NĂM MỚI và TÂM LINH (có Youtube)

Năm 2017 là năm Con Gà.   Đặc tính nổi bật của con gà là tiếng gáy của chú gà trống vào mỗi buổi sáng.  Tiếng gáy đó báo thức để người ta biết giờ thức dậy, đặc biệt là dậy sớm.  Thức khuya và dậy sớm là điều cần thiết, không chỉ với nông dân mà với mọi người.

Tiếng Gà báo thức cũng là tiếng cảnh báo chúng ta phải tỉnh thức về mọi thứ, cả xã hội và tâm linh.  Mỗi dịp đón năm mới, nhiều người trong chúng ta tự hứa với nhiều điều quyết tâm cho Năm Mới – các điều này chủ yếu liên quan các mục đích như giảm cân hoặc tập thể dục nhiều.  Nếu chúng ta thực sự cảm thấy có hứng thú, chúng ta có thể hứa viếng Thánh Thể hằng ngày hoặc đọc trọn bộ Kinh Thánh.

Không may thay, với đa số các quyết định năm mới, khả năng chịu đựng tinh thần chỉ kéo dài khoảng một tuần, và chúng ta thấy mình vẫn ở điểm bắt đầu, cảm thấy thất bại và thắc mắc: “Tôi có thể hứa cầu nguyện nhiều trong năm mới?  Tôi có nên bỏ qua và bắt đầu lại?”

Kết hợp nhiều thời gian để cầu nguyện là điều không dễ thực hiện, để đến gần các mục đích tâm linh, đây là vài gợi ý thực tế có thể giúp bạn quyết định làm cho năm nay là năm tâm linh đặc biệt:

  1. Tin Tưởng Vào Mục Đích Và Tín Thác Vào Thiên Chúa

Bước thứ nhất này có thể mang vẻ hiển nhiên, nhưng chúng ta thường bỏ lỡ.  Khi chúng ta nghĩ về việc cầu nguyện “nghiêm túc”, chúng ta thường có kiểu nói như thế này: “Tôi biết tôi sẽ thất bại, không thể làm được, vì tôi không thánh thiện đủ.”  Nói thật, tư tưởng như vậy là lừa dối, nó ngăn cản bạn bắt đầu kế hoạch cầu nguyện.  Nó thuyết phục bạn tin mình “chưa thánh thiện đủ” hoặc “quá bận” hoặc “không bao giờ theo đến cùng.”  Satan có xu hướng ngăn cản bạn cầu nguyện hằng ngày và làm cho bạn tìm nhiều cách lừa dối xoay quanh ý tưởng rằng “bạn không thể đạt được điều bạn muốn.”  Đừng nghe lời ma quỷ xúi giục!

Bạn là con cái của Thiên Chúa, và Ngài luôn ở bên bạn.  Bạn có thể làm được điều đó!  Nếu chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta và ban cho chúng ta có sức mạnh cần thiết.  Chúng ta cần phải tin rằng Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta và chúng ta có thể làm được điều không thể.  Hơn mọi thứ khác, đức tin là tặng phẩm do Thiên Chúa trao ban.  Hãy cầu xin tặng phẩm đức tin!  Hãy xin Ngài gia tăng lòng yêu mến.

Chúa Giêsu đã nói: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17:20).

  1. Nhớ Lại Điều Đã Hoặc Không Tác Dụng

Trong đời sống tâm linh, chắc chắn có sự thăng trầm; có những lúc bạn cảm thấy rất sung mãn, cũng có những lúc bạn cảm thấy như trong ao tù.  Hãy nhìn lại quá khứ, xem điều gì tác động và khi nào cảm thấy “sung mãn.”  Bạn có thể chú ý các kiểu nào đó hữu ích hoặc bạn muốn tái tạo trong hiện tại.

Thêm vào đó, chúng ta còn có những thói quen khác nhau.  Đây có thể là cách chúng ta sẵn sàng vào buổi sáng theo cách riêng là gấp quần áo.  Cầu nguyện cũng cần trở thành một thói quen.  Khi chúng ta nghĩ về các thói quen mà chúng ta có liên quan, điều gì là điểm chung?  Rất có thể đó là điều bạn học biết khi còn nhỏ và tiếp tục vẫn làm điều đó hằng ngày.  Rồi điều đó ăn sâu vào cuộc sống và bạn chỉ nghĩ về điều đó.  Việc làm cho cầu nguyện trở thành thói quen là điều RẤT QUAN TRỌNG nếu bạn muốn cầu nguyện nhiều trong năm mới này.

Đừng sợ bắt đầu một điều nhỏ, thậm chí nhỏ như việc bắt đầu và kết thúc một ngày bằng Dấu Thánh Giá và Kinh Sáng Danh.  Từ những điều nhỏ như vậy mà xuất hiện những vị thánh.

  1. Bạn Là “Con Gà” Hay “Con Cú”?

Đối với nhiều người, họ không thể kiểm soát cuộc sống trong khoảng từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều.  Dù chúng ta có thể đi làm công sở, ở nhà chăm sóc con cái, hoặc đã nghỉ hưu, ban ngày vẫn đầy khả năng.

Điều này cho chúng ta hai cách chọn lựa đối với thời gian cầu nguyện: buổi sáng hoặc buổi tối.  Hai khoảng thời gian này thường là “khoảng” chúng ta có thể kiểm soát những gì xảy ra.  Có thể chúng ta phải lo cho con nhỏ, phải ăn tối, phải lo việc lặt vặt trong gia đình, nhưng hằng ngày chúng ta vẫn có cách chọn lựa những gì cần làm sau khi con cái đi ngủ và đã xong việc nhà.  Bạn có vô internet hoặc facebook tới 1 giờ sáng, hay là bỏ mọi thứ để cầu nguyện?  Hãy chân thật với chính mình, và đặc biệt là chân thật với Thiên Chúa.

Mặt khác, chúng ta có thể có nhiều thời gian vào buổi sáng và mau mắn thức dậy lúc 5 giờ sáng để cầu nguyện khoảng 30 phút.  Đây là điểm quan trọng: bạn là “người buổi sáng” hay “người ban đêm,” là “con gà trống” hay “con cú,” việc tự biết mình như vậy sẽ giúp chúng ta biết lúc nào là lúc tốt nhất để chúng ta dành thời gian cho việc cầu nguyện.

  1. Suy Nghĩ “Nhiều Phút” Chứ Không “Nhiều Giờ”

Tác giả Gary Jansen viết một cuốn sách có tựa là “The 15-Minute Prayer Solution: How One Percent of Your Day Can Transform Your Life” (Giải Pháp Cầu Nguyện 15 Phút: Một Phần Trăm Mỗi Ngày Sống Có Thể Biến Đổi Cuộc Đời Bạn), ông cho biết: “Bạn có biết rằng mỗi ngày có 1.440 phút?  Đúng vậy.  Tôi đã tính toán.  Bạn có biết rằng 1% của số thời gian đó là 14 phút đối với 24 giờ?  Điều gì xảy ra nếu hằng ngày bạn quyết định khôn ngoan để rèn luyện linh hồn bằng cách dành 15 phút cho Thiên Chúa?  Chỉ 1% bé nhỏ của cuộc đời bạn mà thôi.  Cuộc đời bạn có thay đổi không?  Cuộc đời tôi đã thay đổi.”

Chúng ta thường có những mục đích cao ngất là làm một giờ thánh mỗi ngày, và rồi chúng ta thất bại, chúng ta cứ tưởng mình là người đáng thương.  Thay vì đặt ra mục đích cao xa và thất bại, trước tiên chúng ta nên cố gắng áp dụng từng “bước nhỏ.”  Nếu mỗi ngày chúng ta có thể dành 15 phút để cầu nguyện và kiên trì làm như vậy, chúng ta có thể tăng thêm thời gian và dần dần vượt qua những mục đích nhỏ để có thể đạt tới các mục đích cao hơn về sau.

  1. Thời Khóa Biểu Cầu Nguyện

Đầu óc của chúng ta đầy những thông tin nên dễ quên những gì “đã hứa” thực hiện.  Đó là lý do chúng ta phải thận trọng và viết thời khóa biểu hằng ngày, quyết tâm làm cho việc cầu nguyện là việc chính.  Chúng ta phải có khung thời gian hằng ngày.  Hãy viết bằng CHỮ HOA, và có thể TÔ ĐẬM, để giúp củng cố trí nhớ.  Nếu bạn có điện thoại thông minh, hãy dùng “chương trình nhắc nhớ” (Reminders App).  Tóm lại, chúng ta phải cẩn trọng đối với việc dành thêm thời gian hằng ngày cho việc cầu nguyện.

Quả thật, cầu nguyện là việc rất cần thiết hằng ngày.  Thánh Ephraem Syria xác định: “Các nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện.  Lời cầu nguyện duy trì sự điều độ, ngăn chặn sự tức giận, ngăn chặn sự kiêu ngạo và đố kỵ.  Lời cầu nguyện đưa Chúa Thánh Thần vào linh hồn và nâng con người tới Thiên Đàng.”

Cuối cùng, làm trọn các mục đích tâm linh của bạn trong năm mới này sẽ không dễ dàng, mà cũng chẳng bao giờ dễ dàng.  Hôn nhân cũng không hề dễ dàng, nhưng chúng ta có sự chọn lựa cẩn thận để quyết định chung sống với người bạn đời của mình “trong mọi hoàn cảnh, và cho đến chết.”  Điều chúng ta cần làm là quyết định, nhận biết những gì liên quan và cố gắng hết sức để đạt tới thành công.

Philip Kosloski
Trầm Thiên Thu (Chuyển Ngữ Từ Aleteia.Org)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

“LY RƯỢU MỪNG” CHÚC XUÂN (có Youtube)

Người Việt thường rất tin tưởng vào những lời cầu chúc dành cho nhau.  Họ tin rằng lời chúc sẽ mang lại may mắn, sức khỏe, tiền bạc, thành công, tình yêu…  Trong mọi tình huống người ta luôn trao gởi lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau.  Và dường như khi làm công việc gì ta cũng mong nhận được càng nhiều lời chúc phúc càng thuận lợi hơn cho công việc của mình.  Đặc biệt trong những dịp lễ Tết, lời chúc còn có ý nghĩa “thiêng liêng” hơn vì có sự tin tưởng vào Thiên Chúa, vào tổ tiên ông bà sẽ phù giúp cho những lời cầu chúc thành hiện thực.

Gói gọn trong tâm tình truyền thống ấy bài ca “Ly rượu mừng” đã gởi đến những lời chúc Tết thân thương đến cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc, và đất nước hưởng thanh bình tự do.  Bài hát mở đầu với lời mời nâng chén rượu để chúc mọi người ở khắp nơi, từ anh nông phu được mùa lúa thơm, người buôn bán có lợi tức, cho tới công nhân lao động thoát được cảnh nghèo khó với điệu nhạc valse nhẹ nhàng mà tươi vui.  Cầu chúc cho họ dẫu cuộc đời có vất vả ngược xuôi, nhưng ngày tết hãy quên đi những lo lắng muộn phiền để cùng nâng chén rượu chúc cho người người vui.

“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó”

Lời chúc xuân cũng được gửi tới những bà mẹ già nhớ thương con cháu, mong mỏi được gặp lại người con đi xa, sẽ có dịp gặp lại con trở về hội ngộ chan hòa niềm yêu thương:

“Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương.”

Cách riêng năm nay là năm dành cho các gia đình trẻ, chúng ta cũng nâng ly rượu mừng gởi đến những cặp tình nhân hoặc vợ chồng đang xây tổ ấm luôn được hạnh phúc bên nhau:

“Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới
Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này”

 Vâng, có lẽ lời chúc thiêng liêng nhất là lời chúc cho đất nước hòa bình, không còn chiến tranh, thịt rơi máu đổ.  Chúng ta cầu mong quê hương luôn được yên vui và những người lính vẫn được về quê vui xuân với mẹ già.

Ngày xuân chúng ta gởi tới nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho mọi người, mọi nhà.  Chúng ta cầu chúc cho mọi công việc được như ý.  Nhất là chúng ta cầu chúc Chúa Xuân chúc lành cho mùa xuân của chúng ta được yên vui, được hạnh phúc.

Vâng lời cầu chúc của chúng ta có lẽ sẽ không thành toàn nếu không có sự chúc phúc của Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn gốc mọi phúc lành Thiên Chúa ban.  Ngài là Đấng làm cho đất trời thay đổi theo bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông.  Và chỉ có Ngài mới làm cho ước mơ đêm xuân trở thành hiện thực.  Vì “mưu sự tại nhân – thành sự tại thiên.”

Sự toan tính là của con người, nhưng điều đó có thành hiện thực hay không lại tùy thuộc vào ơn ban của trời.  Như em bé luôn tin vào cha mình có đủ khả năng để làm mọi sự nên nó phó thác cho cha mẹ.  Người Kitô hữu cũng tin rằng, mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, chính Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, là Đấng phù trợ và bảo vệ cuộc đời chúng ta.  Niềm tin này không phải là niềm tin mông lung, nhưng dựa trên chính lời hứa của Chúa Giêsu: “Các con đừng lo chi ngày mai sẽ ra sao.  Hãy xem chim trời, hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không hề lo lắng ngày mai sẽ ra sao.”

Cầu chúc cho mọi nhà mọi người có Chúa Xuân mang an bình hạnh phúc đến.  Cầu chúc Chúa Xuân luôn ngự trị trong tâm hồn anh chị em để rồi chúng ta cũng mang mùa Xuân đến cho muôn nơi.  Kính chúc quý ông bà và anh chị em một xuân theo câu đối:

“Xuân phúc lộc bình an –  tràn muôn lối
Gia đình sống yêu thương – vui Đinh Dậu”

 Và giờ đây trong niềm vui mừng xuân mới, xin mời cộng đoàn chúng ta cùng hòa lên tiếng hát chúc nhau ngày xuân qua bài hát “Ly rượu mừng.”

LM Jos Tạ Duy Tuyền

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

NẺO VỀ HẠNH PHÚC (có Youtube)

Thi đàn Trung Quốc từ cổ chí kim nổi lên một tên tuổi lớn, đó là nhà thơ Lý Bạch, thời Thịnh Đường (701 – 762).  Ông tự xem mình như tiên ông bị lưu đày xuống thế.  Ông ưa sống kiếp lãng du, say mê vẻ đẹp đất trời, vẻ đẹp sông núi, trăng sao…

Theo truyền tụng nhân gian, vào một đêm trăng tỏ, Lý Bạch buông thuyền xuôi theo giòng sông Thái Trạch lấp lánh ánh trăng đêm.  Ông đàn hát ngâm vịnh và uống rượu thưởng thức trăng.  Càng về khuya, men rượu nồng bốc lên càng làm ngây ngất lòng thi sĩ.  Sông nước, cảnh vật lúc ấy càng huyền ảo nên thơ.  Thi nhân cảm thấy mình như đang lạc vào bồng lai tiên cảnh.  Mảnh trăng diệu huyền in hình dưới làn nước lung linh như đang gọi mời ông tao ngộ.  Trong hơi men chếnh choáng, ông nhoài mình qua mạn thuyền, cúi thật sâu xuống nước để ôm lấy vầng trăng mà ông say đắm lâu nay.

Than ôi! Ông đã bỏ hình bắt bóng và giòng sông oan nghiệt đã kết liễu đời ông.  Trên cao, vầng trăng thật như đang mỉm cười chế giễu ông.

Câu chuyện của nhà thơ họ Lý cũng là câu chuyện thời sự của thế kỷ chúng ta.  Nhân loại hôm nay đang kêu gào hạnh phúc, đang khao khát kiếm tìm hạnh phúc.  Nhưng họ đâu biết rằng Thiên Chúa là Cội Nguồn của hạnh phúc.

Một vầng trăng thật in thành hàng tỷ bóng trăng trên các ao hồ khe suối.  Một Cội Nguồn Hạnh Phúc (là Thiên Chúa) tỏa xuống vô vàn mảnh vụn hạnh phúc trong các sự vật phù du ở đời.  Thay vì tìm về Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa, người ta dại dột đâm đầu vào những chiếc bóng của hạnh phúc nơi những tạo vật chóng tàn.  Quả thế, người ta tưởng hạnh phúc nằm nơi bạc tiền, của cải, nơi lạc thú vật chất… rồi người ta đâm đầu vào đó như  những con thiêu thân lao vào lửa, như Lý Bạch nhào xuống nước tìm trăng.

Thiên Chúa là Cội Nguồn hạnh phúc, Thiên Chúa là nguồn mạch của hoan lạc và an bình, Thiên Chúa là Tình Yêu.  Tất cả những ai đang khao khát tình yêu, an bình, hạnh phúc là đang khao khát Chúa.  Nhưng tiếc thay, người ta đã bỏ hình bắt bóng.  Người ta săn đuổi ảo ảnh của hạnh phúc mà không chịu tìm đến cội nguồn hạnh phúc là Chúa Cả trên trời.

