NIỆM KHÚC NGHĨA TRANG

Mỗi lần viếng nghĩa trang, là một dịp nhắc nhớ cho mỗi chúng ta niệm khúc quí giá về tình người, về chữ hiếu, về cuộc sống đời này, về một niềm hy vọng vào đời sau.

Về tình người

Nơi nghĩa trang, bao người đã sống, nay đang nằm im lìm trong lòng đất.  Họ đã trở về tro bụi.  Trong số đó, có thể có những người đã sống một cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp trước mặt Chúa và mọi người.  Nhưng là con người, phàm ai không tội lỗi, không thiếu sót.

Đứng trước hàng dãy phần mộ của những người đã ra đi, chúng ta khiêm tốn nhận ra mọi người cùng là phận người mỏng dòn yếu đuối với nhau, gợi lên trong lòng chúng ta sự đồng cảm và thương xót: Đồng cảm thân phận yếu hèn, thương xót những con người đã ra đi khi còn vương mắc bao tội tình, lầm lỗi.  Tội với Thiên Chúa, lầm lỗi với con người.

Và, nơi nghĩa trang này, còn gợi lên trong chúng ta lòng thương xót cả những con người đã ra đi do tội của người khác: tội của cha mẹ giết con mình, tội của những người quyến rũ vào con đường trác táng, nghiện ngập, tội của người trả thù đâm chém nhau, tội của những người ghen tương không có lòng tha thứ, tội của những người dùng quyền lực áp bức bất công, tội của người thanh trừng nhau tranh quyền đoạt lợi, tội của những con người dửng dưng vô cảm mặc ai chết đói chết khát, bệnh hoạn chết dần chết mòn….

Thiết tưởng, từ nghĩa trang, lòng thương xót này không chỉ là một cảm xúc thoáng qua, nhưng sẽ lưu lại trong lòng và biến đổi cuộc sống chúng ta thành những con người sống có tình thương, có trái tim biết yêu và lòng quảng đại, không hơn thua, ganh ghét, nhưng là yêu thương chia sẻ cho nhau những gì là tốt đẹp nhất trong cuộc đời.

Về chữ Hiếu

Một người thân gửi thân xác nơi nghĩa trang, là một giao điểm linh thiêng cho tất cả những người còn sống trong tộc họ, giao điểm nối kết mọi tâm tư tình cảm, giao điểm gặp nhau đầy ý nghĩa huyết thống của mỗi người và cũng là giao điểm hóa giải bao bất ổn của họ tộc.  Nếu người thân là Đấng Sinh Thành, là Cha Mẹ, Ông Bà, thì ý nghĩa giao điểm linh thiêng kia càng rõ nét hơn.

Đứng trước mộ phần không chỉ

– với lòng ngưỡng mộ và biết ơn những công đức cao dày của Đấng Sinh Thành,

-với lòng sám hối vì những vô ơn bất hiếu khi chư vị còn sống,

-với lòng Mến, cùng với lòng Cậy nhờ Đức tin nguyện xin Chúa ban cho chư vị ơn Cứu Rỗi…

-mà còn nguyện hứa với chư vị rằng sẽ sống tình gia đình, tình huynh đệ càng lúc càng thắm nồng với nhau hơn.

Vâng, thực hành chữ Hiếu, hay đạo Hiếu không chỉ là những hình thức, những lễ nghi, mà là một biến đổi tận căn do ân sủng khi đi từ chữ Hiếu đến việc giữ luật Điều Răn thứ tư: Thảo Kính Cha Mẹ, điều răn của chính Thiên Chúa ban ra.

Về cuộc sống đời này

Với những tín hữu Phật Giáo, Ấn Độ Giáo hoặc Bàlamôn, và cả những người theo Khổng Giáo, Lão Giáo…. thì tư tưởng “sắc sắc, không không, có đó rồi lại không đó”, “cuộc đời là hư vô”, “mọi sự là hư vô” gần như mang một nỗi bi quan tuyệt vọng.  Nó dẫn con người ta đến một ngõ cụt của cuộc đời không lối thoát hiểm.  Không ai tránh được chỗ cùng tận là tro bụi, không ai thoát được nỗi phũ phàng là hư vô.  Bởi vậy, họ hoài mong một cuộc hóa thân, hóa kiếp, luân hồi.  Nỗi hoài mong nầy, họ dựa trên cách ăn nết ở của họ, dựa trên chính công nghiệp của họ.  Bởi vậy mới có những lời khuyên răn rất dân gian: “Ở hiền, gặp lành” hay “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” ….

Còn sự sống đời này của những người công giáo chúng ta thì sao?  Hãy nghe sách Giảng Viên nói về cuộc đời: “Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân.” ( x. Gv 1, 2-9).  Nhưng từ chỗ phù vân ấy, Ông Cô-he-lét đã nhận ra: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi.  Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt.  Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người.” (Gv 3, 14).

Giáo lý công giáo dạy cho chúng ta biết rằng, mọi sự trên trần gian nầy phải đến chỗ phù vân ấy, hư vô ấy là do hậu quả của tội nguyên tổ.  Nhưng, tội nguyên tổ đã được xóa đi nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.

Bởi vậy, biết cuộc đời là hư vô, Người Công Giáo vẫn không dừng lại ở chỗ bi quan tuyệt vọng vì thân phận phải trở về tro bụi của mình, cũng không dám tự sức mình có thể cứu vớt cho mình khỏi tình trạng bi đát ấy, nhưng người Công Giáo có đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, và chỉ nhờ vào công nghiệp của Ngài mà họ được cứu sống: thoát cảnh hư vô, và sống cuộc sống vĩnh hằng trong Thiên Chúa.

Về cuộc sống đời sau

Vậy, khi tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì dẫu biết “mọi sự là hư vô” nhưng vẫn có giá trị riêng của nó: hư vô ở đời này là khởi điểm ngưỡng vọng một cuộc sống đời sau hằng hữu.  Chính cái ý thức hư vô thôi thúc chúng ta buông bỏ cuộc đời tạm bợ, và bằng lòng trao phó cuộc đời này cho Đức Giêsu, để Ngài phục hồi từ hư vô thành hằng hữu.

–  Thân xác từ hư vô, nhờ công nghiệp cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã được thánh hóa nên Cung Điện Chúa Thánh Thần, nên nhà tạm của Chúa Giêsu Thánh Thể, nên Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

–  Của cải vật chất thế gian chắc chắn sẽ trở về hư vô, nhưng đang trở nên phương tiện cho chúng ta cộng tác với công nghiệp của Chúa Giêsu, nhờ biết cách sử dụng của cải thế gian mà mua lấy nước Thiên Đàng.

–  Quỹ thời gian của mỗi người sẽ cạn dần đi, sẽ ít đi, nhưng từng phút giây đang trở nên càng có giá trị cứu rỗi cho chính mình, nếu biết dùng mỗi phút giây hiện tại với lòng sám hối, lòng tạ ơn, với lời chúc tụng, và nên của lễ tận hiến cho vinh danh Chúa.

–   Sự chết không dẫn chúng ta về hư vô, nhưng là khởi điểm của một cuộc sống mới, vì chúng ta đã và đang cùng sống, cùng chết với Đấng đã sống, đã chết, và đã sống lại.

Như vậy, cuộc đời trần gian này “Mọi sự là hư vô.”  Nhưng Mọi Sự Trong Đức Giêsu Kitô đang trở nên phần rỗi cho chúng ta, đang chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống hằng hữu trong Thiên Chúa.

Thế thì:

Không còn niềm đau nào nơi “thành phố tro bụi”.
Không còn nỗi buồn nào nơi heo hút nghĩa trang.
Không còn hoang mang nào khi chiều vàng héo úa
Không còn khăn tang nào quấn trên đầu nhân gian
Chỉ còn một tình thương, một tình thương vĩnh cửu
Chỉ còn một niềm tin, Đấng Hằng Hữu vinh quang
Trong Ngài, ta sống và ta chết từng giây phút
Để trong Ngài, ta cùng sống cuộc sống mới hân hoan.

P.M. Cao Huy Hoàng

CHIA SẺ

Câu chuyện Giakêu quá quen thuộc, nhưng lại là một bức tranh sống động, phong phú, tinh tế và là lời chất vấn và mời gọi qua mọi thời đại.  Trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đi ngang qua Giê-ri-khô và xảy ra câu chuyện ông Giakêu với những nét tương phản hài hước và độc đáo.  Nhân vật chính được giới thiệu qua bốn chi tiết: (1) Tên gọi: Giakêu, (2) Nghề nghiệp: Đứng đầu những người thu thuế, (3) Địa vị xã hội: Người giàu có, (4) Ngoại hình: thấp bé, ngôn ngữ bình dân gọi là lùn.

Trong câu chuyện, nhân vật Giakêu có những nét tương phản vừa theo quan điểm người đời, vừa theo quan điểm tâm linh.  Theo người đời, Giakêu là người có địa vị, có quyền và có tiền, ba yếu tố này làm nên sức mạnh và uy thế của một con người.  Ông ở cao hơn những người bình thường, nhưng ông lại thua kém họ về chiều cao, nên tầm nhìn bị thu hẹp và bị hạn chế.  Ông muốn thấy Đức Giêsu, nhưng đám đông trở thành chướng ngại cho điều ông ước muốn.  Tuy nhiên, con người không hơn nhau ở chiều cao mà hơn nhau ở cái đầu; Giakêu quyết định thực hiện ước muốn thấy Đức Giêsu bằng cách trèo lên cây sung.  Quyết định này tạo nên tương phản giữa việc ông đạt được mục đích là thấy Đức Giêsu, nhưng phải hy sinh thể diện.  Một người có quyền hành và địa vị như ông mà lại leo lên cây sung, mượn cây sung để cải thiện chiều cao của mình, thì chẳng gì đề cao cái sự thấp bé của ông trước mọi người.

Đáng chú ý hơn là tương phản theo quan điểm tâm linh.  Ông Giakêu là người quyền thế trong xã hội, nhưng đám đông lại gọi ông là “người tội lỗi”, vì khi Đức Giêsu quyết định ở lại nhà ông, mọi người xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”  Câu kết của Đức Giêsu: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” đã xếp Giakêu vào loại những người đã mất, nhưng được Đức Giêsu cứu.

Tương phản trên bình diện tâm linh và cách xử sự của Giakêu để xem thấy Đức Giêsu đã được Người đánh giá cao.  Việc ông dám trở trên trò cười cho thiên hạ để tiếp cận được Đức Giêsu cho thấy thiện chí của ông.  Nhờ hành động này, ông trở thành nhân vật chính của câu chuyện với những chuyển biến tích cực và nhanh chóng.  Khi Đức Giêsu nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (19, 5)  Bản văn chơi chữ khi viết Đức Giêsu nhìn lên và bảo ông xuống, nghĩa là trở về với chiều cao đích thực của mình, trở về với con người thực của mình, để không những thấy Đức Giêsu mà còn để đối thoại với Người, để quyết định bán nửa tài sản cho người nghèo và đền gấp bốn cho những ai mình đã làm họ bị thiệt.

Điều mới mẻ so với trình thuật người thu thuế Lê-vi ở chỗ Lê-vi đã bỏ nghề thu thuế và đi theo Đức Giêsu, còn ông Giakêu có bỏ nghề đứng đầu những người thu thuế hay không, bản văn không cho biết.  Trình thuật chỉ nhấn mạnh tấm lòng của ông đối với người nghèo và việc ông chú trọng sự công bằng.  Có thể hiểu Giakêu có thể tiếp tục đứng đầu những người thu thuế mà vẫn được cứu.  Điều quan trọng là ước muốn gặp Đức Giêsu, thực hiện ước muốn này, và khi gặp thì mừng rỡ đón tiếp Người.

Trình thuật nói đến sự gặp gỡ tốt đẹp giữa hai con người với hai sự tìm kiếm.  Giakêu tìm cách để thấy Đức Giêsu, còn Đức Giêsu đang tìm và cứu những gì đã mất.  Chính sự gặp gỡ giữa hai con người đang tìm kiếm này làm cho Giakêu trở thành người được cứu và làm tỏ lộ sứ vụ của Đức Giêsu.

Điểm độc đáo của bản văn ở ngay trong trong cách trình bày nhân vật Giakêu.  Ông là người vừa thấp vừa cao.  Cao về địa vị xã hội, nhưng thấp bé về chiều cao.  Thấp bé thể lý nhưng cao quý trong thiện chí tìm gặp Đức Giêsu.  Ông có quyền hành và giàu có trong xã hội nhưng bị coi là người tội lỗi, là người đã mất, cần được cứu.  Nhân vật Giakêu trở thành điển hình cho hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Đức Giêsu là Người mang lại ơn cứu độ cho ông.

Đầu câu chuyện, Giakêu được giới thiệu như là người có mọi thứ: chức vị, tiền bạc và quyền hành; nhưng ông đang thiếu và đang đi tìm cái mà tiền bạc và chức quyền không đem lại cho ông.  Ông tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, mục đích trước tiên là xem cho biết con người mà ông chưa biết.

Điểm độc đáo thứ hai là Đức Giêsu không dạy giáo lý cho Giakêu, Người không bày tỏ tư cách Con Thiên Chúa của Người.  Ngược lại Người chỉ nói một câu tỏ bày sự thân thiện và ưu ái của Người dành cho ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.”

Bài học cho chúng ta hôm nay là liệu sự ở lại của Đức Giêsu có khả năng làm cho chúng ta hoán cải, có khả năng làm cho chúng ta thuộc về Người, làm cho chúng ta biết chia sẻ với người nghèo và tôn trọng sự công bằng hay không.  Câu chuyện Giakêu vẫn là lời chất vấn, lời mời gọi chúng ta trong cách chúng ta tìm gặp và đón tiếp Đức Giêsu, trong cách chúng ta sống niềm tin và thể hiện niềm tin của mình.

Lm Giuse Lê Minh Thông