HENRI NOUWEN, MỘT VỊ THÁNH CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Thời nay, làm thánh không thôi thì không đủ, chúng ta phải có sự thánh thiện mà thời điểm hiện tại đòi hỏi.

Triết gia Simone Weil đã viết câu đó, và bà đúng.  Chúng ta cần những vị thánh mà thời điểm hiện tại đòi hỏi và tôi muốn đề xuất một người mà tôi tin rằng phù hợp với mô tả này, đó là linh mục Henri Nouwen, ngòi bút thiêng liêng nổi tiếng đã qua đời năm 1996.  Sự thánh thiện của ngài là gì và tại sao nó đặc biệt thích ứng vời thời hiện tại?

Henri Nouwen được cho là ngòi bút thiêng liêng có sức ảnh hưởng nhất thế hệ chúng ta.  Tuy nhiên, linh đạo của ngài không phát xuất từ lòng sốt mến dễ dàng hay đức tin chưa qua thử thách.  Như tác giả Michael Higgins viết trong quyển tiểu sử Nouwen, ngài là “một thiên tài sinh ra từ thống khổ.”  Nouwen là vị thánh bị lo âu dày vò, một vị thánh lý tưởng cho một thời đại chìm trong lo âu.

Ngài là con người lo âu, đau đớn, phức tạp với một cá tính quá đỗi nhạy cảm.  Ngài có xu hướng ám ảnh trong các mối quan hệ thân thiết, có khi thể hiện những nhu cầu ấu trĩ như trẻ con và dù đã có được biết bao tình yêu thương, được đón nhận và thành công, nhưng ngài luôn mãi bị ám ảnh với ý thức, mình không được yêu thương thật sự và không có nơi nào là mái ấm cho mình.  Ngài còn nuôi dưỡng một vết thương trong lòng mà ngài không bao giờ giải thích cho người khác cũng như không hòa giải với chính mình.  Với biết bao chuyện như thế, ngài lại còn có tính khí của một nghệ sĩ, vừa là một ơn vừa là gánh nặng, và như nhiều nghệ sĩ khác, ngài phải đấu tranh để giữ sự bình thường, thiết thực và cân bằng khi sáng tạo, tận hưởng sự tỉnh táo thực tế và không vượt ra khỏi lời khấn khiết tịnh.  Vì thế, ngài có thể lên sân khấu, tỏa một sức sống mãnh liệt, rồi bước xuống sân khấu và vài phút sau đã bật khóc và xin người khác an ủi mình.  Về tính dục, dù đã có lời khấn độc thân khiết tịnh và vẫn giữ trọn lời khấn, nhưng có những lúc ngài yêu đến ám ảnh một ai đó, đến nỗi ngài chỉ có thể giữ trọn lời khấn và sự tỉnh táo bằng cách tìm đến bác sĩ chuyên khoa.

Đây không phải là những điều mà bạn thường đọc thấy nơi cuộc đời các thánh, ít ra là những thánh đã được chính thức phong thánh và được xem là gương mẫu của thánh thiện, nhưng thật ra, nó chính là chất liệu của sự thánh thiện.  Triết gia Soren Kierkegaard, người mà linh mục Nouwen ái mộ, đã định nghĩa một vị thánh như sau: thánh là người chỉ muốn một điều.  Đó là một việc không dễ dàng gì.  Không phải vì chúng ta khó mong muốn điều đúng đắn, nhưng vì chúng ta còn muốn nhiều điều khác nữa.  Thánh Tôma Aquinô đã xác nhận, mọi lựa chọn là một sự từ bỏ.  Nói thế là nói ngắn gọn.  Mọi lựa chọn là một loạt những từ bỏ, và chính vì thế mà lựa chọn và thánh thiện đều là việc khó khăn.

Trong nhật ký của mình, linh mục Nouwen mô tả sự đấu tranh của mình như thế này.  Tôi muốn làm một vị thánh vĩ đại, nhưng tôi còn muốn trải nghiệm mọi cảm giác mà những người tội lỗi cảm nghiệm.  Tôi muốn rút lui vào thinh lặng của cầu nguyện, nhưng tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ điều gì trên đời.  Tôi muốn chôn mình trong vô danh sống giữa người nghèo, nhưng tôi cũng muốn viết sách, muốn người ta biết đến, muốn đi đây đó, gặp mọi người và làm những việc thú vị.  Đó là những điều mà ngài đã phải đấu tranh, cũng như chúng ta vậy, nhưng cuối cùng, ngài đã tìm được cách để chỉ muốn một điều.

