KINH MÂN CÔI – LỜI KINH KỲ DIỆU (có Youtube)

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng sau khi đắc cử Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã ký thác sứ vụ của ngài cho Đức Mẹ Maria và giới thiệu lại Kinh Mân Côi cho toàn thế giới như là “lời kinh diệu kỳ.”

Sau hai mươi lăm năm, tức là vào dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư “Kinh Mân Côi,” một lần nữa ngài ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mân Côi là lời kinh kỳ diệu.  Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.

Vâng, Kinh Mân Côi là kinh phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng đâu là nét kỳ diệu của Kinh Mân Côi?

1) Kinh Mân Côi hệ tại việc gặp gỡ Đức Maria trong tình mẫu tử

Đành rằng lời kinh nào dâng lên Đức Maria cũng là dâng lên trong tình mẫu tử, như được thể hiện qua truyền thống cầu nguyện Việt Nam, nhất là trong lãnh vực ca nguyện.  Cứ thử làm một bảng liệt kê những ca khúc hát dâng Đức Mẹ ắt sẽ rõ.  Nhiều lắm.  Chỉ những ca khúc bắt đầu bằng chữ “Mẹ ơi” từ nốt bậc năm về nốt bậc một không phân biệt trưởng thứ cũng có thể làm thành một cuốn sưu tập không mỏng.  Nhưng vượt lên tất cả, riêng Kinh Mân Côi đã đẩy tình mẫu tử ấy lên một cung bậc diệu kỳ.

Phần đầu Kinh Kính Mừng dựa trên Phúc Âm là lời chào của sứ thần Gabriel phối hợp với lời mừng của bà Êlisabet làm thành lời xưng tụng Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng từ trời cao xuống thế làm người.  Phần sau Kinh Kính Mừng là lời xin ơn trợ giúp qua đó tín hữu xưng hô Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.  Và tổng hợp cả hai phần ngắn ngủi đọc lên chỉ trong mười lăm giây đồng hồ là cả một lời kinh kỳ diệu nối kết tâm tình con thảo vào với mầu nhiệm Đức Maria trên đỉnh vị thế là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ con người; Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của mỗi người chúng ta.

Nếu “nải chuối buồng cau, đường mía lau xôi nếp một” là ca dao tình mẹ ngọt ngào trong văn học dân gian Việt Nam, thì Kinh Kính Mừng quả là lời kinh tuyệt diệu ngọt ngào tình mẫu tử thiêng liêng giúp ta gặp được Đức Maria cao xa là Mẹ Chúa Trời, nhưng vẫn cứ luôn gần gũi với người dương thế cho dẫu phận người hôm nay không đẹp đẽ gì, vì xét cho cùng chỉ là kẻ có tội “khi nay và trong giờ lâm tử.”  Chính vì thế Kinh Kính Mừng đã trở thành lời nguyện tắt mọi lúc mọi nơi.

2) Kinh Mân Côi: Qua Mẹ để tới Chúa Kitô

Thật vậy, hình thức lời kinh trực tiếp dâng lên Đức Mẹ, nhưng nội dung chiêm niệm lại là mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu trải ra theo mười lăm ngắm truyền thống Vui Thương Mừng và năm mầu nhiệm sự Sáng do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề nghị.  Chả thế mà Đức Phaolô VI trong Tông huấn Marialis Cultus đã gọi Kinh Mân Côi là “cuốn Phúc Âm rút gọn”,  rất gọn không còn cách nào gọn hơn được nữa, để có thể ghi vào trong bộ nhớ sống, sẵn sàng bung ra làm việc trên màn hình máy tính cuộc đời.  Từ việc Chúa Giêsu sinh ra trong Máng cỏ đến việc Người biến hình trên Núi Tabor, rồi qua việc Người như bị Chúa Cha ruồng bỏ, để hiện hình sáng tỏ trong mùa Phục Sinh.

Tất nhiên người ta có thể đến với Chúa Giêsu bằng nhiều cách khác nhau như đọc Phúc Âm, rước Thánh Thể, thương giúp người…, nhưng đến với Chúa Giêsu bằng cung cách của Kinh Mân Côi thì quả là độc đáo; không phải là bí tích nhưng hiệu quả dọn đường cho bí tích; không phải là Phụng Vụ nhưng tâm tình rất cận kề Phụng Vụ; và nhất là được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu và theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm trong lòng”, tức là “khẩu tụng” đều đều lời kinh Đức Mẹ và “tâm suy” dài dài cuộc đời Đấng Cứu Thế.

“Ad Jesum per Mariam” chính là đây, bằng phương thức tụng niệm tức là vừa đọc vừa suy niệm của Kinh Mân Côi.  Đó là kết cấu tinh thần.  Ngay trong kết cấu vật thể của tràng hạt Mân Côi, người ta cũng thấy rõ dụng ý này: năm mươi Kinh Kính Mừng kết thành tràng hạt, nhưng cả tràng hạt chỉ được kết thúc bằng tượng Chúa Giêsu chịu chết treo trên Thánh Giá.  Thật diệu kỳ được Đức Mẹ dẫn tới Chúa Giêsu.

3) Kinh Mân Côi là phương thế giúp người người vững bước trên đường nên thánh

Khi nêu lên hiệu quả thánh hóa của Kinh Mân Côi trong nhịp sống Giáo Hội, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã không quên gợi lại những chứng tích lịch sử, những khuôn mặt tiền nhiệm, những lời kêu gọi của Đức Mẹ trong những lần hiện ra tại Lộ Đức và Fatima, và nhất là chính kinh nghiệm bản thân gắn bó với chuỗi Mân Côi, ngày xưa còn bé cũng như trong sứ vụ hiện nay, và cách riêng qua biến cố ngài bị ám sát hụt ngày 13 tháng 05 năm 1981 kỷ niệm dịp Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima.  Kinh Mân Côi, như kiểu nói bình dân, chính là vũ khí giúp ta chống lại ba thù “ma quỷ, thế gian, xác thịt”, và là sinh tố tăng cường ba việc “nên thánh, mến Chúa, yêu người.”

Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lặp đi lặp lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng Cỏ ấp ủ qua Thập Giá, trui rèn tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng.  Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi để theo lời kinh thả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.

Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn hầu hết chúng ta là những nhà “tu hành” nghĩa là tu thân bằng việc hành đạo như người giáo dân, hay đi tu mà vẫn phải đi tới đi lui, đi xuôi đi ngược ở giữa cuộc đời như các giáo sĩ triều, thì Kinh Mân Côi chính là một hành trang và phương tiện “bỏ túi” (hoặc đeo tay đeo cổ) gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội.  Theo định nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.

Tóm lại, Kinh Mân Côi, đúng như kiểu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chính là lời kinh diệu kỳ dâng qua Đức Mẹ tới Chúa Giêsu để người đọc được vững bước đi trên đường thánh hóa.  Chúng ta quyết tâm đọc Kinh Mân Côi với nhiều xác tín hơn, để tâm hồn được bình an hơn, và nhất là từng người được nỗ lực sống thánh đức hơn.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống (trích trong “Từng Bước Một Thôi”)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

NHỮNG ĐẠI ÁN (có Youtube)

Ngày xưa, khi xem phim Tàu, hay có nội dung kể về những đại án, tức là những vụ án nghiêm trọng.  Những vụ đại án này có thể là lịch sử, có thể là hư cấu, nhằm giúp cho hậu thế rút ra những bài học thâm thúy.  Những đại án được kể lại trong phim, vừa cho thấy sự thanh liêm can đảm của một số vị thẩm phán, vừa cho thấy sự tham lam hiểm độc của con người.  Khái niệm về đại án tưởng chỉ có trong những bộ phim cổ, nay xuất hiện trong xã hội của chúng ta.  Báo chí đang thông tin rộng rãi về vụ đại án liên quan đến các lãnh đạo của Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank), mà mức thiệt hại lên tới nhiều ngàn tỉ đồng.  Thế mới thấy lòng tham thời nào cũng có.  Con người luôn bị lôi kéo do ma lực của đồng tiền.  Họ tối mắt trước lợi lộc vật chất, tán tận lương tâm và sẵn sàng chiếm đoạt của công một cách bất chính.  Những vụ đại án này để lại hậu quả vô cùng tai hại cho xã hội, làm mất niềm tin của con người vào các tổ chức xã hội.

Những vụ đại án trước hết liên quan đến những “đại quan” của thời đại mới.  Những kẻ tham lam phải hầu tòa toàn là người có chức quyền.  Những người này là ai?  Họ là nguyên Phó thống đốc ngân hàng nhà nước (ông Phạm Thanh Bình), là cựu chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng lớn (ông Hà văn Thắm) và một số lớn những quan chức đã có thời “nói mọi người phải nghe và đe mọi người phải sợ.”  Con đường thăng quan tiến chức của họ được nhận định là “thần tốc” hoặc “thần kỳ”, vì có những người đứng đàng sau đỡ đầu.  Một điều nực cười là một số cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc” không do khả năng mà là vì “hot girl”, như trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa.  Vì bổng lộc nhiều, nên những người này cũng rộng tay chi tiền để tạo mối quan hệ làm ăn.  Người dân nghe những con số trong vụ án mà ngỡ ngàng, bởi lẽ cán bộ tặng quà cho nhau vài tỉ đồng là chuyện thường tình.  Càng xét xử, vụ án càng phát hiện ra nhiều “vòi bạch tuộc” có liên quan đến nhiều ban ngành.  Một câu hỏi được đặt ra: liệu vụ án này có được xử cách rốt ráo, để người dân tin vào pháp lý nơi công đường?  Bà Trương Thị Minh Thơ, một luật sư trong vụ án, đã quả quyết hồ sơ của vụ án Ocean Bank đã bị đánh tráo (x. báo điện tử Vietstock ngày 29-8-2017).  Người dân nghèo quanh năm vất vả với đồng ruộng hoặc đồng lương còi trong các công ty nghe những con số mà giật mình.  Không biết những người đã nhận tiền của các bị cáo sẽ bị xét xử ra sao?  Liệu tiền bạc thất thoát có được thu hồi về cho công quỹ nhà nước?

Tính nghiêm trọng của những đại án thể hiện qua những “đại số.”  Con số thống kê về tài sản bị thất thoát càng ngày càng lớn.  Những vụ tham nhũng khám phá sau thường nghiêm trọng hơn các vụ tham nhũng trước về mức độ thiệt hại cũng như về cách thức tinh vi.  Số tiền thiệt hại thường được tính bằng ngàn tỉ đồng.  Một câu hỏi được đặt ra: tiền ở đâu ra mà sao người ta giàu có thế?  Trong vụ đại án Ocean Bank, Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai đem tiền tỉ đi chăm sóc các khách hàng lớn của Ocean Bank (x. Trang điện tử “Báo mới,” ngày 13-9-2017).  Số tiền vài tỉ người ta cho nhau dễ dàng như cho hộp bánh hộp kẹo.  Số lượng những người có liên quan cũng thuộc loại kỷ lục.  Cũng trên trang điện tử “Báo mới” ngày 14-9, chúng ta đọc thấy: “Đại án Ocean Bank có thể được xem là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay với việc tòa án phải triệu tập hơn 700 đương sự bao gồm những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự, người làm chứng…  Đặc biệt, trong đó có một loạt các doanh nhân “khủng” là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, Tổng giám đốc Ocean Bank và nhiều tập đoàn kinh tế lớn như PVN (Tập đoàn dầu khí VN), BSR (Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn).”  Chính vì số những người có liên quan đông như vậy, nên việc kiểm tra giấy chứng minh nhân dân theo nguyên tắc của tòa án được thực hiện từ 8 giờ mãi đến 14 giờ mới xong (!).

