CHÚA CHIÊN LÀNH

Hình ảnh chiên cừu dễ gây ngộ nhận vì người ta cho rằng chiên cừu chẳng biết làm gì hơn là ngoan ngoãn vâng lời.  Nhưng con chiên trong bài Tin Mừng ta vừa nghe hoàn toàn không có tính cách thụ động như thế.  Trái lại phải tích cực, chủ động.  Sự tích cực chủ động của đoàn chiên được Chúa Giêsu diễn tả bằng những từ “nghe” và “theo”: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

NGHE.  Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người.  Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như tiếng vỗ của một bàn tay.  Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của từ bỏ mình, dẫn ta lên một ngọn đồi gai góc của thập giá hy sinh và thách thức ta phục vụ đến hy sinh cả mạng sống.  Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quý trên đời.

Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn.  Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.

THEO.  Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó.  Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.

Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ.  Mức độ thứ nhất: Thích nhìn, nghe người mình yêu.  Mức độ thứ hai: Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu.  Mức độ cuối cùng: Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống vì người yêu.

Như thế, theo tức là yêu thương ở cao độ.  Con chiên đi theo Chúa như thế phải hoàn toàn chủ động và nhất là thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ đoàn chiên.  Hành động của Chúa chiên tốt lành được Chúa Giêsu tóm gọn trong hai động từ: “biết” và “cho”.

BIẾT.  Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên.  Ông biết tên từng con.  Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên.  Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta.  Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta.  Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư?  Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội.  Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư?  Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá.  Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư?  Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giếtsimani và trên thập giá.  Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư?  Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người.  Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư?  Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.

Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.

CHO.  Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quý giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Ngài.  Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.  Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ.  Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên.  Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi.  Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta.  Những giá trị bị đảo lộn.  Những con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên.  Nhu cầu cuộc sống xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt.  Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên.  Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ anh chị em trong nhiệm vụ mục tử.  Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi guơng Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa là Mục Tử chăn giữ đời con, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa.  Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

HIỂU SÂU HƠN VỀ ÂN SỦNG

Biểu hiện của lòng hối lỗi đích thực không phải là cảm giác tội lỗi, mà là cảm giác buồn phiền, hối hận vì đã làm sai.  Cũng vậy, biểu hiện của sống trong ân sủng không phải là cảm giác mình xứng đáng, mà là cảm giác mình được đón nhận và yêu thương dù cho mình không xứng đáng.  Chúng ta lành mạnh về tâm linh khi cuộc sống của chúng ta có sự thú tội thật tâm và tự hào thật tâm.

Jean-Luc Marion đã nhấn mạnh điểm này trong một bình luận về quyển Tự thú của thánh Augustino.  Ông xem tự thú của thánh Augustino là một tác phẩm về lương tâm đạo đức đích thực, bởi đó vừa là một thú nhận về lòng tự hào và thú nhận về tội lỗi.  Gil Bailie cho rằng lời bình luận này nêu bật một tiêu chuẩn quan trọng để phán định xem chúng ta có đang sống trong ân sủng hay không.  “Nếu thú nhận về lòng tự hào không đi kèm với thú nhận về tội lỗi thì nó là một hành động trống rỗng và khoa trương.  Nếu thú nhận về tội lỗi không đi kèm với thú nhận về lòng tự hào, thì nó trống rỗng và cằn cỗi như thế, là một đống tạp nham, là một lời hối hận kiểu con vẹt.”

Gil nói đúng, nhưng thú nhận cả hai cùng lúc thật không phải là chuyện dễ dàng.  Chúng ta thường rơi vào một trong hai kiểu, thú nhận về lòng tự hào và không thật sự thú nhận tội lỗi của mình, hoặc là hối hận kiểu con vẹt, một kiểu ngụy biện hơn là nỗi buồn phiền thật sự vì đã lầm đường lạc lối.

Trong cả hai trường hợp, đều không có một ý thức thật sự về ân sủng.  Piet Fransen, với quyển sách về ân sủng được dùng như sách giáo khoa trong các chủng viện và trường thần học, cho rằng cả những tín hữu tự tín (những người vẫn âm thầm ghen tị với lạc thú của những kẻ vô luân, những thứ mà họ đã bỏ lỡ) cũng như những người ương ngạnh dù đã hối cải nhưng vẫn cảm thấy trân trọng những lầm lỡ của mình, cả hai loại người này vẫn chưa hiểu được ân sủng.  Chúng ta chỉ hiểu được ân sủng khi thật sự nắm bắt được những lời của người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng nói với người con cả.  “Con của cha, con luôn ở với cha, và mọi thứ cha có đều là của con.  Nhưng chúng ta phải vui mừng vì em của con đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm được.”

Người anh cả sẽ không cay đắng nếu hiểu được rằng mọi thứ cha của anh có đều là của anh, và anh cũng sẽ không ghen tỵ với những lạc thú của người em hoang đàng nếu hiểu rằng người em đó đã chết đi.  Nhưng cần có nhận thức sâu sắc hơn để trực cảm được rằng so với cuộc sống trong nhà Chúa, thì mọi lạc thú đều là ngọn nến so với mặt trời.  Và cũng đúng như thế với những người đã trở lại, từ bỏ lối sống lầm lạc nhưng vẫn âm thầm vui mừng vì những trải nghiệm mà nó mang lại cho mình, và nuôi dưỡng một sự thương hại cao ngạo cho những người ít được trải nghiệm hơn.  Người này cũng không thực sự hiểu được ân sủng.

Trong quyển sách Khái niệm về Linh thánh (The Idea of the Holy), Rudolf Otto cho rằng khi đối diện với sự thánh thiện, chúng ta luôn có một phản ứng kép: thấy e ngại và được lôi cuốn.  Như thánh Phêrô trong sự kiện Chúa Biến hình, chúng ta cũng muốn xây một lều và ở lại đó mãi mãi, nhưng như thánh Phêrô trong sự kiện phép lạ bắt được nhiều cá, chúng ta cũng sẽ muốn nói: “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.”  Trước sự linh thánh, chúng ta vừa muốn hớn hở tự hào vừa muốn thú nhận tội lỗi của mình.

Và thấu suốt này có thể giúp chúng ta hiểu được ân sủng.  Trong quyển sách của mình về ân sủng, Đời sống Ân sủng Mới (The New Life of Grace), Piet Fransen mở đầu bằng cách mời chúng ta hình dung cảnh này: Hãy hình dung một người sống theo chủ nghĩa khoái lạc một cách vô tâm.  Ông ta hoàn toàn chìm trong những khoái lạc của thế gian mà không nghĩ gì đến Thiên Chúa, trách nhiệm hay luân lý cả.  Rồi sau một cuộc đời chìm trong những khoái lạc vô luân, ông ta hối cải thật sự trên giường hấp hối, thật tâm thú nhận tội lỗi của mình, nhận lãnh các bí tích của giáo hội, và chết lành.  Nếu phản ứng của chúng ta với câu chuyện này là: “Gã này may mắn thật!  Hắn đã chơi bời mà cuối cùng vẫn được phúc!” thì chúng ta chưa hiểu được ân sủng.  Nếu nghĩ như thế thì chúng ta chỉ là những người đạo đức trong cay đắng, đứng đó như người anh cả cần phải nói chuyện thêm với Chúa.

Và cũng như thế với những người đã hoán cải mà vẫn cảm thấy những trải nghiệm hoang đàng của mình là một niềm vui sâu sắc hơn những người chưa từng hoang đàng.  Trong trường hợp này, người đó trở về nhà cha mình không phải bởi cảm thấy một niềm vui sâu sắc hơn, nhưng là bởi nghĩ rằng việc trở về là một trách nhiệm không mong muốn, một chuyện ít thú vị và vui vẻ hơn cuộc sống tội lỗi, nhưng là một chiến lược thoát thân buộc phải làm.  Người này cũng chưa hiểu được ân sủng.

Chỉ khi chúng ta hiểu được ý của người cha nói với người anh cả trong dụ ngôn người con hoang đàng: “Mọi sự cha có đều là của con,” thì chúng ta mới có thể vừa thú nhận niềm tự hào của mình vừa thú nhận tội lỗi của mình được.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐỨC MẸ CỦA KINH THÁNH VÀ ĐỨC MẸ CỦA LÒNG SÙNG KÍNH

Có nhiều người tin rằng: Người Công giáo La Mã có khuynh hướng sùng bái Đức Mẹ, còn người Tin Lành và phái Phúc âm thì có khuynh hướng bài trừ Đức Mẹ.  Cả hai đều không chuẩn lắm.

Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, có hai tuyến lịch sử trong truyền thống Kitô giáo.  Chúng ta có Đức Mẹ trong Kinh thánh, và Đức Mẹ của lòng sùng kính, và cả hai đều góp những phần đặc biệt cho hành trình Kitô hữu của chúng ta.

Đức Mẹ của lòng sùng kính thì được biết đến nhiều hơn, chủ yếu là trong Công giáo La Mã.  Đây là hình ảnh Đức Mẹ trong chuỗi mân côi, Đức Mẹ của các đền thánh nổi tiếng, Đức Mẹ Sầu bi trong các kinh, Đức Mẹ dịu dàng chuyển cầu cho chúng ta đến với Chúa, Đức Mẹ tinh tuyền và trinh khiết, Đức Mẹ hiểu nỗi đau của con người, Đức Mẹ làm kẻ sát nhân phải mềm lòng, và Đức Mẹ mà chúng ta luôn có thể chạy đến kêu cầu.

Và Đức Mẹ này, trên hết là Mẹ của người nghèo.  Karl Rahner từng chỉ ra rằng khi nhìn vào mọi lần Đức Mẹ hiện ra mà đã được Giáo hội công nhận, bạn sẽ để ý thấy rằng mẹ luôn hiện ra với người nghèo, một đứa bé, một nông dân, một nhóm trẻ em, một người không có địa vị xã hội.  Đức Mẹ không bao giờ hiện ra với một thần học gia đang nghiên cứu, một giáo hoàng, hay một triệu phú.  Mẹ luôn là người mà người nghèo hướng về.  Lòng sùng kính Đức Mẹ chính là thần nghiệm của người nghèo.

Ví dụ như, chúng ta thấy rất rõ điều này trong tác động của Đức Mẹ Guadalupe bên Châu Mỹ La tinh.  Trong toàn châu Mỹ, hầu hết các thổ dân đều là Kitô hữu.  Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ, nơi hầu hết thổ dân là Kitô hữu, Kitô giáo lại không phải là một tôn giáo bản địa, mà là một tôn giáo du nhập từ nơi khác đến.  Còn ở Châu Mỹ La tinh, khắp nơi mà giáo dân sùng kính Đức Mẹ Guadalupe, thì Kitô giáo được xem là một tôn giáo bản địa.

Nhưng lòng sốt sắng và sùng kính cũng có nguy cơ trật đường về mặt thần học và gây nên sự ủy mị không lành mạnh.  Đây cũng là vấn đề trong hình ảnh Đức Mẹ của lòng sùng kính.  Chúng ta có khuynh hướng nâng Đức Mẹ lên hàng thần thánh (mà thế là sai) và chúng ta quá thường sùng kính Mẹ đến nỗi trong tâm thức của chúng ta, một Đức Mẹ của lòng sùng kính không thể nào là một người khiêm hạ đã hát lên bài Magnificat.  Đức Mẹ của lòng sùng kính quá thường bị tôn vinh với sự sốt sắng, đơn giản hóa thái quá, và phi tính dục như thể cần bảo vệ Mẹ khỏi những phức tạp của thân phận con người.  Nhưng Đức Mẹ của lòng sùng kính vẫn cho chúng ta đối diện rõ ràng hành trình tâm linh của mình.

Còn Đức Mẹ của Kinh thánh và vai trò mà các Tin Mừng khác nhau đã nói đến về Mẹ, thì bị làm ngơ hơn nhiều.

Trong Tin mừng Nhất lãm, Đức Mẹ được thể hiện như hình mẫu người môn đệ.  Nói đơn giản hơn, Mẹ là một con người chuẩn mực ngay từ đầu.  Nhưng chúng ta lại không nhận ra như thế ngay lập tức.  Nhìn bề ngoài, đôi khi chúng ta lại thấy ngược lại.  Ví dụ như, trong nhiều dịp Đức Giêsu nói chuyện với đám đông, có người cắt lời và báo rằng mẹ và người thân của Ngài đang chờ bên ngoài và muốn nói chuyện với Ngài.  Và Chúa Giêsu trả lời: “Ai là mẹ Ta và ai là anh chị em của Ta?  Là người nghe lời Chúa và tuân giữ.”  Khi nói thế, Chúa Giêsu không có thái độ xa cách với mẹ mình, mà ngược lại thì đúng hơn.  Trong các Tin mừng, trước chuyện này, các thánh sử đã rất cẩn thận chỉ ra rằng Đức Mẹ là người đầu tiên nghe lời Chúa và tuân giữ.  Và như thế, chính Chúa Giêsu nêu bật mẹ mình trên hết là vì đức tin của Mẹ, chứ không phải vì huyết thống.  Trong Tin mừng Nhất lãm, Đức Mẹ là hình mẫu cho tinh thần môn đệ.  Mẹ là người đầu tiên nghe lời Chúa và tuân giữ.

Tin mừng theo thánh Gioan còn cho Mẹ một vai trò khác.  Mẹ không phải là hình mẫu cho tinh thần môn đệ (một vai trò mà thánh Gioan trao cho người môn đệ Chúa thương và Maria Magdalena) nhưng được xem là Evà, mẹ của nhân loại, và là mẹ của mỗi người chúng ta.  Thú vị là, thánh Gioan chưa từng nói ra tên của Đức Mẹ, ngài luôn luôn nói là “Mẹ của Chúa Giêsu.”  Và với vai trò này, Đức Mẹ làm hai điều:

Thứ nhất, Mẹ là tiếng nói cho sự hữu hạn của con người, như khi Mẹ lên tiếng trong tiệc cưới Cana “họ hết rượu rồi.”  Trong Tin mừng theo thánh Gioan, đây không chỉ là cuộc nói chuyện giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu, nhưng còn là cuộc nói chuyện giữa Mẹ Nhân loại và Thiên Chúa.  Thứ hai, là Evà, Mẹ toàn thể và Mẹ chúng ta, Đức Mẹ cũng bất lực trong và trước nỗi đau của con người khi Mẹ đứng dưới chân thập giá.  Trong biến cố này, Mẹ cho chúng ta thấy mình là Mẹ của toàn thể, nhưng cũng là một gương mẫu về cách đương đầu với sự bất công, cụ thể là đứng trong sự bất công đó mà không nhân đôi hận thù và bạo lực đó nhưng đáp lại bằng yêu thương.

Đức Mẹ đã cho chúng ta một gương mẫu tuyệt vời, một gương mẫu không phải để chúng ta tôn sùng hay làm ngơ, nhưng là để sống.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CON CÓ YÊU MẾN THẦY KHÔNG?

Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi.  Có thể chia đời ngài ra làm hai.  Cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy.  Phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Rôma.  Cuộc đời phần một: Phêrô đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.  Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14, 66-72).  Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mảnh đời của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.  Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin (Mt 14, 31).  Lần thứ hai: Ngu tối (Mt 15, 16).  Lần thứ ba: Satan (Mc 8, 33).  Chúa chỉ khen có một lần khi Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa “Này anh Simon, con ông Gioana, anh có phúc vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy” (Mt 16,16-17).

Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy ba lần.  Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.  Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.  Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông đã oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối.  Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến.  Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mãnh, giữa trọn vẹn và dang dở, giữa xa và gần, giữa trời và đất.  Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng.  Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại.  Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn luôn có một tâm hồn chân thành.

Phần hai cuộc đời Thánh Phêrô: là một thiên anh hùng ca.  Thiên anh hùng ca bắt đầu từ trang Tin mừng Chúa nhật hôm nay.  Câu chuyện kể về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria.  Chúa Phục Sinh đã đưa đời ông từ đêm đen mờ mịt ấy đi về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.  Sứ mạng theo Đức Kitô khởi đầu từ đây.  Bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì.  Đức Giêsu Phục sinh đến với họ và ban tặng mẻ cá lạ lùng.

Sau mẻ cá, Đấng Phục sinh đã hỏi ông: Phêrô, con có yêu mến Thầy không?  Phêrô đáp: Thưa Thầy, Thầy biềt rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.  Chúa hỏi ba lần.  Phêrô xác định cả ba lần lòng yêu mến Thầy, càng về cuối càng cương quyết hơn.  Ba lần chối Chúa đi từ chối nhẹ đến nặng thì hôm nay Phêrô ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu.  Ba lời xác định ấy là bình minh rửa tội quá khứ.  Chúa trao đàn chiên cho Phêrô: con hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy.  Rồi Chúa nói với ông rằng: Thầy bảo cho anh biết, lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý.  Nhưng về già, anh phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn.  Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào.  Thế rồi Chúa bảo ông: hãy theo Thầy.  Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao.  Từ đây “trên tảng đá này, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hỏa ngục sẽ không thắng được.”  Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy Giêsu cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên.  Đó là vai trò mục tử của Phêrô.  Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy.  Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.  Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.” (1Pr 5, 2-4).

Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt.  Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình.  Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác.  Như thế Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu.  Ông học được rằng, mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông.  Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống.  Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt.  Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường.  Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt.  Chính đó là ân sủng.  Cũng như tất cả là ân sủng đối với Thánh Phaolô.  Khi được tha thứ và yêu thương, ngài đã hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô, sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô.  Ân sủng của Chúa đối với Thánh Phêrô hay Thánh Phaolô đều là tình yêu cứu độ.

Cuộc đời Phêrô đầy lỗi lầm nhưng ông được Chúa yêu thương, được Chúa chọn lựa một cách đặc biệt.  Tại sao Chúa không trao Giáo hội cho một Tông đồ trí thức, có tài lãnh đạo, có tài hoạch định?  Chúa không đòi hỏi nơi Phêrô về tài năng, thông thái, khôn ngoan mà chỉ đòi hỏi lòng mến Chúa.  Sau ba lần hỏi “con có yêu mến Thầy không”, sau ba lần Phêrô xác định lòng yêu mến, Chúa trao Giáo hội cho ngài.

Yêu mến chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó.  Không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử hay tín hữu dù thành công cũng chỉ là điểm tô, đánh bóng cho cá nhân mình.

Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau?  Thích chở nhau đi chơi?  Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau?  Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại dột!  Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngốc nghếch!  Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ khạo!  Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác.  Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một niềm hạnh phúc, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha!  Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng: “Ubi amatur, non laboratur”, khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.  Đối với Chúa cũng thế.  Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình.  Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì ta thích cầu nguyện, ta thấy hạnh phúc khi đến nhà thờ.  Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa.  Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực.  Yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.

Tình yêu Giêsu có sức mạnh cảm hoá con người và đối với bất cứ ai nếu họ biết đặt niềm tin nơi Ngài.  Tình yêu Giêsu sẽ mở ra tương lai cho tội nhân, khép lại quá khứ để họ trở thành thánh nhân.  Tình yêu Giêsu, một khi ta đã yêu Ngài thật sự, ta sẽ không còn hững hờ nữa mà dấn thân trọn vẹn cả cuộc đời cho tình yêu Giêsu.

Chúa hỏi Phêrô: con có yêu mến Thầy không?  Đó cũng là câu hỏi mỗi ngày Chúa hỏi tôi: con có yêu mến Thầy không?

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An