THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI – HAI LỐI NHÌN

Mỗi năm khi bước vào mùa Chay với thứ Tư lễ tro thì Giáo Hội lại một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn luôn nhìn vào những gì bên trong được phát xuất từ trái tim, chứ không phải những gì từ bên ngoài của mỗi người chúng ta.

Chúa Giêsu đang nhắc nhở cho chúng ta về một bài học rất khó khăn và thách đố qua bài Phúc Âm của thánh Mát-thêu (Mt 6, 1-6. 16-18) ngày thứ Tư lễ tro.  Ngài nói rằng chúng ta hãy dừng lại, và đừng là những kẻ đạo đức giả nữa.  “..khi làm việc từ thiện, các con đừng thổi loa báo hiệu, như những người giả hình làm nơi hội đường và trên hè phố để cho người ta khen… Và khi cầu nguyện, các con đừng làm như những người giả hình vẫn thường làm nơi hội đường và trên hè phố, cốt cho người ta thấy…” (MT 6:2,5).

Mùa Chay cũng là dịp tốt để cho chúng ta có thể tháo bỏ đi những cái “mặt nạ” là những cái nhìn “thánh thiện” gần giống như người Kitô hữu bên ngoài, khi mà chúng ta tự cho mình là “nhân vật chính” là “trung tâm điểm, vì cái kiêu ngạo, tự cao và tự đại” ở bên trong.  Cái từ “đạo đức giả” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “diễn viên.”  Các diễn viên giả vờ là một người mà họ phải làm, phải đóng vai trong các vở phim, vở kịch, cải lương, v.v…  Điều này có thể ổn thoả trên sâu khấu, nhưng chúng không thể chấp nhận được trong cuộc sống thực tại ngoài đời, nhất là đối với đời sống Đạo, đời sống tâm linh của một người tín hữu Công Giáo.  Qua bài Phúc Âm của Thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu đang khuyến khích chúng ta hãy vất bỏ những cái mặt nạ mà mỗi người chúng ta đang mang.  Ngài kêu mời chúng ta hãy sống đúng với bản chất thật của mỗi người, “…các con đừng làm như những người giả hình vẫn thường làm…” (MT 6:5) ngõ hầu ân sủng của Thiên Chúa có thể chữa lành cho những yếu đuối của chúng ta.

Việc mời gọi “sống thật”, vất đi cái “mặt nạ” này của Chúa Giêsu có thể nói là một thách đố rất lớn lao cho mỗi người chúng ta vì hai lý do như dưới đây:

Thứ nhất, chúng ta không muốn thừa nhận rằng đôi khi mỗi người chúng ta có những hành động yếu đuối tự lừa dối những người chung quanh và chính mình.  Lý do chính là do “CÁI TÔI” to lớn, tự ái, tự cao và gia trưởng, v.v… của mỗi người chúng ta.  Có lẽ đây là cái lý do tại sao chúng ta cố bám chặt lấy những cái “mặt nạ” và hành động như kẻ đạo đức giả.  Nói cho cùng thì mỗi người chúng ta đều là những kẻ đạo đức giả “pha-ri-siêu” bằng một cách thức nào đó trong đời sống cả Đạo lẫn đời.

Lý do thứ hai làm chúng ta không dám tháo cởi cái “mặt nạ” là vì chúng ta sợ bị từ chối.  Đương nhiên không một ai thích mình bị từ chối, đây là một điều tâm lý chung của con người.  Nhưng qua Kinh Thánh Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa biết tất cả mọi “bí mật” của mỗi người chúng ta từ trong tư tưởng đến hành động. “Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn” (MT 6:4).  Thiên Chúa thấu hiểu và cảm thông với những yếu đuối của mỗi người.  Do đó Thiên Chúa luôn yêu thương và ao ước chúng ta đến với Ngài để Ngài có thể giúp chúng ta vượt qua những yếu đuối này; ngõ hầu chúng ta được sống gần gũi và mật thiết với Ngài mỗi ngày trong cuộc sống.  Đây là một niềm hy vọng rất lớn lao của mỗi người chúng ta.

Ao ước rằng trong mùa Chay Thánh năm nay mỗi người chúng ta hãy dành thời giờ mỗi ngày để tâm tình với người Thầy Giêsu thân yêu bằng những lời trong bài cầu nguyện của Michel Quoist, để xin Thiên Chúa giúp chúng ta có can đảm dám vất đi, cởi bỏ cái mặt nạ mà mỗi người chúng ta đang cưu mang trong người.

Lạy Chúa, xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.

Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.

Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.

Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.

Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.

                    (Michel Quoist)

Phó-tế Giuse Nguyễn Xuân Văn

SA MẠC – NƠI GIÚP KHÁM PHÁ SỰ THẬT

Trong cuộc đời làm người ai ai cũng phải trải qua những giây phút khủng hoảng.  Trong những lúc đó tất cả mọi chuyện to nhỏ đều trở thành một vấn nạn.  Kẻ đó tìm một câu trả lời trước khi lựa chọn, quyết định cho tương lai đời mình.  Giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên là một giai đoạn quan trọng trong đời người.  Tuổi dậy thì chứa đầy hỗn loạn.  Thân xác bỗng dưng biến đổi và phát triển khác thường.  Con người bị ép buộc tham dự vào một cuộc phiêu lưu để khám phá ra mình là ai.  Nhiều chuyện thần thoại đã mô tả về giai đoạn này.  Dĩ nhiên, nhân vật chính luôn là một chàng trai.  Anh phải từ giã mái ấm gia đình, chấp nhận mạo hiểm một mình tiến vào rừng sâu nước độc, nơi chứa đầy cạm bẫy của yêu tinh quỷ nữ!  Anh ta phải vượt qua mọi thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài.  Anh ta được tôi luyện.  Khi trở về, anh giống như được đầu thai làm một con người hoàn toàn mới, đủ tài trí và khả năng gánh vác những trọng trách được giao phó.

Bài Phúc âm hôm nay cũng nói về thời gian thử thách tương tự của Đức Giêsu.  Ngài được Thánh Thần dẫn đưa vào hoang địa, giang sơn của quỷ dữ.  Ngài ăn chay hãm mình, sống trong cô tịch, hoàn toàn không có gì để đề phòng âm mưu của kẻ xấu luôn bám sát, chờ cơ hội thuận lợi để thu thập.  Thử thách làm nảy sinh một hoài nghi cơ bản: Những gì từ trước tới nay tôi cho là tốt đẹp bây giờ có vẻ vô nghĩa.  Những gì tôi cho là tội lỗi xấu xa giờ đây hình như chứa đầy hứa hẹn.  Khi đối diện đương đầu với dụ dỗ Đức Giêsu dần dần khám phá ra mình là ai, đâu là sứ mạng của mình.  Thời gian sống trong sa mạc là giai đoạn quan trọng trong đời của Đức Giêsu.  Trong thời gian này Ngài cảm nhận một cách sâu xa sự mỏng dòn trong thân phận con người.  Mặc khác, Ngài đã sống mật thiết thân tình với Chúa Cha, giúp Ngài ý thức về trọng trách được Chúa Cha giao phó.  Ngài trở nên chín chắn trưởng thành, có thể bước vào cuộc đời công khai, công bố Tin mừng cứu độ.  Bởi vậy, sa mạc không phải chỉ là nơi chết chóc, tăm tối mà còn là nơi gặp gỡ chính Thiên Chúa.

Trong sa mạc Đức Giêsu hiểu thấu những yếu đuối cơ bản của con người.  Cám dỗ đầu tiên nhắm vào sự đói khát.  Có đầy đủ của ăn là một nhu cầu căn bản của cuộc sống con người.  Thân xác đòi hỏi quyền lợi của nó, và sẽ trở nên kiệt quệ nếu như nhu cầu này bị cự tuyệt, không được đáp ứng.  Dĩ nhiên chúng ta ăn để sống, nhưng chúng ta sống không phải chỉ để ăn, để uống.  Do đó, con người giống như bị tà nhập khi nghĩ rằng, ý nghĩa của cuộc sống con người chỉ đặt trên cơ bản của vật chất và sự hưởng thụ.  Con người chia sẻ những nhu cầu thuộc thân xác với tất cả mọi sinh vật khác, nhưng khát vọng của con người còn trổi vượt hơn, đi ra ngoài giới hạn này.  Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng, nhu cầu lớn nhất của con người thuộc về đời sống tâm linh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.”  Đời sống con người không phải là một cuộc sống no say nhưng là một cuộc đời sung mãn về mọi mặt.

Thử thách thứ hai nhắm vào khát vọng quyền lực.  Bởi vì muốn chứng tỏ quyền lực của mình, bảo đảm chỗ đứng của mình, kẻ ấy ra sức tìm cách hạ bệ kẻ khác, ra sức chèn ép, trèo lên đầu lên cổ người khác và nếu cần sẵn sàng bước qua xác chết!  Tranh đấu quyền lực là chuyện xảy ra như cơm bữa từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đặc biệt trong môi trường chính trị và kinh doanh…  Đức Giêsu không đầu hàng dụ dỗ.  Ngài sẵn sàng từ bỏ quyền thế và bạo lực.  Ngài chọn con đường yêu thương vô vị lợi.

Dụ dỗ thứ ba nhằm chối bỏ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo càn khôn.  Đặc biệt con người ngày nay nghĩ rằng, mình có thể đạt được tất cả mà không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.  Tất cả đều dựa vào khả năng của bản thân.  Ngày Chúa nhật không đi lễ nhà thờ chẳng thấy mình mất mát gì!  Nhìn nhận giới hạn của mình, nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình là một điều không dễ dàng.  Thiên Chúa đòi hỏi con người tin vào Ngài, mặc dầu không ai có thể chứng minh và nhìn thấy Thiên Chúa.

Mùa chay chính là một lời mời gọi sáng tạo một mảnh sa mạc trong cuộc đời mình, mời gọi xa rời cảnh huyên náo, bon chen, xô bồ để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài trong cô tịch.  Bởi vì sa mạc, đối với Đức Giêsu cũng như mỗi người chúng ta, là nơi giúp khám phá sự thật, nơi chúng ta có thể đối diện với chính mình để nhận biết mình là ai và Thiên Chúa muốn gì nơi tôi.

Lm. Phêrô Trần Minh Đức

MÙA THUẬN TIỆN

Mùa Chay được gọi là “thánh” vì mang một ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người tín hữu, đồng thời là điểm nhấn quan trọng trong đời sống đức tin.  Tại các giáo xứ truyền thống, Mùa Chay luôn mang một bầu khí đặc biệt, thấm đượm tinh thần cầu nguyện, được thể hiện qua cách trang trí nhà thờ, những nghi thức ngắm nguyện, những buổi tĩnh tâm dành cho các hội đoàn và các giới.  Bầu khí đạo đức của Mùa Chay phù hợp với lời khẳng định của thánh Phaolô: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (Bài đọc II).

Dĩ nhiên, Thiên Chúa không chỉ tha thứ và ban ơn cứu độ trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng ơn cứu độ của Ngài tràn trề, mênh mông như biển cả.  Tuy vậy, như lời kinh nguyện ngắm của Mùa Chay còn được đọc nơi một số giáo phận đã diễn tả: “Như con chim biết mùa làm tổ…”  Mùa Chay đối với tín hữu là thời điểm nhận ra lòng thương của Chúa thật mênh mông cao vời, mà chúng ta vô tình tệ bạc trước tình thương ấy.  Tội lỗi chính là sự tệ bạc, bội nghĩa vong ân đối với Thiên Chúa.  Câu chuyện người cha nhân hậu trong Tin Mừng thánh Luca đã phản ánh rõ giáo huấn về tội lỗi và ân sủng, về tình thương của Thiên Chúa và sự lầm lạc của con người, về sự cần thiết phải trở về để nối lại tình xưa giữa Thiên Chúa với tâm hồn mỗi người chúng ta.

Chúa Giêsu, trong Tin Mừng hôm nay đã đề cập đến ba thực hành quan trọng: Làm phúc, cầu nguyện và ăn chay.  Dựa trên giáo huấn của Lời Chúa, ba thực hành này đã trở nên cốt lõi của đời sống đức tin nói chung và của Mùa Chay nói riêng.  Tuy vậy, điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh, đó là tâm tình và ý thức của người tín hữu thể hiện qua những thực hành này.  Ai trong chúng ta đã không có lần làm phúc và cầu nguyện?  Ai trong chúng ta mà không ăn chay mỗi khi Mùa Chay về?  Mùa Chay là thời điểm để chúng ta xét lại những thực hành này, để rồi, chúng không chỉ được thực hành một cách chiếu lệ, nhưng được thúc đẩy bởi đức tin, đức cậy, đức mến.  Ý thức mình đang sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa, Đấng ngự nơi bí ẩn, đó là điều Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta.  Vì chỉ như thế, những gì chúng ta làm mới mang tinh thần siêu nhiên.  Xung quanh chúng ta, có rất nhiều người làm từ thiện.  Trong xã hội hôm nay, có nhiều người ăn chay vì lý do sức khỏe hoặc để tạo một đời sống thanh tịnh.  Điều khác biệt nơi người Kitô hữu, đó là làm phúc, ăn chay, cầu nguyện với ý thức về một Đấng Vô Hình, đang hiện diện trong tâm hồn họ, để rồi những gì họ làm cho những người bất hạnh khó nghèo là làm cho Chúa, Đấng đã hóa thân nơi người cùng khổ đang hiện diện hàng ngày xung quanh chúng ta.

Vì vậy, khi thực hành những đạo đức kể trên, người tín hữu không chờ mong lời khen của người đời.  Chúa Giêsu đã diễn tả qua việc xức dầu thơm khi ăn chay và mang bộ mặt vui vẻ hòa nhã.  Chúa cũng dặn, đừng khoe khoang việc từ thiện mình đã làm, hoặc đừng phô diễn khi cầu nguyện.  Giáo huấn này hoàn toàn khác với thói quen nơi một số người biệt phái trong xã hội đương thời.  Qua những chỉ dẫn trên, Chúa muốn chúng ta đi vào tinh thần nội tâm của đời sống Kitô hữu, ở những lãnh vực khác nhau, nhằm diễn tả một đức tin trưởng thành và một đời sống chân chính.

Giữa dòng đời trôi nổi ồn ào, chúng ta có nguy cơ bị lạc hướng, để mình trôi theo những tham vọng trần tục.  “Mùa thuận tiện” đưa chúng ta trở về với Chúa, với tha nhân và với chính mình.  Về với Chúa để nhận ra thân phận hèn yếu lỗi lầm, tái lập mối tương giao cha-con với Ngài; về với tha nhân để nhận ra họ là hồng ân Chúa ban tặng (Sứ điệp Mùa Chay 2017); về với chính mình để nhận ra mình đang ở đâu trong cơn lốc cuộc đời, để không bị đánh mất mình trong biển đời hỗn độn mênh mông.

Lời kêu gọi trở về, được ngôn sứ Giôen diễn tả, vừa đanh thép quyết liệt, vừa tha thiết dịu dàng.  Đây là một lời “hiệu triệu” thôi thúc con tim mỗi người hãy gác lại những bận rộn âu lo của cuộc sống để thành tâm trở về với Chúa, như một ưu tiên quan trọng của cuộc đời.  Lời kêu gọi sám hối được gửi đến mọi người, già trẻ, gái trai, tân lang tân nương, tư tế phục dịch trong Đền thờ.  Mùa Chay là mùa thuận tiện đối với hết mọi người chúng ta.

“Hãy xé lòng, đừng xé áo.”  Lời ngôn sứ mời gọi chúng ta hãy sống Mùa Chay cách chân thành và hiệu quả, chứ không dừng lại ở những nghi lễ bên ngoài.  Hãy can đảm và trung thực đặt mình trước mặt Chúa, nhận ra những thiếu sót của mình để sám hối canh tân.  Đây là mùa thuận tiện giúp chúng ta đến gần Chúa và đến gần anh chị em mình hơn.  Mùa Chay cũng giống như mùa cây thay lá, cởi bỏ những tán lá đã già cỗi để nhường chỗ cho những mầm non sẽ mọc lên.  Sau mùa lá rụng là mùa đâm chồi nảy lộc.  Màu tím của Mùa Chay không chỉ diễn tả lòng sám hối đau buồn, mà còn mang sứ điệp hy vọng vào tình thương của Chúa, Đấng không vui gì khi con người phải trầm luân, nhưng muốn cho mọi người được ơn cứu độ và được sống muôn đời.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

BÀI HỌC TỪ TRONG NỖI CÔ ĐƠN

Nhiều năm trước, tôi có khuyên một thanh niên, anh có cuộc đấu tranh chống lại nỗi cô đơn gần như ngược đời.  Thay vì cố gắng thoát ra, anh lại sợ mất nó.  Anh khoảng hơn hai mươi tuổi, yêu một cô gái trẻ tuyệt vời, nhưng cảm thấy bị giằng xé về việc cưới cô ấy, vì anh sợ hôn nhân gây trở ngại cho sự cô đơn của anh, và theo lời anh, nó sẽ làm cho anh trở thành “người hời hợt hơn và mất đi những gì có thể dâng tặng Chúa và thế giới này.”

“Tôi bước vào một căn phòng,” anh nói, và “một cách phản xạ, tôi nhìn quanh để tìm một gương mặt buồn rầu, tìm một người nào đó có dáng vẻ gợi cho thấy cuộc sống có nhiều điều hơn là tiệc tùng và những tin tức nóng hổi về những người nổi tiếng.”  Sẽ nguy hiểm nếu ngắn gọn xem trạng thái nặng nề là biểu hiệu của sâu sắc, nhưng trong trường hợp của anh thì điều đó không đúng.

“Có hai hình ảnh đôi co trong lòng tôi,” anh nói.  “Cha tôi mất khi tôi mười lăm tuổi.  Gia đình tôi sống ở miền quê, ông bị lên cơn đau tim.  Chúng tôi vội vàng đưa ông lên xe, mẹ tôi ngồi ôm ông ở băng ghế sau, còn tôi lái xe, mới mười lăm tuổi, và sợ run lên.  Cha tôi mất trên đường tới bệnh viện, nhưng ông chết trong vòng tay mẹ tôi.  Mặc dù chuyện đó rất buồn, nhưng có một cái gì đó rất đẹp.  Lúc nào tôi cũng muốn chết theo kiểu đó, được người tôi yêu ôm trong vòng tay.  Dù hình ảnh đó hút tôi một cách mạnh mẽ về phía hôn nhân, nhưng tôi cũng nhìn hình ảnh chúa Giê-su chết đơn độc, bị ruồng bỏ, chẳng trong vòng tay của ai, chỉ trong vòng một điều gì đó cao hơn, và tôi cũng bị thu hút về hướng đó.  Hình ảnh đó có một vẻ thanh cao mà tôi không muốn từ bỏ.  Đó cũng là một cách chết hay.

Anh sợ sẽ mất đi sự cô đơn của mình dù anh khao khát một cách lành mạnh tình cảm thân mật.  Anh không thể nào lý giải được trọn vẹn tại sao anh bị thu hút trước sự cô đơn của chúa Giê-su trên thập giá, trừ việc cảm thấy rằng điều này cách nào đó là một điều cao đẹp, một điều sâu sắc, và là điều sẽ đem lại cho anh chiều sâu và thanh cao.

Trước anh, cũng có nhiều người khác có kinh nghiệm này, kể cả chúa Giê-su.  Chẳng hạn triết gia Soren Kierkegaard, khi còn trẻ, cũng với lý do lo sợ như người bạn trẻ của tôi, ông từ chối hôn nhân.  Dù đúng dù sai, anh cảm thấy những gì anh có để mang tặng cho thế giới này bắt rễ sâu thẳm trong nỗi đau cô đơn của mình, và chỉ có thể tỏa ra từ cốt lõi đó mà thôi, và, nếu anh bớt cô đơn, thì anh cũng sẽ bớt đi những gì có thể trao tặng.  Liệu anh có đúng không?

Hoa trái của đời một người, ví dụ những người như cha Henri Nouwen, rút ra sức mạnh và khả năng hồi phục từ những tác phẩm của họ, xác nhận cho sự thật của trực giác của họ.  Nhìn hoa trái của họ, bạn sẽ hiểu họ.  Kierkegaard là vị thánh bảo trợ cho những người cô đơn.  Nhưng, như anh bạn trẻ của tôi, ông cũng bị giằng xé bởi những gì điều đó gây ra cho ông.  Quá ít người hiểu được, và điều này dìm ông vào “nỗi buồn của việc đã hiểu ra một điều gì đó chân thực – và rồi thấy mình bị hiểu lầm.”  Ông cũng tự nhận là ông sống trong lời thề “không bao giờ cho phép ai đi vào sâu thẳm trong nội tâm và kết hợp nội tâm sâu sắc với tôi.”  Thomas Merton, khi bàn về vấn đề này, đã nói rằng sự thiếu vắng tình cảm thân mật của đời sống hôn nhân trong đời ông đã tạo thành “một khiếm khuyết trong sự khiết tịnh của tôi.”  Loại sâu sắc này có được cũng bắt nguồn từ một cái giá nào đó.

Tại sao, bất chấp bất lợi rõ ràng như vậy, mà cô đơn vẫn thu hút nhiều người như Kierkegaard của thế giới chúng ta, với niềm tin rằng đó là chìa khóa dẫn tới sự sâu sắc, lòng lân mẫn, và minh triết?  Cô đơn làm gì cho chúng ta?

Điều mà cô đơn làm cho chúng ta, đặc biệt nỗi cô đơn tột cùng, là lay chuyển bản ngã và khiến bản ngã mong manh đến mức không thể duy trì chúng ta theo cách thông thường được nữa.  Những gì xảy ra sau đó là chúng ta bắt đầu buông bỏ, cảm thấy chúng ta trở nên không còn vướng mắc, hiểu ra sự nhỏ bé của mình, và biết từ trong sâu xa của bản thể rằng chúng ta cần phải kết liên với một điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân mình thì mới sống sót.  Nhưng đó là một trải nghiệm rất đau đớn, và chúng ta có khuynh hướng trốn chạy khỏi nó.

Tuy nhiên, và đây chính là nghịch lý to lớn, trải nghiệm nỗi cô đơn tột cùng này là một trong những đặc cách để tìm ra câu trả lời sâu thẳm cho cuộc đi tìm bản thể và ý nghĩa của chúng ta.  Bởi vì nó lay chuyển bản ngã và khiến chúng ta mất phương hướng, nỗi cô đơn khiến chúng ta chạm đến những gì nằm bên dưới bản ngã, đó là tâm hồn, bản thể sâu sắc nhất của chúng ta.  Hình ảnh Chúa và sự tương đồng với Chúa nằm ở đó, cũng như năng lượng thanh cao nhất và thiêng liêng nhất của chúng ta cũng ở đó.  Đó chính là sự thật trong niềm tin rằng trong nỗi cô đơn có chiều sâu.

Và như thế, bài học là, dù lập gia đình hay không: Đừng chạy trốn cô đơn.  Đừng coi đó là kẻ thù.  Đừng tìm kiếm ai khác để chữa chạy nỗi cô đơn của mình.  Hãy coi nỗi cô đơn là đặc cách dẫn tới chiều sâu và lòng lân mẫn.

Đây là lời khuyên của Hafiz, một nhà thơ Ba-tư xưa:

Đừng hàng phục nỗi cô đơn
Nhanh đến vậy
Hãy để nó cứa sâu hơn
Để nó ủ men và thêm hương vị
Vì rất ít người phàm
Và ngay cả hương vị thần thánh làm được
Điều trái tim tôi thiếu vắng đêm nay
Đã làm đôi mắt tôi thêm dịu dàng
Giọng nói tôi
thêm trìu mến,
Nhu cầu có Chúa của tôi
Tuyệt đối
Rõ ràng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Một câu chuyện vui kể rằng, trong buổi hội thảo giao lưu với đề tài tha thứ tại một giáo xứ nọ, vị Linh mục hỏi những người có mặt, ai trong số họ sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù.  Tất cả mọi người đều giơ tay, trừ một ông lão ngồi bên dưới.

– Chẳng lẽ cụ không thể tha thứ cho kẻ thù của mình ư?

– Tôi không có kẻ thù.

– Thật là đức độ.  Thế cụ bao nhiêu tuổi rồi?

– 90 tuổi.

– Cụ hãy cho mọi người biết bí quyết sống đến 90 tuổi, mà không có một kẻ thù nào.

– Ông lão cao giọng nói: “Chỉ có một cách là phải tiêu diệt hết lũ chúng nó mà thôi!”

Sống trên đời, giữa chúng ta có nhiều khác biệt về tuổi tác, sở thích, quan điểm.  Cuộc sống trần gian cũng là một mớ hỗn độn những cạnh tranh, bon chen, tính toán.  Sự cạnh tranh bon chen trở nên nghiệt ngã, tới mức người ta loại trừ nhau.  Trong lãnh vực thương mại ngày nay, người ta hay nói: “Thương trường là chiến trường.”  Tưởng chừng đơn giản, nhưng đó là một thứ lý luận nguy hiểm, cho thấy sự ích kỷ tới mức hoang dã.  Vì trong chiến trường, người lính phải đối diện với quân thù.  Họ buộc phải giết đối phương để sống, vì không còn chọn lựa nào khác.  Tuy vậy, trong thương trường, mưu mô gài bẫy để hủy diệt và loại trừ người khác là một thứ thương mại vô đạo đức.  Danh từ “kẻ thù” được dùng để chỉ những người đối nghịch với mình.  Người bị gọi là “kẻ thù”, tức người đó trở nên mối nguy hiểm cho người khác.  Trong quan niệm thông thường, người ta chủ trương “không đội trời chung” với kẻ thù.

Nhưng, không kể nơi chiến trường máu lửa, thì kẻ thù là ai?  Suy cho cùng, kẻ thù là người không đồng quan điểm với chúng ta.  Sự khác biệt nơi những cá nhân đáng lẽ tạo ra một cuộc sống phong phú đa dạng, thì trong nhiều trường hợp lại là nguyên cớ dẫn tới đối nghịch, hiềm thù.  Kết án một người là “kẻ thù” nhiều khi do chủ quan và do cái nhìn phiến diện.  Nhiều người coi mình là mẫu mực, là tiêu chuẩn cho cách đối nhân xử thế, nên người nào không giống mình thì họ kết án là “kẻ thù.”  Do quan niệm này, trong xã hội của chúng ta, biết bao mâu thuẫn và thậm chí có những án mạng đã xảy ra.  Có những người coi nhau như kẻ thù, khi đang cùng nhau ngồi trên bàn nhậu, hay khi cùng tham dự một tiệc cưới, và vì một câu nói hay một mâu thuẫn nhỏ đã trở thành sát nhân, lấy đi mạng sống của người đồng bàn.  Sự ích kỷ tham lam đã biến các thành viên trong cùng một gia đình thành kẻ thù không đội trời chung.  Những anh chị em cùng máu huyết, chỉ vì vài mét vuông đất, hoặc vì không hài lòng do việc chia tài sản thừa kế, đã coi nhau như kẻ thù.  Họ kiện nhau ra tòa án và không còn muốn nhìn mặt nhau.  Trong bối cảnh xã hội hôm nay, người ta dễ quên tình huynh đệ, bằng hữu, làng xóm thân cận, để biến thành kẻ thù.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta, không chỉ yêu mến những ai làm ơn cho mình, nhưng còn yêu thương và tha thứ cho kẻ thù.  Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy, Chúa Giêsu có những đối phương.  Đó là một số người biệt phái và luật sĩ.  Họ là những người luôn dò xét để chỉ trích cách sống của Chúa, nhất là tương quan của Người với các tội nhân.  Tuy vậy, mặc dù lên án họ với những lời nói gắt gao, không bao giờ Chúa coi họ là những kẻ thù.  Chúa muốn chỉ cho họ thấy quan niệm cực đoan của họ.  Người cũng mời gọi họ có cái nhìn thiện cảm với các tội nhân.  Bởi lẽ, là con người, không ai hoàn thiện.  Chúa cũng muốn cho họ hiểu sứ mạng của Người khi đến trần gian là để cứu vớt các tội nhân, như thày thuốc chăm sóc và giúp cho bệnh nhân được lành.  Người kêu gọi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.  Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.  Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,44-45).  “Yêu thương kẻ thù” là nét ưu việt của Kitô giáo.  Trong Cựu ước, người Do Thái áp dụng luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, tức là được phép làm cho người khác đúng như mức độ họ đã gây ra thiệt hại cho mình.  Khái niệm “đồng loại” trong luật Cựu ước có ý chỉ người Do Thái, còn những người khác thì không phải đồng loại.  Lời giáo huấn của Chúa Giêsu làm thay đổi quan niệm truyền thống này, đồng thời hướng tới sự tha thứ không giới hạn.  Chính Chúa đã thực hiện điều Người rao giảng, khi chịu treo trên thập giá.  Trong hơi thở yếu ớt lúc sắp lìa trần, Người xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hình mình, vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,34).  Noi gương Chúa Giêsu, Thánh Têphanô Phó tế, vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo, cũng đã cầu nguyện cho những kẻ ném đá mình (x. Cv 7,60).  Lời cầu nguyện ấy nói lên sự tha thứ mà vị tử đạo dành cho những người giết hại mình.  Sự tha thứ ấy đã đem lại cho vị tử đạo sự bình an và thanh thản tâm hồn.

Cầu nguyện và tha thứ cho những người làm hại mình, chúng ta cũng nỗ lực để đừng trở nên “kẻ thù” của những người xung quanh.  Có những người đã trở nên nỗi ám ảnh đối với môi trường sống, ví dụ hiện tượng ngày càng nhiều thanh niên “ngáo đá” do dùng ma túy.  Họ trở nên nỗi sợ cho gia đình và làng xóm, khu phố.  Nhiều người khác, do lối sống thực dụng, dùng mưu mô mánh lới lừa đảo, bất chấp danh dự và quyền lợi của người khác, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản, lỗi đức công bằng.  Họ đang biến mình thành “kẻ thù” của những người xung quanh.

Để sống một cuộc đời bình an, Ông Bà chúng ta dạy: hãy thêm bạn bớt thù.  Đáng tiếc, trong bối cảnh xã hội hôm nay, người ta đang có khuynh hướng làm ngược lại.  Thay vì hợp tác huynh đệ để cùng nhau giảm thiểu tội ác, chung sống hòa bình, thì người ta muốn hủy diệt và loại trừ nhau.  Ông cụ 90 tuổi trong câu chuyện ở đầu bài viết không có kẻ thù, không phải vì ông quảng đại tha thứ, nhưng nếu ai làm mất lòng ông thì ông sẵn sàng giết họ.

Lấy oán hận đáp lại oán hận, thì hận thù sẽ chồng chất.  Giáo lý Phật giáo cũng dạy: “Hận thù diệt hận thù.  Đời này không có được.  Không hận, diệt hận thù.  Là định luật ngàn thu” (Tức là đem hận thù diệt hận thù hay lấy oán trả oán thì oán càng thêm.  Còn không đem oán trả oán thì đó mới là định luật ngàn thu).  Quảng đại tha thứ, từ bỏ hận thù, chung sống huynh đệ, đó là điểm gặp gỡ chung giữa Kitô giáo và Phật giáo.

Thánh Phanxicô đã cầu nguyện với Chúa: “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” (Kinh Hòa bình).  Ước chi mỗi Kitô hữu chúng ta trở nên những khí cụ bình an trong cuộc sống chao đảo và đầy bạo lực này.  Trước khi trở nên khí cụ bình an, mỗi chúng ta phải cảm nghiệm sự bình an tâm hồn qua việc sẵn lòng tha thứ cho anh chị em mình.

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).  Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá.  Ước chi đó cũng là lời cầu nguyện của chúng ta, mỗi khi chúng ta bị xúc phạm hoặc khinh chê.  Chúng ta chỉ có thể thốt lên lời cầu nguyện này, nếu cuộc sống chúng ta thấm đượm tinh thần của Tin Mừng, và Lời Chúa luôn cư ngụ dồi dào trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó, chúng ta có cái nhìn yêu thương như cái nhìn của Chúa và trái tim quảng đại như trái tim của Người.

ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên

HẠNH PHÚC LÀ MỘT SỰ LỰA CHỌN

Chúng ta thường có suy nghĩ rằng hạnh phúc là kết quả của bánh xe số phận đã an bài vào đúng thời điểm.  Bạn bước xuống phố, nhìn thấy tờ năm trăm ngàn, nhận được lời khen từ một người xa lạ, gặp được một chàng trai hay một cô gái hoàn hảo (và dĩ nhiên không phải là tự lừa dối bản thân), tới cửa hàng yêu thích của mình và nhận được giảm giá 50%…

Thật dễ dàng cảm thấy hạnh phúc khi mà mọi thứ dường như đi theo đúng hướng mà bạn nghĩ, nhưng nếu định nghĩa hạnh phúc theo cách đó, chúng ta sẽ làm giảm đi ý nghĩa của nó, rằng nó là sản phẩm phụ của sự may mắn hay theo cách khác đó là một sự ngẫu nhiên.  Trên thực tế, người ta thậm chí từng cho rằng may mắn mới là sản phẩm phụ của hạnh phúc, nếu như bản thân đang trong tâm trạng hết sức tồi tệ.

Hạnh phúc không hẳn là ngẫu nhiên

Luôn có những ngày tươi đẹp, nhưng cũng có những ngày bình thường hay những ngày quá tồi tệ và chính trong những ngày đó, bản chất thật sự của hạnh phúc sẽ được hé lộ.  Đã bao giờ bạn gặp một người luôn giữ tinh thần lạc quan, bất kể họ đang có một ngày thật tồi tệ, và mọi thứ sai lầm như đang theo chiều hướng tiếp tục sai?  Nếu như bạn cũng đang có một ngày tồi tệ, chỉ cần ở cạnh những người như vậy cũng có thể làm bạn cảm thấy phấn chấn lên (mặc dù với nhiều người đó là sự phiền toái, nhưng những điều đó thường bắt nguồn từ sự ghen tị).

Những người có thể cười trong các hoàn cảnh khó khăn nhất đều học được bài học quan trọng, chính là bài học mà chúng ta đã khẳng định ở trên: hạnh phúc không hẳn là điều ngẫu nhiên đâu!

Hạnh phúc là sự lựa chọn

Đúng vậy, sự lựa chọn.  Không phải là sự ngẫu nhiên, cũng không phải là món quà từ trên trời rơi xuống. Dĩ nhiên sẽ thật tuyệt nếu nhận được những món quà và bạn dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc khi có được nó, nhưng hạnh phúc là những gì thuộc về lựa chọn để thấy được sự phiêu lưu khám phá trong từng khoảnh khắc, chọn để hiểu rằng luôn luôn có ánh sáng nơi cuối đường hầm, rằng luôn luôn thấy được điều tốt trong mọi tình huống và trong mỗi con người bất kể mọi thứ có khủng khiếp đến mức nào.

Đó là chìa khóa cho hạnh phúc: hãy chọn nó. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng để lựa chọn, và đôi khi nó là điều bạn muốn làm sau cùng. Những khi đau buồn, hoặc khi bạn không thể có thời gian nghĩ cho chính mình, đôi khi bạn chỉ muốn hờn dỗi, và buồn bã để nỗi buồn kéo dài. Đó là một phản ứng tự nhiên, nhưng nó cũng đòi hỏi cách bạn ứng xử, đó là sự lựa chọn. Và chọn cách hạnh phúc sẽ làm bạn thấy tốt hơn, mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và kiên cường hơn.

Chúng ta luôn có quyền lựa chọn để được hạnh phúc

Học cách thay đổi thái độ là một điều khó khăn nhưng cuối cùng nó rất xứng đáng. Khi chúng ta chọn cách để hạnh phúc, mọi thứ có xu hướng làm việc thuận theo ý muốn và may mắn dường như luôn bên cạnh chúng ta; và thậm chí nếu mọi thứ không xảy ra theo cách mà bạn mong đợi, thì nếu bạn chọn để hạnh phúc, bạn có thể chấp nhận mọi tình huống bất kể nó là gì và tận hưởng cuộc sống bất chấp nó đối xử với bạn thế nào.

Lesong, từ diendan.thienantech.com – Theo: Ephata

CÂU CHUYỆN CỦA THÁNH VALENTINE

Có thể bạn đã từng nghe câu chuyện này, nhưng chắc rằng không phải tất cả mọi người đều biết hết về câu chuyện của thánh Valentine, nếu các bạn muốn nghe câu chuyện này thì hãy để trí tưởng tượng của bạn bay bổng theo câu chuyện do chính thánh Valentine kể cho các bạn về điều gì đã xảy ra với ngài và tại sao trên khắp thế giới người ta lại kỷ niệm ngày lễ của Tình Yêu.

Tôi xin được tự giới thiệu về mình.  Tên của tôi là Valentine, là Giám mục sống ở Rome vào thế kỷ thứ 3.  Vào thời đó, Rome nằm dưới sự cai trị của Hoàng đế Claudius.  Tôi không thích Hoàng đế Claudius và mọi người dân thành Rome cũng không thích ông hoàng Claudius.

Vào thời đó, Hoàng đế Claudius muốn xây dựng một đội quân hùng mạnh.  Ông muốn tất cả đàn ông phải tham gia vào đội quân.  Nhưng đa số người dân không muốn chiến tranh, họ không muốn phải chém giết lẫn nhau và phải rời xa gia đình mình.  Và như các bạn có thể đoán, rất nhiều người đã không nhập ngũ.  Điều này làm Hoàng đế Claudius rất giận dữ.  Ông ta cho rằng nếu những người đàn ông không lấy vợ thì họ sẽ không phản đối việc tham gia vào quân đội.

Thế là, ông Hoàng Claudius quyết định không cho phép bất cứ một người đàn ông nào được kết hôn.  Những thanh niên trai tráng rất tức giận với cái luật mới này của ông ta.  Tôi cũng không ủng hộ luật này.  Bởi vì, các bạn có biết không, tôi là một linh mục và công việc yêu thích nhất của tôi là se duyên cho các cặp tình nhân đấy.  Vậy là, sau khi Hoàng đế Claudius ban hành điều luật của ông ta thì tôi vẫn tiếp tục đứng ra tổ chức các đám cưới và tất nhiên là một cách bí mật.  Mà điều này lại dường như là rất thú vị. Các bạn hãy tưởng tượng xem trong một không gian nhỏ với một cây nến chỉ có cô dâu, chú rể và tôi.  Tôi thì thầm đọc những lời nguyện cho đám cưới trong những tiếng bước chân rình rập của những tên lính.

Và một đêm khi đang làm đám cưới cho một đôi tình nhân tôi nghe thấy tiếng bước chân.  Thật là kinh hoàng.  Nhờ ơn Chúa, đôi tình nhân đã kịp trốn thoát, nhưng tôi đã bị bắt (có lẽ tại bước chân của tôi đã không còn nhanh nhẹn như trước đây).  Tôi bị đưa ra toà và bị kết án tử hình.  Những ngày còn lại trong tù chờ án tử hình tôi cố gắng sống một cách vui vẻ.  Các bạn có biết điều gì xảy ra với tôi không? Mọi việc thật là tuyệt vời.  Rất nhiều thanh niên đã đến nhà tù để thăm tôi.  Họ ném hoa và những lá thư qua cửa sổ cho tôi.  Họ muốn tôi biết rằng họ sẽ luôn luôn tin vào tình yêu.  Một cô gái em của người cai tù được anh trai cho phép cô vào nhà tù thăm tôi.  Chúng tôi đã ngồi và nói chuyện với nhau hàng giờ liền.  Cô gái đã giúp tôi luôn giữ vững tinh thần.  Vào ngày tôi phải lên đoạn đầu đài, tôi đã chuyển một lá thư cảm ơn đến cô gái vì tình bạn và lòng trung thành mà cô gái đã dành cho tôi, và tôi ký dưới bức thư dòng chữ: “Tình yêu của Valentine dành cho con.”  Tôi tin rằng lời nhắn ấy đã dẫn đến phong tục trao đổi những bức thông điệp tình yêu vào ngày Valentine.

Bức thông điệp của tôi được viết vào ngày 14 tháng 2 năm 269 sau Công nguyên.  Giờ đây, hàng năm vào ngày này mọi người lại tưởng nhớ tôi, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là mọi người luôn nghĩ về tình yêu và tình bạn vào ngày này.  Và mọi người nghĩ đến Hoàng đế Claudius, người đã cố sức ngăn cản tình yêu nhưng tình yêu đã luôn luôn chiến thắng.  Khoảng hai thế kỷ sau đó, vào năm 496 sau Công nguyên, Giáo Hoàng Gelaius đã quyết định lấy ngày 14-2 là ngày lễ cho các cặp tình nhân gặp gỡ và tìm bạn trăm năm và ông đã chọn một Thánh để đại diện cho những người yêu nhau.  Giám mục Valentine đã được chọn là Thánh quan thầy của Lễ hội này.  Bây giờ bạn đã biết được câu chuyện về ngày Thánh Valentine.  Và nếu bạn không biết làm gì vào ngày này, thì có lẽ bạn có thể kể câu chuyện về Thánh Valentine cho bạn bè của bạn, gia đình hoặc một người nào đó bạn muốn gây ấn tượng.

Hải Âu

TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM

Tự do lựa chọn một quyết định và gánh trách nhiệm về quyết định của mình, đó là đặc tính căn bản làm cho con người khác biệt với mọi loài tạo vật khác.  Thiên Chúa sáng tạo con người không giống như một chiếc máy cho ra lò hàng loạt sản phẩm cùng một mẫu mã như nhau.  Ngài tạo dựng con người mỗi cá nhân đều khác biệt và cho họ có tự do để lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Tác giả sách Huấn Ca đã dùng một hình ảnh đơn sơ dễ hiểu: Đức Chúa đặt trước mặt con người lửa và nước, nếu muốn gì thì giơ tay mà lấy; Đức Chúa đặt trước mặt họ cửa sinh và cửa tử…  Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội (Bài đọc I).

Nếu Thiên Chúa ban cho con người có tự do, là để họ dùng tự do ấy một cách đúng mức và để họ có trách nhiệm về những việc mình làm.  Vì con người hay lạm dụng tự do, nên Chúa đã thiết lập lề luật làm nền tảng để lượng giá một hành động của họ.  Lề luật của Thiên Chúa là mẫu mực cho mọi lề luật của loài người, nên luật đó có giá trị ưu tiên.  Mọi dân luật đều phải dựa trên luật của Thiên Chúa đã khắc ghi vào lương tâm con người.

Chúa Giêsu đã quả quyết, luật căn bản nhất mà con người phải tuân giữ, đó là luật yêu thương.  Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng giáo huấn rất phong phú về nội dung này.  Không thể viện cớ một luật lệ hay một tập quán thế tục để hành động ngược với giới luật yêu thương.  Khởi đi từ luật yêu thương này, người ta mới có thể xây dựng tình bằng hữu, đạo gia đình và tình nghĩa phu phụ.

Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật của Cựu Ước.  Hơn thế nữa, Người mặc cho lề luật một giá trị cao siêu hơn.  Nếu luật Cựu Ước quy định kẻ sát nhân phải ra tòa, thì luật Tân Ước, những ai giận ghét anh chị em mình hoặc chửi mắng rủa xả họ với những lời thóa mạ, thì đã đáng hình phạt hỏa ngục trầm luân.  Những quy định của luật Tân Ước nhằm bảo vệ và cổ võ thực thi bác ái giữa những người đồng loại.  Trong Giáo huấn của Chúa Giêsu, luật yêu thương không chỉ dừng lại ở những cấm đoán, nhưng còn tiến xa hơn bằng những lời khuyên làm việc tốt cho tha nhân, đến mức yêu tha nhân như chính mình.  Để giáo huấn của mình có độ xác tín, Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta noi theo qua việc rửa chân cho các môn đệ và nhất là qua cái chết trên thập giá.

Để có thể hành động đúng với ý Chúa và để có thể thực thi được đức bác ái hoàn hảo, một điều kiện căn bản là mỗi chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận vị trí và khả năng của mình trong cuộc sống hiện tại.  Nghịch lại đức khiêm tốn là kiêu ngạo.  Người kiêu ngạo thường lấy mình làm tiêu chuẩn để xét đoán người khác.  Họ coi mình là trung tâm vũ trụ, nên hành động và quyết định mà không nghĩ đến quyền lợi và phẩm giá của anh chị em mình.  Kiêu ngạo bao nhiêu cũng chẳng đủ; khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng thừa.  Lối sống khiêm hạ là phương pháp Đức Giêsu đã dùng để cứu độ trần gian.  Đối với mỗi tín hữu chúng ta, khi khiêm nhường là chúng ta nên giống Đức Giêsu và như thế chúng ta có thể sống đức yêu thương như Người truyền dạy.

Sống như một người có trách nhiệm cần phải có ơn Chúa, nhất là ơn khôn ngoan.  Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy hành xử theo sự khôn ngoan đích thực, chứ không phải lẽ khôn ngoan theo quan niệm thế gian.  Lẽ khôn ngoan này là chính Đức Giêsu, Đấng đã đến để chỉ cho chúng ta con đường về quê trời.

“Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”  Một điều xem ra quá đơn giản và dễ dàng mà chúng ta không phải lúc nào cũng áp dụng được.  Cuộc sống này vẫn còn những tranh cãi bất hòa và căng thẳng, vì chúng ta thường có khuynh hướng nói ngược lại: ‘có’ lại nói ‘không’ và ‘không’ lại nói ‘có’.

Con người không phải là một ốc đảo trong đại dương mênh mông là cuộc đời này.  Mỗi cá nhân là một người có tự do và có trách nhiệm.  Nên thánh chính là biết sống quân bình giữa tự do và trách nhiệm trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em.  Xin Chúa cho chúng ta biết sử dụng tự do để lo phần rỗi bản thân và góp phần đem lại hạnh phúc cho đồng loại.

ĐGM Giuse Vũ Văn Thiên

NGOẠI ÐẠO

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên cao.

Là người ngoại đạo sao lại tin có Chúa ngự trên cao?  Ðã tin Chúa ngự trên cao là có đạo rồi.  Nếu tin Chúa ngự trên cao mà vẫn ngoại đạo chỉ có nghĩa là có đạo mà không vào đạo thôi.

Nhiều người có đạo nhưng không vào đạo.  Cũng như nhiều người vào đạo nhưng không có đạo.  Thơ Nguyên Sa bảo rằng nắng Saigon tôi đi mà chợt mát vì em mặc áo lụa Hà Ðông.  Cũng nắng Saigon tôi đi, nhưng sẽ chẳng chợt mát khi lòng tôi không có áo-lụa-em bay.  Áo lụa cũng phơi bên sân hiên nhà ai.  Dưới ngõ trúc cũng là áo lụa ai đi về.  Cũng là áo lụa đó, nhưng vẫn là khác.  Phải là áo-lụa-em bay lòng anh mới chợt mát.

Như thế, xem ra, cái gần gũi không gian có là gần mà vẫn là xa.  Cái lòng mình chợt mát phải là cái gì thiêng liêng hơn, nó ở trong hồn ta chứ không ở ngoài ta.  Nếu nó ở ngoài ta thì bất cứ áo lụa nào lòng tôi cũng chợt mát, bất cứ nắng nào cũng được chứ không phải nắng Saigon.  Cái nắng Saigon, con đường Duy Tân lá đổ, hàng me già công viên, tự nó chỉ là me, là nắng, là lá đổ mà thôi cho những ai đi giữa Saigon mà không có Saigon với áo-lụa-em trong hồn mình.  Còn ai có áo-lụa-em thì nắng là chợt mát, lá đổ là muôn chiều dư âm.  Ðạo cũng thế, chỉ khi nào đạo ở trong tôi mới là có đạo, mới là “chợt mát”, là ơn cứu độ.

Thủa xưa cũng đã có một chuyện tình.  Ngày đó, sau khi phạm tội, Ađam cùng Evà đi “trong địa đàng” nhưng vẫn là rũ úa giữa địa đàng.  Như thế, “tôi ở trong địa đàng” vẫn là thống khổ, chỉ khi “địa đàng ở trong tôi”, lúc đó tôi mới “có địa đàng”, bấy giờ mới là gió lụa, mới là nắng hoa, mới là lòng mình chợt mát.

Nói về có đạovào đạo thì Phúc Âm có nhiều biến cố tường thuật về những người ngoại đạo nhưng lòng họ thì lại có đạo.

Một người ngoại đạo

Kết thúc cuộc đời rao giảng của Chúa là khúc đường vác thập giá lên Núi Sọ.  Nếu Chúa vác không nổi mà chết trên đường đi thì hành trình cứu chuộc có dang dở không?  Ðó là câu hỏi giả sử mà thôi.  Thực tế, hành trình cứu chuộc đã không dang dở.  Chúa đã không kiệt sức mà chết trên đường đi vì đã có người vác đỡ.  Kẻ vác đỡ thánh giá là ông Simon, người xứ Kyrênê, ông là một người ngoại giáo (Lc. 23:26).

Một người ngoại giáo nữa

Trong quãng đời mục vụ của Chúa, Tin Mừng thánh Matthêu có kể câu chuyện đức tin của một người như thế này:

Khi Ngài vào Carphanaum, thì một viên bách quản đến gặp Ngài, van xin: “Thưa Ngài, tên hầu của tôi nằm liệt bất toại ở nhà, phải đau đớn dữ lắm.”  Ngài nói: “Ta phải đến chữa nó?”  Viên bách quản thưa lại: “Thưa Ngài, tôi không đáng được Ngài vào mái nhà tôi.  Song Ngài hãy phán một lời mà thôi, thì tên hầu tôi sẽ khỏi, vì tôi đây tuy là thuộc hạ, thế mà có lính tráng dưới quyền tôi, tôi bảo người này: “Ði đi!” là nó đi; và bảo người khác: “Ðến!” là nó đến; tôi bảo tôi tớ của tôi: “Làm cái này” là nó làm”.  Nghe vậy Ðức Kitô ngạc nhiên và nói với các kẻ theo Ngài: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, ta chưa hề gặp được lòng tin lớn như thế nơi một người nào trong Israel” (Mt. 8:5-10).

Lại một người ngoại giáo nữa

Câu chuyện trên là chứng nhân của niềm tin.  Câu chuyện dưới đây nói về tâm tình biết ơn, cũng lại là một người ngoài.

Nhằm lúc Ngài vào một làng kia, thì mười người phung hủi đón gặp Ngài.  Ðứng đàng xa, họ gióng tiếng lên mà rằng: “Lạy Thầy Yêsu, xin thương xót chúng tôi!”  Thấy vậy, Ngài bảo họ: “Hãy đi trình diện với hàng tư tế.” Và xẩy ra là trong lúc họ đi, thì họ đã được sạch.  Một người trong bọn thấy mình được lành thì quay lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mặt dưới chân Ngài mà tạ ơn.  Người ấy là một người Samari.  Ðức Yêsu cất tiếng nói: “Không phải là cả mười người được sạch cả sao?  Chín người kia đâu?  Không thấy họ quay lại mà chúc vinh Thiên Chúa, trừ có người ngoại bang này?” (Lc. 17:11-18).

Rồi lại một người nữa ngoại giáo

Thánh Luca thuật lại câu chuyện như sau: “Một người ở thành Yêrusalem xuống Jêrico, giữa đường bị kẻ cướp bóc lột hết và đánh nhừ tử, đoạn chúng bỏ người ấy nửa sống nửa chết mà đi.  Tình cờ một trưởng tế đi qua đấy, ông thấy người ấy song tránh một bên mà đi.  Lại có một thầy Lêvi cũng qua lối ấy, thấy người ấy song cũng tránh một bên mà đi.  Một người Samari nọ, nhân đi đường, cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương, tiến lại đổ dầu và rượu, ràng buộc thương tích người ấy, đoạn vực người ấy lên lừa của mình mà đưa đến quán trọ, và săn sóc người ấy (Lc. 10:29-37).

Thầy tư tế và Lêvi chẳng những là người trong đạo mà còn hơn nữa, họ là kẻ giảng về đạo.  Họ ở trong đạo nhưng lại không có đạo.  Kẻ sống đạo lại là người ngoại đạo.

Rồi những người ngoại giáo nữa

Vào đêm Chúa sinh ra, trên bầu trời Belem năm ấy có một vì sao lạ.  Cả triều đình và bao nhiêu pho Kinh Thánh, với những kinh sư chuyên môn cắt nghĩa ngôn sứ, mà họ chẳng biết gì, họ phải đợi cho tới khi những kẻ ngoại giáo từ phương xa tới hỏi: Ðấng Cứu Thế đã sinh ra ở đâu? (Mt. 2:1-12). Trên bầu trời Belem năm ấy, vâng: Con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao.

******************

Lạy Chúa,

Nói về niềm tin thì các môn đệ khẳng định Thầy đâu có sống lại (Mc. 16:11, Yn. 20:25). Trong khi người có niềm tin mà tìm hết dòng dõi nhà Israel cũng không thấy lại là một người bên ngoài.

Kẻ vác đỡ thánh giá cho Chúa trên những bước chân xiêu té cuối đời cũng lại là người ngoại.

Nói về lòng biết ơn thì ít quá.  Trong cái ít ỏi ấy lại cũng là một người bên ngoài.

Nói về lòng bác ái thương người thì cũng không phải là tư tế hay các vị chức sắc trong đạo mà lại là người Samari, một kẻ ngoại giáo.

Băn khoăn một chút thế nào là “người bên ngoài”, thế nào là “người bên trong”, thế nào là “ngoại đạo” và “có đạo”, con thấy một lần Chúa nói: “Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ tự phương Ðông, phương Tây mà đến và được dự tiệc với Abraham, Isaac và Yacob trong Nước Trời, còn chính con dân trong Nước lại sẽ bị đuổi ra bên ngoài tối tăm” (Mt. 8:11-12).

Con không muốn là con dân trong Nước nhưng bị loại ra ngoài.  Làm kẻ từ mười phương mà được Nước Trời thì vẫn tốt hơn.  Nếu thế thì con phải hiểu ÐẠO là gì.  Con phải băn khoăn thế nào là “vào đạo” và thế nào là “có đạo”.  Trời chiều nay rộng quá, mênh mông như ÐẠO không bến bờ.  ÐẠO mênh mông lắm, làm sao con có thể đem ÐẠO vào một định nghĩa chật hẹp được.  Làm sao con có thể nhốt ÐẠO vào nhà thờ, vẽ chân dung ÐẠO bằng tờ giấy rửa tội. Ðã nhiều lần con loại bỏ những ai không cùng tôn giáo với con là người “ngoại đạo”.

Bỏ cái chật hẹp của lòng mình, con thấy ý nghĩa lời kinh kia quá đỗi thênh thang. Nếu những giải mây ngang đời trôi về vùng trời bao la không biết đâu là bờ bến thì ý nghĩa của lời kinh ấy cũng mênh mông không biết đâu là bến bờ. Lời kinh đó là:

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên cao.

Nguyễn Tầm Thường – (Trích tập Con Biết Con Cần Chúa)

SATAN ẨN TRONG CHIẾC GƯƠNG

Tôi lớn lên với “năng khiếu mua sắm” đối với phụ nữ.  Khi tôi tới siêu thị, bảo tàng viện, hoặc thậm chí là nhà thờ, tôi thường theo bản năng “mua sắm” bằng cách chú ý tới điểm nào đó ở các phụ nữ khác (dù quen hay lạ) thay vì chú ý tới mình.  Ôi, khuôn mặt, đôi tay, chiều cao và điều cuối cùng là…

Nhưng chúng ta biết rằng điều kế tiếp sẽ là điều cuối cùng, đó là chúng ta tìm kiếm vẻ đẹp ngoài Đức Kitô.  Tôi không bao giờ thỏa mãn vì lý tưởng của tôi không thật, đó là sự kết hợp của các khuyết điểm mà tôi muốn sửa.  Tưởng tượng luôn khác với thực tế.  Ước vọng của tôi không an toàn, các hình ảnh nối kết trong đầu không hề thực tế, và tôi không thể biến nó thành hiện thực.

1. THIÊN CHÚA CÓ LÀM CHO NÓ SAI?

Khả năng phức tạp và kiến thức bản chất về việc liên kết con người là điều thuộc về Thiên Chúa mà thôi.  Nền tảng của tội về sự thiếu tự tin là KHÔNG tin rằng Thiên Chúa làm cho nó thành đúng.

Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta cụ thể hóa chị em và bạn bè của chúng ta bằng cách làm họ giảm giá trị mà lại kết hợp các nét thể lý khiến chúng ta ghen tỵ và xoi mói từng chi tiết.  Kiểu này không là yêu thương những người trước mặt mình, chắc chắn như thế cũng không thể tuyên xưng Thiên Chúa cao cả và vinh quang.

Khi làm như vậy, chúng ta tuyên bố với Ngài và thế giới rằng Ngài tạo dựng sai nên chúng ta nghĩ rằng:

  • “Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một” (Tv 147:4), ôi lạy Chúa, nhưng Ngài tạo nên họ kỳ cục lắm.
  • “Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi” (Lc 12:7), nhưng Ngài cho họ màu da không đẹp.
  • Ngài “tạo ra núi non, dựng nên gió bão” (Am 4:13), nhưng Ngài lại không cho cơ thể con cân đối.

Thật là kiêu ngạo!  Chúng ta không nhớ rằng cơ thể của chúng ta được tạo dựng theo ý muốn của Thiên Chúa.  Ngài không làm sai hoặc lỡ tay.  Ước muốn của chúng ta sai lầm.  Chúng ta nên vâng theo ý Ngài và nhận biết rằng ngoại hình không bao giờ thỏa mãn tham vọng của chúng ta.

2. ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO VẺ ĐẸP CAO CẢ

Thực sự chúng ta không xinh đẹp nhất bởi vì chúng ta không được tạo dựng để làm đẹp, nhưng để phục vụ Thiên Chúa.  Chúng ta nhẹ gánh “vẻ đẹp” khi thế giới nhìn thấy, bởi vì chấp nhận ngoại hình là “tỏa sáng” mãi mãi.  Có sự bình an ngoài thế gian có thể tìm thấy không là vẻ đẹp theo tiêu chuẩn của xã hội trần gian – chiều cao, số đo ba vòng…  Cũng chẳng sao khi cơ thể chúng ta KHÔNG HOÀN HẢO.  Đặc tính của chúng ta là khiếm khuyết, bất toàn, thế nên chúng ta phải hướng tới sự hoàn hảo của Thiên Chúa – Đấng tạo dựng muôn loài.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta không chăm sóc thân xác chúng ta như đền thờ của Thiên Chúa (1 Cr 6:19).  Nếu tinh thần của Đức Kitô sống trong chúng ta, thân xác chúng ta không thuộc về chúng ta để mà ích kỷ hoặc lạm dụng nó (1 Cr 6:20).

Chúng ta không cần có cơ thể hấp dẫn để “tỏa sáng” làm mãn nhãn người khác.  Con mắt của Chúa luôn nhìn chúng ta, Ngài vui mừng khi chúng ta không “nổi loạn” nhưng Ngài buồn khi chúng ta chăm chú vẻ quyến rũ của xác thịt – kể cả việc ước muốn như người khác (bất kỳ ai) mà không chấp nhận vóc dáng Ngài đã ban cho để yêu mến và tôn vinh Ngài.

3.  SỰ DỐI TRÁ TRONG CHIẾC GƯƠNG

Tôi mới 24 tuổi mà các vết nhăn mờ đã xuất hiện trên khuôn mặt.  Tôi chưa có con, vậy mà cơ thể tôi đã sa sút, thị lực tôi cũng kém.  Từ nhỏ, tôi đã cảm thấy không vui khi nhìn mình trong gương.  Tôi là một phụ nữ và xác định rằng tôi sống độc thân bởi vì chẳng một đàn ông nào muốn có một người như tôi.

Ngày xưa, Chúa Giêsu đã từng đặt vấn đề: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6:27).

Thiên Chúa không thuộc về thế gian và không lệ thuộc vẻ đẹp thế tục.  Ngài gọi chúng ta là “người yêu” vì Đức Kitô (Rm 9:25).  Thánh Phaolô nhắc lại lời Kinh Thánh: “Như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2:9), và chẳng có gì hơn khiêm nhường.  Trong Đức Kitô, chúng ta có thể gạt đám mây đen thiếu tự tin sang một bên và hướng tới ánh sáng của đức khiêm nhường tập trung vào Đức Kitô.  Điều đó không dễ chút nào, thế nên chúng ta cần phải biết “đóng đinh” cơ thể hoàn hảo của mình.  Tác giả Isaac Ambrose viết: “Vẻ đẹp thể lý mà không có Đức Kitô thì chỉ là cỏ xanh mọc trên ngôi mộ thối rữa.”

4. TÔI NHỎ LẠI ĐỂ NGÀI LỚN LÊN

Sự thiếu tự tin là con quái vật mà chúng ta phải can đảm chiến thắng.  Chúng ta không muốn gọi đó là tội vì đó là “vùng nhạy cảm” trong nhiều người, nhưng điều đó không gì hơn là tính kiêu ngạo tiềm ẩn.  Chúng ta càng tập trung vào tình trạng thiếu thốn của mình thì càng ít có thể đón nhận sự đầy đủ của Đức Kitô.  Chúng ta càng tập trung vào những gì mình muốn thì càng muốn trở thành con người theo ý mình.  Chúng ta càng tập trung vào việc ghen tỵ với người khác thì càng có xu hướng nô lệ cho họ.

Sự thiếu tự tin không nên coi nhẹ hoặc làm ngơ, bởi vì “ai cũng phải đấu tranh với nó.”  Cùng với Đức Kitô, chúng ta nên cầu nguyện và chiến đấu với Ngài và trong Ngài.

Xã hội thay đổi.  Danh tiếng tàn phai.  Thân xác hư nát.  Nhưng Thiên Chúa xác định: “Ta là Đức Chúa” (Ml 3:6), “những chuyện xảy ra sau, Ta báo trước từ đầu, những gì chưa thể hiện, Ta đã báo từ lâu.  Ta phán: Điều Ta dự tính sẽ thành tựu, Ta sẽ thi hành điều Ta ưa thích” (Is 46:10).  Và “ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời” (Tv 90:2).  Rồi lần tới, Satan sẽ lại nói dối với bạn ở trong tấm gương, hãy nhìn ra chỗ khác và mở sách Kinh Thánh ra để đọc Lời Chúa.  Hãy hướng tới vẻ đẹp cao cả hơn và thỏa mãn hơn: CHĂM CHÚ NHÌN VÀO ĐỨC KITÔ.

Mụ phù thủy xấu xa đã “hỏi ép” chiếc gương thế này: “Gương kia ngự ở trên tường – Nước này ai đẹp được dường như ta?”  Đó là bài học về thói kiêu ngạo và đề cao vẻ đẹp của mình, chỉ là ảo tưởng.  Tiền nhân đã rất thâm thúy khi xác định: “Cái nết đánh chết cái đẹp” hoặc “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Calley Sivils – Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ DesiringGod.com)