Mỗi năm khi bước vào mùa Chay với thứ Tư lễ tro thì Giáo Hội lại một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn luôn nhìn vào những gì bên trong được phát xuất từ trái tim, chứ không phải những gì từ bên ngoài của mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu đang nhắc nhở cho chúng ta về một bài học rất khó khăn và thách đố qua bài Phúc Âm của thánh Mát-thêu (Mt 6, 1-6. 16-18) ngày thứ Tư lễ tro. Ngài nói rằng chúng ta hãy dừng lại, và đừng là những kẻ đạo đức giả nữa. “..khi làm việc từ thiện, các con đừng thổi loa báo hiệu, như những người giả hình làm nơi hội đường và trên hè phố để cho người ta khen… Và khi cầu nguyện, các con đừng làm như những người giả hình vẫn thường làm nơi hội đường và trên hè phố, cốt cho người ta thấy…” (MT 6:2,5).
Mùa Chay cũng là dịp tốt để cho chúng ta có thể tháo bỏ đi những cái “mặt nạ” là những cái nhìn “thánh thiện” gần giống như người Kitô hữu bên ngoài, khi mà chúng ta tự cho mình là “nhân vật chính” là “trung tâm điểm, vì cái kiêu ngạo, tự cao và tự đại” ở bên trong. Cái từ “đạo đức giả” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “diễn viên.” Các diễn viên giả vờ là một người mà họ phải làm, phải đóng vai trong các vở phim, vở kịch, cải lương, v.v… Điều này có thể ổn thoả trên sâu khấu, nhưng chúng không thể chấp nhận được trong cuộc sống thực tại ngoài đời, nhất là đối với đời sống Đạo, đời sống tâm linh của một người tín hữu Công Giáo. Qua bài Phúc Âm của Thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu đang khuyến khích chúng ta hãy vất bỏ những cái mặt nạ mà mỗi người chúng ta đang mang. Ngài kêu mời chúng ta hãy sống đúng với bản chất thật của mỗi người, “…các con đừng làm như những người giả hình vẫn thường làm…” (MT 6:5) ngõ hầu ân sủng của Thiên Chúa có thể chữa lành cho những yếu đuối của chúng ta.
Việc mời gọi “sống thật”, vất đi cái “mặt nạ” này của Chúa Giêsu có thể nói là một thách đố rất lớn lao cho mỗi người chúng ta vì hai lý do như dưới đây:
Thứ nhất, chúng ta không muốn thừa nhận rằng đôi khi mỗi người chúng ta có những hành động yếu đuối tự lừa dối những người chung quanh và chính mình. Lý do chính là do “CÁI TÔI” to lớn, tự ái, tự cao và gia trưởng, v.v… của mỗi người chúng ta. Có lẽ đây là cái lý do tại sao chúng ta cố bám chặt lấy những cái “mặt nạ” và hành động như kẻ đạo đức giả. Nói cho cùng thì mỗi người chúng ta đều là những kẻ đạo đức giả “pha-ri-siêu” bằng một cách thức nào đó trong đời sống cả Đạo lẫn đời.
Lý do thứ hai làm chúng ta không dám tháo cởi cái “mặt nạ” là vì chúng ta sợ bị từ chối. Đương nhiên không một ai thích mình bị từ chối, đây là một điều tâm lý chung của con người. Nhưng qua Kinh Thánh Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa biết tất cả mọi “bí mật” của mỗi người chúng ta từ trong tư tưởng đến hành động. “Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn” (MT 6:4). Thiên Chúa thấu hiểu và cảm thông với những yếu đuối của mỗi người. Do đó Thiên Chúa luôn yêu thương và ao ước chúng ta đến với Ngài để Ngài có thể giúp chúng ta vượt qua những yếu đuối này; ngõ hầu chúng ta được sống gần gũi và mật thiết với Ngài mỗi ngày trong cuộc sống. Đây là một niềm hy vọng rất lớn lao của mỗi người chúng ta.
Ao ước rằng trong mùa Chay Thánh năm nay mỗi người chúng ta hãy dành thời giờ mỗi ngày để tâm tình với người Thầy Giêsu thân yêu bằng những lời trong bài cầu nguyện của Michel Quoist, để xin Thiên Chúa giúp chúng ta có can đảm dám vất đi, cởi bỏ cái mặt nạ mà mỗi người chúng ta đang cưu mang trong người.
Lạy Chúa, xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
Phó-tế Giuse Nguyễn Xuân Văn