MỪNG SINH NHẬT MẸ MARIA

Tuy các tài liệu lịch sử về Đức Maria rất hiếm, nhưng bên cạnh đó lại có nhiều truyền thuyết chung quanh cuộc đời Đức Mẹ, cũng tương tự như đối với Chúa Giê-su.  Các sách Tin Mừng hầu hết đều chú trọng đến hoạt động công khai của Đức Ki-tô, đặc biệt là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người.  Cũng nhằm đáp ứng óc hiếu kỳ của độc giả nói chung – các tín hữu nói riêng – nhiều truyền kỳ đã được soạn với những chi tiết liên quan đến gia thế và thời thơ ấu cũng như hành trình Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Người.  Đó là nguồn gốc các sách được gọi là “ngụy Phúc Âm” soạn theo thể văn của Tin Mừng chính hiệu.  Các sách này xuất hiện từ thế kỷ thứ II trở đi.

Mỗi lần đi tìm gia thế của Đức Giê-su, thì lại bắt gặp những truyền kỳ về Đức Maria, nổi tiếng nhất là tác phẩm được đặt tên là “Proto-Evangeliun Jacobi – Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê” (1).  Tác phẩm này được soạn từ một người tự xưng là Gia-cô-bê, người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giê-su (tức là con riêng của Thánh Giu-se với người vợ trước).  Tác phẩm “Proto-Evangeliun Jacobi” cũng được gọi là “De Nativitate Mariæ” (việc sinh hạ Đức Maria).  Dựa theo tác phẩm này, người đọc được biết quý danh song thân Đức Maria là ông Gioakim và bà Anna.  Sách gồm 24 chương chia làm ba phần:

* Phần I (16 chương đầu) kể lai lịch, thời thơ ấu của Đức Maria.

* Phần II (5 chương từ 17 tới 21) thuật lại các phép lạ xung quanh việc sinh hạ Đức Giê-su.

* Phần III (3 chương cuối: 22-24) kể chuyện vua Hê-rô-đê tàn sát các thiếu nhi ở Bê-lem.

Trước hết, xin tìm hiểu ý nghĩa cụm từ “ngụy Phúc Âm” trong những bản dịch tiếng Việt của HĐGMVN.  Mới nghe tiếng “ngụy” thì giật mình, vì nó mang một ý nghĩa xấu (Ngụy thư: ngụy là sai trái, giả tạo; thư là sách báo, văn thư).  Từ điển Hán Nôm của Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa Ngụy thư là “Loại sách sai lầm, vô giá trị – Loại sách giả mạo, không phải thật do đời xưa truyền lại.”  Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu thì định nghĩa Ngụy thư (偽 書) là: 1- Sách mạo danh người xưa viết ra, không phải thật của tiền nhân truyền lại.  2- Ngụy tạo văn thư.  Nếu khách quan nhận xét thì có thể coi Ngụy Phúc Âm “Proto-Evangeliun Jacobi” theo nghĩa 1 của Từ điển Thiều Chửu (vì chính tác giả đã mạo danh Thánh Gia-cô-bê Tông đồ, người anh em cùng cha khác mẹ của Đức Giê-su).

Tuy nhiên, nếu tìm về nguyên bản La-tinh thì có thể hiểu rõ hơn: Danh từ “Apocrypha” (Việt Nam dịch là Ngụy thư) phát xuất từ tiếng Hy Lạp “apokryhos” nghĩa là “ẩn giấu” hay “bí mật.”  Danh từ này được dùng để chỉ các tác phẩm được viết “bên lề” và thường có liên hệ ít nhiều với các sách Thánh Kinh.  Theo nghĩa thứ hai, đây là các sách không có nguồn gốc rõ ràng, không chính thống, nội dung chứa đựng những điểm kỳ bí, mặc dù ban đầu “Apocrypha” là một danh từ mang nghĩa tốt, đáng tôn trọng.  Theo ý kiến của ông Rhodes Montague (người Pháp), các Ngụy Thư là loại sách “linh thánh và bí ẩn nên không thể truyền bá đến tay mọi người, vì thế phải được dùng riêng trong số các tín hữu đứng đầu, bộ phận vòng trong của các tín hữu.” (ý muốn nói sách này được dùng riêng cho các giáo phụ)

Wikipedia tiếng Việt giải thích khá chi tiết và rõ ràng: “Ngụy thư Gia-cô-bê” hay “Tin Mừng của Gia-cô-bê” còn được gọi là “Tin Mừng Thời thơ ấu của Gia-cô-bê” hoặc “Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê” (Protoevangelium Jacobi), là một Tin Mừng có lẽ được viết vào khoảng năm 145, trình bày một câu chuyện liên quan đến sự ra đời và sự dạy dỗ của Đức Mẹ Maria.  Nó là nguồn gốc lâu đời nhất để khẳng định sự đồng trinh của Đức Maria không chỉ có trước, nhưng cả trong và sau sự ra đời của Chúa Giê-su.  Các bản thảo cổ xưa còn lưu lại về cuốn sách có tiêu đề khác nhau, bao gồm “Sự ra đời của Đức Maria”, “Các câu chuyện về sự sinh ra Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa” và “Các khải huyền của Gio-an.”

