CÂY TÁO

zzRichard Pindell có viết một chuyện ngắn nhan đề “Đứa con trai của một người nào đó” (Somebody’s son). Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời. Vì khổ quá, không chịu nổi cậu bèn viết một lá thư gởi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hũ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại. Lá thư như sau: “Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta. Vài ngày sau, David lên xe lửa đi về. Trong lúc tàu hoả lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ chớp lòe liên tục hiện ra trong trí cậu ta. Khi thì trên cây có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng cột miếng vải trắng nào. Xe lửa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn. Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra ở khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó. Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không? Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cái cây. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây có cột một miếng vải trắng không nhé.”

Khi xe lửa rầm rầm lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước. Đoạn run run giọng cậu hỏi người đàn ông: “Thưa ông, có một miếng vải trắng treo ở một cành cây nào đó không?” Ông ta sửng sốt trả lời: “Ồ, này cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có cột một miếng vải trắng cả!”

**********************************

Câu chuyện trên minh hoạ cho những gì Chúa Giêsu kể lại trong phần đầu bài dụ ngôn hôm nay. Ngài bảo rằng Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta phạm tội, và Chúa Giêsu còn cho biết thêm không những Chúa tha thứ cho chúng ta khi chúng ta phạm tội, mà sau đó Ngài còn đối xử với chúng ta như chúng ta chưa hề phạm tội vậy. Điều này được nhìn thấy rõ ràng qua ba hành vi của ông bố trong dụ ngôn hôm nay.

Trước hết ông choàng tay ôm đứa con trai mình. Choàng tay ôm con tỏ cho thấy ông bố đón con về hết sức nồng nhiệt. Ông tuôn trào mọi cử chỉ trìu mến đối với đứa con trai.
Tiếp đó, ông xỏ giày vào chân cho cậu ta. Xỏ giày vào chân chứng tỏ ông đã tha thứ hoàn toàn cho cậu. Vào thời Kinh Thánh thuở xưa, mang giày là dấu chỉ của một người tự do, còn đám nô lệ thì đi chân trần. Xỏ giày vào đôi chân trần của cậu con tức là xoá đi dấu hiệu thằng con ấy từng là nô lệ của một kẻ nào đó, và đồng thời trả lại cho cậu ta dấu chỉ cậu là đứa con trai trong gia đình.

Cuối cùng, ông bố trao nhẫn cho cậu con. Gắn nhẫn vào ngón tay cậu chứng tỏ ông bố phục hồi trọn vẹn cho cậu tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi. Vì chắc chắn đây là chiếc nhẫn mang dấu ấn của gia đình. Đeo nó vào đồng nghĩa với được quyền hành xử như một thành viên trong gia đình.

Và như thế, khi choàng tay ôm xỏ giày và đeo nhẫn cho đứa con trai. Người bố đã cho thấy ông hoàn toàn nồng nhiệt tiếp đón cậu ta, tha thứ hoàn toàn và phục hồi cho cậu ta trọn vẹn tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi.

Từ đó chúng ta bước sang phần cuối bài dụ ngôn. Phần này liên quan đến người con thứ nữa mà lại liên quan đến người con cả. Ông bố rộng lượng tha thứ bao nhiêu thì người anh cả này lại hẹp lượng với em bấy nhiêu. Anh ta không muốn bước vào nhà để ăn mừng đứa em trở về dù ông bố đã nài nỉ anh ta vào. Dụ ngôn kết thúc mà không nói cho chúng ta biết cách cư xử của người con lớn. Liệu cuối cùng anh ta có chịu bước vào dự tiệc mừng không? Hay vẫn đứng ở bên ngoài lẩm bẩm? Lý do Chúa Giêsu không nói rõ ra là vì người con lớn đại diện cho đám luật sĩ và biệt phái đương thời, còn người con thứ đại diện cho đám dân tội lỗi và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Lúc đó, đám tội lỗi trộm cướp này biết đáp lại lời kêu gọi thống hối của Chúa Giêsu và Ngài đã tha thứ cho họ, đồng thời tiệc tùng vui vẻ với họ. Điều này khiến các luật sĩ và biệt phái căm tức. Họ cho rằng lũ người tội lỗi kia lẽ ra phải bị trừng phạt chứ đâu lại được tha thứ! Và như thế Chúa Giêsu không kết thúc dụ ngôn này mà lại nhường phần kết câu chuyện cho mỗi luật sĩ và biệt phái viết thêm vào cho trọn. Mỗi người trong bọn họ đều nhận biết rằng mình là đứa con lớn và phải tự quyết định sẽ tha thứ và chung vui với người em hay nhất quyết không chấp nhận thứ tha và đồng bàn với nó.

Tất cả điều này muốn nói gì với chúng ta hôm nay? Theo tôi thì có hai điểm:
– Thứ nhất là Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta lỡ phạm tội.
– Thứ đến, chúng ta phải biết tha thứ cho kẻ khác như Chúa đã thứ tha cho chúng ta. Hơn nữa chúng ta còn phải tiếp nhận họ trở lại với trọn vẹn lòng quảng đại như Chúa đã cư xử với chúng ta, nghĩa là nồng nhiệt tiếp đón, tha thứ hoàn toàn, và hồi phục tình trạng ban đầu cho họ như xưa.

Có một câu chuyện nói về tổng thống Lincoln như sau: Khi có người hỏi rằng ông sẽ đối xử với miền Nam như thế nào sau khi cuộc nội chiến kết thúc, ông liền trả lời: Tôi sẽ đối xử với họ như là họ chưa bao giờ bỏ nhà ra đi.” Đây là điều chúng ta muốn ám chỉ từ ngữ: phục hồi trọn vẹn. Đây cũng là cách thức Chúa Giêsu đối xử với Phêrô sau khi Phêrô chối bỏ Ngài vào đêm thứ năm Tuần thánh. Ngài không những thứ tha mà còn phục hồi ông về trạng thái nguyên thủy trong vai trò “đá tảng” trên đó Ngài sẽ xây Giáo hội Ngài. Lẽ ra Chúa Giêsu đã phải nói với Phêrô: “Thày đã dự tính một kế hoạch lớn lao cho con, nhưng con đã làm hỏng bét. Phêrô à, thầy tha thứ cho con, nhưng thầy sẽ trao cho con một vai trò kém hơn, vì con đã làm thầy quá thất vọng.” Nhưng Chúa Giêsu không làm như thế! Ngài vẫn đối xử với Phêrô như thể ông chưa hề phạm tội.

Đây chính là cách thức chúng ta phải cư xử với những kẻ có lỗi với chúng ta. Chúng ta phải tha thứ cho họ và đem họ về với con tim chúng ta bằng tình yêu quảng đại như Chúa đã đối xử với chúng ta. Và nếu chúng ta làm được điều này, chắc chắn khi lìa cõi đời này, khi tiến đến cổng trời, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy ở đó một cây táo, trên mỗi cành cây đều có cột một mảng vải trắng.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót con, và lấp tràn đầy trái tim con tình yêu tha thứ của Chúa. Con là đứa con thứ đã bỏ ra đi rồi lại trở về. Con cảm ơn Chúa đã đón nhận lại con. Và con cũng là người con lớn đã từng khư khư không chịu tha thứ cho anh chị em con như Ngài đã đã tha thứ cho con. Vậy xin Chúa hãy chạm vào trái tim con với tình yêu tha thứ của Ngài. Để rồi sau khi yên nghỉ trong cõi chết, con sẽ thức dậy trước thánh nhan Ngài để vui hưởng sự thứ tha của Ngài mãi mãi cùng với những anh chị em từng được con tha thứ lỗi lầm.

Mark Link S.J.

TIỂU SỬ CHÍNH THỨC CỦA MẸ TÊRÊSA THÀNH CALCUTTA

Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Sáu 2 tháng Chín, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo giới thiệu với các ký giả những chi tiết liên quan đến Lễ Tuyên Thánh cho Mẹ Têrêsa vào ngày Chúa Nhật 4 tháng Chín, 2016.

Dưới đây là tiểu sử chính thức của Mẹ Têrêsa thành Calcutta sẽ được Đức Hồng Y Angelo Amato, là Tổng trưởng bộ Tuyên Thánh, đọc trước Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10h25 sáng Chúa Nhật.

ZZTêrêsa Calcutta, nhủ danh Gonxha Bojaxhiu Agnes, sinh tại Skopje, Albania, ngày 26 Tháng Tám năm 1910, là người con thứ năm và cũng là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu.  Cô đã được rửa tội vào ngày hôm sau và được rước lễ lần đầu khi lên năm tuổi rưỡi.  Từ thời điểm đó trở đi, tâm hồn cô tràn ngập tình yêu dành cho các linh hồn.

Năm 1928, với mong muốn được phục vụ như là một nhà truyền giáo, cô bước vào Tu hội Chị em Loreto ở Ireland.  Năm 1929, cô đến Ấn Độ, và khấn lần đầu vào tháng 5 năm 1931 và khấn trọn vào tháng Năm năm 1937.  Trong suốt hai mươi năm sau đó, cô đã giảng dạy ở Ấn Độ, và được nhiều người biết đến vì lòng bác ái, lòng nhiệt thành, sự tận tâm và sự vui tươi.

Ngày 10 tháng 9 năm 1946, cô nhận được từ Chúa Giêsu lời mời gọi “để lại tất cả mọi thứ phía sau và phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo.”  Năm 1948, cô nhận được sự cho phép của Giáo Hội để bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình trong các khu ổ chuột của thành phố Calcutta.  Dòng Thừa Sai Bác Ái đã trở thành một Tu Hội của giáo phận vào ngày 07 tháng 10 năm 1950, và đã được nâng lên thành một Tu Hội giáo hoàng vào ngày 1 tháng 2 năm 1965.  Đặc sủng riêng của Tu Hội là để thỏa mãn cơn khát vô hạn của Chúa Giêsu đối với tình yêu và đối với các linh hồn bằng cách hoạt động cho sự cứu rỗi và sự thánh thiện của những người nghèo nhất trong những người nghèo.

Để mở rộng sứ mệnh tình yêu này, Mẹ Têrêsa đã mở thêm các nhánh khác bao gồm dòng các Tu huynh Thừa Sai Bác Ái, vào năm 1963, dòng các nữ tu sĩ chiêm niệm vào năm 1976, dòng các Tu huynh chiêm niệm (1979), và dòng các Cha Thừa Sai Bác Ái vào năm 1984, cũng như các Hiệp hội các cộng tác viên, Hiệp hội các cộng sự viên đồng lao cộng khổ, và phong trào Corpus Christi cho các linh mục.

Tại thời điểm Mẹ Têrêsa qua đời vào ngày 05 tháng Chín năm 1997, dòng có đến 3,842 chị em làm việc tại 594 nhà ở tại 120 quốc gia.  Mặc dù, phải chịu đựng một kinh nghiệm đau đớn của bóng tối nội tâm, Mẹ Têrêsa đã đi khắp mọi nơi, có liên quan, như Đức Maria trong trình thuật Thăm Viếng [bà Elizabeth], để truyền bá tình yêu của Chúa Giêsu trên khắp thế giới.  Do đó, Mẹ đã trở thành một biểu tượng của dịu dàng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người không được yêu thương, bị khước từ và bỏ rơi.  Từ trên Thiên Đàng, Mẹ tiếp tục “thắp lên một ánh sáng cho những người sống trong bóng tối trên trái đất này.”

Phụ lục: Dưới đây là bản tiểu sử của Mẹ Têrêsa, dài hơn, đã được Đức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh (1998-2008) đọc trước Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong lễ tuyên phong Chân Phước ngày 19 tháng 10 năm 2003.

“Về huyết thống thì tôi là người Albany.  Theo tính cách công dân thì tôi là một người Ấn Độ.  Về phương diện đức tin thì tôi là một nữ tu Công Giáo.  Theo ơn gọi của mình thì tôi thuộc về thế giới. Với tâm hồn của mình thì tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”.

Với một thân mình nhỏ con, và một đức tin sắt đá, Mẹ Têrêsa Calcutta được ủy thác cho sứ mạng truyền bá tình yêu khát khao của Thiên Chúa cho nhân loại, nhất là cho thành phần nghèo nhất trong các thành phần nghèo khổ. “Thiên Chúa vẫn yêu thương thế gian và Ngài gửi các chị em và tôi đến với người nghèo như là tình yêu Ngài và lòng xót thương của Ngài”. Mẹ là một tâm hồn đầy tràn ánh sáng Chúa Kitô, cháy lửa mến yêu Người và bừng bừng một ước mong duy nhất đó là “làm giảm bớt cơn khát yêu thương các linh hồn của Người”.

Vị sứ giả sáng láng này của tình yêu Thiên Chúa chào đời ngày 26/8/1910 ở Skopje, Albania, một thành phố tọa lạc ở giao điểm lịch sử Balkan. Mẹ là con út của ông bà Nikola và Drane Bojaxhiu, được rửa tội với tên là Gonxha Agnes, được Rước Lễ Lần Đầu lúc 5 tuổi rưỡi và chịu phép Thêm Sức vào tháng 11/1916.  Từ ngày Rước Lễ Lần Đầu, tình yêu các linh hồn đã triển nở trong tâm hồn bé.  Bé mất cha bất ngờ khi mới lên tám.  Bà mẹ góa kiên cường nuôi con cái, và đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính nết và ơn gọi của bé.  Ngoài ra, đời sống đạo của bé cũng được nâng đỡ bởi vị linh mục Dòng Tên coi xứ Thánh Tâm là nơi bé sinh hoạt nữa.

Vào năm 18 tuổi, được thúc đẩy bởi ý định trở thành một nhà truyền giáo, cô Gonxha đã từ giã gia đình vào tháng 9/1928 để dâng mình cho Chúa trong Dòng Trinh Nữ Maria, tức tu hội Nữ Tu Loreto ở Ái Nhĩ Lan.  Tại đây chị được đặt tên là Nữ Tu Maria Têrêsa theo Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Vào tháng 12 cùng năm, chị lên đường đi Ấn Độ, tới Calcutta ngày 6 tháng Giêng năm 1929.  Sau khi khấn lần đầu vào tháng 5/1931, Nữ Tư Têrêsa được chỉ định đến cộng đồng Loreto Entally ở Calcutta và dạy học ở Trường Thánh Maria phái nữ.  Vào ngày 24/5/1937 chị khấn trọn, để trở thành, như chị nói, “hôn thê của Chúa Giêsu” cho “đến muôn đời bất tận.”  Từ đó trở đi, chị được gọi là Mẹ Têrêsa.  Mẹ tiếp tục dạy học ở Trường Thánh Maria và làm hiệu trưởng của trường này vào năm 1944.  Là một con người chìm đắm trong cầu nguyện và hết sức yêu thương chị em dòng cũng như học sinh của mình, 20 năm sống trong dòng Loreto, Mẹ cảm thấy thật là hạnh phúc.  Nổi tiếng là bác ái, vị tha và can đảm, chịu khó và có óc tổ chức, Mẹ đã sống trọn cuộc sống tận hiến của mình cho Chúa Giêsu, giữa chị em đồng tu, một cách trung thành và vui vẻ.

Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta tới Darjeeling để dự tuần cấm phòng hằng năm, Mẹ Têrêsa đã được “ơn linh hứng”, một “ơn gọi trong ơn gọi” của Mẹ.  Hôm ấy, Mẹ đã ở trong một trạng thái mà Mẹ không bao giờ giải thích được, là cơn khát yêu thương các linh hồn của Chúa Giêsu chiếm đoạt tâm hồn Mẹ, và ước muốn làm nguôi cơn khát của Người trở thành mãnh lực chi phối cuộc sống của Mẹ.  Những tháng ngày sau đó, qua những thị kiến nội tâm, Chúa Giêsu đã tỏ cho Mẹ biết ý của Trái Tim Người muốn có “những chứng nhân tình yêu”, là những người “chiếu tỏa tình yêu của Người trên các linh hồn.”  Người đã nài xin Mẹ: “Hãy đến để làm ánh sáng của Cha.  Cha không thể đi một mình”.

Người đã tỏ cho Mẹ biết cái đau đớn của Người nơi thành phần nghèo khổ bị bỏ rơi, niềm sầu thương của Người ở chỗ vô tri của họ và niềm khát vọng được họ yêu mến.  Người đã xin Mẹ Têrêsa hãy thành lập một cộng đoàn tu trì, Dòng Thừa Sai Bác Ái, dấn thân phục vụ thành phần nghèo nhất trong các người nghèo.  Mẹ mất gần hai năm trời để trắc nghiệm và phân định trước khi bắt đầu khởi sự.  Vào ngày 17/8/1948, lần đầu tiên Mẹ mặc bộ sari trắng viền xanh dương và bước qua cổng tu viện Loreto thân yêu để tiến vào thế giới người nghèo.

Sau một khóa huấn luyện ngắn với Các Nữ Tu Thừa Sai Y Khoa ở Patna, Mẹ Têrêsa trở về Calcutta và tìm một nơi cư trú tạm thời với Các Sư Tỷ Nghèo.  Vào ngày 21/12 lần đầu tiên Mẹ đi đến những khu nhà ổ chuột.  Mẹ đã viếng thăm các gia đình, rửa các vết ghẻ lở cho một số trẻ em, chăm sóc cho một người già nằm bệnh trên đường phố, và thuốc men cho một người đàn bà đang chết đói và bị lao phổi. Mẹ bắt đầu mỗi ngày bằng việc rước lấy Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và rồi lên đường, tay cầm tràng hạt, để tìm kiếm và phục vụ Ngài nơi “thành phần không được chú ý tới, không được yêu thương, không được chăm sóc.”  Sau mấy tháng, Mẹ được những học sinh của Mẹ trước đó, từng người một, đến tham gia cộng tác với Mẹ.

Ngày 7/10/1950, hội dòng mới các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái đã được chính thức thành lập tại tổng giáo phận Calcutta.  Vào đầu thập niên 1960, Mẹ Têrêsa bắt đầu gửi các Nữ Tu của dòng đến các vùng khác ở Ấn Độ.  Sắc Lệnh Ca Ngợi do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban gửi cho hội dòng của Mẹ đã khuyến khích Mẹ mở một nhà ở Venezuela.  Chẳng bao lâu sau những nhà khác được thành hình ở Rôma và Tanzania, rồi dần dần ở hết mọi lục địa.  Bắt đầu từ năm1980 và liên tục qua thập niên 1990, Mẹ Têrêsa đã mở những nhà ở hầu hết mọi quốc gia cộng sản, bao gồm cả ở Khối Sô Viết trước đây, Albania và Cuba.

Để đáp ứng hơn nữa cho cả nhu cầu về thể lý cũng như thiêng liêng, năm 1963 Mẹ Têrêsa đã lập hội dòng Các Tu Huynh Thừa Sai Bác Ái, năm 1976 ngành chiêm niệm cho các Nữ Tu, năm 1979 ngành Các Tu Huynh Chiêm Niệm, và năm 1984 Các Cha Thừa Sai Bác Ái.  Tuy nhiên, ơn linh hứng của Mẹ không giới hạn vào những ai theo đuổi ơn gọi tu trì mà thôi.  Mẹ đã thành lập tổ chức Đồng Cộng Tác Viên của Mẹ Têrêsa cũng như Đồng Cộng Tác Viên Phục Vụ Bệnh Nhân và Đau Khổ, những người thuộc nhiều tín ngưỡng và quốc tịch được Mẹ chia sẻ tinh thần cầu nguyện của Mẹ, tinh thần giản dị đơn sơ của Mẹ, tinh thần hy sinh của Mẹ và tinh thần tông đồ thực hiện những việc làm yêu thương khiêm tốn của Mẹ.  Tinh thần này sau đó đã tác động nên Các Giáo Dân Thừa Sai Bác Ái.  Để đáp lại những lời yêu cầu của nhiều linh mục, vào năm 1981, Mẹ Têrêsa cũng đã bắt đầu Phong Trào Chúa Kitô cho Các Linh Mục như là một “đường lối thánh thiện nhỏ bé” cho những vị muốn tham dự vào đặc sủng và tinh thần của Mẹ.

Trong những năm phát triển nhanh này, thế giới bắt đầu chú ý tới Mẹ Têrêsa và công việc Mẹ đã khởi công thực hiện.  Nhiều bằng tưởng thưởng, bắt đầu là Bằng Tưởng Thưởng Padmashiri của Ấn Độ vào năm 1962, rồi Giải Nobel Hòa Bình năm 1979, đã tôn vinh công cuộc của Mẹ, khiến cho giới truyền thông lưu ý và bắt đầu theo dõi các sinh hoạt của Mẹ.  Mẹ đã lãnh nhận cả các thứ giải thưởng và sự chú ý của thế giới “vì vinh quang Thiên Chúa và nhân danh kẻ nghèo”.

Cuộc đời lao nhọc của Mẹ Têrêsa chứng tỏ cho thấy niềm vui của yêu thương, sự cao cả và phẩm giá của hết mọi con người, giá trị của những điều nhỏ mọn được trung thành thực hiện vì yêu mến, và giá trị siêu việt của tình bằng hữu với Thiên Chúa.  Thế nhưng còn một phương diện anh hùng khác của người nữ cao cả này đã được tỏ lộ chỉ sau khi người nữ ấy qua đời.  Khuất kín trước mắt của tất cả mọi người, ngay cả với những người thân cận nhất với Mẹ, đó là đời sống nội tâm của Mẹ, đầy những cảm nghiệm đau thương sâu đậm liên lỉ của tình trạng bị xa lìa Thiên Chúa, thậm chí bị Ngài loại bỏ, mà lại cứ càng khát vọng tình yêu của Ngài.  Mẹ đã gọi cảm nghiệm nội tâm này là “bóng tối tăm.”  “Đêm tối đau thương” của linh hồn Mẹ, bắt đầu vào khoảng thời gian Mẹ khởi sự hoạt động cho người nghèo và đã tiếp tục cho đến hết đời của Mẹ, đã khiến Mẹ tiến đến chỗ được hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa hơn bao giờ hết.  Nhờ bóng tối tăm Mẹ đã tham dự một cách lạ lùng vào cơn khát của Chúa Giêsu, vào khát vọng đau thương bừng cháy yêu thương của Người, và Mẹ đã tham dự vào nỗi cô đơn hiu quạnh nội tâm của thành phần nghèo khổ.

Trong những năm cuối đời của mình, mặc dù có những vấn đề trầm trọng về sức khỏe, Mẹ Têrêsa vẫn tiếp tục coi sóc Hội Dòng của Mẹ và đáp ứng các nhu cầu của người nghèo cũng như của Giáo Hội.  Vào năm 1997, con số nữ tu dòng của Mẹ đã gần 4 ngàn và đã thiết lập được 610 nhà ở 123 quốc gia trên thế giới.  Vào 3/1997, Mẹ đã chúc lành cho vị thừa kế mới được tuyển bầu của mình làm Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Thừa Sai Bác Ái, để rồi thực hiện nhiều chuyến xuất ngoại hơn.  Sau khi gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lần cuối cùng, Mẹ đã trở về Calcutta và sống những tuần lễ cuối cùng của mình tiếp đón các khách viếng thăm và chỉ dẫn cho các Nữ Tu của Mẹ.  Vào ngày 5/9, Mẹ đã chấm dứt cuộc sống trần gian.  Mẹ đã được vinh dự chôn cất theo quốc táng do chính quyền Ấn Độ thực hiện, và thi thể của Mẹ được an táng tại Nhà Mẹ Dòng Thừa Sai Bác Ái.  Mộ của Mẹ trở thành một địa điểm hành hương mau chóng và là nơi cầu nguyện cho dân chúng thuộc đủ mọi tín ngưỡng, giầu cũng như nghèo.  Mẹ Têrêsa đã để lại chứng từ của một đức tin không lay chuyển, một niềm hy vọng bất khuất và một đức ái phi thường.  Việc Mẹ đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu “hãy đến làm ánh sáng của Cha,” làm Mẹ trở thành một vị Thừa Sai Bác Ái, thành “mẹ của người nghèo,” làm biểu hiện của lòng xót thương trước thế giới, và là một chứng từ sống động cho tình yêu khát khao của Thiên Chúa.

Không đầy hai năm sau khi qua đời, căn cứ vào tiếng tăm thánh thiện lẫy lừng của Mẹ cùng với những thuận lợi xẩy ra, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành việc phong thánh cho Mẹ. Ngày 20/12/2002, Ngài đã chuẩn nhận sắc lệnh về các nhân đức anh hùng và phép lạ của Mẹ.

J.B. Đặng Minh An dịch, VCN 02.09.2016

 

THIÊN SỨ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Chúa Nhật 4.9.2016, Giáo Hội Công Giáo hân hoan kính chào một vị Thánh mới: Mẹ Têrêsa Calcutta (thành phố Kolkata, Ấn Độ, 1910-1997).  Mẹ Têrêsa được mệnh danh là “Thiên Sứ của Thiên Chúa.”  Cả cuộc đời Mẹ đấu tranh cho giá trị nhân phẩm của những con người nghèo khổ nhất, đã nêu gương luân lý làm cầu nối các khoảng cách về văn hóa, giai cấp và tôn giáo.  Một con người có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại có trái tim “cực đại” và đầy lòng nhân ái.  Bà nói: “Ngay cả những người giàu cũng khao khát tình yêu, muốn được quan tâm, muốn có ai đó thuộc về mình.”

Cha mẹ của bà là người Albani.  Bà sinh ngày 26.8.1910 tại Shkup (nay là Skopje), thuộc Cộng hòa Nam Tư (Macedonia), trước đó là Yugoslavia, với tên “cúng cơm” là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Bà là con út trong 3 người con.

Lúc bà 7 tuổi, cha của bà bị giết, nên bà quan tâm chính trị.  Tuổi thiếu niên, bà là thành viên của nhóm bạn trẻ trong Giáo Xứ, gọi là nhóm Tương Tế Tôn Giáo (Sodality), dưới sự hướng dẫn của một linh mục Dòng Tên, bà cảm thấy quan tâm việc truyền giáo.  Lúc 17 tuổi, bà gia nhập Dòng Nữ tử Loreto ở Ireland, một dòng chuyên về giáo dục, rồi bà được gởi tới Bengal năm 1929 để vào Nhà Tập.  Bà chỉ lõm bõm tiếng Anh nhưng vẫn khấn lần đầu, với tên dòng là Têrêsa (chọn theo tên của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

Đến năm 1950, Nữ Tu Têrêsa lập Dòng Truyền Giáo Bác Ái (Dòng Thừa Sai Bá Ái,  Missionaries of Charity).  Bà nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1979 và nhận Giải Bharat Ratna ( भारत रत्न, nghĩa là “Viên Ngọc Ấn Độ”, giải thưởng cao nhất của Ấn Độ dành cho người dân) năm 1980.  Trước đó, năm 1962, bà đã được chính phủ Ấn trao giải Padma Shri.  Trong những thập niên kế tiếp bà được trao tặng các giải thưởng lớn như Giải Jawaharlal Nehru về Hiểu Biết Quốc Tế năm 1972.

Trong thời kỳ Ấn Độ bị người Anh đô hộ (British Raj), trường Loreto nhận rất ít người Ấn, đa số là người Hindu Bengal, con gái các gia đình có thế lực ở Calcutta, nhưng đa số giáo viên vẫn là các nữ tu gốc Ai-len.  Nữ tu Têrêsa không thuộc Dòng Nữ tử Loreto nữa nhưng thỉnh thoảng bà vẫn về thăm.  Bà dạy ở các trường nữ khác trong 3 năm trước khi (như bà nói) “theo Chúa đến với người nghèo khổ.” Theo các nữ sinh nói, sự gián đoạn đó không hoàn toàn thân thiện, ít là phần các Nữ Tu Dòng Loreto.

ZZHình ảnh Nữ Tu Têrêsa nhỏ bé, với tấm khăn choàng Sari (trang phục của phụ nữ Ấn) xõa xuống vai và lưng, bước đi trên đường đá đỏ, trông thật giản dị và khiêm nhường.  Bà luôn có một hoặc hai Nữ Tu choàng sari đi theo.  Bà là con người kỳ lạ của thế kỷ 20.  Có thể bà “khác người” vì chúng ta không thấy Nữ Tu nào choàng sari như vậy.  Nhưng đó là thói quen của Nữ Tu Têrêsa vùng Calcutta, bà “quên” mình là người Albani để hòa nhập và hoàn toàn nên giống các phụ nữ Ấn.

Chính phủ đã “ầm ĩ” chống truyền giáo nhưng chưa bao giờ làm khó các Nữ Tu truyền giáo.

Đầu thập niên 1950, các học sinh không có đạo ở Nhà Loreto đã nghi ngờ ý định của Mẹ Têrêsa trong việc giúp đỡ các trẻ em đường phố hoặc trẻ mồ côi.  Bà đang cứu vớt chúng để “dụ” đưa chúng vào đạo Công Giáo?  Cứ hai tuần một lần, Mẹ Têrêsa nói chuyện để vận động phụ nữ không phá thai và bảo vệ sự sống.

Dự định của Mẹ Têrêsa là chăm sóc những người bệnh ở thời kỳ cuối, những người đến Đền Kalighat để được chết gần “thánh địa.”  Mẹ Têrêsa không mong kéo dài sự sống cho họ, nhưng buồn về tình trạng nhơ uế và cô độc của họ trong thời gian cuối đời.  Mẹ Têrêsa quan ngại về tỷ lệ tử vong và ám ảnh về cách chết của họ, ngược với quan niệm của người Hindu về sự tái sinh và sự chết là được giải thoát khỏi maya.

Mẹ Têrêsa lập một trại phong (Leprosarium) ở ngoại ô Calcutta, trên khu đất do chính phủ cấp.  Bà là người lý tưởng hóa hơn là người lập dị.  Người phong cùi bị coi thường không chỉ ở Calcutta mà ở khắp Ấn Độ, đến vài xu lẻ cũng không ai muốn bố thí cho họ.  Ai cũng sợ bị lây nhiễm.  Từ đó, người ta cũng có ánh mắt không thiện cảm với Mẹ Têrêsa.

Từ năm 1970, Mẹ Têrêsa trở nên một nhân vật nổi tiếng thế giới với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần cũng nhờ cuốn sách và bộ phim tư liệu tựa đề “Something Beautiful for God” ( Điều Tốt Đẹp Dành Cho Chúa ) của Malcome Muggeridge.

Bà không chỉ là người loan báo Tin Mừng, mà còn là một “lương y” tận tình chăm sóc người phong cùi.  Cách dấn thân của bà đã thay đổi người dân Calcutta, chính các Nữ Tu Dòng Loreto cũng trở lại tìm bà.

Dân Calcutta rất quý mến Mẹ Têrêsa.  Các chị em học ở trường nữ Loreto hồi thập niên 1970 đều trở nên các bà vợ tốt, có địa vị trong xã hội và tình nguyện hoạt động xã hội theo ý định của Mẹ Têrêsa, nhất là vì trại phong.  Những năm sau, Mẹ Têrêsa rất tin tưởng những phụ nữ tốt nghiệp trường Loreto.

Số phận những người vận động luân lý dễ bị tổn thương vì các thay đổi của thói đạo đức giả hoặc tùy tiện của các chiến dịch.  Những kẻ gièm pha đã kết tội Mẹ Têrêsa là phóng đại cảnh nghèo khổ của dân Calcutta.  Mẹ Têrêsa luôn phải phải đấu tranh, dù vẫn bị người ta chỉ trích nhưng hoạt động của bà không suy giảm.  Thậm chí bà còn thành công và cảm hóa chính những người đã nghi ngờ hoặc những người ghen ghét bà.  Chính Mẹ Têrêsa đã thay đổi nhiều trái tim, đó là phép lạ thực sự vĩ đại.

Mẹ Têrêsa nói: “Ở Tây phương có sự cô đơn, điều mà tôi gọi là bệnh-phong-của-Tây-phương.  Bằng nhiều cách, nó còn tệ hơn người nghèo của chúng tôi tại Calcutta.  Tôi không bao giờ từ chối một đứa trẻ nào, không bao giờ, dù chỉ một”.

Năm 1950, cũng là năm Mẹ Têrêsa lập Dòng Truyền Giáo Bác Ái, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã phê chuẩn Dòng này.  Cuối thập niên 80, Mẹ Têrêsa cũng đã từng có những lần sang thăm Việt Nam, một số Giáo Xứ ở Sàigòn như Thanh Đa, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, Mai Khôi Tú Xương… đã được vinh dự đón tiếp Mẹ hoặc đến hiệp dâng Thánh Lễ giữa cộng đoàn.

Vì tuổi cao sức yếu, Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5.9.1997, sau hơn nửa thế kỷ phục vụ những người cùng đinh trong xã hội trong Đức Ái của Chúa Giêsu.  Mẹ Têrêsa được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước ngày 19.10.2003.

Mẹ Têrêsa là nhân chứng sống động của Lòng Chúa Thương Xót. Thật tuyệt vời và phấn khởi, nhưng cũng thực sự mắc cỡ, khi nhớ lại lời nhận xét của Mẹ: “Người nghèo KHÔNG CẦN chúng ta THƯƠNG HẠI, họ cần TÌNH YÊU và CẢM THÔNG. Họ cho chúng ta nhiều hơn chúng ta cho họ. Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi xin một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến, và khi họ ra về, họ có chung nhận xét là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho. Có một lần ờ Calcutta, chúng tôi nhặt được năm người đang hấp hối, trong đó có một người phụ nữ bệnh quá nặng. Tôi muốn ngồi với chị trong giờ phút cuối cùng. Tôi đặt tay tôi lên tay chị. Chợt chị tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát, nhưng cười và nói lời cảm ơn trước khi nhắm mắt từ giã cuộc đời”.

Lạy Mẹ Têrêsa, xin ban cho chúng con trái tim nhân hậu như Mẹ để chúng con yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người bị ruồng bỏ, những người bị ngược đãi, … Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ giàu lòng thương xót của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU