quá thường xuyên trộn lẫn xung lực đời mình với Thiên Chúa, đem những hệ tư tưởng của mình xáo lẫn với Phúc âm.

May thay, Thiên Chúa không để chúng ta yên ổn với việc đó quá lâu.  Thiên Chúa cho chúng ta một ơn hoang mang và đau đớn, là đêm tối linh hồn.  Trong đêm tối linh hồn, chúng ta kiệt quệ lòng đạo, cảm nghiệm tôn giáo một thời nâng đỡ cho chúng nhiệt thành giờ khô cạn khiến chúng ta không còn tưởng tượng, xúc động, hay ý thức cảm xúc về tình yêu hay sự hiện hữu của Thiên Chúa.  Dù chúng ta có cố gắng thế nào cũng không thể gợi lên lại những cảm giác và hình tượng từng có về Thiên Chúa cũng như sự bảo đảm mà chúng ta từng cảm thấy về đức tin và niềm tin tôn giáo của mình.  Thiên đàng như trống rỗng, và trong lòng chúng ta cảm thấy không thể nhận thức được gì, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và ta cũng không thể tạo ra một hình ảnh Thiên Chúa từng một thời rất thật với ta.  Chúng ta trở nên tuyệt vọng khi cố khơi lên một ý thức về Thiên Chúa.

Nhưng đấy chính là khởi đầu của đức tin đích thực.  Trong đêm tối đó, khi chẳng còn gì nữa, khi cảm thấy như không có Chúa, thì Thiên Chúa bắt đầu đi vào chúng ta một cách nguyên tuyền.  Bởi các chức năng tôn giáo trong chúng ta bị tê liệt, nên chúng ta không còn có thể lạm dụng cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa, không còn lạm dụng phóng chiếu bản thân vào hình ảnh Thiên Chúa, hay dùng lòng đạo để lập luận sự phê chuẩn thần thánh cho hành động của mình.  Đức tin đích thật bắt đầu từ chính lúc những phê phán vô thần nghĩ rằng mình đã thành công, là chính sự tối tăm và trống rỗng, trong sự bất lực của lòng đạo, trong sự vô lực để tác động lên cách Thiên Chúa đi vào chúng ta.

Chúng ta thấy rõ điều này trong đời sống của Mẹ Têrêxa.  Trong nhật ký của Mẹ, trong 27 năm đầu đời, mẹ có một nhận thức sâu sắc đầy hình tượng, và sốt mến về Thiên Chúa trong đời mình.  Mẹ sống với một niềm xác tín sắt đá về sự hiện hữu và tình yêu của Thiên Chúa.  Nhưng đến tuổi 27, khi đang cầu nguyện trên tàu hỏa, như thể có ai đó đã gạt công tắc đường dây kết nối với Chúa của Mẹ.  Trong tưởng tượng và cảm giác của Mẹ, thiên đàng trống rỗng.  Thiên Chúa mà Mẹ biết trong nhận thức và cảm giác, đã biến mất.

Nhưng chúng ta biết câu chuyện theo như thế nào.  Mẹ sống tiếp 60 năm còn lại với một đức tin xây trên đá, và đã sống dấn thân quên mình khiến không một lời chỉ trích vô thần nào có thể cáo buộc cảm nghiệm tôn giáo của Mẹ là nảy sinh từ sự phóng chiếu bản thân ích kỷ, hoặc nói việc hành đạo của Mẹ không nguyên tuyền.  Trong đêm tối lòng đạo của Mẹ, Thiên Chúa có thể đổ tràn vào Mẹ một cách nguyên tuyền, chứ không như nhiều người chúng ta với đời sống đức tin rõ ràng nằm ở một niềm tin ích kỷ.

Ngay cả Chúa Giêsu khi làm người, cũng phải trải qua đêm tối này, như lúc Ngài ở trong Vườn Cây Dầu, và than khóc vì bị bỏ rơi và sợ thập giá.  Sau cơn thống khổ trong Vườn Cây Dầu, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài.  Chúng ta sẽ hỏi, tại sao thiên thần không đến sớm hơn, lúc Ngài đang cần giúp đỡ nhất?  Sự giúp đỡ của Thiên Chúa không thể đến nếu Chúa Giêsu không vắt kiệt sức lực của mình, nhân tính của Chúa Giêsu không để cho sinh lực thiêng liêng đổ vào một cách nguyên tuyền nhưng lại chăm chăm vào cảm nghiệm.  Chúa Giêsu phải dùng hết sức lực của mình, rồi sinh lực thiêng liêng mới có thể đổ vào cách thật sự và nguyên tuyền.  Và chúng ta cũng vậy.

