LATÊRANÔ VÀ NHỮNG NGÔI ĐỀN THỜ

Kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời, với việc các thánh tông đồ nói riêng, các Kitô hữu đầu tiên nói chung, ra đi truyền bá Tin Mừng, Hội Thánh bắt đầu hiện diện giữa lòng thế giới.  Thay vì đón nhận sự hiện diện ấy, chính quyền đế quốc Rôma bắt đầu nghi kỵ và ác cảm.  Gần 300 năm (từ những năm cuối  thập niên 50 trải dài đến những năm 310), cuộc bắt đạo lần lượt qua mười triều đại hoàng đế (khởi đi từ Nero đến Diokletian).  Thế nhưng, suốt 300 năm ròng rã phải sống chui nhủi trong những hang toại đạo, những hốc đá, rừng rậm… như một thứ “Hội Thánh hầm trú”, vậy mà không một sức mạnh của bạo quyền nào có thể đè bẹp đức tin, tưởng chừng quá non nớt, quá mới mẻ của các Kitô hữu tiên khởi.

zzĐức tin có sức mạnh riêng, có lý lẽ riêng, có sự sống riêng của nó.  Sức mạnh, lý lẽ, cũng như sự sống riêng ấy là một khối tinh thần.  Khối tinh thần ấy không thuộc về lý trí, hay trí tuệ, nhưng thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, một huyền nhiệm của trời cao (chứ không phải của con người).  Đã là sức mạnh của cả một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, làm gì có bất cứ một sức mạnh nào khác có thể vượt qua!

Ngay từ khởi đầu của Hội Thánh, một đức tin xem ra chẳng đáng kể gì về bề dày thời gian, đã có thể lướt thắng mọi trở ngại.  Bởi thế, mãi cho đến hôm nay, đức tin ấy, một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng ấy, đã được tinh luyện hàng ngàn năm, chắc chắn không dễ gì lay chuyển.  Lịch sử vẫn còn đó, như dấu tích, như bằng chứng, hơn nữa như bài học xác đáng cho con người thời đại…

Sau một thời gian quá dài, không sao đổi dời lòng tin của các Kitô hữu, đến năm 313, hoàng đế Constantin ký sắc lệnh Milan công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc Lamã.  Sau thời gian đó, hoàng đế tiếp tục thực hiện một nghĩa cử đáng trân trọng: Ông trao tặng Đức Thánh Cha Miltiad một cung điện lộng lẫy nằm trên đồi Coelius: cung điện Latêranô ngày nay.  Một thời gian không lâu sau đó, Đức Thánh Cha đã cho xây bên cạnh cung điện này một Đại Thánh đường, đó là Đại Thánh đường Latêranô.  Và ngày 9.1.324, Đức Sylvester đã long trọng cung hiến Đại Thánh đường này.

Ngay từ đầu, Thánh Đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế, với tước hiệu Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế.  Thế kỷ XII, nó cũng được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan tông đồ.  Đại thánh đường Latêranô được xem là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”.  Sở dĩ nhà thờ này có một chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội như thế là vì bốn lý do:

  • Đây là ngôi thánh đường đầu tiên được công nhận trong đế quốc.
  • Đây là nhà thờ đầu tiên trước mọi nhà thờ trong Giáo Hội. Một ngôi nhà thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Trong thời gian bị bắt đạo, Hội Thánh không thể xây một ngôi thánh đường nào.  Các thánh lễ và các buổi tụ tập cầu nguyện đều lén lút tổ chức trong các nhà tư, trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh Tử Đạo.  Sau khi được chính quyền công nhận, các tín hữu, từ chỗ lén lút bước vào xã hội công khai, Đại Thánh đường đầu tiên này là nơi duy nhất và sang trọng nhất, để họ dâng kính Thiên Chúa việc thờ tự của mình.
  • Đây là Vương Cung Thánh đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Giáo hoàng.
  • Hội Thánh chính là đền thờ của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu như những viên gạch sống động đắp xây ngôi Đền Thờ Hội Thánh. Vì ý nghĩa lịch sử lớn lao và có cả một bề dày hiện diện giữa lòng Hội Thánh, Đại Vương Cung Thánh đường Latêranô là ngôi Đền Thờ được Hội Thánh chấp nhận như một biểu trưng cho một ngôi Đền Thờ to lớn là chính Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa trao tặng hết tình yêu của Người và ưa thích ngự vào.

Ngoài chính bản thân ngôi Đền thờ Latêranô là Đại Thánh đường cổ xưa nhất, nơi đây còn có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma.  Tại giếng rửa tội này, hàng ngàn tân tòng đã đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong các đêm vọng Phục Sinh.  Cung điện Latêranô còn là nơi hội họp của 250 Công Đồng, trong đó có bốn Công Đồng chung.  Các Đức Giáo hoàng đã cư ngụ tại đây trong hơn 1.000 năm, mãi cho đến thế kỷ XIV, Đức Nicôlas V mới dời Giáo Đô về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô.

Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp… Đền thờ Latêranô phải tái thiết lại nhiều lần.  Ngày 28.4.1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêditô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9.11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô.

Nhưng trong thánh lễ kỷ niệm cung hiến Đền Thờ Latêranô hôm nay, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một lịch sử đã qua đi từ lâu.  Nhưng qua việc tưởng niệm này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng tới sự tôn thờ một Ngôi Đền Thờ sang trọng, lớn lao, chất chứa mọi ngôi đền thờ, và vượt trên mọi ngôi đền thờ, và mọi ngôi đền thờ dù theo nghĩa hiện thực hoặc tinh thần, đều chỉ tìm thấy ý nghĩa của mình nơi Ngôi Đền Thờ ấy.  Đó chính là Ngôi Đền Thờ mang tên Giêsu Kitô.  Vì chỉ có Chúa Kitô mới là Đền Thờ đích thực như chính Người đã ám chỉ về mình trong bài Tin Mừng của lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi.  Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại.”  Và lời này được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người.”

Mừng lễ cung hiến Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi nhà thờ vật chất, ta hướng về Ngôi Đền Thờ Rất Thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người cũng chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta.  Ngôi Đền Thờ Mẹ rất Thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không.”  Và chấp nhận được “phá hủy” như thế, để nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con của Ngôi Đền Thờ Mẹ, là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.

Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, bạn và tôi cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh.  Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát.  Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những ngôi đền thờ sống động, để cùng nhau xây nên một ngôi đền thánh vinh hiển là Hội Thánh của Chúa.  Xin cho chúng con biết cho đi chính bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ con người.  Chỉ có cho đi trong tinh thần tự hủy, chúng con mới có thể làm rạng danh Chúa và xứng đáng là những ngôi đền thờ có Chúa ngự.  Hay nói cho đúng, chỉ khi nào có Chúa ngự, con người chúng con mới xứng đáng gọi là đền thờ.

LM Vũ Xuân Hạnh

SỰ THÔNG CÔNG GIỮA CÁC THÁNH, CÁC LINH HỒN, VÀ LOÀI NGƯỜI Ở TRẦN GIAN (có Youtube)

Sự hiệp thông giữa các thánh gồm có tất cả những ai sống trên trái đất, các thánh trên Thiên Đàng và các linh hồn dưới luyện ngục.  Ba Hội Thánh Chiến Đấu, Khải Hoàn, và Đau Khổ kết hợp thành một gia đình lớn, và hiệp thông với nhau một cách đặc biệt.  Vì thế, sự thống khổ và niềm vui của một người cũng là của tất cả mọi người.  Sự khải hoàn của các thánh, sự đau khổ của các linh hồn và sự thử thách của các người còn sống trên thế gian là điều kinh nghiệm của mọi người.  Khi chúng ta ở thế gian vui mừng khi nghĩ về các thánh, và buồn cho các linh hồn ở luyện ngục, thì các ngài, dù ở trên Trời hay còn ở luyện tội, cũng đều lo lắng cho số phận của chúng ta trên trần thế.  Các ngài thấy và biết rõ các nguy hiểm mà chúng ta đang sống.

Các linh hồn ở Luyện ngục tham dự vào niềm vui huynh đệ với các thánh trên Thiên Đàng, và họ cảm ơn các việc lành thánh mà chúng ta làm để dâng hiến cho họ được sớm giải thoát.  Họ xem chúng ta là những ân nhân của họ.  Khi từ lửa luyện ngục, họ nhìn lên Thiên Đàng và thấy các thánh đang hạnh phúc, thì họ nghĩ rằng một ngày nào đó, họ cũng sẽ được hạnh phúc như thế.  Các linh hồn ở Luyện ngục cũng biết rằng họ có các bạn hữu trên Thiên Đàng đang cầu bầu cho họ trước Ngai Tòa của Chúa.  Do đó, sự liên hệ đặc biệt giữa các linh hồn ở Luyện ngục, với nhân loại trên trần gian, và với các thánh nơi Thiên Đàng, không bị quên lãng.

zzChúng ta đừng quên các Thiên Thần, vì dĩ nhiên, các ngài rất chăm sóc cho các linh hồn ở Luyện ngục.  Nhiều linh hồn phú thác cho các Thiên Thần của Chúa.  Các Thiên Thần cho rằng sứ mệnh của họ chưa chấm dứt cho đến khi nào họ đem được các linh hồn lên Thiên Đàng.  Toàn thể các Thiên Thần luôn chú ý đến những linh hồn khi còn sống mà biết tôn kính các ngài.

Nghi lễ cho ngày lễ kính Thánh Micae cho ta biết rằng ngài đã được Chúa chỉ định cho việc nhận các linh hồn vào Thiên Đàng, khi họ rời Luyện ngục.  Do đó, Thánh Micae như là một vị Hoàng tử của vương quốc thống khổ.  Ngài có lòng trắc ẩn với các linh hồn này, và Ngài tiếp tục cầu bầu cho các linh hồn ấy.

Thánh Frances thành Roma rất vui thích khi nói đến các Thiên Thần chăm lo cho mọi người trong suốt đời sống của họ.  Bà nói rằng: “Khi một người chết, tùy theo mức độ công trạng của họ, vị Thiên thần Bản mệnh dẫn đưa người ấy tới phần sâu của Luyện ngục, và ở lại bên phía tay phải của người ấy, trong khi ma quỷ ở phía tay trái người ấy.  Thiên Thần dâng lên Chúa Giêsu các lời cầu nguyện để cầu bầu cho linh hồn ấy được giảm bớt sự đau đớn.  Trong khi ấy, ma quỷ thì chịu sự điều khiển của Lucifer, nên bị hành hạ một cách đặc biệt vì không thể dụ dỗ linh hồn ấy vào Hỏa ngục.  Khi giờ đền tội của một linh hồn đã hoàn tất, người ấy được chuyển qua một nơi chốn cao hơn, và ma quỷ rời linh hồn ấy để trở về với đồng bọn của hắn, những tên ma quỷ khác sẽ chỉ trích hắn vì hắn đã thất bại trong việc dụ dỗ linh hồn ấy.

Như vậy, các Thiên Thần Bản Mệnh thăm viếng các linh hồn nơi Luyện ngục và cầu bầu cho họ trước Tòa Chúa.

Trong chuyến thăm viếng Luyện nguc dài 2 tiếng đồng hồ của Thánh Nữ Mary Magdalen Dei Pazzi, bà thánh đến thăm một nhà tù mà người ta phạm tội vì sự ngu dốt hay yếu kém, và bà thấy các Thiên Thần Bản Mệnh của các linh hồn ấy ở ngay bên cạnh họ để an ủi.

Thánh Nữ Margaret Mary Alacoque cũng vậy, trong khi bà bị bịnh, Thiên Thần Bản Mệnh của bà mời bà đến thăm Luyện ngục với Ngài.  Ngài đưa bà đến một nơi rộng lớn đầy những lửa và than đá.  Tại đó, Ngài cho bà thánh thấy rất nhiều linh hồn trong hình dáng con người, đang giơ tay ra để cầu xin lòng thương xót, và bên cạnh họ là các Thiên Thần Bản Mệnh đang an ủi họ với những lời yêu thương.

Các mặc khải trên đây đúng theo lời giảng dạy về Thần Học và hợp với đại đa số các Tiến sĩ Hội Thánh.  Các ngài nói rằng các Thiên Thần Bản Mệnh đưa các linh hồn vào Luyện ngục, và để cho họ liên lạc với chúng ta, linh hứng để ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy, và rồi báo tin cho các linh hồn xem ai là người cầu bầu cho họ.  Khi thời kỳ đền tội đã hoàn tất, các Thiên thần đưa họ lên Thiên Đàng và đến với chúng ta để báo cho ta biết về sự giải phóng của họ.  Chúng ta đoan chắc rằng các Thiên Thần hành động như người trung gian giữa Luyện ngục và Trần gian.

Ngoài ra, các Thiên Thần còn là người trung gian giữa Luyện ngục và Thiên Đàng.  Chúng ta đã nhắc đến việc họ dâng lên Chúa các lời nguyện và sự hy sinh mà chúng ta dâng lên để cầu cho các linh hồn ở Luyện ngục, và các ngài đem những an ủi mà Chúa ban đến cho các linh hồn.

Mỗi khi Chúa hay Đức Mẹ Maria ngự xuống Luyện ngục thì đều có các Thiên thần bao quanh, sự huy hoàng và sáng láng của các Ngài đem lại nhiều an ủi và niềm vui cho các linh hồn ấy.  Nếu các Thiên Thần đã chăm sóc cho các linh hồn ấy khi ở trần gian, tại sao lại không chăm lo cho họ trong thời gian họ ở trong Luyện ngục chứ?

Để kết luận, và để hiểu rõ sự lưu tâm của các Thiên thần ở trong Luyện ngục, chúng tôi kể một câu chuyện do nhà văn Rossignoli kể trong tác phẩm của ông:

“Trong tu viện của Thánh Catherine ở vùng Naples, các tu sĩ có thói quen đạo đức là đọc kinh chiều cho các linh hồn vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ.  Như vậy, trước khi nghỉ ngơi, người tu sĩ có thể đem lại chút ủi an cho các linh hồn.  Một tối kia, các nữ tu vì quá mỏi mệt vì lao động mệt nhoài, nên họ không đọc kinh chiều cầu cho các linh hồn.  Do đó, một ca đoàn Thiên Thần từ Thiên Đàng đi xuống và bắt đầu đọc kinh chiều cho các linh hồn trong cung ca đoàn của tu viện.  Nhờ vậy, các linh hồn không lo buồn vì sự thiếu kinh nguyện.  Như vậy chúng ta có cần thêm chứng từ nữa không?”

Vậy chúng ta hãy luôn nhớ rằng niềm vui và hạnh phúc của các thánh, sự đau đớn và thống khổ của các linh hồn ở Luyện ngục và các thử thách và phiền muộn của các người đang sống ở thế gian đều hợp thông với nhau.  Các thánh ở trên Thiên Đàng rất cảm động khi nhìn thấy sự nguy hiểm mà loài người trên trần gian phải đi qua, và các ngài nhìn xuống Luyện ngục với lòng thương xót và trắc ẩn.  Họ cầu bầu cho các anh chị em của họ sớm hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng.  Còn các linh hồn thì cảm ơn các ân nhân ở trần gian, và ngước mắt lên trời để chiêm ngắm các thánh đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.  Họ vui mừng và đầy hy vọng khi biết rằng lời cầu bầu của các anh chị em trên trời cũng như trên thế gian sẽ giúp rút ngắn thời gian thống khổ.  Thật là một tương quan đẹp đẽ và thân thiện giữa Luyện ngục, Thiên Đàng và Trần gian, và đó chính là di sản quý báu và đẹp đẽ của Giáo hội Công giáo.

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

SỐNG LẠI

zzTrong chương trình Những điều bạn có thể chưa biết của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim.  Chị tắt thở.  Chị đã chết.  Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại.  Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy.  Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế.  Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày.  Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm.  Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào.  Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.

Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra.  Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.  Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa.  Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người.  Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại.  Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay.  Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta.  Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:

1) Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết.  Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh.  Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.

Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa.  Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ.  Ông hỏi Chúa là ai.  Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”.  Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm.  Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa.  Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại.

Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm mà mọi tạo vật nhắm tới.  Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người.  Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy.  Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23).

Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải.  Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau.  Đời sống này là thời kỳ thai nghén.  Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.

2) Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại.  Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.

Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa.  Sự sống đời sau có đó.  Nhưng không phải ai cũng vào được.  Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào.  Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này.  Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu.  Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.

Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần.  Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất.  Sẽ không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống.  Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa.  Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác?  Thưa, tuy có khác nhưng ta vẫn là ta.  Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua.  Nhưng cả hai chỉ là một.  Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ mà bà đã là cách nay 70 năm.  Nhưng cả hai vẫn là một.  Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua.  Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.

Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng.  Nhưng ta vẫn là ta.  Có khác biệt nhưng vẫn có liên tục.

Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa.  Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê nay được trở lại nhà cha mẹ.  Tâm hồn luôn bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta.  Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.  Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với hạnh phúc sau này ta sẽ được.  Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22).  Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.

Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng.  Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta.  Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do.  Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)

Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa.  Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Một trong những trường hợp trở về từ cõi chết, đó là trường hợp của mục sư Don Piper, tác giả cuốn sách “Khi Đức Tin Chiến Thắng: Câu Chuyện Có Thật Về Sự Sống Và Cái Chết”, New Yor Times Best Seller, kể về trải nghiệm của mình về những khoảnh khắc của “cuộc sống sau cái chết”.  Mời bạn đón đọc tại đường link:

KHI ĐỨC TIN CHIẾN THẮNG