LỜI TỰ THUẬT CỦA TU SĨ ANANDA (có Youtube)

Tôi là một trong những tu sĩ Phật giáo kỳ cựu trong nước thuộc ngành Phật Sinhala.  Tôi còn là thành viên của Hội đồng tu sĩ Phật Giáo.  Một cách vắn tắt có thể nói tôi là một trong những tu sĩ được những Phật tử ngoan đạo sống trong những vùng chung quanh “kính thờ.”

Nhưng một điều đáng buồn là tôi không nhận được sự an bình thật sự qua cách sống và lề lối tổ chức của tu viện.  Đôi khi cảm thấy như mình là một người bị nhốt tù trong bốn bức tường chật hẹp.  Đó là lý do giải thích tại sao tôi ghi tên học tại Đại học, tiếp tục chương trình học vấn dang dở.

Khoảng thời gian đó, với một tâm trạng như thế, tôi vẫn luôn dõi tìm một lối thoát, dĩ nhiên một lối thoát hiểu theo nghĩa giải thoát thiêng liêng.  Tôi không muốn từ bỏ chiếc áo cà sa, nhất là tôi rất yêu chuộng giáo huấn Dhamma của Đức Phật Tổ, nhưng một hạnh phúc trong an bình thật sự tôi vẫn chưa nhận được.  Tôi biết rằng niềm hạnh phúc này hiện hữu và con người có thể đạt được nó, nếu chịu khó tìm tòi.  Nhưng coi sự tịch diệt như là cứu cánh tối hậu, hay tiêu diệt đi mọi ước muốn trần thế trong con người đều không phải là những điều có thể tạo cho tôi sự an bình thiêng liêng.

Như là một việc đã được sắp xếp từ bao giờ.  Vào khoảng năm 1961, tôi gặp một Linh mục Công giáo, không phải vì chiếc áo dòng ông đang mặc hấp dẫn tôi, nhưng có lẽ vì cái nhân cách đặc biệt thoát ra từ con người ông, và tấm lòng nhân ái vị tha của ông đối với mọi người.  Tôi không ngần ngại làm quen với ông.  Theo tôi nhận xét, ông có thể là người đã tìm thấy hạnh phúc thật thể hiện rõ ràng qua cách sống.

Ông bạn mới này của tôi dường như hiểu biết rất nhiều về giáo thuyết nhà Phật.  Thế mà trái lại, kiến thức của tôi về Công giáo gần như không có.  Những gì tôi biết chỉ là những điều tôi đã được nghe do những người Phật tử phán đoán, giải thích, phê bình chủ quan về Công giáo.  Tôi biết rằng đó chỉ là những thành kiến sai lầm về Giáo hội này.

Do sự chủ quan khi nhìn vào những ngôi nhà thờ xây cất theo Tây phương và lối sống Âu hóa của các Linh mục, tôi vẫn còn ngần ngại trong việc tìm hiểu thêm về Kitô giáo.  Tôi cho rằng một tôn giáo không hoà mình được với phong hoá và lề thói địa phương thì làm sao có thể loan truyền được chân lý cho dân tộc đó, và vì vậy làm sao có thể đáp ứng được sự giải thoát thật sự tôi đang kiếm tìm.

Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ qua những cơ hội để có thể bàn luận và chất vấn Cha X trong tình thân hữu tôi đã có được với Cha, nhất là để thử nghiệm những điểm đối kháng chống lại các Thày tu Công giáo.   Đối với tôi, các Linh mục Công giáo chỉ là những người đánh cá ra khơi với chiếc bụng lép xẹp, dụ dỗ những con cá ngây thơ bằng miếng mồi giả tạo.

Nhưng chỉ ngay sau đó thôi, tôi thấy rằng mình sai lầm, vì tôi khám phá ra rằng ông Linh mục này không hề mảy may có ý định khuyến dụ tôi về với tôn giáo ông đang theo.  Trái lại, trong sự ngạc nhiên của tôi, ông Linh mục này lại còn bày tỏ ao ước được thử sống lối sống của các tu sĩ Phật giáo nữa.  Ông cho biết, ông chấp nhận một số những nguyên tắc của Phật giáo và ông đã từng áp dụng phương thế Dhammapada để tĩnh tâm.  Ông lại còn là người theo chủ trương ahimsa (không dùng bạo lực) với các sinh vật thụ tạo nữa.

Khi đã thân hơn với ông, tôi cho ông biết về những điều tôi đã nghe phê bình về Giáo hội Kitô giáo.  Tôi tưởng ông sẽ nổi giận, lên tiếng bênh vực cho giáo hội.  Nhưng trái lại, với một thái độ hết sức bình thản ông nói rằng ông không hề trách oán những người đã phê bình Giáo Hội Công giáo.  Có thể có những sai quấy trong Giáo hội, nhưng tất cả nhờ vào sự soi sáng thiêng liêng của Chúa, Giáo hội đã không đi lạc lối và tan rã.

Khi đề cập đến những khuyết điểm của Giáo hội hay chính là những khuyết điểm của những con người trong Giáo Hội, ông nhấn mạnh đến sự hiện diện của ơn Chúa.  Khi bắt đầu thi hành những phương thế sống, người ta nghĩ rằng họ đang làm những việc lành tốt, nhưng khi kết thúc nó có thể đưa đến những thiệt hại nào đó.  Chính sự hiện diện của quân đội Bồ đào Nha tại Sri Lanka đã là trở ngại cho những nhà truyền giáo trong công việc rao giảng Tin Mừng tại quốc gia này.  Thật là một điều tự nhiên, người ta phán xét về một tôn giáo qua sự tiếp xúc bề ngoài với những người theo tôn giáo ấy.  Điều này tôi có kinh nghiệm trong đời sống: Phái Dhamma cực lực chống lại giai cấp quí tộc, nhưng phái Sangha lại chấp nhận và tán thành giai cấp này.

Ông bạn Linh mục của tôi không phải chỉ sửa đổi lại những nhận thức sai lầm của tôi về Giáo hội Công giáo, nhưng dần dần đã giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về giáo huấn của Giáo hội và cách sống đạo.   Ông không nói bằng lời, nhưng nói bằng chính đời sống của ông.  Ông biểu tỏ một hạnh phúc thật sự khi được sống trong đời sống nhiệm nhặt của tu viện.  Ông cho biết rằng chính đời sống khổ hạnh của nhà Chúa là yếu tố rất cần thiết cho Giáo Hội Công giáo tại Sri Lanka.  Ông muốn Kitô giáo hòa nhập vào lối sống địa phương để Tin Mừng của Chúa Kitô có thể được thể hiện và chấp nhận dễ dàng hơn cho những người đã sẵn có một lề lối sống đạo, biết tôn trọng luân lý.  Tôi nghĩ rằng đây có thể được coi là một cách thế thật tốt thể hiện vai trò chứng nhân của Chúa Kitô trong một xã hội Phật giáo.

Một ngày nọ, tôi có dịp hỏi ông về “niềm hạnh phúc thật.”  Ông cho rằng đây là do Ơn Chúa.  Chợt nhận thấy tôi không hiểu danh từ “Ơn Chúa”, ông vội giải thích thêm: “Để hiểu về nguồn ơn thiêng liêng này, người ta cần cảm nhận được nó trước đã”.

“Cảm nhận và nhận chân được chân lý một sự vật” là một cứu cánh của con người.  Từ thuở thiếu thời, tôi đã được Phật Tổ khích lệ để kiếm tìm, nhưng hôm nay đây sự khích lệ đó đã đổi chiều khiến tôi hướng về Kitô giáo.

Sau buổi nói chuyện, ông trao cho tôi cuốn Kristu Anusaraya, Bản dịch của Sinhala, tác phẩm Gương Chúa Giêsu của Thomas à Kempis.  Tôi đọc cuốn sách này thật kỹ và nhận ra rằng nó đã giúp tôi tiến được một bước thật xa, xa hơn bước tiến tôi đã có được trong suốt những năm tĩnh tâm trong nhà Chùa.  Tác giả diễn giải sự hy sinh với một nhãn quan cao hơn.  Đặt căn bản vào Sách Phúc Âm, tác giả cho thấy tình yêu của Thiên Chúa là động lực chính của sự hy sinh.

Tôi nhận ra rằng, người Kitô hữu quan niệm Thiên Chúa là tối thượng so với tất cả thụ tạo, và tình yêu vĩ đại nhất của con người so với tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa chỉ là một hạt bụi vì Ngài là Đấng Sáng tạo.  Như thế, khi người Kitô hữu hy sinh, họ không hy sinh vì phần rỗi cá nhân họ mà họ hy sinh cho tình yêu của Người-Yêu-Thương-Họ.  Điều này khiến tôi an lòng.  Sự an lòng này, tôi nghĩ phải chăng là Ơn Chúa?  Vâng, chính là Ơn Chúa trong tôi.

Rồi, ông bạn dìu tôi vào Tân Ước, nhưng tiếc rằng Sách Tân Ước chưa được dịch toàn bộ sang tiếng Sinhala, mà vốn liếng Anh ngữ của tôi lại quá nghèo nàn.  Học thêm Anh ngữ, tôi đọc sách của các tác giả Kitô giáo.  Ngay cả trong những bài thơ cũng đầy dẫy những hình ảnh về Thiên Chúa: Nào là Thiên Chúa Ba Ngôi, Sự Giáng Sinh của Con Một Thiên Chúa, Mẹ Maria, Thiên Đàng-Địa Ngục v.v…  Đầu tiên, những ngôn từ này làm tôi chán ngán, ông bạn Linh mục khuyến khích tôi, những lời giải thích chấm dứt bằng hai chữ “mầu nhiệm”  khiến tôi như Phaolô nhưng gặp chướng ngại vật cản bước trên “Đường đến Damascus” gặp Chúa.  Tôi may mắn lại được tác phẩm “Lead, Kindly Light” của Đức Hồng Y Newman nâng đỡ.

Một Phật tử không ưa những mầu nhiệm, hơn nữa “mầu nhiệm” tiếng Sinhala là “abirahasa” không có nghĩa giống chữ “mầu nhiệm” của Giáo hội Công giáo, nó chỉ có nghĩa là “một bí mật tuyệt đối”.

Tuy nhiên, với sự giải thích rõ ràng của ông bạn Công giáo, tôi dần dần vượt qua được những khó khăn này.  Ông giải thích rằng cho đến bây giờ, đối với các nhà khoa học với kỹ thuật tân kỳ hiện đại, cơ thể con người vẫn còn là một bí nhiệm.  Đó là nói về phần thân xác, vậy thì phần tinh thần của con người còn phải vượt xa trí óc của nhân loại đến như thế nào?

Con đường tôi tìm hiểu về Đức Tin Kitô giáo như thế đó.  Không phải là một Đức Tin mù quáng, mà là một Đức Tin với tất cả sự hiểu biết, lý luận.  Hơn nữa, nó còn giải đáp thỏa đáng trong quan niệm tự nhiên về con người.  Nhờ đó, tôi nhận biết được bản tính nhân loại trong con người của Đấng Cứu Thế.

Điều làm tôi khâm phục nhất trong Giáo Hội đó là sự lo lắng của những người Kitô hữu đối với tha nhân: Những người ốm đau, những kẻ bần cùng, những người tội lỗi…  Tôi quyết định đi theo Chúa để thực hiện giới răn “yêu người như yêu chính bản thân mình.”

Rồi tôi nhận thấy đời sống tôi thay đổi, không còn bị giam trong bốn bức tường chật hẹp nữa, tôi hít thở bầu không khí tự do.  Tôi nhìn thấy một ngôi sao từ trên cao đang chờ dẫn đường cho tôi đến một chân trời hạnh phúc vĩnh cửu.  Tôi suy niệm mỗi ngày bằng Sách Phúc Âm và cuốn “Gương Chúa Giêsu.”

Năm 1963, tôi đậu kỳ thi nhập học và theo học tại Đại học.  Anh văn của tôi khá hơn khiến tôi đã có thể đọc được Sách Phúc Âm và các sách khác về Kitô giáo bằng Anh ngữ.

Một cuốn sách giá trị tôi được đọc trong khoảng thời gian này đó là cuốn sách ghi lại Công Đồng Vaticanô thứ Hai.  Cho đến lúc đó tôi mới thật sự thấy rằng việc tôn giáo phải thay đổi hợp với thời đại là quan trọng, đặc biệt cho các thế hệ trẻ ngày nay.

Công việc học dù bận rộn, nhưng cũng không khiến tôi chấm dứt việc tìm hiểu thêm về Giáo Hội.   Tôi học rất chăm và được các giáo sư khen ngợi.   Tôi thấy đời sống sao ý vị quá, đặc biệt khi trong đời sống đó ta biết phục vụ mọi người qua việc hy sinh chính con người mình.

Sau khi tốt nghiệp, tôi không còn ý định trở lại tu viện nữa.  Không phải vì tôi có thể tìm được một công việc tốt hay lý do nào khác, nhưng lý do chính để tôi cởi bỏ chiếc áo cà-sa, đó là tôi đã tìm ra Chúa Kitô.  Người là Thiên Chúa và là Thày tôi.  Người đã đến tìm tôi, chỉ cho tôi con đường cứu rỗi với hạnh phúc vĩnh cửu…  Tôi biết, quyết định của tôi sẽ đưa đến việc tôi phải đối diện với những khó khăn khi đi tìm việc làm.

Tôi không có khả năng để diễn đạt hết những cảm xúc của tôi trong quá trình trở lại với Chúa.  Bao nhiêu những khó khăn vất vả, nhưng tôi không thể chờ đợi được nữa rồi.  Ý Chúa là như thế.  Tôi học hỏi về Giáo lý, về cách sống đạo và sẵn sàng.

Tìm được sự bình an là kết quả đầu tiên của con đường tôn giáo.  Chắc chắn tôi sẽ có được sự bình an này khi tôi được nhận vào Giáo Hội.  Nếu tôi phải tóm tắt lại một cách ngắn gọn những gì Giáo hội có thể đã cho tôi khi tôi trở thành con cái Chúa thì tôi chỉ nói được đó là “Đời Sống”.  Tôi muốn nói một đời sống mới, được soi sáng và hướng dẫn do ân sủng thiêng liêng.

Ananda

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI (có Youtube)

Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê

Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe …Hỏi còn ai cố tri

Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?
Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài

Em ơi! màu áo phong sương, mình ước huy hoàng được bàn tay chính nàng
Dâng hoa, dâng hết ân tình, tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ con đường xưa em đi thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi, ghi một đêm trăng thanh quán bên đường vắng tênh
Chỉ còn em với anh.

Châu Kỳ

****************************

Anh lính chiến của nhạc sĩ Châu Kỳ nơi “canh gác phiên dài” trong tiếng súng đại bác đì đùng mập mù khói súng, đang thả hồn về “đường xưa mà nhớ, con đường xưa em đi.”  Mắt ngắm ánh trăng của giây phút hiện tại, mà hồn anh tản mạn về “một đêm trăng thanh” quá khứ, ngày đó “quán bên đường vắng tênh, chỉ còn em với anh.”  Nếu không có khoảnh khắc nhìn lại “con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê” thì làm sao anh có thể “làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi?”

Là bước chân mạnh mẽ của tuổi trẻ cuồng nhiệt, hay bước chân vững chãi của tuổi trung niên chín chắn nhiều suy tư, hoặc bước chân run rẩy của tuổi già mệt mỏi thương về quá khứ…. ít nhiều ai cũng có những con đường đã đi qua trong đời.  Ai cũng có một thời để yêu, một thời để nhớ, những kỷ niệm đẹp, những ký ức buồn, những bóng hình yêu ghét khắc ghi trong tim.  Một giây phút rung động trước ai đó, một khoảnh khắc bàng hoàng sững sờ trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, một tích tắc thanh bình ru mình trong tiếng chim hót…. tất cả đã trôi theo dòng thời gian, và nay đã chìm vào dĩ vãng. “Thời gian có quên gì, đá mòn kia vẫn ghi,” vầng trăng vẫn chờ, quán bên đường vẫn đợi, chỉ hỏi anh có thời giờ để nhìn lại quãng đường đã qua?  Có chăng những người như nhạc sĩ Châu Kỳ biết dành ra trong đời một khoảnh khắc để nhìn lại giây phút đã qua, để hỏi đường xưa mà nhớ, hỏi lòng mình còn thương, hỏi còn ai cố tri…. mới có thể dệt nên bài thơ vu quy dâng tặng cho đời.

Thánh I-nhã Loyola mời gọi mỗi người dành một vài giây phút lắng đọng trong ngày để nhìn lại “con đường xưa ta đi,” mà thánh nhân gọi là Phút Hồi Tâm.  Con đường xưa đó có thể là một đời, một thời, một ngày, hoặc một vài tiếng đã trôi qua kể từ Phút Hồi Tâm trước.  Nhìn lại con đường đã qua, giờ thành quá khứ để xem đường xưa lối cũ với những bước chân đi như thế nào, tâm tình vui buồn ra sao? Những bước chân nào đang cùng đồng hành với tôi trong cuộc sống hôm nay?  Tôi có vô tình đạp lên chân ai đó để lại cho họ vết thương khó quên trong đời?  Tôi có thể tha thứ cho những bước chân dù vô tình hay hữu ý dẫm nát chân tôi?  Khúc quanh nào đã làm tôi vấp té?  Đâu là những niềm vui chợt đến, những nỗi buồn khó quên?  Thái độ đáp trả của tôi với cuộc đời, với tha nhân ra sao?  Chúa ở đâu, tôi ở đâu trên đường xưa lối cũ đó?

Nhìn lại “con đường xưa ta đi” để không thấy mình độc hành lẻ loi trên đời, mà còn thấy những bước đi trong ân sủng.  Để thấy Chúa đang cùng tôi sánh bước mà đôi lúc tôi không cảm nghiệm được sự hiện diện thánh thiêng đó.  Nhìn lại quãng thời gian đã qua để nhận định những khúc quanh đã làm bước chân kẻ lữ hành vấp ngã, những lầm lỡ trong lựa chọn, những dang dở trong quyết định.  Nhớ rồi cái ổ gà ẩn mình dưới xác lá thu vàng tại góc quanh cuối đường, biết rồi những cám dỗ êm dịu ngất ngây làm tôi xa Chúa.  Những phút giây nhìn lại đó sẽ giúp bước chân ngày mai kiên định hơn, tránh xa những vấp ngã hôm qua, tỉnh thức hơn trước những cơn cám dỗ.  Trái tim sẽ dễ dàng rung động hơn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trước nỗi đau của tha nhân, và linh hồn sẽ nhạy cảm hơn với sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời.  Tôi sẽ dễ dàng nhìn ra những thiếu sót của mình trong cuộc sống, những đáp trả chưa trọn vẹn với Thiên Chúa và với tha nhân trong những tháng ngày qua.

Cái giây phút tích tắc nơi chiến trường khói lửa nhớ về người con gái “hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe” của người lính, làm cho anh cảm thấy gần gũi hơn với người yêu phương xa, tuy còn “e ấp đôi lời” nhưng thấy lòng “mình còn nhớ thương hoài,” thì một vài giây Phút Hồi Tâm cũng sẽ giúp tôi cảm thấy tuy xa mặt, nhưng không cách lòng với một Thiên Chúa huyền bí vô hình, sẽ làm cho hai lòng nên một, và vấn vương nhớ thương hoài.  Qua Phút Hồi Tâm, một Thiên Chúa xa vời vợi sẽ trở nên sống động gần gũi hơn trong đời sống hiện tại, sẽ giúp cuộc sống tôi luôn quy hướng về một đích điểm duy nhất, nơi tôi đã khởi đầu sự sống.  Anh lính thả hồn thoát ra cái hiện tại nghiệt ngã, một cuộc sống kề bên cái chết để hồn mộng mơ nhớ về “con đường xưa em đi” để ước mơ anh được chắp cánh bay xa, một mơ “ước huy hoàng, được bàn tay chính nàng dâng hoa, dâng hết ân tình…” thì giây Phút Hồi Tâm cũng giúp hồn tôi thoát ra khỏi thực trạng khó khăn của giây phút hiện tại để chắp cánh bay xa… bay cao mãi đến tận trời xanh…. để những lo lắng vất vả trần tục không kéo ghì hồn tôi xuống đất đen.  Như ước mơ của anh lính chiến khi mọi sự đã qua “chỉ còn em với anh” thì tôi cũng mơ về ngày đoàn viên, khi những khốn khó lao đao vất vả của đời này qua đi, ngày đó chỉ còn Cha với Con.

Nhớ về “con đường xưa em đi,” nơi “có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe…” anh chợt nhận ra mình là một người hạnh phúc vì đang yêu và được yêu.  Cuộc sống dù cam go hiểm nguy nơi chiến trường gian khổ, với những “phiên gác canh dài,” ngày tháng buồn phương xa với “những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về” nhưng anh nhận ra cuộc sống có giá trị, cuộc đời vẫn đáng yêu và đáng sống.  Phút Hồi Tâm là nhìn lại “con đường xưa ta đi” để nhận dạng tình yêu trong cuộc sống, để thấy tôi đang được yêu và đáng được yêu mến.  Chính vì tình yêu đó, có Đấng đã từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa chết cho tôi được sống.  Còn bao nhiêu khuôn mặt tình yêu khác trong cuộc sống này, bao nhịp đập trái tim đang hướng về tôi: chồng, vợ, con cái, cha mẹ, người yêu, anh em, bạn hữu…. tha nhân.  Tôi có đáp trả lại tình yêu đó hay không, tôi có đang yêu mến họ như họ mến yêu tôi hay không, giây phút Hồi Tâm sẽ giúp tôi trả lời câu hỏi đó.  Đời chỉ đẹp khi có tình yêu, cuộc sống chỉ có giá trị khi tôi tìm thấy giá trị của mình trong trái tim người khác, đặc biệt là trong trái tim của Chúa Tể muôn loài muôn vật.  Nếu không dừng lại vài phút mỗi ngày trong cuộc sống, thì làm sao tôi có thể nhận diện được ân sủng từ trời cao tuôn đổ xuống trên cuộc đời tôi từ những con đường xưa cũ đó, cho đến con đường hôm nay?

Phút Hồi Tâm không chỉ dành riêng cho các linh mục tu sĩ dòng Tên hay những ai đang theo linh đạo I-Nhã mà dành cho tất cả mọi người, mọi giới, mọi nơi… những người đang mong mỏi có Chúa đi bên đời với mình.  Chỉ vài phút mỗi ngày nhìn lại con đường đã qua để giúp tôi ý thức sự hiện diện của Chúa qua những biến cố lớn nhỏ buồn vui trong cuộc sống, để lòng với lòng gắn bó gần gũi với nhau hơn.  Nhẹ nhàng là thế, quyến rũ là thế sao tôi không liều mình vài phút để thử???

****************************

Lạy Chúa, trong cuộc sống tốc độ của thế kỷ 21 này, người ta thà nhắm mắt chạy liều về tương lai mà không biết chạy đi đâu, còn hơn mất một vài giây phút để ngồi nhìn lại quãng đường đã qua.  Xin cho con biết dành ra vài phút mỗi ngày làm Phút Hồi Tâm để bước chân ngày mai bớt lầm lạc, để biết tạ ơn Trời, cám ơn tha nhân đã cùng đồng hành với con.  Chúa ơi, xin chữa lành những vết thương, những dang dở thiếu sót của tháng ngày qua, xin nhận lấy những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống chưa trọn vẹn hôm nay.  Hôm nay đã xong, mọi sự đã thành quá khứ, con không thể thay đổi được gì nữa nhưng ngày mai… tương lai… thời gian trước mặt… xin Chúa thánh hoá và giúp con sống trọn vẹn hơn, thánh thiện hơn như Cha trên trời là Đấng Thánh.

Lang Thang Chiều Tím
April 2008

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CHỦ CHĂN (có Youtube)

Trong một cuộc giao tranh đạo quân của đại tướng Monmouth bị thua chạy một cách thê thảm.  Riêng ông cũng phải lẩn trốn.  Ban ngày ông đến náu trong những hang núi, đến đêm mới dám ra đi.  Sau cùng, địch quân cũng đuổi kịp.  Ông bí quá, chạy vào căn lều của người chăn chiên.

Thay vì đóng cửa không cho ông vào, người chăn chiên đã làm một nghĩa cử cao đẹp.  Anh đã đổi áo của mình cho ông mặc trá hình, rồi thân chinh ra gặp địch quân của đại tướng.

Người chăn chiên đã chiến đấu rất anh dũng và cố ý kéo dài cuộc giao tranh để Monmouth có giờ tẩu thoát.  Với thanh kiếm, anh đã cầm chân địch quân trong vòng ba tiếng đồng hồ, cho đến khi mệt lả, không còn đủ sức chiến đấu nữa thì bị địch quân giết chết.  Lúc đó đại tướng Monmouth đã đi xa rồi.

Trong trận chiến chống trả tội lỗi, chúng ta luôn bị ma quỉ đuổi bắt, nhưng Chúa Giêsu đã xuống thế làm người.  Ngài đã chiến đấu thay cho chúng ta suốt ba tiếng đồng hồ trên thập giá, cho đến lúc chính Ngài đã phải chết.  Trong khi Ngài chiến đấu với ma quỉ, con người tội lỗi chúng ta được thoát khỏi quyền lực của ma quỉ.  Chính vì thế, Chúa Giêsu đã có lý khi tự xưng mình là chủ chiên nhân lành, đã hiến mạng sống vì con chiên.

Ngài nói đi nói lại với chúng ta, Ngài là chủ chăn nhân lành có nhiệm vụ dẫn dắt linh hồn chúng ta:

– Nếu một người có một trăm con chiên chẳng may lạc mất một con, người ấy lại không bỏ 99 con lại mà đi tìm con chiên bị lạc mất hay sao.  Ta còn nhiều chiên khác chưa thuộc về đàn này, cả chúng nữa ta cũng phải đem chúng về.

Linh hồn của chúng ta đáng giá chừng nào, vì Chúa Giêsu đã sẵn sàng hiến mạng sống để cứu lấy nó.

Chúng ta phải luôn ghi lòng tạc dạ điều này: Trong chúng ta có một cái gì rất giá trị, một cái gì chúng ta phải chăm sóc và bảo tồn.  Để chăn dắt chúng ta, Chúa Giêsu đã phải giáng trần.

Nếu chúng ta cần gì thì hãy đến với Ngài.

Cần đồ ăn ư?  Ngài đã ban chính mình Ngài trong Bí tích Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta.

Cần nước uống ư?  Ngài đã ban cho chúng ta dòng nước trong lành của Bí tích Rửa tội.

Cần băng bó ư?  Ngài sẽ chữa lành những vết thương do tội lỗi gây nên bằng Bí tích Giải tội.

Cần hướng dẫn ư?  Ngài sẽ đưa chúng ta trở về với Ngài như người chủ chăn đưa con chiên lạc trở về đàn của mình.

Cần che chở ư?  Ngài hiến mạng sống để bảo vệ chúng ta và cho đến ngày hôm nay Ngài còn thực hiện biết bao việc lạ lùng để nâng đỡ chúng ta.

Linh hồn chúng ta thực là quí giá biết bao, chính vì thế, chúng ta phải gìn giữ nó, đừng làm những gì khiến nó mất đi vẻ đẹp tuyệt vời, khiến Chúa Giêsu phải đau lòng.

Người chăn chiên đã chết để cứu mạng sống cho vị đại tướng.  Chúa Giêsu đã chết trên thập giá để cứu rỗi linh hồn chúng ta, bởi vì Ngài chính là chủ chăn nhân lành đã hiến mạng vì đoàn chiên.

Sưu tầm

**************************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhận mình là Tấm Bánh, vì Chúa muốn nuôi tâm linh chúng con.

Chúa nhận mình là Cây Nho, vì Chúa muốn trao cho chúng con dòng nhựa sống.

Chúa nhận mình là Mục tử nhân lành, vì Chúa muốn dẫn chúng con đến nơi đồng cỏ.

Chúa nhận mình là Cửa, vì Chúa mở cho chúng con sự phong phú của Nước Trời.

Chúa nhận mình là Con Đường, vì Chúa là Đấng duy nhất dẫn chúng con đến với Chúa Cha.

Chúa nhận mình là Ánh sáng, vì Chúa có khả năng khuất phục bóng tối trong thế gian này.

Chúa nhận mình là Sự Thật, vì Chúa vén mở cho chúng con khuôn mặt của Thiên Chúa.

Chúa nhận mình là Sự Sống và là Sự Sống Lại, vì Chúa không để cho chúng con bị cái chết chôn vùi.

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa định nghĩa về mình đều hướng đến hạnh phúc cho chúng con, và đều cho chúng con sự sống thâm sâu của Chúa.  Xin cho chúng con chấp nhận Chúa là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và là Tận Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

SO SÁNH (có Youtube)

Người giầu có được cung phụng.  Kẻ tài giỏi được quý mến.  Người có chức quyền được kính trọng.  Người thông minh được ưu đãi.  Người đã có, lại có thêm.  Người nghèo khó bị coi thường.  Kẻ ít học bị khinh khi.  Não trạng con người bị đóng khung.  Ý thức hệ bị thiên kiến.  Khuôn mẫu xã hội tạo phân biệt đẳng cấp đã gây nên sự tranh đấu không ngừng.

Một trong những điều gây nhức nhối và phiền hà trong đời sống chính là sự so sánh đua đòi.  So sánh để học hỏi và thi đua là điều tích cực, nhưng so sánh để chỉ trích chê bai lại là một điều hết sức tiêu cực.  Đôi khi điều tiêu cực này sẽ gây nên sự thù ghét, tẩy chay và phân rẽ.  Chúng ta biết sự hình thành của mỗi người hiện hữu trên trần đời thì có muôn hình vạn trạng.  Mỗi người khác nhau về kết cấu, khuôn mặt, dấu chỉ tay, khả năng hiểu biết, chuyên môn, số phận và số mệnh.  Bước vào cuộc sống chung, chúng ta chấp nhận những khác biệt bổ túc cho nhau để tạo nên một xã hội đa chiều phong phú.

Về cá nhân, không một ai giống ai trong hoàn cảnh sống.  Ngay từ khi lọt lòng mẹ, mỗi người bước vào đời với một số mệnh riêng.  Chúng ta có thể ngồi gẫm lại từ những ngày thơ ấu, khi mới chập chững cắp sách đến trường cho tới khi thành đạt lập thân.  Cuộc sống của mỗi người trải qua bao năm tháng thăng trầm, mỗi cá nhân đã có biết bao sự đổi thay theo dòng đời.  Chúng ta nên chấp nhận hoàn cảnh thực tế của cuộc sống nơi mỗi cá nhân.  Mỗi người hãy vui với niềm vui riêng của mình. Chúng ta không thể so sánh hơn thua về cuộc sống và về định mệnh riêng tư của mỗi người.

Về con cái, cha mẹ không nên so sánh sự thành công của bạn bè đồng lứa tuổi với con cái của mình.  Đứa con sẽ chạm tự ái và khó chịu.  Có lần tôi nghe một đứa con trả lời thẳng thắn với bố mẹ rằng con là con, và nó là nó.  Là phụ huynh, chúng ta nên hết sức tế nhị dạy bảo con cái.  Chịu khó tìm hiểu và nhận biết khả năng, sở thích và nhu cầu mà con cái đang khao khát để hướng dẫn.

Về vợ chồng, một điều tối kỵ là đừng bao giờ so sánh vợ/chồng của mình với vợ/chồng của người khác.  Đừng “đứng núi này mà trông núi nọ.”  Người ta nói: “Ở trong chăn, mới biết chăn có rận.”  “Nhìn vậy mà không phải vậy” đâu.  Thực tế, có nhiều cặp vợ chồng ở với nhau cả đời mà vẫn chưa hiểu và biết nhau tỏ tường.  Làm sao chúng ta có thể đem vợ/chồng của mình ra so sánh với một nhân vật nào đó tình cờ gặp gỡ.  Chúng ta có nguy cơ lầm lẫn lớn.  Vì sự so sánh như cơm với phở đã làm cho biết bao cặp vợ chồng phải rơi vào sự nghi ngờ và thất trung bất tín.  Đường đời còn dài và cuộc sống có nhiều niềm vui và thử thách.  Mỗi người hãy tự xét mình trước khi xét người.  Muốn so sánh để đòi hỏi vợ/chồng phải trở nên giống hoặc bằng người khác là điều xuẩn trí.

Về gia đình, chúng ta không thể so sánh đời sống gia đình này với gia đình khác.  Trong cuộc sống đời thường, chúng ta nhận thấy có gia đình giầu sang phú quý sống trên nhung lụa.  Có gia đình bần cùng, màn trời chiếu đất.  Có những gia đình may mắn, làm ăn thành đạt và của cải đầy dư.  Có những gia đình phải lao động vất vả mà cơm không đủ ăn và áo không đủ mặc.  Có những gia đình sang trọng giầu có, nhưng chưa chắc vợ chồng con cái hạnh phúc ấm êm.  Có gia đình tuy nghèo nhưng vợ chồng yên vui đầm ấm và con cái ngoan hiền…  Mỗi gia đình một hoàn cảnh sống khác nhau cả về tinh thần lẫn vật chất.  Có biết bao nhiêu tình tiết tế nhị trong đời sống, chúng ta không thể so sánh cuộc sống gia đình này với gia đình kia.

Về nhóm hội và cộng đồng, mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh và mỗi con người có nhiều điểm khác biệt kết nối với nhau tạo nên một nhịp sống chung.  Chúng ta có thể tìm thấy một số những điểm tương đồng trong hình thức sinh hoạt, nhưng không thể rập khuôn bắt chước bất cứ một nhóm hội nào.  Sự khác biệt não trạng và ý thức hệ của các thành viên ảnh hưởng đến sinh hoạt chung.  Mỗi nhóm hội hay cộng đồng có bản sắc riêng trong cách thế sinh hoạt và sống đạo.  Có nhiều sự việc có thể thực hiện được nơi cộng đoàn này, nhưng nơi khác thì không thể.  Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm, nhưng không thể rập khuôn trong sinh hoạt.  Sự chắp nối để nên giống nhau, đôi khi sẽ làm mất đi cái bản chất đích thực của mình.

Sự so sánh nào cũng khập khễnh.  Chúng ta chỉ có thể học hỏi và tham khảo lẫn nhau để trau dồi kiến thức.  Sống dựa vào nhau để thăng tiến.  Điều quan trọng là sự cố gắng phấn đấu không ngừng. Những kinh nghiệm trong đời sống sẽ giúp chúng ta học và học mãi.  Người đời khen chê nhau là lẽ thường.  Biết lắng nghe và rút tỉa kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta đổi thay nên hoàn thiện mỗi ngày.  Ai trong chúng ta cũng cần sự khích lệ tích cực để xây dựng.  Bạn của ta là những người dám nói sự thật và nói đúng nơi đúng lúc.  Lời nói chân thành có một mãnh lực phi thường khuyến khích nhau trong mọi hoàn cảnh.  Người nói sau lưng, mãi mãi là người đứng phía sau.

Tôi thích câu truyện này: Một đàn nhái đang di chuyển qua khu rừng và có hai con bị rơi xuống hố sâu.  Những chú nhái tụ nhau bên miệng hố nhìn xuống.  Khi thấy hố qúa sâu, chúng nói với hai con nhái kia rằng thôi chịu chết đi.  Hai con nhái như giả lờ không nghe và cố gắng hết sức để nhảy ra khỏi cái hố sâu.  Các con nhái trên bờ tiếp tục la rằng: Thôi ngừng đi, chúng mày sẽ chết thôi.  Cuối cùng, một con nhái chú ý lắng nghe và bỏ cuộc.  Nó ngã xuống và chết.  Con kia đã tiếp tục cố gắng nhảy lên.  Một lần nữa, đám nhái trên bờ lớn tiếng, đừng cố nữa và chờ chết thôi.  Con nhái nhảy mạnh hơn nữa và cuối cùng nó đã thoát ra khỏi.  Khi nó nhảy ra khỏi hố, những con nhái khác nói: Bạn không nghe chúng tôi nói hả?  Con nhái giải thích rằng nó bị điếc.  Nó nghĩ rằng các bạn hoàn toàn muốn khuyến khích nó.

Câu truyện dạy chúng ta hai bài học: Thứ nhất, sức mạnh của sự sống và sự chết nằm ngay trong cái lưỡi.  Những lời khích lệ với những người đang chán nản sẽ làm họ phấn khích và giúp vượt qua những khó khăn.  Thứ hai, những lời tiêu cực xói mòn tâm tư của những người đang thất vọng, có thể dẫn họ tới sự tuyệt vọng và dẫn tới chỗ chết.  Hãy cẩn thận dùng lời nói khi chúng ta phát biểu.  Sức mạnh của lời nói rất quan trọng giống như chiếc dao sắc có hai lưỡi.  Chúng ta biết rằng xây dựng tình thân cần thời gian lâu dài, nhưng phá đổ chỉ trong giây lát.

Chúng ta hãy nhìn đời với con mắt lạc quan hơn.  Xây dựng tình người với những lời khen tích cực.  Ca dao: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”  Ước chi mỗi lời chúng ta bày tỏ sẽ mang lại niềm vui và phấn khích cho lòng người.  Chúng ta bớt đi những lời so sánh chì chiết gây thương đau cho nhau, nhất là trong đời sống vợ chồng.  Hãy tôn trọng và nâng đỡ nhau mọi nơi mọi lúc.  Không ai tốt hơn vợ/chồng của mình đâu.

Xin Thiên Chúa ban ơn lành, để mỗi người hoàn thành sứ mệnh và định mệnh Chúa đã đặt để trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.