Những đêm tối đức tin cần thiết để tẩy sạch chúng ta, bởi chỉ như thế thiên thần Chúa mới đến để giúp chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐƯỜNG NÊN THÁNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 HÔM NAY

Ngày lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên Trời có nhiều ý nghĩa quan trọng về phương diện thần học và đời sống đức tin, tôi chỉ chia sẻ một ánh sáng chợt đến khi suy niệm hôm nay.  Ngày lễ này, Giáo Hội chọn đoạn Tin Mừng Đức Maria vội vã lên đường thăm viếng và giúp đỡ, chăm sóc người chị họ Elizabeth đang mang thai lúc tuổi già (Lc 1,39-56).  Thật bất ngờ và ngỡ ngàng!  Ngày lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên Trời được Giáo Hội làm nổi bật với cuộc lên đường của Mẹ Maria, một mình Mẹ không ngần ngại đường xá xa xôi gập ghềnh sỏi đá của xứ Palestine để phục vụ tha nhân, cho ta thấy con đường lên đến Trời cao chính là con đường của cuộc sống đời thường, chính là con đường mà mỗi người chúng ta hàng ngày đi đến bệnh viện, trường học, công sở, đi gặp gỡ… tùy theo nhiệm vụ và nghề nghiệp của mỗi người, khi con đường đó được dệt bằng tình yêu, bằng trái tim yêu thương, bằng hành động nhân ái, bằng tấm lòng chia sẻ và liên đới.  Như thế, ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời nhắc nhớ chúng ta hướng về Trời cao, với niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh hằng, nhưng đồng thời cũng nhắc chúng ta con đường dẫn tới Trời cao chính là con đường phục vụ, sẻ chia, liên đới trong cuộc sống đời thường hiện tại.

Giữa cơn đại dịch đang diễn biến khốc liệt trên quê hương Việt Nam, cách riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), hầu hết chúng ta phải đối diện với rất nhiều thử thách cho đời sống thường nhật về mọi mặt, kể cả khía cạnh đức tin.  Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin, đoạn suy niệm ngắn trên lại chiếu tia sáng cho mỗi người chúng ta hôm nay, trong hoàn cảnh này, Chúa muốn chỉ cho ta con đường hướng về Trời cao như Mẹ Maria, hay nói cách khác, con đường NÊN THÁNH hôm nay.

NHỮNG NGƯỜI TRÊN ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Các bác sĩ (BS), y tá, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch, họ đang bước vào một trận chiến thực sự, luôn có nguy cơ bị phơi nhiễm và hy sinh cả mạng sống.  Trong nhiều tháng liền, họ đã phải xa gia đình, cha mẹ, vợ /chồng, con thơ, để giành giật từng mạng sống của các bệnh nhân nguy kịch.  Chính bản thân cũng mang nhiều nỗi lo toan và nhớ thương, nhưng các thiên thần áo trắng vẫn nỗ lực đem lại hy vọng, niềm an ủi, sức khỏe và sự sống cho người bệnh.  Vâng, các vị là chứng nhân sống động của tình yêu tha nhân, huynh đệ đại đồng!  Các vị đã đặt quyền lợi bản thân dưới quyền lợi của người bệnh.  Các chiến sĩ áo trắng là những anh hùng thời đại.  Các vị đang trên đường NÊN THÁNH!

Đã có các chiến sĩ áo trắng quỵ ngã, như BS Lý Văn Lượng, thuộc nhóm các bác sĩ đầu tiên ở Vũ Hán chết vì tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.  Câu thơ Anh để lại trước khi chết là lời của Thánh Phaolô:

Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,
Tôi đã chạy hết chặng đường,
Tôi đã giữ vững đức tin,
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2Tm 4, 7-8a).

Các tu sĩ và các tình nguyện viên ở các bệnh viện chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, các anh chị không tránh khỏi nỗi lo lắng, sợ hãi ban đầu: mới tiêm một mũi vaccine ngày hôm trước, hôm sau đã lên đường, vaccine chưa kịp phát huy tác dụng; không có chuyên môn về y khoa lại tiếp xúc trực tiếp với F0, sự an toàn của chính mình có thể gặp nguy cơ.  Vâng, nỗi sợ thật bình thường và chính đáng!  Các anh chị vẫn sợ nhưng một tình yêu lớn đối với Thiên Chúa và tha nhân đã giúp các anh chị vượt qua nỗi sợ để lên đường dấn thân!  Nếu ai cũng sợ và lùi bước thì ai sẽ xông pha chiến trận bảo vệ quê hương, người bệnh?  Các anh chị không phải là nhân viên y tế, chỉ tham gia công tác vệ sinh phòng bệnh, thay tã, đổ bô, thay drap cho bệnh nhân, cho người bệnh ăn, và vệ sinh thân thể cho họ… công việc nhỏ nhưng với tình yêu lớn!  Vâng, các anh chị đang là chứng nhân sống động của tình yêu Thiên Chúa!  Các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!

Các công nhân vệ sinh môi trường, hàng ngày âm thầm đẩy xe rác nặng nề, tiếp xúc với rác thải dơ bẩn và nguy hiểm, để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.  Các tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch, hay tham gia công tác hậu cần, đặc biệt những nơi phong tỏa, cách ly, nhóm tài xế thiện nguyện thành lập đội xe cấp cứu 0 đồng, chuyên chở F0 đi cách ly… khi nhận việc các anh chị quên hẳn những cảnh báo của người thân về việc mình có thể bị nhiễm bệnh.  Các anh chị đã được thúc bách bởi một Tình Yêu.  Vâng, các anh chị đang là chứng nhân sống động của tình yêu tha nhân HƠN chính mình!  Các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!

Biết bao người Samari nhân hậu thời đại, tại TP HCM và nhiều tỉnh thành khác, nhiều sáng kiến được đưa ra để hỗ trợ những người bán vé số, lượm ve chai, xe ôm, người nghèo… bị ảnh hưởng trong thời gian cách ly xã hội.  Từ các cha xứ đi phát lương thực từ thiện, các siêu thị mini 0 đồng, các ATM gạo, nam sinh viên chở rau miễn phí từ Kontum về TP HCM, anh công an hỗ trợ sản phụ trên đường đến bệnh viện phụ sản, các chiến sĩ  gặt lúa giúp dân ở khu phong tỏa, em bé dành tiền tiết kiệm để giúp người nghèo…  Thật ấm lòng!  Thật đẹp thay tình người!  Công việc ý nghĩa trên đời là những gì ta làm để chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho nhau, sống tình liên đới.  Những người Samari nhân hậu thời dịch bệnh đang trên đường NÊN THÁNH!

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.  Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm…  Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 34;37).

Có lẽ hơn bao giờ hết, giữa đau thương thử thách, tình người lại được thắp sáng cả bầu trời.

Hàng trăm ngàn bệnh nhân COVID-19 đang đau khổ và thậm chí đối diện với cái chết bất ngờ.  Đau khổ, cách riêng là đau khổ trong những giờ phút cuối cuộc đời, có một vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Đau khổ quả thật là chia sẻ cuộc khổ nạn của Đức Kitô và hiệp nhất với hy tế cứu độ của Ngài trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.  Như thánh Phaolô nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).  Sự thật này tuy không làm vơi đi nỗi đau và sự sợ hãi, nhưng cho chúng ta sự tin tưởng, và ân sủng để mang lấy sự đau khổ thay vì để nó đè bẹp chúng ta.  Và như thế, các bệnh nhân đang trên đường NÊN THÁNH!

Những ngày qua hàng ngàn người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 chết cô độc.  Karl Rahner, nhà thần học lớn thế kỷ XX đã chiêm niệm về cái chết: “bất luận sự chết có tàn bạo, có làm con người đau khổ thế nào thì cũng không thể hủy hoại tính cách độc lập và tự ý thức của con người.  Chính nhờ sức sống của đức tin mà chúng ta biết rằng: khi đối mặt với cái chết, con người có thể nhìn thấu vào những giới hạn của cái chết, và chính khi ấy chân trời mới của huyền nhiệm Thiên Chúa được khai mở, nhờ thế cuộc sống con người có được ý nghĩa tròn đầy vĩnh viễn.”  Chính thời khắc vô cùng đáng sợ của sự chết lại biến thành thời cơ quan trọng nhất để con người tiến gần Thiên Chúa hơn.

