LẤY RÁC, LẤY XÀ

Biết mình là chuyện không dễ.  Ở một đền thờ bên Hy Lạp có khắc câu: Hãy biết mình.  Chẳng ai gần gũi với mình bằng chính bản thân mình.  Vậy mà tôi vẫn là một bí ẩn đối với tôi.  Người ta thích làm những bản trắc nghiệm để biết về chỉ số thông minh, về tâm lý, tính tình…  Nhưng để biết mình cần trắc nghiệm bằng cả cuộc đời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nói về chuyện thấy mình.  Ngài dùng lối ngoa ngữ để dạy dỗ môn đệ.  Tôi không thấy cái xà trong mắt mình, nghĩa là không nhận ra nơi tôi một khuyết điểm trầm trọng mà ai ai cũng thấy, trừ chính tôi.  (Tôi không thể thấy hay tôi không muốn thấy!)  Nhưng tôi lại thấy cái rác nhỏ trong mắt anh em.  Dường như thấy cái rác nhỏ nơi mắt người khác dễ hơn là thấy cái xà nơi mắt mình.  Phải chăng vì đứng gần mình quá nên tôi không thấy rõ, hay vì tôi vẫn coi mình là hoàn hảo nên khó chấp nhận những thiếu sót nơi mình?

Ðể thấy mình, cần khiêm tốn hỏi và nghe người khác.  Anh em tôi biết về tôi hơn tôi biết tôi.  “Hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh.  Tôi vẫn thường nói như vậy và làm như vậy.  Hăng hái, vội vã giúp người khác sửa mình, sửa cả những chuyện chẳng đáng gì.  Ðức Giêsu không cấm ta góp ý cho người khác, nhưng Ngài dặn ta trước hết hãy lấy xà khỏi mắt mình, để thấy rõ mà lấy rác nơi mắt anh em.

Bao dung hơn với tha nhân, và nghiêm khắc hơn với chính mình.  Không coi cái xà của mình nhỏ hơn cái rác của anh em.  Không thổi phồng tội người khác, không thu nhỏ lỗi của mình.  Khiêm tốn sửa mình trước khi góp ý cho tha nhân.

Ðức Giêsu còn cho ta những nguyên tắc nhận định.

Nguyên tắc thứ nhất: xem quả thì biết cây.  Bụi gai không sinh trái vả, bụi rậm không sinh trái nho.  Nhìn hậu quả, ta biết được nguồn gốc, nguyên nhân.  Ðể khỏi bị lừa, hãy để ý đến hậu quả cuối cùng: quả tốt do cây tốt, quả xấu do cây xấu.  Lắm khi ma quỷ giả dạng thiên thần sáng láng, lừa phỉnh dụ dỗ, cho ta trái thơm ngon.  Nhưng cuối cùng trái ngon lại là trái độc.  Cần có thời gian lâu dài và theo dõi kỹ lưỡng ta mới thấy ma quỷ lòi đuôi xấu xa của nó.

Nguyên tắc thứ hai: lòng có đầy, miệng mới nói ra.  Lời nói là hoa quả của lòng dạ con người.  Những lời giả dối sớm muộn cũng sẽ bại lộ.  Nếu chúng ta được Chúa biến đổi cái tâm của mình, hẳn toàn bộ đời sống bên ngoài của ta cũng đổi.  Nhưng đổi bên ngoài cũng ảnh hưởng đến bên trong.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

**************************************

Lạy Chúa, xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng trước mọi biến cố của cuộc sống, khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm, hay gặp sự bất trung, bất tín nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên để nghĩ đến hạnh phúc người khác, giấu đi những nỗi phiền muộn của mình để tránh cho người khác phải đau khổ. 

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời, để đau khổ làm con thêm mềm mại, chứ không cứng cỏi hay cay đắng, làm con nhẫn nại chứ không bực bội, làm con rộng lòng tha thứ, chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi vì chịu ảnh hưởng của con, không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế, chỉ vì đã là bạn đồng hành của con trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối, xin cho con có lúc thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước gì đời con là cuộc đời siêu nhiên, tràn trề sức mạnh để làm việc thiện, và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh.  Amen!

(dịch theo Learning Christ)

CẦU NGUYỆN NHƯ TU SĨ VÀ CẦU NGUYỆN CẢM TÍNH

Cầu nguyện được định nghĩa theo cách cổ điển là nâng tâm hồn và quả tim lên Thiên Chúa.  Đó là một định nghĩa hay, nhưng cần một tiêu chuẩn quan trọng.

Có hai hình thức cầu nguyện cốt yếu: Một, chúng ta gọi là cầu nguyện phụng vụ, cầu nguyện chung trong nhà thờ, và một, chúng ta gọi là cầu nguyện riêng tư hay sốt sắng.  Thật không may, chúng ta thường lẫn lộn giữa hai cái.

Chẳng hạn, năm trăm người có thể cùng nhau ngồi chiêm niệm trong nhà thờ hay cùng nhau lần chuỗi mân côi trong đền thánh, thì việc cầu nguyện ở đây vẫn có tính cách riêng tư sùng kính.  Ngược lại, người đọc giờ kinh Phụng Vụ ở nhà trong chiếc ghế bành, hay một linh mục dâng Thánh Lễ một mình tại bàn ăn, nhưng cả hai đều có tính cách phụng vụ chung.  Như chúng ta thấy từ các thí dụ này, sự phân biệt không phụ thuộc vào số người tham dự, nơi cử hành hay đó là cầu nguyện chung hay riêng tư.  Sự phân biệt được căn cứ trên một điều khác.  Điều gì?

Có lẽ một thay đổi trong cách gọi tên có thể giúp chúng ta hiểu rõ phân biệt này: Cầu nguyện phụng vụ hay cầu nguyện chung có thể gọi là cầu nguyện như hàng tu sĩ, cầu nguyện riêng tư và sùng kính có thể gọi là cầu nguyện cảm tính.

Cầu nguyện như tu sĩ là cầu nguyện như thế nào?  Đó là lời cầu nguyện của Đức Ki-tô thông qua Giáo Hội hoàn cầu.  Đức tin Ki-tô giáo của chúng ta là tin Đức Ki-tô vẫn còn quy tụ chúng ta lại để nghe Lời Người và để trao ban hành động yêu thương cho thế gian.  Nối dài hành động này, bất cứ lúc nào chúng ta gặp nhau, trong nhà thờ hay một nơi nào khác, quây quần bên Sách Thánh hay cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta đang cầu nguyện như các linh mục và hiệp thông với hiến tế của Đức Ki-tô.  Đó là cầu nguyện phụng vụ; là cầu nguyện của Đức Ki-tô, không phải cầu nguyện của chúng ta.  Chúng ta cầu nguyện phụng vụ bất cứ lúc nào chúng ta quy tụ để cử hành phụng vụ Lời Chúa, các phép bí tích, hay khi chúng ta cầu nguyện trong cộng đoàn hay một cách riêng tư, cái được gọi là Cầu Nguyện Giáo Hội hay Lễ Nghi Giáo Hội (Kinh Sáng và Kinh Chiều).

Và hình thức cầu nguyện này không phải chỉ dành cho các linh mục.  Tất cả chúng ta cũng là linh mục, nhờ phép bí tích rửa tội và cũng một phần nhờ vào giao ước ngầm chúng ta ký kết với cộng đoàn khi nhận phép rửa tội, đó chính là sự ràng buộc, và khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta thường xuyên cầu nguyện cho thế giới qua giờ kinh phụng vụ với cộng đoàn.

Những gì cần làm nổi bật ở đây là vì chúng ta rất dễ bỏ qua khía cạnh này, rằng cầu nguyện phụng vụ ở nhà thờ là cầu cho thế giới, không phải cho chính nhà thờ.  Nhà thờ, trong thế gian này, không tồn tại cho chính mình, nhưng là công cụ cứu rỗi của thế gian.  Chức năng của nhà thờ là cứu rỗi thế gian, chứ không phải cứu rỗi cho nhà thờ.  Cầu nguyện phụng vụ là chúng ta cầu nguyện với Đức Ki-tô, qua trung gian nhà thờ, nhưng cầu nguyện cho thế giới.

Cầu nguyện thuộc cảm tính mang một ý nghĩa khác.  Mặc dù có nhiều hình thức, chiêm nghiệm, cầu nguyện tập trung, lần chuỗi, sốt sắng cầu nguyện nhiều cách, cầu nguyện cảm tính có một mục đích duy nhất, cuộn chúng ta và người thân vào trong tình mật thiết sâu đậm với Đức Ki-tô.  Rốt lại, dù có thể thức riêng, toàn bộ việc cầu nguyện này có mục đích tạo tình thân mật riêng tư với Thiên Chúa, và cuối cùng nó vẫn mang tính cách riêng tư dù khi cầu nguyện chung hay với một nhóm nhiều người.  Tất cả việc cầu nguyện riêng tư và sốt sắng có thể được định nghĩa theo cách này: Qua nhiều cách cầu nguyện khác nhau, cố gắng mở lòng chúng ta hoặc người thân thế nào để chúng ta có thể nghe ra được Lời Chúa nói với chúng ta: “Ta yêu các con!”

Thật quan trọng để nhận biết sự khác nhau này khi cầu nguyện: Chúng ta đang đi vào hình thức cầu nguyện nào đây?  Nhầm cái này với cái kia là làm phương hại đến cả hai.  Chẳng hạn, một người nào đó cảm thấy nản lòng vì lễ nghi phụng vụ và thái độ của một hội đoàn trong lễ nghi ở nhà thờ, xem đó như chướng ngại và làm xao lãng đến giờ cầu nguyện riêng tư, sốt sắng, người đó đang lẫn lộn hai hình thức của cầu nguyện và kết quả làm phương hại đến cả hai.  Chức năng của cầu nguyện phụng vụ trước hết không có tính cách sốt sắng riêng tư.

Hay thỉnh thoảng sự nhầm lẫn dẫn đến việc buông bỏ hoàn toàn một hình thức cầu nguyện phụng vụ.  Tôi biết một người, sau hai năm cầu nguyện theo Giờ Kinh Phụng Vụ đã thay thế giờ kinh này bằng hình thức cầu nguyện riêng tư vì anh không tìm thấy hình thức cầu nguyện phụng vụ có nhiều ý nghĩa.  Những chiêm nghiệm riêng tư của anh bây giờ có thể là hình thức cầu nguyện cảm tính kỳ diệu, khi cầu nguyện như vậy anh không còn cầu nguyện theo hình thức các linh mục của Đức Ki-tô.  Đôi khi cầu nguyện như thế này cũng có thiện hướng tốt nhưng nó không theo đúng một kế hoạch tốt, nhà thờ, nơi mà giờ kinh phụng vụ chung lại thành giờ chiêm nghiệm riêng tư, tuy tốt lành và mạnh mẽ thiệt nhưng không dùng Sách Thánh cũng như cầu nguyện cho thế giới.

Các Giáo Hội tự đấu tranh với điều này.  Giáo hội Công Giáo La Mã, Giáo hội Anh Quốc, Giáo hội ở Mỹ và các Giáo hội Tin Lành chính thống có một truyền thống phụng vụ kiên cố, thỉnh thoảng đã làm phương hại đến hình thức cầu nguyện cảm tính.  Các Giáo hội thuộc phái Phúc Âm và Thánh Linh, ngược lại, đặt trọng tâm nhiều vào hình thức cầu nguyện cảm tính, thỉnh thoảng có khuynh hướng sao lãng gần như hoàn toàn hình thức cầu nguyện phụng vụ.

Có lẽ bản thân chúng ta cũng thiên vị khi có hai chiếc khăn choàng hình thức cầu nguyện, mỗi cái được thêu khác nhau: Cầu Nguyện Như Tu Sĩ và Cầu Nguyện Cảm Tính.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHUYỆN CỦA BIỂN

Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 –2001) nổi tiếng từ lúc còn sinh thời, cả quốc nội và quốc ngoại.  Ông là một trong ba “cây lạ” của làng nhạc Việt Nam – hai “cây” đàn anh kia là nhạc sĩ Văn Cao ( 1923–1995) và Phạm Duy (một “phù thủy” âm nhạc, 1921–2013).

Các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không cầu kỳ về tiết tấu và giai điệu, nhưng ca từ như thơ và chứa đầy triết lý sống của kiếp người, có gì đó “bí ẩn.”  Khi sinh thời, cuộc sống đời thường của ông cũng thâm trầm, ít nói.  Hầu như những người có tư tưởng “khác người” thì thường có phong cách như vậy, có lẽ họ “bận” suy tư nhiều.

Thật vậy, văn sĩ William Hazlitt (1778-1830, Anh quốc) vừa so sánh vừa định nghĩa: “Bản chất giản dị là kết quả tự nhiên của tư tưởng sâu sắc.”  Còn ngạn ngữ Hy Lạp nói: “Bình dị là nhịp cầu nối nhân ái và cái đẹp.”

Một trong số ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bài “Biển Nghìn Thu Ở Lại.”  Bài này rất ngắn, chỉ 40 chữ, hiếm có bài ngắn như vậy, nhưng nó lại có thể “chở nặng” loại triết lý sống tích cực: Yêu thương và tha thứ.  Ca khúc này được viết ở âm thể LA thứ (Am), nhịp 4/4, tiết tấu cũng hoàn toàn đơn giản.

Ông dùng hình ảnh biển để mô tả, với những mệnh lệnh cách ở thể phủ định:“Biển đánh bờ, xôn xao bờ đánh biển.  Đừng đánh nhau, ơi biển sẽ tàn phai!  Đừng gạch tên, vì yêu đừng xé nát!  Biển là em ngọt đắng trùng khơi.”

Biển luôn có gì đó rất đặc biệt, rất tĩnh mà cũng rất động, rất hiền dịu mà cũng rất dữ dội, rất mềm mà cũng rất cứng, rất yếu mà cũng rất mạnh…  Đặc biệt là biển luôn bao la và sâu thẳm, khôn dò, bí ẩn.  Có lẽ vì vậy mà người ta gọi là biển cả.  Chỉ vì yêu thương mà biển luôn nôn nao, luôn xao xuyến, luôn nổi sóng, lúc thì lăn tăn, lúc thì cồn cào, có lúc vỗ về bờ cát và vách đá, nhưng cũng có lúc biển biết ghen nên xô bờ dữ dội.  Thủy triều cũng biến động theo con trăng, lúc thì nước ròng, lúc thì nước lớn.  Biển rất kỳ lạ!  Và con người cũng vậy…

“Đừng đánh nhau” vì đánh nhau là tự làm hại mình, tự làm mình tàn phai; “đừng gạch tên” bất kỳ ai và “đừng xé nát” mối quan hệ nào, thế mới là “vì yêu thương.”  Chữ “em” ở đây không có nghĩa là một cô gái hoặc một phụ nữ, mà là những người lân cận, những người ở bên mình, những người mà mình gặp gỡ và nhìn thấy hằng ngày – dù người đó cao hay thấp, đẹp hay xấu, dở hay giỏi, dại hay khôn, mập hay gầy, bình thường hay khuyết tật, già hay trẻ, giàu hay nghèo, thông minh hay chậm hiểu, nam hay nữ, quen hay lạ, ưa hay ghét…  Chỉ cần biết một điều: Họ là con người.  Họ có đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền cũng như mình.  Thế thôi!

Câu cuối được chuyển sang LA trưởng (A) như một điệp khúc, với 9 chữ được lặp lại 2 lần: “Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi.”  Chỉ vài chữ nhưng khiến lòng lắng đọng, trầm tư, buồn riêng cho phận mình, vừa chịu đựng vừa chấp nhận thiệt thòi chứ không trách cứ ai khác.

Thật tốt đẹp thay những người có “tấm lòng của biển”, biết quên mình, biết nhịn nhục và chịu đựng như vậy!

Đức mến rất quan trọng.  Đức mến không chỉ là mến Chúa, mà còn là yêu thương nhau, là thương xót nhau.  Tại sao đức mến quan trọng?  Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.  Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.  Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” 1 Cr 13:1-3).

Và rồi Thánh Phaolô giải thích tường tận: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.  Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.  Đức mến không bao giờ mất được.  Ơn nói tiên tri ư?  Cũng chỉ nhất thời.  Nói các tiếng lạ chăng?  Có ngày sẽ hết.  Ơn hiểu biết ư?  Rồi cũng chẳng còn.  Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn” (1 Cr 13:4-9).

Còn Thánh Gioan phân tích: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20).

Lạy Thiên Chúa Cha, xin giúp chúng con “thuộc lòng” Bài Học Yêu của Chúa Con đã dạy, và quyết tâm thực hiện bằng mọi giá.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA 

Bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay đều nói về sự tha thứ.  Nhưng ở mức độ khác nhau.

Bài đọc I tường thuật sự tha thứ của Đa-vít.  Đa-vít làm ơn mà mắc oán.  Sau khi chiến thắng Gô-li-át, giải phóng dân Do thái khỏi tay người Phi-li-stinh, ông được dân chúng ca ngợi.  Sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với Đa-vít khiến vua Sa-un ghen tỵ.  Sa-un tìm bắt Đa-vít để giết đi.  Hôm nay, sau một cuộc săn lùng mệt mỏi, Sa-un ngủ thiếp đi trong hang đá.  Đa-vít đến mà không ai hay biết.  Có thể giết Sa-un, nhưng Đa-vít đã không làm.  Trong Đa-vít có cái mà ta gọi là bao dung, độ lượng, cao thượng.  Tuy nhiên sự tha thứ của Đa-vít vẫn chưa hoàn toàn tự phát.  Ông không dám giết Sa-un một phần vì sợ xúc phạm đến “người được Thiên Chúa xức dầu”.

Trong quan hệ giữa người với người, nếu tha thứ bạn sẽ được tiếng là độ lượng, còn người được tha thứ bị coi là thua kém bạn.  Bạn được lợi còn người kia bị thiệt.

Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải vượt qua cái thường tình.  Người muốn môn đệ vươn đến sự tha thứ hoàn hảo.  Sự tha thứ hoàn hảo của Tin Mừng phải biểu lộ bằng hành động cụ thể: “Ai vả anh em má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.  Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản họ lấy áo trong.  Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại.”

Không chỉ dừng lại ở hành động bên ngoài, sự tha thứ hoàn hảo phải thấm sâu vào lý trí, không lấy ác báo ác, nhưng cũng không nghĩ xấu về người khác: “Anh em đừng xét đoán, thì sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.  Anh em đừng lên án, thì sẽ khỏi bị Thiên Chúa lên án.”

Thấm vào lý trí đã là một bước tiến dài nhưng vẫn chưa đủ, sự tha thứ còn phải lan đến tận trái tim là trung tâm của tình yêu.  Khi đã chiếm lĩnh được trái tim, sự tha thứ trở nên một sức mạnh kỳ diệu dẫn đến những hành động tích cực, lấy đức báo oán, đem yêu thương xoá bỏ hận thù.  Khi ấy ta mới có thể thực hành Lời Chúa dạy: “Anh em phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét mình, phải chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình.”

Với những lời dạy dỗ trên, Đức Giêsu muốn cho môn đệ của Người tha thứ và yêu thương không phải như người thường nhưng như Thiên Chúa “Người nhân hậu cả với những phường vô ân, với những quân độc ác.”  Người muốn cho các môn đệ của Người “từ bi như Cha trên trời là Đấng từ bi.”

Với những lời dạy dỗ trên, Đức Giêsu muốn thanh tẩy thế giới sạch mọi oán thù.  Không phải chỉ sạch oán thù ngoài mặt nhưng sạch từ trong thâm tâm mỗi người.  Không phải chỉ bằng mặt mà còn phải bằng lòng.  Sào huyệt vững chắc nhất của oán thù không phải ở nơi người khác nhưng ở trong lòng ta.  Muốn thế giới hết oán thù, chính bản thân ta phải từ bỏ oán thù trước.  Muốn thế giới sống trong yêu thương, chính ta phải yêu thương trước.  Yêu thương giống như ngọn lửa thắp lên rồi sẽ cháy lan mạnh mẽ.  Yêu thương giống như bầu khí toả ra sẽ lan tới từng buồng phổi, sẽ thấm vào từng mạch máu.  Yêu thương chính là sức mạnh biến đổi thế giới sâu xa nhất.  Yêu thương là cuộc cách mạng bền vững nhất.

Đức Giêsu không chỉ nói suông.  Chính Người đã thực hành những điều Người nhắn nhủ các môn đệ.  Người để cho quân lính bắt đi như con chiên hiền lành đứng trước người thợ xén lông.  Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người.  Người không nói một lời nào trách móc những kẻ làm điều ác cho Người.  Sau cùng, lúc bị treo trên thánh giá, Người còn cầu nguyện cho những kẻ giết Người.  Người đã minh chứng một tình yêu nguyên tuyền không bợn chút oán thù.  Người đã minh chứng một tình yêu mãnh liệt vượt qua mọi ghen ghét.

Hạt giống yêu thương Người đã gieo xuống.  Người mong ta tiếp tục vun tưới cho cây yêu thương kết trái đơm hoa.  Ngọn lửa yêu thương Người đã thắp lên.  Người mong ta hãy đem lửa ấy chiếu soi khắp thế giới.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

ĐTGM Giuse Ngô quang Kiệt

QUÀ TẶNG CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Thiên Chúa, Đấng ban cho món quà hiện tại
phần tôi, tôi đắm chìm trong đó

Giây phút hiện tại cũng là một quà tặng.  Ngày hôm qua đã trôi qua mất rồi…, và ngày mai có lẽ sẽ đến, nhưng điều ấy chẳng mấy rõ ràng.  Cái chắc chắn là chính giây phút HIỆN TẠI và đó là tất cả những gì ta có.  Thiên Chúa BAN CHO tôi phút giây hiện tại, Ngài mời gọi tôi thưởng nếm và sống giây phút ấy cách tròn đầy nhất.  Chẳng dễ để sống như thế!  Nhưng đồng thời, đó cũng chẳng là điều con người không sao vươn tới.  Trong tiếng Anh, từ ‘present-hiện tại’ cũng mang nghĩa là “món quà.”

Để nhận lãnh món quà hiện tại,

Tôi cần thoát khỏi cả quá khứ lẫn tương lai

Quá khứ ĐÃ QUA ĐI rồi!  Nhưng có người cứ sống mãi trong “những ký ức đau buồn.”  Có những người lại thích sống trong một “thế giới mộng mơ.”  Thế giới mộng mơ vốn thú vị, nó đóng vai trò như nguồn ủi an hay như mùi hương thơm ngát cho giây phút hiện tại – vốn có lúc chất chứa nỗi thương đau.  Những tín đồ của chủ nghĩa khoái lạc cho rằng con người cần nỗ lực hết mình hầu giảm thiểu đau khổ và gia tăng niềm vui.  Có nhiều người trở lại quá khứ hoặc trốn vào tương lại để “lẩn trốn” hiện tại.  Nhưng nếu muốn đón nhận món quà hiện tại, thì điều thiết yếu ta phải làm là thoát ra khỏi tương lai, và đồng thời, thoát ra khỏi quá khứ.

Tôi cần trở nên “thức tỉnh” với hiện tại

“Thức tỉnh” là một khả năng để biết, để tri nhận, để cảm nghiệm và để nhận ra điều gì đang diễn đến trong tôi, quanh tôi, và cho tôi.  Đây là bước đầu tiên cho một sự tăng trưởng thiêng liêng.  Hôm nay tôi ở đâu?  Điều gì đang xảy ra cho tôi lúc này?  Thức tỉnh với giây phút hiện tại, người ta có thể nhận ra rằng hiện tại không phải là trống rỗng, nhưng nó được lấp đầy bởi những chọn lựa và những cơ hội.

Một cụm từ xuất hiện trong tác phẩm ‘Self-Abandonment to Divine Provindence,” của tác giả Jean-Pierre De Caussade, S.J., cụm từ “Bí tích của giây phút hiện tại – Sacrament of the Present moment”, ngụ ý sự thánh thiêng và sự Hiện Hữu của Đấng Thần Linh ngay trong phút giây hiện tại.  Và Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của Ngài với nhân loại qua GIÂY PHÚT ấy.  Do vậy, thức tỉnh hơn với giây phút hiện tại cũng là thức tỉnh hơn với chính Thiên Chúa.

Tôi cần đón lấy hiện tại

Giây phút hiện tại có thể không hợp với những gì tôi đang hình dung, đang mong đợi, hay khao khát, v.v…  Tôi có thể KHÁNG CỰ với những gì đang xảy ra cho tôi, nhưng SỰ THỰC –  giây phút này cũng sẽ trôi qua.  Đức Phật khi xưa đã nói cặn kẽ về cái gọi là vô thường, chóng qua.  Tôi có thể đón nhận cái “vô thường” của giây phút hiện tại này không?

Đón nhận hiện tại là MỞ rộng cánh tay để ôm lấy chính giây phút NÀY với niềm HẠNH PHÚC chứa chan.  Hiện tại có khi không phải là điều tôi muốn ôm trọn, nhưng đó lại là THỰC TẠI.  Rất thường xuyên, tôi là chàng hề, đeo lấy nhiều thứ mặt nạ và trở thành ai đó chứ chẳng phải là chính mình nữa.  Tôi có thể đánh thức chính mình để dám chấp nhận món quà hiện tại chăng?

Giây phút hiện tại trao tặng cho tôi điều gì?  Và làm sao tôi có thể sống giây phút ấy cách tròn đầy?  Điều gì đang xảy ra trong tôi lúc này: những cảm xúc dâng trào, những suy tưởng tức thời xuất hiện và ngập tràn trong tâm trí, những cảm xúc đến từ các giác quan, v.v…  Tôi có thể nhẹ nhàng bước vào hiện tại, và trở nên tỉnh thức với từng giây phút trong đời sống của tôi – với cả niềm vui và nỗi buồn chăng?

Kinh Thánh nói

I-Sai-a 43:18-19: Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước.  Này Ta sắp làm ra một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?  Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.

Thánh Vịnh 118: 24: Đây là ngày CHÚA đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

Gia-cô-bê 4: 13-14: Các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi.  Hãy sống giây phút hiện tại, và chú tâm vào Chúa.

Mát-thêu 6: 25-34: Đừng lo lắng về ngày mai.

Người ta nói

“Giây phút hiện tại chẳng bao giờ là điều mà người ta không thể chấp nhận được.  Chỉ điều sẽ xảy ra trong vòng 4 giờ nữa mới là điều người ta không thể chịu nổi.  Đang hiện diện ở đây, lúc 8 giờ sáng, nhưng tâm trí lại ở 10 giờ 30 phút buổi tối, điều ấy mới là nguyên nhân làm ta đau khổ.” – Anthony de Mello, S.J.

“Trẻ em chẳng có quá khứ, cũng chẳng có tương lai.  Nhờ đó, chúng vui hưởng giây phút hiện tại, và điều này thật hiếm xảy ra cho chúng ta.” – Jean de La Bruyère

“Hôm qua là lịch sử, ngày mai là mầu nhiệm, chỉ hôm nay mới là quà tặng Chúa ban, chính vì thế chúng ta gọi ‘hiện tại – present’ là món quà.” – Bil Keane

“Hãy thưởng thức một ly trà một cách chậm rãi và cung kính, cũng như trái đất tự quay quanh trái đất – chậm rãi, đều đặn, không vội vã cuốn vào tương lai.” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.
Nguồn: Robin Seelan, S.J., The Gifts, (Banglore, India: Asian Trading Corporation, 2016), 22-25.

HỌC LÀM NGƯỜI

Có những khoảnh khắc làm ta rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy những người nghèo khổ, thiếu thốn cả những gì cơ bản nhất.  Cái dư thừa của người này, thậm chí với họ chỉ là… rác, nhưng với người nghèo thì có thể là điều họ khao khát.  Quả thật, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”…  Miếng ăn thêm khi chúng ta no là miếng ăn của người nghèo khổ.  Nếu vậy thì chúng ta thiếu nhân đạo!  Một danh nhân đã xác định: “Chỉ những ai có lòng thương người thì mới xứng đáng nhận danh hiệu con người.”  Câu này đáng để chúng ta suy ngẫm và xem lại chính mình!

Trong một liên hoan phim ngắn tại Berlin (Đức), khi xem phim ngắn Chicken à la Carte (có thể xem  ở http://www.cultureunplugged.com/play/1081/Chicken-a-la-Carte, cả ban giám khảo và khán giả đã xúc động khi thấy người cha nghèo ngăn đứa con gái thò tay lấy miếng thịt gà, rồi cả nhà cùng làm dấu, tạ ơn Chúa và cầu nguyện trước khi ăn.  Thật ra những miếng thịt gà kia chỉ là những cổ, chân, cánh… bị gặm dở mà người cha đã lấy từ thùng rác của một nhà hàng sang trọng và đem về cho vợ con ăn.

Yêu thương là luật của Thiên Chúa.  Đức Kitô đã chạnh lòng thương hàng ngàn người đi theo mình nên Ngài hóa bánh ra nhiều cho họ được no nê (Mt 14, 13-21 và 15, 32-39).  Ngài rất thực tế, không nói suông, cũng không nói bóng gió.  Ngài đã bỏ đàn chiên 99 con để đi tìm chỉ 1 con chiên lạc (Mt 18, 12-14).  Đặc biệt là Bát Phúc trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5, 3-12).  Đó là những bài học làm người mà Ngài dạy chúng ta.

Chuyện kể rằng Ðại Sư Tinh Vân có một đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền đi học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ.  Sau nhiều năm dùi mài kinh sử, đệ tử đó hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.  Một hôm đệ tử đó về vinh qui bái tổ và thưa với ngài Tinh Vân: “Bạch Sư phụ, nay con đã có bằng Tiến sĩ rồi, con còn phải học những gì nữa không?”

Ngài Tinh Vân bảo: “Học làm người.”  Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.  Ngài Tinh Vân cho rằng bất luận là sĩ, nông, công, thương là những người ở tầng lớp có học thức và có tiến bộ, hãy chia sẻ với người khác về những điều mình hiểu biết.  Nhưng dù là ai thì vẫn cần phải học không ngừng.

Phải tu thân trước, rồi mới đủ uy tín trị quốc, và sau đó mới khả dĩ bình thiên hạ.  Đạo Làm Người là đạo quan yếu nhất, dù theo đạo nào và ở cương vị nào thì trước tiên vẫn phải biết Làm Người.  Đây là vài “tín chỉ” trong “môn học làm người”:

  1. HỌC NHẬN LỖI

Con người thường không chịu nhận phần lỗi mình, tất cả lỗi lầm đều đổ cho người khác, vì chúng ta cho rằng bản thân mình mới đúng.  Thật ra “không biết mình” là lỗi lầm lớn nhất.  Đừng nghĩ mình “lớn” thì hoàn hảo và vô tội.  Càng lớn càng dễ lỗi lầm vì có thể đổ lỗi cho người dưới.  Ðối tượng mà mình nhận lỗi có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè…, và bất kỳ ai trong xã hội, thậm chí là người nhỏ hơn mình và với chính người không tốt với mình.  Nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân và được khâm phục.  Biết nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu thân lớn và là một nhân đức.

  1. HỌC KHIÊM NHU

Răng cứng, lưỡi mềm.  Nhưng cuối cuộc đời, răng rụng hết mà lưỡi vẫn còn nguyên.  Đó là bài học về sự mềm mỏng, khiêm nhu.  Được vậy thì đời người mới có thể tồn tại dài lâu, chứ “cứng” thì chỉ thiệt thòi.  Tâm hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu thân.  Có tâm hòa thì mới có nhân hòa.  Chúng ta thường hình dung những người cố chấp có tấm lòng và tính cách rất “lạnh”, rất “cứng” như sắt thép vậy.  Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở và tâm tính, dần dần khiến “ngựa chứng” phải thuần thục thì cuộc sống sẽ vui tươi, hạnh phúc và kiên vững.

  1. HỌC ĐỨC NHẪN

Nhẫn nhục là loại “cỏ quý”, là “bùa hộ thân” đặc biệt.  Biết nhẫn một chút thì có thể làm sóng yên biển lặng.  Nhường nhịn không phải là chiến bại.  Nhẫn để tiêu trừ điều ác.  Nhẫn là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.  Muốn sinh tồn thì phải biết nhẫn để có thể phân biệt đúng – sai, thiện – ác, tốt – xấu, thậm chí chấp nhận nó.

  1. HỌC THẤU HIỂU

Không hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm….  Nên thấu hiểu để biết cảm thông và giúp đỡ nhau.  Không cảm thông nhau không thể tha thứ cho nhau, không thể có hòa bình.  Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính!

  1. HỌC KHƯỚC TỪ

Cuộc đời như một chiếc va-li, lúc cần dùng thì xách nó lên, không cần thì đặt nó xuống.  Lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo túi hành lý nặng nề vậy, cuộc đời luôn trĩu nặng.  Cuộc đời hữu hạn, biết phục thiện, biết tự trọng và tôn trọng, biết bao dung thì mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết khước từ chính mình để có thể sinh tồn.

  1. HỌC XÚC ÐỘNG

Nhận ra ưu điểm của người khác thì chúng ta nên hoan hỷ, thấy điều không may của người khác nên biết xúc động.  Vui với người vui, buồn với người buồn.  Trắc ẩn là lòng thương yêu, là thiện tâm.  Trên đời có rất nhiều cảnh thương tâm, nhiều cuộc đời rất đáng thương, vô cảm là độc ác.

  1. HỌC SINH TỒN

Ðể sinh tồn, chúng ta phải biết giữ gìn sức khỏe – tinh thần và thể lý.  Tinh thần thoải mái thì thân thể khỏe mạnh, và ngược lại.  Thân thể khỏe mạnh không chỉ ích lợi cho bản thân mà còn làm cho gia đình, bạn bè an tâm.  Đó cũng là biết sống hiếu đễ với người thân.

Ước mong càng ngày càng có nhiều người “tốt nghiệp” loại ưu với môn “Học Làm Người” từ Trường Đại Học Cuộc Đời…

Kha Đông Anh

PHÚC HỌA

Đoạn Tin Mừng là phần mở đầu một bài giảng rất quan trọng của Chúa Giêsu, bài giảng đầu tiên, bài giảng khai mạc chương trình truyền giảng của Chúa.  Chúng ta thấy bốn lần Chúa nói “Phúc cho” và bốn lần Chúa nói “Khốn cho”, nên thường được gọi là bốn mối phúc và bốn mối họa, đối chiếu nhau gần như hoàn toàn: nghèo khó đối lại với giàu có, đói khát đối lại với no đầy, khóc lóc đối lại với vui cười, bị ghét bỏ đối lại với được ca tụng.

Chúng ta thấy ba mối phúc đầu và ba mối họa đầu đi với nhau, nghĩa là nghèo, đói và khóc lóc là bộ ba không thể tách rời.  Đối lại, giàu, no và cười là bộ ba ngược lại.  Bởi vì đói và khóc là hậu quả của nghèo, là biểu hiệu cụ thể nhất của cái nghèo.  Trái lại, no và cười là biểu hiệu của sự giàu có.  Chúng ta thấy hai hình ảnh nổi bật lên trong một thế tương phản rõ rệt: người nghèo, đói và khóc – người giàu, no và cười.  Còn mối phúc thứ tư là những người bị ghét bỏ, loại trừ và bách hại vì Chúa, là những môn đệ của Chúa, họ chung số phận với các ngôn sứ.  Ngược lại, mối họa thứ tư là những người được thế gian trọng vọng, là giới kinh sư, Pharisêu.  Họ giống như những ngôn sứ giả trong lịch sử dân Chúa.

Qui chiếu lại như thế chúng ta thấy đoạn Tin Mừng này chỉ nêu lên hai đối tượng của phúc và hai đối tượng của họa: người nghèo và người bị ghét bỏ vì Chúa, đó là đối tượng của phúc.  Người giàu và người được thế gian ca tụng, đó là đối tượng của họa.  Giàu và nghèo, đó là những đề tài lớn, muốn hiểu được nội dung của phúc và họa, về người giàu và người nghèo, chúng ta phải tìm hiểu thật nhiều và thật sâu sát, ở đây chỉ xin gợi ý một vài điều thôi.

Giàu và nghèo, phúc ở đâu và họa ở đâu?  Trước hết, chúng ta phải xác định cho rõ ràng: đừng hiểu rằng giàu có ở đời này là không được hạnh phúc ở đời sau, và ngược lại, nghèo khó ở đời này tất nhiên được hạnh phúc đời sau.  Nếu như vậy thì chúng ta không được giàu có, không nên giàu có, vì giàu có là một điều xấu, làm chúng ta không được hạnh phúc đời sau.  Trái lại, chúng ta hãy chịu nghèo ở đời này, hãy sẵn sàng chịu khổ, để đời sau được hạnh phúc.  Không phải như vậy, chúng ta phải hiểu rằng: giàu có cũng là một cái phúc, nếu đó là thành quả do chúng ta cố gắng chuyên cần mà xây dựng được, tức là do công sức lao động mà chúng ta đã tạo được một cách chân chính.  Đối lại, nghèo khó tự nó chẳng bao giờ là cái phúc cả.  Cái phúc của người nghèo không phải là chính sự nghèo, nhưng là tinh thần của họ.  Họ có một tấm lòng phó thác, không phàn nàn, không kêu trách, không bất mãn.

Như vậy, cái họa của người giàu là khi họ tự mãn, tự kiêu, tự đắc về tài sức của mình mà quên mất Thiên Chúa, là Đấng đã ban cho họ được giàu có.  Hoặc cái họa cho người giàu là họ ích kỷ, keo kiệt, không biết dùng của cải chia sẻ cho người nghèo hay không biết dùng sự giàu có của mình mà mua sắm của cải nước trời.  Cũng thế, cái họa của người nghèo là nghèo tiền, nghèo của nhưng không nghèo dục vọng, không nghèo tham sân si, thì đó lại là thứ giàu có giả hiệu… họ không được gì ở đời này mà cũng chẳng được gì ở đời sau.

Cũng thế, nếu chúng ta may mắn có tiền có của, giàu có hơn người, chúng ta phải biết sử dụng cho nên cái giàu của mình.  Phải biết cảm tạ Chúa, phải biết chia sẻ cho người túng thiếu, phải biết đóng góp vào những việc chung, tức là giàu của và cũng giàu lòng nữa, chứ đừng giàu của mà nghèo lòng, đó là nguy cơ mất hạnh phúc nước trời.  Ngược lại, nếu chúng ta nghèo khó, chúng ta cũng phải biết lợi dụng kiếp nghèo để leo về trời.  Đừng vì nghèo mà ghen tương, đố kỵ, tham lam.  Và dù nghèo cũng không bao giờ lỗi đức công bằng… đó là cơ may giúp chúng ta đạt hạnh phúc nước trời.

Chúng ta hãy nhớ: Phúc hay họa cho người giàu cũng như người nghèo, không phải là chính sự giàu có hay nghèo khổ của họ, nhưng là tinh thần của họ biết đánh giá đúng và hành động đúng với cái giàu hay cái nghèo của mình.  Câu chuyện sau đây minh họa để chúng ta hiểu thêm điều đó.  Linh mục Hattinggơ, một hôm đi dạo trên một cánh đồng, ngài gặp một em bé đi học.  Ngài vừa đi với em vừa đặt nhiều câu hỏi để xem em có biết gì về giáo lý không.  Ngài hỏi: “Những người giàu có được vào nước trời không?”  Em bé trả lời: “Được, nếu họ biết giúp đỡ những người nghèo.”  Ngài lại hỏi: “Vậy những người nghèo có được vào nước trời không?”  Em bé trả lời: “Được, nếu họ biết nhẫn nại chịu đựng.”  Cha Hattinggơ thích nhắc lại những câu trả lời của em bé ấy, và ngài thêm rằng: “Những lời đó chứa đựng một triết lý, triết lý của Tin Mừng Phúc âm.”

Chúng ta hãy nhớ: đời này được nối tiếp bằng đời sau, và chỉ có một con đường duy nhất cho mỗi người: người giàu thì đi theo con đường của mình, người nghèo cũng đi theo con đường của mình.  Cả hai cùng phải đi, cùng phải biết dùng cái giàu, cái nghèo của mình để đạt được hạnh phúc nước trời.  Xin Chúa cho tất cả chúng ta đều hiểu rõ lời Chúa dạy để rồi dù giàu hay nghèo tất cả chúng ta cùng gặp nhau trong nước trời.

Sưu tầm

MỘT ĐÁM CƯỚI VUI VẺ ĐẶC BIỆT

Tuần trước tôi cử hành một lễ đám cưới.  Tất cả các đám cưới đều đặc biệt, nhưng đám cưới này có nét đặc biệt riêng.  Tại sao?

Cô dâu trẻ hôm đó rạng rỡ và tràn đầy sức sống một cách lạ thường, đó là người  đã chiến thắng căn bệnh ung thư.  Năm năm trước đây, trong cột báo này, tôi có kể sơ sơ câu chuyện của cô.  Tôi xin phép kể lại câu chuyện này, cập nhật thời gian hơn một chút:

Trong hai mươi lăm năm liên tiếp, hè nào tôi cũng đến dạy một khóa hè ở đại học Seattle.  Trong suốt các mùa hè này, tôi có thói quen, gần như thông lệ, là đi một chuyến phà ngắn từ Seattle đến đảo Bainridge để nghỉ ngày Quốc Khánh 4 tháng 7 với gia đình một người bạn.  Gia đình này có nhiều tập tục riêng, một trong các tập tục này là ngắm đoàn diễn hành mừng lễ Quốc Khánh đi qua bãi cỏ phía trước nhà người hàng xóm của họ.

Mười năm về trước, lúc ngồi trên bãi cỏ này để đợi đoàn diễn hành đi qua, tôi được gia đình giới thiệu cô gái nhỏ nhất nhà.  Em đang học lớp 12 và là thành viên đội bóng rổ giành chức vô địch toàn liên bang của trường, nhưng em lại đang mắc bệnh ung thư và phải dùng hóa trị để chống chọi với bệnh tật.  Mười tám tuổi, cân nặng chưa đầy 36 kilô, mùa hè nắng ấm mà em ngồi yên lặng, buồn bã, quấn mình trong chăn trong khi bạn bè em khỏe mạnh, tràn đầy sức sống uống bia và vui chơi.  Sức khỏe em không được tốt.  Chẩn đoán về lâu dài không chắc chắn, ít nhất, cơ thể và tinh thần của em cho thấy như vậy dù bạn bè và người thân không tin.  Em được mọi người chung quanh quan tâm, yêu thương lo lắng.  Em bệnh, nhưng em được yêu thương.

Tôi biết em hôm đó và những năm tháng sau này tôi còn biết nhiều hơn.  Gia đình và mọi người cầu nguyện nhiều cho em, cầu xin em được lành.  Cuối cùng, lời cầu nguyện và thuốc men chữa trị đã có tác động.  Em bám lấy hy vọng nhỏ nhoi nhất, dần dần hồi phục và mấy tháng sau đó, em có sức khỏe lại, đời sống trở lại bình thường, ngoại trừ một điều không bao giờ giống như trước, đó là em nhìn cái chết với vẻ mặt “bình thường.”

Khi lắp ráp lại từng mảnh cuộc sống ban đầu, em nhận ra có những thứ đã trở lại như cũ, nhưng cũng có những thứ đã khác trước rất rất nhiều.  Qua trải nghiệm thức tỉnh này, cuộc sống bình thường không còn là một cái gì là hiển nhiên nữa, có một niềm vui sâu đậm trong tất cả mọi chuyện bình thường, có một chân trời, một khôn ngoan, một trưởng thành, một thành quả mới mà trước đây chưa có.  Thiên Chúa viết đường thẳng bằng những nét cong cong và đôi khi căn bệnh ung thư dù rất khủng khiếp, lại mang đến nhiều điều kỳ diệu hơn là nó lấy mất đi.

Sức khỏe mới của em không chỉ là sức khỏe thể chất.  Đó là sức khỏe tâm hồn, một tinh thần vững mạnh, có chiều sâu, có khôn ngoan.  Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi nếu được chọn, em sẽ mong mình không bị bệnh và có cuộc sống như lúc đầu không.  Em trả lời: “Không, em không chọn như vậy, qua bệnh tật, em học được yêu thương.”  Yêu thương trải nghiệm khi bị bệnh dạy cho em biết có những bi kịch còn nặng hơn bi kịch mang bệnh ung thư.

Văn sĩ John Powell có viết một cuốn sách nhỏ đáng chú ý, cuốn Yêu Thương Không Điều Kiện, kể về anh Tommy, sinh viên của ông đã chết vì ung thư ở tuổi hai mươi bốn.  Không lâu trước khi chết, Tommy đến gặp và cám ơn Powell đã giúp anh có được một am hiểu nội tâm sâu sắc mà anh rút ra được từ lớp học của ông.  Powell đã giảng trong lớp học: Chỉ có hai bi kịch tiềm ẩn trong cuộc sống, chết trẻ không phải là một trong hai bi kịch này.  Bi kịch thứ nhất là chết và không yêu thương; bi kịch thứ hai là chết và không bày tỏ yêu thương với người chung quanh.

Các bác sĩ nghiên cứu về não bộ con người cho biết chúng ta chỉ mới sử dụng 10% năng lực não bộ của mình mà thôi.  Hầu hết các tế bào não không bao giờ được kích hoạt, vì chúng ta không cần chúng (chúng giành cho khôn ngoan hơn là gây lợi) và vì chúng ta không biết cách tiếp cận chúng.  Cũng các bác sĩ này cho biết, một cách nghịch lý, có hai điều giúp chúng ta tiếp cận chúng: trải nghiệm yêu thương và trải nghiệm bi kịch.  Tình yêu sâu đậm và đau đớn sâu đậm đều làm cho tâm hồn sâu sắc một cách mà không điều gì khác có thể làm được.

Điều đó giải thích tại sao Thánh Têrêsa Hài Đồng là bác sĩ tâm hồn ở tuổi 24.  Nó cũng giải thích sự khôn ngoan của người đàn bà trẻ sống với các thử thách nhẹ nhàng với bạn bè và tỏa rạng với thế giới chung quanh cô ngày hôm nay.

Cách đây mười năm, khối u não đã lấy đi tuổi trẻ và ước mơ của một cô gái trẻ.  Khi đó là nỗi đau, thất vọng, xuống tinh thần, cay đắng, mất hy vọng.  Ai cũng có vẻ như may mắn hơn cô.  Chỉ lúc đó thôi.  Hôm nay, cô gái trẻ ấy là giáo viên ngoại hạng về giáo dục đặc biệt, cô Katie Chamberlin-Malloy, đang đi hưởng tuần trăng mật.  Cô hạnh phúc, thông minh, lên kế hoạch cuộc sống, sau khi đã học những gì đa số chúng ta sẽ học khi gần chết, ấy là, cuộc sống bình thường sẽ tốt hơn trong một chân trời rộng lớn hơn, rằng cuộc sống sâu đậm và hân hoan hơn khi chúng ta không cho nó là điều hiển nhiên, và rằng yêu thương còn quan trọng hơn sức khỏe và sự sống – và rằng tất các câu chuyện cổ tích thần tiên đều kết thúc bằng một đám cưới.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHÚA GỌI – TA ĐÁP TRẢ

Nếu mỗi một Chúa Nhật đều có một chủ đề để làm nổi bật lên ý nghĩa của Phụng Vụ được cử hành, thì Chúa Nhật hôm nay, chủ đề chính đó là nói về ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng.  Tuy nhiên, để trở thành một ơn gọi, cần phải có tương quan hai chiều, đó là: Chúa gọi và lời đáp trả của mỗi người.  Nhưng để một ơn gọi có giá trị trước mặt Chúa, con người cần phải có một sự cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu giữa Thiên Chúa và bản thân.  Đây chính là mẫu số chung cho các ơn gọi mà Phụng Vụ hôm nay đề cấp đến.

  1. Ơn gọi của Isaia và các Tông đồ 

Trong bài đọc I, chúng ta thấy việc Chúa chọn và gọi tiên tri Isaia qua việc Người tỏ cho ông thấy vinh quang chói lòa trong đền thờ.  Trước cảnh huy hoàng và tráng lệ đó, ông nhận ra Thiên Chúa là Đấng vô cùng Thánh Thiện, toàn năng, trong khi ấy, Isaia là một người tội lỗi, bất xứng!  Nhưng khi được Thiên Chúa thanh tẩy, khiến ông trở nên trong sạch…, rồi người gọi ông trở nên tiên tri cho Người, ông đã mau mắn đáp lại trong sự tin tưởng và đầy quyết tâm: “Có con đây, xin Chúa sai con đi” (Is 6,8).

Sang bài đọc II, thánh Phaolô trình thuật hành trình rao giảng của ngài bị nhiều người chống đối, chê bai đủ điều và cho rằng ngài không xứng đáng để trở thành Tông đồ.  Phaolô không chối cãi, không đôi co hay tìm cách kháng chế, nhưng ngược lại, ngài đã luôn nhận mình là con người thấp hèn vì đã bắt bớ, hành hạ Giáo Hội một thời, hơn nữa lại được chọn và gọi sau hết so với các Tông đồ, nên bản thân chỉ như là đứa trẻ sinh non…  Nhưng nhờ ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, nên ngài đã trở nên vị Tông đồ lừng danh về mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh.

Sang bài Tin Mừng, thánh sử Luca trình thuật việc Đức Giêsu gọi và chọn các môn đệ đầu tiên trong bối cảnh mẻ cá lạ nơi bờ biển.  Khởi đi từ việc Đức Giêsu mượn chiếc thuyền của Simon để làm chỗ đứng giảng dạy, rồi tiếp theo là lệnh truyền thả lưới bên phải mạn thuyền, và cuối cùng là một mẻ cá lạ!  Đứng trước những sự trùng khớp và nhiệm mầu như vậy, Simon đã sụp lạy dưới chân Đức Giêsu và thưa: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi.”  Cả ông Giacôbê và Gioan cũng kinh ngạc như ông.  Thấy vậy, Đức Giêsu đã phán bảo các ông: “Đừng sợ! từ nay con sẽ là kẻ chinh phục người ta.”  Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài.

  1. Sứ điệp Lời Chúa

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta thấy sứ điệp Lời Chúa toát lên một điểm chung, đó là: Chúa gọi và chọn những người Chúa muốn.  Mọi ơn gọi đều phát xuất từ Chúa do tình thương của Người.  Điều quan trọng, con người phải ý thức rằng: mình chẳng là gì trước mặt Chúa, nhưng lại được Chúa yêu thương và tuyển chọn.  Phần còn lại, đó là đương sự cảm nghiệm được tình thương của Chúa và mau mắn đáp lại mà thôi.  Chúa không chọn ai khi người đó còn đang trong tình trạng kiêu ngạo, vì thế, Người chỉ gọi và chọn những ai có một tấm lòng khiêm nhường thẳm sâu và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trên cuộc đời mình.

Mặt khác, qua phép lạ mẻ cá lạ, Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy:

Trước quyền năng của Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được!  Mẻ cá lạ đã minh chứng cho chúng ta thấy điều đó, đồng thời cũng cho thấy sự bất lực, giới hạn của con người, vì thế, con người có làm được việc gì là hoàn toàn dựa vào ơn Chúa.  Cá đầy thuyền là hình ảnh tiên báo về một Giáo Hội rộng khắp nơi nơi và sứ mạng loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất của người môn đệ.  Sự dứt khoát từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa của các môn đệ cho ta thấy: người môn đệ của Chúa, muốn theo Chúa thì phải dứt khoát từ bỏ những ràng buộc như tiền bạc, danh vọng, chức nghiệp và ý riêng để đi theo và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Như vậy, Chúa chọn và gọi ai thì Người sẽ cho họ cảm nghiệm được Ngài là Đấng quyền năng, yêu thương và con người là bất xứng, để những người được gọi sẽ đi từ ngỡ ngàng đến vâng phục; từ vâng phục đến niềm tin và rồi ý thức mình chẳng là gì vì bất xứng, nên chỉ là dụng cụ Chúa dùng để ra đi thi hành sứ vụ của Người mà thôi!

  1. Ơn gọi của chúng ta và lời đáp trả 

Từ ơn gọi của các tiên tri, đến ơn gọi của các Tông đồ và cuối cùng là ơn gọi của mỗi người chúng ta.  Câu chuyện ơn gọi của ngôn sứ Isaia, Phaolô, Phêrô và các bạn trong các bài đọc hôm nay, cũng là mẫu số chung cho ơn gọi của mỗi người.  Ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa chọn để trở thành Kitô hữu, thành môn đệ của Ngài và nhất là trở nên chứng nhân của lòng thương xót mà chính mình đã cảm nghiệm.  Ơn gọi đó là ơn gọi phổ quát cho hết mọi người, vì thế, sứ mạng loan báo Tin mừng không chỉ dành riêng cho các linh mục hay tu sĩ, mà là cho hết thảy những ai đã trở thành Kitô hữu.  Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng để trở thành sứ giả của Chúa, hay nhiều khi đùn đẩy và coi như một gánh nặng, lại có khi thi hành nhưng kiêu ngạo và tự phụ…!  Tất cả những thái độ đó đều không phù hợp với chúng ta là những người tin và đi theo Chúa cũng như chung chia sứ mạng với Ngài.  Thái độ cần có đối với mỗi người, đó là: khiêm nhường, ý thức mình bất xứng nhưng được Chúa thương, sẵn sàng để Người biến đổi như tiên tri Isaia, Phaolô, Phêrô… Thiết nghĩ, với ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được tất cả.  Archimède đã khẳng định: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên.”  Điểm tựa của chúng ta là chính Đức Giêsu, nếu chúng ta tựa vào Ngài, chúng ta sẽ làm được mọi chuyện.  Chúng ta mặc lấy Ngài, chúng ta sẽ có sức hút lạ thường, chẳng khác gì các môn đệ bắt được một mẻ cá lạ!

Mong sao mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đều ý thức được trách nhiệm, bổn phận cao quý của mình là trở nên sứ giả cho Thiên Chúa trong lòng xã hội hôm nay!  Ước gì mỗi người biết chu toàn trách vụ trong lòng mến, để nhờ sự quảng đại dấn thân của mỗi người, chúng ta sẽ làm cho nhiều người nhận biết Chúa và tin theo Ngài để được sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, ngày nay vẫn còn quá nhiều người chưa tin hay không biết đến Chúa.  Xin Chúa ban cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội được nhiều người quan tâm, quảng đại và dấn thân để ra đi loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho anh chị em chưa biết đến Chúa.  Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

ƠN TRỜI MƯA NẮNG PHẢI THÌ

Có một câu chuyện huyền thoại về con trâu như sau:

Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị thần xuống trần gian mang theo một bao hạt giống lúa và một bao cỏ để gieo xuống trần gian.  Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật.  Nhưng khi vị thần này đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mải mê xem mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau.  Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được.  Còn lúa phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ.  Bởi lỗi ấy của vị thần, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đày vị thần này xuống trần gian hóa thành con Trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp trở về thiên đường.

Câu chuyện này phải chăng muốn dạy chúng ta: “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ mang phần cho ta.”  Vì ở trần gian, cỏ thì nhiều, lúa thì ít.  Cây ăn được thì ít, cây không ăn được thì nhiều.  Xem ra con người vất vả hơn con vật.  Vì người làm lụng vất vả mới có mà ăn, còn vật thì không cần làm mà trời vẫn cho ăn.

Hôm nay ngày Mồng Ba Tết, Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa.  Chúng ta xin Chúa ban cho một năm “thuận buồm xuôi gió.”  Chúng ta xin Chúa chúc lành cho công việc chúng ta được mọi sự như ý, ân phước dư đầy.  Chúng ta tự ý thức sự nhỏ bé, giới hạn của con người trước biết bao công việc mưu sinh hằng ngày.  Chúng ta cần ơn ban của trời cao.  Chúng ta xác tín như người xưa đã xác tín vào trời: “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên.”  Đó là thái độ khiêm tốn cần có của con người trước vũ trụ bao la.  Con người nhỏ bé giới hạn nên cần phó dâng trong tay Thiên Chúa.  Tổ tiên chúng ta xưa cũng từng làm như thế.  Không phải vì lạc hậu.  Không phải vì thiếu ý thức khoa học mới tin vào Trời, nhưng vì cảm nghiệm sự nhỏ bé của con người trước sự lớn lao của Trời:

“Đèn Trời đèn sáng bốn phương
Đèn tôi sáng tỏ đầu giường nhà tôi.”

Hơn nữa niềm tin của tổ tiên còn xác tín về lòng nhân ái của Trời.  Trời không phụ lòng người.  Trời không bao giờ bỏ quên con người:

“Trời nào có phụ ai đâu
Hay làm thì giầu, có chí thì nên.”

Biết được lòng trời rộng rãi bao la.  Tổ tiên xưa còn biết lợi dụng mưa nắng phải thì của Trời mà trồng cấy:

Trời nắng tốt dưa
Trời mưa tốt lúa.

Nhất là biết cầu khẩn cùng Trời cho một năm:

“Nhờ trời mưa gió thuận hoà
Nào cầy nào cấy trẻ già đua nhau”

Thực vậy, cuộc sống mưu sinh thật khó khăn.  Nếu không có ơn trời thì công việc chúng ta cũng tựa như “dã tràng xe cát biển đông.”  Nhìn lại một năm qua, chúng ta thấy thật rõ điều đó.  Việc làm ăn mỗi ngày một khó.  Không chỉ là do suy thoái kinh tế toàn cầu, mà chủ yếu còn do thiên tai lũ lụt hoành hành.  Ở Việt Nam ngay từ đầu năm đã xảy ra rét đậm, rét hại khiến hàng ngàn trâu bò bị chết, hàng ngàn hecta hoa màu không thể đơm bông kết trái.  Rồi thiên tai lũ lụt trong năm đã phá huỷ biết bao ruộng lúa, vườn rau.  Nhiều người nói rằng: năm nay làm ăn không chỉ trắng tay mà con nợ nần chồng chất.  Cuộc sống vốn dĩ đã khổ lại khổ thêm do không gặp thời vận của Trời ban.

Đó là lý do mà hôm nay chúng ta cùng nhau dâng lên Thiên Chúa công việc và dự định của chúng ta trong năm nay.  Chúng ta trao gởi công việc chúng ta cho Thiên Chúa.  Xin Chúa chúc phúc và thánh hóa công việc chúng ta được mọi sự như ý.  Chúng ta xác tín rằng: “Nếu Chúa không xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công.”  Xin Chúa thương đón nhận những ước nguyện đầu năm chân thành của chúng ta.  Amen!

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

********************************

Ơn xin cho Năm mới

Xin Chúa ban cho con một năm hạnh phúc
không phải bằng cách cho con khỏi mọi âu lo,
nhưng xin cho con biết đương đầu
với điều này khi nó xẩy đến.

Xin Chúa ban cho con một năm hạnh phúc
không phải bằng cách làm cho “con đường” đời trở nên êm thắm,
nhưng xin ban ơn để con trở nên mạnh mẽ,
ngõ hầu con có thể đi trên bất kỳ “con đường” nào.

Xin Chúa ban cho con một năm hạnh phúc
không phải bằng cách xóa đi những thách thức, khó khăn,
nhưng xin hãy lấy  đi những nỗi sợ hãi
trong trái tim của con.

Xin Chúa ban cho con một năm hạnh phúc
không phải là luôn cho con thấy ánh nắng mặt trời
nhưng xin giúp con luôn thấy ánh sáng
ngay cả trong những bóng tối.

Xin Chúa ban cho con một năm hạnh phúc
không phải là chạy theo nhịp sống ganh đua của xã hội
nhưng là biết dừng lại, để ý thức được rằng Chúa Kitô
luôn âm thầm đồng hành với con mỗi ngày trong đời sống.

Cuối cùng xin tình yêu, sự bình an,
hy vọng và niềm vui của Thiên Chúa
luôn ở cùng con mỗi ngày
trong năm mới này.  Amen!

PT Giuse Nguyễn Xuân Văn