Những đại án này để lại những “đại họa.”  Lý do các bị cáo phải trình diện trước vành móng ngựa là: lợi dụng chức quyền, làm thiệt hại của nhà nước nhiều tỉ đồng.  Tiền của nhà nước là của dân, là công quỹ, do dân đóng thuế.  Tiền này phải được sử dụng để mang lại ích lợi cho dân, để xây dựng những công trình phúc lợi và giúp người nghèo vùng sâu vùng xa, vùng núi hay người thiểu số.  Tiếc thay, số tiền này đã bị một số “đại quan” thời hiện đại chiếm hữu làm của riêng.  Họ là những nhân tố làm nghèo đất nước.  Trong khi cán bộ giàu có, ăn chơi phung phí thì những em nhỏ vùng cao vẫn thiếu áo mặc, thiếu trường học và thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống.  Một trong những “đại họa” đến từ những đại án này là người dân mất niềm tin.  Vì tiền công quỹ không được quản lý tốt, để thất thoát và rơi vào tay một số cá nhân, nên người dân không còn niềm tin vào bộ máy quản lý của chính quyền.  Hậu quả là người dân tìm cách luồn lách để trốn thuế.  Nạn tham nhũng đang làm mất niềm tin, vốn đã mỏng manh, nơi người dân vào hệ thống quản lý xã hội.  Ngày cuối năm 2016, trang điện tử Vietnamnet đã đưa ra một nhận định tổng kết như sau: “10 năm qua, thiệt hại do tham nhũng lên tới gần 60.000 tỉ đồng, nhưng chỉ thu hồi được hơn 4.600 tỉ (chưa được 10%), vậy nhưng nhà nước vẫn chưa có các biện pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng” (x.Vietnamnet 31-12-16).

Nguyên nhân dẫn đến những đại án này là “đại tham”, tức là lòng tham vô đáy của con người.  Khi được trao một nhiệm vụ trong xã hội, nhiều người đã tìm cách lợi dụng công quỹ để làm lợi cá nhân.  Họ như những con đỉa hút máu xã hội để vinh thân phì gia cho mình.  Nói về tham nhũng, một vị lãnh đạo của nhà nước ta đã so sánh những kẻ tham nhũng như lũ chuột đang ngày đêm đục khoét làm nghèo đất nước.  Sau đây là lời của Bà Nguyễn Thị Doan, khi còn làm Phó Chủ tịch nước: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỉ, vừa rồi mới khởi tố.  Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội.  Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì” (x. Báo Tuổi trẻ Online, 11-9-2013).

“Chớ lấy của người; Chớ tham của người.”  Đó là hai trong mười lệnh truyền của Thiên Chúa, được ghi lại trong luật Giao ước Ngài đã ban cho dân Do Thái qua thủ lãnh Môisen.  Đó cũng là luật Chúa đã ghi khắc trong lương tâm mỗi người.  Lời giáo huấn này cũng được diễn tả trong mọi nền văn hóa.  Người Anh có câu ngạn ngữ: “Kẻ nào tham lam tài sản của người khác thì đáng phải mất tài sản của chính mình.”  Người Trung Hoa thì sâu sắc hơn: “Lòng dục không trừ, thì như con thiêu thân đâm vào lửa, cháy mạng mới thôi; lòng tham không bỏ, thì như con đười ươi thích uống rượu, đổ máu mới thôi.”  Người Việt chúng ta thì so sánh: “Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!”  Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Lòng tham của con người vẫn là một cám dỗ mạnh mẽ.  Nó làm cho người ta quên Chúa, quên tha nhân và tìm cách chiếm đoạt bằng mọi giá.  Hy vọng những đại án này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có chức quyền.  Dư luận cũng mong muốn có những vị thẩm phán anh minh, những “bao công” của thời hiện đại, để góp phần trừ gian, ổn định và phát triển đất nước.  Mong thay!

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Hải Phòng, ngày 20 tháng 9 năm 2017 – Nguồn: WHĐGMVN

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TÁ ĐIỀN VÀ VƯỜN NHO (có Youtube)

Có một bản tin gây nhiều xúc động, đó là: một thanh thiếu niên phạm pháp được trả tự do tạm thời, nhờ hạnh kiểm tốt trong thời gian bị giam tù.  Vì không còn cha mẹ, nên em này được một người trong vùng nhận làm con nuôi và em được đối xử tốt đẹp như năm người con khác trong gia đình, không chút kỳ thị phân biệt.  Cha mẹ nuôi cũng như anh chị em mới trong gia đình cố gắng làm hết mọi sự để giúp em cảm nhận được tình yêu thương chân thành trong gia đình mới.

Một hôm, em được phép cha mẹ cho đi tham dự buổi tiệc sinh nhật của người bạn với lời nhắn nhủ là “hãy trở về nhà trước 11 giờ khuya.”  Nhưng 11 giờ, rồi 12 giờ và 1 giờ sáng mà em vẫn chưa về.  Mọi người trong nhà đã đi ngủ, chỉ trừ cha mẹ nuôi của em canh thức đợi em về với nhiều lo lắng, cuối cùng 2 giờ sáng em mới về tới nhà.  Không một lời giải thích hay xin lỗi cha mẹ nuôi gì cả, nhưng phần cha mẹ nuôi chỉ trách nhẹ em một câu: “Này con, lần sau con ráng về đúng giờ để cha mẹ không phải lo lắng đợi chờ con nữa.”

Sáng hôm sau, khi mọi người trong gia đình kẻ đi làm người đi học, chỉ còn lại mẹ nuôi ở nhà, và bất ngờ, người thiếu niên này dùng một khúc sắt từ sau lưng tiến lại đập đầu người mẹ nuôi của em.  Trước toà án, em không chút hối hận và người cha nuôi của em trong cơn đau khổ tột cùng chỉ thốt lên một lời: “Nó đã giết chết người vợ thân yêu của tôi.  Đây là một hành động vô ơn tột cùng.”

Sự việc trên có thể giúp chúng ta phần nào hiểu thấu được dụ ngôn: “Người tá điền và vườn nho” được nhắc lại trong bài Tin Mừng hôm nay.  Đó là thái độ vô ơn tột cùng của những người giữ vườn nho đáng trách, họ đã khước từ và giết hại những người làm mà ông chủ sai đến, rồi cuối cùng họ cũng giết chết luôn cả người con của ông chủ.