Có những người Kitô hữu hấp hối đã tỉnh thức chờ đợi Chúa đến trong bình an, nhưng cũng có nhiều người chưa tỉnh thức sẵn sàng.  Ắt hẳn mọi người Công giáo đều biết đến câu chuyện của người trộm lành, “Kẻ của phút thứ năm mươi lăm của giờ thứ mười một.”

Ở một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống kia có bức tranh Chúa Phục Sinh.  Bức tranh mô tả cảnh Chúa Phục sinh đang giải thoát những người công chính thời Cựu Ước: Ngài giúp Ađam chỗi dậy khỏi mồ, Evà đang quỳ mọp đôi tay hướng về Đấng Cứu Độ, trong khi các ngôn sứ đang diễn hành, tay cầm biểu ngữ trên có ghi lời sấm nổi tiếng nhất của mình.  Thiên đàng còn trống vắng, chỉ một mình tên trộm lành giữa cây cối tươi tốt.  Anh ta đã không có thì giờ khoác chiếc áo cưới của những người được tuyển chọn, vẫn còn đóng cái khố của tên tử tù, nhưng giờ đây nó lại trắng tinh, tươm tất.  Anh ta là vị thánh đầu tiên của thiên đàng, là kẻ được chính Chúa Giêsu phong thánh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với ta.”  Vì sao anh ta lại được diễm phúc như thế?  Vì hắn đã tin!  Và bởi tin, hắn đã thốt lên lời cầu xin bất hủ trong giờ phút chót: “Ông Giêsu ơi, khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42).  Vậy đừng ai bỏ lỡ cơ hội phút cuối cùng: với lòng tin cậy, hãy nài xin lòng thương xót của Chúa. Khi ấy bạn vẫn có cơ hội NÊN THÁNH!

Với gia đình có người thân qua đời vì COVID-19, không được gặp lại nhau phút lìa đời, thật đau đớn, và chỉ nhận được hũ tro cốt sau đó.  Có người đã than thở “Nước mắt người ra đi cũng xong, nhưng nước mắt người thân yêu còn sống chẳng biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.  Lệ có khô, nhưng nước mắt chảy vào trong còn mãi, ngậm ngùi nhớ thương chẳng bao giờ cạn.”  Trong đức tin, chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21,4).  Đức Maria hồn xác về Trời, Kinh Tin Kinh tuyên xưng niềm tin xác chúng ta ngày sau sống lại.  Thân xác và linh hồn hiệp nhất với nhau, hiện tại thân xác người thân yêu qua đời có thành tro bụi, chúng ta sẽ gặp lại người thân, cả hồn và xác trong ngày sau hết.  Trong tin yêu phó thác, hãy kết hợp với Đức Maria dưới chân thập giá, hiệp thông với Người Con thân yêu bị các môn đệ bỏ rơi, chết trần trụi, khi ấy, chúng ta được thông phần với hy tế cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta NÊN THÁNH trong vâng phục Thánh Ý Chúa Cha nhiệm mầu.

Với các bạn trẻ thời gian cách ly xã hội, ở trong nhà nhiều hơn, nhờ đó bạn trẻ có thể học thinh lặng và thấy được giá trị của đời sống nội tâm, dành nhiều thời gian để sống cho những người thân yêu trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, hay sống gần Chúa, gần thiên nhiên nhiều hơn.  Mỗi ngày bạn trẻ tham dự thánh lễ online, bàn học bạn trở thành bàn thờ!  Bạn hãy tạ ơn Chúa và tôn vinh Ngài qua những nỗ lực học tập, mong muốn góp phần xây dựng quê hương mai sau, và làm vinh danh Chúa hơn.  Khi ấy, các bạn trẻ đang trên đường NÊN THÁNH!

Các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn, thất nghiệp, phải ở nhà cùng nhau 7 ngày/24 giờ.  Hãy dành cho nhau những lời an ủi, ân cần chăm sóc cho nhau: “Anh/ chị em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.  Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.  Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).  Được như thế, các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!

Và biết bao người nữa, mỗi người chúng ta, khi làm một việc nhỏ cho tha nhân, cho cộng đồng với tình yêu lớn thúc bách, chúng ta đang trên đường NÊN THÁNH.

Xin tạ ơn Chúa!  Xin chúc tụng và ngợi khen Chúa!

Giữa bao đau thương cuộc đời, qua Mẹ Maria, Chúa đã chỉ cho chúng con Con đường hướng về Trời cao, con đường NÊN THÁNH của mỗi người chúng con được hiện thực hóa trong từng hành vi, cử chỉ, chọn lựa yêu thương trong cuộc sống đời thường.

