CÁNH VẠC MÙA VỌNG

Khi đề cập sự mong chờ hoặc đợi chờ, người ta thường nhớ tới hình ảnh con vạc (cũng gọi là hạc – nycticorax).  Đó là sự mong đợi của hai người yêu nhau, nhưng chúng ta cũng có thể dùng hình ảnh con vạc để nói về nỗi lòng của chúng ta trong Mùa Vọng – khoảng thời gian chuẩn bị đón mừng Con Thiên Chúa giáng trần.

Mỗi loài đều có đặc tính riêng, nhưng có lẽ loài vạc có đặc tính “lạ” nhất.  Vạc là động vật có cánh, một loài chim thuộc họ diệc, kiếm ăn ban đêm và có tiếng kêu buồn thảm.  Tiếng kêu của loài Vạc nghe buồn thảm vì là tiếng lòng của kẻ lẻ bạn, đơn độc, một mình bay đi kiếm ăn ban đêm nhưng lòng vẫn thương nhớ khôn nguôi về người bạn tình phương xa.  Não nề lắm, da diết lắm!  Người ta gọi đó là “tiếng vạc kêu sương” – tiếng vạc kêu trong màn sương lạnh lùng của đêm tĩnh lặng thì chắc hẳn là u uẩn và buồn bã lắm!

TÌNH VỌNG

Điển tích xưa kể rằng: Thôi Hộ là danh sĩ đời Trung Ðường, diện mạo khôi ngô, thích làm bạn với sách vở và bút nghiên.  Trên đường lên kinh ứng thí giữa tiết Thanh Minh, mọi người đang vui hội Ðạp Thanh (giẫm lên thảm cỏ xanh).  Khi đi ngang qua vườn hoa đào tuyệt đẹp, chàng dừng lại ngắm và xin nước uống, một mỹ nhân duyên dáng ra mở cửa.  Nàng mời trà, chàng đón nhận.  Ðôi tay vô tình chạm nhau, nàng thẹn thùng cúi mặt, má ửng hồng, chàng cũng bồi hồi, ngượng nghịu.  Gặp nhau không lâu nhưng cả hai thấy tâm đầu ý hợp, quyến luyến nhau.  Thôi Hộ phải đi vì công danh sự nghiệp, Phụng Trinh đứng dưới gốc đào ngơ ngẩn nhìn theo…

Đến năm sau, vào ngày hội du xuân, chàng nho sinh nhớ người con gái đã khiến chàng dệt bao mộng đẹp.  Chàng tìm đến vườn đào để thăm.  Bước vội vã hân hoan của chàng khựng lại khi thấy cửa đóng then cài, cảnh cũ còn mà người xưa vắng bóng.  Chàng buồn bã nhìn hoa đào nở tươi trong gió xuân mà bùi ngùi niềm cô quạnh.  Chàng thờ thẫn đau lòng khi nghĩ nàng đã theo chồng.  Quá thất vọng, chàng thảo bốn câu thơ trên cửa cổng, ghi lại tâm tư sầu nhớ ngậm ngùi của mình.

Rồi chiều đến, nàng cùng cha trở về, chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu thơ, nét chữ tinh xảo, ý thơ dồi dào, nàng xúc động khi biết rõ tình cảm nhớ mong của chàng ẩn chứa trong đó.  Nàng buồn bã hối tiếc không về kịp để gặp lại chàng.  Ngày qua ngày nàng tựa gốc đào tha thiết mong đợi và hy vọng nho sĩ phong nhã năm xưa trở lại.  Thời gian cứ trôi, cánh chim bạt gió cất tiếng kêu thảm thiết não nùng vì lẻ bạn khiến lòng nàng tê tái.  Cứ hết hè lại thu sang, đông qua rồi xuân về, nỗi nhớ nhung nung nấu khiến lệ trào khóe mắt, bóng chàng vẫn biền biệt.  Nàng tuyệt vọng, bỏ ăn, bỏ ngủ, thân xác tiều tụy, dung nhan võ vàng.

Thương con gái, người cha lo tìm thầy giỏi chữa trị cho nàng.  Mà làm gì có thuốc trị bệnh tương tư chứ?  Biết mình kiệt sức không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha nghe và xin cha tha tội bất hiếu.  Người cha xúc động thương cho phận bạc của con gái.  Nhìn con nằm lịm trên giường bệnh chờ đợi tử thần, ông nóng lòng đứng ngồi không yên.  Ông nghĩ đến chàng thư sinh, chỉ có người ấy mới có thể cứu sống con gái.  Vừa ra khỏi cổng, ông găp ngay một chàng thư sinh tuấn tú.  Thấy ông già đi như chạy, chàng vội thăm hỏi.  Ông kể lể sự tình…

Nhận ra nhau, hai người vội chạy vào nhà, nhưng cũng là lúc Phụng Trinh trút hơi thở cuối cùng.  Chàng xúc động quỳ xuống, cầm tay nàng, úp mặt vào mặt nàng vừa khóc nức nở vừa kêu tên nàng thảm thiết.  Tiếng kêu bi thương như lay hồn nàng thức tỉnh, và những giọt nước mắt nóng hổi của tình yêu nhỏ xuống mặt nàng khiến nàng hồi sinh.  Nàng mở mắt nhìn chàng và nở một nụ cười sung sướng.  Ðào Bạch Phụng bằng lòng cho Phụng Trinh và Thôi Hộ nên duyên cầm sắt.

Một câu chuyện tình buồn nhưng tình yêu chân thật đã lật ngược thế cờ, khối u tình mà lại có hậu.  Thật may mắn và hạnh phúc thay!  Thiên Chúa cũng sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta nếu chúng ta thành tâm yêu mến và tín thác vào Ngài.  Lời cầu nguyện có sức biến đổi mọi sự, kể cả số phận của một con người.

HỒN VỌNG

Diễn tả nỗi mong đợi mà linh hồn hướng về Thiên Chúa, Thánh Vịnh gia thổ lộ: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa!” (Tv 42:2).  Nỗi mong đợi luôn khiến người ta khắc khoải, bồn chồn, thao thức, và dù chẳng làm gì sai trái mà đôi khi như bị “dằn vặt” vậy vì muốn gặp gỡ cho thỏa lòng: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.  Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42:3).  Người mong kẻ đợi không bao giờ an tâm, cũng có nghĩa là không cảm thấy hạnh phúc, nói thẳng ra là đau khổ lắm, đến nỗi mà Thánh Vịnh gia mô tả lương thực thế này: “Châu lệ là cơm bánh đêm ngày” (Tv 42:4).  Ôi chao, thật là buồn biết bao!

Nhưng dù sao cũng phải kiên trì, và luôn tự nhủ: “Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người.  Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông” (Tv 130:5-6).  Trong nỗi mong đợi luôn “tiềm ẩn” niềm hy vọng – dù mạnh hay yếu, bởi vì có hy vọng mới kiên trì mọi người đợi.

Liên quan niềm hy vọng – đức cậy, có câu chuyện kể rằng…

Có bốn ngọn nến tượng trưng cho Hòa Bình, Niềm Tin, Tình Yêu, và Hy Vọng.  Thế giới hiếm khi không có chiến tranh, giữa người với người cũng vẫn thiếu sự hòa thuận, dù là những người trong cùng một gia đình.  Xung đột như vậy là dạng “chiến tranh nhẹ”.

Nhưng ngọn nến Hòa Bình cứ mờ dần, yếu dần, chỉ còn leo lét, rồi… tắt.  Cũng vậy, thế giới ngày nay đang mất dần niềm tin, coi niềm tin tôn giáo là xa xỉ phẩm, thậm chí còn phỉ báng hoặc bách hại những người có niềm tin tôn giáo – nhất là niềm tin vào Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh.  Tiếp theo, ngọn nến Niềm Tin cũng cứ tắt dần, chỉ còn tỏa ra làn khói trắng luyến tiếc.  Người ta “vào hùa” với nhau về tình trạng mất niềm tin – không tin có điều tốt lành và không tin nhau nữa.  Tương tự, người ta cũng không cần ngọn nến Tình Yêu nên không muốn thắp sáng ngọn nến này nữa.  Ngay cả những người thân máu mủ ruột thịt với nhau mà còn thổi tắt ngọn nến này thì làm sao nó có thể tỏa sáng?  Cả ba ngọn nến kia đều tắt hết, và rồi chỉ còn ngọn nến Hy Vọng vẫn sáng, mặc dù ánh sáng của nó yếu ớt, le lói, lặng lẽ…!

Chút ánh sáng yếu ớt đó lại là thứ quan trọng, bởi vì ít ra cũng còn ngọn nến Hy Vọng.  Cuộc sống này luôn cần ngọn nến này, dù các ngọn nến Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu đã tắt lịm.  Tại sao vậy? Ngọn nến Hy Vọng cần thiết vì đó là ngọn nến Cậy Trông (đức Cậy), chính ngọn nến này sẽ đủ sức thắp sáng cho cả ba ngọn nến kia.  Quả thật, đó cũng là triết lý sống của Mùa Vọng, mùa đợi trông Đấng Cứu Thế.  Thánh linh mục Don Bosco: “Càng khốn khó thì càng phải tin cậy vào Thiên Chúa.”  Hãy cố gắng ghi nhớ và thực hành theo lời khuyên thánh nhân, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà suốt cả cuộc đời Kitô hữu.

Lạy Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, chúng con trông cậy vào Ngài.  Mỗi buổi sáng, xin Ngài dang cánh tay nâng đỡ chúng con; xin cứu độ chúng con trong lúc ngặt nghèo (Is 33:2).

Trầm Thiên Thu – Khởi đầu Mùa Vọng, Năm Phụng Vụ C – 2019

TỈNH THỨC ĐI VÀO THẾ GIỚI MỚI

Thật ngạc nhiên.  Ta cứ tưởng trong mùa Vọng, phải có những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.  Nhưng không ngờ những bài sách thánh và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét.  Tại sao thế?  Thưa vì Giáo Hội muốn cho ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến.  Hàng năm vào mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến.  Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm.  Tuy nhiên ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày với ta.  Và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét.  Việc Chúa đến lần thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta.

Hướng dẫn thứ nhất: Có hai thế giới.  Thế giới hiện tại và thế giới tương lai.  Thế giới hiện tại sẽ qua đi.  Vạn vật có khởi đầu và có kết thúc.  Con người có sinh có tử.  Đó là định luật tự nhiên.  Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi.  Cả những gì lớn lao, mạnh mẽ, có vẻ bền vững nhất như mặt trời, mặt trăng cũng qua đi.  Điều quan trọng nhất là chính ta cũng sẽ qua đi.  Khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt đầu: thế giới vĩnh cửu.

Hướng dẫn thứ hai: Chúa làm chủ lịch sử.  Sở dĩ thế giới cũ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn.  Khi thế giới đến ngày cùng tháng tận, Chúa sẽ đến.  Quyền uy của Chúa thể hiện qua việc Chúa xét xử thế giới cũ và khai sinh thế giới mới.  Sau cảnh tan vỡ kinh hoàng của thế giới cũ sẽ là một khởi đầu mới đem đến niềm hy vọng mới cho con người.  Có thể nói thế giới không chấm dứt nhưng biến đổi.  Từ một thế giới mong manh mau tàn đến một thế giới vững bền vĩnh cửu.  Từ một thế giới tương đối đến một thế giới tuyệt đối.

Hướng dẫn thứ ba: Ta tự quyết định vận mệnh đời mình.  Thế giới này sẽ qua đi.  Thế giới mới sẽ xuất hiện.  Ta sẽ bị hủy diệt cùng với thế giới cũ.  Hay sẽ được hạnh phúc trong thế giới mới?  Điều đó tùy thuộc bản thân ta.  Chúa đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng.  Thế giới cũ sẽ suy tàn.  Nên ai quá gắn bó với nó sẽ khổ sở.  Thế giới mới sẽ tới.  Ai biết chuẩn bị chờ đón sẽ được hạnh phúc.  Phải làm gì?  Thưa phải tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này.  Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này.  Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng.  Tỉnh thức tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.

Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề.  Cầu nguyện để biết tỉnh thức.  Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh.  Nhất là cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp.  Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo.  Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến.  Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên.  Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa.  Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa.  Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay.  Tỉnh thức cầu nguyện ta sẽ gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh.  Tỉnh thức cầu nguyện chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới.  Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu con. Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

LỜI NGUYỆN XIN TĨNH LẶNG

Hãy làm thinh và biết Ta là Đức Chúa.

Kinh thánh quả quyết với chúng ta rằng nếu chúng ta làm thinh thì sẽ biết Chúa, nhưng có được sự lặng yên thì nói dễ hơn làm.  Như Blaise Pascal từng nói, “Mọi khốn khổ của con người là do chẳng ai có thể ngồi yên trong một tiếng đồng hồ.”  Đạt được sự tĩnh lặng có vẻ là việc quá tầm chúng ta, và như thế chúng ta gặp một song đề: chúng ta cần tĩnh lặng để tìm Chúa, nhưng cần Chúa giúp để tìm sự tĩnh lặng.  Nghĩ như thế, tôi xin đưa gởi gắm các bạn một lời nguyện xin sự tĩnh lặng.

Lạy Thiên Chúa của tĩnh lặng…

Xin làm tĩnh lặng những bồn chồn tuổi trẻ của con, tĩnh lặng cơn đói khát cứ ập vào con, cơn đói khát muốn nối kết với mọi người, muốn thấy và thưởng nếm mọi thứ, cơn đói khát khiến con mất bình an những buổi tối cuối tuần.  Xin tĩnh lặng những giấc mơ tự đại muốn mình nổi bật với người khác.  Xin cho con ơn sống hài lòng hơn với bản thân con.

Xin tĩnh lặng cơn bồn chồn khiến con thấy mình quá nhỏ bé.  Xin cho con biết rằng đời con là đủ, và con không cần đòi hỏi về mình, dù cho cả thế giới đang cố lôi kéo con làm thế với vô vàn những hình ảnh tiếng động khắp nơi.  Xin cho con ơn sống bình an trong cuộc đời mình.

Xin làm tĩnh lặng tính dục của con, chỉnh đốn những khao khát bừa bãi, dục vọng của con, nhu cầu không ngơi muốn được thân mật hơn nữa của con.  Xin tĩnh lặng và chỉnh đốn những dục vọng trần tục của con mà không cần phải xóa bỏ chúng đi.  Xin cho con biết nhìn người khác mà không phải với con mắt tình dục ích kỷ.

Xin tĩnh lặng những lo âu, trăn trở của con và đừng để con lúc nào cũng sống ngoài giây phút hiện tại.  Xin cho con biết ngày nào có mối lo của ngày ấy.  Xin cho con ơn biết rằng Chúa đã gọi con trong yêu thương, viết sẵn tên con trên thiên đàng, và con được tự do sống mà không cần lo lắng.

Xin tĩnh lặng nhu cầu muốn bận rộn luôn mãi của con, muốn kiếm việc gì đó để làm, muốn lên kế hoạch cho ngày mai, muốn hoạt động mọi phút giây, muốn tìm cái gì đó để lấp đầy khoảng thinh lặng.  Xin cho con biết thêm tuổi thêm khôn ngoan.  Xin làm nguôi đi những cơn giận âm ỉ vô thức của con vì thấy quá nhiều mong muốn của mình chưa thành sự.  Xin tĩnh lặng sự chua cay vì thất bại của con.  Xin giữ con khỏi ghen tương khi con cay đắng chấp nhận những giới hạn của cuộc sống mình.  Xin cho con ơn chấp nhận những thất bại và hoàn cảnh của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ chính mình, nỗi sợ trước những thế lực tăm tối đang đe dọa con trong vô thức.  Xin cho con can đảm để đối diện với bóng tối cũng như ánh sáng của chính mình.  Xin cho con ơn đừng sợ sự phức tạp của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ bẩm tại của con là sợ mình không được yêu thương, sợ con không xứng đáng để yêu.  Xin làm tĩnh lặng sự hoài nghi dằn vặt rằng con luôn là kẻ ngoài cuộc, rằng cuộc sống thật bất công, rằng con không được tôn trọng và thừa nhận.  Xin cho con ơn biết rằng con là con yêu dấu của Chúa, Đấng yêu thương con vô điều kiện.

Xin tĩnh lặng trong con nỗi sợ vô cớ đối với Chúa, để con đừng thấy Chúa xa cách và đáng sợ, mà thay vào đó là nhìn thấy Chúa nồng ấm và thân thiện.  Xin cho con ơn liên kết với Chúa thật hồn nhiên, như một người bạn mà con có thể chuyện trò, đùa giỡn, vui vẻ và thân thiết.

Xin tĩnh lặng trong con những suy nghĩ bất dung, về những giận hờn từ quá khứ, những bội bạc, lăng mạ mà con phải chịu.  Xin tĩnh lặng trong con những tội mà chính con đã phạm.  Xin tĩnh lặng trong con những tổn thương, cay đắng và giận hờn.  Xin cho con sự tĩnh lặng từ sự tha thứ, từ con và cho con.

Xin tĩnh lặng những nghi ngờ, lo lắng về sự hiện diện của Chúa, về lòng trung tín của Chúa.  Xin tĩnh lặng trong con xung lực muốn để lại dấu ấn, muốn tạo nên gì đó bất tử cho bản thân mình.  Xin cho con ơn biết tin tưởng, ngay cả trong tối tăm và nghi hoặc, rằng chính Chúa sẽ cho con sự sống đời đời.

Xin tĩnh lặng tâm hồn con để con biết Chúa là Thiên Chúa, và cho con biết Chúa đã tạo dựng và gìn giữ mọi hơi thở của con, rằng Chúa yêu thương con cũng như hết thảy mọi người, rằng Chúa muốn cuộc sống chúng con bừng nở, Chúa muốn chúng con hạnh phúc, Chúa yêu thương và chăm lo hết mọi người, rằng chúng con sẽ được an bình trong bàn tay nhân từ của Chúa, ở đời này và đời sau.  Amen!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

VUA SỰ THẬT

Chúa Giêsu thật là ngược đời.  Khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi, muốn tôn Ngài làm vua thì Ngài không muốn.  Ngài phản đối bằng cách trốn đi.  Cũng như hôm vinh quang vào thành Giêrusalem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất phơ đón chào.  Hôm ấy mà Chúa xưng vương thì quá thuận lợi.  Thế mà Chúa phản đối bằng cách cỡi con lừa bé nhỏ, yếu ớt.  Còn hôm nay, phận tội đồ đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thân tàn ma dại, chẳng còn hình tượng con người nữa, thì Ngài lại hiên ngang xưng mình là vua.  Chẳng phải vô tình, nhưng là cố ý.  Hôm nay, đối diện với cái chết, đối diện với quyền lực và đối diện với sự hận thù, Chúa Giêsu muốn xưng vương trong hoàn cảnh này để làm chứng cho sự thật.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là có một vương quốc khác, vượt xa mọi vương quốc trần gian.  Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu: Ngoài cuộc đời này còn có một cuộc đời khác.  Ngoài thế giới này còn có một thế giới khác.  Đó là vương quốc của Chúa.  Đó là Nước Trời.  Vương quốc ấy là vương quốc sự sống vì sẽ không còn bóng dáng cái chết.  Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương.  Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết vương quốc của Ngài “không thuộc thế gian này.”  Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa.  Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là quyền năng của Chúa là trên hết.  Khi một mình yếu đuối nhưng vẫn hiên ngang đối diện với Philatô tượng trưng cho quyền lực của đế quốc La mã bao trùm thiên hạ, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi quyền năng như Ngài đã trả lời Philatô: “Ông có quyền không bởi tự mình mà có, nhưng từ Trời ban cho.”  Thánh nữ Xêxilia cũng nói: “Quyền uy ở đời giống như quả bong bóng.  Nó không triển nở ở tự nó.  Nó không tự mình tròn trịa được.  Phải nhờ đến không khí.  Nhưng chỉ một mũi kim cũng làm nó xẹp xuống.”  Quyền uy trần gian mau tàn.  Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới bền vững.  Chính vì thế Đức Giêsu không xưng vương khi tràn đầy uy tín, khi được dân chúng ngưỡng mộ.  Vì nếu Ngài xưng vương khi được dân chúng tung hô vạn tuế, khi làm những việc kỳ lạ lớn lao, khi tràn đầy uy tín, thì vương quyền ấy chẳng hơn gì vương quyền của vua chúa trần gian khác.  Nhưng hôm nay, khi mất hết mọi uy tín, không còn ai tung hô ủng hộ, Đức Giêsu xưng vương để cho ta thấy Ngài siêu thoát mọi quyền lực và vinh quang theo thói thế gian.  Ngài chỉ trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa.  Vì thế những ai muốn vào vương quốc của Ngài phải biết coi thường mọi vinh quang quyền thế ở trần gian.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là tình thương chiến thắng thù hận.  Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.

Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa vương quốc của Ngài. Đó là vương quốc của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.

Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước đầy tràn Sự Thật và Sự Sống, nước công chính và tình yêu muôn đời.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

LỄ TẠ ƠN

Ở Việt nam, thời Nhà Nguyễn, triều đình Huế, trong suốt 79 năm độc lập (1807- 1885), đàn Nam Giao luôn là nơi tổ chức nghi thức Tế Nam Giao đều đặn vào mùa Xuân hàng năm để tạ ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa đem lại cơm no áo ấm cho toàn dân.  Đó là lễ tạ ơn của Việt Nam.  Từ năm 1886 đến 1890, không tổ chức lễ tế Nam Giao.  Bắt đầu từ năm 1891, cứ ba năm, vua nhà Nguyễn mới tế lễ Trời Đất ở đàn tế Nam Giao một lần.  Lễ tế Nam Giao cuối cùng của triều Nguyễn là vào ngày 23 tháng 3 năm 1945.  Tuy chỉ đặt hy vọng vào một thế lực thần thiêng là Trời Đất, nhưng dân tộc Việt Nam cũng có tâm tình biết ơn và tạ ơn.  Trước sự bất lực của con người, người dân Việt cũng đã cầu xin: Lạy trời mưa xuống – Lấy nước tôi uống – Lấy ruộng tôi cày – Lấy đầy bát cơm – Lấy rơm đun bếp.

Và trong quan hệ giữa người với người, người Việt cũng có những nét văn hóa biểu lộ tâm tình biết ơn người qua tục ngữ ca dao: “Uống nước nhớ nguồn.  Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.  Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.”

Trên đất nước Hoa Kỳ, hằng năm vào ngày thứ năm tuần thứ tư của tháng 11, cả nước tưng bừng mừng lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), một ngày quốc lễ.  Sau đây là đôi nét về nguồn gốc ngày lễ ấy:

Giống như tàu Noe ngày xưa, vào ngày 6 tháng 9 năm 1620, có 102 người gồm thủy thủ, đàn ông, đàn bà và trẻ con bước lên tàu Mayflower rời Anh Quốc vượt đại dương để đi tìm một vùng đất mới.  Họ là “những người hành hương” (Pilgrims) ra đi vì nỗi khát vọng tìm một vùng đất mới cho tự do tôn giáo.  Họ đi khắp nơi, và cuối cùng đã cặp bến Plymouth Rock, Massachusetts vào ngày 11 tháng 12 năm 1620.

Mùa đông đầu tiên, thời tiết khắc nghiệt, thực phẩm thiếu thốn và bệnh dịch hoành hành đã cướp đi 46 sinh mạng.  Những người sống sót nhờ ăn thịt gà tây hoang và bắp ngô do người dân Da Đỏ cung cấp.  Thổ Dân rất thân thiện và tận tình giúp đỡ trong cuộc sống mới bằng cách dạy cho họ trồng tỉa, săn bắn theo phong tục địa phương.

Được sự hướng dẫn của một người Da Đỏ tên là Squanto, vào mùa Xuân và mùa Hè năm 1621, bắp lên tươi tốt hứa hẹn một vụ mùa no nê.  Mùa màng đã gặt hái xong, thực phẩm dư thừa cho cả mùa Đông.  Họ quyết định tổ chức một ngày “Hội Ngày Mùa” (Harvest Festival) để tạ ơn Thượng Đế  đã cho họ sống sót qua mùa đông đầu tiên trên xứ lạ.  Đó là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Hoa Kỳ vào đầu tháng 11 năm 1621.

Thực phẩm chính trong ngày lễ Tạ Ơn này gồm: bắp, bí đỏ, chim, vịt, ngỗng và gà tây.  Khách mời là Thổ Dân.  Tộc trưởng Massasoif đã dẫn 90 dũng sĩ đến dự và còn mang biếu thống đốc của nhóm người Hành Hương lúc bấy giờ là Bradford năm con nai.  Họ ăn uống vui chơi suốt tuần.

Lịch sử ngày lễ Tạ Ơn của người Mỹ cũng có nhiều thăng trầm nổi trôi theo vận nước.  Các tiểu bang thuộc địa đầu tiên không thống nhất được ý kiến chung về ngày lễ Tạ Ơn.  Khi cuộc chiến giữa các di dân Mỹ và đế quốc Anh xảy ra, và George Washington thoát khỏi cuộc bao vây ở Valley Forge, ông đã tuyên bố ngày lễ Tạ Ơn quốc gia vào ngày 26 tháng 11 năm 1789.

Mãi đến năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln thấy chiến tranh đã đến hồi kết thúc, nên chỉ định lấy ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn cho toàn quốc.  Nhưng chẳng may ông bị ám sát.  Andrew Johnson lên làm tổng thống lại duy trì truyền thống cũ, nhưng đổi lại ngày thứ năm tuần lễ thứ tư của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn.  Rồi trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến 1941, Tổng thống Franklin Roosevelt đã chỉ định lấy ngày thứ năm của tuần lễ thứ ba của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn.  Nhưng lần này ông Roosevelt bị các thương gia và các đảng viên đảng Cộng hòa chống đối dữ dội, cho rằng tổng thống đã đi ngược lại truyền thống cũ.  Hai năm sau, tổng thống Roosevelt rút lại quyết định cũ và quyết định lấy ngày thứ năm tuần thứ tư của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn cho toàn quốc mãi cho đến ngày hôm nay.

Lễ Tạ Ơn mang một ý nghĩa sâu xa.  Con người có thể khác nhau về tôn giáo, chúng tộc, màu da nhưng đều có tâm tình biết ơn và tạ ơn.  Đối với người Kitô giáo nói riêng và đối với nhân loại nói chung, tạ ơn Thiên Chúa là một tâm tình thái độ phải có đối với Đấng Sáng Tạo vũ trụ đã hằng thi ân cho con người.

Nhân dịp mừng lễ Tạ Ơn, chúng ta có dịp để xét lại tâm tình, thái độ biết ơn tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn đời và tạ ơn người.

Trước hết đối với Thiên Chúa,thánh Luca có thuật lại một câu chuyện như sau: “Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê.  Lúc Người vào một làng kia, thì có 10 người phong hủi đón gặp Người.  Họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”  Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Đang khi đi thì họ được sạch.  Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.  Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Samari.  Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”  Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17:11-19).

Chín người được ơn chữa khỏi nhưng chỉ có một người trở lại tạ ơn Thiên Chúa.  Lòng biết ơn, tạ ơn coi bộ ít ỏi!  Thực tế cuộc sống của chúng ta cũng nói lên thực trạng đó.  Ngày xưa dân Israen được Thiên Chúa dìu đắt, nâng đỡ bao bọc để đi về miền đất hứa, thế nhưng họ vẫn không thật lòng biết tạ ơn Thiên Chúa, ngược lại còn phản lại những gì Ngài đã làm cho họ.

Phải tạ ơn Thiên Chúa, vì trong cuộc sống, chúng ta đón nhận không biết bao ân huệ của Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại không nhận ra hay không muốn nhận ra những ân huệ ấy khi chúng ta tự xem những thành quả của công việc mình làm là do tài sức của mình.  Có khi chúng ta nghĩ những gì Thiên Chúa làm cho con người là việc Ngài phải làm.  Như thế là vô ơn!

Phải biết ơn người, biết ơn đời, vì trong cuộc sống của chúng ta hôm nay là kết quả của bao nhiêu người đã hy sinh, đóng góp làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.  Chúng ta chịu ơn biết bao nhiêu người từ tổ tiên ông bà cha mẹ, bạn bè, người thân, những nhà khoa học, văn nghệ sĩ… đến những người vô danh đã tô đẹp cho cuộc sống hôm nay.

Lễ Tạ Ơn đối với chúng ta, những người Việt tị nạn trên đất nước Hoa Kỳ, là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc hành trình gian khổ để đi tìm tự do, để tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta có được cuộc sống hôm nay, để tạ ơn đất nước Mỹ và người Mỹ đã cưu mang chúng ta.

Mừng lễ Tạ Ơn mà chỉ nghĩ đến du lịch, tiệc tùng, đi mua sắm, xem football mà không sốt sắng tham dự Thánh lễ Tạ Ơn để tạ ơn Trời, tạ ơn người, tạ ơn đời là một thiếu sót rất lớn vậy!

Lm Trịnh Ngọc Danh

**************************************

Có những lúc trong đời ta quên lãng
Những phước lành mà Chúa đã ban cho
Mãi bon chen, mãi vất vả âu lo
Chuyện cơm áo, chuyện hơn thua cuộc sống

Ta chưa hiểu, tạ ơn là hy vọng
Là giục lòng, là tiếng nói đức tin
Là lời ca, rung động cõi tâm linh
Là tiếng hát, là vần thơ chúc tụng

Thơ Đa-vit, tạ ơn trong biến động,
Giữa muôn ngàn thử thách đang bủa vây
Vẫn hoan ca, cảm tạ Chúa đêm ngày 
Lòng tin quyết, đem thành công đắc thắng

Chúa Giê-su, trong đêm dự tiệc thánh
Ngài dâng lời cảm tạ biết ơn Cha
Bánh vỡ ra, như thịt máu chan hoà
Thành mô thức, hiến dâng ơn cứu rỗi

Chúa cảm tạ, khi tang gia bối rối
Khi lệ buồn, Chúa khóc với Ma-ry
La-za-rô, sống lại, đã bước đi
Ban hy vọng, nguồn vui mừng khôn tả

Trong Đức tin, chúng ta cần cảm tạ
Về ơn lành, cứu rỗi Chúa đã ban
Về tình yêu, về chăm sóc, bảo toàn
Về an ủi, về bao che, dẫn dắt

Hãy tạ ơn, khi bình minh chim hót
Hãy tạ ơn, khi lá rụng hoàng hôn
Hãy tạ ơn, khi biển nổi sóng cồn
Khi hoa nở, trời thanh trong gió mát

Hãy cảm tạ, cùng trăng sao trời đất
Hát reo mừng, chúc tụng Đấng đại năng
Hãy hân hoan, ca ngợi Chúa vĩnh hằng
Được tôn thánh, hiển vinh ngàn muôn thuở.

Thanh Hữu

THÀ CHẾT VINH CÒN HƠN SỐNG NHỤC

Từ ngày tổ tông loài người thoả hiệp với ma qủy quay lưng lại với Thiên Chúa, ma qủy thường dùng chiêu thức này để kiếm thêm đồng minh chống lại Thiên Chúa.  Trong vườn địa đàng nó đã nói cùng Adam – Eva: “cứ ăn đi ngươi sẽ bằng Thiên Chúa.”  Ông bà đã ăn.  Ông bà đã bắt tay cùng satan để chống lại Thiên Chúa.  Con cháu Adam từ đời này đến đời nọ vẫn còn vô số người vì sự an nhàn bản thân, vì mong tìm kiếm lợi lộc, tìm hư danh trần thế, họ vẫn bằng lòng quay lưng lại với Thiên Chúa để làm tôi cho ma qủy, để tận hưởng khoái lạc mau qua trần gian.

Và cũng từ ngày Con Thiên Chúa từ chối thoả hiệp với sa tan, các môn đệ của Chúa trải qua bao thời đại vẫn còn đó những tấm gương quả cảm, anh dũng can trường từ chối thoả hiệp với sa tan.  Họ thà nghèo đói để được bình an tâm hồn hơn là kiếm tiền bằng việc phi nhân thất đức mà lòng chẳng chút bình an.  Họ chấp nhận vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời vua chúa trần gian, cho dù phải tù đầy, gian truân khốn khó.  Họ chấp nhận đánh mất mùa xuân hạn hẹp trần gian để đổi lấy mùa xuân bất diệt thiên đàng.

Hôm nay chúng ta mừng kính 117 thánh tử đạo Việt Nam, là con số tượng trưng cho hơn 130 ngàn vị tiền nhân đã chết trong các đợt cấm đạo tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19.  Họ đã chết không phải vì chống lại triều đình.  Họ đã chết không phải vì lỗi công bình bác ái với tha nhân.  Họ đã chết vì không chịu thoả hiệp với thế gian.  Giữa sự sống và sự chết chỉ cách nhau một lằn ranh.  Lằn ranh đó chính là cây thập giá.  Bước qua thì được thoát khỏi cực hình trần gian.  Bước qua thì được trở về với vợ con, với xóm làng, với chức tước vua ban và bổng lộc trần gian, nhưng các thánh tử đạo Việt Nam đã không vì thế mà chối Chúa, bỏ đạo.  Không thể vì ham sống sợ chết mà phải chà đạp lên thập giá là bỏ cơ hội sống đời đời để đổi lấy cuộc sống lây lất tạm thời trần gian.  Các ngài thà chịu đòn roi, thà chịu án tử hình để trung kiên theo Chúa, để lãnh phúc triều thiên vinh quang bất diệt trên quê trời còn hơn là làm tôi mọi cho ma qủy.  Như trường hợp ông đội Bường đã thẳng thắn trả lời với quan quân: “Bên đạo chúng tôi ai chết trẻ là đi đường tắt, ai chết già là đi đường trường.  Song đàng nào cũng tới quê thật là nước thiên đàng vậy.”  Thế nên, thánh nhân đã khuyên nhủ các đồng đạo rằng: “Chúng ta hãy vui lòng chịu mọi sự khốn khó để giữ nghĩa cùng Chúa cho đến khi nào thánh ý Chúa định thể khác.  Nếu quan có hành hạ thì hãy can đảm chịu đựng.  Hễ xác chết rồi thì hồn chúng ta bay thẳng về trời, không sợ gì roi đòn.  Chịu sự khó như vậy là vác thánh giá theo Chúa Giêsu.  Nếu có đau đớn quá thì hãy xin Đức Mẹ phù trợ cho được bền lòng đến cùng.”

Đọc lại tiểu sử các thánh tử đạo Việt nam chúng ta thấy có vô số lời dụ dỗ thật ngọt ngào.  Tại Hà Tĩnh, các quan cho gọi những người đứng đầu các họ đạo Công Giáo đến và vẽ hình chữ thập xuống đất rồi bảo họ: “Chúng tôi chẳng muốn bắt ép quí vị điều gì trái nghịch với đạo.  Chúng tôi biết đây không phải là thánh giá mà quí vị tôn thờ.  Vậy hãy bước qua để chúng tôi có thể trình lại với vua là chúng tôi đã thi hành lệnh, nếu không chúng tôi mắc lỗi trước mặt vua.”  Riêng tại Nghệ An, ông quan tỉnh đã nói với người công giáo: “Các ông thật dại dột để mình phải khổ sở.  Làm sao chống lại được với lệnh vua? Đạo ở trong lòng chứ đâu có ở bên ngoài.  Tạm chối đi, rồi hai ba tháng sau theo trở lại.  Hãy xem thánh Phêrô đã chối đạo ba lần mà vẫn còn được cất nhắc lên cao.”

Song le, có nhiều phản ứng khác nhau.  Có kẻ giả vờ bước qua để sống an nhàn.  Có kẻ đã thản nhiên bước qua vì gia đình và dòng họ còn cần đến mình.  Nhưng vẫn còn đó nhiều người không chịu bước qua dù chỉ là giả vờ, dù chỉ là tạm thời bỏ đạo rồi khi sóng gió đi qua lại quay về với Thiên Chúa.  Họ đã vui lòng đón nhận mọi khốn khó để nói lên lòng trung thành với đức tin vào Chúa.

Riêng cha Anrê Dũng Lạc, dù rằng quan quân mở lối thoát bằng việc cho giáo dân đem tiền chuộc Ngài nhưng ngài vẫn cương quyết chối từ.  Các giáo dân đã tới trại giam khuyên nhủ cha rằng: “Thưa cha, cha chịu chết thì một mình cha lên thiên đàng, mà nếu cha còn ở lại thì bổn đạo chúng con được nhờ, vậy xin cha nghĩ lại.”  Nhưng cha Lạc đã cấm họ đem tiền chuộc, cha nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì đó đúng là thánh ý Chúa định cho tôi như vậy, anh chị em đừng mất tiền chuộc tôi làm gì.  Tôi cũng như Thánh Phêrô, khi phải bắt lần trước được giáo dân cầu nguyện cho và được về, lần thứ hai giáo dân cũng lo liệu cho được thoát khỏi, nhưng ý Chúa đã định cho tôi phải chết vì Người như thánh Phêrô, thì xin anh em đừng chuộc tôi nữa.”

Là con cháu các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta luôn tự hào vì có các vị tiền nhân đã quả cảm để sống niềm tin, nhưng liệu rằng chúng ta hôm nay còn mấy ai dám khước từ những thoả hiệp trần gian để trung kiên với đức tin của cha ông để lại?  Vẫn còn đó những con người vì chút bổng lộc trần gian đã bỏ đạo, đã chống đối đạo.  Vẫn còn đó những con người vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của con cái đã chẳng giữ đạo hay theo đạo một cách hời hợt.  Có cũng như không.  Vẫn còn đó những con người vì tiền mà bán mình, bán con để kiếm đồng đô la bất chính.  Họ thà rằng lỗi luật Chúa còn hơn là bỏ lỡ cơ hội lấy tiền, lấy bạc.  Họ thà rằng mất mặt với bà con xóm làng còn hơn là mất túi ba gang mà “quạ đen ban tặng.”  Vẫn còn đó những con người bỏ Chúa chứ không bỏ tiền, bỏ Chúa chứ không bỏ tình, bỏ giáo hội chứ không bỏ danh vọng trần gian.

Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam là cha ông của chúng con, xưa các ngài đã dùng máu đào để bảo vệ đức tin xin gìn giữ chúng con luôn trung kiên theo Chúa, dám khước từ danh lợi thú trần gian để nên chứng nhân cho Nước Trời trong cuộc sống hôm nay.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

NẾU SỐNG CHỈ ĐỂ RỒI CHẾT…!

Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhạc phẩm “60 Năm” của cố nhạc sĩ Y Vân ra đời đã thu hút sự quan tâm và mến mộ của rất nhiều người yêu âm nhạc.  Với những ngôn từ đơn giản và dòng nhạc Twist mới mẻ khá sôi động và lôi cuốn lúc bấy giờ, tác giả đã đưa vào lòng người những suy ngẫm đậm chất triết lý về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người.  Ca khúc “60 Năm” phần nào diễn tả một sự thật trần trụi về sự sống – cái chết, cũng như thốt lên nỗi niềm nuối tiếc của kiếp nhân sinh: “Em ơi có bao nhiêu – 60 năm cuộc đời.  20 năm đầu – sung sướng không bao lâu.  20 năm sau – sầu thương cao vời vợi.  20 năm cuối – là bao.”

Sống để rồi chết – đó là quy luật có phần nghiệt ngã, nhưng là quy luật bất di bất dịch không ai không phải ngang qua.  Chính tác giả Thánh vịnh cũng thốt lên mấy lời vừa như có tính khẳng định, lại vừa có chút nuối tiếc, thêm chút thắc mắc, nhưng cũng đầy ý khuyên răn: “Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.  Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.”  (Tv 90,9-10).

Như vậy, việc sinh ra của bất kỳ con người nào trên trái đất này đều đã sẵn mang một “bản án tử hình”.  Bản án ấy luôn treo lơ lửng trên đầu và không ai biết trước được thời điểm thi hành án.  Kẻ trẻ – người già, kẻ bệnh – người đang khỏe, kẻ đạo đức – người tội lỗi, kẻ quyền cao chức trọng – người thấp cổ bé họng, kẻ vui – người buồn… tất cả đều có thể ra đi bất cứ thời điểm nào dù muốn dù không.  Như thế, phải chăng cuộc sống quá ư vô nghĩa và hết sức phi lý như chủ nghĩa hư vô phương Tây trong thời đại của triết gia Nietzsche rao giảng mà chính triết gia đã mạnh mẽ tố cáo: Hư vô chủ nghĩa dạy người đời rằng: “Đời không đáng sống.  Tất cả mọi sự đều vô ích.  Thôi, cứ sống cho qua ngày.  Sống chờ đợi.  Chờ chết.”[1]

Buông trôi.  Có thể gọi những người sống mà không quan tâm đến ý nghĩa cuộc đời, không tìm hiểu tại sao mình lại sống để rồi phải chết là những kẻ buông trôi.  Họ bước vào cuộc đời không lý do vì họ chẳng để ý gì đến lý do; và rồi họ kết thúc cuộc sống cũng chẳng cần hỏi tại sao.  Ấy vậy mà khi đang sống, họ vẫn lo “chạy”, thậm chí là cật lực chạy từ ngày này qua ngày khác để tích lũy, để thỏa mãn nhu cầu, để nở mày nở mặt với thiên hạ,… và rồi họ chết.

Một số khác khá hơn thì cũng có suy nghĩ, có chất vấn bản thân, cũng tìm hiểu… nhưng rồi cũng chỉ biết “sống để rồi chết.”  Họ thấy đời sống thật sự vô nghĩa.  Bởi họ tin rằng chết là dấu chấm hết của cuộc sống, nên họ tìm cách đạt cho kỳ được tất cả mọi sự khi đang sống.  Tuy nhiên, chắc hẳn rằng chẳng ai – dù đạt được hay nếm hưởng được tất cả mọi sự trên đời có thể có hạnh phúc – khi biết rằng rồi đây mình sẽ chết và tin rằng thế là chấm hết.  Đó quả là điều hết sức phi lý.  Chết đối với họ là sự phi lý nhất, đau đớn nhất và đáng nguyền rủa nhất.  Cho nên, họ nếm hưởng mọi thứ luôn với một cảm giác nuối tiếc và đau khổ kèm theo.  Đó là cả một sự dày vò lớn lao cho đến tận cuối cuộc đời.

Thậm chí ngay cả những người cố gắng tìm ý nghĩa sống bằng tu tập nhân đức, bằng việc sống tốt, sống yêu thương, sống vui vẻ… để rồi cũng chỉ để chết thì đời sống vẫn hết sức phi lý, vô nghĩa.  Cứ cho là sống tốt sẽ chết đẹp; sống tốt sẽ lưu danh muôn thuở đi nữa, thì những người sống tốt cũng sẽ đi vào cõi hư vô chẳng khác chi bất cứ ai, kể cả những kẻ tàn ác, những bạo chúa,…  Bởi vì, nếu sống chỉ để mà chết, và chết là dấu chấm hết của con người ấy thì đời tưởng nhớ có được chi, đời tán tụng có thêm gì, hay đời thù ghét nguyền rủa cũng có mất mát chi.  Họ đâu bị ảnh hưởng gì từ đời nữa.

Những người vô thần lên tiếng phủ nhận các tôn giáo và cho rằng tôn giáo chỉ như thuốc phiện ru ngủ con người.  Họ chủ trương hay nói đúng hơn, họ tuyên truyền việc xây dựng một cuộc sống tươi đẹp ngay tại thế và chỉ trong khi tại thế chứ chết là chấm hết.  Tuy nhiên, nếu chết là chấm hết thì hạnh phúc tại thế, sự thụ hưởng tất cả nào còn có lợi ích gì đâu.  Rồi cũng đi vào cõi tiêu diệt.  Rồi cũng vào chốn hư vô.  Còn như tôn giáo: Nếu xét theo một nghĩa thế tục như những người vô thần gán ghép đi nữa, thì dẫu nó là liều thuốc phiện mê hoặc, xoa dịu cơn đau cho con người thì nó vẫn là loại thuốc tốt hơn loại thuốc mà ông tổ vô thần Karl Marx đã kê đơn.  Bởi lẽ, nếu tính toán lợi ích theo kiểu thế tục đi nữa thì như triết lý đặt cược của Blaise Pascal[2] cuối cùng vẫn chọn tôn giáo là phần mang lại lợi ích hơn, thực tiễn hơn và đảm bảo hơn.

Sống để mà chết.  Nhưng, chọn chết như thế nào để sống ra làm sao mới là chuyện đáng bàn.  Socrates, triết gia Hy Lạp vĩ đại từng phát biểu: “Suy cho cùng, triết lý đích thực chỉ là một sự tập luyện, một sự đón trước cái chết.”[3]  Nghe một cách thoáng qua có vẻ như triết gia cũng đồng ý với bao người rằng “sống chỉ để mà chết.”  Tuy nhiên, xét câu nói đó trong toàn bộ triết lý của ông, cũng như nhìn vào cái cách mà ông đã sống và chết cho triết lý sống của mình, ta lại thấy việc hướng đến cái chết của Socrates mang một ý nghĩa khác.  Cái ý hướng của ông không giống như quan niệm của những người theo chủ nghĩa vô thần hay nhiều người khác nhắm tới.

Socrates đã không ngừng tìm kiếm sự thật của chính mình.  Triết gia đã cố công suốt cả cuộc đời tìm lời giải đáp cho cuộc sống của chính ông và của con người nói chung.  Chính việc đi tìm kiếm ý nghĩa sống chính là cách duy nhất mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và sự tồn tại.  Để rồi, triết gia dám đối diện với cuộc sống, đối diện với cái chết hầu khám phá ra sự thật trần trụi của kiếp nhân sinh.  Từ đó, ông hướng đến cái chết và coi nó như là một cánh cửa mở ra một cuộc sống khác trọn vẹn, viên mãn và bất diệt.  Do đó, sống và chết trong thế giới phải làm sao là sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống sau cánh cửa sự chết.  Hay nói cách khác, việc sống và chết mà Socrates hướng tới mang một niềm hy vọng của sự sống lại, sự sống dồi dào, vĩnh cửu.

Với đức tin Kitô giáo, niềm hy vọng hay khát vọng mà những người như Socrates theo đuổi được giải thích trọn vẹn và thành toàn nơi Đức Kitô Phục sinh.  Quả thế, nói như thánh Phaolô khi rao giảng về Đấng Phục sinh thì “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14).  Chính sự kiện Phục sinh là câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống con người.

Chúa Kitô từ thượng giới đã hạ mình xuống làm người.  Ngài đã đi đến tận cùng của kiếp người để chạm đến nỗi đau đớn lớn nhất và khiến con người kinh sợ nhất là cái chết.  Qua đó, Ngài khơi dậy ngọn lửa của niềm hy vọng qua việc đánh bại tử thần và Phục sinh khải hoàn.  Ngài đã sống và cũng đã chết như một con người, nhưng Ngài đã Phục sinh để tiêu diệt hoàn toàn quyền thống trị của tử thần.  Nhờ sự chết và Phục sinh của Chúa Kitô mà chúng ta có thể hy vọng vào sự phục sinh của chính mình trong Ngài.  Với niềm hy vọng đó và với sự tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa, chúng ta có thể đối diện với cái sự thật trần trụi của kiếp người: Sống để mà chết.  Từ đó, chúng ta thực sự sống một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc, hầu không dừng lại ở cái quy luật nghiệt ngã kia nhưng đi xa hơn trong niềm hy vọng: Sống để mà chết và chết để được Phục sinh trong Chúa Kitô.

Băng Tâm

[1] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Hà Nội, Nxb. Văn Học, 2008, tr.138.
[2] Triết lý đặt cược của Pascal: Mặc định rằng con người đặt cược cuộc đời mình để xem Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu. Sẽ được hoặc mất (cả hai đều có giá trị vô hạn) phụ thuộc vào việc có niềm tin hay không, triết lý đặt cược của Pascal lập luận rằng một người có lý trí sẽ sống như thể Chúa thực sự hiện hữu, vì vậy mà tin Ngài. Còn nếu Chúa không hiện hữu, người ấy sẽ chẳng mất mát gì nhiều (một số lạc thú chóng qua, cuộc sống xa hoa ở trần gian, v.v…). Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Blaise_Pascal.
[3] Plato, Đối Thoại Socratic 1 (Dịch giả: Nguyễn Văn Khoa), Hà Nội, Nxb. Tri Thức, 2017, Phaedo (Về Linh Hồn), tr.288.

CHÚNG TA SẼ NGHE VÀ NHÌN TRÊN THIÊN ĐÀNG

Ludwig Van Beethoven là một tác giả vĩ đại của mọi thời.  Trong lúc ông vẫn còn đang tạo ra những kiệt tác thì ông cảm thấy mình dần dần mất đi thính giác, ông không còn nghe thấy.  Sau khi ông đã trở thành hoàn toàn điếc, ông sáng tác ra bản giao hưởng số 9.  Ông đã không nghe một nốt nào.  Một số người nào đó nói những thiên tài thì bất tử bởi vì công trình của họ.  Họ tin rằng Beethoven đang sống trong âm nhạc của mình.  Shakespeare thì ở trong vở kịch của mình, và Edison ở trong phát minh của mình.  Beethoven biết tốt hơn.  Khi ông sắp chết, ông nói: “Tôi sẽ nghe nhạc ở trên trời.”  Ông ta nói rất đúng.

Chúng tôi tin rằng Beethoven bây giờ đang nghe, không chỉ nghe những tác phẩm của chính mình, nhưng là âm nhạc của vị thầy vĩ đại là chính Thiên Chúa của ông.  Beethoven đã được đặc ân hiệp nhất với các thiên thần và các thánh để ca bài ca vui mừng vô tận.  Shakespeare biết rằng tất cả những lời trong tác phẩm của ông chỉ là một tiếng vang mờ nhạt với Lời đời đời được nói bởi Cha trong cõi đời đời.  Lời đó chính là Con Thiên Chúa.  Edison liều lĩnh phát minh ra ánh đèn điện nhưng bây giờ ông đã tắm trong ánh sáng rực rỡ của thị kiến vinh phúc.  Bây giờ ông hiểu rằng chân lý trong sách bài đọc từ sách Đanien.  Nền tảng của sách đó là dân Israel đã bị chiếm đóng bởi Syrie, họ cố áp đặt trên người Do Thái một ngôn ngữ ngoại quốc, một nền văn hóa và tôn giáo ngoại quốc.  Nhiều người Do Thái đã chọn lấy cái chết hơn là bị bắt cầm tù.  Tác giả của sách đã hiến tặng môt sứ điệp hy vọng cho những người sống sót bởi tuyên bố: “Người khôn ngoan sẽ chiếu sáng… những người đó sẽ được dẫn tới sự công chính và những người công chính sẽ chiếu sáng như những vì sao mãi mãi.”  Sự phát minh của Edison ngay cả khi nó phát triển nó cũng chỉ là mờ nhạt khi so với ánh sáng của sự sống đời đời, đặc ân lớn lao của Đức Kitô đã ban xuống khi Ngài đến một lần nữa, Ngài đến lần thứ hai khi Ngài Phục Sinh từ cõi chết sống lại.

Shakespeare sẽ không bao giờ tưởng tượng ra cảnh Đức Kitô, Con Thiên Chúa sẽ đến trong đám mây với quyền năng lớn lao và vinh quang, cũng không bao giờ tìm thấy đủ từ ngữ để miêu tả sự kiện ấy.  Và cả chúng ta cũng như thế nữa.  Chúng ta đã hầu như không hiểu lời của những từ ngữ mà trong bài Phúc Âm ngày hôm nay.  Đó là tất cả những gì mà chúng ta muốn trở nên hay cả khi nó xảy ra chỉ có Cha trên trời mới biết được.

Trong lúc chúng ta không giống như những người Israel đang chịu đau khổ trên miền đất của mình bởi sự chiếm đóng của người Syrie.  Chúng ta đang bị bao quanh bởi đạo quân văn hóa của sự chết, đạo quân này gây chiến tranh trên giá trị và nhân phẩm của đời sống con người.  Nó tấn công con người khi họ rất dễ tổn thương: khi chúng bắt đầu đời sống trong dạ mẹ, và khi gần chấm dứt cuộc sống trong tuổi già.  Họ loại bỏ những người hầu như cần tới sự giàu có của quê hương chúng ta để cho họ được sống sót: là những kẻ không nhà, những kẻ đói ăn, những kẻ lãnh trợ cấp, và những dân nhập cư.

Trong lúc chúng ta vẫn trung thành với đức tin Công Giáo và những giáo huấn giá trị của Giáo Hội, chúng ta không phải chết đau khổ; ít nhất cũng là như thế.  Nhưng chúng ta bị nguy hiểm khi cho phép chính mình bị ảnh hưởng một cách tinh tế, bởi những giá trị thế tục như là ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự tham lam.  Để kháng cự lại những ảnh hưởng này, chúng ta phải suy niệm về lời hứa sự sống đời đời cho những kẻ còn giữ được lòng trung thành.  Chúng ta sẽ nhớ rằng bí tích Thánh Thể là một lời nài xin và một lời hứa của sự sống đời đời sẽ là động cơ thúc đẩy chúng ta trung thành mãi mãi.  Đức Kitô sẽ làm viên mãn những lời của bài đọc ngày hôm nay: “Những ai được dẫn tới sự công chính sẽ chiếu sáng như những vì sao trên trời.”  Bên cạnh sự chiếu sáng như những vì sao chúng ta sẽ nghe thấy và sẽ nhìn thấy chính Thiên Chúa.

Trích trong “Mở Ra Những Kho Tàng” – Charles E. Miller

NHỮNG CÁI CHẾT TRONG CUỘC SỐNG

Người ta thường có một thái độ rất mông lung trước cái chết.  Một đàng người ta không muốn nhắc đến nó, vì sợ rằng sẽ có điều không may xảy đến, nhưng đàng khác, người ta lại rất tò mò về nó, muốn tìm hiểu và khám phá nó.  Dù sao đi nữa, dù có muốn hay không, chúng ta đều biết rằng một ngày nào đó mình sẽ phải đối diện với cái chết.  Cái chết trở thành một phần của sự sống, của thân phận thụ tạo.  Nó là điểm chấm hết cho một cuộc hành trình.  “Cái chết” là một từ ngữ buồn bã.  Nó làm tắt đi tất cả nguồn sức sống, sinh lực.  Nó đưa ta về với vùng trời u ám mà chẳng ai muốn vào.  Tuy nhiên, giữa cuộc sống này, “cái chết” lại mang rất nhiều màu sắc.  Nói cách khác, có rất nhiều loại “chết”, trong đó, có cái làm ta buồn, nhưng cũng có cái làm cho ta được trở nên giá trị hơn.

Kiểu chết mà ta nghĩ đến đầu tiên là cái chết sinh học.  Cái chết này mang đến cho người ta sự tang thương chia cắt.  Bản thân người chết lẫn người thân của họ đều phải đối diện với sự tang tóc, đau buồn.  Cái chết này làm người ta đặt dấu hỏi về ý nghĩa của sự hiện hữu trên đời.  Có đó rồi mất đó.  Từ bụng mẹ chui ra rồi trở về lòng đất.  Có một thời ta đã không hiện hữu, rồi sau một thời gian ngắn được hít thở chút không khí, ta lại trở về với cái “không hiện hữu”.  Ta có thể còn tồn tại không ký ức, trong nỗi nhớ, nơi kỷ niệm, nhưng ta giờ đây chẳng còn là gì nữa.  Một thoáng mây bay, một kiếp hoa dại.  Cái chết này cho thấy sự mỏng dòn, yếu đuối của bản thân.  Nó đập tan tất cả mọi tham vọng, ngạo nghễ.  Nó sẽ ập đến bất cứ lúc nào nó muốn, không phân biệt thanh xuân hay tuổi già; giàu sang hay nghèo khổ; thông minh hay ngu dốt; khoẻ mạnh hay bệnh tật…  Nó là kẻ thù đáng sợ nhất của con người và mãi mãi, con người chẳng bao giờ có thể chiến thắng được nó.  Còn mang thân xác này, là còn phải đối diện với nó vào một khoảnh khắc nào đó ta chẳng hay.

Cái chết thứ hai là kiểu chết về tinh thần.  Cái chết này không làm cho người ta tắt thở, không đưa người ta vào lòng đất, nhưng đục khoét con người và làm cho con người “sống không bằng chết.”  Đó là khi người ta mất hết nhuệ khí, chẳng còn hy vọng.  Người ta chỉ có đó, hít thở không khí, chứ chẳng hề “sống” thật sự.  Từng ngày tháng dài trôi qua một cách vật vã.  Người ta không thấy được ý nghĩa của cuộc sống, không biết mình hiện hữu để làm gì, không biết tại sao mình lại được sinh ra trên đời, và đặc biệt, họ không thấy mình được yêu thương.  Họ chẳng biết yêu là gì.  Không được sưởi ấm và che chở bởi tình cảm nhân sinh.  Họ chỉ sống bằng một thân xác chơ vơ, ngày ngày kiếm sống như bao loài động vật khác.  Họ bị cô lập hoặc tự mình cô lập trong thế giới này.  Họ nhốt mình trong quá khứ buồn, trong những ký ức xa xưa, đến nỗi chẳng còn một ý chí thúc đẩy họ vươn tới, hướng về tương lai phía trước.

Cái chết thứ ba mang tính luân lý và tôn giáo.  Đó là cái chết của người không còn sống theo tiếng lương tâm ngay lành mách bảo.  Họ chẳng còn ý thức gì về sự chính trực, sự công bằng, về đạo đức.  Họ phạm tội này đến tội khác nhưng cứ xem đó như là niềm hãnh diện của mình, chứ không ý thức rằng, cứ mỗi lần phạm tội là họ tự chà đạp nhân phẩm của mình, làm cho sự hiện hữu của mình mất đi ý nghĩa.  Cứ để ý mà coi, người ta càng sống trong tội, càng cảm thấy bất an, sợ sệt.  Còn người nào càng tích trữ nhân đức cho mình thì càng sống cách an nhiên, tự tại, vui sướng.  Khi người ta thấy hạnh phúc, là khi sự sống trong họ trở nên trào tràn, họ thấy mình sung mãn năng lượng để vui hưởng cuộc sống.  Người nào không đặt đời mình trên nền tảng các nhân đức thì sẽ thấy những gì mình làm chẳng có giá trị tốt đẹp nào cả.  Càng sống trong đầm lầy của tội, người ta càng tự thấy mình dần chết đi.  Chính họ, chứ không phải ai khác, kết án mình và huỷ hoại sự sống của mình.

Cái chết cuối cùng đáng được nhắc tới lại có âm vị khác hẳn.  Nó là cái chết mà ai ôm ấp nó thì trở thành anh hùng và sống mãi trong trái tim của mọi người.  Người ta thường gọi cái chết thứ tư này bằng hai chữ rất thân thương: hy sinh.  Hy sinh là tiêu hao đi, là chịu thiệt thòi (vốn dĩ là những điều chẳng ai muốn), nhưng người ta chấp nhận nó vì một mục đích cao cả, và người ta chỉ có thể đón nhận nó bằng lực đẩy của tình yêu.  Phải, cái gì gắn liền với tình yêu thì luôn cao đẹp.  Điều kỳ lạ là, cứ mỗi lần người ta “chết” theo kiểu này, người ta lại càng cảm thấy như mình đang sống và sống cách sung mãn hơn, đến nỗi có thể nói như thế này: muốn sống thì phải biết hy sinh, phải biết chết đi để được sống.  Sống giữa đời, nếu không có những kiểu “chết” này thì cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.  Cuộc sống của chúng ta có trở nên đẹp, chính là nhờ cái chết này.  Dù là nhỏ nhoi, dù là ít ỏi, nhưng mỗi lần ta hy sinh lợi ích của mình cho người khác, sự mất mát đó lại trổ sinh hoa trái, sự sống trong ta lại trở nên dồi dào và ta cảm thấy có một niềm vui thiêng liêng nào đó tràn ngập tâm hồn không sao diễn tả nổi.

Chúng ta sẽ là “người” hơn khi biết hy sinh cho nhau.  Đó không chỉ là bí quyết của cuộc sống mà còn là ơn gọi, là sứ mạng, là mệnh lệnh của Tạo Hoá dành cho chúng ta.  Khi ta tự nguyện thực hành những hy sinh trong cuộc sống, sự sống của ta trở nên đong đầy, đến nỗi, cả khi phải đối diện với cái chết sinh học, ta chẳng còn cảm thấy sợ hãi nữa; ta sẽ thấy mình được đong đầy bởi tình yêu nên cũng không còn cái chết tinh thần; và nhờ tích góp nhiều nhân đức, ta cũng thoát khỏi cái chết luân lý.  Một chút hy sinh ở đời này là góp phần dựng xây hạnh phúc ở đời sau.  Hay đúng hơn, ngay khi ta biết hành động với tình yêu trong những sự hy sinh nhỏ bé, chính là ta đã nếm được sự viên mãn của tâm hồn rồi.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

SỐNG TRỌN KIẾP NGƯỜI

Khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta khởi đầu hành trình dương thế hay bước vào kiếp người.  Hành trình cuộc đời của mỗi người dài ngắn khác nhau.  Có những hành trình nhẹ nhàng êm ả, nhưng cũng có những hành trình gai góc gian truân.  Dù ngắn hay dài, dù nhẹ nhàng hay vất vả, mỗi chúng ta đều phải cố gắng để sống trọn kiếp người.

Cuộc sống này đầy phong ba bão táp.  Sống ở đời phải can đảm kiên trung và chấp nhận những thử thách ấy.  “Lửa thử vàng, gian nan thử đức.”  Chắng có ai sống trên cõi đời này mà không gặp gian nan.  Những vĩ nhân được ca ngợi trong lịch sử, cũng như những vị thánh của Giáo Hội, đều là những người “từ đau khổ lớn lao mà đến.”  Họ không nản lòng trước những khó khăn, nhưng bình tâm trước những vu khống, bao dung tha thứ cho những xúc phạm, sống hiền hòa kể cả với địch thù.  Có người khi đứng trước khó khăn tưởng chừng như ngõ cụt của cuộc sống, đã tiêu cực tìm đến cái chết như một phương pháp giải thoát, để lại đau khổ cho những người thân.  Người ta nói “Thử thách của can đảm không phải là dám chết mà là dám sống và thực hiện ước mơ của mình.”  Tự kết liễu cuộc đời được xem như hèn nhát, nhất là trước những thất bại do chính mình gây ra.  Nếu sai lỗi mà tìm đến cái chết, thì làm sao còn cơ hội để sửa lại?  Những người kiên trì can đảm, vững vàng vươn lên sau vấp ngã, chắc chắn sẽ thành công để tiếp tục bước đi, để sống trọn kiếp người.

Giáo Hội công giáo thường phong thánh cho những tín hữu đã có một đời sống thánh thiện, mẫu mực.  Việc phong thánh chỉ được thực hiện cho những người đã chết, vì sự thánh thiện chỉ được chứng minh và xác nhận khi một người đã sống trọn kiếp người nơi dương thế.  Luật Giáo Hội cũng quy định, địa phương, nơi người tín hữu đó qua đời mới có quyền thỉnh nguyện xin Toà Thánh tôn phong.  Lý do vì chỉ những ai chứng kiến người tín hữu ấy sống đạo đức cho đến hết đời mới chứng minh người ấy có thực sự thánh thiện hay không.  Đơn cử trường hợp Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.  Ngài là người Việt, nhưng trong những năm tháng cuối đời, ngài làm việc tại Rôma.  Vì thế Giáo phận Rôma được quyền làm hồ sơ và dâng thỉnh nguyện lên Đức Thánh Cha để ghi nhận sự thánh thiện và phong chân phước cho ngài.  Hiện nay, tiến trình phong chân phước đã hoàn thiện ở cấp giáo phận Rôma.  Ngài được gọi với danh xưng “Tôi tớ Chúa” và hồ sơ đã được trình lên Đức Thánh Cha cho những bước kế tiếp.  Vị Hồng y đáng kính của chúng ta, cũng như biết bao tín hữu khác đang được xét duyệt để tôn phong, đã sống trọn kiếp người.

Ngôn ngữ Việt Nam gọi một người vừa qua đời là “mãn phần”, tức là đã đầy đủ, trọn vẹn thời gian và hoàn thành phận vụ của mình trên dương thế.  Tuy vậy, có người mãn phần mà chưa trọn kiếp, nghĩa là những người chết mà còn những dang dở trăm chiều.  Có người sống thất đức, suốt đời làm những điều xấu xa, cuối đời không thể nhắm mắt.  Người khác ra đi trong lúc còn vương vấn nợ đời.  Đó là những món nợ vật chất, nhưng cũng là những món nợ ân nghĩa mà mình nỡ phủi tay theo kiểu “qua sông dìm đò”, “qua cầu rút ván.”  Có những người sống vô trách nhiệm với gia đình và những người thân, đến cuối đời trăn trở một mối ân hận khôn nguôi.  Họ muốn chuộc lại lầm lỗi nhưng quá muộn, chẳng còn cơ hội nữa.  Rất may trong cuộc sống đầy bon chen này, thời nào cũng có những người cố gắng sống nhân hậu.  Họ ý thức rằng “gieo nhân nào, gặt quả nấy.”  Dù còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng giữ cái tâm trong sáng, hiếu thảo với cha mẹ ông bà, chân thành với bạn bè lối xóm.  Đến khi mãn phần, họ ra đi thanh thản, để lại cho hậu thế tiếng thơm.  Đúng như người ta nói: “Hãy sống sao để khi ta sinh ra, ta cất tiếng khóc, mọi người cười, và khi ta ra đi, ta cười mãn nguyện trong lúc mọi người khóc.”  Những người trút hơi thở cuối cùng khi đã chu toàn bổn phận với cuộc đời, thanh thản ra đi để lại những kỷ niệm đẹp, nhất là tình thương mến dạt dào nơi những người quen biết, đó là những người đã sống trọn kiếp người.

Cách nay hai ngàn năm, có một người đã đi trọn kiếp người trong sự thánh thiện và trong hy sinh tự hiến, đó là Đức Giêsu Kitô.  Người là Con Thiên Chúa nhập thể để cứu độ con người.  Thánh Gioan, tác giả của Tin Mừng thứ bốn, đã ghi lại lời Chúa Giêsu khi hấp hối: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Người đã hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, khi đón nhận thập giá và chết thảm thương như một người tử tội.  Qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người, lời Kinh Thánh từ ngàn xưa được ứng nghiệm. Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trong tâm tình vâng phục Chúa Cha và yêu mến con người.  Cái chết của Chúa Giêsu, cũng theo Tin Mừng thánh Gioan, được diễn tả như một nghĩa cử của lòng hiếu thảo với Chúa Cha: “Người gục đầu trao Thần Linh” (Ga 19,30).  Thần Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa, xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con.  Ngài cũng là Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tình yêu ấy đã trở thành một ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa.  Giờ đây, trên thập giá, Chúa Giêsu “trao Thần Linh”, tức là trao sự sống và tình yêu cho Chúa Cha.  Đây vừa là một nghĩa cử hiếu thảo, vừa là một cử chỉ của tình yêu mến và vâng phục hoàn toàn.  Trên thập giá, Đức Giêsu là mẫu mực cho mọi con người, là lời mời gọi hãy sống vì người khác, hãy cho đi mà không cần tính toán, hãy yêu thương mà không mong đáp đền.  Vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã sống trọn kiếp người “Sống ở đời, Trời gọi ai, nấy dạ.”  Câu nói bình dân này diễn tả huyền nhiệm của sự chết.  Chẳng ai biết thời điểm của sự chết.  Cũng chẳng ai biết sẽ chết trong hoàn cảnh nào.  Dù trẻ hay già, dù sang hay hèn, Ông Trời gọi ai thì người ấy đi, chẳng ai đi thay được, cũng không ai nấn ná khất lần.  Khi biết rằng cái chết là bất chợt, mỗi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng.  Đó cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng (x. Mt 24,42-51).  Dù không biết đó là lúc nào, nhưng chắc chắn giờ chết sẽ đến.  Nếu giờ ấy là thời điểm kinh hoàng đối với những ai chủ quan sống trong đam mê hận thù, thì lại là giây phút hân hoan hội ngộ đối với những ai cố gắng sống trọn kiếp người.

Nghĩ về cuộc sống tương lai, mỗi chúng ta được mời gọi sống tốt hiện tại, vì tương lai là kết quả của những gì chúng ta đang cố gắng thực hiện ngày hôm nay.  Tác giả của những câu chuyện ngụ ngôn người Pháp, ông La Fontaine, đã viết: “Hãy sống vô tư nhưng không khinh suất; vui tươi nhưng không ầm ĩ; can đảm nhưng không liều lĩnh; tin tưởng và vui vẻ cam chịu nhưng không theo thuyết định mệnh.”  Cuộc sống hằng ngày đầy gian nan phức tạp, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta rèn luyện bản thân và từng bước trưởng thành.  Người tín hữu tin rằng, môi trường sống hằng ngày cũng là nơi họ được Chúa sai đến để làm chứng cho Ngài.  Hiền hòa nhân hậu, bác ái khiêm nhường, bao dung tha thứ… những đức tính căn bản này vừa giúp chúng ta phản ánh sự thánh thiện và lòng nhân từ của Thiên Chúa, vừa giúp cho chúng ta sống trọn kiếp người.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên