KÍNH MỪNG MARIA ĐẦY ƠN PHÚC ĐỨC CHÚA Ở CÙNG BÀ

Julbell có một bài hát nổi tiếng khắp thế giới từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, và chắc có lẽ mãi mãi còn đọng lại trong lòng người nghe.  Bài hát rất quen thuộc.  Đó là bài Ave Maria.  Điều gì đã khiến cho nhạc sĩ có được cảm xúc một cách dạt dào để viết lên một bản nhạc tuyệt vời như vậy?

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà.  Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.”  Chính lời kinh tuyệt vời đó đã làm nên cảm xúc không phải chỉ một Julbell mà cho biết bao nhạc sĩ trong lịch sử âm nhạc của thế giới viết nên những bản nhạc tuyệt vời và chính lời kinh đó làm nên ngày lễ Mân Côi hôm nay.  Tại sao vậy?

Trong lịch sử Giáo Hội vào khoảng thế kỷ 16.  Anh em Hồi giáo làm một cuộc chinh phục thế giới.  Họ đi từ vùng Trung Đông sang Á châu đến Ấn Độ.  Họ đổ bộ lên Âu châu.  Đi đến đâu thắng đến đó.  Khi đổ bộ đến Âu châu, đi vào một vịnh của nước Ý.  Một đoàn quân thiện chiến như thế thì quân Ý làm sao mà đối đầu được.  Nếu để thua thì Ý sẽ thất thủ, thủ đô của Hội Thánh Công giáo là Rôma cũng biến mất, và cả Âu châu cũng bị đe dọa.

Đức Giáo Hoàng Piô V bấy giờ lên tiếng kêu gọi cầu nguyện, và cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng.

Ngày 7/10 năm ấy quân của Công giáo chiến thắng.  Chiến thắng không phải nhờ khả năng quân sự mà là nhờ sự phù trợ của Mẹ Maria.  Vì thế Đức Giáo Hoàng đã lấy ngày đó làm ngày lễ Đức Bà chiến thắng.  Sau này thành lễ Mân Côi.

Nói đến chiến thắng, có lẽ chúng ta nghĩ đến chiến thắng về quân sự, kinh tế, chính trị.  Không, Chúa Giêsu không ban cho mình chiến thắng đó.  Khi đối diện với Philatô Ngài đã trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.  Nếu nước tôi thuộc về thế gian này thì binh lính tôi đã đến giải thoát tôi khỏi tay người Do Thái.”

Ta cần nhìn vào chiến thắng ở một góc độ khác.  Đó là chiến thắng chính mình.  Một danh tước trong lịch sử thế giới đã thường nói: “Không có cuộc chiến đấu nào khó khăn hơn chiến đấu với chính bản thân mình.”

Mỗi chúng ta có thể cảm nghiệm điều đó trong cuộc sống.  Đức Cha Pul-ton-Shin nói: “Nếu bạn chấp nhận một cuộc chiến đấu trong tâm hồn bạn, thì sự bình an sẽ giải tỏa trong cuộc sống xã hội.  Ngược lại, nếu bạn không chấp nhận cuộc chiến đấu đó, mà bạn đi tìm thỏa hiệp với cái xấu, và tội lỗi trong tâm hồn bạn, thì chiến tranh sẽ lan tỏa trong cuộc sống xã hội.”

Nói như thế có nghĩa là chuyện chiến thắng chính mình là một cuộc chiến rất khó, nhưng nó lại là căn bản để dẫn đến cuộc sống bình an cho mọi người.  Chuỗi Mân Côi, những lời kinh Kính Mừng đan kết lại với nhau thành xâu chuỗi.  Chuỗi Mân Côi đó có khả năng giúp cho ta tập chiến thắng chính mình.  Tại sao vậy?

Ở phương Đông khi nói về con người, người ta hay nói đến thân, trí, tâm.  Triết học phương Tây ngày xưa, khi học tâm lý học nói đến con người, người ta nói đến tình cảm và ý chí.  Cũng tựa như nhau.  Khi các bạn lần chuỗi Mân Côi thì cả thân, cả trí, cả tâm, có nghĩa là tất cả con người toàn diện chúng ta được chi phối.  Chúng ta hãy nhớ lại, khi ta lần chuỗi có nghĩa là trong tay của mình cầm chuỗi đó là cái thân.  Việc cầm một xâu chuỗi ảnh hưởng đến trí và tâm mình.

Có một linh mục kể chuyện: Trong một lần ngài đi máy bay, ngồi cạnh nhà sư, thấy trên tay nhà sư cầm xâu chuỗi, miệng lâm râm nam-mô-a-di-đà-phật.  Linh mục hỏi nhà sư: Tại sao lần chuỗi vậy?  Nhà sư bảo: Chúng tôi lần chuỗi như thế này tâm trí đỡ căng thẳng.  Thế thì bên các ngài không có cái gì giống vậy à?

Linh mục trả lời: Có chứ, nhưng mà chúng tôi lần chuỗi không phải để cho tâm trí bớt căng thẳng, mà chúng tôi nhắm cái khác cơ.  Nhà sư nói với vị linh mục thế này: Cha ạ, nếu cha muốn tập trung vào một điều gì, thì trong tay của cha phải có một cái gì, nhờ đó cha sẽ dễ tập trung hơn.

Vị linh mục học được một bài học, hóa ra chuỗi Mân côi mình cầm trong tay giúp cho cái trí của mình tập trung.  Khi các bạn lần chuỗi là trong tay cầm xâu chuỗi, nó giúp cho trí của mình tập trung vào lời kinh, và còn tập trung vào cuộc đời của Chúa Giêsu mà kinh Mân Côi mô tả từ khi Ngài sinh ra cho đến cuộc sống công khai, đến khi bị chết trên thánh giá chịu táng trong mồ, sống lại, lên trời, ban Thánh Thần xuống cho Giáo Hội.

Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu.  Một thứ Tin Mừng thu gọn được tóm lại ở trong chuỗi Mân Côi, đồng thời khi chúng ta lần chuỗi như vậy tâm của mình tịnh lại.  Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, mà người đọc như thế thật mất thì giờ.  Tôi đã từng nghĩ như vậy.  Nhưng sau này khi tìm hiểu lại lịch sử linh đạo, tôi mới thấy đó là một phương pháp rất hay cho cuộc sống tâm linh.  Những lời con người vắn tắt được lặp đi lặp lại như thế nó làm cho tâm của mình tĩnh lại.

Có một người học trò người Việt Nam, sau này sang Mỹ viết thư về kể cho tôi nghe kinh nghiệm về việc sống đạo của anh ta: Cuộc sống quá nhiều khó khăn đến mức độ chịu không được, nên đêm đến về nhà muốn phá toang, la toáng lên: Tại sao lại đổ trên đầu tôi những sự khổ sở thế này.  Bất chợt nhìn lên đầu giường thấy một tràng chuỗi treo ở đấy.  Nó liền chạy đến cầm lấy ngồi đọc kinh.  Chỉ mới có 10 kinh thôi là thấy tâm hồn của mình lắng xuống….

Khi lần chuỗi Mân côi thì toàn diện con người của mình: thân, trí và tâm đều được chi phối.  Cùng sự chi phối đó thì chuỗi Mân côi làm cho nơi chúng ta hình thành một con người mới chống lại những gì xấu trong tâm hồn mình.

Con người ta sống ở đời này bao giờ cũng sống trong ba mối tương quan chính: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với thế giới vật chất.  Tội lỗi chúng ta nó cùng nằm trong ba mối tương quan đó.  Khi lần chuỗi Mân Côi, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta sống những tương quan đó tốt đẹp.

Chẳng hạn khi chúng ta lần chuỗi chúng ta đọc: Chúa Giêsu lên trời, xin cho lòng con được hưởng những sự lên trời.  Chúng ta sẽ sống mối tương quan với Thiên Chúa; chúng ta sẽ sống một tâm hồn siêu thoát hơn; khi chúng ta đọc: Mẹ Maria đi viếng thăm bà Isave, xin cho được lòng yêu người.  Đó là lời cầu xin tương quan với tha nhân, bằng tình yêu thương chứ không phải là hận thù ghen ghét; khi chúng ta đọc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin cho đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá Chúa; đó là tương quan với thế giới vật chất, với chính xác thịt của mình.

Chuỗi Mân Côi giúp cho chúng ta chiến thắng cái xấu ở nơi bản thân mình, hoàn thành một con người mới, con người mới đó sẽ tác động trong cuộc sống, làm cho cuộc sống được đẹp hơn.

Đức Cha Pul-ton-Shin là một diễn giả nổi tiếng ở Mỹ.  Ngài chỉ giảng trên đài truyền hình chứ không giảng ở nhà thờ.  Nhiều bạn trẻ xin Ngài chứng hôn cho lễ cưới của mình.  Ngài đồng ý chứng nhận với hai điều kiện, hai bạn đó phải hứa với Ngài mỗi ngày vợ chồng phải đọc chung với nhau 50 kinh Kính Mừng.  Lời kinh nối kết vợ chồng giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn.

Hình như bây giờ các bạn trẻ ít lần chuỗi lắm.  Hôm nay tôi muốn nói về giá trị của kinh Mân côi.  Chúng ta đừng xem thường, lại càng không nên xem đó là chuyện đạo đức rẻ tiền.  Chúng ta hãy cầu nguyện để khám phá ra giá trị tuyệt vời của kinh Mân Côi.  Nếu chúng ta không đọc được nhiều, tôi xin đề nghị mỗi ngày chỉ đọc 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh.  Chúng ta hãy nuôi dưỡng trong tâm trí mình ý nghĩ: khi tôi đọc kinh Mân Côi, đó là phương cách để tôi đào luyện bản thân, để tôi chiến thắng chính mình, để tôi sống đời đức tin tốt hơn.  Amen!

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

 GIA ĐÌNH

“Cha mẹ tôi đã ly hôn, chúng tôi sống với mẹ.  Mẹ chúng tôi đã tận lực nuôi dưỡng chúng tôi.  Tôi buồn giận cha tôi lắm, tuy nhiên tôi thấy thiếu vắng cha tôi kinh khủng.  Biết bao lần tôi hình dung cha tôi mà tôi chỉ nhớ loáng thoáng bóng dáng.  Tôi tưởng tượng một ngày nào đó đến nhà ông để khạc nhổ vào mặt ông ta cho hả cơn oán ghét và khinh bỉ.  Hôm khác tôi lại mơ thấy mình nằm gọn trong cánh tay cha tôi, đắm mình trong một tình thương mà tôi tưởng chừng đã phai tàn.  Rồi tôi đã khóc, nhưng không ai biết…  Tôi nằm lăn đất vì đau khổ, vì bị xung đột khủng khiếp.  Tôi muốn tìm cách báo thù: chống lại cha tôi, chống lại mẹ tôi, chống lại mọi người, chống lại xã hội và chống lại… chính tôi nữa!”

Tâm trạng của một đứa con mà cha mẹ đã ly dị với nhau là như thế: bị xâu xé ray rứt rất đau đớn: vừa thù ghét cha mẹ, mà vừa đói khát thèm muốn tình thương của cha mẹ.  Tương lai của những đứa con ly hôn là như thế: nó sẽ nổi loạn chống lại mọi người, phá phách mọi người, và phá phách cả cuộc đời của chính nó nữa.

Vậy mà ít ai lưu tâm đến hoàn cảnh đau khổ to lớn ấy của những đứa con mà cha mẹ đã ly hôn.  Ngược lại càng ngày người ta càng ủng hộ việc ly dị.  Theo một bảng thống kê ở các nước giàu có phát triển thì cách đây 20 năm cứ 20 cặp vợ chồng thì có một cặp ly dị, cách đây 10 năm thì trong 10 cặp có một cặp ly dị, và hiện thời cứ 2 cặp là có một cặp ly dị.  Nghĩa là tỷ lệ phân nửa: bên Nga cũng vậy mà bên Mỹ cũng thế!

Lý do người ta dựa vào, là “Đã không thể sống chung với nhau nữa thì thà chia tay nhau.”  Một lý do quá giản dị, nhưng vì quá giản dị nên cũng quá thiếu sót, ít ra là thiếu sót ba điểm sau đây:

1. Thứ nhất là quá ích kỷ: chỉ lo cho những cặp vợ chồng mà không nghĩ đến những đứa con.  Cho phép ly dị thì có lẽ vợ chồng sẽ thoải mái đấy, nhưng con cái thì như chúng ta đã thấy qua bức trên đây.  Cha mẹ muốn thoải mái cho bản thân mình, và dồn mọi hậu quả cho những đứa con phải chịu.  Mà những đứa con đó nào có tội tình gì đâu?  Tội là ở cha mẹ chúng, nhưng chúng phải gánh lấy hậu quả hoàn toàn.

2. Thứ hai là phản trắc, lật lọng: những người ly dị là những kẻ phản trắc, lật lọng, không phải đối với ai khác mà đối với chính bản thân họ, đối với chính lương tâm của họ. Họ hãy nhớ lại xem trước khi cưới họ đã nghĩ gì, đã muốn gì, đã thề hứa gì? Họ muốn chiếm cho bằng được con người lúc đó họ đang yêu, họ chấp nhận tất cả mọi khó khăn xung đột của cuộc sống chung, và họ thề sẽ yêu thương nhau trọn đời. Lúc ban đầu thì vậy, nhưng lúc sau thì khác không yêu nhau nữa, không chấp nhận nhau nữa và đòi bỏ nhau bằng mọi giá. Có phải là phản trắc, là lật lọng, là tiền hậu bật nhất không?

3. Và điểm thứ ba là người ta đã quên một điều rất là thông thường trong cuộc sống hôn nhân: bất cứ cặp vợ chồng nào cũng phải trải qua những cuộc khủng hoảng.  Không cặp nào thoát.  Đó là điều tất yếu, và có thể nói còn cần thiết nữa.  Cũng như một đứa trẻ cần phải trải qua khủng hoảng của tuổi dậy thì mới trở nên người lớn được, thì bất cứ cặp vợ chồng nào cũng cần phải trải qua khủng hoảng mới đi đến chỗ trưởng thành.  Vậy mà khi gặp khủng hoảng thì tính ngay chuyện ly dị, thử hỏi làm sao gia đình trưởng thành được?

Đó là ba điểm rất quan trọng mà người ta đã bỏ qua không xét tới.  Vì bỏ qua những điểm quan trọng như thế nên người ta càng ngày càng đòi hỏi ly hôn: những cặp vợ chồng trẻ đòi ly hôn, cha mẹ đôi bên xúi ly hôn, luật pháp cho phép ly hôn…  Chỉ có Tin Mừng Chúa và Giáo hội Công giáo là còn cố gắng ngăn cản việc ly hôn.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý tới những điểm sau đây:

1. Những người biệt phái dẫn chứng với Đức Giêsu rằng ông Môsê cho phép ly hôn. Đức Giêsu trả lời: đó chỉ là vì lòng dạ chai đá của các ngươi thôi. Nghĩa là Đức Giêsu vạch cho thấy nguồn gốc của ly hôn là lòng dạ chai đá, lòng xấu của con người.  Và như chúng ta đã phân tích ở trên, lòng xấu ấy chính là cái tính ích kỷ, cái thái độ phản trắc lật lọng, thái độ hèn nhát vội tìm đường lẩn tránh trước những khủng hoảng tất yếu của hôn nhân.

2. Đức Giêsu nhắc nhở tính chất bất khả ly của hôn nhân là quyền của Thiên Chúa, con người không có quyền làm ngược lại “Điều gì mà Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly.” Nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận mọi quyền của con người trong vấn đề này: vợ chồng không có quyền đòi ly dị, cha mẹ đôi bên và bè bạn không có quyền xúi ly dị, luật lệ xã hội không có quyền cho phép ly dị, cho nên dù có một trăm tờ giấy ly dị cũng chẳng có chút giá trị nào trước mặt Chúa.

3. Và thứ ba là Chúa nhắc mọi người phải nhớ đến những đứa trẻ. Đức Giêsu đã ôm trẻ nhỏ vào lòng, Ngài đã chúc lành cho chúng để nhắc mọi người phải thương yêu chúng, phải bao bọc chúng, đừng ruồng bỏ chúng để chúng phải bơ vơ vì cha mẹ chúng đã ly dị nhau; đừng ngăn cản, không cho chúng đến với Chúa bằng cách dạy chúng vào con đường bất mãn, nổi loạn, sa đọa khi cha mẹ chúng đã ly dị với nhau.

Trích trong “Sợi Chỉ Đỏ” 

************************

Lời cầu nguyện cho các gia đình

Ôi Thiên Chúa, Đấng tạo thành tất cả tình phụ tử  trên trời và dưới đất,
Người là Cha, là Tình Yêu  và Sự Sống,
Chúa làm điều đó trên trái đất này, qua Con của Người, Chúa Giêsu Kitô, “sinh bởi một người phụ nữ”
và bởi Thánh Thần, nguồn gốc của đức bác ái thần thiêng,
mỗi gia đình nhân loại trở thành một thánh cung thực sự của sự sống và tình yêu cho các thế hệ không ngừng đổi mới.

Xin ân sủng của Người hướng những suy nghĩ và hành động của những cặp vợ chồng về lợi ích tốt đẹp nhất cho gia đình của họ và tất cả các gia đình trên thế giới.

Xin cho các thế hệ trẻ tìm thấy trong gia đình sự hỗ trợ vững chắc,

Giúp họ luôn sống nhân bản hơn, lớn lên trong sự thật và tình yêu.

Xin tình yêu được củng cố nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân,
trở nên mạnh hơn tất cả những yếu đuối và khủng hoảng đôi lúc xày ra trong gia đình.

Sau cùng, chúng con xin Chúa, qua lời cầu bầu của Thánh Gia Na-gia-rét,
Cho Giáo Hội có thể thành công, với những hoa quả của sứ vụ, trong gia đình và qua gia đình, nơi tất cả các quốc gia trên trái đất.

Cha là Sự Sống, Chân Lý và Tình Yêu
trong sự hiệp nhất với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Amen.

Đức Gioan Phao lô II
Tại buổi lễ nhân dịp Năm Thánh gia đình, 15 Tháng Mười, 2000.
Quốc Việt dịch thuật

SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH TÊRÊSA CHO THỜI NAY

Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng đã khám phá và sống trọn con đường tình yêu, con đường thơ ấu trong Phúc Âm.  Chính con đường đó đã dẫn đưa Têrêxa tới đỉnh cao thánh thiện và trở thành “Tiến Sĩ Hội Thánh”, tức là bậc thầy về đàng thiêng liêng.  Têrêxa đã ý thức về sự bất toàn và nhỏ bé của mình, nên biết rằng mình không thể nên hoàn thiện với sức riêng.  Têrêxa đã tìm thấy trong Phúc Âm chân lý về sự “nhỏ bé”, hoàn toàn tín thác nơi tình yêu Chúa, không cần phải trở nên “cao trọng”, nhưng trở nên bé nhỏ trong vòng tay của Chúa.

Trong bài thuyết trình tại Lisieux hồi cuối tháng 9-1996, ĐHY Paul Poupard, người Pháp, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn hóa, đã nêu những nét nổi bật trong sứ điệp của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng cho nhân loại ngày nay như sau:

“Thiên Chúa là tình yêu.  Ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Jn 4,16).  Têrêxa không ngừng suy niệm về những lời trên đây của thánh Gioan và của Tin Mừng, để từ tâm hồn thánh nữ nảy sinh những trang nồng cháy tình yêu đối với Chúa Giêsu, những trang sách này như một tiếng vọng Con Tim của Chúa: “Tôi hiểu rằng Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi.  Tình Yêu là tất cả; Tình Yêu tóm gọn mọi thời gian và không gian.  Trong con tim của Giáo Hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu” (…).

“Vậy ai trở nên bé nhỏ như trẻ em ấy, sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (…).  Tại sao trở nên bé nhỏ?  Thưa để chọn con đường thơ ấu được thánh nữ Têrêxa tái khám phá, và thánh nữ đã vẽ lại khi khám phá tình yêu của Thiên Chúa.  Quan niệm của thánh nữ về Giáo Hội thật là độc đáo và táo bạo: trong con tim của Giáo Hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là Tình Yêu.  Khi Têrêxa mô tả viễn tượng lớn lao trên đây cho chị ruột là Maria Thánh Tâm ngày 8 tháng 9 năm 1896, thánh nữ đã 23 tuổi và chỉ còn sống được một năm nữa.  Chắc hẳn thánh nữ phải có một nhận thức sâu xa về Thiên Chúa cũng như về Giáo Hội nên mới có thể quả quyết rằng Giáo Hội có một con tim, và trái tim ấy nồng nhiệt tình yêu.  Chúng ta hãy đọc lại những lời tuyệt diệu đó, vừa đơn sơ và sâu xa, được sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (n. 826) lấy lại:

“Tôi hiểu rằng nếu Giáo Hội có một thân mình, gồm những chi thể khác nhau, thì chi thể cần thiết nhất, cao thượng nhất trong tất cả các chi thể mà Giáo Hội không thể thiếu được, tôi hiểu rằng Giáo Hội có một Trái Tim, và Trái Tim ấy nồng cháy Tình Yêu.  Tôi hiểu rằng Chỉ có Tình Yêu mới làm cho các chi thể của Giáo Hội hành động, và nếu Tình Yêu ấy tắt lịm đi, thì các Tông Đồ sẽ không còn rao giảng Phúc Âm nữa, các vị Tử Đạo sẽ từ chối không đổ máu đào…  Tôi hiểu rằng Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi.  Tình Yêu là tất cả; Tình Yêu tóm gọn mọi thời gian và không gian…  Nói tắt một lời, Tình Yêu là vĩnh cửu!  Lúc ấy tôi kêu lên: Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, ơn gọi của con, nay con đã tìm được rồi, ơn gọi của con chính là Tình Yêu. Thực vậy, con đã tìm được chỗ của con trong Giáo Hội, và chỗ đó, lạy Chúa, chính Chúa đã cho con.  Trong con tim của Giáo Hội là Mẹ con, con sẽ là tình yêu” (…).

“Là Tiến sĩ Tình Yêu, thánh nữ Têrêxa từng biết rõ thử thách của đức tin trong một thế giới bị nghi ngờ và vô tín ngưỡng vây bủa.  Về phương diện đó, thánh nữ Têrêxa có tính chất hết sức thời sự, trong một nền văn hóa quá chú trọng đến các phương tiện nhưng ít quan tâm tới mục đích, tạo nên sự bất mãn sâu xa, gây nên sự trống rỗng sâu rộng, gợi lên tiếng kêu lo âu.  Nhiều người ngày nay cảm thấy mang máng tiếng gọi của Thiên Chúa Tình Yêu.  Chỉ một mình Chúa mới có thể đáp ứng thực sự những mong đợi của con tim và trí tuệ loài người, trong cuộc tìm kiếm tình thương và chân lý, ánh sáng và sự tươi đẹp.  Như Đức Gioan Phaolô II đã nói ở Lisieux: “Chúng ta cảm tạ Chúa vì thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.  Cảm tạ vì vẻ đẹp sâu xa, đơn sơ và trong trắng, được biểu lộ nơi thánh nữ cho Giáo Hội và thế giới.  Vẻ đẹp này có sức quyến rũ.  Và Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux có một ơn đặc biệt thu hút bằng vẻ đẹp của tâm hồn ngài” (Lisieux 2-6-1980, trong cuốn Jean-Paul II, que fais-tu de ton baptême?, Le Centurion, Paris, 1980, p. 234).

“Thánh Nữ Têrêxa yêu mến Thiên Chúa với cùng tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Chúa Con trong Chúa Thánh Linh.  Thánh nữ nhìn tha nhân với cùng cái nhìn như thế, cái nhìn được tình yêu biến đổi hoàn toàn, nhưng nhiều khi bị những tâm hồn nô lệ tội lỗi coi rẻ: “Tôi cảm thấy ước muốn nồng nhiệt hoạt động cho sự hoán cải người tội lỗi.” (…).

“Tình yêu Chúa lớn lên nơi thánh nữ Têrêxa, được nuôi dưỡng bằng cái nhìn hướng về Chúa Giêsu: khi còn nhỏ dù khi đi câu với cha, dù khi ngồi trên lòng đầu gối của mẹ đỡ đầu, hoặc ẩn núp sau chiếc màn che giường, Têrêxa đều nghĩ tới Chúa Giêsu, tới trời cao…  Về sau, Têrêxa hiểu rằng mình đã suy gẫm.  Thánh nữ nói: “Chúa Nhân Lành đã bí mật dạy tôi.”  Têrêxa sống và lớn lên trước nhan Chúa.  Ngày thánh nữ rước lễ lần đầu, biết Đấng mà mình tiếp rước: Từ lâu Chúa Giêsu và cô bé Têrêxa hèn mọn này đã nhìn nhau và hiểu nhau…  Hôm đó, không còn là cái nhìn bên ngoài nữa, nhưng là một sự kết hiệp thực sự, một sự chìm đắm sâu xa, như giọt nước bé nhỏ giữa lòng đại dương.  Được Tình Yêu Chúa chiếm hữu, Têrêxa được Tình Yêu Chúa luôn dẫn đưa theo chiều hướng Bonum diffusivum sui (Điều tốt lành tự lan tỏa), như người xưa vẫn nói.  Tình yêu chỉ mong ước được trao hiến: Tôi cảm thấy tình bác ái đi vào trong tâm hồn tôi, nhu cầu phải quên mình để làm đẹp lòng, và từ đó tôi cảm thấy hạnh phúc.  Đó không phải chỉ là hạnh phúc mà thôi, nhưng còn là niềm vui mừng sâu xa nữa.  Têrêxa yêu Chúa bằng chính Tình Yêu của Chúa.  Nơi Ngài, thánh nữ khám phá cái nhìn của Thiên Chúa về người khác, cái nhìn của Đấng Tạo Hóa say mê tạo vật của mình.  Têrêxa sống sâu xa mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiệm các thánh thông công, trong đó tình yêu còn lớn lao hơn tình yêu gia đình, dù là gia đình lý tưởng nhất trên mặt đất này, như gia đình được triển nở ở Buissonnets.

“Một Chúa nhật kia, khi nhìn ảnh tượng Chúa Giêsu trên Thánh Giá, Têrêxa xúc động như thể máu đang chảy từ vết thương của mình.  Têrêxa cảm thấy vang dội trong con tim tiếng kêu của chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá: “Ta khát.”  Têrêxa kể lại: “Những lời ấy khơi lên trong con một sự nồng nhiệt mãnh liệt chưa từng thấy…  Con muốn cho Đấng con yêu mến được giải khát và con cảm thấy chính mình đang bị dằn vặt vì niềm khao khát các linh hồn.  Bấy giờ con chưa bị thu hút vì linh hồn của các linh mục, nhưng là linh hồn của những người đại tội lỗi.”  Và Têrêxa quyết định vào dòng kín Camêlô, nơi Chúa Giêsu lôi kéo chị.  Chính trong nhà dòng kín đó mà chiều kích tông đồ của chị được phát triển đặc biệt.  Chị giúp việc đào tạo các tập sinh trong nhà dòng và đồng thời đảm trách việc hỗ trợ tinh thần cho hai thừa sai.  Sự cởi mở đó thật phù hợp với sự quan phòng của Chúa: đó là dịp để Têrêxa khám phá và biểu lộ sứ mạng tông đồ của chị trong Giáo Hội.  Ngày 18 tháng 8 năm 1890, chị Pauline của Têrêxa hỏi: “Vậy em có muốn lập công không?”  Têrêxa mau lẹ đáp: “Có chứ, nhưng không phải cho em, mà là cho những người tội lỗi đáng thương, cho các nhu cầu của Giáo Hội.”  Thái độ dâng hiến cho Tình Yêu Từ Bi thật là rõ ràng: “Con không muốn tích trữ công đức cho mình để được lên trời, con muốn làm việc cho Chúa là Tình Yêu duy nhất…  Con muốn nhận được từ Tình Yêu Chúa phần thưởng đời đời là chính Chúa” (Sách Giáo Lý Công Giáo, n. 2011).”

Cũng vì đạo lý của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng rất hợp thời với con người ngày nay như thế, nên 50 HĐGM trên thế giới, trong đó có cả HĐGM Hoa Kỳ, đã ủng hộ đơn xin ĐTC tôn phong thánh nữ Têrêxa Hài Đồng làm Tiến Sĩ Hội Thánh, như chính ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắc đến trong công thức phong Tiến Sĩ:

“Đáp ứng mong ước của đông đảo anh em trong hàng Giám Mục và rất nhiều tín hữu trên thế giới, sau khi nghe ý kiến của Bộ Phong Thánh và được ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan tới đạo lý nổi bật, sau khi đã suy nghĩ chín chắn và xác tín đầy đủ và chắc chắn, với trọn quyền Tông Đồ, Tôi tuyên bố thánh nữ đồng trinh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan là Tiến Sĩ của Giáo Hội hoàn vũ.  Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Trong bài giảng ngày lễ phong Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng làm Tiến Sĩ Hội Thánh, ĐTC ghi nhận rằng vị tân Tiến Sĩ là một phụ nữ, một nữ tu chiêm niệm, một người trẻ tuổi, nhưng đã trưởng thành trên con đường thiêng liêng, đáng được liệt kê vào số các bậc thầy tu đức.  Trong số những điểm nổi bật trong các tác phẩm của thánh nữ Têrêxa, chúng ta phải nói tới khoa học tình yêu.  Thánh nữ đã viết: “Đức ái đã mang lại cho con chìa khóa ơn gọi của con.  Con hiểu rằng nếu Giáo Hội là một thân thể, gồm nhiều chi thể, thì không thể nào thiếu được cơ phận quan trọng nhất.  Giáo Hội có một trái tim và trái tim ấy được nồng cháy Tình Yêu.  Chỉ có Tình Yêu mới có thể huy động các chi thể của Hội Thánh.  Nếu Tình Yêu tắt lịm thì các tông đồ không còn rao giảng Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ không còn dám đổ máu đào nữa…  Con hiểu rằng Tình Yêu bao gồm tất cả mọi ơn gọi…  Lúc đó, trong niềm vui tột đỉnh con thốt lên: Lạy Chúa Giêsu Tình Yêu của con… con đã tìm được ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là Tình Yêu!” (Thủ bản B, 3v).

Đề cập đến ý nghĩa việc tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đối với con người thời nay, ĐTC nói rằng: “Đứng trước sự trống rỗng của bao nhiêu lời nói, Thánh nữ Têrêxa trình bày một giải pháp khác, Lời duy nhất cứu độ, khi được hiểu và sống trong thinh lặng, sẽ trở thành một nguồn mạch cuộc sống được đổi mới.  Đứng trước một thứ văn hóa duy lý và quá nhiều khi bị chủ thuyết duy vật thực hành tràn ngập, thánh nữ đơn sơ trình bày “con đường nhỏ”, nói lên cốt yếu của cuộc sống, dẫn tới bí quyết của cuộc đời: Tình yêu Chúa bao trùm và thấm nhập toàn thể cuộc phiêu lưu của con người.  Trong thời đại như thời chúng ta, thường bị ảnh hưởng một thứ văn hóa phù du và duy khoái lạc, vị Tiến Sĩ mới tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc soi sáng tâm trí những người khao khát sự thật và tình thương.”

Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng “Thánh nữ Têrêxa đã đề ra một con đường nên thánh dành cho tất cả mọi người.  Đường nên thánh không phải hệ tại thi hành những công trình vĩ đại, nhưng là con đường tín thác và hoàn toàn phó thác cho ơn thánh Chúa.  Con đường đơn sơ đó không thiếu những đòi hỏi, vì Phúc âm đề ra nhiều yêu sách; nhưng lòng tin tưởng phó thác nơi lòng từ bi của Chúa khiến cho những cam go trở thành êm ái dịu dàng.”

Quả thực, trong một thế giới bị trào lưu vô thần, lý thuyết và thực hành, tấn công, các tác phẩm của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng là một thành trì bảo vệ vững chắc, vì chứng tỏ một niềm tin được sống một cách chân thành, trẻ trung và nồng nhiệt.  Cũng thì thế, và dòng tu, nhưng cả trong các nhóm, phong trào và hội đoàn giáo dân, cũng như trong các gia đình.  Tác phẩm của thánh nữ thuộc vào loại được đọc nhiều nhất thời nay, và trở thành một vị hướng đạo cho hàng triệu người.  Ấn bản đầu tiên của cuốn Truyện một tâm hồn, xuất bản năm 1898 đã được dịch ra, ấn hành và tái bản trong hơn 50 ngôn ngữ với hàng triệu bản.

ĐHY Dionigi Tettamanzi, TGM giáo phận Milano, đã từng nói với các nữ đan sĩ dòng kín Cát Minh ở Genova: “Nơi thánh nữ Têrêxa tôi thấy được sự dịu hiền từ ái vô biên của Thiên Chúa.  Lời Chúa phán qua Sứ ngôn Isaia đã trở thành kinh nghiệm hằng ngày của Thánh Nữ: “… Những người con nhỏ của Chúa sẽ được bồng ẵm trên tay, chúng được vuốt ve trên đầu gối của Người.  Như một người mẹ an ủi con mình, Ta cũng sẽ an ủi các con như vậy” (Is 66,12-13).  Sứ điệp này quả thực có tính chất thời sự dường nào!  Con người ngày nay đang cần tình thương, cần được quan tâm, cần có những quan hệ tình người đầy ý nghĩa, cần phải làm sao để họ gặp được những chứng nhân đích thực về sự dịu hiền từ ái của Chúa. Có lẽ cũng vì thế, con đường của thánh Têrêxa cũng là con đường trở về được chuẩn bị cho những người đã rời xa Thiên Chúa.” (Báo Avvenire, 14-10-1997).

Lm Trần Đức Anh, OP