CÁC CON HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN… (có Youtube)

Trong những năm gần đây phong trào canh tân đoàn sủng phát triển mạnh trong Giáo Hội Tin Lành và trong giáo Hội Công Giáo, có người gọi đó là mùa xuân của Giáo Hội đang là sức sống mới.  Nhưng cũng có người đang nhìn phong trào này với thái độ cảnh giác.  Họ sợ rằng nó sẽ đi xa đường lối của Giáo Hội.  Tôi không có ý phân tích phê phán, nhưng theo tôi phong trào có một điểm mà chúng ta có thể ghi nhận.  Phong trào giúp cho ta ý thức hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời Kitô Hữu.  Một vai trò mà nhiều khi chúng ta lãng quên.  Có lẽ phần nào nó cũng giống như một nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm.  Ông ra sức nghiên cứu về không khí như là một vật thể và mô tả không khí bằng những công thức khoa học có vẻ phức tạp mà ông quên rằng, từng giây từng phút mình đang được ngủ lặng trong không khí mà đôi khi mình quên hít thở.  Cho nên sự sống thân xác của mình mỗi lúc mỗi tàn tạ.

Tôi xin lấy một hình tượng quen thuộc trong Kinh Thánh để diễn tả về Chúa Thánh Thần.  Thánh Luca mô tả: Vào ngày lễ ngũ tuần các môn đệ tề tựu cầu nguyện.  Khi ấy có những lưỡi như lưỡi lửa rải rác đậu xuống trên mỗi người.  Lửa là hình tượng Kinh Thánh dùng để diễn tả về Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Hôm nay tôi xin nhắc lại và đào sâu hơn hình tượng Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng.  Ngài là người có kinh nghiệm thần bí sâu sắc đồng thời là một nhà thơ cho nên ngài đã vận dụng ngôn ngữ thi ca để diễn tả kinh nghiệm thần bí đó.  Đó là hình ảnh của lửa, của củi.

Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá.  Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí.  Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi.  Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.  Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được.

Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu.  Trong khoảnh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó.  Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc.  Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu.  Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian.  Cuối cùng nó trở nên một với lửa.  Nó không còn là củi mà chỉ là lửa.  Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.

Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh tuyệt vời ấy để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.  Hình ảnh ấy giúp chúng ta thấy được đâu là cùng đích của đời sống trong Thánh Thần.  Cái cùng đích ấy là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa.  Như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: “Ta trở thành một giọt nước hòa trong đại dương.”  Sự nên một ấy chỉ trở thành trong đời sống vĩnh cửu cho những người mà Chúa ban cho kinh nghiệm thần bí, những người cảm nghiệm được sự nên một hồng phúc với Thiên Chúa.

Chúng ta chưa có được kinh nghiệm huyền bí đó.  Nhưng tôi nghĩ: Nếu chúng ta thực hiện đúng những bí tích mà Giáo Hội cử hành là chúng ta đã đi đúng mục đích của Giáo Hội, dẫn ta đến chỗ nên một với Thiên Chúa.  Khi ta rước mình Thánh Chúa và để Máu Thánh Chúa hòa vào máu thịt ta để ta nên một với Ngài.

Sự nên một xét trên một bình diện mà người ta gọi là hữu thể học đó hoàn toàn có thật nhưng không ai thấy được.  Sự nên một ấy phải diễn tả qua cuộc sống bên ngoài theo kiểu nói của thánh Phaolô.  “Anh em hãy mang trong anh em những tâm tư như đã có trong Chúa Giêu Kitô.”  Cho nên khi nào chúng ta nên một với Chúa thật thì ta sẽ suy nghĩ như Chúa Giêsu, phản ứng như Chúa Giêsu, cảm xúc, yêu thương như Chúa Giêsu.  Đấy là dấu chỉ cụ thể.  Đấy là cùng đích.

Nhưng để đạt được tới cùng đích nên một trong Thiên Chúa ấy thì chúng ta phải trải qua một hành trình thanh tẩy của Thánh Thần.  Hành trình này khởi đầu bằng một niềm an ủi ngọt ngào.  Có một số kinh nghiệm nói lên điều ấy.  Có anh chị em dự tòng nói với tôi: “Thưa Cha, con xin gì Đức Mẹ cũng cho con hết.”  Những tu sinh hoặc những nữ tu mới chập chững bước vào đời sống tận hiến: “Thưa Cha, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng.”  Những lúc ấy ai cũng ca ngợi Chúa, cảm thấy rất ư là dễ thương.  Chúa yêu ta vô cùng.

Thưa anh chị em.  Đấy chỉ là giai đoạn đầu.  Sớm hay muộn gì chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần dẫn vào giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn đau đớn, giai đoạn này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn.  Vì nó đau đớn cho nên ta không muốn bước vào, không dễ chấp nhận.

Tôi nghĩ có hai lý do chính và cũng là hai giai đoạn chính.

Lý do thứ nhất: Thánh Thần giúp chúng ta chấp nhận con người thật của mình.  Có lẽ nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi nghe thế.  Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu tha nhân như chính mình.”  Nếu tôi không yêu chính mình thì tôi không thể yêu người khác được.  Yêu chính mình là chấp nhận con người thật của mình.  Chấp nhận hình hài mà Chúa đã ban cho mình.  Anh chị em thử kiểm nghiệm lại đời sống của mình xem.  Đã biết bao lần ta mơ ước những điều mà chúng ta không có.  Ví dụ: Phải chi Chúa ban cho mình sóng mũi cao hơn tí nữa thì đẹp biết bao.  Hay phải chi da mình được trắng như bạn mình nhỉ…  Những mơ ước ấy biểu lộ điều chúng ta không chấp nhận chính mình.

Những suy nghĩ ấy làm cho ta tự mình dằn vặt mình.  Tự mình hành hạ mình, tự gây đau khổ cho mình bằng những tự ti mặc cảm.  Phải đau đớn lắm, phải tự đấu tranh mới chấp nhận chính con người thật của mình.  Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện để chúng ta tự nhủ rằng: Dù tôi thế nào đi nữa Chúa vẫn yêu tôi.  Chúa tạo dựng tôi cho Chúa.  Cảm nhận được như thế sẽ làm cho ta thấy bình an hạnh phúc hơn.

Lý do thứ hai: Chấp nhận được chính mình rồi thì đến giai đoạn hai của sự thanh tẩy.  Đi từ chỗ “tôi đang là” đến chỗ “tôi được mời gọi để trở thành…”  Ở đây đòi hỏi sự bỏ mình.  Cuộc sống Thánh Augustinô là một điển hình.  Lúc trẻ ông xa vào con đường ăn chơi, mê đắm trên con đường tình dục, biết là sai nhưng ông vẫn biện minh cho mình, không nhìn nhận sự thật của chính mình, ông bảo: “Sở dĩ tôi bê bối thế vì ông thần ác ở trong hoành hành.”  Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Thánh Augutinô mới đủ can đảm nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi.  Từ đấy ông đã bước vào giai đoạn hai.  Ông trở thành một người sống như Chúa Giêsu, yêu thương, phục vụ, suy nghĩ như Giêsu.  Một con người trong Chúa Thánh Thần.

Chúng ta phải trở thành cái mà Chúa mời gọi chúng ta.  Đó là gì?  Thưa là mỗi ngày tôi trở thành người hơn.  Cho dù tôi sống bậc gia đình hay tu sĩ, cho dù tôi hành động gì nhưng vẫn hàm ẩn tất cả bên trong là cái tính người, là tính Kitô Hữu.  Và hành trình đó đòi chúng ta phải tự bỏ mình mỗi ngày. Công việc ấy rất khó, một mình ta không thể làm được mà phải có tác động của Chúa Thánh Thần.  Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần sống như không khí tràn ngập vũ trụ, vấn đề là tôi có hít thở không?  Chúa Thánh Thần như dòng suối tràn lan mọi nơi.  Vấn đề là tôi có múc mà uống không?  Chúa Thánh Thần là ngọn lửa hừng hực, vấn đề là tôi có nhóm lên hay không? Cho nên cầu nguyện là tự tạo cho mình một nội tâm thích hợp.  Mở lòng ra cho gió ùa vào, làm rỗng chính mình cho dòng nước chảy vào, và nhóm ngọn lửa lên cho đời mình.

Nếu chúng ta chấp nhận trở về với chính mình trong thinh lặng, nhìn lại đời mình, ta có thể khám phá ra những gì mà Lời Chúa hướng dẫn chúng ta hôm nay.

Tôi xin kết thúc suy niệm này bằng tâm tình của Thánh Augustinô. “Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ.  Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng.  Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm.  Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa.  Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần.  Amen!”

 ĐGM Nguyễn Văn Khảm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG (có Youtube)

Chuyện kể rằng: một thiếu nữ hôm mừng sinh nhật tuổi 17, đã xin Mẹ cô một chiếc gương soi cỡ lớn, nhưng người mẹ đạo hạnh lại cho cô một gói quà nhỏ.  Mở ra, cô thấy một bức ảnh Đức Mẹ với lời đề tặng: “Đây là chiếc gương lớn nhất mà mọi người cần soi bóng.”  Bấy giờ thiếu nữ mới hiểu và hằng ngày cô đã soi bóng mình trong tấm gương Maria.  Sau đó cô đã đi tu, sống một cuộc sống thánh thiện, và trở thành một vị thánh.

Người thiếu nữ trong câu chuyện trên đây nhờ người mẹ đạo hạnh nên biết soi chiếu đời mình nơi tấm gương Đức Maria.  Thật vậy, Đức Maria chính là mẫu gương tuyệt hảo về mọi nhân đức cho mỗi người chúng ta noi theo.  Hôm nay, chúng ta cùng nhau noi theo gương thăm viếng của Mẹ.

Bài Tin mừng thánh Luca tường thuật lại biến cố Mẹ đi thăm viếng bà Êlizabéth.  Biến cố này diễn ra liền sau khi Mẹ vừa chấp nhận lời Thiên thần truyền tin để cưu mang Đấng Cứu Thế.  Lúc đó, Thiên thần Gabriel báo cho Mẹ biết bà Êlizabeth đã cưu mang Thánh Gioan Tẩy Giả được sáu tháng.  Mẹ liền chỗi dậy, vội vã đi lên miền núi.  Không phải Mẹ “vội vã” tới nơi bà Êlizabéth để kiểm chứng lời của Thiên thần loan báo, cũng không phải để khoe khoang với Bà Êlizabét vì Mẹ được làm Mẹ Đấng Cứu Thế?  Nhưng sự “vội vã” nói lên tâm tình của Mẹ: tâm tình muốn chia sẻ; tâm tình muốn giúp đỡ. Vì muốn chia sẻ niềm vui có Chúa trong mình, vì muốn giúp đỡ bà chị họ trong lúc khó khăn, nên Mẹ đã chấp nhận hy sinh lên đường.  Mẹ “đi lên miền núi.”  Đường miền núi chắc chắn sẽ khó khăn vất vả: bụi bặm trong những ngày nắng, trơn trượt trong những ngày mưa.  Nhưng dù khó khăn vất vả đến mấy cũng không ngăn cản được tình yêu của Mẹ.  Mẹ đã lên đường.  Mẹ đã vượt qua được quãng đường dài đầy gian nan vất vả, cuối cùng Mẹ đã đến.

Giờ phút hai bà mẹ gặp nhau.  Người thăm viếng và người được viếng thăm tay bắt mặt mừng.  Niềm vui trong giờ phút đó không bút mực nào tả xiết.  Đối với Bà Êlizabéth, được “Chúa cất đi nỗi tủi nhục,” cho bà mang thai trong tuổi già, đã là niềm vui vô cùng to lớn.  Giờ đây, niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi được “Mẹ Chúa đến viếng thăm.”  Còn Mẹ Maria, Mẹ vui vì có Chúa trong mình.  Mẹ vui vì thấy được những sự lạ lùng đang diễn ra trong cuộc đời của Mẹ.  Mẹ vui hơn khi được chia sẻ niềm vui đó cho bà chị họ.  Khi nghe bà Êlizabéth ca tụng, Mẹ quy hướng tất cả những gì Mẹ được về cho Thiên Chúa “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu.”  Chính vì vậy, Mẹ đã cất lời ngợi khen Thiên Chúa bằng lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi.”

Niềm vui giữa hai bà Mẹ được lan tỏa sang hai người con đang còn trong bụng.  Bà Êlizabéth đã xác nhận: “Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi.”

Chính niềm vui hôm nay đã được tiên tri Sôphônia tiên báo, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca!  Hỡi Israel, hãy hoan hỉ!  Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn!  Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi.  Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.”  Vị tiên tri đã báo trước về ngày này.  Ngày vua Israel thực hiện lời hứa.  Ngày Ngài viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Hiệu quả của cuộc thăm viếng này vô cùng lớn lao: bà Êlizabeth được Mẹ lưu lại giúp đỡ trong những ngày thai nghén, sinh nở: “Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.”  Thánh Gioan Tẩy giả được khỏi tội Tổ Tông Truyền ngay từ trong lòng Mẹ.  Như vậy, cả nhà ông Giacaria đều tận hưởng niềm vui hoàn hảo vì có Chúa và Mẹ ở cùng.

Biến cố Đức Mẹ đi thăm viếng bà Êlizabéth không những mang tính lịch sử mà còn là mẫu mực cho các cuộc thăm viếng của con người qua mọi thời đại.

Trong cuộc sống, chúng ta thường thể hiện tình yêu thương bằng nhiều cách thế khác nhau: có thể bằng một tin nhắn, bằng một cú điện thoại, bằng một lá thư điện tử, bằng một lá thư viết tay, bằng một gói quà đặt trọn tất cả tấm lòng trong đó…, nhưng tất cả những cách thức đó không thể thay thế cho sự thăm viếng cách trực tiếp.  Bởi vì, thăm viếng không chỉ là chuyện thường tình giữa con người với nhau: giữa anh chị ruột thịt với nhau, giữa bạn bè với nhau, giữa làng xóm láng giềng với nhau, giữa người khoẻ với người đau yếu…  Nhưng có khi sự thăm viếng lại là một bổn phận: bổn phận giữa bề dưới với bề trên, bổn phận giữa người khoẻ với người ốm đau bệnh tật, bổn phận giữa con cái cháu chắt với ông bà cha mẹ.  Con cái có bổn phận thường xuyên thăm viếng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ gặp sự khốn khó, bệnh tật, như người xưa dạy rằng:

“Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.”

Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta thường hay vịn lý do công việc để miễn trừ cho bổn phận thăm viếng ông bà, cha mẹ.  Nhưng thử hỏi, công việc, tiền bạc quan trọng hơn hay là bổn phận thăm viếng, lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ quan trọng hơn?  Cần dành thời gian nhiều để thăm viếng.  Thăm viếng khi vui, thăm viếng khi buồn, thăm viếng khi ốm đau bệnh tật.  Người ta thường nói: “Vui chia vui thành hai vui khác, buồn chia buồn chỉ còn một nửa.”

Để các cuộc thăm viếng mang lại niềm vui và hiệu quả tốt đẹp, cần phải noi gương Mẹ Maria luôn phải mang Chúa trong mình.  Có Chúa là có tình thương, niềm vui và bình an.  Khi đó cuộc thăm viếng của chúng ta mới đem tình yêu đến cho mọi người.

Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta, luôn bắt chước gương thăm viếng của Mẹ Maria.  Hãy thăm viếng nhau và đem lại cho nhau những niềm vui và sự bình an.  Hãy thăm viếng những người yếu đau và có thể mang theo những món quà với tình thương mến.  Bề trên hãy thăm viếng những người bề dưới với sự đồng cảm và sẻ chia.  Bề dưới hãy thăm viếng bề trên với lòng hiếu kính.  Đặc biệt, trong các cuộc thăm viếng hãy mang Chúa đến cho tha nhân, như Đức Mẹ đem Chúa đến cho cả gia đình ông Giacaria ngày xưa.

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết noi gương Mẹ Maria luôn biết siêng năng thăm viếng tha nhân.  Xin Chúa đồng hành với chúng con trong các cuộc thăm viếng, để các cuộc thăm viếng của chúng con mang lại niềm vui và sự bình an cho tha nhân. Amen.

 Lm. Anthony Trung Thành

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

KHO TÀNG CỦA TẠO HÓA (có Youtube)

“Chúng ta phải cầu nguyện luôn mà không biết mệt mỏi, vì sự cứu rỗi của nhân loại không phụ thuộc vào sự thành công về vật chất, và cũng không dựa trên khoa học mà làm mờ đi sự minh mẫn.  Và nó cũng không phụ thuộc vào vũ khí và các nghành công nghiệp của con người, nhưng nó chỉ dựa vào một mình Chúa Giêsu” – 

Thánh Frances Xavier Cabrini

Đọc những lời lẽ khôn ngoan của các thánh chúng ta hiểu được các ngài đã tìm được kho tàng mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ trong Phúc Âm Luca chương mười hai, “kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó.”  Kho tàng mà các thánh tìm được chính là thứ mà mỗi người chúng ta được sinh ra để đi tìm; thế nhưng tại sao những người tìm thấy được nó thì chẳng có bao nhiêu?  Không biết các bạn có bao giờ đọc tiểu sử của các thánh và suy tư về cuộc đời của các ngài thật sự như thế nào chưa?  Nếu các bạn chưa từng thực hiện điều này, tôi mời bạn hãy đi tìm đọc một mẫu chuyện nhỏ của một vị thánh quen thuộc với bạn và suy tư về kho tàng họ tìm được.  Và nếu bạn đã từng đọc qua nhưng chưa bao giờ suy tư  xin hãy dừng lại chốc lát và suy tư về lối nhìn và cách sống của các ngài.  Một loạt những câu hỏi sẽ được đặt ra: các ngài đã nhìn thấy gì?  Cái gì đã thúc đẩy các ngài để đi tìm kho tàng đó mà các ngài đã bỏ hết cuộc đời để tìm kiếm?  Nói một cách khác, kho báu của các thánh là gì?  Phải chăng đó chỉ vỏn vẹn là một Thiên Chúa mà chúng ta cùng được biết và được mời gọi chia sẻ kho tàng vô giá ấy?  Nếu những gì các thánh đã nhận ra đều được tỏ lộ cho chúng ta qua nhiều thế kỷ, tại sao chúng ta lại không nhận thấy?  Phải chăng chúng ta là những người như Chúa đã nói trong Phúc âm, “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe?”

Các thánh là những người có tầm nhìn xa và họ không lu bu với những bận rộn xung quanh, bởi thế cuộc sống của các ngài không chỉ luẩn quẩn với những công việc hàng ngày.  Nhưng các ngài luôn dành thời gian để trèo lên đỉnh núi của tâm hồn để quan sát lại tầm nhìn và hướng đi của mình.  Thật sự trên đỉnh núi chúng ta sẽ nhìn mọi sự rõ ràng hơn.  Ở đó, chúng ta không chỉ nhìn thấy được những gì liên quan đến chính mình, nhưng còn nhìn thấy cả một thế giới rộng lớn đang bao trùm lấy ta và ta là một phần tử nhỏ trong thế giới sống động ấy.  Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra rằng phải có một sức mạnh siêu nhiên làm chủ và điều khiển tất cả, và con tim của chúng ta sẽ nhận ra sự tài tình của Thiên Chúa cũng như sự hiện diện của Ngài trong vũ trụ này.  Chính ở trên đỉnh núi của tâm hồn mà các thánh nhận ra được sự nhỏ bé của mình và tìm được kho tàng quý báu của các ngài – là chính Chúa Giêsu, kho tàng của mọi tạo vật.

Nhìn lại kinh nghiệm sống của mỗi người, có lẽ chúng ta đã có dịp trèo núi hay được đi núi.  Trong kinh nghiệm đó chúng ta nhận ra rằng con đường đi đến đỉnh núi không dễ dàng và chúng ta phải dồn hết sức lực mới đến được nơi mà ta muốn đến.  Và khi đến nơi, ta hẳn quên đi sự mệt mỏi của chặng đường đã qua và chỉ biết kinh ngạc trước sự hùng vĩ của thiên nhiên.  Nơi đó trước khung cảnh thiên nhiên, chúng ta cảm thấy mọi sự như mới mẻ, như chúng ta được tiếp sức, và chúng ta cảm thấy mình thật nhỏ bé và được bao bọc trong sự quan phòng của Thiên Chúa.  Trên đỉnh núi đó, chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta không làm chủ bất cứ gì nhưng được mời gọi để sống và thưởng thức sự hùng vĩ và cảnh đẹp của thiên nhiên.

Hành trình của tâm hồn mỗi người chúng ta cũng tương tự.  Chúng ta phải dồn hết sức lực để trèo, để tìm, để khám phá.  Hành trình của mỗi người chúng ta là tìm ra kho báu của đời mình, một kho tàng mà Thiên Chúa đã trao ban cho riêng từng người chúng ta.  Các thánh là những người đã đi trước và các ngài đã tìm được và đã hướng dẫn chúng ta biết cách tìm đến kho tàng vô giá đó.  Sự chọn lựa là do chúng ta và nằm trong tầm tay của mình.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy dùng chút thời gian trong ngày để tìm hiểu những con đường các thánh đã đi qua, hầu giúp chúng ta biết trèo lên đỉnh núi thiêng liêng của con tim, định hướng lại con đường trước mặt và tiếp tục tìm kiếm vì chúng ta không thể quên rằng chúng ta được sinh ra để đi tìm kho tàng quý báu dành cho chúng ta – đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa.  Nguyện xin các thánh – là những người đã dành hết cuộc đời của các ngài để đi tìm kho tàng quý báu ấy, và khi tìm được rồi các ngài đã can đảm đánh đổi tất cả để được nó – dạy cho chúng ta biết bắt chước các ngài và luôn đi tìm Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

Củ Khoai

******************

Con đã tìm hạnh phúc từ lâu,
đôi khi như người điên, người mất trí,
với sự đam mê, với lòng tham lam
tiền bạc, quyền hành, quyền lực…
con đã nếm mùi chút ít những điều đó,
nhưng lạy Chúa, con không tìm được niềm vui.

Con đã tìm hạnh phúc trong sự khôn ngoan,
Khôn ngoan như thế gian đề nghị
kiến thức, khoa học, tiếng tăm,
biết hết về lòng người,
hiểu hết về định mệnh thế giới,
nhưng đây cũng vậy, con không thấy chi cả.

Con cũng đã tìm thành công, lạy Chúa
Trong đời con, trong nghề nghiệp, trong gia đình,
được đứng nhứt mọi nơi, được mọi người nghe,
được mọi người nhìn nhận, nhưng con không gặp chi cả.

Hôm nay, lạy Chúa, Chúa mời con lắng nghe Chúa.
Chúa không đợi nơi con công trạng và thành công.
Chúa chờ con giữa đời con,
một đời người thật đơn giản, thật nhỏ bé.
Và chính nơi đó, Chúa tự biểu lộ để sau cùng
Con tìm thấy trong sự hiện diện của Chúa
Ý nghĩa của đời con.
“Ai có tai thì nghe.” (Mt 11, 15)

Hiền Hòa chuyển dịch

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

NƠI CHÂN TRỜI VÀ MẶT ĐẤT GIAO NHAU (có Youtube)

Có hai nhà đạo sĩ kia, một hôm đọc thấy trong một cuốn sách khảo cổ cho biết: có một nơi chân trời và mặt đất giao nhau.  Hai nhà đạo sĩ bèn quyết định lên đường đi tìm cho được nơi chân trời và mặt đất giao nhau như trong sách đã cho biết.  Hai ông còn thề nguyền sẽ không trở về bao lâu chưa tìm được nơi trời đất giao nhau đó.  Bởi vì hai ông được biết ở nơi đó sẽ có một cánh cửa mở ra chân trời.  Khi cửa mở ra, người ta sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Sau một cuộc hành trình lâu dài và gian khổ, hai nhà đạo sĩ đã tìm được nơi chân trời và mặt đất giao nhau.  Hai ông cũng đã mở được cánh cửa trời…  Nhưng đến lúc bước vào cửa trời, hai ông hết sức bỡ ngỡ, vì hai ông gặp lại chính căn phòng quen thuộc của mình…  Lúc ấy hai ông mới hiểu: con đường lên trời bắt đầu từ mặt đất này, trong đời thường, nơi mình đang sống hằng ngày.

Anh chị em thân mến, đường lên trời bắt đầu từ mặt đất này, nơi “Trời Mới Đất Mới” sẽ xuất hiện trong ngày Chúa chúng ta “trở lại cũng một cách y như Ngài đã lên trời.”  Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài ra đi.  Bởi vì ra đi là để lại sự vắng mặt.  Đàng này, Chúa không để chúng ta đơn độc, Ngài còn “ở lại với chúng ta mãi cho đến tận thế.”

Chúa lên trời là Chúa “khuất dạng”, không còn hiện diện bằng xương bằng thịt trước mắt chúng ta nữa, để bắt đầu một sự hiện diện ẩn khuất, nghĩa là Chúa vẫn có mặt đó mà chúng ta không thấy được.  Ngài vẫn ở giữa chúng ta, trong những nơi mà Ngài đã dạy chúng ta biết để nhận ra Ngài: trong Lời Chúa, trong các bí tích, trong anh chị em, trong những người nghèo khổ…  Ngài không chỉ hiện diện mà còn ở, còn cư ngụ.  Một chỗ ở có ý nghĩa sâu sắc hơn một sự hiện diện: Người ta có thể hiện diện trên đường phố, còn ở thì chỉ ở trong nhà mà thôi.  Thiên Chúa chỉ muốn có một chỗ ở, một ngôi nhà riêng của Ngài và ngôi nhà đó là chính chúng ta: “Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”, Ngài ở với chúng ta như ở trong ngôi nhà của Ngài.

Khi nói “Chúa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” hay khi cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, chúng ta đừng tưởng Chúa ở xa cách chúng ta.  Ngài ở trên các tầng mây xanh.  Không!  Nếu đóng khung Chúa ở trên trời là chúng ta bắt Ngài phải di tản.  Chúng ta đánh mất Ngài!  Nhưng qua kiểu nói tượng hình của Kinh Thánh, chúng ta hãy hiểu việc Chúa lên trời là một cuộc thăng quan tiến chức, được thêm uy quyền, hiệu năng, và do đó được hiện diện một cách sâu đậm, thắm thiết hơn, chứ không phải một cuộc thăng thiên xét theo không gian, khiến Ngài xa lìa thế giới chúng ta.

Vì vậy, thiên sứ phải lay tỉnh các môn đệ đang mải mê nhìn lên trời: “Hỡi các ông, người Galilê, thôi đừng đứng đó mà nhìn lên trời nữa!”  Nhưng hãy đi mở mang Nước Chúa và sự hiện diện của Ngài bằng cách hoàn thành công trình đang dang dở của Ngài ở trần gian này: “Hãy đi đến với muôn dân, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy.”  Đó, như thế Chúa lên trời là để khởi đầu sứ vụ của Giáo Hội: Các môn đệ phải ra đi làm chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu, không phải chỉ ở Giêrusalem và nơi những người Do Thái mà thôi, mà còn ở khắp nơi, cho đến tận cùng trái đất và nơi tất cả dân tộc.

Anh chị em thân mến, từ ngày Chúa lên trời, sứ mạng của chúng ta là phải đi vào trần gian, trở về với thực tế, nhìn kỹ vào cuộc sống của nhân loại, của mọi người anh em trên mặt đất này, để cùng với mọi người ra sức xây dựng Nước Trời đang thành hình ngay trong trần thế này, giữa thế giới hôm nay, tùy theo mức độ chính thế giới này có thể hiện được tình thương, có phản ảnh được tình yêu vô biên của Thiên Chúa hay không.  Đúng theo tinh thần của Tin Mừng: Nước Trời không phải chỉ là chuyện đời sau, mà còn phải là thực tế hiện tại: như hạt cải trong thửa vườn, như men trong bột, như muối cho đời: “Nước Trời ở giữa anh em.”

Như thế, thưa anh chị em, Thiên Chúa không đóng đô ở riêng một chỗ nào trong không gian, trên các tầng trời.  Ngài ở bất cứ nơi nào có tình yêu thương.  Nếu cứ luyến tiếc nhìn lui lại quá khứ, hãy mải mê ngước mắt lên trời, chúng ta sẽ quên rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.  Thiên Chúa đang hiện diện bất cứ nơi nào có tình yêu thương nhau, đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau.  Và chỗ nào có một cộng đoàn, một xã hội như vậy, lớn hay nhỏ, đang thành hình thì từ chỗ đó, Nước Trời đang bắt đầu hiện diện.

Trái lại, chỗ nào người ta còn giành giựt nhau, còn áp bức, khai thác, bóc lột nhau, còn coi nhau như thù nghịch, thì khỏi cần tìm địa ngục ở đâu xa hơn nữa: địa ngục đang bắt đầu từ chỗ đó.  Thiên đàng hay địa ngục, chúng ta đang bắt đầu xây dựng hay đào sâu ngay từ trong cuộc sống chúng ta hôm nay.

Vậy, ngày Chúa lên trời, thay vì chỉ mải mê nhìn lên trời, thụ động trông chờ ngày Chúa trở lại, chúng ta hãy nhìn xuống mặt đất, hãy cùng nhau góp sức xây dựng con đường lên trời ngay từ mặt đất này; vì chính từ mặt đất này mà “Trời Mới Đất Mới” sẽ xuất hiện trong ngày Chúa chúng ta “trở lại cũng một cách y như Ngài đã về trời.”

Công đồng Vaticanô II đã nói: “Vẫn biết rằng quê hương vĩnh cửu của chúng ta không phải ở trần gian này và chúng ta chỉ đi qua để về quê hương trên trời, nhưng thực là sai lầm, nếu vì đó mà nghĩ rằng mình có thể xao lãng nghĩa vụ của mình ở trần gian” (Mv 43,1b).  Vì thế, trông đợi “Trời Mới Đất Mới” không những không làm giảm bớt mà còn tăng thêm nơi chúng ta ý chí xây dựng trời đất hiện tại này.  Bởi vì xây dựng trời đất hiện tại là xây dựng “Trời Mới Đất Mới” (MV 39,2a), là xây dựng quê hương vĩnh cửu của chúng ta vậy.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

 *********

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.  Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của phận người.  Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.  Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân chúng con tiến về bên Chúa.  Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.  Amen!

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CON ĐANG TÌM MẸ CON (có Youtube)

“…Năm 1949 chúng tôi hiểu được đôi điều mới về Mẹ Maria.  Sự hiểu biết đầu tiên là thấy Mẹ Maria chính là Lời Chúa sống động; Ngài được mặc bằng Lời Chúa.  Mẹ Maria là Phúc Âm hằng sống.  Nếu Ngôi Lời là vẻ đẹp, là sự chói ngời của Chúa Cha, thì Mẹ Maria là một thụ tạo với bản chất là Lời Chúa và Người có vẻ đẹp không ai sánh bằng.

Việc Mẹ Maria chính là Lời Chúa sống động được nói lên rõ ràng nơi bài ca chúc tụng (Magnificat); bài ca độc đáo vì những câu Kinh Thánh trong đó.  Điều này cho thất rõ ràng Mẹ Maria được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh đến độ Người có thói quen dùng Lời Kinh Thánh…

Sự hiểu biết này (Mẹ Maria là Lời Chúa được thực hiện) đã đánh động chúng tôi rất sâu xa… Trong tính cách đặc biệt và toàn thiện của Người, Mẹ Maria nói lên điều mọi người Kitô hữu phải trở thành: đó là một Kitô khác, là sự Thật, là Ngôi Lời, từ con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ…”

Đây là kinh nghiệm của bà Chiara Lubich về Mẹ Maria.  Mẹ Maria là Phúc Âm được hoàn toàn đem thực hiện (She is the Word of God perfectly put in practice).  Kể cả anh chị em Tin Lành cũng chấp nhận cái nhìn này về Mẹ Maria.  Khi nhìn vào Mẹ, chúng ta thấy kết quả của Phúc Âm đã được đem thực hiện: từ Phúc Âm được sinh ra một con người cao đẹp, giống như Chúa Giêsu hay là một cộng đoàn như Gia Đình Nazareth.

Đây chính là điều mà Mẹ Maria mong ước nơi chúng ta, là con cái của Mẹ: sống Lời Chúa, sống theo tinh thần Phúc Âm, chứ không phải theo logic của thế gian.  Đó có nghĩa là sống như chính Mẹ đã sống.  Nói một cách khác, Mẹ muốn chúng ta phúc âm hóa lối sống chúng ta.  Người sẵn sàng giúp chúng ta trong việc này!

*********

Lúc đó chừng bảy giờ tối, Linh mục chánh xứ vào nhà thờ để đóng cửa.  Cha đi khập khễnh vì tuổi già.  Tới gần cửa, linh mục thấy một em bé chừng sáu tuổi đang đứng trong bóng tối nhà thờ.
–  Con đang làm gì đấy?
–  Con… đang tìm mẹ con!
–  Tìm mẹ con?  Con thấy rõ đây không còn ai nữa.  Về nhà đi, giờ này chắc mẹ con đang dọn cơm cho con.
–  Không!  Bà ở nhà không phải là mẹ con!  Em bé trả lời với giọng mạnh mẽ.
Linh mục tiếp tục nói với giọng êm dịu hơn vì phỏng đoán một thảm trạng trong gia đình em bé.
–  Trời ơi!  Nếu mẹ con không ở nhà, sao con đến đây tìm ngài?
–  Vì các bạn con đi học giáo lý nói rằng tại nhà thờ có Mẹ của tất cả mọi người.
–  Đây ah?… Đúng.  Con nói đúng lắm!  Đây có Mẹ của tất cả mọi người.  Cha sẽ cho con xem Mẹ con, mời con theo cha.
Linh mục cảm thấy rất cảm động vì lời nói và sự khổ tâm của em bé ngây thơ đó.  Cha cầm tay em, đưa nó đi trong ánh chạng vạng của nhà thờ đến trước tượng Đức Mẹ Maria bên cạnh bàn thờ.  Cha mở đèn, đột nhiên xuất hiện trong ánh sáng khuôn mặt êm dịu và mỉm cười của Mẹ Maria, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao sáng láng.
–  Con thấy chưa?  Đây là Mẹ của tất cả chúng ta, là Mẹ của Chúa Giêsu…
–  Con muốn cầu nguyện với cha xin Mẹ cho người đàn bà không phải là mẹ của con rời nhà con và đừng bao giờ trở lại nữa được không?

Linh mục và em bé đọc vài kinh “Kính mừng…” sau đó em ra về.

Tám ngày sau, một người đàn ông cũng vào nhà thờ và quỳ xuống trước tượng Đức Mẹ Maria cầu nguyện.  Sau đó ông xin gặp linh mục và nói:

–  Con mới đuổi người đàn bà không phải là vợ con đi!  Đây là cái gì vượt trên sức con…  Chỉ nhờ sức mạnh Mẹ Maria đã ban cho con, con mới đủ can đảm trở về với vợ con.  Xin cha thêm lời cảm tạ Đức Mẹ với con…

(Fr. Mariano from Turin)

*********

Ông bố của em bé đã đến sùng kính Mẹ Maria sau khi ông đã đổi mới lối sống của ông.  Mẹ Maria không phải chỉ phúc âm hóa chính Ngài thôi, mà còn muốn giúp chúng ta sống theo ý Chúa, theo tinh thần Phúc Âm.  Khi sống theo Phúc Âm, chúng ta trở nên giống như Đức Giêsu.  Vì thế, có thể nói rằng nhiệm vụ của Mẹ Maria trong Giáo Hội là khắc ghi hình ảnh Chúa Giêsu trong tâm hồn chúng ta.

Mẹ Maria mong muốn nơi chúng ta điều này nhất; đó là biến hình tâm hồn chúng ta thành hình dáng Đức Giêsu.  Nếu chúng ta lo sùng kính Mẹ Maria bằng dâng hoa, rước kiệu, lần chuỗi, đi hành hương Thánh Mẫu… mà đồng thời không lo phúc âm hóa tâm hồn mình, thì chúng ta không đẹp lòng Mẹ, ta làm cho Mẹ bất mãn về chúng ta.

Hai tháng Năm và Sáu giúp chúng ta nên xét mình lại: Mẹ Maria đối với tôi là ai?  Một Đấng mà phải sùng kính bằng hoa, lần chuỗi… chăng?  Một Đấng mà chúng ta cầu xin khi cần một điều gì đó?  Hay Người là mẫu mực mà ta cố gắng bắt chước trong đời sống hàng ngày?  Việc sùng kính Mẹ Maria có giúp mình thay đổi không?  Có giúp mình thấm nhuần tinh thần Phúc Âm không?

Chúng ta phải lo sống như Mẹ Maria vì Ngài là hình ảnh hoàn thiện nhất của Đức Giêsu.  Bằng cách nào?  Bằng cách sống thinh lặng, khiêm nhường, hiền lành, trong sạch, yêu thương, quên chính mình…  Đây là chương trình cho cả đời sống chúng ta!

Thân ái,

Gildo Dominici, SJ
(Trích báo Ðồng Hành – tháng 5 và 6/1992)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

HÃY NHÌN XUỐNG ĐỂ THẤU HIỂU VÀ SẺ CHIA (có Youtube)

Xã hội phát triển, đồng nghĩa đời sống vật chất và tinh thần con người ngày càng được nâng lên.  Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lại không cảm thấy hạnh phúc dù họ không hề thiếu thứ gì.  Họ khó chịu, mệt mỏi khi gặp chuyện không vừa ý, khi thua kém người khác hay khi không được thỏa mãn điều gì đó,… và thường nghĩ rằng mình là người bất hạnh nhất, cảm thấy trên đời không ai khổ bằng mình.

Vậy nếu bạn cảm thấy mình là người bất hạnh nhất thì ai sẽ là người hạnh phúc nhất?  Câu trả lời là chẳng có ai!  Bởi cuộc sống này không có điều gì là toàn mỹ, không có gì là toàn nhất cả.  Được cái này thì mất cái kia!  Hãy nhìn rộng ra và làm vài phép so sánh, bạn sẽ thấy mừng vì mình chưa phải người bất hạnh nhất đâu.

Nếu bạn cảm thấy việc học đối với bạn quá nhàm chán, luôn là một gánh nặng và bạn muốn bỏ cuộc thì hãy nhìn sang những đứa trẻ trong lớp học tình thương hay những em nhỏ sáng đánh giày, tối học trong lớp bổ túc văn hóa, chắc chắn bạn sẽ rút lại ý định bỏ học của mình.

Cuộc sống này không có điều gì là toàn mỹ, không có gì là toàn nhất cả. Hay khi bạn cảm thấy căn nhà mình ở quá “ngột ngạt”, không đủ rộng lớn đối với mình thì hãy thử sống trong khu ổ chuột để biết cảm giác thiếu thốn, ngột ngạt thật sự nó như thế nào.

Cảm giác bị ba mẹ mắng thật không dễ chịu chút nào!  Nhưng liệu có bằng cảm giác của người không còn ba mẹ la rầy hay phải chứng kiến gia đình “mỗi người một nơi” không?  Bạn có thể tự trả lời được.  Còn nhiều điều, nhiều điều khác lắm nhưng chỉ qua vài ví dụ như vậy cũng có thể thấy ta vẫn còn sung sướng hơn nhiều người.

Hôm trước tôi có xem một đoạn phóng sự trên TV về tình hình chiến sự tại Syria, một phóng viên đã hỏi những người tị nạn một câu như thế này :

– Nếu được ước, các anh sẽ ước gì?

Tất cả đều trả lời :

– Chúng tôi chỉ muốn kết thúc chiến tranh, chúng tôi chỉ muốn trở về nhà sống cuộc sống yên bình.

Trong khi chúng ta mãi lo nghĩ làm sao để sống giàu có, phủ phê thì những người tị nạn Syria chỉ mong ước đất nước kết thúc chiến tranh để có thể bình yên trở về nơi “chôn rau cắt rốn” của mình.  Thế mới biết, trong lúc khó khăn, nguy hiểm thì điều chúng ta cần nhất chính là bình yên thật sự.

Bạn tôi có lần kể cho tôi nghe chuyện về một ca sĩ hát nhạc cổ điển rất nổi tiếng.  Cô từng kết hôn với một người chồng giàu có và rất hạnh phúc.  Một hôm, cô đến một quốc gia láng giềng để trình diễn, và đêm trình diễn đó rất thành công.  Sau buổi diễn, khi cô bước ra khỏi nhà hát cùng với chồng và con trai, phóng viên điện ảnh liền đua nhau tới phỏng vấn.

Mọi người đều ca tụng và ngưỡng mộ người ca sĩ.  Họ ca ngợi cô vì cô đã nổi tiếng ngay sau khi tốt nghiệp đại học, lại được bầu là một trong mười người chơi nhạc cổ điển hay nhất trên thế giới ở tuổi 25.  Một số người ca ngợi rằng cô có chồng giàu, làm chủ một công ty rất lớn và có một con trai rất xinh xắn, luôn luôn mỉm cười.

Trong khi mọi người nói những lời có cánh, người ca sĩ chỉ lắng nghe.  Sau đó, cô bắt đầu nói rất chậm rãi: “Trước hết tôi muốn cám ơn tất cả mọi người vì lời ca ngợi về tôi và gia đình tôi, và tôi hy vọng tôi cũng qúy mến những điều này như các bạn.  Tuy nhiên, các bạn chỉ thấy một phần và đã không nhìn thấy những phần khác.  Sự thật là, đứa con trai xinh xắn của tôi mà các bạn nói rằng luôn luôn tươi cười thật ra bị câm.  Ngoài ra, bé còn một người chị ở nhà cũng đang mắc bệnh tâm thần, cháu bị giữ trong căn phòng chắn bằng các thanh sắt trên cửa sổ năm này qua năm khác.”

Nghe cô ca sĩ nói, đám đông im lặng nhìn nhau.  Cô ca sĩ tiếp tục nói một cách bình tĩnh: “Ðiều này cho chúng ta biết những gì?  Tôi tin rằng chỉ có một lời giải thích, đó là Thượng Đế ban tình thương cho mọi người rất công bằng.”

Câu chuyện của cô ca sĩ cho ta thấy Thượng Đế rất công bằng bởi trong vũ trụ chúng ta đang sống luôn tồn tại một pháp lý: có được, có mất.

Con người ta thường dễ sa đà vào những thứ phù phiếm mà thường bỏ quên những thứ đáng quý ở thực tại.  Ước mơ, khát khao sống tốt hơn là chính đáng nhưng chẳng may không đạt được cũng đừng quá buồn bởi còn nhiều người khó khăn hơn gấp vạn lần ta. Hãy mở lòng ra, nhìn xung quanh với ánh mắt từ bi và bao dung, sẽ biết rằng ta còn may mắn hơn rất nhiều người, và đó cũng là một lý do để ta cảm thấy thêm yêu đời.

Thượng Đế cho ta cái cổ không những để ta ngước lên trên phấn đấu mà còn để ta nhìn xuống để thấu hiểu, chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh.

Hoàng An

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TRỞ NÊN HÌNH ẢNH CHÚA GIÊSU (có Youtube)

Nhiều lần Chúa Giêsu nói về Chúa Cha khiến các môn đệ đâm ra tò mò.  Chúa Cha là Ai?  Ngài ở đâu?  Ngài là Đấng thế nào?

Thế nên Philípphê mới đề nghị với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”

Dùng ngôn ngữ vốn rất hạn hẹp của con người để diễn tả mầu nhiệm cao vời về Chúa Cha thì khác chi lấy gang tay đo chín tầng trời.  Vì vậy, thay vì dùng lời để diễn giải, Chúa Giêsu dùng phương pháp trực quan.  Ngài chỉ cho Phi-líp-phê cũng như các môn đệ xem chân dung, xem hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Cha.  Chân dung đó, hình ảnh đó chính là Ngài: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.”

Tiếp theo, Chúa Giêsu cũng tỏ cho các môn đệ biết giữa Ngài và Chúa Cha có một mối hiệp thông hết sức mật thiết.  Những lời Chúa Giêsu nói chính là những lời của Chúa Cha được phát ra qua môi miệng Chúa Giêsu: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra.  Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10).  Những gì Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời đều cũng là những hành động của Chúa Cha…

Thế là Chúa Cha tự tỏ mình qua Chúa Giêsu.  Nhìn vào Chúa Giêsu, nhân loại sẽ biết được Thiên Chúa Cha.

*******

Thánh Athanasiô đã diễn tả chân lý nầy như sau: “Chúa Cha được bày tỏ qua Chúa Con và Chúa Con được bày tỏ qua Giáo Hội.”  Nói khác đi, Chúa Con là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hình ảnh trung thực của Chúa Con, và chúng ta, vì là thành phần của Giáo Hội, nên cũng phải là hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu.

Theo nhật báo Chứng Nhân kitô hữu (Témoignage Chrétien), vào năm 1941 có một vị linh mục bị Đức Quốc Xã giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do thái.  Như bao tù nhân khác, ngài cũng bị hành hạ và ngược đãi thậm tệ.  Tuy nhiên ngài vẫn vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em đồng cảnh ngộ đang lâm vào tình trạng khủng hoảng và tuyệt vọng.

Trong cảnh tù đày đói khát, một vụn bánh còn quý hơn vàng, vậy mà ngài dám chia sớt phần ăn ít ỏi của mình cho những bạn tù yếu sức hơn.

Những lúc trời rét buốt xương, tấm áo len được xem là kho tàng vô giá, thế mà có lần ngài tặng không chiếc áo len đang mặc cho bạn tù đang lâm trọng bệnh nằm run cầm cập trong xó nhà.

Ngài là nhịp cầu yêu thương giữa những kẻ bất hoà, đem sự khích lệ tinh thần cho những tâm hồn sầu muộn…  Ngài đã cứu được mấy bạn tù tuyệt vọng khỏi tự huỷ mình nhờ những khuyên lơn an ủi…  Vì thế, các tù nhân trong trại rất yêu quý và xem ngài như người cha thứ hai.  Họ đều gọi ngài cách thân thương là… Bố.

Trong trại tù còn có một thanh niên bụi đời, lớn lên nơi đầu đường xó chợ, căm hờn mọi người, không ngần ngại phạm bất kỳ tội ác nào.

Vị linh mục khả ái từng bước tiếp cận, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã cảm hoá được chàng thanh niên chai đá và tưởng chừng như vô phương cứu chữa nầy.  Ngài cũng mong ước dần dần dẫn dắt cậu về với đạo thánh Chúa.

Thế rồi, một hôm, có lệnh chuyển cha sang trại Ao-sơ-vích (Auschwitz), một trại tập trung mà chỉ mới nghe danh xưng, mọi trại viên đều phải kinh hoàng.  Đó là lò hủy diệt con người bằng những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác.

Trước khi chia tay với các bạn tù và đặc biệt với cậu thanh niên mới hoàn lương, ngài quyết định phải giới thiệu đôi nét về Chúa Giêsu cho cậu với hy vọng cậu sẽ trở thành người con Chúa.

Ngài vỗ vai cậu và ôn tồn nói “Này, con yêu của Bố, đã từ lâu Bố rất mong con nhận biết và trở thành môn đệ Chúa Giêsu .”

Cậu thanh niên thưa lại: “Nhưng con chưa biết gì về Chúa Giêsu cả.  Bố có thể kể sơ lược về Ngài cho con biết được không?”

Biết mình không còn thời gian để giới thiệu dông dài vì giờ chuyển trại sắp đến, vị linh mục già thinh lặng cúi đầu, cầu nguyện giây lát, rồi ngài ngẩng lên khiêm tốn đáp: “Chúa Giêsu mà Bố muốn cho con tin và yêu mến, Ngài giống như Bố đây!”

Bấy giờ cậu thanh niên nhìn thẳng vào mắt ngài cách trìu mến và chân thành đáp lại: “Nếu Chúa Giêsu mà giống Bố thì có thể một ngày nào đó, con sẽ tin và yêu mến Chúa Giêsu!”

Sau thế chiến thứ hai, người ta không còn gặp lại vị linh mục nầy nữa. Còn cậu thanh niên thì được sống sót qua các trại tập trung trở về với gia đình, và đã thuật lại câu chuyện trên đây về một mục tử đã thực sự trở thành hình ảnh trung thực của Chúa Cứu Thế.  Cũng chính nhờ hình ảnh Chúa Giêsu ngời sáng lên nơi con người và cuộc đời của vị mục tử tốt lành nầy, chàng thanh niên được cảm hoá và trở thành người con Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Đã bao lần chúng con làm cho khuôn mặt Chúa trở méo mó, biến dạng và có thể là rất khó thương vì đời sống không đẹp của chúng con.

Xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa như một khuôn mẫu tuyệt vời để đào tạo bản thân mình thành con người mới, có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức và văn hoá để nhờ đó, chúng con trở thành hình ảnh trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay.

Lm Ignatiô Trần Ngà

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

LỜI CHÀO HUYỀN DIỆU (có Youtube)

Chào hỏi là cử chỉ đầu tiên khi hai người gặp gỡ nhau.  Tùy theo cách thức chào hỏi mà người ta nhận ra mối tương quan giữa hai người, cũng như địa vị của họ.  “Ave Maria – Kính chào Bà Maria” là lời chào của Sứ thần Gabrien trong ngày truyền tin.  Lời chào ấy, vừa thể hiện sự kính trọng, vừa là lời tôn vinh các nhân đức của Đức Trinh nữ.  Lời chào thân thương ấy đã trở thành lời kinh quen thuộc của người Công giáo chúng ta.

Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Sứ thần Gabrien và Đức Trinh nữ thành Nagiarét.  Sự kiện này được chính Đức Maria kể lại cho tác giả như một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời mình.  Gabrien là vị sứ thần được Chúa sai từ trời xuống chào kính Đức Trinh nữ và loan báo mầu nhiệm Nhập Thể.  Đây thật là lời chào huyền diệu, hàm chứa những ý nghĩa sâu xa.  Lời chào này không chỉ khởi đầu cho cuộc gặp gỡ giữa cá nhân, mà còn là khởi đầu của công cuộc Nhập thể cứu độ trần gian.

Trong Cựu Uớc, nhiều cuộc gặp gỡ giữa các thiên sứ (hay người của Thiên Chúa) với người phàm được ghi lại, như trường hợp của ông Abraham hay các ngôn sứ.  Tuy vậy, không có một cuộc gặp gỡ nào được diễn tả với thể thức chào hỏi kính trọng, như lời chào của Sứ thần Gabrien.  Lời chào của Sứ thần là lời chào của chính Thiên Chúa, Đấng sai Sứ thần đến gặp Đức Trinh nữ Maria.  Sứ thần có sứ mạng chuyển tải một thông điệp, với nội dung như Đấng sai mình đã truyền dạy.

“Ave Maria”, đây là lời chào của Đấng sáng tạo ngỏ với thụ tạo của mình.  Lời chào diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa.  Vào thời ban đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ, trời đất và muôn vật muôn loài.  Trong các loài thụ tạo, Chúa dựng nên con người và trao cho họ thay mặt Ngài làm chủ đất đai, canh tác vũ trụ.  Một tác giả đã viết: “Khi sáng tạo, Thiên Chúa giống như nước thủy triều, khiêm nhường thu mình lại để nhường chỗ đất khô cho con người và các loài thụ tạo.”  Nay, Ngài lại có sáng kiến cứu độ con người.  Để thực hiện chương trình ấy, Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của một người phụ nữ đơn sơ khiêm hạ.  Dường như Ngài chờ đợi sự đồng ý của Trinh nữ.  Nếu Thiên Chúa hạ mình chào một thụ tạo, thì Trinh nữ thành Nagiarét cũng diễn tả sự khiêm nhường qua câu trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa.”  Đức Maria khiêm tốn ý thức mình chỉ là tôi tớ thấp hèn trước sự cao cả thánh thiện của Chúa.  Nếu Mẹ nhận được những đặc ân cao cả, là do lòng thương xót của Chúa.  Mẹ đã phó thác hoàn toàn theo ý Chúa, vì Mẹ xác tín rằng, những gì Chúa muốn đều tốt cho nhân loại và tốt cho những ai có liên quan.  Khi suy ngắm mầu nhiệm thứ nhất của Mùa Vui, chúng ta xin cho được sự khiêm nhường, như sự khiêm nhường của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ trần gian.  Chúng ta cũng cầu xin cho được noi gương Đức Trinh nữ, khiêm hạ trước mặt Chúa và sẵn sàng cộng tác với Ngài.

“Ave Maria”, lời chào đi liền với lời ca tụng nhân đức của Đức Trinh nữ Maria.  Sứ thần đã ca tụng Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc.”  Đây không phải là một lời khen xã giao theo kiểu người đời.  Đây cũng không phải là một lời khen tặng mà con người dành cho nhau, nhưng đây chính là lời của Thiên Chúa tôn vinh Đức Mẹ.  “Đầy ơn phúc” là cách diễn tả một người toàn vẹn, thánh thiện, hoàn hảo, đầy đủ mọi đức tính tốt đẹp.  Đức Mẹ có vẻ đẹp thể xác lẫn tâm hồn, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa đẹp lòng con người.  Vì Đức Mẹ không mắc tội tổ tông, nên Đức Mẹ tinh tuyền, như bà Evà trước khi phạm tội. Tâm hồn và thể xác Đức Mẹ phản ánh sự thánh thiện vẹn toàn của Thiên Chúa, nhờ vậy mà Mẹ được tôn vinh hơn hết mọi phụ nữ trên trần gian.  Lời chào của Sứ thần cũng thường được dịch là “Hãy vui lên!”  Một người đầy ơn sủng sẽ luôn hân hoan vui mừng vì cảm nhận sâu sắc sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.  Thiên sứ mời gọi Đức Mẹ hãy vui lên, như tâm tình hân hoan vui mừng của nữ ngôn sứ Sophonia trong Cựu ước, bởi lẽ Thiên Chúa sẽ thực hiện những việc kỳ diệu trong lịch sử, để thể hiện quyền năng và tình thương của Ngài.  Niềm vui tràn đầy của Đức Mẹ đã thể hiện qua kinh Magnificat sau đó.  Niềm vui của Đức Trinh nữ là niềm vui toàn diện, cả linh hồn và thần trí.

“Ave Maria”, lời chào đánh dấu một giai đoạn mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.  Tác giả thư Do Thái đã viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua các Tổ phụ và các ngôn sứ.  Đến thời sau hết này, Ngài nói với chúng ta qua người Con” (Dt 1,1).  Với lời thưa “Xin vâng” của Đức Trinh nữ, Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt và cư ngụ giữa chúng ta.  Đấng từ trời cao đã giáng thế.  Thiên Chúa với con người đã nên một.  Từ nay, Thiên Chúa không còn là Đấng cao xa vời vợi, nhưng Ngài đã mang lấy bản tính nhân loại và chọn trái đất là quê hương.  Ngài cũng chọn con người là anh chị em, để cùng chia ngọt sẻ bùi trong cuộc đời dương thế.

Người tín hữu Công giáo lặp lại lời chào “Ave Maria” mỗi khi lần hạt Mân Côi.  Lời chào này đã trở thành lời cầu nguyện thân thuộc, đi liền với tình suy niệm những biến cố quan trọng của cuộc đời Chúa Cứu Thế.  Kinh Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu và mở lòng đón nhận giáo huấn của Người.  Hai mươi mầu nhiệm Mân Côi phác họa chân dung Đấng Cứu Thế, đồng thời giúp ta nhận ra chính thân phận và cuộc đời mình giữa những biến cố Vui, Sáng, Thương, Mừng đan xen với nhau.

“Ave Maria”, ước chi lời chào này luôn vang lên nơi môi miệng và tâm hồn chúng ta, lúc vui cũng như lúc buồn, khi hạnh phúc cũng như khi đau khổ, tuổi thanh xuân cũng như khi xế bóng, để xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta mọi giây phút của cuộc đời.  Khi đọc kinh “Kính Mừng”, người tín hữu Công giáo thể hiện tâm tình phó thác cậy trông nơi lời cầu bầu của Đức Mẹ và kêu xin: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.”  Đây là lời cầu nguyện của Công đồng Êphêsô vào năm 431, sau khi đã tuyên bố tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” như một tín điều.

“Ave Maria”, lời ca tụng hôm nay nơi trần thế, cũng là lời ca tụng giữa triều thần thánh trên thiên đàng, để rồi cùng với Đức Mẹ, chúng ta sẽ được hân hoan ca tụng Chúa muôn đời.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

100 NĂM FATIMA: CÂU CHUYỆN ĐỨC MẸ HIỆN RA VẪN RẤT CUỐN HÚT (có Youtube)

Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ ở Fatima một thế kỷ trước, vẫn tiếp tục thu hút các tín hữu và cả những người không cùng niềm tin.

Trong khi trọng tâm của thông điệp Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha cách đây 100 năm đó là “hoán cải” và “cầu nguyện”, thì những phép lạ và hiện tượng không thể giải thích được đi kèm sự kiện ấy vẫn tiếp tục kích thích sự tò mò đối với đông đảo các tín hữu cũng như những người không cùng niềm tin Kitô giáo.

Các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Fatima năm 1917, không phải là sự kiện siêu nhiên đầu tiên được biết đến tại Fatima – bởi hai năm trước khi Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn cừu là Lucia dos Santo và hai người em họ Jacinta và Francisco Marto, thì các em đã thấy một cảnh tượng kỳ lạ khi lần chuỗi Mân Côi ở đồng cỏ.  Điều này ghi lại trong nhật ký của nữ tu Lucia, người sau này trở thành nữ tu dòng Carmen.

“Thật khó để bắt đầu [lần chuỗi] khi chúng tôi nhìn thấy trước mắt mình, một cái gì đó giống người đứng lơ lửng trên không khí phía trên trên những cái cây.  Nó trông giống một bức tượng tuyết, gần như trong suốt trước những tia nắng mặt trời.”  Nữ tu Lucia miêu tả những gì họ đã thấy vào năm 1915.

Năm 1916, Francisco và Jacinta được phép chăn đàn gia súc trên cánh đồng của gia đình, và Lucia cũng tham gia công việc này với hai người em họ của mình.  Vào chính năm này, nhân vật bí ẩn xuất hiện một lần nữa và gần hơn.  Nên các em thấy được rõ hơn.

“Đừng sợ! Ta là Sứ Thần Hòa Bình.  Hãy cùng ta cầu nguyện.” – Nữ tu Lucia nhớ lại lời thiên thần nói.

Ba em không nói với ai về cuộc viếng thăm của thiên thần, và các em cũng không thấy hiện tượng lạ nào nữa cho đến ngày 13 tháng 5 năm 1917.  Khi ấy các em đang chăn cừu và vui đùa cùng nhau, thì bị giật mình bởi hai lần sét đánh.

Khi xuống dốc, các em nhìn thấy một “phụ nữ mặc áo trắng” đứng trên trên ngọn cây nhỏ.

Đây là lần đầu tiên trong sáu lần Đức Mẹ hiện ra với các em.  Và mỗi lần hiện ra, Đức Mẹ đều ban thông điệp và những mạc khải.  Sau đây là lịch sử các cuộc hiện ra của của Đức Mẹ như sau:

– Ngày 13 tháng 5 năm 1917: Khi được hỏi: Bà là ai và bà từ đâu đến?  Người phụ nữ trả lời bà đến “từ trời” và sau này bà sẽ tiết lộ danh tính của mình.  Bà dặn các em trở lại Cova da Iria vào ngày 13 mỗi tháng, trong sáu tháng tiếp theo.  Bà cũng xin các em cầu nguyện mỗi ngày với chuỗi Mân Côi, để “thế giới có được hòa bình” và Chiến tranh thế giới lần I được kết thúc.

– Ngày 13 tháng 6 năm 1917: Người phụ nữ nói bà sẽ đưa Francisco và Jacinta về thiên đàng sớm, còn Lucia sẽ ở lại thế gian một thời gian để truyền bá việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội.

– Ngày 13 tháng 7 năm 1917: Người phụ nữ nói sẽ tiết lộ danh tính của mình vào tháng Mười và sẽ “thực hiện một phép lạ để mọi người nhìn thấy và tin tưởng.”  Sau khi phán bảo các em hãy hãm mình hy sinh để cầu nguyện cho kẻ có tội, bà tiết lộ ba bí mật.  Hai trong ba bí mật này đã không được công khai cho đến năm 1941, và bí mật thứ ba do nữ tu Lucia viết và gửi tới Tòa thánh Vatican, đến tận năm 2000 mới được công bố.

Bí mật đầu tiên là thị kiến về Hỏa ngục.  Ở thị kiến này, các em nhìn thấy “biển lửa” với ma quỷ và linh hồn con người đang hét lên “đầy đau đớn và thất vọng.”  Trong hồi ký, nữ tu Lucia kể lại những người đứng gần đó – người dân khi ấy đã bắt đầu tụ tập xung quanh ba trẻ vào ngày 13 hàng tháng – đã nghe thấy những “tiếng khóc” của Lucia trong thị kiến đáng sợ này.

Bí mật thứ hai là Chiến tranh thế giới thứ lần I sẽ kết thúc, nhưng sẽ “có một cuộc chiến tệ hại hơn nổ ra” nếu con người tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa.  Tuy nhiên tai ương sẽ được ngăn chặn, nếu nước Nga được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Mặc dù nữ tu Lucia xác nhận rằng, Đức Giáo hoàng Piô XII vào năm 1942 và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1984, đã thực thi việc dâng hiến nước Nga, nhưng nhiều người sùng mộ Fatima vẫn cho rằng yêu cầu đó của Đức Mẹ chưa được thực hiện.

Bí mật thứ ba và cũng là bí mật cuối cùng: Bí mật này được công bố 83 năm sau khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.  Bí mật này là thị kiến về một “vị giám mục mặc áo trắng” bị bắn giữa đống gạch đá của một thành phố đổ nát.  Vatican đã đưa ra cách giải thích chính thức, và đã thảo luận với nữ tu Lucia trước khi công bố cách giải thích này.  Vatican nói bí mật thứ ba đề cập đến cuộc bức hại các Kitô hữu vào thế kỷ 20, và cụ thể là vụ ám sát Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bất thành vào năm 1981.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, khi ấy là Tổng trưởng của Bộ Giáo Lý Đức Tin khi bí mật thứ ba được công bố vào năm 2000.  Khi công bố và giải nghĩa bí mật cho báo chí, ngài nói mục đích của thị kiến, ​​không phải để cho thấy một “tương lai không thể thay đổi”, nhưng là để “huy động các nguồn lực giúp thế giới thay đổi theo đúng hướng.”

– Ngày 13 tháng 8 năm 1917: Một lần nữa, người phụ nữ nói bà sẽ thực hiện một phép lạ vào tháng Mười và yêu cầu tiền quyên góp của những người hành hương sẽ được sử dụng để xây dựng một nhà nguyện trên địa điểm hiện ra.

– Ngày 13 tháng 9 năm 1917: Người phụ nữ yêu cầu các em tiếp tục cầu nguyện với chuỗi Mân Côi để “thế giới chấm dứt chiến tranh.”  Bà nói rằng Chúa Giêsu, Thánh Giuse, Đức Mẹ Sầu Bi và Đức Mẹ núi Camêlô sẽ xuất hiện trong phép lạ vào tháng Mười tới.

– Ngày 13 tháng 10 năm 2017: Mặc dù trời đổ mưa, hàng chục ngàn người đã đến Cova da Iria để chứng kiến ​​phép lạ được chờ đợi từ lâu.

Người phụ nữ đã công bố mình là Đức Mẹ Mân Côi.  Mẹ cũng cho biết, chiến tranh sẽ kết thúc và những người lính sẽ trở về nhà.  Sau khi yêu cầu mọi người ngừng xúc phạm Thiên Chúa, Đức Mẹ mở tay ra và làm phản chiếu ánh sáng về phía mặt trời.

Nữ tu Lucia reo lên: “Hãy nhìn mặt trời!”  Khi đám đông nhìn lên, mặt trời dường như nhảy múa và thay đổi màu sắc.  Các em cũng thấy Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Mẹ Maria như Đức Mẹ đã hứa.  Nỗi ngạc nhiên trước cảnh tượng “mặt trời nhảy múa” biến thành hoảng sợ khi mặt trời dường như lao mạnh về phía trái đất.  Nhiều người lo sợ tận thế đến, nên đã la hét và chạy toán loạn, một số người tìm chỗ trốn trong khi số còn lại vẫn quỳ gối, và cầu xin Chúa thương xót.  Sau đó, mặt trời trở về như bình thường.

Mười ba năm sau khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, giám mục giáo phận Leiria đã tuyên bố việc ba trẻ chăn cừu thấy Đức Mẹ hiện ra là “đáng tin” và cho phép tôn kính Đức Mẹ Fatima.  Tuy nhiên, vị giám mục không công nhận hiện tượng mặt trời nhảy múa là phép lạ.

Anna Huê (theo Catholic Herald)
Nguồn: nhathothaiha

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĐƯỜNG GIÊSU (có Youtube)

Băn khoăn về nguồn cội con người, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, thao thức truy tìm cứu cánh của đời người đã tiếp nối bằng bao thế kỷ mà không có được câu trả lời thoả đáng.  Con người bơ vơ giữa ngã ba không biết phải đi về đâu.  Khi xuống trần, Chúa Giêsu đã cho ta biết nguồn cội của Người là Đức Chúa Cha, ý nghĩa đời Người là thi hành thánh ý Chúa Cha, và cùng đích đời Người là trở về với Chúa Cha.  Muốn về với Đức Chúa Cha, ta phải theo một con đường.  Đường ấy có tên là GIÊSU.  Đường này chắc chắn an toàn đi đến nơi về đến chốn vì Chúa Giêsu là người mở đường.  Người chính là con đường và Người là tâm điểm của đích tới.

Chúa Giêsu là người mở đường.

Đi đâu cũng cần có đường.  Không con đường nào tự nhiên có.  Phải có người mở đường.

Có người mở ra những con đường vật chất, nhờ có óc phiêu lưu mạo hiểm, có tầm nhìn bao quát, có óc tính toán thực tế.

Có người mở ra những con đường suy tư triết học, sáng tác nghệ thuật, nhờ trí tuệ thông minh xuất chúng, có tư duy sáng tạo, có trực giác bén nhạy, có trí tưởng tượng phong phú.

Nhưng không ai có thể mở con đường lên trời.  Đường lên trời hoàn toàn vượt khả năng con người.  Phải có Đấng, ấy là Chúa Giêsu, Người đã đến từ Đức Chúa Cha, nay Người trở về cùng Đức Chúa Cha.  Người lại hứa dọn chỗ cho ta trong Nhà Cha.  Với những thông tin như thế, Người đã cho ta biết Trời chính là Nhà Cha.  Quê Trời trở thành Quê Cha.  Nước Trời trở thành một cõi đi về thân thương của con người.  Con đường đi về ấy, chính Chúa Giêsu đã mở.

Chúa Giêsu là đường.

Không chỉ là người mở đường.  Chúa Giêsu chính là con đường.  Để về Nhà Cha, ta không chỉ đi theo, đi với mà còn phải đi trong Người.  Không chỉ đi trong đường lối, trong tinh thần, nhưng trong chính bản thân Người.  Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống của thân nho.  Như bánh rượu tan hòa vào trong máu thịt trở nên thành phần của bản thân ta.  Như bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính loài người trong bản thân Người.  Đi trong Người để ta ở trong Người như Người ở trong Chúa Cha.  Đi trong Người để ta mang hình ảnh của Người, để ai thấy ta cũng như thấy Người, như “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.

Chúa Giêsu là đích tới của con đường.

Đi trong Chúa Giêsu là một hành trình dài.  Đi suốt cả đời chưa chắc đã tới.

Để đi trong Chúa Giêsu ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Người, cũng như Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, để trở nên một với Chúa Cha.

Khi đã hoàn toàn từ bỏ hết ý riêng và trở nên một với Người cũng là lúc ta đạt tới đích điểm, là lúc ta gặp được Chúa Cha, là lúc ta ở trong Nhà Cha, là lúc ta đạt tới Quê Hương yêu dấu trên trời.

Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết đi trong con đường của Người.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.