CHÚNG TA CÓ NÊN THÁNH ĐƯỢC KHÔNG?

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội mừng trọng thể lễ các thánh nam nữ.  Qua thánh lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy biểu lộ niềm vui mừng, hãnh diện và hy vọng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho chúng ta là những người cùng chung niềm tin vào Chúa như các thánh.

Tuy nhiên, hẳn mỗi người chúng ta nhiều khi tưởng tượng ra sự xuất sắc của các thánh như là những vĩ nhân, những người siêu quần bạt chúng, hay các ngài như là những người có một cuộc sống đặc biệt, khác thường nên mới trở nên những vị thánh!  Còn chúng ta, những người tầm thường, có lẽ niềm hy vọng nên thánh là điều khó có thể xảy ra!

Suy nghĩ như thế có đúng hay sai?  Và chúng ta có trở nên thánh trong thời đại hôm nay được hay không?  Giờ đây, chúng ta cùng nhau suy niệm về cuộc đời của các thánh, và từ đó, rút ra một giải đáp cho thắc mắc trên.  Trước tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem: các thánh là ai?  Và các ngài đã sống như thế nào.

1. Các thánh là ai?

Khi đặt câu hỏi như thế, chúng ta có thể trả lời ngay rằng: các ngài là những Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân.  Các ngài là những người tri thức, nhưng cũng không thiếu những đấng bình dân học vụ.  Các ngài là những người có địa vị trong Giáo Hội và xã hội, nhưng cũng không thiếu những đấng thường dân.  Các ngài là những người được sinh ra nơi thành phố phồn hoa đô hội, nhưng cũng có vị hiện hữu nơi cuộc đời này trong cảnh màn trời chiếu đất, nơi thôn quê hẻo lánh…  Các ngài là những bác sĩ, kỹ sư, là những người giàu, nhưng cũng rất nhiều đấng suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, là những người nghèo, cảnh mẹ góa con côi…  Các ngài cũng là những người thánh thiện, tốt lành ngay từ nhỏ, nhưng cũng không thiếu đấng trước đó là kẻ rối đạo, chối đạo, sống cuộc đời bê tha và trác táng, nhưng chỉ được ơn sám hối, canh tân, tin tưởng, phó thác nơi Chúa trước khi nhắm mắt rời bỏ thế gian mà thôi…

Như vậy, các thánh thật đông đảo và các ngài từ mọi nơi, mọi miền và đủ mọi thành phần.  Chính thánh Gioan khi được thị kiến đã thốt lên: “… kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9); và: “Một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Itraen” (Kh 7, 4); các ngài “… là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao.  Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14).

Nói chung, thế giới của các thánh gồm đủ mọi thành phần, và số lượng các thánh không ai đếm xuể.  Công việc của các ngài là tôn vinh, thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa và cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.  Các ngài đang được sống một sự sống hạnh phúc nơi quê thật là Nước Trời.

Việc chúng ta ngưỡng mộ tài cao đức rộng, cuộc sống phi thường của các thánh hẳn không sai, nhưng không phải là tuyệt đối đúng, vì thực tế, trong số các thánh, nhiều đấng cũng không hơn gì chúng ta.  Có khi các ngài cũng là nhưng người tội lỗi một thời như Maria Mađalêna, Phêrô, người trộm lành, Phaolô, Augustinô…

Điều đáng nói ở đây chính là: các ngài thuộc những người đã trải qua kinh nghiệm về yếu đuối, sa ngã và tội lỗi, nhưng các ngài đã sám hối, ăn năm, canh tân đời sống theo ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.  Các ngài là những người 99 lần ngã, nhưng lần thứ 100 thì đứng dậy và đứng luôn trong ân sủng.

Thật vậy, sau khi sa ngã, các ngài đã nhận được ân sủng và tình thương lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình, nên các ngài đã tin tưởng, phó thác và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, yêu thương anh chị em tha thiết.  Như thế, có thể nói: các thánh đều là những người đã nếm mùi đau khổ thử thách ở trần gian như chúng ta, xong, các ngài vẫn giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa và kiên trì tuân giữ Giới Luật của Người cũng như thi hành xuất sắc Tám Mối Phúc Thật.

Cuộc đời hy sinh, đòn vọt, bắt bớ vì Chúa và tâm tình sám hối, canh tân để trở nên ngày càng đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nơi các thánh được ví như một cuộc thanh luyện và cố gắng liên lỷ.

2. Các thánh là những người trung thành với Hiến Chương Nước Trời

Tất cả các thánh, không ai là người sống ngoài bản Hiến Chương Nước Trời mà Tin Mừng hôm này thuật lại.  Các ngài luôn coi bản Hiến Chương Nước Trời như là khuôn vàng thước ngọc cho cuộc đời mình.  Qua bản Hiến Chương này, các ngài đã sống tinh thần nghèo khó, không bị lệ thuộc vào vật chất, sống hiền lành và bao dung, quảng đại, tha thứ.  Cuộc đời các ngài luôn khao khát sự sống công chính, mong muốn sống trong sạch, yêu thương, chăm sóc những người đau khổ, luôn kiến tạo hòa bình và khước từ hận thù, xây dựng tình huynh đệ, hiệp nhất, yêu thương.  Các thánh còn là những người vì yêu mến Chúa trên hết mọi sự, nên chấp nhận mọi sự hiểu lầm, đòn vọt, bắt bớ, gươm đao và ngay cả cái chết để được mối lợi tuyệt đối là Đức Kitô, vì người, các ngài đành mất hết (x. Pl 3, 8).  Các ngài được ví như những người lái buôn, đã đánh đổi tất cả một khi đã tìm được Kho Tàng, Viên Ngọc Quý.  Vì thế, đối với các ngài: “…sống là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21), nên không có gì tách các ngài ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.

Mừng lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta có niềm an ủi thật lớn lao, đó là: các thánh không phải là người xa lạ với chúng ta.  Các ngài là những người có cùng niềm tin, là tổ tiên, là cha ông, là những người thân của chúng ta.

Có những vị thánh nổi tiếng, nhưng cũng không thiếu những vị thánh bình thường, vô danh.  Đường lối nên thánh cũng không phải chỉ có một con đường độc điệu, mà là nhiều con đường khác nhau…

Như thế, các thánh là những người rất gần gũi với cuộc sống thực tế của chúng ta.  Bởi vậy, mỗi người đều có quyền hy vọng rằng: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?” (Thánh Augustino).

3. Hãy trở nên thánh vì ta là Đấng Thánh

Lời mời gọi nên thánh vẫn luôn là một điều gì đó mới mẻ và hấp dẫn đối với chúng ta.  Tuy nhiên, để sống được lời mời gọi này, chúng ta phải lội ngược dòng, phải lột xác và chấp nhận sự nghịch lý của Tin Mừng, bởi lẽ, chúng ta đang sống trong một xã hội thực dụng, thỏa mãn xác thịt, ham muốn điều bất chính, gây bất hòa, chia rẽ, vô cảm, dửng dưng với đau khổ của anh chị em, gây nên những bạo lực, đau khổ, sống dối trá, giả hình, bóc lột, bất công…!  Trong khi đó, Lời Chúa và những giá trị của Chân Lý luôn nhắc nhở và mời gọi chúng ta ý thức rằng: hạnh phúc đích thực của chúng ta ở nơi Thiên Chúa và quê hương chúng ta ở Trên Trời, chứ không phải ở những thứ chóng tàn, mau qua sớm hết nơi trần gian này…  Vì thế, muốn đạt được Nước Trời làm gia nghiệp, chúng ta phải chiến đấu liên lỷ để biện phân và lựa chọn giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác, giữa cuộc sống tạm bợ và cuộc sống vĩnh cửu. Chấp nhận đi theo con đường hẹp của Tin Mừng.  Được hạnh phúc hay bất hạnh là do sự lựa chọn của chúng ta.

Mừng kính lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những gương sáng ngang qua cuộc đời của các thánh, từ đó trở thành động lực cho mỗi chúng ta phấn đấu trên con đường nên thánh.  Đồng thời, mỗi khi mừng kính các thánh, chúng ta cũng tạ ơn Chúa đã ban nhiều ơn thánh trợ giúp, để: con cháu, anh chị em, cha mẹ, ông bà, tổ tiên… chúng ta đã thành công trên con đường tiến đức và nay đang diện kiến tôn nhan Chúa.

Mặt khác, qua việc mừng lễ này, sứ điệp Lời Chúa và Giáo huấn của Giáo Hội mời gọi chúng ta tái khám phá và làm mới lại sự quyết tâm trong việc: nghĩ thánh, hành động thánh và sống thánh trong cuộc sống thực tại hôm nay.

Lạy các thánh nam nữ trên trời, xin chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

CHÚA DỰNG NÊN MA QUỶ HỒI NÀO?

 

Mỗi năm, vào đầu Chúa Nhật Mùa Chay, chúng ta nghe đọc bài Phúc âm nói về việc Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ.  Ma quỷ từ đâu tới vậy?  Chúa dựng nên ma quỷ từ hồi nào, bởi vì khi sách Sáng thế nói tới việc tạo dựng trời đất, không thấy đả động tới ma quỷ?

Trước khi đi thẳng vào các câu hỏi vừa nêu, thiết tưởng chúng ta nên lưu ý về từ ngữ và hình thù của ma quỷ.  Chúng ta mang trong đầu nhiều bức tranh vẽ ma quỷ như là một con thú đen đủi, có cánh có đuôi, thè cái lưỡi đỏ lòm, thấy mà tởm!  Nhưng trong tiếng Việt, có lẽ ma quỷ không xấu xí dữ dằn đến thế.  Nếu tôi không lầm “ma” chỉ có nghĩa là hồn của người chết (cái thây ma).  Từ đó chúng ta đi đưa đám ma.  Còn tiếng “quỷ” có lẽ chỉ muốn nói tới tính cách nhanh nhảu, ranh mãnh; nó có ý nghĩa xấu khi đi kèm với “quyệt” (quỷ quyệt).  Dù sao, có lẽ cổ nhân không sợ hãi ma quỷ cho lắm.  Chúng nó chỉ nghịch ngợm phá phách chơi, chứ không làm hại ai cả: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.”  Đó là bàn về từ ngữ ở trong Việt ngữ, và tôi xin thú nhận là không được rành cho lắm.  Bây giờ bước sang từ ngữ trong Kinh thánh.  Trong tiếng Do thái của Cựu ước, Satan chỉ có nghĩa là người “tố cáo”, “đối thủ” (theo nghĩa chính trị hay quân sự).  Khi dịch sang tiếng Hy-lạp, từ Satan được chuyển nghĩa là diabolos, có nghĩa là thù địch, người tố cáo, hay là người quyến rũ, phân ly.  Chúng ta nên lưu ý là trong Kinh thánh, không phải lúc nào Satan cũng có nghĩa xấu.  Như vừa mới nói, Satan chỉ có nghĩa là người tố cáo hay là đối phương.  Trong những bản văn cổ điển của Cựu ước, Satan không phải là đối thủ của Thiên Chúa mà chỉ là đối thủ của loài người.  Thậm chí, có thể nói được là hắn đóng vai trò công an mật vụ, đi dò xét công ăn việc làm của người thế để về báo cáo với Thiên Chúa như chúng ta đọc thấy trong sách của ông Gióp (chương 1, câu 6-12; chương 3 câu 17), hay là sách Dakaria (chương 3, câu 1-3).

Ma quỷ cũng mang tên là Luxipher nữa, phải không?

Chúng ta phải phân biệt: Luxipher là một tên có trong Kinh thánh, nhưng không phải ám chỉ ma quỷ.  Trong tiếng La-tinh, Lucipher có nghĩa là “người mang ánh sáng”, và được dùng để dịch tiếng “Sao Mai” áp dụng cho vua Babylon, dựa theo sách Isaia (chương 14 câu 12).  Về sau, các giáo phụ áp dụng cho tướng quỷ, khi giải thích sự sa ngã của nó, đó là vì thấy mình sáng láng (Lucifer: mang ánh sáng) cho nên đâm ra kiêu ngạo.

Bây giờ, xin cha đi thẳng vào câu hỏi: Chúa dựng nên Satan hồi nào vậy?

Xin lỗi, tôi chưa thể trả lời ngay được, bởi vì cần phải bổ túc thêm về vấn đề từ ngữ đã.  Như đã nói, Satan tự nó chỉ có nghĩa là “đối thủ.”  Trong những tác phẩm cổ điển của Cựu ước, Satan chỉ có nghĩa là đối thủ của con người.  Vào những thế kỷ cuối của thời Cựu ước và bước sang Tân ước thì Satan ám chỉ đối thủ của Thiên Chúa, và như vậy mang nghĩa xấu.  Hắn cám dỗ con người phạm tội, chống lại Thiên Chúa.  Satan trở thành biểu tượng của Sự Dữ.  Và Đức Kitô đã đến đương đầu với nó, đập tan những ảnh hưởng ác ôn của nó, đặc biệt là tội lỗi và sự chết.  Nhờ Thập giá và Phục sinh, Đức Kitô đã giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, nghĩa là đã đập tan thế lực của Satan.  Như vậy, khi muốn tìm hiểu nguồn gốc của Satan, cần phải xác định: chúng ta hiểu Satan theo nghĩa nào?  Hiểu theo nghĩa là đối thủ của con người, hay là theo nghĩa đối thủ của cả Thiên Chúa nữa?

Nếu chỉ hiểu Satan theo nghĩa là đối thủ của con người, thì nó được tạo dựng từ hồi nào?

Chúng ta nên biết rằng Kinh thánh không phải là một pho bách khoa từ điển, trong đó chúng ta có thể lục lọi tìm thấy tất cả các chi tiết liên can tới mọi sự trên trời dưới đất này.  Có thể ví Kinh thánh như là một cuốn chuyện tình, mối tình giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Trọng tâm của Kinh thánh là mối tình đó; còn những chuyện khác thì không đếm xỉa tới.  Vì thế, ai tò mò đi lật Kinh thánh để tra cứu xem Thiên Chúa dựng lên Hỏa tinh lúc nào, và có loài sinh vật nào trên đó hay không, thì họ sẽ tốn thời giờ uổng công.

Từ tiền đề đó, chúng ta phải thú nhận rằng không thể biết được Satan đã được tạo dựng vào lúc nào, cũng như chúng ta không biết được các thiên thần đã được tạo dựng vào lúc nào.  Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng các tác giả Cựu ước có một quan niệm về Thiên Chúa hơi khác với chúng ta ngày nay.  Thời xưa, bất cứ cái gì dù tốt dù xấu cũng là do Chúa làm hết: giặc giã, bệnh tật, dịch tễ, tất cả đều do Chúa gửi đến, để phạt con người.  Vì thế không lạ gì mà kể cả Satan cũng do Chúa sai đến để thử thách dò xét con người, để xem chúng ta trung thành với Chúa đến đâu.

Còn nếu hiểu Satan theo nghĩa là đối thủ của chính Thiên Chúa, thì hắn được dựng nên vào lúc nào?

Câu hỏi này vừa dễ vừa khó trả lời.  Nó dễ trả lời theo nghĩa là Thiên Chúa không thể nào dựng lên một đối thủ của mình được.  Thiên Chúa là sự Thiện tuyệt đối.  Thiên Chúa không thể nào dựng lên sự Ác được.  Nếu Thiên Chúa tốt lành mà lại dựng nên sự Ác thì chẳng khác nào tự hủy diệt mình.  Nhưng mà đến đây, chúng ta lại thấy câu trả lời trở nên khó khăn.  Nếu Satan không do Chúa tạo dựng thì do ai dựng nên?  Lịch sử thần học đã ghi nhận ba câu trả lời khác nhau.

1/ Câu trả lời thứ nhất của phái nhị nguyên.  Nhị nguyên có nghĩa là hai nguyên ủy.  Ngay từ muôn thuở, đã có hai nguyên ủy Thiện với Ác đối lập với nhau.  Ta gọi Thiên Chúa là nguyên ủy của sự Thiện; còn Satan là nguyên ủy của Sự Ác.  Hai nguyên ủy ấy là đầu mối của mọi sự Thiện và Ác ở trên đời này.  Loài người chúng ta là nạn nhân của cuộc giao tranh giữa hai lực lượng đó, và như tục ngữ đã nói: “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.”  Thuyết nhị nguyên bắt đầu từ Ba tư, và đã ảnh hưởng trên các thuyết Manikê thời các giáo phụ, thuyết Albigensê thời Trung cổ.

2/ Câu trả lời thứ hai thì chối phăng sự hiện hữu của Ma quỷ.  Theo họ, ma quỷ chỉ là hình ảnh biểu tượng của sự dữ.  Sự dữ không phải là một thực thể hiện hữu, nhưng nó nằm ở trong chính lòng dạ của con người.  Chính con người phạm tội, và là đầu mối của mọi sự gian ác trên đời này: bóc lột, hận thù, chiến tranh, v.v…  Con người cần phải lãnh trách nhiệm của mình chứ không nên đổ tội cho ma quỷ, bởi chẳng có quỷ ma nào hết.  Phải nhận rằng, thuyết này có phần đúng của nó, và các nhà chú giải Kinh thánh cũng gặp khó khăn khi đứng trước một vài đoạn Kinh thánh.  Một thí dụ cụ thể là quyển sách ông Gióp.  Ngày nay các nhà chú giải xếp nó vào loại sách Khôn ngoan, chứ không phải vào loại sách lịch sử.  Nói khác đi, ông Gióp không phải là một nhân vật lịch sử, nhưng chỉ là một nhân vật điển hình suy tư về nguồn gốc đau khổ trên đời này.  Tác phẩm không thuộc thể văn lịch sử, vì vậy mà vai trò của Satan xuất hiện ở những chương đầu cuốn sách cũng chỉ là nhân vật văn chương mà thôi.

3/ Học thuyết thứ ba cho rằng Thiên Chúa không dựng nên ma quỷ.  Thiên Chúa chỉ dựng nên các thiên thần tốt lành.  Nhưng do sự sa ngã, các thiên thần đã trở thành ma quỷ.  Đây là giáo huấn của Hội thánh, được định tín tại công đồng Lateranô IV (năm 1215), chống lại thuyết nhị nguyên của nhóm Albigensê.  Công đồng không đi xa hơn. T hế nhưng, các nhà thần học cũng như nhân dân ưa tò mò, muốn biết thêm các thiên thần đã phạm tội gì vậy.  Thời các giáo phụ, đã có người cho rằng họ phạm tội dâm dục, ra như đây là tội này khủng khiếp nhất trên đời này.  Tuy nhiên, từ thế kỷ IV trở đi, các giáo phụ đều nhất trí rằng họ đã phạm tội kiêu ngạo.  Nhưng mà kiêu ngạo như thế nào?  Đến đây, các nhà thần học lại đưa ra nhiều ý kiến.  Có người cho rằng Lucifer thấy mình sáng láng quá cho nên đâm ra kiêu ngạo, không chịu phục tùng Thiên Chúa, và đã lôi kéo một số đồng nghiệp theo mình.  Trên đây, tôi đã nói là tên Lucifer được dùng trong Cựu ước để ám chỉ vua Babylon, chứ chẳng phải là tướng quỷ nào hết.  Một ý kiến nữa thì cho rằng khi Thiên Chúa ngỏ ý cho Ngôi Hai xuống thế làm người, thì một số thiên thần đã nổi lên phản đối, bởi vì như vậy họ phải phụng thờ một con người, thuộc hàng thấp kém hơn họ.

Thực ra, tất cả đều là giả thuyết, chứ không dựa trên bằng cớ nào hết, và Giáo hội cũng chẳng tuyên bố gì về điều này.  Thiết tưởng, có một điều đáng cho chúng ta phải suy nghĩ hơn, đó là: tại sao các thiên thần lại có thể sa ngã phạm tội được?  Loài người chúng ta phạm tội là tại vì u mê dốt nát, không biết đâu là đường ngay nẻo chính, vì thế mà đâm ra làm bậy.  Còn các thiên thần thông minh sáng suốt, đã biết rõ đâu là sự thực, đâu là hạnh phúc chân chính, thế mà còn phạm tội được thì qủa thực là lạ!  Dù sao, đây là cả một mầu nhiệm của tự do, mà Thiên Chúa đã muốn tôn trọng.  Ngài tôn trọng ý chí tự do của thiên thần, cũng như Ngài tôn trọng ý chí tự do của con người, kể cả tự do khước từ Đấng đã dựng nên mình.

Tóm lại, Thiên Chúa không dựng nên ma quỷ, nhưng Ngài chỉ dựng nên thiên thần, và vì tội lỗi, họ trở thành ma quỷ.  Nhưng chúng ta không thể nào biết được Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần lúc nào.  Mặt khác, chúng ta cũng đừng trút tất cả trách nhiệm cho ma quỷ; đừng đổ tội cho ma quỷ về những hành vi xấu xa mà chúng ta đã làm.  Không phải trăm tội tại qủy đâu.  Tội bắt nguồn ngay từ thâm tâm ích kỷ của chúng ta.

Phan Tấn Thành
Nguồn http://daminhvn.net

MỘT TRÁI TIM BẰNG THỊT

Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đã biến đổi trái tim tê liệt của tôi trong một nhà nguyện của bệnh viện.

Một bảng hiệu đơn sơ với tên gọi là “Nhà thờ Thánh Thể” được dán trên một cánh cửa gỗ ngay hành lang bệnh viện nơi tôi làm việc như là trợ lý bác sĩ.  Mặc dù tôi là một người Công giáo chính thống, nhưng tôi không hề chú ý tới nó trong nhiều tháng trời.

Tôi làm việc ở Khoa Cấp cứu, và tôi có thói quen đi làm sớm, uống một ly cà phê trước khi bắt đầu công việc.  Tôi không cố tình tránh bước vào nhà nguyện, nhưng sâu bên trong tôi sợ bị người khác nhìn thấy tôi đang cầu nguyện trong một nơi không thánh thiêng.  Tôi sợ phải giải thích và có thể phải bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình.  Tôi đã không quan tâm đến việc làm chứng cho Chúa Kitô, và với lý do đó cho phép tôi phớt lờ bước vào nhà nguyện, thay vào đó đi thẳng tới nơi uống cà phê.

Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian, tôi cảm thấy khó chịu về sự tê liệt ngày càng tăng mà tôi cảm thấy.  Bệnh nhân của tôi đã trải qua những thảm kịch như ung thư, sẩy thai hoặc lạm dụng thể chất, nhưng tôi không thể khiến bản thân cảm thấy phiền muộn cho họ.  Một ngày nọ, tôi đi xưng tội và nói với vị linh mục về việc này.  Nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, ngài nói với tôi rằng có lẽ tôi đã được gọi là Chúa Kitô cho các bệnh nhân của tôi theo một cách âm thầm nào đó.  Tôi tự nghĩ: Chắc chắn, Chúa Kitô sẽ cảm nhận nỗi đau của mỗi người và cố gắng làm giảm bớt nỗi đau ấy – về mặt thể lý cũng như cảm xúc.

Chúa Giêsu với Người Bệnh.  Trong vài tuần kế tiếp, tôi cầu nguyện về cách Chúa Giêsu đáp ứng với bệnh tật, sự buồn bã và bạo lực.  Trong mắt tôi, tôi thấy Người đang đi trên đường phố với những đám đông đang quây quần xung quanh Người.  Người biết những gì đang xảy ra trong lòng mỗi người, tốt và xấu.  Người biết tội lỗi của họ và Người biết rằng chính Người một ngày nào đó sẽ vượt qua họ.  Cách tôi hình dung ra điều đó, có một biển vô tận của bệnh tật và thương tích tất cả xung quanh Chúa Giêsu.  Vô số người bệnh gọi Người.  Chúa Giêsu biết không có cách nào tốt hơn là đi vào trái tim của ai đó hơn là qua sự chữa lành thể xác.  Vì vậy, Người đã đặt tay trên họ, cầu nguyện cho họ, chữa lành thể xác họ và tha thứ tội lỗi cho họ.  Người ban cho họ được cảm nếm trước sự phục sinh thể xác của họ và cho họ thấy rằng Người muốn họ được bình an và được chữa lành trong mọi chiều kích của cuộc đời họ.

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, “Tôi thấy Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến sau trận chiến.  Thật vô dụng khi hỏi một người bị thương nặng không biết anh ta có bị cholesterol cao…  Bạn phải chữa lành vết thương của anh ta.  Sau đó chúng ta có thể nói về mọi thứ khác”.

Ngay cả khi tôi thực hiện những kết nối này trong lời cầu nguyện, tôi vẫn không cảm thấy có nhiều thay đổi trong công việc.  Sự hỗn loạn của “trận chiến” hàng ngày tại bệnh viện khiến tôi khó tập trung vào những vết thương của bất kỳ cá nhân nào.  Tất cả những gì tôi có thể thấy là sự chiến đấu xung quanh tôi.

Phía Sau Cánh Cửa Gỗ.  Rồi một ngày, tôi đến nhận ca sớm và không có gì để làm.  Khi tôi đi qua cánh cửa gỗ ở hành lang, dấu hiệu nhà nguyện thu hút sự chú ý của tôi.  Có lẽ do Chúa Thánh Thần thúc đẩy, tôi quyết định đi vào bên trong.  Tôi mở cửa và thấy một nhà tạm vàng trên một chiếc bàn nhỏ.  Bên cạnh đó là bức ảnh Chúa Thương Xót với những lời “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” và một tấm ảnh của Đức Mẹ.  Một cây nến điện chạy bằng pin cho thấy sự hiện diện của Chúa chúng ta vì ngọn lửa thật bị cấm trong bệnh viện.

Khi tôi ngồi và bắt đầu cầu nguyện với Kinh Mân Côi, tôi nghĩ về việc căn phòng nhỏ này đã được biến thành một nhà nguyện.  Bị che khuất trong một hành lang bệnh viện, nó biểu lộ sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô, Vua của các vị vua, Chúa trời và đất.  Và tôi là người duy nhất ở trong phòng với Người!

Trước khi tôi đến đó, Chúa Giêsu ở trong phòng một mình – một vị Vua cầm quyền trên một ngai vàng mà không có ai trong tòa.  Bên ngoài cửa tôi nghe mọi người thảo luận về kế hoạch cuối tuần và những rắc rối với đồng nghiệp.  Tôi nghe tiếng còi xe cứu thương và tiếng rít của xe lăn điện.  Hành lang rất bận rộn, và những người trong đó bận rộn với cuộc sống của chính họ.

Vị “Vua bị Quên lãng”.  Tôi bắt đầu dừng lại trong nhà nguyện để cầu nguyện trước và sau mỗi ca làm việc.  Một lần, một người đàn ông mở cửa, thấy mình lầm phòng, anh ta nhanh chóng rời đi.  Tôi không thấy ai khác cố tình vào.  Tôi bắt đầu tự hỏi tại sao.  Trong một bệnh viện đầy bệnh tật thể xác và tâm thần, nghiện ngập, những ảnh hưởng lâu dài của chiến tranh và bạo lực, vô gia cư và bị bỏ rơi, tại sao tôi — hoặc bất kỳ ai khác — không đến thăm Chúa chúng ta?  Cứ như thể Chúa là một vị Vua bị lãng quên, cầm quyền trên một ngai vàng bị bỏ qua.

Hôm nay, cũng giống như khi đi vòng quanh Galilee, Chúa Giêsu đang được người ta cần đến rất nhiều.  Hai nghìn năm trước, mọi người đã xô đẩy Chúa trên đường phố với hy vọng Chúa ban cho phép lạ.  Tôi thường nghĩ về người phụ nữ bị bệnh xuất huyết chỉ muốn chạm vào Chúa.  Bà biết bằng cách nào đó Người sẽ chữa lành cho bà.  Bà đã mất niềm tin vào y học hiện đại trong thời của bà, nhưng bà vẫn tin vào sự chữa lành thần thánh.  Ở đây trong bệnh viện này, nó không khác nhiều lắm.  Có rất nhiều phiền não mà y học hiện đại tốt nhất không thể chữa lành được.  Nhưng Đức Kitô vẫn còn ở đây, sẵn sàng tặng ban nhưng không lòng thương xót có sức chữa lành.  Người chỉ đang đợi chúng ta đến với Người.

Trở Nên Giống Chúa Giêsu.  Khi tôi đến với Chúa Giêsu trong nhà nguyện, Người bắt đầu chữa lành trái tim tôi khỏi sự tê liệt đã bọc nó lâu nay.  Thời gian của tôi ở đó đã bắt đầu thay đổi cách tôi nhìn vai trò của mình như một nhà cung cấp dịch vụ y tế.  Thay vì chỉ làm giảm bớt các đau đớn về thể lý, tôi muốn cho bệnh nhân cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Kitô.

Điều này xảy ra theo những cách đơn giản: đặt ra cho một bức ảnh với một cậu bé có vết mổ mà tôi đã khâu và nghe những từ “cháu rất vui vì bác ở đây”; vui mừng với một người phụ nữ biết rằng cô đang mang thai – không chỉ bệnh tật – sau mười năm cố gắng thụ thai; nói với một người đàn ông lớn tuổi rằng chứng ho của bác ấy thực sự là do một khối u phổi ác tính, nhưng làm như vậy với lòng tốt dịu dàng.

Tôi đã nhận ra rằng cách tốt nhất để trở thành một sự hiện diện giống như Chúa Kitô là phải dành thời gian với Chúa Kitô trong việc cầu nguyện và trong sự Tôn Thờ.  Một khi tôi thực sự biết Chúa Giêsu, tôi thấy dễ dàng hơn để cho tình yêu của Người tỏa sáng qua tôi.

Alexander Lee, Washington DC.

Theo the Word Among us – The Issue June 2018
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP

MŨI NHỌN XUNG KÍCH

Phúc Âm hôm nay là một dụ ngôn sống động và mang tính khái quát.  Rất gọn về số câu, số chữ nhưng lại rất rộng về hàm ý nội dung.  Chỉ có hai nhân vật với vài nét chấm phá sơ sài nhưng cũng đủ khái quát cho mọi tầng lớp dân chúng.  Chỉ là một thoáng lên Đền cầu nguyện nhưng lại biểu trưng cho mọi sinh hoạt tôn giáo.  Chỉ quanh quẩn trong chu vi Đền Thánh nhưng lại điển hình đến nỗi có thể nới rộng ra cả cuộc đời.

Nhưng điều làm cho dụ ngôn sống động đến hôm nay thiết tưởng không những vì tính khái quát ấy mà đáng lưu ý hơn, theo ngôn từ báo chí, còn vì “tính xung kích” với những mũi nhọn không thể tránh né của nó.

Đẹp lắm nhưng cũng đau lắm.  Khéo léo lắm nhưng cũng nhức nhối không kém.  Xin chia sẻ về tính xung kích ấy.

1. Mũi nhọn thứ nhất: tố giác một não trạng tôn giáo đầy ảo tưởng

Đối với người Do Thái, luật Thiên Chúa là trên hết, đời sống của họ được khuôn đúc theo lề luật, xã hội của họ gắn liền với tôn giáo nên cũng được tổ chức theo lề luật.  Đã có những thành phần ưu tuyển chuyên viên về lề luật được gọi là Luật sĩ, và cũng có những thành phần khác chú tâm đến việc thi hành luật đến độ tỉ mỉ, đó là mấy ông biệt phái.  Luật lệ là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống.  Quan điểm ấy không có gì đáng phàn nàn nếu qua lề luật người ta nhận ra bàn tay và tấm lòng của Thiên Chúa luôn dẫn đưa và giáo hóa con người.  Nhưng quan điểm ấy trong thực tế đã không giữ được vẻ tinh ròng của nó mà đã bị biến chất dần dà theo năm tháng để trở thành một thái độ tôn giáo kệch cỡm, di căn trong nếp nghĩ, và đồng thời méo mó trong thực hành.  Và đây là một thực trạng nguy hiểm mà Chúa Giêsu gọi là “men Biệt phái” cũng là điều dụ ngôn hôm nay tố giác.

Nguy hiểm nhất là tất cả đã bị đảo lộn: luật lệ thay vì là phương tiện đã được nâng lên hàng mục đích và Thiên Chúa thay vì là cùng đích lại bị xếp xuống hàng phương tiện.

Nguy hiểm thứ hai là tất cả đã trở thành máy móc: làm như cứ chu toàn một số khoản luật là tức khắc người ta trở thành công chính, và có quyền đòi hỏi Thiên Chúa phải ký tên đóng dấu chứng thực cho sự công chính này, giống như kiểu chấm công, và báo công trong các xí nghiệp trước đây đã bị báo chí phê bình gay gắt.  Chấm công thì rất nhiều nhưng việc chẳng chạy bao nhiêu, ấy là chưa nói tới việc công, việc tư, lẫn lộn và thế là vỡ nợ thất bại.

Và nguy hiểm hơn hết là tất cả đã làm thành một ảo tưởng dầy đặc về quá khứ công trạng để rồi thành chuẩn mực phủ định những người không thuộc về phe cánh mình, không giống như mình, không đúng ý mình, kể cả Thiên Chúa nữa.

Ông Biệt phái trong dụ ngôn đã rơi vào cái ảo tưởng mà Chúa Giêsu muốn tố giác này:

Lời kinh của ông khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn rất đẹp, nhưng đã nhanh chóng trở nên xấu bởi có ý đồ níu kéo Thiên Chúa thỏa hiệp với lối sống vụ luật “trên mức bó buộc” của ông.  Có biết đâu ông đã ảo tưởng.  Thiên Chúa vì yêu thương tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, nhưng chính ông lại xây dựng một Thiên Chúa theo hình ảnh của ông.

Và lời kinh của ông còn tồi tệ hơn khi tự hào cho mình là công chính để so sánh mình với đời sống bên ngoài của những người khác.  “Đứng thẳng nguyện thầm” có vẻ tốt đấy, nhưng kênh kiệu làm sao và cũng ảo tưởng biết bao.  Khẳng định mình đúng cách là tốt, nhưng khẳng định mình bằng cách phủ định kẻ khác, bằng cách dèm pha nói xấu bôi nhọ khinh chê người ta thì quả thật là trơ trẽn.

Và nguy hiểm cuối cùng đến từ những mối nguy hiểm trên là chính mình không còn cảm thấy nỗi hiểm nguy nào nữa, thành ra khô đạo mà tưởng mình sống đạo, phá đạo mà tưởng mình xây đạo, bài tôn giáo ngay giữa lòng tôn giáo, và bóp nghẹt Thiên Chúa trong khi tưởng như mình vẫn tôn thờ Ngài, làm lu mờ Danh Chúa mà tưởng như mình đang làm sáng danh Ngài.

2. Mũi nhọn thứ hai: xây dựng một thực chất tôn giáo

Nếu qua hình tượng ông biệt phái, dụ ngôn muốn tố giác một thứ đạo đức ảo tưởng đầy nguy hiểm, thì ngược lại qua ông thu thuế, dụ ngôn lại nhắm một mục đích tích cực nhưng cũng không kém phần xung kích, đó là xây dựng một nền đạo đức đích thực tôn giáo.

Nền đạo đức đích thực ấy dựa trên những thái độ cơ bản là không phải chỉ tin có Thiên Chúa mà phải tới chỗ tin vào Ngài.  “Tin có” và “tin vào” là hai động từ gói ghém những thái độ khác nhau lắm dẫu ở đó đều hiện diện chữ “tin.”  Không ít người tin có Thiên Chúa, nhưng để gọi được là tin vào Thiên Chúa thì còn phải hạ hồi phân giải tùy theo chất lượng chứng minh của cuộc sống.  Ông biệt phái tin có Thiên Chúa quá đi chứ, nhưng nếu hỏi “ông có tin vào Ngài chưa?” thì phải trả lời là chưa, mà ngược lại, thay vì tin vào Ngài, đời sống ông lại cho thấy chỉ tin vào mình, cậy dựa vào sức mình để kèn cựa sao cho người khác xem mình là công chính.

Còn ông thu thuế, dẫu không cầu nguyện dài lời cũng cho thấy ông là người đã tới mức tin vào Thiên Chúa và phó thác hoàn toàn cho Ngài.  Bởi thấy mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, nên ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa; bởi thấy mình đã bất chính trong vòng quay nghiệt ngã của nghề nghiệp, nên con người ông nếu có cái gì phải tiến dâng thì đó chính là cuộc đời tội lụy của tấm lòng tan nát khiêm cung cúi đầu đấm ngực xin ơn tha thứ.  Và bởi thấy mình chỉ đáng tội nên Thiên Chúa lại thấy ông chỉ đáng thương, nên bằng tình thương, Ngài đã ban ơn cho ông theo như ông tin vào Ngài.

Rõ ràng là tình thương Thiên Chúa ban cho con người như nước chảy về chỗ trũng, chỉ khi gặp tâm hồn khiêm tốn khai hoang, tình thương ấy mới có thể đổ vào tràn đầy chan chứa.  Hay nói cách khác, tình thương Thiên Chúa là một “tình cho không biếu không”, nhưng chỉ những ai đã gạt bỏ ảo tưởng về mình để nhìn nhận mình là không, người ấy mới có thể nhận được tình thương của Thiên Chúa.

Tin vào Thiên Chúa sẽ gặp được tình thương của Ngài, còn chỉ tin vào mình rốt cuộc lại gặp chính mình trong những ảo tưởng chất chồng.  Nhưng cũng phải thưa ngay rằng: luôn luôn có một sự quân bình giữa một đàng là tình thương Thiên Chúa và đàng khác là cố gắng của con người.  Chỉ ỷ lại vào tình thương Thiên chúa cũng sẽ rơi vào ảo tưởng như là chỉ ỷ y vào sức mình.  Thế nên, đạo đức đích thực chính là dung hòa giữa nỗ lực và cậy trông.  Xin mượn kiểu chơi chữ của thánh Augustinô để minh họa.  Ngài bảo ai càng cảm nhận về sự khốn cùng của mình, người ấy càng gặp được sự khôn cùng của tình thương Thiên Chúa.  Ai sống hết mình với cái miseria của mình, người ấy cũng biết cách để tiếp nhận cái misericordia của Thiên Chúa.  Giống như người say rượu một khi biết tật của mình mới hết khướt say.

3. Mũi nhọn thứ ba: cật vấn hôm nay

Với hai mũi nhọn trên, dụ ngôn đã trở thành sống động và sở dĩ còn sức sống đến hôm nay là vì mũi nhọn thứ ba: dụ ngôn là lời cật vấn gởi đến mọi kẻ tin, ngân vang tới mọi sinh hoạt tôn giáo và len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đời thường.  Thế nên vấn đề được đặt ra ở đây trên bình diện cá nhân cũng như tập thể với những thích ứng cần thiết là hãy thử nhận diện cuộc sống của mình và của cộng đoàn mình.

Có thể ta không gặp sừng sững một ông Biệt phái lộ liễu ngất ngưỡng ở trong lối sống đạo của ta, nhưng biết đâu cái ảo tưởng an toàn khi chu toàn các bổn phận trong đạo như ông biệt phái lại chẳng lây lan len lỏi lập lòe trong tâm thức của mình?  Biết đâu lúc này khác hơn một lần ta đã tự ru mình vào giấc ngủ “tự hào” khi bằng lòng với cách thể hiện đức tin hiện tại?  Biết đâu đó đây trong ngày sống ta đã chiều theo ý nghĩ so sánh đời ta với đời người khác về phương diện đạo đức, theo kiểu “Trông lên mình chẳng bằng ai, nhưng khi trông xuống chẳng ai bằng mình?”  Xưa Chúa Giêsu gọi đó là “men Biệt phái”, nay có lẽ nên gọi là “virus BP” xin tránh xa.  Nếu “virus BP” mà giống “dầu nhớt BP liên tục phát triển” như quảng cáo trên tivi thì nguy quá!  Trượt té dài dài.

Có thể ta thấy mình bỗng dưng gần gũi với ông thu thuế vì đời ta vương nhiều tội lụy, vì ta đi lễ thích đứng cuối nhà thờ, và vì ta cầu nguyện chỉ mong thật ngắn chẳng thích dài lời như Phúc Âm kể: “Ông thu thuế đứng đàng xa, không dám ngước mặt, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện: Lạy Chúa xin thương con là kẻ tội lỗi.”  Nhưng chưa chắc đâu, bởi ông thu thuế khiêm tốn hết mình để được thứ tha hết tình, còn ta có khi chỉ là khiêm tốn nửa mùa tưởng bở, như thoáng thấy qua trang Nhật Ký của Đức Gioan XXIII ngày nào: “Tôi tưởng mình là cậu bé Séraphim nhưng nhìn kỹ tôi lại thấy mình là một chú Lucife nhỏ”.

Và vượt lên tất cả chính là lời thầm nhủ: hãy tin vào tình thương của Chúa mà sống tốt cuộc sống Ki-tô của mình.  Với người này có thể trút bỏ những ảo tưởng tự hào, với người kia có thể là nhen lên lòng sám hối khiêm cung.  Riêng cá nhân tôi nhân ngày tròn bảy năm linh mục, cùng với lời tạ ơn Thiên Chúa, lời cảm tạ cha sở và cộng đoàn, cũng sẽ là một lời kinh âm thầm xin được luôn tin vào tình thương Thiên Chúa.

Chiều qua khi đang sắp xếp lại sách vở, nghe cassette nhà ai mở bài “L’amour c’est pour rien” với lời hát “Tình cho không biếu không chớ nên mua bán tình yêu”, bất giác tôi nghĩ về tình thương Thiên Chúa: một tình thương luôn sẵn cho đi, một tình thương chẳng chờ đợi gì, một tình thương không mong đáp trả, một tình thương mãi mãi thứ tha.

Cầu chúc mọi người luôn tin vào tình thương Thiên Chúa để mãi vươn lên trong mọi cảnh ngộ cuộc đời, bởi xét cho cùng mỗi cảnh ngộ cũng là một dụ ngôn sống động ẩn chứa những mũi nhọn xung kích mời ta khám phá không ngừng.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

MÙI HƯƠNG CỦA ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

Mùi hương của đức khiêm nhường Theo Isaac người Syria, giám mục và là nhà thần học nổi tiếng ở thế kỷ thứ 7, một người thực sự khiêm nhường là người tỏa ra một hương thơm nhất định nào đó mà người khác sẽ cảm nhận được và ngay cả động vật cũng cảm nhận đến mức mà các động vật hoang dã kể cả rắn cũng bị thu hút và không bao giờ dám làm hại người này.

Và đây là lập luận của ngài, ngài tin rằng một người khiêm nhường tìm thấy được mùi hương của thiên đàng, khi đứng trước một người như vậy, chúng ta không cảm thấy mình bị phán xét, không có gì để sợ, và điều này đúng với cả động vật.  Họ cảm thấy an toàn bên cạnh người khiêm nhường và bị người đó thu hút.  Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người như Thánh Phanxicô Assisi có thể nói chuyện với chim muông và kết bạn với chó sói.

Dù đẹp như thế nào, có phải đây là câu chuyện cổ tích ngoan đạo hay đây là một ẩn dụ phong phú và nguyên mẫu?  Tôi thích nghĩ đây là ẩn dụ phong phú và có thể có một cái gì còn hơn nữa.  Quả vậy, đức khiêm nhường có một mùi hương, mùi của đất mùn, đất thó, mùi của thiên đàng.

Nhưng như thế nào?  Bằng cách nào mà một đức tính thiêng liêng lại tỏa ra một mùi hương vật lý?

Chúng ta có tâm thế, là những tạo vật vừa có thể xác vừa có tâm linh.  Vì thế trong chúng ta, thể chất và tâm linh là một phần của một và cùng một thực thể mà nó không thể nào tách cái này ra khỏi cái kia.  Cơ thể và tâm hồn chúng ta cũng giống như đường có màu trắng và có vị ngọt, độ trắng và độ ngọt không thể nào tách riêng ra được.  Cả hai có bên trong đường.  Chúng ta là một thực thể, không thể tách rời, là thể xác và tâm hồn, như thế luôn vừa là thể lý vừa là tâm linh.  Vì vậy, trên thực tế, chúng ta cảm nhận những chuyện về thể chất một cách thiêng liêng, cũng như ngửi những chuyện thiêng liêng qua các giác quan thể lý của mình.  Nếu điều này đúng, thì quả thật khiêm nhường tỏa ra mùi hương có thể cảm nhận được về mặt thể xác và khái niệm của Isaac người Syria không chỉ là một ẩn dụ.

Nhưng nó cũng là một ẩn dụ: chữ khiêm nhường có nguồn gốc từ tiếng la-tinh là mùn (humus) có nghĩa là đất: nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa này thì người khiêm nhường mà chúng ta biết là người sát đất nhất, và người có nền tảng nhất.  Người khiêm nhường có bàn chân đạp đất, là tiếp xúc với đất, mang mùi đất.  Hơn nữa, khiêm nhường là lấy chỗ hợp pháp như một mảnh nhỏ của đất, chứ không phải như một con người hay một cái gì đó tách khỏi đất.

Nhà thần nghiệm và khoa học gia nổi tiếng Pierre Teilhard de Chardin đôi khi đã diễn tả điều này trong lời cầu nguyện của ngài.  Trong nhiều năm, với tư cách là nhà cổ sinh vật học, ngài làm việc một thời gian dài trong các sa mạc hẻo lánh ở Trung quốc, có khi ngài soạn các lời cầu nguyện cho Chúa dưới hình thức mà ngài gọi đó là Thánh lễ cho thế giới.  Nói chuyện với Chúa trong tư cách linh mục, ngài kết hiệp tiếng nói của mình với chính tiếng nói của đất, nơi sự sáng tạo vật lý chính là đất, nền của đất, để có thể mở ra và nói chuyện với Chúa.  Là linh mục, ngài không nói cho đất; ngài nói như là đất, cho đất một tiếng nói, với những chữ có tác động:

Lạy Chúa, con đứng trước mặt Chúa như một sinh linh bé nhỏ của đất, để cho đất có tiếng nói: xin Chúa nhìn đến sự mở lòng ra của con, sự mở lòng ra của thế giới, sự bất trung của con, sự bất trung của thế giới; trong sự chân thành của con, sự chân thành của thế giới, trong đạo đức giả của con, trong đạo đức giả của thế giới; trong sự quảng đại của con, sự quảng đại của thế giới, trong sự quan tâm của con, sự quan tâm của thế giới, trong sự xao lãng của con, sự xao lãng của thế giới; trong ước muốn ca ngợi Chúa của con, trong ước muốn ca ngợi Chúa của thế giới, trong lợi ích riêng của con, trong sự quên lãng Chúa của thế giới.  Vì con là đất, là chút đất nhỏ, chút đất mở ra hoặc khép lại qua cơ thể của con, tâm hồn và tiếng nói của con.

Đây là khiêm nhường, một biểu hiện của khiêm nhường đích thực.  Khiêm nhường không bao giờ được nhầm lẫn với hình ảnh bản thân bị tổn thương như chúng ta thường thấy, với sự dè dặt quá mức, với sự rụt rè và sợ hãi hay với một nhận thức quá nhạy cảm về mình.  Thường thường khái niệm một người khiêm nhường là khái niệm về người nhận lỗi khi mình có lỗi, người không nhận lời khen (dù mình xứng đáng), người quá rụt rè để không thể thân tình tin tưởng thổ lộ, hay người quá sợ hãi hoặc tự ti ý thức, lo lắng sợ xấu hổ để không bao giờ mở lòng đi tới trước, và tặng cộng đoàn món quà của mình.  Những điều này có thể là những điều của người hiền lành và quên mình, nhưng do chúng ta chê chính mình khi phủ nhận tài năng của mình, đây là khiêm nhường giả tạo và xét cho cùng, chúng ta biết điều này, vì vậy điều này thường làm cho một người nào đó che giấu sự giận dữ của mình sẽ dễ trở thành người gây hấn thụ động.

Người khiêm nhường nhất mà các bạn biết là người vững chãi nhất, có nghĩa là người biết họ không phải là trọng tâm của trái đất nhưng cũng biết họ không phải là một mẫu vụn đất hạng hai.  Và người đó sẽ tỏa ra một mùi hương mang cả hương thơm của thiên đàng (món quà thần thánh) cũng như mùi hương của trái đất.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO: VAI TRÒ CỦA MỖI KITÔ HỮU

Từ ngày lãnh bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu nhận trong mình 3 sứ vụ: tư tế – ngôn sứ và vương đế.  Một trong ba sứ vụ đó – ngôn sứ – mỗi người được mời gọi cũng như phải có trách nhiệm với ơn gọi của mình.  Và, nhất là trước khi về Trời, Chúa mời gọi: “Các con hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”  Với lời này, mọi người phải nhớ nhiệm vụ loan báo Tin Mừng là không phải của riêng ai.  Có người thầm nghĩ là của giám mục, linh mục, tu sĩ hay người thuộc Ban Truyền Giáo…  Và như thế, cần phải cân chỉnh lại cách nhìn và nhất là cân chỉnh đời sống của mình.

Người ta vẫn thường nói có đạo rồi phải giữ đạo và chuyện này rất quan trọng.  Hay hơn thế nữa khi ta nghe nói “tin đạo chứ đừng tin người có đạo.”  Thật đau lòng và suy nghĩ cho những người có đạo.  Những người có đạo có thật sự giữ đạo hay không và có để người khác tin rằng mình có đạo hay không?  Hay mình chỉ là người đóng mác nhãn Kitô mà thôi, còn trong người mình chả có một chút gì Kitô cả.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, sứ mạng truyền giáo vẫn là sứ mạng căn cốt của người Kitô hữu.  Chả phải cứ lên đường loan báo Tin Mừng hay dự các hội thảo hội nghị, hay ra định hướng là truyền giáo.  Chuyện cần thiết nhất là phải sống cùng, sống với, và sống cho người khác như Đức Kitô thì mới gọi là truyền giáo.

Nếu nhắc đến truyền giáo mà không nhắc đến Đức Kitô quả là điều thiếu sót thật lớn và coi như chả có gì để nói.  Đơn giản vì chính Đức Kitô đã được Thiên Chúa, vì yêu thế gian đã ban cho con người để con người được cứu độ ngang qua cuộc đời hay nói đúng hơn là ngang qua đau khổ – cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.

Đức Kitô đã đến thế gian này và đón nhận kiếp người cũng như sống chết với con người với ơn gọi phục vụ ơn cứu độ.  Cái chết trên cây thập tự chính là lễ tế cuối cùng và tuyệt hảo nhất mà Chúa Giêsu đã dâng cho Chúa Cha để đền tội cho nhân loại hững hờ.  Cả cuộc đời Chúa Giêsu, đến thế gian không phải để được phục vụ nhưng đã phục vụ và làm giá chuộc cho nhân loại.  Nếu như Đức Kitô chỉ nhập thể nhưng không nhập thế thì coi như không hoàn thành sứ mạng và có thể xem ra vô ích.  Đức Kitô đã nhập thể và nhập thế.  Thật vậy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc (với các môn đệ), cùng đồng thân đồng phận với con người và nhất là đồng thân đồng phận trong con người tội lỗi để nâng người tội lỗi lên tầm cao mới là không chỉ sạch tội mà được ơn cứu độ.

Nhìn lại cuộc đời của nhà truyền giáo vĩ đại nhất mọi thời đại ta thấy Đức Giêsu đã vùi đời mình trong thân phận làm người và gần gụi con người đến mức không còn mức nữa.  Chúa Giêsu đã cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ và đã hủy đời mình ra không.  Chính vì như hạt lúa gieo vào lòng đất đó mà 12 hạt lúa khác và hàng ngàn, hàng vạn hạt lúa khác đã thối đi và sinh nhiều bông hạt.

Và ta thấy, công cuộc loan báo Tin Mừng mãi mãi là sự giằng co của biết bao nhiêu người khi đứng trước sứ mạng to lớn ấy.  Tôi phải làm gì?  Tôi phải sống như thế nào?  Tôi không có tiền thì sao truyền giáo?  Tôi không tri thức sao truyền giáo?  Tôi không có sức khỏe sao truyền giáo?  Có khi do suy nghĩ quá mà người ta đâm ra rối loạn tâm thần.

Ta cứ nhìn lại hành trình của những hạt lúa đã gieo vào lòng đất ít nhiều ta thấy cuộc đời của các Đấng như thế nào?  Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ với 4 bức tường nhưng đã trở thành bổn mạng của các xứ truyền giáo.  Một Gioan Maria Vianney đã hy sinh cả đời mình để phục vụ trong sứ mạng mục tử.  Một Phanxicô Xavie đã dong duỗi trên mọi nẻo đường…  Mỗi người một cách thế nhưng rồi có một cách thế chung là rập đời mình theo mầu nhiệm Thánh Giá Chúa.

Còn nếu nói phải nói gì thì hẳn ta nhớ Thánh Phaolô: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không nói những lời hoa mỹ nhưng đến với anh em bằng cả tấm lòng.”  Vâng!  Nếu dựa vào tiền bạc vật chất hay tài vặt để truyền giáo e rằng cần phải xem lại.  Khi ta vịn vào vật chất hay tài năng thì khi ấy ta đã lạc đường mất hướng.  Người ta sẽ không theo và tin anh khi anh giàu có ở giữa người nghèo đâu.  Người ta cũng chả tin anh khi anh nói hoa mỹ nhưng không sống như những gì anh nói.  Và nhất là ngày hôm nay người ta sợ anh định hướng lắm rồi hay không dám nói là người ta ngán ngẩm những con người định hướng.

Khi và chỉ khi anh sống với người ta và cùng ăn cùng uống, cùng làm việc với người ta thì khi ấy anh mới nói cho người khác về một Đức Kitô khác đang sống trong anh.  Không khéo thì anh sẽ sống khác Đức Kitô chứ không phải là một Đức Kitô khác.

Thực trạng đáng buồn là ngày hôm nay người ta nói nhiều quá và nói hay quá nhưng lại không sống.  Hội thảo, hội nghị người ta nói nhiều quá, người ta định hướng nhiều quá nhưng chưa bao giờ đưa ngón tay lay thử.  Ngày nay, người ta không cần định hướng nữa mà ngày nay người ta cần những người sống và chứng nhân.

Thật thế, ta thấy Hội Nghị có mở ra, Hội Thảo có bàn thảo và định hướng cứ đánh máy thì cũng chẳng làm được gì khi không thấy nhân chứng sống.  Ngày xưa, Đức Kitô hình như không ngồi bàn giấy để định hướng loan báo Tin Mừng.  Ngày xưa, chính Đức Kitô đã sống định hướng của mình bằng chính đời sống thật của mình.

Và như thế, nhân dịp Giáo Hội nhớ và mừng ngày khánh nhật truyền giáo, mỗi người chúng ta được dịp nhắc nhở chính mình về sứ mạng mà Chúa mời gọi.  Ta tự trả lời trước mặt Chúa về sứ mạng và ơn gọi của chúng ta.

Nếu như không có sức lực và hạn chế về mọi mặt, Lời Kinh Mân Côi trong tháng truyền giáo ngoại thường này chắc chắn sẽ là sức hút mãnh liệt cho công việc loan báo Tin Mừng đã đang và sẽ đến với những vùng anh chị em chưa biết Chúa.  Nếu như còn sống và sinh hoạt với cộng đồng thì chính lời ăn tiếng nói, cách sống của mỗi người sẽ minh chứng cho người khác biết mình là ai.  Khi thật sự mình sống trong tư cách một người có Chúa thật thì khi ấy lực hút người khác vào Đức Kitô sẽ khác.

Vẫn là những con người mong manh, mỏng dòn và yếu đuối, ta lại xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để trong hoàn cảnh sống, môi trường sống, ta hãy là người sống cùng, sống với, và sống cho người khác như Đức Kitô vậy.  Có như thế thì lời mời gọi truyền giáo trở nên sống động ngay trong chính cuộc đời của chúng ta.

Người Giồng Trôm

MỘT NỀN TẢNG CỦA ĐỨC TIN: SỰ CẦU NGUYỆN

Sau khi lên các phương kế để dụ Tư Mã ý vào hang động Thượng Phương, Khổng Minh đã sai quân sĩ bịt kín cửa hang rồi dùng hoả công để tiêu diệt viên tướng tài của nước Nguỵ.  Đang nắm chắc kết quả, một kết quả có thể xoay đổi tình hình thế sự thời tam quốc phân tranh lúc bấy giờ, hầu đưa nhà Thục thống nhất đất nước, thì bỗng một cơn mưa bất chợt đổ xuống dập tắt đòn hoả công của Khổng Minh và cứu sống Tư mã Ý.  Khi ấy Khổng Minh đã than rằng: “Mưu sự tại nhân.  Thành sự tại thiên.” Hai từ “trời định” mà dân gian thường dùng nói lên quan niệm về ý định của trời xanh đã chi phối cuộc nhân sinh một cách nào đó.

Niềm tin Kitô giáo cũng có cái nhìn về thiên mệnh nhưng hoàn toàn không theo kiểu thụ động, yếm thế.  Chúng ta tin nhận thánh ý của Thiên Chúa, nhưng sự tin nhận này không loại bỏ vai trò của sự tự do mà Thiên Chúa tặng ban cho con người.  Thiên Chúa không phải là một vị thần chuyên chế quyết định mọi chuyện thành bại hay được thua của con người.  Cách riêng những sự tốt xấu theo chiều kích luân lý thì đều có sự tham gia của sự tự do của chính con người.  Giáo lý Công giáo dạy rằng chỉ có hành vi nhân linh nghĩa là những hành vi bao hàm sự hiểu biết và tự do thì mới có giá trị luân lý.  Tuy nhiên để đạt được những điều tốt đẹp, Kitô hữu tin rằng phải cần đến ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự thiện hảo.  Chúa Kitô đề cập đến chân lý này qua hình ảnh cây nho, cành nho và Người đã khẳng định: “Không có Thầy anh em chăng làm gì được” (Ga 15,5).

Sách Xuất hành tường thuật cuộc chiến giữa quân Israel và quân Amalếch.  Trong khi tướng Giosuê đem quân đi giao chiến thì Môsê lên núi cầu nguyện.  “Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế” (Xh 17,11).  Dữ kiện này muốn nói rằng sự thắng thua của dân Israel là do bởi Thiên Chúa mà thôi.  Chính vì thế nhất thiết cần phải gắn bó với Thiên Chúa, đặc biệt bằng sự cầu nguyện.

“Luật của cầu nguyện là luật của niềm tin” (lex orandi, lex credendi).  Câu ngạn ngữ trên đã nói lên mối tương quan mật thiết giữa niềm tin với việc cầu nguyện, cầu nguyện riêng tư hay cầu nguyện công khai chính qua các cử hành Phụng Vụ.  Dĩ nhiên nếu hiểu văn phong dụ ngôn thì chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa chính của câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “ông quan toà chẳng sợ Thiên Chúa mà phải chào thua sự lì lợm của một bà goá” (x. Lc 18,1-8).  Ý nghĩa của câu chuyện dụ ngôn đã được thánh sử Luca nói ngay đầu đoạn tin mừng đó là “để dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” và cái lý do được nêu lên ở câu cuối đó là lòng tin.

Một vấn nạn: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).  Câu than thở của Chúa Kitô khiến chúng ta phải giật mình và cảnh tỉnh.  Khi nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, khi nền công nghệ ngày càng tinh xảo và tân kỳ, thì dường như sự tự cao tự đại đang ngày càng xuất hiện dưới nhiều hình thức.  Dù nhiều người với cái thói kiêu căng cho rằng ‘bàn tay ta làm nên tất cả…” đã từng “trắng mắt ra” khi đối diện với những nghịch cảnh vượt quá sức mình, thế nhưng vẫn còn đó những hình thái ngông nghênh cao ngạo bằng sự độc tôn, độc đoán, độc quyền, chuyên chế…  Những hình thức tự tôn vinh, thần thánh hoá bản thân hay tập thể của mình lên hàng muôn năm hay bất diệt vẫn còn nhan nhản đó đây.  Một khi sự tự tin đã biến thành sự tự tôn thì lòng tin vào Đấng Tối cao sẽ suy giảm và rồi sẽ biến mất.  Khi con người đã không còn tin vào Đấng Tối cao thì chắc chắn sẽ làm được sự gì tốt đẹp đúng nghĩa.  Như thế, lòng tin hay đức tin, nói theo ngôn ngữ Kitô giáo, chính là nền tảng của mọi thành quả tốt đẹp mà con người đạt được.

Kitô giáo luôn khẳng định rằng tin là đón nhận Thánh ý Thiên Chúa và dấn thân hết mình để sống theo thánh Ý đã lãnh nhận.  Hai mẫu gương lớn của lòng tin thường được giáo hội nói đến đó là Tổ phụ Abraham và Mẹ Maria.  Đang là người sinh sống bằng nghề chăn nuôi súc vật thế mà Abraham đã can đảm vâng nghe lời Thiên Chúa mời gọi lên đường đi đến nơi chưa từng biết.  Nếu nơi ấy là nơi thiếu cỏ hay thiếu nước thì việc chăn nuôi sẽ phá sản.  Tuổi đã cao, người phối ngẫu đã qua thời sinh nở thế mà Abraham vẫn vâng lệnh Thiên Chúa để hiến tế người con trai duy nhất, kẻ sẽ nối dõi tông đường, người sẽ giúp ông tránh được sự bất hiếu với tổ tiên.  Khi đón nhận và “xin vâng” như lời sứ thần truyền thì Mẹ Maria đã chấp nhận sự hiểu lầm của người bạn đời, Giuse và chấp nhận cả cái án hình bị ném đá theo luật bấy giờ.

Làm sao có thể đón nhận và thực thi Thánh ý Chúa nếu chúng ta không gặp gỡ và lắng nghe Người phán dạy?  Và làm sao chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu không chuyên chăm cầu nguyện?  Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, gặp gỡ Thiên Chúa, kết hiệp với Người, lắng nghe Người phán dạy để rồi can đảm thực thi.  Cầu nguyện là cách thế biểu lộ niềm tin và cũng là phương thế củng cố niềm tin.  Vì chúng ta tin nên chúng ta cầu nguyện.  Nhờ chúng ta cầu nguyện nên niềm tin của chúng ta được củng cố.

Ai có thể tự hào rằng mình đã vững vàng trong đức tin?  Ai có thể tự nhận rằng mình sẵn sàng hy sinh mạng sống để thực thi giới luật yêu thương Chúa Kitô truyền dạy?  Ngoại trừ các thánh nhân, có thể nói chúng ta, từ người giáo dân hèn mọn đến vị mục tử trọng chức, thảy đều non kém đức tin, chưa dám xả thân, hiến mình để sống yêu thương đến cùng.  Chính vì thế việc chuyên chăm cầu nguyện là điều như tất yếu.  Tuy nhiên cần khẳng định rằng cầu nguyện không phải là để bắt Chúa thực hiện ý muốn của chúng ta, nhưng là để chúng ta biết cách thực thi thánh ý Chúa, nghĩa là để sống đức tin.  Và xin đừng quên đức tin chính là chìa khoá dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

CUỘC HOÁN CẢI NỘI TÂM CỦA THÁNH NỮ TERESA DE JESÚS THÀNH AVILA

Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu (Teresa Jesús) thành Avila (tục danh là Teresa de Ahumada y Cepeda), (1515-1582) là một trong những vị thánh người Tây Ban Nha nổi tiếng thời phục hưng.

Ngài là nhà cải tổ dòng kín Cát Minh (Carmel) cùng với thánh Gioan Thánh Giá (Joao de la Cruz) và là một trong những nhà cải cách của Giáo Hội trong thế kỷ XVI như thánh Inhaxiô (Inhã/ Ignatius Loyola), thánh Cagiêtanô (Cajetan de Roma), thánh Philipphê Nêri (Philip de Néri) Vinhsơn Phaolô (Vincent de Paul), thánh Phanxicô đệ Salê (Francis de Sales), thánh Giáo Hoàng Piô V với công đồng Trente…

Người ta vẫn thường hay bàn về những đặc ân cao siêu Chúa ban cho thánh nữ.  Đó là những cảm nghiệm thiêng liêng thần bí trong những cuộc xuất thần (ectasy), những sách thiêng liêng có tính mô phạm của thánh nữ trong đời sống tâm linh.  Những tác phẩm của ngài trở thành những kiệt tác về đường thiêng liêng cho những ai khao khát sống đời chiêm niệm…  Người ta vẫn thường hay nói ngài là vị thánh của những cơn xuất thần liên tục, vì tình yêu mến Chúa Giêsu của ngài mãnh liệt… Người ta vẫn còn kể những lần ngài xuất thần trong khi… chiên cá, tay cầm chảo cá và từ từ bay bổng, hay những cuộc đàm đạo về Chúa Ba Ngôi với thánh Gioan Thánh Giá mà kết quả là hai vị đều bay bổng trên không trung…  Người ta cũng khâm phục thánh nữ vì đã thành lập 17 tu viện nữ Cát Minh và đứng đầu công cuộc cải tổ đầy khó khăn cho dòng này.

Nhưng thật ra, đọc lại tiểu sử của ngài, có lẽ chúng ta sẽ không chỉ thấy những điểm sáng này ngay lập tức trong đời sống của vị thánh.  Nói cách khác, Têrêsa không phải là một người đã “thánh thiện từ trong nôi!”  Dù trải qua một tuổi thơ đạo đức với những tâm tình đơn sơ thánh thiện nhưng cũng buồn cười của một trẻ nhỏ (vì muốn nên thánh nên ngài rủ anh mình bỏ nhà đi tìm người Hồi Giáo để chịu tử đạo nhưng bị ông cậu phát hiện và tóm cổ về nhà), tuy nhiên, từ lúc là một thiếu nữ 14 tuổi cho tới tuổi 40, đường thiêng liêng của ngài không phải là một đường thẳng tắp.  Ở tuổi thiếu niên, chịu ảnh hưởng của bạn bè và chị em họ hàng, vốn là một người ăn nói có duyên, có sắc đẹp và quyến rũ, Têrêsa bắt đầu chưng diện và làm dáng theo kiểu cách của tầng lớp quý tộc.  Tuy nhiên, những cơn bệnh khủng khiếp là một cách Thiên Chúa tách Têrêsa ra khỏi hư ảo của thế gian phù phiếm mau qua.  Vào nhà dòng lúc tròm trèm 20 tuổi, những ngày đầu sống đời dâng hiến với những an ủi khi cầu nguyện làm cho người nữ tu của chúng ta ngây ngất mê say.  Tuy nhiên thời gian trôi qua, khi những hương sắc của tình yêu thuở ban đầu đã qua đi, người nữ tu này đã bị cám dỗ an phận và bằng lòng với mức “đại khái” trong đời tu, để rồi sống hời hợt như một tu sĩ không nghiêm chỉnh gì cho mấy(!).  Như bao nữ tu khác, Têrêsa đã sống theo kỉ luật lỏng lẻo của các đan viện bấy giờ, vốn lìa xa tinh thần nguyên thủy của dòng là sống đời chiêm niệm.  Trong thời gian đó, Chúa vẫn nhiều lần mời gọi Têrêsa, nhưng người nữ tu này vẫn không quyết định dứt khoát hẳn với thái độ nửa vời.

Đời sống thiêng liêng của Têrêsa, trong khoảng hai mươi năm, cũng chỉ tỏ ra bình thường không có sự sốt sắng đặc biệt nào, cho tới mùa chay 1554, khi đọc quyển Tự Thú (Confessions) của thánh Augustinô và suy ngắm trước hình Chúa chịu đánh đòn, ngài đã hoán cải để bước vào một đời sống sốt mến nồng cháy.  Từ đó, tình yêu Thiên Chúa của Têrêsa sẽ trở thành một “ngọn lửa thiêu đốt.”  Sáu năm sau, “thị kiến” hoả ngục làm Têrêsa hiểu được giá trị của các linh hồn và mối nguy mất linh hồn.  Lúc ấy người nữ tu này quyết định làm mọi sự để cứu rỗi các linh hồn.  Thế là bắt đầu thời kỳ thứ hai của cuộc đời Têrêsa Chúa Giêsu.  Lúc ấy ngài 40 tuổi.[1]  Chúng ta hãy nghe ngài nói: “Tôi lênh đênh gần hai mươi năm trên biển cả giống tố này.  Sa ngã luôn luôn và rồi chỗi dậy, nhưng chẳng hy vọng gì là tôi sẽ không ngã lại.  Tôi yếu đuối đến nỗi tôi khó có thể giữ mình khỏi phạm tội nhẹ, còn tội trọng, dù có sợ, tôi cũng không sợ cho đủ như tôi phải sợ.  Vì tôi đã không tránh được những dịp đưa đến nguy hiểm sa ngã.  Tôi có thể quả quyết đây là một trong những nếp sống khốn khổ nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra được.  Khi ở với Chúa, thì tôi bồi hồi xao xuyến vì những mối tình luyến ái ở thế gian.  Đây là một cuộc xung đột gay go tôi không biết làm sao có thể chịu được lấy một tháng thôi, nói chi tới là trong ngần ấy năm trời.”[2]

Ở một đoạn khác, ngài nói nỗi khốn khổ khi nghiêng ngửa trong lối sống này: “Đời tôi chất đầy những não nề, nhưng nhờ cầu nguyện mỗi ngày tôi biết rõ hơn về những lỗi lầm của tôi.  Một bên Chúa kêu gọi tôi, còn một bên tôi cứ theo thế gian.  Dường như tôi muốn dung hòa hai thái cực hoàn toàn mâu thuẫn này lại với nhau, đó là sự sống tinh thần và niềm hoan lạc với những vui thú và những lối tiêu khiển cho giác quan… Nhiều năm trôi qua đi như thế và bây giờ tôi ngạc nhiên làm sao con người có thể cứ ở trong tình trạng lưỡng vọng lâu như thế: không bỏ hẳn bên nào cả.  Tôi biết rõ là vào thời gian ấy tôi không thể bỏ cầu nguyện được nữa, vì để cho tôi thấy những hồng ân cao trọng hơn, thì chính Đấng đã dành lấy tôi cho một mình Người đã nâng đỡ tôi trong tay của Người.”[3]

Như vậy, chỉ tới khi cột mốc tuổi 40, Têrêsa mới thực sự quay lưng lại với thái độ chân trong chân ngoài, nghiêng ngửa trong đời tu của mình.  Và đây mới chính là cuộc hoán cải thiêng liêng sâu đậm và quyết định cho cuộc đời của Têrêsa.  Chính ngài viết: “Chúc tụng Thiên Chúa đời đời, Đấng trong giây lát đã ban sự tự do mà tôi đã cố gắng hết sức trong nhiều năm và đôi khi đã ức chế chính mình đến phương hại cho sức khỏe mà vẫn không bao giờ có thể đạt được.  Còn đây là công cuộc của Đấng toàn năng và là Chúa chân thật của mọi sự nên nó chẳng gây cho tôi đau khổ nào.”[4]  Một khi đã quay lưng với thế gian cách triệt để, Têrêsa mải miết bước những bước dài trong hành trình thiêng liêng.  Và ơn thánh Chúa biến đổi ngài cách lạ lùng, đến nỗi làm cho Têrêsa Chúa Giêsu thành một nhà cải cách mạnh mẽ về đời sống tận hiến ở thế kỉ XVI.  Têrêsa khao khát tinh thần về nguồn của dòng Kín Carmel không chỉ được tái lập ở tu viện nơi ngài sống, nhưng còn ở những nơi khác nữa.  Cùng với thánh Gioan Thánh Giá, và dĩ nhiên, với bao nỗi đắng cay và thử thách, ngài đã làm cho các đan sĩ Cát Minh trở về truyền thống linh đạo khởi thủy của mình.

Trong vườn hoa của Thiên Chúa, có muôn vàn bông hoa khác nhau.  Có những vị thánh đã thánh thiện từ nhỏ tới lớn như Aloysius (Louis) Gonzaga, Đaminh Saviô, Anê (Agnes) Montepulciano, có những vị chỉ được hoán cải nội tâm sau một cuộc đấu tranh dai dẳng.  Thánh Phanxicô thành Assisi, thánh Augustinô và nhiều vị thánh khác cũng có một quãng thời gian để hoán cải dài dẵng như thế đó.  Cái hay mà chúng ta thấy ở đây là ở chỗ này: Nếu Têrêsa đã là một vị thánh từ thuở ấu thơ như một số vị khác, có lẽ chúng ta khó bắt chước.  Nhưng chính ngài cũng đã biết bao lần thờ ơ trước lời mời gọi tiến sâu vào tình yêu Chúa Giêsu trong đời sống tận hiến.  Chính Têrêsa cũng bao lần giả điếc làm ngơ trước tiếng lương tâm của mình để sống trọn vẹn cho Chúa.  Chính thời gian dài thờ ơ nguội lạnh trong tâm hồn mà sau này ngài có vô vàn những kinh nghiệm để truyền lại cho những người đi sau ngài, để đừng rơi vào thái độ đó như ngài.

Chúng ta chẳng cảm nghiệm những điều tương tự như vậy sao?  Thánh Têrêsa Avila đã đến với Chúa bằng tất cả con người mình, không bỏ mất chút gì trong những đức tính bẩm sinh: trí thông minh, lòng cương nghị, sự tế nhị và can đảm.  Dù đạt tới độ kết hợp với Chúa một cách phi thường, thánh nữ vẫn luôn luôn là một người phụ nữ dễ thương, duyên dáng, dung dị.  Ngài đã thuyết phục được phe chống đối đường lối cải cách của mình nhờ ơn Chúa và sự thánh thiện đã đành, nhưng cũng nhờ tính tình tự nhiên, tế nhị, dễ thương, khéo léo, kể cả óc hài hước, dí dỏm.  Điều đó chứng tỏ ân sủng không huỷ diệt, nhưng hoá giải và nâng cao bản tính tự nhiên của con người.  Nói cách khác, sự hoạt động của Thần Khí Chúa trong thánh nữ là rất mãnh liệt, nhưng không hề làm phai nhạt bản tính tự nhiên của ngài, mà là thúc đẩy cho sự tăng trưởng như những cành nho tươi tốt trổ sinh hoa trái màu mỡ nhờ dòng nhựa chan hoà sự sống từ thân cây nho.[5]

Thánh Têrêsa Chúa Giêsu dường như đoan chắc với chúng ta bất cứ ai cũng có thể trở nên “tuyệt vời”, nếu thực sự dâng trọn trái tim cho Chúa Giêsu để Ngài toàn quyền hoạt động.  Không phải ai cũng là người vĩ đại như ngài, nhưng ai cũng có thể trở nên tuyệt vời như ngài. Không phải ai cũng được những ơn cao siêu trọng đại như ngài vì Thánh Ý Chúa định cho mỗi người mỗi khác, nhưng ai cũng có thể phó thác và suy phục (surrender) hoàn toàn để Thánh Ý Chúa thể hiện trong đời mình.  Không phải ai cũng có thể có khả năng miêu tả những đặc ân và trạng thái trong đời sống thiêng liêng sâu sắc như ngài, nhưng ai cũng có thể có khả năng vươn tới tầm mức viên mãn thánh thiện nhất mà Chúa mong ước, một khi để cho Chúa hành động.  Bởi vì, “mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai.” (Oscar Wilde)

Con chiên nhỏ
congiao.info

———————

[1] memaria.net

[2] THÁNH TÊRÊSA CHÚA GIÊSU, Tiểu sử Tự thuật, 1565, chương 8, số 2, trang 62

[3] THÁNH TÊRÊSA CHÚA GIÊSU, Tiểu sử Tự thuật, 1565, chương 7, số 17, trang 57

[4] THÁNH TÊRÊSA CHÚA GIÊSU, Tiểu sử Tự thuật, 1565, chương 24, trang 202-203

[5] JM. Lam Thy ĐVD, memaria.org

BÀI HỌC FATIMA CHO THÁNG MƯỜI

Chúng ta đang sống trong Tháng Mười, tháng biệt kính Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta có thể nhớ lại những lần Đức Mẹ hiện ra và nói về Chuỗi Mân Côi.

Năm 1917, ba trẻ mục đồng ở Fatima, Bồ Đào Nha, đã được gặp Đức Mẹ tại Cova da Iria, nơi chúng đang chăn đàn chiên gần những ngọn núi gần nhà.  Lucia, Francisco và Jacinta đã đi vào lịch sử về lòng sùng kính các em dành cho Đức Mẹ vì sứ điệp mà các em có thể trao cho thế giới để cảm ơn Mẹ Thiên Chúa đã ưu tiên thăm viếng các em.  Đây là 10 bài học Đức Mẹ Fatima dạy về việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.

1. Cầu nguyện có chủ tâm

Khi Đức Mẹ gặp các em, chúng có thể nhận biết sức mạnh của lời cầu nguyện của chúng.  Khi người ta biết chuyện lạ, họ xin các em chuyển ý nguyện với Bà Đẹp mà các em gặp mỗi tháng vào ngày 13 tại Cova da Iria – từ tháng Năm tới tháng Mười.  Người ta trĩu nặng vì các vấn nạn của thế giới này, và luôn có nhiều ý nguyện để cầu xin.  Ba trẻ trở thành những chiến binh cầu nguyện thực sự, quyết tâm cầu nguyện cho người khác, kể cả các nhu cầu lớn lao của thế giới này.  Các em đặc biệt cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho các linh hồn và xin hòa bình cho thế giới.

2. Kinh Mân Côi là cách tốt để suy niệm cuộc đời Đức Kitô

Mỗi ngày, một Kitô hữu có thể đọc Kinh Mân Côi và suy niệm về cuộc đời Đức Giêsu Kitô.  Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Fatima là nền tảng các mầu nhiệm về Sự Sống và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô.  Bắt đầu mỗi chục kinh, một mầu nhiệm được chú ý để suy niệm, và chúng ta cùng sống mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô.

3. Bình thường nên đọc Năm Chục Kinh

Đức Mẹ yêu cầu các em đọc trọn terço – tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là cả năm chục kinh Mân Côi.  Cảm ơn Thánh Gioan Phaolô II, vì chúng ta ngày nay có thêm Năm Sự Sáng, và cảm ơn Chân phước Bartolo Longo, tổng cộng có 20 mầu nhiệm Mân Côi.  Có thể người ta không đủ kiên nhẫn đọc 15 chục kinh hoặc 20 chục kinh, nhưng 5 chục kinh là mức trung bình mà đa số chúng ta có thể thực hiện.

4. Kinh Mân Côi là cách tốt để chống chiến tranh

Ba trẻ được gặp Đức Mẹ trong thời gian chịu nỗi thống khổ của Thế Chiến I.  Mặc dù các em không tiếp xúc với chiến tranh, nhưng các em được động viên cầu xin cho chấm dứt chiến tranh.  Các em nhận Chuỗi Mân Côi như một loại vũ khí khác để chấm dứt chiến tranh.

5. Kinh Mân Côi là cách tốt để xin hòa bình

Ngoài việc cầu xin cho chiến tranh chấm dứt, Kinh Mân Côi còn là phương cách để đạt được sự bình an riêng mỗi cá nhân.  Ba trẻ trở nên những tông đồ đích thực của Kinh Mân Côi và có thể đạt được bình an nội tâm, mặc dù các em phải chịu nhiều đau khổ vì ý kiến của người khác – xã hội và gia đình.

6. Kinh Mân Vôi là cách tốt để cứu các linh hồn

Lời nguyện Fatima sau Kinh Sáng Danh là lời nguyện cầu cho các linh hồn, lời nguyện này do chính Đức Mẹ dạy các em.  Lời cầu xin này thấm vào việc đọc Kinh Mân Côi thường xuyên, người ta trở nên quen cầu xin theo ý nguyện tốt lành: cầu xin Ơn Cứu Độ cho các linh hồn.

7. Kinh Mân Côi là cách đối thoại riêng

Kinh Mân Côi có ảnh hưởng sâu sắc tới ba trẻ.  Các em lãnh nhận nhiều ơn lành nhờ được gặp Đức Mẹ, nhưng các em cũng cũng được giới thiệu cách sống đời sống cầu nguyện thực sự để giúp các em bước đi trên con đường đối thoại riêng.  Việc cầu nguyện thường xuyên làm thay đổi thái độ và ước muốn trong cuộc sống.

8. Kinh Mân Côi là cách tốt để học cầu nguyện

Kinh Mân Côi ngắn gọn và dễ cầu nguyện.  Đó là cách tốt để học cầu nguyện.  Đó cũng là lời cầu nguyện vừa bằng lời nói vừa bằng tâm trí.  Sự lặp đi lặp lại các từ ngữ là lời cầu bằng lời nói và là cách cầu nguyện dễ dàng nhất.  Sự kết hợp với việc suy niệm các mầu nhiệm là lời nguyện tâm trí.  Như vậy, người đọc Kinh Mân Côi đi vào lời cầu nguyện, bắt đầu bằng những gì quen thuộc và chuyển tới những gì khó khăn hơn.

9. Kinh Mân Côi là cách tốt để cầu nguyện liên lỉ

Kinh Mân Côi có thể trở nên thói quen tốt trong cuộc sống hằng ngày, giúp các Kitô hữu đáp lại lời động viên của Thánh Phaolô về việc cầu nguyện không ngừng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng.  Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.  Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18).  Đức Mẹ không yêu cầu ba trẻ đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, nhưng cầu nguyện luôn luôn.

10. Sự lặp đi lặp lại trong Kinh Mân Côi là tặng phẩm

Một số người cho rằng sự lặp đi lặp lại trong Kinh Mân Côi gây nhàm chán.  Tuy nhiên, sự lặp lại này làm cho người ta suy niệm ý nghĩa của các câu chữ và có thời gian để cầu nguyện.  Trong một thế giới tìm cách xâm chiếm cả các ý tưởng riêng, sự lặp lại trong Kinh Mân Côi giúp tạo nên khiên thuẫn để bảo vệ đời sống nội tâm của chúng ta.  Điều quan trọng nhất khi đọc Kinh Mân Côi là chúng ta đối xử với Đức Maria là Mẹ Hiền của chính chúng ta.

Lạy Đức Mẹ Fatima, xin cầu cho chúng con.  Lạy Hiền Mẫu của chúng con, xin nguyện giúp cầu thay.

Lm. Nicholas Sheehy, L.C (Legionaries of Christ – Dòng Đạo Binh Chúa Kitô)
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ

Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu khổ hình, hoàn thành việc cứu độ.  Chính lúc đi ngang qua Samaria, nhất là qua việc cứu chữa mười bệnh nhân phong, Chúa cho thấy một vài đặc điểm của ơn cứu độ.

Ơn cứu độ là phổ quát

Chúa muốn cứu độ hết mọi người không loại trừ ai.  Nên Chúa đi qua Samaria.  Samaria là vùng đất cấm kỵ đối với người Do Thái.  Đó là vùng đất ngoại đạo.  Đó là vùng đất ô uế.  Người Do Thái và người Samaria không giao thiệp với nhau.  Nhưng Chúa đã vượt qua ranh giới cấm kỵ đó.  Chúa muốn đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Tại Samaria Chúa còn gặp gỡ mười người phong cùi.  Lại một cấm kỵ nữa.  Người phong cùi vốn bị coi là hạng người tội lỗi, ô uế.  Ai gặp họ đều trở nên ô uế.  Họ bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.  Tại Samaria, những người phong cùi là những người ở tầng lớp cuối cùng của xã hội.  Chúa đem ơn cứu độ cho mọi người, kể cả những người bị khinh miệt nhất, bị quên lãng nhất, bị hất hủi nhất.  Ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người.  Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng.

Ơn cứu độ là nhưng không

Không ai dám nghĩ đến việc mời Chúa xuống trần gian.  Không ai có công trạng gì khiến Chúa phải xuống trần gian để tưởng thưởng hay để đền đáp.  Chúa xuống trần gian hoàn toàn do lòng nhân từ yêu thương của Chúa.  Cũng thế, người Samaria hoàn toàn bất ngờ khi Chúa đến miền đất của họ.  Những người phong cùi lại càng không bao giờ dám mơ tưởng tới.  Bản thân họ đã bị lên án, bị loại trừ rồi.  Ngay việc gặp một người bình thường đã không được phép, huống chi là gặp gỡ Chúa.  Nhưng Chúa đã đến gặp gỡ họ, ban ơn cứu chữa họ.  Hoàn toàn nhưng không.  Họ chẳng có công gì.  Họ chẳng có quyền đòi hỏi gì.  Họ chỉ có nỗi đau khổ tột cùng.  Chính nỗi đau khổ đó đã khơi dậy lòng yêu thương của Chúa.  Vì Chúa là tình yêu thương.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm tin

Tuy ơn cứu độ được ban rộng rãi và nhưng không, nhưng để đón nhận đòi phải có niềm tin.  Những người phong cùi hôm nay đã bày tỏ niềm tin qua hai thái độ.  Thái độ thứ nhất là đồng thanh lớn tiếng kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Lạy Thày Giêsu, xin cứu chúng tôi.”  Danh Thánh Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu.  Từ cùng tận nỗi đau khổ, những người phong cùi đã kêu van bằng tất cả tấm lòng tha thiết và với niềm tin vững chắc.  Chỉ có Chúa mới thương xót họ.  Chỉ có Chúa mới đủ quyền năng cứu chữa họ.  Thái độ thứ hai là đi trình diện với thày tư tế.  Chúa không chữa họ ngay nhưng bảo họ đi trình diện với thày tư tế.  Dù chưa được khỏi, nhưng họ vẫn tin tưởng lên đường.  Đang khi đi đường thì họ được khỏi.  Đức tin đã chữa họ.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm vui

Đây là niềm vui trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người.  Cốt lõi của ơn cứu độ là thiết lập mối tương giao, cho con người được trở nên con cái Thiên Chúa, đồng hưởng hạnh phúc với Chúa.  Đó là cội rễ của niềm vui, niềm hạnh phúc.  Chín người bệnh không trở lại chỉ có niềm vui được khỏi bệnh, nhưng không có niềm vui trong mối tương giao với Thiên Chúa.  Họ có đức tin cầu xin nhưng thiếu đức tin gặp gỡ với Thiên Chúa.  Niềm vui được khỏi bệnh rồi cũng sẽ nhạt phai.  Chỉ có một người trở lại tạ ơn.  Anh trở lại vì mối tương giao.  Anh nhận biết nguồn gốc niềm vui của mình.  Anh sụp lạy Chúa vì biết nguồn gốc hiện hữu của mình.  Anh đã tìm thấy nguồn cội ý nghĩa đời mình.  Niềm vui của anh sẽ còn mãi mãi.  Đời anh sẽ là một đời tạ ơn không ngừng.

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến gặp gỡ Chúa để tạ ơn Chúa.  Chính niềm vui tạ ơn này đem đến cho con hạnh phúc suốt đời.  Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt