MỞ ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

Có câu chuyện vui kể rằng: Một lần, để phát động phong trào An Toàn Giao Thông, một tổ chức thuộc Liên hiệp quốc đã tổ chức cuộc thi xã luận quốc tế với chủ đề “Con đường với cuộc sống”.  Sau đây là một số bài thi được ban giám khảo đánh giá cao:

– Nước Pháp (2 bài): “Con đường tình yêu”, “Nên tỏ tình trên đoạn đường như thế nào?”

– Nước Mỹ: “Con đường nào có thể rút lui sau khi phát động cuộc chiến tranh?”

– Nước ý: “Những con đường trong tranh trừu tượng!”

– Nước Anh: “Đường đến các trường Đại học và câu lạc bộ bóng đá!”

– Nước Đức: “Luận về con đường trong triết học!”

– Nước Singapor: “Cần phải làm gì để các con đường luôn sạch sẽ?”

– Nước Trung Quốc: “Người ta có thể làm những con đường… giả, đường nhái được không?”

– Và… Việt Nam (3 bài): “Tại sao cần đào lấp?”, “Khi đường trở thành dòng sông”, “Những con đường cát bụi!”

Con đường thật muôn màu muôn vẻ.  Có con đường vật chất để đi và cũng có con đường là hướng đi của cả một dân tộc, một đất nước.  Con đường được làm tốt sẽ phục vụ tốt cho cuộc sống.  Ngược lại sẽ là bất hạnh cho những ai đi trên con đường ấy.

Việt Nam đang đi trên con đường hướng tới xã hội chủ nghĩa.  Có người bảo sẽ không bao giờ tới.  Có người cho rằng tới mà rất chậm.  Dù ai nói ngả nói nghiêng thì dân tộc Việt Nam đã đi trên con đường này suốt mấy chục năm dù vẫn xây chưa xong hạ tầng cơ sở, vẫn là bài toán nan giải để hoàn thành.

Người ta nói đường và chân là đôi bạn.  Đường không có dấu chân người, sẽ không còn là con đường, chỉ là cỏ dại hoang vu phủ kín lối đi.  Người không có đường sẽ không đi về đâu cả.  Có khi còn mất cả hướng đi.  Con người và con đường.  Đôi bạn làm nên cuộc đời nhau.  Con người làm thành lối mòn cho con đường, và con đường thành một kỷ niệm đẹp cho con người một khi đã đi qua.

Nhà văn Lộ Tấn khi 20 tuổi được cha mẹ gửi sang du học tại Nhật.  Ông theo học ngành Y.  Tình cờ ông được xem một đoạn phim thời sự, trong đó có cảnh một người Trung quốc bị người Nhật hành hình, điều đáng buồn là rất nhiều người Trung quốc khỏe mạnh đứng xem với vẻ mặt đần độn, không phản ứng gì.  Ông lập tức bỏ học ngành Y năm thứ 2 và chuyển sang viết văn.  Bởi ông nhận thấy học chữa bệnh trong lúc này không quan trọng, bởi dân mà còn ngu muội, hèn nhát, thì dù thân thể có khỏe mạnh cũng chỉ là nô lệ mà thôi.  Từ đó ông muốn dùng ngòi bút để chữa bệnh tật trong tính cách dân tộc.  Chính chàng trai này là tác giả của câu nói nổi tiếng để khích lệ những người mở đường: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường mà thôi”.

zzHôm nay giữa sa mạc hoang vu, Gioan mời gọi mọi người hãy làm thành một con đường.  Một con đường thẳng ngay thay cho đường quanh co.  Một con đường bằng phẳng thay cho đồi núi gồ ghề.  Con đường vốn đã không có ở hoang địa, vì hoang địa đâu có người qua lại, nhưng Gioan mời gọi mọi người hãy đi vào hoang địa để tạo thành một con đường sám hối ăn năn cho Con Chúa Trời ngự đến.  Hãy mở lối trong hoang địa bằng lối mòn của tình người liên đới và cảm thông.  Hãy mở lối cho con người đến với nhau trong hòa bình và thân ái.  Đường của yêu thương xóa bỏ ngăn cách hận thù.  Đường của thứ tha để xây dựng tình bằng hữu của anh em bốn bể một nhà.  Đường của bác ái để xây dựng hạnh phúc cho tha nhân.  Con đường của Nước Trời còn hướng cho mọi người biết nhìn về trời cao để sống thanh thoát với những bon chen trần gian, sống vượt lên trên những tham sân si để sống vui tươi và hạnh phúc.

Vâng thưa anh chị em, cuộc đời rất cần những con đường, nhưng đừng bao giờ mở đường để gây đau khổ cho nhau bằng chiến tranh, bằng hận thù.  Và cũng đừng mở đường để tìm tư lợi riêng, nhưng mở đường để tạo tình liên đới giữa con người với nhau được gần gũi hơn.  Và mở đường phải nhắm đến phục vụ cho nhu cầu con người chứ không phải cho một nhóm người hay một giai cấp nào.

Lời ngôn sứ Gioan vẫn đang mời gọi chúng ta mở lối đường cho Chúa ngự trị.  Gioan vẫn thiết tha mời gọi chúng ta hãn san bằng núi đồi của kiêu căng.  Hãy lấp đầy thung lũng của đam mê tật xấu.  Hãy nắn cho ngay thẳng tính gian dối hại người.  Hãy sống một cuộc đời cho xứng với lòng sám hối ăn năn để cho Con Chúa Trời giáng trần nơi cung lòng mỗi người chúng ta.  Amen.

Lm.  Giuse Tạ Duy Tuyền

LÃNG PHÍ SINH MẠNG  

Ngày nay, người ta thường nói đến sự lãng phí của con người: lãng phí điện nước, lãng phí tài nguyên, lãng phí tiền bạc, lãng phí sức khỏe…  Trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều người nghèo, sự lãng phí bị lên án như một tội ác.

Tuy vậy, có một sự lãng phí nguy hiểm mà ít khi được nhắc tới, đó là lãng phí sinh mạng con người.  Nếu lãng phí được định nghĩa là “làm mất một cách vô ích tiền tài, sức lực, thời gian” (theo Từ điển và Từ ngữ Việt Nam) thì xem ra con người ngày nay đang lãng phí sinh mạng tới mức báo động.

Lãng phí sự sống trước hết là nạn phá thai.  Đã có biết bao chuyên viên nghiên cứu phân tích về những hậu quả tai hại của việc phá thai trong lãnh vực tâm lý, thể lý và tâm linh, vậy mà số thai nhi bị phá càng ngày càng tăng.  Theo thống kê chưa chính xác, thì Việt Nam chúng ta là nước thứ ba trên thế giới về số thai nhi bị giết hại.  Con số này từ một triệu rưỡi đến hai triệu ca mỗi năm.  Thủ tục phá thai hiện nay rất đơn giản và nhanh chóng.  Nhiều nơi phá thai được trá hình với cái tên rất đẹp “Khám chữa bệnh phụ khoa”, có những cò mồi, chèo kéo như những nhà hàng ăn uống.  Biết bao sản phụ đã chết oan vì những “xưởng phá thai” kiểu này, nhưng xem ra người ta vẫn không sợ.

zzLãng phí sự sống còn là sự thiếu cẩn trọng khi lao động và khi tham gia giao thông.  Mỗi năm, nước ta có đến mười hai nghìn người chết vì tai nạn giao thông, tương đương với mỗi ngày có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên khắp các nẻo đường của đất nước chúng ta.  Nếu so sánh với vụ tai nạn máy bay rơi khoảng từ 200 đến 300 người/vụ, thì tại Việt Nam cứ mỗi năm chúng ta có khoảng 40 vụ rơi máy bay (trích bài viết tại trang VnExpress.net ngày 19-11-2012).  Những người này hầu hết là những người trụ cột trong gia đình, hoặc là thanh niên tuổi trẻ, là công nhân, sinh viên, học sinh, tức là những người đang có nhiều kỳ vọng ở tương lai.  Biết bao nhiêu lời cảnh báo, biết bao nhiêu lần bị phạt, xem ra nhiều người vẫn không tỉnh ngộ.  Vẫn còn đó những chàng trai cô gái đua xe, đùa với thần chết, coi sự chết như không.  Họ thật lãng phí cuộc sống.

Từ vài năm trở lại đây, có một thứ “mốt” quái đản là… tự tử.  Có nhiều người tự tử ở tuổi còn trẻ, thậm chí là vị thành niên.  Những người chán sống không hẳn là người bị đẩy vào ngõ cụt của cuộc đời, mà đôi khi họ là những người thành đạt và đang ở đỉnh cao của danh vọng như một số ngôi sao điện ảnh, ca sĩ hay người mẫu.  Cũng vì không muốn sống, một số người có chức có quyền cũng đã tìm đến cái chết khi có nguy cơ bị khui ra những việc làm mờ ám, hay vì những lý do có trời mới biết.  Những người này cũng lãng phí mạng sống mình.

Vì thất vọng trước một cuộc sống trống rỗng vô ý nghĩa, nhiều bạn trẻ đã tìm đến ma túy và những thói ăn chơi sa đọa.  Vì ham mê tìm đến với những cảm giác thần tiên nhất thời, họ đã đánh mất tương lai, trở nên mối họa cho gia đình và người thân.  Họ đã tự đánh mất chính mình.

Khi coi thường mạng sống, người ta dễ liều mạng phạm tội.

Chắc hẳn những ai có lương tri đều đắng lòng khi đọc những thông tin liên tục về các vụ án được xử mà kết cục là án tử hình.  Họ là những thanh niên trẻ trung, mang dáng vẻ thư sinh, nhưng lại liều lĩnh phạm tội và trở thành những kẻ sát nhân máu lạnh.  Họ được cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng hai ba chục năm, đặt rất nhiều hy vọng ở tương lai, vậy mà bây giờ họ trở nên mối nguy hiểm cho xã hội.  Hy vọng của cha mẹ và gia đình họ đã bị tắt lịm.  Người vào tù đau khổ vì mối ân hận day dứt.  Người ở ngoài đau khổ vì bia miệng tiếng đời.  Tiếc rằng, con số những vụ việc như nêu trên tăng nhanh tới mức chóng mặt.

Mục đích những bản án tử hình hay tù tội là nhằm giáo dục và răn đe những người khác.  Thế nhưng, mặc dù có biết bao lời lên án mỗi khi có một vụ án nghiêm trọng, nhưng xem ra người ta không sợ.  Vẫn liên tiếp xảy ra những vụ cướp của giết người.  Vụ sau tinh vi và nguy hiểm hơn vụ trước.  Người ta lãng phí sự sống và đem sinh mạng của mình ra làm trò đùa.

Một linh mục Dòng Tên người Hàn Quốc, Cha Joseph Kim Yong-hae, đã nhận định: “Tỷ lệ phá thai gấp hai lần tỷ lệ sinh đẻ và tỷ lệ tự tử đứng đầu danh sách các nước trong Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế.  Hiện tượng này, cùng với một số vụ việc khác đã khiến người ta có cảm giác xã hội Hàn Quốc đã chìm sâu trong nền văn hóa sự chết và tuyệt vọng” (Ucan News, bản tin 21-5-2012).

Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã báo động về một nền văn hóa mang tên sự chết.  Đó là một lối sống ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ, không nghĩ đến tha nhân và cũng chẳng quan tâm đến ngày mai.  Nền văn hóa này đang có nguy cơ thấm nhập vào xã hội của chúng ta, kéo theo những hệ lụy là sự dối trá, thù hận, thủ đoạn và vô trách nhiệm.  Văn hóa sự chết chối bỏ các giá trị tôn giáo và nhân bản.

Giáo lý Công giáo dạy: “Sự sống con người phải được coi là linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó ‘đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hóa’ và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình.  Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho đến khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, số 2258).

Chúa cũng truyền lệnh trong Điều thứ năm của Thập điều: “Ngươi không được giết người” (Xh 20, 13).  Lệnh truyền này phải được hiểu theo hai chiều: không được cất mạng sống người khác, đồng thời cũng không có quyền tự cất mạng sống mình.

Tuân theo Luật Chúa, Giáo hội luôn luôn đấu tranh để bảo vệ sự sống con người.  Giáo hội vẫn không ngừng kêu gọi hủy bỏ án tử hình tại những quốc gia còn giữ bản án này, vì các nhà nước vẫn có khả năng chế ngự tội ác cách hữu hiệu mà không cần phải tước đoạt cách vĩnh viễn mạng sống của các tội nhân (x SGLCG số 2267).  Giáo hội cũng đưa ra những chỉ dẫn trong đời sống gia đình nhằm bảo vệ sự sống và góp phần thăng tiến con người.  Ngay cả trong những quốc gia khuyến khích việc phá thai hay việc chết êm dịu, Giáo hội vẫn thi hành chức năng ngôn sứ của mình, lên án những hình thức giết người, trực tiếp hay gián tiếp, vì đó là sự vi phạm đến Luật Chúa và nhân phẩm con người.

Chúng ta đã bước vào Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh.  Con Thiên Chúa xuống thế làm người dưới hình hài một trẻ thơ trong hang đá.  Hài Nhi Giêsu sinh ra là niềm vui cho cả thế giới.  Lễ Giáng sinh là lễ của hòa bình.  Lễ Giáng sinh cũng là lễ của sự sống, vì Đức Giêsu mang lấy thân phận con người để nâng cao phẩm giá của con người, thông truyền cho họ sự sống siêu nhiên.  Hài Nhi Giêsu trong hang đá máng cỏ là lời kêu gọi bảo vệ sự sống, từ những thai nhi còn trong lòng mẹ đến những người đang sống trên cõi đời này.

Nếu mỗi người đều biết tôn trọng sự sống của mình và của những người xung quanh, thì cuộc sống này sẽ rất an bình và vui tươi.  Mong sao điều ấy được thực hiện nơi xã hội Việt Nam chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

LUYỆN NGỤC LẦN ĐẦU TIÊN CON MỞ MẮT CHO TRỌN

Bạn hãy tưởng tượng, khi bạn sinh ra cho đến khi lớn lên, bạn chưa từng thấy ánh sáng hay màu sắc.  Rồi với khoa học kỳ diệu, các bác sĩ chữa cho bạn được thấy.  Bạn cảm nhận điều gì ngay lập tức khi bạn mở mắt ra?  Kinh ngạc?  Hoang mang?  Say sưa?  Đau đớn?  Hay là tổng hợp các cảm xúc khó tả này?

Bây giờ thì chúng ta biết câu trả lời này.  Loại giải phẫu này đã được thực hiện và chúng ta đã được nghe một vài phản ứng của các bệnh nhân khi họ được mở mắt và được thấy ánh sáng, màu sắc lần đầu tiên trong đời.  Những cảm giác của họ lúc đó sẽ làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên.  Tôi đưa ra đây lời của J.Z Young, một chuyên gia trong ngành chức năng não bộ mô tả như sau:

“Khi được mở mắt, bệnh nhân chỉ rất ít hoặc hoàn toàn không vui thú gì, thật vậy, họ đối diện với cảm nghiệm đầu tiên này trong đau đớn.  Trước mắt họ chỉ là một đống hỗn độn ánh sáng và màu sắc quay vòng vòng.  Rõ ràng là với thị giác, họ gần như không thể cầm nắm đồ vật, nhận diện và gọi tên chúng.  Họ không có khái niệm về không gian và vật thể, cho dù họ đã biết và xác định được tất cả mọi vật này bằng xúc giác.   Có thể bạn sẽ nói: “Tất nhiên, họ phải mất chút thì giờ để học cách nhận biết chúng bằng thị giác.”  Nhưng cái thì giờ đó không phải là một chút, mà là rất dài, có khi mất cả hàng nhiều năm.  Bộ não của họ không được huấn luyện để tuân theo nguyên lý của thị giác.  Chúng ta không ý thức được là có những nguyên lý như vậy, chúng ta nghĩ, chúng ta thấy, chúng ta nói là chuyện tự nhiên.  Nhưng sự thật là suốt thời thơ ấu, chúng ta đã được học một loạt những nguyên lý như vậy.” (Xem: Emilie Griffin, Souls in Full Flight, p. 143-144)

zzCó lẽ những gì tôi vừa nói ở trên sẽ cho chúng ta một hình ảnh hữu ích tương đương với luyện ngục của Đạo Công giáo La Mã.  Có thể nào chúng ta hiểu được luyện ngục chúng ta chịu sau khi chết theo cách này hay không, cụ thể là xem luyện ngục như việc mở mắt và mở lòng chúng ta với ánh sáng và tình yêu quá toàn vẹn khiến chúng ta phải tái tiếp thu và tái nhận thức trong đau đớn hệt như người được chữa sáng ở trên, hay không?  Luyện ngục chính là lúc chúng ta được Thiên Chúa ôm trọn và trong hơi ấm cùng ánh sáng của Ngài, tất cả những khái niệm trần tục về tình yêu và hiểu biết của chúng ta trở nên quá tầm thường bé nhỏ, hệt như người mù bẩm sinh được mở mắt nhìn đời, chúng ta phải đau đớn đấu tranh trong ánh sáng quá đỗi huyền diệu đó để đập tan đến tận nền móng và xây dựng lại một cách sống động toàn bộ lối suy nghĩ và yêu thương của chúng ta, có thể hiểu như vậy hay không?  Liệu có thể hiểu luyện ngục không phải là sự thiếu vắng Thiên Chúa hay một dạng trừng phạt và trả nợ cho tội chúng ta phạm, mà là những gì xảy đến khi chúng ta được ôm trọn say sưa trong vòng tay Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu trọn hảo và Chân lý toàn vẹn, hay không?

Quả thật, có phải là ba nhân đức đối thần, tin, cậy, mến, đã cố để đưa chúng ta đến đời sống như thế hay sao?  Có phải đức tin là một nhận thức vượt trên những gì chúng ta có thể xác định được hay không?  Có phải đức cậy là neo giữ chúng ta vào một sự vượt ngoài những gì chúng ta có thể tự mình điều khiển và bảo đảm hay không?  Và chẳng phải đức mến là vươn mình ra ngoài những gì vốn nâng đỡ chúng ta hay không?

Khi mô tả về thân phận con người trên trần thế, thánh Phaolô đã nói rằng, ở đây, trong đời này, chúng ta chỉ nhìn thấy “qua một tấm gương mờ tối” nhưng ở đời sau, chúng ta sẽ được thấy “mặt đối mặt.”  Khi mô tả tình trạng trần thế hiện thời của chúng ta, rõ ràng ngài đã nhấn mạnh một sự mù tối nhất định, một bóng đêm thời còn phôi thai, và sự bất lực không thể thực sự nhìn thấy mọi vật như chính bản chất thực của chúng.  Và một điểm quan trọng nữa phải lưu ý đó là những lời trên, ngài đã nói trong văn cảnh muốn chỉ cho chúng ta rằng ngay trong đời này, đức tin, đức cậy, đức mến giúp chúng ta dần dần khai mở khởi tấm mạng mù tối đó.

Dĩ nhiên chỉ có những nghi vấn, gây bối rối cho cả Tin Lành lẫn Công giáo.  Nhiều người Tin Lành và phái Phúc Âm bác bỏ hoàn toàn khái niệm luyện ngục, vì theo Kinh Thánh thì chỉ có hai nơi bất diệt là thiên đàng và địa ngục.  Ngược lại, nhiều người Công giáo La Mã lại thấy không ổn khi người ta không nhìn nhận luyện ngục là một nơi hay một tình trạng tách biệt với thiên đàng.  Nhưng khi nhận thức luyện ngục như một cách mở ra toàn vẹn cho đôi mắt và tâm hồn, đến đỗi làm cho chúng ta tái nhận thức vạn vật trong đau đớn, khi đó chúng ta có thể có được một khái niệm dễ chấp nhận hơn đối với cả Tin Lành và phái Phúc Âm, đồng thời cũng giúp thay đổi quan điểm phần nào sai lầm về luyện ngục của các tín hữu Công giáo La Mã.  Luyện ngục thực sự chỉ có được nhờ tình yêu, vì chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được vòng tay ôm trọn thực sự của tình yêu, lúc đó chúng ta mới nhận ra được tội lỗi của mình, và lần đầu tiên trong đời, dấn mình vào trong năng quyền để thắng vượt khỏi tội lỗi đó. Duy chỉ ánh sáng mới xua tan bóng đêm và chỉ có tình yêu mới xóa bỏ tội lỗi.

Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux đã cầu nguyện như thế này: “Xin hãy phạt con bằng một nụ hôn!”  Chỉ có vòng tay ôm trọn của tình yêu hoàn hảo mới là luyện ngục đích thực của tội lỗi, vì chỉ khi được nằm trọn trong tình yêu, chúng ta mới thực sự nhận thức được tội của mình, và chỉ khi đó chúng ta mới có được khát mong, năng thị, và sức mạnh để sống trong tình yêu và chân lý.  Nhưng khi thả mình vào trong tình yêu và ánh sáng đó, thì luôn luôn, chúng ta sẽ cảm nhận được cùng lúc say mê và hoang mang, ngây ngất và rối bời, thần kỳ và tận khổ, hân hoan và đau đớn.  Thật vậy, chính đó mới là luyện ngục.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 

ĐỪNG ẢO TƯỞNG

Vào dịp cuối năm, Lu-xi-phe triệu tập đại hội đồng quỷ sứ để kiểm điểm tình hình hoạt động suốt năm qua.   Quỷ già, quỷ cái, quỷ con đều họp mặt đông đủ và báo cáo cho Quỷ Vương Lu-xi-phe biết tình hình cám dỗ của toàn bầy quỷ sứ.   Nói chung, hoạt động cám dỗ không đạt kết quả như chỉ tiêu đã đề ra và tỉ số người phải xuống hoả ngục xem ra không gia tăng đáng kể.   Vì thế, khi bước qua phần hai của chương trình thảo luận, Quỷ Vương Lu-xi-phe kêu gọi hội đồng quỷ hãy đề ra những chiêu thức cám dỗ hữu hiệu hơn, liệu sao để lôi kéo được nhiều linh hồn sa hoả ngục hơn.

Các quỷ tham gia tranh luận sôi nổi, bày ra nhiều mưu chước nhằm làm cho loài người sa vòng tội lỗi.  Ý kiến thì nhiều, nhưng chỉ nêu ra đây một số ý kiến tiêu biểu.  Có quỷ đề nghị hãy cám dỗ các bạn trẻ rằng: “Không có Thiên Chúa, không có thiên đàng hoả ngục.  Thiên đàng là ảo tưởng do Giáo Hội bày ra để dụ khị loài người; hoả ngục chỉ là sản phẩm do Cha Cố thêu dệt để hù dọa những người yếu bóng vía.  Đừng dại dột tin vào Thiên Chúa, vào sự sống đời sau mà phí cả cuộc đời!”  Mưu chước nầy cũng chưa thuyết phục nên không được đa số chấp nhận.  Có quỷ thì hiến kế nên thuyết phục người ta biết rằng “Đức Giê-su chỉ là hạng phàm phu tục tử, Phúc Âm của Ngài gồm toàn những chuyện bịa đặt viễn vông…” nhưng rồi ý kiến nầy cũng không được hưởng ứng.

Cuối cùng có lão quỷ già có tiếng là đa mưu túc kế lên tiếng: “Theo tôi, chúng ta nên cám dỗ thế nầy: ‘Có Thiên Chúa, có thiên đàng hoả ngục, có linh hồn, có sự sống đời sau…  (mình phải nói như vậy để người ta tin mình đã, rồi ta sẽ thêm) nhưng bạn hãy nhớ rằng: Đời bạn còn dài mà, bạn chưa chết đâu! Vậy hãy vui hưởng lạc thú đời nầy đi!  Đợi đến khi già yếu rồi ăn năn sám hối cũng chưa muộn.’”

Một tràng pháo tay giòn tan tán thưởng diệu kế của lão quỷ già thâm độc.  Thế là hội nghị nhất trí với phương thức cám dỗ được xem là sẽ rất kiến hiệu của lão quỷ già đa mưu.

Hiện nay, hầu như mọi người đều tin theo lời cám dỗ độc hại ấy.  Ai cũng tin rằng đời mình còn dài, chưa đến lúc phải ăn năn hối cải.  Ngày mai, ngày mốt, ngày kia, ta sẽ sám hối, sẽ cải thiện cuộc đời, còn hôm nay, thì…

Qua bài trích thư gởi tín hữu Rô-ma trích đọc hôm nay (Rm 13, 11-14) thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy mau quay về với Chúa, hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, đừng mơ tưởng đời còn dài rồi cứ đắm mình trong lạc thú:

zz“Đêm sắp tàn, ngày gần đến.  Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.  Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương.  Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.”

Và Lời Chúa trong Tin Mừng cũng kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức vì giờ Chúa đến thật bất ngờ; vì như “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.  Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu.  Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy.  Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.”

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.  Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.  Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Nếu hôm nay, lúc còn an bình khoẻ mạnh, ta không tưởng gì đến Chúa; đợi đến lúc lâm nguy rồi mới chạy đến với Ngài thì chúng ta xem Chúa có khác gì chiếc phao.  Bình thường khi trời quang mây tạnh, mọi sự an lành thì không ai thèm ngó lại chiếc phao, xem nó như cái gì thừa thãi vô tích sự, có thấy nó nằm giữa lối đi thì người ta cũng đá nó sang một bên, không ai thèm đoái hoài.  Nhưng khi gặp phong ba bão táp, nguy khốn đến nơi thì tranh nhau giành lấy phao cho bằng được!

Lạy Chúa, Chúa là Chúa Tể quyền năng, là Thiên Chúa tối cao mà chúng con phải phụng thờ suốt đời, ngay cả bây giờ, chứ không phải là chiếc phao cứu mạng chỉ cần dùng lúc gặp gian nguy khốn khó.

Xin cho chúng con đừng khờ khạo tin rằng đời còn dài, hãy tận hưởng đời và mê đắm trong tội mà lãng quên phần rỗi đời đời của chúng con.

LM Ignatiô Trần Ngà

 

CHUYỆN KỂ CHO CON: LỄ TẠ ƠN – THANKSGIVING

Chuyện được kể rằng, có một nhóm 102, gồm cả 35 người thuộc đạo Tin Lành Cải Cách ly khai (Puritanisn separatists) người Anh di cư gọi là Pilgrims Fathers.

Trước đó, bị hoàng đế Anh lúc đó bắt họ phải cải đạo để theo tôn giáo của ông ta.  Những người này không chấp nhận và bị giam vào tù.  Sau khi giam một thời gian vị hoàng đế truyền họ đến và hỏi lần nữa, họ vẫn quyết không cải đạo.  Hoàng đế không giam họ vào tù nữa mà nói với họ rằng nếu họ không theo điều kiện của ông ta thì họ phải rời khỏi nước Anh.  Vì lý do tín ngưỡng bị đàn áp, họ rời quê hương Anh Quốc, khởi hành vào tháng 9 năm 1620 trên chiếc tàu Mayflower, một thuyền buồm trọng tải 180 tấn từ Plymouth.  Đầu tiên, họ đến tạm cư tại Leyden, Hòa Lan (Netherland), nhưng cuộc sống ở đây làm họ thất vọng.  Do đó, nhóm người này quyết định đi tìm một chân trời mới tại Tân Thế Giới vì họ muốn tạo dựng một thánh địa mới cho tín ngưỡng của họ.

zzTrên chuyến đi sang Tân thế giới, họ đã trải qua bao gian lao, thử thách, gian truân và nguy khốn…  Sau 65 ngày trên biển lạnh, vào ngày 21 tháng 11 năm 1620, tàu đến Cape Cod, sau cuộc hành trình dài 2750 hải lý (1 hải lý = 1,852m).  Cap Cod là một bờ biển chưa ai đặt chân tới (sau này là Massachusetts).  Khi tàu cập đến được nơi này, thì Susanna White cũng cho ra đời một bé trai, đặt tên là Pelégrine (nghĩa là “người hành hương”).  Tuy biết là đã đi sai đường, nhưng họ phải xuống tàu, và ký ngay ngày hôm đó một hiệp ước sống hòa hợp với dân bản xứ (Narranganset và Wampanoag).  Đó là Maryflower Compact Act, trong đó ghi những gì phải làm khi định cư.  Có nhiều cuộc chạm trán nho nhỏ với thổ dân da đỏ, nhưng không quan trọng lắm.  Họ phải đi tìm chỗ ở khá hơn bởi vì lúc đó là mùa đông đầu tiên của họ, một mùa đông đầu tiên vô cùng khác nghiệt và quá lạnh lẽo.

Sau 6 tháng lên đất liền, thời tiết khắt khe và thiếu thốn.  Ngay từ cuối thu, vì bệnh dịch và lạnh lẽo, họ đã mất đi 46 người trong số 102 người khởi hành trên tầu Mayflower.  Trong số người chết có 14 người vợ (trong số 18 người cả thảy), 13 người chồng (trong số 24 người).  Trong tình trang khốn cùng đó, như một phép lạ, một thổ dân da đỏ biết tiếng Anh (Năm 1605, được một thuyền trưởng người Anh chở về Anh để học tiếng Anh, sau trở lại làm thông ngôn) đã dẫn một số thổ dân cùng mang bí rợ và thịt gà tây tới giúp, đồng thời chỉ cho họ cách trồng trọt, bắt cá và săn bắn.  Vị cứu tinh đó tên là Tisquanto mà di dân gọi tắt là Squanto.

Những người sống sót nhờ ăn thịt gà tây hoang và bắp do những người dân da đỏ này cung cấp.  Rồi đến mùa xuân, họ may mắn được những thổ dân da đỏ tốt bụng đến giúp đỡ và cho họ ít lương thực.  Họ bắt đầu học những cách sống và sinh tồn ở vùng đất này từ những thổ dân tốt bụng…  Khi người Pilgrims đã có thể tự lo cho bản thân được, họ tổ chức một buổi tiệc để tạ ơn Chúa Trời vì đã cho họ có thể sống đến ngày hôm nay, họ mời những người da đỏ và cùng nhau ăn uống vui vẻ.  Từ đó về sau, hằng năm con cháu của người Pilgrims luôn tổ chức lễ tạ ơn để cám ơn cho những gì tốt đẹp đã đến với cuộc sống.

Các con thân mến,

Mục đích của ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) là để cám ơn Thượng Đế đã ban phước lành trong năm cho chúng ta.  Đây cũng là dịp nhớ về quá khứ của quê hương, của cả dân tộc, của gia đình và của bản thân mình để cám ơn đất nước, quê hương, con người, xã hội và gia đình đã cho chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp trong năm qua.  Do đó ngày lễ Thanksgiving Day thường mang tính cách của việc đoàn tụ gia đình với bữa ăn nấu bằng gà tây (turkey) rất thịnh soạn và ấm cúng.  Ngày lễ này cũng là dịp để người ta suy tư về niềm tin tôn giáo và dành thì giờ và dâng lời cầu nguyện.

Các con thương, chúng ta là cũng thuộc những nhóm di dân cùng đến nước Mỹ, nhưng không giống những di dân khác tìm đường sang Mỹ với phần lớn vì lý do kinh tế.  Người Việt chúng ta ra đi khỏi nước để tìm tự do vì không thể sống được dưới chế độ độc tài – độc Đảng và dòng họ trị, không tự do, phi dân chủ.  Một chính quyền đã quay lưng lại đàn áp và bóp nghẹt dân tộc, và những người đấu tranh cho dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ chỉ vì quyền lợi và ích kỷ riêng mà quên đị cội nguồn, công lao và bao xương máu của tiền nhân và dân tộc đã cố công xây dựng cho giang sơn gấm vóc Việt Nam trường tồn qua bao thế hệ.  Các di dân người Việt chúng ta cũng phải hòa đồng với các tục lệ người Mỹ bao gồm cả văn hóa và đa ngôn ngữ; nhưng bao giờ chúng ta cũng mong cảm tạ đất nước này đã cưu mang chúng ta và cho chúng ta nhận biết được tình người và chiều dầy của sự hy sinh.

Các con thương,

Trong tất cả các tập tục để người Việt chúng ta hội nhập vào xã hội Mỹ, có ngày Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ không riêng gì của dân Mỹ, mà chính chúng ta nghĩ là rất quan hệ đến chính mình.  Chúng ta cũng phải tưởng nhớ đến bao hy sinh, bao ân tình của những người đã giúp chúng ta sang định cư nơi đây.  Bỏ qua mọi thành kiến hay chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thật tình chân thành cám ơn đến những bà con thân quyến, những cơ quan thiện nguyện, những tổ chức tôn giáo, những người bạn tốt không bà con dòng họ và những người chưa hề quen biết đã bảo trợ, giúp đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn ban đầu khi mới tới định cư nơi miền đất tự do, trù phú này và cho chúng ta xây dựng lại mái ấm tình người và cuộc đời.  Xin tạ ơn Trời và tạ ơn người đã cho chúng ta biết thế giới này vẫn còn có những tấm lòng bác ái và có những bàn tay nồng ấm tình thân, tình người.

Có người cảm khái với tình đời và sự vô thường của cuộc sống đã viết:
Hoa đẹp .  .  .  .  .  .  Hoa thơm .  .  .  .  .  .  . . Hoa vẫn tàn
Tình nặng .  .  .  .  .  Tình sâu .  .  .  .  .  .  .  .  Tình vẫn tan
Rượu đắng .  .  .  .  . Rượu cay .  .  .  .  .  .  .   Rượu vẫn hết
Người hứa .  .  .  . . . Người thề .  .  .  .  .  .  .  Người vẫn quên
Trăng lên .  .  .  .  .  . Trăng tròn .  .  .  .  .  .  . Trăng lại khuyết
Tuyết rơi .  .  .  .  .  .  Tuyết phủ .  .  .  .  .  .  . Tuyết lại tan
Người đẹp.  .  .  .  .  . Người xấu.  .  .  .  .  .  .  Rồi cũng chết
Người giàu.  .  .  .  .  .Người nghèo .  .  .  .  .   Rồi cũng hết

Vậy tại sao chúng ta không tạ ơn trời và tạ ơn lẫn nhau khi chúng ta còn hơi sức để mà phục vụ, để mà sống trong yêu thương!

“Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy.
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.”
(Cao Bá Quát)

Trong mùa lễ tạ ơn, chúng ta tạ ơn trời và tạ ơn người nhưng không quên nguyện cầu cho nước mẹ Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, và cho nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam biết yêu dân yêu nước, dám nhận rõ sự thật của thảm trạng đói nghèo, bất công, lệ thuộc ngoại bang và chia rẽ giai cấp sâu sắc trong cái xã hội gọi là “Đỉnh cao trí tuệ.”  Đảng của giai cấp công nhân và lao động đã nhẫn tâm bóc lột và đẩy họ vào con đường đói nghèo, không dân chủ tự do… mà có sự đổi mới và cải cách đáng kể khi biết lắng nghe tiếng nói của toàn dân tộc.

Các con thân mến,

Chúng ta cảm thán cho quê hương, dân tộc và nguyện cầu cho giới lãnh đạo Việt Nam biết yêu nước thương dân thật sự, lấy dân làm gốc và luôn làm điều nhân nghĩa thì quốc thái dân an, và trăm họ yên vui chung hưởng thái bình.  Không còn cảnh đói nghèo, bất công.

Chúng ta cũng nguyện cầu cho giới lãnh đạo Việt Nam biết nhận rõ cái sai và dám nhường quyền hành vào trong tay người có tài (không cần phải là Đảng Cộng Sản) nhưng biết thương và lo cho dân thật sự, biết dùng sức mạnh từ cánh tay toàn dân để thanh trừ bọn tham nhũng, bọn hại dân, hại nước và xâm phạm bờ cõi dân tộc, và đừng bao giờ ngủ quên trong u mê là đất nước này chỉ là của Đảng Cộng Sản mà thôi.

Chúng ta luôn cầu nguyện cho mọi người từ ý nghĩa “Thanks Giving” mà biết yêu quí tự do dân chủ, tự do Tôn giáo… đoàn kết và xây dựng xã hội công bằng, và bác ái như các Tiền nhân bao đời đã đem lại cho chúng ta ngày nay.

Thương các con nhiều.
Ngoan Nguyễn

Nguồn: http://www.giadinhnazareth.org/

SỐNG CHỨNG NHÂN

“Tin đạo chứ không tin người có đạo.”  Câu nói này tôi đã nghe nhiều người nói.  Nhưng đáng tiếc không phải là những người ngoại đạo nói mà là những người có đạo nói.  Đa số họ là những người đã lâu năm không tới nhà thờ.  Họ bỏ xưng tội rước lễ.  Họ bỏ đồng đạo.  Họ có đạo nhưng không sống đạo.  Họ mang danh Kitô hữu nhưng lại bảo rằng “đạo tại tâm” nên không thể hiện ra bên ngoài dấu chỉ là người Kitô hữu.  Thế nhưng, họ lại biện minh cho hành động chối đạo của mình là vì chê ghét một ai đó trong đạo.  Họ không đến nhà thờ vì ông A, ông B đã không tốt với họ.  Họ bỏ Chúa vì cha xứ quá khắt khe trong lề luật của Chúa.  Họ không còn xưng tội rước lễ vì bà A, bà B vẫn chứng nào tật ấy có tốt hơn họ đâu?  Họ đòi người khác phải làm chứng cho họ còn bản thân họ thì lại không chịu làm chứng cho tin mừng.  Họ đòi người khác sống tốt còn bản thân họ thì lại nuôi thù oán.  Họ đòi người khác phải bác ái yêu thương còn bản thân họ thì cô lập một mình không gắn bó với giáo xứ.  Họ chính là những cỏ dại đang làm mất đi vẻ đẹp của cánh đồng lúa Giáo hội Chúa Kitô.  Họ chính là những người có đạo nhưng không đáng tin vì tính cố chấp, nuôi thù hận mà bỏ Chúa, bỏ anh em.

