MẸ TERESA CALCUTTA (có Youtube)

Chứng từ của đức cha Angelo Comastri về mẹ Teresa Calcutta (1910-1997), sáng lập viên dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái.  Đức Tổng Giám Mục Angelo Comastri đại diện Tòa Thánh đặc trách đền thánh Đức Mẹ Loreto, miền Bắc nước Ý.

…. Từ lúc còn trẻ, tôi đã có nhiều liên hệ thân tình với mẹ Teresa Calcutta.  Một lần gặp tôi, mẹ đưa đôi mắt trong suốt và sâu thẳm nhìn tôi rồi đột ngột hỏi:

– Con cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ?

Ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ, tôi lúng túng tìm cách chống chế:

– Con tưởng mẹ sẽ nhắc nhở con sống bác ái, yêu thương giúp đỡ người nghèo chớ! Đàng này mẹ hỏi con cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ?

Mẹ Teresa liền nắm chặt hai bàn tay tôi, rồi siết mạnh như thông truyền cho tôi điều mẹ hằng ấp ủ trong lòng.  Mẹ nói:

– Con à, nếu không có Thiên Chúa hỗ trợ, chúng ta quả thật quá nghèo để có thể giúp đỡ người nghèo. Con nên nhớ: Mẹ chỉ là phụ nữ nghèo luôn cầu nguyện.  Chính trong khi cầu nguyện mà Thiên Chúa đặt Tình Yêu Ngài vào lòng mẹ và nhờ thế, mẹ có thể giúp đỡ người nghèo. Con nhớ cho kỹ nhé: Mẹ giúp đỡ người nghèo vì mẹ hằng cầu nguyện, mẹ cầu nguyện luôn luôn!

Tôi không bao giờ quên cuộc gặp gỡ lần đó.  Sau này, chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần nữa..  Năm 1979, mẹ Teresa được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình.  Giải thưởng khiến mẹ gần như khép nép và trở nên nhỏ bé trong bàn tay Thiên Chúa.  Mẹ Teresa đi Oslo, thủ đô Na Uy, lãnh giải thưởng mà trong tay nắm chặt tràng chuỗi Mân Côi.  Người ta trông thấy những ngón tay mẹ thô kệch và xấu xí, vì lao công vất vả và vì thường xuyên chăm sóc các trẻ em, những người bệnh tật, già yếu và nghèo nàn.  Biết rõ thế nên không ai nỡ trách mẹ dám công khai bày tỏ lòng kính mến Trinh Nữ MARIA trong một xứ sở toàn tòng là tín hữu tin lành Luther!

Trên đường trở về từ Oslo, mẹ Teresa Calcutta dừng lại tại Roma.  Các ký giả chen chúc chờ đợi gặp mẹ trong khuôn viên nhỏ bé của ngôi nhà cộng đoàn các nữ tu thừa sai bác ái ở Monte Celio.  Mẹ Teresa không để cho các ký giả tấn công.  Trái lại, mẹ tiếp họ như những người con.  Mẹ nhẹ nhàng đặt vào tay mỗi người một ảnh đeo Đức Mẹ Vô Nhiễm.  Các ký giả ráo riết bao vây mẹ để chụp hình và để phỏng vấn.  Một ký giả táo bạo hỏi:

– Thưa mẹ, năm nay mẹ 70 tuổi. Khi mẹ qua đời thế giới cũng sẽ như trước!  Vậy đâu có gì thay đổi sau bao nhiêu cực nhọc?

Mẹ Teresa đăm đăm nhìn chàng ký giả trẻ tuổi và nở một nụ cười thật tươi, nụ cười như một cái vuốt ve trìu mến, rồi mẹ từ tốn nói:

– Anh thấy đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới. Tôi chỉ tìm cách trở thành một giọt nước trong, một giọt nước lóng lánh rạng ngời Tình Yêu Thiên Chúa, thế thôi. Anh cho là quá ít sao?

Chàng ký giả trẻ tuổi lúng túng…  Các ký giả khác đứng im không nhúc nhích.  Mẹ Teresa thản nhiên tiếp tục cuộc đối thoại:

– Anh cũng nên cố gắng trở thành một giọt nước trong, như thế, sẽ có hai giọt nước trong. Anh lập gia đình chưa?

