ÁNH SÁNG RẠNG NGỜI

Vào một đêm kia, nhà văn Anh John Ruskin nhìn thấy những người thợ thắp đèn đường trong thành phố (lúc đó chưa có điện đường).  Họ phải cầm một ngọn đuốc làm đèn chiếu dọc theo các con đường.

Trong đêm tối, Ruskin không thấy được người thắp đèn, ông chỉ nhìn thấy bó đuốc của người ấy và một vệt dài ánh sáng người ấy để lại đàng sau mình.  Qua hình ảnh đó, cụ già Ruskin đưa ra một nhận định hết sức thâm thúy: “Đây là một minh họa tuyệt đẹp về người Kitô hữu.  Có thể người ta chẳng bao giờ nhận biết người ấy, cũng chẳng bao giờ gặp anh, nhưng họ đều biết anh ta đã đi qua thế giới của họ nhờ vào chuỗi ánh sáng anh để lại phía sau mình.”

********************************

Giáng sinh là một biến cố vô cùng trọng đại, một trang sử mới của nhân loại, đầy huyền nhiệm và linh thánh, nối kết giữa trời và đất, giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người.  Vì Hài Nhi Giêsu chính là ánh sáng rạng ngời, đã chiếu soi trần gian trong đêm u tối, nguồn ánh sáng của tình yêu, chân lý, và sự sống.  Thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Ánh sáng tình yêu

Thiên Chúa là đấng quyền năng vô hạn, con người là phận hèn mọn.  Thiên Chúa là đấng sáng tạo muôn loài, con người là vật thụ tạo nhỏ nhoi.  Trớ trêu thay, loài hay chết lại liều mình xúc phạm đến Đấng cao cả, phận tôi đòi lại cả gan dám ngạo mạn.  Đấng Thánh vô cùng đã vượt lằn ranh vô biên, đích thân xuống với con người, để tha thứ, cứu chuộc và yêu thương họ còn hơn cả trước khi con người phạm tội.  Đứng trước đại hồng ân cao cả ấy, trí khôn con người chỉ còn biết bàng hoàng sửng sốt.  Vâng, chính tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu.  Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).  Hài Nhi Giêsu chính là ánh sáng tình yêu từ trời xuống, đã thắp sáng màn đêm tăm tối của trần gian bằng tình yêu cứu thế.  Đúng như lời ngôn sứ Isaia: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).

Ánh sáng chân lý

Mang thân phận tội lỗi, con người chao đảo trong biển đời u mê lầm lạc, không biết đâu là bến bờ, nói chi đến hiểu biết về Thiên Chúa cao siêu thiện hảo.  Chỉ có Hài Nhi Giêsu, Ánh sáng rạng ngời chân lý, mới có thể chiếu tỏa ánh sáng thần linh của Người vào tâm trí con người để họ nhận biết Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương.  Đó chính là mục đích hàng đầu của Đức Giêsu khi xuống trần gian.  Thánh Gioan quả quyết: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).

Ánh sáng ban nguồn sống

Từ nguyên thủy, Ngôi Lời đã sống trong tương quan độc nhất với con người.  Thật vậy, Người không chỉ là nguồn gốc của muôn loài, mà sự hiện diện của Người giữa chúng sinh còn tạo nên sự hiệp thông trong sự sống thần linh.

Ánh sáng của Hài Nhi Giêsu khi đem xuống trần gian không chỉ xóa tan bóng tối của trí khôn, mà còn chiếu tỏa vào linh hồn con người ánh sáng trọn hảo nhất là chính Thiên Chúa.  Người phán: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12).

Mừng lễ Giáng Sinh chính là cảm tạ Hài Nhi Giêsu đã đem ánh sáng huy hoàng của Người đến trong trần gian, trong tâm hồn chúng ta, và trong lòng mọi người.

Mừng lễ Giáng Sinh chính là bắt chước Gioan, làm chứng cho Ánh Sáng: là chiếc đèn soi đường cho thế gian, là ngọn đuốc chỉ lối cho mọi người đến cùng Thiên Chúa.

Mừng lễ Giáng Sinh chính là thực thi những điều thiện hảo, vì “ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,20).

********************************

Lạy Hài Nhi Giêsu, Ánh sáng rạng ngời.  Xin cho chúng con luôn trở nên ngọn đèn rọi sáng giữa đêm đen.  Xin dậy chúng con biết tích cực lan tỏa ánh sáng đến các tâm hồn, để Ánh sáng rạng ngời của Chúa luôn luôn tỏa sáng.  Amen.

Thiên Phúc (Trích “Như Thầy Đã Yêu”)

 

SỰ KHIÊM NHƯỜNG CỦA THIÊN CHÚA

Vào đêm Chúa giáng sinh tại Belem, những mục đồng thức đêm canh giữ đàn vật được sứ thần đến báo tin.  Họ đã vội vã đến xem, như lời hướng dẫn của sứ thần.  Điều họ thấy, không phải là một vị vua quyền uy sang trọng, chẳng phải là một vị thần hiển linh huy hoàng, mà đơn giản chỉ là một trẻ thơ, bọc trong chiếc tã và nằm trong máng cỏ.  Những người chăn chiên đơn sơ chất phác này đã nhận ra Hài Nhi ấy là Đấng Cứu thế, và đã tôn vinh Thiên Chúa.

Mỗi mùa Giáng sinh, chúng ta lại đến chiêm ngưỡng hang đá máng cỏ, là biểu tượng nhắc nhớ chúng ta về sự kiện lịch sử này.  Cũng như những mục đồng thuở xưa, chúng ta không thấy nơi hang đá một vị vua  quyền uy sang trọng, cũng không thấy một vị thần hiển linh huy hoàng.  Điều chúng ta chiêm ngắm và suy niệm, đó vẫn là một hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ.  Hài Nhi Giêsu ngự nơi đây để dạy chúng ta  bài học về sự khiêm nhường của Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan đã dẫn chúng ta về cội nguồn của Ngôi Lời.  Người là Đấng vô thủy vô chung, là Đấng hiện hữu từ ban đầu, là Nguyên lý sáng tạo muôn loài muôn vật, và là Ánh Sáng chiếu soi trần thế.  Sau khi đã khẳng định những điều đó, tác giả nói với chúng ta: “Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta”.  Vâng, Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ, chính là Con Thiên Chúa nhập thể.  Ngôi Lời đã hóa thành người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.  Thiên Chúa có thể cứu chuộc con người bằng nhiều thể nhiều cách, nhưng Ngài đã chọn con đường nhập thể để chứng tỏ tình thương của Ngài đối với nhân loại.  Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó khi ngỏ lời với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Trong suốt bề dày lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn thể hiện sự khiêm nhường của Ngài.  Khi sáng tạo mọi sự từ hư vô, Thiên Chúa giống như nước thủy triều, tự thu mình lại để nhường chỗ đất khô cho con người có nơi ở.  Khi ký kết giao ước với con người (Abraham, Môisen), Thiên Chúa hạ mình, trở nên đối tác của con người. Qua những giao ước đã ký kết, Thiên Chúa tự ràng buộc mình phải tuân giữ những điều đã hứa.  Ngài luôn trung thành với giao ước, mặc dù có những lúc con người bất trung.

Tác giả thư Do Thái (Bài đọc II) đã khẳng định với chúng ta: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ.  Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”.  Với mầu nhiệm Giáng sinh, mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại đã sang một trang sử mới.  Tác giả gọi đây là “thời sau hết.”   Điều đó có nghĩa, thế gian không còn phải đợi chờ đấng cứu độ nào khác, ngoài Đức Giêsu, Đấng Thiên sai mà Chúa đã hứa từ ngàn xưa.

Sự khiêm nhường của Thiên Chúa còn được thể hiện trong suốt cuộc đời dương thế của Đức Giêsu.  Là Thiên Chúa cao cả, Người đã sống thân phận con người như chúng ta.  Người cũng mệt mỏi khi đi đường xa, buồn giận khi con người cứng lòng, thương xót rơi lệ trước nỗi thống khổ của con người.  Đức Giêsu trở nên giống chúng ta mọi đàng để cảm thông và chia sẻ những trăn trở âu lo trong cuộc sống của chúng ta.  Ngày hôm nay, Người vẫn đang hiện diện trong cuộc đời, để tiếp tục đồng hành, nâng đỡ và an ủi chúng ta trong chốn khách đày này.

Con Thiên Chúa làm người để dạy chúng ta bài học khiêm nhường.  Hài Nhi trong hang đá máng cỏ khẳng định với chúng ta: sống trên đời, trước khi làm ông nọ bà kia, hãy LÀM NGƯỜI.  Quả thật, có người đỗ đạt bằng cấp, học hành uyên thâm, nhiều chức tước bổng lộc và quyền hành, mà không khởi đi từ làm người.  Họ cậy quyền cậy của để sống gian dối, trụy lạc, ích kỷ.  Vì thế, họ giàu có mà không hạnh phúc, tiệc tùng suốt ngày mà không vui, bổng lộc nhiều mà không đủ lấp đầy khát vọng.  Làm người có nhân có nghĩa, biết sống trước sau trên dưới hài hòa, đó là nền tảng quan trọng để có thể tiến thân trong xã hội, nên hoàn thiện trước mặt Chúa và trước mặt tha nhân.

Tác giả Gioan cũng nói với chúng ta: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.  Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.”  Vâng, chúng ta hãy đón nhận Chúa đến trong đời, để Người soi dẫn chúng ta biết học bài học khiêm nhường, sống làm người đúng nghĩa nơi trần thế.  Đón nhận Đức Giêsu và tuân theo giáo huấn của Người, chúng ta không bao giờ phải thất vọng, nhưng sẽ tràn đầy niềm vui thiêng liêng và nghị lực để vượt lên những khó khăn của cuộc đời.

Mừng lễ Giáng sinh, vừa là thiện chí đón Chúa đến trong cuộc đời, vừa là nhiệt thành loan báo tình thương của Chúa cho những người xung quanh.  Chỉ khi nào thực sự đón Chúa đến trong tâm hồn, lời rao giảng của chúng ta mới “có hồn” và mang tính thuyết phục.  Cũng giống như các mục đồng, sau khi chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta hãy tôn vinh Thiên Chúa.  Hãy lên đường để kể lại những gì đã suy tư cảm nghiệm bên hang đá.  Những bước chân loan báo Chúa Giêsu được diễn tả là những bước chân tuyệt đẹp, vì đó là những bước chân của tình Chúa, tình Người (Bài đọc I).

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

NOEL!  NGÀY LỄ HÒA BÌNH

Ở thế chiến thứ hai, trên một mặt trận giữa hai nước Pháp và Đức, quân của hai bên giành nhau từng chiến hào; gây cấn đến độ vô phúc cho người nào sơ ý ló đầu ra khỏi chỗ núp là nát đầu ngay.  Đó là tình hình vào những ngày 21, 22, 23 tháng12, 1943.  Các sĩ quan hữu trách của cả hai bên đều đề phòng cấm ngặt binh sĩ của họ không được lơ là bỏ vị trí chiến đấu kể cả ngày Noel.  Đến chiều 24 tháng 12, vẫn là bầu khí ngột ngạt của tử thần.  Không có hưu chiến.  Đó là lệnh cấp trên truyền xuống.

Đêm về, trong bầu khí yên lặng căng thẳng đó, bỗng một tiếng hát vọng lên từ một thông hào: “Đêm thanh bình, đêm ơn lành!” (Silent Night), rồi nhiều tiếng hát vọng theo, rồi người ta nghe cả hai phía Pháp Đức đều vang dậy tiếng hát Giáng Sinh; không ai bảo ai, bất chấp quân lệnh, binh sĩ của cả hai bên đều bật dậy, bỏ vị trí chạy lại bên nhau, ôm nhau cười nói, chúc lễ Giáng Sinh cho nhau.  Họ trao cho nhau đồ dùng, cùng ăn uống với nhau như thể là những người bạn thân lâu ngày hội ngộ.  Trước cảnh đó, các vị chỉ huy đều đồng ý hưu chiến đến hết ngày hôm sau.

Ngày 25-12 năm 1943 là một ngày đáng ghi nhớ cho những người ở trận tuyến đó.  Hai bên Đức, Pháp cách đó mấy giờ là tử thù của nhau, bây giờ họ cùng chụp hình, trao kỷ niệm, chơi bóng, ăn chung với nhau như những người anh em rất yêu quí.  Noel, ngày lễ Hoà bình.

******************

Giáng Sinh là lễ của Hòa Bình.  Hàng năm, cứ vào lễ Giáng Sinh, dù chiến trận có sôi sục đến đâu, người ta cũng thường dàn xếp để hai bên có được thời gian mừng lễ.  Đó gọi là ngày hưu chiến.  Sở dĩ có hưu chiến trong ngày lễ Giáng Sinh vì Ngôi Hai đã xuống thế làm người để giao hòa giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và loài người.  Giao ước cứu chuộc sẽ được ký kết bằng máu của Ngôi Hai là Thiên Chúa và cũng là người thật.  Đó là niềm vui vô cùng lớn lao của cả loài người được ơn cứu độ.  Từ nay, tội tổ tông đã được tẩy xoá nhờ máu thánh của Con Thiên Chúa.  Con người không còn vương vấn tội nhơ thì an bình sẽ ngự trị trong tâm hồn: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

******************

Lạy Chúa, tâm hồn bình an thì không còn hận thù, đố kỵ, ganh ghét, nhưng luôn tin yêu, hy vọng, vui sống. Xin ban cho con sự bình an của Chúa để con luôn là sứ giả của an bình.  Chúa đã hứa: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.”  Xin cho cầu nguyện cảm nếm được sự ngọt ngào của an bình trong tâm hồn và như thế là đủ cho con rồi.  Vì có Chúa là đời con bình an.  Amen!

Thiên Phúc

 

ĐÊM NOEL ĐẸP NHẤT TRONG ĐỜI

Cậu bé Antonie giật mình thức giấc.  Đêm nay là đêm Noel, bố mẹ đã đi dự lễ nửa đêm.  Cậu vừa qua một cơn bệnh ngặt nghèo, còn yếu nên phải ở nhà một mình.  Như lời kể của mẹ, cậu tin rằng lát nữa đây, khi bố mẹ trở về, các đôi giầy của cả nhà để trước lò sưởi sẽ đầy ắp quà của Chúa Giêsu Hài Đồng…..

Đang miên man suy nghĩ, Antonie chợt nghe có tiếng động rất khẽ, cậu tự nhủ: “Ồ đúng là bé Giêsu đang tới nhà mình rồi đó, ta phải bất ngờ hù cho Chúa giật mình mới được!”  Cậu rón rén ra khỏi giường, xuống thang gác, nhè nhẹ bước về gian bếp, nơi vừa phát ra tiếng động.  Cửa bếp chỉ hé mở, lọt ra ngoài một tia sáng yếu ớt.  Cậu bé dừng lại, hồi hộp suy nghĩ: “Chà, chắc bé Giêsu không tìm ra cái nút mở điện nên đành dùng nến đây”.

Và, cậu đã bất ngờ kéo mạnh tay nắm cửa, chút ánh sáng leo lét liền tắt ngúm và có tiếng lịch kịch đụng chạm vội vàng.  Antonie lại nghĩ: “Chắc Chúa Giêsu bị giật mình rồi đây, ta phải mau trấn an Chúa kẻo tội nghiệp!”  Cậu vội bấm nút mở đèn, ánh sáng như chói lòa gian bếp.  Ô kìa, chỉ có một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc khá nghèo nàn, đang lúng túng trước lò sưởi, một tay cầm một hộp kẹo chocolate khá to, một tay cầm lấy miệng một cái bao tải căng phồng, phía dưới là đôi giầy của Antonie.  Cậu bé nheo mắt nhìn người khách lạ: “Ủa, cháu cứ ngỡ là bé Giêsu cơ…”

Tên trộm hoàn toàn bị bất ngờ, giờ đây lại càng ngẩn ngơ trước vẻ hồn nhiên của em bé chủ nhà.  Đây là lần đầu tiên trong đời, một em nhỏ đã nói chuyện với hắn mà không có một chút gì là sợ hãi kinh khiếp.  Antonie lại chợt toét miệng cười reo lên: “A, cháu biết rồi, bác chính là thánh Giuse.  Chắc bé Giêsu lại cũng bị bịnh như cháu nên bác mới phải đi tặng quà thay, phải không bác?  Tội nghiệp bé Giêsu, mà cũng tội nghiệp cho bác phải vất vả nữa….  Ấy, cháu phải xin lỗi bác mới đúng, bác đang làm việc mà cháu lại đi tò mò xuống đây….  Nhưng mà, ô kìa, hộp kẹo đẹp quá, chắc bác vừa mới lấy ra và định đặt lên đôi giầy cháu phải không ạ?  Ôi, thích quá!”

Tên trộm càng lúc càng ngỡ ngàng, không kịp phản ứng gì sau một loạt câu nói huyên thuyên dễ thương của chú bé ngây thơ.  Antonie lại tíu tít hỏi: “Bác Giuse ơi, thế Chúa Giêsu Hài Đồng gởi cái gì cho bố mẹ cháu vậy?”  Người đàn ông mỉm cười tự diễu thầm trong bụng: “Ái chà, cái thằng ăn trộm chuyên nghiệp như mình mà lại là ông thánh Giuse cơ đấy!  Không thể tưởng tượng nổi!  Đành vậy, không thì lộ tẩy mất….”

Thế là ông ta có vẻ thích thú với vai kịch bất ngờ hi hữu này, bèn giả vờ tự nhiên đặt hộp kẹo lên trên đôi giầy của cậu bé, rồi cho tay vào lục trong chiếc bao tải chứa những món đồ mới vơ vét được, rút ra một chiếc ống điếu mới toanh và một chiếc khăn quàng bằng len thật đẹp.  Bé Antonie thấy thế thì reo lên: “A, cái này của bố, còn cái này thì dành cho mẹ!  Bác ơi, bác tốt bụng quá đi mất, mà sao bác lại biết đúng ý muốn của mọi người thế?  Mẹ cháu có kể với cháu là bố cháu rất mong có được cái ống điếu mới từ hôm lỡ tay làm rơi vỡ mất, mẹ cháu định mua tặng nhưng lại bảo chưa tiện dịp đi phố. Còn bố cháu thì đã định tặng mẹ cháu cái khăn từ khi trời mới chuyển lạnh nhưng lại chưa kịp lãnh lương.  Cháu biết rõ lắm, bởi vì chuyện gì bố mẹ cháu cũng đều tâm sự riêng với cháu cả.  Còn bác, làm sao mà bác lại có thể đoán trúng tất cả như vậy nhỉ?”

Tên trộm nghe đến đây thì dường như hơi chần chừ một chút, rồi liền quyết định rút ra khỏi bao tải thêm một gói xúc xích thật ngon.  Antonie há hốc miệng, em không thể nào tin rằng gia đình không mấy khá giả của em lại có thể hưởng được một niềm vui lớn như thế trong đêm Giáng Sinh năm nay.  Bé chạy ào đến, ôm chầm đôi tay gân guốc xạm đen của tên ăn trộm mà em vẫn ngỡ là bác Giuse hiền hậu.  Một cảm giác thật kỳ diệu!  Đôi lòng bàn tay nhỏ bé ấm áp làm cho ông ta chợt nhớ lại những chiếc còng bằng thép lạnh ngắt của cảnh sát đã từng hơn một lần xiết vào cổ tay ông.

Nhưng rồi, gương mặt ông ta chợt đanh lại khi quay về với thực tại: “Phải chuồn ngay thôi, bố mẹ thằng bé sắp về rồi!”  Thế là ông vùng mạnh khỏi đôi tay chú bé, vội vàng định bỏ đi.  Antonie ngẩn ngơ một thoáng, rôi chạy vội theo, níu lấy chiếc áo khoác cũ mèm của ông ta: “Bác ơi, cháu chưa kịp cám ơn bác cơ mà.  Cháu biết bác phải vội đi trao quà cho nhiều nhà khác nữa, nhưng bác nán lại một tí đã nào.  Thứ nhất, bác cho cháu gởi lời cám ơn Bé Giêsu, Chúa Hài Đồng của cháu nhé.  Thứ hai, lễ Noel sang năm, bác lại nhớ ghé thăm nhà cháu nữa này!  Và cuối cùng là, cháu…. cháu không để cho bác đi ngay bây giờ nếu như bác không chịu cho cháu hôn bác một cái.”

Tên trộm lại một lần nữa xúc động đến rưng rưng.  Ông ta rụt rè cúi xuống bồng em bé lên và đưa một bên má gầy còm hốc hác của mình cho bé.  Nụ hôn thơ ngây làm cho những giọt lệ chợt trào ra, lăn dài trên khuôn mặt hằn sâu những tủi nhục và đen tối.  Thật êm dịu, thật hạnh phúc xiết bao khi còn có được một chút thương yêu tin cậy trong cuộc đời.  Ông ta chỉ muốn khoảnh khắc này cứ kéo dài mãi mãi.

Bé Antonie chợt bật cười phá vỡ giây phút đang lắng đọng: “A, cháu bắt đền bác Giuse đấy, bác chả chịu cạo râu, râu bác cứng ơi là cứng, nó đâm cả vào mặt cháu đây này!”  Người đàn ông lúng túng vội dỗ dành em bé: “Bác xin lỗi cháu vậy.  Thôi khuya lắm rồi, chắc bố mẹ cháu cũng sắp về, bác phải đi ngay thôi cháu ạ!”

Ngoảnh nhìn lần cuối chiếc lò sưởi lại đầy ắp quà Noel như lúc mới tới, kẻ khốn khó vắt chiếc bao tải rỗng không lên một bên vai gầy còm, mỉm cười với chú bé hạnh phúc, rồi nhanh tay mở cửa sau, mất dạng vào trong đêm tối lạnh giá.

Xa xa, nơi ngôi nhà thờ nhỏ bé rực sáng, chuông đã reo vui báo hiệu Thánh Lễ Nửa Đêm Vọng Giáng Sinh vừa tan.  Chắc hẳn đêm Noel năm nay, có ít nhất một người sẽ phải nhịn đói, nhưng ông ta lại đã có được điều qúy giá vô ngần, đó là một niềm tin thơ ngây của trẻ nhỏ có sức cải hóa cả một cuộc đời tội lỗi vô vọng…

Sưu tầm

*************************

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin dạy con biết rằng một niềm tin sắt son vào Thiên Chúa nhân lành, một niềm tin vô điều kiện không thành kiến vào tha nhân có thể cảm hóa những tâm hồn chai sạn.  Xin sử dụng con như một khí cụ bình an để chạm đến những tâm hồn bất hạnh trong mùa Giáng Sinh giá buốt này.  Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, ước chi tâm hồn con được trở nên như một em bé ngây thơ, hiền lành, phó thác, tin người, tin đời…. và tin vào Thiên Chúa. Amen.

 

MÙA VỌNG: MÙA TRONG VEO (có Youtube)

Trên chuyến xe xuôi miền lục tỉnh, người ta chuyển đến tôi một cuốn truyện cũ đã mất bìa để đọc cho quên đường dài.  Truyện kể lại mối tình giữa một chàng trai là con sĩ quan học tập và một cô gái là con cán bộ chức quyền.  Họ thương nhau và muốn kết hôn với nhau, nhưng khi công khai ý định ấy, họ đã gặp phải những lực cản từ hai phía gia đình.  Đã có nhiều nghi ngờ từ phía cha chàng trai và cũng có lắm nghi ngại từ phía cha cô gái.  Giải pháp phải chọn là chia xa đôi lứa.

Đành lòng làm thế, nhưng họ vẫn âm thầm chờ đợi nhau, cho đến khi cha chàng trai mãn hạn học tập về nhà và cha cô gái đã đến tuổi về hưu.  Hai người cha có dịp gần gũi cảm thông làm chất keo thân ái cho tình yêu đôi trẻ có điều kiện gắn hàn.  Kết truyện là đám cưới.

Truyện có hậu và có nét hấp dẫn riêng của thể loại, nhưng điều hấp dẫn hơn hết đối với tôi không phải là cốt truyện cho bằng chính tựa đề “Tình yêu trong veo”: trong veo giữa hai người cha biết xoá tan ngờ vực để thêm gần gũi; trong veo giữa hai bạn trẻ biết vượt qua thử thách để giữ vững tình yêu.  Xin mượn tựa đề “Tình yêu trong veo” ấy để gọi tên Mùa Vọng là mùa trong veo một tình yêu.

1) Bằng tình yêu trong veo, Thiên Chúa trao thân cho con người. 

Trong khi người Do Thái còn đang mải miết với một vì Chúa ở trên cao và dường như say sưa về một Đấng ở xa con người, đến nỗi trong quan hệ nguyện cầu, thay vì xin những biểu tỏ gần gũi để dễ dàng nắm bắt, họ lại chỉ dám xin một dấu lạ điềm thiêng mãi tận trời cao vượt quá tầm nhìn; và trong niềm mong chờ Đấng Cứu Thế, vốn là mạch sống hy vọng cho cả dân tộc, họ những tưởng nghĩ rằng Người sẽ đến, nhưng là đến trong cung cách của một vị Chúa oai phong lẫm liệt, cho muôn dân nếu không phải cúi đầu sợ hãi thì cũng phải bái phục tôn thờ.  Có ngờ đâu, khi Chúa đến, Người lại chọn cho mình một cách đến rất khác lạ.

Người đến thật gần: trong thân phận của một con người để làm người giữa muôn người trần thế.  Người đến thật thấp: thấp đến nỗi chọn cho mình cách sống của một người cùng khổ dưới đáy xã hội. Người yêu thương con người để sẵn sàng trao thân cho họ, chấp nhận phải điều đình, chấp nhận được cưu mang, chấp nhận được sinh hạ, chấp nhận được làm người: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Phải chăng khi trao thân cho con người như thế, Thiên Chúa sẽ được thêm vinh quang?  Phải chăng nếu không trao thân cho nhân loại, Thiên Chúa vẫn là Chúa, nhưng là một vị Chúa không được ai biết đến hay là một vị Chúa bị kết án phải cô đơn?  Thưa không phải thế.  Chính khi trao thân cho con người trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa không còn úp mở như trong thời Cựu Ước nữa, Người đã dứt khoát cho thấy mình là Đấng giải cứu con người và sẵn sàng làm hết cách để thực hiện bằng được chương trình của Người mà không đợi chờ mảy may vinh quang nào ngoài lợi ích cứu độ cho người trần gian.  Để độ thế, Thiên Chúa đã nhập thể; để cứu người, Thiên Chúa đã làm người.

Chính hai Danh xưng được nêu lên trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã nói lên tất cả.  Danh xưng Emmanuel khẳng định “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Danh xưng Giêsu bộc lộ “Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Mt 1,23-25).  Nối kết hai Danh xưng ấy nơi Đấng Cứu Thế, ta sẽ thấy một tình yêu trong veo Thiên Chúa dành cho con người: Người là Thiên Chúa ở cùng ta để cho ta ơn cứu rỗi, và Người là Thiên Chúa cứu độ ta bằng cách ở cùng ta.

2) Bằng tình yêu trong veo, con người gửi phận cho Thiên Chúa.

Nếu bằng tình yêu trong veo cứu độ, Thiên Chúa trao thân cho con người, thì Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng cho thấy những nhân vật gần gũi với mầu nhiệm Giáng Sinh nhất là Đức Maria và thánh Giuse đã bằng tình yêu trong veo tự nhiên gửi phận mình cho Thiên Chúa.

Đối với Đức Maria, tình yêu trong veo đã rõ qua tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà Phụng Vụ hữu ý mừng kính ở đầu Mùa Vọng.  Tình yêu ấy đã rõ trong việc Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, nhưng tình yêu ấy còn rõ ràng hơn khi tiếp cận với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.  Ngày Truyền Tin, mới gặp sứ thần, Đức Maria đã bối rối, thứ bối rối của một tình yêu trong sạch buổi đầu gặp gỡ.  Rồi, lúc được đề xuất làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã băn khoăn, thứ băn khoăn của một tình yêu trong sáng muốn được giải thích đôi câu.  Và chính lúc thưa “Xin vâng” (Lc 1,38) là cả một tình yêu trong veo như chưa bao giờ trong đến thế, Đức Maria đã gửi trọn phận mình vào tay Thiên Chúa, bất chấp đó là một mạo hiểm chết người: trinh nữ mà lại mang thai, phải ăn nói ra sao với thánh Giuse? Mới đính hôn thôi mà sắp thành mẹ, phải dàn xếp thế nào cho hợp luật pháp?

Còn thánh Giuse, con người lặng thầm nhất của Mùa Vọng, đã được đặt vào một tình huống khó xử đến độ ray rứt, nhất là trong những ngày trước lúc Đấng Cứu Thế giáng sinh như Phúc Âm hôm nay mô tả.  Nhưng chính ở đây ông đã chứng minh bằng những nét đẹp kín đáo hào hùng về một tình yêu trong veo từ lâu đã dệt nên đời sống qua những lựa chọn xé lòng.  Là người công chính, dù ghi nhận ít nhiều dấu hiệu chuyển biến nơi Đức Maria, ông cũng chẳng dám nghi ngờ mà chỉ một thoáng băn khoăn, để rồi định chọn cho mình giải pháp âm thầm rút lui.  “Đào vi thượng sách” là giải pháp an toàn nhất.  Nhưng chính lúc ấy, được tỏ nguồn cơn, ông đã tiếp nhận ý Chúa và tiếp đón Đức Maria về nhà mình bằng một tình yêu trong veo, mà người trần mắt thịt dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24).

Nhìn như thế, tình yêu trong veo đã liên kết Đức Maria và thánh Giuse, để mái nhà chung sống không chỉ là nơi che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà đã trở thành một mái ấm của những tấm lòng biết mở ra cưu mang Con Thiên Chúa và sẵn sàng để sinh Người ra cho dương thế, cho dẫu tình yêu trong veo ấy trên đường cứu độ như một bản trường ca sẽ không thiếu những quãng nghịch, mà việc khó xử hôm nay trong Phúc Âm mới chỉ là những nốt nhạc mở đầu.

3) Cũng bằng tình yêu trong veo, ta đón mừng lễ Giáng Sinh.

Hiểu như trên, Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng rõ ràng là một tình yêu hai chiều trao gửi: Thiên Chúa trao thân cho con người để con người biết gửi phận mình cho Thiên Chúa.  Đồng thời cũng là Chúa Nhật trong veo của những tấm lòng biết gửi trao tấm lòng trong ơn cứu độ.

Trên nền tảng ấy, tình yêu trong veo đã trở nên tinh thần phải có để đón Chúa Giáng Sinh.  Trong những ngày này, đi ra phố xá, đã nghe vang lên những bài ca Giáng Sinh quen thuộc; ngang qua nhà thờ, đã thấy trưng bày những bộ Noel với hang đá, cây thông, đèn sao đẹp mắt; và đi tới chỗ nào cũng thấy thấp thoáng Giáng Sinh với muôn màu lấp lánh.  Nhưng có một màu được xem là không thể quên hay không bao giờ quên đối với mọi tín hữu mừng lễ Giáng Sinh, màu đó không ở trên áo quần giầy dép, môi mép tóc tai, hoa cài áo khoác, mà là ở trong tấm lòng kìa!  Đó là màu trong veo của những tâm hồn trinh trong biết cưu mang ý Chúa và biết sinh hoa kết trái trong cuộc sống công minh chính trực của mình.

Nếu ngày xưa trong khúc hát quan họ Sion, câu xướng “Ai được lên Núi Chúa?” đã nhận được lời đáp “Chỉ những người thật thà ngay chính tay sạch lòng thanh mới được bước tới Thánh Cung” (Tv 23,3-4), thì hôm nay cũng thế, trong bài ca cuộc sống ai cũng nôn nao xôn xao ồn ào huyên náo tiếp cận lễ Giáng Sinh cả, kẻ tiếp thị, người tiếp tân; nhưng chỉ có những tấm lòng trinh trong mới xứng đáng trở nên Hang đá tiếp đón Chúa sinh vào.  Chúa chỉ một lần đến sinh ra trên trần thế là đủ để cứu chuộc muôn người, nhưng giả như Người có đến sinh ra nhiều lần hơn nữa cũng vẫn thiếu, nếu lòng người chưa sẵn sàng một tình yêu trong veo mở ra đón nhận.  Liệu ta hôm nay đã sẵn có một tâm hồn như thế trước lễ Giáng Sinh?

Hơn nữa, tình yêu trong veo cũng là tiếng nói cuối cùng của Mùa Vọng thúc đẩy ta đến với những người xung quanh.  Không thể có Mùa Vọng đầy đủ nếu bỏ quên chiều kích tha nhân trong tình yêu của mình, và cũng chẳng tiếp đón Chúa cho đủ nếu từ chối tiếp nhận anh chị em gần gũi với mình trong những sinh hoạt hằng ngày.

Trong Phúc Âm, Giuse biết tiếp nhận ý Chúa “qua giấc mơ”, để rồi sau đó “tỉnh dậy” ông mau mắn đón Đức Maria nên bạn đường bạn đời của mình, cho dẫu hậu thế có kẻ điều ong tiếng ve xem ông như kẻ “vô tư”.  Nhưng đó lại là bước đột phá của một tình yêu trong veo biết nhận ra rằng: Thiên Chúa đã ân cần trao thân cho mình qua mầu nhiệm Nhập Thể, thì mình cũng tín thác gửi phận mình trong mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa.  Đó là hai chiều gặp gỡ của tình yêu Giáng Sinh.

Tóm lại, tình yêu trong veo là động lực khiến Chúa đến với con người và là nguồn lực thúc đẩy con người tiếp đón Chúa, để trong cuộc sống cụ thể trở thành nỗ lực của mọi tín hữu đón lễ Giáng Sinh. Trong khi còn chuẩn bị và chưa thực sự được tiếp đón Chúa, hãy bắt đầu bằng cách thực tập tiếp đón những hình ảnh sống động của Chúa là những người ta gặp hoặc những người gặp ta bằng một tình yêu trong veo luôn thăng tiến.  “Nếu không gặp Ngài trong nghèo khổ, sẽ chẳng gặp Ngài giữa cao sang. Nếu không gặp Ngài ở dưới đất, sẽ chẳng gặp Ngài chốn Thiên Đàng” (thơ Xuân Ly Băng).

Đến đây, xin được khép lại những chia sẻ Mùa Vọng năm nay.  Xin cám ơn Mùa Vọng đã đem đến những ý nghĩ đẹp màu.  Xin cám ơn cộng đoàn đã vui lòng lắng nghe.  Hy vọng những tâm tình chia sẻ cũng cung cấp chút ý tưởng giúp mỗi người hình thành được Máng Cỏ tâm hồn.  Và cám ơn đứa cháu nhỏ đã tình cờ viết lộn chữ Mùa Vọng thành chữ “Màu Vọng” để có được bốn sắc màu chia sẻ nơi đây. Qua xanh đến tím gặp hồng, dìu ta đón Chúa với lòng trong veo.

ĐGM Vũ Duy Thống

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

GIAI THOẠI VỀ CÔ BÉ BÁN DIÊM

Truyện Cô Bé Bán Diêm của văn hào người Đan Mạch – Andersen được rất nhiều người biết đến.  Song ít người biết rằng cô bé ấy thật sự đã có mặt trên đời này và đã từng đi qua cuộc đời Andersen.

Vào một buổi tối mùa thu, tại một khu phố thuộc thành phố Copenhagne – Danmark

– Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm!

Một tiếng nói khàn khàn, mệt mỏi chợt vọng đến tai Andersen.  Đằng kia, trước mặt chàng hơn mươi bước là một người đang ngồi co ro trên thềm của một ngôi nhà cao ráo.

Ánh sáng đèn từ trong nhà chiếu ra cho chàng thấy đó chỉ là một đứa bé con.

Hẳn nó đã phát ra những lời vừa rồi.

– Tối lắm rồi sao cháu còn chưa về nhà ngủ?

Andersen bước đến, ái ngại.  Đấy là một cô bé khoảng hơn 10 tuổi, run rẩy trong bộ quần áo vá víu bẩn thỉu.

Vai áo rách để lộ đôi vai gày còm.  Nhìn gương mặt hốc hác của nó, có thể đoán nó đang chịu cảnh thiếu ăn, thiếu uống từ lâu.

– Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm!

– Tay cầm bao diêm, cô bé chỉ vào chiếc túi con căng phồng bên cạnh, khẩn nài – Cả ngày cháu chẳng bán được gì, cũng chẳng ai bố thí cho cháu đồng nào.

Cô bé rơm rớm nước mắt.  Thân hình tiều tụy ốm yếu của em run lên khi gió lạnh thổi qua.

– Thế sao?  Andersen động lòng.

Chàng khẽ vuốt mái tóc dài xoăn thành từng búp trên lưng cô bé.

– Gia đình cháu đâu cả rồi?  Không ai lo cho cháu sao?

Cô bé buồn bã lắc đầu.  Em bùi ngùi kể lại những năm xưa khi còn sống trong ngôi nhà xinh đẹp với những dây trường xuân leo quanh.

Từ khi bà em qua đời, gia sản lụn bại, gia đình em phải lìa bỏ mái nhà thân yêu đó để chui rúc trong một xó xỉnh lụp xụp, tối tăm.

– Không có tiền cháu đâu dám về nhà vì bố sẽ đánh chết thôi!

Cô bé nhìn Andersen, đôi mắt cầu khẩn.

Thực vậy, em có một người cha ác nghiệt.  Hơn nữa về nhà cũng chẳng hơn gì.

Hai cha con chen với nhau trên một gác xếp tồi tàn, gió rét vẫn lùa vào được dù đã bít kín những lỗ thủng trên vách.

Lúc này, đôi chân cô bé đã lạnh cóng, em mang đôi giầy vải mòn cũ do mẹ em để lại.

– Cháu đừng lo!

Andersen cho tay vào túi lấy ra một số tiền đặt vào bàn tay bé bỏng của em

– Còn bấy nhiêu chú cho cháu cả.  Cháu về nhà mau kẻo chết cóng mất.  Ôi, lạy Chúa!

Vẻ đầy mừng rỡ, cô bé hôn tíu tít lên tay chàng – Từ ngày bà cháu mất đi, chú là người thương cháu nhất trên đời này.  Với món tiền này, bố con cháu sẽ được nhiều bữa no.

Nhưng… cô bé bỗng đăm chiêu… Nếu chú cho cháu hết thì tiền đâu chú sống, hở chú?

– Sao cháu khéo lo thế?

Chàng mỉm cười, nụ cười đầy hiền dịu – Chú sẽ còn cho cháu nhiều thứ nữa.  Chú sắp đi xa, đầu năm tới mới trở lại nơi này, khi ấy chú sẽ tặng cháu một món quà đặc biệt.

Ồ, thích quá!  Còn cháu, cháu cũng sẽ tặng chú một món quà.  Mà chú tên gì nhỉ ?

– Chú là Andersen

– Chàng âu yếm nắm đôi vai gầy của cô bé – Có bao giờ cháu nghe đến tên ấy chưa?

– Tên chú nghe quen lắm – Cô bé nhìn đăm đăm gương mặt trầm tư có chiếc mũi khoằm của chàng

– Chú có phải là thợ mộc không?

– Không phải!  Andersen mỉm cười lắc đầu.

– Thợ may?

– Cũng không.

– Hay chú là bác sĩ?

– Ồ, không phải đâu.  Thế này này…

Chàng đưa ngón tay trỏ viết viêt vào không khí, vẻ hơi đùa cợt.

A!  Cô bé reo lên.

– Cháu hiểu rồi, chú làm nghề bán bút!

Andersen chỉ tủm tỉm cười.  Chàng thấy yêu cô bé quá.  Em khiến chàng, một nhà văn thề suốt đời gắn bó với tuổi thơ, nhớ đến thời thơ ấu của mình và thành phố Odense cổ kính, nơi tuổi thơ của chàng êm ả trôi qua.

Là con một trong gia đình nên dù cha chỉ là một bác thợ giày nghèo, cậu bé Andersen hầu như chẳng phải mó tay đến bất cứ một việc gì ngoài mỗi việc là mơ mộng liên miên.

Cậu bé lắm khi chỉ thích bầu bạn với chiếc cối xay già nua đứng run rẩy trên bờ sông hiền lành của thành phố quê hương. …

Sau đó Andersen đi du lịch đâu đó… và chàng đã quên luôn lời hứa với cô bé bán diêm.

Khi về thăm lại khu phố năm nào, chàng tự trách mình đã quá mải mê với chuyến viễn du đến nỗi quên khuấy đi lời hứa với cô bé bất hạnh mà giờ này hẳn đang lang thang đâu đó với chiếc túi đựng đầy diêm.

Phải mua ngay cho em một chiếc áo len, một chiếc áo lông cừu dày và thật ấm để em qua được cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông…

Và Andersen sau những lần dò hỏi tin tức của em bé bán diêm, được ông chủ hiệu quần áo cho biết:

– Con bé chết rồi còn đâu.  Ngày đầu năm mới người ta nhìn thấy em bé chết cóng tự lúc nào ở một góc đường giữa hai ngôi nhà.

Cái chết cứng đờ của nó ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn.

Có lẽ nó muốn sưởi cho ấm.  Có điều lạ là hai má nó vẫn hồng và miệng nó như đang mỉm cười.

– À này, ông ta tiếp tục trước khuôn mặt chết lặng của Andersen, khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi nó rơi ra vật gì giống như một chiếc quản bút làm bằng những bao diêm.

Hẳn nó để dành tặng ai, vì trên chiếc quản bút có ghi dòng chữ: tặng chú Andersen.

Andersen quên khuấy món quà ông định tặng cho cô bé bán diêm.  Nhưng cô bé, cô bé vẫn nhớ tới lời hứa của mình với vị khách tốt bụng của buổi tối mùa thu.

Hơn nửa thế kỷ qua, hàng triệu con người trên trái đất đã nghe tim mình thổn thức mỗi khi đọc câu chuyện về cô bé đáng thương của văn hào Đan Mạch.

Phải chăng Andersen đã viết câu chuyện ấy như một món quà để tặng hương hồn cô bé bán diêm?

Hans Andersen

BẠN BIẾT GÌ VỀ CHÚA GIÁNG SINH?

  1. Không có phòng trọ? Đức Thánh Giuse và Đức Mẹ bị chủ nhà trọ nhẫn tâm từ chối vì thấy Đức Mẹ Maria sắp lâm bồn, thế nên Thánh Gia phải lặn lội ra chốn đồng hoang? Câu “hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:7) thường được hiểu theo nghĩa là Đức Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria không thể tìm được khách sạn hoặc nhà nghỉ trong thành phố. Nhưng điều này rất khả nghi. Belem là một ngôi làng nhỏ không có những con đường lớn.  Do đó nhà nghỉ của du khách chắc là không có.
  1. Sinh nơi máng cỏ? Frank Viola và Leonard Sweet, đồng tác giả cuốn “Jesus: A Theography” (Chúa Giêsu: Sự Tôn Thờ Thần Thánh), cho biết: “Thánh Luca không dùng từ phổ thông dành cho lữ quán hoặc khách sạn nhỏ [hotel inn, pandeion] mà dùng bất cứ nơi nào. Thay vì vậy, ngài dùng từ có nghĩa là nhà khách [guest room, kataluma].  Ngài cũng dùng từ đó để diễn tả nơi Chúa Giêsu ăn Bữa Tiệc Ly. Rất có thể vì Belem là quê hương của Đức Thánh Giuse và có thân nhân ở đó.  Vì cuộc điều tra dân số xảy ra vào thời gian đó, không thân nhân nào của ngài có phòng cho khách.  Phòng khách chủ yếu ở trước nhà và chuồng súc vật ở sau nhà hoặc ở dưới nhà (như hang động).”
  1. Súc vật ở dưới thấp? Frank Viola và Leonard Sweet cho biết: “Trong gia đình, vào ban đêm, súc vật được nuôi và bảo vệ khỏi lạnh, kẻ trộm và thú dữ. Do đó, có thể Đức Thánh Giuse và Đức Mẹ ở khu dưới nhà hoặc sau nhà – nơi súc vật ở.  Rất có thể súc vật được di dời khi Thánh Gia ở đó. Kinh Thánh không nói tới súc vật khi Chúa giáng sinh.  Thánh Phanxicô được coi là người đầu tiên làm cảnh hang đá có những con vật.”
  1. Ba vua? Chúng ta nghe nói tới Ba Vua – với tên của họ là Melchoir, Balthazar và Gaspar. Trong bộ sách bán chạy là “Jesus Manifesto, From Eternity to Here, Revise Us Again, and Reimagining Church” (Tuyên ngôn của Chúa Giêsu, từ Muôn thuở tới Ngày nay, Xem xét lại và Tái mô tả Giáo hội), Frank Viola viết: “Không có vua nào trong câu chuyện Chúa giáng sinh”. Từ ngữ “magi” (đạo sĩ, pháp sư) KHÔNG xuất hiện trong Kinh Thánh, và cũng KHÔNG là tên gọi của các vị khách.  Hơn nữa, chúng ta không biết chắc có bao nhiêu người – chỉ là họ đem theo ba thứ: vàng, hương trầm (nhũ hương) và mộc dược.  Họ không là những ông vua như người ta tưởng.  Họ là các tư tế Đông phương chuyên về nghệ thuật bí truyền (esoteric arts), giải mộng, chiêm tinh, nhìn súc vật mà đoán tương lai, v.v…  Họ là các nhà tư vấn hoặc cố vấn cho hoàng gia.  Có thể do nghiên cứu Chúa Giêsu mà họ tới Giêrusalem.  Họ cần sự mặc khải đưa họ tới Belem.  Các “đạo sĩ” tới triều kiến Tân Vương Nhi có thể thấy ngạc nhiên khi họ phát hiện Ngài sinh ra ở nơi nhốt súc vật.  Chúng ta cũng không chắc có bao nhiêu “đạo sĩ” tới Belem để thờ lạy Chúa Giêsu, chỉ nói ở “số nhiều” (các, những, họ).  Bản văn chỉ nói rằng họ đem theo ba lễ vật.  Ngoài ra, Thánh sử Matthêu cho chúng ta biết rằng họ chỉ đến sau khi Chúa Giêsu giáng sinh.  Có thể họ đến và ở lại vì vua Hêrôđê “quan ngại” về các trẻ nam từ sơ sinh tới hai tuổi, nên ông ra lệnh giết hết.
  1. Kẻ giết các hài nhi? Frank Viola nói rằng khi vua Hêrôđê ra ác lệnh, hằng ngàn người mẹ Do Thái đã than khóc vì bị mất con. Nhưng cũng chưa chắc.  Vì Belem rất nhỏ bé, số trẻ em tới hai tuổi rất ít – có thể chỉ khoảng 10 trẻ.  Sau cuộc tổng điều tra, có thể Thánh Gia rời chỗ súc vật và ở trong phòng dành cho khách cùng với các thân nhân khi các “đạo sĩ” tới.  Thánh sử Matthêu cho biết: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.  Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2:11).
  1. Thiên thần đồng ca? Trình thuật Lc 2:13-14 cho biết: “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” Bản văn không nói các thiên thần hát vang.  Không chắc họ có hát như vậy hay không.  Thánh Luca nói rằng “thiên sứ hiện ra với các mục đồng.”  Có thể các thiên thần hiện ra trên cánh đồng với các mục đồng, rồi “bất ngờ thiên binh xuất hiện hợp với các thiên thần ca tụng Thiên Chúa…”  Có thể cả cánh đồng đầy các thiên thần vây quanh các mục đồng và hợp lời ca tụng Thiên Chúa.  Một cảnh thật ngoạn mục!

Rob Kerby
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

MÙA VỌNG: MÙA MÀU HỒNG (có Youtube)

Nếu khởi đầu Mùa Vọng là một màu xanh của những tâm hồn biết rằng Thiên Chúa hằng hy vọng vào mình và hành trình Mùa Vọng là một màu tím của những cuộc đời sám hối, thì ở giữa lòng Mùa Vọng, đời người đã được đặt vào một vận hành mới với một năng lực mới cho một cuộc đời mới.  Những cái mới ấy Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay diễn tả bằng một niềm vui và lễ phục minh họa bằng một tông màu bất ngờ tươi sáng để cùng với Giáo Hội, Chúa Nhật hôm nay xin được gọi tên Mùa Vọng là mùa màu hồng.

Vâng!  Màu hồng.  Nhưng không phải là một thứ ửng hồng e lệ của tình yêu buổi đầu gặp gỡ, cũng không phải là thứ bột hồng điểm trang của hương phấn trong ngày lễ hội, mà chính là màu hồng của niềm vui chan hòa và những chí bền chiến đấu đã làm nên sức sống và sức mạnh không ngừng gieo hưng phấn trên hành trình đức tin.

Qua cách gọi tên Mùa Vọng là mùa màu hồng, xin được gợi ý về hiệu quả của niềm hy vọng.

1) Niềm hy vọng đem lại cho đời tín hữu một niềm vui chan hòa.

Không phải vô cớ mà thánh Phaolô năm xưa đã kêu gọi các tín hữu của mình “Hãy vui lên!” cũng chẳng phải tình cờ khi Phụng Vụ gọi Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng là Chúa Nhật của niềm vui, mà tất cả đã là một hữu ý dàn dựng để làm nổi bật lên nỗi vui mừng và niềm hy vọng không phải như hai nỗi niềm đặt cận kề nhau, mà như hai yếu tố tương tại vào nhau của cùng một nỗi niềm duy nhất kết nên đời sống Kitô hữu.  Có hy vọng là có niềm vui.

Bởi có hy vọng nên đời tín hữu cũng có một vũ trụ quan tươi vui: Họ không chấp nhận cuộc đời theo kiểu “cũng liều nhắm mắt đưa chân” trôi nổi vật vờ theo dòng nước cuốn, mà là đón nhận cuộc đời bằng một phong thái thanh thản vui tươi.  Họ không chấp nhận nhìn môi trường mình đang sống như những sự kiện bên lề mà biết nhận ra đó chính là nơi mình được kêu gọi đến để thể hiện ơn gọi làm người và làm con Chúa.  Cho dẫu cuộc đời có thế nào cũng vẫn có đó niềm hy vọng vươn cao.  “Trong khi chưa có được điều mình thích, hãy bắt đầu bằng cách thích những điều mình đang có.”  Tôi muốn một cuộc đời rộng đẹp nhưng trước mắt tôi vẫn chỉ là những mảnh đời chật hẹp thì trong niềm hy vọng, tôi phải bắt đầu bằng cách nới rộng đời mình ra.

Bởi có niềm hy vọng nên đời tín hữu cũng có một nhân sinh quan chan hòa.  Trong đại dương không ai là một hòn đảo.  Trong chuyến đi cuộc đời chẳng ai là người lữ khách cô đơn.  Thế nên, trong tinh thần liên đới, tín hữu là những kẻ đồng hành và đồng hành cũng có nghĩa là biết cho đi và nhận về.  Cũng giống như tình yêu, hy vọng là rộng mở, là biết cho đi.  Trong đổi chác, không ai có thể cho cái mình không có, nhưng trong niềm hy vọng, không ai có thể có được điều mà mình không biết cho đi.  Bởi lẽ bạc tiền cho đi sẽ có lúc vơi cạn, nhưng niềm hy vọng biết cho đi thì ngược lại, bỗng trở nên phong phú lạ thường.  Nỗi vui cho đi sẽ thành nỗi vui lớn hơn của kẻ cho và người nhận gộp lại, và niềm hy vọng biết cho đi sẽ nên niềm hy vọng vĩ đại của một sự sống triển nở sinh sôi.

Rõ ràng là với niềm hy vọng, cuộc sống đã biến thành niềm vui, cho dẫu niềm vui ấy chưa ở độ tinh ròng mà vẫn còn đan xen với những nỗi niềm riêng tư hay nỗi lo đại cuộc, nhưng đã hồng hào lên một sức sống tươi trẻ vì đó chính là thành quả của niềm hy vọng.

Chắc cộng đoàn còn nhớ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I.  Triều đại Giáo Hoàng của ngài chỉ có ba mươi ba ngày nhưng hình ảnh của ngài thì thế giới khó mà quên.  Đó là hình ảnh của một Giáo Hoàng với nụ cười thật tươi, nụ cười trong hồn và nụ cười ngoài miệng.  Chính ngài là người đã lập lại quan điểm của thánh Tôma để chủ trương: vui vẻ là một nhân đức.  Và Mẹ Têrêsa Calcutta, một trong mười phụ nữ được xếp vào hàng vĩ nhân hiện đại, khi người ta hỏi Mẹ xem phải làm gì cho cuộc sống tốt hơn, Mẹ bảo: “Hãy mỉm cười.  Cười là thông điệp hòa bình.  Cười là nếm cảm thực tại Thiên Chúa”.

2) Niềm hy vọng đem lại cho đời tín hữu một chí bền chiến đấu.

Những lúc an bình, niềm hy vọng mở ra một cuộc sống tươi vui nhưng khi gặp phải thử thách, niềm hy vọng lại trở nên sức mạnh kiên cường.  Chính vì thế, hy vọng không chỉ được xem là nhân đức của nụ cười mà còn được khẳng định là nhân đức của sự chiến đấu trước những thách đố không thiếu trong đời.

Có những thách đố đến từ những nghịch lý trong đời sống đức tin thể hiện qua những câu hỏi “tại sao?” khó mà trả lời nếu không có niềm hy vọng.  Như câu hỏi tại sao của Cựu Ước: “Tại sao kẻ lành thường gặp hoạn nạn còn kẻ dữ lại cứ phây phây?”  Như câu hỏi của thánh Phaolô: “Tại sao điều tốt muốn làm tôi lại chẳng làm, còn điều xấu muốn tránh tôi lại hay vấp phải?”  Như câu hỏi về Giáo Hội: “Tại sao Giáo Hội bản chất là duy nhất mà trong lịch sử vẫn cứ mãi ghi dấu bằng những cuộc phân ly?”  Như câu hỏi của các bạn trẻ Tây Ban Nha đặt ra cho Đức Gioan Phaolô II năm 1982: “Tại sao Thiên Chúa tốt lành mà trong tạo thành của Ngài lại có quá nhiều tội ác?”  Như câu hỏi của báo chí: “Tại sao người ta cứ phải lo đề phòng đối phó mà không biết yêu thương nhau?”  Hay như câu hỏi mỗi người thường đặt ra với lòng mình: “Tại sao nhân đức như lúa tốt chăm hoài vẫn khó mọc còn nết xấu như cỏ dại nhổ mãi vẫn cứ còn?”  Những câu hỏi ấy được đặt ra và còn được đặt ra mãi mãi.  Sẽ là hoang mang chao đảo nếu không tìm được giải đáp; nhưng sẽ không có câu trả lời đích thực nếu không nại đến niềm hy vọng vào điều toàn bích vốn chỉ có nơi Thiên Chúa và trong cuộc sống mai sau.

Có những thách đố đến từ những nghịch biến trong lối sống đạo như sự ly thân giữa giáo lý tốt lành của đạo với đời sống kèn cựa của người tín hữu, như cách sống thực dụng của một số thành phần có đạo, như xu hướng tục hóa đang có nguy cơ tràn lan, và phổ biến nhất vẫn là thái độ “mackeno” dửng dưng với đạo của một số kẻ tự nhận là có đạo mà thực tế chẳng tốt hơn ai.  Sẽ là dị ứng co cụm nếu chỉ thở dài thất vọng, nhưng sẽ là bản lĩnh hy vọng nếu biết vươn lên khẳng định niềm tin.

Và cũng có những thách đố đến từ những nghịch cảnh trong cuộc đời như tai nạn bất ưng, như sức khỏe yếu kém, như hoàn cảnh không thuận lợi cho ngành nghề, như những thất bại nhiều mặt.  Sẽ là thất vọng nếu cúi gập trên nỗi đau của mình, nhưng sẽ là hy vọng nếu biết vươn lên, cho dẫu hoàn cảnh có tuyệt vọng đi nữa thì ở đó vẫn cứ sáng rỡ một niềm cậy trông.

Trọn trang Tin Mừng hôm nay là một thách đố không nhỏ mà Gioan Tẩy Giả đã gặp phải: rao giảng về một sự trừng phạt đến cận kề nhưng lại gặp phải sự chậm trễ; loan báo về Đấng Cứu Thế như một vị Chúa oai phong đáng sợ nhưng lại thấy Chúa Giêsu chan hòa nhân ái; công bố về thời mở cửa cứu độ nhưng chính mình lại bị cầm tù vào giữa lúc mọi người xôn xao hạnh phúc.  Đã có lúc nóng lòng chờ đợi như việc gửi môn đệ đến chất vấn Chúa Giêsu qua đoạn Phúc Âm hôm nay, nhưng từ những thách đố ấy, nơi Gioan Tẩy Giả đã chứng minh một niềm hy vọng kiên cường: ông không phải là cây sậy yếu mềm chao nghiêng trước gió mà chính là một tượng đài bất khuất của lẽ cậy trông.

Niềm hy vọng chính là sức mạnh hồng hào giúp Gioan Tẩy Giả và tất cả những ai đang gặp thách đố biết kiên vững kinh qua tất cả.

Tóm lại, với hiệu quả của niềm hy vọng là niềm vui chan hòa và chí bền chiến đấu, đời sống của tín hữu đã được đặt vào một vận hành mới vươn tới một điều còn lớn lao hơn cả chính nỗi niềm của mình.  Đó không chỉ là chân lý cho trí ta đong đầy, không chỉ là thiện hảo cho lòng ta mê thích, cũng không chỉ là nét đẹp cho mắt nhìn no thỏa mà chính là một Đấng, Đấng ấy là Thiên Chúa hằng hy vọng vào ta.

Và như thế, thiết tưởng đã đến lúc đặt ra vấn đề: liệu ta có niềm hy vọng ấy chưa?

Bài đọc thứ nhất nhắc nhở “Đừng sợ.”  Đừng sợ không có niềm hy vọng vì trước khi ta có thể hy vọng thì Chúa đã hy vọng vào ta.  Đó là một hồng ân.  Cũng đừng sợ mình mất niềm hy vọng như thể ta sống có một mình.  Có một Đấng cùng sống với ta và Đấng ấy không dễ gì để mất ta đâu.  Cũng đừng sợ niềm hy vọng của ta sao quá nhạt nhòa, bởi hy vọng là một công trình cả đời.  Điều đáng sợ đáng ngại và đáng đau khổ nhất là “thấy Thiên Chúa bị bóp chết trong một đời người”, nghĩa là người ta khước từ hy vọng, bóp nghẹt hy vọng nhân danh sự tự do hoặc danh lợi thú.

Bài đọc thứ hai khuyến khích “Hãy vui lên!” Vui vì ta là niềm hy vọng trong mắt nhìn cứu độ của Thiên Chúa và đồng thời cũng là niềm hy vọng thắp sáng cho anh em mình nữa, để không chỉ gây thắc mắc “nghĩ gì vui thế mà cười một mình” như Trần Tiến trong ca khúc “Thành phố trẻ,” mà còn để chuyển tải đến môi trường xung quanh một niềm vui chan hòa và chí bền chiến đấu.

Ai đã coi cuốn phim “Cuộc đời Chúa Cứu Thế” chắc còn nhớ lúc kết, sau khi đã có biến cố lên trời và lời trao sứ vụ đến với muôn dân, người ta cho xuất hiện trên màn ảnh một chân dung của Chúa Giêsu thật lớn tươi cười với chiếc răng khểnh đàng hoàng.  Không biết dụng ý của đạo diễn thế nào, nhưng phải nói là có tác dụng phấn khích, vừa đem lại nét tươi tắn cho cuốn phim, vừa đem đến niềm vui chan hòa hy vọng.

Mong rằng nụ cười thật lạ ấy cũng trở thành niềm vui cho ta trên nẻo sống đức tin và thể hiện niềm hy vọng.  Được như thế, Chúa Nhật hôm nay đích thực là Chúa Nhật của niềm vui, và Mùa Vọng cũng thêm sáng nghĩa là mùa màu hồng hy vọng thật đẹp thật tươi thật nhiều nụ cười cho người người hạnh phúc.

ĐGM.  GiuseVũ Duy Thống

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

 

MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, người độc nhất vô nhị khi bước vào cuộc đời trần thế nầy, không phải như tất cả chúng ta, là nạn nhân của tội nặng tổ tông truyền; không phải như chúng ta, là nạn nhân mang án lệnh phải chết trên vừng trán công khai; không phải như chúng ta, là nạn nhân bị dìm mình trong vũng bùn nhơ  của các tình tư dục; không phải như chúng ta, là nạn nhân bị vây hãm bởi mọi mùi xú uế của bảy mối tội đầu.  Nhưng…, nhưng khi bắt đầu vào đời, trong ngay tích tắc đầu tiên được thụ thai trong lòng mẹ, Người Nữ Do Thái thành Nadarét nầy đã được trang hoàng rực rỡ bằng muôn vạn ân sủng vô cùng quý giá, để xứng đáng làm Mẹ của Con Thiên Chúa cao sang vinh hiển, để xứng đáng làm Nữ Vương mọi loài trên trời dưới đất, ngay cả các quỷ dữ trong hỏa ngục, Đức Trinh Nữ Maria cũng đạp dập đầu dưới chân mình.

Tất cả những ai sinh ra bởi Ađam, đều mắc tội tổ tông truyền.  Chỉ trừ một mình Đức Mẹ Maria không mắc tội nầy.  Vì thế, Giáo Hội tôn kính Đức Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội chỉ dành riêng cho một mình Đức Mẹ Maria để Ngài xứng đáng làm Mẹ Đức Chúa Trời, xứng đáng làm Mẹ của Con Thiên Chúa.

Khi dựng nên tổ tông loài người là ông Ađam và bà Eva, Thiên Chúa yêu thương đã ban cho hai ông bà những ơn đặc biệt tốt đẹp: một thân xác mạnh khỏe, xinh đẹp, với một linh hồn trong sáng, kèm theo những ơn đặc biệt: không đau, không khổ, không chết; thông minh, hiểu biết, hướng thượng.   Nhất là ơn siêu nhiên thánh sủng là được thông phần vào chính bản tính của Thiên Chúa, sống đầy tràn hạnh phúc trên đời nầy, và sau khi từ giã trần gian, được về với Thiên Chúa trên Nước Trời.   Những ơn đặc biệt nầy, hai tổ tông Adam và Eva sẽ truyền lại cho con cháu được hưởng.

Nhưng than ôi, vì mắc mưu xảo quyệt của ma quỷ cám dỗ, hai tổ tông Ađam và Eva đã phạm tội chống lại Thiên Chúa là Đấng dựng nên họ.  Và hai ông bà đã làm mất tất cả những ơn đặc biệt nầy, không nhữmg làm cho mình mất đã đành, mà còn làm cho con cháu mình mất nữa.

Tội đầu tiên, ông Ađam và bà Eva phạm, gọi là Tội Tổ Tông, đã truyền lại cho tất cả con cháu loài người theo con đường sinh sản tự nhiên.   Thánh Phaolô nhấn mạnh điểm tín lý nầy trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: “một người đã đem tội vào thế gian, và theo sau sự tội, là sự chết, vì thế, mọi người phải chết vì mọi người đã phạm tội.”… “vì tội một người mà sự chết do người ấy gây nên, đã thống trị loài người”…..“vì một người không vâng lời, nên đã làm cho mọi người mắc tội.” (x. Rôma 5,12-19).

Tội Tổ Tông là tội chung cho tất cả loài người do hai nguyên tổ Ađam Eva truyền lại cho con cháu mình, vì thế, ai cũng là nạn nhân của tội tổ tông truyền nầy.  Đáng lý Đức Trinh Nữ Maria, vì là con cháu của Adam Eva, nên cũng mắc tội tổ tông truyền như mỗi người chúng ta, nghĩa là sinh ra mà không có ơn thánh sủng, không có những đặc ân tự nhiên và siêu nhiên khác, bị dìm sâu trong vũng bùn nhơ của các tình tư dục và các mối tội đầu, phải chịu nằm dưới quyền thống trị của ma quỷ, phải đau, phải khổ và phải chết.  Nhưng, vì Đức Trinh Nữ Maria được Thiên Chúa thương chọn làm Mẹ Con Thiên Chúa, làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhờ hưởng trước, và hưởng đầy tràn những công nghiệp vô cùng của Đấng Cứu Thế, là Con của mình sau nầy.

Đó là tín điều về Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội mà hôm nay chúng ta tuyên xưng và dâng thánh lễ mừng Đức Mẹ Maria.  Tín điều nầy đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX long trọng tuyên bố năm 1854, cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo phải tin để cho được rỗi linh hồn: “Được đầy Ơn Cứu Chuộc của Đấng Cứu Thế là Con mình một cách đặc biệt, Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng mẹ mình, không mắc tội tổ tông truyền.”

Ôi!  Sung sướng biết bao cho chúng ta, vì Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta, là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ đẹp tuyệt vời, Mẹ không chút bợn nhơ.  Thiên Chúa đã trang điểm cho Mẹ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội để Mẹ xứng đáng làm Mẹ của Con Thiên, xứng đáng làm Nữ Vương các thánh thiên thần và các thánh nam nữ ở trên trời, xứng đáng làm Nữ Vương mọi loài ở dưới đất.

Trong Kinh Thánh, có hai đoạn liên quan đến đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria.

Đoạn thứ nhất, trong Cựu-Ước: sách Sáng-Thế (3,15).  Sau khi hai ông bà tổ tông loài người phạm tội, Thiên Chúa liền hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc loài người khỏi tay ma quỷ.  Thiên Chúa nói cho ma quỷ biết về một Người Nữ Đặc Biệt: “Ta sẽ đặt oán thù giữa ngươi và Người Nữ, giữa dòng dõi ngươi và Dòng Dõi Người Nữ.   Người Nữ sẽ đạp dập đầu ngươi, còn ngươi thì rình cắn gót chân Người.”  Người Nữ đặc biệt mà Thiên Chúa nói đây, chính là Đức Trinh Nữ Maria sau nầy.

Qua lời tuyên bố trên đây của Thiên Chúa, chúng ta thấy có hai điều.  Một là, có một sự đối nghịch hoàn toàn giữa ma quỷ và Người Nữ nầy (vì thế, nếu Người Nữ nầy mắc tội tổ tông truyền như mọi người khác, dẫu mắc trong một giây phút mà thôi, thì Người Nữ nầy cũng không thể nào đối địch lại hoàn toàn với ma quỷ được).  Hai là, Dòng Dõi Người Nữ nầy cũng phải đối địch lại hoàn toàn với ma quỷ (vì thế, Chúa Giêsu Kitô, Dòng Dõi của Đức Trinh Nữ Maria, sẽ không chiến thắng ma quỷ hoàn toàn được, nếu Mẹ của mình là Đức Trinh Nữ Maria không được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội).

Đoạn thứ hai, trong Tân Ước: bài tường thuật Truyền Tin của thánh sử Luca mà chúng ta nhắc đi nhắc lại mỗi ngày ba lần qua kinh Nhựt Một.  Theo lời thiên sứ Gabirie khi truyền tin Đấng Cứu Thế, chúng ta thấy có ba điều nói lên đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria.  Một là, Đức Mẹ được đầy ơn Chúa ban (Kính Mừng Maria đầy ơn phước!): nếu Đức Mẹ mắc tội tổ tông truyền, thì Đức Mẹ không thể nào được đầy ơn phước được.  Hai là, Đức Mẹ luôn được Chúa ở cùng (Đức Chúa Trời ở cùng Bà): Đức Chúa Trời là Đấng vô cùng thánh thiện, hằng ở với Đức Mẹ, thì Đức Mẹ làm sao mắc tội tổ tông truyền được.  Ba là, Đức Mẹ là Người Nữ diễm phúc hơn hết trong loài người (Bà có phước lạ hơn mọi người nữ): phước lạ hơn tất cả mọi người, ở đây, là phước lạ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Như vậy, khi thiên sứ Gabrie được Thiên Chúa sai từ trời xuống thành Nadarét, miền Galilêa, thuộc nước Do Thái, đến với Người Thanh Nữ Do Thái thành Nadarét, và cung kính chào: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”, thì cũng giống như thiên sứ chào Đức Mẹ rằng: “Kính chào Bà là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

Năm 1854, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra tại Lộ Đức, nước Pháp, cho trẻ gái nhỏ Bênêđétta và xưng rằng: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội!”

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con đầy tràn tin tưởng vào Mẹ: chúng con tin rằng, dù quyền phép vô cùng, Thiên Chúa cũng không thể nào dựng nên một ai cao trọng hơn Mẹ được; dù cao sang vô biên, Thiên Chúa cũng không thể lấy gì để ban thêm cho Mẹ, hơn là Ơn ban cho Mẹ được Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con là những kẻ tội lỗi đang chạy đến cùng Mẹ.  Chính vì Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, thương loài người tội lỗi chúng con, nên mới ban cho Mẹ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội để Mẹ trở nên Mẹ Đức Chúa Trời, và cũng là Mẹ của chúng con.  Chúng con tin rằng trên đời nầy, không ai có lòng trông cậy chạy đến cùng Mẹ, mà Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cho chúng con biết sống xa lánh tội lỗi, Xin cho lòng tin của chúng con vào Chúa được luôn luôn mạnh mẽ.  Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, luôn trung thành theo Chúa cho đến cùng.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con.  Amen!

Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

 

NẾU CHÚA KITÔ KHÔNG ĐẾN

Trong các mẫu thiệp Giáng Sinh, người ta thấy có một thiệp với tựa đề như sau: “Nếu Chúa Kitô Không Đến”.  Thiệp Giáng Sinh này kể lại câu chuyện của một vị mục sư ngủ gục trên bàn làm việc của mình trong buổi sáng Lễ Giáng Sinh, rồi mơ mình đang ở trong một thế giới nơi Chúa Giêsu không bao giờ sinh ra.

zzTrong giấc mơ ông thấy mình đang đi qua ngôi nhà quen thuộc của ông, nhưng khi nhìn vào ông không thấy có bít tất vắt trên lò sưởi, cũng chẳng có cây giáng sinh, cũng chẳng có hoa đèn và dĩ nhiên không có Chúa Giêsu để sưởi ấm tâm hồn con người hay cứu độ chúng ta.

Ông đi dọc theo những con đường quen thuộc nhưng không thấy có bất cứ một ngôi giáo đường nào, ông trở về văn phòng của mình và đi vào thư viện, ông không còn thấy có bất cứ một quyển sách nào viết về Chúa Giêsu nữa.

Trong giấc mơ, ông lại nghe tiếng chuông cửa reo lên và có người mời ông đi thăm người mẹ của người bạn đang hấp hối.  Ông liền đi đến nhà bà, tại đây ông thấy người bạn của mình đang ngồi khóc, ông nói với người bạn:

Tôi có mang theo đây điều mà tôi nghĩ là có thể an ủi cho ông.

Ông mở quyển Kinh Thánh ra để khả dĩ có thể thấy một lời an ủi nâng đỡ người bạn, nhưng tuyệt nhiên không có Tân ước nên không có bất cứ một lời hứa hay niềm hy vọng nào.  Trong giây phút ấy, tất cả những gì mà vị mục sư có thể làm là cúi đầu cùng khóc với người bạn và người mẹ đang hấp hối trong thất vọng.

Hai ngày sau, ông thấy mình đứng bên cạnh quan tài của bà, ông chủ sự nghi lễ an táng nhưng ông không thể đọc được bất cứ một lời an ủi nào.  Không có niềm hy vọng sống lại, không có sự sống vĩnh cửu, không có thiên đàng, chỉ còn lại câu nói quen thuộc: “Tro bụi trở về bụi tro”, với một lời từ giã buồn bã và dài lê thê.

Cuối cùng ông biết rằng, Chúa Kitô đã không bao giờ đến.  Trong cơn thất vọng ông đã khóc nức nở.

Thình lình ông choàng tỉnh dậy và trong phản ứng tự nhiên của ông là hét lên trong vui mừng khi nghe ca đoàn trong nhà thờ cất tiếng hát:

“Hỡi các tín hữu, hãy hân hoan đến thờ lạy Chúa Kitô, Vua các thiên thần, Người đã sinh ra tại Belem.”

*****************************

Bạn thân mến,

Với bầu khí Giáng Sinh, tin hay không tin, tín hữu Kitô hay không là tín hữu Kitô khó có thể chống cự lại với niềm vui chung của mọi người, vui với niềm vui của đoàn tụ gặp gỡ, vui với niềm vui của chia sẻ và trao ban.

Quả thật, nhân loại không thể nào loại bỏ Chúa Kitô ra khỏi lịch sử của mình.  Muốn hay không, Ngài đã đến trong lịch sử ấy, mãi mãi ghi vào lịch sử ấy một dấu ấn không bao giờ tàn phai.  Thế giới đầy những dấu chân Ngài đã đi qua, Ngài đến để mang lại hoà bình, hy vọng và niềm vui đích thực cho con người.  Dẫu thế giới có là một nghĩa trang, thì nghĩa trang ấy cũng toát lên sự thanh thản, niềm an bình và hy vọng khi thánh giá vẫn còn in bóng trên các ngôi mộ.  Ngài không đến để đẩy lui những giới hạn của kiếp người, Ngài không đến để cất bỏ khổ đau, nhưng chính vì Ngài đã đến; mà dù có giới hạn và chồng chất khổ đau; cuộc sống con người mới có ý nghĩa.

*****************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để mang lại niềm vui đích thực cho chúng con, xin cho cuộc sống của chúng con luôn được tràn ngập niềm vui ấy để chúng con biết ra đi và loan báo tin vui ấy cho mọi người, nhất là những ai đang bị sức nặng của cuộc sống đè bẹp.  Amen.

R. Veritas