Các thánh Tử đạo Việt Nam năm xưa đã lãnh nhận cái chết tử đạo nhiều khi cũng bởi chính những con người mang danh Kitô hữu nhưng đã không còn sống men tin mừng.  Họ đã tố giác anh em vì một chút bổng lộc.  Họ đã bán đứng anh em vì cố chấp trong tội lỗi.  Như trường hợp thánh An-rê Kim Thông, ngài đã bị tố giác bởi chính người cháu tội lỗi, ngang ngược.  Ngài đã từng nhắc nhở người cháu sửa đổi nhưng chứng nào tật ấy.  Hắn đã không sửa đổi mà còn tố giác ngài để cầu vinh.

zzTrường hợp Thánh Phaolô Hạnh cũng thế.  Ngài là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết những tay anh chị trong giới giang hồ tại chợ Quán.  Một lần, chứng kiến một phụ nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc.  Thánh nhân bỗng xúc động ra tay can thiệp, làm áp lực buộc chúng trả lại tất cả những gì đã lấy của nạn nhân.  Vì hành động nghĩa hiệp này, thánh nhân phải trả giá: họ tố cáo ngài ngoài tội là Kitô hữu, còn tiếp tay với quân đội Pháp.  Thánh nhân bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm quyết tại Chí Hoà ngày 28-5-1859.

Trường hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan còn đáng thương và cảm động hơn.  Có hai tên tội phạm đang chờ xét xử.  Họ bàn tính với nhau đến bắt Cha Loan để lập công chuộc tội.  Thế là họ đang tâm nộp Cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ phải đưa Cha về Thăng Long.  Sau cùng, ngày 5-6-1840, Thánh Luca Loan bị chém đầu.

Điểm chung của các thánh Tử Đạo chính là can đảm đón nhận thập giá Chúa gửi đến mà không oán hận kẻ làm hại mình.  Các ngài đã vui nhận hy lễ thập giá vì yêu mến Chúa Kitô.  Các ngài luôn xác tín rằng: những đau khổ đời này không đáng gì so với vinh quang bất diệt mai sau.  Các ngài dầu có chịu khổ hình trong giây lát nhưng được sống lại vinh quang muôn đời.  Đó là điều mà thánh Đaminh Hạnh đã xác tín, khi mà quan triều đình nói với ngài: “Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo, được tha về, ông cứ làm như thế tôi sẽ tha cho ông.”  Nhưng thánh Đaminh Hạnh bình tĩnh trả lời: “Kẻ trung thành với Chúa, khi chết sẽ được lên thiên đàng.”

Mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam là dịp nhắc nhở chúng ta hãy sống thể hiện niềm tin trung kiên của mình trong mọi tình huống.  Đừng vì một chút cỏ dại lấn át mà chán nản bỏ đạo.  Đừng vì một chút giận hờn mà thù hận cả niềm tin của mình.  Đừng chối đạo vì ghét ai đó, hay đánh mất niềm tin vì bên trong Giáo hội vẫn có cỏ lùng xen lẫn.  Và nhất là đừng bán đứng anh em để cầu vinh.

Ngày nay chúng ta không còn những bạo chúa bách đạo bằng gươm đao súng đạn, nhưng đề sống niềm tin đòi hỏi chúng ta phải chiến thắng chính mình.  Không ai bắt chúng ta bỏ đạo nhưng vẫn còn đó những người bỏ đạo vì chức vụ trần gian, vì lười biếng ham chơi, vì đam mê trụy lạc.  Không ai ngăn cản chúng ta thực hành đạo nhưng vẫn còn đó những người luôn nuôi dưỡng hận thù, luôn bất mãn với tha nhân nên đã sống thiếu yêu thương trong lời nói và việc làm.  Không ai dụ dỗ chúng ta bỏ đạo nhưng nhiều người đã lao vào những con đường tội lỗi, những quan hệ bất chính nên đã không còn xứng đáng mang danh là Kitô hữu.

Quả thực, ngày nay không cần những cuộc bắt đạo những vẫn có hàng ngàn người bỏ đạo vì những danh lợi thú trần gian.  Ngày nay không ai bắt chúng ta bước qua thập giá nhưng vẫn còn đó nhiều người vì danh lợi thú đã tự tháo bỏ thập giá khỏi bàn thờ gia đình, khỏi cuộc sống của mình.  Họ đích thực là loại người mà nhân loại kết án “tin đạo chứ không tin người có đạo”, vì lẽ họ không còn sống niềm tin của mình.

Lạy các thánh Tử đạo Việt Nam, là cha ông chúng con.  Xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, biết noi gương các ngài để thể hiện niềm tin trung kiên của mình trước những cám dỗ lợi lộc của thế gian.  Xin giúp chúng con biết thể hiện niềm tin của mình qua đời sống thánh thiện, bác ái yêu thương.  Amen.

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

 

VƯƠNG QUỐC ĐỨC KITÔ

zzNghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người thắc mắc: Giáo Hội có nhầm không?  Ngày lễ Chúa làm Vua mà lại đọc bài tường thuật cái chết tủi nhục của Chúa.  Thật khó hiểu.

Ta không hiểu, vì trí ta luôn vẽ ra hình ảnh một ông Vua theo kiểu trần gian.  Trong khi Chúa Giêsu đã cho biết: “Nước tôi không thuộc trần gian này” (Ga 18,36).  Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy ba tính cách của Vương quốc Đức Kitô.

Đó là Vương quốc của lòng hiếu thảo.  Thiên Chúa muốn thiết lập Vương quốc này ngay từ buổi sơ khai.  Nhưng ma quỷ phá hoại bằng cách xúi giục con người chống lại Thiên Chúa.  Chúa Giêsu xuống thế để tái lập mối liên hệ Cha-Con giữa Thiên Chúa với loài người.  Người đã sống như một người Con Hiếu Thảo của Đức Chúa Cha.  Sống kết hiệp với Đức Chúa Cha.  Trong Phúc Âm, lời đầu tiên Người nói là nói về Đức Chúa Cha: “Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con ư?” (Lc 2,49).  Lời cuối cùng của Người cũng hướng về Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).  Trọn cuộc đời Người luôn thi hành thánh ý Cha, cho dù có những lúc phải đổ mồ hôi máu mới bỏ được ý riêng mình.  Người đã sống đến cùng tâm tình của người con hiếu thảo.  Trên thập giá, Người đã hoàn tất việc thiết lập Vương quốc ban đầu theo ý định của Thiên Chúa; quy tụ những người con hiếu thảo trong nhà Cha trên trời.

Đó là Vương quốc của sự tự do.  Con người rời xa Thiên Chúa rơi vào vòng tay ma quỷ.  Ma quỷ trói buộc con người bằng những sợi dây nô lệ: nô lệ cho danh vọng, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho thú tính.  Đức Giêsu xuống trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ ma quỷ.  Người cứu con người khỏi mọi thứ sợ hãi.  Người giải phóng ta khỏi mọi áp lực, mọi mặc cảm.  Trọn đời Người nêu gương một đời sống tự do.  Thoát khỏi sự ràng buộc của của cải vật chất, Người sống như một người nghèo: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không có hòn đá gối đầu” (Mt 8,20).  Người đã chống lại những cơn cám dỗ về quyền lực từ ngày đầu tiên trong sa mạc cho đến phút cuối đời trên thập giá: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy biến đá thành bánh mà ăn” (Mt 4,3).  “Nếu Ông là Đức Kitô, hãy xuống khỏi thập giá, chúng tôi sẽ tin”.  Rất tự do, Người đã đi vào cái chết.  Chính khi bị treo trên thập giá, thân trần trụi, mất hết mọi uy tín, danh dự, Người đã phá tung hết mọi thứ xiềng xích nô lệ, khai mạc một triều đại tự do cho con người.

Đó là Vương quốc của tình yêu.  Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu.  Rao giảng, thi ân, tha thứ.  Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người.  Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù.  Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời.  Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù.  Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha.  Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại.  Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.

Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng.  Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo.  Chiến thắng của sự tự do nội tâm.  Chiến thắng của tình yêu.  Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua.  Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.

Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người.  Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương.  Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Vua của tâm hồn con, xin nhận con vào Vương quốc của Người.  Amen.

ĐTGM.  Ngô Quang Kiệt

CÓ HỎA NGỤC HAY KHÔNG?

zzỞ Âu Châu, tháng mười một là một tháng u buồn ảm đạm nhất trong năm: Khí trời mới vào đông tuy chưa có tuyết rơi, nhưng rất lạnh lẽo giá buốt, sương mù dăng dăng dầy đặc và những làn mưa phùn bay phất phơ trong từng cơn gió lạnh, làm thấm ướt cả áo măng-tô của các khách bộ hành qua lại trên phố xá.  Và cũng chính tháng mười một đã được Giáo Hội chọn làm Tháng Các Linh Hồn, nghĩa là thời gian dùng để kính nhớ và cầu nguyện cho các người đã quá cố.

Hành động đó đã minh nhiên chứng minh rằng chết không phải là hết, nhưng sau khi chết con người còn tiếp tục sống và sống một cuộc sống vĩnh cửu.  Nhưng ở đây một câu hỏi được đặt ra là sau khi từ bỏ cõi đời này, chỉ có Thiên Đàng là nơi vĩnh cửu duy nhất sẽ đón nhận các người đã quá cố hoặc còn có nơi nào khác nữa, hay nói rõ hơn, có hỏa ngục hay không?
Theo tâm lý tự nhiên ngày nay, đa số người đương thời có khuynh hướng muốn được yên thân sống thoải mái dễ dãi, chứ không muốn nhắc đến luân lý, đạo đức hay tội lỗi nữa.  Vì thế họ cũng không muốn đề cập tới vấn đề hỏa ngục, nếu không nói là họ phủ nhận sự hiện hữu của hỏa ngục.

Nhưng ít nhất vẫn còn có Sting, tên thật là Gordon Summer (1951), một ca sĩ nhạc Rock nổi tiếng người Anh, luôn tin có hỏa ngục, một nơi có mặt của mọi thành phần xã hội: từ các quan tòa, các luật sư, các Hồng Y, Giám Mục, các nhạc sĩ, các ca sĩ, v.v…  Trong một bài hát thuộc loại nhạc kích động với tựa đề bằng tiếng Anh: “Saint Augustine in Hell” (Thánh Augustinô ở trong hỏa ngục), Sting đã hát: “They’re all here, You’re not alone” (Tất cả họ đều có mặt ở đây.  Chứ không phải một mình anh đâu).  Bài hát đề cập tới việc vị thánh nhân đã ra sức vất vả chống lại sự cám dỗ về đức trong sạch khi phải đứng trước một người phụ nữ nhan sắc đầy quyến rũ.

Thật cả là một hiện tượng quá ngạc nhiên, hoàn toàn vượt quan niệm thường tình: Trong hỏa ngục cũng có cả sự hiện diện của những bậc vị vọng, những người khi còn sống đã từng đóng vai trò người bảo vệ luân lý, đạo đức và công bằng, và theo sự phán đoán bình thường nhân loại, thì họ là những người sau khi chết sẽ được bay thẳng về Thiên Đàng.  Còn hỏa ngục là nơi chỉ dành cho những kẻ đã phạm những tội ác nặng nề chống lại nhân loại như: Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Nero, Giu-đa, Napoléon, hay những bọn khủng bố, những kẻ giết người như ngóe, bọn phản bội hại người hay những kẻ cực đoan đã gây nên bao tang thương đau khổ và chết chóc cho hàng triệu người vô tội, tiêu hủy cả một nền văn hóa của nhân loại, và không ngừng gieo rắc hận thù, ghen ghét trên khắp thế giới.

Cái hố sâu trong hỏa ngục

Vâng, theo quan niệm đại chúng thì những kẻ đã gây nên những tội ác như thế cần phải được trừng phạt một cách đích đáng, và – dựa theo luật công bằng – sự trừng phạt đó có thể vượt sang cả bên kia thế giới vĩnh cửu nữa.

Tuy nhiên, trong cuộc sống cụ thể, người ta thường dùng danh từ “hỏa ngục” như một cách so sánh hay có tính cách ẩn dụ, để ám chỉ những khó khăn to nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.  Ví dụ: Trong một chuyến đi nghỉ hè xa mà phải ngồi chờ cả ngày tại phi trường hay tại nhà ga xe lửa, hết ngồi rồi lại đứng, bởi vì máy bay hay tàu bị trục trặc hay vì một sự cố nào đó xảy ra, nên phải hủy chuyến bay hoặc phải đến trễ; khi khởi công xây nhà mà trời cứ mưa tầm tã cả ngày; khi con cái và mọi người trong nhà đau ốm liên miên, nhưng tiền dành dụm lại không còn, vay mượn thì không ai cho; hay cảnh phải lam lũ vất vả cả ngày mà kiếm không đủ cơm nuôi gia đình; nhất là khi cuộc sống trong gia đình hoàn toàn thiếu đầm ấm, bất hạnh phúc, vợ chồng lục đục bất hòa với nhau suốt ngày v.v…  Bấy giờ đó quả là “hỏa ngục!” và người ta mới cảm nhận được sự đau đớn và thất vọng chua xót trong lòng trước niềm khao khát được cơm no áo ấm, được một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.

Nhưng cả khi phải đối mặt với những thử thách và khó khăn vất vả như thế, người ta cũng chưa hẳn tin hỏa ngục như là một nơi có thực.  Trái lại, người ta đã tương đối hóa hỏa ngục và sử dụng nó như một kiểu chơi chữ, như một nơi giả tưởng để diễn tả một sự chịu đựng đắng cay nào đó mà thôi.  Đó chính là điều mà các nhà tâm lý học, triết gia và văn họa sĩ của thế ký XX vừa qua đã làm, và quan điểm đó của họ đã để lại một ảnh hưởng sâu rộng trong ngôn ngữ cũng như trong tư tưởng của các tầng lớp xã hội.

Quả vậy, nhà phân tâm học Sigmund Freud và giáo sư tâm lý học C.G. Jung đã diễn tả ý niệm “hỏa ngục” chỉ còn như là cái vực sâu thẳm nhất của nội tâm con người; còn trong cuốn tiểu thuyết nổi danh “Doctor Faustus” của ông, văn hào Thomas Mann đã coi “hỏa ngục” như là biểu hiệu cho sự man rợ ghê tởm, xảy ra dưới chế độ diệt chủng Đức Quốc Xã; trong khi đó, triết gia Jean-Paul Sartre – bằng một hình thức hiện sinh nhẹ nhàng – lại cho thấy rằng “hỏa ngục” luôn luôn là “những người khác.”  Hỏa ngục được coi như một nơi hoàn toàn và tuyệt đối không có sự hiện diện của Thiên Chúa, dù một lời nói hay một dấu hiệu cũng hoàn toàn không.

Tuy nhiên, điều đó không luôn luôn như vậy.  Đặc biệt nhất là các bức hình thời trung cổ trình bày về ngày Phán Xét Chung – mà ngày nay người ta còn tìm thấy trên trần các nhà thờ chánh tòa và vương cung thánh đường cổ hay trong bản văn Sách Khải Huyền của thánh Gioan tông đồ – đã vẽ lên một cách rõ ràng và đầy ấn tượng tình trạng của những kẻ bị kết án trầm luân trong hỏa ngục.  Trong khi đó, chữ “hỏa ngục” trong tiếng Do-thái là “Ge hinnom”, hoàn toàn chỉ có nghĩa là vùng thống trị của ma quỷ mà thôi; khác với chữ “âm phủ” (nước của những kẻ chết) mà trong tiếng Do-thái là “Scheol” và cũng khác với các quan niệm Hy Lạp thời thượng cổ về nước của kẻ chết, tức thế giới của tối tăm.

Những trình bày về hỏa ngục chỉ muốn nhắm cảnh giác và làm cho người xem động lòng lo sợ, hầu họ biết ăn năn sám hối và cải thiện cuộc sống, dựa trên ý nghĩa Kinh Thánh và những lời dạy của Chúa Cứu Thế, ví dụ: “Thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời.  Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục.” (Mt 18,8-9)

Trong vùng ảnh hưởng nền văn hóa Tây phương nói chung, những hình ảnh trình bày về hỏa ngục hay những suy diễn tưởng tượng về hỏa ngục rất đa dạng.  Vâng, có khi hỏa ngục được coi như một nơi của thù oán; có khi lại được coi như một lò lửa cháy bừng bừng đến vô tận; và nhiều khi còn được coi như núi hỏa ngục.  Trong cuốn tiểu thuyết nổi danh “La Divina Commedia” của ông, Dante Alighieri (1265-1321), một thi hào người Ý, còn trình bày hỏa ngục như một cái hố sâu mà Satan đã gây ra khi y bị rơi từ Thiên đàng xuống.

Còn các danh họa Kitô giáo, như Hieronymus Bosch (1450-1516), Peter Paul Rubens (1577-1640), Sandro Botticelli (1445-1510), hay Michelangelo (1475-1564), đều trình bày hỏa ngục như chặng đường cuối cùng của cuộc sống con người, chứ không còn là nơi thanh luyện hay cải hóa nữa.  Và có lẽ đó cũng là quan niệm chung của các nền văn hóa và các tôn giáo khác.

Điều đó cũng nói lên rằng các danh họa Kitô giáo trên đã luôn luôn trung thành với các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội.  Bởi vì dựa theo lời Đức Giêsu trong Phúc Âm, nhiều thánh Giáo phụ từ thế kỷ I cho tới thế kỷ III, ví dụ như Clemens de Rom, Irenée de Lyon, đã khẳng định rằng người ta không được phép đùa giỡn với một cuộc sống bên kia biên giới sự chết được, vì đó là một sự thật minh nhiên.  Và sau cái chết chỉ còn lại hai nơi cư ngụ duy nhất cho con người: Hoặc Thiên đàng hoặc hỏa ngục, có lẽ tạm thời còn có một nơi tạm trú thứ ba, đó là Lửa Luyện Tội.  Ngoài những chỗ đó ra, tuyệt đối không còn bất cứ nơi chốn nào khác nữa.

Thế nhưng, bỗng nhiên Origênê (185-254), thuộc hàng Giáo phụ, lại giới thiệu một suy tư thần học mới: Thuyết “Apocatastase” – sự cứu vớt muôn loài muôn vật.  Origênê cho rằng sau cuộc sống đời này, tất cả mọi tạo vật đều được trở về cùng Thiên Chúa Tạo Hóa, còn hỏa ngục hoàn toàn trống rỗng.  Đó quả là một quan điểm có thể được coi là hấp dẫn, mang tính cách nhân bản và tiến bộ.  Vì thế, nhiều Giáo phụ thuộc thế kỷ IV và thế kỷ V, như Gregoire de Nyssan đã chấp nhận thuyết đó.

Nhưng thuyết Apocatastase của Origênê chỉ kéo dài đến năm 553 thì hoàn toàn chấm dứt.  Công đồng đại kết Constantinople II đã tuyên cáo: “Nếu ai nói hay nghĩ rằng hình phạt dành cho ma quỷ và những kẻ vô đạo chỉ có tính cách tạm thời và trong một lúc nào đó sẽ được chấm dứt hay sẽ có sự hồi phục lại cho ma quỷ và những kẻ vô đạo, thì bị dứt phép thông công.”

Lời khẳng định: Từ hỏa ngục không hề có con đường nào dẫn tới cùng Thiên Chúa, là một quan điểm trải qua bao thế kỷ đã được chứng thực bởi các thị kiến của nhiều vị thần bí, như Anna Catharina Emmerick, Anna Schäfer hay chân phước Padre Piô, v.v… và trên nguyên tắc, mãi cho tới nay Giáo Hội vẫn không chối bỏ.  Trái lại, trong cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (SGLHTCG), được phát hành năm 2005, còn được xác định: “Giáo Hội dạy rằng có hỏa ngục và án phạt đời đời.  Sau khi chết, linh hồn kẻ còn mang tội trọng sẽ xuống hỏa ngục chịu cực hình ‘lửa đời đời’” (SGLHTCG phần 1, đoạn 2, chương 3, mục 12, số 1035).  Chính Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong cuốn sách mới nhất của Người “Chúa Giêsu thành Na-da-rét” cũng đã xác nhận rằng có hỏa ngục, và là một nỡi vĩnh viễn dành cho những ai chối từ tình yêu Đức Kitô.

Án phạt đời đời

Tuy nhiên, ở đây người ta cũng có thể chân thành nêu lên câu hỏi: Ngày nay còn có bao nhiêu người và bao nhiêu cơ quan đoàn thể trong Giáo Hội thực sự coi trọng những phát biểu đó nữa?  Trong thời đại ngày nay, ai còn đầy xác tín nói về hoả ngục và về án phạt đời đời?  Và nếu trường hợp có người còn can đảm dám làm chuyện đó, thì anh ta sẽ quả quyết thế nào về hỏa ngục: là một nơi chốn, một tình trạng hay chỉ là một cảm giác?

Thế hệ của những nhà thần học cũng như những vị giáo phẩm trong Giáo Hội ngày nay, xem ra có một sự đồng thuận cho rằng, hỏa ngục không phải là một nơi chốn dành để trừng phạt những kẻ có tội với các đau khổ thể xác, nhưng là một điều có tính cách trừu tượng, hay nói đúng hơn, đó là sự “xa lìa Thiên Chúa”, như chính ĐTC Gioan Phaolô II khi sinh thời cũng đã từng phát biểu.  Nhưng nói chung, tất cả những nhà thần học này đều trung thành với giáo huấn của Giáo Hội về hỏa ngục.

Nhưng bên cạnh đó còn có những nhà thần học khác đã tìm cách dựa theo khoa chú giải Kinh Thánh có tính cách phê bình sử quan, để đưa ra một con đường trung dung khác, thay vì quan điểm “sự cứu rỗi cho muôn loài muôn vật” và “sự hiện hữu của hỏa ngục”.  Theo quan điểm thứ ba này thì hỏa ngục hiện hữu thực sự và như một “khả hữu thực tiễn” (Karl Rahner).  Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ có một linh hồn nào đó sẽ bị lạc đường sa vào chỗ ấy, bởi lẽ tình yêu và lòng từ bi của Thiên Chúa thì bao la vô tận.

Sự chia lìa vĩnh cửu với Thiên Chúa

Đặc biệt tại đa số các cộng đoàn Kitô giáo thuộc vùng lãnh thổ nói tiếng Đức, xem ra người ta có khuynh hướng chọn lối cắt nghĩa thứ hai.  Các giáo sĩ ngày nay ít đề cập đến hỏa ngục trong các bài giảng của mình, vì họ thường quan niệm rằng: trong vấn đề tín ngưỡng, nên tôn trọng sự tự do chọn lựa của con người, hay nói rõ hơn, nên để giáo dân tự do sống đạo theo sự ý thức của họ, chứ không nên giữ đạo vì do sợ hãi khỏi phải xuống hỏa ngục.  Phải chăng đây là một quan niệm hoàn toàn đúng đắn?

Một điều không thể phủ nhận được là quan niệm trên đã từ từ làm cho người ta quên đi sự nguy hiểm về cuộc sống xa lìa vĩnh cửu với Thiên Chúa, nguồn sống và nguồn mọi hạnh phúc của con người.  Đồng thời nó cũng dẫn tới một hậu quả khác nữa, đó là khuynh hướng tương đối hóa tội lỗi, nghĩa là chỉ có tội nhẹ, chứ không còn có tội trọng nữa; và điều đó cũng muốn nói rằng con người không còn nguy hiểm sợ mất sự sống vĩnh cửu nữa.

Hay sự im lặng không muốn đề cập tới hỏa ngục như thế còn có những lý do khác nữa?  Phải chăng sự im lặng đó còn nhắm tránh cho người tín hữu mặc cảm tội lỗi, bởi vì trong nhiều thế kỷ qua, các bài giảng về hỏa ngục đã làm cho các tín hữu đâm ra áy náy sợ hãi, vì lo mất linh hồn?  Hoặc: phải chăng vì do những lý do quyền lực, kinh tế hay chính trị, v.v… mà người ta đã từng làm cho cuộc sống tâm linh của các tín hữu trở thành lệ thuộc và mất tự do, khi trình bày cho họ hình ảnh về hỏa ngục?

Nếu sự thể thực sự là như vậy, thì cần thiết phải tìm cách giải quyết ngay cái mặc cảm phiền phức đó. Nhưng phải chăng để làm cho công cuộc Phúc Âm hóa của Giáo Hội, mà Đức Gioan Phaolô II cũng như Đức Bênêđíctô XVI đã khởi động và cổ vũ, trở nên khả tín và khả thi, nếu khi người ta trình bày công cuộc Cứu Rỗi của Đức Kitô và viễn tượng về Nước Trời, tuyệt đối không được đả động tới những thực tại ngược lại, hay nói rõ hơn, không được đề cập tới hỏa ngục?

Nếu sứ mệnh của Giáo Hội không chỉ dừng lại nơi những hoạt động thiêng liêng và từ thiện được dành cho mọi tầng lớp xã hội như các đoàn thể từ thiện khác vẫn làm, thì Giáo Hội cần phải tái khám phá ra sự hiện hữu của hỏa ngục như một biểu hiệu sự công bằng của Thiên Chúa, chứ không phải như một dụng cụ để hành hạ hay trả thù.  Vâng, mặc dù nói đến hỏa ngục là một điều ít ai muốn nghe, nhưng sự hiện diện của hỏa ngục cũng góp phần vào việc sống trọn tinh thần Phúc Âm.

Lm Nguyễn Hữu Thy

CHẾT

zzCổ nhân ta nói: “Sinh kí tử quy”, sống là tạm gửi, chết mới là về.  Ðó là một nhân sinh quan, và cái nhân sinh quan ấy chi phối đời sống người ta, đến độ có nhiều người nói rằng “sống là chuẩn bị cho cái chết.”

Từ quan niệm ấy, người Việt Nam hình như không sợ hãi khi đối diện với cái chết.  Những cụ già xây sẵn phần mộ, mua sắm sẵn cỗ áo quan, ra vào vuốt ve ngắm nghía nó như ngắm một vật thân quí, đôi khi vào nằm thử một cách bình tĩnh.  Các cụ còn định sẵn cả chương trình cho đám tang của mình, phải tổ chức ra sao, nghi thức thế nào.  Thật đúng là sự chuẩn bị cho một cuộc trở về.

Ðó mới chỉ là những cái bên ngoài biểu lộ quan niệm “sinh kí tử quy”.  Một cách sâu xa hơn, người ta chuẩn bị cho chuyến trở về bằng cả một cuộc sống của mình.  Ðể cho cuộc trở về tốt đẹp, người ta sống tốt đẹp, cư xử tử tế với mọi người, tạo phúc đức để lại cho con cháu, trả sạch nợ nần để không phải vướng mắc với ai, không tạo ra những ác nghiệp v.v…  Thực hiện được những điều đó, người ta thanh thản trở về thế giới bên kia.

“Sinh kí tử quy.” Sống là tạm gửi, chết mới là về.  Nhưng về đâu?  Ðó là vấn đề.  Có phải là về với lòng đất?  Có phải là về với hư không?  Có phải là về với tổ tiên?  Hay là về chốn bồng lai tiên cảnh?…  Ðiều đó tùy thuộc quan niệm và niềm tin của từng người.  Người Công giáo chúng ta tin rằng con người có linh hồn bất tử, và khi chết, linh hồn của mình sẽ về cùng Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên mình.  Thiên Chúa là nguồn cội.  Từ Thiên Chúa, có muôn loài muôn vật, có chính mình.  Bởi thế, chết là một cuộc “lá rụng về cội” lớn lao nhất, quan trọng nhất.

“Lá rụng về cội”.  Ðó có thể coi như một nguyên tắc, một lẽ đương nhiên?  Thật ra không hẳn thế.  Quan sát sự kiện thực tế ngoài đời, ta sẽ biết ngay: có chiếc lá khi rụng, chao đi vài vòng, rồi nhẹ nhàng đặt mình dưới gốc cây.  Nhưng cũng có những chiếc lá vừa lìa khỏi cành đã bị trận bão loạn gió cuồng cuốn bay đi xa lắc.  Lá rụng, nhưng lá không về cội.

Ðời người ta cũng như những chiếc lá.  Như lá được sinh ra và nuôi dưỡng từ chất nhựa từ cội là gốc rễ đưa lên thế nào, con người cũng được sinh ra, lớn lên, sinh hoạt trong dòng đời, từ chính cội nguồn của sự sống là Thiên Chúa như thế.  Cái chết của con người cũng giống như chiếc lá lìa cành.  Về với Thiên Chúa cũng như “lá rụng về cội”.  Nhưng lá rụng chưa chắc đã về cội thì con người khi chết cũng chưa hẳn sẽ được về cùng Thiên Chúa.  Về được với Chúa hay không, cái đó tùy ở cách sống của mình, tùy ở chính mình.

Có người ví cuộc hành trình về với Chúa, hay nói khác đi là về Thiên Ðàng, là một chuyến đường.  Người đi phải tập làm quen với con đường, hay nói khác đi là phải đi lại nhiều lần trước khi ra đi để về thật.  Nếu không quen đường thuộc lối, rất có thể người ta sẽ đi lạc, và như thế chẳng về được nhà.

Con đường về với Chúa là con đường gì?  Ðó là đường Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.  Và Thiên Ðàng là nơi gồm toàn những người biết yêu Chúa và yêu nhau.  Như thế, làm quen với con đường về Thiên Ðàng cũng có nghĩa là tập sống yêu thương.  Yêu Chúa và yêu người.

Yêu Chúa thì dễ, vì Chúa là Ðấng trọn hảo và rất đáng kính yêu.  Chúa không làm cho mình khổ, Chúa không gây ra những rắc rối cho đời mình.  Chúa lại yêu mình hết mực.  Tuy nhiên, yêu Chúa “khơi khơi” thì dễ, chứ yêu đến nơi đến chốn, yêu với tất cả linh hồn và trí khôn, yêu đến độ sẵn sàng sống chết vì Chúa…  điều ấy chưa chắc đã dễ.

Yêu người khó hơn nhiều lắm.  Vì đã là người thì có khuyết điểm.  Người ta dễ làm cho mình đau khổ, cũng gây cho mình rất nhiều điều rắc rối.  Rất nhiều khi người ta không yêu mình, trái lại còn ghen ghét, thù hận mình nữa.  Người ta như vậy đó, thế mà mình phải yêu, để làm quen được với cái đường đi về Thiên Ðàng kia.

Nói cho cùng, cuộc sống làm nên ý nghĩa của sự chết.  Cuộc sống quyết định cho đích điểm của một chuyến đi.  Chuyến đi xa nhất, quan trọng nhất của đời người.  Ðây cũng là chuyến đi cô đơn nhất, vì không có ai đồng hành với ta.

Sống Yêu Thương, yêu Chúa và yêu người thật lòng, ta sẽ về được với Ðấng chính là Tình Yêu.  Sống không yêu thương, đường đi của ta sẽ ngược chiều, và ta khó lòng gặp được Thiên Chúa Tình Yêu.  Ðó là nỗi bất hạnh lớn lao nhất, nỗi cơ cực kinh khủng nhất.  Bởi vì hạnh phúc thật của con người, nói cho cùng, là về được, hòa nhập được với chính cội nguồn nơi mình đã xuất phát: Thiên Chúa.  Hòa nhập được với Thiên Chúa, Ðông phương gọi là hòa hợp cùng Ðại Ngã, còn chúng ta gọi là được về nước Thiên Ðàng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Còn nỗi cô đơn.  Ai mà chẳng sợ cô đơn.  Muốn tránh cô đơn, chỉ còn cách kết bạn và mời bạn làm kẻ đồng hành.  Nhưng bạn nào đồng hành được với ta trên đường về, mà khởi đầu là cái chết phần thân xác?  Chỉ có một “người” thôi, đó chính là Thiên Chúa.  Hạnh phúc cho ai, trên đường về có chính Thiên Chúa làm bạn đồng hành.  Trong tình bạn, cần có thời gian.  Bạn thân để có thể đồng hành lại càng cần thời gian dài hơn nữa.  Như thế, trong cuộc sống trần gian, nếu ta đã không từng quen với Chúa, thân với Chúa, chia sẻ với Chúa, thì khi ta chết, làm sao ta có được Chúa làm người bạn đồng hành trên đường về?

“Sinh kí tử quy”, “Lá rụng về cội.”  Ðó thật là những tư tưởng đẹp và thâm sâu.  Ðể hiểu được vẻ đẹp và sự thâm sâu đó, không phải một sớm một chiều.  Giá ta phải trả để hiểu được nó và áp dụng nó là cả một cuộc đời, với nỗ lực và với yêu thương.

Quyên Di

GIỮ LINH HỒN

zz“Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con.”

Vào khoảng năm 538 trước Công nguyên, sau khi được Hoàng đế Ba tư là Kyrô ban sắc chỉ ân xá, con cái Israen rời đất lưu đày Balylon, tiến về thánh điện, khởi công tái thiết quê hương xứ sở giữa muôn vàn gian nan khốn khó.

Đứng trước cảnh đổ nát hoang tàn của đền thờ, đất đai bị ngoại bang lấn chiếm, tinh thần của dân Do thái hồi hương không khỏi lao đao.  May nhờ có sự hổ trợ của Ezra và Nêhêmia là hai người giàu có, thế lực dưới triều vua Artaxerxes, dân Israen đã xây lại được một phần nhỏ đền thờ Giêrusalem và thánh hiến nó vào khoảng năm 516 trước Công nguyên (BC).

Thế nhưng, chưa hưởng trọn niềm vui tự trị và tự do, người Do thái lại bị các quốc gia hùng mạnh như Ai cập và Hy lạp quấy phá.  Đến năm 169 BC, người Xyria do vua Anticô II dẫn đầu, đã tiến vào đánh chiếm cướp phá đền thờ.  Một lần nữa đền thánh Giêrusalem lại rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát.

Mãi đến năm 63 trước Công nguyên, sau khi người Rôma chiếm đóng Palestine và đặt Hêrôđê làm quan tổng trấn cai trị vùng đất Giuđê, đền thờ mới được tái thiết nguy nga và được thánh hiến vào năm 19 BC.

Biết bao cẩm thạch, vàng bạc, gỗ quí, và công sức được đổ ra cho việc xây cất một đền thờ lộng lẫy, làm nên niềm tự hào và sức sống của cả dân tộc Israen.  Trong cuốn sách “Những Cuộc Chiến của Người Do Thái”, sử gia Josephus đã mô tả về “niềm tự hào” đó như sau: “Mặt tiền của Đền thờ đủ làm choáng ngợp tâm trí và đôi mắt người ta.  Nó được bọc bằng những miếng vàng lớn.  Khi ánh thiều dương vừa tỏa sáng ở chân trời, thì cả đền thờ rực lên bởi những tia sáng phản chiếu, khiến những ai muốn nhìn thẳng vào đó cũng bị lóa mắt, đến nỗi họ phải quay đi.  Đối với khách lạ, thì từ đàng xa, Đền thờ nổi bật lên như một núi tuyết trắng xóa.  Không có phần nào mà không được chạm trổ hay bọc vàng.”

Đứng trên núi Cây Dầu nhìn xuống đền thờ rực rỡ trong ánh nắng huy hoàng, các môn đệ không khỏi buông lời trầm trồ khen ngợi.  Nhưng, thay vì hòa điệu với những rung cảm trước vẻ hoa lệ của Đền thờ, Đức Giêsu lại tiên báo về một sự sụp đổ không tránh khỏi.  Những gì thế gian cho là vững chắc và xinh đẹp chỉ là những thứ mỏng dòn và tạm bợ.  Tất cả sẽ bị tàn phá.  Ngay như công trình và “niềm tự hào” của Israen đây cũng sẽ bị sụp đổ, “không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào” (Lc 21:6).  Đức Giêsu đã tiên báo như thế.

Và sự gì đã xảy ra?

Năm 70 sau khi Chúa Giêsu sinh ra, tướng Titô đem đại quân Rôma đến vây hãm thành Giêrusalem.  Dân chúng bị đói khát đến nỗi phải ăn thịt lẫn nhau.  Kẻ nào tìm cách trốn khỏi vòng vây đều bị giết chết.  Tính ra số người bỏ mạng lên đến 1.100.000, và số người bị bắt sau khi thành thất thủ là 97.000.  Đền thờ bị lính Rôma phóng hỏa tan tành.  Tướng Titô chỉ cho chừa lại một mảng tường thành để sau này con cháu Israen đến đó mà than khóc.  Như thế, lời tiên báo của Chúa Giêsu đã ứng nghiệm.

Nhưng sự sụp đổ của thànnh Giêrusalem chỉ là hình bóng của ngày thế tận.  Rồi đây, sẽ chẳng còn thứ gì tồn tại.  Thời gian sẽ hủy diệt tất cả.  Sự sống, sắc đẹp, sức lực, sung sướng…  của cuộc đời này đều mỏng dòn và ngắn ngủi.  Mọi sự đều tiến về cái chết, dù nhanh hay chậm.

Vì thế, thánh Anphong từng nhắc đi nhắc lại: “Chỉ có một việc ta phải lo là việc rỗi linh hồn, vì mỗi người chỉ có một linh hồn mà thôi.” Thánh Phanxicô Saviê cũng nói: “Mỗi người chỉ có một linh hồn.  Nếu được rỗi thì được hưởng thiên đàng, nếu bị mất thì phải sa hỏa ngục.”  Xưa Vua Đavít suy về điều này mà thốt lên lời nguyện cầu: “Tôi chỉ ước trông một điều, đêm ngày tôi khấn xin, là cho tôi được vui sống trong nhà Chúa trọn đời” (Tv 26:4)

Nhưng để được ở trong nhà Chúa, tức là để chiếm được Nước Trời, người ta phải nỗ lực chiến đấu.  Chính Đức Giêsu đã nói: “Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và những kẻ cường bạo chiếm đoạt lấy” (Mt 11:12).  Không gắng công chống trả ba thù, thiếu quyết tâm đi vào cửa hẹp, làm sao có thể tìm được thiên đàng đích thực.

Lạy Chúa, xin trợ lực chúng con chống trả ba thù, kiên vững niềm tin, hầu mai kia được hưởng niềm vui trường sinh trong Nước Chúa.  Amen.

Lm.  Bùi quang Tuấn