HIỂU RÕ HY SINH

Chúng ta nghĩ gì khi nói mình hy sinh?  Tôi hy sinh nghề nghiệp vì con cái!  Tôi hy sinh rất nhiều cho công việc!  Tình yêu đòi hỏi chúng ta rất nhiều hy sinh!  Đôi khi chúng ta phải hy sinh chính đời sống để giữ chính trực!  Chúa Ki-tô hy sinh chính mình vì tội lỗi chúng ta!  Bí tích Thánh Thể là một hy sinh!

Từ các thành ngữ chung này, chúng ta xem thêm định nghĩa của hy sinh trong tự điển Webster: Từ bỏ một cái gì có giá trị để mưu ích cho một cái khác.

Đây là một định nghĩa đúng, nhưng nội dung còn hàm chứa nhiều điều hơn là mới nhìn lướt qua, rõ rệt hơn khi chúng ta xem lại khái niệm về hy sinh trong Sách Thánh của Do Thái và Kitô giáo.  Lấy ví dụ câu chuyện hy sinh I-xa-ác của tổ phụ Áp-ra-ham.  Đâu là lời kêu gọi tối hậu của Chúa khi Chúa đòi hỏi ông Áp-ra-ham hy sinh I-xa-ác.

Đây là các yếu tố bên ngoài của câu chuyện: Đã từ lâu Áp-ra-ham không có con trai.  Cuối cùng, khi mọi hy vọng của loài người không còn, bà Xa-ra thụ thai và sinh cho ông một đứa con trai, I-xa-ác, người Áp-ra-ham mô tả là “độc nhất”, “quý nhất” của ông.  Nhưng Chúa xin ông dùng I-xa-ác làm vật hiến tế.  Với tấm lòng nặng trĩu, Áp-ra-ham đồng ý và cùng I-xa-ác, hai cha con mang củi, lửa lên đường.  Trên đường đi, ông phải trả lời các câu hỏi hiếu kỳ của con vì sao họ không mang vật hiến tế đi theo.

Khi đến nơi, Áp-ra-ham nhóm củi, đốt lửa, trói I-xa-ác, rồi đưa dao lên cổ để giết.  Nhưng Chúa can thiệp.  Cuộc hiến tế ngưng lại, Chúa cho Áp-ra-ham con cừu đực làm vật hiến tế.  Câu chuyện kết thúc, ông Áp-ra-ham cùng I-xa-ác đi về trên vùng đất riêng của mình.  Đâu là bài học sâu xa trong chuyện này?

Ở một mức độ, bài học là Chúa không muốn con người hy sinh, nhưng ở một mức sâu thẳm hơn, mật thiết hơn, bài học tự trong lòng dạy chúng ta một cái gì về một nhu cầu sâu thẳm bên trong tâm hồn chúng ta, nhu cầu được tỏ tấm lòng muốn hy sinh.  Nói cách khác, bài học như sau: Để một cái gì đó được nhận như quà tặng, nó phải được nhận hai lần.  Điều này ngụ ý gì?

Theo định nghĩa, món quà là vật được tặng, tự nguyện cho, không buộc phải xứng đáng mới được nhận.  Phản ứng đầu tiên khi chúng ta nhận quà là gì?  Là câu trả lời bộc phát: “Tôi không thể nhận!  Tôi không xứng đáng nhận!”  Phản ứng bộc phát lành mạnh này là ngụ ý trả lui lại món quà.  Nhưng đương nhiên, người cho từ chối, họ trao lại món quà với lời trấn an: “Nhưng tôi muốn bạn nhận món quà này!”  Khi nhận lần thứ nhì, bây giờ món quà mới thật của mình, vì, khi muốn trả lại món quà, chúng ta nhận ra đây đúng là món quà không xứng đáng mà được hưởng.

Đây đúng là năng động trong câu chuyện hiến tế I-xa-ác.  I-xa-ác là món quà lớn nhất trong cuộc đời Áp-ra-ham, món quà ông không xứng đáng được hưởng.  Ý chí muốn hy sinh của ông đi đôi với hành vi bộc phát: “Tôi không xứng đáng được!  Tôi không thể nào nhận món quà này!”  Ông trả lại món quà.  Nhưng người cho, chính là Tình Yêu, chận đứng hành vi hy sinh và trả lại món quà.  Bây giờ Ap-ra-ham mới dám nhận I-xa-ác như một món quà, không mặc cảm có tội.  Khi họ cùng nhau đi về nhà, bây giờ I-xa-ác là đứa con theo một cách khác đứa con trước đây của ông.  Áp-ra-ham đã nhận món quà hai lần khi hy sinh món quà lần đầu.

Đó là cốt tủy của hy sinh: Để nhận cho đúng một cái gì, ngay cả chính cuộc đời chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải biết nhận thức đó là món quà, một cái gì không xứng đáng mà được hưởng.  Và đã nhận món quà thì phải hy sinh, vui lòng cho lại một phần hay trọn món quà cho người đã cho.

Đây là năng động ngụ ý trong tục lệ hiến tế ngày xưa.  Ví dụ: Nhà nông gặt hái vụ mùa.  Nhưng trước khi ông và gia đình ăn no, ông phải lấy một ít (hoa quả đầu mùa) dâng lên Chúa dưới hình thức hiến tế, thường thường đốt để khói bay lên trời, xem như một ít hoa quả dâng trả lại Chúa vì họ xem hoa quả này là món quà Chúa cho họ.  Sau khi hy sinh theo kiểu này, người nông dân và gia đình mới thoải mái ăn no mà không có mặc cảm mang tội vì, qua hành vi trả lại người cho, họ ý thức đó là món quà.  Bây giờ họ mới thưởng thức mà không mang mặc cảm tội, vì họ đã hy sinh, họ đã biết đây là món quà.

Đó là cốt tủy bên trong của mọi hy sinh, dù hy sinh nghề nghiệp vì con cái hay hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá.  Hy sinh là nhận biết món quà là món quà.  Giống như ông Áp-ra-ham, cố gắng trả lại món quà cho người cho, nhưng người cho chận lại sự hy sinh và cho ông lại một cách sâu xa hơn.

Chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống sâu đậm hơn nếu chúng ta hiểu được điều này.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH NỮ MARIA GORETTI BÔNG HUỆ NHỎ NHUỐM MÁU

*Bông Huệ nhỏ tuyết trinh nơi đồng nội,
Vượt lên cao tràn ngập nắng hồng ân,
Gió mưa lay, không vương mắc bụi trần,
Đẹp lòng Chúa, đem về vườn Thiên quốc.

“Xin kính chào Vị Nữ Thánh khả ái!  Hỡi Vị Tử Đạo dưới đất và Thiên Thần trên trời!

Từ nơi vinh quang, xin ghé mắt nhìn xuống đoàn con đây, đang yêu mến, tung hô và chúc tụng Ngài.  Trên vầng trán Ngài ghi rõ danh tánh chói sáng hiển vinh của Chúa Kitô chiến thắng.  Trên khuôn mặt tinh khiết Ngài tỏa sáng sức mạnh tình yêu và lòng kiên trung với Đức Lang Quân Chí Thánh.  Ngài là Vị Hiền Thê dùng chính máu đào mình họa lại hình ảnh Chúa Kitô.  Hỡi vị Nữ Thánh quyền uy cạnh ngai tòa Chiên Thiên Chúa, xin phó dâng lên Ngài những người đang có mặt nơi đây, cũng như những người đang kết hợp cách thiêng liêng với chúng tôi.  Tất cả đều ngưỡng phục lòng anh hùng của Ngài, nhất là muốn bắt chước Ngài trong nhiệt tâm giữ vững đức tin và bảo toàn phong hóa cao quí.

Từ nay các bậc làm cha mẹ chạy đến kêu cầu, xin Ngài trợ giúp trong nhiệm vụ giáo dục con cái.

Xin đặt vào vòng tay Ngài một trẻ thơ, cùng thanh thiếu nữ, hầu Ngài bảo vệ chúng thoát khỏi mọi hiểm độc và an vui bước trên đường đời trong niềm hoan lạc của những con tim trong trắng.

Ước gì được như vậy.”

Đó là lời Đức Thánh Cha Piô 12 vào chiều thứ bảy 24/6/1950 trong khung cảnh Năm Thánh, khi tuyên phong Hiển Thánh cho thiếu nữ đồng quê 12 tuổi MARIA GORETTI, trước sự hân hoan nồng nhiệt của 500 ngàn khách hành hương từ khắp nơi đổ về, cùng sự hiện diện của thân mẫu và gia đình cô.

Maria Goretti sinh 16/10/1890 tại vùng đồi thơ mộng gần thành phố Corinaldo, nước Ý.  Nhưng vì sinh kế cả gia đình phải chuyển đến vùng thôn quê sình lầy Ferriere di Conca.  Là chị cả trong một gia đình 6 anh chị em, cô luôn noi gương cha mẹ là người đạo hạnh và cần mẫn.

Sống trong cảnh nghèo túng, Goretti không được đi học, nhưng có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Tâm Chúa và Mẹ Maria Đồng Trinh.  Mồ côi cha từ năm lên 10, nhưng mỗi lần đi ngang mộ cha đều dừng lại cầu nguyện cho cha.

Gia đình sau khi cha mất trở nên túng quẫn hơn, cô luôn nâng đỡ tinh thần cho mẹ, xốc vác mọi việc trong nhà, đóng vai người mẹ thứ hai đối với các em, luôn săn sóc, dạy bảo và thúc giục các em cầu nguyện.  Mỗi lần đi dự lễ, cô phải đi bộ 2 giờ đồng hồ, luôn là người đến sớm nhất và về sau cùng.  Cô rẩt cẩn thận trong cách ăn mặc, nói năng hòa nhã khiêm tốn, tránh truyện trò thô tục… nổi bật nhất là nhân đức khiết tịnh như bông huệ tuyết trinh.

Từ ngày ba ngã bệnh rồi mất, để có người giúp đỡ công việc đồng áng và chia sẻ hoa lợi, gia đình cô phải đón nhận một gia đình khác gồm 2 bố con đến ở chung.  Người con trai 19 tuổi tên Alessandro, đầu óc tràn đầy ý tưởng xấu, nên luôn nhìn Goretti với con mắt dục vọng.  Cô luôn ở nhà săn sóc các em khi mẹ làm việc ngoài đồng.

Nên một hôm, Alessandro đến cám dỗ cô phạm tội, nhưng cô rất sợ hãi và từ chối rồi tìm cách tránh xa chàng.  Rồi 10 ngày sau, chàng ta lại dở trò cũ, cô khiếp sợ và nói: “Nếu anh làm điều đó, anh sẽ phải xuống hỏa ngục!”  Chàng ta túm lấy cô, nhưng cô dùng hết sức để vượt thoát và chàng đe dọa giết nếu tiết lộ với người khác.

Trưa ngày 5/7/1902, dưới nắng hè chói chang mọi người đang thu hoạch mùa đậu.  Chàng ngưng việc đi thẳng về nhà, thấy Goretti ngồi dưới chân cầu thang vá áo và trông chừng em ngủ.  Chàng ta mặt hầm hầm bước lên cầu thang vào phòng lấy một thanh sắt đã mài nhọn, quay xuống gọi: “Goretti vào đây nhờ một tí!”  Cô vẫn ngồi không nhúc nhích và không trả lời.

Anh ta nhào tới nắm tay cô kéo vào trong nhà.  Cô la lên: “Nếu làm điều đó anh sẽ phải xuống hỏa ngục.  Buông tôi ra!”

Điên lên vì bị từ chối, anh ta một tay nắm chặt tay cô, một tay cầm dao đâm túi bụi vào thân hình liễu yếu của cô bé.  Cô gào to kêu cứu, nhưng không ai bên ngoài nghe thấy.  Máu chảy thành dòng, tràn trên sàn nhà và cô gục ngã.  Nhưng cô còn tỉnh, cố lết tấm thân nát nhừ ra gần cửa kêu cứu.  Nghe tiếng kêu anh ta vội chạy lại, túm cổ cô đâm thêm nhiều nhát chí tử.  Cô bé bất hạnh phều phào kêu:

– “Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi!  Má ơi con chết mất!”  Rồi thiếp đi bất tỉnh…

Trong những giờ phút đau thương hấp hối, Goretti âm thầm cầu nguyện cùng Thánh Tâm Chúa và Mẹ Maria.  Cô sẵn sàng chờ đón giờ chết và tha thứ cho kẻ giết mình.  Khi Linh mục mang Mình Thánh Chúa đến, cô hớn hở đón nhận của ăn đàng trước khi về Thiên Quốc.  Ôm ghì Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ hôn kính rồi thiếp dần.  Những giây phút cuối đời, Goretti hơi thở bị tắt nghẽn vị bị ám ảnh những giây phút kinh hoàng phải đối phó với hành động xấu xa của Alessandro.  Cử chỉ vô cùng mệt nhọc chống cự với một người vô hình.  Sau cùng bằng sức tàn mong manh, cô vùng dậy như muốn trốn thoát, rồi trong giây lát lại buông mình nằm xuống bất động.  Linh hồn trinh trong và xinh đẹp của Goretti từ từ ra khỏi xác bay về Thiên Quốc.  Lúc đó là chiều Chúa nhật ngày 6/7/1902, một ngày sau khi cô bị đâm 14 nhát dao.

Sau khi qua đời, Maria Goretti đã làm nhiều phép lạ.  Nhưng phép lạ to lớn nhất là hoán cải được Alessandro, cô đã hiện về trong tù trao tặng chàng những bông huệ trắng tinh.  Từ ngày đó chàng sống khiêm nhường thống hối tội lỗi mình.  Chàng được phóng thích sau 30 năm tù và suốt đời sống độc thân.

Về sau chàng xin vào tu viện Dòng Phan Sinh Hèn Mọn Capuchin, miền bắc Ý, trở thành phần tử Dòng Ba, ngày ngày cần mẫn làm những việc hèn mọn cùng chay tịnh để đền tội đến trọn đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Ngày 28/4/1947, ĐTC Piô 12 phong Chân Phước cho Maria Goretti.

Ngày 24/6/1950, Ngài lại nâng lên bậc Hiển Thánh.

Rồi đặt Thánh Nữ làm Quan Thày và gương mẫu cho giới trẻ.

Hiện diện trong Lễ Phong Thánh, thân mẫu Thánh đã ngoài 80 tuổi và các em.

Maria Goretti trở thành vị Thánh tử Đạo vì bảo vệ đức Trinh Khiết khi mới 12 tuổi.

Hàng năm Giáo Hội mừng kính thánh Nữ vào ngày 6 tháng 7.

Lời kinh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 dâng kính Thánh Nữ:

“Hỡi Cô Bé của Thiên Chúa!

Cô đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương, cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống.  Cô cũng biết thế nào là nghèo đói, mồ côi và đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn, ân cần.  Cô sống tốt lành không khoe khoang và yêu mến Tình Yêu Chúa trên mọi sự, đã đổ máu đào để khỏi phản bội Chúa và tha thứ cho người đã giết mình, cầu mong hạnh phúc Thiên đàng cho anh ta.

Xin hãy bầu cử cho chúng tôi bên tòa Thiên Chúa Cha, cùng biết thưa vâng theo chương trình Thiên Chúa định liệu trên chúng tôi.

Hỡi Đấng là bạn hữu Thiên Chúa đang chiêm ngắm Chúa.  Xin cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi những ơn xin cùng Ngài.  Chúng tôi cảm tạ Ngài, hỡi Maria Goretti vì tình yêu Ngài dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại, mà Ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi- Amen.”

Đinh Văn Tiến Hùng
*Ghi chú: Dựa theo tài liệu của Raymond Thư, CMC

BÌNH AN

Nói đến các trường đại học nổi tiếng tại thủ đô Manila Phi Luật Tân, người ta không thể không nhắc đến đại học Ateneo de Manila của các Linh mục Dòng Tên.  Đây là một trong những trường cung cấp rất nhiều nhân tài cho nước Phi Luật Tân và dĩ nhiên là đa số học sinh và sinh viên của đại học này đều là thành phần khá giả trong xã hội.

Dưới chân trường học nằm trên một ngọn đồi này là một khu lao động nghèo mà có lẽ nhiều người không biết đến, và trong cái xóm nghèo nàn ấy có một cộng đoàn tu sĩ mà có lẽ nhiều người không biết đến, đó là cộng đoàn các tiểu đệ Charles de Foucaul, đa số các tu sĩ sống ở đây là người Việt Nam hoặc từng sống ở Việt Nam.

Một hôm, một Linh Mục Dòng Tên người Mỹ là giáo sư đại học Ateneo tình cờ đi lạc vào trong cái khu lao động ấy, điều làm cho ông ngạc nhiên là trong cái khu nghèo nàn đó lại có một người Bỉ, đây là một tiểu đệ đã sống ở Việt Nam gần 30 năm và đã bị trục xuất sau năm 1975.  Sau một hồi trao đổi với nhau, vị linh mục người Mỹ mới hỏi người Bỉ như sau: Ông làm gì ở đây?  Người Bỉ trả lời: Tôi đi chợ, tôi nấu ăn, tôi giặt quần áo, tôi sống với những người anh em nghèo trong khu lao động này.

Nghe thế vị linh mục người Mỹ như có vẻ tiếc rẻ sự hy sinh lãng phí của người Bỉ.  Ông nói về mình như sau: Còn tôi, tôi sang đây là để dạy học và thuyết trình.  Tôi đi đây đi đó, tôi đào tạo những người hữu ích cho xã hội.

Cuộc gặp gỡ và đối thoại trên đây giữa hai vị tu sĩ trong Giáo Hội, có lẽ cho chúng ta thấy được một số những khía cạnh khác nhau trong công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội.  Vị Giáo sư người Mỹ trên đây là điển hình cho một đội ngũ đông đảo các nhà truyền giáo trong xã hội trên khắp thế giới, từ thành thị cho đến thôn quê, từ học đường cho đến các xưởng, từ đất Kinh đến miền thượng… nơi nào cũng có những nhà truyền giáo ngày đêm hăng say truyền giáo và hoạt động.  Nếu có những nhà truyền giáo hăng say hoạt động và rao giảng, thì cũng có những nhà truyền giáo sống giống như chứng nhân Tin Mừng.

Việc tiểu đệ Charles de Foucaul người Bỉ trên đây có lẽ là tiêu biểu của không biết bao nhiêu nhà truyền giáo âm thầm lấy cuộc sống chia sẻ của mình như một chứng từ cho Nước Chúa.  Tựu trung tích cực hoạt động hay âm thầm sống chứng nhân, cả hai hình thức đều có chung một sứ mệnh, đó là làm chứng cho Đức Kitô và mở mang Nước Chúa.  Cả hai đều được sai đi, cả hai đều bị ràng buộc bởi một đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu đã đề ra cho các đồ đệ khi Ngài sai các ông lên đường rao giảng Tin Mừng.  Ngài nói với các ông: “Các con đừng mang theo túi, tiền, bao bị, giầy dép và đừng chào hỏi ai dọc đường.”  Như vậy, một cuộc sống siêu thoát một cuộc sống không lệ thuộc vào những của cải trần gian này, đó là biểu hiện tiên quyết của những chứng nhân Nước Trời.

Ra đi không hẳn là rời bỏ quê hương xứ sở của mình để đến một vùng đất xa lạ.  Ra đi thiết yếu là ra khỏi chính mình, ra khỏi con người ích kỷ của mình để đi đến với tha nhân trong tinh thần hòa giải, yêu thương, phục vụ quên mình.  Đó là ý nghĩa của mệnh lệnh mà Đức Giêsu trao ban các môn đệ khi Ngài nói: “Vào nhà nào trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này.”  Hiện diện với tha nhân bằng tinh thần chia sẻ, cảm thông, tha thứ, đó là sự ra đi đích thực của nhà truyền giáo.

Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo.  Điều đó có nghĩa là Giáo Hội phải thể hiện ý muốn của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo, nước của công lý, nước của hòa bình, nước của yêu thương, nước đó phải được tìm thấy trong Giáo Hội của Đức Kitô.  Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu chúng ta tự bản chất cũng là một nhà truyền giáo.  Điều đó cũng có nghĩa là những giá trị của Nước Trời cần phải được thể hiện trong chính cuộc sống của chúng ta.

Người tín hữu Kitô sẽ chỉ là người có tên gọi, có danh nghĩa mà không có thực chất nếu cuộc sống của họ chưa thực sự là một chứng nhân của Nước Trời.  Trong một xã hội nếu chỉ có những lời lẽ rêu rao và những khẩu hiệu rỗng tuếch thì con người chưa đạt được những thực tại của Nước Trời, hơn bao giờ hết người tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta đang đứng trước một thách đố lớn, đó là trở thành những điểm tựa đáng tin cậy, những chứng từ sống động của những thực tại Nước Trời.

Chúng ta sẽ phải sống như thế nào để những người xung quanh nhìn vào sẽ phải thốt lên sự bỡ ngỡ như các người Do thái ngày xưa nhìn vào các tín hữu tiên khởi đã phải thốt lên: “Xem kìa, họ thương nhau là dường nào.”  Kitô giáo thiết yếu là một sức sống, sức sống ấy chính là Đức Giêsu Kitô, và sống đạo là sống bằng chính sức sống của Chúa Giêsu và truyền đạt sức sống ấy cho mọi người xung quanh.  Chúng ta hãy xin Chúa mở rộng tâm hồn để đón nhận sức sống ấy và chia sẻ sức sống ấy với tất cả mọi người qua mọi thế hệ.

Sưu tầm

SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Tận hưởng giây phút hiện tại, ngày mai có việc của ngày mai!  Ai cũng muốn tận hưởng giây phút hiện tại.  Nhưng như tiểu thuyết gia người Ái Nhĩ Lan John McGahern nói: “Không có điều gì khó hơn là tận hưởng giây phút hiện tại!”  Tại sao?  Bởi vì chúng ta rất ngây thơ về chuyện này.

Chẳng hạn, như chàng thanh niên trẻ từng viết thư cho thi sĩ Rainer Marie Rilke than phiền anh muốn trở thành nhà thơ, nhưng cuộc sống thường ngày không tạo cho anh nhiều cảm hứng.  Anh phàn nàn cuộc sống của anh không phải là chất liệu cho thi ca, cuộc sống trong một ngôi làng nhỏ quá nhiều vất vả và áp lực.  Làm sao anh có thể làm thơ trong hoàn cảnh như vậy?  Chàng trai kết thúc bức thư nói rằng anh thèm có một cuộc sống như Rilke: thi sĩ được mến mộ, sống ở thành phố lớn, gặp được nhiều người thú vị.  Rilke dứt khoát không đồng ý với anh, ông hồi âm: “Cuộc sống hằng ngày có vẻ nhàm chán đối với bạn, hay bạn không đủ chất thơ để phát huy hết tất cả nét phong phú của cuộc sống này.  Vì đối với một thi sĩ, không đâu là không thú vị, không cảnh huống nào là không thú vị.”  Giây phút hiện tại vẫn còn đó để mình tận hưởng.

Robertson Davies, một văn sĩ nổi tiếng Canada kể lại câu chuyện tương tự, ông nói có lần ông nhận được bức thư của một chàng thanh niên nhờ ông viết thư giới thiệu xin tiền trợ cấp cho anh đi nghỉ mát ở Mê-xi-cô viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo, vì anh là một cây viết đầy triển vọng.  Davies trả lời ông sẽ không viết lá thư đó, không phải vì không muốn giúp anh, ngược lại ông còn chúc anh trở thành một nhà văn nổi tiếng, nhưng vì ông cảm thấy chàng trai có ảo tưởng sai lầm nghĩ rằng mình sẽ tận hưởng giây phút đó để viết tiểu thuyết.  Davies khuyên anh nên cẩn thận về tính lãng mạn đặt không đúng chỗ: “Bạn muốn viết một điều gì đó sâu đậm và đầy cảm hứng trong lúc uống rượu và đi bộ trên bãi biển chăng?”  Nhà thơ khuyến cáo, không phải như vậy mà viết được.  Hãy ở nhà và viết cuốn tiểu thuyết của bạn.  Bà Annie Dillard cũng đưa ra lời khuyên tương tự.  Bà thích viết trong một túp lều gỗ kín mít.  Đối với bà, tận hưởng giây phút hiện tại ở một nơi yên tĩnh thì dễ hơn là nơi đông đúc, nơi ai cũng thấy.

Những ví dụ này cho thấy chúng ta thường bỏ quên giây phút hiện tại vì chúng ta có một ý niệm quá lãng mạn, sai lầm giống như hai chàng thanh niên xin các ông Rilke và Davies giúp đỡ.  Bằng cách nào để chúng ta có thể tận hưởng giây phút hiện tại?

Tôi thích câu trả lời của David Steindl-Rast.  Ông đưa ra một ẩn dụ rất hay về ý nghĩa tận hưởng giây phút hiện tại: Đối với ông, chúng ta nên hưởng giây phút hiện tại bằng cách “gặp thiên thần của từng giờ”.  Những thiên thần này là ai?  Họ là tài sản phong phú duy nhất gắn liền với từng giờ.

Mỗi mùa, tùy theo niên lịch văn hóa hay tôn giáo đều mang đến một tinh thần, một tâm trạng, một cảm xúc nào đó mà thỉnh thoảng chúng ta níu giữ lại, nhưng đôi khi chúng ta lại để hụt mất.  Cũng vậy với các giây phút trong ngày – sáng, trưa, xế chiều, chiều, tối, khuya.  Mỗi khoảnh khắc có một ánh sáng duy nhất, một tác động duy nhất lên cảm xúc chúng ta, và nói theo kiểu ẩn dụ, mỗi khoảnh khắc có mỗi thiên thần riêng đem đến cho chúng ta các ơn huệ đặc biệt.  Chẳng hạn, ánh sáng bình minh khác với ánh sáng hoàng hôn.  Vì thế, thiên thần bình minh tác động lên chúng ta khác với thiên thần hoàng hôn.  Tận hưởng giây phút hiện tại là gặp các thiên thần và để họ ban phúc lành cho chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta rất dễ quên điều này.  Ai trong chúng ta cũng đã từng nói: “Năm nay tôi bận rộn và căng thẳng đến nỗi quên khuấy mùa xuân đã trôi qua.”  “Năm nay tôi không chuẩn bị được lễ Giáng Sinh, bạn tôi vừa chết đầu tháng mười hai.”  “Tôi hụt mất mùa Chay năm nay.  Tôi lu bu nhiều việc đến nỗi mùa chay đến và đi hồi nào không hay.  Bạn biết những chuyện này xảy ra như thế nào rồi còn gì!”

Đúng là chúng ta đều đã làm như vậy.  Nhiều thứ ngăn cản chúng ta đến với các thiên thần của mỗi giờ – bận rộn, mệt mỏi, tiêu khiển, đau buồn, giận dữ, mơ mộng, căng thẳng, hấp tấp.  Bỏ quên một mùa đặc biệt cũng dễ và bỏ quên một buổi sáng, một buổi chiều, một buổi tối, hay một ngày bình thường lại càng dễ hơn.

Chúng ta phải làm gì để không bỏ quên những giây phút này?  Chúng ta cần cầu nguyện.  Đơn giản: Nếu chúng ta không cầu nguyện vào một buổi sáng nào đó, sự thiếu sót này làm mất lòng Thiên Chúa.  Chúng ta không được Chúa trợ giúp khi cầu nguyện.  Cầu nguyện là món quà, không phải là món nợ.  Nhưng, nếu chúng ta quên cầu nguyện vào một buổi sáng nào đó thì kinh nghiệm trở đi trở lại cho thấy, một cách rõ ràng, mối nguy hiểm thật sự là chúng ta cũng sẽ bỏ quên luôn cả buổi sáng hôm đó.  Buổi sáng sẽ đến và đi và chúng ta sẽ không gặp lại các thiên thần của buổi sáng – ánh sáng, tâm trạng, tinh thần, và sự tươi mới độc đáo của nó nữa.  Buổi trưa sẽ túm lấy chúng ta thậm chí trước khi chúng ta kịp nhận ra vừa có một buổi sáng.  Mặt trời buổi trưa và chiều sẽ mang đến những thiên thần mới, nhưng khi chúng ta bỏ quên các thiên thần buổi sáng, chúng ta cũng có thói quen bỏ quên luôn các thiên thần buổi trưa.  Một ngày sẽ đến và sẽ đi và chúng ta sẽ không giữ lại được… và nó cũng chẳng thay đổi gì quan trọng, theo cách nói của ơn huệ và hân hoan trong cuộc sống dù cho chúng ta có đang dạo bước trên bờ biển Mê-xi-cô hay ngồi trong túp lều gỗ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI