KHÁNG CỰ TÌNH YÊU

Làm người thật không hề đơn giản.  Chúng ta thường là một bí ẩn với ngay chính bản thân mình, thậm chí là kẻ thù tồi tệ nhất của mình.  Sự phức tạp nội tâm làm trì trệ, và còn cản trở chúng ta.  Và chúng ta thấy điều này thật nhất trong nỗ lực vì tình yêu và sự mật thiết.

Chúng ta khao khát sự mật thiết hơn bất kỳ điều gì, khao khát được chạm đến nơi dịu dàng nhất của mình, nơi chúng ta được là chính mình nhất, nơi chất chứa những gì quý giá nhất, mỏng manh nhất, và khắc khoải nhất của chúng ta.  Nhưng khi thực sự đối diện với sự mật thiết, những người nhạy cảm thường trở nên bất an và kháng cự.

Chúng ta thấy hai ví dụ rất rõ trong Phúc âm.  Thứ nhất là câu chuyện có cả trong bốn Phúc âm, kể về một người phụ nữ đi vào phòng nơi Chúa Giêsu đang dùng bữa, và đập vỡ một lọ dầu thơm đắt giá, đổ lên chân Chúa, rửa chân Ngài bằng nước mắt, rồi lấy tóc lau khô, và hôn chân Ngài.  Trừ Chúa Giêsu, những người trong phòng đã có phản ứng thế nào?  Khó chịu và phản đối.  Chuyện này không được xảy ra!  Mọi người ngoảnh mặt đi trước sự bày tỏ nguyên sơ của tình yêu, và Chúa Giêsu phải thách thức họ nhìn thẳng vào nguyên cớ gốc rễ của sự khó chịu đó.

Trong đó, Chúa chỉ ra rằng họ khó chịu với những gì nằm ở trọng tâm cuộc sống và trọng tâm những khát khao thâm sâu nhất của họ, chính là sự trao đi và đón nhận thuần túy trước tình yêu.  Chúa Giêsu xác nhận, đây chính là mục đích chúng ta sống và đây là cảm nghiệm chuẩn bị cho chúng ta đi đến cái chết.  Đây là mục đích sống của chúng ta.  Đây cũng là điều chúng ta mong mỏi nhất?  Vậy tại sao chúng ta lại quá khó chịu và kháng cự khi thật sự đối diện với nó trong đời?

Ví dụ thứ hai là trong Phúc âm theo thánh Gioan, khi Chúa Giêsu cố rửa chân cho các môn đệ.  Theo thánh Gioan kể lại, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn, thắt tà áo, lấy chậu và khăn, rồi bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.  Nhưng đáp lại là một sự khó chịu và kháng cự, thánh Phêrô nói rõ ràng rằng: “Không bao giờ!  Thầy không bao giờ rửa chân cho con!”

Tại sao lại thế?  Tại sao lại kháng cự?  Tại sao lại kháng cự khi đối diện với điều mà chắc chắn là Phêrô khao khát vô cùng, đối diện với sự mật thiết với Chúa Giêsu.

Trả lời cho câu hỏi về những đấu tranh với sự mật thiết trong hai bối cảnh này, cho chúng ta thấy ra lý do vì sao thỉnh thoảng chúng ta trở nên khó chịu và kháng cự khi thực sự đối diện với điều chúng ta khắc khoải mong mỏi.  Bàn chân của chúng ta là sự mật thiết quá mức, chúng là một phần thân thể dễ dơ bẩn và bốc mùi, không phải là phần chúng ta thấy thoải mái để người khác chạm đến.  Khi có ai đó chạm đến và rửa cho, chúng ta có cảm thấy một sự mỏng manh, khó khịu và hổ thẹn mơ hồ.  Mật thiết cần sự thả lỏng thanh thản, mà đôi khi tính mỏng manh của chúng ta không thể chấp nhận.

Nhưng sự kháng cự của Phêrô cũng nói lên một điều khác, dễ thấy hơn.  Nếu lành mạnh và nhạy cảm, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy một sự khó chịu và kháng cự trước một món quà quá thẳng thắn, một sự mật thiết quá thẳng thắn, và cả lòng biết ơn quá thẳng thắn nữa.  Và trong khi rõ ràng chúng ta phải cố gắng để vượt qua chuyện đó, nhưng đó không phải là một lỗi phạm, một sai sót tinh thần hay thể lý của chúng ta.  Ngược lại, nó là một biểu hiện bình thường, là dấu hiệu của sự nhạy cảm tinh thần và thể lý.

Tại sao tôi lại nói thế?

Tại sao khi có điều gì đó dường như ngăn chúng ta tiến tới điều căn bản của cuôc đời, lại không phải là chuyện gì sai trái trong chúng ta?  Tôi cho rằng nó không phải là một sai lỗi nhưng là một cơ chế lành mạnh trong chúng ta, bởi những người ái kỷ và vô cảm, thường miễn nhiễm với sự khó chịu và kháng cự này.  Sự ái kỷ khiến họ không còn biết xấu hổ, và sự vô tâm khiến họ dễ dàng thoải mái với sự mật thiết, cũng kiểu như một người đã quá chán tình dục nên chẳng thấy khó chịu gì khi xem phim khiêu dâm, hay như một người xem mật thiết như là chuyện mình dĩ nhiên phải có, dù là do ngẫu nhiên hay chiếm đoạt.  Trong trường hợp này, họ chẳng thấy hổ thẹn hay khó chịu gì, bởi họ không có sự mật thiết đích thực.

Ngược lại, những người nhạy cảm thì đấu tranh với sự thẳng thừng của mật thiết, bởi họ biết, sự mật thiết đích thực, cũng như thiên đàng, không phải là chuyện chóng qua hay thứ dễ đạt được.  Mà mật thiết là cuộc đấu tranh cả đời, một cuộc trao đi và nhận lãnh với nhiều biến cố, một cuộc trốn và tìm, mở ra và kháng cự, ngây ngất và cảm thấy mình không xứng đáng, chấp nhận và lại cố gắng không thực sự từ bỏ, một sự vị tha vẫn còn dư vị ích kỷ, một sự ấm áp đôi khi trở nên lạnh lẽo, một sự dấn thân vẫn có điều kiện, và một hy vọng nỗ lực để đứng vững.

Mật thiết không như thiên đàng.  Mà là sự cứu rỗi.  Là Nước Trời.  Do đó cũng như Nước Trời, con đường đến và cánh cửa vào thì nhỏ hẹp và không dễ tìm thấy.  Nên chúng ta hãy ân cần, nhẫn nại và tha thứ cho người khác và cho bản thân mình, khi trên đường đấu tranh tìm sự mật thiết.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ

Chúng ta vừa nghe một câu chuyện mà chúng ta đã thuộc lòng từ khi còn nhỏ.  Câu chuyện hôm nay đã trở thành một gợi hứng cho rất nhiều bài suy niệm với rất nhiều khía cạnh khác nhau.  Riêng tôi, tôi chỉ xin chia sẻ với anh chị em một vài cảm nghĩ rất riêng tư của mình.  Tôi muốn nói tới những đức tính của Tôma làm tôi nể phục.

1. Trước hết là sự minh bạch và rõ ràng trong lập trường của ông.

Tôma không phải là người trung lập.  Ông có một lập trường rất rõ rệt.  Ông sống quyết liệt, không sống nửa vời.  Ông nhất định không chịu nói là mình tin khi ông không tin.  Ông không hề đè nén sự nghi ngờ của mình xuống bằng cách làm như mình không hề nghi ngờ.  Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng.

Đó là thái độ mà tôi tưởng Chúa cũng thích.  Chính vì thế mà không những Chúa không khiển trách Tôma mà còn xem như bằng lòng với ông khi hiện ra với ông trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa không thích thái độ dở dở ương ương, thái độ nửa vời vì nó là một thái độ rất khó chịu và rất nguy hiểm.

Để cho người ta thấy thái độ nửa vời nguy hiểm như thế nào thì người Tây phương đã viết nên câu chuyện này.  Hồi đó, dưới hỏa ngục, các tướng quỷ tranh luận với nhau về đề tài: “Đâu là phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa?”  Trên khán đài nồng nặc mùi diêm sinh và bên dưới là các tướng lãnh tranh luận sôi nổi với nhau.

Tên thứ nhất đứng lên tuyên bố:

Đối với tôi, lòng ham mê ăn uống là thù địch số một của Chúa.  Thử hỏi vì lý do gì mà Ađam và Evà sa ngã phạm tội ở vườn địa đàng?  Thưa cũng chỉ vì thèm ăn một trái táo.  Rồi đến Esau mất quyền trưởng nam cũng chỉ vì một bát cháo đậu xanh.

Một tràng pháo tay vang dội.

Kế đó tên quỷ thứ hai cứng rắn phản đối tên thứ nhất.  Hắn cho rằng lòng tham của cải mới chính là thù địch số một của Chúa.  Giuđa là một thí dụ.

Tên quỷ thứ ba tiến lên.  Theo hắn thì lòng kiêu ngạo chính là chủ của mọi tính hư nết xấu.  Sự sa ngã của các thiên thần là thí dụ.

Tên quỷ thứ tư bước lên khán đài ngang nhiên tuyên bố:

Không, thù địch số một của Chúa chính là lòng ham mê nhục dục và mọi thú vui giác quan.

Nghe những lời đó quỷ vương phân vân không biết phải trao chiến thắng về cho ai, bởi vì ai cũng có lý cả.  Sau cùng, từ chỗ quan khách đang ngồi chăm chú theo dõi, tên quỷ thứ năm dõng dạc chậm rãi tiến ra.  Với giọng vừa mỉa mai vừa cứng rắn, hắn lên tiếng đả kích tất cả các lý luận trên và phủ nhận mọi bằng chứng đã được đưa ra.  Sau đó hắn nói dằn từng tiếng:

Kẻ thù số một của Chúa không hẳn là lòng ham mê, tham lam cũng không phải là tính kiêu ngạo, tất cả những thói xấu đó đứng riêng rẽ một mình chẳng khác nào con dao cùn, nhưng nếu tổng hợp tất cả những thói xấu đó lại thành một hợp chất khác tuy không tên tuổi, không ai để ý tới, nhưng chúng sẽ là một khí cụ lợi hại và hiệu nghiệm nhất.  Đó là lòng lạnh nhạt, không nóng cũng không lạnh.  Những kẻ lạnh nhạt không hẳn là những người thù địch chống lại Chúa một cách trắng trợn, nhưng chúng cũng không phải là những người thân thiện gì với Chúa, đó mới chính là kẻ thù tai hại hơn cả.

Đây chúng ta hãy nghe lại những lời mạnh mẽ Chúa nói trong sách Khải Huyền với dân Laodiciae: “Ta biết các việc ngươi làm.  Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh.  Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng ta (Kh 3, 15-16)

Ngày hôm nay chẳng thiếu những người giữ đạo cho có, chỉ hình thức, lạnh chẳng ra lạnh, nóng cũng chẳng ra nóng.  Những người như thế đang là mối nguy cho Chúa hôm nay.

2. Đức tính thứ hai mà tôi cảm phục nơi con người của Tôma là khi đã biết chắc chắn, ông sẽ đi cho đến cùng.

Đây là đức tính của những anh hùng.  Người anh hùng khi đã biết chắc chắn, họ sẽ đi cho đến cùng.  Khi Tôma nói: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi” (Ga 20, 28) thì ông đã biết ông phải sống như thế nào rồi.  Tôma không đứng ở vị trí lưng chừng.  Ông không làm bộ hoài nghi chỉ nhằm chơi trò ú tim tinh thần.  Sở dĩ ông nghi ngờ là vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn tuân phục.

Theo một cuốn sách ngoại kinh có nhan đề “Các công việc của Tôma” người ta thấy Tôma được mô tả là một con người rất trung thực.  Sau đây là một trích đoạn có liên quan đến Tôma.

“Sau khi Chúa sống lại, các môn đệ được phân bổ khu vực để đi rao truyền Tin Mừng cho mọi người.  Mỗi người phải đến một nơi nào đó để mọi người trên khắp thế gian đều được nghe Tin Mừng.  Tôma bắt thăm nhằm xứ Ấn Độ.  Thoạt đầu Tôma không chịu.  Ông nói:

– Tôi là một người Do thái, làm sao lại có thể đến sống giữa những người Ấn độ mà truyền giảng chân lý cho họ được?

Tối đến, Chúa Giêsu hiện ra với ông và bảo

– Này Tôma, đừng sợ, hãy đến Ấn độ và giảng ở đó, vì ân sủng của Ta ở cùng con.

Lúc đó có một thương gia tên Abbanes từ Ấn đến Giêrusalem.  Ông này được vua Gundaphorus sai đi để tìm cho nhà vua một người thợ mộc giỏi để đem về Ấn Độ.  Tôma vốn là một thợ mộc.  Chúa Giêsu đến cùng Abbanes ngoài chợ và hỏi:

– Ông có muốn mua một thợ mộc không?

Abbanes đáp:

– Muốn.

Chúa Giêsu nói:

– Tôi có một tên nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán!

Rồi Chúa chỉ Tôma đang đứng đàng xa.  Hai bên ngã giá và Tôma bị bán.  Tờ biên nhận viết như sau: “Tôi tên là Giêsu, con trai Giuse thợ mộc, nhìn nhận có bán tên nô lệ của tôi là Tôma cho ông Abbanes, thương gia của Gundaphorus, vua dân Ấn.”  Sau khi viết xong giấy bán, Chúa Giêsu đi tìm Tôma, đưa ông đến với Abbanes.  Abbanes hỏi:

– Có phải người đó là chủ của anh không?

Tôma đáp:

– Phải.

Abbanes nói:

– Tôi đã mua anh từ ông ta.

Tôma yên lặng.  Sáng hôm sau, Tôma dậy thật sớm để cầu nguyện, sau đó ông đến thưa với Chúa Giêsu:

– Lạy Chúa, con xin nhận bất cứ nơi nào Chúa muốn, nguyện ý Ngài được nên trọn.

Và sau đó ông lên đường.

Vâng!  Đó chính là Tôma một người chậm tin, chậm thuần phục, nhưng khi đã thuận phục thì thuận phục hoàn toàn.

Câu chuyện còn tiếp tục kể rằng vua Gundaphorus ra lệnh cho Tôma xây một cung điện.  Tôma bằng lòng.  Nhà vua cấp tiền đầy đủ cho ông mua vật liệu và thuê nhân công, nhưng ông đem phân phát hết cho người nghèo.  Ông luôn luôn tâu với vua rằng ngôi nhà đang được xây cất.  Sau một thời gian nhà vua sinh nghi bèn cho gọi Tôma đến hỏi:

– Ngươi xây cung điện cho ta xong chưa?

Ông đáp:

– Bây giờ hoàng thượng chưa thể đến xem được, nhưng sau khi lìa bỏ đời này thì hoàng thượng sẽ thấy.

Thoạt đầu nhà vua nổi cơn thịnh nộ và người ta tưởng là tánh mạng của Tôma lâm nguy, nhưng cuối cùng như một phép lạ, nhà vua tin Chúa.  Và như thế, Tôma đã đem Kitô giáo đến Ấn độ.

Kính thưa anh chị em

Con người của Tôma là thế.  Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ.  Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay.  Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả.  Nhưng một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng.  Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi.  Ông là người muốn biết rõ và sau khi đã biết, ông đã sống chết với gì gì ông biết.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý