ĐÀO TẠO TÔNG ĐỒ

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về mẻ cá lạ lùng mà Phêrô và các bạn được chứng kiến.  Đây chỉ đơn thuần là một phép lạ lớn lao cho ta ngưỡng phục quyền năng của Thiên Chúa.  Nhưng qua dấu lạ này, Chúa Giêsu còn muốn mời gọi ta ra khơi truyền giáo.  Và qua tiến trình của phép lạ, Chúa Giêsu đã áp dụng một chương trình đào tạo các môn đệ, đặc biệt là Phêrô, người đứng đầu các môn đệ. Chương trình đào tạo này gồm 4 điểm.
W5Điểm thứ nhất: cảm nghiệm về sự nghèo nàn của bản thân.
Phêrô và các bạn đang giặt lưới.  Các ông mệt mỏi sau một đêm thức trắng vật lộn với biển khơi.  Tâm trạng các ông chán nản sau thất bại chua cay não nề.  Thế mà giờ đây, Chúa Giêsu lại bảo các ông ra khơi.  Ra tận chỗ nước sâu.  Nước sâu là chỗ nguy hiểm.  Nước sâu là chỗ Phêrô gặp thất bại.  Chúa Giêsu muốn Phêrô trở lại chỗ nước sâu để nhận thức rõ sự vô tài bất lực của bản thân.  Chúa Giêsu muốn Phêrô nhìn rõ những thất bại để ông biết khiêm nhường.  Khiêm nhường là bài học đầu tiên Chúa Giêsu muốn gửi đến các môn đệ của Người.

Điểm thứ hai: cảm nghiệm về sự cao cả của Thiên Chúa.
Người tông đồ phải làm chứng về Thiên Chúa.  Muốn làm chứng phải có kinh nghiệm.  Ai chưa từng gặp được Thiên Chúa, chưa từng tiếp xúc với Người thì không thể làm chứng về Người.  Trong những trường hợp đặc biệt, Thiên Chúa thường chủ động tỏ mình ra.  Chúa tỏ mình cho Môsê trong bụi gai cháy đỏ.  Chúa tỏ mình ra cho thánh Phaolô qua làn ánh sáng chói lọi trên đường đi Đa mát.  Hôm nay Chúa tỏ mình ra cho Phêrô qua mẻ lưới lạ lùng.  Lập tức Phêrô nhận biết sự cao cả, sự thánh thiện của Chúa.  Sợ hãi vì thấy mình tội lỗi, Phêrô vội quỳ xuống xin Chúa rời xa.  Phêrô đã sống bên cạnh Chúa.  Ông đã được tiếp xúc với Chúa.  Ông đã cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả của Chúa.  Sau này ông đi rao giảng chỉ là để kể lại những gì ông đã mắt thấy tai nghe.

Điểm thứ ba trong chương trình đào tạo môn đệ của Chúa đó là sự vâng lời tuyệt đối.
Phêrô hẳn là rất ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bảo ông ra khơi đánh cá, lại còn chỉ rõ nơi thả lưới.  Không ngạc nhiên sao được khi Phêrô là người miền biển trong khi Chúa Giêsu là người miền núi.  Phêrô làm nghề chài lưới lâu năm kinh nghiệm trong khi Chúa Giêsu chỉ làm nghề thợ mộc.  Thế mà khi Chúa Giêsu bảo ông thả lưới bên phải thuyền, ông đã tăm tắp làm theo.  Phêrô đã vâng lời tuyệt đối.  Phêrô đã học được thái độ vâng lời của người môn đệ.  Ông đã thành công.  Ông đã thấy kết quả rõ ràng.  Và Chúa đã đặt ông làm tông đồ trưởng.

Điểm sau cùng mà Chúa muốn người môn đệ phải có đó là sẵn sàng ra đi.
Ra đi là một thái độ liều lĩnh.  Vì vượt qua những khoảng không gian vật lý cheo leo.  Ra khơi là chấp nhận đối đầu với phong ba bão táp.

Vượt qua những khoảng không gian vật lý đã khó.  Vượt qua những khoảng không gian tâm lý còn khó hơn.  Ra đi là bỏ nơi an toàn để đến nơi bấp bênh.  Ra đi là bỏ nơi quen biết để đến nơi xa lạ.  Lên đường truyền giáo là bỏ lại tất cả: gia đình, thuyền bè, chài lưới.  Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững.  Bỏ lưới cá để chài người.

Nhưng khó nhất chính là ra khỏi chính mình.  Dù có đi xa ngàn dặm nhưng vẫn giữ được những thói tật xưa cũ thì người ta vẫn còn ở khởi điểm.  Muốn lên đường người môn đệ phải ra khỏi tính tự ái tự mãn của mình.  Ra khỏi những quan niệm xưa cũ hẹp hòi.  Ra khỏi những ảo tưởng viễn vông.  Ra khỏi những ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.

Khi đã từ bỏ tất cả, người môn đệ sẽ trở nên hoàn toàn nghèo nàn.  Gia tài chỉ có niềm cậy tin phó thác hoàn toàn vào Đấng kêu gọi ta.  Vũ khí chỉ có lòng vâng phục tuyệt đối vào Đấng sai ta.

Mỗi người được Chúa huấn luyện.  Bao lâu ta chưa cảm nghiệm được sự hèn kém của bản thân, chưa cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả cũng như tình yêu của Thiên Chúa, chưa có niềm vâng phục tuyệt đối, chưa ra đi trong tự do và khó nghèo, ta vẫn chưa thực sự trở thành môn đệ của Chúa.  Chưa được đào tạo kỹ lưỡng mà đã làm việc thì phần thành công chắc chắn sẽ ít hơn phần thất bại.

Lạy Chúa, xin hãy dạy bảo con theo đường lối của Chúa. Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt Continue Reading →

CÓ THỂ LÀ TỘI NHÂN, NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC LÀ KẺ HƯ HỎNG

“Chúng ta hãy tha thiết nài xin Thiên Chúa để dẫu chúng ta có yếu đuối phạm tội nhưng đừng bao giờ trở thành những kẻ hư hỏng (corrotti), không cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.”  Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu, ngày 29.01, tại nguyện đường thánh Marta.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Sa-mu-en, thuật lại chuyện vua Đa-vít và bà Bát Se-va, Đức Thánh Cha đã phân biệt giữa tội nhân và kẻ hư hỏng.  Khác với những người hay phạm tội nhưng biết ăn năn, kẻ hư hỏng không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.

“Con người có thể hay phạm tội nhưng luôn biết chạy đến với Thiên Chúa để chân thành nài xin sự tha thứ.  Chân thành nài xin chứ không bao giờ nghĩ rằng tự sức mình có thể đạt được sự tha thứ ấy.  Nhưng khi con người bắt đầu trở nên hư hỏng, không còn cảm thấy cần sự tha thứ; thì vấn nạn mới thực sự phát sinh.”

Tôi không cần Chúa

Đây là thái độ mà vua Đa-vít vướng phải khi vua say mê bà Bát Se-va, vợ ông U-ri-gia, một sỹ quan quân đội đang chiến đấu trên tiền tuyến.  Sau khi vua Đa-vít ăn nằm với bà Bát Se-va và biết rằng bà đã có thai, vua đã nghĩ ra những mưu kế để che dấu hành vi ngoại tình của mình.  Vua truyền cho ông U-ri-gia từ chiến trận quay về nhà để nghỉ ngơi và có thời gian gần gũi với vợ.  Nhưng ông U-ri-gia lại nghĩ rằng không nên về với vợ mà nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông.  Kế hoạch không thành, Vua Đa-vít chuốc rượu cho ông U-ri-gia đến say khướt, nhưng âm mưu vẫn thất bại.

W6Như thế, vua Đa-vít đã rơi vào một tình huống khó khăn.  Nhưng chắc chắn rằng, vua vẫn có thể tự nói với mình: “Ta sẽ giải quyết được việc này.”  Vua đã viết thứ cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi.  Trong thư, vua viết rằng: “Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết.”  Vua Đa-vít nhất định khiến ông U-ri-gia phải chết.  Người lính can trường và trung thành này – trung thành với lề luật, với dân tộc, tổ quốc – đã phải mang lấy án tử bởi chính vị vua mà ông hết mực trung thành.

Tính “an toàn” của sự hư hỏng

Vua Đa-vít là thánh nhân nhưng cũng là tội đồ.  Vua đã sa ngã vì sự thèm muốn và khao khát nhục dục, nhưng Thiên Chúa vẫn rất yếu mến vua.  Vua Đa-vít cảm thấy an tâm, vì quốc gia đang hưng thịnh. Sau khi ngoại tình, với quyền lực của mình, vua đã làm mọi cách để đẩy người tôi trung đến cái chết, khi bỏ nó lại chiến trường nơi mặt trận nặng nhất.  Và cái chết vì gươm đao là chuyện vô cùng bình thường của nhà binh.

Sự kiện này xảy ra trong cuộc đời của vua Đa-vít khiến chúng ta cũng phải xem xét lại đời sống của mình: Liệu tôi có đang chuyển từ tội nhân đến một kẻ hư hỏng không?  Vua Đa-vít đã bước một chân lên nấc thang đầu tiên dẫn đến sự hư hỏng rồi.  Vua có quyền lực.  Vua có sức mạnh.  Và chính vì lý do đó, sự hư hỏng rất dễ xảy ra với chúng ta là những người có quyền lực, cho dù đó là uy quyền trong Giáo hội, tôn giáo hay trong kinh tế, chính trị…  Bởi vì, ma quỷ sẽ khiến chúng ta an tâm và tự nhủ: “Tôi có thể làm được.  Tôi sẽ giải quyết được mọi sự.”

Tội nhân, có thể chấp nhận; nhưng kẻ hư hỏng thì không

Sự hư hỏng – nhờ ân sủng Chúa, vua Đa-vít đã được giải thoát khỏi tình trạng này – đã làm thương tổn tâm hồn chàng thiếu niên anh dũng, người đã đối diện với tên Gô-li át khổng lồ và hạ hắn bằng một dây phóng đá cùng năm hòn đá cuội nhặt dưới suối.  Bởi vậy, hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em một điều thôi:  Đôi khi chúng ta phạm tội hay đời sống của chúng ta quá an toàn, chắc chắn, chúng ta cảm thấy ổn vì có nhiều quyền lực; chính lúc đó sự hư hỏng sẽ bắt đầu.  Một trong những điều tồi tệ nhất mà sự hư hỏng gây ra là khiến người ta không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.

Bởi vậy, chúng hãy tha thiết cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, linh mục, các nam nữ tu sĩ và tất cả mọi tín hữu: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con.  Xin cứu vớt chúng con khỏi sự hư hỏng.  Chúng con là tội nhân, nhưng lạy Chúa, xin đừng để chúng con trở thành những kẻ hư hỏng, không cần đến sự tha thứ của Chúa nữa.” Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ân sủng này.”

ĐGH Phanxicô
Chuyển ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ

XIN ĐỂ THÊM MỘT THỜI HẠN

Nhìn lên trần nhà đầy mạng nhện đeo bám, càng tối càng không thấy, nhưng khi nhìn gần, nhìn có ánh sáng soi chiếu sẽ thấy rõ cả những nhện con, những mạng lưới chằng chịt.  Tâm hồn con người cũng như thế, sống trong bóng tối thì không thấy mình tội lỗi, trái lại khi sống trong ánh sáng lại biết mình là tội nhân.

Môisen, có một lần lùa đàn cừu tận núi Khoreb, bỗng nhiên ông nhìn thấy một quang cảnh hùng vĩ: bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi.  Trước Thiên Chúa thánh thiện, Môisen thấy mình nhỏ bé, tội lỗi (Xh. 3, 1-5).

Phêrô, trước mẻ cá lạ lùng cũng thấy mình yếu hèn, bất xứng, liền nói với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là người tội lỗi (Lc 5, 8).

Trước Thiên Chúa là Đấng Thánh, Chí Thánh, Ngàn Trùng Chí Thánh, con người chỉ là tội nhân cần đến lòng thương xót của Người.  Vì thế mỗi người luôn cần đến sám hối và hoán cải.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể câu chuyện: Nhân sự kiện hai vụ án Philatô giết người vô tội và tháp Silôa đổ xuống đè chết 18 người, Chúa Giêsu cảnh tỉnh: nếu các ngươi không sám hối thì cũng bị chết như vậy (Lc 13:3-5).

Người đời thường nghĩ rằng: những kẻ bị tật nguyền, những ai bị tai hoạ là bởi tội của họ hoặc do tiên nhân để lại.  Họ đã đau khổ lại càng đau khổ hơn bởi quan niệm sai lầm này. Trong thực tế mọi người phải chấp nhận giới hạn của mình và hậu quả do mình gây nên hay vì sự liên đới nào đó do người khác mang lại.  Chẳng hạn, hai tai nạn Chúa Giêsu đưa ra trong trong đoạn Tin mừng đều có nguyên nhân của nó.  Philatô cần có tiền để xây dựng hệ thống dẫn nước đem lại lợi ích cho toàn dân.  Vì thiếu tiền nên đã vào đền thờ quyên góp.  Nhóm cực hữu cho hành động này là xúc phạm sự thánh nên trang bị khí giới để chống đối và bảo vệ đền thờ.  Thấy thế Philatô ra lệnh giết chết họ trong đền thờ.  Hành động của họ dù với mục đích tốt nhưng lại thiếu khôn ngoan nên họ đã bị thiệt mạng.  Vụ án mạng tháp Silôa sập đè chết 18 người vì lý do thiếu kỷ thuật trong việc xây cất.  Vụ này cũng như vụ việc cầu Văn Thánh rạn nứt hay các công trình xây cất hiện nay bị xuống cấp mau chóng là do bớt xén vật liệu, làm dối làm ẩu.

Những tai họa đều có nguyên nhân của nó, hoặc là do mình, hoặc là do người khác.  Những người Do thái nghĩ là do có tội nên Chúa phạt họ, còn mình vô tội thì được bình yên. Điều này đưa đến sự an toàn giả tạo.  Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân nên cần phải sám hối ăn năn.  Lúc sống yên lành là lúc cần hoán cải.  Cây vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn.  Cây vả không cho trái độc, không làm hại cây khác, không phá cảnh quang.  Nó chỉ có tội làm hại đất, sử dụng đất màu mỡ mà không cho trái. Nhiều người cũng cảm thấy an toàn như cây vả.  Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai.  Thế nhưng họ lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt, những điều tốt có thể làm được và phải làm.  Nhiều người thường tự hỏi: tại sao người tốt cần phải hối cải? Tôi là người thường đọc kinh dự lễ rước lễ, không làm điều xấu hại ai, tại sao tôi phải ăn năn sám hối?  Sống đạo không phải chỉ lo tránh tội mà còn là gieo trồng cái tốt, cái thiện.

Có câu chuyện kể của ông chủ tiệm đồ cổ.  Vào một đêm đông, trời đã khuya, bão tuyết rơi lạnh lẽo, gió thổi mạnh rít từng cơn.  Bỗng dưng có tiếng gõ cửa.  Ông chủ cảm thấy khó chịu vì bị quấy rầy giữa đên khuya.  Khi cánh cửa vừa mở, một người thanh niên dáng bụi đời đang run rẩy với một bàn tay xoè ra van xin, một bàn tay đỡ cây gậy trên vai treo ít đồ đạc cá nhân.  Thấy hoàn cảnh đáng thương, ông chủ đưa tay với lấy ít bánh mì, vài đồng bạc lẻ trao cho hành khách.  Nhận được của bố thí, người thanh niên quay gót trở đi không nói lời cám ơn giã từ.  Khi đó chợt một ý tưởng đến trong đầu ông chủ nhà là nên mời người đó vào nghỉ đỡ một đêm, nhà vẫn còn phòng khách trống, còn chăn nệm ấm êm.  Tuy nhiên ông lại nghĩ nếu để cho người này ở lại thì căn nhà sạch sẽ của mình sẽ bị ẩm ướt, bị dơ bẩn.  Thế rồi ông vội vàng đóng kín cửa.  Hai ngày sau, có người thợ đem đến một cây gậy làm bằng gỗ quý. Khi đã thương lượng giá cả, người bán gậy cho biết, anh ta là người thợ chuyên đào mộ ở nghĩa trang.  Anh vừa chôn một người thanh niên mới chết, người thanh niên này vô gia cư, không tiền bạc, không người thân.  Tài sản anh ta chỉ là cây gậy, người thanh niên chết vì bị lạnh cóng, máu đông lại khi ngủ trên tuyết.  Nghe đến đây ông chủ tiệm cảm thấy hối hận và xấu hổ.  Ông hối hận không phải vì đã làm điều xấu mà vì điều tốt ông có thể làm cho người thanh niên nhưng ông đã không làm khiến cho anh phải chết rét.  Ông chủ tiệm kết thúc câu chuyện với nỗi thao thức: điều tôi ao ước là những sự dữ chúng ta làm có lẽ Thiên Chúa sẽ tha thứ.  Nhưng những gì tốt chúng ta đã không làm sẽ mãi mãi không được tha thứ.

Đó cũng chính là điều Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn cây vả.  Mục đích cây vả là sinh trái.  Người chủ vườn thất vọng không phải là cây vả sinh trái xấu, trái độc, trái chua mà là cây vả không sinh trái tốt.  Cứ để thêm một năm chăm bón vun xới may ra cây vả sinh hoa trái.  Chúa mời gọi thời gian sám hối hoán cải.  Lời mời gọi sám hối không chỉ là lời mời gọi xa tránh sự dữ nhưng còn là lời mời gọi làm việc lành, sinh hoa trái tốt.  Bởi đó, việc sám hối liên hệ ràng buộc mọi người.  Ai cũng phải làm lành lánh dữ.  Lánh dữ, không làm điều xấu chưa đủ, từ bỏ tội lỗi chưa đủ nhưng cỏn phải tích cực thực hành những điều tốt lành nữa.

Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn được yên thân, an phận, không muốn làm phiền ai và cũng không muốn ai gây phiền hà cho mình.  Vì thế một người ngoan đạo có thể bị rơi vào tình trạng tự mãn, sống ích kỷ mà không hay biết.

test      Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa. Chúa Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: “Ðã ba năm nay…” Ngài đã nuôi bao hy vọng: “Tôi ra tìm trái mà không thấy.”  Quyết định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng.  Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta.  Chúa Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém: “Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa.”  Ngài không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh: “Tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái.”  Nhưng đừng quên lời đe dọa cuối cùng: “Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi.”  Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi: đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân.  Ðức Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải, vừa chấp nhận cho ta có thời gian trì hoãn.

Mùa chay là mùa ân sủng.  Người chủ vườn nhẫn nại và quảng đại cho cây vả thêm một năm nữa để hy vọng nó có thể sinh hoa trái.  Mỗi Mùa Chay, Thiên Chúa cho chúng ta thêm cơ hội để đổi mới con người, làm nhiều việc lành bác ái phúc đức.  Mỗi người không biết mình sẽ ra đi về với Chúa khi nào.  Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người kiểm điểm về cây vả đời mình.  Thêm một cơ hội, thêm một kỳ hạn nữa.  Điều quan trọng là mỗi người đã làm gì với cơ hội và với kỳ hạn đó?

LM Giuse Nguyễn Hữu An