LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần.  Trong thực tế, chúng ta thường hay nói về Chúa Con, ít nói tới Chúa Cha, và rất hiếm khi nói về Chúa Thánh Thần.

Hôm nay, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là dịp thuận tiện để chúng ta nói về Chúa Thánh Thần: Ngài là ai?  Hoạt động của Ngài như thế nào?  Bổn phận của mỗi người Kitô hữu chúng ta đối với Ngài?

1. Chúa Thánh Thần là ai?

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.  Ngài là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như Chúa Cha và Chúa Con.  Ngài còn được gọi là “Đấng ban Sự Sống” (Ga 6, 63), “Đấng Bảo Trợ” (Ga 15, 26), và “Thần Chân Lý” (Ga 16,13).

Kinh Thánh thường dùng những hình ảnh sau đây để chỉ về Chúa Thánh Thần: Nước, Lửa, Xức dầu, Áng mây và Ánh sáng, Dấu ấn, Bàn tay, Ngón tay và Chim bồ câu.

Mỗi hình ảnh đều mang một ý nghĩa biểu tượng: Nước: Tượng trưng cho sự tái sinh; Lửa: Tượng trưng cho năng lực biến đổi của các hành vi Chúa Thánh Thần; Xức dầu: Đồng nghĩa với danh xưng Chúa Thánh Thần; Áng mây và Ánh sáng: Vừa mạc khải Thiên Chúa vừa che khuất vinh quang siêu việt của Người; Dấu ấn: Đóng ấn ơn Chúa Thánh Thần vào người lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh; Bàn tay: Tượng trưng cho sự chữa lành; Ngón tay: Tượng trưng cho quyền năng tác động; Chim bồ câu: Tượng trưng cho bình an, hoà bình.

2. Hoạt động của Chúa Thánh Thần

Thời Cựu Ước, Chúa Thánh Thần hiện diện trong mọi hoạt động quan trọng như: Khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, khi Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ, trong các cuộc thần hiện và trong niềm mong đợi Đấng Cứu Thế.

Sang Tân Ước, Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn đời sống và hoạt động của Chúa Kitô từ khi nhập thể cho đến phục sinh: Đức Trinh Nữ Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35); Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa tại sông Giođan (x. Lc 3,22); Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ (Lc 4,1; Mt 4,1; Mc 1,12); Quyền năng của Chúa Thánh Thần đã toả ra trong các hành vi của Chúa Giêsu để chữa lành các bệnh tật và ban ơn cứu độ (x. Lc 6,19; 8,46); Chúa Thánh Thần cũng làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Rm 1,4).

Chúa Thánh Thần hoạt động cách mạnh mẽ nơi các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Ga 20, 22-23).  Ngày lễ Ngũ Tuần cũng là ngày khai sinh của Giáo Hội.  Chính trong ngày này, các môn đệ được biến đổi, nói được các thứ tiếng lạ, can đảm loan báo Tin mừng và sẵn sàng làm chứng cho Chúa Kitô.  Trong việc xây dựng Hội Thánh và loan báo Tin Mừng, các Tông Đồ đều khẳng định rằng: “Thánh Thần và chúng tôi làm chứng” (Cv 5, 32).

Chúa Thánh Thần không những khai sinh nên Giáo Hội mà còn xây dựng và làm cho Giáo Hội được hình thành.  Ngài cư ngụ trong Giáo Hội và trang bị cho Giáo Hội bằng Lời Chúa.  Nhờ đó, Giáo Hội tin Lời Chúa, thực hành Lời Chúa và dùng Lời Chúa để giáo huấn.  Thánh Thần còn trang bị cho Giáo hội bằng các Đặc Sủng, Ngài ban ơn cho các chi thể tuỳ theo ý muốn của Ngài.  Thánh Syrilô nói: “Thánh Thần dùng miệng người này để giảng sự khôn ngoan, lấy lời ngôn sứ mà soi trí lòng người kia, ban cho kẻ này quyền xua trừ ma quỷ, cho kẻ kia ơn giải thích Thánh Kinh, thêm sức cho kẻ này sống tiết độ, dạy cho kẻ kia biết thương người, cho người này biết ăn chay và tập sống đời khổ hạnh, cho người kia biết khinh chê những thú vui thể xác, cho kẻ khác nữa ơn chuẩn bị tử đạo.  Người không bao giờ khác với chính mình như có lời chép: Thánh Thần tỏ mình ra cho mỗi người một cách, là vì ích chung.”

Nơi các Kitô hữu, Chúa Thánh Thần là Thần khí Tái Sinh, Thánh Hoá và làm cho họ được Vinh Hiển.

Chúa Thánh Thần là Thần khí Tái Sinh: Vì Ađam, con người trở thành nô lệ tội lỗi, trở nên kẻ thù của Thiên Chúa, bất tuân Thiên Chúa dẫn đến sự hư mất đời đời.  Tự con người không thể thay đổi được tình trạng đó.  Thánh Thần Thiên Chúa đã can thiệp để thay đổi con người.  Trước hết, bằng việc tái sinh qua Bí tích Rửa tội (x. Ga 3, 5-6).  Sau đó, bằng việc tái sinh qua bí tích Giao Hoà.  Nghĩa là, Chúa Thánh Thần soi sáng để người Kitô hữu nhận ra mình là kẻ có tội, cần được thanh tẩy để hưởng ơn cứu độ.  Chúa Thánh Thần còn giúp các Kitô hữu biết hoán cải để lãnh nhận Bí tích Giao Hòa.

Chúa Thánh Thần là Thần Khí Thánh Hoá: Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng con người cũ, giết chết việc làm của xác thịt (Rm 8,13) để chúng ta xứng đáng là đền thờ của Ngài.  Thánh Phaolô kê khai các việc của xác thịt như: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (x. Gl 5, 19-21).  Chúng ta không thể chiến thắng được, nếu không nhờ Thần Khí.  Khi chúng ta nhờ Thần Khí mà chiến thắng các việc của xác thịt trên, thì chúng ta sẽ thu lượm được những hoa quả dồi dào của Thần Khí, đó là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (x. Gl 5,11-23).  Chúa Thánh Thần còn cho chúng ta biết sự thật, dạy chúng ta biết cầu nguyện, thúc đẩy chúng ta sống mến Chúa yêu người và làm chứng cho Chúa Kitô.

Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Kitô được phục sinh vinh hiển, thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta được sống lại vinh quang.  Con người và thân xác của chúng ta không còn nô lệ sự hư nát, nhưng sẽ sáng láng vinh hiển, thông phần sự sống bất diệt của Thiên Chúa Ba Ngôi (1Cr 15,42-45).

3. Bổn phận của chúng ta đối với Chúa Thánh Thần

Người Kitô hữu chúng ta cần xa tránh các tội phạm đến Chúa Thánh Thần, có bốn tội phạm đến Chúa Thánh Thần:

Thứ nhất, lộng ngôn chống lại Thánh Thần (Mt 12, 31-32).  Đó là tội “Cứng tin”, không chấp nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô.

Thứ hai, dập tắt Thần Khí (1Tx 5,19-22) thường được giải thích theo nghĩa “không biết tôn trọng các đặc sủng” mà Thánh Thần ban cho để xây dựng Hội Thánh.

Thứ ba, đối đầu với Thần Khí.  Đó là chiều theo xác thịt, để các khuynh hướng xấu đưa tới hành vi xấu, nghĩa là phạm tội thực sự.  Mỗi lần để cho xác thịt làm động lực chi phối hay làm chủ cuộc sống là một lần đối đầu với Thánh Thần.

Thứ tư, làm phiền lòng Thánh Thần.  Khi mọi hành vi và các cư xử không phù hợp với cương vị của người Kitô hữu đều làm mất lòng Thiên Chúa làm phiền lòng Thánh Thần (Ep 4,30).

Tóm lại, Thánh Thần là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho những kẻ tin vào Đức Kitô.  Mỗi người Kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đặc biệt là khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.  Vì vậy, chúng ta không những cần phải xa tránh các tội phạm đến Chúa Thánh Thần, mà còn cần phải tin kính, thờ phượng, năng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta biết sống theo lương tâm ngay thẳng, cùng tôn trọng hồn xác ta là đền thờ của Người (x. 1Cr 6,19).

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, xin tiếp tục đồng hành với chúng con trong bổn phận xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin Mừng.  Xin giúp chúng con biết xa tránh tội lỗi tôn trọng thân xác là đền thờ của Người.  Amen!

Lm. Anthony Trung Thành

———————

Tài liệu tham khảo:

  1. Khái Quát về Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh, ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
  2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 683-747

HÃY SỐNG RỘNG RÃI VÀ QUẢNG ĐẠI

Đọc Phúc Âm, tôi thấy có ba mẫu gương rất đặc biệt và rất đáng cho chúng mình suy nghĩ, học hỏi và noi gương bắt chước.

– Mẫu gương thứ nhất là của người phụ nữ tội lỗi người đã dùng tóc và dầu thơm để lau chân Chúa Giê-su tại nhà của ông Si-môn (Lc 7:36-50).

– Mẫu gương thứ hai là của ông Da-kêu trưởng ty thuế vụ, một người giàu có nhất nhì ở thành Giê-ri-khô (c 19:1-10).

– Mẫu gương thứ ba là của một bà góa nghèo đã dâng cúng hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma cho Đền Thờ [Mc 12:41-44).

Bạn có biết tại sao ba mẫu gương trên đáng cho tôi và bạn học hỏi, noi gương và bắt chước không?  Xin thưa là tại vì họ là những người đã sống một cách rộng rãi, hào phóng, và quảng đại với Thiên Chúa và với tha nhân.  Thật vậy! Phúc Âm kể lại rằng:

Người phụ nữ tội lỗi đã chơi rất xộp!  Cô đã dùng dầu thơm quý giá đổ lên chân, và lấy tóc của [cô] để lau chân của [Chúa Giê-su] (Lc 7:44-45).

Ông Da-kêu thì xộp hơn, ông đã tuyên bố công khai bố thí một nửa gia tài của ông cho người nghèo (Lc 19:8).

Và bà góa nghèo thì chơi xộp nhất.  Bà đã rút từ cái túng thiếu của [bà] mà bỏ vào [Đền Thờ] tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12:44).

Bởi vì người phụ nữ tội lỗi, ông Gia-kêu và bà góa nghèo đã xộp như vậy cho nên họ mới được Chúa Giê-su khen ngợi hết lời!

Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi [ông ta] cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham (Lc 19:8-9).

Ông thấy người phụ nữ này chứ? … chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau… đã không ngừng hôn chân tôi… chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi (Lc 7:44-47).

Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết (Mc 12:43)

Còn bạn và tôi thì sao?  Chúng mình có xộp, có rộng rãi và hào phóng trong việc xử dụng của cải, tài sản, tài năng và thời gian mà Chúa giao cho tôi và bạn quản lý hay chưa?  Bạn nghĩ thử xem:

Bạn đã làm được gì, đã đóng góp được bao nhiêu tài lực cho công việc truyền giáo của Giáo Hội, cho những công việc chung của giáo xứ như ca đoàn, dạy giáo lý, dạy Việt ngữ…?  Bạn đã giúp đỡ được bao nhiêu lần và biếu tặng bao nhiêu tiền cho các cơ quan từ thiện chuyên lo cho các trẻ em khuyết tật, cho những người bị mù lòa, cho các bịnh nhân bị bịnh cùi, bịnh sida, cho các nạn nhân của thiên tai, bão lụt…?  Bạn đã dành ra bao nhiêu thời gian để đến chuyện trò, an ủi, thăm viếng và giúp đỡ cho ông bà, cha mẹ, những người già cả, côi cút, neo đơn, và những người cô thế cô thân trong các nhà dưỡng lão, trong các nhà tế bần, trong các bịnh viện hay tại các tư gia…?

Nếu bạn chưa khi nào đóng góp hay dâng cúng hoặc làm bất cứ công việc bác ái nào như đã liệt kê ở trên thì thật tôi bảo thật với bạn… Bạn đang là một người quản lý thiếu khôn ngoan đấy!  Tệ hơn nữa, coi chừng bạn còn là người đầy tớ tồi tệ và biếng nhác chỉ biết đem chôn giấu yến bạc của Thiên Chúa (Mt 25:25) mà không biết làm lợi ra thêm cho Thiên Chúa!  Coi chừng!  Sẽ có một ngày Ngài sẽ nói với bạn rằng: “Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” thì lúc đó bạn sẽ đau khổ vô cùng bởi vì cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi! (Lc 16:2-3).

Nếu bạn đã đóng góp về mặt tài chánh và về mặt tinh thần cho những công việc tôi vừa kể trên nhưng chỉ rút từ tiền dư bạc thừa của [bạn] mà đem dâng cúng để bố thí cho Giáo Hội và bố thí cho tha nhân hoặc chỉ bố thí mỗi tuần một đồng bạc lẻ cho nhà thờ… thì bạn cũng cần phải suy nghĩ lại.  Bạn nghĩ thử xem tất cả những gì bạn đang có, hiện đang sở hữu như tiền bạc, xe cộ, nhà cửa, tàu bè, vợ chồng con cái, trí khôn, bằng cấp … là của ai vậy?  Của bạn hả?  Còn khuya!  Khi nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời này bạn có mang theo được cái gì không?  Hễ thứ nào mà bạn mang theo được thì những thứ ấy là của bạn, còn không thì đừng có mơ!  Bạn có thấy những người chết họ mang theo được cái gì không?  Chẳng có gì cả!  Có chăng chỉ là lòng mến và tình yêu mà thôi!  Mà tiền bạc, của cải ở đời này tôi không dám cho đi thì làm sao tôi có được tình yêu, làm sao tôi có được bác ái… như là hành trang cho tôi xử dụng ở đời sau được?

Bác ái, quảng đại, rộng rãi và hào phóng trong việc xử dụng của cải đời này thì ngay từ bây giờ và nhất là ở đời sau, chúng mình sẽ hưởng được nhiều mối lợi và rất nhiều phúc lộc!  Tôi xin đơn cử ra đây một vài chứng cứ để bạn thấy sống rộng rãi và quảng đại với Chúa và với tha nhân là một mối phúc!

Vì lòng rộng rãi, quảng đại với tiên tri Ê-li-a mà bà góa thành Xa-rép-ta được no đủ trong suốt thời gian đói kém và đứa con trai của bà đã được sống lại từ cõi chết (1 V 17:10-16).  Vì lòng nhân ái, rộng rãi trong việc bố thí, giúp đỡ người nghèo cho nên ông Tô-bít đã được chữa sáng mắt. (Tb 11:1-19).

Nhờ tấm lòng quảng đại, đầy công đức vì những việc lành và bố thí đem của cải giúp đỡ cho người nghèo, mà bà Ta-bi-tha đã được thánh Phê-rô cầu nguyện cùng Chúa cho bà ta sống lại (CVTĐ 9:36).  Nhờ tấm lòng đại lượng, quảng đại và hào phóng, dám cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người rách rưới ăn mặc, cho khách lạ ở trọ, đi thăm người bị tù đày, đến an ủi kẻ cô thân cô thế, đau yếu… mà rất nhiều người sẽ được xếp vào bên hữu và được mời vào hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài nơi Thiên Quốc (Mt 25:31-46).

Tắt một lời, khi tôi và bạn sống quảng đại, rộng rãi và hào phóng trong việc xử dụng của cải và tài sản mà Chúa trao phó cho chúng mình quản lý thì không bao giờ chúng mình bị thiệt thòi hay lỗ lã gì cả.  Thiên Chúa là một ông chủ giàu có và rộng lượng, khi kho hàng của chúng mình vơi đi thì lập tức Ngài sẽ đổ vào cho đầy ắp lại cho mà xem.  Bạn tin không?  Tùy bạn!

Bạn có muốn được Chúa Giê-su khen ngợi bạn hay không?  Nếu bạn không muốn thì thôi!  Còn nếu bạn muốn được Chúa Giê-su khen ngợi thì tôi và bạn hãy bắt chước bà góa nghèo:

Sống rộng rãi và đại lượng trong việc bố thí, giúp đỡ người nghèo, những người đang lâm vào cảnh túng cực cả về mặt vật chất cũng như tinh thần.  Sống quảng đại trong việc đóng góp cho Giáo Hội, cho giáo xứ, cho các dòng tu trong việc đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng chủng sinh, tu sĩ, linh mục…   Sống hào phóng với những người chung quanh ta, bỏ ra nhiều thời gian để gọi phone, đến thăm hỏi sức khoẻ cũng như giúp đỡ cho ông bà, cha mẹ, những người cô đơn, hiu quạnh, bịnh tật, kém may mắn…

Làm được những việc nhỏ mọn trên thì tôi tin là chúng mình đang cố gắng bắt chước bà góa nghèo và như thế là chúng mình đang chu toàn bổn phận của những người quản lý của Thiên Chúa.  Cố gắng lên bạn nhé!

“Hãy dùng tiền của mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước con vào nơi ở vĩnh cửu” (Lk 16:9).  Bạn đừng quên lời của Chúa Giê-su!

phamtinh@yahoo.com