Thời thanh xuân, Augustino là con người khao khát hạnh phúc cách mãnh liệt.  Anh bôn ba kiếm tìm hạnh phúc trong văn chương và triết lý, trong dục vọng và lạc thú trần gian… nhưng anh đã thất vọng ê chề và cảm thấy tâm hồn chất đầy sầu đau khắc khoải.  Mãi đến năm ba mươi tuổi, Augustino mới cảm thấy tất cả những gì Anh đạt được chỉ là ảo ảnh của hạnh phúc, chẳng khác chi bóng trăng in hình đáy nước và chỉ có Thiên Chúa mới là “Vầng Trăng” thật, là Hạnh Phúc thật mà thôi.  Bấy giờ, với tâm hồn tràn đầy hoan lạc, Augustino thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Ngài nên hồn con thổn thức khôn nguôi cho đến khi được an nghỉ trong Ngài.”

Thiên Chúa mới là nguồn Hạnh Phúc đích thật mà loài người luôn vươn tới, luôn khát khao.  Chính Thiên Chúa đã đặt vào cõi lòng mỗi người chúng ta một khát vọng vô biên hướng về hạnh phúc mà không gì trên đời nầy có thể khoả lấp được, và để lòng khao khát đó luôn thôi thúc chúng ta kiếm tìm, kiếm tìm không mệt mỏi cho đến khi gặp được Ngài là Hạnh Phúc đích thật.

Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta tám nẻo đường đưa nhân loại về cội nguồn hạnh phúc mà ta quen gọi là tám mối phúc thật.  Ai bước theo tám nẻo đường nầy chắc chắn sẽ đi đến Cội Nguồn Hạnh Phúc là Thiên Chúa, là Nước Trời, là Đất hứa:

* Tinh thần nghèo khó: biết nhận ra sự nghèo nàn của nội tâm mình, nhận biết rằng mình không là gì cả, tất cả những gì ta có là của Chúa ban…

* Cư xử hiền lành, biết nhường biết nhịn và mềm mỏng với mọi người…

* Chấp nhận sầu khổ hơn là gây khổ đau cho người khác…

* Khao khát trở nên người công chính,

* Đầy lòng xót thương, đối xử nhân ái với mọi người…

* Tâm hồn trong sạch, không chất chứa điều tà, điều gian ác, điều bất công…

* Chung tay xây dựng hoà bình, sống hoà thuận với mọi người cũng như làm cho mọi người hoà thuận với nhau…

* Sẵn lòng chịu bách hại vì sống công chính thanh liêm…

Nẻo về Hạnh Phúc đã rộng mở.  Bí quyết vào Nước Trời đã được giải bày.  Vấn đề còn lại là chúng ta hôm nay có đủ khôn ngoan và bản lãnh để chọn cho mình con đường mà Chúa đã đề nghị với chúng ta hay không.

LM Ignatiô Trần Ngà (trích từ “Cùng Đọc Tin Mừng”)

 

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TÀI HOA VÀ ĐỨC MẾN CỦA NGƯỜI NGÃ NGỰA TẠI DAMAS (có Youtube)

Nếu có một câu hỏi dành cho Thánh Phaolô: “Hãy mô tả Ngài bằng 4 từ,” tôi sẽ chọn: tài hoa và đức mến.

Đức mến

Sự dấn thân, nhiệt tình vô điều kiện của Thánh Phaolô trong việc truyền rao Lời Chúa thể hiện trong cả lời nói và việc làm.  Đối với Ngài, Thiên Chúa là tất cả.  Các bài viết của Thánh Phaolô thường hay lặp lại các câu ngắn sau “trong Đức Kitô,” “Thiên Chúa của tôi,” “nhờ Đức Kitô,” “với Đức Kitô,” “Đức Kitô ở trong tôi”. . .  Đối với Ngài tình yêu với Thiên Chúa là tuyệt đối.

Ngài đi truyền giáo khắp mọi nơi: Sýp, Pamphilia, Pixidia, Corinto. . .  Bị bắt nhiều lần: lần 1 tại Giêrusalam, lần 2 tại Palestin, lần 3 tại Roma. . . cuối cùng là tử đạo.  Ngoài việc truyền giáo trực tiếp bằng lời giảng, Ngài còn viết các thư cho các cộng đoàn lẫn các cá nhân.  Tuy các đối tượng mà Ngài rao giảng là khác nhau, nhưng điểm hội tụ mà Ngài truyền tải là “Đức Kitô đã chết và đã sống lại”.

Tài hoa

Cuốn Tân Ước dày khoảng 800 trang thì số trang của Thánh Phaolô chiếm khoảng 200 trang, so sánh như thế mới thấy gia tài đồ sộ mà Ngài để lại cho con cháu.  Lối viết súc tích, lôi cuốn, rực lửa làm bài viết của Ngài nổi trội trong toàn bộ cuốn Tân Ước.  Tất cả các điều trên đạt được được có lẽ Ngài lấy từ nguồn cảm xúc vô tận từ Chúa Giêsu Kitô, để các bài đọc trở thành những đoạn văn vượt thời gian.  Ngày nay, 13 thư của Ngài là một trong các chủ để cho các chương trình Thần học và cho chính mỗi chúng ta, những người đang muốn đến gần với Chúa hơn thông qua các lời giảng tâm huyết, mạch lạc rõ ràng của Ngài dành cho hậu thế.  Chúng ta có thể tìm thấy chính mình trong các thư của Ngài muốn mô tả,  khi trìu mến, lúc quở trách, kể cả những đau khổ của Ngài khi thấy chúng ta đang đi trên các con đường thiện ác vô lường.

Ngài là nhà truyền giáo, nhà văn, nhà tổ chức, nhà hùng biện, khai phá và vun trồng.  Tài hoa của Ngài đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành khí cụ sắc bén trong việc truyền rao và xây dựng giáo hội thời sơ khai.  Đặc biệt, đối tượng rao giảng của Ngài rất đa dạng.  “Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt dân ngoại, vua chúa và con cái Israel.” (Cv 9, 15)

Chữ NGỘ

Không ai trong chúng ta có thể quên đoạn Kinh Thánh mô tả Thánh Phaolô được Chúa Giêsu chinh phục trên đường đi Damas.  Nó minh chứng rằng, cách mà Thiên Chúa gọi con người là đa dạng và cách gọi Thánh Phaolô là rất đặc biệt.  Với một trải nghiệm quá lớn lao như thế với bản thân, Thánh Phaolô đã trở thành một con người khác sau biến cố ngã ngựa.  Cái khoảnh khắc sát na đó, đã làm Thánh Phaolô chợt NGỘ.  Sau đó Ngài bị mù, không ăn, uống ba ngày (Cv 9, 9).  Tưởng họa mà lại hóa phước.  Chết để được phục sinh.

Sau đó Ngài lao vào các hoạt động mà chúng ta đã biết.  Vấn đề đặt ra là, Ngài không được thụ hưởng sự giảng dạy trực tiếp từ Chúa Giêsu, vậy ngôn từ, tri thức của Ngài đến từ đâu?  Trong (Cv 13, 2) nói rõ, Thánh Thần bảo “Hãy dành riêng Banaba và Phaolô cho ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.”  Vậy, sự khôn ngoan, trí mẫn tiệp, sức lực mạnh mẽ của Ngài có từ Chúa Thánh Thần.

Ngài không chỉ diện kiến Thiên Chúa một lần khi ngã ngựa mà còn vài lần  khác trong (Cv 13, 2), (Cv 26, 16).  Đó là hồng ân Thiên Chúa dành cho Ngài.  Nói chung dành cho tất cả những ai có tinh thần giống Ngài.

Thiên tài của Thánh Phaolô làm chúng ta suy nghĩ, tại sao Ngài có thể làm được những chuyện lớn lao như thế?  Xin được giải thích và kết luận bài viết bằng một câu trong tin mừng (Ga 15, 6) “Thầy là cây nho, anh em là cành.  Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong kẻ ấy thì người ấy sinh nhiều HOA TRÁI.  Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”

Lạy Thánh Phaolô, xin luôn trợ giúp sưởi ấm lòng mến Chúa, yêu người trong mỗi chúng con.  Và xin cho chúng con được một phần tài hoa của Ngài.

