THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG VÀ CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG

Thánh Nữ Têrêxa sinh tại Alencon bên Pháp năm 1873.  Cha mẹ ngài là ông bà Louis Martin và Zélie Guérin rất đạo đức, đã được Bộ Phong Thánh nhìn nhận các nhân đức anh hùng, và Bộ cứu xét phép lạ để hoàn tất tiến trình điều tra phong chân phước.  Ông bà có 9 người con nhưng 4 người chết sớm.  Trong 5 người con gái còn lại, Têrêxa là con út: 4 người vào dòng kín Camêlô và Léonine đi tu dòng Thăm Viếng.

Têrêxa mồ côi mẹ năm lên 4 tuổi, và gia đình dọn về thành Lisieux.  Têrêxa có ý định đi vào dòng kín tại đây mặc dù tuổi còn nhỏ.  Nhưng gia đình cũng như Đức cha Hugonin đều chống lại dự án này nên Têrêxa quyết định xin phép thẳng với ĐGH.  Năm 1887, cùng với cha và chị Céline, Têrêxa đi hành hương Roma và trong buổi tiếp kiến ngày 20 tháng 11 năm 1887, Têrêxa xin ĐGH Leo XIII cho phép vào dòng kín mặc dù lúc đó mới được 14 tuổi.  Nhưng cô chỉ nhận được một câu trả lời mơ hồ và được dẫn ra ngoài, nước mắt dàn dụa.

Trở về Lisieux, Têrêxa được phép ĐGM cho vào dòng kín vào ngày 9-4-1888, lúc đó chị mới được 15 tuổi và 3 tháng.  24 nữ tu tiếp đón Têrêxa.  Cuộc sống trong đan viện có nhiều cam go về mặt vật chất cũng như về kỷ luật.  Chị Têrêxa ngày càng tiến triển trên con đường yêu mến Chúa.  Ước muốn cứu rỗi các linh hồn thúc đẩy Têrêxa định xin tới dòng kín Camêlô ở Sàigon, nhưng vì bệnh lao phổi, nên chị Têrêxa phải bỏ ý định này, và từ tháng 4 năm 1897, Têrêxa không thể tham dự đời sống cộng đoàn nữa.  Chị qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 lúc mới được 24 tuổi đời.  Chỉ 27 năm sau đó, Đức Pio XI đã tôn phong Têrêxa Hài Đồng Giêsu lên bậc hiển thánh và 2 năm sau ngài tôn thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo, giống như thánh Phanxicô Xavie, Tông đồ miền Viễn Đông.

Các tác phẩm của Thánh Têrêsa

Ngày 30 tháng 9 năm 1898, tức là đúng một năm sau khi Chị Têrêxa qua đời, Mẹ Agnès Chúa Giêsu và Mẹ Marie Gonzague đã cho ấn hành theo thông lệ một thư luân lưu về nữ tu quá cố và gửi tới tất cả các đan viện kín Camêlô.  Chỉ khác một điều là bức thư này dày tới 476 trang.  Tác phẩm đó mang tựa đề “Truyện một tâm hồn” và trở thành cuốn sách bán chạy nhất.  Cuốn sách này được Mẹ Agnès soạn lại dựa trên 3 thủ bản A, B, C.  Mãi tới năm 1956, cha Francois de Sante Marie mới trình bày bản phê bình, gồm các nguyên bản với phần dẫn nhập và chú thích.

+ Thủ bản A là tác phẩm được Têrêxa viết ra theo lời yêu cầu của Mẹ Agnès để kể lại những năm đầu tiên trong cuộc đời thánh nữ.  “Truyện mùa xuân của một bông hoa trắng nhỏ”, do Têrêxa dùng những giờ phút rảnh rỗi giữa công việc và kinh nguyện để viết lại.

+ Thủ bản B được Thánh Nữ Têrêxa kết thúc vào trung tuần tháng 9 năm 1896: Trong một cuộc tĩnh tâm trong cô tịch, Têrêxa nhận được lá thư của chị Marie Thánh Tâm xin Têrêxa chia sẻ những ánh sáng thiêng liêng đã nhận được trong cuộc tĩnh tâm ấy.  Ngay ngày hôm ấy, 13-9-1896, Têrêxa trả lời cho chị Marie, thông báo cho chị kinh nguyện dài mà Têrêxa đã viết ngày 8-9-1896 trước đó để kỷ niệm ngày khấn dòng, đồng thời kèm theo một thư dài.  Thư này cùng với kinh nguyện vừa nói họp thành điều mà người ta gọi là “Thủ Bản B”.  Trong thủ bản này Têrêxa cũng kể lại một giấc mơ và mô tả các mong ước, các ơn gọi mà Têrêxa ước mong được sống.

+ Thủ bản C do Têrêxa viết ra trong những tháng trước khi qua đời và lần này chị cũng viết vì đức vâng lời.  Sứ mạng huynh đệ mà Têrêxa mô tả chính là một chứng tá sâu xa về đặc sủng Camêlô do Thánh Nữ Têrêxa Avila đã đề xướng khi cải tổ dòng Camêlo.

Ngoài ra, còn có các Thư của Têrêxa được công bố toàn bộ vào năm 1948, gồm 266 thư và miếng giấy nhỏ để ghi.

Các thư này được gửi cho những người thân yêu trong gia đình, 7 giáo sĩ, 3 tu huynh và hai bạn gái.  Còn thiếu khoảng 60 thư Thánh Nữ Têrêxa viết cho cha giải tội và một số thư viết cho các “người anh thừa sai.”  Tất cả các thư cho thấy, mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng Têrêxa đã thi hành nhiệm vụ hướng dẫn các linh hồn qua các thư từ đó.

Tập vở vàng gọi là Những Lời Sau Cùng, là tập hợp các lời cuối cùng của Têrêxa ghi lại trên cuốn vở của Mẹ Agnès.  Tập này được chính Mẹ Agnès soạn lại, qua đó người ta thấy được chân dung của Thánh Nữ Têrêxa như một phụ nữ bị đóng đinh và chịu đau khổ khôn lường.

Năm 1952, cuốn Huấn dụ và Ghi niệm được công bố, rút từ những tuyên bố mà các nữ tập sinh dòng kín Camêlô ở Lisieux đã cung khai trong cuộc điều tra phong chân phước cho Têrêxa.

Thánh nữ Têrêxa cũng viết 54 bài thơ, được thu thập lại và trình bày trong ấn bản phê bình vào năm 1979.  Ngày nay, sau 20 năm trời nghiên cứu, toàn bộ các tác phẩm của Thánh nữ Têrêxa đã được xuất bản theo nguyên tắc phê bình khoa học và được dịch ra các thứ tiếng.

Lm Trần Đức Anh, OP

TIN MỪNG DỮ DỘI

Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, đọc giả có lúc cười lúc khóc, có khi cảm nhận được sự xoa dịu ủi an hay thôi thúc tỉnh thức, có lúc cảm thấy bị chói tai, bị cay cú…  Tin Mừng luôn nói lên những chân lý và dạy những bài học thích đáng.

Suy niệm trang Tin Mừng (Mc 9,42-48), Linh mục Nguyễn Hồng Giáo dùng cụm từ “Tin Mừng dữ dội”.  Đầu đề “Tin Mừng dữ dội” chắc sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên thắc mắc.  Tin Mừng của Chúa Giêsu mà dữ dội sao?  Chẳng phải là Tin Mừng toát ra một bầu khí yêu thương, hiền hoà, bao dung, yêu chuộng hoà bình và bất bạo động bao trùm đó sao?  Tôi đồng ý như thế, tôi vẫn biết là có vô số những người đã tìm thấy trong lời dạy về tình thương và thái độ bất bạo động nguyên lý cho sự dấn thân xã hội, chính trị của họ, ví dụ như ba khuôn mặt còn khá quen thuộc với nhiều người trong chúng ta là Mẹ Têrêxa Calcutta, mục sư Tin Lành Martin Luther King, và nhà anh hùng Ấn Độ Mahatma Gandhi.  Dầu vậy, tôi cứ vẫn thấy Tin Mừng của Chúa là dữ dội, ngay cả hay đúng hơn nhất là Bài giảng trên núi (Mt các chương 5, 6, 7) mà Gandhi lấy làm một nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh hoà bình của mình chống lại thực dân Anh, dành độc lập cho đất nước.

Tin Mừng dữ dội với các đòi hỏi gắt gao: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà vào cõi sống còn hơn là có đủ hai hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời.  Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục” (Mt 18, 8-9; x. Mt 5, 19-20).  Cần hy sinh những gì đưa chúng ta tới tội trọng và phải biết dám liều mình, hy sinh đến cả mạng sống mình để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. (x.nguoitinhuu.com)

Lời Chúa hôm nay cho thấy tính chất “dữ dội” của Tin Mừng.

Phải tránh gương mù gương xấu “Nếu ai làm cớ cho người khác phạm tội, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống biển còn hơn.”

Phải quyết liệt và dứt khoát với dịp tội “chặt tay, chặt chân, móc mắt” khi những chi thể này là nguyên nhân phạm tội.  ĐGM Arthur Tonne gọi đó là những lời đẫm máu và rùng rợn.  Noel Quesson nói: dù là những kiểu nói vùng Sêmít có vẻ quá mạnh, nhưng chúng ta cũng không nên làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của những câu đó.

M. Quesnel tự hỏi: Sao chỉ có ba chi thể đó? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu (Mc 7,21-22). Chúa Giêsu bảo là hãy dứt khoát “chặt đi” bất kỳ sự vật, người hoặc hoàn cảnh nào có thể là dịp tội cho ta.  Đó là ý nghĩa của điều mà Phúc Âm gọi là “từ bỏ chính mình” (x. Mc 8,34).

Tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì cũng không đến nỗi tàn phế.  Việc hài tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu nói hùng biện có tác dụng mạnh đối với người nghe (Fiches Dominicales).  Tay, mắt, và chân tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài.  “Chặt bỏ” một tật xấu một thói quen, “cắt đứt” một mối liên hệ nguy hiểm.  Tính dữ dội biểu lộ nơi thái độ chọn lựa dứt khoát và quyết liệt với tội lỗi.

Cũng như người bệnh, phải phẫu thuật, phải cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo chúng ta phải quyết liệt với tội lỗi cho dù phải “chặt tay, chặt chân, móc mắt.”  Chúa muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, đó là tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa của con người.  Biết bao nhiêu người đã chịu thiệt thòi, thậm chí dám chấp nhận cái chết vì trung thành với tất cả các đòi hỏi “dữ dội” của Tin Mừng.

Đời sống Kitô hữu cần được cắt xén, gột rửa, từ bỏ để tăng trưởng, sinh nhiều hoa trái “Nhánh nào không sinh quả thì Thiên Chúa chặt bỏ, còn nhánh nào sinh quả thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn” (Ga 15,1-2).

Có những lời dạy của Tin Mừng, mới nghe qua thì rất “nhẹ nhàng”, nhưng gẫm sâu hơn lại thấy vô cùng dữ dội, ví dụ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26).  Tin Mừng dữ dội là do sự đòi hỏi vô cùng của sự hoàn thiện và tình thương của Cha trên trời mà các môn đệ Chúa Giêsu, vốn là những con người yếu đuối và tội lỗi, phải noi theo (x. Mt 5, 48 và Lc 6, 36).  Giáo lý Tin Mừng không hề kêu gọi bạo lực nhưng nó đòi hỏi người tín hữu phải quyết liệt với mình, làm mạnh với mình, dám dùng “bạo lực” với mình, nếu nói được như thế, bởi lẽ nó bắt ta đi ngược với xu hướng tội lỗi vốn ăn sâu trong ta, đi ngược với sự khôn ngoan thế gian nữa.  (Lm Nguyễn Hồng Giáo).

Gương xấu và làm dịp tội cho người khác gây tai hại và nguy hiểm vô cùng.  Cả hai đều đáng khinh đáng ghét ở đời này và lãnh án phạt nặng nề đời sau.  Phải tránh gương mù gương xấu.  Mỗi người có thể gây dịp tội khiến người khác sa ngã, và đôi khi thân xác mình lại có thể là dịp tội cho chính mình.  Càng tránh dịp tội, càng ít phạm tội.

Có câu chuyện ngụ ngôn “Đại hội cái búa” kể về nỗi lo sợ của các loại cây trong rừng, từ cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều sợ Cái Búa của người đốn cây.  Hễ búa đi đến đâu là cây cối đều ngã rạp đến đó.

Một hôm, cây cối họp đại hội, bàn cách đối phó với Cái Búa.  Để chứng tỏ rằng việc làm của tất cả cây rừng là công khai, và Búa cũng được mời tham dự Đại hội này.

Sau một lúc bàn bạc sôi nổi, Đại hội đi đến kết luận: Cương quyết không cho Búa bất kỳ một khúc gỗ nào để làm cán cả.  Búa mà không có cán thì làm được việc gì bây giờ.  Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều hoan hỉ về quyết định này.  Dù một khúc gỗ cũng không cho!

Bấy giờ, Búa đưa tay xin phát biểu với giọng nài nỉ đáng thương: Xin quý vị niệm tình, thân tôi mà không có cán như người tật nguyền không tay chân, xin hãy cho tôi một lần này nữa thôi, tôi sẽ chỉ dùng Búa vào những việc tốt, tôi chỉ chặt những gai góc làm vướng chân quý vị mà thôi!

Trước lời thỉnh cầu tội nghiệp của Búa, cả Đại hội liền có sự chia rẽ vì khác quan điểm.  Hội nghị phải đi đến việc biểu quyết lại.  Kết quả là đa số bằng lòng cấp cho Búa một khúc gỗ duy nhất làm cán.  Nhưng hỡi ôi!  Khi Búa đã có cán rồi, nó bèn lần lượt đốn hết những cây trong rừng, từ cây non cho đến cây cổ thụ.

Bạn chỉ cần cho tội ác một cơ hội thôi, là bạn sẽ hối tiếc cả cuộc đời!  Tội lỗi huỷ hoại đời người như sự hung hãn của núi lửa.  Tội lỗi tàn phá cơ thể như bệnh ung thư.  Tội lỗi gây hậu quả lâu dài như những đổ vỡ trong Gia đình, hầu như không bao giờ hàn gắn được!

Bạn đừng cho tội ác một cơ hội nào hoành hành, dù chỉ là một sự dễ dàng cỏn con.  Hãy chống trả, hãy cự tuyệt và tránh xa nó! “Đừng để ma quỷ lợi dụng!” (Ep 4, 27).

Cái xấu có khả năng lây lan rất nhanh.  Tiếp cận với lời “dữ dội” của Tin Mừng sẽ giúp bạn tránh xa dịp tội và gương xấu.  Nhờ đó, bạn sẽ làm chủ những đam mê như vui, buồn, sợ, giận, yêu, ghét, ham muốn trong mọi mối tương quan.

Cái đẹp, cái tốt, cái chân thật, thường loan truyền theo chiều rộng và chiều xa.  Sống Tin Mừng giúp bạn đem đến cho cuộc đời những nét đẹp, cuộc sống thêm ý nhị đậm đà và nhiều niềm vui hạnh phúc hơn.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

CẦU NGUYỆN – HƠI THỞ CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Cuộc sống luôn đặt con người vào những suy tư bất tận về ý nghĩa cuộc đời và các mối tương quan.  Những tâm tư sâu thẳm của con người, những vấn nạn gai góc cuộc đời, những trăn trở bế tắc về cuộc sống thường đưa đẩy người ta đến một hành vi đặc thù, điều mà người ta quen gọi là “cầu nguyện”.  Phải chăng cầu nguyện giúp họ giải quyết được tất cả những gì người ta cần?  Một tác giả thiêng liêng sau những trải nghiệm của mình về đời sống nội tâm đã phải thừa nhận rằng “Cầu nguyện là nhịp cầu nối kết cuộc sống vô thức với cuộc sống ý thức.  Cầu nguyện liên kết tâm trí ta với tâm hồn ta, ý chí với những đam mê của ta, khối óc với cái bụng ta.”[1]  Quả thế, cầu nguyện thực sự đưa ta đến một cảnh vực sâu xa hơn, là sống tương quan với Thượng Đế.  Kitô giáo mang trong mình mạc khải tuyệt hảo về cầu nguyện: sống tương quan thiết thân với Thiên Chúa.

Người ta thật khó có thể tìm ra một tôn giáo nào mà cầu nguyện không đóng một vai trò gì trong đời sống của họ.  Cầu nguyện được coi là mối dây liên kết giữa họ và Đấng Siêu Việt mà họ đang hướng tới.  Đối với người Kitô hữu, đời sống cầu nguyện được ví như hơi thở của cuộc sống hay là dòng máu chuyển lưu trong cơ thể.  Cầu nguyện là cách thế để hiện thực hoá tất cả chân lý đức tin đầy phong phú mà họ được lãnh nhận.  Sống trong tâm tình cầu nguyện là sống mật thiết với Thiên Chúa và được lớn lên trong tương quan với Người.  Vì thế, cầu nguyện không chỉ dừng lại ở nơi mình nhưng còn trải rộng mình ra với mọi chiều kích, mọi mối tương quan của cuộc sống.  Tương quan cốt yếu là với Thiên Chúa, Đấng đã thông chia cho con người tất cả và mời gọi họ đi vào mầu nhiệm của chính Người.  Dĩ nhiên, tác giả thiêng liêng đã dẫn trên đây không dừng lại ở khía cạnh tâm lý đơn thuần của con người, dẫu rằng đời sống con người nói chung và tinh thần của con người nói riêng gắn liền với niềm tin tôn giáo.  Quả thế: “Cầu nguyện là cách để cho Thần Khí trao ban sự sống xuyên thấu mọi ngóc ngách của hữu thể ta.  Cầu nguyện là công cụ Thiên Chúa dùng để làm cho ta nên toàn diện, hợp nhất và bình an.”  Như vậy, vai trò cầu nguyện là điều không còn bàn cãi.

“Địa hạt” của đời sống cầu nguyện là gì?  Đây là những câu hỏi thường nảy sinh trong những người đi vào đời sống cầu nguyện.  Lẽ thường, người ta đến với Thiên Chúa để nài xin những điều thuộc nhu cầu hiện tại của mình.  Nhưng vấn đề đặt ra là có hay không việc chúng ta đã quá thực dụng trong đời sống cầu nguyện?  Ít nhiều điều này gây nên bối rối khi ta đến với Thiên Chúa.  Dĩ nhiên, những điều rất thiết yếu đối với cuộc sống của họ là phần nào nói lên sự cậy dựa vào Thiên Chúa.  Nhưng nếu bản chất cầu nguyện là một sự thông truyền bản tính của Thiên Chúa cho ta, thì hành vi cầu nguyện cũng phải xuất phát từ chính con tim khát khao Ngài để trở nên giống Ngài.  Và vì thế, khi đi vào tương quan với Chúa trong cầu nguyện, những điều mà ta ao ước cũng nên thiện hảo hơn vì nhu cầu của ta liên kết với sự lôi cuốn của Người.  Vươn lên cùng Thiên Chúa trong cầu nguyện giúp kéo ta ra khỏi những bận tâm về chính mình, khuyến khích ta rời bỏ vùng đất quen thuộc, thách thức ta bước vào một thế giới mới, thế giới không thể bị gồm tóm trong những ranh giới nhỏ bé của tâm trí và tâm hồn ta.  Vì vậy, cầu nguyện, một mặt, là một cuộc phiêu lưu trong Thế giới của Thiên Chúa rộng lớn bát ngát vô tận, đầy thú vị và mới mẻ đang chờ đợi ta khám phá.  Chính trong sự kết hợp thâm sâu với Người, ta không chỉ được mạc khải để biết thêm về Thiên Chúa nhưng về chính mình nữa.  Mặc khác, bước vào một vùng đất rộng hơn với những trải nghiệm mới có nghĩa là đi vào mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa với con người mới.  Khi đấy, việc cầu nguyện của ta cũng trở nên phong phú và dồi dào hơn.  Như vậy, “địa hạt” của cầu nguyện hay giới hạn của việc cầu xin không còn dừng lại ở những nhu cầu riêng ta nữa, nhưng trải rộng ra mọi chiều kích, mọi mối tương quan và mọi nhu cầu thiết thực khác.  “Địa hạt” của đời sống cầu nguyện sẽ là không biên giới

Ở lại trong Đức Giêsu, đó là tất cả ý nghĩa của việc cầu nguyện (x. Ga 15).  Khẳng định này khởi đi từ kinh nghiệm kết hợp mật thiết với con người Đức Giêsu và cầu xin Người với bản tính Thiên Chúa hiện diện.  Lời cầu nguyện đích thực bao giờ cũng ôm trọn thế giới này chứ không phải chỉ nơi ta đang sống.  Quả vậy, hàng ngày chúng ta đối diện với biết bao những vấn đề mang tính nhân sinh mà thường là những nan đề (khủng bố, bất công…).  Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên vô cùng nặng nề nếu như ta chỉ tìm sự an toàn cho mình mà không để cho Đức Kitô đi vào trong đó.  Cơ sở của điều này chính là sự nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu – Con Thiên Chúa một cách trọn vẹn.  Người đã trải qua kiếp sống nhân sinh với những quy luật của một con người vì thế, Người đồng cảm với từng người và với những ưu tư trong cuộc sống.  Như vậy, cầu nguyện là kết hợp đời sống của mình với đời sống và giáo huấn của Đức Giêsu, chính là việc đi vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Cha.  Vì Đức Giêsu một mặt mạc khải cho ta về Cha, mặt khác, Người chia sẻ cho ta kinh nghiệm gặp gỡ và sống tương quan với Người.

Kiếp sống làm người không ai có thể đứng ngoài kinh nghiệm về những ưu tư và trăn trở của cuộc sống hàng ngày trong các mối liên hệ của đời sống.  Sống tương quan với Thiên Chúa trong cầu nguyện có thể không làm giảm đi những khó nhọc thể xác và những vấn nạn của cuộc đời.  Tuy nhiên, sức mạnh vạn năng của cầu nguyện chính là được kết hợp với Thiên Chúa ngang qua tất cả những biến cố, biến những đau khổ và vấn nạn ấy trở nên những trải nghiệm có ý nghĩa trong cuộc đời.  Cầu nguyện giúp ta đi vào những biến cố với tâm thế của lòng cậy trông và tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, Đấng luôn yêu thương và chăm sóc từng người.  “Địa hạt” của Người không phải giới hạn chỉ trong sự hạn hẹp của những nhu cầu trước mắt, nhưng đi xa hơn; Ngài mời gọi con người kết hiệp với Ngài trong vinh quang thực sự và bình an vĩnh cửu.  Cuộc sống của con người sẽ phong nhiêu là điều mà cầu nguyện (một đời sống thân thiết với Chúa) sẽ hứa hẹn.  Hãy cầu nguyện với cả con người mình, xuất phát từ trái tim chân thành, cởi mở… điều kỳ diệu của cuộc sống sẽ đến.

Joseph Trần Ngọc Huynh S.J
[1] Henry M.Nouwen.

VÌ SAO TÔI TIN VÀO THIÊN CHÚA

Một số tác giả tôi yêu thích là những người theo thuyết bất khả tri, những người chân thành và dũng cảm đối diện cuộc đời mà không có đức tin vào một Thiên Chúa của mình.  Hầu như họ đều khắc kỷ, những người bình an với việc có lẽ Thiên Chúa không tồn tại và có lẽ chết là hết.  Tôi thấy được điều này nơi James Hillman, một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, và là người có rất nhiều điều để dạy cho các tín hữu về ý nghĩa của việc lắng nghe và tôn trọng linh hồn con người.

Nhưng có một điều tôi không ngưỡng mộ nơi các nhà khắc kỷ bất khả tri.  Dù họ dũng cảm đối diện với giả định rằng Thiên Chúa không tồn tại và chết là hết, nhưng họ lại không có cùng dũng cảm đó để đặt ra chất vấn về chuyện nếu Thiên Chúa tồn tại, và chết không phải là hết thì sẽ thế nào.  Nếu như có Thiên Chúa và nếu giáo lý của đức tin chúng ta đúng thì sao?  Họ cũng cần phải đối diện với chất vấn đó nữa.

Tôi tin rằng Thiên Chúa tồn tại, không phải bởi tôi chưa từng có chút nghi ngờ, cũng không phải bởi tôi được nuôi dạy trong đức tin với những người đã làm chứng sâu đậm cho chân lý của đức tin đó, cũng không phải bởi đại đa số nhân loại trên hành tinh này tin vào Thiên Chúa.  Tôi tin rằng một Thiên Chúa của lòng mình tồn tại vì những lý do mà tôi không thể nói rõ được: là sự tốt lành của các thánh, một hạt giống không bao giờ phôi phai trong lòng tôi, biểu hiện của đức tin trong cảm nghiệm của riêng tôi, lòng dũng cảm của các bậc tử đạo xuyên suốt dòng lịch sử, chiều sâu thăm thẳm trong giáo huấn của Chúa Giêsu, những thấu suốt sâu sắc trong các tôn giáo khác, trải nghiệm thần nghiệm của vô số người, nhận thức của chúng ta về mối liên kết với cộng đoàn các thánh và những người thân yêu đã qua đời, những lời chứng chung và riêng của hàng trăm người đã chết lâm sàng rồi được sống lại, những chuyện chúng ta trực cảm vượt ngoài mọi lý luận lô-gích, vòng tuần hoàn hồi sinh trong cuộc đời chúng ta, chiến thắng của sự thật và sự thiện trong suốt lịch sử, sự thật rằng hy vọng không bao giờ chết, sự cưỡng bách không nguôi trong chúng ta muốn được hòa giải với người khác trước khi chết, chiều sâu vô tận của trái tim con người, và việc các nhà vô thần và bất khả tri trực cảm rằng có thể điều này cũng hợp lý.  Tất cả cho tôi thấy sự hiện hữu của một Thiên Chúa sống động của tôi.

Tôi tin Thiên Chúa hiện hữu vì đức tin thành sự, ít nhất là thành sự đến mức độ của chúng ta.  Sự hiện hữu của Thiên Chúa tự chứng minh đến mức độ mà chúng ta đón nhận một cách nghiêm túc và sống cuộc đời mình dựa trên điều đó.  Nói đơn giản, chúng ta hạnh phúc và bình an đến mức độ chúng ta liều mình sống đức tin, một cách rõ ràng hay không chút nghi hoặc gì.  Những người hạnh phúc nhất mà tôi biết cũng là những người đáng kính, dễ thương, vị tha, và quảng đại nhất tôi biết.  Đây không phải tình cờ.

Leon Bloy từng nói rằng trong đời chỉ có một nỗi buồn thực sự, đó là không được làm thánh.  Chúng ta thấy trong câu chuyện về chàng thanh niên giàu có trong Tin mừng đã từ chối lời mời của Chúa Giêsu muốn anh sống đức tin sâu sắc hơn.  Anh đã buồn rầu bỏ đi.  Dĩ nhiên, làm một vị thánh và sống buồn bã, không phải là chuyện trắng hay đen, cả hai đều có những mức độ.  Nhưng trong chuyện này có sự nối tiếp.  Chúng ta hạnh phúc hay buồn bã cũng tương xứng với mức độ chúng ta thành tín hay bất tín với những gì là độc nhất, là chân, thiện, mỹ.  Tôi biết rõ điều này trong đời mình.  Tôi hạnh phúc và bình an đến mức độ tôi đón nhận đức tin cách nghiêm túc và sống đức tin trong thành tín, càng thành tín tôi càng thấy bình an, và ngược lại.

Trong tất cả chuyện này, còn có một “luật nghiệp quả” nói cụ thể là vũ trụ trả lại cho chúng ta chính xác những gì chúng ta cho nó.  Như Chúa Giêsu đã nói, “Anh em đong bằng đấu nào sẽ được đong lại bằng đấu ấy.”  Những gì chúng ta thở ra, đến cuối cùng chính là những gì chúng ta hít vào.  Nếu chúng ta thở ra ích kỷ thì sẽ hít vào ích kỷ, nếu chúng ta thở ra cay đắng thì sẽ gặp đắng cay, nếu chúng ta thở ra tình yêu, nhân từ và tha thứ thì chúng ta sẽ nhận lại cùng mức độ đó.  Cuộc sống và vũ trụ của chúng ta có một cơ cấu yêu thương và công bằng thâm sâu, tự nhiên và không thể bàn cãi đã được viết sẵn, một cơ cấu chỉ có thể được viết nên bởi một trí tuệ thần thiêng sống động và một tâm hồn yêu thương.

Dĩ nhiên, không điều nào trong những điều này chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa với những bằng chứng theo kiểu khoa học hay toán học, nhưng đâu thể tìm được Thiên Chúa bằng một thí nghiệm kinh nghiệm luận, một phương trình toán học hay một tam đoạn luận triết học.  Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, rõ ràng và dứt khoát, nơi một đời sống quên mình, nhân từ, chân thành và tốt lành.  Điều này có thể có trong tôn giáo hay ngoài tôn giáo.

Thầy dòng Biển Đức người Bỉ, Benoit Standaert, đã nói rằng khôn ngoan là ba sự thêm một.  Khôn ngoan là tôn trọng tri thức, tôn trọng sự chân thật và vẻ đẹp, tôn trọng mầu nhiệm.  Và điều thứ tư, khôn ngoan là tôn trọng một Đấng nào đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NỀN VĂN MINH MỚI

Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney.  Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ.  Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại.  Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang được trân trọng.  Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao.  Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lãnh vực.  Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Đức Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn.  Người ta tranh giành thực phẩm.  Người ta tranh chấp đất đai.  Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn.  Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.

Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức.  Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi.  Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi.  Người nghèo không được có tiếng nói.  Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền.  Ai cũng muốn làm người đứng đầu.  Ai cũng muốn làm lớn.  Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ.  Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.

Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có.  Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người.”

Đây thật là một cuộc cách mạng.  Vị trí trong xã hội bị đảo lộn.  Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ.  Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất.  Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất.  Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu.  Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện.  Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui.  Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.

Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới.  Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh.  Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ.  Sẽ không còn tranh giành.  Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau.  Sẽ chỉ có yêu thương.  Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ.  Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu.  Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé.  Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người.  Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý.  Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.

Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước.  Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm.  Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời.  Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ.  Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất.  Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người.  Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người.  Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ.  Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ.  Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc.  Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương.  Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.

Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương.  Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau.  Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ.  Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.

Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng.  Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo.  Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác.  Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng.  Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu.  Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử.  Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.

Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa.  Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường.  Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu.  Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã.  Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

THÁNH MATTHÊU, TÔNG ĐỒ, THÁNH SỬ

Ít có ai chuộng người thu thuế.  Vào thế kỷ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ dọa dẫm và gian dối.  Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do Thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân.  Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội.  Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.

Điều cần ghi nhận là Matthêu không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế.  Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

Đi ngang qua, Chúa Giêsu thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Người nói: “Hãy theo Ta” và ông đứng dậy đi theo Người” (Mc 2,14).

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (x. Mc 1,16t).  Dầu vậy, Lêvi không có tên trong danh sách nhóm mười hai (x. Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113).  Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêu (x. Mt 9,9tt).  Như vậy, tông đồ đồng hoá mình với Mathêu có trong danh sách các tông đồ.  Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêu với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau.  (Chẳng hạn anh em Macabê, 1 Mcb 2,2-5).  Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêu như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mattai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêu bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (x. Mt 6,25tt).  Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (x. Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (x. Mt 8,20).  Sự thay đổi đã hủy diệt trọn tương lai trần gian của Matthêu.  Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêu bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa.  Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quỹ của nhóm (x. Ga 13,29).

Sau khi được gọi, Matthêu biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị Tông đồ.  Ngài đã ra thế nào?  Chúng ta có được một câu văn của Giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): “Matthêu viết một tường thuật có thứ tự về Lời Chúa, theo năng khiếu của ngài” (Eusebiô, Lịch sử Giáo Hội III, 39).  Cuốn Tin Mừng Matthêu viết bằng tiếng Aramêô cho người Do Thái trở lại.  Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêu bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn “Tin Mừng theo Thánh Matthêu.”

Theo bản văn tiếng Hy Lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha, và có lẽ 7 mối phúc thật.  Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách.  Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chính như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng “denarius” trong Mác-cô và Luca hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân…

Như vậy, Matthêu đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng.  Thật không ngạc nhiên gì khi một mình ngài ghi lại lời này của Chúa: “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về Nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ” (Mt 13,52).

Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của Thánh Matthêô được Giáo Hội ưa chuộng.  Nhưng công cuộc tông đồ sau này của ngài lại bị mai một.  Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo Hội III, 24,265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên ngài với thánh Matthias (x. Cv 1,26) làm chúng ta lưỡng lự giữa những truyền thống khác nhau.  Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.

Thường người ta cho rằng: ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất.  Điều chắc chắn là ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ.  Đối với chúng ta, ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)

CUỘC CHIẾN GIỮA ĐAVÍT & GÔLIÁT – CUỘC CHIẾN ĐỨC TIN

Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa hằng sống.  Người khác với tượng thần của chư dân, bởi thần của chư dân là những vị thần hư vô, không tồn tại:

“Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc,
Chỉ do tay người thế tạo thành:
Có mắt có miệng không nhìn không nói,
Có hai tai mà chẳng thể nghe chi
Không chút hơi thở nơi mồm, nơi miệng” (Tv 134(135),15-17)

Người là Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối, trung tín, công minh và chính trực vô cùng, nhưng lại rất gần gũi với dân riêng Người.  Người luôn luôn đồng hành với dân, dẫn dắt dân thông qua các giao ước, giáo huấn và người đại diện, nhưng cũng sẵn sàng sửa phạt dân khi họ dám lìa xa Người mà đến với thần ngoại (x. Đnl 12,26-28).  Tuy nhiên, khi dân nhận ra những lỗi lầm của mình và tỏ lòng sám hối, Người lại tha thứ và cứu họ khỏi án phạt, vì Người là Đấng giàu lòng thương xót (x. Lc 1,50; Ep 2,4).

Hôm nay, dân Chúa đang gặp nạn bởi sự uy hiếp của quân Philitinh, một đội quân hùng mạnh hơn hẳn quân Israel cả về số lượng cũng như chất lượng (x. 1 Sm 13).  Hơn nữa, trong quân đội của Philitinh xuất hiện một gã khổng lồ Gôliát cao to, khỏe mạnh khác người, là sức mạnh và chỗ dựa tinh thần của quân Philitinh (x. 1 Sm 17,4-7), nhưng nó lại là nỗi khiếp sợ, hoang mang của quân Israel (x. 1 Sm 17,24).  Chính trong những tình thế mà sức mạnh dân Chúa cảm thấy bất lực trước các thế lực dân ngoại, thì Thiên Chúa đã ra tay uy quyền để cứu dân (x. 1 Sm 17,40-54).

Đavít, một cậu bé chăn cừu dễ thương lại chính là vũ khí sống động mà Thiên Chúa dùng để hạ nhục kẻ thù của dân Người.  Người đã không hành động một cách trực tiếp, mà hành động qua con người nhỏ bé được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến (x. 1 Sm 16).  Trước một Gôliát khổng lồ đầu đội mũ chiến bằng đồng, toàn thân được trang bị bảo vệ bằng đồng, tay cầm giáo rất đáng sợ lại là một cậu bé chăn cừu Đavít nhỏ bé, tay cầm chiếc dây phóng đá và mấy hòn đá cuội nhỏ, đại diện cho quân đội Israel để giao đấu tay đôi với hắn (x. 1 Sm 17,40).  Dưới con mắt của bao người, chỉ cần tên Gôliát kia dậm chân một cái thì Đavít cũng khó mà đứng vững được, đúng là “lấy trứng chọi đá,” quả  là một cuộc chiến không cân xứng.

Giữa hai thế lực, một bên là sức mạnh con người được thể hiện tất cả ra bên ngoài với những võ trang hiện đại và tối tân qua hình ảnh Gôliát; bên còn lại là sức mạnh của Thần Minh được thể hiện qua sự nhỏ bé, yếu đuối của con người qua hình ảnh cậu bé Đavít.  Sức mạnh của Thần Minh thì tiềm tàng ở bên trong chứ không ở những gì mà con người nhìn thấy, sức mạnh ấy phải được nhìn dưới con mắt của đức tin, và nhờ đức tin thì sức mạnh ấy mới được thực hiện (x. 1 Sm 17,34-37).

Đavít nói với tên Gôliát: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao.  Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức” (1 Sm 17,45).  Đavít đã tuyên bố rõ ràng, cậu đến không phải là với sức mạnh của cậu hay của người Israel, nhưng đến với sức mạnh của một vị Thiên Chúa sống động đã chọn Israel là dân riêng Người.  Có thể nói những lời cậu vừa dõng dạc tuyên bố, đó là lời nói của một đức tin trọn vẹn, có thể lời đó không là gì với người Philitinh, và cũng chỉ như trò cười trước mặt Gôliát.  Thế nhưng, với Israel đó là chỗ cậy dựa vững chắc đối với họ, và qua đó Thiên Chúa cũng nhắc nhở cho dân về niềm tin, khi họ đang quên Đấng luôn đồng hành với họ và là Vua đích thực của họ.  Qua sự xuất hiện của Đavít, Thiên Chúa cho mọi người thấy rằng đây chính là cuộc chiến của Thiên Chúa để bảo vệ dân chứ không phải là của quân đội Israel (x. 1 Sm 17,47).

Cuộc chiến bắt đầu khi tên Gôliát mạnh mẽ xông lên tiến về phía Đavít, đây là lúc sức mạnh Thiên Chúa thể hiện, Đavít xông lên và dùng dây phóng ném chỉ một hòn đá nhỏ vào trán, khiến tên Gôliát ngã sấp mặt xuống đất ngay lập tức.  Sau đó, Đavít đã dùng chính gươm của hắn, mà chặt đầu hắn mang về Giêrusalem như cậu đã tuyên bố trước quân đội hai bên (x. 1 Sm 17,48-51).  Đavít đã làm những gì theo ý Chúa và đã thành công.  Vũ khí thô sơ như đồ chơi của trẻ em đó, Thiên Chúa đã dùng để cho sức mạnh của Người được thể hiện, sức mạnh của hòn đá và hướng đi của hòn đá hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không phải là Đavít.

Có thể nói ý Chúa thật nhiệm mầu, bởi Người đâu cần phải dùng đến Đavít, mà chỉ cần phán một lời thì cả Gôliát và quân Philitinh sẽ không còn trên mặt đất.  Thế nhưng, qua Đavít Thiên Chúa muốn nói với dân người cách riêng và toàn thể chư dân nói chung đó là, “những gì mà con người cho là mạnh mẽ thì đối với Chúa chẳng có là gì, và những gì mà con người cho là yếu đuối thì trước mặt Chúa đó quả là mạnh mẽ, khi con người biết đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa” (1 Cr 1,26-30).  Kết quả, quân Philitinh đã tan tác như ong vỡ tổ và dân Israel được an toàn (x. 1 Sm 17,51).

Qua cuộc chiến tay đôi giữa Đavít và tên Gôliát, cho chúng ta có được một cảm nghiệm về đời sống đức tin ngay giữa lòng thế giới hôm nay.  Trước hết, hình ảnh về một Đavít thật yếu ớt và nhỏ bé trước mắt Gôliát cao to khỏe mạnh, như là hình ảnh của một dân Israel giữa muôn dân trên mặt đất, như là hình ảnh của Giáo Hội ngày nay đang trong hành trình tiến về quê trời giữa biết bao nhiêu là sóng gió và thử thách.  Còn Gôliát là một hình ảnh của các thế lực thù địch xung quanh như các học thuyết sai lạc, trào lưu xã hội bài trừ tôn giáo, bách hại…  Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi hãy trung thành và can đảm trong đức tin qua Giáo Hội, vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Cách đặc biệt hơn khi nhìn vào chính con người của mỗi chúng ta, để thấy được cuộc chiến đấu giữa một Đavít và Gôliát vẫn diễn ra thường ngày trong con người của mình, giữa những chọn lựa, nhất là trong hành trình đức tin, như cảm nghiệm của Thánh Phaolô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).  Hình ảnh Đavít, tượng trưng cho con người chúng ta thật yếu đuối và mỏng manh giống như một “ngọn gió thoảng qua.”  Còn Gôliát cao to, khỏe mạnh tượng trưng các thế lực xấu vẫn hằng ngày tìm cách để cám dỗ và loại bỏ chúng ta, hầu làm cho chúng ta xa dần tình yêu của Thiên Chúa (x. 1 Pr 5,8).  Chính vì thế, chúng ta dù yếu đuối và mỏng manh, chúng ta cũng luôn phải chiến đấu và chiến đấu tới cùng để không bị các thế lực sự dữ thống trị chúng ta (x. 1 Pr 5,9).

Thế nhưng, để có thể chiến thắng được quân thù, tự sức chúng ta không thể, vì quân thù rất mạnh và mưu mô; chúng ta chỉ có thể chiến thắng khi chúng ta có vũ khí trong tay đó là đức tin.  Nếu chúng ta dùng đức tin để chiến đấu, thì không phải chúng ta chiến đấu, mà chính Thiên Chúa sẽ chiến đấu thay cho chúng ta, giống như hình ảnh Đavít năm xưa trước Gôliát, và chắc chắn chúng ta sẽ dành được chiến thắng (x. Ep 6,10-14).

Thiên Chúa luôn gần gũi với con người, còn về phía chúng ta, chúng ta có để cho Thiên Chúa ở gần và ở trong ta hay không?  Chúng ta có giống như Đavít làm theo ý Chúa trong chương trình của Người hay không?  Mỗi người chúng ta hãy mở lòng mình để cho ý Chúa được thể hiện, chính những lúc đó, chúng ta sẽ có được cảm nghiệm như Thánh Phaolô, “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Chúng ta hãy sống theo sự hướng dẫn dưới con mắt đức tin, để có thể nhận ra được những dấu chỉ của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong vũ trụ.  Trong cuộc sống, đứng trước những sự dữ, đau khổ, bất công… và nhất là sự chết, nếu có không có đức tin, chắc chắn chúng ta cảm thấy thất vọng và buông xuôi mọi thứ (x. Rm 4,21).  Chỉ có trong đức tin, chúng ta mới tìm ra được ý nghĩa và lời giải đáp cho bản thân, cũng như người thân trong những trường hợp tưởng như là ngõ cụt (x. Ga 20,29).  Hơn nữa, nhờ đức tin, chúng ta sẽ có sức để chiến đấu vượt qua thử thách chông gai trong cuộc sống, vì “chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc” (Tv 90[91], 3).

Trong vũ trụ này, với những thay đổi theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, nhưng dù chúng ta phải đối diện với những thay đổi theo hướng nào đi nữa thì hãy xác tín rằng, Chúa chính là chủ của vũ trụ và Người đang hướng dẫn để đưa chúng đạt đến sự hoàn hảo.  Vì thế, dù là những điều nhỏ bé và tầm thường đang diễn ra trong vũ trụ thì cũng nằm trong ý định của Chúa.  Chính Chúa đang dùng những gì tầm thường ấy để thực hiện chương trình nhiệm mầu của Người.

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa sống động, Người đã, đang và tiếp tục yêu thương ta, bởi Người là tình yêu (x. 1 Ga 4,16).  Người là khởi đầu và cũng là cùng đích của cuộc sống chúng ta (x. Kh 22,13).  Vì thế, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa luôn ở ngay bên ta và trong ta để giúp ta, nếu ta biết dành chỗ cho người (x. Tv 90(91)).  Hãy tín thác và dâng lên cho Người tất cả những vui buồn và khó khăn, để Người ban ơn và giúp ta vượt qua như Đavít xưa.  Hãy can đảm và dựa vào ơn Chúa, loại bỏ trong chúng ta những gì là ích kỷ hẹp hòi, những gì là tự kiêu, tự phụ… để luôn ngoan ngoãn trong Chúa.  Hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang làm cho vũ trụ này đạt đến sự hoàn thiện qua sự cộng tác của mỗi người chúng ta.  Như thế, chúng ta sẽ luôn giữ được sự bình an trong cuộc sống, vì có Chúa luôn ở cùng.

John Phạm

TƯỞNG LẦM

Trong đời sống có rất nhiều điều hiểu lầm.  Chẳng hạn xưa kia khi thấy mặt trời cứ sáng mọc tối lặn, người ta tưởng rằng trái đất đứng yên và mặt trời di chuyển chung quanh trái đất.  Nhưng khoa học tiến bộ đã minh chứng mặt trời đứng yên, chính trái đất mới xoay chung quanh mình và chung quanh mặt trời.  Trong đời sống đạo cũng đã có những hiểu lầm như thế.  Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế sẽ uy nghi từ trên mây trời hiện đến.  Không ngờ Người lại do một thôn nữ dưới đất sinh ra.  Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải ngự trong lâu đài sang trọng của vua chúa.  Nhưng không ngờ Người lại sinh ra trong chuồng bò lừa.  Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải uy quyền lẫm liệt.  Nhưng không ngờ Người lại quá hiền lành khiêm nhường.  Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải đánh đông dẹp bắc, đập tan quân thù, đưa nước Do Thái lên địa vị bá chủ.  Nhưng không ngờ Người chịu thua hết mọi người, chịu hành hạ, chịu sỉ nhục, chịu chết như một kẻ tội lỗi.  Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế là một ông vua có kẻ hầu người hạ.  Nhưng không ngờ chính Người lại quỳ xuống hầu hạ, rửa chân cho các môn đệ.

Có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, người ta cũng sai lầm về người môn đệ.  Người ta cứ tưởng theo Chúa thì sẽ được chức cao quyền trọng trong Nước Chúa.  Nên bà Giêbêđê mới xin Chúa cho hai người con là Gioan và Giacôbê được ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong Nước Chúa.  Nhưng không ngờ Chúa không hứa cho chức quyền mà chỉ hứa cho uống chén Người sẽ uống, nghĩa là phải chết.  Người ta cứ tưởng người làm lớn trong Nước Chúa sẽ được trọng vọng, được phục dịch.  Nhưng không ngờ Chúa lại bảo: “Ai trong anh em muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em.”  Người ta cứ tưởng theo Chúa thì Chúa sẽ cho mọi sự may mắn ở đời, được thành công, được giàu sang.  Nhưng không ngờ Chúa lại bảo: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo.”

Hôm nay, sau khi nghe các môn đệ báo cáo về dư luận quần chúng, Đức Giêsu thấy họ quá sai lầm về Người, về vai trò Cứu thế của Người, về con đường cứu chuộc.  Nên Người đã dậy rõ ràng cho các môn đệ biết Đấng Cứu thế thực là Con Thiên Chúa.  Nhưng con đường Người đi là con đường thập giá.  Người phải chịu đau khổ, chịu hành hạ, chịu sỉ nhục, và phải chịu chết.

Người cũng cho các môn đệ biết ai muốn theo Người cũng sẽ phải đi vào con đường của Người.  Phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Người.

Phải chăng Thiên Chúa muốn hành hạ con người, muốn con người tàn lụi chứ không muốn con người phát triển, muốn con người phải chịu đau khổ chứ không muốn con người được hạnh phúc?  Tại sao trên trần gian, người ta thường hứa hẹn cho những người theo mình hạnh phúc sung sướng mà Chúa thì làm ngược lại, chỉ hứa cho những người theo mình thánh giá và đau khổ?  Thưa, chắc chắn Chúa muốn cho con người được hạnh phúc.  Chính vì muốn con người được hạnh phúc mà Chúa đã phải xuống trần gian để cứu chuộc con người.  Nhưng thứ hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho con người không phải là thứ hạnh phúc giả tạo dễ dàng và mau qua.  Chúa muốn cho con người được hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc đích thật, hạnh phúc không bao giờ tàn úa.  Muốn được hạnh phúc đó, con người phải kinh qua những vất vả, đau đớn.  Đau đớn nhất là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình.  Những vất vả đau đớn không phải là vì Chúa độc ác muốn hành hạ con người.  Những đau đớn từ bỏ mình không phải là vì Chúa muốn con người đi vào tàn lụi diệt vong.  Nhưng đó là qui luật, là điều kiện để được sự sống, được hạnh phúc đích thật.

Chính Đức Giêsu cũng phải đi qua con đường thập giá khổ nhục mới đến hạnh phúc.  Chính Người phải kinh qua cái chết đau đớn mới tới ngày phục sinh vinh quang.  Nên Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Thành ra, đau khổ Chúa hứa không phải để hành hạ con người, nhưng là con đường dẫn con người đến hạnh phúc đích thực.  Thập giá và cái chết không phải để đưa con người vào tàn lụi, nhưng chính là điều kiện để con người được tái sinh và triển nở trong đời sống mới, đời sống vĩnh cửu với hạnh phúc không bao giờ tàn.

Những lời Chúa nói hôm nay, tuy khó nghe và khó chấp nhận.  Nhưng đó là sự thật và là con đường đưa ta đến hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu.  Chúa đã không lừa mị ta, không hứa hẹn cho ta những gì dễ dãi, chóng qua.  Chúa chỉ cho ta đường ngay nẻo chính.  Chúa mời gọi ta phải dũng mạnh, can đảm và quyết liệt trong cuộc chạy đua dành lấy hạnh phúc nước trời.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình, vác thập giá mình mà bước theo Chúa.  Amen!

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Đã là người, không ai tránh khỏi thập giá.  Thập giá có thể làm tê liệt hoặc hủy hoại con người, nhưng nó cũng có thể là phương tiện giúp người ta nhận ra sự thực về chính mình, giúp người ta gần gũi và tùy thuộc Thiên Chúa hơn.

1) Thập Giá

Khi một người đang đi xe trên đường, gặp một cây lớn nằm vắt ngang; việc đưa chiếc xe vượt qua cản trở này là một vất vả với họ; cây nằm ngang đường đúng là “thập giá”.  Tùy cây đó lớn nhỏ mà người ta có thể vượt qua chướng ngại đó hay không.  Chuyện cái cây vắt ngang đường chỉ là một hình ảnh, “thập giá” cũng có thể là “cây” mà người ta đã ấn trên vai Đức Giêsu, và bắt Ngài vác ra gò Sọ, nơi mà chẳng ai muốn cho mình.  Trên đường đời, có bao nhiêu cản trở vắt ngang; nó có thể là những bệnh tật, những thất bại trong đường công danh sự nghiệp, điều không được như ý trên đường tình duyên.

Thập giá đã hủy diệt nhiều người, nếu người ta không vượt qua được mà cũng không sẵn sàng chấp nhận thập giá.  Có nhiều người cảm thấy bất hạnh khi gặp những bệnh nan y, thế nhưng cũng có những người chấp nhận bệnh hoạn, và vui sống trong hoàn cảnh của mình.  Có những người mắc bệnh phong, nhưng vẫn vui trong tình trạng và hoàn cảnh của họ; họ còn lạc quan hơn nhiều người không mắc bệnh gì.

Vượt qua cái cây đổ ngang trên đường, là điều có thể làm được.  Tránh khỏi thập giá người ta ấn trên vai như trường hợp Đức Giêsu bị dẫn trên đường đến gò Golgotha, là điều không thể.  Có lúc người ta vượt qua thập giá, nhưng có lúc người ta phải chấp nhận thập giá; chấp nhận thập giá cũng là một cách vượt qua thập giá.  Đức Giêsu là người đã vượt qua thập giá bằng cách chấp nhận; và các Kitô hữu anh hùng tử đạo cũng là những người đã noi gương Đức Giêsu, vượt qua thập giá bằng cách chấp nhận; các ngài đã lãnh nhành thiên tuế.

2) Thập Giá của Đức Giêsu

Thời Đức Giêsu, người Do Thái sống dưới ách thống trị của người Roma, hình phạt chết treo thập giá là một điều khủng khiếp, một mối nhục.  Người Roma không bị kết án chết trần truồng trên thập giá.  Án thập giá chỉ dành cho những dân bị trị.  Án thập giá là án ô nhục nhất giữa những hình phạt dành cho tội nhân.  Đức Giêsu đã bị thi hành án ở gò Sọ, gần thành Yêrusalem, bên đường đi.  Sở dĩ những người lãnh án bị hành hình nơi có người qua lại như thế, là nhằm răn dạy những người còn sống: nếu họ hành xử như vậy, họ cũng sẽ bị hình phạt như thế.  Những người cầm quyền mong rằng, khi người ta nhìn thấy cảnh khủng khiếp của những tội nhân tử hình như vậy, người ta sẽ khiếp sợ mà không phạm tội nữa.

Đức Giêsu đã bị chết treo thập giá giữa hai người trộm cướp.  Ngài bị người ta liệt vào đồng hàng với những người tệ nhất trên đời.  Hình phạt tử hình thập giá cho Ngài như cao điểm thập giá trong đời Ngài, tuy nhiên thập giá đã không thiếu trong suốt đời Đức Giêsu.  Sinh trong một gia đình nghèo, thiếu điều kiện sống và ăn học, cũng là thập giá đối với nhiều người; sống trong một làng nghèo, với nhiều người, cũng là một thập giá.  Khi đi rao giảng, Đức Giêsu đã bị nhiều người chống đối; Ngài bị người ta cho là người mất trí, một kẻ lộng ngôn phạm thượng, một kẻ thuộc phe quỷ vì lấy quyền của tướng quỷ mà trừ quỷ, một tội nhân.  Bao nhiêu chống đối, bao nhiêu bất lợi trên đời: đó cũng là những thập giá đối với Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã không bị hủy diệt bởi dư luận, bởi thế lực phàm trần.  Người ta có thể vu oan giá họa cho Ngài, người ta có thể giết Ngài, nhưng người ta không thể bắt Ngài khuất phục.  Ngài là con người tự do với tất cả: tự do với tiền bạc, tự do với dư luận khen chê, tự do với mọi thế lực hãm hại Ngài.  Ngài vẫn cố sống cho ra người, trong mọi hoàn cảnh, và sống yêu thương.  Tất cả những hoàn cảnh và thái độ của người ta đối với Ngài, vẫn không thay đổi được thái độ thẳm sâu của Ngài đối với mọi người: yêu thương.  Ngài yêu thương tất cả con người, thông cảm với những giới hạn của con người, ngay cả đối với những người thù ghét và giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết.”

3) Thập giá tôi luyện con người

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức.”  Đường gian nan, sông khúc khuỷu, mới biết tay đua giỏi. “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai.”  Con người ta lộ diện mình là ai, khi gặp những lúc gian nan sóng gió.  Trước khi đưa một vật tưởng là vàng mà không phải là vàng thật vào lửa, người ta có thể lầm tưởng nó là vàng thật; nhưng một khi đưa nó vào lửa, lửa giúp người ta nhận ra sự thật: nếu là vàng thật nó sẽ không biến đổi, còn nếu là vàng giả thì nó sẽ biến đổi màu.

Thập giá giúp con người biết rõ về mình, biết mình là ai.  Thập giá giúp mình nhận ra mình thật mong manh mỏng dòn, và cần Thiên Chúa giúp để có thể vượt qua những sóng gió chông gai trên đường đời.  Thập giá, đối với những ai thuộc về Thiên Chúa, có thể giúp con người cậy dựa vào Thiên Chúa, tùy thuộc Thiên Chúa, gần gũi Thiên Chúa, thuộc trọn về Thiên Chúa hơn.

Thập giá không phải luôn luôn đến từ sự dữ, nhưng giả sử nếu nó do sự dữ thì con người vẫn chiến thắng sự dữ nhờ vào Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã chiến thắng sự dữ nhờ Thiên Chúa.  “Khi con người bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta.”  Chính khi sự dữ giết được Đức Giêsu, thì lúc đó nó chiến bại.  Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu.  Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.  Những ai kết hiệp với Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa, thì sẽ chiến thắng sự dữ, vì Thiên Chúa chiến thắng sự dữ qua chính người đó.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Giáo hội mừng kính ngày sinh nhật Đức Maria từ thế kỷ thứ sáu.  Ngày sinh nhật được chọn trong tháng Chín vì Giáo Hội Đông Phương bắt đầu niên lịch phụng vụ từ tháng Chín.  Chọn ngày mùng 8 vì lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày 8 tháng 12 (chín tháng trước).

Ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ là niềm vui lớn lao của toàn thể nhân loại, vì là ngày mừng kính mầu nhiệm khởi đầu của ơn cứu chuộc, như lời thánh Anrê Giám mục thành Crêta nói: “Chúng ta mừng kính việc Mẹ Thiên Chúa sinh ra như mầu nhiệm khởi đầu, còn tận cùng là việc Ngôi Lời mặc lấy xác phàm.

Quả vậy, Đức Trinh Nữ được sinh ra, nuôi dưỡng và khôn lớn, để chuẩn bị làm Mẹ Thiên Chúa.”  Nhờ đó, chúng ta được hai mối lợi: một là được tới Chân Lý, hai là được thoát khỏi cảnh sống nô lệ cho lề luật.  Điều đó xảy ra thế nào và bằng cách nào?  Chắc chắn ánh sáng tới thì bóng tối lui đi, và ân sủng đem lại tự do cho con người: ngày lễ trọng hôm nay chính là ranh giới, đem Chân Lý đến tiếp vào những hình bóng loan báo cũ, và lấy các điều mới đến thay cho những cái xưa.

Vì vậy, mọi tạo vậy hãy đồng ca và nhảy mừng, và cùng nhau hoan hỷ trong ngày này.  Hôm nay trời và đất hãy cùng nhau mừng lễ.  Dưới thế và trên trời hãy cùng nhau mở hội.  Vì chưng hôm nay đã thiết lập đền thánh cho Đấng Tạo Dựng mọi loài, và nhờ một sự an bài mới mẻ và tuyệt diệu, một tạo vật đã nên nhà mới đón tiếp Đấng tạo hóa.”

Giáo Hội không mừng ngày sinh của các thánh.  Ngày sinh của con cái Ađam là một ngày u buồn tràn đầy nước mắt, và cái di sản thảm khốc của tội lỗi mà chúng ta mang theo khi vào đời.  Nhưng trong lịch sử phụng vụ Công giáo, chúng ta thấy có ba lễ mừng sinh nhật: của chính Đức Giêsu, của Trinh nữ Maria, và của thánh Gioan Tẩy Giả.  Lý do là vì chỉ có ba vị xứng đáng được mừng ngày sinh nhật, vì các ngài không vướng mắc tội tổ tông truyền, được thánh hóa ngay từ lúc nằm trong lòng mẹ, việc chào đời của các ngài là một biến cố vui mừng đặc biệt.  Riêng với Đức Trinh Nữ Maria, những lễ kính ngài là “Những lễ kính nhớ biến cố sinh ơn cứu rỗi, trong đó Chúa Giêsu và Mẹ maria đi liền với nhau, như lễ sinh nhật Đức Maria ngày mà hy vọng và vầng hồng cứu rỗi ló dạng trên trần gian” (Marialis cultus 7).

Bởi vậy, ngày sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria, Giáo hội hân hoan ca tụng: “Lạy Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, việc Mẹ sinh ra loan báo niềm vui cho cả thế gian.  Vì từ lòng mẹ phát sinh mặt trời công chính là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.  Đấng xóa bảo án phạt mà ban phúc lành, tiêu diệt sự chết và ban sự sống đời đời cho chúng con.” (ad Bened , ad laudes).

Kinh Thánh không đề cập gì đến việc sinh hạ Đức Maria.  Tuy nhiên, bản văn mà người ta cho là phúc âm nguyên thủy của Thánh Giacôbê có đề cập đến sự kiện này.  Bản văn này không có giá trị lịch sử, nhưng nó cho thấy quá trình sùng kính đạo của Kitô hữu.  Theo bản văn, bà Anna và ông Gioankim vì hiếm muộn nên cầu xin cho được một đứa con.  Họ được hứa cho một người con mà trẻ này sẽ giúp hình thành kế hoạch cứu chuộc trần gian của Thiên Chúa.  Cũng như nhiều câu truyện khác trong Tin Mừng, câu truyện trên cho thấy sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời Đức Maria ngay từ đầu.

Thánh Augustinô nối kết việc sinh hạ của Đức Maria với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu.  Thánh nhân nói trái đất hãy vui mừng và bừng sáng vì việc sinh hạ Đức Maria: “Ngài là bông hoa trong cánh đồng mà từ đó đã nảy sinh hoa huệ quý nhất vùng châu thổ.  Qua sự sinh hạ của ngài, bản chất mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đã thay đổi.”

“Ngày hôm nay bà Anna hiếm muộn vỗ tay reo mừng, trái đất bừng sáng, các vua hát mừng, các tư tế hân hoan chúc lành, toàn thể vũ trụ vui mừng, vì ngài là hoàng hậu và là nàng dâu trinh khiết của Chúa Cha đã nảy sinh từ gốc Giêsê” (phỏng Kinh Nhật Tụng của Đông Phương).

Truyền Thông Thái Hà tổng hợp từ Lm. Giuse Phạm Đức Tuấn
Nguồn:  http://nhathothaiha.net