ĐỒNG KẼM ĐỒNG XU CỦA TÔI ĐÂU?

Trong những ngày cuối niên lịch phụng vụ, khi mà Hội Thánh muốn mọi Kitô hữu suy niệm nhiều về các chân lý thời sau hết (tứ chung), chúng ta được mời gọi hướng tư tưởng về ngày “phán xét”, khi mỗi người đều phải “đứng trước mặt vị thẩm phán chí công.”  Để chuẩn bị cho ngày đó, vấn nạn sẽ là: vị Thẩm Phán sẽ dùng tiêu chuẩn nào để phán xét tôi, cái “chí công” của Ngài sẽ ra sao?  Trình thuật Mác-cô hôm nay về “đồng xu đồng kẽm của bà góa” được đặt ngay trước bài giảng dài về cánh chung trong chương 13, chắc hẳn phải soi chiếu một điều gì đó vào các vấn nạn trên.  Mong rằng nó sẽ mang lại một giải đáp đầy an ủi mang tính Tin Mừng thật sự cho cái viễn tượng phán xét, thường vẫn tạo nên bao hãi hùng kinh khiếp.

Thẩm Phán chí công sẽ xét xử theo tiêu chuẩn nào?  Người ta vẫn thường dạy rằng Thiên Chúa phán xét mỗi người theo công tội họ đã làm trong cuộc sống: nếu là người lương thiện ngay lành, tôi sẽ được thưởng, còn nếu làm điều dữ điều trái, tôi sẽ bị luận phạt muôn đời muôn kiếp.  Căn cứ theo tiêu chuẩn này, tôi sẽ là người hoàn toàn trách nhiệm và chủ động về thưởng phạt; ơn thánh Chúa nếu có, cũng chỉ đóng vai trò trợ giúp.  Tuy nhiên Giáo lý Công giáo lại dạy rằng, ơn cứu độ của Đức Kitô là cần thiết (essential) cho hết thảy mọi người, vì mọi người đều phạm tội.  Nếu quả thật như thế, thì quan niệm phán xét trên có cái gì đó không ổn!  Không một ai, cho dầu có cố gắng tu luyện tới đâu đi nữa, có thể ra trước tòa phán xét “xúng xính trong bộ áo thụng… đáng chiếm ghế danh dự” vì đinh ninh rằng khi còn sống mình đã thu tích đủ “công nghiệp” để đáng được thưởng công.  Trước mặt vị Thẩm phán chí thánh chí công đó, mọi người đều chỉ là: “đầy tớ vô dụng” (Lc 17:10).  Thế nhưng may mắn thay trong ngày phán xét, vị Thẩm Phán lại cũng chính là Giêsu đang “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ… quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao.”  Người sẽ không khen thưởng những kẻ bỏ thật nhiều tiền vào thùng, nhưng lại đề cao “một bà góa nghèo”, vì bà đã dâng cúng vào đền thờ “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu” mà bà đã “rút ra từ cái túng thiếu của mình.”  Như thế để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ra trước vị Thẩm Phán chí công, tôi rất cần biết cái “rút ra từ cái túng thiếu của mình” đó có nghĩa là gì?  Làm thế nào để Ngài cũng sẽ gọi các thần thánh lại, chỉ vào tôi và nói: “tên nghèo nàn đốn mạt này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết!”

“Đồng tiền kẽm… rút ra từ cái túng thiếu” chắc chắn không phải là: các việc lành phúc đức tôi đã làm được trong đời, các thành công hoành tráng để có thể xứng đáng được “người ta chào hỏi” tung hô trên thiên quốc; đó phải mãi mãi vẫn là những gì vô giá trị như đồng kẽm, đồng xu trước mặt người đời, nhưng lại vô cùng quí hóa trước mặt Thiên Chúa từ nhân.  Phải chăng đó là: những cố gắng, những nỗ lực vươn lên khỏi sự thấp hèn yếu đuối tột cùng của mình… nhưng đã thất bại, vẫn hoàn toàn sụp đổ chẳng đi tới đâu.  Sẽ chẳng bao giờ có ai trong đời, ngay cả chính tôi, đánh giá cao những điều đó, nếu không có cặp mắt “quan sát” vô cùng chí công nhưng rất mực nhân hậu của Đức Kitô từ nhân.  Có thể như đa phần  mọi người, tôi phải thừa nhận: bất chấp những nỗ lực cố gắng, đời mình thành đạt không nhiều, nhưng thất bại thì lắm; “Điều tôi muốn thì tôi không làm, còn điều tôi ghét thì tôi cứ làm” (Rm 7:15).  Rất nhiều khi tôi thấy mặc cảm và thất vọng vô cùng về các yếu đuối, sa ngã mình vướng mắc.

