GẦN ĐÈN THÌ RẠNG!

Thi sĩ Xuân Ly Băng (Đức Ông JB Lê Xuân Hoa) viết bài thơ “Đừng thích làm mặt trời.”  Lời thơ thật nhẹ nhàng mà sâu lắng.  Nhiều hình ảnh so sánh rất gần gũi thân thương của đời thường.

Khoan mộng làm mặt trời.
Đừng mơ làm sao sáng.
Hãy cố gắng con ơi.
Làm những điều nhỏ mọn
Chỉ vì mến Chúa thôi.
Tặng người con không thích
Một nụ cười thế thôi.
Đôi mắt nhìn trìu mến
Để chia sẻ tâm tình
Với một người đau khổ.
Viếng thăm và giúp đỡ
Người bệnh tật già nua.
Đừng ngại nắng ngại mưa.
Thấy Chúa trong người họ
Không mắng la nạt nộ.
Đừng giận dữ một ai.
Chút mật bắt nhiều ruồi
Hơn giấm chua từng hũ.
Hiền lành và tha thứ
Biết rộng rãi khoan dưng.
Theo Chúa ở khiêm nhường
Và sẵn sàng phục vụ.
Việc làm tuy bé nhỏ
Giá trị thật vô cùng
Làm mặt trời đừng mong.
Cũng đừng mơ làm sao sáng…

Đọc thơ, tôi liên tưởng đến hình ảnh Muối và Ánh Sáng của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.

Khoan mộng làm mặt trời.
Đừng mơ làm sao sáng.
Chỉ mong làm muối đất.
là ánh sáng Chúa thôi.

Hiến chương Nước trời được Chúa Giêsu công bố trong Tin mừng Chúa nhật vừa qua.  Tiếp theo bài giảng trên núi, Chúa Giêsu xác định sứ mạng của các môn đệ: “Anh em là muối cho đời… anh em là ánh sáng thế gian.”

1. Anh em là muối cho đời, một định nghĩa tuyệt vời về Kitô hữu.

Sử gia Pliny viết: “Không gì bằng hữu dụng bằng muối và ánh sáng.”  Không có ánh sáng, cỏ cây sẽ úa tàn.  Không có muối, sơn hào hải vị cũng sẽ ra nhạt phèo.  Chúa Giêsu ví các môn đệ của Ngài như muối đất và ánh sáng của trần gian.  Đây là một vinh dự cho các môn đệ vì họ được mời gọi tham dự vào sứ mệnh làm muối đất, ánh sáng của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu Kitô chính là Ánh Sáng soi chiếu trần gian u mê (Mt 4,16; Pl 2,15; Ep 5,8).  Ngài đến để giảng dạy cho thế gian biết đâu là hạnh phúc chân thật: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).  Chúa Giêsu đã chữa lành những kẻ bị tật nguyền, xoa dịu những tâm hồn đau khổ.  Như muối đất, tình yêu của Ngài được biểu lộ qua những nghĩa cử bác ái và cái chết, đã làm cho trần gian tẻ nhạt và khổ đau thêm mặn mà, ý vị.

“Muối đất.”  Muối được dùng để khử trùng, gìn giữ thức ăn và để nêm vào các món ăn cho thêm hương vị mặn mà.  Nếm một món ăn thiếu muối sẽ thấy nhạt nhẽo.  Nhưng chỉ cần thêm vài hạt muối, món ăn trở nên đậm đà và dễ ăn.  Người bị bệnh cao huyết áp phải ăn lạt nên thường ăn mất ngon.  Người Việt thường dùng nước mắm để nêm các món ăn, nhưng vẫn phải thêm muối, món ăn mới hấp dẫn.

Vào thời Chúa Giêsu, muối tượng trưng cho tính hiếu khách.  Khách đến nhà thường được tặng bánh mì và muối, biểu hiệu sự tiếp đón nồng hậu.

Ngày xưa, khi chưa khám phá ra phân bón hóa học, người ta dùng muối để làm đất đai thêm phì nhiêu.  Khi chưa có tủ lạnh, muối còn được dùng để ướp cá, thịt và thức ăn, cất giữ được lâu ngày hơn.  Chúa Giêsu sai các môn đệ đến trong thế gian như người ta nêm muối vào thức ăn để thêm hương vị và giữ được lâu.  Vị mặn của muối là yếu tố quan trọng.  Mặn thuộc về bản chất của muối.  Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng.  Vị mặn là tình yêu tha nhân mặn mà.  Yêu Chúa mặn nồng, yêu tha nhân mặn mà, đời sống Kitô hữu sẽ ướp hương vị tình yêu mặn mòi cho cuộc đời.

2. Anh em là ánh sáng cho trần gian, một định nghĩa quá cao trọng về Kitô hữu.

Chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga1,5), chỉ Đức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12).  “Anh em là ánh sáng” vì anh em gần Thầy “gần đèn thì sáng.”

“Ánh sáng thế gian.”  Một hình ảnh rất quen thuộc với người Việt đó là đèn dầu.  Một căn nhà có đèn sáng báo hiệu đang có người ở, có sự sống.  Một người đi lạc trong đêm tối hẳn sẽ rất sung sướng khi thấy có ánh đèn.  Ánh đèn đem lại niềm vui và thu hút mọi người.  “Các con là ánh sáng thế gian,” đây là lời mời gọi truyền giáo, qua đời sống, qua lời nói và hành động, Kitô hữu được mời gọi làm ánh sáng hy vọng cho những ai đang lần bước trong bóng tối tuyệt vọng, dẫn dắt họ đến với Chúa.  Trong bóng đêm mịt mùng, một ánh lửa nhỏ cũng có thể được nhìn thấy từ xa.

Chúa Giêsu không nói: các con hãy cố gắng làm muối đất và trở nên ánh sáng cho thế gian nhưng lại nói: “Các con là muối đất và là ánh sáng thế gian”, bởi vì các con là môn đệ của Thầy, vì các con đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

“Các con là sự sáng thế gian”, sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: “Ta là sự sáng thế gian” (Ga 8,12).  Chúa Giêsu muốn chúng ta như tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài, cho mọi người và cho mọi nơi.  Do đó, ánh sáng được chiếu tỏa không phải cho chúng ta được vinh danh, nhưng cho vinh quang của Chúa: “Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.”

Muối đất, sự sáng thế gian: hai hình ảnh cùng diễn tả một lời mời gọi.  Tiên tri Isaia, trong Bài đọc 1 đưa ra những phương cách để giữ muối khỏi “lạt” và ngọn đèn luôn chiếu sáng.  Đó là sống bác ái, chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói, tiếp đón những kẻ bất hạnh vô gia cư, cho quần áo những người không đủ mặc…  Khi ấy, “ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày.”

Có lẽ nhiều người sẽ tự nhủ: làm sao mình có khả năng và xứng đáng làm muối đất và sự sáng cho mọi người?  Nắm muối gồm những hạt muối nhỏ dồn lại, đèn sáng được nhờ những giọt dầu góp lại.  Những hạt muối nhỏ đó, những giọt dầu đó là những việc bé nhỏ mà chúng ta thực hiện trong đời sống hằng ngày: những nụ cười, lời nói lịch thiệp, những cử chỉ bác ái khiêm nhường, thái độ biết lắng nghe, sống tha thứ biết nghĩ đến người khác…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến chứng từ muối đất và ánh sáng trần gian của Kitô hữu.  Nếu chúng ta thương yêu nhau như Chúa đã yêu thương thì chính đời sống, việc làm, việc bác ái sẽ mang lại hương vị cuộc đời, hương thơm cho mọi người, chiếu tỏa ánh sáng giúp nhiều người đến với Chúa là “nguồn ánh sáng và ơn cứu độ” (Tv 2,1).  Kitô hữu tiếp nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu để rồi chiếu lên làn ánh sáng hy vọng, ánh sáng tin yêu, ánh sáng công bình bác ái.  Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là muối thêm hương vị đức ái cho đời, là những ánh sáng đức tin soi đường truyền giáo.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA DẠY

Làm sao có thể cầu nguyện như Chúa Giêsu?  Chắc chắn không có cách nào hơn tiêu chuẩn chính Chúa Giêsu đưa ra: KINH LẠY CHA.  Và chúng ta cũng không thể bỏ qua lời cầu nguyện của Ngài trước khi chịu khổ hình – Ga 17:1–26.

Vì không có nên mới “xin”, nhưng có khi chúng ta đã có mà vẫn phải xin: Xin lỗi.  Thật vậy, “một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn là im lặng” (Stephen Gosson, 1554-1624, văn sĩ trào phúng người Anh).  Nói đến động thái xin lỗi thì không thể không nhắc tới động thái tha thứ.

Xin lỗi và tha thứ là hai động thái luôn cần thiết và cấp bách, vì đó là động thái của tình yêu thương, của lòng trắc ẩn, của lòng thương xót, đặc biệt là luôn phải sống LÒNG THƯƠNG XÓT.

Nhân vô thập toàn.  Ai cũng là tội nhân, ai cũng cần xin lỗi, và tất nhiên ai cũng cần tha thứ.  Vả lại, tất cả chúng ta đều là huynh đệ trong Đại Gia Đình của Thiên Chúa, không thể không yêu thương hoặc không tha thứ.

Tại sao phải xin lỗi?  Người ta đưa ra 10 lý do:

  1. Vì những lúc tôi hứa mà không thực hiện cho tha nhân.
  2. Vì những lúc tôi thờ ơ, vô cảm với nỗi đau của tha nhân.
  3. Vì những lúc tôi ích kỷ, vụng về, hiểu lầm nên làm phiền tha nhân.
  4. Vì những lời nói, hành động của tôi, dù vô tình hay cố ý, đã làm tổn thương tha nhân.
  5. Vì những lúc tôi không giúp đỡ tha nhân, và vì những điều tôi muốn mà hèn nhát, không dám làm.
  6. Vì những mối bất hòa, cãi vã, mâu thuẫn… với tha nhân.
  7. Vì những lúc tôi làm cho chính mình đau khổ và nghĩ xấu về tha nhân.
  8. Vì những lúc tôi cố gắng mà vẫn chưa làm được điều tốt đẹp cho cuộc đời và xã hội.
  9. Vì những lúc tôi đã làm cho tha nhân thất vọng, hụt hẫng, mệt mỏi…
  10. Vì những lúc tôi đã thay đổi thất thường, đòi hỏi người khác phải theo ý mình.

Tại sao phải tha thứ?  Người ta cũng đưa ra 10 lý do:

  1. Tha thứ cho người khác về điều dối gian mà họ dành cho tôi.
  2. Tha thứ cho người khác về những gì xấu xa nhất mà họ nghĩ về tôi.
  3. Tha thứ cho người khác vì họ đã làm tôi phải khóc, đau lòng.
  4. Tha thứ cho người khác về sự không chân thành, lãnh đạm, xa lánh… mà họ dành cho tôi.
  5. Tha thứ cho người khác về sự vô tâm của họ trước những nỗi khó khăn của tôi.
  6. Tha thứ cho người khác về sự giả dối, chỉ giả vờ quý mến tôi mà thôi.
  7. Tha thứ cho những lỗi lầm của tha nhân để có thể cùng nhau sống tích cực và hướng tới điều tốt đẹp hơn.
  8. Tha thứ cho bất cứ ai làm tôi tổn thương, tự giải thoát mình để có thể sống thanh thản.
  9. Tha thứ cho chính mình, vì đôi khi chính mình sống thật tồi tệ.
  10. Tha thứ cho mọi người, bất kỳ ai, về bất cứ lỗi lầm nào.

Đôi khi “xin” có thể là năn nỉ hoặc mặc cả.  Trình thuật St 18:20-32 cho biết về việc Tổ Phụ Ápraham “mặc cả” với Thiên Chúa vì lòng thương xót tha nhân.

Chính Thiên Chúa đã lên tiếng: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn!  Tội lỗi của chúng quá nặng nề!  Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không.  Có hay không, Ta sẽ biết.”

Ông Áp-ra-ham thưa với Đức Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?  Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao?  Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?  Ngài làm như vậy, chắc không được đâu!  Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu!  Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?”  Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó”.

Ông Áp-ra-ham “mặc cả” với Thiên Chúa, ông hạ từ năm mươi người lành xuống còn bốn mươi lăm người, rồi bốn mươi người, ba mươi người, hai mươi người, thậm chí chỉ còn mười người.  Dù là con số ít ỏi, Thiên Chúa vẫn chấp nhận mà không nỡ phá huỷ thành Xơ-đôm.  Vâng, Thiên Chúa luôn nhẫn nại và muốn tha thứ.  Thế nhưng cả thành phố đó cũng không có được mười người lành.  Nhân loại vẫn bướng bỉnh, cố chấp, ỷ lại và làm ngơ với lòng thương xót của Ngài.  Làn ranh giữa “mặc cả” và “lợi dụng” rất mong manh.  Chắc chắn ông Áp-ra-ham không có ý lợi dụng Lòng Chúa Thương Xót, nhưng chúng ta phải lưu ý: Đừng bao giờ lợi dụng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa!

Ma quỷ rất ranh mãnh, sợ nhất là nó cám dỗ chúng ta ảo tưởng về sự thánh thiện của mình.  Thật vậy, Thánh Tiến sĩ Têrêsa Hài Đồng (1873-1897) cho biết: “Ma quỷ thường hay đánh lừa những linh hồn quảng đại bằng cách thúc đẩy họ bước vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khỏe vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận, đồng thời lại lấy đó làm tự mãn.”  Kinh khủng thật!  Thế nên Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng!” (Ep 4:27).

Ước gì chúng ta khả dĩ cảm nghiệm được Thiên Chúa như tác giả Thánh Vịnh để có thể thân thưa chân thành: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin.  Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.  Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự.  Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn” (Tv 138:1-3).

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6), không gì có thể che giấu Ngài, dù là điều nhỏ nhoi nhất và tinh vi nhất.  Ngài biết chúng ta vốn dĩ xấu xa (x. Lc 11:13) nhưng Ngài vẫn đại lượng: “Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết.  Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con.  Địch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy tay uy quyền giải thoát con” (Tv 138:6-7).  Ngài luôn quan phòng, che chở, giữ gìn chúng ta dù có lúc chúng ta không nhớ đến Ngài.  Nếu Ngài nhắm mắt làm ngơ chúng ta chỉ trong giây lát thôi, chúng ta sẽ không thể sống nổi.  Thế mà chúng ta vẫn luôn muốn nổi loạn!

Hôm nay và bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta hãy cùng nhau thân thưa với Ngài: “Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.  Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang” (Tv 138:8).

Thánh Phaolô nói rõ về thân phận của chúng ta: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.  Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta” (Cl 2:12-13).

Thiên Chúa vô cùng đại lượng, cao thượng, từ bi và nhân hậu, chúng ta chỉ là những “con nợ”, chúng ta chưa mở miệng cầu xin mà Ngài đã tha thứ rồi, tha thứ vô điều kiện: “Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta.  Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (Cl 2:14).  Vì thế, chắc chắn chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho nhau, không còn cách nào khác.

Cầu xin là điều cần thiết, cầu nguyện là lương thực hằng ngày.  Có một lần, sau khi Đức Giêsu cầu nguyện xong, có một môn đệ nói xin Ngài dạy cách cầu nguyện, và Ngài đã dạy Kinh Lạy Cha (Lc 11:2-4; Mt 6:9-13).  Đó là “Đệ Nhất Kinh”, là lời kinh cao cả được chính Chúa Giêsu truyền dạy.  Chúng ta vô cùng diễm phúc, vì chỉ là tội nhân khốn nạn mà hằng ngày chúng ta nhiều lần được tôn xưng Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.

Để minh họa lòng thương xót, Ngài kể cho họ nghe câu chuyện về “người bạn quấy rầy và việc cầu xin.”  Ngài nói với họ: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.  Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.”

Chỉ là tội nhân, là phàm nhân mà người ta còn thế, huống chi Thiên Chúa.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Anh em cứ XIN thì sẽ ĐƯỢC, cứ TÌM thì sẽ THẤY, cứ GÕ cửa thì sẽ MỞ cho.  Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.”  Nhưng cũng cần lưu ý: Đừng lải nhải, chớ lẻo mép, lắm lời! (x. Mt 6:7).

Và để tái xác nhận, Chúa Giêsu nói thêm: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thay vì lấy cá lại lấy rắn mà cho nó?  Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?  Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”  Tin sao, được vậy (x. Mt 8:13; Mt 9:29).  Đó là hệ lụy tất yếu vậy.  Đúng như Thánh LM Don Bosco (1815-1888) xác định: “Chính đức tin hoàn thành tất cả mọi sự.”

Cuối cùng, hãy nghe Thánh Faustina tiết lộ cách cầu nguyện hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa: “Khi cầu nguyện, chúng ta ĐỪNG NÀI ÉP CHÚA ban cho điều chúng ta muốn, mà chúng ta NÊN TUÂN PHỤC Thánh Ý Ngài” (Nhật Ký, số 1525).

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin giúp con biết vững tin khi cầu xin, và luôn biết mau mắn tha thứ cho người khác.  Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.  Amen!

Trầm Thiên Thu