NOEL: LỄ NHẬP CUỘC

Đi qua trường Kinh Tế Tài Chính 4 bên cạnh Đại Chủng Viện hôm qua, tình cờ nghe được mẩu đối thoại giữa mấy cô gái.  Có tiếng hỏi: “Noel, bồ có đi đâu không?”  Có tiếng đáp: “Không, mình ở nhà.”  Và khi tiếng đáp vừa dứt đã có tiếng ai đó xen vào: “Noel mà lại ở nhà à?  Người ta phải ra đường chứ!”

Vâng!  Noel người ta ra đường thật.  Từ Đại Chủng Viện tới đây mặc dù đường đi chỉ có mấy bước, nhưng tôi vẫn bị kẹt xe bởi những con đường lớn đều chật ních những người là người.  Dường như cả thành phố đều ở trên đường.  Kẻ đi người lại, đông ơi là đông.  Vì thế, tiếp cận với Tin Mừng Giáng Sinh đêm nay, tôi bỗng thấy thánh Giuse và Đức Maria cũng đang ở trên đường, đường dong duổi cho cuộc đăng ký hộ khẩu kiểm tra dân số.  Những điều tai nghe mắt thấy ấy đã tự nhiên gợi lên hình ảnh Noel là một lễ nhập cuộc.

1. Noel là lễ của sự nhập cuộc.

Nếu trong Mùa Vọng, tín hữu đã sống lại niềm trông mong đợi chờ Chúa của Dân thánh, lấy kinh nghiệm thao thức của họ làm kinh nghiệm thức tỉnh cho mình, và lấy tâm tình dọn dẹp đường lối của họ làm tâm tình chuẩn bị cõi lòng của mình, thì hôm nay không còn úp mở nữa, vị Thiên Chúa được trông chờ ấy chính là Thiên Chúa nhập cuộc.

Khác với lối nhìn của Cựu Ước vốn coi Thiên Chúa là “Đấng khôn tả”, nên muốn tả về Ngài người ta chỉ dám dùng đường lối phủ định nghĩa là thêm chữ “vô cùng” vào sau mỗi phẩm tính muốn dành cho Ngài.  Và cũng khác với lối nhìn của ngày xa xưa vốn coi Thiên Chúa là “Đấng đáng sợ”, nếu lơ mơ đến gần Ngài sẽ phải mất mạng như chơi.  Đàng này, vị Thiên Chúa được chờ mong lại đến thật sát thật gần.  Người hóa thân làm người ở giữa chúng ta.

Người nhập cuộc trong lịch sử chung của toàn thể nhân loại cũng như trong lịch sử riêng của đời Người.  Sự nhập cuộc ấy đã được lịch sử cắm mốc thời gian rõ ràng là “thời Hoàng đế Cêsarê Augustô” và được cấp sổ đỏ không thể chối cãi là “thành Bêlem xứ Giuđêa” như Phúc Âm ghi lại.  Sự nhập cuộc ấy đã làm nên lý lịch trích ngang của Đấng Cứu Thế.  Người có một gia đình, đã được cưu mang chín tháng như bất cứ ai để cuối cùng mở lòng mẹ bước ra chào đời và sống đời như bao người khác.

Thánh Kinh vẫn quen gọi đây là cuộc “Thiên Chúa viếng thăm Dân mình”, nhưng cuộc viếng thăm này lại rất đặc biệt, không chỉ diễn ra trong chốc lát, cũng không thể được lặp lại trong lần khác nữa.  Người là vua vinh quang trên trời đã nhận lấy kiếp người mỏng giòn để khởi đầu sự nhập cuộc.  Người là Thiên Chúa thật đã nhập thể trở nên con người thật với tiểu sử riêng rõ nét.  Người là Thiên Chúa thật đã nhập thế giữa lòng thế giới với lịch sử chung nhân loại rõ ràng.  Đó là sự nhập cuộc.

2) Và nhập cuộc là chấp nhận vòng quay nghiệt ngã của cuộc sống.

Trong bài đọc thứ nhất, qua lăng kính của Isaia, Thiên Chúa được xưng tụng là “Chúa hùng dũng”, thế mà Người đã hóa nên con người yếu đuối trong hình hài một thơ nhi bé bỏng.

Dẫu được gọi là “Thủ Lĩnh bình an”, nhưng chính Người khi xuống thế đã nhập cuộc vào những xáo trộn của cuộc đời, để chẳng được an thân sinh ra trong nhà của mình.  Hoàng đế Rôma chỉ là thụ tạo, nhưng lại nắm quyền ra lệnh khai sổ nhân danh khiến Thủ Lĩnh đích thực là Người lại phải chịu sinh ra trên đường đăng cai hộ khẩu.  Hộ khẩu dẫn tới “hậu khổ!”  Người ta dòng dõi vua chúa sinh ra được bọc vải điều nơi lầu vàng gác tía giữa đông đảo kẻ hầu người hạ, còn Người lại tự nguyện sinh ra nghèo khó nơi hang đá trong máng cỏ bò lừa.  Người là “Cha vạn thuở”, bản thân Người là căn nguyên vạn vật, thân thế Người là cội nguồn nhân sinh, muôn vật muôn loài đều phải nhờ Người mới có, thế mà hôm nay Người lại chịu sinh ra trong thời gian bởi một người phụ nữ với tiến trình trưởng thành tuần tự bình thường.  Người là “Cố Vấn kỳ diệu”, nhưng khi sinh ra làm người hôm nay chẳng thấy Người cố vấn cho ai, mà ngược lại xem ra Người đã “cố mà vấn vào đời mình” những gì là bình thường nhất nếu không muốn nói là hèn mạt nhất của kiếp phận nghèo khổ.

Rõ ràng là Người đã nhập cuộc trong quỹ đạo của một đời người giữa những người đời.  Nhập cuộc như thế cũng có nghĩa là ăn đời ở kiếp giữa đời với những hệ quả muôn thuở của cuộc đời.  Nếu cuộc đời luôn bằng phẳng có lẽ đã không có kiểu nói diễn tả “bụi trần”, và nếu cuộc đời luôn hạnh phúc có lẽ cũng chẳng phải lắm điều đặt chuyện “đời là bể khổ” làm chi.  Chẳng bi quan cũng thấy cuộc đời không luôn ổn định.  Thế mà Chúa đã yêu thương đón lấy cuộc đời ấy, để chính khi hóa thân làm người là cùng lúc Người dấn thân vào trong những bấp bênh bồng bềnh bó buộc của cuộc sống.

3. Để cứu độ trần thế và con người.

Nếu nhập cuộc chỉ có nghĩa là hòa vào dòng chảy cuộc đời thì có lẽ chẳng có lễ Noel.  Nhưng sở dĩ có lễ Noel là bởi vì Chúa nhập cuộc để cứu độ trần thế và con người.

Người nhập thế để làm gì?  Thưa để đem trần thế vào lại “trật tự nguyên thủy” như nét đẹp ban sơ của trần thế ngày sáng tạo mà tội lỗi đã làm hư đi.  Nên Noel còn gọi là “Ngày sáng thế mới”.  Đêm Noel là đêm đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của ơn cứu độ.

Người nhập thể để làm gì?  Thưa để đem con người về với ơn cứu độ.  Người là Emmanuel của một Thiên Chúa không đến rồi đi, không ở rồi về mà là một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, một Thiên Chúa đến ăn đời ở kiếp với nhân loại để nâng nhân loại lên ngang tầm với vinh quang của Người.  Thảo nào, các thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.”  Và cũng chính vì thế các Giáo phụ Đông phương đã bảo: “Thiên Chúa làm người cho người được làm con Thiên Chúa.”  Như vậy, Noel chính là lễ của một sự nhập cuộc tuyệt vời cũng như chữ Noel đến từ danh xưng Emmanuel đã làm nên Thánh lễ đêm nay.

Thiên Chúa nhập cuộc để đem ơn cứu độ.  Đó là Tin Mừng trọng đại cho toàn dân, nên sứ điệp của đêm nay là hãy nhập cuộc cùng với Noel.

Nhập cuộc tức thời là hãy mở lòng mình ra mà đón Chúa sinh vào, và nhập cuộc dài hơi là biết sinh Chúa ra bằng một đời sống tín hữu gương mẫu.  Đừng để Noel trở thành dịp phô trương đời sống hoặc phô bày đam mê như trong báo Công An tuần qua đăng tải về một Việt kiều tổ chức sinh nhật của mình một cách trụy lạc.  Đừng để Noel qua đi mà lòng mình vẫn còn trĩu nặng ước muốn quyền hành hoặc tình cảm ghét ghen.  Và nhập cuộc lớn hơn cả chính là biết cùng với Chúa mà cưu mang xây dựng, cảm thông nâng đỡ những anh chị em túng quẫn hoặc đau khổ vốn không thiếu trong đời, cho dẫu chính khi nhập cuộc như thế mình phải hy sinh đi theo quỹ đạo của nhập cuộc.

Noel nhập cuộc là thế, là Tin Mừng sống động, là chan hòa sự sống.  Nhưng Noel bao giờ cũng là lễ của niềm vui, của bàn tay nắm lấy bàn tay, của bước chân tiếp nối bước chân dấn thân vào đời phục vụ cho hạnh phúc con người.  Niềm vui và hạnh phúc là điều người ta thường cầu chúc trong đêm Noel.  Chân thành kính chúc anh chị em một Noel tràn đầy niềm vui: thứ niềm vui cứu độ, quên mình, nhập cuộc; và hạnh phúc dẫy đầy: thứ hạnh phúc không phải chờ đến xa xôi mai hậu, nhưng đã bắt đầu đêm nay bằng cách biết tiếp nhận Chúa sinh vào, và biết sinh Chúa ra trong quyết tâm nhập cuộc của mình.

ĐGM. Vũ Duy Thống (Trích trong “Nút Vòng Xoay”)

KỂ CHUYỆN NOEL

Không biết từ bao giờ phương Tây đã mặn mà với lối Thần Học Kể Chuyện (Théologie Narrative), vốn khác với lối truyền thống đặt nặng trên suy tư (Théologie Spéculative), nhưng chỉ biết rõ rằng, kể từ Đại Hội Truyền Giáo Châu Á lần thứ nhất tại Thái Lan, kiểu nói “Kể chuyện Chúa Giêsu” đã được chọn làm chủ đề của Đại Hội, và đã nhanh chóng được mọi quốc gia tham dự đón nhận như một phương thế truyền giáo.

Kể chuyện Chúa Giêsu như bốn Phúc Âm là một cách; kể chuyện Chúa Giêsu như sách Tông Đồ Công Vụ là một cách khác; kể chuyện Chúa Giêsu như lịch sử Giáo Hội Công Giáo là một cách khác nữa; và kể chuyện Chúa Giêsu như cuộc đời của các Thánh lại là cách thiên biến vạn hóa tùy thuộc vào tâm tính, trình độ kiến thức và môi trường văn hóa mà các ngài là thành phần.

Kể chuyện Chúa Giêsu như thế thời nào cũng có thể làm được, bởi “chuyện” đã sẵn, có khác chăng là “cách kể” thôi.  Kể bằng kịch nghệ thơ văn, kể bằng lời giảng trở trăn kiếm tìm, kể bằng suy nghĩ tâm tình, kể bằng đời sống hòa mình hiệp thông.  Mọi phương cách đều có thể được vận dụng, miễn sao chuyển tải được “chuyện Chúa Giêsu” đến với khán giả hoặc thính giả.

Nhân dịp mùa Giáng Sinh trở về, nương theo suy nghĩ trên, xin được ghi nhận vài cách kể chuyện Noel có thể đem lại những hiệu ứng bất ngờ.

Kể chuyện Noel bằng Hang Đá, Máng Cỏ

Đây là cách kể chuyện Noel truyền thống nhất vì chất liệu đã được ghi lại trong Phúc Âm, chỉ cần khéo léo sử dụng và vận dụng là thành chuyện kể hấp dẫn.  Chẳng ai bảo ai, cứ lễ Noel là mọi Nhà Thờ lớn nhỏ trên thế giới đều bày ra Hang Đá Máng Cỏ.  Bên trong, giản dị thì chỉ cần ba nhân vật: Đức Mẹ, Thánh Giuse, Chúa Hài Đồng; rườm rà chi tiết đầy đủ hơn thì xung quanh Máng Cỏ phải có bò lừa chiên cừu mục đồng, và xa xa là ba vua đang trên đường đến kính viếng.

Nhưng dù giản dị hay rườm rà, nhất định phải có ánh sao chiếu sáng, thiên thần bay lượn và câu “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời…”  Bên ngoài, Tây phương còn lộng lẫy hơn với cây thông tuyết trắng xe tuần lộc, nhưng Đông phương chỉ cần chút ít rơm khô, mái tranh túp lều là đã đầy đủ lắm rồi.  Dù gì đi nữa cũng phải có một ít đá giấy, đá vải, hoặc đá mốp mới ra dáng Hang Đá Noel.

Đây cũng là cách kể chuyện phổ biến nhất, dễ hiểu nhất cho mọi người kể cả cho những người ngoài Công Giáo.  Tháng 12 năm 1995, tại cuối Nhà Thờ Đức Bà Paris, có cuộc triển lãm Hang Đá hoành tráng: số Hang Đá trưng bày khá nhiều và lượng khách tham quan đông đến ngộp thở.  Phải mua vé xếp hàng vào xem.  Người ta có thể không đến với Giáo Đường nhưng muốn có Noel thì dường như phải đi xem Hang Đá.

Chẳng phải nói đâu xa, ngay tại Sàigòn, chỗ nào có Hang Đá Máng Cỏ là y như rằng sẽ bị tràn ngập bởi lượng khán giả xa gần kéo đến ùn ùn.  Lương giáo như nhau, cứ đến với Hang Đá mới thực sự biết lễ Noel.  Người ta bảo đường Phạm Thế Hiển quận 8 mỗi dịp Noel lại trở thành con đường rực rỡ Hang Đá.  Đường nối liền nhà Giáo Dân của nhiều Giáo Xứ, mỗi nhà một Hang Đá nối dài cả con đường trông thật lộng lẫy.

Thường thì kể chuyện phải có người kể người nghe, nhưng bằng Máng Cỏ Hang Đá, biến cố Noel đã được bộ tượng Giáng Sinh kể lại một cách sinh động khiến chẳng phải rậm lời, mọi người xem đều hiểu và tới lúc Chúa muốn, biết đâu trong số họ lại chẳng có người đồng cảm tin nhận như các mục đồng năm xưa.

Ở khu vực Chí Hòa, nơi các Giáo Xứ san sát bên nhau, mỗi dịp Noel, những con đường trong xứ đều được thắp sáng bằng một mạng lưới bóng điện liên hoàn, và mặt đường dẫn từ Hang Đá khu này đến khu khác lúc nào cũng sạch sẽ khang trang.  Một nhà người lương gần đó ước mơ: giá trong năm ngày nào cũng là lễ Noel.  Ước mơ dung dị của nhà này có thể trở thành tiền đề gợi mở cho những cách kể chuyện Noel không lời nhưng đầy hiệu ứng thiết thực cho đời.

Kể chuyện Noel bằng ca khúc Giáng Sinh

Bên cạnh Hang Đá Máng Cỏ truyền thống, một phương thức khác khá hiện đại và hiệu quả để chuyển tải chuyện kể Noel đến với nhiều người, kể cả thiếu nhi và người cao tuổi, dĩ nhiên giới trẻ là thành phần chính, đó là những ca khúc.

Mỗi năm khi tiết trời chuyển mùa lập đông cho khí lạnh gieo vào đất nước, cũng là lúc các tụ điểm ca nhạc thành phố bắt đầu đổi chương trình nhẹ nhàng cho những ca khúc Noel trổi lên gọi đời hoan hỉ.  Trong số những ca khúc ấy, phải kể trước hết là những bài hát quốc tế ai cũng biết và ai cũng có thể ngân nga giai điệu.  Người ta có thể không thuộc lời của bài hát, nhưng chỉ nghe dạo nhạc cũng chia sẻ được ít nhiều tâm tình.

Nếu ngày xưa còn bé đã nghe và bập bẹ giai điệu Jingle Bells “Là là lá la la là…” thì khi lớn sẽ được thôi thúc khám phá tìm hiểu, để mỗi lần chợt nghe đâu đó vẳng lại khúc ca là tự dưng tâm hồn muốn bay bổng mở ra cho Noel ùa vào.  Lành mạnh và hồn nhiên, linh thiêng và sống động.  Nhất nữa, như thói quen nhiều nơi, những ca khúc Noel phổ thông đã được xâu chuỗi thành liên khúc có thể trình tấu liên tu bất tận khiến Noel vốn đã rộn rã lại còn được nhân tăng gấp bội.

Thiếu nhi hát múa Noel, giới trẻ hát nhảy Noel, người lớn hát mừng Noel.  Tất cả làm thành một dòng chảy chuyện kể Noel đến mọi ngõ ngách tâm hồn.  Cùng với những ca khúc quốc tế, không ít bài hát Noel đặc sản Việt Nam đã trở thành phổ biến và luôn được các Nhà Thờ tấu lên trong Lễ Giáng Sinh.

Ai trong đời chẳng muốn hòa tiếng dẫu nhè nhẹ khi nghe vấn vương lời hát “Cao cung lên” của Hoài Đức?  Dù ở quê nhà hay bôn ba hải ngoại đêm Noel ai lại không nhớ đến ca khúc mà có người khéo ví như một kiểu dân ca Noel Việt Nam “Hát khen mừng Chúa Giáng Sinh ra đời” của Hải Linh?

Có lẽ Đức Hồng Y Cresenzio Sepe, nguyên Bộ trưởng bộ Truyền Giáo, đã được nghe hát bài Noel này nhiều lần, nên dịp viếng thăm Việt Nam hồi đầu tháng 12 năm 2005, ngài đã không ngừng yêu cầu được hát với mọi cộng đoàn ngài ghé thăm, bất kể ngoài Bắc hay trong Nam, bất kể giữa nắng trưa mồ hôi nhễ nhãi, bất kể bầu khí Phụng Vụ chưa chính thức bước vào chuẩn bị trực tiếp cho lễ Noel.

Nội dung chuyện kể Noel chỉ có một, nhưng hình thức kể chuyện Noel bằng giai điệu thì có muôn vàn. Biết đâu trong số thính giả của Noel ngày nay có người buột miệng cầu nguyện “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa Ngự trên cao”, như một lời kinh phổ biến, vừa mang màu thi vị rất được người trẻ yêu thích, vừa ấp ủ một niềm hy vọng cho ngày mai đẹp sáng tin yêu.

Kể chuyện Noel cho mình và cho người

Đối với người Công Giáo, Noel là một lễ của thực hành Đức Tin, nhưng đối với rất nhiều người, Noel hiện nay chỉ giản lược như một lễ hội của văn hóa.  Chính vì thế, Noel có mặt khắp nơi nơi, từ vùng băng tuyết tới vùng nắng ấm, từ thành thị đến thôn quê, từ trong nhà tới ngoài phố, từ nơi công cộng tới chốn riêng tư, từ nhà hàng tới Nhà Thờ.  Đâu đâu cũng phảng phất bầu khí Noel.

Nơi nhanh nhạy nhất có lẽ phải kể đến là các Trung Tâm Thương Mại lớn nhỏ.  Bên Mỹ từ ngày Thanksgiving, người ta đã thấy xuất hiện trên các quầy hàng tất cả những sản phẩm phục vụ cho mùa Noel, từ A đến Z, chẳng thiếu sự gì.  Ai ưng truyền thống cứ việc đến với những địa chỉ truyền thống, ai thích fashion cứ việc tìm tới những địa chỉ thời trang.  Ready made có đủ, ngay cả cho những khách khó tính nhất.

Bên Tây thì khỏi nói, ngay từ cuối tháng 11 đã có nhiều nơi dựng cây thông vĩ đại với muôn bóng đèn nhấp nháy mời mọc mua sắm.  Trong suốt tháng 12, mặt tiền phố xá bỗng thay da đổi thịt, tươi tắn rộn ràng, sắc màu bắt mắt, cho dẫu là giữa mùa đông rét mướt.  Tất cả đều phục vụ cho nhu cầu mua sắm.  Chả thế mà người ta vẫn bảo Noel là một mùa thương mại.

Tại Việt Nam cũng vậy. Í t năm gần đây khi bước vào kinh tế hội nhập, Noel dễ nhận ra nhất ở những trung tâm buôn bán.  Những cây thông và cánh thiệp Giáng Sinh được bày la liệt, không chỉ trong nhà sách mà còn len lỏi ra vỉa hè lề đường; những hộp bánh buche de Noel cũng chen chân ra sát tủ kính phô trương hương vị; những ông già Noel đủ cỡ, nhớn có, nhỡ có, nhí có, hiện diện khắp nơi để phục vụ đồ ăn thức uống nhộn nhịp trong các nhà hàng, và nhiều khi còn chạy xe Honda bạt mạng trên đường phố để mời chào níu kéo.  Đến là nô nức!

Những nhà sách Công Giáo xem ra cũng nhanh nhạy không kém.  Chung quanh, người ta đã phân lô dành cho bạn hàng quen thuộc với những đèn sao lấp lánh, và tất cả những phụ kiện đầy đủ cho một Hang Đá, từ nhỏ xíu đặt trên bàn giấy cho đến hoành tráng trang hoàng mặt tiền Nhà Thờ Xứ Đạo.

Buôn có bạn, bán có phường.  Các bạn hàng mặc dù giọng nói Bắc Trung Nam xen kẽ, nhưng tíu tít như đã quen nhau tự bao giờ.  Trăm kẻ bán, vạn người mua.  Hàng chục quầy bán mà vẫn tấp nập, ngày đêm khách tới lui không ngớt.  Đã đành, bán buôn thì phải tính tới chuyện lời lỗ, nhưng khi bán buôn trong mùa Giáng Sinh, không biết có ai hòa mình vào khung cảnh hoặc vào cung cách bán hàng để góp phần kể chuyện Noel?

Một chị bán Hang Đá ở TĐ tâm sự: mỗi năm chị chỉ bán 100 bộ Hang Đá thôi, hết sớm nghỉ sớm, và bao giờ chị cũng giữ lại cho nhà mình một bộ mới, bất kể lớn nhỏ để trải lòng mừng lễ Noel.  Theo cách nghĩ của chị: trước khi kể chuyện Noel cho người khác, Noel phải là chuyện kể cho chính mình.

Tại Trung Tâm Thương Mại Tang Plaza lớn vào bậc nhất của đảo quốc Singapore, từ ngày 24.11.2007 đến ngày 6.1.2008 là cả một bầu khí rộn ràng Noel.  Trên các cửa kính lối ra vào và trong các đại sảnh, đâu đâu người ta cũng gặp được những biểu tượng Noel hoành tráng, tưởng là đời mà lại rất đạo, như câu Phúc Âm Gioan 3, 17 được nêu lên ngay lối vào ngang tầm mắt của bất cứ ai: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.

Những cách kể chuyện Noel nêu trên, dẫu không trực tiếp, cũng là những cách kể nhẹ nhàng.  Đôi khi kể mà như không kể, nhiều khi không kể mà vẫn là kể.  Kể cho khán giả, kể cho thính giả.  Kể cho người, và trước hết kể lại cho chính mình.

Ai cũng có chỗ đứng trong niềm vui kể chuyện Noel.  Đối với người này, hiệu ứng có thể chỉ là một tín hiệu mở đầu cho hành trình tìm tới.  Đối với người khác, hiệu ứng có thể lại là một ký ức tìm về.  Dù là tìm tới hay tìm về, hy vọng sẽ có một ngày tìm gặp.

Noel ánh sáng vui tươi,
Noel câu hát lòng người nôn nao,
Ngước nhìn trời lấp lánh sao,
Chợt nghe hồng phúc rộn bao la mừng.

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

TRUYỀN TIN CHO GIUSE

Tin Mừng Luca nói đến việc truyền tin cho Đức Mẹ.  Tin mừng Matthêu kể câu chuyện truyền tin cho Giuse.

“Bà Maria, mẹ của Đức Giêsu, đã thành hôn với ông Giuse.  Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.  Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.  Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.  Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” … Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” (Mt 1,18 – 21.24).

Sứ thần Chúa đến báo tin cho Giuse biết, thai nhi nơi người vợ chưa cùng ông chung sống là do quyền năng Thánh Thần.  Sứ thần mời gọi ông cứ đón nhận Maria làm vợ, và chấp nhận thai nhi như con mình.  Giuse đã nói tiếng Xin Vâng.  Ông đón lấy những mầu nhiệm mà ông không hiểu hết.

Tin mừng giới thiệu về những đóng góp của Thánh Giuse vào công trình Nhập Thể.  Với sự quảng đại, Thánh Giuse đã bỏ dự định của mình để thi hành chương trình của Thiên Chúa.  Đó là cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Vua Đavit.  Đúng như lời Thiên Chúa đã hứa từ thời Cựu Ước.  Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu, nhận Ngài là con mình theo pháp lý.  Từ nay Giuse bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu.  Isaia loan báo: “Này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14).  Lời ngôn sứ có một tầm quan trọng trong nhiệm cục cứu rỗi.  Lời đó khẳng định “chính Thiên Chúa” sẽ ban cho Đavid một người thuộc dòng dõi, như là “dấu chứng” lòng trung tín của Người.  Lời hứa này đã thực hiện với sự sinh ra Chúa Giêsu bởi Đức Trinh nữ Maria.  Giuse đựơc vinh dự tham gia vào nhiệm cục cứu rỗi đó.

Đức Giêsu Kitô là Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”  Người là Đấng Cứu Độ, Đấng đến giải thoát và ban bình an cho dân Chúa.  Nhưng qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa đã gây một cú sốc quá lớn cho Thánh Giuse.  Khi biết Maria bỗng dưng có thai, Giuse đau khổ, âm thầm mang lấy nỗi đau riêng mình.  Là người công chính nên Giuse luôn lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa.  Vì thế mà ngài trở nên Thánh Cả và là mẫu gương cho mọi tín hữu.

1. Mẫu gương đức tin, công chính và cầu nguyện.

Thánh Giuse, con người đức tin, công chính và cầu nguyện.  Đức tin liên kết với sự công chính và sự cầu nguyện, đó là thái độ xứng hợp để gặp “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Tự thâm sâu, tình yêu của Giuse vẫn trổi vượt.  Giuse không hề quay lại bản thân mình để cảm thấy bị lừa dối xúc phạm, nhưng chỉ hướng về Maria để tiếp tục tin rằng vị hôn thê của mình vẫn thật sự trong sạch vẹn tuyền.  Không hề tra hỏi Maria một lời nào, Giuse chỉ im lặng ôm lấy phiền muộn, một cõi riêng tư.

Vì yêu Maria nên Giuse không muốn làm hại bạn mình.  Ngài đã chọn con đường rút lui trong âm thầm, một giải pháp thua thiệt cho bản thân vì sẽ mang tiếng là “sở khanh.”  Một quyết định can đảm nói lên tình yêu và tấm lòng quảng đại của Ngài.  Giuse đúng thật là người công chính.  Nơi Thánh Giuse, “sự công chính nội tâm” trùng với “tình yêu.”  Tình yêu dâng hiến luôn hướng về người khác, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và đựơc hạnh phúc hơn.  Chấp nhận chịu thiệt thòi để người yêu được thuận lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc.  Sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người mình yêu khi có lầm lỗi.  Giuse đã yêu Maria bằng tình yêu dâng hiến như thế.

Giuse là một người mở lòng đón nghe Lời Chúa trong cầu nguyện.  Thiên thần giải thích cho Giuse biết “người sinh bởi Đức Maria là do Chúa Thánh Thần”, theo lời ngôn sứ phán xưa: “Này đây: Trinh nữ sẽ thụ thai”, và Giuse sẵn sàng tiếp nhận những ý định của Chúa, những ý định vượt quá những giới hạn của loài người.

Giuse như là một con người đích thực sống đức tin.  Đức tin liên kết với sự công chính và cầu nguyện, đó là thái độ phù hợp để gặp Đấng Emmanuel.  Tin có nghĩa là sống trong lịch sử mở lòng đón nhận sáng kiến của Thiên Chúa, đón nhận sức mạnh sáng tạo của lời Người.

2. Mẫu gương luôn vâng theo thánh ý Chúa.

Thánh Giuse là người công chính như Kinh Thánh đã khen tặng.  Trong suốt cuộc đời Giuse hằng luôn vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa (x. Mt 1,18-25; 2,13-23; Lc 2,1-7.22).

Thánh ý Chúa, được sứ thần truyền đạt đến cho thánh Giuse, vừa xoá tan mọi nghi ngờ đang dằn vặt ngài vừa mạc khải cho ngài về lai lịch và sứ mạng của thai nhi đang được cưu mang.  Đó là Đấng Thánh vì được thụ thai do quyền năng của Thiên Chúa.  Đó cũng là Đấng sẽ giải phóng dân tộc của ngài khỏi ách đô hộ của ngoại bang. S ứ thần xác nhận Maria mang thai do Chúa Thánh Thần và bảo ông đừng rút lui mà hãy đưa Maria về với mình, bởi Chúa đã giao cho ông một sứ mạng.  Giuse sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người.  Dự tính muốn ra đi âm thầm không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự Maria thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa.  Có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lại vì kính sợ, tựa như ông Môsê đã cởi dép khi tiến gần bụi gai đang cháy rực (St 3,5), tựa như Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh (Is 6,5), tựa như ông Simon sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng (Lc 5,8).  Giuse được biết là Maria “có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình.  Vì thế ông toan tính rút lui.  Để củng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, cha Ignace de La Potterie nhận xét rằng, cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền.  Thay vì “ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà”, cần phải dịch là “ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ {mầu nhiệm}, quyết định rời bỏ bà cách kín đáo.  Động từ deigmatisai (ít được sử dụng trong tiếng Hy lạp) tự nó chỉ có nghĩa là thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng), và tuỳ theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là “tố cáo, tố giác” (điều xấu), “bày tỏ, tiết lộ” (điều tốt).  Ông Giuse đựơc bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này. (x. Lm Phan tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội thánh).

Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai, và Ngài đã cùng bạn mình là Đức Maria, thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Người Công Chính Giuse suốt cuộc đời luôn luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ.

Ở Bêlem: “Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi!”  Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập.” (Mt 2, 13 – 14).

Ở Aicập: “Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.”  Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2, 19 – 21).

Ở Giuđê: “Vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông Giuse sợ, không dám về đó.  Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét” (Mt 2, 22 – 23).

Giuse luôn thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa, và khi nghe được rồi thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.

Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe được những bước chân của các con kiến.  Chúng ta được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời.

Hãy “học trường” Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa, trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

HÀNH TRÌNH MÙA VỌNG CỦA ĐỨC MARIA

Cùng đi với Đức Maria đến nhà bà Êlisabét. Việc cử hành mừng Lễ Giáng sinh của chúng ta sẽ thế nào nếu Đức Trinh nữ Maria chỉ là một “người đóng vai phụ” trong vở kịch?  Khi chúng ta nghĩ về Đức Maria, gần như ngay tức khắc chúng ta nghĩ đến hai câu chuyện: Truyền Tin và Thăm Viếng.  Ai có thể quên được bài tường thuật về việc sứ thần đến viếng thăm và hứa hẹn một trẻ thơ sẽ kế thừa ngai vàng của Vua Đavít?  Ai có thể quên được câu trả lời tuyệt vời của Đức Maria: “Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38)?  Và ai có thể quên được lời kinh Magnificat, lời cầu nguyện ngợi ca bay vút cao của Đức Maria khi Mẹ đến thăm người chị họ Êlisabét của mình (x. Lc 1, 46-55)?

Nhưng ở giữa hai cuộc gặp gỡ này, một điều gì khác đã xảy ra: hành trình Mùa Vọng đầu tiên.  Thánh Kinh nói với chúng ta rằng sau khi sứ thần rời bỏ Maria, Maria “vội vã lên đường đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa.  Bà vào nhà ông Giacaria và chào hỏi bà Êlisabét” (Lc 1,39-40).  Cuộc hành trình này, khoảng cách chừng một trăm dặm, có lẽ Maria phải mất khoảng một tuần để đi.  Điều đó đã cho Maria có thời gian để cầu nguyện và suy gẫm, và giờ đây Mẹ mời gọi chúng ta đi cùng với Mẹ.  Vì thế chúng ta hãy tưởng tượng chính chúng ta đang cùng đi với Mẹ Maria và nghĩ về những gì có thể đã diễn ra trong tâm trí của Mẹ.

Suy Gẫm về Những Lời Hứa của Chúa.  Tất nhiên, chúng ta không biết chính xác những gì Đức Maria đã nghĩ, nhưng chúng ta biết rằng Mẹ là một con người cầu nguyện (x. Lc 2,19.51).  Chắc hẳn, Mẹ đã dành ít là một chút thời gian để suy gẫm về mọi điều Mẹ vừa trải nghiệm.  Chắc chắn Mẹ đã bắt đầu cố gắng hiểu ý nghĩa của tất cả.

Có lẽ Maria nhớ lại những lời của sứ thần và đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã hứa sẽ ban cho con một đứa con, một đứa con trai, ngay cả trước khi Giuse và con đến với nhau trong hôn nhân.  Rồi con đã thưa xin vâng với Chúa, cho dẫu điều đó có nghĩa là con phải mất Giuse, và con vẫn tiếp tục thưa vâng với Chúa, bất kể hậu quả thế nào.  Lạy Chúa, xin hãy giúp con hiểu trọn vẹn hơn lời kêu gọi này mà con vừa mới đón nhận.”

Kinh Ngợi Khen (Magnificat).  Ngay khi đến nơi, Mẹ đã cất tiếng chào bà Êlisabét, Mẹ đã dâng lời Kinh cầu nguyện của chính mình, lời Kinh Ngợi Khen Magnificat (x. Lc 1,46-55).  Lời cầu nguyện ngợi khen này hẳn đã tràn ngập trong tất cả những suy nghĩ của Mẹ trên hành trình Mẹ đi, một sự suy gẫm về tất cả những gì Thiên Chúa đã giúp Mẹ hiểu về hành trình của Mẹ.

Mẹ Maria bắt đầu cất tiếng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).  Thật ngạc nhiên khi Mẹ Maria quá vui mừng và tin tưởng.  Cuộc sống của Mẹ vừa mới bị đảo lộn.  Với cái tin về sự có thai ngoài dự kiến, hôn nhân của Mẹ với Giuse bị đe đọa và thậm chí Mẹ phải đối diện với khả năng bị ném đá cho đến chết.  Tuy nhiên, niềm vui dường như bao phủ Mẹ.

Tại sao Mẹ lại quá vui mừng?  Trong số nhiều khả năng, có hai khả năng nổi bật:

Trước hết, Maria có thể thấy rằng Thiên Chúa đang thực hiện những lời hứa của Người với dân Israel. Khi bà Êlisabét chào đón Mẹ là “Thân Mẫu Chúa tôi”, lòng tin hẳn đã phải tăng lên trong Mẹ (x. Lc 1,43).  Những lời của sứ thần là đúng thật – ơn cứu độ của Thiên Chúa đã gần kề!  Có lẽ Mẹ Maria đang nhớ lại một trong những thánh vịnh: “Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Israel” (Tv 98,3).  Như thế, Mẹ Maria đã vui mừng về sự trung tín của Chúa: “Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cùng cha ông chúng ta vì Người nhớ lại lòng thương xót” (Lc 1,54-55).  Mẹ Maria đã ý thức rằng chính con trai của Mẹ, Đấng thực sự là “Đức Chúa”, sẽ thực hiện lời hứa xưa kia của Thiên Chúa để giải thoát dân Israel (Lc 1,43).

Thứ hai, Mẹ Maria vui mừng trước cách làm việc bất ngờ của Thiên Chúa.  Vương quốc của Người đang đến qua những người yếu thế, chứ không phải qua những kẻ uy quyền.  Mẹ đã chứng kiến ​​những “kẻ thống trị” Rôma ngạo mạn đang lạm dụng dân Chúa (x. Lc 1,52).  Mẹ đã thấy cách những người lính của họ đã dùng sự đe dọa và bạo lực để giữ hòa bình ở Israel.  Mẹ biết về chứng hoang tưởng và giết người của Vua Hêrôđê.  Tuy nhiên, Thiên Chúa đã chọn Mẹ, một người phụ nữ nghèo ở Galilê, để hạ bệ “kẻ ngạo mạn” và nâng cao “kẻ khiêm nhường” lên nơi danh dự (Lc 1,51.52).  Maria biết rằng bằng cách nào đó, Thiên Chúa sẽ dùng con của Mẹ để làm cho điều này xảy ra.

Như ngôn sứ Isaia và nhiều ngôn sứ trước mình, Maria nhận thấy rằng Thiên Chúa có một tình yêu đặc biệt dành cho những người khiêm tốn: “Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát” (Is 57,15).  Mẹ biết rằng Thiên Chúa cho những người khiêm tốn và đói khát ở cận kề trái tim Người.  Vì thế, điều đó hẳn phải làm cho Mẹ vui mừng biết bao khi nhận ra rằng Thiên Chúa đã chiếu cố đến “sự thấp hèn” của Mẹ, và rằng người con của Mẹ sẽ thực hiện những lời Thiên Chúa đã hứa để đem lại sự an ủi cho những người cùng khổ túng thiếu (x. Lc 1,48).