– Dạ rồi, chàng ký giả đáp.

– Vậy anh cũng nên nói với vợ và như thế chúng ta sẽ là ba giọt nước trong. Anh có con chưa?

– Thưa mẹ, ba đứa!

– Tốt lắm. Vậy anh cũng nên nói với các con anh, và như thế, tất cả chúng ta sẽ là sáu giọt nước trong!

Năm 1988 mẹ Teresa Calcutta đến thăm tôi ở Porto Santo Stefano, một thị trấn nằm gần Roma.  Năm ấy tôi là cha sở của họ đạo.

Tôi còn nhớ như in cuộc gặp gỡ.  Hôm đó là ngày 18 tháng 5, một ngày tuyệt đẹp của tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ.  Bầu trời trong xanh.  Trên biển, sóng nước lăn tăn như nhí nhảnh tươi cười.  Mẹ Teresa lặng lẽ chiêm ngắm cảnh đẹp rồi đột ngột nói với chúng tôi:

– Cảnh vật nơi đây tuyệt đẹp. Sống trong một khung cảnh tuyệt đẹp, quí vị cũng phải nhớ chăm sóc cho linh hồn mình thật đẹp!

Vào cuối buổi Canh Thức Cầu Nguyện tối hôm đó, xảy ra một câu chuyện như sau.  Một kỹ nghệ gia giàu có trong vùng muốn dâng cúng ngôi biệt thự sang trọng của ông để mẹ Teresa tiếp đón những người bị bệnh liệt kháng.  Ông cầm trong tay bộ chìa khóa và muốn trao ngay cho mẹ.  Nhưng mẹ Teresa nói:

– Tôi phải cầu nguyện và suy nghĩ trước đã, vì tôi không biết có nên đưa các bệnh nhân liệt kháng vào một nơi chốn giàu sang để chăm sóc không. Biết đâu sẽ làm cho họ đau khổ gấp đôi!

Mọi người thầm cảm phục sự dè dặt khôn ngoan của mẹ.  Tuy nhiên, nhiều người cho là mẹ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng.  Do đó, một người cảm thấy có bổn phận khuyên mẹ:

– Thì mẹ cứ nhận chìa khóa đi, rồi sẽ tính sau!

Nhưng mẹ Teresa quyết liệt trả lời:

– Không, thưa ông không. Những gì tôi không cần đều trở thành gánh nặng!

Câu nói của mẹ làm tôi nhớ đến thánh Bonaventura viết về thánh Phanxicô thành Assisi như sau:
“Người đời yêu giàu sang thế nào Phanxicô cũng yêu khó nghèo như thế!”

… Năm 1991, cũng vào một ngày tuyệt đẹp trong tháng Năm, mẹ Teresa Calcutta lại đến thăm tôi ở Massa Maritima, cách Roma không xa.  Mẹ cho tôi biết ý định mở một nhà dành cho các Nữ Tu Chiêm Niệm Thừa Sai Bác Ái.  Mẹ giải thích:

– Các nữ tu cầu nguyện trước Nhà Tạm có Mình Thánh Chúa, sẽ chiếu tỏa ra chung quanh ánh sáng của lòng nhân hậu. Chúng ta cần có những con tim trong sạch để tiếp đón TÌNH YÊU!  Những con tim thật trong sạch!

Từ Massa Maritima chúng tôi dùng trực thăng để đưa mẹ Teresa đến đảo Isola d’Elba, tham dự một buổi Cầu Nguyện.  Ngồi trên trực thăng, tôi chỉ cho mẹ thấy những địa điểm quan trọng của đảo… Bỗng chốc, một người trong nhóm đến quỳ bên cạnh tôi run rẩy thú nhận:

– Thưa cha, con không rõ chuyện gì xảy đến cho con. Con có cảm tưởng chính Thiên Chúa đang nhìn con qua cái nhìn của người phụ nữ này!

Quay sang mẹ Teresa, tôi lập lại lời người đàn ông vừa nói.  Mẹ Teresa nhẹ nhàng đáp:

– Xin cha nói với ông ta, đã từ lâu lắm rồi, Thiên Chúa vẫn nhìn ông. Nhưng chính ông đã không nhận ra Ngài!  THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU!  Rồi nhìn sang người đàn ông, mẹ Teresa giơ tay siết mạnh tay ông, và trao cho ông một vài ảnh đeo Đức Mẹ, như những nụ hôn đượm đầy hương thơm của TÌNH YÊU THIÊN CHÚA!

Đó là vài hình ảnh sống động của mẹ Teresa Calcutta: đơn sơ, hiền dịu, khiêm tốn, trong sáng và chiếu tỏa TÌNH YÊU THIÊN CHÚA!

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG VÀ MÀU THỜI GIAN (có Youtube)

Thời trẻ, Nikos Kazantzakis, nhà văn nổi tiếng người Hy Lạp, từng nghiền ngẫm để trở thành tu sĩ, và từng để cả một mùa hè đi thăm các tu viện.  Nhiều năm sau, khi viết về trải nghiệm này, ông kể lại tỉ mỉ một cuộc chuyện trò tuyệt diệu với một tu sĩ già, cha Makarios.

Một dịp, anh hỏi vị tu sĩ già: “Thưa cha Makarios, cha còn vật lộn với quỷ dữ không?”  Vị tu sĩ già thở dài trả lời: “Hết rồi, con ạ.  Giờ cha đã già rồi, và quỷ dữ cũng già theo cha.  Nó không còn sức lực… Giờ cha vật lộn với Chúa.”  “Với Chúa!”  Kazantzakis kinh ngạc kêu lên. “Cha hy vọng sẽ thắng chứ?” “Cha hy vọng sẽ thua, con ạ,” ông trả lời, “Xương cốt của ta vẫn còn đây, chúng vẫn tiếp tục cự lại ý muốn của ta.”

Ngoài những ý nghĩa khác, câu chuyện này nêu bật thực tế rằng những đấu tranh tinh thần của chúng ta thay đổi khi chúng ta thêm tuổi tác và trải nghiệm cuộc đời.  Những đấu tranh thời trẻ không nhất thiết là những đấu tranh tuổi trung niên và tuổi già.  Sự chín chắn luôn luôn tiến triển.  Mỗi chặng đời lại đòi hỏi chúng ta những điều khác nhau.  Nó cũng đúng đối với đời sống thiêng liêng và sứ vụ tông đồ.  Đời sống tinh thần của chúng ta thay đổi ra sao và khi chúng ta ngày một lớn lên, nó đòi hỏi những điều gì mới?

Dựa trên những nhận thức sâu sắc của thánh Gio-an Thánh giá, tôi xin nói rằng có ba giai đoạn nền tảng trong cuộc sống tinh thần của chúng ta, ba cấp độ của sứ vụ tông đồ:

Cấp độ đầu tiên, mà thánh Gio-an Thánh giá gọi là đêm tối của cảm quan, cũng có thể gọi là “Sứ vụ tông đồ cốt yếu.”  Về cốt yếu, đây là cuộc đấu tranh để định hình cuộc sống của chúng ta.  Cuộc đấu tranh này thật sự bắt đầu ngay khi chúng ta sinh ra, nhưng chỉ trở thành cuộc đấu tranh mang tính chất cá nhân của riêng mình khi đến tuổi dậy thì và bắt đầu chịu sự thúc đẩy của những lực mạnh mẽ bên trong khiến chúng ta tách khỏi gia đình để tạo lập cuộc sống và mái ấm cho riêng mình.  Trong thời gian này, chúng ta cố gắng gian nan để tìm được chính bản thân, để định hình cuộc đời, để tạo một mái ấm mới cho chính mình.  Thời gian này có thể kéo dài nhiều năm trời và có thể không bao giờ thành tựu.  Sự thật là, đối với hầu hết mọi người, một số khía cạnh của cuộc đấu tranh này vẫn tiếp tục trong suốt cuộc đời.

Nhưng, với hầu hết mọi người, sẽ tới một lúc điều căn bản này đạt được, khi có cảm giác thoải mái như về lại mái nhà xưa, khi những câu hỏi chính của cuộc đời không còn là: Tôi là ai?  Tôi sẽ làm gì với đời mình?  Ai thương yêu tôi?  Ai sẽ kết hôn với tôi?  Tôi nên sống ở đâu?  Tôi nên làm gì?  Đến một lúc, hầu hết chúng ta đều tìm thấy được một chỗ vượt lên trên những câu hỏi đó: Chúng ta có một mái ấm, một sự nghiệp, một người phối ngẫu hay sự bình yên nhất định với một người phối ngẫu, một ơn gọi, một ý nghĩa, một lý do tốt lành để thức dậy mỗi sớm mai, và một nơi để trở về mỗi tối.  Chúng ta đã tìm được đường về lại mái nhà xưa.

Rồi chúng ta bước vào cấp độ thứ hai của sứ vụ tông đồ mà thánh Gio-an Thánh giá gọi là Thuần thục và chúng ta có thể gọi là Sứ vụ tông đồ Sinh sôi.  Cốt yếu, đây là cuộc đấu tranh để cho đi cuộc sống của chúng ta.  Bấy giờ mối quan tâm chính không phải là chúng ta làm gì với đời mình nữa, mà là cho đi cuộc sống của mình như thế nào để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.  Đây là những năm tháng sinh sôi và chúng kéo dài từ khi chúng ta cập bến vào một ơn gọi, một sự nghiệp, một mái ấm, cho tới lúc về hưu.  Và những câu hỏi chính trong suốt những năm này phải là những câu hỏi vì người khác: Làm thế nào để tôi cho đi bản thân mình một cách hào phóng và thanh khiết hơn?  Làm thế nào để tôi giữ lòng trung tín?  Làm thế nào để tôi trụ vững với những cam kết của mình?  Làm thế nào để tôi cho đi cuộc sống của mình?

Nhưng đó vẫn chưa phải là những câu hỏi tối hậu: đến một lúc nào đó, nếu chúng ta may mắn có sức khỏe và vẫn còn sống sau khi về hưu, một câu hỏi còn sâu sắc hơn bắt đầu trỗi lên trong ta, một câu hỏi mời chúng ta đến giai đoạn thứ ba của sứ vụ tông đồ.  Như Henri Nouwen đã nói: Đến một thời điểm trong cuộc sống chúng ta, câu hỏi không còn là: “Tôi còn có thể làm gì nữa để sống cống hiến?” mà là “Bây giờ tôi có thể sống như thế nào để đến khi chết, cái chết của tôi sẽ là phúc lành tốt đẹp nhất đối với gia đình tôi, đối với giáo hội, và với thế giới này?

Thánh Gio-an Thánh giá gọi giai đoạn này là đêm tối của linh hồn.  Chúng ta có thể gọi là Sứ vụ tông đồ Tận căn bởi vì ở giai đoạn này, chúng ta không còn đấu tranh nhiều nữa với việc làm sao để cho đi cuộc sống của chúng ta, mà là làm sao để cho đi cái chết của mình.  Lúc bấy giờ vấn đề của chúng ta là: Tôi sống những năm cuối đời mình như thế nào để khi chết đi, cái chết của tôi sẽ gieo phúc lành cho những người thân yêu, giống như cuộc sống của tôi đã làm?  Tôi sống những năm còn lại của đời mình như thế nào để khi tôi chết, “máu và nước” – nói như dụ ngôn – sẽ tuôn chảy từ thi thể tôi như từng tuôn chảy từ thi thể của Chúa Giê-su?

Các tài liệu linh hướng của chúng ta hầu như không có cái gì thách thức chúng ta xem xét giai đoạn cuối này của cuộc đời: Làm thế nào để chúng ta chết vì người khác?  Tuy nhiên, như Goethe nói về điều này trong bài thơ Nỗi Khao khát Thiêng liêng (The Holy Longing), chính cuộc sống cuối cùng sẽ buộc chúng ta phải nghiền ngẫm việc liệu chúng ta có muốn trở thành “điên cuồng tìm ánh sáng” hay không.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.