May mắn thay, trong niềm tin vào Thiên Chúa từ nhân, suy đi nghĩ lại, tôi còn thấy: đời mình – và rất có thể nhiều mảnh đời khác cũng thế – không thiếu những đồng kẽm đồng xu của các nỗ lực vô vọng này; vì tuy được tạo dựng “nhân chi sơ tính bản thiện”, và mang trong người “hình ảnh của Thiên Chúa”, kiếp sống ô trọc nào mà không tránh khỏi các bất toàn yếu đuối?  Do đó điều quan trọng nhất trong đời chưa hẳn là tránh được tội lỗi, nhưng là làm sao tranh thủ được cặp mắt “quan sát” đầy từ tâm ấy, cặp mắt từng nhận ra giá trị của “đồng kẽm” nơi bà góa, đồng xu nơi Phê-rô, nhưng lại không tìm thấy nơi các Biệt phái, thượng tế.  Chỉ có thế thôi, và ngày phán xét sẽ đâu còn gì đáng sợ nữa!

Mẹ Tê-rê-sa Calcutta hay lặp lại câu nói sau đây: “Chúa không muốn nhìn thấy bao nhiêu việc bác ái tôi đã làm, nhưng Ngài muốn nhìn thấy bao nhiêu bác ái tôi đã nỗ lực đem vào các công việc của tôi”.  Hình như Lời Chúa hôm nay cũng nhắc lại cùng một chân lý đó: Chúa không phán xét tôi căn cứ vào những gì tôi đạt được, nhưng cặp mắt nhân ái của Người muốn tìm thấy nơi tôi những đồng kẽm nhỏ nhoi của nỗ lực vươn lên thầm kín trong mọi tình huống cuộc đời.  “Còn bà này thì rút ra từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản” hẳn mang nội dung rất an ủi đó chăng?

Nếu quả là như thế thì, cho những người yếu đuối và tội lỗi như tôi, Tin Mừng đích thực là đây: Tin Mừng có khả năng làm cho đứa con hoang đàng hay tên cướp bị tử hình trên thập giá thay vì hãi sợ, sẽ ra trước vị Thẩm Phán “đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu rỗi” (Lc 21:28).

“Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài nhân lành, vì tình thương của Ngài bền vững muôn năm!” Lạy Chúa, con muốn cất lời ca ngợi lòng thương xót hải hà của Chúa, khi sống và nhất là trong giờ chết.  Lòng thương xót đó cho phép con không mạc cảm trước những yếu đuối thiếu xót của mình, hơn nữa còn có khả năng biến chúng thành nguồn an ủi và hy vọng cho đến muôn đời.  Xin cho con đừng bao giờ xa rời cặp mắt yêu thương đó, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

BUỒN VUI CÙNG KIẾP NGƯỜI

Cuộc đời của con người ta là gì?  Phải chăng là những niềm vui – nỗi buồn tiếp nối, nỗi buồn – niềm vui đan xen.  Vui – buồn, buồn – vui là những cung bậc trầm bổng làm nên cuộc sống, những giai điệu hòa âm vang lên nơi cuộc đời, những sắc màu vẽ nên kiếp người, những ngôn ngữ để diễn tả và những dấu chỉ để nhận biết sức sống nội tại nơi con người.

Với kinh nghiệm hiện sinh còn non kém trên đường đời, và các giá trị của đời người.  Cảm nghiệm tâm linh còn yếu ớt của một người đang đi trên hành trình kiếm tìm Thiên Chúa.  Xin được nhìn cuộc đời với một góc nhìn hẹp, tầm nhìn còn thiển cận với cái tâm còn nông cạn, về niềm vui – nỗi buồn cùng kiếp người.

  1. Buồn với kiếp người

Buồn với kiếp người, vì con người chẳng khác gì con vật, vẫn còn đó nơi bản thân những hơn thua, đấu đá, tranh giành.  Con người vẫn không thoát khỏi vòng vây “Thắng làm vua, thua làm giặc.”  Con người nhiều khi vẫn chưa nhận ra những giới hạn căn bản của kiếp người: “Ngài định giới hạn rồi, sao có thể vượt qua!” (G 14,5)

Buồn với kiếp người, vì con người loay hoay, bôn ba, lo toan, tính toán trong cuộc đời, nhưng đích điểm đời mình sẽ tới thì lại chẳng lo, chẳng tính, để rồi một ngày: “Thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49,21); “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10).  Buồn với kiếp người, vì con người có tình yêu nhưng có mấy ai biết yêu thực sự, dám yêu thực sự, đi trọn con đường tình yêu nơi mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Buồn với kiếp người, vì con người biết sống đời sống đức tin  nhưng nhiều khi chưa biết hành trình tử đạo, sống tử đạo là gì: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)

Buồn với kiếp người, vì con người nhận ra bản thân là bất toàn, mỏng dòn, yếu đuối nhưng con người dường như vẫn chưa bắt được mạch sống là phải sống với – sống vì – sống cùng ai đó: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16,25)

Buồn với kiếp người, vì con người khi còn chức tước, khi còn danh vọng thì “người hầu, kẻ hạ” nhưng khi hết thời thì cũng chẳng khác chi một con người tầm thường và bình thường: “Cả khi cười, lòng vẫn vương sầu muộn, sau niềm vui lại đến nỗi buồn phiền” (Cn 14,13).

Và còn nhiều điều buồn và đáng buồn hơn nữa…

  1. Vui cùng kiếp người

Vui cùng kiếp người, vì con người biết bản thân mình là gì, bản thân mình được định nghĩa như thế nào và mang phẩm giá cao trọng làm sao: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27).

Vui cùng kiếp người, vì con người nhận ra cuộc đời này là gì: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?  Và chuỗi ngày lao lụng vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?” (G 7,1)

Vui cùng kiếp người, vì con người biết tìm ra niềm vui thực sự trong cuộc đời này là gì và đến từ đâu: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!  Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” (Tv 126,3); “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.  Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4)

Vui cùng kiếp người, vì con người biết ơn, biết cảm động và thán phục trong cuộc đời xuôi ngược và lắm muộn phiền này những tấm lòng, những nghĩa cử tuyệt vời, những giá trị chân chính: “Halêluia. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107,1).  Vẫn còn đó nhiều niềm vui mà con người vẫn chưa nhận ra… Trong niềm vui, chúng ta nhận ra:  “Ôi! cuộc đời sao tuyệt vời và nhẹ nhàng đến thế.”

  1. Góc nhìn của bản thân về nỗi buồn nơi đời sống gia đình

Nơi đời sống gia đình, chúng ta mới thực sự bắt gặp một tình yêu tạm nói là “đẹp.”  Tình yêu biết ra khỏi bản thân mà sống cho, sống vì người khác.  Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, con cái đối với cha mẹ là tình yêu tuyệt đẹp vì tất cả chỉ muốn cho người thân yêu của mình trở nên tốt và tốt hơn.  Nơi gia đình mọi người “chấp nhận” nhau, “tặng ban, hy sinh” cho nhau, cùng đồng hành với nhau qua các biến cố vui – buồn, sướng – khổ, thành công – thất bại, hy vọng – thất vọng,… mọi người trong gia đình luôn “chấp nhận, đón nhận” cùng nhau, “cho đi, tặng ban” cho nhau trọn vẹn mà không tính toán, đổi chác.  Mọi người trong gia đình luôn hy sinh, lo lắng cho nhau không phải một ngày, hai ngày nhưng là trót cả cuộc đời và suốt cả cuộc đời.

Vì đời sống gia đình rất gần gũi, thân thương với mỗi người nên ai ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu nơi gia đình.  Xin được nêu một vài nhận định, góc nhìn của bản thân về đời sống gia đình.  Góc nhìn chỉ giới hạn trong nỗi buồn.

Buồn nơi gia đình, vì nhiều khi người thân chỉ biết lo cho nhau, tặng ban cho nhau mà dám chấp nhận chà đạp, xúc phạm, hủy hoại, bóc lột, tham nhũng, bất công, gây đổ vỡ cho người khác.  Buồn nơi gia đình, vì vẫn còn đó những sự không hòa hợp giữa cha mẹ với con cái, anh em, chị em nhiều khi vẫn còn “khắc khẩu” với nhau, tranh giành, đấu đá với nhau.  Không bao giờ có một gia đình nào mà trọn vẹn trong niềm vui thực sự, đừng hy vọng sẽ không có những bão tố, thử thách.  Buồn nơi gia đình, vì vẫn còn đó những trốn tránh, thoát ly, từ bỏ gia đình để đi tìm một lối sống, cách sống khác mà không phải là gia đình, nền tảng là gia đình.

Cuộc đời làm người của chúng ta cần thiết biết bao những giá trị căn bản và cao đẹp ấy buồn – vui.

Giuse Vũ Duy An
Học viện TSĐT

CUỘC SỐNG ĐỜI SAU

Lễ các thánh ngày hôm nay và sự tưởng nhớ các tín hữu đã ly trần có một số điểm chung, và vì lý do này, mà hai thánh lễ được đặt sát kề nhau.  Cả hai thánh lễ đều nhắn nhủ với chúng ta những điều về thế giới bên kia.  Nếu chúng ta không tin vào sự sống đời sau, thì việc cử hành lễ các thánh, chưa nói gì đến việc viếng nghĩa trang, sẽ chẳng xứng đáng gì cả.  Chúng ta đi viếng thăm ai hoặc vì sao chúng ta lại thắp nến và mang hoa tới cho họ?

Do đó, những sự kiện trong ngày hôm nay mời gọi chúng ta đi vào một sự phản tỉnh khôn ngoan.  Thánh vịnh đã viết: “Xin dạy con biết đếm ngày con sống để con biết tìm kiếm sự khôn ngoan trong tâm hồn.”  “Cuộc đời chúng ta trôi qua như chiếc lá mùa thu” (G. Ungaretti).  Vào mùa xuân năm sau, cây sẽ tiếp tục nẩy nụ bung hoa và khoác trên mình những cánh lá mới; thế giới sẽ vẫn diễn tiến sau lưng chúng ta, nhưng với những con người mới.  Lá thu không tìm được sự sống mới, nó tan biến tại nơi nó rụng xuống.  Điều ấy có xảy ra với chúng ta không?  Đó là điểm mà phép loại suy đi đến bước đường cùng.  Chúa Giêsu đã hứa: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tìn ta thì dẫu có phải chết cũng sẽ được sống.”  Đây là thách đố lớn lao cho niềm tin, không chỉ cho người Kitô hữu, mà còn cho người Do Thái giáo và người Hồi giáo, cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa.

Những người đã xem phim “Bác sĩ Zhivago” chắc sẽ nhớ bài hát nổi tiếng do cô ca sỹ Lara hát trong phần nhạc nền.  Bản dịch từ tiếng Ý có nghĩa: “Tôi không biết đó là gì, nhưng có một nơi tôi sẽ không bao giờ trở lại…”  Bài hát nhắm đến ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng do Pasternak viết mà bộ phim đã dựa vào đó để dàn dựng: Đôi tình nhân tìm thấy nhau, tìm kiếm nhau, nhưng định mệnh (ta có thể tìm thấy chính mình trong thời đại rối ren của cuộc cách mạng Bolshevik) đã phân ly họ cách nghiệt ngã, mãi đến khi họ gặp nhau vào cảnh cuối nhưng lại không nhận ra nhau.

Mỗi khi những nốt nhạc này vang lên, đức tin làm cho tôi hầu như muốn thét lên bên trong con người tôi: Vâng, có một nơi ta sẽ chẳng bao giờ trở về và cũng chẳng muốn trở về.  Đức Giêsu đã ra đi để chuẩn bị cho chúng ta, Ngài đã mở ra cánh cửa sự sống ngang qua sự phục sinh của Ngài và Ngài đã chỉ cho ta biết đường theo Ngài qua tám mối phúc thật.  Nơi thời gian đi tới hồi tận sẽ mở đường dẫn vào cõi vĩnh hằng.  Tại nơi ấy, tình yêu sẽ trở nên sung mãn và trọn vẹn, không chỉ là tình yêu Thiên Chúa và cho Thiên Chúa mà còn là tất cả tình yêu chân thành và thánh thiện vốn đã tồn tại trên trái đất.

Đức tin không giải thoát tín hữu khỏi nỗi đau khổ của cái chết, nhưng nó xoa dịu chúng ta qua đức tin.  Kinh Tiền Tụng ngày lễ các linh hồn viết: “Nếu việc phải chết làm cho chúng ta buồn rầu, thì niềm hy vọng vào sự bất tử mai sau sẽ an ủi chúng ta.”  Trong cảm thức này, có một chứng từ đầy cảm động ở nước Nga.  Vào năm 1972, một tạp chí bí mật đã cho đăng lời cầu nguyện được tìm thấy trong túi áo của một người lính tên Aleksander Zacepa.  Anh viết lời cầu nguyện này chỉ trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, và anh đã thiệt mạng trong cuộc chiến ấy.

Lời cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, xin Ngài lắng nghe con!  Trong suốt cuộc đời, con chưa từng một lần nói chuyện với Ngài, nhưng hôm nay con có ao ước làm điều đó.  Khi con còn nhỏ, người ta bảo con rằng Ngài không hiện hữu.  Và như một thằng ngốc, con đã tin điều ấy.

Con chưa bao giờ suy niệm về công trình của Ngài, nhưng đêm nay nằm trong hố bom và nhìn bầu trời đầy sao, con đã bị choáng ngợp bởi vẻ huy hoàng của chúng.  Ngay lập tức, con hiểu rằng sự lừa dối ấy khốn nạn đến mức nào.  Ôi lạy Chúa, con không biết là Chúa có giang tay chạm đến con hay không, nhưng con dám nói với Chúa rằng Chúa hiểu con…

Chẳng phải là lạ lùng lắm sao khi giữa cảnh địa ngục rợn rùng, ánh sáng đã chiếu giãi trên con, và con đã khám phá ra Ngài?

Con chẳng có điều gì nữa để thân thưa với Ngài.  Con cảm thấy thật hạnh phúc, vì con đã nhận biết Ngài.  Vào lúc nửa đêm hôm nay, chúng con sẽ bắt đầu chiến sự, nhưng con chẳng sợ hãi gì vì Ngài trông thấy con.

Họ phát tín hiệu rồi Chúa ạ.  Con phải đi đây.  Thật tuyệt vời dường bao khi con được ở với Ngài.  Con muốn thưa với Chúa, và Chúa cũng biết, là trận đánh sẽ rất ác liệt.  Có lẽ đêm nay, con sẽ đến gõ cửa nhà Ngài.  Và nếu đến lúc này đây, con chưa phải là bạn của Ngài thì khi con ra đi, Ngài có đón con vào nhà Ngài không?

Nhưng điều gì đang xảy ra với con đây?  Con la lên hay sao?  Lạy Chúa Trời con, xin hãy nhìn đến những điều xảy ra với con.  Chỉ lúc này đây, con mới bắt đầu nhìn thấy Chúa cách rõ ràng.  Lạy Chúa, con đi đây, có lẽ chẳng bao giờ trở lại.  Thật lạ lùng, lạy Chúa, cái chết chẳng làm con sợ hãi.

Nguyễn Quốc Tâm
(Nguồn: Bài viết của Cha Raniero Cantalamessa, OFM, Zenit ngày 31 tháng 10, năm 2008)

***************************** 

Khi con đi hết đường đời
Trên chuyến xe lửa cuối cùng của ngày vĩnh biệt
Con mong muốn được ra đi hạnh phúc
Và rời xa những đêm tối nghi nan.
Dù không có hành trang nào hết
Con sẽ mang theo ngàn lẻ một bông hoa
Mà con đã hái trên nẻo đường hạnh phúc
Nơi những bạn bè đã đến bên con.
Kỷ niệm của ngày tháng nhọc nhằn
Sẽ phai mờ trong buổi sáng cuối cùng
Cái nhìn của những người yêu quý.
Và nếu là một sự sinh hạ
Một địa cầu và một thái dương khác
Và nếu như là một thức giấc mới
Chính là sự tái sinh muôn đời.

Hiền Hòa chuyển dịch