Ngụy thư này xứng đáng được gọi là “Phúc Âm Đức Maria” vì là “văn phẩm Ki-tô giáo đầu tiên quan tâm đặc biệt về cuộc đời Đức Maria.”  Nhiều chi tiết của tác phẩm này còn là tiền đề được khai triển trong các nghệ phẩm và văn chương Thánh Mẫu qua nhiều thế kỷ như: “Đức Maria thuộc dòng dõi vua Đa-vít”, “Việc ra đời kỳ lạ của Mẹ Maria” và “biến cố Truyền Tin cho Đức Maria” xảy ra tại Giê-ru-sa-lem; kể cả cuốn sách “Các anh em của Chúa” (là con của Thánh Giu-se với người vợ trước).  Tác phẩm “Proto-Evangelium Jacobi” cũng đã mở đường cho việc thiết lập ba lễ: Đức Maria Đầu Thai, Sinh Nhật Đức Maria, và Lễ Đức Maria dâng mình vào đền thờ.

Căn cứ vào “Proto-Evangeliun Jacobi”, thì không thấy nói đến ngày sinh của Đức Maria.  Theo dự đoán của các Giáo phụ, có lẽ lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ bắt nguồn từ Giê-ru-sa-lem: Vào thế kỷ V, một nhà thờ được xây cất tại khu đất theo tục truyền là nơi bà Anna đã sinh con, mà người ta suy đoán ngôi thánh đường này được cung hiến vào ngày 8/9, nên lấy ngày đó là ngày sinh của Đức Mẹ.  Dưới khía cạnh thần học, có thể tìm được 2 khía cạnh chủ yếu:

1- Liên quan đến bản thân Đức Maria: Từ lễ sinh nhật Đức Mẹ, Giáo hội đã mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội – tức là lễ bà Anna thụ thai, chín tháng trước đó – vào ngày 8/12.

2- Liên quan đến lịch sử cứu độ: Lời nguyện Phụng vụ lễ Sinh nhật Đức Mẹ (“Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Đức Giê-su Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay, ngày sinh nhật của Thánh Mẫu Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho chúng con hưởng bình an.  Chúng con cầu xin,  nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.”) đã chúc tụng Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc nhân loại.  Kế hoạch này được tiền định từ trước vô cùng, nhưng được thực hiện tiệm tiến qua dòng lịch sử: Ngày sinh của Đức Mẹ kết thúc giai đoạn chuẩn bị cho biến cố Nhập Thể của Đức Ki-tô, bây giờ chỉ còn chờ đón ngày ra đời của Đấng Cứu Tinh.

Hội Thánh chỉ mừng kính 3 lễ “sinh nhật”: Ngày sinh của chính Đức Giê-su, của Đức Trinh nữ Maria và của Thánh Gio-an Tẩy Giả.  Ngoài ra, Giáo hội không mừng ngày sinh của các thánh, vì ngày sinh của con cháu A-đam là một ngày u buồn tràn đầy nước mắt do cái di sản tội lỗi mà con người mang theo khi vào đời (vì tội Nguyên tổ, con người chỉ chào đời bằng tiếng khóc chớ chưa thấy ai cười khi được sinh ra).

1- Sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả: Vì được thánh hóa từ trong lòng mẹ, nên việc chào đời của Thánh Gio-an Tiền Hô là một biến cố vui mừng đặc biệt.

2- Riêng với lễ sinh nhật của Đức Mẹ: Giáo hội hân hoan ca tụng vì nhờ có Mẹ làm cầu nối đem hồng ân cứu rỗi đến cho trần gian.

3- Người đem hồng ân đó chính là Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ: Ngày sinh của Người tràn đầy niềm vui trong tiếng hoan ca của các thiên thần (“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”).

Vì thế, ngay từ thế kỷ VI, cả Giáo hội Đông phương và Tây phương đều đã cử hành lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ.  Đến thế kỷ X, lễ mừng được phổ biến khắp nơi và trở thành một trong các lễ trọng mừng kính Đức Mẹ.  Vào thế kỷ XII, lễ này còn kéo dài thành tuần bát nhật, theo lời hứa của các Đức Hồng Y họp mật nghị bầu Giáo hoàng.  Các Nghị phụ hứa sẽ thiết lập tuần bát nhật để tạ ơn Đức Mẹ, nếu có thể vượt qua được các chia rẽ vì cuộc vận động của vua Frédéric và sự bất mãn của dân chúng.  Đức Giáo Hoàng Cê-les-ti-nô IV đắc cử chỉ trị vì được có 17 ngày (25/10/1241 – 10/11/1241) nên chưa thực hiện được lời hứa.  Mãi đến giữa thế kỷ XIII, Đức Giáo Hoàng In-nô-cen-tê IV (1243-1254) đã hoàn thành lời hứa này.