G. Tuấn Anh

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CHÚA ĐÓ (có Youtube)

Khi Đức Giêsu bị đem ra trước toàn dân trong ngày khổ nạn, Philatô nói với đám đông “Đây là người” (Ga 19:5).  Cũng chính Đức Giêsu ấy sau khi phục sinh, lại được một người ẩn danh reo lên “Chúa đó” (Ga 21:7).  Hai lần giới thiệu đặt trong hai ngữ cảnh khác nhau tạo nên hai cao trào khác biệt.  Đôi dòng suy tư sau đây kính mời quí độc giả cùng tôi khám phá thái độ và hiệu ứng của việc giới thiệu về Đức Giêsu.

Tin Mừng Gioan không ít lần đặt Chúa Giêsu trong vai trò được người khác giới thiệu.  Điển hình Gioan Baotixita nói cùng hai môn đệ “Đây là Chiên Thiên Chúa”, hay Anrê giới thiệu cho Simon, hoặc Philipphê ngỏ lời với Nathanael… (x. Ga chương 1 và 2).  Những lần giới thiệu ấy đặt trong tình huống tôn vinh Đấng Messia với lời ngỏ cụ thể, kết cấu rành mạch và giọng văn tinh tế.  Riêng về hai lời giới thiệu vừa đề cập ở đầu bài suy niệm, gương mặt thể lý của Chúa Giêsu khó lòng được nhận ra.  Philatô dẫn ra một tù nhân vừa bị tra tấn, mất hết dáng người.  Sự tả tơi trong hình dạng đi kèm với lời tuyên bố “Đây là người” làm tôi thấy xót xa.  Người gì mà lại bị hành hạ thế kia?  Thế mà vẫn là người sao?  Ngay lúc ấy, chỉ có thể dùng niềm tin để biện hộ cho quan niệm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu.  Tại biển hồ Tiberia, hình ảnh Đức Kitô bầm giập, nát tan trên thập giá in sâu vào tâm trí các tín hữu, do đó điều các ông thấy trước mắt bị che phủ bởi định kiến, bởi ý nghĩ, khiến các ông không nhận ra Người.  Khi đọc hai chuỗi phân tích này, tôi thấy đây là một tiến trình duy nhất của cách biểu lộ gương mặt Đức Giêsu: một gương mặt bình thường, rồi bị bầm giập, sau đó lại là gương mặt lành lặn.  Ấn tượng ban đầu dễ làm tôi định hình khuôn mẫu cho một con người.  Nhiều lần, tôi liệt kê cá tính của bạn bè, người thân dựa vào cảm giác của tôi nơi lần đầu gặp gỡ: nào là nhiều chuyện, hà tiện, khó tính, nóng nảy… hay là ít nói, hào phóng, dễ chịu, linh động…  Chính những cảm nghiệm ấy giới hạn góc nhìn của tôi về con người.  Ngay khi những tật xấu được sửa chữa thành tốt, hoặc những đức tính tốt bị tha hoá thành tệ nạn, tôi vẫn giữ lập trường cũ, quan điểm thuở ban đầu cho rằng mình phán đoán đúng.  Đây là lúc tôi được lay động thay đổi cách nhìn cố chấp của bản thân.  Các môn đệ nhìn Đức Giêsu với sự quen thuộc của tâm và trí ngày thương khó nên không nhận ra một Đức Giêsu lành lặn, Đức Giêsu phục sinh.  Nhìn trong giây phút hiện tại là bài học hay, mà tôi rút ra được trong văn cảnh này.

Đọc bản văn Hy Lạp cho hai câu Thánh Kinh “Này là người” (Ga 19:5) và “Chúa đó” (Ga 21:7), tôi thấy hai danh từ hoàn toàn khác biệt.  Tiếng Hy Lạp dùng trong chương 19 là “an-thrô-pós” nghĩa là “con người”, còn chương 21 lại dùng “ky-ri-ós” nghĩa là “Chúa”.  Hai cách gọi khác nhau một trời, một vực.  Thoáng đọng suy tư sau đây hy vọng sẽ gặp được sự đồng cảm giữa tôi và quí độc giả về hai ngữ cảnh đặc sắc vừa kể ra.

Philatô biết về Đức Giêsu qua truyền thông cộng đồng.  “Đây là người” là tất cả những gì quan có thể thốt ra dựa vào lời kể của đám đông cộng với kinh nghiệm lần đầu gặp gỡ chỉ trong vài phút khi tra vấn.  “Đây là người” đặt trong ngữ cảnh dân chúng la hét đòi đóng đinh người có tên Giêsu.  Philatô không biết nhiều về Đấng Kitô do đó lời ông giới thiệu Ngài với dân chúng khiến gương mặt thật của Đấng ấy bị lu mờ, nếu không nói là méo mó.  Philatô trong lịch sử là một chính khách uy phong và có quyền lực.  Lời của vị ấy rất có giá trị và vị thế trong con mắt người đời.  Tuy nhiên, trong trường hợp này, lời của một người uy quyền như thế lại không mang đến sự bình an cho dân chúng nhưng lại gây bất ổn, bạo hành và giết chóc.  Dừng ở đây nơi lời của Philatô, kính mời quí độc giả tiếp tục bài suy niệm với văn cảnh của hai chữ “Chúa đó” (Ga 21:7).

Thiên Chúa dùng một lời ngỏ, rất đơn giản, nơi thụ tạo vô danh để tôi kịp nhìn giây phút hiện tại “Chúa đó”.  Người nói thì vô danh, cách nói lại ngắn gọn nhưng lại là câu nói truyền tải thông tin cách chân thật, đầy đủ.  Trong những trường hợp khẩn cấp như hiệu lệnh hoặc lời kêu cứu, đòi hỏi nội dung chuyển tải nhanh, gọn và chính xác.  Nhận ra phép lạ cá đầy lưới, một dấu chỉ hữu hình của một niềm tin vô hình: chỉ có Thiên Chúa, Đấng điều khiển muôn loài muôn vật mới thực hiện được việc phi thường mà những ngư dân bình thường không thể làm được dù là lưới cá.  Điều ấy khiến một lời tuyên xưng như một hiệu lệnh phán ra: “Chúa đó.

Những ngư phủ đang bối rối không giải thích được vì sao con nước này lại có lưới được nhiều cá đến thế.  Điểu tưởng chừng nghịch lý lại là điều hợp lý, khiến các ông hốt hoảng, lúng túng.  Khi đứng trước một phép lạ cả thể, người môn đệ nói với Phêrô trông như lời trấn an trong niềm kinh hãi “Chúa đó.

Cách nói nơi Tin Mừng Gioan tại điểm này còn là một sự vỡ oà trong sung sướng.  Khi mẹ vắng nhà, cả bố và con đều thấp thỏm chờ đợi, mong mỏi.  Tiếng thét lên sung sướng của trẻ con luôn là nỗi niềm vui sướng cho cả gia đình “Mẹ kìa.”  Bố vui vì vợ về, con vui vì luôn được mẹ cho quà, mẹ vui vì gia đình hạnh phúc.  Tất cả niềm vui nơi mỗi cá nhân khởi đi từ lời reo “Mẹ kìa.”  Mỗi lần suy ngắm câu Lời Chúa này, tôi gắn ký ức tuổi thơ tươi đẹp của mình vào bối cảnh bản văn.  Tôi chạy lon ton ôm mẹ thế nào, thì thiết tưởng Thánh Phêrô cũng nhảy ùm xuống nước để đến với Chúa khi nghe “Chúa đó” thể ấy.

Cũng là việc giới thiệu Đức Giêsu, nhưng hai giai thoại mang đến hai sắc thái hoàn toàn đối lập.  Quan quyền cao ngạo nhìn Chúa thẳng mặt với con mắt khinh thường dựa vào lời của đám đông.  Kẻ hèn mọn, vô danh nhận ra Chúa dù ở khoảng cách xa xa và xác quyết niềm tin vào lời tuyên xưng bằng chính cảm nghiệm an bình bản thân.

Thay cho lời kết, xin quí vị cùng tôi thân thưa với Chúa nơi lời nguyện sau đây.

Lạy Chúa, con ước mong được Chúa dùng giới thiệu Chúa cho người khác.  Xin cho con biết khiêm nhường, vô danh để Danh Chúa trở nên tiêu điểm cho việc loan truyền.  Xin giúp con nhận ra Chúa nơi những biến cố cuộc đời con, nhờ đó lời giới thiệu về Chúa không dựa vào kiến thức của sách vở hay đám đông, nhưng là nhờ cảm nghiệm một Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót.  Con thấy thế cũng chưa đủ.  Con ước mong thêm một điều nhỏ nữa, xin Chúa không ngừng thì thầm vào tai con “Chúa đó” để con không bao giờ lìa xa Chúa và những người nghe con nói về Chúa cùng con sống bên Chúa.  Amen.

Evangelii Nuntiandi, S.P.

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĐỪNG NGỦ MÊ TRONG TỘI (có Youtube)

Tiếng bà vợ dịu ngọt nói chồng: Anh ơi đi xưng tội đi.  Lâu rồi không thấy anh xưng tội.

Anh chồng đáp: Xưng xong có chừa được đâu mà xưng.

Cô vợ: Thế thì hôm nay anh đừng ăn nhé

Anh chồng: Không ăn mà chết đói à!

Cô vợ: Vì ăn xong rồi cũng đói, thế thì ăn làm gì cho mệt.

Anh chồng!

 Con người thường ít muốn thay đổi.  Cho dù cuộc sống của họ đang chìm ngập trong tội lỗi.  Họ vẫn ngại đến với tòa giải tội.  Họ sợ phải đối diện với sự thật.  Vì sự thật sẽ phơi bầy toàn bộ hành vi bất chính, tội lỗi của họ.  Họ sống chai lỳ trong điều gian ác mà vẫn không áy náy lương tâm.  Chính vì lối sống mất ý thức về tội, lại không dám đối diện với sự thật, khiến họ lao mình vào cuộc sống với những đam mê hưởng thụ bất chấp luân thường đạo lý, hay lao vào tìm kiếm danh lợi thú, bất chấp thủ đoạn tàn bạo.  Điều này đã làm cho xã hội tội lỗi tràn lan đến mức độ chưa bao giờ tội phạm nhiều như ngày nay.

 Ngày 03.01.2014 một phiên tòa lưu động có số bị cáo đông nhất Việt Nam từ trước đến nay đã diễn ra tại sân trại giam của công an tỉnh Quảng Ninh tổng cộng đến 89 bị cáo dính đến 4 đường dây mua-bán, vận chuyển trên 4,400 bánh heroin, phiên tòa dự tính kéo dài ba tuần lễ.

 Theo báo Tiền Phong, phiên tòa nói trên cũng quy tụ số luật sư biện hộ đông nhất từ trước đến nay: 41 người.  An ninh phiên tòa lưu động được xiết chặt, vì người ta dự đoán có thể tới 66 bản án tử hình sẽ được tuyên án.

Án tử hình rất nhiều nhưng xem ra con người không ý thức về tội, không có lòng sám hối nên tội phạm vẫn gia tăng.  Ngay cả các tội nhân tại tòa cũng thường ít nói lời xin lỗi vì mình đã gây nên những đau khổ cho xã hội bởi hành vi bất chính của mình.  Thậm chí cả người nhà tội nhân còn bênh vực cho hành vi tội lỗi của con cái mình.

Mới đây trong một phiên tòa khi tòa tuyên án kẻ cầm đầu bọn cướp chuyên nghề chặt tay cướp xe thì tiếng la hét đanh đảnh của một người mẹ đã hét lên không chấp nhận sự thật ấy.  Bà quát to rằng: “Con tôi không giết người sao lại tử hình con tôi?”  Bà còn quay lại chỗ những người bị hại mà con bà chặt tay để cướp của nói rằng: “Biết con tao tử hình thì tao đã cho người giết chết chúng mày!”  Xen lẫn tiếng bà là tiếng người chị gái bảo rằng: “Ai bảo chúng  mày đi xe đẹp đeo nhẫn vàng làm gì?”

Hóa ra đi xe đẹp, đeo nhẫn vàng cũng có tội?  Có phải tình yêu thì chẳng cần quan tâm đến đạo đức.  Người ta nhân danh tình yêu để hại người, để vào hùa và bênh đỡ nhau như gia đình bị can “chặt tay cướp xe SH” chăng?

Là người đều có những lầm lỗi hay có những lần vấp ngã, điều quan yếu là biết nhận lỗi và đứng lên làm lại cuộc đời.  Không nhận ra sai lỗi.  Không cảm nhận sự vấp ngã.  Con người cũng mất ý thức về tội.  Con người càng mất lòng sám hối ăn năn.  Thực ra, nhân vô thập toàn.  Con người cần biết giới hạn của mình để sám hối từng ngày, để canh tân từng phút.  Có sám hối, có canh tân con người mới thăng tiến từ tinh thần đến vật chất.

Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu không kêu gọi chống bất công hay đòi quyền lợi mà là kêu gọi sám hối canh tân.  Chúa kêu gọi con người phải sám hối vì cội rễ của bất công, của sa đọa, tội lỗi là con người mất ý thức về giá trị cuộc sống.  Con người không tuân theo luân thường đạo lý thì làm sao có một xã hội văn minh tình thương.  Con người cần phải sám hối để nhận ra những lỗi lầm của mình đã gây nên thiệt hại tinh thần lẫn vật chất cho tha nhân.  Chính hành vi tội lỗi mình đã làm cho sự dữ lan tran, xã hội loạn lạc lầm than.

Nhưng đáng tiếc nhân loại ngày hôm nay không ý thức việc mình làm đã gây nên đau khổ cho tha nhân.  Con người vẫn nhân danh tự do cá nhân để hành xử thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm với tha nhân.  Con người vẫn nhân danh hạnh phúc cá nhân để loại trừ hạnh phúc của tập thể, của xã hội.  Nếu ai cũng biết sống mình vì mọi người thì sẽ không có những vụ tham nhũng lớn như Dương Chí Dũng, Bầu Kiên hay Huyền Như…  Tất cả vì lợi ích cá nhân mà gây nên biết bao hậu quả tai hại cho xã hội và đất nước.

Ước gì là người Kitô hữu chúng ta hãy biết xét mình hằng ngày, hãy ăn năn từng giờ để đừng ngủ mê trong tội lỗi, nhưng biết thay đổi đời sống cho phù hợi với tin mừng.  Xin đừng vì quyền lợi cá nhân mà gây thiệt hại cho xã hội.  Xin đừng đề cao tự do cá nhân để làm mất trật tự cho xã hội và cộng đồng.  Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân để nhờ ơn Chúa mà canh tân đời sống mỗi ngày một tốt hơn.  Amen!

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THÁNH ANTÔN VIỆN PHỤ – Thế kỷ IV (có Youtube)

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập.  Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ.

Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời.  Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21).  Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.

Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn.  Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống.  Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái.  Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng những việc hãm mình.  Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.

Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích.  Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: “Tôi còn sẵn sàng chiến đấu.  Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được.”

Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: “Ồn ào vô ích.  Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.”

Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa.  Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: “Ôi, lạy Chúa, Chúa ở đâu?  Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con?”  Tiếng Chúa trả lời: “Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu.  Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.”

Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa.  Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết.  Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ.  Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ.  Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa.  Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.

Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc.  Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: “Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.”

Ngài lên đường đi Alexandria.  Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục.  Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.

Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc.  Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông.  Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội.  Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc.  Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở.  Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn.  Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.

Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo.  Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài.  Các lương dân cũng bảo nhau: “Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.”

Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm.  Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:

–  Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết?  Thánh nhân trả lời:

–  Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.

Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.

Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: “Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.”

Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, môn sinh của Ngài hãnh diện lắm.  Nhưng Ngài bảo họ: “Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người.  Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.”

Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.

Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc.  Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.

Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót.  Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương.  Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: “Hãy sống như phải chết mỗi ngày.  Hãy cố gắng noi gương các thánh.”

Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh.  Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi.  Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.

Giáo hội thưởng công cho thánh nhân

Với một lòng yêu mến Chúa dạt dào, thánh Antôn đã làm gương cho nhiều người về đời sống thánh thiện và các nhân đức siêu việt của Người.  Thánh nhân qua đời ngày 17/01/356 .  Vào năm 561, xác thánh nhân được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan tiền hô tại Alexandria.  Các Giáo Hội Trung Ðông đã sùng kính thánh Antôn đầu tiên, tràn qua Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Antôn, viện phụ, sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa.  Xin Chúa nhận lời người nguyện giúp cầu thay, cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự (lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Antôn, viện phụ).

 Nguồn: Tổng hợp

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THIÊNG LIÊNG BÌNH THƯỜNG (có Youtube)

Ngòi bút thiêng liêng, Tom Stella, đã kể câu chuyện về ba tu sĩ cầu nguyện trong nhà nguyện tu viện.  Tu sĩ thứ nhất hình dung mình đang được các thiên thần đưa lên thiên đàng.  Tu sĩ thứ hai hình dung mình đã ở trên thiên đàng, cùng với thiên thần và các thánh hát ca chúc tụng Chúa.  Tu sĩ thứ ba không thể tập trung vào bất kỳ suy nghĩ thánh thiện nào, mà chỉ có thể nghĩ về chiếc bánh hamburger khổng lồ vừa ăn trước khi vào nhà nguyện.  Đêm đó, khi ma quỷ viết bản báo cáo trong ngày, hắn viết: “Hôm nay, ta cố gắng cám dỗ ba tu sĩ, nhưng chỉ thành công với hai người.”

Chiều sâu của câu chuyện này còn hơn những gì bạn thoáng thấy.  Tôi ước giá vài năm về trước tôi hiểu được cả vai trò của các thiên thần lẫn chiếc hamburger trong cuộc hành trình thiêng liêng của chúng ta.  Bạn thấy đó, đã nhiều năm qua, tôi chỉ xác định cuộc đi tìm con đường thiêng liêng bằng những suy tư, cầu nguyện, và hành động theo lòng đạo.  Nếu tôi ở trong nhà thờ là tôi hướng về sự thiêng liêng, còn nếu tôi ăn một bữa ngon với bạn bè, tôi chỉ đơn thuần là con người.  Nếu tôi cầu nguyện và có thể tập trung suy nghĩ và cảm nhận về một sự gì đó thánh thiện, thì tôi cảm thấy như mình đang cầu nguyện rất sốt sắng đạo hạnh.  Còn nếu như tôi bị phân tâm, mệt mỏi, hay quá buồn ngủ không thể tập trung được, thì hẳn giờ cầu nguyện của tôi chẳng ra gì.  Khi tôi làm đúng những chuyện đạo hạnh hay có những quyết định mang tính đạo đức rõ ràng, thì tôi thấy mình đạo hạnh, còn những chuyện khác với tôi chỉ đơn thuần là chuyện của con người.

Dù tôi không quá tiêu cực về những chuyện đời này, nhưng những chuyện tốt đẹp của tạo hóa (của sự sống, của gia đình và tình thân, của thân xác, của tính dục, của thức ăn thức uống) lại không bao giờ được xem là thiêng liêng, đạo hạnh.  Trong trí tôi, có một sự phân biệt rõ ràng giữa trời và đất, thiêng liêng và phàm tục, thần thiêng và con người, giữa linh thiêng và thế gian.  Điều này đặc biệt đúng với những khía cạnh trần thế hơn của cuộc đời, cụ thể là thức ăn thức uống, tình dục, và những thú vui thể xác.  Xét tốt nhất, đây là những thứ làm xao nhãng chuyện thiêng liêng, còn xét tệ nhất, chúng là những cám dỗ ngáng chân tôi, ngăn cản tôi trên đường thiêng liêng.

Nhưng, khi vấp chân đủ, cuối cùng chúng ta học được rằng: Tôi đã cố gắng sống như hai tu sĩ đầu, với tâm trí hướng về những sự thiêng liêng, nhưng tu sĩ thứ ba lại ngáng chân tôi.  Khi tôi ở trong nhà thờ hay lúc cầu nguyện đang tập trung tâm trí và tâm hồn hướng về những chuyện thiêng liêng, tôi lại không ngừng thấy mình bị công kích bởi những thứ mà tôi xem là chẳng liên quan gì đến nhà thờ, như nhớ lại những buổi hội hè với bạn bè, những lo lắng về mối quan hệ, lo lắng về những công việc còn dở dang, suy nghĩ về đội bóng yêu thích, nghĩ về những bữa ăn thịnh soạn, về thịt bò và rượu, mà ngoại đạo nhất là nghĩ về những khoái lạc tình dục dường như quá sức đối chọi với những gì là thiêng liêng.

Tôi phải mất nhiều năm và nhờ nhiều linh hướng để học được rằng nhiều căng thẳng này chính là xác nhận một sự hiểu biết nghèo nàn và sai lầm về sự thiêng liêng Kitô và về những động năng thực sự của cầu nguyện.

Hiểu biết sai lầm thứ nhất là hiểu nhầm về ý định và kế hoạch của Thiên Chúa trong chúng ta.  Thiên Chúa không dựng nên bản tính của chúng ta theo kiểu một đường thẳng băng, nghĩa là chúng ta mê nhục dục và quá bám rễ vào những sự đời này, rồi đòi chúng ta phải sống như thể không phải là xác phàm, như thể những chuyện tốt đẹp của đời này chỉ là giả mạo là chướng ngại cho ơn cứu độ, là chống lại việc dự phần vào ơn cứu độ.   Hơn nữa, sự nhập thể, mầu nhiệm Thiên Chúa thành xác phàm, dạy cho tôi rành rành rằng chúng ta tìm thấy ơn cứu độ không phải chỉ bằng cách thoát khỏi thân xác và những sự đời này, nhưng bằng cách đi vào chúng sao cho đúng đắn hơn và thâm sâu hơn.  Chúa Giêsu khẳng định thân xác sẽ sống lại, chứ không phải là linh hồn thoát ly.

Hiểu nhầm thứ hai là về các động năng của cầu nguyện.  Trong những giai đoạn ban đầu, cầu nguyện là tập trung vào những gì thiêng liêng, vào cuộc đối thoại với Chúa, vào việc cố gắng trong một khoảng thời gian, gạt qua một bên những sự thuộc đời này để đi vào vùng thiêng liêng.  Nhưng đây là giai đoạn đầu của cầu nguyện.  Đến tận cùng, khi cầu nguyện được đào sâu và trưởng thành, thì những chuyện tưởng như quan trọng bắt đầu diễn ra ẩn dưới vẻ bên ngoài, và ngồi trong nhà nguyện với Chúa không phải như ngồi lại với một ai đó mà bạn thường ngồi nói chuyện.  Nếu bạn gặp ai đó mỗi ngày, thì không phải ngày nào bạn cũng có những cuộc nói chuyện thâm sâu và hăng hái, hầu như bạn sẽ chỉ nói về những chuyện trong ngày, những bận tâm cho gia đình, thời tiết, thể thao, chính trị, những chương trình tivi mới nhất, và đủ thứ khác, và rồi thỉnh thoảng bạn còn nhìn đồng hồ nữa.  Mối liên hệ của chúng ta với Chúa cũng như thế.  Nếu bạn cầu nguyện đều đặn mỗi ngày, bạn không buộc phải dằn vặt về chuyện phải tập trung và giữ cuộc nói chuyện với Chúa chỉ hướng về những gì thâm sâu và thiêng liêng.  Bạn chỉ cần ở đó, thoải mái vì được ở với một người bạn.  Những điều thâm sâu diễn ra phía dưới bề mặt.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

GIỚI THIỆU CHÚA KITÔ (có Youtube)

Nếu khởi đầu Mùa Quanh Năm là sự nhận diện thiên tính của Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa nơi sông Giođan và cũng là nhận diện phẩm giá Kitô hữu khởi đi từ ngày họ lãnh phép Rửa Tội, thì Chúa Nhật thứ hai Thường Niên được xem như một khai triển phẩm giá ấy về mặt sứ vụ.  Thật vậy, đảm nhận cuộc sống làm người và đón nhận cuộc đời làm con Chúa, tín hữu không chỉ sống đơn lẻ mà còn sống giữa những người khác, thế nên nét tươi tắn nhất trong sứ vụ của họ là giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ xung quanh mình.  Nhưng vấn đề là phải làm sao để giới thiệu Chúa Kitô cho có hiệu quả.

Dựa trên trang Tin Mừng hôm nay về việc Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ đương thời, ta gặp thấy những tiêu chuẩn xác định hiệu quả cho việc giới thiệu ấy.

1) Giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân

 Đây là tiêu chuẩn quan trọng có khả năng đi vào lòng người, bởi lẽ “con người hôm nay ít thích nghe những lời dạy cho bằng nghe những chứng tá” (Gioan Phaolô II).  Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một học thuyết, thì dẫu chủ quan mình có nắm vững và say mê, Đức Kitô ấy vẫn chỉ là một lý tưởng còn xa lạ chưa đụng chạm thiết thực với đời người.  Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một hệ thống tín điều, thì dù cho có xác tín đến đâu, Đức Kitô ấy vẫn còn xa vời, chưa phải là điểm quy chiếu thiết thân cho cuộc sống.

Thế nên, tiêu chuẩn hàng đầu là cần giới thiệu Đức Kitô như một Đấng mà mình đã tiếp cận, gặp gỡ và kết thân.  Hiện nay mình đang sống trong Người như kiểu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi,” và do thúc bách bởi sự sống ấy mà mình giới thiệu Người cho người khác.  Người là khởi điểm đồng thời cũng là đích điểm cho việc giới thiệu này.

Với kinh nghiệm bản thân, ta giới thiệu sự xác tín của ta vào Đức Kitô và đó cũng chính là sự khả tín của điều ta giới thiệu.

Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã không làm điều gì khác ngoài việc giới thiệu qua chứng từ về một kinh nghiệm ở ngôi thứ nhất số ít: “Tôi đã thấy và tôi xin làm chứng.”

2) Giới thiệu Đức Kitô là Đấng Cứu Độ

 Có một thực tế không thể phủ nhận là khi giới thiệu Đức Kitô, thường ta hay rơi vào một trong hai thái cực:

Hoặc quá chủ quan: giới thiệu một Chúa Kitô không như Người như mình tưởng, mình nghĩ.  Coi chừng!  Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng xem ra con người lại có khuynh hướng nắn đúc một Thiên Chúa theo như mình nghĩ, “giống hình ảnh con người.”  Có lẽ chuyện dân Do Thái ở Ai Cập năm xưa lấy hình ảnh bò vàng làm tượng thờ phải được xem như một kinh nghiệm đau lòng.

Hoặc quá chung chung: giới thiệu một Chúa Kitô không minh bạch xác đáng, có nguy cơ giản lược đánh đồng coi Kitô giáo cũng chỉ là một trong nhiều tôn giáo ngang hàng, và Đức Kitô không còn là Đấng Cứu Độ duy nhất nữa.  Có lần đến thăm nhà một tân tòng, tôi gặp thấy cảnh tổng hợp nhiêu khê: truyền thống gia đình ông bà cha mẹ theo Phật Giáo, con trai theo Tin Lành, cô gái vào Công Giáo, còn cậu em là đối tượng một đảng nên không theo tôn giáo nào.  Bà mẹ gia đình nói trổng như muốn phân bua về việc tự do chọn lựa niềm tin của con cái: “Ôi! Đạo nào cũng tốt, đều dạy ăn ngay ở lành cả ấy mà.”  Trong suy nghĩ của người mẹ này, Đức Kitô cũng ngồi chung chiếu với những vị cổ võ đạo đức nhân sinh.  Thế thôi.

Thiết nghĩ, giới thiệu Đức Kitô là phải trình bày cho thấy Người là Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại, là Đấng Cứu Độ trần gian, là Đấng từ trời xuống để đem ơn giải thoát đến tất cả mọi người và đạt tới từng người.  Nét độc sáng của Kitô giáo chính là đây.  Và Đức Kitô sở dĩ thiết thân đối với người đời bởi Người chính là Đấng Cứu Thế.

Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dứt khoát giới thiệu Đức Kitô cho dân chúng bằng một hình ảnh đặc biệt cho thấy Người là Đấng Cứu Độ: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.”

3) Giới thiệu Đức Kitô nhờ Thánh Thần

 Giới thiệu Đức Kitô là công cuộc dài hơi, thậm chí là công việc một đời, vì thế đòi hỏi người giới thiệu không chỉ như kẻ chào hàng tiếp thị, mà phải đầu tư để học biết và học hiểu, học tập và học hành, học ngang và học dọc, học tới và học lui; nghĩa là phải nỗ lực hợp tác với ơn thánh bằng vận dụng hết công suất những khả năng Chúa ban mà chu toàn nghĩa vụ cũng là ý nghĩa cuộc đời mình.  Ngày nào còn là Kitô hữu, ngày đó còn phải gắn bó và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.  Đó là yếu tố thuộc về căn tính.

Giới thiệu Đức Kitô cũng là một công trình thuộc về sứ vụ truyền giáo của mọi thành viên trong Giáo Hội, nghĩa là thuộc về lẽ công bình.  Ai đã nhận được lẽ sống Đức Kitô thì cũng canh cánh bên lòng một đòi buộc phải tiếp nối sứ mạng giới thiệu sự sống ấy cho những người mình gặp gỡ trong mọi cảnh ngộ cuộc đời.  Chả thế mà sứ vụ cũng đồng nghĩa với sự lên đường.  Đồng quà tấm bánh có thể giữ lại chứ sự sống mà giữ lại thì cũng đồng nghĩa với sự thui chột ngột ngạt ngay trong vòng tay ôm chặt của người sở hữu.

Giới thiệu Đức Kitô như thế cũng là cuộc hiến thân làm chứng, đón nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, quên mình xóa mình, thao thức miệt mài, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm.”  Không dễ dàng, không dễ dãi và không dễ chịu.  Thế nên đó là một công trình sức người tự mình không làm nổi ngoài ơn của Thánh Thần.  Vả chăng chính Thánh Thần mới giữ vai trò chủ động trong công trình lớn lao này, còn con người dẫu hết lòng hết sức cũng chỉ là dụng cụ góp phần.

Nếu hôm qua Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dựa vào dấu chỉ Thánh Thần để nhận biết Đấng Cứu Thế: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần”, thì hôm nay tín hữu cũng dựa vào Thánh Thần để chu toàn sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho người đồng thời với mình.

Tóm lại, giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân, giới thiệu Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và giới thiệu Chúa Kitô nhờ Thánh Thần.  Đó là những tiêu chuẩn giúp cho việc giới thiệu này mang lại hiệu quả mong muốn.

Vì thế, Kitô hữu không chỉ là người mang Chúa Kitô trong mình, không chỉ thuộc về Chúa Kitô mà còn là người phải giới thiệu Chúa Kitô cũng như biết cách giới thiệu Chúa Kitô làm sao cho có hiệu quả nữa.  Như một người chào hàng không mệt mỏi, như một chứng nhân luôn trung thành, và như một lẽ sống hạnh phúc, ta quyết chí lên đường.

Trong buổi chia sẻ của những tân tòng lớp trước dành cho lớp sau, một cô gái mười sáu tuổi đã chân thành cho biết lý do mình gia nhập đạo Công Giáo: “Tôi theo đạo vì lúc nhỏ học chung với một người bạn Công Giáo.  Bạn ấy rủ tôi đi lễ, tôi đi theo dẫu chẳng hiểu gì.  Nhưng vì bạn ấy đối xử tốt với tôi, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của bạn ấy, dần dà tôi hiểu ra lẽ đạo và cuối cùng tôi tìm đến với lớp giáo lý khai tâm, và hôm nay được nhận Bí tích Thanh Tẩy.”

Mong rằng đây không chỉ là chuyện cá biệt mà là chuyện điển hình đã được nhân lên trong mọi cộng đoàn tín hữu.

ĐGM Vũ Duy Thống

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CHÁU ĐÍCH TÔN (có Youtube)

“Nó là cháu đích tôn của dòng họ đó” một lời nói luôn luôn ở trên miệng của nội tôi, cái miệng nhuốm màu đỏ sẫm của những miếng trầu.  Nó giống như một lá bùa hộ thân của tôi.  Khi những tiếng đó vang lên tôi cảm thấy mình được những người trong nhà nể phục, kể cả bố mẹ nữa chứ.  Bố mẹ có dám la mắng tôi đâu, tôi không biết họ sợ nội, hay họ thương tôi.  Lúc đó tôi không hiểu cụm từ “cháu đích tôn” có ý nghĩa gì.  Nhưng tôi biết mình rất quan trọng đối với dòng họ, đi học có người chở đi, chở về, thích đồ chơi gì là có cái đó.  Lên trường tôi không có nhiều bạn bè.  Tôi nghĩ cũng không cần thiết phải có bạn, nên tôi chả xem ai ra gì hết, nhưng được cái là tôi học cũng khá.  Cuộc sống của tôi cứ trôi qua êm đềm cho đến lúc tôi là trở thành sinh viên Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, cái trường mà bao nhiêu đứa mơ ước cũng khó mà được.  Lên thành phố với tôi là mấy đứa cùng làng, nhà nghèo rớt mùng tơi (có mùng tơi mà rớt là ngon rồi).  Tôi sống ở chung cư, đi xe SH, không cần phải đi làm thêm để kiếm tiền đóng tiền nhà, hết tiền chỉ cần “alo” là ra ngân hàng có liền.  Còn mấy đứa đó sống chung cư, đi làm thêm, đi xe bốn bánh, có máy lạnh, có tài xế riêng nhưng là xe bus.  Đến trường, tôi không chơi với mấy đứa nhà nghèo, mấy đứa đó không xứng đáng chơi cùng tôi.  Tôi cứ vui chơi thỏa thích, chơi game online, có bạn gái, dằn mặt người khác, lấn át người kia…  Những lần như vậy những người bạn cùng quê cứ nói với tôi: “đừng đi quá đà Long ơi.”  Nhưng đáp lại tôi chỉ nói:“Mày có biết tao là ai không?  Cháu đích tôn của dòng họ tao đó.”

Nhưng đúng là “gieo nhân nào gặt quả đó.” Một hôm tan học tôi bị mấy người lạ mặt đánh cho một trận, sau đó bị ngất đi và được một người lạ mặt cứu.  Người ấy đưa tôi vào trạm ý tế gần đó, nhờ bác sỹ chăm sóc rồi lặng lẽ bỏ đi lúc nào tôi cũng không biết.  Tôi chỉ biết khi đi người đó để lại cho tôi một tờ giấy “Khóa Linh Thao Cho Sinh Viên” của Dòng Tên dành cho sinh viên, và một lời nhắn “Cố gắng tham gia nhé.”  Mặc dù, là người Công Giáo nhưng tôi có biết đến Linh Thao là cái gì đâu, tôi chỉ biết Dòng Tên là một dòng tu rất nổi tiếng.  Tôi nghĩ không cần thiết, nhưng sau đó tôi nghĩ lại, có mất gì đâu mà không tham gia.

“Sao đông vậy trời!”  Đó là câu nói đầu tiên của tôi khi đến đó, và ngạc nhiên hơn nữa người cứu tôi lại là cha hướng dẫn ở đó.  Tôi tham gia vào nhiều thứ trò chơi khởi động cùng với nhiều người xa lạ, mà trước đó tôi xem họ không xứng đáng chơi với tôi, được nghe tiểu sử của Thánh Inhaxio Loyola, Đấng Sáng Lập Dòng Tên.  Nghe xong tôi cảm thấy sao cuộc đời mình giống như thánh nhân vậy, phải chăng đó là một lời mời gọi…?  Một tuần linh thao cứ nhịp điệu: ăn sáng, cầu nguyện, ăn trưa, cầu nguyện, ăn tối, cầu nguyện, phút hồi tâm cuối ngày.  Ngày cuối cùng là ngày dành để hồi tâm về cuộc đời, nhiệm vụ và tìm ra ý nghĩa của mình khi sống ở trên đời này.  Tôi chợt nhận ra rằng mục tiêu sống hiện tại của mình đã đi lệch đường rầy, và là số 0 tròn trĩnh.  Cái mác “cháu đích tôn” đã đưa tôi lên một vị trí mà không ai dám lại gần.  Tôi tự cao, tự đại, khinh thường người khác.  Tôi chưa thể tìm thấy cái gọi là mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống cho chính mình.

Khóa linh thao kết thúc mà lòng tôi cứ nao nao, có cái gì đó lôi kéo tôi rất mạnh về việc dấn thân theo Chúa.  Tôi đã mạnh dạn gặp cha giám đốc, trình bày vấn đề muốn được tìm hiểu vào Dòng Tên, được cha hẹn gặp một tháng sau lên nhà Ứng Sinh Dòng Tên gặp cha.  Tôi rất vui vì có lẽ tôi tìm được mục tiêu của mình nhưng tôi không ngờ được là những chuyện buồn cũng bắt đầu xảy ra.

Tôi gọi điện về, báo ngay cho nội biết tôi đã tìm ra lý tưởng sống cho chính mình rồi, mường tượng ra cảm xúc của nội khi nghe được tin này chắc nội sẽ vui lắm.  “Mày biết mày là ai không hả Long, sao mày lại làm thế, ai cho mày đi tu?” câu nói đầu tiên của nội khi tôi trình bày với nội điều đó.  Lần đầu tiên tôi thấy nội nổi giận với tôi, hình như mong muốn về một người cháu đi tu không có trong tâm trí của nội. “Về nhà ngay” là câu kết trong cuộc nói chuyện điện thoại giữa tôi và nội, mặc dù thời gian cuộc gọi chưa được 30 giây.  Tôi đành phải nghe lời chứ sao, dù lòng vẫn ao ước được được đi tu nhiều lắm.

Trên đường về tôi tự hỏi “Chúa ơi, tại sao cháu đích tôn lại không được đi tu, đi theo Chúa còn phải được sự đồng ý của người nhà nữa hả Chúa?”  Tôi liền nghĩ ngay đến thánh Inhaxio, tại sao Ngài có thể bỏ tất cả được như vậy.  Tôi không biết mình phải nói những gì để thuyết phục được nội tôi đồng ý.  Đến nhà rồi mà tôi cũng không dám vào nhà như những lần trước, tôi sợ!

Vào nhà tôi nghe nội la mắng: “Mày có biết đi tu là không lấy được vợ, không thể làm giàu, sống nghèo, sống phải nghe lời người khác không?  Ngoài đời mày muốn gì cũng có, sao mày lại chọn đi tu?”  Bây giờ tôi mới biết rằng nhiệm vụ của cháu đích tôn là gì: nối dõi tông đường, kế thừa sản nghiệp, làm rạng danh gia tộc… nó thật khủng khiếp.  Tối đến tôi cứ suy nghĩ về hai câu nói của Chúa Giêsu “từ bỏ mọi sự mà theoThầy,” và trong thư của Thánh Phao Lô “vâng lời hơn của lễ,” sao nó đối nghịch nhau như vậy, tôi không biết nên đi theo đường nào.  Nếu là Chúa thì Ngài sẽ chọn con đường nào?  Tôi biết Ngài đã dành cho tôi con đường dẫn về trời, có sự sống đời sau miễn là tôi có chấp nhận nó hay không.  Có lẽ tôi đã nhận được sự giúp đỡ, sự hướng dẫn của Chúa qua mẹ, mẹ gặp tôi và nói rằng: “cố lên đi con, mẹ sẽ ủng hộ con.”  Bạn có biết cảm giác tôi khi đó không?  Tôi vui mừng ở trong lòng và thầm cảm ơn Chúa.

Nhưng tôi cũng không thể không nghe lời của nội được.  Tôi lên thành phố với câu nói của nội “nếu mày đi tu, tao sẽ từ mày luôn, tao không muốn có đứa cháu ngu như mày” nó cứ quấn quýt vào tôi.  Tôi suy đi nghĩ lại câu nói đó của nội, nếu đi tu có phải tôi là một người cháu bất hiếu, vì không nghe lời của nội?  Tôi không đủ can đảm để đi tiếp, hay gặp cha linh hướng nữa.  Sau mấy ngày đắn đo tôi quyết định lên gặp cha, trình bày với cha.  Cha đã nói với tôi một câu: “Con có dám từ bỏ mọi thứ đó để trở thành một Giêsu hữu không?  Nếu con dám thì mọi việc còn lại Ngài sẽ lo cho con.”  Tôi trở về suy nghĩ nhiều và nhờ câu nói đó của Cha mà tôi đã dám từ bỏ, và tham gia Gia Đình Ứng Sinh, nhưng tôi sống ngoại trú, vì tôi nghĩ mình còn rất nhiều vấn đề về gia đình, về sống cộng đoàn.

Kết thúc 4 năm học với bao nhiêu thứ cám dỗ, những thứ của đời thường đôi lúc làm tôi chùn bước, nản chí.  Nhưng trong quá trình học được tham gia Gia Đình Ứng Sinh tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn, học được nhiều hơn.  Cầm tấm bằng loại giỏi trên tay trong ngày ra trường, đối với nhiều người đó là một niềm vui, nhưng đối với tôi là một cái gì đó không vui, vì bây giờ tôi muốn tham gia vào sống nội trú để tìm hiểu và trau dồi đời sống cộng đoàn.  Tôi không muốn làm một người cháu bất hiếu, đôi khi tôi muốn có một sự kiện gì đó để thay đổi, gỡ nút thắt…  Và rồi… Nội tôi mất.  Tôi bỏ lại quê hương, dòng họ, bố mẹ cùng đứa em gái để theo Chúa.  Tôi đi tu với lời nói xấu sau lưng “thằng đó sao ngu quá, không có lòng hiếu thảo, nó bỏ cha mẹ mà đi.”  Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng “mình phục vụ Chúa, không lẽ Ngài không lo cho gia đình mình sao?”

Tôi nhận ra một điều dù là ai, xuất thân là gì, khó khăn thế nào, hoàn cảnh ra sao chăng nữa thì cũng sẽ được mời gọi đi theo con đường Giê-su đã đi.  Dù đó là “cháu đích tôn” đi nữa chỉ cần tôi dám “Từ Bỏ” và “Vượt Trùng Khơi”.

Long Nguyen

Nguồn: http://ungsinhdongten.net

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.