TÌM PHỤC SINH Ở ĐÂU

Có những điều cần đến sự đóng đinh nhục hình.  Tất cả mọi sự tốt đẹp, đến tận cùng đều bị đem ra thí tội và bị đóng đinh.  Như thế nào?  Bởi quy luật này, một quy luật lạ lùng ngược đời bẩm tại trong đời sống con người luôn có một ai đó hay một sự gì đó không thể ở yên, nhưng vì những lý lẽ của bản thân nó, phải đi truy lùng và tấn công những sự thiện tốt lành.  Những gì tốt lành, những gì từ Thiên Chúa mà ra, luôn có lúc bị hiểu lầm, bị ganh tị, thù ghét, truy đuổi, buộc tội, và cuối cùng là treo lên thập giá.  Mọi phần thân thể Chúa Kitô chắc chắn chịu cùng số phận như Ngài: chịu chết vì bị hiểu lầm, vì sự ngu dốt và ghen tỵ.

Nhưng còn có một mặt khác: Cuối cùng Phục Sinh luôn chiến thắng nhục hình.  Những gì tốt lành chiến thắng.  Do đó, dù Thiên Chúa không trốn tránh nhục hình, nhưng thân xác Chúa Kitô không ở trong mồ quá lâu.  Thiên Chúa luôn lăn tảng đá mồ ra, và đủ sớm để cho sự sống mới trỗi dậy, qua đó chúng ta thấy được vì sao đời sống bình thường của mình phải chịu nhục hình.  (Không phải là Chúa Kitô phải chịu đau khổ và phải chết hay sao?)  Sau nhục hình, chắc chắn là Phục Sinh.  Tất cả mọi thân xác chịu nhục hình sẽ trỗi dậy.  Hy vọng của chúng ta phát xuất từ đó.

Nhưng là như thế nào?  Chúng ta thấy được sự phục sinh này ở đâu?  Làm sao chúng ta cảm nghiệm được phục sinh sau nhục hình?

Kinh thánh rất khéo léo, dù rất rõ ràng, về điều này.  Chúng ta nghĩ là có thể cảm nghiệm phục sinh ở đâu?  Tin mừng cho chúng ta biết, vào tảng sáng phục sinh, các phụ nữ theo Chúa Giêsu đã lên đường viếng mộ, mang theo dầu thơm để xức xác Ngài.  Một ý định tốt nhưng lầm, những gì họ thấy không phải là xác chết, nhưng là ngôi mộ trống, và thiên thần đứng đó hỏi họ: “Tại sao các bà lại tìm người sống giữa cõi chết?  Hãy lên đường đến Galilê và các bà sẽ thấy Ngài ở đó!”

Hãy đến Galilê.  Tại sao là Galilê?  Galilê nào đây?  Và làm sao để đến đó?

Trong tin mừng, Galilê không đơn thuần là một địa điểm địa lý, một vị trí trên bản đồ.  Mà trên hết, Galilê là một nơi trong lòng người.  Cũng thế, Galilê là giấc mơ và con đường môn đệ mà các môn đệ của Chúa Giêsu từng đi với Ngài, và cũng là nơi chốn thời điểm khi lòng họ bừng bừng hy vọng và nhiệt tình.  Giờ đây, sau khi Chúa chịu đóng đinh, khi họ thấy giấc mơ của mình đã chết, khi đức tin của họ chỉ còn là ảo tưởng, thì họ lại được bảo hãy đi về nơi tất cả mọi sự khởi đầu: “Hãy đi về Galilê.  Ngài sẽ gặp các bạn ở đó!”

Và họ về lại Galilê, cả về mặt địa lý và cả về một nơi đặc biệt trong lòng họ từng một thời cháy bỏng giấc mơ môn đệ Chúa.  Và như lời đã hứa, Chúa Giêsu hiện ra với họ.  Ngài không giống y hệt như Ngài trước đây, hay như những gì họ muốn, nhưng Ngài hiện ra, Ngài không chỉ là một bóng ma hay một ký ức.  Chúa Kitô hiện ra với họ sau phục sinh, theo một phương thức khác, nhưng Ngài đủ hữu hình thể lý để cùng ăn cá với họ, đủ thực để họ chạm đến, và đủ quyền năng để biến đổi cuộc đời họ mãi mãi.  Đến tận cùng, đây chính là những gì mà sự phục sinh muốn ở chúng ta: Hãy về lại Galilê, về lại với giấc mơ, với hy vọng và tình môn đệ từng một thời thổi bừng chúng ta, nhưng giờ đã mất đi vì chúng ta vỡ mộng.

Điều này cũng tương đồng với câu chuyện trên đường Êmau, khi hai môn đệ với gương mặt buồn bã u ám rời Giêrusalem.  Và từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra một linh đạo trọn vẹn: Theo thánh Luca, Giêrusalem là giấc mơ, là hy vọng và là trung tâm lòng đạo, nơi khởi đầu và cực điểm của mọi sự.  Và các môn đệ đang “rời bỏ” nơi này, từ bỏ giấc mơ của mình, hướng về Emmau (một khu nghỉ dưỡng của người La Mã thời đó), hướng về một nơi tiện nghi phàm tục, một Las Vegas hay Monte Carlo.  Do giấc mơ của họ đã bị đóng đinh nhục hình, nên cũng dễ hiểu khi các môn đệ nản lòng và rời xa giấc mơ đó, hướng đến một khuây khỏa phàm tục, trong sự tuyệt vọng: “Nhưng chúng ta đã từng hy vọng!”

Họ không bao giờ đến Emmau.  Chúa Giêsu hiện ra với họ trên đường, từ sự vỡ mộng Ngài dựng lại hy vọng trong họ, và đưa họ về lại Giêrusalem.

Đây là một trong những thông điệp căn bản nhất của Phục Sinh: Bất kỳ lúc nào chúng ta nản lòng trong đức tin, bất kỳ lúc nào hy vọng dường như bị đóng đinh giết chết, thì chúng ta cần về lại Galilê và Giêrusalem, nghĩa là về lại giấc mơ và con đường môn đệ mà chúng ta từng mang trong lòng trước khi mọi thứ tưởng như sụp đổ.  Bất kỳ lúc nào chúng ta thấy dường như nước trời không có thực, tất nhiên sẽ có cám dỗ từ bỏ cương vị môn đệ để chạy đến sự khuây khỏa phàm tục, hướng đến Emmau, để được giải khuây nhờ Las Vegas hay Monte Carlo.

Nhưng, chúng ta biết, mình không bao giờ đến Las Vegas hay Monte Carlo.  Bằng cách này hay cách khác, Chúa Kitô luôn gặp chúng ta khi chúng ta đang trên đường đến đó, Ngài đào sâu tâm hồn chúng ta, giải nghĩa những nhục hình cho chúng ta hiểu, và đưa chúng ta về lại cương vị môn đệ mà chúng ta đã từ bỏ.  Một khi đến đó, tất cả mọi sự lại có ý nghĩa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

AI SẼ LĂN TẢNG ĐÁ?

Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh nói đến tảng đá lấp cửa mộ đã bị bật tung và mở toang.  Sự kiện khởi đi buổi “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”, Maria Mađalêna đi thăm mộ và “thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ”, bà liền kết luận “người ta đã đem Chúa đi khỏi mồ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”  Phêrô thinh lặng.  Gioan “đã thấy và đã tin.”

Mađalêna đau khổ thất vọng nên chỉ thấy tảng đá là sự kết thúc.  Bà chưa hiểu phía sau tảng đá được lăn ra kia ẩn chứa một mầu nhiệm siêu phàm.

Tông đồ Phêrô, quan sát kỹ lưỡng từ tảng đá cho đến ngôi mộ trống và tất cả những gì đã xảy ra nơi đây, nhưng ngài không nói gì, không bày tỏ thái độ mà chỉ thinh lặng.  Vì sao vậy?  Lý do có thể Phêrô là lãnh đạo tinh thần của nhóm tông đồ nên sự im lặng là cần thiết?  Băn khoăn, không biết nghĩ thế nào hay phải ăn nói làm sao!  Tuy nhiên, căn cứ vào những gì Tin mừng trình bày, sự im lặng của Phêrô có nguyên nhân từ sự chưa hiểu thấu mầu nhiệm Phục sinh: “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (x. Ga 20,9).  Thật thế, cho đến mãi sau này, khi đã được gặp Đấng Phục Sinh và đón nhận Thánh Thần, Phêrô mới hiểu vì sao ngôi mộ trống và tâm hồn ông lúc ấy mới bừng sáng để hiểu điều mà Kinh thánh từng loan báo.  Phêrô là một người chân chất đơn sơ.  Điều gì chưa biết thì im lặng và chờ đợi chứ không nhiều lời, không suy diễn.

“Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này.  Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.  Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24,11).  Tảng đá nghi ngờ đang che mờ đôi mắt đức tin của họ.

Các thượng tế và kỳ mục thì lo âu sợ hãi trước hiện tượng mồ trống.  Vì thế, các ông mới cho lính canh số tiền hậu hĩ và bảo những người này phao tin là các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác: “các anh hãy nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,13).  Tảng đá ghen ghét đã bịt lối nhìn lối nghĩ của họ.

Cuối cùng chỉ có một người tin.  Đó là Tông đồ Gioan.  Nhưng Gioan tin không phải vì hiện tượng mồ trống mà vì những gì đã thấy.  Gioan thấy gì?  Ông thấy những băng vải và khăn che đầu không xếp lộn với nhau, nhưng để riêng ra một nơi.  Cảnh tượng này làm Gioan nhớ lại lời Kinh Thánh nói rằng Đức Kitô phải chịu đau khổ, phải chết rồi mới chỗi dậy mà vào chốn vinh quang (Lc 24,26).  Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại.  Ladarô ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng.  Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: “Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19).  Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy” (Mt 12,40).  Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9).  Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: “Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết.  Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Lc 18,31-33).  Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: “Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay…  Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê” (Mt 26,31-32)…  Những lời đó làm Gioan tin chứ không phải thấy Đấng Phục Sinh.  Gioan không thấy Đấng Phục Sinh nhưng ông tin Đấng mà ông yêu mến đã sống lại.  Ngay từ giây phút đầu tiên khi thấy những vết tích còn để lại trong mồ trống, Gioan đã tin cách tuyệt đối.  Tuy không thấy xác nhưng những vải liệm kia chính là những dấu chỉ có giá trị đối với ông.  Nói như J.P Duplantier, “ngôi mộ không trống cũng chẳng đầy, nhưng nó đã trở nên một ngôn ngữ.”  Nhờ việc chú ý đến thứ ngôn ngữ ấy, người môn đệ Chúa yêu đã khám phá và hiểu rằng Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết, điều mà lúc bấy giờ ngoài ông ra, các môn đệ khác còn chưa hiểu nổi.  Rõ ràng, thấy là nền tảng và bằng chứng cho lòng tin.  Nhưng thấy ở đây không phải là thấy những sự kiện bên ngoài mà là thấy ý nghĩa bên trong gắn liền với sự kiện.  Tông đồ Gioan thấy sự kiện những băng vải và khăn che đầu, nhưng vì nhớ lời Kinh Thánh mà tin.  Thấy rồi mới tin là chuyện bình thường.  Còn không thấy mà tin mới là phúc như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28).

Sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá lấp cửa mồ đã mở toang.  Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm đã mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an.  Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Đấng Phục Sinh!  Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp.  Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang.  Chúa Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh.

Có những hòn đá ta bước qua rất dễ.  Có những tảng đá phải tốn thời giờ công sức mới dịch chuyển nó sang một bên để có đường đi.  Nhưng cũng có những tảng đá to chắn bít lối đi, che khuất tầm nhìn nên không thể bước tiến.  Trong đời sống thường nhật, có biết bao tảng đá vô hình mà nặng nề, cần phải được tháo bỏ.  Giuđa bán Thầy với giá 30 đồng bạc, cả một tảng đá tham lam đè nặng tâm hồn.  Phêrô chối Thầy đến 3 lần, ấy là vì tảng đá sợ hãi che kín.  Các môn đệ bỏ trốn, vì tảng đá nhát đảm sợ liên luỵ đang vây bủa.  Mỗi người chúng ta có thể cũng đang bị một tảng đá vô hình nào đó đè nặng tâm hồn.  Tảng đá đam mê nết xấu.  Tảng đá ghen ghét, chia rẽ.  Tảng đá đam mê dục vọng…  Ai sẽ giúp chúng ta lăn những tảng đó ra?…  Xin thưa là chính Chúa Giêsu Phục Sinh.  Ngài sẽ giúp ta lăn tảng đá đó ra khỏi đời mình và làm cho tâm hồn ta được phục sinh để sống bình an.

Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ, các Thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62), và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66).  Tảng đá đó thể hiện sức mạnh quyền lực của sự dữ và sự thống trị của con người.  Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do thái có khả năng thách thức được quyền phép Thiên Chúa sao?  Đấng Phục Sinh đã bật tung tảng đá niêm phong, từ cõi chết, Người sống lại vinh quang, mở lối vào sự sống mới.

Chúa Giêsu sống lại, chân lý đã chiến thắng, tình yêu vượt trên hận thù và sự sống mạnh hơn sự chết.  Phục Sinh là niềm tin và hy vọng cho người Kitô hữu vào sự sống mai sau: “Nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).

Phục Sinh là niềm vui của những người được Chúa Kitô đẩy tảng đá ra khỏi cuộc đời họ, làm cho tâm hồn họ được bình an.  Như Giakêu, như Lêvi đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi tảng đá của tội lỗi nên họ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản và bước theo Chúa.  Và còn biết bao tấm gương khác đã được giải thoát khỏi những tảng đá vô hình, và từ đó hân hoan bước theo Chúa Giêsu.

Chúa đã Phục Sinh.  Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát đắng cay.  Tin mừng đã lau khô đôi mắt ngấn lệ khóc than tiếc thương của các môn đệ.  Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương.  Chúa đã chỗi dậy từ chính nơi đã được mai táng.  Ánh sáng tràn ngập.  Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu từ chính nơi hôm qua còn đầy đau thương tuyệt vọng.  Chúa Phục Sinh đã đẩy mọi tảng đá nặng nề ra khỏi tâm hồn các môn đệ.  Từ đây các môn sinh bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.

Chúa đã sống lại thật!  Allêluia!  Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ.  Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại.  Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự phục sinh.  Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vỡ, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao?  Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường…  Tảng đá vô hình đè nặng được lăn ra khỏi tâm hồn chính là phục sinh.  Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An