Mừng kính sinh nhật Mẹ, người Ki-tô hữu hãy tuyên tín rằng Đức Maria là Người Mẹ đích thực của chúng ta, còn hơn gấp bội phần người mẹ sinh ra phần xác của chúng ta nữa.  Mẹ chính là Mẹ của những người mẹ trên thế gian.  Đức Ki-tô Thiên Chúa đã ban Mẹ cho chúng ta qua đại diện là môn đệ yêu dấu Gio-an trong hy tế thập giá.  Vì là hiền mẫu, Mẹ Maria yêu thương chúng ta một cách trìu mến nhất: Mẹ bảo bọc và gìn giữ, lo liệu và giúp đỡ chúng ta trong mọi tình huống, cả tinh thần lẫn vật chất.  Hãy thử nghĩ xem Thiên Chúa muốn con cái Người phải yêu một người mẹ như vậy với một tình yêu thế nào?

Trong 10 điều răn Thiên Chúa đã truyền dạy, thì có 3 điều “mến Chúa” và 7 điều “yêu người”, và trong 7 giới răn “yêu người” thì điều răn đứng hàng đầu là “Hãy thảo kính cha mẹ.”  Điều đó cho thấy Thiên Chúa muốn chúng ta phải yêu mến, kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ như thế nào.  Với cha mẹ phần xác còn như vậy, huống hồ là đối với Người Mẹ trên hết các người mẹ ở thế gian này.  Vì thế, hãy xác tín rằng Thánh ý Thiên Chúa muốn chúng ta hãy phụng sự, tôn vinh, và yêu mến Mẹ Maria bằng tất cả tâm hồn, sức lực và trí khôn, đồng thời hãy học theo Mẹ sống đức tin bằng hai tiếng “xin vâng” đối với Thiên Chúa và bằng cả tấm lòng thương yêu với tất cả mọi người.  Càng yêu mến Mẹ, chúng ta càng làm đẹp lòng Thiên Chúa, đó là điều tất yếu.

Ôi!  Mẹ tuyệt mỹ, Mẹ tuyệt vời, Mẹ là kỳ công của sự cao sang, của sự vĩ đại, chúng con vui mừng xiết bao vì Thiên Chúa đã cất nhắc Mẹ lên phẩm tước cao trọng nhường ấy!  Mẹ thật xứng đáng được mọi thế hệ ca ngợi là người diễm phúc, mọi miệng lưỡi hoan ca chúc tụng, mọi thân thể phủ phục tung hô, và mọi dân nước mến yêu, kính trọng.  Từ ngai tòa Nữ Vương cao sang Mẹ đang ngự trị, xin Mẹ ghé mắt nhân từ đoái thương cứu giúp đàn con nơi cõi trần chất ngất đau thương.  Cúi xin Mẹ hãy bảo bọc, chở che, cứu giúp, đỡ nâng, và cầu bầu cùng Trưởng Tử Giê-su Ki-tô cho chúng con được hưởng nhờ những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, để chúng con đời sau cũng được vui hưởng ánh sáng huy hoàng của vinh quang Mẹ cho đến muôn muôn đời.

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh tìm được sức mạnh trong thánh lễ chúng con đang cử hành.  Xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Chính Người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”  (Lời nguyện nhập lễ lễ “Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria”).  Xin tất cả hãy cùng “xin vâng” như Mẹ:

XIN VÂNG

Ôi! Hôm nay là ngày sinh của Mẹ,
Thần học tìm được hai sự liên quan:
Là hai khía cạnh mang tính liên hoàn,
“Bản thân Mẹ” và “Hồng ân Cứu Độ”.
Mẹ hoàn toàn không nhiễm tội Nguyên tổ,
Hồng ân đổ tràn cung lòng Anna.
Một thai nhi tên là Maria.
Thánh danh bao hàm lịch trình cứu thế.
Lời nguyện Phụng vụ lễ sinh nhật Mẹ,
Chúc tụng Thiên Chúa cứu chuộc muôn dân,
Đức Giê-su xuống thế làm người trần,
Chịu đòn, chịu chết trong tay quân dữ.
Ôi!  Lạy Mẹ!  Khi nghe lời Thiên sứ,
Mẹ “xin vâng như lời sứ thần truyền”,
Đã tượng thai trong lòng Mẹ trinh nguyên,
Chính bào thai là Ngôi Lời Nhập Thể.
Toàn nhân loại Nhờ Mẹ và Với Mẹ,
“Đem Vầng Đông rực rỡ xuống gian trần” (2),
Con Chúa Trời giáng thế cứu phàm nhân,
Chính là Mẹ sẽ đạp đầu rắn dữ (St 3, 14-15).
Chính là Mẹ hạ sinh một Trưởng Tử (Rm 8, 29),
Là Con Một Thiên Chúa xuống cõi trần,
Đấng Thiên Sai – Đấng Cứu Độ muôn dân,
Khỏi tội lỗi từ muôn đời muôn thủa.
Chính là Mẹ hiệp công cùng Thiên Chúa,
Trong chương trình giải thoát cả loài người,
Để giờ đây hưởng hạnh phúc tuyệt vời,
Cả Hồn Xác được vinh thăng Thiên Quốc.
Chính là Mẹ được muôn vàn ơn phước,
Từ nguyên sơ không mắc tội tông truyền,
Hạ sinh Con Trời, Mẹ vẫn trinh nguyên,
Để hiệp cùng Con đồng công cứu chuộc.
Ôi!  Lạy Mẹ!  Dưới cõi trần nhơ nhuốc,
Ngước nhìn lên ngai toà Mẹ Từ Nhân,
Con khấn xin khi rũ sạch bụi trần,
Được cùng Mẹ hưởng Thánh nhan Thiên Chúa.

JM. Lam Thy ĐVD

—————————————

Chú thích:

1) Các sách Thánh Kinh nói về Đức Maria rất sơ lược, trong khi đó cuốn “Proto-Evangeliun Jacobi” (Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê) cũng được gọi là “De Nativitate Mariæ” (việc sinh hạ Đức Maria) lại nói khá chi tiết về tiểu sử Đức Mẹ.  Vì thế các giáo phụ đã sử dụng sách này mỗi khi nói đến Đức Maria, thậm chí còn dùng tác phẩm này mở đường cho việc thiết lập ba lễ: “Đức Maria Đầu Thai”, “Sinh Nhật Đức Maria” và Lễ “Đức Maria dâng mình vào đền thờ.”  Duy chỉ có điều tác giả sách này không công khai xuất hiện, mà núp dưới danh hiệu “Gia-cô-bê” – người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giê-su (tức là con riêng của Thánh Giu-se với người vợ trước) – nên sách này bị coi là “ngụy thư”.

Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia thì nhân vật tên Gia-cô-bê trong Thánh Kinh có tới 4 người: Gia-cô-bê hay Gia-cơ (tiếng Anh: James, tiếng Pháp: Jacques, tiếng Tây Ban Nha: San Tiago) có thể đề cập tới:

a- Gia-cô-bê Công chính, anh em của Đức Giê-su, được cho là tác giả “Thư của Gia-cô-bê” thuộc Tân Ước, giám mục tiên khởi Giê-ru-sa-lem.

b- Gia-cô-bê, con của Dê-bê-đê, Tông đồ, cũng gọi là Gia-cô-bê Tiền, anh trai của Tông đồ Thánh sử Gio-an.

c- Gia-cô-bê, con của An-phê, Tông đồ, đôi khi được xác định là Gia-cô-bê Công chính.

d- Gia-cô-bê Hậu, con của bà Maria Clô-pát và ông An-phê; thường được xác định là Gia-cô-bê con của An-phê (trong trường hợp này, An-phê có tên khác là Clô-pát, hoặc ít nhất là chồng của Maria Clô-pát), hoặc được xác định là Gia-cô-bê Công chính.

(2) “Đem Vầng Đông rực rỡ xuống gian trần: Hymne Ave Regina Cælorum” (Đây là lời Giáo hội hát mừng Đức Maria, sau khi Mẹ “xin vâng như lời sứ thần truyền” hoàn tất mầu nhiệm Nhập Thể).

THÁNH TERESA CALCUTTA, NGƯỜI MẸ LÒNG THƯƠNG XÓT

Vị nữ tu Teresa thành Calcutta qua đời ngày 05.09.1997 đã được Hội Thánh tôn phong lên hàng Chân Phước ngày 19.10.2003, và ngày Chúa Nhật 04.09.2016 được tôn kính trên bàn thờ trong Hội Thánh Công Giáo là đấng Hiển Thánh.

Cuộc đời 87 năm trên trần gian của mẹ Thánh Teresa gắn bó với số phận của những người nghèo vừa về miếng ăn lương thực, quần áo, thuốc men chữa bệnh, nhà cửa, và vừa về gía trị nhân phẩm con người cùng đau khổ tinh thần của họ nữa.

1. Gia đình, nôi nuôi dưỡng lòng thương xót

Mẹ Thánh Teresa mở mắt chào đời bên nước Albania, vùng phía Đông Âu châu, nằm trong liên bang Nam Tư Cộng sản cũ thời Thống Chế Tito.  Albania là một nước nhỏ đại đa số dân cư theo Hồi giáo, đạo Công Giáo chỉ là một thiểu số trong xã hội này.  Gia đình Mẹ Teresa là một gia đình khá giả nếp sống bậc trung lưu có cuộc sống hạnh phúc, theo đức tin Công Giáo truyền thống đạo đức.

Buổi sáng nào người mẹ gia đình Drana của Teresa cũng đều đưa ba người con của bà đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện dâng Thánh lễ.  Buổi chiều tối gia đình tụ tập lại lần chuỗi mân côi, dù bận rộn hay có khách.  Vì với gia đình đó là điều quan trọng hơn cả.

Ngay từ khi con còn nhỏ, người mẹ gia đình Drana đã dậy các con mình sống bác ái lòng thương xót theo phương hướng Phúc âm của Chúa: “Những gì các con làm cho một người bé nhỏ hèn mọn nhất trong các con, chính là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

Rồi hằng tuần, người mẹ Drana của Teresa có thói quen thăm hỏi những người bệnh nạn trong khu phố, và mang cho những người nghèo quần áo cũng như thực phẩm cần thiết.  Bà muốn con mình ngay từ nhỏ đã biết cùng đồng hành với những người như thế.  Bà thường nói với các con mình: “Các con có phúc lắm, có nhà ở đẹp, có đầy đủ lương thực và quần áo.  Các con không thiếu gì.  Nhưng các con không được quên có nhiều người phải sống trong hoàn cảnh thiếu ăn, có những trẻ em không có quần áo, khi đau bệnh, chúng không có thuốc trị bệnh cần thiết để chữa bệnh.”

Đời sống gương sáng của người mẹ Drana đã ghi khắc dấu vết sâu đậm trong tâm khảm đời sống của Teresa ngay từ nhỏ.  Có lần Teresa lúc nhìn lại thời nhỏ còn ở nhà với mẹ mình đã tâm sự: “Tôi không biết phải nói gì hơn nữa, gương sống của mẹ tôi, hay nếp sống đạo đức chăm chỉ đi nhà thờ cầu nguyện của mẹ tôi đóng vai trò ảnh hưởng rất quan trọng cho ơn kêu gọi của tôi trưởng thành chín mùi.”  Chính trong bầu khí chan chứa lòng thương xót đó của gia đình với những người chung quanh Teresa đã lớn lên và trở thành vị Thánh, người mẹ lòng thương xót sau này giữa lòng xã hội con người.

2. Con đường lòng thương xót

Lúc Teresa lên 12 tuổi đã cảm nghiệm thấy mình có ơn kêu gọi vào sống tu trì trong nhà Dòng, và còn hơn thế nữa cảm nghiệm ra ơn kêu gọi trở thành một nhà truyền giáo sang Ấn Độ, bên Á Châu.

Năm 18 tuổi Teresa đã nói với mẹ mình và cha sở ý muốn đi truyền giáo sang Bengale bên Ấn Độ để cùng làm việc với các Cha Dòng Tên Chúa Giêsu đang sinh sống nơi đó.  Nhưng để thực hiện được ý muốn đó, Teresa phải nhập Dòng Đức mẹ Loreto ở bên Dublin nước Ái nhĩ Lan.  Các nữ tu dòng Đức mẹ Loreto thời đó cũng đang hoạt động truyền giáo bên Bengale.

Teresa nghe theo tiếng gọi con đường đó và trở thành nữ tu của Dòng Loreto, rồi năm 1928 được sai sang Ấn Độ đến vùng Himalaja sống thời gian nhà tập tu luyện, sau đó đến Calcutta học thêm và trở thành cô giáo môn lịch sử, địa lý trường trung học St. Mary’s High School của nhà Dòng.

Nữ tu Teresa làm công việc trí thức dạy học ở trường học nội trú với nhiệt tâm đầy đủ trách nhiệm, nhưng tâm hồn luôn nghĩ đến việc truyền giáo cho những người nghèo nhất nơi những người nghèo bên Ấn độ, mà vị nữ tu ngày đêm ấp ủ hoài bão lúc nào cũng mơ tưởng mong muốn được sống được làm.  Vị Nữ tu Teresa tâm sự: “Tôi là cô giáo, đây là một nếp sống mới với tôi.  Ngôi nhà trường nội trú này rất đẹp cùng thuận lợi cho các học sinh.  Tôi yêu thích việc dậy học.  Tôi chịu trách nhiệm trông coi cả nhà trường, các nữ học sinh yêu mến tôi…”

Nhưng trong khu nhà trường nội trú đó, vị nữ tu Teresa không gặp được một ai là người nghèo đói bị bệnh hoạn, bị bỏ rơi ngoài đường phố.

Ngày 10 tháng Chín 1946 nữ tu Teresa đáp xe lửa đi Darjeeling vùng phía Tây Bengale, nơi xưa kia Teresa đã sống thời gian nhà tập, đi tĩnh tâm.  Khi xe lửa đến nhà ga thành phố Calcutta, vị nữ tu cô giáo trường nội trú nhìn thấy tận mắt cảnh từng đám đông người nghèo, người đau khổ thiếu thốn nghèo khổ, bệnh tật đui què sống chen chúc vất vưởng ngoài đường, những bà mẹ trẻ bồng bế cõng con không quần áo trên lưng, trên vai ăn xin ngoài phố xá… thật là một cảnh hãi hùng thương tâm với vị nữ tu trẻ tuổi Teresa.  Tâm hồn vị nữ tu Teresa bồi hồi dao động vì cảnh tượng quá thương tâm như thế.

Tâm hồn con mắt vị nữ tu Teresa càng mở ra to lớn hơn, và nữ tu Teresa đã có quyết định quay ngược lại với ơn kêu gọi mà chị đã cảm nghiệm được từ lúc còn ở quê nhà bên Albania: muốn trở thành nhà truyền giáo sống cho người nghèo khổ cùng cực bên Ấn Độ!

Chính mẹ Thánh Teresa sau này đã tâm sự nói về quyết định quay ngược lại tận căn rễ của mình: “Trong đêm hôm đó mắt tôi đã mở ra nhìn thấy cảnh thương tâm cùng cực của con người nghèo khổ xấu số, và tôi cảm thấy tận sâu thẳm sự gì là căn bản ơn kêu gọi của tôi.  Đó là tiếng gọi mới của Chúa nói với tôi, một ơn kêu gọi trong lòng ơn kêu gọi.  Chúa kêu gọi tôi không được từ bỏ đời sống là nữ tu, nhưng hãy thay đổi nếp sống.  Có thế mới phù hợp nhiều hơn với tinh thần phúc âm, với tinh thần truyền giáo, mà Chúa ký thác ban gửi cho tôi…  Tôi cảm nghiệm ra rằng Chúa muốn tôi bỏ nếp sống thanh bình yên lặng tiện nghi nhà Dòng của tôi, mà đi ra ngoài đường sống phục vụ những người nghèo khổ.  Với tôi sứ mạng đã rõ ràng: Tôi phải đi ra khỏi nhà Dòng và sống với những người nghèo khổ cùng cực.  Chúa đã gọi tôi đến sống với những người không có sự gì ở thành phố Calcutta này….  Cuộc tĩnh tâm của tôi ở Darjeeling là những ngày suy nghĩ về sứ mạng ơn kêu gọi mới của tôi, mà tôi đã tiếp nhận trên đường tới đây.  Sau đó về lại Calcutta, tôi quyết định thay đổi nếp sống đời tu.”  Con đường dấn thân cho lòng thương xót với con người cùng khổ, cùng đinh trong xã hội Calcutta bên Ấn Độ bắt đầu từ quyết định thay đổi ra đi đến với họ của mẹ Thánh Teresa.

3. Nhà Dòng lòng thương xót: Dòng thừa sai bác ái

Con đường thay đổi nếp sống của nữ tu Teresa để ra đi sống với và cho người nghèo cùng khổ không đơn giản dễ dàng.  Vì phải vượt qua những chặng thử thách có phép chấp thuận của nhà Dòng Loreto cho nữ tu Teresa ra đi, phép của Đức Giám Mục Calcutta, phép của Thánh bộ giáo sỹ tu sỹ bên Roma, và sau cùng phép phê chuẩn của Đức Thánh Cha cho mẹ Teresa lập Dòng mới như mẹ thỉnh nguyện xin.

Sau những năm tháng khảo sát điều tra, ngày 7.10.1950 Tòa Thánh đã phê chuẩn chấp thuận cho mẹ Teresa thành lập Dòng Thừa sai bác ái bên Calcutta Ấn Độ để giúp phục vụ người nghèo khổ cùng cực trong xã hội.

Thế là ơn kêu gọi phục vụ truyền giáo cho người nghèo của mẹ Teresa về phương diện pháp lý theo luật đạo thành sự.

Ơn kêu gọi hoài bão lòng mong ước đến sống truyền gíáo lòng thương xót giữa những người nghèo khổ, mà mẹ Teresa đã đón nhận ơn soi sáng từ Thiên Chúa nguồn tình yêu thương, giờ đây thành hiện thực cho đời mẹ.

Như các Dòng truyền thống trong Hội Thánh Công Giáo, Dòng của Mẹ Teresa cũng có ba lời khấn: khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh, ngoài ra Dòng còn buộc các chị em nữ tu lời khấn thứ tư nữa: sống vị tha bác ái thương người.

Mẹ Teresa, vị sáng lập Dòng Thừa sai bác ái tâm sự: “Chúng tôi có trách nhiệm bổn phận với lời khấn phục vụ cho hết mọi người không đòi hỏi thù lao được trả công.  Lời khấn này có nội dung là chúng tôi không làm việc phục vụ cho người giầu có, không làm việc vì thù lao tiền bạc, chúng tôi không được nhận tiền bạc thù lao.”

Dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Teresa chọn áo Sari dài phủ kín thân thể của phụ nữ Ấn Độ vẫn thường mặc hằng ngày.  Áo Sari mầu trắng bằng vải thô, bên vành áo có ba vạch mầu xanh da trời nói lên ý nghĩa mầu của bầu trời.  Phía bên trái áo Dòng Sari có gắn cây Thánh Giá Chúa Giêsu, để nhắc nhở người nữ tu nhớ đến Chúa Giêsu.

Mẹ Teresa cắt nghĩa về áo dòng Sari: “Chiếc áo Dòng Sari giúp người nữ tu cảm nhận mình là người nghèo giữa những người nghèo, nhận ra mình cũng là người bệnh tật đau khổ, là trẻ em, là những người già yếu bị bỏ rơi.  Và với chiếc áo Dòng Sari cùng chia sẻ đời sống không có gì thừa tự để lại cho thế giới.”

Chiếc áo Dòng áo Sari hèn mọn theo kiểu của người phụ nữ bình dân trong xã hội Ấn Độ nói lên sâu đậm căn tính lòng thương xót cùng đồng cảm với con người của Dòng Thừa sai bác ái do mẹ ThánhTeresa sáng lập.