Ngài làm bằng cách nào, làm sao bất chấp tất cả mọi chuyện này, ngài đã trở nên một vị thánh?  Ngài làm được nhờ sự chân thật khiêm hạ không bao giờ chối bỏ những đấu tranh vật lộn của mình.  Ngài làm được như thế nhờ ngài chấp nhận sự phức tạp của mình, bằng cách quỳ gối trong những lời cầu nguyện bất lực, khi sức của ngài không đủ, và bằng cách để người nghèo yêu mến mình.  Và ngài làm như thế bằng cách chia sẻ những vết thương của mình với mọi người, bằng cách tìm sự giúp đỡ của chuyên gia khi suy sụp, bằng cách học lấy từ mọi nỗi đau, ám ảnh và đau lòng, rằng, đến tận cùng, trái tim chúng ta mạnh hơn những vết thương và vì thế chúng ta có thể giữ được những cam kết và cuối cùng có được bình an trong phức tạp, cám dỗ và đấu tranh.

Chắc chắn các vị thánh thời xưa đã có những đấu tranh của riêng họ khi cố gắng chỉ muốn một điều, cố gắng dẫn truyền sinh lực bất kham của họ và phó mình trong tay Thiên Chúa.  Tuy nhiên, những câu chuyện chúng ta nghe về cuộc sống các ngài lại có khuynh hướng làm nổi bật những nhân đức hơn là đấu tranh.  Ví dụ Mẹ Têrêxa cũng là vị thánh của thời đại chúng ta, là vị thánh đã tạo nhiều cảm hứng tích cực.  Với nhiều người chúng ta, cuộc đời và nhân đức của Mẹ dường như quá xa vời với những đấu tranh rối ren và trần tục của chúng ta, đến nỗi chúng ta xem Mẹ như một vị thánh để ngưỡng mộ chứ không phải để noi gương.  Dĩ nhiên như thế là không đúng.  Mẹ cũng có những đấu tranh, và là đấu tranh cực lớn. N hưng khi kể lại chuyện đời của Mẹ, những đấu tranh đó lại không thường được nêu bật.

Câu chuyện của linh mục Henri Nouwen và các tác phẩm của ngài, lại nêu bật những đấu tranh, chứ không chỉ nhân đức và sự khôn ngoan của ngài.  Biết được sự trần tục trong những đấu tranh của ngài, có thể gây nên ấn tượng rằng nơi ngài có ít điều đáng ngưỡng mộ hơn Mẹ Têrêxa.  Có lẽ thế. Nhưng, nơi cha Nouwen, chúng ta thấy một người mà chúng ta dễ noi gương hơn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TÂM HỒN CAO THƯỢNG

Năm 1886, cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” của Edmondo De Amicis ra đời; nguyên tác là “Cuore,” nghĩa là “Trái Tim.”  Hơn 130 năm, tác phẩm đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả trên thế giới.  “Cuore” viết theo thể nhật ký thông qua lời kể của Enrico, một cậu bé 10 tuổi, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu đang hoà nhập cùng bạn bè thuộc giới lao động.  Đó là những câu chuyện nhỏ, diễn ra suốt năm học lớp 3, dưới góc nhìn của cậu bé.  Thế giới trẻ thơ ấy có những va đập, bất đồng liên tục.  Thế nhưng, thật bất ngờ, sau những va đập đó, là những mảnh vỡ nhặt được, lại lóng lánh bao giá trị sống; đó là lòng yêu nước, sự chân thành và hơn cả, lòng tốt của mỗi con người.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta mục kích những “tâm hồn cao thượng” không phải vào thời Enrico, nhưng những “tâm hồn cao thượng” thời Cựu Ước và cả thời Tân Ước.  Thế nhưng, Tin Mừng không chỉ dành cho trẻ em, mà còn cho cả người lớn; nên bên cạnh đó, Chúa Giêsu không ngại chỉ ra những tâm hồn rất ít cao thượng; đó là những luật sĩ mà Ngài phải nặng lời khi nói về họ.

Trước hết, những “tâm hồn cao thượng” thời Cựu Ước, đó là cha con ông Tôbia.  Họ đã bàn bạc với nhau, “Chúng ta phải tặng cái gì cho người thánh thiện đã đi với con?”  Rồi cả hai cha con gọi thiên thần đến, đưa người ra chỗ riêng và xin người vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về.”  Thật thú vị, bà Tôbia và cô dâu Sarah không được nghe!  Và nếu chúng ta tò mò muốn biết “những gì đã mang về” ấy, thì sách Tôbia cho biết, có đến 300 ký bạc, chưa nói số lãi trong 20 năm; đó là cả một gia tài.  Và ở đây, chúng ta không thể bỏ qua “tâm hồn cao thượng” của Gabael, người giữ số bạc cho Tôbia, ông sẵn sàng trao lại những gì đã giữ theo khế ước.  Chuyện như mơ đối với người thời nay!  Và này, một “tâm hồn cao thượng” khác đã kịp được tiết lộ trước khi sách Tôbia khép lại; đó là Raphael, Tổng lãnh thiên thần, bạn đồng hành của “Tôbia con.”  Bấy giờ, Raphael mới tỏ lộ danh tánh, tỏ lộ sứ vụ trợ giúp gia đình Tôbia; và rồi, không lấy một xu, vì thiên thần đâu cần tiền như chúng ta!  Ngài nói, “Vậy đã đến lúc tôi phải trở về cùng Đấng đã sai tôi; còn các người, hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Ngài!”  Tâm tình ngợi khen đó được nhắc đi nhắc lại trong câu đáp ca, “Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng muôn đời hằng sống!”

Với bài Tin Mừng, thật đặc biệt, đó là “tâm hồn cao thượng” của một bà goá thời Tân Ước.  Bên hòm dâng cúng, Chúa Giêsu đã nhìn thấy bà bỏ nhiều hơn ai hết; Ngài nói, “Bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống.”  “Để nuôi sống” chính là sự sống, là máu.  Chúa Giêsu nhìn thấy những gì không ai khác nhìn thấy, Ngài nhìn thấy bà, một người gần như bị mọi người phớt lờ; Ngài còn nhìn thấy đó là một hành động nhân đức ngời sáng; tính xác thực của món quà bà dâng gấp đôi.  Bà lặng lẽ đưa ra, mà không hề nghĩ đến việc giành được lời khen ngợi; món quà của bà chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.  Và những gì bà cho đi tuy thật nhỏ bé, nhưng thực chất là tất cả của bà.  Bác ái thuần tuý được thực hiện cho Thiên Chúa liên quan đến sự dâng hiến toàn bộ bản thân chúng ta; đó là một sự hiến dâng không dè giữ, sẵn sàng yêu thương, phục vụ; bất cứ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào.  Đó là bác ái đích thực của một “tâm hồn cao thượng!”

Ngoài những “tâm hồn cao thượng” đáng ngưỡng mộ trên, chúng ta còn chứng kiến những tâm hồn ít cao thượng mà Chúa Giêsu chỉ ra; đó là các luật sĩ giả hình đang “biểu diễn” trước mặt mọi người.  Áo xống họ thùng thình gây sự chú ý; những chức danh, tước vị đi liền sau tên họ, xem ra đang tặng cho họ những giá trị bản thân.  Vị trí lãnh đạo của họ đặt lên vai họ một trách nhiệm lớn lao; tuy nhiên, khác xa với những điều tốt đẹp họ có thể làm, họ đã sử dụng nó để lợi dụng người khác.  Họ không biết họ sống vì ai?  Họ dạy dỗ, cốt để gây ấn tượng; họ cho đi, cốt để tạo danh tiếng; họ cầu nguyện, cốt để biện minh cho tất cả những gì họ đã lấy trộm của người nghèo.  Họ không phải là những con người xấu xa; họ là những “quý ông tốt,” nhưng đã bị cuốn hút bởi việc tìm kiếm hư danh và yêu bản thân.  Điều này giải thích tất cả những gì họ đã làm; ngay cả khi họ tình cờ làm một điều gì đó, giá trị của nó cũng trống rỗng, vì cái họ tìm kiếm là tôn vinh chính mình.

Anh Chị em,
Có tâm hồn nào cao thượng bằng tâm hồn của Thiên Chúa; “tâm hồn cao thượng Giêsu” đã chết, đã sống lại và giờ đây đang âm thầm hiến mình trên các bàn thờ, trong các nhà chầu.  Ước gì lòng bác ái của chúng ta luôn được lặng lẽ kín đáo như Ngài; và sự hiến dâng của chúng ta cũng là một điều gì đó mà chỉ một mình Thiên Chúa biết.  Bởi lẽ, việc tìm kiếm chính mình sẽ giết chết giá trị của sự hiến dâng, ám sát những nỗ lực hình thành các nhân đức, và bóp nghẹt trái tim của một con người hầu kìm hãm, không cho nó có khả năng vươn tới một “tâm hồn thuộc cõi trên.”

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để của cải chiếm hữu con nhưng cho con biết cách sở hữu của cải; xin giết chết thói hư danh nơi con, hầu con có một “tâm hồn cao thượng.”  Xin làm im tiếng sự cho đi của con, để phần thưởng của con chỉ được tìm thấy nơi một mình Chúa”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

TRAO BAN ĐẾN TẬN CÙNG

Tình thương là động cơ chính thúc đẩy người ta ban tặng cho nhau.
Vì tình yêu thương có nhiều cấp độ hơn kém khác nhau nên việc trao ban cũng có nhiều mức độ nhiều ít khác nhau.

1. Trao ban những thứ dư thừa

Khi gặp một người ăn xin xa lạ trên đường phố chìa tay tìm sự giúp đỡ, khách bộ hành dừng lại, tần ngần mở ví, tìm đồng tiền nhỏ nhất trao cho người ấy.  Khi gặp người lỡ bước không chỗ tạm trú qua đêm, người chủ của căn nhà sang trọng chỉ nhường cho người đó một xó nhỏ ngoài hành lang nhà mình.  Khi có nạn nhân những vùng bị lũ quét cuốn trôi hết gia tài sản nghiệp, người dư ăn dư mặc chỉ chia sẻ cho họ những bộ áo quần cũ kỹ, mặc không vừa ý…  Vì tình thương đối với những người hoạn nạn ấy rất nhỏ nhoi nên người ta chỉ trao tặng họ những của dư thừa.

2. Trao ban những điều cần thiết

Khi tình yêu dành cho người khác lớn hơn, người ta sẽ ban tặng cho họ những thứ cần thiết hơn.  Hai người bạn tù thương mến nhau đang sống trong cảnh tù đày thiếu đói, người nầy sẵn sàng bẻ đôi miếng bánh đang ăn để chia sớt cho người kia cùng chịu cảnh tù tội đói khát với mình.

3. Trao ban cả bản thân

Cao cả hơn hết là trao ban chính bản thân mình.  Đó là khi người có đôi mắt tinh tường sẵn sàng hiến một con mắt của mình cho người bị nạn hỏng cả hai mắt; người có hai quả thận hoạt động tốt, hiến cho người bị hư thận hoàn toàn một quả; người có hai lá phổi lành lặn, hiến cho người bị ung thư hai buồng phổi một lá; người có hai cánh tay khoẻ mạnh tình nguyện hiến nguyên cả một cánh tay của mình cho người bị tai nạn nghề nghiệp đứt lìa hai chi trên.

Chỉ khi nào người ta yêu mến nạn nhân hết lòng hết sức, yêu nạn nhân còn hơn cả bản thân mình, người ta mới hiến tặng những chi thể trong thân mình cho họ.  Vì thế, những nghĩa cử cao đẹp đó rất hiếm hoi trên cõi đời ô trọc nầy.  Chỉ có Chúa Giêsu mới trao ban cả thân xác và mạng sống của Người cho chúng ta.

Người đời nghèo thiếu tình yêu nên cũng rất bủn xỉn trong việc trao ban.  Chúa Giêsu yêu thương chúng ta hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự nên Người trao ban cho chúng ta tất cả không tiếc nuối điều gì, thậm chí còn ban cả bản thân và mạng sống của Người cho chúng ta.

Khi nhân loại ngụp lặn trong đại dương chết chóc mong ước có một “Tấm Phao” thần diệu cứu họ khỏi đắm chìm trong biển chết hãi hùng, Chúa Giêsu từ trời gieo mình xuống và trở nên “Phao Cứu Sinh” cho họ.  Khi nhân loại khao khát thứ bánh thần thiêng mang lại sự sống đời đời, Chúa Giêsu hiến ban Thân Mình Người làm bánh trường sinh mang lại sự sống vĩnh cửu cho thế nhân.  Khi loài người cần máu của Con Thiên Chúa đổ ra tẩy rửa tội lỗi ngút ngàn của họ, Chúa Giêsu sẵn sàng trút máu mình ra không tiếc nuối.  Khi con người cần sinh mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa để đổi mạng cho mình, Chúa Giêsu vui lòng dâng hiến mạng sống mình chết thay cho muôn dân…

Chúa Giêsu luôn đáp ứng tất cả những nhu cầu sâu xa nhất, bức thiết nhất của chúng ta cho dù Người phải thiệt mất mạng sống.  Chúa Giêsu trao ban hết tất cả những gì Người có và ban chính bản thân Người vì yêu thương chúng ta.  “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Lạy Chúa Giêsu,
Không ai trên cõi đời nầy yêu thương chúng con bằng Chúa.
Dù chúng con có phản bội, có thờ ơ hờ hững với Chúa thì Chúa vẫn trọn đời yêu quý chúng con.
Vậy mà tiếc thay, nhiều người trong chúng con không nhận ra tình yêu cao vời ấy.
Xin đừng để chúng con trở nên người bội bạc vong ân vì không cảm nhận được tình yêu của Chúa và không biết đáp đền tình yêu trời bể Chúa dành cho chúng con.

Lm. Ignatiô Trần Ngà