Bs. Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà

NGƯỜI PHỤ NỮ VINH QUANG

Mục đích chính của lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời không chỉ nhằm tôn vinh Đức Mẹ, nhưng là tôn vinh Thiên Chúa, vì cuộc đời Đức Mẹ là một chuỗi những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện.  Chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Mẹ, chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Đức Mẹ những điều kỳ diệu ấy, đồng thời xin cho chúng ta luôn noi gương Đức Mẹ trong cuộc đời dương thế, mặc dù còn nhiều thử thách gian nan.

Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, khi sinh thời đã nói: “Khi nói về Đức Trinh nữ Maria, phải trình bày Đức Mẹ như một nhân vật mà chúng ta có thể bắt chước và một Đức Maria như các tác giả Phúc Âm muốn trình bày.”  Thánh nữ cho rằng, nếu chỉ nói đến những điều cao siêu vĩ đại mà thôi, thì chúng ta chỉ cung kính ca tụng mà không noi gương bắt chước Đức Mẹ.

Trong ngày lễ Đức Mẹ về trời hôm nay, chúng ta chú ý tới cả hai khía cạnh: tôn vinh Đức Trinh nữ Maria và noi gương bắt chước Đức Mẹ.

Thánh Gioan tông đồ được thấy trong thị kiến một người phụ nữ lạ kỳ: mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.  Mẹ như trung tâm của vũ trụ.  Mọi tinh tú đều quy hướng về Mẹ.  Mặt trăng êm đềm như thế, chỉ là bệ đặt chân của Mẹ, mặt trời chói lọi dường bao, chỉ là áo khoác của Người.  Những gì mà các dân ngoại coi là thần linh, dưới cái nhìn của Kitô giáo, chỉ là đồ trang điểm để làm nổi bật vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.  Là một tạo vật, Chúa đã ban cho Đức Mẹ muôn vàn ân sủng.  Mẹ là người cộng tác với ơn Chúa, để cùng Ngài làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời Mẹ và trong lịch sử Cứu độ.  “Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc.”  Quả vậy, rất nhiều tác phẩm âm nhạc, hội họa, văn chương, điện ảnh mang chủ đề suy tôn Đức Trinh nữ Maria là người diễm phúc.

Mẹ Maria diễm phúc vì Mẹ đã tin những gì Chúa nói cùng Mẹ sẽ thành hiện thực.  Đó là lời chào, cũng là lời khen ngợi của bà Elisabét, khi hai người phụ nữ gặp nhau.  Hai người cũng đang mang thai, Elisabét mang thai Gioan Tẩy Giả, người sau này sẽ giới thiệu Đấng Cứu độ; Maria mang thai Đức Giêsu, Đấng Cứu độ muôn dân.  Cả hai cùng là những người có phúc, vì họ đã tin vào Thiên Chúa và vào sự trung tín của Ngài.  Cuộc gặp gỡ được diễn tả trong niềm vui mừng hân hoan, niềm vui của hai người mẹ và cũng là niềm vui của hai hài nhi đang được cưu mang trong lòng.

Khi đọc bài Tin Mừng kể lại việc Đức Mẹ đi thăm bà Elisabét, Phụng vụ muốn cho chúng ta noi gương bắt chước Đức Mẹ.  Thánh Luca ghi rõ: “Maria vội vã lên đường.”  Cuộc đời của Mẹ luôn hướng về Chúa và hướng về tha nhân.  Mẹ muốn thể hiện lòng yêu mến Chúa một cách cụ thể, qua việc phục vụ tha nhân.  Trong cuộc viếng thăm này, mặc dù đường xa dặm thẳm, Đức Maria không ngần ngại.  Mẹ phó thác cho Thiên Chúa và cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.  Mẹ tin chắc những gì Chúa đã có sáng kiến khởi sự, thì Ngài cũng lo liệu để những điều ấy diễn tiến trong an bình và trật tự.

Nếu tác giả sách Khải huyền mượn mặt trời, mặt trăng và các tinh tú để diễn tả vẻ đẹp bề ngoài của Đức Mẹ, thì thánh Luca lại diễn tả Đức Mẹ với sự thánh thiện và niềm hân hoan trong tâm hồn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng.”  Đức Trinh nữ được trình bày như trong một cuộc xuất thần.  Đây là tâm trạng của các thánh, vào lúc các ngài cảm nghiệm sâu xa sự hiện diện của Thiên Chúa, như thể hồn đã lìa khỏi xác để kết hợp với Đấng Tối cao.  Trong niềm vui xuất thần này, Đức Mẹ hát lên bài ca Tạ ơn, vì những ơn trọng đại Chúa đã làm cho dân tộc Israel và cho cuộc đời của Mẹ.

Chính Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho Trinh nữ Maria hát lên bài ca tạ ơn tuyệt diệu.  Chúa Thánh Thần cũng đang làm lan toả niềm vui siêu nhiên đến mỗi người chúng ta và đến toàn thể Giáo Hội trong ngày lễ trọng này.  Giáo Hội hân hoan, không chỉ vì những ơn lạ Chúa ban cho Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mà còn vì Giáo Hội thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của chính mình trong tương lai.  Vâng, Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành (Lời Tiền tụng Thánh lễ).  Người phụ nữ trong sách Khải Huyền vừa là hình ảnh của Đức Trinh nữ, vừa là hình ảnh của Giáo Hội.  Giáo Hội của Chúa phải đương đầu với con Mãng xà mang nhiều hình dạng khác nhau, trong mọi thời đại, nhưng cũng là Giáo Hội thánh thiện, không vết nhơ, xứng đáng với vị Hôn Phu là Đức Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu đã về trời.  Đức Maria cũng đã về trời.  Trời là đích điểm và lý tưởng của người Kitô hữu. Mầu nhiệm Chúa Giêsu về trời và tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời là hy vọng cho chúng ta.  Đó cũng là câu trả lời cho những vấn nạn về sự chết, về đời sau.  Thánh Phaolô đã quả quyết, những ai tin vào Đức Kitô thì cũng sẽ được sống lại vinh quang với Người (Bài đọc II).

Cũng như Chúa Giêsu tuy đã về trời nhưng vẫn ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế, Đức Maria luôn hiện diện giữa Giáo Hội.  Mẹ ở đây với chúng ta để lắng nghe, thấu hiểu và chăm sóc chúng ta với tình mẫu tử thiêng liêng.  Là tín hữu, chúng ta hãy tôn vinh Mẹ và xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta được những ơn cần thiết, để luôn vững tin trong hành trình cuộc đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

“TÙ TÚNG” TRONG CHIẾC QUAN TÀI

Đường phố Sài Gòn thênh thang vắng lặng không một bóng người bởi thực hiện lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt thời dịch Covid.  Có một lối vào lại đông đúc và chật hẹp chẳng thể thông giao.  Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa những ngày vừa qua bế tắc bởi xác người quá nhiều.  Đoàn xe đưa đám nối đuôi nhau đợi chờ hàng giờ hầu giải phóng cái gọi là “tù túng” cho cả đôi bên: người nằm trong và kẻ ở ngoài.  Cảnh “một cõi đi về” thời Covid sao nó vong thân đến tột cùng!

Câu chuyện “shipper buồn nhất thế giới” trên đường Âu Cơ – Lạc Long Quân những ngày qua làm cho người ta quặn đau bởi thân phận con người thời dịch hãi quá ư “bèo bọt” trong nắm tro tàn.  Đúng là thân phận con người, đi đến “mỏi gối chồn chân” của kiếp bụi tro tưởng được an yên phút giây biệt ly, nào ngờ vẫn còn đó sự mệt nhoài nghe tiếng ai oán gõ nhịp không nguôi.  Đọc những câu thơ trong bài “Cát Bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta mới thấm thía và chua xót cho cái “tù túng” của phận người trong “hũ tro cốt” như một món hàng giao dịch thời công nghệ 4.0: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi, ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.”

Mạng xã hội truyền đi những video với thân phận “nhạt nhòa” của con người trên những chiếc xe tang dồn ứ quan tài.  Lò thiêu hoạt động ngày đêm vẫn không thể đưa những xác người “vượt qua ranh giới của cái hình hài” mà về với mẹ đất trong cái bụi.  Nằm trong chiếc quan tài “chập hẹp, gò bó, tù túng” có bao giờ vẫn có một cảm thức linh thiêng nơi ấy không được “thoải mái.”  Người ra đi còn đâu một nhịp thở trong hai tiếng hiện sinh; người đang sống “với hoài” cũng thấy xa tít chân trời một đoạn đường đưa tiễn.  Nỗi đau vẫn còn mãi và day dứt bởi cái chết mùa này sao “cách ly” đến cả đường về thế giới bên kia lẫn lời tiếc thương phân ưu của người thân ruột rà.  Thế mới đau!  Đau trong cái “chật hẹp” của phận người, đắng trong cái “gò bó” của thời cuộc, và xót xa trong cái “tù túng” trên đoạn đường cuối cùng của cuộc đời.

Trong thời đại dịch, “nghĩa tử là nghĩa tận” sao nó phong trần đến khó tả.  Cha mẹ mất con cái không thể gặp gỡ bày tỏ “nghĩa tận” của đạo hiếu.  Vợ chồng “có nhau” đến chẳng thể rời, “xương bởi xương tôi thịt bởi thịt tôi,” phút giây tạ thế cũng “nhân tình thế thái” đến lạ thường trong cái thực tại khốn cùng tạo ra.  Lời trần tình trên trang facebook Hạnh Maria cũng làm cho chúng đau tận cõi lòng: “Thế là xong một kiếp người.  Cô em dâu ra đi không một người thân là hai đứa con gái, người chồng thì chỉ đứng từ xa nhìn vào vì dịch, cũng vì dịch mà em bỏ lại hai đứa con thơ.  Không biết từ mai hai cháu sẽ bám víu vào ai.  Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Maria mau hưởng tôn nhan Thiên Chúa.”  Nhìn chiếc quan tài đổ lệ, người ở lại tiếp tục gồng mình với thời đại dịch “tù túng” trong mọi sinh hoạt thường ngày.

Chết thời Covid vẫn là cái chết của phận người.  Chết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là thực tại chân thật nhất mà ai cũng sẽ trải qua.  Bởi đó, sinh ra là nguy cơ tiềm ẩn một ngày sẽ chết đi.  Sinh tử là một cặp “hữu thể thực hữu” nghe thì xa xôi nhưng thực chất rất gần, gần đến mức biên thùy của nó giống như khoảng không giữa hai nhịp thời gian hiện tại và tương lai.  Hầu như các triết gia hiện sinh ngắm nhìn cái chết không mấy mặn mà.  Và cả chúng ta nữa, trong giây phút đau buồn trước cái chết của anh chị trong đại dịch, chúng ta cảm thấy đắng lòng.  Sự “tù túng” trong chiếc quan tài kia có thể người đời gọi đó là định mệnh không thể cưỡng lại và chẳng chút nào khiên cưỡng với phận người.  Trong lối tâm thức này, chết đúng là tuyệt vọng thật.

Tuy nhiên, tinh thần Kitô Giáo khả dĩ giúp chúng ta nhìn về tương lai bên kia bờ trần gian.  Chết không phải là định mệnh đưa con người vào hư vô, mà là “sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi,” là đưa ta vào sự sống vĩnh cửu.  Chết là sống lại cách bất diệt nơi Thiên Chúa, Đấng là uyên nguyên sự sống.

Thật vậy, cần một lời nguyện cầu cho người quá cố an vui bên kia nấm mồ, và lại cần một niềm hy vọng vào tương lai tươi đẹp cho con người nguy nan trong cơn đại dịch.  Thiên Chúa là nơi ta tìm gặp, là Đấng giải thoát muôn sự “tù túng” cho phận người cả đời này và đời sau.  Lời Chúa trong Chúa Nhật 19 thường niên hôm nay đặt chúng ta trong ơn gọi “cứu rỗi” cho cả hai cảnh vực này.  Niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, và ăn bánh hằng sống nơi Người sẽ giúp chúng ta hóa giải tất cả mọi đau khổ trong quá khứ, ngay lúc này và cả tương lai.  Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.  Tôi là bánh trường sinh.  Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết.  Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.  Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 47-51).

Chúng ta chẳng thể có kinh nghiệm về cái chết của chính mình, nhưng cái chết của người bên cạnh giúp chúng ta gẫm suy về ý nghĩa cuộc đời.  Những khoảnh khắc “tù túng” trên đường về bên kia thế giới của những người ra đi trong thời dịch bệnh này, có làm cho cuộc đời chúng ta thay đổi không?  Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt thắng với sự trân trọng “ơn hoán cải” mà Người khơi gọi lên trong lòng chúng ta qua những “dấu chỉ thời đại” của ngày hôm nay.

Phan Hiếu
Nguồn: https://dongten.net