4. Dụng cụ lòng thương xót

Mẹ Thánh Teresa lúc còn sinh thời đã thuật kể lại về nhà Dòng Thừa sai bác ái phục vụ cho người nghèo, trẻ con, người bệnh tật bị bỏ rơi trên toàn thế giới: Dòng chúng tôi có 3.500 chị em nữ tu nơi 95 quốc gia với 445 nhà, chúng tôi càng cần thêm nhiều ơn kêu gọi nữa do Chúa gửi đến…

Chúng tôi là dụng cụ của Thiên Chúa.  Những công việc phục vụ cho bác ái tình yêu là những công việc phục vụ cho hòa bình.  Chúng tôi không bao giờ có ý nghĩ về chính trị.  Chúng tôi chỉ muốn phục vụ giúp đỡ người nghèo khổ, vì họ cần đến tình yêu của chúng tôi…

Công việc dấn thân phục vụ người nghèo, người cùng khổ là chứng từ cụ thể cho đức tin.  Nó cắt nghĩa cho người nghèo, người đau khổ về tình yêu Thiên Chúa trao tặng cho họ.  Ở Ấn Độ, một phóng viên người Hoa Kỳ quan sát tôi săn sóc người bệnh bị bệnh da lở loét rất nguy hiểm, anh ta nói với tôi: “Dạ, việc như vậy dù có cho tôi một triệu Mỹ kim, tôi cũng không làm!”  Tôi nói lại ngay: Đúng thế, tôi cũng chẳng làm dù có được một triệu Mỹ kim!  Nhưng tôi làm vì tình yêu Chúa.  Người nghèo khổ bệnh tật này với tôi là thân thể Chúa Giêsu Kitô…  Anh phóng viên nghe thế đứng yên lặng rất mủi lòng cảm động, và hiểu nhận ra sức mạnh nào đã kêu gọi cùng thêm sức nâng đỡ việc làm của chúng tôi…

Chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng tìm đến nơi có những người lâm vào hoàn cảnh đau khổ mà không có ánh sáng niềm hy vọng.  Đó là nơi những người nghèo khổ, đói khát và bị bệnh tật, nhất là những người bị bỏ rơi sinh sống vất vưởng.  Chúng tôi đến những nơi đó do Chúa sai đến và chỉ cho chúng tôi việc phải làm…

Với Mẹ Thánh Teresa và Dòng của Mẹ, cầu nguyện với Chúa là suối nguồn kín múc sức mạnh cho việc làm bác ái lòng thương xót con người mà Chúa gửi sai đến: “Ngày sống làm việc của chúng tôi đặt trên căn bản cầu nguyện.  Dòng chúng tôi là Dòng chiêm niệm ở giữa lòng trần gian.  Vì thế cầu nguyện là căn bản đời sống nhà Dòng.  Chúng tôi luôn luôn cầu nguyện khắp mọi nơi đang khi làm việc cũng như lúc đi dọc đường.  Nếu chúng tôi không liên lỉ sống kết hợp với Chúa, chúng tôi đâu có thể có sức lực để sống dấn thân hy sinh phục vụ được.”

Khi người ta xin Mẹ tấm thẻ địa chỉ của Dòng, Mẹ Thánh Teresa rút trong túi áo Dòng Sari ra một mảnh giấy nhỏ rẻ tiền mầu xanh, trên có in dòng chữ bằng tiếng Anh:

“Chúa Giêsu vui mừng hạnh phúc đến với chúng ta,
khi sự chân thật muốn được loan truyền,
khi sự sống muốn được cho bừng lên chỗi dậy,
khi ánh sáng muốn được bật chiếu tỏa lan ra,
khi tình yêu muốn được yêu mến,
khi niềm vui muốn được tiếp tục cho đi,
khi hòa bình muốn được xây dựng lan tỏa gieo rắc.”  (Mẹ Teresa)

Xin Mẹ Thánh Teresa cầu cho chúng con!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 SỬA LỖI CHO NHAU

Con người luôn có lầm lỗi.  Ai nên khôn mà không dại một lần.  Và chắc chắn là không chỉ một lần mà rất nhiều lần trong cuộc đời.  Phạm lỗi cũng không dừng lại ở lứa tuổi nào mà ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể phạm lỗi.  Có điều là chẳng mấy ai trong chúng ta dám nhận mình có lỗi.  Chẳng mấy ai dám thú nhận về những lầm lỗi của bản thân.

Đó là điều mà chúng ta cần phải được người khác sửa lỗi.  Nếu không được người khác sửa sai thì mình sẽ không bao giờ đứng lên làm lại cuộc đời.  Một đứa bé để có thể nói đúng, nói không sai chính tả cần được cha mẹ sửa giọng nhiều lần mới có thể nói không bị ngọng.  Về nhân bản con người cũng phải được người khác dạy bảo, sửa lỗi thì mới hoàn thiện chính mình.

Như vậy, sửa lỗi là bổn phận của cha mẹ, của thầy cô, của bạn bè và nhận được sự chỉ dạy là của từng người chúng ta.  Nếu chúng ta không sửa lỗi cho anh em là chúng ta đang có lỗi với chính mình vì chúng ta chưa sống tròn bổn phận của mình với tha nhân.  Đôi khi còn bị người mà mình đã không dậy dỗ oán trách lại chúng ta.

