TIỂU SỬ THÁNH NỮ FAUSTINA

zzThánh nữ Maria Faustina Kowalska ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trổi vượt trong Giáo Hội.

Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogowiec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan.  Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena.”  Ngay từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.  Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.

Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì.  Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện.  Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn.  Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện.  Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận.  Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw.  Trong Nhật Ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng.  Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn” (NK 17).

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện.  Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện.  Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK 19).

Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina.  Chị đã sống thời kỳ năm tập tại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của đức giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và năm năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục. Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.

Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina.  Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.

Tất cả đời sống của chị được tập trung vào việc liên lỉ cố gắng đạt đến một cuộc kết hiệp ngày càng mật thiết hơn với Thiên Chúa và quên mình cộng tác với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu rỗi các linh hồn.  Chị đã viết trong Nhật Ký, “Chúa biết ngay từ những năm đầu tiên, con đã muốn trở nên một vị đại thánh; tức là yêu mến Chúa bằng một tình yêu vĩ đại như chưa từng có linh hồn nào đã yêu mến Chúa như thế” (NK 1372).

Chính quyển Nhật Ký của chị đã cho chúng ta thấy được những chiều sâu trong đời sống thiêng liêng của chị.  Những tư liệu này – nếu được đọc chăm chú – sẽ làm hiện lên một bức tranh diễn tả mối thân tình hợp nhất cao độ giữa linh hồn chị với Thiên Chúa: sự khắng khít lạ lùng giữa Thiên Chúa với linh hồn chị, cũng như những nỗ lực và chiến đấu của chị trên con đường hoàn thiện Kitô Giáo.  Chúa đã ban cho chị nhiều hồng ân phi thường: ơn chiêm niệm, ơn hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa, các thị kiến, mặc khải, những dấu thánh tiềm ẩn, ơn nói tiên tri, ơn đọc được tâm hồn người khác, và ơn quí trọng bậc nhiệm hôn.  Tuy được hoan hưởng những hồng ân ấy rất dồi dào, nhưng chị đã viết: “Không phải các ân sủng, các mặc khải, các lần ngất trí, hoặc các ân huệ làm cho linh hồn nên hoàn hảo, nhưng chính là sự kết hợp mật thiết giữa linh hồn với Thiên Chúa…  Sự thánh thiện và hoàn hảo của tôi hệ ở việc kết hợp mật thiết giữa ý chí tôi với ý chí Thiên Chúa” (NK 1107).

Nếp sống khổ hạnh và những lần chay tịnh đến kiệt sức ngay cả trước khi vào dòng của chị đã làm suy sụp yếu nhược thể trạng của chị, đến nỗi ngay trong thời gian thỉnh tu, chị đã được đưa đi Skolimow gần Warsaw để phục hồi sức khỏe.  Gần cuối năm đầu tiên trong thời kỳ nhà tập, chị còn phải trải qua những kinh nghiệm thần bí đớn đau lạ thường của giai đoạn vẫn được gọi là đêm tối giác quan, và sau đó là các đau khổ tinh thần và luân lý liên quan đến việc hoàn thành sứ mạng mà chị được nhận lãnh từ Chúa Kitô.  Thánh nữ Faustina đã hy hiến cuộc đời cho các tội nhân, vì thế, chị đã chịu đựng những khổ đau tư bề để trợ giúp các linh hồn.  Trong những năm tháng cuối đời của chị thánh, các đau khổ nội tâm của cái gọi là đêm thụ động của linh hồn và những bệnh nạn phần xác càng trở nên dữ dội hơn nữa.  Căn bệnh lao của chị lan dần, tấn công những lá phổi và phần ruột non.  Vì vậy, hai lần chị đã phải trải qua nhiều tháng điều trị ở bệnh viện phố Pradnik tại Cracow.

Tuy kiệt quệ về thể lý, nhưng chị Faustina đã đạt đến mức trưởng thành sung mãn trong đời sống thiêng liêng.  Chị đã từ giã cõi trần khi chưa trọn 33 tuổi đời, giữa tiếng thơm thánh thiện, và được kết hiệp muôn đời với Thiên Chúa vào ngày 5 tháng 10 năm 1938, sau 13 năm trong cuộc sống tu trì.  Thi hài của chị được an nghỉ tại ngôi mộ chung trong nghĩa trang tu viện tại Cracow-Lagiewniki.  Năm 1966, trong khi thủ tục điều tra tôn phong chân phúc đang được xúc tiến, thi hài nữ tu Faustina đã được cải táng vào nhà nguyện của tu viện.

Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới.  Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim thương xót của Cha” (NK 1588).  “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha.  Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605)…  “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha” (NK 1567).

(Trích Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa)

Nguồn: http://www.xuanha.net/

 

TẠ ƠN CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH

zzCó một câu thơ mà dường như ta vẫn hay nhìn thấy ở đâu đó.  Một câu thơ cho ta ý thức về những niềm vui không do mình tạo ra mà do cuộc sống ban tặng cho chúng ta.  Câu thơ ấy viết rằng:

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.

Thật đẹp cho tâm hồn con người biết cám ơn.  Biết cám ơn là biểu lộ một tấm lòng lạc quan yêu đời.  Biết cám ơn biểu lộ một cung cách khiêm nhường để đón nhận mọi sự trong yêu thương và kính trọng.

Người không biết cám ơn sẽ luôn bất mãn vì những gì đang xảy ra.  Người không biết cảm ơn sẽ thiếu tôn trọng người làm ơn và món quà được đón nhận.

Ngược lại, người biết cám ơn sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Họ biết cám ơn Chúa khi mỗi sáng mai thức dậy đang khi đó có hàng vạn người không còn thức dậy.

Họ biết cám ơn cha mẹ đã cho họ góp mặt vào trần thế.  Cám ơn thầy cô cho họ kiến thức.  Cám ơn bạn bè đã dìu họ đi qua những khúc quanh của dòng đời.  Cám ơn cuộc đời đã cho họ kinh nghiệm để sống hạnh phúc hơn.

Cám ơn làm cho tâm hồn con người an vui hạnh phúc.  Không biết cám ơn sẽ làm cho tâm hồn bi quan, thất vọng và chán chường.

Trong tích truyện kể về ông Matthew Henry là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18.  Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn lột và đêm hôm đó, Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của ông như sau: Hãy để cho lòng ta cảm tạ Thượng Đế.

Thứ nhất, bởi vì cho đến bây giờ ta mới bị ăn cướp; trước đây ta chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả.

Thứ nhì, bởi vì mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền, nhưng chúng nó không cướp mất mạng sống của ta.

Thứ ba, bởi vì mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao.

Thứ tư, ta là người bị cướp, chứ ta không phải là quân đi ăn cướp.

Một con người biết cám ơn luôn nhìn mọi sự trong nhãn quan tích cực.  Họ luôn thấy ánh bình minh xuyên qua màn đêm tăm tối của cuộc đời.  Họ không bi quan khi cánh cửa khép lại nhưng luôn tìm kiếm những lối đi khác cho bản thân.

Nhưng tiếc thay, người biết cám ơn lại quá ít!  Rất nhiều người đã không nhận ra cuộc đời họ là một chuỗi hồng ân của Chúa để cám ơn.  Họ không nhận ra tình thương của gia đình, bè bạn và cuộc đời dành cho họ để tri ân.  Họ vẫn sống trong bi quan để oán trời – oán đất về những gì đã – đang xảy ra trong cuộc đời của họ.

Dầu vậy giữa cuộc đời vẫn còn đó những lời cám ơn chân thành.  Dầu chỉ là số 1 so với số 9 quên cám ơn.  Ở giữa cuộc sống phồn hoa vẫn còn đó những gia đình cùng nhau đọc kinh, dâng lễ để tạ ơn Chúa đã phù hộ bình an.  Ở giữa cuộc sống bon chen hối hả vẫn còn đó những người con thảo hiếu mẹ cha qua việc chăm sóc cha mẹ già yếu.  Ở giữa chợ đời thị phi vẫn còn đó những người thiện nguyện phục vụ vô vị lợi để trả ơn cuộc đời.

Lời Chúa hôm nay cho ta thấy thái độ thật khiêm cung của người phong hủi được chữa lành.  Anh cám ơn Chúa với một thái độ khiêm tốn thẳm sâu.  Anh sấp mình trước vị ân nhân đã cứu anh.  Một thái độ cho thấy từ nay anh sẽ làm nô bộc cho người thi ân.  Một thái độ tôn kính dành cho Đấng có quyền năng xua trừ sự dữ trên cuộc đời anh.  Nhưng tiếc thay, con số biết cám ơn lại là con số nhỏ.  Chỉ một trong 10 người biết cám ơn, còn lại vẫn cho mình được quyền sống, quyền hưởng lộc mà không cần cám ơn.

Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu chúng ta biết cám ơn.  Cám ơn Chúa và cám ơn nhau sẽ làm cho con người thân thiện với nhau hơn.  Cám ơn Chúa mỗi sáng mai thức dậy vì đang khi đó có thể nhiều người sẽ không còn khả năng thức dậy.  Cám ơn Chúa mỗi khi chúng ta có dịp làm một việc thiện, một việc nghĩa đầy yêu thương đang khi đó có nhiều người không có khả năng để làm điều đó.  Cám ơn đời vì trên dòng đời hối hả vẫn còn có những người bạn cầm lấy tay ta để cảm thông, để nâng đỡ và dìu dắt chúng ta.

Xin cho chúng ta đủ khiêm tốn để cám ơn trong mọi sự, vì tất cả là hồng ân. Tất cả đều do Chúa mà có. Con người chỉ là thụ tạo nhưng được Chúa yêu thương và ban cho mọi sự trên trần gian.  Xin cho lời tạ ơn của chúng ta luôn vang dội không gian, hòa vào vạn vật để tôn vinh chúc tụng và ngợi khen tình thương Chúa vẫn ấp ủ đời ta và gìn giữ chở che chúng ta.  Amen!

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

MẸ MÂN CÔI – MẸ CHIẾN THẮNG

zzLễ Đức Mẹ Mân Côi gợi nhớ về một trận chiến.  Năm 1571, trước sức mạnh đe dọa của Hồi Giáo trên phần đất nước Ý, Đức Giáo Hoàng Piô V đã kêu gọi con cái mình chung sức bảo vệ.  Các vua chúa Công Giáo Châu Âu đáp lời.  Đạo binh Thánh Giá lên đường ra tiền tuyến.  Hậu phương yểm trợ bằng Kinh Mân Côi.  Ngày 7 tháng 10, kết thúc binh lửa ở vịnh Lépante, với phần thắng nghiêng về phía Công Giáo.  Người ta mở lễ ăn mừng.  Mẹ Mân Côi từ đó có thêm danh hiệu là Mẹ Chiến Thắng.

Ngày nay, cuộc chiến mang màu tôn giáo ấy đã lùi xa vào dĩ vãng.  Đạo binh Thánh Giá cũng chẳng còn.  Nhưng vẫn còn đó danh hiệu Mẹ Chiến Thắng.  Vì thế, vấn đề không phải là mặc cảm để mà nhức nhối, hoặc háo thắng với nhiều hời hợt, mà chính là bình tĩnh chiêm ngắm chân dung Đức Maria Chiến Thắng đã được ghi dấu hiền hòa qua Kinh Mân Côi.

1) Mẹ chiến thắng trên chính phận mình.

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”.  Lời thiên sứ truyền tin ngày nào được đưa vào phần đầu của Kinh Kính Mừng như muốn làm nổi bật lên sáng kiến của Thiên Chúa đã thương chuẩn bị Mẹ từ thuở ban sơ cho mầu nhiệm Con Chúa làm người.  Điều này thật quan trọng và chính yếu.  Nhưng ở phần chìm của Kinh Kính Mừng, như bài Phúc Âm ghi lại, là một thái độ đáp ứng không kém quan trọng của Đức Maria đối với thánh ý Chúa.  Phần chìm ấy là tiếng “Xin Vâng”.

“Xin Vâng” là tiếng nói của một tâm hồn rộng mở vốn đã quen tìm trong suy niệm tiếng nói muôn thuở của Thiên Chúa.  “Xin Vâng” là tiếng vắn gọn như phản ứng xuất thần, mà thực ra là cả một tiến trình đòi hỏi hy sinh chính bản thân mình để đánh đổi.  “Xin Vâng” là tiếng một lần dâng lên sẽ không bao giờ rút lại, một lần đoan hứa sẽ có giá trị suốt đời, một lần cúi đầu đáp tiếng là sẽ cúi đầu chấp nhận tất cả, cho dẫu đó là bất trắc của dịp Giáng Sinh, hay là lưỡi gươm của ngày Dâng Con, hoặc là đắng cay nghiệt ngã nhất của chiều Tử Nạn.  “Xin Vâng” là tiếng hiền hòa của người khiêm nhường, chỉ dám nhận mình là tôi tớ, nhưng lại là tiếng vinh quang đưa người khiêm nhường ấy bước lên thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa.

Rõ ràng tiếng “Xin Vâng” đã thay đổi phận đời Đức Maria.  Và ở đây, xin được gọi đó là một chiến thắng: Chiến thắng của thánh ý Chúa trên cuộc đời Đức Maria đã trở nên chiến thắng của Đức Maria trên chính số phận đời thường của mình.

Vì thế, hôm nay, nếu đọc lên kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, thì hãy vui mừng thêm nữa để nhận ra rằng ơn phúc của Thiên Chúa dẫu đã tiềm ẩn nơi Đức Maria, nhưng chỉ thực sự tỏ hiện qua tiếng “Xin Vâng”, để nhớ mãi hình ảnh Đức Mẹ chiến thắng trên chính phận mình.

2) Mẹ chiến thắng trên mỗi phận người.

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”.  Phần sau của Kinh Kính Mừng là lời cầu nguyện xem ra độc lập với phần trước, mà thực ra chỉ là một tâm tình duy nhất.  Nếu phần trước là lời kính mừng Đức Mẹ Chiến Thắng trên chính phận mình để trở nên “Đức Mẹ Chúa Trời”, thì phần sau là lời kính mừng Đức Mẹ Chiến Thắng trên mỗi phận người tín hữu, qua mẫu gương trinh trong thánh đức.  Do đó, danh hiệu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” chính là lời kính mừng trang trọng và cao quý Giáo Hội dành cho Đức Maria.  Đó cũng là chiến thắng chung cuộc Đức Maria đã đạt được trong đời mình.

Nhưng chiến thắng vinh quang ấy chẳng những không đẩy Đức Mẹ lên cao để xa cách cuộc đời dương thế, mà ngược lại, còn đem Mẹ đến gần gũi nhân loại hơn cả bao giờ.  Vì thế, không lạ gì khi kính mừng Đức Mẹ trong vinh quang, tín hữu bỗng dưng nghĩ về đời mình, không phải để xót xa phận mình tội lỗi cho bằng cảm nhận mối tương quan “Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Giáo Hội” một cách chân tình với lòng trông cậy.

Bên kia lời “cầu cho chúng con là kẻ có tội” là cả một tình mẫu tử thiêng liêng.  Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ có dư thánh đức để mà chiến thắng tội lỗi, nhưng là Mẹ Giáo Hội, Mẹ vẫn liên hệ với đời tín hữu như là phần đời của Mẹ.  Nếu tín hữu nhận mình là kẻ có tội mà vẫn dám cầu xin “Thánh Maria”, và nếu ngước trông lên Mẹ thánh đức mà vẫn không ngại trình bày cuộc đời tội lụy, thì đó là vì đã tín nhiệm và cậy trông vào tấm lòng người mẹ.

Mẹ đã chiến thắng phận mình, Mẹ cũng sẽ chiến thắng trên mỗi phận người tín hữu bằng cách khơi lên sự thánh thiện cho lui xa dần những phần tội lụy.

3) Mẹ Chiến Thắng – Mẹ Mân Côi

Phác vẽ chân dung Đức Mẹ Chiến Thắng qua Kinh Mân Côi như trên, thiết tưởng cũng một phần nào đó khơi lối đi vào ngày lễ hôm nay, đồng thời muốn xác tín về vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Hội Thánh, và nhắc nhở gián tiếp về vai trò của Kinh Mân Côi trong đời sống mọi kẻ tin.

Mừng lễ Mẹ Mân Côi không còn là mừng về một chiến thắng quân sự nào, mà chính là mừng về một chiến thắng còn lớn lao và cốt thiết hơn ở trong tấm lòng của Đức Maria và ở trong nỗi lòng của mỗi người con của Mẹ.  Đó là chiến thắng của ơn thánh trên tội lỗi, để gợi mở những chiến thắng khác của những điều thiện hảo tốt lành trong đời sống mọi người.  Mừng lễ Mẹ Mân Côi cũng không chỉ mừng cho Mẹ mà thực ra là mừng cho mọi kẻ tin, bởi lẽ Đức Mẹ trong mầu nhiệm Giáo Hội chính là kẻ đi trước bước lên chiến thắng và vì thế, trong Chúa Kitô, Mẹ trở thành Đấng che chở cầu bầu, phù trợ cho mọi tín hữu biết cậy nhờ Mẹ khi khao khát chiến thắng của ơn cứu độ trên chính phận mình.

Và mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay chính là khẳng định mối liên hệ sâu bền giữa hai danh hiệu “Mẹ Mân Côi – Mẹ Chiến Thắng”, để thấy được rằng muốn có chiến thắng không thể xao lãng lần hạt Mân Côi; và nếu yêu mến lần hạt Mân Côi, sẽ có ngày bước vào chiến thắng.  Kinh Mân Côi là một vũ khí, nhưng là vũ khí hòa bình luôn đem lại hiệu quả tích cực.  Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.  Chỉ vì một lẽ, trong Kinh Mân Côi là hiện diện của Đức Mẹ Chiến Thắng.

Có một truyện kể lâu lắm rồi: Hai thôn đạo tranh chấp nhau về một mảnh đất giáp ranh mà thôn nào cũng nhận là của mình.  Chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng nổ ra.  Khối kẻ u đầu sứt trán.  Cuối cùng cha xứ phải giải hòa và đem miếng đất giáp ranh ấy vào làm của chung gọi là “đất Đức Bà”, đồng thời cho dựng một tượng đài Đức Mẹ ở đấy.  Hết tranh chấp, thôn trên thôn dưới mỗi tối quây quần lần hạt vui vẻ.  Người ta gọi đó là đài Đức Mẹ Hòa Bình, nhưng cha xứ lại rất tâm đắc, đó là đài Đức Mẹ Chiến Thắng, thắng chia rẽ, thắng hận thù, thắng tội lỗi.

Lạy Đức Mẹ Chiến Thắng, xin cầu cho chúng con. Amen.

ĐGM Vũ Duy Thống (trích trong “Với Cả Tâm Tình”)