BÀN TAY THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI CHÚNG TA

Theo Jim Wallis, vấn đề luôn mãi trong thế giới và trong các giáo hội là: phía bảo thủ hiểu sai và phía tự do (phản ứng thái quá với phía bảo thủ) chẳng hiểu được gì.  Tôi tin rằng, không ở đâu câu này đúng cho bằng trong cách chúng ta nhận ra bàn tay Chúa trong những sự kiện trong đời.

Chúa Giêsu bảo chúng ta nhận ra bàn tay Chúa trong đời mình bằng cách đọc dấu chỉ của thời đại.  Thế nghĩa là sao?  Điều này không hẳn là chúng ta nhìn vào mọi phân tích về tôn giáo, chính trị, xã hội để cố hiểu xem thế giới đang có chuyện gì, nhưng đúng hơn, là chúng ta nhìn vào mọi sự kiện trong đời mình, cả cá nhân lẫn toàn cầu, và tự hỏi: Chúa nói gì với tôi qua sự kiện này?  Chúa nói gì với chúng ta qua sự kiện này?

Thế hệ cao tuổi hơn hiểu điều này là cố hòa hợp bản thân với những hành động “quan phòng.”  Đường lối này có từ thời xưa trong Kinh Thánh.  Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy dân Chúa không xác định những chuyện diễn ra bằng lăng kính thuần thế tục hoặc trung lập về tôn giáo.  Đúng hơn, trong mọi sự kiện, dù là rất ngẫu nhiên và thế tục, họ đều thấy bàn tay Thiên Chúa.  Ví dụ như, họ tin rằng nếu thua trận, thì đó không phải do đối phương có quân lính thiện chiến hơn, nhưng là do Thiên Chúa đã dạy cho họ một bài học.  Hoặc nếu gặp tai ương, thì đó là do Thiên Chúa đã chủ động ngăn mưa rơi xuống đất, và một lần nữa dạy cho họ một bài học.

Chuyện này dễ bị hiểu lầm, vì khi viết ra như thế, các tác giả sách thánh đã gây ấn tượng rằng Thiên Chúa chủ động tạo ra sự kiện đó.  Đó là lời của họ, chứ không phải ý định hay ý nghĩa.  Kinh Thánh không định dạy chúng ta rằng Thiên Chúa tạo ra chiến tranh hay đóng cửa trời không cho mưa xuống, Kinh Thánh chấp nhận rằng chúng là kết quả của ngẫu nhiên trong tự nhiên.  Bài học cần rút ra ở đây là, Thiên Chúa nói qua những sự kiện đó.

Và đây là điều mà người theo chủ nghĩa bảo thủ thường hiểu sai và người theo chủ nghĩa tự do thường nhầm lẫn.  Một ví dụ mới đây cho chuyện này, là phản ứng của một vài giới tôn giáo nhất định, cả bảo thủ lẫn tự do, về sự bùng phát của bệnh sida.  Khi bệnh sida bùng phát, nhiều người bảo thủ mạnh mẽ đã lên tiếng rằng sida là do Chúa trừng phạt chúng ta, vì sự bừa bãi tình dục, nhất là tình dục đồng giới.  Còn phía tự do, nổi giận vì những lời này, đã đáp lại rằng: Chúa chẳng liên quan gì đến chuyện này cả!

Cả hai đều cần một bài học về hành động quan phòng.  Những người bảo thủ tôn giáo đã sai khi diễn giải như thế.  Chúa không gây ra sida để trừng phạt sự bừa bãi tình dục của chúng ta.  Ngược lại, phía tự do cũng sai khi nói rằng chuyện này chẳng liên quan gì đến Chúa cả.  Chúa không tạo ra sida hay bất kỳ một bệnh dịch nào, nhưng Chúa nói qua sida và mọi chứng bệnh khác.  Nhiệm vụ sống đạo của chúng ta là nhận ra thông điệp đó.  Chúa nói gì với chúng ta qua chuyện này?

James Mackey nói rằng sự quan phòng là một kế hoạch của những chuyện tình cờ, qua đó Thiên Chúa lên tiếng.  Frederick Buechner nói rõ hơn nữa: “Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa cho những sự kiện xảy đến với chúng ta để đẩy chúng ta theo những hướng nhất định, như những quân cờ.  Thay vào đó, những sự kiện tự nó xảy ra ngẫu nhiên, nghĩa là Thiên Chúa hiện diện trong các sự kiện đó, không phải như người tạo ra nó nhưng như là người dù buồn đau vì chúng, vẫn cho chúng ta khả thể của sự sống mới và sự chữa lành mà tôi tin chính là ơn cứu độ.”

Thiên Chúa luôn nói với chúng ta qua mọi sự kiện trong đời chúng ta.  Với một Kitô hữu, không có điều gì là trải nghiệm thuần túy thế tục.  Sự kiện này có thể là kết quả của những lực ngẫu nhiên và thuần túy thế tục, nhưng nó chứa đựng một thông điệp tôn giáo cho chúng ta, luôn là thế.  Nhiệm vụ của chúng ta là đọc ra thông điệp đó.

Và nói xa hơn nữa: hầu như chúng ta chỉ nghe tiếng Chúa trong những trải nghiệm cực kỳ đau đớn với chúng ta hơn là trong những sự kiện đem lại hân hoan và vui thú.  Nhưng chúng ta không nên hiểu lầm chuyện này.  Không phải Thiên Chúa chỉ nói với chúng ta qua đau đớn, và làm thinh khi chuyện tốt đẹp.  Đúng hơn, theo lời của C.S. Lewis, đau đớn là máy vi âm của Chúa với một thế giới điếc đặc.  Thiên Chúa luôn nói, nhưng hầu như chúng ta chẳng nghe.  Chỉ khi lòng chúng ta bắt đầu tan nát, chúng ta mới bắt đầu hòa hợp với tiếng của Chúa.

Sự quan phòng là một kế hoạch của những chuyện ngẫu nhiên, qua đó Thiên Chúa lên tiếng, và chúng ta phải cẩn thận để hiểu đúng theo cả hai phía.  Thiên Chúa không gây nên sida, khí hậu toàn cầu nóng lên, tình trạng người di dân, bệnh ung thư, nạn đói, bão lụt, hay bất kỳ điều gì khác nhằm dạy cho chúng ta một bài học, nhưng trong tất cả những chuyện này có gì đó mời gọi chúng ta cố gắng nhận ra điều Chúa muốn nói qua chúng.  Cũng như thế, Thiên Chúa không cho đội bóng bạn yêu thích vô địch, đó cũng chỉ là kết quả của kế hoạch của những chuyện ngẫu nhiên.  Nhưng Thiên Chúa nói qua tất cả những chuyện đó, kể cả việc đội bóng của bạn vô địch đấy!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT

Có lần đến mừng bổn mạng một vị Linh mục trọng tuổi.  Ngài nói đùa rằng: “Tội nghiệp hai Thánh Phêrô và Phaolô quá!  Những ông thánh bà thánh khác nhỏ hơn, thế mà lại được đứng tên một mình độc lập tự do hạnh phúc trong một ngày lễ.  Đàng này Phêrô và Phaolô tiếng là hai thánh lớn của cả Giáo hội, thế mà lại phải chen vai đứng chung với nhau chật chội trong một ngày lễ, dẫu đó là ngày lễ lớn.  Ngài cười và phát biểu tiếp: Thà làm lớn trong một ngày lễ nhỏ, còn hơn là Phêrô và Phaolô lại chịu làm nhỏ trong một ngày lễ lớn.”

Dĩ nhiên linh mục ấy chỉ nói đùa thôi.  Nhưng trong cái tưởng như đùa cợt mua vui giữa các linh mục với nhau biết đâu lại chẳng ẩn chứa một chút nghiêm túc, một thoáng lắng sâu gợi mở cho suy tư về ngày lễ, để rồi khi nhìn vào chân dung của Phêrô và Phaolô bỗng chợt nhận ra dụng ý của Giáo hội; mừng hai Thánh Phêrô và Phaolô chung trong cùng một lễ là muốn nói lên tinh thần hiệp nhất, một tinh thần đã làm nên sự sống và mãi còn là sức sống của Giáo hội.

Phêrô và Phaolô: hai vị thánh có nhiều khác biệt

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt.  Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.

Về thành phần bản thân: Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria.  Tác phong ngài bình dân, tính tình ngài bộc trực, có sao nói vậy, thậm chí đến độ thô thiển mộc mạc.  Mặc dù có bề dày kinh nghiệm tuổi tác và ngành nghề, nhưng kiến thức về đời sống của ngài có chăng cũng không lớn hơn diện tích biển hồ.  Còn Phaolô, ngược lại, là con nhà trí thức được ăn học đàng hoàng, đã từng có dịp đi lại đó đây.  Kiến thức rộng, gốc gác Biệt phái nhiệt thành với truyền thống cha ông, đầy năng lực, tuổi trẻ tài cao và cũng không thiếu tham vọng cho tương lai, nên Phaolô mới nổi máu anh hùng “vấy máu ăn phần” trong việc bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu.

Về ơn gọi theo Chúa Giêsu: Phêrô thuộc hệ chính quy, là một trong những tên tuổi mau mắn đáp lời theo Chúa Giêsu từ những ngày đầu sứ vụ công khai của Người.  Nhanh nhẩu, mau mắn, hăng hái, ông thường thay mặt cho anh em để lên tiếng phát biểu.  Được đặt làm đầu Nhóm Mười Hai đặc tuyển tức là Thủ quân đội tuyển Tông đồ với một bề dầy thành tích đáng gờm.  Trong khi đó, Phaolô chỉ là đàn em, đã chẳng được theo trực tiếp Chúa Giêsu lại còn khét tiếng phản động đến nỗi trên đường đi Đamas để bố ráp tín hữu, tiếng từ trời đã phải can ngăn “Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ.”  Nhưng đó cũng là khởi đầu của ơn gọi để Phaolô nghĩ lại sám hối mà đầu quân phục vụ Giáo hội.  Chính Phaolô đã có lần thú nhận chẳng giấu giếm chi “Tôi là dân sinh sau đẻ muộn.”  Không mặc cảm.

Về truyền giáo: Nếu Tông đồ là kẻ được sai đi truyền giáo, thì tuỳ theo khả năng cá nhân, mỗi người lại phục vụ theo cung cách của mình.  Phêrô chủ trương “đánh bắt tại chỗ,” phục vụ Kitô hữu đa phần gốc Do Thái trở lại, nên thiết lập toà Antiôkia để dễ dàng điều hành quy tụ là chuyện bình thường.  Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên trong lịch sử Công giáo, các tín hữu nhận lấy danh xưng: “Kitô hữu.”  Còn Phaolô lại theo chủ trương “đánh bắt ngoài khơi,” ra khơi để truyền giáo với những chuyến hải trình không mệt mỏi.  Trẻ trung, khỏe mạnh, học rộng, biết nhiều đã trở thành lợi thế cho ngài hành trình về phía trước dân ngoại.