Có một đứa trẻ từ nhỏ đã thích ăn trộm.  Một hôm, nó đi học về, trong cặp có thêm một chiếc bảng học sinh.  Mẹ nó hỏi:

– Sao con lại có tới hai chiếc bảng?

Đứa con đáp:

– Một cái là của bạn cùng lớp với con.  Con đã lén lấy cho vào cặp đấy.

Bà mẹ vui mừng nói:

– Con của mẹ thật thông minh.  Hai cái bảng chắc chắn là tốt hơn một cái rồi.

Ít lâu sau, đứa con lại mang về một cái áo da, trị giá 50 quan tiền.  Đứa con đưa chiếc áo da cho mẹ, mẹ nó khen:

– Con trai của mẹ thật là giỏi, biết hiếu thảo với mẹ.  Ra mẹ thơm một cái nào.

Đứa con trai ngày một lớn lên, càng ngày càng lấy trộm những thứ có giá trị hơn.  Hôm nay ăn trộm bò, ngày mai ăn trộm ngựa, ngày hôm sau trộm vàng bạc châu báu.  Bà mẹ luôn luôn khen ngợi con, trong nhà thiếu thứ gì, liền bảo với con trai để nó đi trộm về.

Có một lần, đứa con ăn trộm đồ bị người ta bắt quả tang, giải lên quan phủ.  Vì hắn trộm quá nhiều thứ nên bị phạt tội chết.  Tên trộm bị trói hai tay ra sau lưng, giải ra pháp trường.  Mẹ hắn đi theo sau, khóc lóc thảm thiết.  Tại pháp trường, tên trộm xin quan cho hắn được nói với mẹ vài lời.  Khi bà mẹ bước tới gần, hắn liền cắn mạnh vào tai mẹ.  Mẹ hắn đau quá kêu toáng lên, lớn tiếng mắng con:

– Mày thật là đồ bất hiếu, tự mình phạm tội chết còn chưa đủ hay sao mà còn muốn làm mẹ thành tàn tật à?

Đứa con giận dữ nói với mẹ hắn:

– Lần đầu tiên tôi ăn trộm cái bảng về, nếu bà đánh tôi một trận và dạy bảo tôi thì tôi không đến nỗi như ngày hôm nay và đã không bị xử tội chết.

Hóa ra không dạy dỗ người khác có khi dẫn đến “gậy ông đập lưng ông.”  Dạy người khác sửa sai là giúp mình được sống bình an hạnh phúc.  Không dạy người khác sửa sai là mình đang “nuôi ong trong tay áo,” hậu quả sẽ là mình bị ong chích đầu tiên.  Thế nên, khi làm điều sai trái, dù là cái sai rất nhỏ, thì cũng phải kịp thời sửa chữa.  Nếu không, cứ để nó lớn dần lên thành cái sai nghiêm trọng thì có thể khiến mình phải hối hận cả đời.

Hôm nay Chúa nhắc chúng ta phải sửa lỗi cho nhau.  Sửa lỗi không phải chỉ trích.  Chỉ trích là công kích nhau, là rêu rao lỗi lầm của nhau.  Chỉ trích thường thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng cho nhau.  Sửa lỗi đòi hỏi sự tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau.  Sửa lỗi là một bổn phận, là bác ái mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân.  Sửa lỗi trái ngược với bỏ mặc, và thiếu trách nhiệm với tha nhân.  Trong tinh thần bác ái và yêu thương chúng ta phải có bổn phận sửa lỗi cho nhau.  Cha mẹ sửa lỗi cho con cái.  Vợ chồng sửa lỗi cho nhau.  Thầy cô sửa lỗi cho học trò.  Bạn bè sửa lỗi cho nhau.  Tất cả phải có bổn phận giúp nhau thăng tiến.  Không bỏ mặc nhau nhưng luôn dìu nhau tiến bước.

Sửa lỗi cho nhau không chỉ với tội lớn mà ngay cả tội nhỏ cũng cần được nhắc nhở, được giúp cải thiện.  Bởi vì “nhỏ ăn trộm dây cột bò, lớn sẽ ăn trộm cả con bò.”  Vì phạm tội sẽ thành thói quen.  Phạm tội một lần thì sợ hãi, nhưng nhiều lần thì lương tâm đã chai lì, đánh mất sự sợ hãi lo âu.

Chúa Giê-su dạy ta cách sửa lỗi tiệm tiến với tình yêu thật tế nhị.  Sửa lỗi cách kín đáo bằng lời chân tình góp ý thẳng ngay với nhau.  Nếu thất bại cần thêm lời của nhân chứng để người được sửa lỗi càng nhận biết lỗi lầm của mình hơn.  Nếu vẫn thất bại thì cần đến cộng đoàn để nhờ sức mạnh của cộng đoàn giúp kẻ có lỗi ăn năn sửa đổi.

Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm sửa lại những lỗi lầm.  Biết bỏ đi tính tự ái, cố chấp để lắng nghe lời góp ý chân thành của tha nhân.  Xin đừng vì cố chấp mà trở thành kẻ ngang bướng làm hại đến cộng đoàn.  Amen. 

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền