ANH LÀ TẢNG ĐÁ

Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt, rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.

Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.  Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.  Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào, về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.  Ông chưa hề gặp mặt Đức Giêsu khi Ngài còn sống.

Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.  Cả hai đều được Đức Giêsu gọi.  Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.  Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamát.  Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.  Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.  Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.  Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.  Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.  Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.  Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.

Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.  Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.

Phêrô và Phaolô đều yêu Đức Giêsu cách nồng nhiệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.  Này anh Simon, anh có mến Thầy không?  Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)

Cả Phaolô cũng yêu Đấng ông chưa hề chung sống, vì Ngài là “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.”  (Gl 2, 20).  Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 35.39)

Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.

Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.  Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40).  Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).  “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Đức Giêsu” (Gl 6, 1-7).  Cả hai vị đã chết như Thầy.  Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).  Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu, dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng.  Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.

*************************

Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.  Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.  Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.  Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.  Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.  Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa.  Amen!

Trích trong “Manna”

SỐNG ĐƠN GIẢN

Trong kho tàng văn chương tu đức Ấn Giáo có chuyện kể như sau:

Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ, Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc thánh nhân.  Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ, đến thỉnh ý, tầm thầy học đạo.

Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu nhà đạo sĩ manh vải che mình.  Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bầy chuột tưởng tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm.  Tội nghiệp, có kẻ qua đường thấy thế, biếu Sadhu con mèo bắt chuột.  Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con mèo.  Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến viếng nhà đạo sĩ.  Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò để lấy sữa nuôi con mèo.  Để nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng.  Từ dạo đó, con bò có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà.  Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.

Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo.  Nuôi con mèo để đuổi lũ chuột.  Phải lo sửa sang căn nhà.  Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời giờ săn sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.

Nhà đạo sĩ đã có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột, có con bò cho sữa, có căn nhà để ở, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình.  Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết rồi.

Đâu là con đường tu đạo?  Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế là chấm dứt cuộc đời hạnh tu…

Sống đơn giản đưa Shadu vào đời sống tu hạnh.  Mất đơn giản, ông mất lý tưởng.  Trong Giáo Hội, tất cả các đại thánh đều có đời sống đơn giản.  Không phải trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi, tất cả thánh nhân trong tôn giáo khác cũng vậy. (x. Những trang nhật ký của một linh mục, Nguyễn Tầm Thường, SJ).

Bài đọc 1 hôm nay kể chuyện Êlisa quyết tâm theo Êlia để làm Ngôn sứ.  Êlisa là nông dân, đang cày ruộng với 12 cặp bò.  Nghe Thầy Êlia kêu gọi, Êlisa đã chẻ cày làm củi, giết bò làm lễ vật, thiêu đốt tất cả để dâng tiến Chúa, rồi lên đường theo Thầy.  Ruộng đất, trâu bò, cày cuốc là tài sản của nông dân.  Đốt cày cuốc, làm thịt trâu bò, có nghĩa là từ bỏ tài sản, là đoạn tuyệt với nghề nghiệp cũ.  Đó là một lựa chọn dứt khoát.  Ra đi không vướng bận, không luyến tiếc những gì đã có.  Đó là thái độ dứt khoát và phó thác, vâng phục hoàn toàn.

Khác với thái độ của Êlisa, Tin Mừng hôm nay thuật chuyện ba người muốn theo Chúa Giêsu, xin được làm môn đệ.  Chúa đòi hỏi họ phải dứt khoát trong chọn lựa.

Người thứ nhất hăng hái xin theo Chúa đi bất cứ nơi đâu.

Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.  Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.  Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, không ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x.1Pr 2,11).  Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu.  Chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ.  Chỗ tựa đầu cuối là thập giá.

Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.  Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.  Chúa Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.

Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.

Chúa Giêsu đòi anh ta dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.

Ba người muốn xin đi theo để làm môn đệ của Chúa Giêsu.  Thế nhưng, họ không dứt khoát chọn lựa như Êlisa, họ vẫn còn đắn đo kỹ lưỡng, chần chừ vì những lý do xác thịt và bịn rịn gia đình.  Chúa Giêsu trả lời cho cả ba trường hợp là “hãy theo Ta” và đặt giá trị thiêng liêng lên trên mọi của cải vật chất.  Theo Chúa lên Giêrusalem là đánh đổi cuộc đời quá khứ để lấy một tương lai mới, tuy vô định, đầy gian nan, bất trắc nhưng tươi sáng và chân thật hơn.  Ba trường hợp khác nhau, nhưng đều chung một lời mời gọi từ Chúa Giêsu.  Ba lời đối thoại trên cũng là ba đòi hỏi hướng đến điều răn thứ nhất: “Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22, 37).

Theo Chúa phải can đảm, phải chọn lựa và ưu tiên tìm kiếm và loan báo về Nước Thiên Chúa trước, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ lo cho sau.  Con đường đi tìm Chúa là con đường của từ bỏ… Tuy nhiên, muốn đạt được hạnh phúc thật thì phải lựa chọn trong tinh thần dứt khoát.

Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người.  Nếu cuộc đời người Kitô hữu là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.

Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình…  Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân.  Nhưng Đức Giêsu lại dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Ơn gọi của Êlisa đến trong lúc ông đang cày ruộng, đang làm những công việc hàng ngày.  Ơn gọi của Phêrô xảy đến khi ông đang thả lưới, của Môsê khi ông đang chăn chiên, của Mathêu khi ông đang ngồi bàn thu thuế…  Ơn gọi tiêu biểu của mỗi cá nhân là ở trong bổn phận hàng ngày.  Sống ơn gọi của mình là biết chọn lựa và ưu tiên.  Đó cũng là lời mời gọi, hãy đơn giản hoá cuộc sống.

Cuộc sống thật đơn giản vì nó vốn rất đơn giản.  Khi còn nhỏ thì đơn giản, lớn lên trở nên phức tạp.  Khi nghèo khó thì đơn giản, lúc giàu có trở nên phức tạp.  Khi thất thế thì đơn giản, lúc có địa vị thì trở nên phức tạp.  Tự nhận bản thân đơn giản, đánh giá người khác phức tạp.  Thật ra, thế giới này rất đơn gỉan chỉ có lòng người là phức tạp.  Mà suy cho cùng thì lòng người cũng đơn giản, chỉ vì có lợi ích chi phối nên con người mới trở nên phức tạp.  Đời người, đơn giản thì vui vẻ.  Nhưng người vui vẻ được mấy người.  Đời người, phức tạp thì phiền não.  Nhưng người phiền não thì quá nhiều.  Trong cuộc đời mỗi người đều không thể tránh khỏi những lúc buồn phiền, lo lắng thậm chí là đau khổ.  Người vui vẻ không phải là người không có buồn phiền, mà là người không để cho những nỗi buồn và niềm đau ấy khống chế” (St).  Để sống bình an vui vẻ hạnh phúc, chúng ta chỉ cần sống đơn giản.  Chúa Giêsu là người thích sống đơn giản và bình thường.  Suốt ba năm rao giảng, Ngài mặc những chiếc áo, mang những đôi dép giản dị.  Ngài không nghĩ mình là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình trở nên như tôi tớ rửa chân cho các môn đệ, để đến với người nghèo, bệnh nhân và tội nhân.  Chúa Giêsu thích sự đơn sơ và bé nhỏ giữa đời thường.  Bởi vậy, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời ” (Mt 18,4).  Chúa Giêsu đã gieo vào lòng thế giới giá trị của yêu thương và phục vụ trong đơn giản âm thầm.

Đơn sơ là một đức tính quý báu trong linh đạo “thơ ấu thiêng liêng” của thánh Têrêxa Hài Đồng.  Sống đơn sơ và giản dị.  Đối với những tâm hồn đơn sơ, không cần có những phương thế phức tạp.  Nếp sống của Têrêxa luôn trong sáng, thành thực và tự nhiên.  Con đường thơ ấu thiêng liêng là sống cuộc sống đơn sơ, yêu mến Chúa, hướng tới trọn lành.  Sống đơn giản mới có được tinh thần thanh thoát và nhẹ nhàng, chúng ta mới nhạy bén để sống theo hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo xác thịt, vì “anh em được gọi để hưởng tự do.”

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

TỪ BỎ: NGUYỆN ƯỚC CỦA MỖI NGƯỜI

“Vũ trụ và thời gian là một điệu nhảy của Chúa trong sự trống rỗng.  Sự tĩnh lặng của địa cầu là âm nhạc của một tiệc cưới.  Nếu chúng ta cứ kéo dài tình trạng hiểu lầm về những hiện tượng của cuộc sống, chúng ta càng phân tích chúng ra thành những kết cuộc vô nghĩa và mục đích phức tạp từ chính những khúc mắc của mình, chúng ta càng chìm sâu vào phiền muộn, phi lý, và tuyệt vọng.

Nhưng thật ra những điều đó không có quan trọng lắm, bởi vì không có tuyệt vọng nào của chúng ta có thể thay đổi được thực tế của vạn vật, hay làm nhem nhuốc đi niềm vui của điệu nhảy của vũ trụ mà nó luôn tồn tại.  Thực sự chúng ta đang ở giữa nó, và nó luôn ở giữa chúng ta, vì dầu muốn hay không, nó là nhịp đập trong huyết quản của chúng ta.  Tuy nhiên, sự thật vẫn mời gọi chúng ta biết quên đi chính mình, gởi gắm những gì riêng tư của chúng ta vào ngọn gió và cùng hoà chung vào điệu nhảy.”
Thomas Merton – New Seeds of Contemplation.

Khi đọc những lời tâm sự trên của Thầy Thomas Merton các bạn có thể nhận ra được sự thật của những lời nói ấy, sự thật được thốt ra từ một con tim đã khắc khoải với cuộc sống ngay từ thời thơ ấu.  Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu bóng người cha và khi ông lên sáu lại mất mẹ.  Rồi ông theo người cha lang thang đây đó và bỏ lại một người em nhỏ cho họ hàng bên ngoại chăm sóc.  Nhưng những khắc khoải riêng tư ấy chẳng lấy đi được niềm vui trọn vẹn mà Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta nói chung, và Thầy Thomas Merton nói riêng; những tâm tình nặng trĩu của chúng ta chẳng bao giờ làm biến mất ánh nắng mặt trời dù chỉ là một tia nắng nhỏ; những bạo hành trên thế giới chẳng bao giờ lấy đi được khung trời xanh biếc; những lo lắng của chúng ta chẳng làm tắt tiếng chim kêu.  Gió vẫn thổi, mây vẫn trôi, đồi núi vẫn chập chùng, và sóng biển vẫn reo hò – không có gì thay đổi, và vũ trụ vẫn nhảy múa với bản tình ca tạo dựng.  Đây chính là sự thật.

“Tuy nhiên, sự thật vẫn mời gọi chúng ta biết quên đi chính mình… và cùng hoà chung vào điệu nhảy.”  Quên đi chính mình là điều mà Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta trong bài Phúc Âm Luca chương 14.  Ngài mời gọi chúng ta từ bỏ mọi sự và vác thập giá để theo Ngài.  Sở dĩ lời mời gọi “từ bỏ” và “vác thập giá mình” luôn đi đôi với nhau vì “từ bỏ” tự chính nó là một thập giá nặng nề cho mỗi một người chúng ta.  Chúng ta có thể bỏ lối sống cũ để bước vào nề nếp của cuộc sống mới khi rời bỏ quê hương, khi lập gia đình, khi chọn cuộc sống tu trì, khi rời cuộc sống quen thuộc để đi làm ăn xa, v.v…, thế nhưng để buông thả sự “mất mặt”  hoặc đón nhận sự thua thiệt là một cái gì đó chúng ta khó mà chấp nhận được.  Có lẽ vì vậy trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không nói đến thập giá của người khác nhưng Ngài nói đến “vác thập giá mình.”

Lắm lúc chúng ta hay cho rằng người này hoặc người nọ, cái này hoặc cái nọ là thập giá của mình.  Chúng ta chưa bắt tay vào việc mà đã thấy sự nặng nề của cây thập giá, nhưng thật ra điều đó có lẽ là một sự cố chấp hơn là sự thật.  Làm sao nó là thập giá của mình khi mình không để nó đè nặng trên vai, khi mình chọn Chúa cùng đồng hành và tin rằng mọi nặng nhọc của chúng ta đã có Con Một Thiên Chúa gánh vác, khi mình thật sự tin vào lời hứa của Ngài, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt. 11:28)?  Hãy sống ơn cứu độ ngay từ lúc này, và hãy để Chúa Giêsu trả giá dùm mình bằng cách dâng lên tất cả những gì làm cho tâm hồn ta nặng nề, dù đó là điều làm cho ta mất mặt, lo lắng cho người thân đang trải qua những khó khăn, đang bị dày vò vì gia đình không hạnh phúc, hoặc cái gì đó làm cho ta cảm thấy thua thiệt.  Vì nếu chúng ta chưa biết buông thả và tin tưởng vào Chúa Giêsu và mang lấy ách nhẹ nhàng của Ngài, chúng ta thật sự không đáng là môn đệ Ngài.  Hãy sống với Ngài trong bằng an và “hãy gởi gắm những gì riêng tư của chúng ta vào ngọn gió và cùng hoà chung vào điệu nhảy” của bản tình ca tạo dựng.

Ở đây chúng ta không nói đến một lối sống thờ ơ vô trách nhiệm với những gì chúng ta cần phải làm hoặc làm lơ không đối diện với những gì chúng ta cần đối diện, nhưng hãy sống và làm tất cả với con tim và trong sự phó thác.  Thật ra chúng ta không làm chủ được gì: thời gian, bệnh tật, sự yếu đuối của con người, những gì xảy ra trong chốc lát hoặc ngày mai.  Thậm chí chúng ta không có thể mang lại bình an cho người khác khi con tim mình gặp những chuyện không vui.  Hãy đối diện những bất toàn và giới hạn của mình với Đấng đã đối diện những bất toàn và giới hạn của Ngài như là một con người với Thiên Chúa Cha.  Chúng ta nên sống mỗi ngày và bám vào Chúa Giêsu như người đang bị đắm thuyền bám vào cái phao, vì thực sự đó là cuộc sống của chúng ta.  Chúng ta biết rằng sống phó thác thật không dễ vì chúng ta ai cũng muốn mọi sự xảy ra như ta mong muốn hoặc trong phạm vi chúng ta có thể hiểu và chấp nhận được.  Tuy nhiên cuộc sống không bao giờ như chúng ta định và hành trình thiêng liêng là một hành trình đi vào trong thế giới bí ẩn của Thiên Chúa nơi chúng ta chẳng bao giờ hiểu và biết nhưng chỉ biết phó thác.  Vì thế, chúng ta vẫn cứ tiếp tục xin ơn để biết sống phó thác và đừng bao giờ bỏ cuộc.  Đừng quá chú tâm vào bản thân mình với những bất toàn của nó hoặc những gánh nặng mà nó đang mang, cũng như những lời nói không mấy thiện cảm mà quên đi sự hiện diện của một vũ trụ vô cùng tráng lệ Thiên Chúa đang ban cho để chúng ta làm chủ và thưởng thức.  Hãy cùng vui với tạo vật và tri ân tâm tình Thiên Chúa dành cho con người.  Hãy để nụ cười hồn nhiên của một em bé xoá tan đi nỗi buồn của mình.

Mong rằng mỗi người chúng ta biết nhận ra Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa của mình, biết tin tưởng đủ để buông thả mọi sự cho Ngài, biết xin ơn sống ơn cứu độ ngay trong hiện tại, có như thế chúng ta mới đáng là người môn đệ thật sự của Ngài.

Củ Khoai

THÁNH THOMAS MORE

Thánh Thomas More sinh ngày 7/2/1478 tại London trong một gia đình trí thức quý tộc mà chính Ngài đã nói: “Không danh giá nhưng lại lương thiện.”

Ngay sau khi cha ông qua đời, mẹ ông gửi ông đến trường đại học danh tiếng là Oxford để theo học ngành luật.  Ông đạt kết quả xuất sắc và sớm trở thành nghị sĩ khi mới 22 tuổi.  Ông lập gia đình với bà Jane Colt và sinh được 4 người con.  Sự nghiệp của ông tiến nhanh vì ông không những là luật gia, triết gia mà còn là nhà trí thức bách khoa thời Phục Hưng ở Anh.  Ông được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Anh năm 1523 và sau đó lên tới chức Tể tướng từ năm 1529-1532.  Nhưng với đức tin Công giáo và tấm lòng vì Tổ quốc Anh, ông đã không đồng tình với những quyết định của vua Henry VIII nên ông đã bị đẩy vào đối tượng thù ghét của chính nhà vua.

Trước hết là khi vua Henry VIII muốn phế bỏ bà vợ hợp pháp của mình là Catherine ở Aragon để cưới cô Anna Boleyn vì bà Catherine không sinh được con cho vua.  Vua gửi đề nghị sang Giáo hoàng ở Roma nhưng không được chấp nhận.  Bà Catherine nguyên là vợ của ông Anthus –anh vua Henry VIII. Đức Giáo hoàng đã chuẩn cho vua Henry được cưới bà Catherine khi chồng bà qua đời.  Viện cớ phép chuẩn này không thành, vua hủy bỏ hôn ước và yêu cầu Tể tướng Thomas More tổ chức lễ cưới cho mình nhưng bị từ chối.  Vua Henry quyết định lập giáo hội Anh giáo tự trị, độc lập với Công giáo Roma và định phong cho Thomas More làm Giáo chủ.  Thomas More và Đức Giám mục John Fisher đã cực lực phản đối và xin từ chức.  Thomas More là người kiên quyết phản đối sự chia rẽ giáo hội nên ông cũng cực lực phản đối Tin lành Luther.  Thomas More viết cuốn sách nổi tiếng Utophia, nói về một hòn đảo hạnh phúc đầy tưởng tượng.  Ngài cũng viết cuốn “Dialogue concerning Heresies” (Đối thoại về các lạc thuyết).  Trong đó, ông phản đối chế độ quân chủ phong kiến mà muốn xác lập quyền tư hữu nhất là quyền tư hữu về ruộng đất.

Thomas More bị kết tội phản quốc và bị bắt giam ở ngục London 15 tháng.  Vua hy vọng ông sẽ hối cải quan điểm của mình.  Nhưng ông nói với quan canh ngục rằng, ông vẫn luôn luôn trung thành với vua, nhưng ông cũng phải trước hết trung thành với Thiên Chúa nên không thể thay đổi lập trường được.  Ông bị vua ra lệnh xử chém đầu.  Ra pháp trường, ông vẫn vui vẻ chào các quan và hẹn họ gặp nhau ở chốn vĩnh hằng.  Ông moi túi lấy một đồng tiền vàng đưa cho người lính hành quyết và nói: Làm ơn nhắm cho trúng nhé vì cổ của tôi hơi ngắn.  Lính canh bịt mắt ông, ông nói không cần đâu.  Rồi ông bình tĩnh ngả đầu trên thớt, lấy tay vuốt ngược chòm râu lên kẻo bị đứt và hài hước bảo: Chòm râu của tôi có tội gì với vua đâu mà bị xử trảm.  Ông bị chém đầu ngày 6/7/1535 khi mới 57 tuổi.

Năm 1935, Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong thánh cho Thomas More và đặt ông làm quan thày của các luật gia.  Ngày 27/11/2000, Đức Gioan Phaolô II lại đặt thánh nhân là đấng bảo trợ các chính trị gia trên thế giới.  Ngài nói: “Thánh Thomas More là người thông minh, sáng suốt và rất mộ đạo.  Thánh nhân đã biết dùng quyền hành trần thế để thể hiện lý tưởng Phúc âm.  Thomas More đã lên đến chức vụ rất cao là Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Anh, nhưng ngài sẵn sàng từ bỏ quyền lực, của cải và sinh mạng, kể cả việc tử đạo khi lương tâm Công giáo đòi buộc ngài phản đối những ý đồ sai trái của vua Henry VIII.”

Vì thánh nhân có tính hài hước vui vẻ nên rất nhiều người kể cả Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng luôn cầu khẩn cho được tính hài hước như ngài.  Trong bài diễn văn trước Giáo triều cuối năm 2014, Đức Phanxicô cho biết mình cầu nguyện với Thánh tử đạo người Anh Thomas More mỗi ngày.  Ngài xin thánh nhân cho mình được ơn hài hước vui vẻ.  Một liều hài hước lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày giúp chúng ta rất nhiều.

Kinh của thánh Thomas Moore xin ơn hài hước vui vẻ

Lạy Chúa, xin ban cho con trí lĩnh hội, và cả điều để lĩnh hội.  Xin cho con thân thể khỏe mạnh, và tính hài hước tốt đẹp cần thiết để giữ sức khỏe đó.  Xin cho con một linh hồn đơn sơ biết quý tất cả những gì tốt đẹp, đừng dễ dàng sợ hãi trước mặt sự dữ, nhưng biết tìm cách đặt lại mọi chuyện vào đúng chỗ của nó.

 Xin cho con một linh hồn không buồn chán, không càu nhàu, thở dài hay than van, cũng không căng thẳng quá độ, vì những điều này ngăn cản một chuyện: Con chính là Con.  Lạy Chúa, xin cho con một trí hài hước tốt đẹp.  Xin cho con ơn có thể nói một câu đùa để tìm được chút vui vẻ trong đời, và có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác.’

Bích Hải

DÂNG LỜI CHÚC TỤNG, BẺ RA VÀ TRAO CHO CÁC MÔN ĐỆ

Trong ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về phép lạ bánh hóa nhiều.  Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn Phúc Âm thuật lại.  Đây cũng là một phép lạ công khai trước mặt một số đông người.  Năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương thực nuôi khoảng năm ngàn người mà vẫn còn dư mười hai thúng miếng vụn.  Thánh sử Luca nhấn mạnh đến vai trò của nhóm Mười Hai trong phép lạ này.  Chính họ đã chủ động xin Chúa Giêsu giải tán đám đông để những người này tìm chỗ ăn, chỗ ở.  Và Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một thách đố cho nhóm Mười Hai: “Chính các con hãy cho họ ăn.”  Hãy lo cho họ sau khi đã được nghe giảng về Nước Thiên Chúa, được chữa lành khỏi mọi tật bệnh.  Các môn đệ thấy mình bất lực trước nhiệm vụ này dù mới đây họ đã được sai đi rao giảng và chữa bệnh và đã thành công.  Điều duy nhất họ có trong tay là năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng chừng ấy thấm vào đâu so với nhu cầu của dân chúng: “Ở nơi thanh vắng này, dù có tiền cũng không mua được đủ bánh.”  Chúa cần các môn đệ nhìn nhận sự bất lực của họ, để rồi Ngài mời gọi họ cộng tác vào việc nuôi sống dân chúng.  Các môn đệ, theo lệnh của Chúa Giêsu, đã chia đám đông thành từng nhóm nhỏ.  Chính các ông đã trao bánh và cá cho Chúa Giêsu để rồi nhận lại từ tay Ngài và trao cho đám đông.  Phép lạ đã xảy ra trên bánh này khi Chúa Giêsu chúc tụng và bẻ ra.  Chúng ta không tưởng tượng nổi số lượng khổng lồ bánh và cá đã phát sinh từ hành vi bẻ ra này.  Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên không ngừng.

Có thể hôm nay chúng ta cũng thấy mình đứng trước những nhu cầu lớn lao của con người.  Nhân loại vẫn ở trong tình trạng đói về nhiều mặt.  Hàng giờ có biết bao trẻ em chết đói trên thế giới này.  Trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ, chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực.  Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có; nếu chúng ta để cho Ngài thánh hóa những cố gắng nhỏ bé của mình; nếu chúng ta chỉ coi mình là người cộng tác của Thầy Giêsu đến phục vụ con người, thì phép lạ vẫn có thể xảy ra hôm nay.  Chúng ta vẫn có thể nuôi cả thế giới no nê và dư dật, nếu chúng ta biết cộng tác với Chúa.

Chúng ta đọc lại câu 16 đoạn Tin Mừng trên: “Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.”  Khi kể lại cử chỉ của Chúa Giêsu làm lúc lập bí tích Thánh Thể, thánh Maccô cũng sử dụng bốn động từ trên đây.  Và trong biến cố hai môn đệ về Emaus, chúng ta cũng thấy thánh Luca dùng lại bốn động từ này: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ.”  Cử chỉ quen thuộc này đã làm cho hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu.  Giáo Hội thời khai sinh hẳn đã thấy sự liên hệ giữa phép lạ bánh hóa nhiều và bí tích Thánh Thể.  Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu đều dùng một cử chỉ mà mời người khác ăn tấm bánh Ngài trao cho.  Rất có thể ý định lập bí tích Thánh Thể được khơi mào từ sau phép lạ bánh hóa nhiều.  Những chiếc bánh vật chất như đã giảm cơn đói cho một số người nhất định trong một thời gian nhất định.  Mana ngày xưa trong sa mạc cũng không cho người ta sự sống sau cái chết.

Bữa tiệc ly không phải là một hành vi đột xuất không suy nghĩ trước.  Trái lại, Chúa Giêsu đã phải bận tâm với mơ ước nuôi cả nhân loại, nuôi họ bằng chính bản thân Ngài và ban cho họ sự sống vĩnh cửu: “Này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.  Này là chén máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con.”  Chúa Giêsu mời chúng ta ăn tấm bánh và uống chén rượu đã được thánh hiến để có dịp tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Ngài; vào chính bản thân Ngài.  Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của một tình yêu biết tìm kiếm.

Cựu ước đã hứa rằng trong những ngày sắp đến, Thiên Chúa sẽ nuôi dân Người dư dật.  Chúa Giêsu đã làm trọn lời hứa đó phần nào qua phép lạ bánh hóa nhiều.  Nhưng đó cũng chỉ là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này.  Khi thông hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh với hình bánh và hình rượu, chúng ta còn cần đến đức tin, chúng ta mong chờ ngày được tham dự bữa tiệc ở Nước Trời, nơi chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Ngài, không qua bức màn đức tin nữa nhưng diện đối diện.  Chúa Giêsu đã bẻ bánh nhiều lần trong cuộc đời của Ngài.  Đời Ngài được kết tinh trong hành vi bẻ bánh.  Tấm bánh trong bữa tiệc ly đã trở thành tấm thân Ngài được bẻ ra và trao cho con người qua cái chết trên thập giá: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”  Giáo Hội thời khai sinh đã không quên mệnh lệnh đó, họ tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể mà họ gọi là lễ bẻ bánh tại các nhà riêng của tín hữu.  Bẻ bánh trở thành nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô sơ khai.  Nghi thức này thường được cử hành vào ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần.

Xin Chúa giúp chúng ta gặp Ngài trong lễ bẻ bánh.

R. Veritas (Trích trong “Mỗi Ngày Một Tin Vui”)

ÐƯỜNG ÐỜI

 

Tôi sống trong cuộc đời nhưng tôi có riêng đường đời của tôi.  Mới hôm nào bố mẹ nhìn bầy con chung quanh mâm cơm chiều.  Chỗ nào cũng là gần gũi yêu thương, từ nhà ra sân, từ ngõ đi vào.

Dòng sông lớn lên âm thầm rẽ nhánh.  Tôi đi theo tiếng gọi của đời tôi.  Lũ em lần lượt bước vào ngõ quanh của mỗi đứa.  Bây giờ đã là xa cách.  Trong cuộc đời, nhưng mỗi đứa có riêng đường đời của mình.

Kinh Thánh kể, sau khi dâng lễ ở Jerusalem về, Mẹ Maria lạc mất Chúa.  Mẹ hối hả đi tìm: “Cha con và mẹ phải đau khổ đi tìm con.”  Chúa thưa lại: “Mẹ tìm con làm chi, vì con phải ở nơi nhà Cha con” (Lc 2, 48-49).  Trong cuộc đời, Chúa có đường Chúa phải đi.  Mẹ Maria có lối của Mẹ.

Mỗi người có một cuộc sống riêng nên không đường của ai giống đường của ai.  Tuy vậy, chỉ có một người gọi, đó là Chúa.  Và cũng chỉ có một tiếng gọi, đó là tiếng gọi về Nhà Cha.  Chỉ có một thứ tiếng gọi và do một người gọi, thì đường đi có khác, vẫn ở trong toàn thể.  Ở trong toàn thể thì có liên hệ và ảnh hưởng.  Với ý nghĩa đó, cuộc sống đức tin của người này liên quan đến cuộc sống của người kia.  Lối về Nhà Cha phải đi riêng đường của mình.  Ðiều ấy có nghĩa là đi một mình.  Ði một mình trong hàm ý là tự mình đi chứ không phải là đi lẻ loi.

Chúa Giêsu lên đường về Jerusalem để chịu tử nạn.  Theo tiếng gọi, Phêrô cũng lên đường với Ngài.  Nhưng trên đường đi, Phêrô gợi ý cho Chúa bỏ cuộc (Mc 8,31-33).  Làm gì có Phục Sinh nếu Chúa Giêsu nghe lời Phêrô chối từ Thập Giá.  Từ bỏ con đường của mình phải đi là đánh mất bản tính của mình.  Nếu Chúa cũng chỉ là Chúa khi Chúa đi con đường của Chúa thì đấy phải là định luật không thể thay thế cho tôi.  Tôi sẽ chẳng còn là tôi nếu chối từ con đường của mình.

**************************************

Mỗi người có một con đường, vì sao họ lại không đi được đường của họ?

Trên đường đời, cả hai: đau khổ và hạnh phúc, đều là những tiếng gọi dỗ dành làm tôi lạc lối.  Ðau khổ dẫn tới lẩn tránh đường đi.

Phêrô đã âm thầm cảm nghiệm được một khúc đời khốn khó nếu để Chúa về Jerusalem tử nạn.  Ðau đớn thường dẫn đến chạy trốn.  Trên đường đi, có những quãng đời rộn rã tiếng cười như ngày Chúa long trọng vào thành thánh: “Dân chúng rất đông đảo, trải áo choàng trên đường, nhóm khác chặt cây mà lót lối đi.  Kẻ trước, người theo sau tung hô rằng: Hosanna, con vua David.  Vạn tuế Ðấng nhân danh Chúa mà đến.  Hosanna trên chốn trời cao” (Mt 21,8-9).  Tưng bừng là thế đó, nhưng lại không hiểu những ngày hắt hiu: “Hồn Ta buồn quá đỗi, muốn chết được.  Các ngươi hãy ở lại mà thức với Ta.”   Ðã chẳng ai thức với Chúa trong giờ phút lẻ loi nhất ấy: “Simon, ngươi ngủ sao? Ngươi không thể thức với Ta được một giờ ư?” (Mc 14,34-37).  Có những ngã tư đông đúc, cũng có những ngõ vắng dẫn vào cô tịch đìu hiu.  Ngõ vắng ấy là ngại ngùng.  Cô tịch đìu hiu kia là đau khổ.  “Ai bỏ tất cả mà theo Ta sẽ được gấp trăm” (Mc 10,28-30).  “Ai muốn theo Ta hãy vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8,34).  Lời ban đầu là quãng đường đẹp hứa hẹn đầy mộng ước.  Lời kế tiếp là khúc vắng dẫn vào đìu hiu, cô tịch.

Chúa không về Jerusalem để chết vĩnh viễn trên thập giá, mà là để đón nhận phục sinh vì hoàn tất thánh ý của Chúa Cha.  Bởi đó, đường về Nhà Cha thì Nhà Cha mới là cùng đích.  Nhưng cô tịch đìu hiu, những ngõ vắng nếu có trên đường đi, tôi phải chấp nhận.  Chối từ phương tiện là chối từ cùng đích.  Ðường của Gioan Tẩy Giả là “mọi thác ghềnh sẽ được lấp đầy, đồi cao sẽ hạ thấp, nơi cong queo nên ngay thẳng” (Lc 3,4-6), để dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.  Chấp nhận đường của mình.  Gioan đã phải đi những quãng đường rất vắng vẻ, rất đìu hiu trong ngục tối vì dám làm chứng cho sự thật.  (Mc 6,17-28).

Trời sa mạc rộng quá.  Gioan cất tiếng kêu.  Tiếng kêu trong sa mạc thì thấm vào đâu.  Nhưng lối đi của Gioan là thế.  Sứ mạng của sứ ngôn là lên tiếng.  Không thể để cái hoang vu của sa mạc làm nản lòng.  Dù không có ai nghe, người sứ ngôn vẫn phải cất tiếng.  Chối từ lên tiếng là đánh mất bản tính làm sứ ngôn của mình.  Bản tính đó hệ tại là người sứ ngôn có lên tiếng hay không chứ không hệ tại người nghe chối từ hay chấp nhận.

Gian nan làm người ta muốn chối từ con đường của mình thế nào thì hạnh phúc giả cũng làm người ta lạc lối như thế.

Ảo ảnh hạnh phúc dễ đưa lầm đường.

Vì đường đời đi trong cuộc đời, nên có lúc người khác đi cùng với tôi.  Ði cùng không có nghĩa là đi con đường của nhau.  Ðường tôi đi vẫn là của riêng tôi, nên dù không ai đi cùng, tôi vẫn phải đi.  Những lúc trên đường vắng ấy, một quán hạnh phúc bên ngã rẽ dễ mời tôi tắt lối quẹo ngang.  Sau những ngày ăn chay trong sa mạc, Chúa đói.  Ma quỷ đã đến cám dỗ Ngài: “Nếu ngươi là con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho viên đá này thành bánh” (Mc 4,3).  Luôn luôn có lời ngọt ngào bảo tôi chối bỏ con đường của tôi.

Trong hôn nhân, biết bao đổ vỡ đã đến từ những bóng mát hạnh phúc ở bên cạnh.  Trong đời tu, biết bao trống trải đã ủ xuống hồn vì những lời gọi không chính đáng.  Mỗi người có một lối đi.  Vì cùng đi trong cuộc đời, nên sẽ thấy có người bước tới, có người quay về, có người tắt ngang.  Ðiều ấy dễ gây xôn xao.  Có người lấy bóng hạnh phúc của kẻ khác làm của mình, vì thế họ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc thật.  Có người lại lôi kéo kẻ khác vào con đường của họ.  Làm như thế, ngỡ là yêu thương, nhưng thật ra, họ đã tàn tật hóa con đường của nhau phải đi.  Nâng đỡ nhau trên đường đi không bao giờ có nghĩa là đi con đường của kẻ khác.  Yêu thương là để kẻ khác đi trên con đường của họ.

Nguy hiểm trên đường đi là sự lừa dối lương tâm của chính mình.  Khi người ta gian lận nhiều lần, thì dần dà sẽ thành thói quen, nhưng thành thói quen không có nghĩa là được phép.

Cứ đi lại nhiều lần trên bãi hoang, thì tự nhiên sẽ thành đường đi, nhưng thành đường đi không có nghĩa đấy là chính lộ.

**************************************

Lạy Chúa, hôm nay con muốn nói với Chúa về nỗi lòng của con đã thấy gì trên đường con đi.  Trên đường đi, con thấy có nhiều quán trọ.  Có quán cho con bóng mát.  Có quán bảo con đừng đi.  Mệt nhọc làm con muốn dừng nghỉ.  Chống đối, hiểu lầm, ghen tỵ, kết án làm con muốn bỏ cuộc.  Và dường như, nếu con càng dừng nghỉ thì con càng ngại đi.  Nếu con càng làm quen với lười biếng thì con càng ngại ngùng trở về con đường Chúa muốn con sống.  Rồi, đường đi cứ thế mà chậm thêm.  Và, cũng trên đường đi, sao có nhiều quãng đường thật xấu, gồ ghề như quãng đường Chúa đi xưa.  Hình ảnh đồi sọ làm con tính toán lưỡng lự.  Có những quãng đường sao mà tối tăm làm con hồ nghi không biết có phải là đường thật không.  Ðây là lúc con phân vân không biết thánh ý Chúa ở đâu.  Và cũng là những lúc con bị cám dỗ nghi ngờ ơn gọi Chúa đã ban.  Ði trọn tiếng gọi của mình theo Phúc Âm không dễ vì có nhiều hình ảnh đánh lừa con.  Có phải vì thế mà Chúa đã dặn: “Ðường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi” (Mt 7,13-14).

Hôm nay, có điều con cũng muốn thưa với Chúa là dù được an ủi hay chịu đựng âm u của những ngày nặng nề, con vẫn nghe thấy tiếng Chúa khuyến khích con đi con đường của riêng con.  Tuy có khó khăn nhưng con vẫn tin ở trước mặt là một bình minh rất đẹp.  Ðiều ấy làm con vững tâm.

**************************************

Trong lịch sử lầm đường, chối bỏ lối đi của mình bao giờ cũng có mặt của Satan.  Khi Phêrô ngăn cản Chúa đừng chịu chết.  Chúa mắng: “Satan hãy cút khỏi sau Ta vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa” (Mt 8,31-33).

Phúc Âm thánh Luca nói về Giuđa như sau: “Satan nhập vào hắn, và y đi thương lượng với các thượng tế để làm sao nộp Ngài cho họ” (Lc 22,3-4).

Trong sa mạc, kẻ cám dỗ Chúa đừng đi con đường của Chúa cũng là Satan (Mt 4,1-11).

Ngày xưa trong vườn địa đàng, Adong, Evà đã không đi được con đường của mình cũng vì lời ma quỷ lừa gạt.  Lịch sử lầm đường là lịch sử có mặt của Satan.  Ðiều ấy cho tôi tin chắc rằng khi tôi không muốn đi con đường của mình, tôi phải cẩn thận vì tiếng nói của thần dữ rất tinh vi.

Nói về hành động Giuđa đi lạc lối, Phúc Âm thánh Gioan kết luận: “Lập tức hắn đi ra và trời đã tối” (Gn 13, 30).  Khi nói trời đã tối, Gioan không có ý viết một bài văn chương tả cảnh hoàng hôn.  Bằng ngôn ngữ thần học, rất sâu sắc, Gioan muốn nói khi con người chối bỏ ơn gọi của mình để Satan đổi hướng đời mình phải đi, đấy là lúc “người ta yêu mến bóng tối hơn sự sáng” (Ga 3,19).

Không đi đường mình phải đi, chìm vào bóng tối thì tôi tìm thấy gì trong vùng đất ấy?

Trời đã tối, tiếng than ngắn ngủi mà thăm thẳm như nỗi tuyệt vọng mịt mù, buông xuống che kín một đời người.  Lời thánh Gioan nhắn nhủ nghe buồn như tiếng thở dài, nhẹ mà rất sâu: “Ai đi trong tối tăm thì chẳng biết mình đi đâu” (Ga 12,35).

**************************************

Lạy Chúa, con đường đời của riêng con.  Chối bỏ con đường của mình là lừa dối chính mình và tránh mặt Chúa, kẻ đang đợi chờ con ở đầu đường bên kia.

Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J

NGÀY CỦA CHA

Hàng năm chúng ta đều kỷ niệm “Ngày của Cha”, ngày mà chúng ta được mời gọi để nói lên lòng biết ơn với người cha.  Đối với một số người đây là chuyện dễ dàng vì họ có một người cha tốt, đối với một số người khác, đây là điều khó khăn: Làm sao mình biết ơn người cha khi cha của mình phần lớn thời gian vắng mặt trong cuộc đời hoặc ngược đãi mình?

Đáng buồn thay, thế giới của chúng ta có quá nhiều người cha vắng mặt và ngược đãi.  Vì vậy, nhiều người trong chúng ta đi suốt cuộc đời trong cố gắng chật vật, dù vô thức, để tìm cho được thăng bằng lành mạnh giữa tự do và kỷ luật.  Thay vào đó chúng ta luôn luôn giao động giữa một bên là quá khắt khe với bản thân và một bên là quá dễ dãi với bản thân.

Hơn nữa, nếu chúng ta có một người cha vắng mặt hoặc ngược đãi, chúng ta có khuynh hướng sống, luôn luôn đi tìm – một cách vô thức – một điều gì đó đã không được trao cho, đó là sự chấp thuận của người cha.  Điều này khiến chúng ta rụt rè, thường giận dữ, và đói khát hình ảnh một người cha.

Nỗi đói khát này, đói khát được người cha hay một ai đó đại diện cho ông để khẳng định và chúc phúc cho mình, có lẽ đó là cơn đói sâu sắc nhất trên thế giới ngày nay, đặc biệt đối với phái nam.  Rất ít người trong cuộc đời được cha ruột hay hình ảnh một người cha khẳng định và chúc phúc.

Một người cha là như thế nào?  Các nhà nhân loại học cho chúng ta biết hình mẫu người cha có những phẩm chất này: Ông là người thu xếp để tạo trật tự, cáng đáng, nuôi sống và chúc phúc cho gia đình.  Điều đó có nghĩa gì?

Trước tiên, ông phải là cội nguồn của trật tự chứ không phải của rối loạn.  Một người cha tốt sống theo cách mà gia đình ông cảm thấy yên ổn, an toàn khi có ông bên cạnh.  Một người cha tồi, qua việc ông vắng mặt, không đáng tin cậy, hoặc ngược đãi đã làm cho gia đình cảm thấy bất ổn.  Ví dụ, người cha có gốc là rối loạn khi ông không chung thủy, nghiện rượu, hoặc đang mang một thói nghiện ngập nào đó.  Khi đó, cách hành xử của ông sẽ không lường trước được, lúc nào các con cũng đoán xem ông có về nhà hay không – nếu về thì tâm trạng của ông lúc đó sẽ như thế nào.  Dần dà, tính chất khó lường này sẽ thấm vào con cái, đến một lúc chúng cảm thấy cha mình là nguồn gốc của mất trật tự, của hỗn loạn.  Ngược lại, một người cha tốt, kể cả khi gia đình ông coi ông là chán ngắt và tẻ nhạt, sẽ làm cho gia đình cảm thấy an toàn và an ổn.

Thêm nữa, người cha tốt gánh vác gia đình hơn là đòi hỏi gia đình gánh vác ông.  Người cha tốt là người lớn, người có tuổi đáng kính, chứ không phải là anh chị em hay là một đứa trẻ (xét về hành vi) mãi mãi đòi hỏi gia đình phải gánh vác mình.  Một người cha tốt không để vấn đề và mối lo, những chuyện đau lòng và mệt mỏi của riêng mình, thành tâm điểm chú ý của cả gia đình.  Thay vào đó ông vượt lên chuyện mệt mỏi và đau lòng của riêng mình để tập trung vào những chuyện đau lòng, đau đầu của gia đình.

Vượt lên trên điều đó, một người cha tốt nuôi dưỡng gia đình chứ không bắt gia đình nuôi dưỡng ông.  Không đòi hỏi, cho dù vi tế và vô thức, con cái phải mang lại ý nghĩa, sự hài lòng và vinh quang cho ông.  Thay vào đó ông quan tâm nhiều hơn đến việc con cái và gia đình tìm thấy được ý nghĩa, sự hài lòng và hạnh phúc trong chính cuộc đời của họ.  Những người cha người mẹ tốt nuôi dưỡng con cái mình; những người cha người mẹ tồi bắt con cái phải nuôi dưỡng mình.

Cuối cùng, một người cha tốt khẳng định và ngưỡng mộ con cái thay vì đòi hỏi chúng khẳng định và ngưỡng mộ ông.  Một người cha tốt tỏ ra cho con thấy ông tự hào về chúng chứ không ghen ngược lại về tài năng và thành tựu của chúng.  Ông không đòi hỏi con cái nói lên lòng tự hào của chúng về ông.  Daniel Berrigan, trong cuốn tự truyện chín chắn viết hồi cuối đời, chia sẻ ông đã phải cố gắng chật vật ra sao với nhiều vấn đề trong suốt cuộc đời, đặc biệt với vấn đề thẩm quyền, vì ông thiếu lời chúc lành của người cha.  Chẳng hạn, ông thường thấy sợ không dám nói với cha tin vui là ông vừa xuất bản một cuốn sách vì sợ cha ông ghen tỵ.  Sau khi kể điều đó, ông hỏi độc giả: Có kinh ngạc gì không trước chuyện ông đã luôn ranh mãnh và nghi ngờ mọi hình bóng thẩm quyền trong suốt cuộc đời người lớn của mình?  Sự vắng bóng lời chúc lành của người cha làm cho tâm hồn của chúng ta co lại.

Có lẽ hình ảnh này có thể giúp ích ở đây: Khi con bò mẹ sinh con, con bê non rơi ra khỏi tử cung trong tình trạng bị bó chặt, cứng đơ, toàn thân bị quấn trong bọc nhau giống như keo dính.  Nhưng Tự nhiên đã tính đến chuyện này và đã ban cho bò mẹ bản năng đúng đắn.  Ngay lập tức, bò mẹ quay ra phía sau và liếm cái bọc bó chặt đó khỏi thân bê con cho kỳ hết.  Ngay khi được liếm xong, bê con đứng dậy, dò dẫm và bắt đầu tự đi được.

Con người chúng ta cũng sinh ra trong tình trạng tương tự.  Chúng ta cũng bước vào cuộc đời trong tình trạng bị bó chặt, nhưng trong trường hợp chúng ta, sự bó chặt không hẳn là về mặt thân thể.  Đó là sự bó chặt sâu hơn và phức tạp hơn nhiều – và cha mẹ là người xóa bỏ tình trạng đó bằng cách thu xếp để tạo trật tự, gánh vác, nuôi dưỡng và chúc lành cho chúng ta.  Không người cha nào làm được điều đó một cách hoàn hảo, nhưng nếu cha của bạn đã làm điều đó thậm chí chỉ được một nửa mức thỏa đáng, thì bạn hãy bày tỏ lòng biết ơn, và bạn nên biết là bạn được phước lành!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

DÂNG LỜI CHÚC TỤNG BA NGÔI

“Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Kh 1,8a)

Một đan sĩ nọ đã nói: “Nếu ngày xưa Moisen đã không bước vào chỗ tăm tối và mù mịt trên núi Sinai, ông đã không gặp thấy Chúa.  Cũng vậy, nếu chúng ta không thấy mình dốt nát và mù tối khi suy hiểu về Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ nhận biết được Ngài.”  Điều này rất đúng khi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi mà Giáo hội hôm nay mừng kính.  Đây là mầu nhiệm căn bản nhất của đức tin Công giáo, đồng thời cũng là chân trời vĩ đại và tối tăm nhất đối với đầu óc suy lý của con người.  Mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu và thực ra chúng ta không thể hiểu nổi.  Khi đối diện trước các thực tại của Thiên Chúa, chúng ta không thể nhận thức bằng lý trí nhưng chỉ có thể trải nghiệm bằng đức tin.  Thái độ cần thiết nơi chúng ta không phải là đứng lên cách ngạo nghễ để vắt óc tìm tòi, nhưng phải quỳ gối xuống cách khiêm tốn trong cung chiêm và thờ lạy.

Thực hành đức tin khi tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trước khi bắt đầu làm bất cứ công việc gì, người Công giáo chúng ta luôn bắt đầu bằng dấu Thánh giá với lời tuyên tín: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.  Thánh Phaolô thường gửi lời chào thăm đến các cộng đoàn với văn thức xưng tụng Thiên Chúa Ba Ngôi.  Giáo hội cũng dùng lại văn thức này để khởi đầu Thánh lễ khi vị linh mục chào chúc cộng đoàn: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (2 Cor 13,13; Eph 1,2).  Chúng ta nhớ lại giai thoại về thánh Augustinô.  Khi Ngài đi bách bộ bên bờ biển và suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngài gặp một em bé đang dùng cái vỏ sò để múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ tí xíu.  Em bé nhắc nhở cho thánh nhân biết rằng, việc lấy một cái vỏ sò bé tí teo đong đầy nước biển xem ra khá xuẩn ngốc, nhưng việc dùng đầu óc chật chội của con người để cố nhét vào cả bầu trời bao la của mầu nhiệm Thiên Chúa còn xuẩn ngốc hơn gấp bội.  Vì vậy, đi vào thế giới của mầu nhiệm, chúng ta phải hết sức khiêm tốn và nhận ra những bất toàn nơi đầu óc mình.

Các thánh giáo phụ vay mượn ý nghĩa của 3 lời khuyên phúc âm để minh họa tình yêu đối với Thiên Chúa Ba Ngôi.  Sống tinh thần khó nghèo chính là thể hiện niềm tin vào Chúa Cha, đấng quan phòng và luôn yêu thương con cái mình.  Đức Khiết tịnh diễn bày tinh thần từ bỏ để sống với một tình yêu thuần khiết theo gương Chúa Giêsu.  Sự Vâng phục của người tu sĩ mời gọi chúng ta mở lòng cho Chúa Thánh Thần tác động.  Đó chính là ân ban của Thần Khí giúp chúng ta luôn biết tìm kiếm và quy thuận thánh ý của Thiên Chúa.  Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha và về Thần khí tác sinh.  Khi Ngài lãnh phép rửa tại sông Giođan, mầu nhiệm Ba Ngôi từ từ được vén mở, qua tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống và Thánh Thần đậu xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu.  Ngoài những điều mà Kinh thánh mạc khải, giáo huấn của Giáo hội cũng đầy ắp những gợi mở cho chúng ta về mầu nhiệm cao cả này.  Đây là giáo lý căn bản và chúng ta vẫn thường xuyên tuyên xưng mầu nhiệm ấy mỗi khi chúng ta giơ tay làm dấu Thánh giá để cầu nguyện cùng Chúa Ba Ngôi.

Phẩm tính căn bản của mầu nhiệm Ba Ngôi chính là tình yêu.

Trong lá thư thứ nhất của Thánh Gioan, vị tông đồ đã định nghĩa về Thiên Chúa qua một hạn từ rất đơn giản và cô đọng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).  Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng quyết rằng, ‘Lòng thương xót’ là tên gọi thứ hai của Thiên  Chúa, bởi vì thương xót là cách hiển thị rõ nét về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.  Khi chiêm niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta hãy cảm nghiệm như Thánh Phaolô đã từng diễn tả: “Thiên Chúa đã đổ đầy tình yêu của Người vào tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho chúng ta (Rm 5, 5b).  Để mặc khải về tình yêu của Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính con một của Ngài để ai tin vào người Con, sẽ được sống.  (Ga 3,16). Vì thế khi chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, chúng ta bắt đầu sống ơn gọi làm con và khởi đầu sứ vụ thực hành tình yêu như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã nói: “Mỗi người chúng ta được trao ban một sứ vụ để chu toàn, đó là sứ vụ của tình yêu.”

Kết luận 

Một bữa nọ, Ông Voltaire, một triết gia vô thần đi bách bộ với một anh bạn trên con đường quê ven rừng.  Giữa giao lộ có một cây Thánh giá phủ đầy tuyết.  Voltaire đã công khai bỏ đạo từ lâu, và hoàn toàn không còn tin vào Thiên Chúa nữa.  Ông còn ngạo nghễ chế diễu niềm tin của các Kitô hữu.  Nhưng người bạn đang đi với ông lại có niềm tin rất sâu xa.  Voltaire chỉ vào cây Thánh giá phủ đầy tuyết và nói với anh bạn: “Đây là hình ảnh của tôn giáo ngày nay.  Thiên Chúa của các anh đã bị văn minh khoa học phủ kín mặt mày và niềm tin tôn giáo đã bị sự lạnh lùng băng giá của con người hôm nay che lấp.  Vì vậy, Thiên Chúa của các anh không còn lý do để hiện hữu nữa.”  Chợt lúc đó, có một cơn gió mạnh thổi đến hất tung chiếc mũ trên đầu Voltaire và quăng xuống đất, đồng thời cơn gió đã làm tan chảy lớp tuyết bao phủ cây Thánh giá.  Gương mặt Chúa Giêsu từ từ hiện lộ một cách rõ nét.  Người bạn của Voltaire lúc đó mới trả lời ông: “Này bạn, đây mới là hình ảnh đích thực của niềm tin tôn giáo ngày hôm nay.  Cho dù con người vẫn lạnh lùng và chai cứng như lớp tuyết trắng che kín Thánh giá, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn dư sức hất tung sự kiêu ngạo của con người và làm tan chảy sự lạnh lùng nơi con tim sỏi đá của mọi người.  Ngài luôn hiện hữu cho dù con người vẫn đang ra sức loại trừ Ngài.”

Một nhà tu đức đã nói: “Chúng ta hãy kiếm tìm Thiên Chúa chứ đừng tìm nơi ở của Ngài.”  Chúa ở khắp mọi nơi và đang ở trong tâm hồn mỗi người.  Chúng ta hãy không ngừng đi kiếm tìm Ngài.

Lm. GB. Trần Văn Hào

BÀI HỌC VỀ LỄ NGŨ TUẦN

Khi suy nghĩ về lịch sử và phụng vụ của Lễ Ngũ Tuần, chúng ta có 7 bài học sau đây.

1. Chúng ta không thể “có đủ” Thiên Chúa

Cân nhắc: các tông đồ trải qua 3 năm sống với Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể.  Họ nghe Ngài giáo huấn, thấy Ngài làm phép lạ, thấy Ngài bị đóng đinh.  Rồi họ nhận biết Đức Kitô phục sinh và tin Ngài thật là Con Thiên Chúa.  Nhưng sau khi trải nghiệm biến đổi với Thiên Chúa, có điều khác chờ đợi họ: Chúa Thánh Thần hiện xuống.  Chúng ta không bao giờ “có đủ” Thiên Chúa.  Chúng ta có thể đầy ắp nhưng vẫn muốn lại được có Ngài tràn đầy.

2. Ngôi này dẫn tới Ngôi khác trong Ba Ngôi

Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu “không đủ” đối với các tông đồ.  Hơn nữa, mỗi Ngôi trong Ba Ngôi cho chúng ta biết các Ngôi khác.  Chúng ta càng gần một Ngôi thì càng muốn các Ngôi khác.  Điển hình về điều này là diễn từ về cây nho thật và cành nho trong Ga 15:1-17.

3. Thiên Chúa đến với chúng ta qua nhiều cách

Thời Tân Ước, trước tiên Chúa Giêsu đến với chúng ta qua việc hóa thành nhục thể – Thiên Chúa nhập thể.  Rồi Ngài hứa ở với chúng ta qua Bí tích Thánh Thể với hình bánh và rượu.  Chúa Thánh Thần nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đến với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau.  Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, đó là gió thổi đến từ trời và hình lưỡi lửa.

4. Cảm nghiệm Thiên Chúa – riêng tư và cộng đồng

Lễ Ngũ Tuần vừa mang tính riêng tư vừa mang tính cộng đồng.  Lưỡi lửa đậu trên đầu các tông đồ: mỗi lưỡi lửa đầy Chúa Thánh Thần.  Nhưng đó cũng là cảm nghiệm cộng đồng với ý nghĩa rộng lớn hết sức có thể.

Như Thánh Luca nói trong Cv 2:1-13, tại Giêrusalem “có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về.  Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.”  Họ đã từng vô tổ chức trong cộng đồng Do Thái mà nay trở thành cộng đồng toàn cầu và Giáo Hội được khai sinh.

5. Chuẩn bị cho Thiên Chúa

Trong những ngày gần tới Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ tích cực chuẩn bị, mặc dù họ không biết phải chuẩn bị thứ gì.  Theo Cv 1, các tông đồ làm ba việc chính: [1] thành lập cộng đoàn, [2] chuyên cần cầu nguyện, và [3] chọn một tông đồ mới cho đủ số mười hai – vì Giuđa đã chết.  Mặc dù chúng ta chuẩn bị lãnh nhận Thiên Chúa bằng những cách khác nhau, chúng ta có thể noi gương họ về mức độ cơ bản trong việc yêu thương người lân cận, yêu mến Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, và vẫn vững vàng trong Nhiệm Thể Đức Kitô – Giáo Hội.

6. Mong chờ Thiên Chúa

Lúc này, sự chuẩn bị có vẻ dẫn tới sự trái ngược: mong chờ.  Ngay cả sau khi Thiên Chúa can thiệp mạnh mẽ vào cuộc sống của chúng ta, các tông đồ vẫn phải phục vụ Thiên Chúa.  Về phương diện này của Nước Trời, chúng ta cũng không ngừng làm điều đó.

7. Thiên Chúa không đến thế gian mà không có Đức Mẹ

Chúa Giêsu không đến thế gian này mà không có Đức Mẹ, và Chúa Thánh Thần cũng vậy.  Tác giả sách Công Vụ rất cẩn thận cho biết rằng Đức Mẹ ở với họ và cùng cầu nguyện chuẩn bị Lễ Ngũ Tuần: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1:14).  Dĩ nhiên các phụ nữ khác cũng ở đó, nhưng Đức Mẹ là người duy nhất được nhắc tới cùng với 11 tông đồ.  Sự hiện diện của Đức Mẹ vô cùng quan trọng khi chúng ta nhớ lại rằng Đức Mẹ sống từng thời điểm trong sứ vụ của Chúa Giêsu – từ tiệc cưới Cana tới đồi Canvê.  Trên thế gian, nơi nào có Đức Mẹ thì nơi đó có Thiên Chúa làm công việc của Ngài.

Stephen Beale
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

10 CÁCH RẤT ĐỜI THƯỜNG CÓ THỂ “CHỨNG MINH” SỰ TỒN TẠI CỦA THIÊN CHÚA

Ai trong chúng ta khi dấn thân vào sứ mạng tông đồ ít nhiều cũng từng kiếm tìm những cách thức đơn giản nhất có thể nhằm giải thích sự hiện diện của Thiên Chúa, sao cho mọi người, ngay cả những người chất phác nhất cũng hiểu được.

Chúng ta vận dụng hết khả năng hầu thấu hiểu Ngũ Đạo (5 cách chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa của Thánh Tôma Aquinô), nỗ lực nghiên cứu và dịch thuật những Giáo Huấn của Giáo Hội.  Chúng ta trích dẫn tư tưởng của các Thánh, các vị Giáo Tông.  Thậm chí, nhiều người còn sử dụng những phương thức sáng tạo hơn, hiện đại hơn như trình chiếu Video, thuyết trình với Powerpoint, hoặc lên Website Công Giáo tìm kiếm những nguồn mới có thể sử dụng trong lớp học tôn giáo của mình.

Nhưng Thiên Chúa làm cho mọi thứ dễ dàng hơn chúng ta tưởng.  Rốt hết, chính Ngài đã trở nên một con người đích thực.  Ngài đã trải qua những kinh nghiệm rất đỗi con người, cũng đói, cũng rét, cũng mệt mỏi, cũng đau nhức như chúng ta.  Chính vì vậy mà tất cả những kinh nghiệm mang chiều kích nhân loại đều có thể giúp chúng ta hiểu biết Thiên Chúa.  Thiên Chúa hiện hữu tròn đầy nơi mọi sự, bởi chính Ngài đã kinh qua mọi sự ấy và biến chúng thành những kinh nghiệm thánh thiêng.

Vì lẽ đó, hôm nay chúng tôi mang đến cho bạn một vài ý tưởng hầu giúp bạn nhận biết rằng Thiên Chúa đã “ở đó”, Ngài bước qua “nơi ấy” nhưng không ai nhận ra Ngài.  Dẫu thế, Ngài vẫn luôn hiện diện, vẫn sẵn sàng lắng nghe bạn.

Chắc chắn bạn đã từng có kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời bạn; và đó là cách tuyệt vời để hiểu và diễn giải sự hiện hữu sống động của Ngài.  Và đây, chúng tôi đưa ra 10 điều rất đỗi thân quen cho thấy Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời mỗi người:

1. Trong lần đầu tiên bạn trở thành cha mẹ

Thật khó để giải thích ý nghĩa của việc trao ban sự sống.  Thiên Chúa mới chính là Đấng ban tặng sự sống, nhưng với tình yêu vô biên, Ngài cho phép chúng ta trở nên những người đồng sáng tạo và cộng tác vào kế hoạch yêu thương của Ngài.  Ẵm trên tay một con người do bạn LÀM RA, nhưng con người ấy đồng thời cũng là một “sản phẩm” khởi phát từ Ý Muốn thánh thiêng của Thiên Chúa, điều này chắc chắn là một trải nghiệm linh thiêng đối với bạn.

2. Khi bạn cảm thấy ngỡ ngàng trước một bầu trời hùng vĩ bao la

Có những lúc ta nhận ra tầm nhìn và sự hiểu biết của mình thật nhỏ bé, và mọi thứ đều nằm trong tay một ai đó vĩ đại hơn ta.  Con người không thể làm gì hầu thay đổi màu sắc trên bầu trời, hình dạng của những đám mây, ánh sáng xuyên qua cửa sổ v.v… Và đó mới chỉ là những thứ ta thấy được!  Còn biết bao điều khác vẫn tồn tại nhưng con người chẳng thể nào nhận ra, chẳng thể nào thấu hiểu!

3. Khi chiêm ngắm chính đôi bàn tay của mình

Đôi bàn tay hoàn hảo nhưng đồng thời lại vẫn chưa hoàn hảo; được thiết kế rất khéo léo, tinh tế, nhưng vẫn được đảm bảo mạnh mẽ, rắn chắc.  Chiêm ngắm và bạn sẽ thấy đôi bàn tay ấy đã trải qua năm tháng cuộc đời với biết bao công việc lớn nhỏ khác nhau, nhưng nó vẫn là nó, … và thật kỳ diệu: Thiên Chúa đã nghĩ và thiết kế đôi bàn tay ấy cho bạn.

4. Khi bạn trò chuyện với chính mình

Mỗi người không đơn thuần chỉ là một khối xương thịt hay một vật thể mang một kết cấu cơ học nào đó.  Có thứ gì đó bên trong thôi thúc họ vươn tới điều cao quí, nghiêng chiều về điều thiện hảo, và khát khao hướng về Thiên Chúa.  Cứ trò chuyện và đối diện với chính mình, trả lời những câu hỏi, giải quyết những rắc rối, nhưng rồi bạn sẽ nhận ra mình không phải là một sản phẩm của một định mệnh mù quáng ngẫu nhiên.  Sự hiện hữu của bạn vừa phức hợp, vừa toàn vẹn, đó là Thánh Ý và là kết quả của một sự sáng tạo vô biên từ Thiên Chúa.

5. Một ngày nào đó bạn thấy bình an khỏa lấp cõi lòng, nhưng chẳng sao giải thích được

Có những yếu tố ngoại tại làm nên sự tĩnh mịch an nhiên, chẳng hạn như khi bạn được đảm bảo về tài chính, thể chất lành mạnh, gia đình êm ấm, được cư ngụ giữa mọi người.  Nhưng ngay cả khi một khía cạnh nào đó trên đây không thành tựu như bạn mong chờ thì vẫn có đó những giây phút bạn cảm nếm thứ bình an sâu thẳm cứ xâm chiếm nội tâm bạn.  Trước điều đáng ngạc nhiên ấy, bạn chẳng sao giải thích được.  Cứ như thể có ai đó vừa đặt nó trong tâm hồn bạn.

6. Khi bạn cảm nghiệm mình được yêu thương

Không chỉ là chuyện của việc đón nhận hay lòng tự trọng, kinh nghiệm mình được yêu thương còn cao cả hơn thế.  Cảm thấy mình được yêu cũng là cảm thấy mình xứng đáng, và cũng là hiểu được mình thực sự có giá trị.  Và ngay cả khi tình yêu mang tính nhân loại có bị giới hạn và đầy bất toàn, thì nó vẫn chất chứa một tia sáng giúp diễn tả Tình Yêu Thiên Chúa, và tình yêu nhân loại vẫn gợi lên trong bạn cảm giác mình được Thiên Chúa yêu thương.

7. Khi những thành tựu của nhân loại khiến bạn ngạc nhiên

Cứ như thể vẫn còn lại đây những hơi thở vốn tác thành mọi sự trong công trình tạo dựng.  Chúng ta thấy mình rất gần gũi với trí khôn nhân loại và thân quen với tốc lực mà trí khôn ấy hằng ngày xử lý các vấn đề, những bất tiện, và ngay cả nhiều điều ta không biết mình đã ước ao.  Thế nhưng ta lại không nhận ra rằng chỉ cần lui lại đôi bước là ta có thể chiêm ngắm và cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thực con người được dựng lên và cách mà Thiên Chúa trao cho con người trí khôn để cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài.  Với trí khôn được lãnh nhận, con người làm nên những điều đáng kinh ngạc như dựng xây những tòa cao ốc chọc trời.  Và với cùng trí khôn ấy, họ tạo ra cả những điều đơn giản như chiếc muỗng nhỏ xinh.

8. Khi thấy người chúng ta ít mong đợi nhất có được niềm tin

Thường thì người ta hay đưa ra những xét đoán không có chủ đích về đời sống và Đức tin của người khác.  Và họ cũng thường “chẩn đoán” một vài người như những kẻ “chẳng thể nào đem lại niềm hy vọng,” bởi vì họ nghĩ rằng trong hệ thống những giá trị của những người này, kinh nghiệm về Đức tin là điều không phù hợp.  Nhưng khi nhận ra một vài trong số những “con chiên đã bị mất” này tỏ cho thấy một dấu chỉ của Đức tin trong họ, lòng chúng ta bừng sáng và niềm hy vọng được hồi sinh.  Khi nhìn thấy họ làm dấu Thánh Giá, nói về Thiên Chúa, chia sẻ những sứ điệp, những trích dẫn về Thiên Chúa và Đức Tin, và cả khi họ xin ta cầu nguyện cho họ, lúc ấy, lòng ta ngập tràn tình yêu Chúa, như thể ta hiểu rõ sự thật rằng Thiên Chúa ngự trị cả trong tâm hồn những người mà ta ít mong chờ nhất.

9. Lúc mọi thứ trở nên tốt hơn sau khi thấy mình đã mất hết niềm hy vọng 

Đôi khi có vẻ như Thiên Chúa đang chờ chúng ta chạm tới những giới hạn của mình, và khi ta chẳng thể làm gì khác, lúc ấy Ngài mới bắt đầu ra tay.  Điều này xảy ra cho chúng ta cũng giống như những cánh cửa vốn bị đóng kín mà nay được mở toang.  Và tình huống, và cuộc vật lộn vốn bị xem là “vô phương cứu chữa” này, giờ đây lại được giải quyết gọn gàng trong giây lát.

10. Khi ta đồng hành với một người thân yêu trong những giây phút cuối đời họ

Những giây phút này gợi lên một niềm đau xót, tuy nhiên, dưới ánh nhìn Đức Tin, chúng ta lại được khích lệ, được ủi an để đồng hành với người thân yêu và chiêm ngắm việc họ lên đường để gặp gỡ Thiên Chúa của họ trong bình an sâu thẳm.  Những ai đã từng đồng hành với người thân yêu trong những khắc cuối đời có thể được chứng kiến một cảm xúc mãnh liệt phút chia ly, nhưng cũng thấy một sự bình an và niềm an ủi sâu sắc khi biết rằng người thân yêu ấy đã lên đường trở về nhà để ở cùng Thiên Chúa của họ.

Sebastian Campos
bản dịch của Đaminh Phan Quỳnh, Dòng Tên (Theo Ephata)