BÀI HỌC TRỰC QUAN VỀ LÒNG YÊU THƯƠNG

Tại một khúc đường vắng trên con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô có một khách bộ hành bị trọng thương đang quằn quại rên siết.  Khúc đường nầy xưa nay vẫn thường xảy ra những vụ cướp của giết người nghiêm trọng.  Hẳn đây lại là một nạn nhân khác do bọn cướp gây ra.

Một hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang tiến lại gần.  Khi người bộ hành gần ZZđến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị Tư Tế.  Ngài vốn thông làu lề luật yêu thương, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh ta.  Nhưng rồi vị Tư Tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên mà đi thẳng, để mặc anh nằm đó.

Một lát sau, có một thầy Lê-vi đi qua, vị nầy đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, nhưng rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh, có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn lảng vảng đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia.  Thôi, khôn hồn thì rảo bước cho nhanh, mau qua khỏi nơi nguy hiểm nầy.

Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp đâu đây vọng lại, rồi vị khách đi đường thứ ba xuất hiện. Đây là người dân Sa-ma-ri.  Chẳng hy vọng gì nơi hạng người như thế, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là quân lạc đạo chẳng ra gì.

Thế nhưng, người Sa-ma-ri nầy lại cho lừa dừng lại, bước xuống cúi mình trên nạn nhân, cảm thương thân phận người xấu số.  Ông mở hành trang lấy rượu rửa sạch vết thương, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay trở về quán trọ.  Đến nơi, ông lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như lo cho người thân yêu của mình.  Sáng hôm sau, vì công việc gấp rút đòi buộc, ông phải vội lên đường; nhưng trước khi ra đi, ông trao tiền cho chủ quán và dặn dò: “Xin ông lo chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông”.

***********************************

Điều tuyệt vời nơi con người nhân ái nầy là đức tính sẵn sàng phục vụ.  Phục vụ tức thời không so đo tính toán.  Phục vụ bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đang lúc phải đi về Giê-ri-cô cho nhanh trước khi trời tối, mà phải dừng lại tại một nơi không ngờ trước, bày tỏ tình thương mến một nạn nhân xa lạ bằng những chăm sóc hết sức ân cần chu đáo, bất chấp hiểm nguy cho tính mạng mình, chấp nhận mất mát thời giờ, tiền của, đành để cho vợ con chờ đợi sốt ruột ở nhà, gác bỏ qua bên bao nhiêu công việc cấp bách… thì đây quả là một con người hy sinh cao thượng hiếm có.

Bài dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành nầy đáng được xem là tinh hoa của lề luật, là cốt tuỷ của nền luân lý ki-tô giáo, là minh họa hay nhất cho lề luật yêu thương, là tấm gương soi cho tất cả những người con cái Chúa.

Giữ luật yêu thương không chỉ là tâm niệm luật ấy trong lòng đêm ngày như những kinh sư và biệt phái.  Giữ luật yêu thương không phải là lặp lại luật ấy trên môi, đeo câu luật yêu thương trên tay, trên trán hay dán lên khung cửa ra vào như những người Do Thái xưa kia thường làm.

Nhưng giữ luật yêu thương chủ yếu là cúi xuống trên những mảnh đời bất hạnh để ủi an chăm sóc, là chia cơm sẻ áo, là trở thành người tôi tớ phục vụ tha nhân bất cứ khi nào họ cần.

***********************************

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa là bậc Thầy khôn ngoan lỗi lạc.  Qua bài Tin Mừng nầy, Chúa dạy chúng con  một bài học trực quan rất sinh động về yêu thương: Yêu thương là cúi xuống chăm sóc người bất hạnh bất cứ lúc nào, bất kể nơi nào, như người Sa-ma-ri đã thực hiện.

Xin ban thêm cho chúng con đức tin và lòng yêu mến.  Tin Chúa hiện diện nơi mọi người, đặc biệt là nơi những người cùng khổ và đem hết khả năng để phục vụ và yêu mến họ, vì khi thực hành như thế là chúng con đang làm cho chính Chúa.

LM Inhaxiô Trần Ngà

 

NHỮNG ĐÒI HỎI THIẾT YẾU ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ TRƯỞNG THÀNH

ZZTrong quyển tiểu sử của mình, Morris West cho rằng, ở một độ tuổi nhất định nào đó của cuộc đời, tự điển tâm linh của chúng ta đơn giản chỉ còn ba câu: Cám ơn!  Cám ơn!  Cám ơn!  Ông đúng nếu chúng ta hiểu trọn vẹn thế nào là sống với tấm lòng biết ơn.  Biết ơn là đức hạnh cao nhất, là nền tảng cho các thứ hạnh khác, kể cả tình yêu.  Và nó còn đồng nghĩa với thánh thiện.

Biết ơn không chỉ là điều xác định sự thánh thiện, mà còn xác định cả sự trưởng thành.  Chúng ta trưởng thành khi đạt đến mức độ biết sống biết ơn.  Nhưng điều gì sẽ cho chúng ta được như thế?  Điều gì cho chúng ta một sự trưởng thành nhân bản sâu sắc hơn?  Tôi muốn nêu ra đây mười đòi hỏi chính yếu cả trong sự trưởng thành nhân bản lẫn trưởng thành Kitô giáo:

  1. Sẵn sàng đảm nhận hơn nữa những phức tạp đời sống với lòng cảm thông: Trong cuộc sống, có rất ít điều trắng đen hoặc đơn giản là xấu tốt rõ ràng, kể cả trong tâm hồn và động cơ của chúng ta. Sự trưởng thành làm cho chúng ta nhìn nhận, thông hiểu và chấp nhận sự phức tạp này với lòng cảm thông để, như Chúa Giêsu, chúng ta khóc những giọt nước mắt thông hiểu cho những đô hội hỗn loạn và những tâm hồn phức tạp của chính chúng ta.
  2. Ghen tương, giận dữ, chua cay, thù ghét phải được biến đổi, không ăn miếng trả miếng. Bất kỳ nỗi đau hay áp lực nào không được biến đổi, thì chúng sẽ được chúng ta lan truyền tiếp. Khi đối diện với ghen tương, giận dữ, chua cay, thù ghét, chúng ta phải như người lọc nước, giữ độc tố bên trong, chỉ để cho giòng nước tinh khiết chảy ra ngoài, chứ đừng làm như sợi dây điện, cứ để điện năng xuyên qua mà không lọc.
  3. Hãy mềm dẻo chịu đựng hơn là để tâm hồn chai cứng: Chịu đựng và khiêm nhường luôn có trong chúng ta, nhưng cách chúng ta đáp trả, tha thứ hay chua cay, sẽ định rõ mức độ trưởng thành và chân tướng của chúng ta. Đây có lẽ là phép thử cao nhất cho đạo đức của chúng ta: Liệu lòng khiêm tốn của tôi sẽ làm mềm dịu hay chai cứng tâm hồn tôi đây?
  4. Tha thứ: Đến cuối cùng, chỉ có một điều kiện để được vào thiên đàng (cũng như để sống trong cộng đồng nhân loại), chính là sự tha thứ. Có lẽ trong nửa sau cuộc đời mình, việc khiến chúng ta phải đấu tranh nhiều nhất chính là hành động tha thứ: Tha thứ cho những ai đã làm chúng ta tổn thương, tha thứ cho bản thân vì những khiếm khuyết, và tha thứ cho Thiên Chúa vì dường như Ngài đã bất công để chúng ta kiệt lực khi đối diện với thế giới này.  Trong tất cả, đòi hỏi đạo đức lớn nhất chính là đừng để mình chết đi với một tâm hồn chua cay và bất dung.
  5. Sống biết ơn: Là một vị thánh nghĩa là được kích động bởi lòng biết ơn, không hơn không kém. Đừng để ai lừa mình với tư tưởng cho rằng lòng sốt sắng với chân lý, với giáo hội, và ngay cả với Thiên Chúa có thể cao hơn hay ít ra cũng ngang với đòi hỏi không nhân nhượng là chúng ta phải luôn luôn biết sống trong tâm tình biết ơn. Thánh thiện là sống biết ơn.  Không có lòng biết ơn, chúng ta sẽ thấy mình đang làm những điều đúng cho những động cơ sai lầm.
  6. Chúc phúc hơn là chúc dữ: Chúng ta trưởng thành khi chúng ta khẳng định mình bằng điều mà chúng ta hướng đến hơn là điều mà chúng ta chống lại và đặc biệt sự trưởng thành của chúng ta được đánh dấu khi chúng ta, như Chúa Giêsu, biết tìm đến tha nhân và nhìn họ với cặp mắt chúc lành (“Xin Chúa chúc lành cho bạn!”) hơn là chúc dữ (“Bạn nghĩ bạn là ai vậy”?) Có khả năng khen ngợi hơn là phê phán là dấu hiệu cho thấy mức độ trưởng thành của mỗi người.
  7. Sống minh bạch và lương thiện: Chúng ta không bình thường khi khư khư ôm giữ các bí mật bệnh hoạn nhất của mình, nhưng chúng ta sẽ sống lành mạnh khi chúng ta sống lương thiện. Như Martin Luther đã từng nói, chúng ta cần “phạm tội một cách dũng cảm và chân thật.”  Sự trưởng thành không có nghĩa là chúng ta trở nên hoàn hảo hay vô tội, nhưng có nghĩa là chúng ta sống chân thật.
  8. Cầu nguyện bằng cảm xúc lẫn theo nghi thức: Nguồn năng lượng chúng ta cần để cho mình sống trong lòng biết ơn và tha thứ không nằm ở sức mạnh của ý chí nhưng ở ân sủng và cộng đoàn. Chúng ta được vậy là nhờ cầu nguyện.  Chúng ta trưởng thành khi biết mình bất lực và biết nhờ đến sức mạnh Thiên Chúa, cũng như khi biết cầu nguyện với tha thân để cho toàn thế giới cũng sẽ cầu nguyện như vậy.
  9. Mở rộng vòng tay hơn bao giờ hết: Chúng ta trưởng thành khi định nghĩa được ai là gia đình mình (Ai là anh chị em tôi?) theo một cách đại kết, liên tôn, không phân biệt tư tưởng, không kỳ thị. Chúng ta chỉ trưởng thành khi biết thương xót như Thiên Chúa giàu lòng thương xót, mặt trời chiếu cho cả người mình thích và không thích.  Đến một lúc, chúng ta phải thay thế các áp phích cổ động yêu thương bằng những cái chậu cái khăn để cùng tắm chung một dòng nước.
  10. Hãy ở đúng vị thế của mình, và để Thiên Chúa bảo vệ bạn: Xét tận cùng, tất cả chúng ta đều yếu ớt, chỉ nhờ vào may rủi, và vô vọng, không bảo vệ những người chúng ta yêu mến, và cả chính chúng ta nữa.  Chúng ta không thể bảo đảm sự sống, an toàn, ơn cứu rỗi, hay sự tha thứ cho chính mình hay cho những người mình yêu thương.  Sự trưởng thành dựa trên việc chấp nhận sự thật này hơn là cứ mãi lo lắng về nó.  Chúng ta chỉ có thể làm hết sức mình, bất kể quãng đời nào, vị thế nào, giới hạn hay khiếm khuyết của mình, và tin rằng như vậy là đủ, tin rằng nếu chúng ta ngã xuống nơi chiến điểm của mình, trong chân thật, trong khi đang làm nhiệm vụ được giao, thì chính Thiên Chúa sẽ lo cho phần còn lại.

Thiên Chúa là một bậc cha mẹ yêu thương vô vàn, tràn đầy thông hiểu, và hoàn toàn cảm thông. Chúng ta trưởng thành và tự do thoát khỏi những lo lắng sai lầm, khi chúng ta hiểu được và tin tưởng sự thật đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 

TỪ MỘT BÀO THAI BỊ PHÁ HỤT THÀNH TÔNG ĐỒ 

Cách đây 30 năm, tức là năm 1977, một thiếu nữ 17 tuổi, có bào thai 7 tháng rưỡi, vào một dưỡng đường ở tiểu bang California, Hoa Kỳ, để phá thai.  Bác sĩ dùng phương pháp đổ dung dịch ZZnước muối vào bào thai và giữ trong 18 tiếng đồng hồ để trục ra ngoài ngày 6.4.1977.  Nhưng bào thai của thiếu nữ đó, thay vì bị quẳng vào thùng rác như bao nhiêu trường hợp khác, lại được một người mau lẹ đưa vào nhà thương gần đó để cứu cấp vì thấy thai nhi còn sống.

Trong 4 tháng đầu tiên, hài nhi bé bỏng chỉ nặng một ký-lô, được nuôi trong lồng kính và phải chiến đấu với cái chết.  Bác sĩ chẩn bệnh thấy rằng hài nhi bị liệt não.  Dầu vậy, bà Penny, một người vẫn nổi tiếng là sẵn sàng nhận nuôi những trẻ em có nguy cơ bị tàn tật nặng, đã nhận hài nhi đó và đặt tên cho cô bé là Gianna Jessen.  Các bác sĩ bảo bà Penny rằng Gianna sẽ không bao giờ ngồi dậy được và chắc chắn sẽ không bao giờ có thể đi được.  Cô bé sẽ sống như một khúc cây suốt đời.  Vì thế, họ khuyên bà Penny đừng phí thời giờ mà nhận nuôi Gianna Jessen làm chi.

Tuy nhiên, bà Penny vẫn cương quyết nhận Gianna.  Nhờ các phương pháp vật lý trị liệu, năm lên 3 tuổi cô bé Gianna đi được.  Lúc đó, cô Diana DePaul, con gái của bà Penny, chính thức làm đơn xin tòa cho nhận Gianna làm con nuôi và thế là bà Penny trở thành bà ngoại nuôi của cô bé.  Diana tiếp tục cho đứa con nuôi theo các phương pháp vật lý trị liệu và ngày nay, Gianna trở thành phụ nữ 30 tuổi, khuôn mặt xinh đẹp, mái tóc vàng óng ánh, cũng sinh hoạt như bao nhiêu thiếu nữ khác, ngoại trừ cô hơi đi khập khiễng.

Bà Penny cũng như cô Diana không hề nói với Gianna về hoàn cảnh sinh ra của cô.  Tuy nhiên, dần dần cô đã đoán được sự thật.  Nhờ tình thương của mẹ nuôi, cô Gianna đã chấp nhận được sự thật đau thương đó.  Chẳng bao lâu người ta phát giác câu chuyện của cô, và các tổ chức bênh vực Sự Sống con người tranh nhau mời cô đi diễn thuyết.

Từ năm 1990 trở đi, mỗi tháng cô Gianna Jessen dành 25 ngày đi nhiều nơi trên nước Mỹ để diễn thuyết về việc bênh vực Sự Sống và chống phá thai.  Cô cũng làm nghề thâu băng đĩa nhạc để sinh nhai.  Hồi tháng 11 năm 2005, cô đã đến nói chuyện tại nhiều đại học trên toàn đảo Ai-len, và tháng 12 sau đó, cô đã nói trong một cuộc họp tại Hạ Nghị Viện Anh ở Luân Đôn.  Cô nói: “Tôi là một thiếu niên hoàn toàn bình thường,  nhưng tôi có một câu chuyện thật để kể lại: Câu chuyện về sự hiện diện và hoạt động của Chúa trong đời tôi.”

Sự hiện diện của cô Gianna trong các buổi diễn thuyết là một bằng chứng sống động cho thấy phá thai là giết các hài nhi trong rất nhiều trường hợp vẫn còn có thể sống được.  Cô xuất hiện trên các đài truyền hình toàn quốc, các đài phát thanh, các dịp đại hội của các trường trung học, để thông truyền cho mọi người sứ điệp: “Bào thai cũng là một người, và bào thai đó đang đứng trước mặt quý vị đây, đang sống và hô hấp.  Bào thai đó không phải chỉ là một mớ tế bào người ta có thể cắt bỏ như một khúc ruột thừa.”

Là một tín hữu Công Giáo nhiệt thành, cô Gianna Jessen tin rằng sự kiện cô được sống sót trong vụ mẹ ruột của cô phá thai như vậy là một dấu chỉ chứng tỏ Chúa muốn cô hoạt động bênh vực Sự Sống của các thai nhi khác.  Cô không hề oán hận bà mẹ ruột đã muốn sát hại cô.

Cô dùng âm nhạc để kể chuyện đời mình, cô hát những bài ca Phúc Âm và cả những nhạc dân ca Công Giáo hiện hành ở Mỹ và mỗi lần hát, cô đều tuyên bố là hát tặng các thai nhi bị phá mà không được cứu thoát như cô.   Bài ca cô Gianna thích hát nhất là bài “Các bạn” do ông Michael Smith sáng tác, trong đó có câu: “Tôi hát tặng những hài nhi bé nhỏ phải chết mỗi ngày vì phá thai, tôi hát tặng họ vì họ là những người bạn của tôi và một ngày kia tôi sẽ được thấy họ trên Trời.”

Cũng có những lần cô Gianna gặp sự chống đối của những người ủng hộ phá thai.  Một lần kia, khi cô vừa bắt đầu nói chuyện, thì có người đứng lên hét lớn rằng: “Bào thai trước khi sinh ra không phải là một đứa trẻ.”  Nhưng cô đáp: “Điều này làm tôi ngạc nhiên quá sức.  Tôi không hiểu tại sao người ta có thể nói như vậy được.  Vậy thì trước kia tôi là gì, bộ tôi là con cá hả?”

Trong phần lớn các trường hợp, những cuộc nói chuyện của cô Gianna Jessen đã có ảnh hưởng lớn nơi nhiều phụ nữ trẻ định phá thai.  Nhiều phụ nữ đến nói với Gianna và mẹ nuôi của cô rằng chính nhờ nghe câu chuyện của Gianna, họ quyết định không phá thai nữa.  Cũng có những người thay vì phá thai thì mang thai cho trọn và sau đó cho người khác nhận làm con nuôi.

Tuy bước chân của Gianna Jessen hơi khập khiễng, nhưng cô vẫn tham gia các cuộc đi bộ đường trường để cổ võ bênh vực Sự Sống và chống phá thai.  Ngày 30 tháng 4 năm 2005, cô đã đi 42 cây số trong vòng hơn 7 tiếng đồng hồ.  Ngày 23 tháng 4 năm 2006, cô Gianna cũng tham dự cuộc đi bộ đường trường tại Luân Đôn.

Ý thức thân phận mình từng là trẻ không được cha mẹ săn sóc, cô Gianna đã nhận bảo trợ nuôi 56 trẻ em ở các nơi.

  1. TRẦN ĐỨC ANH, Dòng Đa Minh, Đài Vatican ngày 17.4.2007

(theo Ephata 312)