Thái độ vô ơn tột cùng này cũng là một lời cảnh tỉnh cho mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay, qua đó nhắc nhở chúng ta hãy xét lại thái độ sống của mình đối với Thiên Chúa.  Như ông chủ vườn nho, Thiên Chúa nhân lành luôn thông cảm và tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, một khi chúng ta biết trở về với Ngài.

Mặt khác, Thiên Chúa trao cho chúng ta công việc chăm sóc vườn nho của Ngài, để chúng ta làm trổ sinh hoa trái tốt đẹp.  Hơn nữa, Ngài đã không ngừng sai những sứ giả của Ngài đến để nhắc nhở chúng ta tích cực chăm sóc vườn nho cho Ngài.  Vì thế chúng ta phải có bổn phận biết ơn là dâng lại cho Ngài những điều tốt đẹp, những chùm nho ngon ngọt của việc làm tốt mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.  Nhưng, có thể thay vì dâng cho Ngài những chùm nho ngon ngọt, thì chúng ta lại có những thái độ thù nghịch chống lại Ngài, chống lại Thiên Chúa, chống lại những sứ giả mà Ngài đã sai đến với chúng ta.

Vậy, thử hỏi còn điều gì có thể làm được cho con người mà Thiên Chúa đã không làm để cứu rỗi, để hướng dẫn và ban hơn nữa cho chúng ta hay không?

Chính Ngài đã sai Con Một Ngài đến cứu rỗi chúng ta, và hy vọng con người sẽ không giết hại Con Ngài, nhưng sẽ lắng nghe lởi Người: “Đây là Con Ta yêu dấu, các người hãy vâng nghe lời Ngài.”

Thật thế những kẻ vô tâm, bất nhân bất nghĩa đã làm việc bất nhân, thay vì dâng lời cảm lạ Thiên Chúa thì lại giết chết Con Thiên Chúa, giết chết người ân nhân vĩ đại của cuộc đời mình.  Xin Chúa ban ơn biến đổi cho mỗi người chúng ta, giúp chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ khẩn cầu Chúa ban cho mỗi người chúng con được bắt chước gương sống của Mẹ: Khiêm tốn, vâng phục, chấp nhận thưa “xin vâng” với Chúa trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Ngài truyền.”  Nhất là chúng con xin Mẹ giúp cho mỗi người chúng con luôn luôn sống trong thái độ biết ơn Thiên Chúa, cố gắng hết mình để làm vườn nho mà Ngài đã trao phó cho mỗi người chúng con, để cây nho được trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.  Xin Thiên Chúa gìn giữ mỗi người chúng con trong đức tin để chúng con luôn tin tưởng Người Con mà Ngài đã sai đến với chúng con.

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TIỂU SỬ THÁNH PHANXICÔ (có Youtube)

Thánh Phanxixô Assisi còn được gọi bằng những tên khác như: Phanxicô Khó Khăn, Phanxicô Khó Nghèo, Phanxicô Năm Dấu, và có người gọi là Thánh Phan-Sinh do phiên âm từ chữ San Francesco.

1) GIAI ÐOẠN NIÊN THIẾU

Phanxicô chào đời năm 1182 tại thành phố Assisi bên nước Ý (Italia).  Cha của Phanxicô là ông Bênađônê, một thương gia giàu có chuyên xuất nhập cảng hàng vải vóc tơ lụa.  Mẹ của Phanxicô là bà Pica, quê ở Provence nước Pháp, là một phụ nữ hiền từ và đạo đức.  Phanxicô đã lãnh nhận bí tích Rửa tội tại nhà thờ Thánh Ruphinô với tên thánh là Gioan Baotixita.  Nhưng sau khi trở về từ nước Pháp, ông Bênađônê đổi tên cho con trai thành Phanxicô (tiếng Ý là Francesco, có nghĩa là “chú Tây con”) để ghi nhớ chuyến đi buôn bên Pháp (Francia).

Bẩm sinh Phanxicô có tính cao thượng, trong sáng, tế nhị, lại thích thơ nhạc và có khiếu thẩm mỹ.  Cậu được học giáo lý cũng như văn hóa ngay tại họ đạo với các linh mục.  Vì có khiếu về thương mại, nên mới 14 tuổi, Phanxicô đã được gia nhập vào Hiệp hội thương gia Assisi và được cha giao cho công việc trông coi cửa hàng của gia đình.  Phanxicô rất được các bạn trẻ yêu mến.  Họ đã gọi cậu là “Ông Hoàng của Giới trẻ”.  Khi đến tuổi trưởng thành, chàng mơ làm hiệp sĩ, nên đã sắm áo giáp, vũ khí và ngựa chiến để tòng quân.  Nhưng ngay lần giao chiến đầu tiên giữa Assisi và Pêrugia năm 1202, Phanxicô đã bị bắt làm tù binh.  Mặc dù ở trong tù, suốt ngày chàng vẫn ca hát vui vẻ và luôn nâng đỡ tinh thần các bạn tù.

2) GIAI ÐOẠN HOÁN CẢI

Phanxicô được phóng thích năm 1203 vì bị bệnh nặng.  Chàng bị bệnh kéo dài suốt năm 1204.  Cuối năm 1204 hay vào mùa xuân 1205, được tin tướng Gauthier de Brienne chiêu mộ binh lính để chống người Hồi giáo, Phanxicô xin gia nhập vào đoàn quân ấy.  Trong đêm trước ngày lên đường, chàng chiêm bao thấy mình đang ở trong một lâu đài thật nguy nga tráng lệ, đầy vũ khí có hình Thánh Giá, lại có cả một thiếu nữ thật kiều diễm, rồi chàng nghe tiếng nói: “Tất cả là của ngươi nếu ngươi phục vụ dưới ngọn cờ Thánh Giá.”  Chàng rất vui mừng, tin tưởng sẽ trở thành hiệp sỹ.

Một hành vi quảng đại: trên đường đi, gặp một hiệp sỹ chính danh với bộ áo giáp nghèo nàn, Phanxicô đã đổi bộ áo sang trọng của mình cho người hiệp sĩ ấy.  Nhưng đêm hôm đó, trong quán trọ ở Spôlêtô, cách Assisi khoảng 40 cây số, Phanxicô lại có giấc mộng thứ hai, trong đó có mẩu đối thoại như sau: “Phanxicô, con chờ mong ân huệ nơi ai?  Nơi người chủ hay nơi người tôi tớ?” “Dĩ nhiên là con mong chờ nơi người chủ.” “Vậy tại sao con bỏ người làm chủ để đi phục vụ người tôi tớ?” “Lạy Chúa! Vậy con phải làm gì bây giờ?” “Hãy trở về Assisi rồi con sẽ rõ.”

Sáng hôm sau, Phanxicô quay trở về Assisi.  Mặc cho mọi người ngạc nhiên và đàm tiếu chàng bắt đầu xa lánh bạn bè, thích tìm nơi thanh vắng để suy tư, cầu nguyện và chờ đợi.

Một hôm, trên đường đi, Phanxicô gặp một người phong cùi.  Theo phản ứng tự nhiên, chàng sợ hãi muốn tránh.  Nhưng chàng đã tự trấn tĩnh và đến ôm hôn người cùi ấy.  Kể từ ngày ấy, chàng thích gần gũi, chăm sóc những con người xấu số mà xã hội bấy giờ hất hủi.  Phanxicô thường lấy của cải mình có để chia cho những người hành khất.  Vào một dịp đi hành hương Rôma, chàng đã đổi áo cho một người hành khất để suốt ngày ngồi xin bố thí.

Vào mùa thu hoăc cuối năm 1205, tại nhà nguyện Thánh Ðamianô, đang khi cầu nguyện, Phanxicô nghe tiếng nói từ cây Thánh Giá: “Con hãy xây lại nhà Ta đang đổ nát.”  Phanxicô tức tốc về nhà lấy vải vóc tơ lụa đem bán lấy tiền giao cho cha sở để sửa nhà thờ.  Nhưng cha sở không nhận, Phanxicô quẳng túi tiền vào một góc cửa sổ, và đi xin vật liệu để tự tay sửa nhà thờ.

Khi trở về, ông Bênađônê nổi giận vì biết rằng Phanxicô đã bán vải và ngựa để có tiền sửa nhà thờ, ông đã tìm đến cha sở để đòi lại.  Rồi, vì không thể thuyết phục Phanxicô trở về, ông đã kiện Phanxicô với Ðức giám mục thành Assisi.

Vào tháng giêng hoặc tháng hai năm 1206, được gọi ra tòa của Ðức giám mục, Phanxicô đã từ khước quyền thừa kế và trả luôn bộ y phục đang mặc cho ông Bênađônê, và tuyên bố: “Xưa nay, tôi vẫn gọi ông Bênađônê là cha.  Nhưng bây giờ, tôi có thể nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời.”

Suốt mùa hè năm 1206 đến tháng hai năm 1208, Phanxicô đã sửa nhà nguyện Thánh Ðamianô, rồi nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Ðức Bà Nữ Vương Các Thiên Thần (Portiuncula).  Ngày 24.02.1208 tại nhà thờ Portiuncula, Phanxicô nghe đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu (Mt 10: 7-14): “Dọc dường hãy rao giảng.  Ðừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng.  Ði đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy.”  Chàng đã reo lên: “Chính đây là điều tôi mong ước, tìm kiếm và nóng lòng thực hiện.”

3) GIAI ÐOẠN HOẠT ÐỘNG

Nhờ nếp sống và lời rao giảng, Phanxicô đã thu hút mọi thành phần trong xã hội.  Từ những thương gia giàu có, những nhà trí thức, hay những thiếu nữ đài các, cho đến những thường dân trong xã hội, từ những kẻ độc thân, cho đến người đã lập gia đình, ai ai cũng say mê lý tưởng sống nghèo của Phanxicô.  Và vì vậy, Phanxicô trở thành vị sáng lập Dòng mà chính ngài đã không dự tính trước.

  • THÀNH LẬP DÒNG I

Ông Bênađô Quintavalô là một phú thương, sau khi bán hết của cải để chia cho người nghèo đã xin đi theo Phanxicô.  Một tuần sau đó, ông Phêrô Cattani là một luật gia và một thanh niên khác tên là Egiđiô đã xin gia nhập nhóm.  Vào giai đoạn này, các anh em tạm trú ngụ tại Portiuncula.  Mỗi ngày anh em đi rao giảng, và làm thuê để sinh sống.  Anh em dứt khoát không nhận tiền bạc.

Năm 1210 khi số anh em đủ 12 người, Phanxicô đưa anh em đi Rôma xin Ðức Giáo Hoàng innocentiô III phê chuẩn luật sống.  Ðức Giáo Hoàng đã phê chuẩn và giao cho anh em nhiệm vụ rao giảng về sự thống hối.  Khi trở về, anh em đã trú ngụ tại một cái chòi ở Rivô-Tortô.  Khi một người dân muốn giành cái chòi ấy cho con lừa của ông ta, Phanxicô đã xin viện phụ dòng Biển đức ở Subasiô cho sử dụng nhà thờ Portiuncula.  Kể từ đây, nhà thờ Ðức Bà Các Thiên Thần (Portiuncula) trở thành nhà thờ mẹ của Hội Dòng.  Thế là Dòng I, cũng gọi là Dòng Anh Em Hèn Mọn, đã ra đời.

  •  THÀNH LẬP DÒNG II

Ðêm Chúa Nhật Lễ Lá năm 1212, tại Nhà thờ Ðức Bà các Thiên Thần, Phanxicô đã đón nhận Clara và trao ban áo dòng.  Sau đó, ngài gửi Clara đến tạm trú tại Ðan Viện Nữ Tu Biển Ðức.  Ít lâu sau, Anê, em gái của Clara, cũng đến xin gia nhập.  Từ đó, hai chị em cư ngụ tại nhà nguyện thánh Ðamianô và phát triển thành Dòng II.  Ðây là một dòng kín chuyên sống đời chiêm niệm.

  • THÀNH LẬP DÒNG III

Năm 1216 tại Canara và Pốtgibonsi, một thị trấn ở giữa Firenxê và Siêna, cặp vợ chồng giàu có là ông Lukêsiô và bà Buônađôna đã trở thành những người Dòng III đầu tiên.  Thời bấy giờ Dòng III có tên là “Dòng Những Người Qui Thiện” hay dòng “Những Người Ðền Tội.”  Năm 1221 do lời khuyên của Ðức Hồng y Hugôlinô, Phanxicô đã viết bản Luật tiên khởi gọi là “Bản Ghi Nhớ Dự Phóng Ðời Sống” cho Dòng III.  Bản Luật này đã được Ðức Giáo Hoàng Hônôriô III chuẩn y.  Năm 1289, Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV lại ban sắc chỉ để phê chuẩn bản Luật 1221 với một vài sửa chữa.  Năm 1883, Ðức Lêô XIII đã cho soạn thảo một bản Luật khác.  Năm 1978, Ðức Phaolô VI đã phê chuẩn bản Luật mới do ba nhánh Dòng I và Dòng Ba Tại Viện hợp tác soạn thảo.

4) CÁC BIẾN CỐ KHÁC

Phanxicô đã xin Ðức giáo hoàng Hônôriô IV ban Ơn Toàn Xá cho những ai thành tâm kính viếng nhà nguyện Portiuncula.  Và Ơn Toàn Xá này ban một năm một lần vào ngày kỷ niệm cung hiến nguyện đường, tức là ngày 2 tháng 8 mỗi năm.

– Năm 1223, trong một hang đá tại Greccio, Phanxicô có sáng kiến tái diễn biến cố Giáng Sinh.

– Năm 1224, trên đỉnh núi La Vécna, trong thời gian ăn chay để mừng lễ thánh Micaen, có lẽ vào ngày 14 hoặc 15 tháng 9, Phanxicô nhận được một thị kiến về Thiên thần sốt mến chịu đóng đinh và nhận các dấu thánh của Chúa Giêsu.

–  Tháng 4-5 năm 1225, Phanxicô trú ngụ tại nhà nguyện Thánh Ðamianô để chữa bệnh, nhưng bệnh không thuyên giảm.  Một đêm kia, Chúa đã hứa ban cho ngài sự sống đời đời.  Sáng hôm sau, ngài đã sáng tác “Bài Ca Tạo Vật.”

–  Tháng 6 năm 1225, ngài đã thêm vào Bài Ca Tạo Vật một tiểu khúc nói về sự tha thứ, nhờ đó đã giao hòa được Ðức giám mục với ông thị trưởng thành Assisi.

–  Tháng 4 năm 1226, anh em đưa ngài đến Siêna để tìm cách chữa bệnh cho ngài.  Tại đây ngài đã đọc cho anh em chép một Di chúc ngắn gọi là Di chúc Siêna.  Sau đó có lẽ ngài đã về Coóctôna, và tại đây ngài đã soạn Di chúc chính thức.  Cảm thấy cái chết đã đến gần, ngài thêm vào Bài Ca tạo vật một tiểu khúc cuối cùng nói về cái chết, mà ngài gọi là Chị Chết.

–  Ðêm thứ bảy, 3.10.1226, ngài đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thờ Nữ Vương Các Thiên Thần.  Và ngày 4.10, ngài được an táng tại nhà thờ Thánh Gioócgiô.

–  Ngài được Ðức giáo hoàng Grêgôriô IXphong thánh vào ngày 16.07.1228.

– Ngày 25.05.1230, dân thành Assisi đã di chuyển cách trọng thể di hài của Thánh Phanxicô về Vương Cung Thánh Ðường đã được xây cất để tôn kính ngài.

5) KẾT LUẬN

Thánh Phanxicô đã qua đời từ thế kỷ13, nhưng tinh thần của ngài vẫn tồn tại cho tới ngày nay, và những đặc điểm phong phú của tinh thần Phan sinh vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trong giáo hội Công Giáo, trong các tôn giáo khác, cũng như trong các dân tộc trên toàn thế giới.  Quả thật, Phanxicô là một Kitô hữu đích thật.  Nhân loại rất hãnh diện vì sự hiện diện của một người như Phanxicô!  Giáo Hội rất vui mừng khi phong thánh cho một người như Phanxicô!  Hội Dòng rất tự hào vì có một vị Thánh Tổ Phụ như Phanxicô!

http://psttvnusa.blogspot.com/2010/12/tieu-su-thanh-phanxico.html

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TÌM Ý CHÚA (có Youtube)

Ngày nào chúng ta cũng cầu xin: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.”  Chúng ta hằng nhớ đến Ðức Giêsu, khi Ngài cầu nguyện: “Abba Cha, xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều cha muốn” (Mc 14:36); nhưng ngay cả Ngài nữa cũng không dễ biết ý Cha.  Tìm kiếm “Thiên mệnh” là mục đích của nhiều nghi thức trong các truyền thống tôn giáo.  Nếu có một bộ Kinh điển, thì chắc chắn mọi giáo hữu muốn tham khảo quyển sách tìm ý Thượng đế đã mặc khải.  Nhiều tín đồ hỏi thần thánh ở nơi linh thiêng và theo lời sấm truyền, hoặc bói một quẻ xem sao.  Kẻ thì hỏi thầy tinh thần (guru), người thì tĩnh tọa suy niệm, hoặc khẩn nài xin ánh sáng, v.v…  Những ao ước ấy đích thực, vì cho thấy mình vô tri vô giác, bất lực trước đấng tuyệt đối phải vâng phục.  Ðàng khác, chúng ta cảm thấy mình bị giằng co về mọi phía do nhiều “tinh thần” khác nhau, với những mục tiêu mâu thuẫn, đến nỗi càng có thiện chí mình lại càng thấy bơ vơ không biết quay vào đâu: phía nào cũng có lý.  Vậy thì phải phân định các tinh thần, đó là điều không tránh được (xem 1Gioan 4:1-3). 

Chúng ta lo tìm ý Chúa có thể vì ân sủng thúc đẩy chúng ta luôn muốn thực thi thánh ý Chúa, hoặc có thể vì lý do khác không cao đẹp bằng.  Ðức tin dạy rằng ý muốn của Thiên Chúa là quy tắc tuyệt đối cho nhân loại.  Kinh Thánh có nhiều thí dụ.  Thánh vịnh 119, dài nhất, chỉ có một chủ đề là thánh ý Chúa.  Tv 40:7-9 được thư Do thái áp dụng vào bản thân Ðức Giêsu, như chuẩn mực của cuộc đời này: ưu tiên tối cao của con người là làm theo ý Chúa, chứ không phải theo những nghi thức thờ phượng.  Vì những ai kêu lên, “Lạy Chúa, lạy Chúa” chưa chắc sẽ vào thiên đàng, song là những ai thi hành ý Cha ở trên trời mới được cứu rỗi (xem Mt 7:21).  Ðúng vậy, ai làm theo ý Chúa trở nên bà con với Chúa Kitô! (xem Mt 12:50).  Ðó là lý do tại sao các Kitô hữu, trên bất cứ điều khác, phải gắng công thực hiện ý Cha ở trên trời.

Tâm lý học chứng minh rằng loài người ít khi làm điều gì chỉ vì một lý do thuần khiết.  Chúng ta có khuynh hướng bẩm sinh muốn lo cho mình được an toàn bảo đảm; giáo hữu muốn biết “chắc chắn” đó là ý Chúa, vì làm theo ý Chúa là “vé” vào nước trời.  Ða số các tín hữu mắc phải bệnh “kém tin” (xem Mt 6:30; 8:26; 14:31; 16:8), khiến họ không tin tưởng vào bàn tay nhân ái của Cha Cả, không dám liều mình vào lòng Người.  Tệ hơn nữa là tham vọng bí ẩn thao túng Thiên Chúa: cách cực đoan là tội ảo thuật; nhưng cũng có thái độ có vẻ trong trắng là cứ thử mặc cả với Chúa: con làm ý Chúa thì Chúa làm ý con nhé!  Con ngoan ngoãn rồi thì khi con xin Chúa phải cho.  Lòng trung thành đã bị dùng như con chủ bài.

Kinh nghiệm tôn giáo có tính cách cá nhân đến nỗi không ai có thể nói thay cho ai: mỗi người chỉ có thể nói về chính mình thôi.  Tuy nhiên chúng ta có thể nói cái gì khả dĩ áp dụng (ít ra là một phần nào) cho tất cả mọi người.  Thành thật tìm kiếm ý Chúa, đó là nguồn an tâm bình tĩnh.  Nếu lúc xét mình trước khi đi ngủ tôi thấy mình hết lòng ráng làm đẹp ý Chúa, thì chắc chắn tôi có thể dự kiến được những giấc mơ ngọt ngào.  Các tôn giáo khác nhau theo những lối khác nhau để đạt đến sự bình tâm này.  Có “lối tiêu cực” của đạo Phật nghĩa là tiêu diệt mọi ham muốn, vì ai không mong muốn gì thì cũng không đau lòng khi thiếu.  Cũng có “lối tiêu cực” Kitô giáo, không ham muốn điều gì hết để trở nên tự do mà theo ý Chúa.  Hoặc cách “tích cực” tìm ý Chúa theo lối nhận định (discernment).  Cả hai lối đều có thể tốn kém, vì – như người ta nói – ân sủng không rẻ đâu.  Mỗi người phải thử xem lối nào thích nghi hơn với mình.  Trong truyền thống Công giáo, các thánh đã trình bày những phương pháp nhận định, mà sau này trở nên những nền linh đạo, như Phanxicô, Biển Ðức, Cát Minh, I-Nhã, Thánh Linh, v.v…  Tùy tính tình, mỗi người cảm thấy thoải mái hơn trong một linh đạo; tuy nhiên nên thí nghiệm và xét kỹ kết quả suốt một thời gian, vì đường dễ chưa chắc là đường chính.  Kinh nghiệm thiêng liêng được dựng bằng các sự việc nhỏ, vì chúng ta thường không làm nhiều phép lạ!  Ai quen nhận ra Thần khí trong những chọn lựa nhỏ, thì đã có được con mắt sáng suốt lúc phải đứng trước ngã ba sinh tử.

Trong bài này cũng nên ngỏ đôi lời về một kinh nghiệm đau đớn là sự ngại ngùng đến nỗi làm tê liệt (scruples) trong đời sống thiêng liêng.  Vốn là bệnh tật của những linh hồn tốt đẹp và lương tâm tinh khiết; kẻ nhẫn tâm hoặc thờ ơ đâu có kinh nghiệm ấy.  Ao ước tìm kiếm ý Chúa là điều tốt; nhưng lo quá chừng mức thì có thể gây rối.  Nó có thể là hậu quả cuả  thái độ muốn luôn luôn làm điều tốt nhất, mà quên mất rằng “tốt nhất” lắm khi nghịch với cái tốt đơn giản.  May mắn cho chúng ta, Chúa không hề đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn làm điều tốt nhất.  Cái tật “ngại ngùng đến nỗi làm tê liệt” ấy cũng có thể phát sinh từ tật luôn luôn muốn biết chắc chắn mình đúng, nhưng lại quên rằng chúng ta bao giờ cũng sống trong đức tin tối tăm.  Thiên Chúa là Cha muốn con cái Người làm theo ý của họ, vì tin chắc con thảo nào tự nhiên cũng muốn điều Cha mình muốn.  Dù sao, nếu lỡ như mình mắc tật ấy, thì phải nhờ bạn giúp – và để người có kinh nghiệm – một Cha linh hướng – dắt tôi ra khỏi khủng hoảng.  Và nếu gặp ai trong trường hợp ấy thì phải biết thương xót và nhân ái thông cảm, vì kinh nghiệm scruples  đau đớn lắm.

Linh đạo I-Nhã đã chú tâm đặc biệt đến vấn đề phân định.  Những người đã từng đi Linh Thao chắc đều quen các nguyên tắc “nhận định thần loại” trong sách Linh Thao.  Ở đây tôi chỉ nêu bật hai điểm: cầu nguyện riêng và chia sẻ với những người khác.  Muốn được thân mật với Thiên Chúa trong cầu nguyện thì giả thiết phải thành “đồng bản tính” với Người một phần nào, nghĩa là cách tự nhiên cảm thấy ý thích của Người, và lấy làm thoải mái khi thực thi ý Người.  “Phân định thần khí” (1Cr 12:10) là một đoàn sủng mình phải khẩn khoản xin cho được.  Khi đề cập đến việc chia sẻ, tôi muốn nói tìm kiếm ý Chúa cùng với người khác, chứ không một mình.  “Người khác” ấy có thể là người linh hướng, nhưng cũng có thể là một “bạn hữu trong Chúa” đồng hành tới mục đích chung.  Ðối với tôi, thái độ then chốt ở đây là tâm hồn rộng mở để đón nhận “ơn lời khuyên” của một anh chị em.  Thánh I-Nhã là một người “chuyên môn chia sẻ.”  Ông khởi sự bằng cách chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng với người khác, rồi kiếm người bạn bè cùng bước với nhau trên đường chia sẻ ấy.  Phương pháp đặc thù của ông là bày tỏ lương tâm với cha linh hướng hay bề trên, nhờ đó mình được dẫn dắt một cách hữu hiệu hơn trên đường tìm ý Chúa.  Có lẽ nền tảng thần học của điều này là Thiên Chúa vốn là sự chia sẻ tuyệt đối: Mỗi Ngôi Vị mở ra và tự chia sẻ mình hoàn toàn với hai Ngôi Vị khác, khiến Ba Ngôi hiệp thông với nhau cách tuyệt đối.  Vậy, chúng ta càng trở nên giống như Thiên Chúa thì càng biết rõ ý Người.  Trong lịch sử, kế hoạch cứu độ cũng mở ra cho con cái Chúa góp phần tự do, nghĩa là ý Chúa hàm súc ý ta, như thể Chúa để sứ mệnh Người còn dang dở và cho chúng ta tự do hoàn tất công việc.  Trong linh đạo I-Nhã ý niệm magis, (“hơn”) đóng vai trò quan trọng.  Khẩu hiệu “để vinh quang Thiên Chúa hơn,” chỉ đường ta đi; tôi ý thức những giới hạn của tôi: tôi đành lòng biết mình không thể làm điều tốt nhất, nhưng có thể làm điều tốt hơn, với khả năng tiến bộ luôn luôn, vì mãi mãi bất toàn. Trong hoàn cảnh này tôi phải lấy ý tôi mà làm đẹp lòng Chúa, dù không biết chắc chắn là như vậy.  Số phận loài người là chỉ biết ý Chúa một cách “tạm được”, và như thế là đủ cho tôi dùng sáng kiến mà phụng sự Chúa.

Một vài tiêu chuẩn khách quan chỉ đường đi như các tín hiệu ở xa lộ.  Tôi chỉ ám chỉ đến hai chuyện: quy phạm chính thống (cái gì nghịch với đức tin thì không phải là ý Chúa: xem 1Cr 12:3; 1Gioan 4:3), và chỉ thị của Giáo Hội (lúc tôi do dự, vâng lời Giáo Hội chắc sẽ không sai).

Cuối cùng, vấn đề “ý Thiên Chúa” thành vấn đề “quyết định của tôi.”  Hiếm có ai tìm ý Chúa cách thuần túy; thường mang ngầm lý do ích kỷ.  Lắm khi chúng ta sợ trách nhiệm về sự quyết định; dù sao, mỗi khi chúng ta chủ trương làm theo “ý Chúa,” hoặc có ý thức, hoặc vô ý thức, thật ra chúng ta làm theo ý mình, chỉ hy vọng ý đó của mình trùng với ý Chúa.  Thiết tưởng trước khi tìm biết ý Chúa, chúng ta phải trung thực phân tích quá trình những quyết định của chính mình, động cơ của những hành vi, những sở thích ẩn kín của mình, v.v…  Thiên Chúa dựng nên tôi như một bản vị, tức là một nguồn cội khả dĩ tự do quyết định, và Người muốn tôi cư xử như vậy.  Nếu ai tin Thiên Chúa tạo ra loài người tự do mà bây giờ lại cấm chúng ta dùng quyền tự do ấy thì có vẻ lộng ngôn.  Một “người thiêng liêng” (spiritual person) là người sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và khiêm nhượng cậy rằng ý mình cũng là ý Chúa.  Tâm trạng này mang bình an cho linh hồn, đồng thời cần thiết cho đời sống nhân bản và tôn giáo.  Dù tôi có sai lầm trong một dịp cụ thể nào đó, tôi vẫn còn vững lòng quyết định theo ý Chúa, tùy khả năng của tôi, nghĩa là trong sự tối tăm của đức tin.  Dù hành động tôi sai lầm, tôi vẫn còn đúng đắn, vì tôi theo lương tâm và mở lòng ra cho Thần Khí sửa chữa – qua những người khác – và dẫn dắt tôi trên đường Chúa muốn.

Xin kết thúc với một nhận xét hiển nhiên: dẫu lựa chọn điều gì và theo phương pháp nào, bạn đừng bao giờ quên cái “bậc thang giá trị” là kim chỉ nam: động cơ tột cùng của hành vi Kitô là tình yêu (xem 1Cr 13: 1-3; Ep 4: 14-16).  Ai để tình thương dẫn lối, thì hiếm khi bị lạc đường.

Felipe Gomez, SJ
(Ðồng Hành  2000, số 4 trang  8-9)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.