NỖI LO SỢ KHÔNG TÊN

Chuyện kể rằng, một người nọ sau khi từ giã cõi đời và được về bên Thượng Đế, anh ta mạo muội xin phép Thượng Đế cho anh ta được sống lại một vài giai đoạn trong đời anh ta.  Sau khi suy nghĩ và thấy anh này cũng có một đề nghị hơi lạ, Thượng Đế đã đồng ý.  Anh ta xin tiếp, “Thưa Ngài, sau mỗi quãng đời, xin cho con được dừng lại và về gặp Ngài để hỏi một vài thắc mắc có được không?” Thượng Đế cũng tỏ vẻ vui lòng ưng thuận.  Vậy là người này trở lại kiếp người.

Anh ta làm lại một cậu học trò với bao bận rộn với việc học hành, nhưng cũng không ít vui chơi hồn nhiên giải trí.  Nhưng khi phải vượt qua những kỳ thi, thì cậu học trò lại tỏ ra lo sợ.  Cậu ta lo sợ bị thi rớt, sợ bị điểm thấp, sợ bị chúng bạn chê cười…  Cậu ta xin dừng cuộc đời lại đó và đi hỏi Thượng Đế.  “Thưa Ngài, tại sao con phải lo sợ những chuyện thi cử?”  “Con lo sợ chúng vì con đã nhìn cuộc đời của con như thể chỉ có chuyện thi cử mà quên đi những chuyện khác xung quanh con.”  Thượng Đế trả lời.

Anh ta trở lại dương thế và tiếp tục làm người.  Giai đoạn này, anh ta có người yêu, lập gia đình, có con, và tưởng chừng như anh ta đã vượt qua những nỗi lo sợ của thời trẻ con.  Thế nhưng, anh ta vẫn lo sợ.  Anh sợ vợ anh phản bội, con anh không đủ sức khỏe, công việc làm ăn không ổn định.  Anh dừng cuộc đời lại và đi hỏi thượng đế.  “Thưa Ngài, dù biết rằng con đã không nhìn cuộc đời như trước đây nữa, nhưng sao con vẫn lo sợ?”  Thượng Đế đáp, “Con lo sợ vì con muốn sở hữu chúng vĩnh viễn; con không muốn bị mất chúng.  Con nên nhớ, điều gì con càng muốn nắm giữ, thì con càng lo sợ chúng bị mất đi.”

Trở lại cuộc sống dương thế lần thứ ba, giờ đây ở tuổi cao niên, sau bao tháng ngày sợ hãi, lo lắng, ông già trông bình an và chấp nhận hơn.  Ông không lo sợ bị mất vợ và lo lắng cho con cái như trước đây.  Nhưng trong tâm thức ông, một nỗi lo âu, sợ hãi vẫn ám ảnh ông.  Nỗi lo sợ của ông không còn là nỗi lo liên quan đến “cơm áo, gạo tiền” như trước đây, nhưng ông lại sợ bị lãng quên những công trạng của thời trai trẻ; ông lo những thành quả ông góp cho đời sẽ bị mất dấu tích.  Kỳ lạ thay, ông lại lo không còn được cảm nếm những nỗi lo sợ của thời học trò, của thời thiếu niên, của người thanh niên mà ông đã trải qua.  Ông quá tò mò nên quay về hỏi Thượng Đế, “Thưa Ngài, tại sao những điều lúc trước làm con lo sợ, thì bây giờ con lại sợ không còn được cảm nếm những nỗi sợ ấy nữa?”  Thượng Đế đáp, “Con yêu! Chừng nào con còn sống trong quá khứ, muốn quay trở lại quá khứ; và chừng nào con còn lo nghĩ về tương lai, muốn làm chủ lấy tương lai, thì con còn sống trong sợ hãi.  Cha không có quá khứ, Cha không có tương lai.  Cha chỉ có hiện tại.  Nơi nào không có hiện tại, nơi đó không có bình an.”
 

*******************************

Quí bạn thân mến, mẩu chuyện tưởng tượng trên cho ta thấy rằng, đời con người xem chừng như cứ bị bao trùm hết nỗi lo sợ này đến nỗi lo sợ khác: Nỗi lo sợ của đứa trẻ mới bước vào đời, nỗi lo sợ của người thanh niên về tương lai, và nỗi lo sợ của vị cao niên về quá khứ của mình bị đánh mất.  Vậy nỗi lo sợ ấy đến từ đâu, và lý do gì mà ta lo sợ?

Suy gẫm thấu đáo ta có thể nhận thức rằng, hoàn cảnh “đáng sợ” không thực sự đáng sợ như ta tưởng, nhưng điều làm ta lo sợ chính là ta lo sợ điều chưa xảy ra.  Chúng ta thường sợ điều chưa xảy đến hơn là điều đã xảy đến.  Nếu quí bạn có dịp trò chuyện với các bệnh nhân mang những căn bệnh nan y, thì có rất nhiều người cho rằng, điều đáng sợ của họ bây giờ không phải là căn bệnh họ đang mang, mà là những điều khác.  Nỗi sợ của họ bây giờ không còn là căn bệnh nữa, nhưng là sợ bị bỏ rơi, bị cô đơn, bị quên lãng, và biết bao nhiêu nỗi sợ không tên khác.  Kỳ thực thay, dù ai trong chúng ta cũng đã không ít một lần bị bỏ rơi, cũng đã không ít có một lần kinh nghiệm cô đơn, và bị người đời quên lãng; biết là như thế và đã trải qua kinh nghiệm nhiều lần như thế trong đời rồi, nhưng con người vẫn lo sợ chúng; con người vẫn rối lên khi đối diện chúng.

Thưa bạn, bạn cũng như tôi đã trải nghiệm những lo sợ mà có lúc đã làm chúng ta mất ăn mất ngủ ở lứa tuổi học trò, ở tuổi xuân, ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất (người thân ra đi, bị tù đày tra tấn….)  Xét cho cùng, cuối cùng nỗi lo sợ này cũng chỉ có thế thôi, có phải không?  Thế thì những nỗi sợ hôm nay – giây phút này – ngay lúc này, cũng chỉ là một phần của kiếp làm người của chúng ta mà thôi.  Hãy nhìn chúng như là một phần đời của chúng ta để giúp chúng ta nâng cao giá trị đời mình, chứ đừng để chúng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm những vẻ đẹp của giây phút hiện tại.

Thưa bạn, hôm nay tôi mời gọi bạn hiểu sâu hơn ý nghĩa thực của giây phút hiện tại.  Vì thực ra cuộc đời của bạn chỉ có hôm nay, giây phút này chứ không phải hôm qua hay ngày mai.  Và dù bạn có lo sợ điều gì lớn lao đến mấy đi chăng nữa, mỗi ngày bạn cũng phải đi qua 1440 phút.  Vậy bạn muốn sở hữu 1440 khoảnh khắc bình an, tự tại hay là 1440 nỗi âu lo, sợ hãi???

Br. Huynhquảng

*******************************

Lạy Chúa, 
hôm nay con bỗng sợ nhiều thứ
sợ thời gian, sợ chặng đường phía trước…
Con sống trong tâm trạng hoang mang
thấy bóng tối cứ bao phủ lấy con.
Con vùng vẫy và muốn tìm lối thoát
thực sự là con rất sợ!

Chúa biết con đã cố gắng nhiều và đã yêu mến nhiều
đã vui nhiều và cũng đã buồn nhiều
thất bại nhiều và khờ dại cũng nhiều…
Nhưng Chúa biết, trong mọi sự con đều cố gắng với tình yêu
Khoác trên mình chiếc áo dòng, con muốn làm Vinh Danh Chúa
Muốn làm một tu sĩ đích thực của Chúa.

 Lạy Chúa, 
nhưng hình như con đã quy chiếu quá nhiều về mình
hình như trong con vẫn còn quá nhiều ngạo nghễ.
Con muốn học thật tốt và sống thật tốt,
con muốn mình làm gì thì kết quả cũng phải thật tốt.
Con muốn làm vinh danh Chúa,
nhưng hình như con cũng muốn làm vinh danh con…
Thế nên những thất bại làm con đau đớn ê chề
và những long đong vô định làm con sợ hãi.

Xin dạy con sống Thánh, bằng việc sống tốt giây phút hiện tại
và vượt qua sợ hãi, bằng việc không quá bận lòng về tương lai.
Xin cho con có sức mạnh của Chúa
để không khó khăn nào có thể khuất phục được con
Xin cho con luôn vững tin vào Chúa
rằng trong Chúa mọi sự đều có thể.
Và xin cho mỗi bước con đi, mỗi việc con làm
đều in đậm Tình Yêu nhưng không của Chúa.

 Quỳnh Trâm

KHÓ NGHÈO

Phật Thích Ca đã xác quyết trong bài thuyết pháp đầu tiên tại Bênarét bằng câu: Vạn sự vô thường, vạn sự khổ.  Nghĩa là mọi sự đổi thay không ngừng, nên mọi sự chỉ là khổ đau.  Sinh, bệnh, lão, tử.  Con người sinh ra để rồi ốm yếu, già lão và cuối cùng là chết chóc.  Rõ thật đời là bể khổ mà mỗi người là một cánh bèo trôi dạt trên đó.

Năm trăm năm sau, Đức Kitô xuất hiện trên đất Palestin, đã tuyên bố trong bài giảng đầu tiên: Phúc cho ai có tâm hồn khó nghèo, vì Nước Trời là của họ.

Một người bị mang tiếng là bi quan yếm thế, còn người kia thì lại bị coi là không tưởng, lạc quan thái quá.  Một bên coi đời là bể khổ, còn một bên lại nhìn thấy màu hồng trong cái thanh bạch trống trơn.  Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực và thời giờ cũng như sức lực để nghiên cứu, suy tư và bàn cãi về hai bài giảng đầu tiên của Đức Phật và của Chúa Giêsu.  Đã có cả những luận án trình bày và so sánh về hai bài giảng đó.  Tuy nhiên, chẳng mấy ai hiểu được chính xác nội dung ý nghĩa của hai bài giảng có tính cách tiên tri ấy.  Vì thật ra, cả Đức Phật lẫn Chúa Giêsu, đều không chủ ý đề ra một lý thuyết về vấn đề hạnh phúc và đau khổ, mà chỉ chia sẻ cho anh em nhân loại của các Ngài chính kinh nghiệm sống của mình.

Kinh nghiệm của Đức Phật là kinh nghiệm của một người đã đạt tới chân nhu, vượt ra ngoài thế giới vô thường của những đam mê mù quáng, của sự phân chia đối kháng.  Còn kinh nghiệm của Chúa Giêsu là kinh nghiệm của một người thấy được sự tồn tại trong cái mất, và sự sống trong cái chết.  Đức Phật chỉ nói lên cái lý do, cái nguyên nhân làm cho người ta khổ, nhưng Ngài không bao giờ lên án cuộc đời, cho nó chỉ là bể khổ.  Chúa Giêsu cũng không bảo rằng muốn hạnh phúc thì phải là kẻ khố rách áo ôm.  Do đó, thánh Matthêu đã có lý khi thêm ba chữ “có tâm hồn” vào trong câu nói của Chúa, để xác định cho rõ cái nghèo nào mới thực sự đem lại hạnh phúc cho con người.  Trong cuộc đời, xưa cũng như nay, vào thời con người còn ăn lông ở lỗ cũng như trong thời ở khách sạn năm sao, vẫn luôn diễn ra những cảnh trái khoáy và ngược đời: nhiều người có đủ điều kiện để hạnh phúc mà thực tế lại đau khổ khôn lường.  Còn những kẻ xem ra bần cùng tăm tối, lại tràn trề hạnh phúc.

Thực ra, ai cũng biết rằng nghèo không đương nhiên là khổ, đã đành rằng nghèo và khổ thường đi đôi với nhau.  Trái lại, giàu có cũng không tất nhiên đem lại hạnh phúc.  Vấn đề hạnh phúc chủ yếu ở tại cái Tâm.  Bởi thế các bậc thánh nhân, bằng những ngôn ngữ khác nhau, nhưng hầu như đều nhất trí trong việc đề cao đời sống tâm linh.  Đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu đề cao tâm hồn nghèo khó, hiền hậu, dám chấp nhận đau khổ, yêu thích sự chính trực, thương xót anh em đồng loại, trong sạch và xây dựng hoà bình.

Thực vậy, những đức tính trên đây là những đức tính người nghèo của Thiên Chúa, theo truyền thống Kinh Thánh.  Người nghèo của Thiên Chúa không phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ luôn tin tưởng phó thác nơi Chúa, biết sống cho Ngài và cho anh em đồng loại.  Lấy Chúa làm gia nghiệp và luôn sống trong tình liên đới với anh em.  Thực thi điều răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người.

Nói theo tư tưởng Đông phương, thì hạnh phúc chủ yếu ở chỗ thực hiện được sự hoà điệu giữa lòng mình với lòng trời, giữa lòng mình với lòng người, nghĩa là sống cho hợp lòng người và lấy lòng trăm họ làm lòng mình.

Trong tám mối phúc thật, Chúa Giêsu cho thấy hạnh phúc của chúng ta tuỳ thuộc vào mối tương quan ba chiều giữa chúng ta với Thiên Chúa, và giữa chúng ta với anh em đồng loại.

Sưu tầm

*******************************************

Lạy Chúa, xin cho con luôn vui tươi.  Dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh con, những người – cũng như con – đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối, thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy, thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời.  Amen!

CHÚA QUAN PHÒNG

Người ta hay kể câu chuyện sau đây để nói về sự quan phòng của Thiên Chúa:

Có hai người bộ hành lên đường đi đến một phương xa.  Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý, và mang theo một chú gà cồ làm bạn.  Ban đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.

Một trong hai người là một tín hữu rất đạo đức, luôn miệng nói: “Chúa là Ðấng tốt lành quan phòng mọi sự.”  Người kia thì cứng lòng tin.  Ông rất bực mình mỗi khi nghe người bạn đồng hành hơi một tí là cầu nguyện “phó thác cho Chúa lòng lành.”  Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ.  Họ tìm một nơi để qua đêm.  Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ.  Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm.  Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn không có lòng tin mới thốt lên: “Nào, Chúa tốt lành của anh ở đâu rồi?”  Người kia bình tĩnh đáp lại: “Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này.”

Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng.  Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng động mạnh từ xa vang lại.  Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi.  Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.  Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng mới thốt lên: “Nào, Chúa quan phòng của anh còn tốt nữa không?”  Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: “Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi.  Tạ ơn Chúa là Ðấng tốt lành.”

Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh.  Hai người bộ hành mới trèo cao hơn.  Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng.  Họa vô đơn chí!  Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn.  Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thinh lặng trước lời xiên xỏ của người bạn không tin Chúa của mình.

Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn.  Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã đột nhập vào làng cướp của giết người.  Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng, người có lòng tin mới giải thích cho người bạn như sau: “Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối.  Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp.  Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta.  Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn là Ðấng quan phòng tuyệt hảo.”

Thiên Chúa không muốn cho chúng ta gặp phải sự dữ.  Trong Cựu ước sự kiện thiên thần Raphael phù hộ cho ông Tobia trên đường đi cưới vợ, hay là Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành điều lành cho chúng ta như trường hợp ông Giuse bị bán sang Ai Cập, tất cả nói lên sự quan phòng của Thiên Chúa.  Chúa Giêsu dùng hình ảnh con chim sẻ chẳng đáng mấy đồng, hay bông huệ ngoài đồng nay còn mai mất mà vẫn được Thiên Chúa chăm sóc, huống hồ là con người chúng ta…

Ngày đầu năm mới, người ta thường cầu chúc cho nhau mạnh khỏe, bằng an, hạnh phúc…  Những gì người ta đã có thì không cần chúc nữa.  Vậy thì khi cầu chúc cho người khác điều gì là cũng hàm chứa một chút lo lắng trong đó.  Chúng ta lo ngại người thân có thể gặp rắc rối vì bệnh tật nên mới chúc “mạnh khỏe.”  Vì chưa giàu đủ nên mới chúc “Phát tài”, sợ tai nạn hay chuyện này chuyện nọ xảy ra nên mới chúc “bình an.”  Mỗi lời chúc đều hàm chứa một phần sự thiện mà chúng ta ao ước và đồng thời cũng hàm chứa một “nỗi lo.”  Tuy nhiên lời Chúa hôm nay lại là tin vui cho chúng ta.  Bởi vì Chúa Giêsu cho chúng ta biết chúng ta có một người Cha là Thiên Chúa rất quyền năng mà lại nhân lành luôn quan tâm đến mỗi người đến độ một sợi tóc trên đầu rụng xuống Chúa cũng tính cả rồi.  Như vậy thì chẳng việc gì phải lo những chuyện không đâu, như là lo động đất, lo thiên thạch lao vào trái đất, lo tận thế…

Chớ lo lắng về ngày mai không có nghĩa là cứ nằm chờ sung rụng.  Các nhà tu đức dạy rằng: Cầu nguyện mà không hành động là sự xúc phạm đến Thiên Chúa.  Cũng như một người bị bệnh cầu xin Chúa chữa lành cho mình mà không thèm sử dụng những phương thế y học mà Thiên Chúa đã ban cho con người khám phá ra…

Tin vào Chúa quan phòng, chúng ta yên tâm mạnh dạn sắp xếp chương trình sống cho gia đình của mình trong đó ưu tiên cho việc kiếm tìm Nước Thiên Chúa.  Ưu tiên cho việc cầu nguyện và các việc đạo đức thay vì dành hết tất cả thời gian cho công việc làm ăn mà thôi.  Ưu tiên cho việc kiếm tìm Nước Thiên Chúa cũng có nghĩa là chúng ta phải dám hy sinh chấp nhận một phần thiệt thòi nào đó về vật chất, dành một phần kinh phí cho việc đạo thay vì sợ tốn tiền xăng rồi không dám đi lễ…

Để kết thúc, chúng ta tin tưởng nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình: “Năm mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn.  Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin Thiên Chúa, là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thành tựu.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Khánh

 ********************************************

Lạy Chúa, xin Chúa hướng dẫn chúng con trong năm mới này.  Xin cho chúng con tìm thấy niềm vui thay vì thất vọng, tìm thấy bình an trong công việc bận rộn, tìm thấy hy vọng trong thất bại, tìm thấy giải pháp cho vấn đề của chúng con. 

Xin cho chúng con trong năm mới này: khám phá ra ý nghĩa mới trong công việc, tìm được ý hướng cao quý trong mục tiêu và có hướng đi kiên định trong đời sống. 

Xin cho chúng con: khởi đầu năm mới cùng với Chúa, biết dùng thời gian như món quà quý giá Chúa dành cho con, biết sử dụng mỗi ngày của năm mới này để nhiệt tình phục vụ anh chị em con.  Amen!

 HIẾU THẢO VỚI ĐẤNG SÁNG TẠO

Hôm nay là ngày đầu năm, mọi người đều vui mừng phấn khởi chào đón ngày Xuân Mới.  Giờ đây chúng ta, các tín hữu của Chúa, dành giây phút đầu tiên của Năm Mới, để thể hiện lòng hiếu thảo đối với Đấng đã sáng tạo Vũ trụ vạn vật, cho chúng ta.

Các bài Thánh Kinh trong ngày đầu năm hôm nay, nhắc nhở chúng ta: Hãy thể hiện lòng hiếu thảo với Đấng Sáng Tạo bằng cách: Tạ ơn Chúa thường xuyên và sống một đời sống mới.

Trước hết, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã dựng nên Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì Sao để phân rẽ ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm.  Tất cả các tạo vật Chúa dựng nên, đều nhằm mục đích là phục vụ và nuôi sống loài người chúng ta.  Việc tạ ơn là cử chỉ không thể thiếu được của những người con hiếu thảo đối với Đấng sáng tạo.  Tạ ơn Chúa cũng là thái độ của những người biết “Uống nước nhớ nguồn” theo bản sắc đạo đức của người Việt Nam.

Tiếp theo, chúng ta hãy nghe lời Thánh Phao lô nói với tín hữu ở Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.  Tôi nhắc lại: Vui lên anh em!  Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa, rộng rãi, Chúa đã gần đến.  Anh em đừng lo lắng gì cả.  Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện:”

Bởi vì “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.

Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4, 4-9).

Để tạ ơn và tỏ lòng hiếu thảo với Thiên Chúa, anh chị em hãy sống chân thật và công bằng chính trực trong mọi hoàn cảnh.  Đồng thời làm trong sáng cho mọi người chung quanh bằng lời nói và việc làm.  Hãy sống đức hạnh và giữ vững phẩm giá cao quý của người Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Kitô, Đồng thời, anh chị em hãy ghi nhớ, suy niệm và thực hành lời Chúa Kitô:

“Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc.  Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao, nhưng “trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.  Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo” (Mt 6, 25-34).

Chúa Kitô muốn tất cả anh chị em hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình thương vô biên của Thiên chúa; tin vào sự quan phòng của Ngài.

Trong thực tế, nhiều người ngày nay chưa hiểu biết, nên chỉ đón nhận của ăn vật chất, mà không đón nhận của ăn tinh thần.  Vì quá chú trọng của ăn vật chất, nên đã dành cả cuộc đời để lo tích lũy kho tàng dưới đất, mà không lo tích lũy kho tàng trên trời.  Họ đã quá lo lắng về của cải vật chất, nên đã dùng mọi mưu chước, gian dối, lừa lọc, bất công, bóc lột người khác để làm giầu, hầu bảo đảm cho cuộc sống thể xác ở đời này.  Trong khi đó, của ăn vật chất chỉ nuôi đời sống thể xác chúng ta trong khoảng 100 năm; còn của ăn tinh thần thì nuôi sống chúng ta trường sinh trong Nước Trời.

Trong giờ phút linh hiêng của ngày đầu năm, chúng ta tham dự Bữa tiệc thánh để đón nhận của ăn tinh thần do Chúa tặng ban: Đó là Ơn Chúa, Lời Chúa và Mình Máu Chúa.

Chúng ta hãy biết quý trọng của ăn tinh thần hơn của ăn vật chất; hãy thường xuyên tham dự Thánh lễ để đón nhận của ăn tinh thần.  Đồng thời anh chị em hãy tin tưởng, ghi nhớ và thực hành Lời Chúa dạy trong suốt cuộc đời: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).

Cầu chúc anh chị em luôn tạ ơn Thiên Chúa và giữ trọn lòng hiếu thảo với Ngài, biết lắng nghe và thực hành Lời Ngài dạy, để được Ngài ban tràn đầy hạnh phúc trong năm mới.

Lm. Giuse Hoàng Kim Đại

NỖI LO SỢ KHÔNG TÊN

Chuyện kể rằng, một người nọ sau khi từ giã cõi đời và được về bên Thượng Đế, anh ta mạo muội xin phép Thượng Đế cho anh ta được sống lại một vài giai đoạn trong đời anh ta.  Sau khi suy nghĩ và thấy anh này cũng có một đề nghị hơi lạ, Thượng Đế đã đồng ý.  Anh ta xin tiếp, “Thưa Ngài, sau mỗi quãng đời, xin cho con được dừng lại và về gặp Ngài để hỏi một vài thắc mắc có được không?” Thượng Đế cũng tỏ vẻ vui lòng ưng thuận.  Vậy là người này trở lại kiếp người.

Anh ta làm lại một cậu học trò với bao bận rộn với việc học hành, nhưng cũng không ít vui chơi hồn nhiên giải trí.  Nhưng khi phải vượt qua những kỳ thi, thì cậu học trò lại tỏ ra lo sợ.  Cậu ta  lo sợ bị thi rớt, sợ bị điểm thấp, sợ bị chúng bạn chê cười,…  Cậu ta xin dừng cuộc đời lại đó và đi hỏi Thượng Đế.  “Thưa Ngài, tại sao con phải lo sợ những chuyện thi cử?”.  “Con lo sợ chúng vì con đã nhìn cuộc đời của con như thể chỉ có chuyện thi cử mà quên đi những chuyện khác xung quanh con.”  Thượng Đế trả lời.

Anh ta trở lại dương thế và tiếp tục làm người.  Giai đoạn này, anh ta có người yêu, lập gia đình, có con và tưởng chừng như anh ta đã vượt qua những nỗi lo sợ của thời trẻ con. Thế nhưng, anh ta vẫn lo sợ.  Anh sợ vợ anh phản bội, con anh không đủ sức khỏe, công việc làm ăn không ổn định.  Anh dừng cuộc đời lại và đi hỏi thượng đế. “Thưa Ngài, dù biết rằng con đã không nhìn cuộc đời như trước đây nữa, nhưng sao con vẫn lo sợ?” Thượng Đế đáp, “Con lo sợ vì con muốn sở hữu chúng vĩnh viễn; con không muốn bị mất chúng. Con nên nhớ, điều gì con càng muốn nắm giữ, thì con càng lo sợ chúng bị mất đi.”

Trở lại cuộc sống dương thế lần thứ ba, giờ đây ở tuổi cao niên, sau bao tháng ngày sợ hãi, lo lắng, ông già trông bình an và chấp nhận hơn.  Ông không lo sợ bị mất vợ và lo lắng cho con cái như trước đây.  Nhưng trong tâm thức ông, một nỗi lo âu, sợ hãi vẫn ám ảnh ông.  Nỗi lo sợ của ông không còn là nỗi lo liên quan đến “cơm áo, gạo tiền” như trước đây, nhưng ông lại sợ bị lãng quên những công trạng của thời trai trẻ; ông lo những thành quả ông góp cho đời sẽ bị mất dấu tích.  Kỳ lạ thay, ông lại lo không còn được cảm nếm những nỗi lo sợ của thời học trò, của thời thiếu niên, của người thanh niên mà ông đã trải qua.  Ông quá tò mò nên quay về hỏi Thượng Đế, “Thưa Ngài, tại sao những điều lúc trước làm con lo sợ, thì bây giờ con lại sợ không còn được cảm nếm những nỗi sợ ấy nữa?” Thượng Đế đáp, “Con yêu! Chừng nào con còn sống trong quá khứ, muốn quay trở lại quá khứ; và chừng nào con còn lo nghĩ về tương lai, muốn làm chủ lấy tương lai, thì con còn sống trong sợ hãi. Cha không có quá khứ, Cha không có tương lai.  Cha chỉ có hiện tại.  Nơi nào không có hiện tại, nơi đó không có bình an.”

* * *

Quí bạn thân mến, mẩu chuyện tưởng tượng trên cho ta thấy rằng, đời con người xem chừng như cứ bị bao trùm hết nỗi lo sợ này đến nỗi lo sợ khác: Nỗi lo sợ của đứa trẻ mới bước vào đời, nỗi lo sợ của người thanh niên về tương lai, và nỗi lo sợ của vị cao niên về quá khứ của mình bị đánh mất.  Vậy nỗi lo sợ ấy đến từ đâu, và lý do gì mà ta lo sợ?

Suy gẫm thấu đáo ta có thể nhận thức rằng, hoàn cảnh “đáng sợ” không thực sự đáng sợ như ta tưởng, nhưng điều làm ta lo sợ chính là ta lo sợ điều chưa xảy ra.  Chúng ta thường sợ điều chưa xảy đến hơn là điều đã xảy đến.  Nếu quí bạn có dịp trò chuyện với các bệnh nhân mang những căn bệnh nan y, thì có rất nhiều người cho rằng, điều đáng sợ của họ bây giờ không phải là căn bệnh họ đang mang, mà là những điều khác.  Nỗi sợ của họ bây giờ không còn là căn bệnh nữa, nhưng là sợ bị bỏ rơi, bị cô đơn, bị quên lãng, và biết bao nhiêu nỗi sợ không tên khác.  Kỳ thực thay, dù ai trong chúng ta cũng đã không ít một lần bị bỏ rơi, cũng đã không ít có một lần kinh nghiệm cô đơn, và bị người đời quên lãng; biết là như thế và đã trải qua kinh nghiệm nhiều lần như thế trong đời rồi, nhưng con người vẫn lo sợ chúng; con người vẫn rối lên khi đối diện chúng.

Thưa bạn, bạn cũng như tôi đã trải nghiệm những lo sợ mà có lúc đã làm chúng ta mất ăn mất ngủ ở lứa tuổi học trò, ở tuổi xuân, ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất (người thân ra đi, bị tù đày tra tấn,…).  Xét cho cùng, cuối cùng nỗi lo sợ này cũng chỉ có thế thôi, có phải không?  Thế thì những nỗi sợ hôm nay – giây phút này – ngay lúc này, cũng chỉ là một phần của kiếp làm người của chúng ta mà thôi.  Hãy nhìn chúng như là một phần đời của chúng ta để giúp chúng ta nâng cao giá trị đời mình, chứ đừng để chúng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm những vẻ đẹp của giây phút hiện tại.

Thưa bạn, hôm nay tôi mời gọi bạn hiểu sâu hơn ý nghĩa thực của giây phút hiện tại. Vì thực ra cuộc đời của bạn chỉ có hôm nay, giây phút này chứ không phải hôm qua hay ngày mai.  Và dù bạn có lo sợ điều gì lớn lao đến mấy đi chăng nữa, mỗi ngày bạn cũng phải đi qua 1440 phút.  Vậy bạn muốn sở hữu 1440 khoảnh khắc bình an, tự tại hay là 1440 nỗi âu lo, sợ hãi???

Br. Huynhquảng

*******************************

Lạy Chúa, 
hôm nay con bỗng sợ nhiều thứ
sợ thời gian, sợ chặng đường phía trước…
Con sống trong tâm trạng hoang mang
thấy bóng tối cứ bao phủ lấy con.
Con vùng vẫy và muốn tìm lối thoát
thực sự là con rất sợ!

Chúa biết con đã cố gắng nhiều và đã yêu mến nhiều
đã vui nhiều và cũng đã buồn nhiều
thất bại nhiều và khờ dại cũng nhiều…
Nhưng Chúa biết, trong mọi sự con đều cố gắng với tình yêu
Khoác trên mình chiếc áo dòng, con muốn làm Vinh Danh Chúa
Muốn làm một tu sĩ đích thực của Chúa.

 Lạy Chúa, 
nhưng hình như con đã quy chiếu quá nhiều về mình
hình như trong con vẫn còn quá nhiều ngạo nghễ.
Con muốn học thật tốt và sống thật tốt,
con muốn mình làm gì thì kết quả cũng phải thật tốt.
Con muốn làm vinh danh Chúa,
nhưng hình như con cũng muốn làm vinh danh con…
Thế nên những thất bại làm con đau đớn ê chề
và những long đong vô định làm con sợ hãi.

CHÚA KITÔ LÀ ÁNH SÁNG

Có lúc nào đó trong cuộc sống chúng ta tự hỏi lòng mình: Tôi là ai?  Tôi sinh ra trong cuộc đời này để làm gì?  Chết rồi đi đâu?  Đây là những câu hỏi quyết định hướng đi của đời người, nó quyết định phận số của một con người.  Đau khổ hay bất hạnh.  Lạc quan hay bi quan.  Sống có trách nhiệm hay lười biếng, buông thả?  Sống có ích hay trở thành gánh nặng cho xã hội đều tùy thuộc vào chọn lựa căn bản này của từng người chúng ta.

Nhìn vào xã hội hôm nay chúng ta thấy, có người chủ trương cho rằng con người là loài vật nên chẳng cần luân thường đạo lý, chẳng cần tự chủ bản thân, sống buông thả theo đam mê nhục dục như muôn loài sống theo bản năng của mình.  Có người chủ trương cho rằng sống là để hưởng thụ nên luôn tranh giành lẫn nhau, luôn lấn áp với nhau theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé.”  Họ chà đạp lên nhau chỉ vì danh lợi thú trần gian.  Có người chủ trương cho rằng chết là hết nên chẳng cần ăn ngay ở lành, chẳng cần tích đức đời sau nên sinh ra đạo tặc, dâm ô và biết bao tệ nạn đau buồn khác.  Hằng ngày trên truyền hình, truyền thanh vẫn luôn cập nhật những thông tin đáng buồn như cướp dật, hoang dâm, xì ke, ma túy, tham nhũng, giết người…  Tại sao vậy?  Tại sao xã hội có luật pháp mà vẫn còn đó những tội phạm?  Tại sao bóng tối của sự dữ vẫn còn đầy rẫy trong xã hội văn minh hôm nay?  Tại sao lương tâm không bằng lương thực?  Tại sao nhân phẩm không bằng nhu yếu phẩm?  Tại sao tình người không bằng đồng tiền?  Tại sao vì tiền, vì quyền, vì tình mà nhiều người đã đánh mất nhân tính của mình? Có lẽ chỉ vì đã nhìn nhận sai về căn tính con người, về ý nghĩa cuộc đời nên dẫn đến biết bao hệ luỵ khổ đau cho con người.

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: loài người thuở xa xưa khi chưa biết soi gương trang điểm nên dường như cũng chẳng hề biết khuôn mặt mình tròn méo thế nào.  Vì thế mới có chuyện đau lòng xảy ra giữa đôi vợ chồng trẻ miền quê hẻo lánh.  Một lần anh chồng có việc phải lên kinh thành, người vợ dặn chồng nhớ mua cho mình một cái trâm cài đầu.  Nhưng khốn nỗi anh chàng nhà quê chưa một lần nhìn thấy cái trâm cài đầu nó như thế nào?  Cô vợ nhìn lên bầu trời đêm thấy ánh trăng lưỡi liềm liền nói: “Cái trâm nó giống như ánh trăng kia, nếu anh quên, anh cứ nhìn lên ánh trăng thì sẽ nhớ.  Người chồng đã ra đi.  Kinh đô quả thật khác lạ so với anh.  Cái gì cũng mới.  Cái gì cũng hay.  Anh chồng đã say sưa, mải miết tham quan những cảnh lạ ở kinh thành cả mười ngày sau mới về.  Lúc này anh mới chợt nhớ lời vợ dặn, anh liền nhìn lên bầu trời và thấy ánh trăng tròn trịa của đêm trăng rằm.  Anh vào cửa hàng tạp hoá và anh mua một cái gương soi mặt vì nó hình tròn giống như ánh trăng.  Lòng vui rộn ràng anh quay trở về với vợ hiền.  Anh vui mừng trao món quà cho cô vợ bé nhỏ của mình.  Cô vợ mở quà ra xem.  Ngạc nhiên tại sao lại là hình ảnh của một cô gái ở trong món quà.  Bởi lẽ, cả đời cô chưa hề biết gương là gì, nên khi thấy bóng dáng một người con gái trong gương cô đã tức giận và quát tháo nên rằng: “Tôi dặn anh mua cái trâm cài đầu, tại sao anh đem về cho tôi một đứa con gái nào đây?”  Anh chồng lúc này mới nhìn vào gương và thấy khuôn mặt một người đàn ông trông giống như bố mình ngày xưa, nên anh cãi rằng: “Không phải, đây là bố tôi.  Và anh dành lại cái gương, miệng không ngớt kêu lên: “Ơ bố ơi!  Quả thực là bố hiện về với con.  Cô vợ tức quá giựt lại và bảo: “Bố ông bao giờ, đây là con nào rõ ràng mà ông còn chối cãi được sao?”  Anh chồng xem ra không cãi nổi vợ, bèn buồn bã bỏ đi.  Mẹ chồng thấy vậy đến an ủi nàng dâu, và người con dâu đã đưa cho mẹ chồng xem bằng chứng về sự dan díu của chồng mình.  Mẹ chồng xem qua rồi đi đến kết luận: “Thôi đừng ghen tương làm chi cho khổ, tao thấy con này nó cũng già quá rồi!”

Vâng, xem ra cái nhìn tiên tri của ngôn sứ Isaia vẫn đúng cho thời đại hôm nay, vì “đoàn dân đang ngồi trong bóng tối” cũng chính là hình ảnh của nhân loại hôm nay.  Một thế giới đầy những bóng tối của tội lỗi, của sa đoạ, của ích kỷ và hưởng thụ đã làm cho nhiều người mù quáng chạy theo những đam mê lầm lạc và dìm mình trong bóng tối của danh lợi thú trần gian.  Họ đã lạc mất hướng đi đời người.  Họ chẳng cần biết mình là ai?  Họ chỉ cần tiền.  Họ không cần đạo đức hay phẩm giá con người.  Điều họ cần là làm sao có tiền để hưởng thụ.  Vì có “tiền mua tiên cũng được.”  Vì mải miết chạy theo đồng tiền họ đã đánh mất hướng đi đời người.  Cuộc sống không có định hướng, không có mục đích là nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn: cướp giật, tham nhũng, xì ke ma tuý và mại dâm của thời đại hôm nay.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy sám hối.”  Sám hối để bước ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, ghen tương, đố kỵ, chia rẽ để bước vào ánh sáng của yêu thương và hiệp nhất.  Sám hối để bước ra khỏi vũng lầy của đam mê nhục dục, của tha hoá đạo đức để sống cao thượng theo đúng phẩm giá con người là “nhân linh hơn vạn vật.”  Sám hối để nhìn nhận những sai trái của mình đã gây nên những bất công, những khổ đau cho anh em và quyết tâm thay đổi đời sống theo đúng đòi hỏi của Tin mừng mà Chúa Kitô đã loan báo.  Vì Chúa Kitô chính là ánh sáng đã chiếu giãi trên thế gian.  Từ nay Tin mừng cứu độ của Chúa sẽ soi sáng cho con người biết đâu là thiện, là ác, vì chính Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, ai bước theo Ngài sẽ không phải đi trong tối tăm nhưng bước đi trong tự do của con cái sự sáng.

Thế nhưng, nhân loại hôm nay vẫn thích bóng tối hơn ánh sáng.  Người ta sợ ánh sáng của Tin mừng sẽ phơi bầy bộ mặt thật của mình nên họ luôn tìm cách che dấu bằng thủ đoạn, lừa đảo và giả hình và dần dần đánh mất ý thức về tội.  Tội lỗi vẫn tràn lan.  Con người tự làm khổ mình, làm khổ nhau bởi chính những điều gian ác, bất công của mình gây nên.

Xin Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự sống giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ của danh lợi thú trần gian để chúng ta sống trong tự do của con cái Chúa.  Xin Chúa Kitô là ánh sáng trần gian dẫn dắt chúng ta đi theo chân lý vẹn toàn ngõ hầu chúng ta luôn sống đúng với phẩm giá cao quý của con người là hình ảnh của Chúa.  Xin cho mỗi người chúng ta cũng trở thành ánh sáng để dẫn dắt anh chị em chúng ta bước đi trong ánh sáng lề luật và phúc âm của Chúa.  Amen!

Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

GIAO THỪA ĐOÀN TỤ

Tết là khởi đầu của một năm, là dịp lễ quan trọng và linh thiêng nhất trong một năm.  Ngày Tết ai cũng ao ước khởi đầu lại.  Ai cũng muốn rũ bỏ những gì không tốt đẹp của năm qua để đón nhận một luồng sinh khí mới.  Thế nên, mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Sống tình thân ái trong những ngày Tết.  Lòng người ai cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.

Ngày tết với những giờ phút rất linh thiêng gọi là giao thừa.  Một thời khắc giao thoa giữa cũ và mới.  Giữa quá khứ và hiện tại.  Một thời khắc con người như muốn chuyển mình cùng vạn vật, hoà mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao nỗi ưu tư, vất vả truân chuyên trong cuộc sống.  Một thời khắc tràn đầy niềm lạc quan hy vọng cho một năm mới an bình, hạnh phúc và thịnh vượng.

Ngày Tết còn là dịp để gia đình dòng tộc sum họp.  Dù ai đi ngược về xuôi cũng muốn trở về đoàn tụ với gia đình trong giây phút linh thiêng ấy.  Quây quần bên bàn thờ, thắp lên nén hương trầm trên bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ tới ông bà, cha mẹ những người đã nuôi nấng sinh thành ra mình nay đã khuất.  Vì cây có cội, nước có nguồn.  Con người cũng phải nhớ về tổ tiên để tỏ lòng tri ân và cầu mong các ngài chúc phúc cho một năm mới bình an.

Trong giây phút giao thừa, mỗi thành viên trong gia đình thường lần lượt chúc tuổi nhau.  Con cháu chúc mừng ông bà mạnh khoẻ sống lâu.  Ông bà cha mẹ mừng tuổi lại con cháu chăm ngoan, học giỏi, thảo hiếu, vâng lời…  Ngày tết người lớn thường không quên lì xì cho con cháu với một ý nghĩa tượng trưng, mong sang một năm mới con cháu sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp.

Một việc làm trong Ba ngày tết có lẽ không thể thiếu chính là lễ hội tâm linh.  Ngày tết người Phật Giáo rủ nhau đi Chùa.  Người Công Giáo đến Nhà Thờ như muốn hoà vào dòng người đi lễ để cảm nhận được sự giao hoà của trời đất.  Để gởi gắm vào chốn linh thiêng những ưu tư hoài bão lên Đấng Tạo Thành.  Chính nơi đây, con người cũng tìm thấy sự thanh thoát, nhẹ nhàng cho tâm hồn như những làn khói nhẹ bay vào chốn không trung.

Người Công Giáo chúng ta luôn nhìn nhận Thiên Chúa là chủ thời gian.  Thiên Chúa sắp đặt mọi vận hành của trời đất và con người.  Thế nên, gửi gắm tâm tình lên Đấng Tạo Thành trời đất là lẽ thường tình.  Chỉ có Ngài mới làm cho “con tạo xoay vần” theo chu kỳ của nó.  Chỉ có Ngài mới giúp con người đạt được ước nguyện của mình.

Thế nên, hôm nay trong giây phút giao thừa, mỗi người hãy để lòng mình thanh thản nương theo thánh ý Chúa.  Hãy trao vào tay Chúa những ưu phiền lắng lo.  Hãy đặt niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa có thể xoay vần cuộc đời theo như ý Ngài.  Xin phó thác mọi sự trong tay Ngài.  Và trước thềm một năm mới, chúng ta cùng kính chúc nhau:

– Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn luôn ngọt ngào

– Vừa đủ THỬ THÁCH để luôn kiên nhẫn trung kiên

– Vừa đủ HY VỌNG để luôn hạnh phúc

– Vừa đủ THẤT BẠI để luôn khiêm nhường

– Vừa đủ THÀNH CÔNG để luôn nhiệt tâm

– Vừa đủ BẠN BÈ để được an ủi

– Vừa đủ VẬT CHẤT để đáp ứng mọi nhu cầu

– Vừa đủ NHIỆT TÌNH để đời thêm hân hoan

– Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan thất bại

Xin cầu chúc cho nhau một đêm giao thừa ấm áp Tình Chúa – Tình Người.  Amen!

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

VƯỢT NGOÀI THẦN NGHIỆM

“Tôi là nhà thần nghiệm thực hành!”  Vài năm trước, một cô đã nói như thế trong lớp tôi dạy và khiến nhiều người cau mày.  Tôi đang dạy một lớp về thần nghiệm và hỏi các sinh viên vì sao họ lại có hứng thú với môn thần nghiệm.  Mỗi người trả lời một kiểu.  Có người đơn giản thấy hấp dẫn với khái niệm này, người khác là những người linh hướng muốn có thêm thấu suốt về những cảm nghiệm thần nghiệm, và một số thì theo học vì cố vấn học tập khuyên họ nên vào lớp này.  Nhưng có một cô trả lời: “Vì tôi là nhà thần nghiệm thực hành!”

Ai đó có thể là nhà thần nghiệm thực hành sao?  Có thể, nếu hiểu cho đúng cả hai từ này, thần nghiệm và thực hành.

Vậy thần nghiệm nghĩa là gì?  Trong quan điểm phổ thông, thần nghiệm thường được gắn với cảm nghiệm tôn giáo khác thường và huyền bí, cụ thể là những thị kiến, mặc khải, sự hiện ra, đại loại như thế.  Thật sự, nhiều lúc đúng là thế, như với những nhà thần nghiệm vĩ đại như Julian thành Norwich và Teresa thành Avila, nhưng cũng có những ngoại lệ.  Kiểu thần nghiệm theo quan niệm của ta không phải là quy tắc.  Thường thì cảm nghiệm thần nghiệm rất bình thường, không thị kiến, không có sự hiện ra, không xuất thần, chỉ là một cảm nghiệm thường nhật, nhưng có một sự khác biệt.

Ruth Burrows, nhà thần nghiệm lừng danh người Anh thuộc dòng Carmel đã mô tả thần nghiệm như thế này: Cảm nghiệm thần nghiệm là được Thiên Chúa chạm đến ở một mức độ thâm sâu hơn lời lẽ, suy nghĩ, hình tượng và cảm giác.  Chúng ta có cảm nghiệm thần nghiệm khi nhận thức về bản thân và thế giới một cách rõ ràng, dù chỉ là trong thoáng chốc.  Điều này có thể đi kèm những điều khác thường, như thị kiến hay sự hiện ra, nhưng thường thì không như thế.  Thường thì cảm nghiệm thần nghiệm không phải là khoảnh khắc một thiên thần hay một thần linh hiện ra với bạn, cũng không phải là lúc có chuyện huyền bí xảy ra với bạn.  Cảm nghiệm thần nghiệm là khác thường, nhưng khác thường vì nó rõ ràng một cách độc nhất vô nhị, vì trong khoảnh khắc ấy chúng ta quy hướng một cách khác thường, và vì trong khoảnh khắc ấy chúng ta cảm thức một cách vô thức, mơ hồ, và lộn xộn, cảm thức vượt ngoài từ ngữ và hình tượng, cảm thức được điều mà các nhà thần nghiệm gọi là ký ức không phai về nụ hôn của Chúa trên linh hồn chúng ta, ký ức nguyên sơ về lần mình từng cảm nghiệm tình yêu hoàn hảo khi còn ở trong lòng Chúa trước lúc ta ra đời.  Bernard Lonergan, dùng một thuật ngữ khác, gọi đây là dấu ấn của những nguồn gốc đầu tiên lên linh hồn chúng ta, dấu ấn bẩm tại của những yếu tố siêu việt thuộc về Thiên Chúa, là Duy nhất, Chân, Thiện, Mỹ, ở trong chúng ta.

Chúng ta có cảm nghiệm thần nghiệm khi liên kết với phần linh hồn mà chúng ta từng được Chúa chạm đến trước khi chúng ta ra đời, phần linh hồn chúng ta vẫn mang theo dù trong vô thức, phần ký ức đã được Chúa chạm đến.  Henri Nouwen gọi đây là ký ức mơ hồ về “tình yêu đầu tiên” về một thời chúng ta được nâng niu bởi đôi bàn tay trìu mến hơn bất kỳ lần nào chúng ta có trong đời này.

Tất cả chúng ta đều có cảm nghiệm này ở một mức độ nào đó.  Tất cả chúng ta đều có những cảm nghiệm thần nghiệm, dù không phải ai cũng là nhà thần nghiệm.  Vậy đâu là điểm khác biệt giữa có cảm nghiệm thần nghiệm và là nhà thần nghiệm?  Nó cũng là điểm khác biệt giữa có cảm nghiệm mỹ thuật và là nghệ sĩ.  Tất cả chúng ta đều có cảm nghiệm mỹ thuật và nhiều lần thấy được mỹ thuật đánh động sâu sắc, nhưng chỉ có một số ít người trở thành nghệ sĩ lớn, nhà soạn nhạc lớn, không hẳn bởi họ có cảm nghiệm sâu sắc hơn chúng ta, nhưng bởi họ có thể cho cảm nghiệm của họ một biểu lộ mỹ thuật đặc biệt.  Biểu lộ mỹ học luôn luôn có sự hòa hợp nhất định.  Do đó bất kỳ ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ thực hành, dù cho không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Về thần nghiệm cũng thế.  Nhà thần nghiệm là người có thể đem lại biểu lộ có ý nghĩa cho cảm nghiệm thần nghiệm của họ, cũng như một nghệ sĩ là người có thể đem lại biểu lộ thích đáng cho cảm nghiệm mỹ thuật của họ.  Bạn có thể là một nhà thần nghiệm thực hành, tương tự như là một nghệ sĩ thực hành.  Như một nghệ sĩ đầy nỗ lực, bạn có thể dốc sức để đem lại một biểu lộ có ý nghĩa và có ý thức cho những vận động thâm sâu mà bạn cảm nhận được trong linh hồn mình, và như một nghệ sĩ nghiệp dư thôi, bạn sẽ không là một Rembrandt hoặc Picasso trong đời sống thiêng liêng, nhưng những nỗ lực của bạn có thể hữu ích vô cùng khi bạn làm rõ những vận động trong linh hồn và tâm thần mình.

Vậy cụ thể, làm sao để bạn làm một nhà thần nghiệm thực hành trong thực tế?  Bằng cách làm bất kỳ điều gì giúp bạn liên hệ cách có ý thức với những vận động thâm sâu trong linh hồn và bằng cách làm những điều giúp bạn vững vàng và tập trung vào linh hồn mình.

Ví dụ như, khi nỗ lực liên kết với linh hồn mình, bạn có thể làm nhà thần nghiệm thực hành bằng cách viết nhật ký, đọc sách thiêng liêng, xin linh hướng, làm những việc linh thao chẳng hạn như bài Linh Thao của thánh Inhaxiô, và cầu nguyện dưới bất kỳ hình thức nào.  Khi quy hướng vào và làm vững vàng linh hồn mình, bạn có thể là một nhà thần nghiệm thực hành, khi dốc hết bản thân một cách ý thức hơn và chủ tâm hơn, vào việc sống ngày Xa-bat và làm những việc quy hướng về linh hồn chẳng hạn như làm vườn, đi bộ đường dài, nghe nhạc, đối ẩm với người thân và bạn bè, yêu vợ hoặc chồng mình, bồng một đứa bé, thăm người bệnh, hay thậm chí chỉ cần làm việc mình thích và có khoảng nghỉ lành mạnh tránh những ám ảnh của bận tâm thường nhật.

Đấy chính là những cách để làm nhà thần nghiệm thực hành, thậm chí chẳng cần phải theo học lớp chính thức về thần nghiệm.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THẤY, BIẾT RỒI LÀM CHỨNG

Trong cuộc sống, chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.

Gioan cũng thế, trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, hai lần ông khẳng định: “Tôi đã không biết Người” (Ga.1:31-33).  Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa “biết” Ngài.

Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (Lc.1:36), dù ông đã có một số thông tin về Ngài, và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (Mt.3:14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.

Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.  Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá ra Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.  Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là “Đấng Thiên Chúa Tuyển Chọn.”  Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu lúc Ngài được ông làm phép rửa.  Bây giờ ông mới có thể nói: ông đã biết Ðức Giêsu.  Ông đã “biết” sau khi ông đã “thấy.”

Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.  Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh luyện.  Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.  Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.  Ông vui khi giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ của mình.  Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga.3:26).  Ông sung sướng khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên (Ga.3:30).

Từ cái biết nhờ thấy, Gioan đã trở nên người làm chứng cho Đức Giêsu.  Hành trình chứng nhân của Gioan cũng là của bạn và tôi hôm nay: “thấy, biết rồi làm chứng.

Biết một người là chuyện khó.  Biết Ðức Giêsu còn khó hơn.  Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người Giêsu, Đấng đã là đích điểm giao hòa giữa trời và đất; Đấng là tạo hóa nhưng lại hòa đồng với tạo vật, và cũng là Đấng đã liên kết giữa thần linh thánh thiện và con người tội lỗi.

Ðể biết Ðức Giêsu, ta cần thấy Ngài tỏ mình ra.  Nhưng không phải ta sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng.  Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng.  Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, qua những con người đơn sơ ta vẫn gặp.  Ta cần tập nhìn thấy Ngài tiềm ẩn sau lớp vỏ bọc xù xì của thực tế đời thường.

Cần thường xuyên làm mới lại “cái biết” về Ðức Giêsu để mối tương quan của ta với Ngài mỗi ngày trở nên thâm trầm hơn, thân mật hơn.  Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư, là hiệp thông, là gặp gỡ, là chia sẻ chính cuộc đời của Ngài, là để “ta sống trong Ngài và Ngài sống trong ta”, thì cái biết đó phải là nỗ lực của cả một đời người Kitô.

Và lúc này đây, mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành ra đôi ba phút ngắn ngủi để đi vào lòng mình; để tìm gặp khuôn mặt Giêsu: Ngài đang ở đâu, ở chỗ nào trong cuộc sống của tôi?  Tôi phải làm gì để nhận ra Ngài, bắt gặp Ngài đang sống bên tôi trong cuộc đời tạm bợ này?

Gioan đã giới thiệu Ðức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa bỏ tội trần gian.”(Ga.1:29).  Còn bạn và tôi, chúng ta sẽ giới thiệu Ðức Giêsu như thế nào cho những người xung quanh ta hôm nay?

***************************************

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ vô nghĩa.  Xin cho con cảm nhận tình Chúa thật bao la sâu thẳm, để con luôn được sống trong tình yêu thương sâu thẳm bao la ấy.  Xin cho con biết Chúa thật nhân từ và bao dung, để mỗi khi con vấp ngã trên đường đời, con luôn biết chỗi dậy và trở về cùng Chúa.  Giêsu ơi! Xin Ngài hãy đến và cư ngụ trong lòng con luôn mãi, để không còn là con nữa, mà là chính Ngài đang sống trong con.  Amen!

R. Veritas

MẬT MÃ CỦA HẠNH PHÚC 

Hạnh phúc là một đề tài luôn khiến cho con người mơ hồ, hạnh phúc rốt cuộc là gì?  Mỗi một người có một cách lý giải định nghĩa hạnh phúc khác nhau.  Giới khoa học cũng không ngừng khám phá…

Tiến sĩ Howard Dickinson tại khoa triết học của trường đại học Columbia đã tiến hành khảo sát với 121 người tự xưng là hạnh phúc nhất thế giới.  Cuối cùng đưa ra kết quả là trên thế giới này có hai loại người hạnh phúc nhất: Một là những người bình thường sống đạm bạc yên tĩnh, hai là những người nổi tiếng thành công.  Hai mươi năm sau, ông lại một lần nữa phỏng vấn 121 người này, kết quả khiến cho ông rơi vào trầm tư suy nghĩ…

Hạnh phúc của một người phụ thuộc vào điều gì?

Tháng 4 năm 1988, Howard Dickinson 24 tuổi.  Đề mục luận văn tốt nghiệp của ông có tên là “Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào điều gì?”

Vì muốn hoàn thành đề mục này ông đã phân phát 10.000 bảng câu hỏi cho người dân trong thành phố, trên đó có ghi chi tiết dữ liệu định danh cá nhân, còn có năm hạng mục trắc nghiệm:

  • Vô cùng hạnh phúc
  • Hạnh phúc
  • Bình thường
  • Thống khổ
  • Vô cùng thống khổ

Trong hơn hai tháng, cuối cùng Howard Dickinson đã thu hồi được hơn 5.200 bảng câu hỏi hợp lệ.  Sau khi thống kê, chỉ có 121 người nghĩ rằng họ vô cùng hạnh phúc.  Howard Dickinson tiến hành một cuộc khảo sát và phân tích chi tiết về 121 người này.  Ông thấy rằng 50 trong số 121 người này là những người thành công trong thành phố và hạnh phúc của họ chủ yếu là do thành công trong sự nghiệp mang đến.  71 người khác là bà nội trợ bình thường, nông dân bán rau, nhân viên nhỏ trong công ty, và thậm chí là những người vô gia cư đã nhận được trợ cấp.  Những người có cuộc sống bình thường đạm bạc này làm thế nào có thể sở hữu hạnh phúc lớn lao đến thế?

Qua điều tra thực tế của tiến sỹ Howard Dickinson thì điều kiện sống của 121 người rất khác nhau, khiến ông cảm thấy rất thú vị.

Qua nhiều lần tiếp xúc và trao đổi với những người này, Howard Dickinson phát hiện rằng, mặc dù nghề nghiệp của họ đa dạng bất đồng nhưng bản thân họ lại có một điểm chung.  Đó chính là họ không có yêu cầu quá cao hoặc quá nhiều đối với vật chất.  Họ sống rất đơn giản và yên bình, vừa lòng với hiện tại.  Kết quả của cuộc khảo sát này khiến Howard Dickinson rất hứng khởi, vì vậy ông đã viết ra tổng kết luận văn như thế này:

“Trên thế giới này có hai loại người hạnh phúc nhất:

Một là những người sống đạm bạc yên bình, hai là những người thành công nổi tiếng.

Nếu như bạn là một người bình thường, thì thông qua việc tu luyện nội tâm, giảm bớt dục vọng bạn cũng có thể đạt được hạnh phúc.  Nếu như bạn là một người thành công nổi tiếng thì bạn có thể thông qua việc chăm chỉ, biết thời cơ mà đạt được thành công trong sự nghiệp và thứ hạnh phúc lớn lao nhất.”

Sau khi giáo sư nhìn thấy luận văn của Howard Dickinson đã vô cùng tán thưởng, phê một chữ “xuất sắc” thật lớn.  Sau khi tốt nghiệp, Howard Dickinson ở lại trường giảng dạy.  Thoáng chốc đã hơn hai mươi năm trôi qua, hôm nay Howard Dickinson đã trở thành một giáo sư nổi tiếng ở Mỹ.

Vào tháng 6 năm 2009, nhân một cơ hội ngẫu nhiên, ông đã lật lại luận văn tốt nghiệp năm đó.  Ông rất hiếu kỳ không biết điều gì đã xảy ra với những người cảm thấy mình “vô cùng hạnh phúc” năm đó?  Có phải họ vẫn cảm thấy bản thân rất hạnh phúc hay không?  Ông tìm lại địa chỉ liên lạc của những người đó, mất hơn ba tháng một lần nữa làm điều tra.  Kết quả 71 người bình thường năm đó trừ hai người qua đời tổng cộng thu lại được 69 phần bảng câu hỏi.

Những năm gần đây, cuộc sống của sáu mươi chín người này xảy ra nhiều biến hóa: Một số người trong số họ đã nằm trong hàng ngũ những người thành công, những người khác vẫn sống những ngày bình thường, và số còn lại đang sống trong khó khăn do bệnh tật và tai nạn.  Tuy nhiên, đáp án của họ vẫn như ngày nào, cảm thấy bản thân “vô cùng hạnh phúc.”

Ngược lại, 50 người thành công nổi tiếng trước kia lại xảy ra biến hóa cực lớn.  Trong đó chỉ có 9 người vẫn lựa chọn giống như lúc đầu, bởi vì sự nghiệp của họ vẫn thuận lợi.  Có 23 người lựa chọn “bình thường”, 16 người sự nghiệp xuống dốc hoặc phá sản lựa chọn “thống khổ”, 2 người còn lại lựa chọn “vô cùng thống khổ”.

Lật lại cuộc điều tra sau 20 năm, kết quả đã có sự thay đổi đáng kể khiến tiến sỹ Howard Dickinson không khỏi trầm tư suy nghĩ…

Nhìn vào kết quả như vậy, Howard Dickinson rơi vào trầm tư vài ngày, hai tuần sau, Howard Dickinson viết một luận văn mới đăng trên tờ báo “The Post” với tiêu đề “Mật mã hạnh phúc.”  Trong luận văn của mình, Howard Dickinson đã trình bày chi tiết về quá trình và kết quả của hai cuộc khảo sát.

Cuối cùng ông tổng kết: “Tất cả cảm giác hạnh phúc dựa trên vật chất đều không thể kéo dài, nó sẽ biến mất khi vật chất biến mất.  Chỉ có sự yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui được sinh ra từ thân tâm mới thật sự là hạnh phúc.”

Vô số người sau khi xem xong phần luận văn này đều kinh ngạc thốt lên: “Howard Dickinson đã phá giải mật mã của hạnh phúc!”  Bài viết này thu hút sự chú ý rộng rãi, tờ báo “The Post” phải in sáu lần trong một ngày.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Howard Dickinson tâm sự rằng: “Hơn hai mươi năm trước, tôi còn quá trẻ nên đã lý giải sai hàm nghĩa chân chính của “hạnh phúc.”  Hơn nữa, tôi còn đem quan niệm “hạnh phúc” không chính xác này truyền đạt cho rất nhiều học sinh của tôi.  Hôm nay ở đây, tôi xin chân thành gởi lời xin lỗi đến tất cả học sinh của tôi, cũng xin lỗi “hạnh phúc.”  Tất cả cảm giác hạnh phúc dựa trên vật chất đều không thể kéo dài, nó sẽ biến mất khi vật chất biến mất.  Chỉ có sự yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui được sinh ra từ thâm tâm mới thật sự là hạnh phúc.”

Tất cả những chuyện bi thảm đều có liên quan đến tiền bạc, tất cả những chuyện hạnh phúc đều không liên quan gì đến bạc tiền.

Theo Soundofhope – Khải Phong biên dịch