Bài ca của Đức Maria là một lời cầu nguyện diễn tả sự kinh ngạc và lòng kính sợ trước sự kiện là Thiên Chúa đang làm cho ơn cứu độ của Người trở nên sẵn sàng cho mọi người, người giàu cũng như người nghèo, người quyền thế cũng như người yếu đuối.  Thiên Chúa không phân biệt đối xử với bất cứ ai.  Thiên Chúa không thiên vị người giàu hoặc coi khinh những người nghèo khổ, như một số người nghĩ như thế.  Không phải vậy, thực ra Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta như nhau.  Thiên Chúa muốn giúp cho những kẻ kiêu ngạo học biết lãnh nhận ân sủng mà họ không thể tự kiếm được bằng sức riêng của họ, và Người muốn tỏ cho những người khiêm nhường biết rằng Người yêu thương họ, và ước ao chữa lành cho họ cách sâu sắc thế nào.

Những Lời Hứa Bền Vững.  Tất cả những suy nghĩ này hẳn phải ở hàng đầu trong tâm trí của Mẹ Maria suốt chín tháng sau đó khi Mẹ và Giuse đi tới Bêlem.  Khi các ngài đến thành phố ấy, Maria và Giuse chỉ là một đôi vợ chồng nghèo đến từ Galilê, không thể gặp được hầu như bất cứ ai trong phần lớn những người ở đó.  Thậm chí còn tồi tệ hơn khi chẳng có ai đón tiếp các ngài; không ai biểu lộ bất cứ sự quan tâm hay lòng trắc ẩn nào đối với các ngài.  Hơn bao giờ hết, các ngài đã ở giữa những con người nghèo khó và hèn mọn.

Khi đến thời gian chào đời của Chúa Giêsu, tất cả những gì mà Mẹ Maria và dưỡng phụ Giuse có là một cái máng ăn, một số quần áo quấn tã, và một số người chăn chiên cừu.  Chắc chắn Mẹ Maria hiểu điều đó thích hợp thế nào với Đấng sẽ nâng cao những người khiêm nhường, Người sẽ đến với chúng ta trong cách khiêm tốn nhất.  Chắc chắn điều này này mang lại cho Mẹ niềm an ủi cho dẫu những khó khăn xung quanh đang bao phủ Mẹ.  Chắc chắn Mẹ có thể nhìn thấy sự trung tín của Thiên Chúa trong khuôn mặt của Chúa Giêsu.

Có lẽ Mẹ Maria đã nhớ lại những lời này vào những năm sau khi con trai của Mẹ bắt đầu rao giảng: “Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”, “sự giải thoát cho những kẻ bị giam cầm”, “sự tự do cho những người bị áp bức” (Lc 4,18).  Hãy tưởng tượng điều đó chắn hẳn phải làm cho Mẹ cảm thấy thế nào khi Mẹ nhìn thấy Chúa đang chữa lành, đang giải thoát và đang tha thứ cho tất cả mọi loại người.

Cuối cùng, hãy tưởng tượng Mẹ Maria, ba năm sau đó, Mẹ chứng kiến con trai mình bị đóng đinh.  Tất nhiên, với tư cách là mẹ của Chúa Giêsu, lòng Mẹ tràn ngập nỗi đau đớn khủng khiếp.  Tuy nhiên vốn là một người phụ nữ có đời sống cầu nguyện sâu sắc, Mẹ thấy Chúa Giêsu đón nhận cái chết cách khiêm nhường biết chừng nào.  Mẹ đã nghe thấy Chúa Giêsu kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ”, một lời cầu nguyện có lẽ Mẹ đã dạy Người (Lc 23,34).  Mẹ nhìn thấy con trai Mẹ đang hy hiến chính mình cho mọi người.  Người đang nâng cao những kẻ khiêm nhường, từng con người bị khuất phục bởi tội lỗi.  Bị treo cao trên thập giá, Chúa Giêsu bẻ tan chế độ tội lỗi đã trói buộc mọi và mỗi người trong chúng ta.  Ở đó (trên thập giá), bằng những lời tha thứ của mình, Chúa Giêsu đang nâng mọi người lên và tháo gỡ gánh nặng tội lỗi cho chúng ta.  Nơi đó, Chúa Giêsu đã hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa để cứu độ dân Người.

Câu Chuyện của Mẹ Maria là Câu Chuyện của Chúng Ta.  Bài ca (bài hát) của Mẹ Maria là bài ca của chúng ta.  Đó là bài ca của Giáo Hội.  Đó là bài hát của bất cứ ai đã trải nghiệm lòng quảng đại và ân sủng chan chứa của Thiên Chúa.  Cho dẫu Mẹ Maria đã được tự do khỏi tội nguyên tổ, Mẹ vẫn hát bài hát của mọi người, những con người đang phải đối diện với tội lỗi của mình và đã tìm thấy một Thiên Chúa của lòng thương xót và tha thứ, một Thiên Chúa đón tiếp chúng ta và thanh tẩy lương tâm của chúng ta.  Đó là bài hát của tất cả mọi người, những người bắt đầu nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ một cách cá nhân (riêng biệt), cá vị và vô điều kiện. “Thiên Chúa đã chọn tôi.  Bất kể tội lỗi và đức tin yếu kém của tôi, Người vẫn yêu thương tôi và quý trọng tôi.  Vâng, thần trí tôi vui mừng hớn hở trong Chúa, Đấng cứu độ tôi!”

Không chỉ bài hát của Mẹ Maria là bài hát của chúng ta, mà câu chuyện của Mẹ cũng là câu chuyện của chúng ta.  Mẹ đã sống hầu hết cuộc đời mình trong một thị trấn nhỏ bé.  Những ngày của Mẹ cũng bận rộn với những công việc giặt giũ, bếp núc và việc chăm sóc cho gia đình.  Cũng vậy, hầu hết chúng ta sống cuộc sống “ẩn dật” và bình lặng.  Nhưng chúng ta cố gắng sống tốt những ngày tháng cuộc đời mình bằng cách chu toàn trách nhiệm của chúng ta và cố gắng sống bình an với những người xung quanh chúng ta.

Tuy nhiên khi Mẹ Maria sống ẩn thân như Mẹ có thể, Mẹ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa.  Mỗi lần Mẹ hành động trong tình yêu, mỗi lần Mẹ làm chứng bằng ​​sự kiên nhẫn hay thương xót, mỗi lần Mẹ cầu nguyện, những lời nói và hành động của Mẹ đã dạy dỗ con trai mình (Chúa Giêsu) và giúp Người hiểu thấu được ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho Người.  Cũng thế, mỗi lần chúng ta cầu nguyện với gia đình chúng ta, mỗi lần chúng ta chọn sự thương xót thay vì bực bội oán giận, mỗi lần chúng ta cho thay vì nhận – tất cả những hành động này đều ảnh hưởng đến những người xung quanh chúng ta.  Những hành động này giúp mang sự hiện diện của Chúa Giêsu vào trong nhà (gia đình) và những nơi chúng ta làm việc.  Mỗi lần chúng ta làm cho Chúa lớn lên, đặc biệt là khi chúng ta khiêm tốn chia sẻ đức tin của chúng ta, thì chúng ta đang thay đổi thế giới này nhiều hơn một chút.

Hãy Thực Hiện Hành Trình (Mùa Vọng Này) với Mẹ Maria.  Qua bài hát về niềm vui và lòng biết ơn của mình, Mẹ Maria chỉ cho mỗi người chúng ta thấy chúng ta có thể mang Chúa Kitô vào thế giới, bất kể chúng ta có thấp kém thế nào.  Vì thế hãy tưởng tượng chính bạn đang cùng đi với Mẹ Maria trong Mùa Vọng này.  Bạn hãy chia sẻ với Mẹ những lý do vui mừng hớn hở của bạn.  Những điều ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn là gì, những điều khiến bạn phải làm cho Chúa lớn lên?  Bạn cũng hãy nói với Mẹ về “sự hèn kém” trong cuộc sống của bạn ngay bây giờ có thể phản ánh sự khiêm tốn của Mẹ.  Cuối cùng, bạn hãy xem mình có thể noi gương sự khiêm nhường của Mẹ Maria thêm một chút trong những mối tương quan gia đình hoặc tại nơi làm việc hoặc trong giáo xứ của bạn không.

Hãy tiến lên và chia sẻ điều này với Mẹ Maria.  Rồi bạn hãy lắng nghe những gì Mẹ đã nói với bạn.  Hãy để cho những lời của Mẹ trong Thánh Kinh, gương mẫu về cuộc sống của Mẹ và lời xin vâng của Mẹ với Chúa dạy bạn biết vui mừng hớn hở trong Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn như thế nào.

Theo The Word Among Us [wau.org] – Advent 2019 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

TẬP SỐNG NHƯ GIOAN

Toàn thể dân Israel đang trông chờ Đấng Mêsia xuất hiện để giải thoát họ khỏi cảnh lầm than.  Do đó, dân chúng ghi khắc lời trong Sách Thánh: “Này đây, Ta sai tiên tri Elia đến cùng các ngươi trước ngày trọng đại và kinh khủng của Ta” (Ml 3, 23).  Dựa vào lời này, nhiều người dân Israel nghĩ rằng tiên tri Elia vĩ đại thời xưa sẽ xuất hiện một lần nữa để dọn đường cho Đấng Thiên Sai (Mt 17, 10).

Để giúp cho dân chúng hiểu đúng lời của tiên tri Malakhi, Chúa Giêsu chỉ cho họ biết tiên tri Elia trong lời loan báo đó chính là Gioan Tẩy Giả.  Ông là vị tiên tri cuối cùng chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến trần gian (Mt 11, 13).  Khi khẳng định Gioan chính là Elia, thì một cách gián tiếp, Chúa Giêsu cũng tự nhận mình là Đấng Cứu Thế, vì Gioan Tẩy Giả làm chứng về Ngài.  Thế nhưng, nhiều người Do Thái vẫn không đón nhận Chúa Giêsu, họ chờ đợi một Đấng Mêsia khác.

Tin Mừng hôm nay góp một nét vẽ khắc họa nên chân dung Gioan Tẩy Giả: Chúa Giêsu xác nhận ông là người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ; ông là hiện thân của ngôn sứ Êlia với sứ mạng kêu gọi người ta sám hối để chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế.

Cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc ban Abina, tức là một tư tế phục dịch trong Ðền Thờ; và Elizabeth, mẹ của ngài, thuộc dòng dõi Aaron.  Cả hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở tuân giữ mọi giới răn và lề luật của Ngài.  Nhưng cả hai người không có con và tuổi đã già cả.  Zacharia đến phiên mình vào dâng hương trong Ðền Thờ khi trúng thăm.

Khi vào Ðền Thờ dâng hương, ông thấy thiên thần Gabriel hiện ra bên phải hương án và cho ông biết: Bạn ông sẽ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Gioan Tẩy Giả, và con trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, ngài sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa.  Và thiên thần Gabriel còn cho biết thêm: Con trẻ là người đi trước dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.

Chúa Giêsu nói kẻ bé mọn nhất trong nước trời còn cao trọng hơn Gioan.  Nghĩa là, một đàng, sứ mệnh của Gioan đã kết thúc vì có Đấng đã đến phục hưng nước Thiên Chúa.  Nhưng đàng khác, nước trời còn chịu nhiều bạo lực, nước trời này chưa đến thời toàn hảo, Đức Kitô chưa được hoàn toàn biểu lộ.  “Từ thời Gioan tới chúng ta ngày nay, nước trời phải chịu đau khổ vì bạo hành.”  Chính vì thế, Gioan Tẩy Giả đã sát nhập với tất cả những ai khẩn cấp kêu gọi đổi mới tâm can trong thế giới đang chịu đau khổ vì bạo lực như: chiến tranh do chủng tộc, chiến tranh do chủ thuyết, chiến tranh do nội chiến, chiến tranh do phân hóa quốc tế.

Chúa Giêsu cũng đã từng ca tụng Gioan với dân chúng đi theo và nghe Ngài giảng dạy.  Bằng lối văn đặt câu hỏi dồn dập, Ngài nhấn mạnh đến một số đức tính của Gioan.  Ta thấy thái độ cứng rắn không chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì?  Cây sậy rung trước gió ư?”  Gioan không phải là cây sậy.  Gioan đã dám đương đầu với sự xấu.  Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình là Philip.

Thứ đến là việc từ bỏ mọi sự để sống nghèo khó.  Gioan không ăn mặc mịn màng và sống xa hoa.  Gioan chỉ vận tấm da thú, ăn những thức ăn đơn sơ tìm được nơi rừng hoang, như châu chấu, mật ong.  Sau cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mệnh của Gioan: “Các người đi xem một tiên tri ư?  Ta bảo các người: và còn hơn một tiên tri nữa.”  Về ông đã có viết: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi.”

Ngày nay, nhiều người trên thế giới vẫn chưa biết rằng Đấng Cứu Thế đã đến trần gian.  Một số người khắc khoải chờ đợi, một số khác cậy dựa vào tiền bạc, danh vọng, quyền lực như “vị cứu tinh” của mình.  Đức ái Kitô giáo thôi thúc chúng ta tiếp tục sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là dọn đường cho Chúa Giêsu đến với tâm hồn của nhiều người chưa biết Chúa.

Từ Gioan Tẩy Giả trở về sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can đảm mới chiếm được.  Trước Chúa Kitô chưa ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất cả mọi sự lên cùng Ngài.  Ai muốn nhận được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải vác thập giá mình mà theo Chúa mới vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy.

Gioan Tẩy Giả muốn cho dân chúng thấy Đấng đến sau ông còn cao trọng hơn ông vì Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha đến nỗi chấp nhận thân thận người phàm.  Lối sống của Chúa là lối sống đơn sơ, khó nghèo: Sinh ra trong hang bò lừa, sống lang thang rày đây mai đó, chết trần trụi trên cây thập giá… để cho thấy trần gian này không khống chế được Ngài.  Sứ mạng của Ngài là loan báo Nước Thiên Chúa mà chính Ngài đã thành lập.

Nói đến Gioan Tẩy Giả, thường chúng ta nghĩ về ông như là con người được Thiên Chúa sử dụng cách ưu việt để làm công việc của Chúa.  Ông củng cố, kiến tạo lòng dân xứng đáng đón nhận Đấng Cứu Thế, nên ông cũng được gọi là Gioan Tiền Hô.  Tuy công trạng của ông rất hiển nhiên, mọi người công nhận và kính phục, nhưng chưa bao giờ Gioan nghĩ về cách gây ảnh hưởng cho mình nơi dân Chúa.  Ngược lại, ông luôn hướng dân Chúa đến Đấng cao cả xuất hiện sau ông, mà ông không xứng cởi quai dép cho Người.  Ông còn dạy người ta phải khiêm tốn, hạ mình và vâng phục để Chúa lớn lên: “Chúa phải lớn lên, còn con phải nhỏ lại.”  Như thế, Gioan gián tiếp nói với dân Chúa rằng, họ cần nghiêm túc thực hiện bài học luân lý về sự khiêm nhường, vâng phục để nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa đang đến.

Để làm chứng về Đấng Cứu Thế, chúng ta không chỉ dùng lời nói mà còn dùng cả cuộc sống tràn đầy niềm vui.  Đó là niềm vui của sự gặp gỡ và đón nhận Chúa Giêsu, cách đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể.  Niềm vui ấy cần được tỏa lan qua một đời sống sẻ chia với người nghèo khó, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, yêu thương hiệp nhất trong gia đình và trong cộng đoàn giáo xứ.  Chính khi sống tinh thần hiệp nhất và hiệp thông của cộng đoàn Thánh Thể, chúng ta đang dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến với tâm hồn của mình và của nhiều người chưa biết Chúa.

Sưu tầm

VỞ KỊCH CÒN DANG DỞ

Nathaniel Hawthorne là một văn sĩ người Mỹ, vào năm 1864 ông mất đi mà trên bàn viết vẫn còn bản phác thảo của một vở kịch mà không may ông chưa hoàn tất được.  Vở kịch này tập trung vào một nhân vật chưa hề xuất hiện trên sân khấu.  Mọi người đều nói, đều mơ, đều chờ đợi nhân vật này đến nhưng vị ấy chẳng hề đến.  Tất cả các nhân vật phụ đều đồng loạt mô tả nhân vật chính ấy.  Họ kể cho mọi người nhân vật chính ấy sẽ như thế nào, sẽ làm những gì.  Tuy nhiên nhân vật chính ấy đã chẳng xuất hiện.

Bạn thân mến!  Toàn bộ Cựu ước cũng giống như vở kịch của Nathaniel Hawthorne bởi vì Cựu ước chấm dứt mà không có đoạn kết.

Trên dòng sông Giôđan có một khúc cạn nước, cách Biển Chết không xa.  Như người ta còn ghi nhớ, đây là chỗ băng qua sông thuận tiện cho các đoàn tuần hành có xe ngựa kéo, các thương buôn và các du khách từ khắp nơi trên thế giới.  Ðây cũng là chỗ đại chúng thường gặp gỡ nhau để trao đổi đủ thứ tin tức từ khắp mọi nơi.  Chính tại chỗ này, Gioan Tẩy Giả đã rao giảng và rửa tội cho dân chúng.  Ông cũng bận áo da thú giống như các tiên tri thuở xưa.  Và đám dân bắt đầu thắc mắc: “Ông này là ai vậy?  Ông ta có phải là Ðấng Messiah được Chúa hứa không?  Hay ông là vị sứ giả dọn đường cho Ðấng Messiah?”

Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu sẽ trả lời cho những câu hỏi này.

Ngài nói với dân chúng: “Gioan là kẻ mà Thánh Kinh đã nói: Ta sẽ sai sứ giả Ta đi trước con để mở đường cho con.”  Chúa Giêsu cũng trả lời câu hỏi khác mà đám môn đệ của Gioan Tẩy Giả đặt ra cho Ngài: “Có phải Ngài là Ðấng mà Gioan bảo sẽ phải đến, hay chúng tôi còn phải mong chờ Ðấng khác?”  Ðể trả lời câu hỏi này, Chúa Giêsu liền trưng ra những lời của tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay.  Khi nói về Ðấng Messiah, Isaia bảo rằng những dấu hiệu sau đây sẽ là bằng cứ xác nhận lai lịch vị ấy: “Người mù sẽ thấy được và người điếc sẽ nghe được.  Kẻ què sẽ nhảy múa và người câm sẽ reo vui.”

Chủ ý của Chúa Giêsu thực là rõ ràng.  Ngài trình bày ra những phép lạ Ngài đã làm: cho người mù thấy, kẻ điếc nghe, người què bước, kẻ câm nói được.  Ðây là những dấu hiệu mà các lời tiên tri báo trước rằng sẽ phải ứng nghiệm khi Ðấng Messiah đến.

Như vậy, bài Phúc Âm hôm nay muốn nói gì cho anh chị em cũng như cho tôi?  Xin thưa đó là một sứ điệp: Chúa Giêsu là Ðấng Messiah đã được các vị ngôn sứ tiên báo và Ngài đã thiết lập vương quốc Thiên Chúa trên trần gian đúng như các tiên tri báo trước.  Tuy nhiên Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta nhiệm vụ hoàn tất vương quốc ấy.  Ngài giao phó cho chúng ta việc xây dựng nước Chúa trên trần gian này. Vào lúc thế mạt, Chúa Giêsu sẽ trở lại để phán xét chúng ta về công việc này.

Người Roma xưa có thờ một vị thần tên là Janus.  Từ đó chúng ta có danh từ January (tháng giêng).  Vị thần này được các họa sĩ mô tả bằng hình đầu người có hai mặt: một mặt nhìn về đằng sau, mặt kia nhìn về đằng trước.  Mùa vọng cũng tương tự như thế.  Nó nhìn về hai phía: một đàng nhìn lại lần giáng sinh đầu tiên của Chúa Giêsu trong lịch sử, đằng khác là hướng đến cuộc tái giáng lâm của Ngài vào cuối lịch sử.

Anh chị em cũng như tôi đang đứng ở giữa hai biến cố lịch sử trọng đại này.  Phận vụ chúng ta không phải là cứ lè phè ngồi chơi trên đỉnh đồi ngoái cổ về đằng sau và ngóng trông về đằng trước, mà phải xăn tay áo lên dấn thân vào công việc Chúa Giêsu đã trao phó cho chúng ta khi Ngài đến lần đầu tiên trong lịch sử.

Nói một cách cụ thể, điều này có ý nghĩa gì?  Nghĩa là chúng ta phải xây dựng nước Chúa trên trần gian, phải đem yêu thương lắp đầy ganh ghét, đem thứ tha che phủ hận thù, đem chân lý thay cho giả trá, đem sự cảm thông Kitô giáo thay cho sự vô cảm lạnh lùng.  Tóm lại, chúng ta phải xây dựng một kiểu thế giới mà chính Chúa Giêsu sẽ dựng xây nếu Ngài ở vào vị trí chúng ta.

Ðó chính là sứ điệp trong các bài đọc hôm nay.  Sứ điệp ấy minh chứng Chúa Giêsu là Ðấng Messiah, Ngài sẽ trở lại vào chung cuộc lịch sử và sẽ phán xét chúng ta về việc chúng ta đã xây dựng nước Chúa trên trần gian này như thế nào.

Vậy chúng ta hãy kết thúc bài chia sẻ này với lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, là Ðấng Mêssiah cũng là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa đã đến trần gian đầy ganh ghét này để giúp chúng con xây dựng nó thành thế giới của tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Chúa đã đến với chúng con để giúp chúng con cũng biết đến kẻ khác.  Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Chúa hiểu chúng con, ngay cả khi chúng con không hiểu được chính mình.  Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Chúa luôn luôn ở với chúng con cho dù chúng con không luôn luôn sống với Chúa.  Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Thiên Chúa là Cha chúng con, bởi vì chính Chúa đã đối xử với chúng con như anh chị em của Chúa.  Amen.

Lm Mark Link, S.J.

LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE

Một Thánh Lễ để vinh danh Đức Mẹ Guadalupe đã có từ thế kỷ thứ 16.  Niên sử của thời đại đó kể cho chúng ta biết câu chuyện sau đây:

Một người thổ dân nghèo hèn tên Cuatitlatoatzin được rửa tội và lấy tên là Juan Diego.  Ông 57 tuổi, goá vợ và sống trong một làng nhỏ gần Mexico City.  Vào buổi sáng thứ Bảy, ngày 9 tháng 12 năm 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Đức Mẹ.

Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót.  Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec.  Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Đức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu Đức Giám Mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.

Dĩ nhiên vị Giám Mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ.  Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng.  Điều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ.  Tuy nhiên, Đức Trinh Nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị Giám Mục.  Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp.  Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị Giám Mục.

Trước sự hiện diện của Đức Giám Mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị Giám Mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy.  Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Đức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac.  Đó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.

Lời Bàn

Việc Đức Maria hiện ra với Juan Diego dưới hình thức một người đồng hương của ông nhắc nhở cho chúng ta thấy, Đức Maria và Thiên Chúa, là Đấng đã sai ngài đến, chấp nhận mọi dân tộc.  Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, khi người Tây Ban Nha đối xử tệ hại và dã man với người thổ dân, việc hiện ra là lời khiển trách người Tây Ban Nha cũng như một biến cố trọng đại đối với người thổ dân Mỹ Châu.  Trước khi có biến cố này, việc trở lại Kitô Giáo chỉ thưa thớt, nhưng sau đó họ trở lại cả đoàn.  Theo một sử gia đương thời, có đến chín triệu người thổ dân trở lại đạo Công Giáo trong một thời gian rất ngắn.  Ngày nay, chúng ta thường nghe là Thiên Chúa ưu đãi người nghèo, và Đức Mẹ Guadalupe minh chứng rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho người nghèo, và chính Mẹ đồng hóa với người nghèo là một chân lý đã có tự ngàn xưa, được phát xuất từ Phúc Âm.

Lời Trích

Đức Maria nói với Juan Diego: “Hỡi con rất yêu dấu của Mẹ, ta là Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Thiên Chúa thật, Người là Tác Giả của Sự Sống, là Tạo Hóa của muôn loài và là Chúa của Thiên Đàng cũng như Trái Đất… và điều ta mong muốn là một nhà thờ sẽ được xây cất ở đây cho ta, là nơi ta sẽ chứng tỏ lòng khoan dung và nhân hậu của ta đối với người thổ dân, và tất cả những ai yêu mến và tìm đến ta, như một người Mẹ đầy lòng thương xót của con và của mọi người dân của con…” (trích từ niên sử cổ).

Lời Nguyện: Kinh dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lạy Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con toàn thể giáo hữu Việt Nam hết lòng tin cậy chạy đến cùng Mẹ.

Mẹ là Mẹ THIÊN CHÚA, là Mẹ chúng con, Mẹ là Nữ Vương Toàn Năng, là Đấng bầu cử cho chúng con trước tòa Chúa.  Biết bao nhiêu lần, Mẹ đã cứu vãn Giáo Hội, và các dân tộc trong cơn nguy biến.

Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo Hội và tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.  Để thực hành mệnh lệnh của Mẹ, và để nhờ Mẹ che chở phù trì, ngày nay và mãi mãi.

Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam.  Xin Mẹ soi sáng hàng Giáo Phẩm, dìu dắt và thánh hóa các Linh Mục.  Xin Mẹ giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ.  Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh chị em của chúng con, đang phải khốn khó vì Đạo Chúa.

Xin Mẹ chúc lành cho tổ quốc Việt Nam.  Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc, xin Mẹ đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần tất cả các cơ cấu quốc gia, xin Mẹ cho toàn thể dân Việt biết đoàn kết, để cùng nhau xây dựng lại giang sơn.

Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn Cộng Sản vô thần, để mọi người được sống trong tự do, hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ, và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.

Lạy Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành khẩn kêu đến Mẹ, vì chúng con biết Mẹ sẽ nhậm lời chúng con.  Và mặc dầu mọi nỗi khó khăn hiện tại, chúng con tin chắc Trái Tim Mẹ sẽ thắng.  Amen!

MẸ VÔ NHIỄM

Vô nhiễm là gì?

Một số học thuyết của Giáo hội Công giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.  Nhiều người, kể cả nhiều người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh nữ Maria.  Sự kiện đó được mừng kính trong lễ Truyền tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng sinh 9 tháng).

Vô nhiễm nói đến tình trạng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh Anna.  Chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, 9 tháng sau ngày 8-12 (lễ Mẹ Vô nhiễm).

Linh mục John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong cuốn Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các giáo phụ Hy Lạp hoặc Latinh dạy rõ ràng về Vô nhiễm Nguyên tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên.”  Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô Nhiễm Nguyên tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX mới tuyên bố đó là tín điều.

Đức Giáo Hoàng Piô IX viết trong Hiến chế Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả ngộ): “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng.”

Linh mục Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên tội là một tặng phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà không một thụ tạo nào có được.”

Khái niệm sai lầm về Vô nhiễm Nguyên tội

Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên tội không bị truyền qua Đức Kitô.  Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô nhiễm Nguyên tội.  Hơn nữa, ơn Vô nhiễm Nguyên tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại, và trong sự tiên liệu của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.

Nói cách khác, Vô nhiễm Nguyên tội không là điều kiện tiên quyết trong công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn Cứu Độ.  Đó là cách giải thích cụ thể về Tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý Chúa.

Lịch sử

Lễ Vô nhiễm Nguyên tội có dạng cổ xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ.  Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng thánh Anna.

Tuy nhiên, lễ Sinh nhật Đức Mẹ không được hiểu như lễ Vô nhiễm Nguyên tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay, dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng.  Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học.  Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội, nhưng có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.

Đối với giáo lý về Nguyên tội, một số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ không được cứu thoát khỏi Nguyên tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho việc thụ thai thành “vô nhiễm”).  Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả thánh Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội – ít nhất là Nguyên tội.

Để trả lời cách phản đối của thánh Thomas Aquinas, như chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô.  Nói cách khác, Đức Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

Phát triển lễ ở Tây phương

Sau khi chân phước John Duns Scotus phản đối về Vô nhiễm Nguyên tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này vẫn thường cử hành vào lễ Thụ thai của Thánh Anna (tức là Sinh nhật Đức Mẹ).  Tuy nhiên, ngày 28-1-1476, Đức Giáo Hoàng Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương, và năm 1483 ngài ra vạ tuyệt thông cho những người chống lại tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.  Khoảng giữa thế kỷ XVII, mọi sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo.

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ Catholicism.about.com

MÙA LOAN BÁO

Mùa Vọng là mùa của những lời loan báo.  Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô.  Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc Sách Thánh ngày Chúa Nhật.

Bài đọc 1, trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem, một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và Ngài sẽ được gọi là Emmanuel.

Bài Phúc Âm: Chúa nhật I Mùa Vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức; Chúa nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời gọi: Dọn đường cho Chúa; Chúa nhật IV là Chúa nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai.

Với Chúa Nhật II, chúng ta bước vào lịch sử: những loan báo trong Cựu Ước bắt đầu thực hiện và giấc mơ của nhân loại trở thành hiện thực.  Người loan báo Tin Vui này là Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ đầy tràn ơn Thánh Linh.  Gioan mời gọi: “Hãy hối cải vì nước trời đã cận kề.”  Giống như các Ngôn sứ tiền bối, Gioan tố giác một nếp sống đạo giả hình, chỉ hoàn toàn ở bên ngoài (x. Am 5,21-27; Is 1,10-20; Gr 7,1–8,3…), dần dần đưa tới một tình trạng cứng cỏi.  Ba bài Tin Mừng từ Nhất Lãm (Mt 3, 1-12; Mc 1, 1-8; Lc 3, 1-6), thuật lại niềm hăng say rao giảng của Đấng Tiền Hô, kêu mời hối cải và loan báo sẽ có một đấng quyền năng hơn, Ngài sẽ rửa tội trong Chúa Thánh Thần.

Gioan Tiền Hô, một ngôn sứ luôn gắn bó với Thiên Chúa và cũng rất gần gũi với con người.  Lời Chúa, Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ông tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan.  Lời Chúa, Gioan nghe đã trở thành Lời Chúa ông công bố.  Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.  Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.

Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước.  Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng Tiền hô.  Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian.  Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã chết anh hùng cho sứ vụ (x. Mt 14,3-12; Mc 6,17-19).  Cuộc đời Gioan là một thiên anh hùng ca, bất khuất trước cường quyền, bao dung với tội nhân.

Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường.  Gioan chọn con đường tu khổ chế: ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú.  Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống.  Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với thiên Chúa.

Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5).  Gioan mời dân chúng sám hối.  Không thể tiếp tục sống như xưa nữa.  Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ.  Như thế, Gioan kêu gọi hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.  Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi.  Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc.  Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.

Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa.  Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng.  Nếu không có đường thì không đi đến đâu cả.  Một đất nước có văn minh hay không là do hệ thống đường sá.  Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh.  Đạo dẫn đưa con người đến chân thiện mỹ.

Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời.  Abraham khởi đầu cuộc sống thật bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa.  Và lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đầy và mất quê hương trong một thời gian dài.  Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường.  Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa.  Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem.  Và sau cùng Ngài lên đường về nhà cha.

Vì là đường nên nên đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa.  Tin mừng chính là đạo, là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đi theo Ngài.

Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng.  Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ.  Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vắng ánh sáng tình yêu.  Sửa đường theo Gioan là sám hối.  Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có.  Những gì cong queo san cho thẳng.  Những gì cao cần bạt xuống.  Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa.  Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp.  Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.

Con đường mà Gioan nói tới đây chính là đường vào cõi lòng.  Con đường nội tâm của mọi người.  Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế.  Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý.  Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến.  Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách.  Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất.  Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thân dân của Người.  Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng.  Như con đường cho Chúa đi qua.  Như căn nhà cho Chúa ngự tới.  Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào.  Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nỗi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu.  Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì.  Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác.  Và tâm hồn ấy bình an nên nghe rõ tiếng Chúa, và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.  Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.

Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về.  Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn.  Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ.  Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh.  Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát…  Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.

Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn.  Những con đường thường được làm bằng đất đá nhựa bê tông.  Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển trên bầu trời là những con đường vật lý.  Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn.  Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.

Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú.  Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân.  Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân.  Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi.

Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức.  Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan.  Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người.  Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

MÙA VỌNG, THỜI GIAN THINH LẶNG VÀ HOÁN CẢI

Mùa vọng đòi hỏi nơi chúng ta những gì? – Mỗi ngày chúng cần phải biến đổi tâm hồn cho Chúa Kitô bằng cách đáp lại bằng cầu nguyện và thinh lặng.

Khởi đầu của năm phụng vụ mới, như mọi năm, chúng ta bắt đầu bước vào Mùa vọng.  Đây là giai đoạn để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, nhưng đây cũng là dịp tốt để đào sâu ý nghĩa của bốn tuần Mùa Vọng này.

Cần phải nhớ rằng khi nói về Mùa Vọng là nói về sự xuất hiện của Con Thiên Chúa trên thế gian.  Việc “xuất hiện” này gồm có ba điểm.  Chúng ta nói đến việc xuất hiện lần đầu của Chúa Kitô cách đây hơn 2000 năm, Ngài đến với nhân loại qua Đức Trinh nữ Maria, trong hang đá Bêlem.  Vào thời viên mãn, Ngài sẽ đến lần thứ hai.  Thiên Chúa sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết và Vương quốc của Ngài sẽ vô cùng vô tận.  Vào thời điểm này, linh hồn của những người đã chết và thân xác họ sẽ được hồi sinh.  Đó là chân lý của đức tin về sự phục sinh liên quan đến con người với trọn vẹn linh hồn và xác.  Có cuộc xuất hiện lần thứ ba của Chúa Kitô: đó là sự hiện diện của Người mỗi ngày trong cuộc sống cụ thể của chúng ta.  Những can thiệp của Người trong cuộc sống thực sự vô hình trước mặt loài người, nhưng đồng thời hữu hình trước con mắt đức tin.

Gioan Tẩy giả và Đức Maria

Các bài đọc của các Chúa nhật Mùa vọng giúp chúng ta tiếp cận với hình ảnh của Gioan Tẩy giả và Đức Maria, những người đã chuẩn bị cách tương xứng và đã ưng thuận để Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất.  Gioan Tẩy giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước và mở đầu của Tân ước, đã loan báo cho thế giới biết sự hiện diện của Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.  Gioan Tẩy giả được gọi là tiền hô của Chúa Kitô bởi vì cuộc sống của ngài vừa là bản án cho người tội lỗi – như Gioan đã mạnh mẽ lên án Hêrôđê về tình trạng hôn nhân không hợp luật của ông ta – vừa tuyên bố về lòng thương xót của Thiên Chúa, với điều kiện duy nhất là ăn năn sám hối tội lỗi.

Phần Đức Maria đã ưng thuận đón nhận sự ra đời của Con Thiên Chúa trong cung lòng trinh nguyên của mình.  Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, ý kiến của một người nữ thực sự quan trọng.  Ngay cả chính Thiên Chúa cũng hỏi ý kiến Đức Maria để được sinh ra theo bản tính nhân loại.  Thật ra, đó không phải là những cuộc chiến nữ quyền nhằm đem lại nhân phẩm cho người nữ, nhưng đó là sự can thiệp của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại.  Tiếng thưa vâng của Đức Maria cho phép Đấng Toàn năng được sinh ra trong thân phận của hài nhi mỏng giòn, là người Con duy nhất của Thiên Chúa.

Mùa Vọng đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta điều gì?

Mùa vọng đòi hỏi chúng ta biết nhìn lại đời sống của chính mình.  Việc hoán cải phải được thực hiện cách nghiêm túc và vĩnh viễn, nghĩa là chúng ta không thể thực hiện nó theo kiểu giảm trừ một phần.  Mỗi ngày chúng ta cần phải biến đổi con tim cho Chúa Kitô.  Hoán cải không phải chỉ một ngày, hay vài tuần của Mùa vọng, nhưng là mỗi ngày cần phải trở nên mới mẻ.  Để thực hiện điều này không có gì khác hơn là mỗi người tái khám phá việc cầu nguyện và làm việc đó trong thinh lặng, đó là điều kiện tiên quyết để hành động này sinh hoa trái.  Blaise Pascal đã nói: “thảm kịch của nhân loại là không tìm ra cho mình được nửa giờ thinh lặng.”  Bạn có thể tận dụng thời gian thinh lặng này để thực hành việc tĩnh tâm.  Giáo hội khuyên chúng ta mỗi năm phải tham dự việc tĩnh tâm này.  Một vài ngày thinh lặng và cầu nguyện dưới sự hướng dẫn của vị linh hướng để suy tư và đào sâu mối tương quan giữa chúng ta với Chúa.

Tái khám phá chiều kích tâm linh dựa trên các mẫu gương của những vị thánh là một cách thức tốt để chuẩn bị cho Giáng sinh, để việc đón Chúa đến không còn là một thói quen với những nghi lễ hoàn toàn trống rỗng.

G. Võ Tá Hoàng