AI CŨNG CẦN MỘT VÒNG TAY ÔM

Genny gửi đi dòng text cuối cho Dick, bạn trai và cũng là đồng nghiệp của cô ở sở cảnh sát Dallas, khi bước đến gần căn apartment của cô ở lầu 3.  Lúc ấy khoảng gần 10 giờ đêm.  Cô về muộn hơn mọi ngày sau ca trực kéo dài suốt 14 tiếng…  Một ngày đầu tuần khá mệt mỏi và nhức đầu vì những chuyện lỉnh kỉnh chẳng đâu vào đâu.  Cô cần nghỉ ngơi để lấy lại sức.

Khi vừa tra chìa khóa vào ổ khóa cửa phòng, Genny cảm thấy có điều gì bất thường.  Cô luôn cẩn thận khóa cửa, tắt đèn mỗi khi rời nhà.  Cửa dường như không khóa, cô xoay nhẹ tay nắm cửa, cánh cửa mở he hé.  Genny khẽ giật mình, đặt tay lên báng súng như một phản xạ tự nhiên.  Ánh đèn vàng từ bên trong hắt ra.  Genny suy nghĩ thật nhanh.  Ngoài Dick ra, không ai biết chỗ ở của cô.  Kẻ nào đã đột nhập vào phòng cô?…  Genny rút súng, lùi lại một bước, tay giơ cao khẩu súng ngắn, chân đạp mạnh vào cánh cửa.

“Đứng yên tại chỗ.  Giơ tay lên!”  Genny hét lớn.

Cửa mở toang.  Cô trông thấy một gã đàn ông ngồi dựa lưng trên ghế sofa, hai chân duỗi thẳng, tay cầm vật gì đó.

“Bỏ ngay cái đó xuống.  Giơ hai tay lên!”  Genny nắm chặt khẩu súng bằng cả hai tay, mũi súng chĩa thẳng về phía kẻ lạ mặt.

Trước mắt cô là gã đàn ông da màu lạ hoắc.  Gã mặc quần short, tay cầm vật gì lấp lánh cô không nhìn thấy rõ.  Gã chồm người dậy, nhìn chòng chọc vào cô.

“Giơ hai tay lên!  Bỏ cái đó xuống ngay, nếu không tôi bắn.”  Genny quát lên và lùi lại một chút, hai tay vẫn nắm chặt khẩu súng.

Gã đàn ông đứng bật dậy, dáng cao lớn, khệnh khạ̣ng.

“Hey! Hey! Hey!”  Gã trợn mắt, xăm xăm bước về phía cô.

“Đoàng! Đoàng!”  Genny nổ liền hai phát.  Gã bật ngửa ra sau, nằm ngay đơ, đầu gối lên thành ghế sofa.

Suốt những năm hành nghề cảnh sát, Genny vẫn được đồng nghiệp thán phục về tài thiện xạ, đã bắn thì không trật vào đâu được.  Cô từ từ bước qua cửa, men sát theo vách tường rồi lọt hẳn vào phòng trong lúc hai tay vẫn không rời khẩu súng, hai mắt vẫn chăm chăm nhìn xuống thân hình bất động dưới chân sofa.  Gã da màu nằm im không nhúc nhích, máu loang trước ngực.

Genny đảo mắt một vòng, nhìn quanh.  Và, chỉ trong một vài giây, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn phòng khách, cô nhận ra điều gì khác thường…  Cô lắc lắc đầu mấy cái cho thật tỉnh táo.  Genny bỗng lạnh sống lưng.  Cô thấy chóng mặt, rồi khẩu súng trong tay rớt xuống lúc nào cô không hay.

Đây không phải là căn apartment của cô.  Cô đã vào nhầm phòng.

Genny vội quỳ xuống bên người đàn ông.  Gã nằm ngửa, hai mắt mở lớn, trợn trừng…  Bàn tay phải mở ra cho thấy vật trong tay gã là chiếc muỗng nhôm.  Một ly kem ăn dở và hộp kem mở nắp ở trên chiếc bàn thấp cạnh sofa.  Máu vẫn loang trên sàn nhà…

Genny ngồi bật dậy, hoảng hốt…  Cô đã làm gì vậy?  Cô đã giết người.  Rồi Genny lại quỳ xuống, đặt tay lên ngực gã…  Cô nhớ tới những thao tác CPR từng ứng dụng.  Vô ích, viên đạn trúng ngay tim.  Dưới chân cô đã là một xác chết.  Cô nhìn lại bàn tay mình.  Máu.  Genny cố trấn tĩnh, gọi số 911 trước khi gieo mình xuống chiếc sofa mà người đàn ông đã ngồi trước đó ít phút…

Tiếng tivi ở góc phòng phát đi bản tin về vụ cướp ở đâu đó.  Genny nghe tiếng lao xao và tiếng chân người từ ngoài hành lang…

*********************************************

Phiên tòa bước sang ngày thứ 5, dự trù sẽ đưa ra phán quyết chung thẩm.  Genny trông hốc hác, hai mắt trũng sâu vì thiếu ngủ.  Cô phải trả lời nhiều câu hỏi từ công tố viện.  Trả lời câu hỏi đầu tiên, Genny nói cô không biết gì về Bruce, người hàng xóm đã thiệt mạng vì hai phát súng nghiệt ngã của cô đêm ấy.  Người thanh niên da màu chết bất ngờ, không hiểu được vì sao mình phải chết.

Bruce ở lầu số 3, trong căn phòng ngay bên dưới phòng của Genny ở lầu 4.  Anh là nhân viên kế toán của một công ty tài chánh.  Bruce kém cô ba tuổi, là một thanh niên hiền lành và tốt bụng, hay giúp đỡ người khác.  Ngoài công việc ở sở, anh là thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tại một nhà thờ ở địa phương trong nhiều năm.

Công tố viên muốn cô diễn lại trình tự mọi chuyện xảy ra vào hôm ấy, và phóng ra liên tiếp những câu hỏi như không để cô có thì giờ đắn đo suy nghĩ.

“Chuyện gì làm cô không tỉnh táo hôm ấy?”

“Tôi không rõ. Có thể tôi đã làm việc quá sức.  Tôi đã làm đến hơn 14 tiếng thay cho người bạn trong sở nghỉ bệnh.”

“Còn gì nữa?”

“Tôi về muộn, khá mệt mỏi sau một ngày dài làm việc.  Từ lúc xuống xe ở parking, tôi vừa đi vừa text message với người bạn cùng sở nên không nhận ra mình đang ở lầu 3 chứ không phải lầu 4.”

“Mỗi phòng đều có tấm biển ghi số phòng gắn trên cửa, cô không nhìn số phòng?”

“Không,” Genny lắc đầu.  “Phòng tôi ở dãy bên tay phải, cạnh phòng cuối cùng của hành lang.  Rất dễ nhận biết, tôi cứ đi thẳng tới đó.”

“Khi mở cửa phòng, cô không nhận ra đấy không phải là phòng mình?”

“Không,” Genny lắc đầu.  “Đèn không đủ sáng.  Cách bài trí nơi phòng khách khá giống với phòng tôi.  Bộ sofa cũng gần như cùng một kiểu, một màu.”

“Cô nghĩ gì và phản ứng thế nào vào lúc ấy?”

“Một kẻ lạ nào đó đột nhập phòng mình.  Tôi rút súng ra.  Tôi cần phản ứng thật nhanh, nghề nghiệp dạy tôi như vậy.”

Công tố viên không hỏi tiếp.  Phòng xử chìm trong im lặng vài phút.

“Cô nghĩ gì trong đầu khi nổ súng vào người đó?”

“Tôi sợ,” Genny trả lời, giọng run run.  “Tôi yêu cầu anh ta đứng yên và giơ tay lên đến mấy lần, nhưng anh ta bỗng hét lớn “Hey, hey, hey!” như bị kích động và sấn về phía tôi.  Tôi nghĩ anh ta sẽ giết mình.  Tôi không còn cách nào.  Bắn chậm thì chết.”  Genny khóc nức lên…

Nhiều tiếng lào xào…  Bà thẩm phán Tammie nhìn Genny chăm chú, khẽ gật gù.

“Tôi ngu ngốc quá…!” Genny nói trong tiếng nấc.  “Tôi muốn được trừng phạt.”

“Cô nói tiếp đi, rồi sao nữa?  Mọi người vẫn đang nghe cô.” Thẩm phán Tammie lên tiếng.

“Tôi thấy mình thật xấu xa, kinh tởm.”  Genny nói nhỏ, cúi gầm mặt.  “Tôi thù ghét tôi mỗi ngày.  Tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được một ngày bình yên trong suốt phần đời còn lại.”

Genny sẽ nhận bản án chung thẩm hôm nay.  Việc xét xử và nghị án có khuynh hướng bất lợi cho cô trong bối cảnh khá căng thẳng do những đợt biểu tình phản đối tình trạng bạo hành của cảnh sát đối với người da màu gần đây vẫn chưa lắng xuống.  Công tố viện có vẻ muốn cáo buộc tội sát nhân cho cô hơn là ngộ sát để làm dịu bớt những làn sóng phẫn nộ.  Trong suốt phiên xử Genny tránh cái nhìn từ phía những người thân của Bruce.  Cô tin là họ căm ghét cô và chỉ muốn cô phải chịu bản án nặng nhất.

Công tố viện đề nghị bản án 28 năm tù giam, bằng con số tuổi của Bruce vào ngày sinh nhật của anh ta trong tháng này nếu như anh còn sống.  Genny đã lấy đi những năm tuổi đẹp nhất của anh ta và cô phải trả lại đúng số năm ấy.

Sau nhiều giờ nghị án của bồi thẩm đoàn, Genny sau cùng nhận phán quyết chung thẩm là 10 năm tù giam và có thể xin được ân xá sau 5 năm ngồi tù.  Những nguời thân trong gia đình nạn nhân được phép lên tiếng.  Alice, mẹ của Bruce, chỉ sụt sùi kể lể, không nói được gì nhiều.  Beck, ông bố, lắc lắc đầu tỏ dấu không muốn lên tiếng.  Mọi người hướng về Ben, em trai của Bruce, người nói những lời sau cùng.  Chàng trai 18 tuổi, mặc bộ vest đen chỉnh tề, đeo kính trắng, khuôn mặt có nét từa tựa ông anh cậu.

“Tôi không ghét chị, cho dù chị đã làm chúng tôi phải xa lìa Bruce.”  Ben cất tiếng sau ít giây im lặng.  Cậu đưa mắt về phía Genny, nói chậm rãi.  “Tôi thực lòng mong muốn những điều tốt lành cho chị.  Tôi cũng không muốn chị phải vào tù một ngày nào.  Và tôi tin là Bruce, anh tôi, cũng muốn như vậy.  Tôi hiểu Bruce hơn ai hết.  Anh ấy rất mau quên và dễ tha thứ, anh ấy không muốn chị phải vào tù đâu.  Anh ấy chẳng oán ghét ai bao giờ, và cũng chẳng muốn làm ai buồn khổ.  Những gì tôi nói ra đây là những điều tôi học được từ Bruce.  Giá như anh ấy có ở đây thì anh ấy cũng sẽ nói giống như tôi vậy.  Việc đã rồi, chị đâu có muốn như thế, phải không?  Chẳng ai muốn như thế cả.”

Ben ngừng lại. Phòng xử không một tiếng động.  Mọi người im lặng, chờ nghe cậu nói tiếp.  Ben nhìn thật lâu vào đôi mắt Genny đỏ hoe.

“Anh ấy chắc chắn tha thứ cho chị.  Chị cũng cần tha thứ cho chị.”  Ngừng một chút, Ben nói tiếp, “Nếu chị không làm được vậy, chị hãy tìm đến với Chúa.  Một khi chị biết lỗi và hối lỗi thì Chúa sẽ tha thứ cho chị.  Phần tôi…, tôi cũng tha thứ cho chị.”

Ben lại ngừng một chút, rồi cậu hướng cái nhìn về bà thẩm phán Tammie.

“Liệu tôi có thể dành cho chị ấy một cái ôm không?”

Không có tiếng trả lời.

“Tôi có được phép ôm chị ấy không?”  Ben hỏi lại lần nữa, giọng khẩn khoản. “Tôi được phép chứ? Xin cho tôi…”

“Được,” bà thẩm phán nói, sau ít giây bối rối.

Ben rời bàn, bước xuống.  Phía bên kia, Genny đưa mắt nhìn viên cảnh sát bên cạnh cô.  Anh ta đứng lặng yên, không nói năng gì.  Cô bước ra khỏi hàng ghế tiến về phía Ben.  Khi tới gần Ben, cô dang rộng cánh tay, lao vào ôm chầm lấy cậu.  Hai cánh tay cô quấn chặt cổ cậu.

Mọi người nghe rõ tiếng khóc nức lên của hai người.

Ben ôm lấy tấm lưng Genny, hai bàn tay cậu xòe rộng xoa xoa, vỗ dọc lưng cô.

“Em tha thứ cho tôi?”  Genny thì thầm.  “Tôi không nghe lầm chứ?  Tôi muốn được nghe lại một lần nữa.  Xin làm ơn…”

“Tôi tha thứ cho chị.”  Ben khẽ nói. “Bruce muốn tôi làm việc đó.  Anh ấy và tôi tha thứ cho chị.”

Genny áp mặt vào ngực Ben.  Cô buông lỏng đôi tay, rồi cô lại ôm chặt lấy Ben lần nữa.

“Thế còn những người khác trong gia đình em?”

“Tôi không rõ, tôi tin mọi người rồi sẽ tha thứ cho chị.”  Ngừng một chút, Ben nói, “Tin tôi đi, khi tìm đến với Chúa, chị sẽ được bình an thôi.  Hãy can đảm lên, chị hứa với tôi đi.”

“Tôi hứa, tôi hứa…” Genny nghẹn lời.  Khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt.

“Peace be with you,” (chúc chị được bình an) Ben thì thầm lời cuối trong lúc chậm rãi buông cô ra.

Không một ai trong phòng nghe được họ nói gì.  Viên cảnh sát dìu Genny về lại chỗ ngồi.

Ben quay nhìn Genny trong một thoáng trước khi rời phòng xử.

Ted, luật sư biện hộ cho Genny, chìa tay bắt tay bố của Ben khi hai người cùng bước ra ngoài hành lang.

“Cậu bé này tốt hơn chúng ta rất nhiều, bản thân tôi phải học nhiều ở cậu.  Chỉ có chiếc ôm ấy mới chữa lành được những vết thương.”

“Đúng thế,” Beck khẽ gật gật đầu.

Rồi ông quay nhìn con trai mình đứng phía sau, đưa ngón tay cái lên.  Hai bố con cùng bước xuống những bậc thang cấp của tòa án.

“Vậy là xong,” Beck siết chặt vai cậu, nói. “Bố cám ơn con.  Bố yêu con, Ben.  Bây giờ Bố cảm thấy nhẹ nhõm.  Tạ ơn Chúa, giờ đây Bố Mẹ vẫn có con bên cạnh.  Tất cả rồi sẽ qua đi.  Chúng ta cần phải sống.  Mọi người cần phải sống.  Chúng ta không để bất cứ thứ gì đè nặng trái tim mình.”

Ben im lặng, cậu cũng nghĩ như bố.

“Mỗi người một phần số,” Beck nói tiếp. “Chúng ta không làm khác đi được, nhưng chúng ta có thể làm nhẹ bớt phần nào những gánh nặng.  Ai cũng cần một vòng tay ôm.”

Ben vẫn im lặng.  Cậu hít sâu và thở ra một hơi dài.  Cậu cũng cảm thấy nhẹ nhõm như bố.

Chiều xuống dần.  Hai bố con sánh đôi bên nhau.  Beck lại bóp nhẹ mấy cái vào vai Ben.  Và ông choàng hẳn tay qua vai cậu, rồi khoác vai cậu bước đi thân mật như hai người bạn.

“Bố nói đúng,” Ben thầm nghĩ. “Ai cũng cần một vòng tay ôm.”

(Phỏng theo bản tin báo The Dallas Morning News, 2/10/2019)

ĐIỂM HẸN BẤT NGỜ

Gần nhà thờ Đức Bà là cả một quần thể panô, người ta dựng lên để quảng cáo cho những phim ảnh đang được trình chiếu tại các rạp trong thành phố.  Dù muốn hay không muốn, mỗi lần đi qua, những tựa phim cứ trải ra như tấm thực đơn thơm nức mời mọc, đến nỗi một người bạn thấy thế có lần đã thốt lên câu đùa: “Nếu chịu khó xem hết những panô quảng cáo này, người ta có thể trở thành nhà điểm phim nghiệp dư đấy.”  Ừ nhỉ!  Không xem phim thì xem tựa phim, biết đâu lại chẳng là một cái thú?

Mấy tuần lễ gần đây, thử để ý, đã thấy xuất hiện một cuốn phim mới tựa đề “Điểm hẹn bất ngờ.”  Chẳng biết nội dung thế nào, nhưng tựa phim ấy đã âm thầm đi vào bộ nhớ, để rồi chợt lóe lên khi tiếp cận với trang Tin Mừng hôm nay, đến nỗi cũng muốn gọi lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa như là một điểm hẹn bất ngờ.

1. Điểm hẹn bất ngờ giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu

Phúc Âm Nhất Lãm đưa ra ba bản văn song song rất giống nhau về việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa, nhưng riêng bản văn của Matthêu mới có mẩu đối thoại ngắn giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu như được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay.  Và chính mẩu đối thoại tưởng như trầm chìm ấy lại là một bất ngờ lý thú làm nên điểm hẹn cho phép Rửa nơi sông Giođan.

Khi giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng, Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố rằng mình chỉ là tiếng kêu bên ngoài, còn Đức Giêsu mới là Lời làm nên ý nghĩa; mình chỉ là cát hoang trải dài sa mạc, còn Đức Giêsu mới là Nẻo Đường thênh thang đi tới; mình dẫu đến trước nhưng lại có sau, còn Đức Giêsu dẫu đến sau nhưng hằng có trước; và mình chỉ rửa trong nước, còn Đức Giêsu mới là Đấng sẽ rửa chính thức trong Thánh Thần.  Ông tự nhận mình không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế.  Ấy thế mà, bất ngờ thay, chính Đức Giêsu lại đến với Gioan Tẩy Giả nằng nặc đòi ông làm phép Rửa cho mình: chủ sự bước xuống làm thụ nhân, còn thụ nhân lại miễn cưỡng đóng vai chủ sự.

Điều bất ngờ là điều người ta không chờ đợi.  Ở đây còn mạnh nghĩa hơn, bởi điều đó Gioan Tẩy Giả không hề nghĩ tới nên dám đâu đợi chờ.  Và vì thế, bất ngờ lại càng bất ngờ hơn.  Nhưng chính điều bất ngờ ấy đã thành điểm hẹn giao ca thế hệ giữa Cựu Ước mà Gioan Tẩy Giả là đại biểu, kết thúc với Tân Ước mà Đức Giêsu là Đấng khởi đầu.

Đồng thời, đó cũng là điểm hẹn gặp gỡ bất ngờ trong việc “chu toàn thánh ý Chúa.”  Nơi Đức Giêsu, đó là việc Người sống lấy thái độ công chính của Israel, nhưng lại đưa sự công chính ấy tới đỉnh cao hoàn thiện, cũng như khi chịu phép Rửa bởi nước, Người đã thánh hóa chính nguồn nước tái sinh.  Còn nơi Gioan Tẩy Giả, đó là việc ông đổ nước cho Đức Giêsu, một vinh dự đến bất ngờ, nhưng cũng chính vào giờ phút ấy, ông cảm nhận rất rõ rằng sứ vụ của mình tới đây đã mãn: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.”  Hình như ông đã sẵn sàng để chịu một phép Rửa khác, cũng là điểm hẹn bất ngờ cho ông: đó là kiếp ngục tù.

2. Điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ đau khổ và Người Con chí ái

Nếu bên ngoài, việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa đã là một điểm hẹn cho Gioan Tẩy Giả gặp gỡ Đấng Cứu Thế, thì đi sâu vào chính mầu nhiệm, đó còn là điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ mà Tiên tri Isaia đã ghi lại trong bài ca thứ nhất (bài đọc thứ nhất) và Người Con chí ái của Chúa Cha mà phần sau trích đoạn Tin Mừng đã nêu lên, làm thành một lễ Hiển Linh mới cho tất cả những ai cần được cứu độ.

Khi bước xuống dòng sông phép Rửa, Đức Giêsu tỏ mình ra không chỉ là Đấng đã đến sống giữa con người, mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống thực thụ của họ, để trọn vẹn liên đới với họ mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối tăm tối đớn hèn nhất là thân phận tội nhân.  Người là tôi tớ của Giavê đã tự nguyện gánh tội trần gian, đã tự hạ chịu hết mọi nỗi đau của toàn thể dân mình, và mặc dầu chẳng vướng tội nhơ, Người đã nhẫn nhục cúi xuống lãnh nhận phép Rửa thống hối chỉ vì muốn liên đới đến cùng với mọi tội nhân.

Nhưng bất ngờ làm sao, chính khi bước lên từ dòng sông phép Rửa ấy, Đức Giêsu lại tỏ mình ra trong một quang cảnh hoàn toàn khác lạ, làm thành đỉnh cao của toàn thể mầu nhiệm Hiển Linh: Người được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái, và được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về một đầu mối cứu độ.  Đất bỗng gặp Trời, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, và Người tự hạ xóa mình ra không lại bất ngờ nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha, vừa làm thỏa lòng mong ước của bao thuở đợi chờ.

Và như thế, dòng sông phép Rửa đã nên điểm hẹn bất ngờ để Chúa Giêsu tỏ mình cho nhân loại: Người vốn là Con chí ái của Chúa Cha, nhưng đã tự hạ làm người Tôi Tớ, và khi đi đến cùng trong đau khổ, Người là Đấng thuộc về Trời cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

3) Điểm hẹn bất ngờ giữa đời làm người và đời làm con Chúa

Điểm hẹn bất ngờ nơi sông Giođan, đối với Chúa Giêsu, đã như một dự báo về công cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, để từ đó mở ra những điểm hẹn mới cho tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Được trở nên chi thể Chúa Kitô, được thông phần sự sống thiên linh và được trở nên con Thiên Chúa: đó là thiên chức của đời tín hữu.  Nhưng thiên chức ấy không miễn chuẩn cho họ khỏi phải chu toàn những trách vụ trong đời sống trần thế mà họ là thành phần.  Do đó, đời tín hữu chính là một điểm hẹn bất ngờ giữa cuộc sống đời và cuộc sống đạo, giữa phận làm con người và phận làm con Chúa, giữa sự sống nhân linh và sự sống thiên linh.  Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao chu toàn được cả hai mặt sống trong cùng một cuộc đời, làm sao cho mặt ân sủng không bị nhận chìm vì nhu cầu cơm áo, và làm sao cho mặt đời thường được nâng lên ngang tầm với sức mạnh của thánh ân?

Sẽ là một điểm hẹn đáng buồn nếu như hai mặt sống không có sự đồng bộ, sẽ là một điểm hẹn đáng trách nếu đạo đời vẫn tiếp tục ly thân; nhưng sẽ là một điểm hẹn của niềm vui nếu như đời tín hữu là một đời biết chu toàn thánh ý Chúa, cho dẫu nhiều khi vì thánh ý mà phải chấp nhận một số thiệt thòi nào đó trong đời.

Và bởi vì việc Chúa chịu phép Rửa là một bất ngờ về tình liên đới, nên giới luật yêu thương với những hành động cụ thể cũng là một điểm hẹn đem lại những hiệu quả bất ngờ nhất cho những kẻ sống tinh thần của con Chúa trong phận kiếp của con người.  Biết liên đới là biết dẹp bỏ mọi hàng rào cản lối yêu thương, và sống liên đới cũng có nghĩa là không mệt mỏi vượt qua những ranh giới vị kỷ của bản thân mình, để không chỉ đón nhận người khác mà còn quan tâm thăng tiến họ nữa.

Hôm nay Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên.  Không còn nữa những tưng bừng bên ngoài, nhưng vẫn có đó một sâu lắng niềm vui.  Bởi cuộc đời Chúa Kitô là điểm hẹn giữa thiên tính và nhân tính để bất ngờ mở ra mùa cứu độ, cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng muốn là điểm hẹn giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực con người để xin được vươn tới những bất ngờ hạnh phúc.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống (Trích trong “Với Cả Tâm Tình” – Trg. 37)

GỌI TÊN NGÀY LỄ

Trong dịp tĩnh tâm Mùa Vọng ở một giáo xứ, có người bạn trẻ đã nêu lên câu hỏi liên quan đến Thánh Lễ hôm nay: “Tại sao ngày nay Phụng Vụ không sử dụng tên gọi lễ Ba Vua nữa?  Phải chăng rốt cuộc chẳng có ông vua nào đến viếng Hang đá cả?”

Câu hỏi ấy trực tiếp về mặt kiến thức, không khó trả lời; nhưng gián tiếp về mặt tâm linh, lại hé mở cho thấy đức tin hôm nay xem ra đang có nhu cầu tìm hiểu.  Đã đành, hiểu chưa phải là tin hay chưa hẳn đã tin, nhưng một phần nào cũng góp phần dẫn tới đức tin cho người chưa tin, đào sâu đức tin cho người đã biết, và cũng quan trọng không kém là củng cố sức mạnh cho những niềm tin đang ở trong tình trạng nhạt nhòa.

Niềm tin là một công trình còn phải dựng xây và là một hành trình còn phải tiếp tục. Trên cơ sở ấy, xin đi vào Thánh Lễ hôm nay.

1. Từ tên gọi “lễ Ba Vua”

Đây là tên gọi quen dùng đối với tín hữu Việt Nam, để chỉ về việc các Đạo sĩ Đông Phương tìm đến Hang đá viếng Chúa Hài Đồng.  Gọi là vua vì họ là những bậc quyền quý đến từ phương Đông theo nhãn giới của bài đọc thứ nhất; và xác định con số ba vì có ba sắc dân được nói đến trong Isaia 60, mà cũng vì lễ vật tiến dâng được liệt kê ba món rành rành là vàng, nhũ hương và mộc dược, như chuyện kể của Phúc Âm.  Để rồi cứ thế theo truyền thống, Ba Vua đã trở nên tên gọi cho ngày lễ.

Nhưng điều quan trọng không phải là lo xác định họ là vua hay không phải là vua, họ có ba vị hay có thể có nhiều hơn nữa, mà chính là hãy nhìn họ như hình ảnh sống động của tất cả những ai trong đời đã có một lòng khát khao chân thành tìm kiếm Thiên Chúa khởi đi từ những thiện hảo tốt lành, để rồi với sự trợ giúp của ơn thánh, tới lúc Chúa muốn và bằng muôn ngàn cách thế linh động theo sáng kiến của Ngài, họ sẽ được dẫn tới gặp gỡ Đấng họ nỗ lực tìm kiếm.

Dưới cái tên gọi “lễ Ba Vua”, chính là một thiện chí tìm kiếm đức tin.  Nhưng cũng dưới tên gọi ấy, trong bối cảnh của trang Tin Mừng, người ta lại còn thấy cả một đối chứng đau lòng.  Trong khi dân ngoại từ xa, dẫu chẳng hề biết đến lời hứa để mà hy vọng, chẳng hề có được giao ước để mà tin tưởng, và cũng chẳng hề được dẫn đường bởi lề luật, nhưng lại chân thành tìm kiếm, và sẵn sàng vượt qua những chặng đường gian khổ để mà tìm gặp; thì ngược lại, dân Do Thái ở gần, dẫu có tất cả thuận lợi của một truyền thống dài lâu chờ mong Đấng Cứu Thế, lại không mảy may kiếm tìm, và tệ hại hơn nữa, còn xôn xao về chính việc Chúa đến, không phải vì hối hận về việc mình không sẵn sàng, mà vì lo ngại rằng Chúa đến sẽ đặt dấu chấm hết cho cả một cơ chế họ đã bao đời gầy dựng.  Không lạ gì nếu cơ chế ấy đã sản sinh ra những khuôn mặt như Hêrôđê!

Hóa ra, Ba Vua tìm Chúa với lễ vật lòng thành, khi về đã thấy mình là những kẻ tin; còn Hêrôđê tìm Chúa với ác tâm tận diệt, mãi mãi sẽ thấy mình chỉ là một bạo chúa.

2. Đến tên gọi “lễ Hiển Linh”

Mặc dù tên gọi “lễ Ba Vua” vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính, nhưng ngày nay Phụng Vụ thích sử dụng tên gọi “lễ Hiển Linh” hơn, chẳng phải vì tên gọi đó nghe kêu hơn hoặc hiểm hóc hơn, cũng chẳng phải để tránh né những câu hỏi không cần thiết về những chi tiết nhiều khi chỉ làm cho ngày lễ thêm rườm rà; mà thật ra là để làm nổi bật lên ý định mầu nhiệm chung nhất của Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh.  Đó là: Ngài muốn tỏ mình ra cho tất cả mọi người, mọi thời, bất luận họ là ai và ở đâu, miễn là họ biết chân thành kiếm tìm Ngài.

Nếu “Ba Vua” là tên gọi nói lên thiện chí của con người, thì “Hiển Linh” là danh xưng khẳng định hồng ân của Thiên Chúa.  Thiện chí thôi, dẫu rất lớn, vẫn chỉ là khởi điểm; nhưng chính hồng ân Hiển Linh mới là kết điểm mở ra những mùa gặp gỡ.  Và tới phiên mình, mỗi lần gặp gỡ tại kết điểm hành trình, lại là một khởi điểm mới cho hành trình tìm kiếm mới, với những thiện chí mới nhằm vươn lên những đỉnh cao mới.

Và gặp gỡ như thế là một cuộc đổi đời.  Vì thiện chí luôn tìm kiếm hồng ân, mà cũng vì hồng ân luôn đợi chờ một thiện chí biến đổi cuộc đời.  Ba Vua gặp Chúa với cả tâm tình được thể hiện qua những lễ vật tiến dâng, họ đã được soi sáng để theo đường khác mà về nhà.  Và ở đó sẽ là những cuộc Hiển Linh mới trong đời sống thường ngày.

Gặp ai thì cũng có thể gỡ ra được, nhưng thiện chí con người một khi đã gặp được Thiên Chúa vốn từ bao giờ đã sẵn tỏ mình ra, thì sẽ không thể gỡ ra được nữa.  Người ta thành người nhà của Thiên Chúa, và trong mắt nhìn của Phaolô, người ta dẫu xa cũng hóa gần, dẫu lạ cũng nên quen, dẫu gốc gác thế nào đi nữa “cũng cùng được thừa hưởng gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (bài đọc thứ hai).  Hiển Linh chính là tên gọi khác của mầu nhiệm Nhập Thể, của danh xưng Emmanuel và của bốn mùa gặp gỡ.

 

“Lễ Ba Vua” hay “Lễ Hiển Linh”, mỗi tên gọi có những bước nhấn riêng, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một mầu nhiệm gặp gỡ mà Thiên Chúa từ bao thuở đã mở ra cho những kẻ biết kiếm tìm.  Thế nên đây không chỉ là một biến cố của ngày đã qua, mà còn là một sứ điệp của ngày hôm nay và cho những ngày sắp tới.  Chúa vẫn tỏ mình, nhưng vấn đề là người ta có thiện chí đến gặp Ngài không.

Hôm qua đã có một nghịch lý là những kẻ đến gặp Chúa đều là những kẻ thành tâm như các mục đồng tại Bêlem, như cụ già Simêon tại Đền Thánh, như những Đạo sĩ hôm nay từ xa đến; còn toàn thể xã hội tôn giáo Do Thái lại hầu như vắng bóng, hay nếu có thì chỉ như một lực cản đáng buồn.  Thế đấy! điều tưởng như thuận lợi lại là một cạm bẫy dẫn tới sự thảm bại, còn điều tưởng chừng như bất lợi lại trở nên lợi thế cho việc gặp Chúa.  Liệu nghịch lý ấy hôm nay còn có mặt trong đời sống đức tin của cộng đoàn cũng như của mỗi cá nhân?

Trả lời câu hỏi ấy với quyết tâm khởi hành trên con đường mới, thiết tưởng sẽ là một điều tích cực trong Mùa Giáng Sinh.  Nhưng điều tích cực hơn của ngày lễ hôm nay không chỉ là sứ điệp hoán cải, mà chính là lời mời gọi mở rộng tấm lòng, mà trân trọng tất cả những người không cùng chia sẻ một niềm tin với mình, bởi lẽ họ cũng có chỗ đứng trong tấm lòng hiển linh của Chúa.  Ơn cứu độ là phổ quát.  Và nếu nét đặc trưng của lễ Hiển Linh là ánh sao dẫn đường, thì trách nhiệm của những kẻ đã được gặp gỡ Thiên Chúa sẽ không chỉ thu hẹp trong đời sống cá nhân tu thân tích đức, mà còn hướng tới sứ vụ đối với những kẻ lân cận mình.  Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là những ánh sao cụ thể soi đường truyền giáo.

Nếu mỗi kẻ tin là ánh sao, con đường gặp gỡ biết bao sáng ngời, và lời tiên báo của tiên tri Isaia sẽ nên hiện thực hiển linh cho đời.

Tóm lại, khởi đi từ cách hiểu về tên gọi của ngày lễ để dẫn tới đời sống đức tin, đó là chủ đích của những điều chia sẻ trên đây.  Nhưng từ hiểu biết đến đức tin, khoảng cách vẫn không nhỏ.  Chính Phúc Âm hôm nay là một kinh nghiệm.  Xin đừng để kinh nghiệm ấy mãi còn là một nghịch lý không thể vượt qua.  Nhưng hãy để kinh nghiệm ấy biến thành những kinh nguyện quyết tâm mở sang cuộc sống mới.  Và đó chính là cách gọi tên cụ thể một ngày lễ.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống (Trích trong “Với Cả Tâm Tình” – Trg. 31)