Chủ trương khác nhau nên có lúc không tránh hết được những va chạm.  Đã có to tiếng về vấn đề cắt bì hay không cắt bì cho những người ngoại giáo gia nhập Kitô giáo.  Đã có hiểu lầm ấm ức khi đối mặt giữa một bên là cầm cương nẩy mực đạo giáo và một bên là quan tâm đến những nhu cầu mục vụ chính đáng của tín hữu gốc lương tâm.  Tuy nhiên khi hiểu ra, hai đấng đã tay bắt mặt mừng trong một tinh thần hiệp nhất lạ lùng!

Phêrô và Phaolô: tượng đài hiệp nhất

Khởi đầu sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, nếu hai vị đã hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng thì cũng hiệp nhất trong cùng một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin trung thành minh chứng.

Cùng chết tại Rôma.  Cùng chịu tử đạo dù hình thức khác nhau trong những thời điểm khác nhau.  Cùng trở thành nền đắp xây toà nhà Hội thánh.  Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công giáo, để rồi hằng năm cứ vào ngày 29 tháng 6 lại cùng được mừng chung trong một ngày lễ.  Chừng đó chữ “cùng” cũng đủ đề Phêrô gần gũi Phaolô, và để Phaolô đứng chung với Phêrô như hình với bóng.  Mình mới ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai.  Mãi mãi Phêrô và Phaolô là tượng đài bất khuất và là bài ca không quên của tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.  Tinh thần ấy hôm nay chỉ ra rằng.

Hiệp nhất không phải là đồng nhất theo kiểu đồng bộ nhất loạt ai cũng phải như ai, giống đồng phục của một hội đoàn, hay như trong sản xuất hàng hoá đồng loạt.  Nếu máy cùng một đời thì cũng cùng kiều dáng và chất lượng như nhau.  Hiệp nhất là khởi đi từ những cái khác nhau, những cái dị biệt, để hiểu biết tôn trọng và gắn bó hợp tác chung xây.  Như thế mới phong phú đa chiều đa diện đa dạng, như những thành phần khác nhau làm nên một tổng hợp duy nhất hài hoà, như những chi thể khác nhau kết nên một thân mình, như những nốt nhạc cung bậc khác nhau làm thành một hòa âm tròn đầy.

Hiệp nhất cũng không phải là cầu toàn mười phân vẹn mười gọt giũa kỹ càng theo một hình mẫu, làm như tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý chí con người mà không cần biết đến những biến số mang tính quyết định khác.  Xây dựng một công trình vật thể như nhà cửa phòng ốc không ưng ý, người ta có thể đập bỏ để làm lại một cái mới vừa ý hơn, nhưng xây dựng một công trình phi vật thể nhất là lại liên quan đến yếu tố nhân sự thì không thể một sớm một chiều mà phá huỷ hoặc làm lại được.  Nếu “duy ý chí” đã là một lực cản đáng buồn cho sự tiến bộ, thì ở đây xem ra lại còn đáng buồn và đáng ngại hơn.

Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự dẫn dắt linh động của ơn thánh và chí bền khát khao của mọi thế hệ.  “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Nhưng đa dạng cũng đi liền với đa đoan.  Không thể có hiệp nhất mà không vất vả.  Hiệp mà không nhất chỉ là khiên cưỡng ép duyên bất hạnh ngục tù.  Nhất mà không hiệp sẽ cứng cỏi lạnh lùng tự đủ thờ ơ.  Hiệp để trở nên nhất và nhất mà vẫn luôn cần chất keo tinh thần của hiệp, đó mới là giá trị làm nên nét đẹp Kitô giáo.  Nếu trong tình yêu hôn phối, những điều giống nhau là để hiểu nhau, còn những điểm khác nhau mới để yêu nhau, thì trong hiệp nhất Giáo hội cũng vậy, những điều giống nhau là nền tảng gặp gỡ, còn những điểm khác biệt lại là điều kiện tự nhiên để trở thành đa dạng, cho dẫu nhiều khi vì quá chú tâm đến những khác biệt người ta đã phải gạt lệ nhìn nhau xa cách.  Hai cực nam châm giống nhau sẽ đẩy nhau, nhưng hai cực khác nhau mới thu hút gắn bó với nhau.

Tóm lại, Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm, nhưng một khi đã được biến đổi bởi niềm tin Phục sinh và nguồn ơn Thánh Thần, hai vị đã trở nên những con người mới, những phần tử hàng đầu xây dựng hiệp thông Giáo hội.  Mừng lễ chung hai vị cũng là lúc thể hiện lòng yêu mến và phó thác.  Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ

Chuẩn bị nhân sự tiếp nối công việc truyền giáo ở trần gian, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ.  Tuyển chọn rồi Chúa còn đào tạo để các ngài nên những chứng nhân trung thành của Chúa.  Hôm nay, Chúa nêu lên những đức tính cần thiết của người môn đệ.

Người môn đệ của Chúa phải có tâm hồn quảng đại.

Tiên tri Elisêô đã hào phóng đối với gia đình tiếp đón Ngài.  Tiên tri là hình ảnh đẹp về các môn đệ của Chúa.  Người môn đệ là đại diện cho Đấng sai mình.  Người đại diện tốt phải là người trình bày được dung mạo của Đấng sai mình.  Chúa Giêsu, Đấng sai ta là người vô cùng rộng lượng.  Người đến trần gian không phải để thu tích mà để ban phát.  Trọn cuộc đời, Người ban phát không biết mệt mỏi.  Người đến không phải để xét xử, luận phạt, nhưng để tha thứ.  Người tha thứ một cách dễ dàng cho tất cả những tội nhân đến với Người.  Người đến không phải để giết chết, nhưng là để cứu chữa.  Người đến cho ta được sống và sống dồi dào.  Người môn đệ của Chúa cũng phải có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bao dung như Chúa.

Người môn đệ của Chúa phải sống khiêm nhường.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là những người bé mọn.  Chống lại những thói kiêu căng, phô trương, Chúa Giêsu luôn thao thức sao cho các môn đệ của Người trở nên bé nhỏ, khiêm nhường.  Bé nhỏ trong tâm tình đạo đức để phó thác mọi sự trong tay Cha.  Bé nhỏ về của cải, đừng mang “hai áo, mang theo túi tiền.”  Bé nhỏ trong cách cư xử với nhau, đừng tranh giành chỗ nhất, nhưng hãy chọn chỗ chót.  Bé nhỏ để quỳ xuống phục vụ: “như Thầy đã rửa chân cho các con, các con hãy rữa chân cho nhau.”  Bé nhỏ để sau khi làm mọi việc rồi, hãy nhận mình là “tôi tớ vô duyên bất tài.”

Người môn đệ của Chúa phải biết tập trung vào Chúa Kitô.

Người môn đệ là người chọn Chúa Kitô làm lý tưởng.  Người môn đệ cũng là người đi làm chứng về Chúa Kitô.  Vì thế mọi lời ăn tiếng nói, cả đến tâm tư tình cảm phải qui hướng về Chúa Kitô.  Chúa Kitô phải chiếm vị trí ưu việt trong tâm hồn người môn đệ.  Nói thế không có nghĩa là người môn đệ chối bỏ mọi tình cảm chính đáng, dứt lìa những mối liên hệ gia đình.  Nhưng có nghĩa là từ nay người môn đệ có yêu thương ai thì cũng là yêu thương trong tình yêu của Chúa Kitô và bằng tình yêu của Chúa Kitô.

Người môn đệ của Chúa sống cho Chúa và chết cho Chúa.

Chúa Giêsu không sống vì mình và cho mình.  Người luôn sống vì và cho người khác.  Người sống vì Chúa Cha và cho Chúa Cha.  Nên mọi việc Người làm đều vì Chúa Cha và cho Chúa Cha.  Người là tình yêu hoàn hảo dâng tặng Chúa Cha.  Nên Người đã “vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.”  Người sống vì con người và cho con người.  Nên người đã ban tặng chính sự sống của Người cho nhân loại, đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại.

Nên thánh Phaolô khuyên người môn đệ của Chúa hãy bắt chước Chúa mà chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô.  Hãy yêu mến, sống cho Chúa và chết cho Chúa.  Chắc chắn ta không chết một lần, nhưng sẽ chết dần mòn.  Chết cho tội lỗi để không bao giờ phạm tội nữa.  Chết trong quên mình âm thầm.  Chết trong những hy sinh nhỏ bé.  Chết trong nhiệt thành phục vụ nước Chúa.  Chính khi chết đi như vậy, ta lại được một sự sống mới tràn ngập tâm hồn, sự sống sung mãn, phong phú của Thiên Chúa.  Chỉ có những ai đã trải qua cái chết, mới cảm nghiệm được sự sống ấy, Thánh Phanxicô chắc chắn đã trải qua cuộc lột xác ấy nên mới thốt ra được những lời bất hủ: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.”  Vì thế thánh nhân đã trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin thanh luyện tâm hồn con, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa.  Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

HƯƠNG SẮC CỦA GAI

Đôi hoa tai lấp lánh hai hạt ngọc nhỏ, sáng màu sao trời, nằm ngoan hiền trong bàn tay người thiếu nữ.  Người thiếu nữ biết mình sẽ đẹp hơn nếu đeo đôi hoa tai ấy lên đôi tai mịn màu da tuổi dậy thì.  Xoa xoa vành tai, nhưng mỗi lúc đầu gai nhọn châm vào da thịt, nàng lại thấy đau buốt.  Nhìn mặt mình trong chiếc gương bạc, nàng thấy mình như một đóa hoa lưu ly.  Hẩy nhẹ mớ tóc xoã ngang vai ra sau lưng rồi nhìn vào vành tai còn trống trơn.  Ướm thử đôi hoa lên vành tai.  Chiếc khuyên vàng nổi trên làn da trắng.  Hạt kim cương óng ánh như giọt sương ngũ sắc.  Nàng đẹp.  Người thiếu nữ mỉm cười.  Nhưng làm sao để đeo đôi bông ấy được?  Người thiếu nữ nhìn cành gai.  Nhọn quá.  Mỗi khi định bấm chiếc gai vào vành tai, nàng lại nhăn mặt.  Đau đớn.

Nắng gắt hơn mọi ngày.  Giêsu ngồi nghỉ, mồ hôi thấm ướt chiếc áo mẹ may cho thưở nào.  Ba mươi tuổi đời, tuổi của chàng trai mới bóc lớp vỏ thanh niên để chuyển mình thành cây tre bước ra gánh vác việc làng.  Giờ sắp đến.  Chung quang nôn nao về một ngày bất định.  Những ngày trước mặt sẽ là tang chế.  Mặt đất chuyển về đôi chân sắp bước tới một cuộc động đất kinh hoàng.  Chân người thanh niên trẻ Giêsu không vững.  Cố mà giữ khỏi nghiêng ngả.  Mơ hồ đã có máu và nước mắt, mồ hôi và cát.  Tâm tư người thanh niên ba mươi tuổi đời ngộp thở cho những quyết định vô cùng táo bạo.  Mây đang vần vũ trên bầu trời tâm hồn, lối nghĩ nào cũng là kẹt cứng khô cằn.  Âm vọng từ đường xá đi vào, từ con tim thở ra, những âm vọng sắc như dao nhọn.  Không còn văn chương và thơ.  Không còn trăng mềm và đãi ngộ của đất trời.  Đã đến ngõ làng vào Jêrusalem.  Tiếng thở chần chừ: Lạy Cha, nếu được xin cất chén đắng này khỏi con.

Đường Nước Trời cũng giống như người thiếu nữ và đôi hoa tai.  Lối ở phía trước nhan sắc.  Nơi đó, mây trời đang chờ đợi hơi sương của đất.  Tình trời như đôi hoa tai sẽ làm người con gái thêm đẹp.  Tình đất là bàn tay vẫy gọi, là chân đi tới.  Nhưng làm sao lãnh nhận tình trời, cũng như người thiếu nữ làm sao đeo được đôi bông tai lên tai nếu không đủ can đảm bấm chiếc gai nhọn qua vành tai chờ đợi.

Giêsu đã một thưở mơ tình trời giao hòa cùng tình đất, đã có lúc ngại ngần vì khổ đau.  Nhưng Giêsu đã bấm cành gai nhọn.  Vòng gai trên đầu Giêsu đã sáng ngời mũ quân vương thắng trận.  Muốn có vẻ đẹp phải chấp nhận đớn đau.

Người thiếu nữ lại ướm khuyên vàng với vòng tai mình trong ước mơ thèm muốn.  Đôi tai vẫn trống trải đợi chờ.  Tất cả hệ tại đôi tay can đảm và lòng muốn thiết tha của nàng.  Những sợi tóc thánh thiện đang nôn nao đợi, những sợi tóc mai mong manh chờ.  Lại nhìn mình trong dáng gương thật trong.  Một nỗi cô đơn nào đó thoang thoảng trên khuôn mặt xinh.  Vẫn u hoài một thiếu vắng nào đó trên khuôn mặt đẹp.  Nàng biết nỗi u hoài ấy, nàng thấy cái thiếu vắng ấy chính là thiếu vắng của đôi hoa tai.  Nhưng cành gai nhọn quá.  Nàng có thể chần chừ cho giây phút trang điểm.  Nhưng thời gian không đợi chờ nàng.  Cứ nhìn mình trong gương và cành gai, nhưng không vì thế mà cành gai thông cảm bớt sắc đau.

“Lạy Cha, đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha.”  Trăng đêm ấy là trăng nhỏ màu.  Ánh trăng chênh chếch không dám nhìn thẳng.  Giữa những cành ôliu già sần sùi gắng gượng, Giêsu đã phó mình trong tay Cha, hoàn tất cho một yêu thương nhất định.  Chỉ có tình yêu mới đẩy tảng đá che mồ mà bước vào.  Đất đã lở cho lửa thiêu đốt những lưỡng lự ngái ngủ.  Hệ luỵ điêu linh người thanh niên Giêsu đã anh dũng lãnh nhận.  Đêm Giêtsimani.  Đêm nghiệt ngã.  Cành gai nhọn đã trùm lên đầu đau đớn.  Đêm linh thiêng.  Đau đớn của thập giá và vinh quang của phục sinh là nhan sắc mà mất một mà là mất cả hai.   Lời nguyện xin vâng là chuyến đi tìm nhan sắc xuyên qua rừng gai dầy.  Đôi hoa tai sẽ nhạt duyên nếu không gắn trên vành tai người con gái.  Và cất giấu đôi hoa thì khuôn mặt người thiếu nữ cũng bình thường lặng lẽ mà thôi.

Người thiếu nữ nhìn cành gai nhọn trong tay thon nhỏ.  Tiếng gọi của cành gai là nhan sắc ở đằng sau.  Trong tim người thiếu nữ có bài ca của lời thánh vịnh thênh thang.  Người thiếu nữ hiểu rằng không phải nhan sắc trong gương mà mình muốn nhận mũi nhọn của cành gai.  Đằng sau nhan sắc là tình yêu mà nàng đang chờ.  Đôi hoa tai chỉ là tiếng thơ cho một giọng ngâm rất ấm mà nàng đang rủ Hoàng Tử Bình An của nàng vào thơ.  Người thiếu nữ, trước ranh giới, không phải gian nan và nhan sắc nữa mà là giữa bến đau thương và bờ đậu hạnh phúc.  Nhan sắc chỉ là bậc thang cho chân đi vào hoàng cung với Người Yêu Muôn Thưở.  Bởi đó, lựa chọn đưa đôi hoa lên vành tai bây giờ là lựa chọn thử thách của Thiên Đàng và Sự Chết.  Hiểu được chiều sâu của nét đẹp con gái thì đôi hoa tai vàng duyên sắc như thế nào.  Tuy thế, sự hiểu biết ấy chẳng làm cho cành gai bớt nhọn và bớt đau thương.  Đường về Thượng Trí vẫn chẳng tùy thuộc trí hiểu mà là ý chí.

Giêsu không xin luật trừ cho vòng gai tử nạn.  Cha Ngài cũng im lặng.  Trong ý sâu nhất của linh hồn, Giêsu đã hiểu, và giục giã hồi chiêng trống, Giêsu vào tình sử.  Trọn vẹn.  Có ngại ngùng nhưng không thiếu thiết tha…  Có thách đố nhưng không vắng bóng lòng dũng cảm.  Giêsu đi trọn đường trần.  Gió bay muôn hướng buông vãi ánh sáng phục sinh xuống khắp nhân gian.  Trầm trầm rừng hương ca tụng một trái tim thanh niên, rất cao sang, rất thánh.

Người thiếu nữ ngồi đây, phân vân trên tay cành gai nhọn với đôi hoa tai tuyệt đẹp.  Đôi má xuân thì đang thèm muốn.  Ngoài kia đời đang chờ tiếng sáo bay lên.  Lời mời gọi về đường nhân đức cũng vây, là lựa chọn không thể từ chối từ can đảm mà có chiến thắng vượt qua.  Trái tim người thanh niên đang tìm nét đẹp cho êm lòng, cho khơi nguồn sáng tạo trong cuộc đời thiếu nữ.  Đức Kitô cũng đang chờ chân bước tới của kẻ muốn theo Ngài làm môn sinh.

Làm sao để người thiếu nữ đeo được đôi hoa tai ấy?  Nàng biết có câu trả lời ở bên kia bờ.  Nhưng từ bên này qua bờ bên kia có cách biệt bởi dòng sông thương đau của cành gai.  Đường về thánh thiện cũng thế thôi.  Liệu kẻ theo Đức Kitô có dám chèo qua dòng sông, rẽ gai bước tới?

Nguyễn Tầm Thường, SJ.

CHA TÔI YÊU TÔI TỪNG NGÀY

Cái số của tôi Ông Trời bắt không có cha, nên tôi không có một chút kinh nghiệm nào về người cha trần gian của tôi cả!  Tôi nhớ không lầm thì từ cái thuở tôi biết suy nghĩ thì không một lần tôi ao ước muốn có cha, tôi không hiểu sao vì sự ao ước ấy không một lần đến trong đầu và trong đời tôi?  Có thể vì khi tôi còn nhỏ thì hình ảnh của người cha của tất cả bạn bè hay người thân thương của tôi, họ không có sự trìu mến và yêu thương gia đình hay con cái của họ, để tôi cảm thấy cần phải có người cha bên cạnh.

Người cha trong ký ức của tôi là những người cha lạnh lùng và dữ tợn.  Tôi chỉ thấy họ la lối, đánh đòn, và phạt các con của họ qua rất nhiều hình thức khác nhau.  Có thể đó là cách thời của tôi xưa ở Việt Nam mà các người bố cần phải nghiêm nghị và dữ tợn vậy đối với các con của họ chăng?  Vì sợ chúng hư hỏng nhất là các con trai của họ.  Rồi thì trong trường học cũng vậy, sự trừng phạt những đứa học trò con trai là những lằn roi đánh vun vút vào các tay hay các lưng của những thằng học trò con trai, có thành tích luôn phá phách, mà tôi nghe ông nhà tôi kể lại.

Rồi thì sau biến cố của năm “75”, tôi đã được sang Mỹ định cư ở tuổi đời còn rất non trẻ.  Ở tuổi còn cắp sách đến trường học cho hết bốn năm trung học, rồi đại học.  Tôi cũng chẳng thấy cần có bóng dáng của người cha trong cuộc đời đầy khốn khổ và thiếu thốn của tôi.

Ở đây sở dĩ tôi không có ý than vãn gì đâu hay muốn được chú ý đến, hoặc muốn ai tội nghiệp dùm cho tôi, mà những gì tôi muốn nói ở phần sau mới là quan trọng cho cả cuộc đời tôi.

Có thể vì cuộc đời của tôi Ông Trời bắt phải vậy, phải khác với mọi người, phải như thế là để giúp Người một bàn tay cho công trình của Người trên trần thế này hay chăng?  Tôi chỉ biết có một điều là cả tuổi trẻ của tôi, không một người thân thiết có thể ủi an và xoa dịu được những gì quá khứ tôi phải một mình gánh chịu.  Tôi mồ côi mồ cút từ tấm bé.  Có cha nhưng được ghi vào thẻ học bạ và giấy khai sanh “bố: vô danh.”  Chắc nhờ thế mà tôi tự tung tự tác muốn học thì học mà muốn chơi thì chơi, chẳng một ai trông chừng trông đỗi tôi hết!  Nói thế chắc không đúng bởi nếu tôi mồ côi mồ cút, không ai trông chừng, chắc tôi đã ra hư hỏng từ lâu lắm rồi!

Thiết tưởng Cha tôi Người vẫn luôn trông chừng tôi qua Chúa Thánh Thần?  Giờ nghĩ lại tuy tôi không thấy Cha tôi đâu, nhưng có phải Người vẫn mãi sống gần bên tôi, như chưa từng bao giờ rời xa tôi cả!  Phải công nhận cả cuộc đời tôi sống gần như thui thủi có một mình, có những tư tưởng không mấy bình thường, cũng có những lần vui chơi không lành mạnh, nhưng không vì thế mà tôi vung đà quá trớn.  Có những điều quá khứ không làm cho tôi quên được!  Nhưng có phải thế tôi mới học đời và có kinh nghiệm đời?  Mà nhờ thế bây giờ tôi mới biết cách trông chừng và dậy các con cái của chúng tôi?

Vì tôi côi cút nên lửa của Chúa Thánh Thần trong tôi không được rực nóng lắm!  Vì tôi côi cút nên nhà thờ là nơi tôi ít tới lui.  Vì tôi côi cút nên hình bóng của Cha tôi không được rõ nét trong tâm hồn tôi và trong trái tim tôi.  Và vì tôi côi cút nên cuộc đời của tôi cũng không có gì gọi là thành công, ngoài lấy được cái chứng chỉ y tá quèn, cũng gọi là đủ để tôi phụ giúp ông nhà tôi trong suốt bao nhiêu năm trời cùng nhau dưỡng dục nuôi nấng các con của chúng tôi.

Nhưng việc gì đến thì nó phải đến thưa anh chị em!  Đó là ngày mà Chúa Thánh Thần đến để đánh thức tôi tỉnh dậy và trở về Nhà Cha trong tâm hồn quạnh quẽ của tôi.  Ngày ấy chắc Cha của tôi bảo là đã đến lúc Nó phải biết Cha của nó hiện hữu, và phải thay đổi cuộc sống của nó.  Phải biết là Nó có Cha và Cha nó rất thương nó.  Để cuộc sống của nó phải được thay đổi, và để con cái của nó có nguồn cội đàng hoàng, và để chồng của nó nữa cũng phải biết Cha.

Thế là từ ngày đó trở đi Nó vô cùng hạnh phúc vì đã được Cha của nó nhận diện.  Từ đó trở đi phụ tá của Cha nó đã luôn là người chỉ đạo cho nó sống thế nào thì vừa ý Cha của nó, sống sao để đẹp lòng Cha nó, và để sẽ được trở về nhà Cha nó vĩnh viễn.  Thế là từ ngày nó biết Cha nó đến nay, không ngày nào mà nó không gần Cha nó, để thủ thỉ ngày cũng như đêm.  Để hỏi ý kiến và cần người hướng dẫn.  Thế là từ ngày đó Nó thực sự hạnh phúc sống bên Cha đời đời của nó thưa anh chị em!  Không ngày nào mà nó không lãnh nhận được Ơn của Người Cha.  Không ngày nào mà nó còn ngờ vực hay nghi ngại trên con đường đời vì tuy Cha nó không thực sự nắm tay nó, nhưng Nó hiểu rất rõ là nó không đi xa hơn vòng tay yêu thương của Người.

Vâng, nhân ngày Father’s Day sắp đến đây, tuy tôi không có hình ảnh của người cha trần thế, nhưng tôi biết Cha của tôi đang ngự ở trên Trời, trong lòng, và trong trái tim của tôi.  Tôi biết trong ngày Father’s Day Cha tôi rất vui sướng vì Người biết tôi yêu Người.  Vì Người biết thấu trái tim tôi nên Người luôn gìn giữ tôi hằng ngày cho đến muôn đời sau.  Tôi cũng xin chúc mọi người cha trần thế, kính chúc quý cha Linh Mục, tìm được hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đoàn.  Được Cha trên Trời luôn chúc lành và luôn yêu thương con cái Người bây giờ và mãi mãi, một tình yêu trao ban rất nhưng không. Amen.

Y Tá Của Chúa
Tuyết Mai

CAN ĐẢM, TRUNG THÀNH

Trong giây phút đầu tiên đăng quang ngôi Giáo Hoàng, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại lời hiệu triệu và có âm hưởng mạnh trên toàn thế giới, ngài nói: “Đừng sợ, hãy mở cửa lòng đón Đức Kitô.”  Lời mời gọi này được gợi hứng từ chính lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Vậy anh em đừng sợ người ta […] Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 26. 28).

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, vững tâm, trung thành và tín thác nơi Chúa, đừng sợ hãi trước những gian nan thử thách.  Ngược lại, cần có một đức tin vững mạnh và sống động, để sẵn sàng đón nhận mọi hiểm nguy và ngay cả cái chết khi loan báo Tin Mừng Nước Chúa.

1. Đừng sợ!

Trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy có nhắc tới 365 từ ngữ “đừng sợ.”  Như vậy, hàm ý cho thấy rằng: trong một năm với 365 ngày, tương ứng với 365 từ ngữ “đừng sợ,” tức là con người ngày nào cũng phải đối diện với sự sợ hãi.  Vì thế, lời trấn an “đừng sợ” của Đức Giêsu chính là lời làm cho người môn đệ được an ủi trước những sợ hãi, thử thách, đau khổ trong cuộc đời.

Trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước cho các môn đệ về những đau khổ và hệ lụy xảy đến khi các ông loan báo Tin Mừng: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.  Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10, 28).

Đi thêm một bước nữa, như một lời đảm bảo, Đức Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ biết trước những công khó của các ông sẽ không bị rơi vào quên lãng, ngược lại sẽ được Thiên Chúa ghi dấu và thưởng công xứng đáng, Ngài nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.  Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10, 29).

Tuy nhiên, như một điều kiện cần và đủ, đó là: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.  Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32-33).

Khi nói như thế, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang của các Tông đồ và tất cả những ai tiếp bước trên con đường sứ vụ ấy.

2. Đặc tính của người môn đệ

Khi tiếp nhận lệnh truyền của Đức Giêsu về sứ vụ truyền giáo, Giáo Hội đã xác định rất rõ bản chất của mình, đó là truyền giáo.  Vì vậy, là Kitô hữu, chúng ta không có lý do gì để khước từ sứ mạng cao quý này.

Tuy nhiên, nếu đã cùng một sứ vụ với Đức Giêsu, thì chúng ta cũng cùng chung số phận với Thầy của mình.  Nếu Đức Giêsu đã trải qua đau khổ rồi mới tới vinh quang, thì người môn đệ cũng không có con đường nào khác nếu muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Nếu đường của Thầy là đường của trò.  Số phận của Thầy cũng là của trò.  Và nếu Đức Giêsu trước kia đi đến đâu cũng có một số người ủng hộ; một số người dửng dưng; và một số người quyết giết chết Ngài cho bằng được, thì đến lượt chúng ta, con đường êm xuôi, bằng phẳng, nhung lụa, hoa hồng chắn chắn là quá xa lạ.  Ngược lại, thử thách, đau khổ, xỉ nhục, bắt bớ và giết chết lại là điều chắc chắn sẽ đến với những ai đi trên con đường ấy, bởi vì: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ.  Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (Mt 10, 24).

Đứng trước những hệ lụy đó, để được thành công với sứ vụ, người môn đệ cần có những đặc tính sau:

–  Trước tiên là dấn thân:

Nếu vì sợ mà không dám dấn thân thì chưa phải là môn đệ.  Đã là môn đệ thì phải dấn thân, mà dấn thân đồng nghĩa với cái chết.  Người đời thường nói: “Nếu sợ mà không dám vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con”; hay “ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai” (Nguyễn Bá Học).  Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu chính là phải vượt ra khỏi sự an toàn, bảo đảm cho bản thân, để: “Như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16).  Nên chúng ta chấp nhận ngay cả khi bị tổn thương, bắt bớ, tù đầy và cái chết, để miễn sao Tin Mừng được loan báo.

– Thứ đến là không sợ hãi

Chúng ta cũng đọc thấy đây đó những câu chuyện nói về gương kiên trì hay vượt khó của các vĩ nhân. Có những người chấp nhận ngay cả cái chết để bảo vệ quan điểm, lý tưởng và lẽ sống của mình.  Cũng vậy, người môn đệ của Thầy Giêsu khi đã chọn Ngài làm chân lý, sự thật, lẽ sống và cùng đích cho cuộc đời, thì lẽ đương nhiên, chúng ta phải đánh đổi và chấp nhận mọi sự, để bảo vệ và đạt được mục đích ấy.

Cảm nghiệm về vấn đề này, Giáo Phụ Tertullianô đã viết như sau:

“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu.  Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ phải có một tâm tình như Chúa Kitô.  Họ không sợ chết.  Họ không sợ hình khổ.  Họ không sợ bách hại, tại vì họ đã đi cùng một đường với Chúa.  Câu “kẻ muốn theo Ta phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng Kitô hiện hình.  Hèn gì mà trên pháp trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu.  Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi trệch đường”.

 Cuối cùng là biết cậy trông vào Chúa

Thật là mầu nhiệm!  Nếu bình thường, bản tính con người ai cũng rất sợ đau khổ và chết chóc, thế nhưng tại sao những môn đệ của Đức Giêsu lại vững tâm, can trường và liều mạng đến như vậy?  Thưa đơn giản, đó là vì các ngài đã “Tín thác đường đời cho Chúa và tin tưởng vào Ngài” bởi vì: “Ơn ta đủ cho con” (2 Cr 12,9); và “hằng ở với con” (Gr 1,10) “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 26,20).  Chính bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói đến sự an bài quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời của người môn đệ nếu biết cậy trông, phó thác nơi Chúa, Ngài nói: “Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến.  Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi” (Mt 10, 30).

3. Sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, dấn thân lên đường thi hành sứ vụ đến với muôn dân.  Hãy đón nhận mọi thử thách gian khổ trong cuộc đời như một điều kiện cần để đạt được sự sống đời đời.  Luôn biết phó thác và cậy trông nơi Chúa, vì chẳng lẽ chúng ta xin Chúa con cá mà Ngài lại cho con rắn, hay xin bánh lại cho đá?  Không đời nào!  Cũng vậy, những lúc nguy biến và khổ đau, Ngài thường vác chúng ta trên vai; hay trước những thử thách, bất trắc, thất bại trong cuộc đời, chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa đóng của chính thì Ngài sẽ mở ra cho chúng ta cửa sổ; Chúa đóng đường chính, Ngài sẽ mở đường phụ, và biết đâu, cửa sổ hay đường phụ lại tốt đẹp hơn và an toàn hơn cho chúng ta???

Tin tưởng điều đó, chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Chúa, nhất là trung thành với sự thật như lời Ngài đã phán: “Anh em đừng sợ người ta […].  Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 26-27).  Như vậy, không thể vì bất cứ mối lợi gì mà đánh đổi sự thật.  Mất đi sự thật, ấy là chúng ta mất đi căn tính, bởi sự thật thuộc về Thiên Chúa, còn gian dối thuộc về ma quỷ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con trung thành với sứ vụ và đón nhận mọi thử thách đau thương trong cuộc đời. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

SỐT

Nhà văn Mỹ John Updike sau khi lành một căn bệnh nặng đã viết bài thơ có tựa đề Sốt.  Bài thơ kết thúc với câu:  Nhưng có một sự thật đã được biết từ lâu, rằng một số bí mật ta chẳng biết khi khỏe mạnh.

Thực chất chúng ta đã biết điều này, nhưng đó là sự thật cá nhân, không phải là cái gì chúng ta có được trong lớp học, từ cha mẹ hay từ người cố vấn, ngay cả từ giáo lý tôn giáo cũng không.  Những người này chỉ đơn thuần nói đó là thật, hiểu biết tự chính nó không mang đến khôn ngoan.  Như nhà thơ Updike nói, khôn ngoan là qua trải nghiệm cá nhân khi bệnh nặng, khi mất mát lớn hay khi sỉ nhục trầm trọng.

Nhà văn, nhà tâm lý học người Mỹ James Hillman (1926-2011) theo thuyết bất khả tri cũng đi đến kết luận tương tự.  Tôi nhớ đã nghe ông trong một cuộc hội thảo lớn, lúc nói chuyện, ông đã thách thức khán giả của mình về tác động này: Quý vị trung thực và can đảm suy nghĩ và tự hỏi: các kinh nghiệm nào trong đời sống quý vị làm cho quý vị sâu sắc hơn, mang đến cho quý vị cá tính?  Trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ phải công nhận đó là những chuyện sỉ nhục hoặc lạm dụng bạn phải chịu đựng, một kinh nghiệm về bất lực, thất vọng, bệnh tật hoặc bị gạt ra bên lề.  Không phải nhờ những chuyện mang lại vinh quang hay ngưỡng mộ trong cuộc sống mà bạn có được chiều sâu và cá tính, lúc bạn đứng đầu lớp hay lúc bạn là vận động viên ngôi sao.  Những điều này không làm cho bạn có chiều sâu.  Nhưng đúng hơn là kinh nghiệm bất lực, mặc cảm, là những chuyện làm bạn trở nên khôn ngoan.

Tôi còn nhớ khi còn là sinh viên sắp tốt nghiệp, tôi dự một loạt các buổi diễn thuyết của nhà tâm thần học nổi tiếng người Ba Lan, Kasmir Dabrowski, ông viết một số sách chung quanh khái niệm mà ông gọi là, “sự tan rã tích cực.”  Luận điểm thiết yếu của ông đưa ra, bằng cách tan rã chúng ta mới phát triển đến mức cao nhất của trưởng thành và khôn ngoan.  Một lần, trong một bài diễn thuyết có sinh viên hỏi ông: “Tại sao chúng ta lớn lên nhờ các kinh nghiệm tan rã như lâm bệnh, gục ngã hay bị sỉ nhục?  Sẽ hợp lý hơn không nếu chúng ta lớn lên qua kinh nghiệm tích cực khi được yêu, được khẳng định, thành công, khỏe mạnh và được ngưỡng mộ sao?  Có nên rèn luyện lòng biết ơn trong chúng ta và từ lòng biết ơn, chúng ta sẽ trở nên quảng đại và khôn ngoan hơn không?”

Ông trả lời: Về lý thuyết, sự trưởng thành và khôn ngoan nên phát triển từ những kinh nghiệm mạnh và thành công; và có thể trong một số trường hợp, đúng là thế.  Tuy nhiên, là bác sĩ tâm thần, tất cả những gì tôi có thể nói là trong bốn mươi năm hành nghề, tôi chưa bao giờ thấy.  Tôi chỉ thấy mọi người trưởng thành hơn nhờ kinh nghiệm tan vỡ.

Có vẻ như Chúa Giêsu đồng ý với điều này.  Chúng ta lấy ví dụ đoạn Tin Mừng khi ông Giacôbê và Gioan đến hỏi Chúa Giêsu họ có thể ngồi bên tả, bên hữu Ngài khi Ngài vinh quang không.  Đáng chú ý là Ngài nghiêm túc trả lời câu hỏi của họ.  Ngài không quở trách họ (trong trường hợp này) vì đã tìm kiếm vinh quang cho riêng mình; thay vào đó, Ngài xác nhận lại thế nào là vinh quang và con đường đến đó.  Ngài hỏi họ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”  Họ ngây thơ trả lời: “Thưa được!”  Chúa Giêsu sau đó nói với họ về một điều mà họ còn ngây thơ hơn.  Ngài nói với họ, “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

Chén nào?  Làm thế nào uống chén này lại là con đường đưa đến vinh quang?  Và tại sao chúng ta không thể nhận được vinh quang ngay cả khi chúng ta uống chén này?

Chén này sẽ được tiết lộ sau đó, là chén đau khổ, chén sỉ nhục, chén mà Chúa Giêsu uống trong sự thương khó và cái chết của Ngài, chén mà ở Giétsêmani khi hấp hối, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha: “Nếu được, xin Cha cất chén này cho con!”

Về cốt lõi, những gì Chúa Giêsu nói với ông Giacôbê và Gioan là như sau: Không có con đường nào đến với Chúa Nhật Phục Sinh mà không qua ngày con đường Thứ Sáu Tuần Thánh.  Không có con đường đến chiều sâu và khôn ngoan trừ con đường đau khổ và sỉ nhục.  Sự kết nối là nội tại, giống như sự đau đớn và rên rỉ của người phụ nữ là cần thiết khi sinh con.  Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng nói, đau khổ sâu đậm sẽ không tự động mang lại khôn ngoan.  Tại sao?  Bởi vì, nếu có một mối liên hệ nội tại giữa đau khổ sâu sắc và một cái gì sâu đậm lớn hơn trong đời sống chúng ta, đó là cái bẫy, sự đau khổ trong chua cay có thể dìm chúng ta trong cay đắng, giận dữ, ghen tị và hận thù, nhưng nó cũng dễ dàng làm cho chúng ta chìm đắm trong lòng trắc ẩn, tha thứ, thông cảm, và khôn ngoan.  Chúng ta có thể có nỗi đau, và chúng ta không có được khôn ngoan.

Sốt!  Triệu chứng chính của việc bị nhiễm Covid-19 là sốt cao.  Sốt bây giờ đã bao vây thế giới chúng ta.  Hy vọng sau khi nó làm tăng một cách nguy hiểm nhiệt độ cơ thể và tâm hệ, nó cũng cho thấy một vài bí mật được giấu kín của sức khỏe.  Đó là những bí mật nào?  Chúng ta chưa biết.  Chúng chỉ được vén mở bên trong cơn sốt.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐỪNG NHƯ THÓI QUEN

“Yêu chậm lại một chút để thấy ta cần nhau hơn,” câu hát trong tác phẩm Đừng Như Thói Quen của Jaykii và Ngọc Duyên như một thông điệp đã thu hút hàng triệu con tim trên kênh Youtube.  Sống như thói quen, nhịp sống mỗi ngày của chúng ta đã trở nên quá vội vã, quá đầy, đến nỗi không còn thời gian, không còn chỗ trống nào để thư giãn, để có những không gian riêng.  Trong những chuỗi ngày bận rộn, chúng ta hay chôn mình vào công việc để thời gian đi qua quá nhanh, mà thiếu để ý đến những người mình yêu quý nhất.  “Chỉ cần một khoảng trống, … chỉ cần dành một phút để hỏi em [hỏi anh] về ngày hôm nay.”  Câu hát của hai ca sĩ trẻ như một lời năn nỉ, đánh thức và hâm nóng lại những tâm hồn, những con tim đang sống như quá tải, đang dần héo khô trong những sinh hoạt máy móc, trong những ứng xử nguội lạnh thiếu tình người.  Chậm lại một chút, cho nhau một không gian trống để thấy, để hiểu và để yêu hơn.

Những khoảng không gian trống và thời gian chậm lại, phải chăng là một trong những món quà mà không ai ngờ và cũng chẳng ai muốn trong suốt mấy tháng vừa qua.  Phải công nhận rằng cơn đại dịch Covid-19 đã và đang làm xáo trộn mọi nếp sống cũng như thói quen sinh hoạt hằng ngày của mọi người khắp nơi trên thế giới.   Thay vì mỗi ngày đến trường, các em học sinh, sinh viên một mình khép mình vào những căn phòng riêng, thu mình vào Zoom hay Teams để được thụ huấn hay tiếp nhận sự dạy dỗ.  Thay vì hằng ngày lái xe tới chỗ làm, chúng ta phải cách ly với bạn bè, hàng xóm và cộng đoàn, tách biệt với những sinh hoạt bên ngoài.  Thay vì đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật, chúng ta lại tụ họp cầu nguyện và bẻ bánh với nhau, cảm nhận Mình và Máu Thánh Chúa cách thiêng liêng trong những Thánh Lễ trực tuyến.  Người người đều cảm nhận mùa xuân 2020 âm thầm qua khung cửa sổ.  Tuy nhiên, cũng chính những sự xáo trộn đó lại ép, lại lôi kéo, hay cũng có thể nói, mời gọi chúng ta thoát ra khỏi những thói quen, giúp chúng ta suy tư, kiểm chứng và nhìn lại những giá trị đời sống đức tin và cách hành xử của những người mang danh là Kitô hữu.

Hôm nay Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, cũng trong không gian của thánh lễ này, chúng ta dành ra một khoảng trống và thêm chút thời gian để suy niệm những bài Kinh Thánh, để nhìn ra Nhiệm Thể Chúa Kitô hôm nay một cách rõ ràng hơn, và cũng để thấy ta cần và yêu mến nhau không như một thói quen.

Hơn lúc nào hết có lẽ trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta cảm nghiệm được một cách gần gũi hơn những dòng chữ của Thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu Côrintô, “chúng ta tuy nhiều người nhưng cũng chỉ là một thân thể.”  Như thói quen, điều đầu tiên cả thế giới đổ dồn công sức vào là đi tìm ra được nguyên nhân và nguồn gốc của Covid-19 cũng như cách thức mà con virus này lây nhiễm.  Nhưng tiếc thay, một số người lại lợi dụng những thông tin đó để đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm, và lên án lẫn nhau trên diễn đàn thế giới.  Dừng lại một chút, kiểm chứng lại nguyên nhân của nạn đại dịch Covid này, chúng ta mới nhận ra mình thật cần nhau.  Như một đốm lửa gây nên cháy rừng, nghĩ cho cùng nạn dịch Covid đang làm cả thế giới đảo điên cũng là hậu quả của những hành động thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân có lẽ đã coi thường vai trò trách nhiệm của mình.  Một bữa ăn thôi, một món nhậu mà ăn nhằm gì hay có hại gì tới ai chứ?  Thật là những suy nghĩ sai lầm nghiêm trọng.  Kinh nghiệm trước mắt, một người hồ đồ, cả thế giới điêu đứng vì thật ra chúng ta tuy nhiều nhưng đều thuộc vào cùng một thân thể.  Nếu nghĩ được như vậy và nhận ra được hậu quả trước mắt như thế, thì xin đừng như thói quen, hãy kiểm chứng lại lối sống, hành động thiếu suy nghĩ của mình, từ chuyện tưởng chừng như rất nhỏ như xả rác không đúng nơi quy định, xài đồ phung phí không biết tái chế (recycle), tới những trách nhiệm xã hội lớn hơn như đăng tải bừa bãi trên mạng xã hội, tham nhũng hay trốn thuế, khai gian tiền chính phủ, v.v…  Tuy là những chi thể rất nhỏ, nhưng hết mọi người chúng ta đều thuộc về một thân thể và rất cần nhau.  Vì thế hãy ý thức rằng những việc chúng ta làm cho dù nhỏ đến đâu, cũng đều ảnh hưởng lẫn nhau.

Đối diện với những ràng buộc và giới hạn vì ảnh hưởng của Covid-19, chúng ta không được tới nhà thờ tham dự thánh lễ, thông dự phần mình vào mầu nhiệm Ngôi Hai Cứu Chuộc một cách trực tiếp.  Có lẽ điều chúng ta nhớ nhất chính là cái không gian sống động khi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô qua lời truyền phép của vị chủ tế.  Đặc biệt hơn nữa, chúng ta khao khát được rước Mình và Máu Thánh Chúa vào tâm hồn, để trở nên một với Người.  Tuy nhiên, khi chẳng được rước Mình và Máu Thánh Chúa thật, chúng ta lại tiếp tục xin “Chúa ngự vào lòng con cách thiêng liêng.”  Phải chăng, trong không gian không như thói quen của thánh lễ trực tuyến, chúng ta dừng lại một chút để nhìn ra rõ ràng hơn sự tinh tế siêu việt của mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa ngự và ở cùng mỗi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Phải chăng lúc trước, như thói quen, chúng ta rời nhà để đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ.  Còn bây giờ, qua thánh lễ trực tuyến, nhà thờ được hiện diện ngay giữa phòng khách, phòng ăn của mỗi gia đình.  Và như thế, trong cái không gian không như thói quen hôm nay, nghi thức sám hối đầu lễ và nghi thức chúc bình an cho nhau trước khi rước lễ, không còn là những câu kinh thông thường hay cái bắt tay hời hợt với những người chúng ta mới gặp, mà là cử chỉ chân tình với chính những người thân yêu đang đứng hay ngồi ngay bên cạnh chúng ta.  Phải chăng lúc trước, như một thói quen, khi đi lên rước Mình Thánh Chúa, dù ít hay nhiều, dù muốn dù không, chúng ta cũng hay bị chia trí, tệ hơn nữa, là phân biệt, dèm pha rồi xét đoán “người được rước lễ” và “người không được rước lễ,” “người lên rước lễ” và “người không lên rước lễ.”

Còn giờ đây, rước lễ thiêng liêng trong thánh lễ, không như thói quen, cho chúng ta thấy nỗi khát khao “như nước hoà chung với rượu” của tất cả mọi người đang tham dự mong mỏi cùng được “thông phần vào bản tính của Đấng đã làm người như chúng ta.”  Phải chăng lúc trước, như một thói quen, chúng ta hướng lòng tập trung vào những nghi thức diễn ra trên bàn thờ.  Trong thánh lễ trực tuyến trên Zoom, không như thói quen, chúng ta thật sự phải để ý kỹ càng hơn người chúng ta muốn thấy, tiếng chúng ta muốn nghe hay vẫn còn những anh chị em ẩn mình sau những khung hình hay sau một cái nút bấm không hiển thị trên bàn phím.  Dừng lại một chút, qua những vắng mặt của người anh chị em này, chúng ta thấu cảm được Nhiệm Thể Đức Kitô ngày hôm nay vẫn còn mang trên mình những vết thương cần được chữa lành và cảm thông.

Trong hoàn cảnh Covid hiện tại, trong cái không gian và thời gian hoàn toàn mới lạ không như thói quen này, câu hát mở đầu xin đổi lại thành câu cầu nguyện, mời gọi mọi người sống yêu mến chân tình hơn.  “Lạy Chúa! Xin giúp con tham dự Thánh Lễ trực tiếp hay trực tuyến chậm lại một chút – thêm một khoảng trống, thêm một phút nữa – để chiêm ngắm Mình Máu Thánh Chúa đang ngự vào lòng con cách trực tiếp hay cách thiêng liêng.  Và như thế, con có thể nhìn rõ Nhiệm Thể Đức Kitô nơi tất cả những người anh chị em con, để con biết con cần Chúa, cần nhau và yêu thuơng nhau nhiều hơn.”

Hưng Phạm, SJ – CTV Vatican News

LƯƠNG THỰC THẦN LINH

Là người Việt Nam, hầu như ai cũng biết, hoặc được nghe kể lại về nạn đói năm Ất Dậu 1945.  Đây là một vết thương lớn không phai trong lòng người dân Việt.  Một khi cơn đói cồn cào, họ tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể ăn được dù đó là những củ chuối ngoài đồng, hay các lá non của cây cỏ, thậm chí ngay cả đến những con rắn mối, thằn lằn họ cũng bắt và cho vào miệng ăn không chút đắn đo.  Nhưng cuối cùng những con người xấu số ấy cũng bị tử thần cướp đi vì đói.

Ngày nay, chuyện chết đói nào đâu đã hết, các nước nghèo trên thế giới vẫn còn thảm cảnh này xẩy ra.  Chúng ta hãy xét đến sự tương trợ nhau phát sinh từ tình yêu nhân loại.  Tuy cũng có viện trợ và giúp đỡ nhưng vẫn chưa bù đủ vào con số đói nghèo trên thế giới.

Trong lãnh vực niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa, hôm nay lễ Mình và Máu Thánh Chúa.  Đây chính là lương thực thần linh nuôi sống linh hồn tín hữu chúng ta.  Trong tiếng La Tinh “Corpus Christi” nghĩa là “Thân Thể Chúa Kitô.”  Chúng ta cùng nhau tìm hiểu tình yêu trao ban của Ngài đối với nhân loại chúng ta.

1. Bánh nuôi nhân loại

Trong bài đọc một, sách Đệ nhị luật đã trình thuật việc dân Do Thái được Thiên Chúa Giavê bảo vệ và dẫn đưa ra khỏi đất Ai Cập, thoát khỏi hoang địa và nọc rắn độc.  Thiên Chúa đã khiến nước từ tảng đá vọt chảy ra và cho Manna nuôi dân sống để tiến về đất hứa.  Còn trong Tin Mừng chúng ta cũng thấy những phép lạ được nhân lên qua bánh và cá.  Với năm chiếc bánh và hai con cá đã trở thành lương thực nuôi được 5000 người, sau đó thu lại còn dư những 12 thúng vụn.  Riêng bài Phúc Âm hôm nay Chúa không còn dùng hình bóng hay úp mở gì nữa mà Người đã xác định với dân của Ngài: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời, và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống.”

Quá hiển nhiên và rõ ràng.  Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã trở nên lương thực cho linh hồn ta ăn.  Con Chiên vượt qua lại càng rõ và tiêu biểu hơn.  Hình ảnh này được yêu chuộng đến độ chính Chúa Giêsu cũng được xưng tụng là: “Chiên Thiên Chúa.”

Đọc Tin mừng, cả ba tác giả của Phúc Âm nhất lãm đều đề cập đến bữa tiệc ly.  Chính trong bữa ăn tối này Bí tích Thánh Thể được thiết lập, và một lễ vượt qua cũ được chuyển đổi sang lễ vượt qua mới.  Biến cố làm nên nhiệm tích Thánh Thể chính là cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô.  Qua tình yêu này chúng ta thấy Thánh Thể ban cho chúng ta ví như một tuyệt tác và tặng ân của Ba Ngôi Thiên Chúa, toàn thể Ba ngôi đều cộng tác vào việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể: Ngôi Con tự hiến, Ngôi Cha đón nhận hiến lễ, và nhờ Ngôi Thánh Thần Ngôi Con hiến tế cho Ngôi Cha.

2. Thông hiệp với Mình và Máu Chúa Kitô

Theo tự nhiên, khi chúng ta ăn thực phẩm, dạ dày sẽ bóp, nghiền và biến thành chất bổ để châu lưu nuôi sống con người.  Khi chúng ta rước lễ, chúng ta cũng được thông hiệp với mình và máu Chúa Kitô.  Thánh Phao lô đã viết: “Chén chúc tụng Ta cầm lên tạ ơn không phải là thông phần Máu Chúa Kitô sao?  Và bánh Ta bẻ ra không phải là thông phần Mình Chúa Kitô sao?” (1 Cr. 10,16).  Mỗi lần hiệp lễ linh hồn và con tim chúng ta trở nên cung điện của Chúa Ba Ngôi cực thánh, và khi Thiên Chúa đến, thì toàn thể thiên đàng cũng hộ giá và đến với chúng ta.  Tình yêu Thiên Chúa chiếm trọn tâm hồn và chúng ta bước vào sự thông hiệp nhiệm mầu, xác thực, sâu xa với cả Ba Ngôi.

Hơn nữa, chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng: khi hiệp lễ, chúng ta mở cửa tâm hồn ra đón nhận Chúa Giêsu ngự vào.  Ngài là vị thượng khách của linh hồn ta.  Chúng ta cũng nhận ra khi thân xác đói khát sẽ trở nên thờ thẫn và yếu đuối, nhưng khi đã no nê thì trở nên nhanh nhẹn và tỉnh táo.  Linh hồn một khi được no thỏa bởi Mình và Máu Thánh Chúa cũng vậy.  Khi ấy, căn nhà tăm tối sẽ trở nên sáng láng, căn phòng lạnh lẽo sẽ trở nên ấm áp.  Sự đói khát tình yêu sẽ bù đắp vào thay thế một hạnh phúc đầy tràn dư dật.  Lúc ấy, hết thảy những ai lãnh nhận từ tình yêu cách chân thật, thì họ cũng ban phát tình yêu ấy một cách tràn đầy.  Thánh Thể Chúa là lò sưởi ân tình.  Chúa phán: “Hết thảy những ai đến với Ta, họ sẽ không còn đói khát.”  Sở dĩ Chúa xác định cách cụ thể như vậy vì chính lúc đó họ đã hoà nhập với Đấng Toàn Yêu của họ, và cũng từ nơi ấy, họ học được Tình Yêu từ Thầy Chí Thánh của họ: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”

3. Cảm nhận của Tình Yêu

Trong lời nói chậm rãi và trịnh trọng, tựa như một di chúc vọng ra sự truyền khiến, căn dặn tràn ngập ân tình: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.”  Chúng ta có nhận ra đây là một kho tàng, gia tài vô giá mà Thiên Chúa đã để lại qua “Di chúc” của Ngài.  Thử hỏi xem có người con hiếu thảo nào lại không thi hành di chúc của cha mẹ?  Xét về lãnh vực thiêng liêng đây là kho báu Đức Giêsu Kitô để lại cho nhân loại.  Kho tàng tình yêu không bao giờ tàn phai hay hủy hoại.  Kho tàng Thánh Thể Chúa Kitô.  Cảm nhận tình yêu của Chúa đối với chúng ta, thì chúng ta cũng có sự đáp lại ân tình ấy.  Thánh Thể Chúa đợi mong ta từng giây phút, ao ước ta no thoả Ngài trong mọi phút giây.  Ngài là Tình Yêu, mà đặc tính của tình yêu là trao tặng, cho đi.  Đáp trả ân tình, chúng ta hãy đến với Thánh Thể bằng sự chiêm niệm với tâm tình người con hiếu thảo.  Thánh Thể và Chiêm niệm là hai con đường dẫn linh hồn người tín hữu đến tận hưởng Thiên Chúa, làm cho linh hồn kết hợp mật thiết với Chúa cách hạnh phúc và no thoả.  Tuy nhiên Thánh Thể mang tính khách thể, còn Chiêm niệm thiên về niệm hướng.  Tuy có phần khác biệt hay độc lập nhau chút ít thế nhưng cốt lõi vẫn là một trao đổi tình yêu.  Bảo rằng tôi kính thờ Thánh Thể nhưng không bao giờ hướng lòng chiêm ngưỡng thì sao gọi được là đầy tràn tình yêu?  Thủy triều càng dâng cao thì những vẩn đục của giòng sông sẽ loãng lỏng dần rồi trở nên trong sạch hoàn toàn.  Do đó tính phủ bọc và tha thứ của Thánh Thể tình yêu cũng luôn biến đổi chúng ta như thế.  Miễn là chúng ta biết đáp trả lại tiếng gọi “Ta khát” liên tục phát ra trong nhà tạm hằng giây, hằng phút.  Tiếc thay!  Ngày nay cũng như ngày xưa, sự thờ ơ, lãnh đạm của tâm dạ con người thường hay đổi thay như chong chóng.  Vào thời Chúa Giêsu, dân chúng cũng đã tung hô Ngài, nhưng sau đó lại hô to tiếng: “Đóng đinh nó vào thập giá.”  Thì ngày nay trong các nhà tạm trên thế giới, Chúa Giêsu Thánh Thể cũng vẫn luôn cô đơn và chờ đợi.  Phải, Ngài chẳng cô đơn sao được khi chính những con cái Ngài thương yêu hết mực lại quay đầu chống lại Chúa.  Một Giuđa đã chứng minh cho nhân loại nhận ra sự bội phản không một chút thể hiện sám hối.  Hơn nữa, những linh hồn sống trong tội lỗi vẫn chưa trở lại giao hòa với Chúa, họ tiếp tục sống trong tình trạng chết phần linh hồn.  Những thái độ này là nguyên nhân làm cho Thánh Thể Chúa tiếp tục “khát.”  Vậy hỡi nhân loại!  Hãy mau thay đổi và hoán cải, và tức tốc an ủi Chúa đang ngày đêm cô đơn, giam cầm trong nhà tạm vì thiếu sự đáp trả tình yêu của loài người.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con ao ước và quyết tâm sống kết hợp mật thiết với Chúa, con luôn cố sống trong sạch để linh hồn con trở thành nhà tạm và đền thờ chứa Chúa Thánh Thể.  Con tin Thánh Thể Chúa chính là Con Đức Chúa Cha xuống thế làm người đã giáng sinh ở Belem vào đêm đông giá lạnh.  Con tin Tấm Bánh thần linh ngự trong các nhà tạm thánh chính là Đấng đã chết treo trên thập giá trên đồi Golgotha để qua cái chết, Chúa hủy diệt tội lỗi.  Con vững tin hơn cả qua sự phục sinh của Chúa để hủy diệt sự chết.  Tất cả là tình yêu, tất cả vì sự cứu độ trần gian.

Lạy Mẹ Maria, bằng tiếng Xin Vâng, Cung lòng Mẹ đã trở nên nhà tạm để Chúa Giêsu cư ngụ.  Xin Mẹ cầu cho chúng con luôn biết trang điểm nhà tạm linh hồn mình bằng những quà tặng của đức bác ái để xứng đáng cho Chúa Giêsu con của Mẹ mãi mãi hiện diện trong tâm hồn con.

Br. Nguyễn Kim Thanh

THƯ CỦA MỘT LINH MỤC HẤP HỐI GỬI CHO CHÚA

“Con sợ rằng, vào giờ sau hết, con sẽ có chung một ý tưởng như mẹ con đã có khi bà lìa đời.  Ý tưởng đó là, con chết mà thấy mình chẳng có công nghiệp gì, có thể nói là trắng tay, vì không gì Chúa gửi đến mà lại quá sức con…”

Cha José Luis Martín Descalzo người Tây Ban Nha, một phóng viên, một nhà văn, cũng là con út trong một gia đình công giáo đạo đức gồm bốn anh chị em.  Ngài tốt nghiệp khoa Lịch Sử và Thần Học của Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô tại Rome, thụ phong linh mục năm 1953.  Ngài làm việc trong tư cách giáo sư và giám đốc tại một công ty kịch nghệ; và trong thời gian diễn ra Công Đồng Vaticano II, cha José Luis Martín Descalzo là một thông tín viên.

Là một nhà báo, cha José đã điều hành nhiều tạp chí khác nhau và một chương trình truyền hình.  Ngài đã viết nhiều tác phẩm văn chương, một số được biết đến nhiều nhất là “Cuộc Đời và Mầu Nhiệm Của Chúa Giêsu thành Nazareth”, “Những Lý Do Để Sống”, “Những Lý Do Để Hy Vọng”, “Những Lý Do Để Yêu Thương” và “Những Lý Do Cho Đời Sau”, vốn tích hợp nhiều đề mục liên quan đến các biến cố thực và cuộc sống thường ngày.

Cha José Luis Martín Descalzo đã dâng trọn đời mình cho thiên chức linh mục; ngài nguyện trung thành với ơn gọi một cách đơn sơ nhưng sâu lắng.  Từ lúc còn trẻ, trải qua những cơn đau tim và thận suy nghiêm trọng, ngài đã phải lọc máu nhiều năm.  Sống trọn vẹn những giờ khắc hiện tại Chúa ban, Ngài không ngừng toả lan niềm hy vọng cho đến lúc lìa đời tại Madrid ngày 11 tháng 6 năm 1991.  Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết cuối cùng của ngài trước khi ngài ra đi, đó là một lá thư gửi cho Thiên Chúa, chất chứa những tâm tình quý giá đáng cho chúng ta nghiền ngẫm và chia sẻ.

“‘Con cám ơn Chúa’, những lời này sẽ gói trọn tất cả những gì con muốn gửi đến Ngài, lạy Thiên Chúa, tình yêu của con; bởi lẽ, đó cũng là tất cả những gì con muốn thưa lên cùng Chúa, ‘Cám ơn Chúa’, ‘Cám ơn Chúa’.  Đứng từ chỏm núi cao nhất của 55 năm đời mình, con nhìn lại và dường như không thấy gì khác ngoài những dãy núi trùng trùng điệp điệp bất tận của tình yêu Chúa.  Lịch sử đời con, chẳng chỗ nào lại không được rọi sáng bởi lòng thương xót Chúa dành cho con; ở đó, đã không một giây phút nào mà con đã không nghiệm ra một sự hiện diện yêu thương đầy tình phụ tử của Chúa đêm ngày chăm bẵm linh hồn con.

Ngay mới hôm qua, một người bạn vừa nghe biết vấn đề sức khoẻ của con gửi cho con một bưu thiếp; trong đó, đầy phẫn nộ, cô bạn viết cho con những lời này, “Một sự giận dữ lớn lao xâm chiếm toàn thân con, và con đã nổi loạn với Chúa vì đã để cho một người như cha phải khốn khổ.  Một điều gì đó thật đáng thương!  Cảm xúc nơi cô đã khiến cô mù loà để không trông thấy sự thật.  Đó là đang khi con chẳng còn quan trọng gì so với bất cứ ai, thì trọn đời con đã là một chứng từ cho sự sống và niềm tin.  Suốt 55 năm đời con, con đã đau khổ hơn nhiều lần dưới bàn tay người đời; bao lời nộp rủa và sự vô ơn cũng như cô đơn và hiểu lầm.  Vậy mà, từ nơi Ngài, con đã không nhận được gì khác ngoài những cử chỉ âu yếm bất tận, kể cả cơn đau sau cùng của con.

Trước hết, Chúa cho con sự sống, kỳ diệu thay con được làm người, để con vui thoả cảm nhận sự mỹ miều của thế giới.  Cho con niềm vui trở nên một phần của gia đình nhân loại; cho con vui sướng vì biết rằng, cuối cùng, khi con đặt mọi sự lên bàn cân thì những vết cắt, những thương tích luôn luôn ít hơn tình yêu lớn lao mà cũng chính những con người đó đã đặt lên đĩa cân bên kia của đời con. Dường như con khá may mắn hơn những người khác thì phải.  Có thể.  Nhưng giờ đây, làm sao con có thể vờ vịt làm một kẻ bị đọa đày của nhân loại khi biết chắc một điều là, con đã được đỡ nâng và cảm thông nhiều hơn là những khó nhọc.

Hơn thế, cùng với quà tặng làm người, Chúa còn cho con quà tặng đức tin.  Ngay từ thời thơ ấu, con cảm nhận sự hiện diện của Ngài hằng bao bọc con; với con, xem ra Chúa thật dịu hiền.  Nghe đến danh Ngài, con chẳng hề sợ hãi bao giờ.  Linh hồn con, Chúa đã trồng vào đó những khả năng phi thường: khả năng nhận thức, con đang được thương yêu; khả năng cảm biết, mình đang được cưng chiều; khả năng trải nghiệm sự hiện diện mỗi ngày của Chúa trong từng giờ khắc lặng lẽ trôi.  Con biết, vẫn có một ít người nguyền rủa ngày họ chào đời, họ thét lên với Chúa rằng, họ không cầu xin để được sinh ra; con cũng chẳng cầu xin điều đó, vì trước đó làm gì có con.  Nhưng nếu con biết đời mình là gì, hẳn con vẫn sẽ van nài cho được hiện hữu, một sự hiện hữu như Ngài đang ban cho con.

Con thiết nghĩ, vẫn là tuyệt đối cần thiết để được sinh ra trong mái gia đình mà Chúa đã chọn cho con.  Hôm nay con sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì con sở hữu chỉ để được lại ba mẹ và anh chị em con như con đã được.  Tất cả họ là những chứng nhân sống động cho sự hiện diện của tình yêu Chúa; qua những người thân yêu đó, con dễ dàng học biết Chúa là ai.  Nhờ họ mà việc kính mến Chúa yêu thương người của con nên dễ dàng hơn rất nhiều.  Thật vô lý nếu không yêu mến Chúa cũng như không dễ gì để có thể sống đắng cay.  Hạnh phúc, niềm tin và lòng tín thác tựa hồ món bánh kem mà mẹ con luôn luôn dọn sẵn sau bữa cơm chiều, một món gì đó gần như chắc chắn không thể không có; hôm nào không có bánh kem thì thật đơn giản, chỉ vì không có trứng chứ không phải tình yêu đang thiếu đi.  Con cũng học biết rằng, đau khổ là một phần của cuộc vui; đau khổ không phải là một lời nguyền rủa nhưng là một phần cho cái giá của sự sống, một điều gì đó vốn không bao giờ đủ để lấy mất niềm vui của chúng con.

Nhờ tất cả những điều ấy, giờ đây con cảm thấy thẹn thùng khi nói lên và rằng, cơn đau không làm con đau, đắng cay không làm con cay đắng.  Được như thế, không phải vì con can trường nhưng đơn giản chỉ vì ngay từ tấm bé, con đã học nhìn ngắm những khía cạnh tích cực của cuộc sống và tập bước đi trong những vùng tối tăm; để rồi khi chúng ập đến, chúng không quá tăm tối nhưng chỉ hơi xám một chút.  Một người bạn khác vừa viết cho con trong mấy ngày qua rằng, con có thể chịu đựng được việc lọc máu cùng lúc khi “con say Chúa.  Điều này, với con, xem ra hơi quá đáng và cường điệu.  Bởi vì ngay từ thuở nằm nôi, con đã ngất say với sự hiện diện tự nhiên của Ngài, lạy Chúa, và trong Ngài, con luôn cảm thấy cứng cáp để chịu đau đớn hoặc cũng có thể chỉ vì đau đớn thật sự Chúa đã không gửi đến cho con.

Đôi khi con nghĩ, con thật “quá đỗi may mắn.  Các thánh đã dâng Chúa bao điều lớn lao, còn con, đã không bao giờ có gì đáng giá để dâng Ngài.  Con sợ rằng, vào giờ sau hết, con sẽ có chung một ý tưởng như mẹ con đã có khi bà lìa đời.  Ý tưởng đó là, con chết mà thấy mình chẳng có công nghiệp gì, có thể nói là trắng tay, vì không gì Chúa gửi đến mà lại quá sức con; cũng không phải ngay cả sự cô đơn hay phiền muộn Chúa trao cho những ai thực sự thuộc về Ngài.  Tha lỗi cho con, nhưng con sẽ làm gì đây khi Chúa không bao giờ bỏ con?  Đôi lúc con cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng, con sẽ chết mà không được ở bên Chúa trong vườn Ôliu, không được trải qua hấp hối của mình trong vườn cây dầu.  Chỉ bởi Chúa, con không hiểu tại sao, không bao giờ để con vắng mặt trong các Chúa Nhật Lễ Lá dù con phải nằm bệnh viện triền miên.  Thi thoảng, trong những giấc mơ anh hùng của mình, con từng nghĩ táo bạo rằng, lẽ ra con cần trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin để tự chứng tỏ cho Chúa thấy.  Người ta nói, lòng tin đích thực được chứng tỏ nơi thập giá đang khi con chưa bao giờ gặp phải bất kỳ một thập giá nào ngoài đôi tay mơn trớn dịu hiền của Ngài.

Đó chẳng phải vì con tốt lành hơn những người khác.  Tội lỗi tiềm ẩn trong con, nó sâu sắc làm sao… Chúa với con cùng biết.  Sự thật là ngay cả vào những thời khắc tồi tệ nhất, con vẫn chưa trải nghiệm được cái nghiệt ngã của bóng tối sự dữ, bởi lẽ, ánh sáng Chúa đã đêm ngày chiếu soi con.  Ngay trong khổ đau, con vẫn thuộc về Chúa; quả vậy, tình yêu Chúa dành cho con xem ra càng tăng thêm mỗi khi con lỗi tội nhiều hơn.

Con cũng đã tựa nương vào Chúa suốt những thời điểm bách hại và khó khăn.  Chúa biết, ngay cả trong những chuyện thế gian, thì ở đó, bên con, luôn luôn có nhiều người tốt hơn kẻ bội phản.  Vì lẽ, cứ mỗi lần hiểu lầm, con lại nhận được những mười nụ cười.  Con thật may mắn vì sự dữ không bao giờ phương hại được con; và quan trọng nhất, sự dữ không bao giờ có thể làm nội tâm con cay đắng.  Ngay đến cả những trải nghiệm tồi tệ cũng làm gia tăng trong con sự khát khao được nên trọn lành và kết quả là, con có những người bạn hết sức bất ngờ.

Rồi, Chúa đã gọi con, kỳ diệu thay!  Con là linh mục, một điều không thể, Chúa biết điều đó… nhưng với con, con biết, thật nhiệm mầu.  Hôm nay hẳn con không còn nhiệt huyết với mối tình trẻ như những thuở đầu; nhưng may thay, thánh lễ đã không bao giờ chỉ là một thói quen thường nhật và con vẫn run lên mỗi khi giải tội.  Con vẫn cảm nhận niềm vui vô bờ khi đang ở đây để có thể nâng đỡ người khác, cũng như niềm vui hiện diện để rao truyền danh Chúa cho anh em.  Chúa biết, con vẫn sùi sụt khóc mỗi khi đọc lại dụ ngôn đứa con hoang đàng; nhờ ơn Chúa, con vẫn xúc động mỗi lần đọc Kinh Tin Kính ở phần nói đến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa.

Dĩ nhiên, quà tặng lớn nhất của Chúa là chính Con Một, Chúa Giêsu.  Ngay cả khi con là con người đáng thương nhất hoặc khi khổ đau vẫn cứ đeo bám con mọi ngày trong đời thì con biết rằng, con sẽ chỉ nhớ đến Chúa Giêsu mà vượt qua chúng.  Việc ý thức Chúa đã nên một người như chúng con giúp con giao hòa với những thất bại và trống rỗng của mình.  Vậy tại sao lại có thể buồn một khi biết rằng, Chúa đã bước những bước trên hành tinh này.  Còn gì dịu dàng hơn việc chiêm ngắm khuôn mặt sầu bi của Mẹ Maria?

Hẳn con đang hạnh phúc, sao mà không hạnh phúc được?  Con đang hạnh phúc ngay đây dẫu đang ở ngoài vinh quang thiên đàng.  Chúa hãy nhìn xem, con đâu sợ chết, nhưng con không vội đến đó.  Liệu con được gần Chúa hơn khi đến đó so với bây giờ không?  Thật là kỳ diệu, có thiên đàng ngay khi chúng con có thể yêu mến Chúa.  Cabodevilla, bạn con, nghĩ đến một điều gì đó khi nói, “Chúng ta sắp chết mà không biết đâu là quà tặng tuyệt vời nhất của Chúa, hoặc Chúa yêu mến chúng ta hoặc Chúa cho chúng ta mến yêu Ngài.

Vì lý do này, con đau lòng biết bao khi ai đó coi thường cuộc sống của họ.  Quả thật, mỗi người chúng con đang làm một điều gì đó cao cả hơn vô vàn so với phận mình, phàm phu tục tử; đó là yêu mến Chúa và cộng tác với Chúa trong việc kiến tạo một toà nhà bát ngát bao la của tình yêu.

Con cảm thấy không ổn khi nói rằng, chúng con làm vinh quang Chúa ở thế gian này; nói thế thì thật quá đáng.  Con tin rằng, con sẽ vui thỏa khi con gối đầu vào tay Chúa để Chúa có cơ hội vỗ về con, thế thôi.  Việc nói rằng Chúa sẽ ban thiên đàng cho chúng con như một phần thưởng khiến con thầm cười.  Phần thưởng cho cái gì đây?  Chúa thật đáo để khi vừa ban thiên đàng vừa cho chúng con cảm thấy mình xứng đáng với điều đó.  Chúa quá biết, chỉ tình yêu mới có thể đáp đền tình yêu.  Hạnh phúc không là kết quả cũng không là hoa trái của tình yêu; tình yêu tự nó là hạnh phúc.  Nhận biết Chúa là Cha của con, và đó là thiên đàng.  Dĩ nhiên, Chúa không cần cho con mọi điều, nguyên việc cho con yêu mến Chúa đã là quà tặng lớn lao cho con, Chúa không thể cho con nhiều hơn.

Vì tất cả điều này, lạy Chúa, Thiên Chúa của con, con đã muốn nói về Chúa và với Chúa ở trang cuối cuốn sách “Những Lý Do Để Yêu Thương” của con.  Chúa là cùng đích và là lý do duy nhất cho tình yêu của con, con không còn lý do nào nữa.  Sẽ không có bất cứ hy vọng nào cho con nếu không có Chúa.  Niềm vui của con sẽ được tìm thấy ở đâu, dựa trên cái gì, nếu vắng bóng Ngài.  Rượu tình của con sẽ vô vị nhạt nhẽo biết bao nếu không được ủ ấp trong tình yêu Chúa.  Chúa cho con sức mạnh và cuộc đời để con biết rất rõ rằng, nhiệm vụ duy nhất của con là như một phát ngôn nhân lặp đi lặp lại danh Chúa mãi mãi.  Và như thế, con thanh thản ra đi.

Con, José Luis Martín Descalzo”

Luisa RestrepoLm. Minh Anh dịch từ catholic-link.org (tonggiaophanhue.org 28.04.2020)